LTS: Vào lúc Sáng Chúa Nhật 05-06-2016, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ tuyên 2 vị Chân Phước Stanislaus de Jesus Maria và Maria Elisabeth Hesselblad lên bậc hiển Thánh. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha quảng diễn về “sự chiến thắng của Thiên Chúa trên đau khổ và sự chết”.
***
***
Anh chị em thân mến,
Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe, tái dẫn chúng ta đi vào sự kiện có tính trung tâm của Đức Tin chúng ta: sự chiến thắng của Thiên Chúa trên đau khổ và sự chết. Đó là Tin Mừng về niềm hy vọng mà nó bắt nguồn từ mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô, và bừng sáng lên từ dung nhan của Ngài, cũng như mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa Cha, Đấng ủi an những kẻ sầu muộn. Đó là một Lời, mà Lời đó có thể liên kết chúng ta lại với nổi khổ đau của Chúa Giêsu một cách thẳm sâu đến độ sức mạnh phát xuất từ cuộc phục sinh của Ngài đối với chúng ta được biểu lộ ra ở đó.
Trong sự đau khổ của Chúa Giêsu, trong thực tế, chúng ta thấy được câu trả lời của Thiên Chúa trước tiếng thét gào đầy sợ hãi – và đôi khi đầy căm phẫn – mà kinh nghiệm về sự khổ đau cũng như về sự chết khơi lên trong chúng ta. Vấn đề không phải là chạy trốn trước Thập Giá, nhưng là ở lại đó, như Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của chúng ta đã thực hiện. Cùng với Chúa Giêsu, Mẹ đã phải chịu đựng nỗi khổ đau và lãnh nhận ân sủng để hy vọng dù xem ra không còn gì để hy vọng (xc. Rom 4,18).
Đó cũng là kinh nghiệm của Thánh Stanislaus de Jesus Maria và của Thánh Maria Elisabeth Hesselblad, mà hôm nay hai vị Thánh này được tuyên lên hàng Hiển Thánh: các Ngài hiệp thông khắng khít với sự đau khổ của Chúa Giêsu, và nơi các Ngài biểu lộ sức mạnh phát xuất từ sự phục sinh của Chúa.
Bài Đọc I và bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay giới thiệu cho chúng ta biết về hai dấu chỉ nhiệm mầu của sự phục sinh: Dấu chỉ thứ nhật được thực hiện bởi Ngôn Sứ Eliah; và dấu chỉ thứ hai được thực hiện bởi Chúa Giêsu. Trong cả hai trường hợp, đó là cái chết của hai người con trai của hai bà góa, và cả hai đều được trao lại cho thân mẫu của mình sau khi được phục sinh.
Bà góa thành Sarepta – đó là một phụ nữ không phải là người Do-thái, nhưng bà đã đón nhận Ngôn Sứ Eliah vào trong nhà mình – đã bị hây phẫn nộ bởi Ngôn Sứ Eliah và bởi Thiên Chúa. Vì con của bà đã mắc bệnh ngay trong lúc Ngôn Sứ Eliah đang làm khách trong nhà bà, và giờ đây nó đã chết trong đôi tay của bà. Vì thế, Ngôn Sứ Eliah đã nói với bà: “Hãy trao con của bà cho tôi!” (1V 17,19). Đó là một lời có ý nghĩa quan trọng: nó diễn tả thái độ của Thiên Chúa đối với cái chết của chúng ta (trong tất cả mọi hình thức của nó). Thiên Chúa không nói: “Hãy giữ nó lại, để xem bà sẽ đối phó với nó thế nào!”, nhưng Ngài nói: “Hãy trao nó cho Ta!”; Và trong thực tế, Ngôn Sứ Eliah đã nhận lấy đứa con và đưa nó lên lầu trên. Ở đó – một mình – “ông đã giao chiến với Thiên Chúa” trong cầu nguyện, bằng cách là ông chất vấn Thiên Chúa về sự phi lý của cái chết. Và Thiên Chúa đã lắng nghe giọng nói của Ngôn Sứ Eliah, vì trong thực tế, Ngài là Đấng nói và hành động qua vị Ngôn Sứ này. Qua miệng của Ngôn Sứ Eliah, Thiên Chúa đã nói với người phụ nữ: “Hãy trao con của ngươi cho Ta”. Và giờ đây Ngài lại là Đấng trao người con đó lại cho người Mẹ khi người con này sống lại.
