Sunday, 05 April 2020 08:10

Bài Biảng Đức Thánh Cha Phanxicô Trong Thánh Lễ Dành Cho Các Linh Mục Trong Khuôn Khổ Năm Thánh Featured

LTS: Nằm trong khuôn khổ Năm Thánh, sau hai ngày Tĩnh tâm, vào lúc 9 giờ 30 sáng thứ Sáu 03-06-2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng là ngày Thánh Hóa các linh mục, tại Quảng trường thánh Phêrô, và cũng để kết thúc 3 ngày Năm Thánh dành cho các linh mục và chủng sinh. Đồng tế với ĐTC có hơn 20 Hồng Y, 50 GM và khoảng 5 ngàn linh mục đến từ các nơi, trước sự hiện diện của hơn 10 ngàn tín hữu. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha chia sẻ về “Con tim của vị Mục Tử Tốt Lành, và con tim mục tử của mỗi chúng ta”.

***

***

 

Anh em Linh mục thân mến,

Vì chúng ta đang cử hành Năm Thánh dành cho Linh mục nhân ngày Đại Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, nên chúng ta được kêu gọi, hãy trở về với con tim, trở về với nội tâm, trở về với những nguồn cội vững chắc nhất của đời sống, trở về với cốt lõi của những cảm nghĩ – tắt một lời: trở về với trung tâm của con người. Và hôm nay, chúng ta hãy hướng cái nhìn về hai con tim: Con tim của vị Mục Tử Tốt Lành, và con tim mục tử của mỗi chúng ta.

Con tim của vị Mục Tử Tốt Lành không phải chỉ là con tim mà nó có Lòng Nhân Hậu đối với chúng ta, nhưng nó là chính Lòng Thương Xót. Tình Yêu của Thiên Chúa Cha chiếu giãi ở đó; ở đó, tôi đã nhận được cảm nghĩ chắc chắn và sẽ được cảm thông như tôi đang là; ở đó, tôi tận hưởng niềm xác tín rằng, tôi đã được tuyển chọn cũng như đã và đang được yêu thương với tất cả mọi giới hạn cũng như mọi tội lỗi của tôi. Trong khi tôi hướng về con tim ấy, tôi nhớ lại Tình Yêu thuở ban đầu của tôi: tôi nhớ tới phút giây khi Thiên Chúa đụng chạm tới tôi từ trong nơi thẳm sâu nhất, cũng như đã mời gọi tôi bước đi theo Ngài, để dựa vào Lời Ngài, vui mừng thả lưới sự sống (xc. Lc 5,5).

Con tim của vị Mục Tử Tốt Lành nói với chúng ta rằng, Tình Yêu của Ngài không biết tới những giới hạn, và rằng, Tình Yêu ấy sẽ không bao giờ trở nên mệt mỏi, cũng không bao giờ ngừng. Ở đó, chúng ta nhìn ngắm sự trao hiến chính mình một cách liên tục và không giới hạn của Ngài; ở đó, chúng ta tìm thấy nguồn mạch của Tình Yêu trung tín và dịu hiền, mà Tình Yêu ấy cho phép tự do và làm cho người ta được tự do; ở đó, mỗi lần chúng ta đều tái khám phá ra rằng, Chúa Giêsu yêu thương chúng ta “cho đến cùng” (Ga 13,1) – Ngài không dừng lại sớm, nhưng đi cho đến cùng! -, mà không hề có sự kỳ kèo trong một lúc nào đó.

Con tim của vị Mục Tử Tốt Lành trải dài tới chúng ta, nó được “nối mạch” tới tận những ai đang ở xa nhất; mũi kim trên chiếc la bàn của nó kiên định chỉ về hướng, mà ở đó nó biểu lộ một sự yếu đuối đặc biệt của Tình Yêu, vì nó muốn đạt tới được tất cả và không muốn đánh mất bất cứ một ai.

