Sunday, 05 April 2020 08:15

Bài Giảng Đức Thánh Cha Phanxicô Trong Đại Lễ Kính Chúa Kitô Vua Vũ Trụ Featured

Lm. Đaminh Thiệu O.Cist

 

LTS: Lúc 10 giờ 00 sáng Chúa Nhật, ngày 20-11-2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ nghi đóng Cửa Thánh đền thờ thánh Phêrô trước khi dâng thánh lễ trọng thể kính Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót tại thềm đền thờ. Cùng đồng tế với Đức Thanh Cha có hàng trăm vị gồm các Hồng Y và Tân Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và mấy ngàn Linh Mục. Tham dự thánh lễ có ngoại giao đoàn và phái đoàn chính thức của nhiều nưóc, trong đó có  phái đoàn của chính phủ Italia, do tổng thống Matarella hướng dẫn và hơn 100.000 tín hữu và du khách hành hương.

***

***

“Vương Triều nghịch lý của Chúa Kitô”

 

 

Anh chị em thân mến!

Chúa Nhật Kính Chúa Kitô Vua chính là sự kết thúc của Năm Phụng Vụ và cũng là đỉnh điểm của Năm Thánh Lòng Thương Xót này. Nói một cách chính xác, Tin Mừng đã trình bày Vương Triều của Chúa Kitô như là đỉnh điểm công trình cứu chuộc của Ngài, và thực ra, với một cách thức rất đáng ngạc nhiên. “Đấng Messiah được Thiên Chúa tuyển chọn”, “Đức Vua” (Lc 23,35.37) đã xuất hiện mà không biểu lộ quyền lực và vinh quang: Ngài chết treo trên Thập Giá, và xem ra là kẻ bị khuất phục chứ không phải là người chiến thắng. Vương Quyền của Ngài là một sự nghịch lý: Ngai của Ngài là Thập Giá, triều thiên của Ngài là mạo gai; Ngài không có vương trượng, nhưng một cây lau đã được đặt vào tay Ngài; Ngài không mang cẩm bào lộng lẫy, nhưng quần áo của Ngài đã bị cướp mất; Ngài không mang nhẫn lấp lánh trên ngón tay, nhưng đôi tay Ngài bị đinh xuyên thủng; Ngài không sở hữu những kho báu, nhưng bị bán với giá ba mươi đồng bạc.

Vương Triều thực sự của Chúa Kitô không phải ở nơi thế gian này (xc. Ga 18,36), nhưng chính xác là trong Ngài, như Thánh Phao-lô Tông Đồ nói với chúng ta qua Bài Đọc II, chúng ta thấy ơn cứu độ và ơn tha thứ (xc. Cl 1,13-14). Vì sự vĩ đại của Vương Triều Ngài không hệ tại ở chỗ có quyền lực theo tiêu chuẩn thế gian, nhưng chiếu theo Tình Yêu Thiên Chúa, đó là một Tình Yêu có thể đến được với tất cả và chữa lành tất cả. Nhờ vào Tình Yêu ấy, Chúa Kitô đã hạ mình xuống với chúng ta, đã cư ngụ trong sự nghèo nàn khốn cùng của kiếp con người chúng ta, đã trải qua những điều đáng xấu hổ nhất của kiếp nhân sinh chúng ta: sự bất công, phản bội và bị bỏ rơi; Ngài đã kinh qua sự chết, đã được an táng trong mồ, đã xuống tận âm phủ. Bằng cách đó, Đức Vua của chúng ta đã đi tới tận cùng vũ trụ để ôm lấy tất cả sự sống cũng như để cứu thoát tất cả. Ngài đã không kết tội chúng ta, Ngài cũng không chế ngự chúng ta, Ngài đã không bao giờ gây tổn thương cho sự tự do của chúng ta, nhưng Ngài mở ra con đường thông qua Tình Yêu khiêm nhượng, mà Tình Yêu ấy tha thứ tất cả, hy vọng tất cả và chịu đựng tất cả (xc. 1Cr 13,7). Chỉ Tình Yêu ấy đã chiến thắng kẻ thù to lớn của chúng ta, và Tình Yêu ấy tiếp tục chiến thắng: tội lỗi, tử thần và sự sợ hãi.

Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta công bố cuộc chiến thắng vô tiền khoáng hậu ấy, nhờ vào Chúa Giêsu, Đấng đã trở thành Vua của mọi thời đại, là Chúa của lịch sử: với quyền năng duy nhất của Tình Yêu mà nó là bản thể của Thiên Chúa, là chính sự sống của Ngài, và không bao giờ ngừng (xc. 1Cr 13,8). Chúng ta hãy hân hoan chia sẻ sự tuyệt vời trước việc có Chúa Giêsu làm Vua. Sự thống trị của Ngài sẽ biến tội lỗi thành ân sủng, biến sự chết thành sự phục sinh, biến nỗi sợ hãi thành niềm tín thác.