Sự trìu mến của Thiên Chúa biểu lộ cách trọn vẹn trong Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng (Lc 7,11-17), chúng ta đã nghe và thấy được Chúa Giêsu chạnh lòng thương với bà góa thánh Nain, thuộc xứ Galilee, như thế nào, khi bà góa này đang đưa tiễn đứa con trai duy nhất của mình xuống huyệt mộ trong lúc nó còn rất trẻ (Lc 7,13). Chúa Giêsu đã bước tới gần, đụng tay vào quan tài, lệnh cho đoàn đưa tang dừng lại, và chắc chắn, với trọn tình mến, Ngài cũng đã vuốt nhẹ trên khuôn mặt đang ướt đẫm nước mắt của người mẹ tội nghiệp ấy. “Đừng khóc nữa!” – Ngài nói với bà (Lc 7,13) – như thể là Ngài muốn nói với bà rằng: “Hãy trao con của bà cho tôi!”. Chúa Giêsu đã xin cho mình cái chết của chúng ta, để giải phóng chúng ta khỏi cái chết đó, và trao lại cho chúng ta sự sống, và trong thực tế, người con trai của bà góa gấy đã chỗi dậy giống như đã bừng tỉnh sau một giấc ngủ sâu, và lại bắt đầu nói. “Và Chúa Giêsu đã trao anh cho mẹ của anh” (Lc 15). Ngài không phải là nhà ảo thuật! Ngài là hiện thân của sự trìu mến phát xuất từ Thiên Chúa; sự đồng cảm vô hạn của Thiên Chúa Cha hoạt động trong Ngài.
Chúng ta cũng thấy một cách phục sinh nơi Thánh Phaolô Tông Đồ, người vốn là kẻ thù và là kẻ bách hại các Kitô hữu cách hung hăng, nhưng đã trở thành một chứng nhân và sứ giả của Tin Mừng (xc. Gal 1,13-17). Sự biến đổi có tính triệt để và căn bản ấy không phải là công trình của Ngài, nhưng là ân sủng phát xuất từ Lòng Xót Thương của Thiên Chúa, Đấng đã “tuyển chọn và kêu gọi Thánh Nhân nhờ vào ân sủng của Ngài”, và đã mạc khải cho Thánh Nhân biết về Con của Ngài, để Thánh Nhân công bố Người Con ấy giữa dân ngoại (xc. Gal 1,15-16). Thánh Phaolô nói rằng, Thiên Chúa đã không chỉ hài lòng với việc mạc khải Người Con cho Thánh Nhân, nhưng còn muốn mạc khải Người Con ấy qua Thánh Nhân nữa, bằng cách là Ngài khắc ghi cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô vào trong con người của Thánh Nhân – trong cả thân xác lẫn tinh thần của Thánh Nhân. Và vì thế, Thánh Phaolô đã không chỉ trở thành một sứ giả, nhưng trước tiên, Ngài trở thành một chứng nhân.
Ngay cả nơi những tội nhân, nơi từng cá nhân một, Chúa Giêsu cũng không ngừng làm cho cuộc chiến thắng của Ngài bừng sáng lên ân sủng ban sự sống. Và đối với thời đại hôm nay và mãi mãi, Ngài cũng sẽ không ngừng nói với Mẹ Giáo hội rằng: “Hay trao những đứa con của Bà cho Ta” – những đứa con đó là tất cả chúng ta. Ngài đón nhận tội lỗi của chúng ta về cho Ngài, Ngài nhận lấy chúng ta và trao chúng ta lại cho Giáo hội khi chúng ta được tái sinh. Và đó chính là điều đang diễn ra theo một cách thức đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thường Xót này.
Hôm nay Giáo hội chỉ cho chúng ta thấy hai người con của mình, đó là hai chứng nhân đầy gương mẫu của mầu nhiệm Phục Sinh. Cả hai đều có thể đời đời hát lên với những lời Thánh Vịnh sau đây:
“Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu,
cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng.
Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa,
và không hề nín lặng.
Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ,
xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu” (Tv 30,12-13).
Và tất cả chúng ta hãy cùng hòa giọng:
“Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt.
Con muốn ca tụng Chúa mãi ngàn thu” (Lời Đáp ca – [Tv 30,2]).
Quảng trường Thánh Phêrô, sáng Chúa Nhật ngày 05 tháng 06 năm 2016
+ FRANCISCUS
Giáo Hoàng