Saturday, 04 April 2020 15:13

Vatican II - "Một Công Đồng Bất Ngờ" Featured

Bài của Frédéric Mounier, La Croix, ngày 27-2-2012

Thanh Sơn chuyển ngữ

 

Ngày 25-1-1959, ba tháng sau khi được bầu làm Giáo hoàng, khi Đức Gioan XXIII “nhân từ” loan báo tại Thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành rằng ngài sẽ triệu tập một “công đồng chung cho Giáo hội hoàn vũ”, đã có một sự ngạc nhiên to lớn. Người đứng đầu Giáo hội Công giáo, với thẩm quyền tuyệt đối, đã không bàn trước chuyện này với ai, nếu có thì cũng chỉ với rất ít người… Không có gì đã buộc ngài phải triệu tập công đồng. Nếu không phải là sự cấp bách của thời thế. Vào giai đoạn này, Đức Roncalli chỉ mới gợi lên những mục tiêu chung chung : đổi mới bên trong Giáo hội, gia tăng chứng tá của Giáo hội trong thế giới và ý muốn đối thoại với các Giáo hội Kitô khác.

Gần bốn năm sau, ngày 11-10-1962, đến lượt toàn thế giới  tràn vào Đền thờ Thánh Phêrô. Chưa bao giờ Giáo hội Công giáo có nhiều giám mục đến thế và cũng chưa bao giờ người ta thấy các ngài tập trung về đông đến thế : 2.251 vị đến từ 136 quốc gia. Dĩ nhiên, châu Âu chiếm đa số (835 vị, trong đó 385 vị người Ý và 122 vị người Pháp). Nhưng châu Mỹ latinh cũng hùng hậu (517 vị, trong đó 171 vị người Braxin), tiếp theo là Bắc Mỹ (273 vị, trong đó 196 vị người Hoa Kỳ), rồi châu Á (290 vị), châu Phi (273 vị) và châu Đại Dương (63 vị).

Ngày hôm đó, Francois Mauriac nhận xét trên tờ La Croix : “Các giám mục thuộc nhiều chủng tộc, nhiều màu da này tụ họp về Rôma cho thấy rằng thời của viễn chinh và của thống trị đã chấm dứt và rằng chúng ta trở nên những người anh em ở bất cứ nơi nào mà trước đây chúng ta là những chủ nhân ông”. Tuy vậy đã có một sự vắng mặt lớn từ phía bức màn sắt. Các chính quyền cộng sản đã gia tăng tạo nên những khó khăn hành chánh. Chỉ có một số vị giám mục, như là Đức Karol Wojtyla trẻ trung, Giám mục phụ tá Giáo phận Cracovie, có được một “hộ chiếu công vụ dành cho người nước ngoài” của Tòa Thánh được ký bởi vị phụ tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vào năm 1963, Đức Giám mục Angelo Dell’Acqua.

Một công đồng để tìm kiếm những “dấu chỉ thời đại”

Nhưng hơn nữa, có một đổi mới vĩ đại so với Công đồng Vatican I trước đó, là 17 Giáo hội Kitô không công giáo đã hiện diện tại Đền thờ Thánh Phêrô vào cái ngày 11-10 ấy, với một quy chế chưa từng có và được trân trọng, quy chế quan sát viên. Khóa họp cuối cùng, năm 1965, quy tụ tới 29 Giáo hội. Thực ra, như sau đó Đức Giám mục Heenan của Giáo phận Liverpool lưu ý, “vào cái ngày đầu tiên ấy khi ngồi vào chỗ đã được sắp xếp cho mình, tất cả chúng tôi còn là những người xa lạ với nhau”.

Tiếng la tinh, ngôn ngữ chính thức duy nhất của công đồng, đã không phải được tất cả mọi người hiểu theo cùng một cách. Và nhất là chẳng ai biết chương trình cũng như thời gian kéo dài của cái sự kiện long trọng vừa mới được bắt đầu… Nên ai nấy cũng nhanh chóng làm quen nhau và nhiệt tình đối với sự kiện sẽ trở thành là công đồng “của mình”.

Trong phát biểu khai mạc hôm 11-10 đó, Đức Gioan XXIII đã nêu lên những ý chính về công đồng “của ngài” : đó là  đưa ra “những cốt lõi thánh thiêng của đức tin, mà không lên án những sai lầm mới” và tìm kiếm những “dấu chỉ thời đại”. Nhưng lập tức, Đức Giáo hoàng cũng không thừa nhận những “tiên tri sự dữ” chỉ thấy “những đổ vỡ và những thiếu sót” trong thế giới đương thời.