Như vẫn sẽ còn rất ít nếu như chỉ tin rằng Chúa Giêsu là vua vũ trụ và là trung tâm điểm của lịch sử mà không để cho Ngài trở thành Chúa của đời sống chúng ta: tất cả đều vô ích nếu như chúng ta không đón nhận Ngài cách cá nhân, và nếu như chúng ta không đón nhận cách thức thống trị của Ngài. Ở đây, những con người mà bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu, sẽ giúp chúng ta. Bên cạnh Chúa Giêsu, xuất hiện ba nhân vật: đám đông dân chúng hiếu kỳ, nhóm người bên Thập Giá, và tên gian phi bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giêsu.

Trước tiên là đám đông: Tin Mừng nói rằng: “dân chúng đứng nhìn” (Lc 23,35). Không ai nói một lời, không ai đến gần. Dân chúng đứng từ đàng xa để nhìn điều gì đang diễn ra. Đó là những con người giống nhau, vì những nhu cầu riêng của mình, họ đã chen lấn để đến gần Chúa Giêsu, nhưng giờ đây lại giữ khoảng cách. Khi tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh cuộc sống hay những mong đợi không được hiện thực hóa của chúng ta, có thể chúng ta cũng sẽ bị cám dỗ muốn giữ khoảng cách với Vương Triều của Chúa Giêsu để không đón nhận sự phẫn nộ nơi Tình Yêu khiêm nhượng của Ngài cho đến cùng, mà Tình Yêu ấy gây tức giận cho cái TÔI của chúng ta cũng như quấy rối nó. Người ta thích ở lại đằng xa, thích đứng xa hơn là đến gần và trở thành người đồng cảnh ngộ. Nhưng Dân Thánh của Thiên Chúa, tức Dân có Chúa Giêsu làm vua, luôn được kêu gọi đi theo con đường Tình Yêu cụ thể của Ngài, để tự hỏi – mỗi người và mỗi ngày: “Tình Yêu đang đòi hỏi gì từ nơi tôi, nó đẩy tôi đi tới đâu? Tôi sẽ trả lời cho Chúa Giêsu làm sao với cuộc sống của mình?”.

Có một nhóm thứ hai, nhóm này tập hợp lại từ nhiều cá nhân khác nhau: những nhà lãnh đạo dân, các tên lính và một tên gian phi. Tất cả họ đều chế nhạo Chúa Giêsu. Họ dành cho Ngài những lời khiêu khích giống nhau: “Hãy tự cứu mình đi!” (xc. Lc 23,35.37.39). Đó là một cơn cám dỗ còn tồi tệ hơn là cơn cám dỗ của đám đông. Ở đây, họ cám dỗ Chúa Giêsu, giống như ma quỷ đã làm điều đó lúc khởi đầu Tin Mừng (xc. Lc 4,1-13), để Ngài khước từ việc thống trị theo cách thức của Thiên Chúa, và thay vào đó, theo logic thế gian: xuống khỏi Thập Giá và chiến thắng quân thù! Nếu ngươi là Thiên Chúa thì ngươi hãy biểu lộ quyền năng và sự ưu việt đi! Cơn cám dỗ này chính là đòn tấn công trực tiếp vào Tình Yêu: “Hãy tự cứu mình đi!” (Lc 23,37.39), không phải cứu người khác, nhưng hãy tự cứu mình đi! Cái TÔI có thể chiến thắng với sức mạnh của nó, với danh vọng của nó và với sự thành công của nó. Đó là một cơn cám dỗ đáng sợ nhất, đó là cơn cám dỗ xuất hiện từ đầu đến cuối Tin Mừng. Nhưng khi tận mắt chứng kiến cuộc tấn công vào bản tính có tính sinh tử của con người Ngài, Chúa Giêsu đã không nói bất cứ điều gì, Ngài không hề phản ứng. Ngài không biện minh cũng không cố gắng thuyết phục, Ngài đã không bào chữa cho Vương Triều của Ngài. Thay vào đó, Ngài tiếp tục yêu thương, tha thứ, sống khoảnh khắc thử thách trong sự đồng tâm nhất trí với Thánh Ý của Thiên Chúa Cha, và trong niềm xác tín rằng, Tình Yêu sẽ đơm bông kết trái.

Đón nhận Vương Triều của Chúa Kitô, chúng ta được kêu gọi hãy chiến đấu chống lại cơn cám dỗ và hướng cái nhìn lên Đấng Chịu Đóng Đinh cũng như không ngừng trung tín với Ngài. Trái lại, nhiều người, ngay cả chúng ta nữa, vẫn thường kiếm tìm những sự an toàn mang tính tạm bợ mà thế gian giới thiệu. Chúng ta thường xuyên bị cám dỗ muốn xuống khỏi Thập Giá biết là dường nào. Sức cuốn hút của quyền lực và sự thành công được trình bày như là một con đường dễ dàng và nhanh chóng đối với việc loan báo Tin Mừng, và ở đây, việc Triều Đại Thiên Chúa hoạt động như thế nào sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Năm Thánh Lòng Thương Xót này mời gọi chúng ta hãy tái khám phá ra điểm trung tâm để trở về lại với những điều chính yếu. Mùa của Lòng Thương Xót này mời gọi chúng ta hãy nhìn lên dung nhan đích thực của Đức Vua chúng ta, Dung Nhan ấy chiếu sáng trong ngày Phục Sinh, và tái khám phá ra dung nhan trẻ trung và mỹ miều của Giáo Hội, mà dung nhan ấy sẽ tỏa sáng khi Giáo Hội trở nên hiếu khách, tự do, trung tín, nghèo nàn nơi của cải vật chất, nhưng giầu có nơi Đức Ái và truyền giáo. Nếu như Lòng Thương Xót dẫn chúng ta đi vào trong con tim của Tin Mừng, thì rồi nó cũng đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ những thói quen và những tập quán, mà chúng có thể ngăn cản việc phục vụ Triều Đại Thiên Chúa; Lòng Thương Xót nhắc chúng ta chỉ hướng đến Vương Triều khiêm nhượng của Chúa Giêsu và đừng thích ứng với những vương quyền thiếu chắc chắn và những quyền lực bất định của bất cứ thời đại nào.

