Sunday, 05 April 2020 08:07

Bài Giảng Của Đức Phanxicô Trong Thánh Lễ Tại Khu Nghèo Ecatepec - Mexico Featured

Vinc. Vũ Văn An

 

LTS: Sáng Chúa Nhật 14-02-2016, ngày thứ hai trong chuyến tông du Mexico, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đáp trực thăng tới khu nghèo nàn, đầy tội ác Ecatepec của thủ đô Mexico City, để cử hành Thánh Lễ với những người “ở ngoại vi”, tương phản hoàn toàn với ngày hôm trước khi ngài gặp gỡ chính phủ và các nhà cầm quyền Mexico tại Dinh Quốc Gia và sau đó, gặp các giám mục Mexico tại Nhà Thờ Chính Tòa lộng lẫy Mông Triệu rồi cử hành Thánh Lễ tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Guadalupe.

Theo tiếng thổ dân Nahunta, Ecatepec có nghĩa là “đồi gió”. Nó vang danh thời Đế Quốc Aztec, nhưng nay chỉ là một khu nghèo nàn rác rưởi, biệt danh là “barrio bravo”, một mỹ từ thay cho khu vô luật pháp nơi tội ác có tổ chức mặc sức tung hoành, nơi “phần lớn người ta không dám đặt chân tới”. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt chân tới, nó là địa điểm của lòng thương xót trong Năm Thương Xót, ngài không thể không tới. Năm 2014, công nhân ống cống đã phát giác hàng trăm xương người và cơ thể của 5 người đàn ông và 16 phụ nữ vùi dập ở đây. Phụ nữ đặc biệt bị chiếu cố: bị hiếp hoặc buộc phải làm điếm và khi không chịu, bị tạt acxít vào mặt hoặc bị giết trước sự dửng dưng của cảnh sát. Còn con trai thì được các ông chúa buôn bán ma túy tuyển dụng ngay lúc còn nhỏ, lúc lên 18, trở thành “pozoleros” chuyên giấu xác người, hay “sicarios” sát nhân. Trong Thánh Lễ tại đây, Đức Phanxicô nói tới 3 cơn cám dỗ của Chúa Kitô (Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay), cũng là 3 cơn cám dỗ của Kitô hữu: cám dỗ giàu sang, cám dỗ phù hoa và cám dỗ vênh vang. Sau đây là nguyên văn bài giảng của ngài:

***

***

 

Thứ Tư vừa qua, chúng ta đã bắt đầu mùa Chay phụng vụ, trong mùa này, Giáo Hội mời gọi chúng ta chuẩn bị cử hành đại lễ Phục Sinh. Đây là một thời gian đặc biệt để nhắc nhớ hồng ân rửa tội của chúng ta, khi chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Giáo Hội mời gọi chúng ta đổi mới hồng ân Giáo Hội đã ban cho chúng ta, đừng để hồng ân này nằm ngủ như thể là một điều của quá khứ hoặc bị khóa cứng trong một thứ “hòm ký ức”. Mùa Chay là thời điểm tốt để tái khám phá niềm vui và niềm hy vọng khiến chúng ta cảm thấy là những đứa con yêu qúy của Chúa Cha. Người Cha này đang đợi chúng ta để ném đi những chiếc áo kiệt lực, lãnh cảm, bất tín, và sau đó mặc cho chúng ta phẩm giá mà chỉ người cha hay người mẹ mới biết phải cho con cái mình ra sao mà thôi, với những y phục dệt bằng tình âu yếm và yêu thương.

Cha chúng ta, Người là Cha của một gia đình vĩ đại; Người là Cha chúng ta. Người biết rằng Người có một tình yêu độc đáo, nhưng Người không biết cưu mang hay dạy dỗ một “đứa con một”. Người là Thiên Chúa của mái ấm, của tình huynh đệ, của bánh được bẻ ra và chia sẻ. Người là Thiên Chúa, Đấng là “Cha chúng tôi”, không phải ‘cha tôi” hay “cha kế của anh”.

Giấc mơ của Thiên Chúa làm nhà cho nó và sống trong mỗi người chúng ta để trong mọi Lễ Phục Sinh, trong mọi Thánh Thể chúng ta cử hành, chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa. Đây là một giấc mơ mà không biết bao nhiêu anh chị em của chúng ta đã có trong suốt lịch sử. Một giấc mơ được làm chứng bằng máu của rất nhiều tử đạo, cả xưa kia lẫn ngày nay.

Mùa Chay là thời hồi tâm, là thời để hàng ngày cảm nhận được trong đời mình việc giấc mơ này bị liên tục đe dọa ra sao bởi cha của mọi dối trá, bởi cái tên đang hết sức cố gắng phân rẽ chúng ta, tạo nên một xã hội chia rẽ và phe phái. Một xã hội của số ít và phục vụ số ít. Trong cuộc sống mình, trong gia đình mình, giữa bạn bè và khu xóm mình, biết bao lần, chúng ta cảm thấy nỗi đau phát sinh từ việc phẩm giá mà chúng ta mang trong mình bị bác bỏ. Biết bao lần chúng ta đã phải khóc than hay hối tiếc khi hiểu ra rằng chính chúng ta cũng không thừa nhận phẩm giá này nơi người khác. Biết bao lần, và tôi đau đớn nói ra điều này, chúng ta đã đui mù và trơ trơ không chịu thừa nhận phẩm giá của chính chúng ta và của người khác.

