Sunday, 05 April 2020 08:10

Bài Giảng Tĩnh Tâm Của ĐGH Phanxicô Dành Cho Các Linh Mục – Bài 3: “Mùi Thơm Của Chúa Kitô Và Ánh Sáng Lòng Thương Xót Của Người” Featured

Vinc. Vũ Văn An

 

LTS: Nhân dịp Năm Thánh Thương Xót dành cho các linh mục và chủng sinh, kéo dài 3 ngày từ ngày 01 tới ngày 03 tháng Sáu, với chủ đề: “Người Chăn Chiên Nhân Lành: Linh Mục trong tư các Thừa Tác Viên của Thương Xót và Cảm Thương, Gần Gũi Dân Mình và Tôi Tớ Mọi Người”, Đức Thánh Cha đã đích thân lần lượt giảng cho các linh mục và chủng sinh ba bài giảng cùng trong ngày 2 tháng Sáu. Bài đầu tiên tại Vương Cung Thánh Đường Gioan Lateran vào buổi sáng, bài thứ hai tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả vào buổi trưa, và bài thứ ba tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành vào lúc 4 giờ chiều. Dưới đây là bản dịch Bài Tĩnh Tâm thứ ba của Đức Thánh Cha:

***

***

“Mùi Thơm Của Chúa Kitô Và Ánh Sáng Lòng Thương Xót Của Người”

 

Anh em linh mục thân mến,

Trong buổi gặp gỡ thứ ba của chúng ta này, tôi đề nghị chúng ta suy niệm về các việc thương xót, bằng cách tiếp nhận bất cứ việc nào ta cảm thấy có liên hệ mật thiết nhất với đặc sủng của chúng ta, và bằng cách nhìn vào các việc này như một toàn thể. Chúng ta có thể chiêm ngắm chúng qua con mắt thương xót của Đức Mẹ, đấng giúp ta tìm ra “rượu đang thiếu” và khuyến khích chúng ta “làm bất cứ điều gì Chúa Giêsu nói với chúng ta” (Ga 2:1-12), ngõ hầu lòng thương xót của Người có thể làm các phép lạ mà người của chúng ta cần.

Các việc thương xót được liên kết chặt chẽ với các “giác quan tâm linh”. Trong lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta xin ơn biết “cảm nhận và thưởng thức” Tin Mừng đến nỗi nó có thể làm chúng ta “nhạy cảm” hơn trong cuộc sống của chúng ta. Được Chúa Thánh Thần đánh động và được Chúa Giêsu dẫn dắt, chúng ta có thể, bằng con mắt của lòng thương xót, nhìn thấy từ xa những người gục ngã dọc bên đường. Chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu của Bartimêô và cùng với Chúa Giêsu, cảm thấy cái đụng tay nhút nhát nhưng cương quyết của người phụ nữ bị băng huyết, khi bà nắm lấy áo choàng của Người. Chúng ta có thể xin ơn cùng với Chúa Giêsu chịu đóng đinh biết nếm mật đắng của tất cả những người đang chia sẻ thập giá của Người, và ngửi thấy mùi hôi của khốn khổ - trong các bệnh viện dã chiến, trong xe lửa và trong các tàu thuyền chật ních người. Dầu của lòng thương xót không che đây được mùi hôi này. Đúng hơn, khi xức dầu này, nó nức lên niềm hy vọng mới.

Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, khi thảo luận về các việc thương xót, cho chúng ta biết rằng: “Khi mẹ ngài trách cứ ngài đã chăm sóc người nghèo và người bệnh tại nhà, Thánh Rose thành Lima nói với bà rằng: ‘Khi chúng ta phục vụ người nghèo và người bệnh, chúng ta là mùi thơm của Chúa Kitô’”.[1] Mùi thơm của Chúa Kitô đó - tức việc chăm sóc người nghèo - vốn là, và luôn luôn đã là, dấu ấn của Giáo Hội. Thánh Phaolô đã làm cho nó trở thành trọng tâm của cuộc họp giữa ngài với các Thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan, vốn là “các cột trụ” của Giáo Hội. Ngài nói với chúng ta rằng các ngài “chỉ xin một điều, đó là chúng ta nhớ đến người nghèo” (Gl 2:10). Sách Giáo Lý nói tiếp một cách đáng kể rằng: “Những người bị áp bức bởi nghèo khó là đối tượng của một tình yêu ưu tiên đối với Giáo Hội, một tình yêu mà từ những ngày đầu của Giáo Hội, và bất chấp các thiếu sót của nhiều chi thể của Giáo Hội, vẫn không ngừng làm việc để cứu trợ, bảo vệ và giải phóng họ”.[2]

Trong Giáo Hội, chúng ta phạm, và đã luôn luôn phạm, nhiều tội lỗi và thiếu sót. Nhưng khi nói đến việc phục vụ người nghèo bằng các việc thương xót, trong tư cách một Giáo Hội, chúng ta đã luôn luôn đi theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Các thánh của chúng ta đã làm điều này theo những cách khá sáng tạo và hữu hiệu. Tình yêu đối với người nghèo đã là dấu hiệu, là ánh sáng thu hút mọi người để làm vinh danh Chúa Cha. Giáo dân ta đánh giá cao điều này nơi một linh mục biết quan tâm tới người nghèo và người bệnh, tới những người có tội được ngài tha thứ và tới những người được ngài kiên nhẫn dạy dỗ và sửa chữa... Giáo dân ta tha thứ cho các linh mục chúng ta nhiều sai phạm, ngoại trừ sai phạm quá dính bén với tiền bạc. Điều này không liên quan nhiều tới chính tiền bạc cho bằng sự kiện này: tiền bạc làm chúng ta quên lãng kho tàng của lòng thương xót. Giáo dân ta có thể đánh hơi được tội lỗi nào thực sự nghiêm trọng đối với một linh mục, những tội nào giết chết thừa tác vụ của ngài vì chúng biến ngài thành một quan chức hoặc còn tệ hơn nữa, thành một kẻ làm thuê. Họ cũng có thể nhận ra những tội lỗi nào, tôi sẽ không nói là phụ thuộc, nhưng là thứ tội cần được mang giống như một thánh giá, cho đến khi, cuối cùng, Chúa sẽ đốt chúng đi như đốt trấu. Nhưng sự thất bại của một linh mục có lòng thương xót là một mâu thuẫn trắng trợn. Nó đánh ngay vào tâm điểm của ơn cứu rỗi, chống lại chính Chúa Kitô, Đấng “đã trở thành nghèo để nhờ cái nghèo của Người, chúng ta có thể trở nên giàu có” (x. 2Cr 8:9). Vì lòng thương xót chữa lành “nhờ mất đi một điều gì tự nó”. Chúng ta cảm thấy nhói đau hối tiếc và chúng ta mất đi một phần cuộc sống của chúng ta, bởi vì, thay vì làm những gì chúng ta muốn làm, chúng ta đã vươn tay ra với một người nào khác.

