Sunday, 05 April 2020 08:07

Bài Giảng Của Đức Phanxicô Trong Thánh Lễ Tại Đền Đức Mẹ Guadalupe Featured

Vinc. Vũ Văn An

 

LTS: Vào lúc 16 giờ 45, thứ bảy, ngày 13-02-2016, xe chở Đức Thánh Cha Phanxicô từ Tòa Sứ Thần Tòa Thánh đến Vương Cung Thánh Đường Guadalupe ở Mexico City để chủ sự Thánh Lễ tại đây. Đền Nữ Trinh Guadalupe là địa điểm hành hương Công Giáo được nhiều người viếng thăm nhất trên thế giới và là một đền thờ hết sức quan trọng đối với vị Giáo Hoàng Châu Mỹ Latin đầu tiên này. Sau đây là nguyên văn bài giảng của Đức Giáo Hoàng:

***

***

 

Chúng ta vừa nghe Đức Maria đã gặp người chị em họ Elisabeth của ngài ra sao. Ngài vội vã ra đi, không một chút hoài nghi do dự, không giảm nhịp bước, để được ở bên cạnh người thân thuộc của ngài đang ở cữ vào những tháng cuối cùng của thai kỳ.

Cuộc gặp gỡ của Đức Maria với thiên thần không giữ ngài ở lại nhà vì ngài không hề coi mình là người được ưu đãi, hay làm cho ngài do dự trong việc phải xa lìa những người ở chung quanh ngài. Trái lại, nó đổi mới và linh hứng một thái độ mà vì đó, Đức Maria được và luôn được biết đến: ngài là người phụ nữ biết nói “xin vâng”, một lời “xin vâng” hoàn toàn phó thác trong tay Thiên Chúa, và đồng thời, là một lời “xin vâng” hoàn toàn phó thác trong tay anh chị em mình. Đây là lời “xin vâng” thúc đẩy ngài cho đi phần tốt nhất của chính ngài, ra đi gặp gỡ người khác.

Lắng nghe đoạn Tin Mừng này tại nơi đây quả có một ý nghĩa đặc biệt. Đức Maria, người phụ nữ biết nói lời “xin vâng” của mình, cũng muốn đến với các cư dân của lãnh thổ Mỹ Châu này trong con người của người thổ dân là Thánh Juan Diego. Người từng rong ruổi các nẻo đường ở Judea và Galilee thế nào, thì ngài cũng bước qua Tepeyac như thế, mình mặc bộ đồ thổ dân và sử dụng ngôn ngữ của họ, để cả ngài nữa đã và tiếp tục đồng hành với việc phát triển của lãnh thổ diễm phúc Mexico này. Ngài đã tỏ mình với người bé nhỏ Juan ra sao, ngài cũng tiếp tục tỏ mình với tất cả chúng ta như thế, nhất là với những người cảm thấy “vô gia trị” như người bé nhỏ này.[1] Việc lựa chọn đặc biệt này, một lựa chọn mà ta có thể gọi là ưu tiên, không hề chống lại bất cứ ai nhưng đúng hơn có lợi cho mọi người. Người thổ dân bé nhỏ Juan, người tự gọi mình là “cái quai da, cái khung đeo lưng, cái đuôi, cái cánh, bị áp bức bởi gánh nặng của người khác”,[2] đã trở thành “một vị đại sứ, đáng tin hơn hết”.

Buổi sáng ấy, tháng Mười Hai năm 1531, phép lạ đầu tiên đã diễn ra, sau này trở thành ký ức sống động của tất cả những gì Đền Thánh này bảo vệ. Buổi sáng hôm đó, trong cuộc gặp gỡ đó, Thiên Chúa đã đánh thức niềm hy vọng nơi đứa con Juan của Người, và niềm hy vọng của cả dân tộc anh. Buổi sáng hôm đó, Thiên Chúa đã đánh thức niềm hy vọng của những con người bé nhỏ, đau khổ, di tản hay bị bác bỏ, của tất cả những người cảm thấy mình không có chỗ đứng xứng đáng trên lãnh thổ này. Buổi sáng hôm đó, Thiên Chúa đã đến gần và vẫn còn đến gần các trái tim đau khổ nhưng rất kiên cường của rất nhiều người mẹ, người cha, ông bà từng chứng kiến con cái mình lìa gia đình, trở thành mất tăm hoặc thậm chí bị những tên tội phạm bắt cóc.

Vào buổi sáng hôm đó, Juan cảm nghiệm được trong đời mình hy vọng là gì, lòng thương xót của Thiên Chúa là gì. Anh đã được chọn để giám sát, trông coi, bảo vệ và cổ vũ việc xây dựng đền thánh này. Trong nhiều dịp, anh nói với Đức Mẹ rằng anh không phải là người thích đáng; trái lại, nếu ngài muốn công việc được tiến triển, ngài nên chọn những người khác, vì anh vốn không có học, hay biết viết và không thuộc nhóm những người có thể biến nó thành thực tại. Đức Maria, Đấng rất kiên nhẫn, cái kiên nhẫn phát sinh từ trái tim hay thương xót của Chúa Cha, nói với anh: anh sẽ là đại sứ của ngài.

