Sunday, 05 April 2020 08:07

Bài Giảng Của Đức Phanxicô Trong Thánh Lễ Với Các Linh Mục Và Tu Sĩ Mexico Featured

Vinc. Vũ Văn An

 

LTS: Vào lúc 9g00 sáng ngày thứ Ba, 16-02-2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Morelia, thủ phủ Tiểu Bang Michoacan, Mexico. Tiểu bang này vốn nằm ở trung tâm con đường buôn bán ma túy, một vùng của nghèo đói, thất nghiệp, bạo lực và thối nát. Việc đầu tiên là ngài cử hành Thánh Lễ với các linh mục, chủng sinh và tu sĩ nam nữ tại sân vận động “Venustiano Carranza” của thành phố. Sau đây là nguyên văn bài giảng của ngài:

***

***

Anh chị em thân mến,

Có một câu ngạn ngữ nói rằng: “Hãy cho tôi biết bạn cầu nguyện ra sao, tôi sẽ cho bạn biết bạn sống thế nào; hãy cho tôi biết bạn sống thế nào, tôi sẽ cho bạn biết bạn cầu nguyện ra sao. Vì khi chỉ cho tôi thấy bạn cầu nguyện ra sao, tôi sẽ học được cách tìm thấy vị Thiên Chúa mà bạn đã sống vì, và khi chỉ cho tôi thấy bạn sống thế nào, tôi sẽ học được cách tin vị Thiên Chúa mà bạn cầu nguyện với”. Vì đời sống ta nói về cầu nguyện và cầu nguyện nói về đời sống ta. Cầu nguyện là một điều học được, giống như ta học đi, học nói, học lắng nghe.

Trường cầu nguyện là trường đời và trong trường đời ta tiến bộ trong trường cầu nguyện. Và khi Thánh Phaolô quen nói với người môn đệ yêu mến của ngài là Timôthê, khi ngài quen dạy ông và khuyên bảo ông sống đức tin của ông, ngài thường nói rằng: “Con hãy nhớ tới mẹ con và bà con”. Và khi các chủng sinh buớc vào chủng viện, họ thường hỏi tôi: “Thưa cha, con muốn cầu nguyện một cách sâu sắc hơn, trong tâm trí nhiều hơn… ”. Tôi trả lời rằng: “Cứ cầu nguyện theo lối người ta dạy con ở nhà. Rồi từ từ, việc cầu nguyện của con sẽ phát triển như con đã phát triển trong đời”. Ta học cầu nguyện, y hệt như ta học sống.

Chúa Giêsu muốn dẫn đưa các đồng bạn của Người vào mầu nhiệm Sự Sống, vào mầu nhiệm Sự Sống Thần Linh của Người. Người chỉ cho họ bằng cách ăn, ngủ, chữa bệnh, rao giảng và cầu nguyện, là Con Thiên Chúa có nghĩa gì. Ngài mời gọi họ chia sẻ cuộc sống của Người, nội tâm của Người, và sự hiện diện của Người giữa họ; Người cho phép họ rờ mó sự sống của Chúa Cha trong thân xác Người. Người giúp họ cảm nghiệm sự mới mẻ khi đọc kinh “Lạy Cha” ngay trong ánh mắt của Người, ngay trong cách ngài mạnh mẽ lên đường. Trong Chúa Giêsu, việc biểu lộ này không hề có dấu vết nào của lề thói hay lặp đi lặp lại nguyên tuyền. Trái lại, nó có ý hướng sống, trải nghiệm, chân thực. Với hai chữ “Lạy Cha”, Người biết phải sống sự cầu nguyện và phải cầu nguyện sự sống ra sao.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cũng làm y hệt như thế. Ơn gọi thứ nhất của ta là cảm nghiệm tình yêu đầy thương xót của Chúa Cha trong đời ta, trong các trải nghiệm của ta. Ơn gọi thứ nhất của Người là dẫn chúng ta vào tính năng động mới mẻ của tình yêu, của phận làm con. Ơn gọi thứ nhất của ta là học đọc “Lạy Cha”, nghĩa là Thưa Bố.

Thánh Phaolô từng nói rằng: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!”. Đúng, “khốn cho tôi!”, vì rao giảng Tin Mừng không phải là vì vinh vang mà đúng hơn là một nhu cầu (x. 1Cr 9:16).

Người vốn mời gọi chúng ta chia sẻ đời sống Người, đời sống Thiên Chúa của Người, và khốn thay cho chúng ta nếu chúng ta không chia sẻ đời sống này, khốn cho chúng ta, các người tận hiến nam nữ, các linh mục, các chủng sinh, các giám mục, khốn cho chúng ta, nếu chúng ta không làm chứng cho những điều chúng ta đã thấy và đã nghe, khốn cho chúng ta. Chúng ta không phải là và không muốn là “những nhà quản trị của thể thần linh”, chúng ta không là và không muốn là các công nhân của Thiên Chúa, vì chúng ta được mời gọi chia sẻ đời sống Người, chúng ta được mời gọi bước vào trái tim Người, một trái tim cầu nguyện và sống, khi nói “Lạy Cha”. Nếu không nói thế bằng đời sống ta, thì đâu là mục đích của chúng ta. Từ đầu đến cuối, như hiền huynh giám mục của chúng ta mới chết đêm qua, đâu là sứ mệnh của ta nếu không nói thế bằng đời sống mình, “Lạy Cha”?