Như thế, đây không phải là việc Thiên Chúa tỏ cho tôi thấy lòng thương xót đối với tội này hay tội nọ, như thể tôi là người tự túc, hoặc là việc chúng ta thực hiện một số hành vi thương xót đối với người này hoặc người nọ có nhu cầu. Ân sủng chúng ta tìm kiếm trong lời cầu nguyện này là để cho mình được Thiên Chúa tỏ lòng thương xót trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta và đến lượt ta, ta tỏ lòng thương xót với nhiều người khác trong mọi việc chúng ta làm. Là linh mục và giám mục, chúng ta làm các bí tích, rửa tội, giải tội, cử hành Thánh Lễ... Lòng thương xót là cách chúng ta biến toàn bộ cuộc sống của dân Chúa thành một bí tích. Có lòng thương xót không những là “một lối sống”, mà là “lối sống” duy nhất. Không có cách nào khác để làm một linh mục. Cha Brochero, sẽ được phong thánh nay mai, đã nói điều này: “Linh mục nào ít có lòng thương xót đối với các tội nhân thì chỉ là linh mục một nửa. Những lễ phục tôi mặc không làm tôi thành một linh mục; nếu tôi không có lòng bác ái trong tâm hồn, tôi không là ngay cả một Kitô hữu”.

Nhìn thấy nhu cầu và cứu trợ ngay lập tức, và còn hơn thế nữa, dự đoán các nhu cầu đó: đấy chính là dấu chỉ cái nhìn của một người cha. Ánh mắt linh mục này – một ánh mắt chiếm vị trí của người cha giữa lòng Mẹ Giáo Hội - làm chúng ta nhìn người ta bằng con mắt của lòng thương xót. Nó cần được học ngay từ trong chủng viện, và nó phải làm giàu cho tất cả các kế hoạch và dự án mục vụ của chúng ta. Chúng ta mong muốn, và chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta, một cái nhìn có khả năng biện phân được các dấu chỉ thời đại, biết “những việc thương xót nào dân chúng của ta ngày hôm nay cần đến” ngõ hầu cảm nhận được và thưởng thức được vị Thiên Chúa của lịch sử, Đấng đang đồng hành với họ. Vì, như Văn Kiện Aparecida đã nói, qua câu trích dẫn Thánh Alberto Hurtado: “Trong các việc làm của chúng ta, người dân chúng ta biết rằng chúng ta hiểu được nỗi khổ của họ”.[3]

Trong các việc làm của chúng ta...

Bằng chứng mà chúng ta hiểu là các việc thương xót của ta được Chúa chúc lành và gặp được sự giúp đỡ và hợp tác của người dân chúng ta. Một số kế hoạch và dự án không diễn tiến tốt, mà không ai hiểu lý do tại sao bao giờ. Họ nặn óc, cố gắng moi ra một kế hoạch mục vụ, khi một ai đó chỉ biết nói: “Nó không tiến hành được đâu vì thiếu lòng thương xót”, không cần cố gắng thêm làm gì. Nếu nó không được chúc phúc, thì là vì nó thiếu lòng thương xót. Thiếu lòng thương xót vẫn thấy nơi một bệnh viện dã chiến, chứ không phải nơi một bệnh xá đắt tiền; thiếu lòng thương xót vốn trân quí lòng tốt và mở cửa cho cuộc cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, chứ không phải làm một ai đó phải quay gót trước những lời chỉ trích gay gắt...

Tôi đề nghị một lời cầu nguyện dựa trên việc người phụ nữ được tha thứ tội lỗi (Ga 8:3-11), để xin ơn thương xót nơi tòa giải tội, và một lời cầu nguyện khác dựa trên chiều kích xã hội của các việc thương xót.

Tôi luôn luôn bỡ ngỡ bởi đoạn văn nói về cuộc gặp gỡ của Chúa với người phụ nữ bị bắt phạm tội ngoại tình, và, khi từ chối lên án nàng, Người “đã vi phạm” Lề Luật ra sao. Để trả lời câu họ hỏi dùng để thử thách Người - “có nên ném đá cô ta hay không?” - Người đã không ra luật, Người đã không áp dụng lề luật. Người giả bộ câm, và rồi quay sang một điều khác. Nhờ thế, Người đã khởi diễn một quá trình trong trái tim người phụ nữ đang cần được nghe những lời này: “tôi cũng không kết tội chị”. Người vươn tay ra và giúp nàng đứng dậy, cho nàng nhìn thấy ánh mắt dịu dàng làm thay đổi trái tim nàng.

Đôi khi tôi cảm thấy một chút buồn và khó chịu khi người ta đi thẳng tới những lời cuối cùng của Chúa Giêsu nói với người phụ nữ này: “Hãy đi và đừng phạm tội nữa”. Họ sử dụng những chữ này để “bênh vực” Chúa Giêsu khỏi tội bỏ qua luật pháp. Tôi tin những lời của Chúa Kitô liền mảnh làm một với hành động của Người. Người cúi xuống viết trên mặt đất như một khúc dạo đầu cho những gì Người muốn nói với những người muốn ném đá người phụ nữ, và Người làm như vậy một lần nữa trước khi nói với nàng. Điều này cho chúng ta biết một điều gì đó về “thời gian” Chúa sẽ dùng để phán xử và tha thứ.

