Sunday, 05 April 2020 08:07

Bài Giảng Của Đức Phanxicô Trong Thánh Lễ Với Người Thổ Dân Mexico Featured

Vinc. Vũ Văn An

 

LTS: Vào lúc 10g15 ngày thứ Hai, 15-02-2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới San Cristobal de Las Casas để thăm viếng người thổ dân tiểu bang Chiapas, miền nam Mexico, và cử hành Thánh Lễ với họ. Ngoài ra cũng có một phái đoàn thổ dân từ nước Guatemala láng giềng gồm nhiều Giám mục và các thủ lãnh của nhiều bộ tộc thổ dân ở vùng biên giới giữa Guatemala và Mexico. Có hơn 100 ngàn tín hữu tham dự Thánh lễ cùng với Đức Thánh Cha. “San Cristobal de las Casas” thuộc bang Chiapas, nghèo nhất trong số 31 bang ở Mexico, với đa số dân là thổ dân bản xứ thuộc các bộ tộc khác nhau. Sau cuộc nổi loạn của phiến quân thổ dân Zapata, chính phủ Mexico đã đổ rất nhiều tiền vào bang Chiapas, nhưng cho đến nay 75% dân cư tại bang này vẫn thuộc hàng nghèo nhất nước. Ngoài tiếng Tây Ban Nha, trong thánh lễ còn có các ngôn ngữ khác của thổ dân: tiếng Tseltal, tiếng Ch'ol, và tiếng Tsotsil. Sau đây là nguyên văn bài giảng của ngài:

***

***

 

Anh chị em thân mến,

“Li smantal Kajvaltike toj lek” – lề luật của Chúa thì hoàn hảo; nó làm linh hồn sống lại. Thánh vịnh chúng ta vừa nghe đã bắt đầu như thế. Lề luật của Chúa thì hoàn hảo và thánh vịnh gia đã sốt sắng liệt kê mọi điều lề luật đề xuất với những ai chịu nghe và tuân theo nó: nó làm linh hồn sống lại, nó đem khôn ngoan tới cho người đơn sơ, nó làm tâm hồn ta hân hoan, nó cho mắt ta ánh sáng.

Đó là lề luật mà Dân Israel đã tiếp nhận từ tay Moses, một lề luật sẽ giúp Dân Thiên Chúa sống trong tự do mà họ được kêu gọi bước vào. Một lề luật nhằm làm ánh sáng dẫn đường và đồng hành với cuộc hành hương của dân Người. Một dân tộc từng cảm nghiệm cảnh nô lệ và bạo chúa của Pharaoh, chịu đau khổ và áp bức đến nỗi Thiên Chúa phải nói: “Đủ rồi! Không được nữa! Ta đã thấy sự thống khổ của chúng, Ta đã nghe thấy tiếng kêu của chúng, Ta biết các đau khổ của chúng” (x. Xh 3:9). Và ở đây, người ta đã thấy gương mặt thực sự của Thiên Chúa, gương mặt của Người Cha đau khổ khi thấy con cái mình chịu đau khổ, ngược đãi và bất công. Lời lẽ, lề luật của Người, do đó, trở thành biểu tượng của tự do, biểu tượng của hạnh phúc, khôn ngoan và ánh sáng. Nó là một cảm nghiệm, một thực tại được chuyên chở bằng câu kinh cầu trong “Popol Vuh” và phát sinh từ sự khôn ngoan tích lũy trên các lãnh thổ này từ những thời không ai nhớ được: “Hừng đông mọc lên trên mọi bộ lạc. Mặt trái đất tức khắc được mặt trời chữa lành” (33). Mặt trời mọc lên để dân, ở các thời điểm khác nhau, tiến bước giữa các thời khắc đen tối nhất của lịch sử.

Trong cách phát biểu trên, người ta nghe thấy khát vọng được sống trong tự do, khát mong được ngắm nhìn đất hứa nơi áp bức, ngược đãi và nhục mạ không còn là chuyện thường ngày. Trong trái tim con người và trong ký ức nhiều người thuộc các dân tộc anh chị em đã có in sẵn lòng hoài mong ấy, lòng hoài mong đất đai, lòng hoài mong đến lúc thối nát của con người sẽ được lướt thắng bằng tình anh em, bất công sẽ bị chinh phục bởi tình liên đới và bạo lực sẽ bị hòa bình làm câm họng.

