Saturday, 04 April 2020 15:13

Công Đồng Vatican II: Một Khóe Nhìn Tổng Hợp Featured

R. Trisco and J. Komonchak

Lm. Giuse Nguyễn Văn Am, SDB. chuyển ngữ

 

LTS: Để hiểu Công đồng Vatican II, chúng ta cũng cần biết sơ qua lịch sử. Bài viết sau đây của R. Trisco và J. Komonchak đáp ứng yêu cầu trên. Hai tác giả này, đặc biệt là Komonchak nổi tiếng và có thẩm quyền về Công đồng Vatican II, với bộ sách nổi tiếng History of Vatican II gồm 5 cuốn, cống hiến cho chúng ta những nét lịch sử khái quát quan trọng của Công đồng.

Ước chi bài viết này một khi làm giàu kiến thức của chúng ta về Công đồng Vatican II cũng làm cho chúng ta nhất tâm tìm hiểu Công đồng và làm cho đức tin của chúng ta được hợp thời hơn.

Xin chân thành chia sẻ thao thức này với anh chị em.

***

Bài trình bày khá dài này cung cấp một tóm lược trải rộng về Công đồng chung Vatican II. Sau dẫn nhập ngắn gọn, ta trình bày chất liệu trong bốn phần chính: I. Những ủy ban chuẩn bị; II. Những qui luật và tiến hành; III. Những thời kỳ [Những khóa họp Công đồng: 1962-1965]; IV. Những công bố của công đồng.

Dẫn Nhập

Vào ngày 25 tháng Giêng, 1959, chưa đầy 100 ngày sau khi được tuyển chọn, trong một diễn từ phác họa những đường nét lớn cho triều giáo hoàng của mình, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII nói cho một nhóm Hồng y tụ họp tại Nhà Thờ Thánh Phaolô ở Ngoại Thành rằng ngài muốn làm sống lại hai hình thức cổ xưa để phát biểu giáo lý và sắp đặt trật tự: ngài muốn triệu tập một hội nghị các Giám mục cho địa phận Roma và một công đồng chung cho GH phổ quát. Hai biến cố sẽ được theo sau bằng một cuộc cải cách Bộ Giáo Luật. Lời tuyên bố về một công đồng gây ngạc nhiên cho nhiều người Công giáo. Không có công đồng chung nào được triệu tập từ Công đồng Vatican I, và một số người trong Giáo hội có quan điểm rằng những định tín của Vatican I về quyền tối thượng và bất khả ngộ của Giáo hoàng khiến cho các công đồng chung khác thành thừa thãi. Cả Đức Piô XI lẫn Piô XII đã xem xét việc triệu tập lại Vatican I; nhưng dù đã làm tham vấn và đã khởi sự xét đến một nghị sự, thì cuối cùng cả hai Giáo hoàng đều quyết định không tiến hành.

Trong những diễn văn và sứ điệp khác nhau suốt năm tới, Đức Gioan XXIII đặt ra ba mục đích tổng quát cho Công đồng: (1) ngài muốn công đồng là một cơ hội để canh tân thiêng liêng và sinh động lại GH hầu trung thành hơn với ý định của Đức Kitô và (2) để hợp thời (aggiornamento) những thái độ mục vụ, thói quen, và những thể chế của GH hầu làm chúng nên hữu hiệu hơn trong những điều kiện thay đổi của thế giới tân tiến. Nếu hai mục tiêu này có thể thành đạt, thì Công đồng cũng có thể (3) cổ xúy mạnh mẽ việc khôi phục sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu.

I. Những Ủy ban Chuẩn bị

Vào Chúa Nhật lễ Hiện Xuống, ngày 17 tháng Năm, 1959, Đức Giáo hoàng thiết lập một Ủy ban tiền chuẩn bị đứng đầu là Hồng y Tardini, với Đức ông Pericle Felici làm thư ký, cộng với mười giáo sĩ giữ những chức vụ quan trọng trong Giáo triều Roma. Trách vụ của ủy ban này là tham khảo các giám mục trên thế giới, những văn phòng của Giáo triều, và các phân khoa thần học và giáo luật của những đại học Công giáo để nghe họ cho ý kiến và đề xướng về nghị sự của công đồng. Ủy ban này cũng phải phác thảo những đường nét tổng quát cho những đề tài phải được thảo luận tại Công đồng và đề xướng những cơ quan khác nhau chuẩn bị chất liệu cho công đồng biểu quyết. Các giám mục và những người được tham khảo khác được hoàn toàn tự do đưa ra những đề nghị trong những lãnh vực giáo thuyết, kỷ luật, hoạt động mục vụ, và những vấn đề đương thời. Trên 75% những người được mời đã trả lời; những trả lời của họ đầy 15 tập sách lớn chia thành bốn bộ. Thật ý nghĩa, những đề xướng trải rộng từ những điều cao cả đến những chuyện tầm thường và phản ánh một tầm rất rộng gồm những viễn cảnh thần học và mục vụ; có những đề xướng chống lại bất kỳ thay đổi nào và những đề xướng lại mong đợi Công đồng sẽ là một cơ hội để cải cách lớn lao. Nếu phần đa các giám mục khá cẩn trọng và cụ thể trong những đề xuất của mình, thì một phần bởi vì thời hạn ấn định cho những đệ trình của họ, và cũng một phần vì họ không rõ Đức Giáo hoàng Gioan muốn Công đồng phải ra sao (là gì) và làm gì.

Với đống chất liệu khổng lồ nhận được, ủy ban tiền chuẩn bị tìm được không dưới 9338 đề nghị; Để dễ dàng qui chiếu, ủy ban này sắp xếp theo những phân chia truyền thống về thần học tín lý và luân lý và cũng theo những sách và đề tài của Bộ Giáo Luật. Người ta niêm phong những đề xướng nhận được và chỉ những người được chính thức can dự vào việc chuẩn bị Công đồng mới được tham khảo mà thôi. Khi cấu trúc của sự chuẩn bị hình thành, những chất liệu được phân chia một lần nữa, được giản lược quyết liệt theo số lượng, và được trình bày theo hình thức những câu hỏi để học hỏi thêm nữa.

Vào lễ Hiện Xuống, ngày 5 tháng Sáu, 1960, Đức Gioan XXIII công bố cơ cấu của thời kỳ chuẩn bị. Mười ủy ban được thành lập để soạn thảo những bản văn cho Công đồng xem xét: (1) về những vấn đề đức tin và luân lý (ủy ban thần học); (2) về giám mục và sự cai quản các địa phận; (3) về kỷ luật của giáo sĩ và dân Kitô hữu; (4) về các tu sĩ; (5) về kỷ luật các bí tích; (6) về phụng vụ; (7) về nghiên cứu và các chủng viện; (8) về các giáo hội đông phương; (9) về truyền giáo; (10) về việc tông đồ giáo dân. Hơn nữa, Đức Giáo hoàng thiết lập hai văn phòng thư ký (secretariat), một cho những phương tiện truyền thông và một cho việc cổ xúy sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu; người ta nói, điều này làm cho những người ngoài Công giáo có thể theo dõi công việc của Công đồng. Một Ủy ban Trung ương cũng được thiết lập để giám sát và điều phối công việc của các ủy ban khác, để duyệt lại những bản văn mà họ chuẩn bị và đệ trình chúng lên Giáo hoàng để thành nghị sự của công đồng, và để soạn thảo những qui luật để điều hành công việc của Công đồng.

