Sunday, 05 April 2020 08:07

Bài Giảng Đức Thánh Cha Phanxicô Tại Ciudad Juárez – Mexico Featured

Vinc. Vũ Văn An

 

LTS: Lúc quá 15g00 chiều thứ tư, ngày 17-2-2016, Đức Thanh Cha đã đến khu vực Hội Chợ Triển Lãm của Ciudad Juárez. Đức Thánh Cha dùng xe mui trần tiến qua các lối đi để chào các tín hữu và cũng đi sát biên giới Mỹ để có thể chào thăm hàng trăm tín hữu Công Giáo ở trên đất Hoa Kỳ, chỉ cách nhau bằng hàng rào kim loại, do chính phủ Mỹ dựng lên để kiểm soát làn sóng nhập cư từ Mexico. Theo con số do cơ quan biên phòng của Mỹ công bố, đã có 4,353 người chết trong khoảng thời gian 10 năm, từ 2005 đến 2015, khi tìm đường lẻn từ Mexico vào đất Mỹ. Đức Thánh Cha đã tưởng niệm các nạn nhân bỏ mình trên đường vào nước Mỹ và cử hành thánh lễ trước sự tham dự của 200 ngàn tín hữu tại quảng trường Ciudad Juárez, cách biên giới Mỹ 80 mét, và hơn 30 ngàn người ở sân vận động Benito Juárez; Đồng thời cũng có khoảng 300,000 tín hữu nữa tham dự biến cố này qua hệ thống “livestream” phát trực tiếp tại một sân vận động ở bên kia biên giới, tại thành phố Tây Texas, Hoa Kỳ là El Paso. Sau đây là nguyên văn bài giảng của ngài:

***

***

 

Anh chị em rất thân mến,

Thế kỷ thứ hai, Thánh Ireneé viết rằng: vinh quang Thiên Chúa là sự sống của con người. Đây là lời phát biểu vẫn còn vang vọng trong trái tim Giáo Hội. Vinh quang của Chúa Cha là sự sống cho con cái nam nữ của Người. Không có vinh quang nào lớn hơn đối với một người cha bằng được thấy con cái mình triển nở, không còn hài lòng nào lớn hơn bằng thấy con cái mình lớn lên, phát triển và nở rộ. Bài đọc thứ nhất mà chúng ta vừa nghe cho thấy rõ điều đó. Thành phố lớn Ninivê đã tự hủy hoại mình do áp bức và ô nhục, bạo lực và bất công. Ngày giờ của thành phố vĩ đại đã được đếm vì bạo lực trong nó không thể tiếp diễn được nữa. Rồi Chúa đã hiện ra và khuấy động trái tim Giôna: Chúa Cha kêu gọi và phái sứ giả của Người ra đi. Giôna được mời để tiếp nhận một sứ mệnh. Ông được bảo “Ra đi” vì trong “bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ” (Gn 3:4). Hãy ra đi và giúp họ hiểu rằng vì cung cách họ cư xử với nhau, tự sắp xếp và tổ chức, họ chỉ tạo nên chết chóc và hủy diệt, đau khổ và áp bức. Hãy làm họ thấy không còn đường sống nào, cho cả vua lẫn bầy tôi, cũng như cho đất cầy và gia súc. Hãy ra đi và nói với họ rằng họ đã trở nên quen thuộc với lối sống hạ cấp và đã đánh mất sự nhậy cảm đối với đau khổ. Hãy đi và nói với họ rằng bất công đã chuốc độc cách họ nhìn thế giới. “Bởi thế, hỡi Giôna, hãy ra đi!”. Thiên Chúa sai ông đi để chứng thực điều đang xẩy ra, Người sai ông đi để đánh thức một dân tộc đang say sưa với chính họ.

Trong bản văn trên, ta thấy ta đứng trước mầu nhiệm thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót, một thứ luôn bác bỏ sự yếu đuối, đã sốt sắng tiếp nhận con người nhân bản. Lòng thương xót luôn kêu gọi sự tốt lành tiềm ẩn và tê cóng bên trong mỗi con người. Không hề đem lại hủy diệt, như ta thỉnh thoảng muốn xẩy ra, lòng thương xót tìm cách biến đổi mỗi hoàn cảnh từ bên trong. Mầu nhiệm thương xót của Thiên Chúa nằm ở đấy. Nó tìm cách và mời gọi ta hồi tâm, nó mời gọi ta thống hối; nó mời gọi ta nhìn thấy tai hại đang được làm ở mọi bình diện. Lòng thương xót luôn đâm nát sự ác để biến đổi nó.

Nhà vua lắng nghe Giôna, dân thành đáp ứng và việc đền tội được ban hành. Lòng thương xót của Thiên Chúa đã đi vào trái tim, mạc khải và biểu lộ sự chắc chắn và niềm hy vọng của ta nằm ở đâu: luôn luôn có khả thể thay đổi, ta vẫn còn thì giờ để biến đổi điều đang tiêu diệt ta như một dân tộc, điều đang làm nhân tính ta mất ý nghĩa. Lòng thương xót khuyến khích ta nhìn vào hiện tại, và tin tưởng điều lành mạnh và tốt lành đang đập trong mọi trái tim. Lòng thương xót của Thiên Chúa là mộc khiên và là sức mạnh của ta.