Cha chúng ta không những chia sẻ hoài mong trên, Người còn linh hứng nó và tiếp tục linh hứng như thế bằng cách ban cho ta Con của Người là Chúa Giêsu Kitô. Nơi Người, ta khám phá ra tình liên đới của Chúa Cha, Đấng vẫn đi cạnh ta. Nơi Người, ta thấy lề luật hoàn hảo đã mang lấy xác thịt, đã mang khuôn mặt người, đã chia sẻ lịch sử ta để cùng sánh bước và nâng đỡ dân của Người ra sao. Người đã trở nên Đường, Người đã trở nên Sự Thật, Người đã trở nên Sự Sống, để bóng tối không có lời nói cuối cùng và hừng đông sẽ không ngừng mọc lên trên đời sống con cái nam nữ của Người.

Bằng nhiều cách, người ta từng mưu toan làm cho lòng hoài mong trên im lặng và lu mờ, và bằng nhiều cách, người ta đã cố gắng chuốc mê linh hồn chúng ta, và bằng nhiều cách, người ta đã gắng sức khuất phục và ru ngủ con cái và giới trẻ chúng ta vào một thứ uể oải bằng cách gợi ý rằng không điều gì có thể thay đổi, các giấc mơ của chúng không bao giờ có thể trở thành thực tại. Đối đầu với những mưu toan này, chính tạo thế cũng phải lên tiếng phản đối: “Người chị này đang kêu gào vì sự hủy hoại do chúng ta, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên. Vì cứ đinh ninh rằng, chúng ta chính là chủ nhân và sỡ hữu chủ, nên được quyền tận dụng. Bạo lực nằm trong trái tim bị tội lỗi gây thương tích của con người, xuất hiện rõ ràng qua các hiện tượng bệnh lý, mà chúng ta có thể ghi nhận trong đất đai, trong không khí và nơi các sinh vật. Vì thế, giữa những người nghèo bị bỏ rơi và bị đối xử tàn tệ nhất, chúng ta sẽ thấy trái đất của chúng ta bị bóc lột và bị tàn phá, “đang rên siết và quằn quại trong cơn sinh nở” (Rm 8, 22)”.[1] Thách đố môi trường mà chúng ta đang trải nghiệm và các nguyên nhân nhân bản của nó, ảnh hưởng tới mọi người chúng ta[2] và đòi chúng ta phải trả lời. Chúng ta không thể giữ im lặng được nữa trước một trong các cuộc khủng hoảng môi trường lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Về phương diện trên, anh chị em có nhiều điều để dạy dỗ chúng tôi. Như các giám mục Mỹ Châu Latinh vốn thừa nhận, các dân tộc của anh chị em biết cách tương tác một cách hòa hợp với thiên nhiên, một thiên nhiên mà họ tôn kính như là “nguồn thực phẩm, căn nhà chung và là bàn thờ của chung nhân loại”.[3]

Ấy thế nhưng, nhiều dịp, trong một đường lối có hệ thống và tổ chức, dân chúng của anh chị em đã bị hiểu lầm và bị loại ra khỏi xã hội. Một số người coi các giá trị, nền văn hóa và các truyền thống của anh chị em là thấp kém. Nhiều người khác, vì say sưa với quyền lực, tiền bạc và khuynh hướng thị trường, đã đánh cướp các đất đai của anh chị em và chuốc độc chúng. Điều này đáng buồn xiết bao!. Điều đáng làm xiết bao là mỗi người nên xét lương tâm mình và học cách nói: “xin tha thứ cho tôi!”. Thế giới ngày nay, bị nền văn hóa vứt bỏ làm cho tan nát như hiện nay, rất cần anh chị em!.

Bị đẩy vào một nền văn hóa luôn tìm cách giập tắt mọi di sản và đặc điểm văn hóa nhằm theo đuổi một thế giới đồng nhất hóa (Homogenized), tuổi trẻ ngày nay cần bám chặt vào sự khôn ngoan của các bậc trưởng thượng!.

Thế giới ngày nay, bị khuất phục bởi tiện lợi, cần học lại giá trị của lòng biết ơn!.

Chúng ta hân hoan vì biết chắc rằng: “Đấng Tạo Hóa không bỏ rơi chúng ta; Người không bao giờ từ bỏ kế hoạch đầy yêu thương của Người hay hối hận vì đã dựng nên ta”.[4] Chúng ta hân hoan vì Chúa Giêsu tiếp tục chết và sống lại trong mọi cử chỉ ta hiến tặng cho những người bé nhỏ nhất trong anh chị em của chúng ta. Chúng ta hãy quyết tâm làm chứng cho sự Thống Khổ và sự Phục Sinh của Người, bằng cách lên xương thịt cho những lời này: “Li smantal Kajvaltike toj lek” – lề luật của Chúa thì hoàn hảo và khích lệ linh hồn. A-men.

 

 


[1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung), Ngày 24-05-2015, số 2.

[2] Ibid., số 14.

[3] Aparecida, 472.

[4] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Laudato Si’ (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung), Ngày 24-05-2015, số 13.