Mười ủy ban ấy được chủ trì do những Hồng y-đứng đầu những văn phòng tương ứng trong Giáo triều Roma; những người trong giáo triều cũng phục vụ như các thư ký trong hầu hềt các ủy ban ấy. Những nhân sự của các ủy ban bao gồm những thành viên và những tham vấn viên; những người trước (thành viên) có quyền bỏ phiếu, còn những người sau góp ý khi được hỏi đến. Ta ghi nhận, giữa những thành viên và tham vấn viên có một số thần học gia đã từng bị xoi mói hay là những người chịu những biện pháp kỷ luật suốt thập niên trước. Giữa họ là Yves Congar, Henri de Lubac, Bernard Haring, và Karl Rahner. Không phụ nữ hay người giáo dân nào được chỉ định vào những ủy ban chuẩn bị.

Những ủy ban này bố trí làm việc dựa trên những câu hỏi được ủy ban tiền chuẩn bị đề xướng, mặc dù họ được phép đề nghị thêm những câu hỏi khác. Công việc chuẩn bị gặp phải sự thiếu giám sát và hầu hết các ủy ban thất bại để cộng tác vào những vấn đề chung hay có liên hệ. Ủy ban Thần học, được Hồng y Alfredo Ottaviani đứng đầu, tăng thêm vấn đề bằng cách nhấn mạnh rằng chỉ một mình ủy ban đó có trách nhiệm đối với những câu hỏi giáo lý mà thôi. Vì không đi vào những vấn đề mục vụ thực tiễn, nên ủy ban này hy vọng tất cả các ủy ban khác phải đệ trình cho mình bất kỳ và tất cả những vấn đề về giáo lý. Để diễn đạt một cách khác nữa về quan điểm liên quan đến quyền tối cao của mình, Ủy ban Thần học từ chối cộng tác với những ủy ban khác và cách riêng với Văn phòng thư ký cổ xúy sự hiệp nhất Kitô hữu. Khi làm ngơ sự thiếu phối hợp này, người ta đồng hiểu ngầm cái bí quyết thuộc giáo hoàng vốn được giả định vây quanh công việc của các ủy ban là cấm nói về công việc của ủy ban mình, thậm chí với những thành viên của các ủy ban khác.

Các ủy ban mang đến trước Ủy ban Trung ương cả thảy 75 bản văn mà được chọn ra sau này, một số được gởi lại cho việc cải cách giáo luật sau công đồng, một số được nối kết với những bản văn khác, hầu cuối cùng tổng cộng có 22 lược đồ được coi là thích hợp cho công đồng thảo luận. Những bản văn được các ủy ban mục vụ chuẩn bị nói chung rất gần với thực tại; chúng đề nghị những thay đổi nhỏ trong những nguyên tắc giáo luật và kỷ luật thôi; rất ít hiển nhiên là các ủy ban đã xem xét những thảo luận nghiêm trọng về xã hội học và thần học của hoạt động mục vụ mà đang tiếp tục xẩy ra trong ba thập niên. Có một luật trừ về bản miêu tả này là Ủy ban về Phụng vụ thánh; các thành viên của ủy ban này gồm nhiều học giả quan trọng nhất trong phong trào phụng vụ; họ quyết định đảm nhận nghiên cứu nghiêm chỉnh về lịch sử và thần học về những đề tài khác nhau mà họ đề cập và vì vậy có thể chống đỡ những đề nghị của họ về cuộc cải cách ý nghĩa về phụng vụ bằng những luận chứng hữu hiệu.

Ủy ban Thần học chuẩn bị tám bản văn: một văn thức tuyên xưng đức tin mới, muốn được dùng vào lúc khai mạc công đồng, và bẩy hiến chế: (1) về những nguồn mạc khải, (2) về trật tự luân lý, (3) về việc bảo vệ kho tàng ký gởi đức tin, (4) về thanh khiết, đời trinh khiết, hôn nhân và gia đình, (5) về GH, (6) về Đức Trinh  Nữ Maria, và (7) về cộng đoàn các quốc gia và trật tự xã hội. Chung chung, những bản văn này muốn xác quyết với quyền bính cao nhất của công đồng những định hướng và những nhấn mạnh vốn làm đặc trưng huấn quyền của giáo hoàng suốt một thế kỷ rưỡi trước, cách riêng khi những điều này được diễn đạt tại Vatican I, trong những văn kiện chống chủ thuyết tân đại (modernism), Pascendi và lamentabili, và trong thông điệp Humani generis. Cung điệu chung của chúng rất tự vệ, nghi ngờ hầu hết những phong trào mới đây của việc canh tân thần học trong thần học tín lý và luân lý và trong những nghiên cứu kinh thánh, và may mắn, dửng dưng với những hàm ẩn đại kết.

Suốt thời kỳ chuẩn bị, văn phòng Thư ký cổ xúy sự hiệp nhất Kitô hữu, được Hồng y Augustin Bea chủ trì; ngài đại diện một khái niệm khác về điều mà công đồng có thể làm và cách thức công đồng có thể làm. Rất sớm, văn phòng này nhận được phép từ Giáo hoàng Gioan để chuẩn bị các bản văn hầu thức tỉnh các ủy ban khác tới những chiều kích đại kết trong những chủ đề khác nhau. Khi những nỗ lực của văn phòng này để cộng tác với Ủy ban Thần học bị cự tuyệt, văn phòng bắt đầu chuẩn bị các bản văn mà Đức Giáo hoàng đã nói rốt cục có thể mang tới cho chính Công đồng. Một số trong những băn văn của văn phòng thư ký này bàn những vấn đề cũng được Ủy ban thần học xem xét; giữa chúng là những bản văn về Lời Chúa, tư cách thành viên trong GH, quyền bính phẩm trật, và tự do tôn giáo. Những bản văn này được viết nhằm vượt thắng những hiểu lầm đối với giáo lý công giáo về phía những Kitô hữu khác, nhằm khai phá những khóe nhìn của họ với sự đồng cảm, và nhằm đề xướng những cách hiểu và xác quyết giáo lý Kitô hữu vốn đi xa hơn những ngõ cụt luận chiến.

Tất cả những bản văn được các ủy ban chuẩn bị viết đều bị đem ra duyệt xét trước Ủy Ban Trung Ương, gồm những Hồng y và Tổng giám mục từ khắp thế giới và gặp trong sáu cuộc họp giữa ngày 12 tháng Sáu, 1961 và ngày 20 tháng Sáu, 1962. Những thành viên của ủy ban này miễn cưỡng không phê bình những bản văn được chuẩn bị và cống hiến những sửa đổi. Nếu người ta biết phẩm chất và sự mạnh mẽ của những cuộc thảo luận trong Ủy Ban Trung Ương, công chúng có thể dự liệu trước bi kịch mở ra khi một vài bản văn này được đưa ra diễn đàn công đồng. Người ta đề xướng những phê bình và sửa đổi; tất cả được quy về cho một tiểu ban; rồi công việc của tiểu ban này lại phải được toàn thể Ủy Ban Trung Ương duyệt lại; thời giờ không cho phép bước cuối cùng này và như vậy bản văn đưa ra trước Công đồng như được thay đổi hay không được thay đổi do tiểu ban đó.