Thời gian Người cho mỗi người để họ nhìn vào trái tim của mình và rồi bước đi. Khi nói với người phụ nữ, Chúa đã mở ra nhiều không gian khác: một là không gian không kết án. Tin Mừng nêu rõ không gian rộng mở này. Nó làm chúng ta nhìn sự việc qua đôi mắt của Chúa Giêsu, Đấng nói với chúng ta: “Tôi không thấy ai khác, ngoài người phụ nữ này”.

Rồi, Chúa Giêsu làm cho người phụ nữ nhìn quanh. Người hỏi nàng: “Những người lên án chị đâu cả rồi?”.[4] Sau khi đã mở ra trước mắt nàng cái không gian không có sự phán xét người khác này, Người nói với nàng rằng Người cũng sẽ không ném một hòn đá nào ở đó: “Tôi cũng không lên án chị”. Rồi Người mở ra một không gian tự do nữa trước mắt nàng: “Hãy đi và đừng phạm tội nữa”. Mệnh lệnh của Người có liên quan với tương lai, để giúp nàng thực hiện một khởi đầu mới và “bước đi trong tình yêu”. Sự nhạy cảm của lòng thương xót là đây: nó cảm thương ngoái nhìn dĩ vãng và đưa ra lời khích lệ tương lai.

Những lời “Hãy đi và đừng phạm tội nữa” không dễ dàng. Chúa nói chúng ra “với nàng”. Người giúp nàng đặt thành lời những gì chính bản thân nàng đã cảm nhận, một chữ “không” đầy tự do đối với tội lỗi giống chữ “vâng” của Đức Maria đối với ân sủng. Chữ “không” này cần được nói cho thứ tội lỗi bắt rễ sâu vốn hiện diện trong tất cả mọi người. Nơi người đàn bà này, nó là một tội xã hội; người ta đến gần nàng, hoặc để ngủ với nàng hoặc để ném đá nàng. Đó là lý do tại sao Chúa không những khai quang đường đi trước mặt nàng, Người còn đặt nàng lên con đường này, để nàng có thể chặn đứng việc trở thành “đối tượng” cho người khác nhìn và thay vào đó nhận lấy quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Những lời “đừng phạm tội nữa” không những ám chỉ luân lý tính, nhưng, tôi tin, còn ám chỉ thứ tội vốn cản ngăn nàng sống cuộc sống của nàng. Chúa Giêsu cũng nói với người bại liệt ở Bethzatha đừng phạm tội nữa (Ga 5:14). Nhưng người đàn ông đó đã tự biện minh bằng tất cả những điều đáng buồn đã “xảy ra với anh”; anh ta bị chứng mặc cảm nạn nhân. Do đó, Chúa Giêsu đã thách thức anh ta cách khá nhẹ nhàng chưa từng có bằng cách nói: “... kẻo một điều gì đó tệ hơn có thể xảy đến với ngươi”. Chúa đã tận dụng lối suy nghĩ của anh ta, nỗi sợ của anh ta, để kéo anh ta ra khỏi cảnh tê liệt của mình. Tôi dám nói, Người đã đem tới cho anh ta một chút e sợ. Trọng điểm là mỗi người chúng ta phải nghe những lời “đừng phạm tội nữa” theo phương thức sâu sắc của chính bản thân mình.

Hình ảnh về Chúa, Đấng đặt người ta lên đường đi của họ, là hình ảnh hết sức đặc trưng. Người là Đấng Thiên Chúa bước đi bên cạnh dân của Người, Đấng dẫn họ về phía trước, Người đồng hành với lịch sử của chúng ta. Do đó, đối tượng của lòng thương xót của Người khá rõ ràng: nó là tất cả mọi điều giữ cho một người đàn ông hoặc một người đàn bà tiếp tục bước trên nẻo đường chính, cùng với dân của họ, theo tốc độ của riêng họ, tới nơi Thiên Chúa yêu cầu họ tới. Điều làm Người lo phiền là người ta đi lạc, hoặc rơi lại phía sau, hoặc cố gắng theo lối riêng của họ. Là kết cục sẽ không đi tới đâu. Là họ không ở đó chờ Chúa, sẵn sàng đi tới bất cứ nơi nào Người muốn sai họ tới. Là họ không đi một cách khiêm nhường trước mặt Người (x. Mk 6:8), là họ không bước đi trong tình yêu (x. Ep 5:2).

Không gian của tòa giải tội, nơi sự thật làm chúng ta tự do

Nói tới không gian, chúng ta hãy đi đến tòa giải tội. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo trình bày tòa giải tội như là nơi sự thật làm chúng ta được tự do để gặp gỡ. “Khi cử hành bí tích Giải Tội, linh mục hoàn thành thừa tác vụ của Đấng Chăn Chiên Lành trên đường tìm con chiên lạc, của người Samaria Nhân Hậu đang băng bó các vết thương, của Người Cha đang chờ đợi đứa con trai hoang đàng và chào đón anh trên đường trở về, và của Thẩm Phán công minh và vô tư phán xử vừa công chính vừa thương xót. Linh mục là dấu chỉ và khí cụ của tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân”.[5] Sách Giáo Lý cũng nhắc nhở chúng ta rằng: “Cha giải tội không phải làm chủ sự tha thứ của Thiên Chúa, nhưng làm tôi tớ của nó. Thừa tác viên của bí tích này nên kết hợp với ý định và đức ái của Chúa Kitô”.[6]