Bằng cách trên, Đức Mẹ đã có thể đánh thức một điều mà chính anh không biết phải phát biểu ra sao, một thứ ngọn cờ đích thực của tình yêu và công lý: không ai bị loại ra ngoài việc xây dựng một đền thánh khác, đền thánh sự sống, đền thánh các cộng đồng, các xã hội và các nền văn hóa của chúng ta. Tất cả chúng ta đều cần thiết, nhất là những người bình thường không đáng kể vì “không xứng với nghĩa vụ” hoặc “không có các ngân khoản cần thiết” để xây dựng các công trình này. Đền Thánh của Thiên Chúa chính là sự sống của con cái Người, của mọi người trong bất cứ điều kiện nào, nhất là của những người trẻ không tương lai đang gặp vô vàn tình huống đau đớn và nguy hiểm, và của người cao niên, những người không được thừa nhận, bị quên lãng và đẩy xa cho khuất mắt. Đền Thánh của Thiên Chúa là các gia đình của chúng ta chỉ cần những điều chủ yếu nhất để phát triển và tiến bộ. Đền Thánh Thiên Chúa là gương mặt của nhiều người ta gặp mỗi ngày…

Viếng đền thánh này, cùng những điều đã xảy ra cho Juan Diego cũng có thể xảy ra cho chúng ta. Anh chị em hãy nhìn Mẹ Diễm Phúc từ bên trong các đau khổ của chúng ta, các nỗi sợ của chúng ta, niềm vô vọng của chúng ta, niềm sầu khổ của chúng ta, và nói với Mẹ, “Con biết dâng gì vì con là kẻ vô học?”. Chúng ta ngước nhìn lên Mẹ bằng đôi mắt nói lên tư tưởng của mình: có biết bao tình huống khiến chúng ta bất lực, khiến chúng ta cảm thấy rằng chẳng còn chỗ nào để hy vọng, để thay đổi, để biến đổi.

Và do đó, một chút thinh lặng sẽ có ích để ta dừng lại ngắm nhìn Mẹ và nhắc lại cho ngài nghe những lời lẽ sau đây của một đứa con yêu qúy khác:

Lạy Mẹ, chỉ nhìn Mẹ thôi,

chỉ dành đôi mắt cho Mẹ,

chỉ nhìn Mẹ mà không nói lời nào,

kể với Mẹ mọi điều, một cách không lời và tôn kính.

Mẹ đừng khuấy động bầu khí trước mặt Mẹ;

chỉ nâng niu nỗi cô đơn bị đánh cắp của con

bằng đôi mắt yêu thương tình mẫu thân của Mẹ,

trong tổ ấm của thửa đất trinh trong của Mẹ.

Thời khắc qua đi vội vã, và một cách chát chúa,

cái hao hụt của sự sống và sự chết nghiến nát người khờ dại.

Lạy Mẹ, chỉ nhìn Mẹ thôi, chỉ ngắm Mẹ thôi

bằng trái tim trở nên thinh lặng nhờ sự âu yếm của Mẹ,

sự im lặng của Mẹ, trong trắng như huệ đồng.

Và nhờ ngắm nhìn Mẹ, chúng ta sẽ nghe lại điều Mẹ muốn nhắn nhủ chúng ta một lần nữa, “hỡi con cưng bé nhỏ, điều gì làm tâm hồn con buồn sầu?”.[3] “Nhưng nếu Mẹ không ở đây với con, ai sẽ có vinh dự làm mẹ của con?”.[4]

Đức Maria nói với chúng ta rằng ngài được “vinh dự” làm Mẹ chúng ta., bảo đảm với ta rằng những người đau khổ không khóc lóc vô ích. Những người này là lời cầu nguyện thinh lặng dâng lên tới trời, luôn tìm được chỗ ẩn náu dưới tà áo Mẹ. Trong ngài và với ngài, Thiên Chúa đã biến chính Người thành anh em và đồng bạn của chúng ta trên đường lữ thứ; Người vác thập giá với chúng ta để chúng ta không bị trấn áp bởi đau khổ.

Mẹ không phải là mẹ của các con sao? Mẹ không ở đây hay sao? Mẹ bảo ta: các con đừng để thử thách và đau khổ trấn áp các con. Hôm nay, Mẹ sai chúng ta ra đi một lần nữa; hôm nay, Mẹ đến với chúng ta một lần nữa: các con hãy là đại sứ của Mẹ, đại sứ Mẹ phái đi để xây dựng các đền thánh mới, đồng hành với nhiều cuộc đời, lau khô nhiều nước mắt. Hãy đơn giản trở thành đại sứ của Mẹ bằng cách cùng bước các nẻo đường của khu xóm, của cộng đồng, của giáo xứ các con; chúng ta có thể xây dựng các đền thánh bằng cách chia sẻ niềm vui vì biết rằng chúng ta không cô đơn, vì Đức Maria luôn đồng hành với chúng ta. Ngài bảo ta: hãy là đại sứ của Mẹ, cung cấp thực phẩm cho người đói ăn, thức uống cho người khát uống, nơi trú ẩn cho người thiếu thốn, quần áo cho người trần truồng và thăm viếng người bệnh. Hãy trợ giúp người lân cận, tha thứ cho bất cứ ai xúc phạm đến các con, an ủi người sầu khổ, kiên nhẫn với người khác, và trên hết tìm kiếm và cầu nguyện cùng Thiên Chúa.

Vậy Mẹ không phải là Mẹ các con sao? Mẹ đang không ở đây với các con sao? Đức Mẹ nói với chúng ta như thế một lần nữa. Các con hãy ra đi xây dựng đền thánh Mẹ, giúp Mẹ nâng cao cuộc sống của con cái nam nữ của Mẹ, vốn cũng là anh chị em của các con.

 

 

 


[1] x. Nican Mopohua, số 55.

[2] Ibidem.

[3] Nican Mopohua, số 107.

[4] Ibid., số 119.