II. Những Qui Luật và Bước tiến hành

Nhờ vào motu proprio Appropinquante Concilio (ngày 6 tháng Tám, 1962), Đức Gioan XXIII đưa ra những quy luật điều hành bước xếp đặt của Công đồng. Để điều khiển những hội nghị chung, mà trong đó phải thảo luận và bỏ phiếu những sắc lệnh được đề xướng, ngài thiết lập một ban gồm 10 chủ tịch, tất cả đều là Hồng y; họ phải giám sát cuộc thảo luận và gìn giữ kỷ luật, mỗi ngày một người chủ tọa. Ngài cũng thiết lập 10 ủy ban vốn là như nhau với những ủy ban trong giai đoạn chuẩn bị, mặc dù ủy ban đầu tiên nay được gọi là Ủy ban về Học thuyết Đức tin và Luân lý, và ủy ban cuối cùng nay phụ trách những vấn đề không chỉ thuộc về tông đồ giáo dân nhưng còn cả các phương tiện đại chúng và giải trí. Văn Phòng Thư ký cổ xúy sự Hiệp Nhất Kitô hữu, Ủy ban kỹ thuật-tổ chức, và Văn phòng thư ký tài chánh được mang sang; vào phút chót Giáo hoàng thêm một Văn phòng về những việc lạ thường vốn sẽ xem xét những vấn nạn mới được các nghị phụ đề xướng. Ngoài vị chủ tịch được Đức Giáo hoàng bổ nhiệm, mỗi ủy ban công đồng gồm 24 thành viên, hai phần ba được các nghị phụ chọn và phần còn lại do Giáo hoàng tuyển lựa; điều này biểu thị một sự thay đổi với Vatican I, ở đó tất cả các thành viên của các ủy ban công đồng đều được hội nghị chọn lựa. Tiếng Latinh được dùng trong những khóa họp công cộng và những hội nghị chung. Những diễn từ của từng nghị phụ không được kéo dài quá 10 phút. Cần phải được đa số gồm hai phần ba số người hiện diện phê chuẩn cho mọi vấn đề. Một vài điều khoản này sau này sẽ được thay đổi theo ánh sáng kinh nghiệm của công đồng.

Vào ngày 23 tháng Bẩy, 1962, Văn phòng tổng thư ký của Công đồng, với Tổng Giám Mục Pericle Felici tiếp tục đứng đầu, gởi đến các nghị phụ tập sách thứ nhất chứa đựng những bản văn sẽ được thảo luận vào khóa họp thứ nhất của Vatican II. Nó chứa đựng những bản nháp sau đây: (1) về những hiến chế tín lý về các nguồn mạc khải. (2) về việc bảo vệ kho Đức tin, (3) về trật tự luân lý Kitô hữu, (4) về đức thanh khiết, hôn nhân, gia đình và khiết tịnh, (5) về phụng vụ thánh, (6) về phương tiện đại chúng, và (7) về sự hiệp nhất của GH (bàn đến những GH công giáo Đông phương). Người ta không biết tại sao bẩy bản văn này được chọn cho nghị sự đầu tiên của công đồng từ đống chất liệu được chuẩn bị. Người ta giải thích ở đây không có bản nháp về một hiến chế tín lý về GH và về Nữ Trinh Maria bằng sự kiện rằng những duyệt xét cuối cùng và biên soạn hai bản văn này không được hoàn tất khi Công đồng khai mạc. Một tập sách thứ hai sẽ được phân phát cho các nghị phụ chỉ vào đầu tháng Mười Một.

Mục đích đại kết của công đồng được phản ánh bằng những lời mời được gởi tới những GH và cộng đoàn Kitô hữu lớn. Những đại diện của họ được phép tham dự không chỉ những khóa họp công khai song cả những hội nghị chung (khoáng đại); tuy thế, họ không có quyền bỏ phiếu và phát biểu; dù vậy họ có thể đóng góp quan điểm cho những ủy ban qua Văn phòng về Hiệp Nhất Kitô hữu và qua những tiếp xúc cá nhân với các nghị phụ. Thật là thất vọng lớn khi phần nhiều các GH chính thống không được đại diện trong khóa họp đầu tiên, nhưng một quyết định được thực hiện ở cuộc họp liên các GH chính thống ở Rhodes năm 1961 đã quyết định một trả lời chung. Tuy nhiên, vào chính ngày trước công đồng, tòa Thượng Phụ Moscow đã "phá rào" và quyết định gởi đại biểu. Những đại biểu của Thượng Phụ Constantinople không tham dự Công đồng cho tới khóa họp thứ ba. Đại diện Đại kết tại công đồng gia tăng từng năm; 17 nhóm Chính Thống và Tin Lành được đại biểu bằng 35 quan sát viên và khách mời ở khóa thứ nhất, trong khi ở khóa thứ tư có tới 93 đại biểu cho 28 nhóm.

Lời công bố Công đồng và những năm chuẩn bị tạo nên mối quan tâm rộng khắp cả trong lẫn ngoài GH công giáo. Một khối lượng những khảo sát và nghiên cứu lịch sử về 20 công đồng trước kia rộ lên mạnh mẽ, cùng với những công trình chuyên khảo về những đề tài có thể được thảo luận tại Vatican II, đặc biệt trong những lãnh vực phụng vụ và GH học. Người ta xuất bản những khảo sát về những ao ước và mong mỏi của những người Công giáo với Công đồng. Một vài tác giả còn xuất bản những đề xướng cho một nghị sự cải cách.

Mùa xuân 1962, một vài thành viên quan trọng của Ủy Ban Trung Ương, giữa họ là các hồng y Suenens (Maline-Brussels) và Leger (Montreal) và Tổng Giám mục Dennis Hurley (Durban, South Africa) [xem bài viết liên quan đến cuộc phỏng vấn ngài năm 2000], viết cho Đức Giáo hoàng Gioan và diễn đạt họ lo âu rằng những mục tiêu mục vụ và đại kết mà ngài phác họa cho Công đồng có thể không được đáp ứng dựa trên những bản văn của Ủy Ban Trung Ương đã duyệt xét. Những lo sợ như thế lan truyền khi đặc tính của những bản văn chính thức được biết đến rộng rãi hơn. Có một sự hiểu biết nào đó rằng Công đồng, mà người ta kỳ vọng sẽ không kéo dài hơn hai khóa, sẽ mang đến ít hơn là chấp nhận mau chóng những văn kiện được đặt trước các nghị phụ. Khi các giám mục bắt đầu tụ họp tại Roma vào tuần thứ hai của tháng Mười, 1962, những lo sợ và hy vọng đối nghịch nhau chia rẽ họ.

III. Những Thời kỳ

Công đồng Vatican II nhóm họp thành bốn thời kỳ hay bốn khóa họp: từ 11 tháng Mười đến mồng 8 tháng Mười Hai, 1962; từ 29 tháng Chín tới mồng 4 tháng Mười Hai, 1963; từ 14 tháng Chín tới 21 tháng Mười Một, 1964; và từ 14 tháng Chín đến mồng 8 tháng Mười Hai, 1965.

Suốt bốn năm của Vatican II, 3058 nghị phụ tham gia, cho đến nay là con số lớn nhất trong lịch sử của các công đồng chung. Ngoài 129 bề trên tổng quyền của những dòng tu giáo sĩ, con số của họ và phần trăm của những người hiện diện, được xếp loại theo lục địa là: Âu châu 1060 (36%); Nam Mỹ 531 (18%); Bắc Mỹ 416) (14%); Á châu 408 (14%); Phi châu 351(12%); Trung Mỹ 89 (3%); và Châu Đại dương 74 (3%). Sự tham gia của những người có quyền tham dự thay đổi. Mức cao nhất ở vào khóa một (84.34%) và khóa bốn (84.88%); 82.34% tham dự khóa hai và 80.23% khóa ba. Những con số này lẽ ra cao hơn nữa nếu nhiều giám mục từ các quốc gia dưới sự cai trị của Công Sản được phép tham dự.