Các dấu chỉ và công cụ của gặp gỡ. Đó là những gì chúng ta là. Một lời mời hấp dẫn để gặp gỡ. Là các dấu chỉ, chúng ta phải có thái độ chào đón, đưa ra một thông điệp có thể thu hút sự chú ý của người ta. Các dấu chỉ này cần phải nhất quán và rõ ràng, nhưng trên hết phải dễ hiểu. Một số dấu hiệu chỉ rõ ràng dễ hiểu đối với các chuyên gia. Dấu chỉ và các công cụ. Công cụ phải hữu hiệu, có sẵn đó, chính xác và phù hợp với công việc. Chúng ta là những công cụ nếu mọi người có được cuộc gặp gỡ chân chính với Thiên Chúa của lòng thương xót. Nhiệm vụ của chúng ta là “làm cho cuộc gặp gỡ này khả hữu”, mặt đối mặt. Những gì người ta làm sau đó là việc của họ. Có đứa con trai hoang đàng giữa bầy heo và người cha mỗi chiều ra ngoài để xem xem liệu anh ta có trở về nhà hay không. Có con chiên lạc và một mục tử ra đi để tìm kiếm nó. Có người bị thương bị bỏ lại bên đường và người Samaria nhân hậu. Thừa tác vụ của chúng ta là gì? Là làm dấu chỉ và dụng cụ giúp cuộc gặp gỡ này thành khả hữu. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng chúng ta không phải là người cha, người chăn chiên hoặc Samaria. Đúng hơn, bao lâu còn là các tội nhân, chúng ta vẫn chỉ đang ở phía bên kia của ba vị này. Thừa tác vụ của chúng ta phải là dấu chỉ và khí cụ của cuộc gặp gỡ này. Chúng ta là thành phần của mầu nhiệm Chúa Thánh Thần, Đấng tạo ra Giáo Hội, xây dựng sự hiệp nhất, và không ngừng mời ta vào cuộc gặp gỡ.

Một đặc điểm khác của dấu chỉ và khí cụ là nó không qui chiếu về chính mình. Nói đơn giản hơn, nó không phải là một cùng đích trong chính nó. Không ai dính kết với một dấu hiệu, khi đã hiểu rõ thực tại của nó. Không ai tiếp tục nhìn vào cái tuốc nơ vít hay cái búa, nhưng nhìn vào bức tranh treo ngay ngắn. Chúng ta là những đầy tớ vô dụng. Là dụng cụ và dấu hiệu giúp hai con người kết hợp với nhau trong một cái ôm, giống như người cha và đứa con trai của ông.

Đặc điểm thứ ba của dấu chỉ và khí cụ là sự sẵn sàng có đó. Dụng cụ cần phải sẵn sàng có đó để được sử dụng; dấu hiệu phải được nhìn thấy. Làm một dấu chỉ và khí cụ là làm một người trung gian. Có lẽ đây là chìa khóa thực sự dẫn vào sứ vụ của chúng ta trong cuộc gặp gỡ đầy lòng thương xót của Thiên Chúa và con người. Thậm chí, chúng ta còn có thể diễn tả nó bằng những từ ngữ tiêu cực. Thánh Inhaxiô nói tới việc “không vào được đường”. Người trung gian tốt làm cho mọi thứ ra dễ dàng, chứ không thiết lập ra chướng ngại vật. Ở nước tôi, có một cha giải tội nổi tiếng, Cha Cullen. Ngài ngồi ở tòa giải tội và làm một trong hai việc: ngài sửa những trái banh túc cầu đã mòn cho những đứa trẻ địa phương, hoặc dùng ngón tay cái lật một cuốn từ điển lớn tiếng Trung Quốc. Ngài thường nói rằng khi người ta thấy ngài làm những việc hoàn toàn vô dụng như sửa trái banh cũ hoặc cố gắng thông thạo tiếng Trung Quốc như thế, họ thường nghĩ: “Tôi phải tới và nói chuyện với vị linh mục này mới được, vì ngài rõ ràng không có mấy việc để làm!”. Ngài sẵn sàng có đó cho những gì thiết yếu. Ngài đã phá bỏ các trở ngại là luôn luôn coi có vẻ bận rộn và nghiêm trọng.

Mọi người đều đã biết các cha giải tội tốt lành. Chúng ta phải học hỏi từ các cha giải tội tốt lành của chúng ta, những vị được mọi người tìm kiếm, những vị không làm cho họ sợ mà còn giúp họ nói chuyện thành thực, như Chúa Giêsu đã làm với Nicôđêmô. Nếu có người nào đến xưng tội thì họ chính là hối nhân; sự ăn năn đã hiển hiện. Họ đến xưng tội vì họ muốn thay đổi. Hoặc ít nhất họ muốn được muốn thay đổi, nếu họ nghĩ rằng tình huống của họ không thể thay đổi. Ad impossibilia nemo tenetur, như câu châm ngôn cũ vốn nói: không ai bị buộc phải làm những điều không thể làm được.

Chúng ta phải học hỏi từ các cha giải tội tốt, những cha dịu dàng với người tội lỗi, những cha sau một vài lời, đã hiểu mọi sự, như Chúa Giêsu đã hiểu với người phụ nữ bị xuất huyết, và ngay lập tức, sức mạnh tha thứ đã từ các ngài tuôn ra. Sự toàn vẹn của phép xưng tội không phải là một vấn đề toán học. Đôi khi người ta cảm thấy ít xấu hổ khi xưng thú một tội hơn là phải nêu rõ số lần họ vi phạm tội đó. Chúng ta phải để mình được đánh động bởi tình huống của người ta, một tình huống có khi hỗn tạp, gồm cả việc làm riêng của họ, lẫn sự yếu đuối của con người, tội lỗi và những giới hạn không thể nào vượt qua được. Chúng ta phải giống như Chúa Giêsu, Đấng đã xúc động sâu xa khi thấy người ta và các vấn đề của họ, và cứ liên tục chữa bệnh cho họ, cả khi họ “không yêu cầu thích đáng”, như người phung cùi kia, hoặc xem ra đang nói loanh quanh, như người phụ nữ Samaria. Người phụ nữ này giống như con chim chúng tôi có ở Nam Mỹ: nó quác quác ở một nơi nhưng tổ của nó thì ở nơi khác.