Giôna giúp họ nhìn thấy, giúp họ trở nên ý thức. Theo đó, lời kêu gọi của ông tìm được những người nam nữ có khả năng thống hối, và khả năng khóc lóc. Khóc lóc vì bất công, khóc lóc vì thối nát, khóc lóc vì áp bức. Đây là những nước mắt dẫn tới biến đổi, làm dịu tâm hồn; chúng là những giọt nước mắt thanh lọc cái nhìn của ta và giúp ta có khả năng nhìn thấy vòng tội lỗi mà ta rất thường sa vào. Chúng là những giọt nước mắt nhậy cảm hóa cái nhìn của ta và thái độ chai cứng và đặc biệt ngủ mê của ta trước nỗi đau đớn của người khác. Chúng là những giọt nước mắt có thể khuất phục ta, có khả năng mở cửa đưa chúng ta vào hoán cải hồi tâm.

Hôm nay, hạn từ này vang vọng một cách mạnh mẽ giữa chúng ta; hạn từ này chính là tiếng nói trong sa mạc, mời gọi ta hoán cải hồi tâm. Trong Năm Lòng Thương Xót này, với anh chị em ở đây, tôi khẩn khoản xin Chúa thương xót; với anh chị em, tôi muốn nài xin hồng ân nước mắt, hồng ân hồi tâm.

Ở đây, tại Ciudad Juárez này, cũng như tại nhiều vùng biên giới khác, có hàng trăm nghìn di dân từ Trung Mỹ và các nước khác, không quên nhiều người Mễ Tây Cơ cũng tìm cách vuợt qua “phía bên kia”. Mỗi bước, cuộc hành trình đều chất nặng các bất công trầm trọng: con người bị nô dịch, cầm tù và tống tiền; biết bao anh chị em này của chúng ta là hậu quả của việc buôn người.

Chúng ta không thể chối bỏ cuộc khủng hoảng nhân đạo; cuộc khủng hoảng này trong mấy năm gần đây có nghĩa là việc di dân của hàng nghìn người, bất chấp bằng xe lửa, xa lộ hay cuốc bộ, vượt hàng trăm kilô mét qua núi, sa mạc và những vùng không có người. Ngày nay, thảm họa cưỡng bức di dân của con người là một hiện tượng có tính hoàn cầu. Cuộc khủng hoảng này, một cuộc khủng hoảng không thể đo bằng con số và thống kê, ta muốn, thay vào đó, đo bằng các tên, các truyện kể, các gia đình. Họ là anh chị em của những người bị xua đuổi bởi nghèo đói và bạo lực, bởi buôn bán ma túy và các tổ chức tội ác. Đứng trước biết bao nhiêu khoảng chân không luật pháp, họ bị dính cứng trong một mạng lưới chuyên gài bẫy và luôn luôn tiêu diệt những người nghèo nhất. Không những họ chịu cảnh nghèo nhưng họ còn phải chịu các hình thức bạo lực này nữa. Bất công đã bị cực đoan hóa nơi người trẻ; họ làm mồi cho trọng pháo, bị bách hại và đe dọa khi cố gắng chạy trốn cơn lốc soắn bạo lực và hỏa ngục ma túy, ấy là chưa kể tới tình trạng khó xử đầy đau lòng của nhiều phụ nữ mà nhiều đời sống đã bị cướp mất một cách bất công.

Cùng nhau ta hãy cầu xin Thiên Chúa của chúng ta ơn hồi tâm, ơn nước mắt, ta hãy cầu xin Người ban cho ta những trái tim cởi mở như người Ninivê, mở cửa đón nhận lời kêu gọi của Người nghe thấy trên gương mặt đau khổ của vô vàn người đàn ông và người đàn bà. Đừng có chết chóc nữa! Đừng có bóc lột nữa! Vẫn còn thì giờ để thay đổi, vẫn còn đường để thoát ra và cơ may, còn giờ để nài nỉ lòng thương xót của Thiên Chúa.

Như thời Giôna, cả ngày nay nữa, ước mong chúng ta cũng dấn thân hồi tâm; ước mong ta trở thành dấu soi đường và loan báo ơn cứu độ. Tôi biết công việc của vô vàn tổ chức dân sự đang làm việc để trợ giúp quyền lợi của di dân. Tôi cũng biết việc làm đầy dấn thân của rất nhiều tu sĩ nam nữ, linh mục và giáo dân để đồng hành với di dân và bảo vệ sự sống. Họ đang ở trên các tuyến đầu, thường liều chính mạng sống của họ. Bằng chính mạng sống ấy, họ là các tiên tri của lòng thương xót; họ là trái tim đang đập và là bước chân đồng hành của Giáo Hội đang mở rộng cánh tay và nâng đỡ.

Thời hồi tâm này, thời cứu rỗi này chính là thời thương xót. Và do đó, ta hãy cùng nhau nói để đáp ứng sự đau khổ của không biết bao nhiêu gương mặt: Lạy Chúa, trong lòng cảm thương và thương xót của Chúa, xin Chúa thương xót chúng con… rửa sạch chúng con khỏi tội lỗi của chúng con và tạo trong chúng con một trái tim trong sạch, một tinh thần mới (x. Tv 50).

Tôi muốn mượn dịp này gửi lời thăm hỏi từ đây tới các anh chị em thân yêu của chúng ta đang hiện diện với chúng ta ở bên kia biên giới, đặc biệt những người đang tụ họp tại Sân Vận Động của Đại Học El Paso; nó được biết dưới tên Sun Bowl (Banh Mặt Trời), và họ đang được Đức Ông Mark Seitz hướng dẫn. Với sự giúp đỡ của kỹ thuật, chúng ta có thể cầu nguyện, ca hát và cùng nhau cử hành tình yêu thương xót mà Chúa đã ban cho chúng ta và không biên giới nào có thể ngăn cản chúng ta chia sẻ. Xin cám ơn anh chị em tại El Paso, các anh chị em làm chúng tôi cảm thấy như một gia đình và cùng một và chỉ một cộng đồng Kitô hữu mà thôi.