A. Thời kỳ thứ nhất

Thời kỳ sâu sắc nhất trong bốn thời kỳ của Công đồng khai mạc với nghi thức long trọng được các đại biểu tham dự của 86 chính phủ và cơ quan quốc tế. Trong diễn từ khai mạc Đức Giáo hoàng Gioan XXIII không đồng ý với "những ngôn sứ bi quan luôn tiên báo tai ương"; trái lại, ngài khuyên nhủ rằng các nghị phụ xem xét lại, không thể coi xem TC không ban những cơ hội mới cho GH hay sao. Ngài muốn Công đồng không chỉ bảo vệ nhưng còn xem cách nào để hiểu và trình bày gia sản đức tin cho người đương thời; vì mục đích này ngài phân biệt giữa bản chất đức tin và cách thức trong đó đức tin được nối khớp (articulate); ngài thúc đẩy một mục tiêu mục vụ và sử dụng những phương pháp khảo cứu và những hình thức văn chương của tư duy tân tiến. Đối diện với những sai lầm ngài khuyên các nghị phụ tránh kết án; thay vào đó, cống hiến một sự minh chứng giáo lý của Giáo hội có giá trị tích cực. Ngài nhấn mạnh đến bổn phận phải làm việc tích cực để hoàn thành mầu nhiệm hiệp nhất với những Kitô hữu khác cũng như với những người ngoài Kitô giáo. Đối với những người quen thuộc với chất liệu chuẩn bị, có vẻ Đức Giáo hoàng tuyên bố ngài không mãn nguyện với những lược đồ chính thức và đề xướng rằng Công đồng phải thừa hưởng một lối tiếp cận khác [x. W. Abbott, ed., The Documents of Vatican II, diễn từ khai mạc của Đức Gioan XXIII, pp. 710-719.]

Hội nghị chung đầu tiên (13 tháng Mười, 1962) có những hệ quả vĩnh viễn đối với Công đồng. Bởi lẽ, thay vì tiến hành ngay, như đã được hoạch định, để chọn 16 thành viên cho mỗi ủy ban với những danh sách gồm những thành viên và tham khảo viên của những ủy ban chuẩn bị đã chết rồi để hướng dẫn mình, thì theo đề nghị của Hồng y Achille Liénart (Lille) và của Hồng y Josef Frings (Cologne), Công đồng đã ngừng họp sau một ít phút để cho phép có nhiều giờ hơn để tham khảo giữa những giám mục của nhiều quốc gia hay vùng khác nhau. Do vậy, những hội đồng giám mục quốc gia hay vùng quyết định để tiến cử một hay hai ứng viên của mình cho mỗi ủy ban. Trong hội nghị chung lần thứ hai (16 tháng Mười), trước khi các nghị phụ bỏ thăm, một danh sách hỗn hợp gồm tất cả những ngưởi được chỉ định. Bằng cách này các ủy ban trở nên hầu như đại diện của toàn hội nghị và không chỉ vĩnh viễn hóa não trạng của các ủy ban chuẩn bị mà đã phần lớn được thống trị do những người của Giáo triều và đã có thể được kỳ vọng chỉ là bảo vệ những bản văn mà nhiều nghị phụ coi là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, tính nối tiếp được đảm bảo bởi Giáo hoàng chỉ định một số Hồng y trong giáo triều vốn đã từng chủ sự những ủy ban chuẩn bị tương ứng làm chủ tịch của những ủy ban công đồng. Sự trì hoãn những cuộc bầu cử này là một tín hiệu đầu tiên rằng các nghị phụ sẽ lãnh trách nhiệm của mình đối với Công đồng, và những tham vấn được đảm nhận thiết lập tầm quan trọng của sự cộng tác trong và giữa những hội đồng giám mục đối với Công đồng.

Trong thời kỳ đầu tiên, Công đồng thảo luận những lược đồ về phụng vụ, về những nguồn mạc khải, về phương tiện đại chúng, về sự hiệp nhất của GH, và về GH. Những cuộc thảo luận sôi nổi xẩy ra về những đề xuất của lược đồ phụng vụ cho phép dùng nhiều hơn những ngôn ngữ mẹ đẻ, thực hành việc hiệp lễ dưới hai hình thức cũng như đồng tế nhiều hơn, và cho những hội đồng giám mục thẩm quyền lớn lao hơn trong những vấn đề phụng vụ. Cuộc tranh cãi lâu dài đi tới kết thúc bằng một cuộc bỏ phiếu về những nguyên lý tổng quát được đặt ra trong bản nháp. Đa số áp đảo của các nghị phụ (2162 thuận trước 46 chống) cho thấy chính họ sẵn sàng khởi sự cuộc cải cách có ý nghĩa.

Cuộc tranh cãi quan trọng thứ hai liên quan đến lược đồ về những nguồn mạc khải vốn tập trung vào hai câu hỏi: mối tương quan giữa Kinh thánh và Truyền thống cũng như giá trị của những phương pháp phê bình lịch sử tân thời trong việc giải thích Kinh thánh. Người ta cực lực phê bình bản văn đó vì cung điệu tiêu cực của nó cũng như thiếu nhạy cảm đại kết và mục vụ, vì việc làm lắng dịu một cách không trưởng thành vấn đề tranh cãi hợp pháp xem có phải tất cả những chân lý mạc khải được tìm thấy trong Kinh thánh hay không và do việc nhìn xem với sự nghi ngờ (soi mói) như thế những vấn đề được phát hiện do giới học giả kinh thánh tân thời vốn sẽ ngăn cản bất kỳ sự đóng góp hiệu quả nào của Công giáo. Những người bảo vệ bản văn này lý luận rằng vấn đề tín lý đã được ổn định tại Công đồng Trentô và do giáo huấn chung sau đó; họ lý luận rằng những sách và bài viết nghi vấn sử tính của Cựu ước và Tân ước làm cho đức tin lâm nguy. Một cuộc bỏ phiếu xẩy ra xem nên gián đoạn cuộc tranh cãi hay tiếp tục nó với những thảo luận về từng chương. Mặc dù cuộc bỏ phiếu không tiếp tục thảo luận (1368 trên 822) không đạt tới đa số hai phần ba cần thiết, Đức Giáo hoàng vẫn cho dừng cuộc thảo luận và gửi bản văn lại cho một ủy bản đặc biệt để viết lại dưới sự chủ tọa liên kết của các Hồng y Ottaviani và Bea, để tránh cuộc tranh cãi kéo dài có lẽ vô bổ. Quá rõ là một đa số đáng kể của các nghị phụ muốn soạn thảo những bản văn khác có hướng chiều và mục đích khác với những gì được soạn do Ủy Ban Thần học. Giáo hoàng đã ủng hộ họ.