Chúng ta phải học hỏi từ các cha giải tội biết giúp các hối nhân cảm nhận được việc sửa đổi bằng cách bước những bước tiến nhỏ, như Chúa Giêsu, Đấng đã đưa ra một việc đền tội thích đáng và biết đánh giá cao người phung cùi trở lại cảm ơn Người, một người được Chúa ban nhiều hơn. Chúa Giêsu đã không tính toán với người bại liệt, nhưng Người đã làm cho người đàn ông mù và người phụ nữ Syro-Phoenician phải kêu xin. Đối với Người, không thành vấn đề nếu họ không lưu ý đến Người, giống như người bại liệt tại hồ bơi Bethzatha, hoặc nói với người khác những gì Người ra lệnh cho họ đừng nói, kết quả chính Người trở thành người phong cùi, vì Người không thể vào các thị trấn hay vì kẻ thù của Người tìm lý do để kết án Người. Người chữa lành người ta, tha thứ tội lỗi của họ, xoa dịu nỗi đau của họ, cho họ nghỉ ngơi và làm họ cảm nhận được hơi thở an ủi của Thần Khí.

Ở Buenos Aires, tôi biết một tu sĩ dòng Capuchin. Ngài nhỏ tuổi hơn tôi và là một cha giải tội vĩ đại. Luôn luôn có một hàng nối đuôi dài trước tòa giải tội của ngài, nhiều người xưng tội suốt ngày. Ngài thực sự tốt lành trong việc tha thứ. Ngài tha thứ, nhưng thỉnh thoảng có lần sinh ra bối rối về việc tha thứ dễ dàng như thế. Có lần, trong khi trò chuyện, ngài nói với tôi: “Đôi khi con bối rối quá”. Do đó, tôi hỏi ngài: “Cha làm gì khi cha bối rối như thế?”. Ngài trả lời: “Con đến trước nhà tạm, con nhìn Chúa chúng ta và con thưa với Người ‘Lạy Chúa, xin tha tội cho con, hôm nay con đã tha thứ rất nhiều. Nhưng chúng ta hãy làm rõ việc này, tất cả đều là lỗi của Chúa, vì Chúa đã làm gương xấu cho con!’”. Ngài đã thêm lòng thương xót vào lòng thương xót.

Cuối cùng, liên quan tới việc xưng tội, tôi có hai lời khuyên nhỏ. Thứ nhất, không bao giờ hành động giống như một viên chức hay một quan tòa, một người chỉ thấy các “trường hợp” phải xử lý. Lòng thương xót giải phóng chúng ta khỏi thứ linh mục này, thứ linh mục quen thuộc với việc phán xử các “trường hợp” đến nỗi hết nhạy cảm với những con người, với những khuôn mặt. Quy tắc của Chúa Giêsu là “đừng phán xét để khỏi bị phán xét”. Đây là chìa khóa để chúng ta phán xử: chúng ta phải đối xử với những người khác một cách xứng đáng, chúng ta không được hạ giá hoặc ngược đãi họ, chúng ta giúp nâng họ dậy, và chúng ta đừng bao giờ quên rằng Chúa sử dụng chúng ta, dù chúng ta yếu đuối, làm khí cụ của Người. Không nhất thiết vì phán xử của chúng ta “tốt nhất”, nhưng vì nó chân thành và có thể xây dựng được một mối quan hệ tốt.

Mẩu lời khuyên nữa của tôi là không nên tò mò ở trong tòa giải tội. Thánh Therese cho chúng ta biết: khi các đệ tử của bà tâm sự với bà, bà rất cẩn thận không hỏi sự việc kết quả ra sao. Bà không xoi mói linh hồn người ta.[7] Đặc điểm của lòng thương xót là che tội lỗi bằng chiếc áo choàng của nó, để không làm tổn thương phẩm giá của người ta. Giống như hai con trai của Nôê, đã dùng chiếc áo choàng che sự trần truồng của cha mình khi ông say rượu (x. St 9:23).

Chiều kích xã hội của các việc thương xót

Vào cuối cuốn Linh Thao, Thánh Inhaxiô viết bài “chiêm niệm để đạt được tình yêu”, một bài nối kết điều cảm nghiệm được trong lời cầu nguyện với cuộc sống hàng ngày. Ngài làm chúng ta suy niệm về việc phải đặt tình yêu vào việc làm nhiều hơn vào lời nói. Những việc làm này là các việc thương xót mà Chúa Cha “đã chuẩn bị từ trước làm cách sống của chúng ta” (Ep 2:10), những việc mà Chúa Thánh Thần linh hứng nơi mỗi người vì lợi ích chung (x. 1Cr 12:7). Trong lúc cảm tạ Chúa vì tất cả những hồng phúc chúng ta nhận được từ lòng rộng rãi của Người, chúng ta xin ơn biết mang đến cho tất cả nhân loại lòng thương xót vốn đã cứu rỗi chúng ta.

Tôi đề nghị chúng ta suy niệm về một trong những đoạn văn cuối cùng của Tin Mừng. Ở đấy, chính Chúa nối kết giữa điều chúng ta nhận được và điều chúng ta được kêu gọi cho đi. Chúng ta có thể đọc những kết luận này với chìa khóa “các việc thương xót”, những việc từng cụ thể hóa thời của Giáo Hội, thời trong đó Chúa Giêsu phục sinh sống, hướng dẫn, sai đi và kêu gọi sự tự do của chúng ta, một sự tự do tim thấy nơi Người sự thể hiện cụ thể hàng ngày.