Đối đầu giữa “bảo thủ” và “tiến bộ”

Những người hoài nghi [về Công đồng] cũng khá đông đảo. Trong số đó, có nhà thần học dòng Đa Minh, người Pháp, Yves Congar, bực tức : “Cái cơ chế mà Rôma dựng lên một cách kiên trì đã bóp nghẹt trong bàn tay sắt của mình đứa trẻ Công đồng bé bỏng vừa được sinh ra và đang muốn sống”. Cũng thế, nhà thần học dòng Tên người Pháp Henri de Lubac, sau khi bị trừng phạt, đã được bổ nhiệm làm chuyên viên của Công đồng, đã ngạc nhiên ghi lại trong sổ tay của mình : “Ủy ban chuẩn bị Công đồng năm 1961 là một thảm họa thực sự.” Vài ngày sau, “ông sếp” của các giám mục Pháp, Đức Hồng y Achille Liénart, đã đặt dấu chấm lên chữ i khi kêu gọi chấm dứt nỗ lực này của Giáo triều Rôma.

Ngay từ khóa họp thứ nhất, từ 11-10 đến 8-12-1962, một khóa họp mà khi kết thúc đã không thông qua một văn kiện nào, thì phe “bảo thủ” và phe tiến bộ” đã đụng độ nhau về vấn đề phụng vụ, cụ thể về việc sử dụng các ngôn ngữ địa phương và việc tham gia của giáo dân. Các nguồn Mạc khải (Sách Thánh và Truyền thống), các phương tiện truyền thông xã hội, tính tập thể của giám mục đoàn, sự xích lại gần với các Giáo hội Phương Đông cũng được tranh luận, tuy chưa ngã ngũ, nhưng ai cũng cảm thấy trong bầu khí của Đền thờ Thánh Phêrô sự căng thẳng giữa một thái độ can đảm nào đó và một lập trường thủ cựu đầy xác tín, thừa hưởng từ Công đồng Vatican I.

Như vị viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp Jean Guitton đã chia sẻ trên báo La Croix lúc đó (1-10-1962) : “Một Công đồng, đó là một khởi đầu. Giống như tình yêu vợ chồng : chỉ đến cuối đời người ta mới có thể nói mình có đã yêu không. Bởi phải kéo dài sự khởi đầu của tình yêu vợ chồng trong suốt một cuộc đời. Đối với Công đồng cũng thế.”

300 phiên họp làm việc

Trong suốt 300 phiên họp làm việc của Công đồng Vatican II, phân chia trong 4 năm với nhịp độ con thoi chín tháng  ở giáo phận và ba tháng họp ở Rôma, các giám mục đã phải ra khỏi những chân trời cá nhân để cọ xát với nhau, khi cùng nhau trở về nguồn của những vấn đề đã được vạch ra trong những thập niên trước đó bởi những phong trào phụng vụ, Kinh Thánh, đại kết, với những cuộc tranh luận lớn : khám phá lại Lời Chúa, tính tập thể, quan hệ với giáo dân, chiến tranh và hòa bình, trách nhiệm của Giáo hội hoàn vũ, phụng vụ, tự do tôn giáo, vv…

Ngày 2-12-1962, Đức Giám mục Montini, lúc đó chưa biết mình sẽ kế nhiệm Đức Gioan XXIII sáu tháng sau, đã viết cho Giáo phận Milan của mình về “một kinh nghiệm thường là dịu dàng, nhưng cũng có những lúc mãnh liệt và nhức nhối, đôi khi bi thảm, và cũng có khi nặng nề và đau đớn.” Đó là điều mà Đức Gioan-Phaolô II về sau gọi là “sự kiện hồng ân của thế kỷ XX”. Cũng phải nhấn mạnh đến “tinh thần lạc quan” của Công đồng Vatican II : Giáo hội không còn được hiểu như là một cái gì đối nghịch với thế giới, nhưng là liên đới với thế giới, trong Lịch sử, bằng cách tham gia vào cuộc hành trình chung hướng đến sự cứu rỗi.

Đức Giám mục Joseph Doré, Tổng giám mục Strasbourg, gần 50 năm sau, đã nhìn thấy nơi Công đồng “một sự thay đổi cơ bản về quan niệm mà Giáo hội có về chính mình”. Ở tầm cao của “những trông đợi to lớn dậy lên khi nghe loan báo triệu tập Công đồng này”, như nhà sử học Pháp Jacques Prévotat, người đã xuất bản cuốn Sổ tay Công đồng (Nhà xuất bản Cerf, 2007) của Đức Hồng y Lubac, một trong những người Pháp đã là tác nhân lớn của Công đồng, đã nói.

Điều đó không phải diễn ra mà không có những va chạm. Thực tế, khi Đức Gioan XXIII từ trần, ngày 3-6-1963, chẳng có gì cho thấy là Công đồng sẽ được tiếp tục. Tại Mật tuyển viện, những người chống đối Công đồng vùng lên dữ dội. Đến độ người ta nói rằng khả năng Đức Hồng y Montini sẽ được bầu làm Giáo hoàng ngày 21-6-1963 lúc đầu mong manh như một sợi tóc. Ngay hôm sau, ngài tuyên bố tiếp tục Công đồng, và kỳ họp thứ hai khai mạc ba tháng sau đó.