Bởi chưng Công đồng đã minh chứng rõ ràng những quan tâm mục vụ và giáo thuyết, nên phần còn lại của giai đoạn một cách nào đó hạ nhiệt. Vào cuối [giai đoạn I] một ít ngày được dành cho một cuộc thảo luận sơ khởi về lược đồ về GH, được chung chung coi là công việc chính và chủ đề cốt lõi của toàn Công đồng. Bản văn chính thức chịu cả một loạt những phàn nàn vốn nay đã thành quen thuộc, và thậm chí không có một sự bỏ phiếu chính thức, người ta cũng hiểu rằng bản văn sẽ phải bị duyệt lại cách cốt yếu. Thực thế, điều đó minh chứng số phận của tất cả mọi lược đồ đã được chuẩn bị là thế. Vào ngày 6 tháng Mười Hai, 1962, người ta loan báo rằng Đức Giáo hoàng chỉ định một ủy ban điều phối, đứng đầu là Hồng y Amleto Cicogna;  ngài có trách vụ duyệt lại những bản văn nháp được chuẩn bị cho Công đồng, và theo ánh sáng của những mục tiêu của công đồng như được Giáo hoàng Gioan xác quyết và được những cuộc bỏ phiếu của Công đồng phê duyệt, để quyết định cái gì phải được giữ lại trong nghị sự của công đồng, cái gì có thể được để lại cho những quyết định hậu-công đồng, và cái gì thay đổi trong nội dung, phương pháp, hay giọng điệu cần thiết phải được thực hiện. "Thứ siêu ủy ban" này mau chóng giản lược những bản văn phải được giữ lại là 17 [lược đồ]; lược đồ cuối cùng của chúng là một lược đồ mới, được Hồng y Suenens bảo vệ cách đặc biệt; nó bàn đến sự hiện diện của GH trong thế giới tân tiến. Suốt thời gian gián đoạn ở giữa, những ủy ban công đồng đảm trách điều được gọi là "một cuộc chuẩn bị thứ hai" của Vatican II.

Thời kỳ thứ nhất chấm dứt mà không phê chuẩn một lược đồ nào, nhưng những quyết định được làm tại công đồng quyết định hướng chiều của toàn thể dòng Vatican II. Những người và mục đích vốn đã phần lớn thống trị việc chuẩn bị Công đồng đã được thay thế; những nhà lãnh đạo mới nay theo đuổi những mục tiêu phần lớn bị lãng quên suốt thời gian chuẩn bị.

Với cái chết của Đức Gioan XXIII vào ngày mồng 3 tháng Sáu, 1963, Công đồng và tất cả những hoạt động liên quan đến công đồng tự động bị treo lại. Nhưng, ngày sau khi được tuyển chọn (ngày 22 tháng Sáu), Đức Giáo hoàng Phaolô VI hứa rằng Công đồng sẽ lại tiếp tục và theo đuổi những mục tiêu được vị tiền nhiệm của mình đặt ra. Năm ngày sau ngài xác định ngày khai mạc thời kỳ thứ hai vào ngày 29 tháng Chín.

B. Thời Kỳ thứ hai

Trước khi các nghị phụ được triệu tập lại, Đức Phaolô VI phát hành một bản hiệu đính về Ordo Concilii . . . celebrandi hầu sửa chữa một số khuyết điểm trong tổ chức và tiến hành được nhìn ra trong thời kỳ thứ nhất và giải quyết những lao nhọc và đảm bảo sự tự do của những người tham dự. Ngài bỏ đi Văn Phòng Thư Ký (Secretariat) về những vụ việc phi thường và khuyếch đại tới 12 thành viên của ban chủ tịch. Họ có bổn phận coi xem những quy luật được tuân giữ đúng đắn và giải quyết bất kỳ những nghi ngờ cuối cùng nào và loại đi những khó khăn. Ngài cũng chỉ định bốn Hồng y Agagianian, Chủ tịch (Prefect) của Bộ Truyền bá Đức tin; Giacomo Lercaro (Bologna); Julius Dopfner (Munich và Freising); và Leo Joseph Suenens (Malines-Brussels) làm điều hành viên, để thay phiên hướng dẫn những cuộc thảo luận trong những phiên họp chung. Đức Giáo hoàng cũng làm một vài thay đổi khác trong những qui luật tiến hành, chẳng hạn giảm xuống tới 50 phần trăm cộng một đa số cần thiết để chống lại hay trì hoãn một lược đồ hay một phần của lược đồ, và cho phép một nghị phụ nói nhân danh những nghị phụ khác.

Để cải tiến và trải rộng những dịch vụ thông tin, mà về điều ấy đã có nhiều phàn nàn suốt thời kỳ thứ nhất, Đức Phaolô VI chỉ định một Ủy Ban Báo Chí (Press Commission) được Tổng Giám Mục Martin J. O'Connor lãnh đạo. Giáo hoàng gia tăng con số của những quan sát viên không Công giáo được mời tới Công đồng, và hơn 31 người hiện diện ở thời kỳ thứ hai so với thời kỳ thứ nhất. Đức Gioan XXIII đã mời một người giáo dân Công giáo, Jean Guitton, tới phần sau của thời kỳ thứ nhất; Đức Phaolô VI cung cấp một số dự thính viên giáo dân tham dự trong những phiên họp chung và xin họ giúp đỡ các ủy viên; thêm vào Guitton, 10 giáo dân khác từ những quốc gia khác nhau, mà phần lớn đại diện những cơ quan Công giáo quốc tế, được chào đón ở đầu thời kỳ mới ấy.

Vào khóa họp chung đã khai mạc thời kỳ thứ hai ngày 29 tháng Chín, 1963, Đức Phaolô VI đọc một diễn từ đáng nhớ trong đó ngài nhấn mạnh bản chất mục vụ của phiên họp và biệt định bốn mục tiêu của nó: (1) xác định đầy đủ hơn ý niệm GH, cách riêng về vị trí của các giám mục; (2) canh tân GH; (3) cổ võ khôi phục sự hiệp nhất giữa hết thảy các Kitô hữu [ngài xin những người không phải Công giáo tha thứ cho những người Công giáo vì lỗi của họ trong những cuộc ly khai và bỏ qua những tổn hại được làm cho những người Công giáo]; và (4) khởi sự cuộc đối thoại với thế giới đương thời.

Với lược đồ đã được hiệu đính về GH, Công đồng bắt đầu thảo luận. Theo lược đồ, cuộc tranh cãi sôi nổi nảy sinh từ cuộc thảo luận về tính tập đoàn của các giám mục và mối tương quan của nó với quyền tối thượng của Giáo hoàng đã được định tín tại Vatican I. Vào ngày 30 tháng Mười, những điều hành viên, dùng một tiến trình không được dự tính trong Ordo, đặt bỏ phiếu thuận cho sự hướng dẫn của Ủy Ban Tín Lý năm mệnh đề được chứa đựng cách cốt yếu trong chương ba của lược đồ. Bốn trong chúng liên quan đến tính bí tích của chức giám mục (episcopate) và đặc tính tập đoàn cũng như thẩm quyền của nó; còn mệnh đề thứ năm liên quan đến việc khôi phục chức phó tế như một bậc vĩnh viễn. Cả năm mệnh đề này nhận được đa số hơn hai phần ba, do vậy loại bỏ mọi nghi ngờ về khuynh hướng cấp tiến của Công đồng. Nhưng sau đó người ta nhiều lần gợi lên đặc tính "bất thường" của những bỏ phiếu để nghi ngờ về giá trị của chúng.

Cũng về lược đồ GH, một sự phân rẽ nữa giữa các nghị phụ xuất hiện về câu hỏi xem lược đồ về Đức Nữ Trinh Maria nên là một bản văn riêng hay được tháp vào trong lược đồ GH. Sau một cuộc tranh cãi mạnh mẽ, câu hỏi phải được bỏ phiếu vào ngày 29 tháng Mười và bằng số chênh lệch suýt soát nhất  trong tất cả những nghị quyết (1114 với 1074), hội nghị quyết định tháp nhập nó vào trong hiến chế về GH.