Đấng là Cha chúng ta, Người chính là Đấng chúng ta ngỏ lời năn nỉ cầu xin hàng ngày: “Chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Chúa Giêsu cũng đã xin y như thế. Người cầu xin để các môn đệ của Người, của ngày qua và của ngày nay, khỏi sa chước cám dỗ. Đâu là cơn cám dỗ phạm tội đang vây khốn ta? Đâu là cơn cám dỗ phát sinh không những từ việc quan sát thực tế mà còn từ việc sống thực tế nữa? Cơn cám dỗ nào đến với chúng ta từ những chỗ thường bị thống trị bởi bạo lực, thối nát, buôn bán ma túy, coi thường nhân phẩm, và dửng dưng trước đau khổ và kém thế? Cơn cám dỗ nào ta từng chịu tới chịu lui khi đối diện với thực tế xem ra đã biến thành một hệ thống thường trực này?

Tôi nghĩ ta có thể tóm tắt trong một chữ “nhẫn nhục buông xuôi” (Resignation). Đối diện với thực tế này, ma qủy có thể thắng lướt chúng ta bằng một trong các vũ khí ưa thích của hắn: nhẫn nhục buông xuôi. Một nhẫn nhục buông xuôi làm chúng ta tê liệt và ngăn chúng ta không những bước đi mà còn cả thực hiện cuộc hành trình nữa; một nhẫn nhục buông xuôi không những làm chúng ta khiếp đảm, mà còn làm chúng ta cố thủ trong các “phòng áo lễ” và các an ổn giả tạo của ta nữa; một nhẫn nhục buông xuôi không những ngăn cản chúng ta tuyên xưng, mà còn ngăn cấm chúng ta dâng lời ngượi khen nữa. Một nhẫn nhục buông xuôi không những cản trở chúng ta nhìn về tương lai, mà còn phá ngang ý muốn chấp nhận rủi ro và thay đổi của chúng ta. Và do đó, “Lạy Cha, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

Tốt đẹp biết bao nếu khi bị cám dỗ, ta biết nối mạch vào các ký ức của mình. Sẽ giúp ích biết mấy nếu ta chịu nhìn vào “chất liệu” mà từ đó ta đã được tạo nên. Mọi sự không bắt đầu với ta, mọi sự cũng không kết thúc với ta, và do đó, điều tốt đối với ta là biết nhìn trở lại các trải nghiệm quá khứ của mình, những trải nghiệm đã đem ta tới chỗ ta hiện diện bây giờ.

Và trong việc hồi tưởng này, ta không thể bỏ qua một người từng yêu nơi này xiết bao, một người tự biến mình thành người con của lãnh thổ này. Chúng ta không thể bỏ qua một con người từng nói về mình rằng: “Các ngài đã lãnh tôi từ một tòa án và đặt tôi vào nghĩa vụ trông coi chức linh mục vì tội lỗi của tôi. Tôi, một kẻ vô dụng và không hề có khả năng thi hành một nhiệm vụ cao cả như thế; tôi, người không biết sử dụng mái chèo, các ngài đã chọn tôi làm Giám Mục đầu tiên của Michoacán”.[1] Và tôi muốn cám ơn Đức Hồng Y, Tổng Giám Mục, vì ngài muốn Thánh Lễ này được cử hành bằng chén thánh của con người vừa nói.

Tôi muốn nhắc nhớ người truyền giảng Tin Mừng trên với anh chị em; ngài là người đầu tiên có biệt danh “người Tây Ban Nha đã trở thành người Bản Địa”.

Tình huống người Bản Địa Purhépechas, những người ngài mô tả là “bị bán, bị hạ nhục và vô gia cư ở các cửa chợ, đi lượm các mẩu bánh dưới đất”, thay vì cám dỗ ngài phờ phạc buông xuôi, đã đốt cháy đức tin của ngài, đã củng cố lòng cảm thương của ngài và linh hứng ngài thi hành nhiều kế hoạch vốn là “làn khí tươi mát” giữa không biết bao nhiêu bất công từng làm tê liệt nhiều người. Cái đau và cái khổ của các anh chị em của ngài đã trở thành lời cầu nguyện của ngài, và lời cầu nguyện của ngài đã dẫn tới đáp ứng của ngài. Nơi người Bản Địa, ngài có tên “Tata Vasco”, mà trong tiếng Purhépechan, có nghĩa là cha, bố, bố cưng,…

Chúa Giêsu mời gọi ta đọc lời cầu nguyện này, đọc kiểu nói này. Lạy Cha, thưa bố, bố cưng ơi… chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhẫn nhục buông xuôi, chớ để chúng con sa chước cám dỗ đánh mất ký ức, chớ để chúng con sa chước cám dỗ quên khuấy các vị cao niên của chúng con, những người từng dạy chúng con kinh “Lạy Cha” bằng chính cuộc sống của các ngài. A-men.

 

 


[1] Vasco Vázquez de Quiroga, Thư Mục Vụ, 1554.