Trước Thánh Tâm Chúa Giêsu, một câu hỏi có tính căn bản của đời sống Linh mục chúng ta bất thần xuất hiện: Con tim của tôi đang được hướng tới đâu? Đó là một câu hỏi mà các Linh mục chúng ta phải thường xuyên đặt ra cho mình, mỗi ngày, mỗi tuần: Con tim của tôi đang hướng về đâu? Sự phục vụ thường xuyên được chất đầy với muôn vàn những sáng kiến, mà những sáng kiến ấy đặt Linh mục vào nhiều mặt trận: Từ việc dậy Giáo lý, tới việc cử hành Phụng Vụ; từ việc dấn thân trong lãnh vực Caritas tới những bổn phận mục vụ, và thậm chí là những bổ phận quản trị. Một câu hỏi vẫn luôn ở giữa rất nhiều những hoạt động: Con tim của tôi đang được neo đậu ở đâu – vì Cha vừa chợt nhớ ra lời cầu nguyện tuyệt vời sau đây của Phụng Vụ: fixa sunt gaudia,… Người ta hướng tới đâu nếu không phải là tới kho tàng mà người ta đang tìm kiếm? Vì thế, Chúa Giêsu nói: “Kho tàng của ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó” (Mt 6,21).

Chúng ta có những yếu đuối, và cũng có những lỗi lầm. Nhưng chúng ta hãy đi tới tận gốc rễ của những yếu đuối cũng như tới tận gốc rẽ của những lồi lầm nơi chúng ta, để tìm cho ra kho tàng mà chúng đang làm cho chúng ta xa cách Thiên Chúa, đang ở chỗ nào.

Con tim của Chúa Giêsu có hai kho tàng không thể thay thế được. Vâng, Chúa Giêsu chỉ có hai kho tàng: Thiên Chúa Cha và chúng ta. Mọi ngày tháng trong đời của Ngài đều diễn ra giữa việc cầu nguyện với Thiên Chúa Cha và sự gặp gỡ với con người. Ngài gặp gỡ với con người mà không có khoảng cách. Ngay cả con tim mục tử của Chúa Kitô cũng chỉ biết tới hai hướng: Thiên Chúa và con người. Con tim của Linh mục chính là con tim bị xuyên thủng bởi Tình Yêu của Thiên Chúa. Vì thế, Ngài không chằm chặp vào bản thân mình nữa (Ngài không nên bám riết vào bản thân mình nữa), nhưng được hướng về Thiên Chúa và con người. Đó không còn phải là “con tim lảo đảo” nữa, tức con tim bị lôi cuốn bởi sức quyến rũ của những điều chóng vánh, hay bị kéo tới kéo lui bởi sự khát khao được tán thành và những đáp ứng nhỏ nhoi. Đó là tội lỗi… Thay vì thế, nó phải là một con tim được củng cố trong Thiên Chúa, được cuốn hút bởi Chúa Thánh Thần, và được mở ra cũng như được đặt ra sẵn ra cho con người sử dụng. Và ở đấy, nó giải quyết vấn đề tội lỗi của mình.

Để làm cho con tim của chúng ta được bừng cháy lên bởi Tình Yêu của Chúa Kitô, bởi Tình Yêu của vị Mục Tử tốt lành, chúng ta có thể rèn luyện để làm cho ba hành động sau đây được hiệp nhất thành một: khát khao, bao hàm và vui mừng.

Trước tiên là sự khát khao tìm kiếm. Ngôn Sứ Ezekiel đã nhắc nhớ chúng ta rằng, chính Thiên Chúa kiếm tìm chiên của Ngài (Ed 34,11.16). Ngài “đi đến với con chiên bị lạc” – Tin Mừng nói như thế (Lc 16,4), mà không hề để cho mình bị gây khiếp sợ bởi những hiểm nguy; không hề do dự, Ngài mạnh mẽ đột nhập vào những vùng nằm bên ngoài cánh đồng cỏ; đột nhập vào trong những lĩnh vực nằm ở bên ngoài giờ làm việc. Và Ngài không để cho mình được trả lương cho những giờ làm thêm! Ngài không trì hoãn việc tìm kiếm. Ngài không suy nghĩ theo kiểu: “Hôm nay tôi đã làm xong bổn phận của tôi rồi, chuyện đó ngày mai tôi mới quan tâm”, nhưng ngay lập tức, Ngài bắt tay vào việc. Con tim của Ngài sẽ luôn bất an cho tới khi nào Ngài tái tìm thấy con chiên bị lạc. Và khi Ngài tìm thấy nó rồi, Ngài sẽ lập tức quên đi những vất vả cực nhọc, rồi vác nó lên vai của mình với tất cả sự hài lòng. Ngài phải đi ra để kiếm tìm nó, nói với nó, dỗ dành nó. Đôi khi Ngài cũng phải lưu lại trước Nhà Tạm và chiến đấu với Chúa vì con chiên đó.