Khi thảo luận lược đồ về các giám mục và cai quản địa phận (ngày 5-15 tháng Mười Một), một trong những đối kháng sâu sắc hiếm hoi của Công đồng xẩy ra khi Hồng y Frings thẳng thắn phê bình những phương pháp của Tòa Thánh; Hồng y Ottaviani, thư ký của văn kiện, kịch liệt bảo vệ chúng. Ba chương đầu của lược đồ về đại kết được thảo luận (18 tháng Mười Một đến mồng 2 tháng Mười Hai) và được phê chuẩn với điều kiện duyệt lại, nhưng, nhiều nghị phụ sửng sốt, mọi hoạt động trên chương bốn (về thái độ của GH đối với những người ngoài Kitô hữu và cách riêng với người Do thái) và chương năm (về tự do tôn giáo) được hoãn lại tới thời kỳ thứ ba, được vịn vào lý do thiếu giờ xem xét cách chín chắn.

Ngày 21 tháng Mười Một, Đức Giáo hoàng công bố rằng số thành viên của mỗi ủy ban sẽ được tăng lên 30. Sau khi những hội đồng giám mục đề cử những ứng viên, các nghị phụ lại lựa chọn phần lớn hơn gồm những thành viên mới vào ngày 28 tháng Mười Một, và Giáo hoàng chỉ định phần còn lại. Các ủy ban lựa chọn phó chủ tịch và thư ký mới. Những thay đổi được công khai nhìn nhận này nhằm giải quyết những lao nhọc của các ủy ban, nhưng dường như chúng cũng nhằm giúp mang một số ủy ban ngoan cố vào trong sự hòa hợp lớn lao hơn với những ước muốn của phần đa công đồng.

Trong nghi thức kỷ niệm ngày kết thúc Công đồng Trentô (mồng 3 tháng Mười Hai) Đức Phaolô VI cho mọi người biết tự sắc (motu proprio) Pastorale Munus của mình (30 tháng Mười Một), trong đó ngài hoặc chấp nhận hoặc công bố khôi phục (ngôn ngữ của ngài hàm hồ) cho các giám mục một vài năng quyền (faculties) và đặc ân, nhiều điều trong đó đã được đề xướng trong một phụ lục vào lược đồ về giám mục và việc cai quản địa phận. Theo nhiều nghị phụ và quan sát viên, đặc tính tương đối không quan trọng của nhiều trong những năng quyền và đặc ân này nhấn mạnh tới mức độ mà chức giám mục đã có trong quá khứ trở nên lệ thuộc vào quyền giáo hoàng.

Mồng 4 tháng Mười Hai, khóa họp công khai kết thúc của thời kỳ thứ hai được tiến hành. Các nghị phụ nhất định thông qua hiến chế về Phụng vụ bằng cuộc bỏ phiếu gồm 2147 thuận đối với 4 chống và sắc lệnh về những phương tiện truyền thông bằng cuộc bỏ phiếu gồm 1980 thuận đối với 164 chống. Chống lại sắc lệnh sau, sự chống đối được nêu lên vào phút chót trong nội bộ rằng nó không đáp lại kỳ vọng của các Kitô hữu và sẽ làm tổn thương thẩm quyền của Công đồng; cuộc bỏ phiếu chung cục trong một hội nghị chung vào ngày 25 tháng Mười Một đã thấy 500 giám mục bỏ phiếu chống lại nó. Đang khi sử dụng một công thức nhấn mạnh đến sự hiệp nhất  của ngài với các nghị phụ khác trong công đồng, Đức Giáo hoàng phê chuẩn và công bố hai bản văn ấy; đấy là hai bản văn đầu tiên trong những văn kiện chung cục của Công đồng. Vào ngày 25 tháng Giêng, 1964 ngài phát hành tự sắc (motu prorpio) Sacram Liturgiam nhờ đó ngài thiết lập một ủy ban để thực thi hiến chế phụng vụ.

Trong diễn văn kết thúc Đức Phaolô VI cám ơn những nghị phụ đã đóng góp những phí tổn của Công đồng hay đã giúp đỡ những anh em thiếu thốn của mình; ngài ghi nhận rằng Công đồng đã được ghi dấu bằng sự lao nhọc cần cù và tự do diễn đạt; ngài diễn đạt hy vọng rằng công đồng có thể hoàn thành công việc của mình trong một thời kỳ thứ ba và loan báo ngài sắp hành hương sắp tới tới Đất Thánh.

Suốt thời gian gián đoạn giữa những thời kỳ hai và ba, các nghị phụ được mời gọi để đệ trình những phê bình về công việc còn dang dở, và nhờ sự bàn thảo này giúp đỡ, các ủy ban tiếp tục duyệt lại những lược đồ. Theo hướng của Ủy ban Điều phối và hợp với những ước muốn của Giáo hoàng, họ giản lược một vài đề tài, nghĩa là, những đề tài về linh mục, tu sĩ, giáo dục vào đời sống linh mục, hoạt động truyền giáo, hôn nhân và giáo dục công giáo, vào một loạt những nguyên tắc ngắn gọn và căn bản mà người ta kỳ vọng các nghị phụ sẽ mau chóng và dễ dàng đồng ý với chúng, và không có thảo luận công khai, trong thời kỳ thứ ba; sự trau chuốt đầy đủ hơn và sự thực hiện những nguyên tắc này có thể được dành cho những cơ quan hậu công đồng. Sự giản lược nghị sự công đồng này, được biết đến như "kế hoạch Dopfner", nhằm để đảm bảo rằng Công đồng sẽ kết thúc công việc của mình với khóa họp thứ ba; và để đẩy mạnh mục đích này, người ta cũng thực hiện những thay đổi trong cách tiến hành của công đồng để ngăn cản những lập lại và xúc tiến những quyết định.

Ngay trước khi thời kỳ thứ ba được khai mạc, Giáo hoàng công bố rằng những phụ nữ nay nhập vào những giáo dân như những dự thính viên của Công đồng. Giữa con số ủy viên-quan sát viên gia tăng, lần đầu tiên, là những đại biểu của tòa Thượng Phụ Constantinople.

C. Thời kỳ thứ ba

Đức Giáo hoàng Phaolô khai mạc thời kỳ thứ ba vào ngày 14 tháng Chín, 1964, với một phiên họp (session) công cộng ở đó ngài dâng lễ đồng tế với 24 nghị phụ; đó là một diễn tả đầu tiên của công đồng về những cải cách cụ thể được phê chuẩn trong hiến thế về phụng vụ vào cuối thời kỳ hai. Những cuộc thảo luận của công đồng bắt đầu với những chương của lược đồ về GH chưa được phê chuẩn nói chung và rồi với những bỏ phiếu tiếp theo sau trên tám chương như đã được sửa chữa. Trong cuộc thảo luận về Đức Nữ Trinh Maria, cuộc tranh cãi tập trung vào việc có dành cho ngài tước hiệu "Đấng Trung Gian" (Mediatrix) và "Mẹ GH" hay không. Sự quan tâm rất lớn dành để bỏ phiếu chương ba, về sự thiết lập phẩm trật của GH với sự qui chiếu đặc biệt đến các giám mục. Cuộc chiến về mối tương quan giữa quyền tối thượng của Giáo hoàng và giám mục đoàn đã trở nên không kém dữ dội; thực vậy, vào chính ngày áp của thời kỳ thứ ba, Đức Phaolô VI đã nhận được một ghi nhận kín từ những Hồng y xuất chúng và những vị lãnh đạo của những dòng tu xin ngài không cho phép bỏ phiếu giáo lý của chương đó và rất không tinh tế hàm ý rằng nếu làm thế, ngài sẽ có tội lãng phí quyền bính của tác vụ ngài. Sau bốn tường trình chính thức về chương đó được đọc cho hội nghị, cuộc đầu phiếu tiến hành, và những lá phiếu đã tán thành vượt bực về những vấn đề lớn đang bàn cãi.