Thánh Mátthêu nói với chúng ta rằng Chúa gửi các Tông Đồ của Người ra đi để làm cho mọi dân tộc trở thành môn đệ bằng cách “dạy họ giữ hết mọi điều Thầy đã truyền dạy” (Mt 28:20). Việc “mở dạy kẻ mê muội” này chính là một trong các việc thương xót. Nó tỏa lan như ánh sáng đối với các việc khác: những việc được liệt kê trong Tin Mừng Mátthêu chương 25, tức các việc liên quan nhiều hơn với những điều gọi là “các việc thương người về phần xác”, và với mọi điều răn và lời khuyên Phúc Âm, như “tha thứ”, “anh em sửa chữa cho nhau”, an ủi người buồn sầu, và chịu đựng sự bách hại...

Tin Mừng Maccô kết thúc với hình ảnh về Chúa, Đấng “hợp tác” với các Tông Đồ và “xác nhận lời nói bằng những dấu lạ kèm theo”. Những “dấu chỉ” này rất giống với các việc thương xót. Trong số nhiều điều khác, Thánh Maccô nói đến việc chữa lành người bệnh và xua đuổi ma quỉ (x. Mc 16:17-18).

Thánh Luca tiếp tục Tin Mừng của ngài bằng cuốn “Công Vụ” - tức các thực hành - của Các Tông Đồ, thuật lại lịch sử các ngài hành động ra sao và các việc các ngài làm, dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh.

Tin Mừng Thánh Gioan kết thúc bằng cách đề cập đến “nhiều việc khác” (Ga 21:25) hay “các dấu lạ” (Ga 20:30) mà Chúa Giêsu đã làm. Các hành động của Chúa, các việc Người làm, không phải chỉ là những việc làm mà đều là những dấu lạ qua đó, bằng một cách hoàn toàn có tính bản thân, Người tỏ bầy tình yêu và lòng thương xót của Người cho mỗi người.

Chúng ta có thể chiêm ngắm Chúa, Đấng sai chúng ta đi thi hành sứ vụ này, bằng cách dùng hình ảnh Chúa Giêsu hay thương xót như đã được tiết lộ với Nữ Tu Faustina. Trong hình ảnh này, chúng ta có thể nhìn thấy lòng thương xót như một tia sáng duy nhất phát xuất từ thẳm sâu Thiên Chúa, băng qua trái tim Chúa Kitô, và xuất hiện thành nhiều màu sắc đa dạng, mỗi mầu đại diện cho một việc thương xót.

Các việc thương xót thì vô tận, nhưng mỗi việc mang dấu ấn của một khuôn mặt đặc thù, một lịch sử bản thân. Chúng không phải chỉ là những bản danh sách liệt kê bảy việc phần xác và bảy việc phần hồn của lòng thương xót. Các danh sách này giống như các nguyên vật liệu – vật liệu của chính cuộc sống – sau khi được nhào nặn bởi bàn tay thương xót, biến thành một sáng tạo nghệ thuật cá nhân. Mỗi việc sẽ được hóa nhiều giống như bánh mì trong các giỏ; mỗi việc đem lại sự phát triển phong phú như hạt cải. Vì lòng thương xót vốn sinh hoa trái và có tính bao gồm.

Chúng ta thường nghĩ đến những việc thương xót một cách cá thể và trong tương quan với một sáng kiến chuyên biệt: bệnh viện cho người nghèo, nhà bếp nấu cháo cho người đói ăn, nơi tạm trú cho người vô gia cư, trường học cho những người cần được giáo dục, hướng dẫn xưng tội và linh đạo cho những người cần huấn đạo và tha thứ... Nhưng nếu nhìn vào các việc thương xót như một toàn thể, chúng ta sẽ thấy rằng đối tượng của thương xót là chính sự sống của con người và tất cả mọi thứ nó bao trùm. Chính sự sống, vì là một “xác thịt”, nên biết đói biết khát; nó cần phải được mặc quần áo, cung cấp chỗ ở và được viếng thăm, ấy là chưa nói tới việc được chôn cất tươm tất, một điều không một ai trong chúng ta, dù giầu có bao nhiêu, có thể tự làm cho chính mình. Ngay cả những người giàu có nhất, trong cái chết, cũng trở thành kẻ khốn cùng; không hề có xe dọn đồ trong đoàn xe tang. Chính sự sống, vì là một “tinh thần”, nên cần được giáo dục, sửa trị, khuyến khích và an ủi. Chúng ta cần người khác để huấn đạo chúng ta, tha thứ cho chúng ta, chịu đựng chúng ta và cầu nguyện cho chúng ta. Gia đình là nơi những việc thương xót này được thực hành một cách bình thường và khiêm tốn đến nỗi chúng ta thậm chí không nhận ra. Ấy thế nhưng, một khi một gia đình có trẻ nhỏ mất đi người mẹ, mọi sự bắt đầu tan rã. Hình thức nghèo nàn độc ác nhất và tàn nhẫn nhất là hình thức các trẻ em đường phố, không cha mẹ và làm mồi cho đủ thứ kền kền.

Chúng ta đã xin được ơn trở nên dấu chỉ và dụng cụ. Bây giờ chúng ta phải “hành động”, không chỉ bằng những cử chỉ, nhưng còn bằng các dự án và cơ cấu, bằng cách tạo ra một nền văn hóa thương xót. Một khi đã bắt đầu, chúng ta sẽ cảm nhận được ngay lập tức rằng Thần Khí lên sinh lực và nâng đỡ các việc này. Thần Khí làm việc này bằng cách sử dụng các dấu chỉ và dụng cụ Người muốn, ngay cả đôi khi các dấu chỉ và dụng cụ này xem ra không phải là những dấu chỉ và dụng cụ thích đáng nhất. Thậm chí, người ta còn có thể nói được rằng, để thực hiện các việc thương xót, Thần Khí có xu hướng lựa chọn những dụng cụ nghèo nàn nhất, khiêm tốn nhất và vô nghĩa nhất, những dụng cụ chính chúng cũng cần các tia thương xót đầu tiên của Thiên Chúa hơn cả. Chúng là những dụng cụ có thể được lên khuôn và chuẩn bị tốt nhất để phục vụ hữu hiệu và tốt đẹp nhất. Niềm vui khi nhận ra rằng chúng ta là “đầy tớ vô dụng” được Chúa chúc phúc với tính sinh hoa trái của của ân sủng Người, được Người cho ngồi tại bàn ăn của Người và dọn Thánh Thể cho chúng ta, là một xác nhận rằng chúng ta đang tham gia vào các việc thương xót của Người.