Đó là con tim tìm kiếm: Đó là một con tim không “tư hữu hóa” thời gian và không gian – khốn cho những mục tử nào tư hữu hóa sứ mạng của mình! -, không bận tâm tới sự nghỉ ngơi đáng được hưởng của mình, cũng không bao giờ đòi hỏi người khác đừng quấy rầy mình. Người mục tử theo con tim của Thiên Chúa không bảo vệ những tiện nghi riêng, không bận tâm tới chuyện bảo vệ danh thơm tiếng tốt của mình – người ta có thể âm thầm vu khống cho Ngài, như người ta đã từng vu khống cho Chúa Giêsu! -, vâng, không hề có bất cứ sự hãi sợ nào trước những lời chỉ trích, nhưng sẵn sàng đối diện với những rủi ro, chỉ cốt sao nên giống Chúa của mình. “Phúc thay khi anh em bị bách hại!”,.v.v…

Vị mục tử thích hợp với Chúa Giêsu là vị mục tử thủ đắc một con tim tự do để thoát ra khỏi những điều riêng tư. Con tim ấy không sống bằng cách “báo cáo kết toán” những tài sản riêng và những giờ phục vụ của mình: Con tim ấy không phải là kế toán viên tinh thần, nhưng là một người Samaria nhân hậu trên đường đi tìm những người nghèo túng. Ông là một mục tử, chứ không phải là trưởng ban thanh tra của đoàn chiên, và dấn thân cho sứ mạng không chỉ 50 hay 60%, nhưng với toàn cuộc hiện sinh của mình. Nếu Ngài ra đi để tìm kiếm, thì Ngài sẽ thấy và sẽ thấy, vì Ngài liều mạng. Nếu vị mục tử không hề dám liều mạng thì Ngài cũng sẽ chẳng tìm thấy bất cứ điều chi… Ngài không dừng lại sau những thất vọng, và không ngừng nỗ lực. Trong thực tế, Ngài vẫn đang kiên định trong sự tốt lành, được xức dầu bởi sự kiên định của Thiên Chúa đến độ không ai sẽ bị hư mất. Vì thế, Ngài không chỉ giữ cho những cánh cửa được luôn rộng mở, nhưng còn đi ra để tìm kiếm những con chiên không muốn bước qua cửa nữa. Như bất cứ người Kitô hữu tốt lành nào, và với tư cách là mẫu gương cho tất cả các Kitô hữu, Ngài sẽ thường xuyên đi ra khỏi chính mình. Điểm nhấn nơi con tim của Ngài hiện hữu ở bên ngoài con người của Ngài: nó sẽ bị ly tâm, và chỉ quy hướng về Chúa Giêsu – không bị bám vào cái TÔI của mình, nhưng bởi Thiên Chúa và bởi con người.

Điều thứ hai là sự bao hàm. Chúa Kitô yêu thương và biết rõ chiên của Ngài, Ngài trao hiến mạng sống của Ngài cho chúng, và không có con nào xa lạ đối với Ngài (xc. Ga 10,11-14). Đàn chiên của Ngài chính là gia đình và là sự sống của Ngài. Ngài không phải là thủ trưởng bị gây sợ hãi bởi đàn chiên, nhưng là mục tử, Đấng đồng hành với chiên, và gọi tên từng con một (xc. Ga 10,3-4). Và Ngài muốn quy tụ những con chiên khác mà chúng chưa sống bên cạnh Ngài (xc. Ga 10,16).