Trong Tin Mừng vẫn còn một nhân vật khác, nhân vật này ở ngay bên cạnh Chúa Giêsu. Đó là tên gian phi, anh đã xin Ngài: “Ông Giêsu ơi, khi nào ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,42). Con người này đã ngước nhìn lên Chúa Giêsu một cách đơn giản, và qua đó tin vào Vương Quốc của Ngài. Anh đã không tự nhốt mình lại trong chính mình, nhưng đã hướng về Chúa Giêsu với những lỗi lầm, tội lỗi và những khó khăn của mình. Anh đã xin Ngài nhớ đến anh, và anh đã có được kinh nghiệm về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa: “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43). Ngay khi chúng ta trao cho Ngài cơ hội, thì Thiên Chúa sẽ lập tức nhớ tới chúng ta. Ngài sẵn sàng xóa sạch mọi tội lỗi của chúng ta, xóa hoàn toàn và vĩnh viễn, vì ký ức của Ngài không ghi chép lại những điều xấu xa đã làm, và không bao giờ tính toán về những điều bất công đã phải chịu đựng như chúng ta vẫn làm. Thiên Chúa sẽ không nhớ tới những tội lỗi nữa, Ngài nhớ tới chúng ta, nhớ tới từng người một trong chúng ta, những đứa con mến yêu của Ngài. Và Ngài tin rằng, vẫn luôn có thể tái bắt đầu và tái đứng dậy.

Chúng ta cũng hãy cầu xin cho mình ơn có được ký ức rộng mở và sống động ấy. Chúng ta hãy cầu xin cho được ơn đừng bao giờ đóng sập những cánh cửa của sự giao hòa và tha thứ, nhưng luôn luôn vượt lên trên sự ác và những bất đồng, và mở ra bất cứ con đường hy vọng nào có thể. Như Thiên Chúa vẫn tin vào chính chúng ta một cách không giới hạn, bất chấp những công lao của chúng ta, chúng ta cũng được kêu gọi hãy trao tặng niềm hy vọng cho người khác cũng như hãy trao cho họ những cơ hội. Vì ngay cả khi Cổng Thánh được đóng lại, thì cánh cổng đích thực của Lòng Thương Xót, tức Thánh Tâm của Chúa Giêsu, vẫn tiếp tục được mở ra cho chúng ta. Từ cạnh sườn được mở ra của Đấng Phục Sinh, Lòng Thương Xót, niềm ủi an và niềm hy vọng vẫn tiếp tục tuôn trào cho tới thời cùng tận.

Nhiều khách hành hương đã bước qua các Cổng Thánh, và đã kinh qua sự tốt lành lớn lao của Thiên Chúa, vượt sang bên kia những bản báo cáo ồn ào. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa về điều đó, và chúng ta hãy nhớ rằng, Lòng Thương Xót được ban tặng cho chúng ta để chúng ta mang lấy nếp nghĩ của Lòng Thương Xót, và rồi chính chúng ta cũng sẽ trở nên những khí cụ của Lòng Thương Xót. Chúng ta hãy cùng nhau đi tiếp con đường này. Ở đây, Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, sẽ đồng hành với chúng ta. Mẹ cũng đã ở gần bên Thập Giá và đã sinh ra chúng ta ở đó với tư cách là Thân Mẫu đầy tình mến của Giáo Hội, Mẹ muốn thâu hợp tất cả chúng ta lại dưới tà áo choàng của Mẹ. Dưới chân Thập Giá, Mẹ đã nhìn thấy tên trộm lành đạt tới được ơn tha thứ như thế nào, và đã đón nhận người môn đệ của Chúa Giêsu làm con của Mẹ. Mẹ là Thân Mẫu của Lòng Thương Xót và chúng ta hãy tín thác vào Mẹ: Nếu không có biến cố, không có sự cầu nguyện mà với chúng, chúng ta đến trước cặp mắt đầy Lòng Xót Thương Của Mẹ, thì rồi câu trả lời sẽ vẫn chưa có!

 

Quảng trường Thánh Phêrô, ngày 20 tháng 11 năm 2016,

Đại Lễ Kính Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, Bế Mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót,

+ FRANCISCUS

Giáo Hoàng