Các tín hữu của chúng ta rất vui được tụ tập quanh các việc thương xót. Trong các cuộc cử hành sám hối và lễ hội, và trong các hoạt động giáo dục và từ thiện, tín hữu của chúng ta tự nguyện đến với nhau và để được chăn dắt theo những cách không luôn được nhìn nhận hoặc đánh giá cao, trong khi rất nhiều kế hoạch mục vụ trừu tượng và có tính học thuật hơn của chúng ta không tiến hành được. Sự hiện diện lớn lao của tín hữu chúng ta trong các đền thánh và các cuộc hành hương là một sự hiện diện ẩn danh, nhưng chỉ ẩn danh vì nó bao gồm rất nhiều khuôn mặt và trong một mong muốn đơn giản chỉ để được Chúa Giêsu và Đức Mẹ nhìn một cách thương xót. Cũng có thể nói tương tự như thế về rất nhiều những cách, trong đó tín hữu giáo dân ta tham gia vào rất nhiều sáng kiến liên đới; điều này cũng cần được chúng ta nhìn nhận, đánh giá cao và cổ vũ.

Là linh mục, chúng ta xin hai ân sủng của Đấng Chăn Chiên Lành, là để ta được hướng dẫn bởi cảm thức đức tin (fidei sensus) của tín hữu giáo dân chúng ta, và được hướng dẫn bởi “cảm thức người nghèo” của họ. Cả hai “cảm thức” này phải liên hệ với cảm thức Chúa Kitô (sensus Christi), với tình yêu Chúa Kitô và đức tin vào Người của các tín hữu giáo dân chúng ta.

Chúng ta hãy kết luận bằng cách đọc kinh Lạy Linh Hồn Chúa Kitô (Anima Christi), lời cầu nguyện đẹp đẽ này vốn nài xin lòng thương xót của Chúa, Đấng đã đến giữa chúng ta bằng xác thịt và nhân từ nuôi dưỡng chúng ta bằng mình và máu của Người. Chúng ta xin Người tỏ lòng thương xót đối với chúng ta và đối với dân của Người. Chúng ta xin linh hồn của Người “thánh hóa chúng con”, thịt Người “cứu vớt chúng con”, máu của Người làm “say sưa chúng con” và loại khỏi ta mọi cơn khát khác không phải là khát Người. Chúng ta xin nước chảy ra từ cạnh sườn Người “rửa sạch chúng con”, sự thống khổ của Người “củng cố chúng con”. Lạy Chúa chịu đóng đinh, xin Chúa an ủi dân của Chúa! Xin các vết thương của Chúa “che chở chúng con”... Lạy Chúa, xin ban ơn cho dân Chúa, để họ không bao giờ bị lìa xa Chúa. Xin đừng để điều nào và người nào có thể tách chúng ta ra khỏi lòng thương xót của Chúa, một lòng thương xót bảo vệ chúng ta khỏi các cạm bẫy của kẻ thù độc ác. Nhờ đó, lạy Chúa, chúng con sẽ hát ca những sự thương xót của Chúa, cùng với mọi vị thánh của Chúa khi Chúa mời gọi chúng con đến với Chúa.

[Đọc Kinh Lạy Linh Hồn Chúa Kitô]

Thỉnh thoảng tôi nghe nhận định của các linh mục nói rằng: “Đức Giáo Hoàng này luôn la rầy chúng ta, luôn luôn la mắng chúng ta”. Quả có đôi chút thật. Nhưng tôi phải nói rằng tôi đã được xây dựng bởi một số linh mục tốt lành! Bởi những vị - và tôi đã biết họ - thời trước khi có máy trả lời, ngủ với máy điện thoại trên chiếc bàn ban đêm của các ngài. Không ai chết mà không được chịu bí tích; khi điện thoại reo vào bất cứ giờ nào, các ngài cũng đều đứng dậy và ra đi. Các linh mục tốt lành! Và tôi cảm ơn Chúa vì ơn phúc này. Tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi, nhưng chúng ta có thể nói rằng có rất nhiều linh mục tốt lành và thánh thiện, những vị hoạt động âm thầm và không ai thấy. Đôi khi có vụ tai tiếng xẩy ra, nhưng, như chúng ta đã biết, một cây khi nó đổ gây nhiều ồn ào hơn cả một cánh rừng đang mọc.

Hôm qua tôi nhận được một lá thư. Tôi để nó trên bàn của tôi với các thư từ cá nhân. Tôi mở nó hôm nay, ngay trước khi đến đây và tôi tin rằng Chúa muốn tôi làm việc này. Nó đến từ một linh mục ở Ý, một mục tử của ba thị trấn nhỏ. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên lắng nghe chứng từ này từ một trong những người anh em của chúng ta.

Nó được viết vào ngày 29 tháng 5, chỉ vài ngày trước đây thôi:

“Xin lỗi con đã làm phiền Đức Thánh Cha. Con lợi dụng một người bạn linh mục đang tới Rome để dự Năm Thánh của các linh mục để đơn giản gửi tới Đức Thanh Cha, trong tư cách một linh mục bình thường phụ trách ba giáo xứ nhỏ miền núi, một vài suy nghĩ về việc mục vụ của riêng con. Chúng được gợi ra bởi một số điều Đức Thánh Cha đã nói, vốn thách thức con hàng ngày phải hồi tâm, và vì điều này con xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Con biết con không nói với Đức Thánh Cha bất cứ điều gì mới; chắc chắn đây là những điều Đức Thánh Cha đã nghe trước cả rồi. Nhưng con cảm thấy tự con phải nói ra.