Người Linh mục của Chúa Kitô cũng phải như thế: Ngài được xức dầu để đưa ra quyết định cho dân chúng chứ không phải tự đưa ra những quyết định cho những kế hoạch riêng của mình, và để đến gần những con người cụ thể mà Thiên Chúa, qua Giáo Hội, đã ủy thác cho Ngài. Đừng ai bị loại ra khỏi con tim của Ngài; đừng ai bị loại ra khỏi lời cầu nguyện và khỏi nụ cười của Ngài. Với cái nhìn đầy tình mến và với một con tim phụ tử, Ngài hãy đón nhận và hãy ôm tất cả vào lòng; và nếu Ngài phải khuyên dạy, thì Ngài phải luôn luôn thực hiện điều ấy trong sự gần gũi. Ngài đừng khinh thường bất cứ ai, nhưng hãy sẵn sàng làm cho đôi tay của mình bị bám bẩn vì tất cả. Người mục tử tốt lành không đeo găng tay! Với tư cách là người phục vụ bàn thánh mà Ngài cử hành và sống, Ngài không mong chờ lời chào hỏi và những lời khen ngợi của những người khác, nhưng giơ cánh tay ra với tư cách là người đầu tiên, và dẹp bỏ những chuyện vớ vẩn, những điều tiên kiến và những độc tố. Ngài lắng nghe những vấn đề với sự kiên nhẫn, và đồng hành với những bước đi của con người, bằng cách là Ngài phân phát ơn tha thứ của Thiên Chúa với sự cảm thông to lớn. Ngài không quát mắng những người đã rời bỏ con đường cũng như đã lạc đường, nhưng luôn luôn sẵn sàng để tái hội nhập và dàn xếp những bất hòa. Ngài là một con người biết ôm ghì những người khác vào lòng.

Cuối cùng là sự vui mừng. Thiên Chúa “tràn đầy niềm vui” (Lc 15,5): Niềm vui của Ngài có nền tảng của nó trong sự tha thứ; trong sự sống tái sinh; trong người con đã tái hít thở bầu khí của nhà Cha. Niềm vui của Chúa Giêsu, của vị Mục Tử Tốt Lành, không phải là niềm vui về chính mình, nhưng là niềm vui về người khác và với người khác, đó là niềm vui thực sự của Tình Yêu. Đó cũng là niềm vui của Linh mục. Ngài được biến đổi nhờ vào Lòng Xót Thương mà Ngài chứng tỏ một cách tự do. Đó là sự tự do đền đáp! Trong cầu nguyện, Ngài khám phá ra niềm an ủi của Thiên Chúa, và có được kinh nghiệm rằng, không gì mạnh mẽ cho bằng Tình Yêu của Thiên Chúa. Vì thế, Ngài thanh thản trong lòng, và hạnh phúc với việc trở thành mương máng của Lòng Thương Xót cũng như hạnh phúc với việc mang con người tới gần với con tim của Thiên Chúa. Sự buồn rầu sẽ là chuyện bình thường đối với Ngài, nhưng chỉ trong chốc lát; tuy nhiên, sự gắt gỏng chua chát sẽ là điều xa lạ đối với Ngài, vì Ngài là một mục tử theo con tim dịu hiền của Thiên Chúa.

Anh em Linh mục thân mến, trong khi cử hành Bí Tích Thánh Thể mỗi ngày, chúng ta sẽ tái thấy căn tính mục tử của chúng ta. Mỗi lần như thế chúng ta đều có thể thực sự biến những lời của Ngài: “này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”, thành lời của chúng ta. Đó là ý nghĩa của cuộc sống chúng ta, đó là những lời mà với chúng, trong một cách thế nào đó, chúng ta có thể canh tân lời hứa tận hiến của chúng ta mỗi ngày. Cha xin cám ơn anh em vì lời thưa “XIN VÂNG” của anh em, và vì rất nhiều những lời “XIN VÂNG” thầm kín mỗi ngày mà chỉ có Chúa mới biết, và xin cám ơn về sự sẵn sàng của anh em trước việc trao hiến cuộc sống trong sự hiệp nhất với Chúa Giêsu: Nguồn cội tinh tuyền của niềm vui chúng ta nằm ở đó.

 

Quảng Trường Thánh Phêrô, sáng Thứ Sáu ngày 03 tháng 06 năm 2016

+ FRANCISCUS

Giáo Hoàng