Tuy nhiên, những cuộc thảo luận tiếp theo về lược đồ tác vụ mục vụ của giám mục; bước tiến hành của lược đồ này bị cản trở vì cần phải chờ đợi những kết quả của việc bỏ phiếu lược đồ về GH. Những lược đồ về tự do tôn giáo và về những người Do thái, mà nguyên thủy đã thiết thân với lược đồ về đại kết, nay phải trở thành những văn kiện riêng biệt; cuộc tranh cãi về chúng thật mạnh mẽ; nó được ghi dấu bởi những quan tâm thần học lẫn chính trị. Bản văn về tự do tôn giáo bị phê bình vì tách khỏi sự nhấn mạnh truyền thống của GH về những quyền độc nhất của tôn giáo chân thật; bản văn được bảo vệ là phản ánh sự phát triển của những thực tại chính trị, kính trọng phẩm giá và tự do của nhân vị, và một điều kiện tiên quyết (prerequisite) cho bất kỳ cuộc đối thoại đại kết hay liên tôn nghiêm túc nào. Người ta tiếp tục phê bình lược đồ về mối tương quan của GH với người Do thái bởi vì những hệ quả chính trị mà người ta sợ nó sẽ có đối với những Kitô hữu tại Trung Đông. Người ta cũng thảo luận bản văn được tu sửa (hiệu đính) về mạc khải của TC cũng như lược đồ về việc tông đồ giáo dân. Đầu tháng Mười, người ta đưa ra lược đồ được hiệu đính về đại kết với một loại các cuộc đầu phiếu và được phê chuẩn.

Sự đối nghịch với chương trình Dopfner và một kết thúc sớm của Công đồng trở nên (rõ ràng) trong những tuần đầu của thời kỳ thứ ba, và nó tỏ lộ chính mình khi những lược đồ được giản lược cách ấn tượng và được ta gọi là "những lược đồ nhỏ" đưa ra trước các nghị phụ. Vào ngày 12 tháng Mười một lược đồ được hiệu đính về 12 đề xướng "về đời sống và tác vụ linh mục" được mang ra trước Công đồng; nhiều nghị phụ tấn công lược đồ đó là không thích hợp, hời hợt, tẻ nhạt, và chán ngán (gây thất vọng); với số phiếu 930 trên 1199 nó được gởi lại cho ủy ban thẩm quyền để viết lại hoàn toàn. Cuộc thảo luận về lược đồ hoạt động truyền giáo của GH được chính Đức Phaolô VI sáng kiến; nhưng dù ngài xét nó thích đáng, nhiều phát ngôn viên thấy nó không thỏa mãn bởi vì tính chất ngắn gọn và sơ lược (skeletal) của nó. Do đề xướng của ủy ban, các nghị phụ bỏ phiếu 1601 trước 311 gởi nó lại để viết lại hoàn toàn. Lược đồ của 19 đề xướng về sự canh tân đời sống tu trì cũng bị phê bình song được chấp nhận bởi một số thắng suýt soát (1155 trước 882) với điều kiện nó được thay đổi rộng rãi để lưu tâm tới hàng ngàn nghi ngại (modi) được diễn đạt. Lược đồ của những 22 đề nghị về giáo dục cho đời sống linh mục được tiếp nhận cách tán thưởng hơn và được thừa nhận cách cốt yếu (substantially). Người ta khai triển lược đồ về giáo dục Kitô hữu, từ những lược đồ không thích hợp trước kia về những đề xướng về các trường Công giáo; lược đồ ấy đã cốt yếu được phê chuẩn mặc dù có 419 phiếu chống. Một tài liệu ngắn (votum) về bí tích hôn nhân, dành để hướng dẫn ủy ban cho việc duyệt xét Bộ Giáo Luật được thảo luận, và bằng đầu phiếu các nghị phụ chấp nhận đề nghị của các điều hành viên là đệ trình lược đồ cho Đức Giáo hoàng hành động theo cuộc họp hai ngày của họ.

Công đồng cũng thảo luận lược đồ về các GH Công giáo Đông phương và lược đồ được mong đợi từ lâu là một hiến chế về GH trong thế giới ngày nay, thông thường được gọi là Lược đồ 13 từ số chỗ đứng của nó theo nghị sự làm việc. Cuộc thảo luận về lược đồ sau được tập trung vào phương pháp luận của lược đồ, vào việc nó phân biệt và liên hệ thích đáng với những lãnh vực của tự nhiên và siêu nhiên hay không, về sự thích đáng của một công đồng bàn những vấn đề rất bất tất được thảo luận trong những phụ lục của lược đồ đó. Các nghị phụ được yêu cầu tránh bàn thảo về ngừa thai nhân tạo; Đức Giáo hoàng phải dành việc ấy cho một nhóm đặc biệt gồm những chuyên viên giáo sĩ và giáo dân nghiên cứu và chính ngài sẽ cho phán quyết chung cục.

Bốn biến cố trong những ngày cuối cùng của thời kỳ thứ ba được tiếp nhận một cách rất nghèo nàn do số đáng kể của những nghị phụ đến nỗi họ nói về "tuần lễ đen." Bởi vì một thiểu số khăng khăng trong những chống đối của mình đối với chương ba của lược đồ về GH, Đức Giáo hoàng ra lệnh rằng "một ghi chú cắt nghĩa" phải được đặt trước để giải thích về những duyệt xét cuối cùng của Ủy Ban Tín Lý; được soạn thảo để làm dịu đi những nỗi sợ của nhóm thiểu số, bản văn này được công bố để cung cấp lời giải thích có thẩm quyền về giáo lý được chứa đựng trong chương ba. Mặc dù Công đồng không bao giờ được cho cơ hội để thảo luận hay phê chuẩn ghi chú này, công đồng vẫn thành công trong mục đích của mình. Trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 17 tháng Mười Một chỉ có 47 trên 2146 nghị phụ chống đối bản văn.