Con thường bỡ ngỡ bởi lời kêu gọi của Đức Thánh Cha muốn các chủ chăn chúng con có mùi của chiên. Con đang ở trên vùng núi, vì vậy con biết rất rõ điều đó có nghĩa gì. Chúng con trở thành linh mục để biết mùi đó, mùi thực sự là nước hoa của đoàn chiên. Sẽ là điều tuyệt vời nếu việc tiếp xúc hàng ngày và các cuộc viếng thăm đoàn chiên của chúng ta, vốn là lý do đích thực cho ơn gọi của chúng ta, không bị thay thế bởi các trách nhiệm hành chính và bàn giấy tại các giáo xứ, trường học,.v.v… Con may mắn có được những giáo dân tốt và có khả năng đảm nhiệm những điều này. Nhưng là người đại diện hợp pháp duy nhất của giáo xứ, với tất cả mọi trách nhiệm của mình, vị mục tử luôn kết cục phải chạy đôn chạy đáo, đôi khi phải cho các cuộc viếng thăm người bệnh và các gia đình xuống dưới chót. Con nói điều này về bản thân con. Đôi khi, quả ngã lòng khi thấy trong đời sống linh mục của con, con đã bị liên lụy vào các vấn đề hành chính và bàn giấy, mà giáo dân của con, mà đoàn chiên nhỏ đã được ủy thác cho con chăm sóc, hầu như phải tự lo liệu lấy cho bản thân họ. Thưa Đức Thánh Cha, xin Đức Thánh Cha tin con khi con nói rằng việc ấy làm cho con đến phát khóc. Chúng con cố gắng tổ chức sự việc, nhưng cuối cùng, chỉ gặp những cơn lốc trong công việc hàng ngày.

Một điều khác Đức Thánh Cha đã nói đến là thiếu tình cha con. Người ta bảo xã hội ngày nay thiếu những người cha và người mẹ. Điều làm con ngỡ ngàng là cả chúng con cũng có thể đã từ bỏ tư cách làm cha tinh thần, tự để cho mình bị giản lược thành những ông bàn giấy thánh thiêng, với kết quả đáng buồn là chúng con cảm thấy bị bỏ rơi và cô độc. Như thế, khó khăn của chúng con trong việc làm cha có những vang dội không thể tránh khỏi đối với các bề trên của chúng con, những vị có các trách nhiệm và những vấn đề riêng của các ngài. Mối liên hệ của các ngài với chúng con cũng có thể có nguy cơ trở thành hoàn toàn có tính hình thức trang trọng, liên quan đến việc quản trị cộng đồng, chứ không liên quan gì đến cuộc sống của chúng con như những con người, những tín hữu và những linh mục.

Tất cả điều này - và ở đây con xin kết luận – không lấy mất điều gì khỏi niềm vui và sự phấn khích của con được làm một linh mục cho mọi người và với mọi người. Nếu có những lúc, trong tư cách một mục tử, con không có mùi chiên, con vẫn cảm động khi nhận ra rằng đoàn chiên của con không mất mùi của vị mục tử của mình! Thưa Đức Thánh Cha, quả là một điều tuyệt vời khi nhận ra rằng đoàn chiên không bỏ chúng con cô độc. Họ có thể đo lường mức độ chúng con có đó cho họ, và nếu không may vị mục tử lạc xa đường và mất hướng đi, họ sẽ đi tìm ngài và lấy tay nắm lấy ngài. Con luôn cảm ơn Chúa vì Người luôn cứu chúng con qua bầy chiên, bầy chiên được trao phó cho chúng con, tất cả những con người tốt lành, tầm thường, khiêm tốn và thanh thản, đoàn chiên là phước lành thật sự của mọi người chăn chiên.

Con muốn gửi cho Đức Thánh Cha những suy nghĩ đơn giản nhỏ mọn này vì Đức Thánh Cha gần gũi với đoàn chiên. Đức Thánh Cha có thể hiểu chúng con và có thể tiếp tục giúp đỡ và nâng đỡ chúng con. Con cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và con cảm ơn Đức Thánh Cha, về việc thỉnh thoảng “trách mắng” mà con cảm thấy cần thiết cho cuộc hành trình của con. Thưa Đức Giáo Hoàng Phanxicô, xin Đức Giáo Hoàng chúc lành cho con và cầu nguyện cho con và cho giáo xứ của con.

Ngài đã ký bức thư rồi, cuối cùng, viết thêm, như mọi mục tử tốt lành: “con để lại cho Đức Thánh Cha một tặng phẩm nhỏ. Xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho cộng đồng của con, đặc biệt cho các người bệnh nặng và một vài gia đình có khó khăn tài chính, và không chỉ khó khăn tài chánh. Cảm ơn Đức Thánh Cha!”.

Đây là một trong những người anh em của chúng ta. Có rất nhiều người khác như vị này! Hiển nhiên nhiều vị đang ở đây giữa chúng ta. Nhiều lắm. Ngài chỉ đường cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy tiến lên phía trước! Đừng quên cầu nguyện. Hãy cầu nguyện bao nhiêu có thể, và nếu anh em ngủ gục trước nhà tạm, thì cứ ngủ đi. Nhưng hãy cầu nguyện! Đừng bao giờ để mất việc này. Đừng bao giờ quên để mình được Đức Mẹ ngắm nhìn, và luôn giữ lấy ngài làm Mẹ của anh em. Đừng bao giờ mất lòng nhiệt thành của anh em, cả sự gần gũi và sẵn sàng có đó cho giáo dân của anh em. Và điều này nữa, tôi xin phép nói: Đừng bao giờ mất cảm thức hài hước... Vì vậy, hãy tiến lên phía trước!

 

 



[1] Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 2449.

[2] Ibid., số 2448.

[3] Aparecida, số 386.

[4] Chữ “lên án” tự nó rất quan trọng, vì nó nói tới điều ta thấy không thể chấp nhận được liên quan tới những người phán xét hay biếm họa chúng ta...

[5] Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1465.

[6] Ibid., số 1466.

[7] x. Truyện Một Linh Hồn, thủ bản C, gửi Mẹ Gonzaga, c. XII, 32r.