Mùa Chay là thời để xem xét lại các tâm tư của chúng ta, để con mắt ta mở to, nhìn rõ các bất công rất thường thấy đang đi ngược lại giấc mơ và kế hoạch của Thiên Chúa. Đây là thời để lột mặt nạ 3 cơn cám dỗ vĩ đại vốn xói mòn và xé nát hình ảnh mà Thiên Chúa muốn hình thành trong chúng ta:

Có ba cơn cám dỗ của Chúa Kitô… ba cơn cám dỗ đối với Kitô hữu, chúng tìm cách phá hủy những gì chúng ta vốn được kêu gọi trở thành; ba cơn cám dỗ cố gắng xói mòn chúng ta và xé nát chúng ta.

- Giàu sang: chiếm giữ những của cải vốn dành cho mọi người, và chỉ sử dụng chúng cho “người của tôi”. Nghĩa là, chiếm “miếng bánh” do lao công của nhiều người khác, hoặc thậm chí còn gây hại cho chính mạng sống của họ nữa. Cái thứ giàu sang đầy mùi đau đớn, đắng cay và đau khổ. Đó là miếng bánh mà gia đình hay xã hội thối nát ban phát cho con cái của riêng họ.

- Phù hoa: Theo đuổi uy thế dựa trên việc không ngừng, tàn nhẫn loại bỏ những ai “không giống như tôi”. Chạy theo một cách vô ích những năm phút nổi tiếng ấy, không chịu tha thứ “danh tiếng” của người khác. “Tạo củi đốt từ cây bị đốn ngã” nhường chỗ cho cơn cám dỗ thứ ba.

- Vênh vang: hay đúng hơn, đặt mình lên một bậc cao hơn là bậc mình thực sự có, cảm thấy mình không cùng chung đời sống với “những kẻ thuần túy tử sinh”, và vẫn mỗi ngày mỗi đọc “con tạ ơn Chúa đã không tạo nên con giống những người khác…”.

Ba cơn cám dỗ của Chúa Kitô… Ba cơn cám dỗ mà Kitô hữu phải đương đầu hàng ngày. Ba cơn cám dỗ tìm cách xói mòn, tiêu hủy và giập tắt niềm vui và sự tươi mát của Tin Mừng. Ba cơn cám dỗ khóa cứng chúng ta vào vòng hủy diệt và tội lỗi. Và do đó, đáng để chúng ta tự hỏi:

- Ta ý thức đến đâu ba cơn cám dỗ này trong đời sống ta, trong chính con người chúng ta?

- Ta đã trở nên quen thuộc đến đâu cái lối sống trong đó ta nghĩ rằng nguồn suối và sức sống của ta chỉ hệ ở giàu sang?

- Ta cảm thấy tới đâu rằng quan tâm tới người khác, quan tâm tới chúng ta và việc mưu sinh của chúng ta, tới danh thơm tiếng tốt và phẩm giá người khác mới là nguồn phát sinh hạnh phúc và hy vọng?

Chúng ta đã chọn Chúa Giêsu, không chọn tên gian ác; chúng ta muốn bước theo bước chân Người, dù biết rằng điều này không dễ.

Chúng ta biết thế nào là bị cám dỗ bởi tiền bạc, danh tiếng và quyền lực.Vì lý do này, Giáo Hội cho ta hồng ân Mùa Chay, mời gọi ta hồi tâm, đem lại cho ta sự chắc chắn duy nhất này: Người đang chờ chúng ta và muốn hàn gắn trái tim ta khỏi tất cả những gì xé nát ta. Người là Thiên Chúa có tên: Thương Xót. Tên Người là sự giàu sang của chúng ta, tên Người là điều làm chúng ta nổi tiếng, tên Người là quyền lực của chúng ta và nhân danh Người, một lần nữa chúng ta nói như Thánh Vịnh rằng: “Chúa là Thiên Chúa của con và con tin tưởng nơi Chúa”. Chúng ta hãy cùng nhau nhắc lại những lời ấy: “Chúa là Thiên Chúa của con và con tin tưởng nơi Chúa”.

Trong Thánh Lễ hôm nay, xin Chúa Thánh Thần đổi mới trong chúng ta sự chắc chắn này: danh Người là Thương Xót, và xin Người cho chúng ta cảm nghiệm hàng ngày rằng: “Tin Mừng tràn đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu…”, vì biết rằng “với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, niềm vui luôn luôn phát sinh như mới”.[1]

 

 

 


[1] Xc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin Mừng), Ngày 24-11-2013, số 1.