Vào ngày 20 tháng Mười Một, bản văn được hiệu đính về mối liên hệ của GH với những tôn giáo không phải Kitô giáo được Công đồng phê chuẩn với dự liệu cần phải lưu ý đến đề nghị những sửa chữa. Lược đồ được duyệt xét về tự do tôn giáo chịu một định mệnh khác. Nó được phân phát cho các nghị phụ vào ngày 17 tháng Mười Một và, theo quyết định của những điều hành viên, phải được bỏ phiếu vào hai ngày sau. Vì lược đồ mới khác một cách đáng kể trong cấu trúc, độ dài, và lý luận từ bản văn được thảo luận trước kia trong thời kỳ ấy, một nghị phụ yêu cầu nhiều thời gian hơn để nghiên cứu và tham khảo; để giúp họ, các điều hành viên và các chủ tịch quyết định có một đầu phiếu sơ khởi để quyết định xem các nghị phụ muốn tiến hành ngay lập tức đối với việc đầu phiếu theo chương trình hay không. Nhưng vào ngày được chỉ định (ngày 19 tháng Mười Một) Hồng y Tisserant nhân danh các chủ tịch loan báo rằng không có cuộc bỏ phiếu trong thời kỳ ấy. Giữa những tình cảm thất vọng và tức giận mạnh mẽ, một lời kêu nài khẩn cấp phải bỏ phiếu ngay, được các Giám mục Hoa kỳ soạn thảo, rồi được lưu hành trong phòng hội của Công đồng và được 441 nghị phụ (và sau này cả hàng trăm) ký nhận; đoạn nó được các Hồng y Albert Meyer (Chicago), Joseph Ritter (Saint Louis), và Paul Leger (Montreal) trình bày cho Đức Phaolô VI. Đức Giáo hoàng ủng hộ hoãn lại cuộc bỏ phiếu trên những lý lẽ rằng Ordo cần thiết nhiều giờ hơn, nhưng ngài hứa rằng lược đồ về tự do tôn giáo sẽ là đề tài đầu tiên trong nghị sự làm việc của thời kỳ thứ tư.

Cùng ngày 19 tháng Mười Một, 19 thay đổi mà vào phút chót do lệnh của giáo hoàng được đưa vào lược đồ về đại kết do Văn Phòng cổ xúy sự Hiệp Nhất Kitô hữu được phân phát cho các nghị phụ; chúng được các ngài chấp nhận ngày hôm sau trong cuộc bỏ phiếu chung cục về toàn lược đồ, thì cái khác là chống lại toàn lược đồ. Những thay đổi được nhằm để minh tỏ bản văn, nhưng nhiều thay đổi lại thấy là công kích lại Tin lành và do Tin lành.

Vào phiên họp công cộng kết thúc thời kỳ thứ ba, Đức Phaolô VI đồng tế với 24 linh mục có những thánh đường lớn về Đức Maria trong lãnh địa của họ. Đoạn các nghị phụ thông qua hiến chế về GH (2151 đối với 5), sắc lệnh về các Giáo hội Công giáo Đông phương (2110 đối với 39), và sắc lệnh về đại kết (2137 đối với 11), và GH công bố chúng. Trong diễn từ kết thúc Đức giáo hoàng sau khi đã diễn tả niềm vui sướng về giáo lý liên quan đến chức giám mục và GH nói chung, công bố trên thẩm quyền của chính mình Đức Maria là "Mẹ GH," nghĩa là, của tất cả tín hữu và mục tử. Công đồng đã theo lời khuyên của Ủy Ban Tín Lý và minh nhiên từ chối dành cho mẹ tước hiệu này và đã bằng lòng với việc trình bày ý tưởng ấy theo những hạn từ tương đương. Nhiều người thấy hành động của Giáo hoàng như muốn tái khẳng định thẩm quyền giáo hoàng riêng biệt của mình.

D. Thời kỳ thứ tư

Phaolô VI khai mạc thời kỳ thứ tư và cuối cùng tại một buổi họp công công vào ngày 14 tháng Chín, 1965, ở đó ngài lại đồng tế với 24 nghị phụ. Ngài loan báo rằng do tự sắc (Motu proprio) Apostolica Sollicitudo, đề ngày 15 tháng Chín, ngài thiết lập Thượng Hội Đồng các Giám mục như đã hứa trước và như các nghị phụ đã yêu cầu trong lược đồ chưa hoàn tất về chức vụ mục tử của các giám mục; bằng cách này một sự cộng tác mật thiết giữa giáo hoàng và các giám mục có thể tiếp tục để sinh ích cho GH ngay cả sau khi công đồng kết thúc.

11 trong số 16 văn kiện chung cục của Vatican II đã được hoàn tất, phê chuẩn và công bố vào những buổi họp công cộng suốt bốn thời kỳ; 5 bản văn được công bố vào ngày 15 tháng Mười, 2 bản văn vào ngày 18 tháng Mười Một, và 4 bản văn vào ngày 7 tháng Mười Hai. Tiến độ của những khai triển là nhanh chóng và việc xúc tiến những cơ hội về những vấn đề đối với các giám mục để can thiệp bằng lời nói trong phòng hội bị giản lược thậm chí hơn cả trong thời kỳ thứ ba.

Như Đức giáo hoàng đã hứa, lược đồ về tự do tôn giáo được thảo luận đầu tiên, và khi người ta tiếp tục nói lên sự chống đối lược đồ ấy, thì một cuộc bỏ phiếu sơ khởi dành cho lược đồ ấy được thực hiện vào ngày 21 tháng Chín cho thấy rằng một đa số 1997 trên 224 đã chấp nhận nó như nền tảng cho một bản văn dứt khoát. Sự thành công vượt trội này biểu thị một trong những cao điểm đối với các giám mục Hoa kỳ và đối với cố vấn chính của họ về vấn đề này, John Courtney Murray, SJ. Được sửa chữa nữa, và với một vai thay đổi vào phút cuối từ Giáo hoàng, nó được phê chuẩn vào ngày 15 tháng Mười với số phiếu 1954 đối với 249.

Lược đồ về GH trong thế giới tân tiến đã được nới rộng lớn lao bằng cách bao gồm những phụ lục đối với bản thảo đầu. Những khác biệt giữa những người cấp tiến xuất hiện về bản văn này với một vài nghị phụ, đặc biệt người Đức, lý luận rằng nó thực quá tích cực, bỏ quên những thực tại tội lỗi và lẫn lộn những lãnh vực tự nhiên và siêu nhiên. Những giám mục và thần học gia nói tiếng Pháp bảo vệ lối tiếp cận có tính nhập thể. Một tiếp cận mang tính cách khá là tin mừng, được trau chuốt do Hồng y Lercaro, bị rối loạn cách đặc biệt rằng bản văn không mạnh mẽ hơn trong phần về chiến tranh và hòa bình. Phần này cũng bị phê bình, nhưng trên những nền tảng hầu như đối nghịch, do một số giám mục Hoa kỳ trên nền tảng rằng nó bỏ quên vai trò làm nhụt chí của các khí giới nguyên tử và hàm ẩn lời phê bình về những chính sách tự vệ của phương Tây. Một cuộc tranh cãi nào đó cũng nẩy sinh về những phần về hôn nhân và những mối liên hệ giữa mục đích của nó và sự điều hòa sinh sản. Một phần lớn các giám mục cũng bị bối rối rằng lời nài nỉ của họ về việc minh nhiên kết án chủ nghĩa cộng sản không được xem xét nghiêm chỉnh. Vào mồng 6 tháng Mười hai, lược đồ được phê chuẩn với số phiếu 2111 so với 251.

Lược đồ được hiệu đính về mạc khải tiếp tục là đề tài thảo luận, đặc biệt về vấn đề liên hệ giữa kinh thánh và truyền thống, về tính chất không sai lầm, và về sử tính của các tin mừng. Những can thiệp vào phút chót của giáo hoàng lại một lần nữa giảm thiểu sự chống đối, và bản văn được phê chuẩn vào ngày 29 tháng Mười với cuộc bỏ phiếu 2081 so với 27.

Tất cả những bản văn khác trải qua những giai đoạn chung cục của việc soạn thảo và phê chuẩn mà không có tranh luận lớn; những lược đồ ấy là về chức  vụ mục tử của các giám mục, canh tân đời tu, đào luyện linh mục, giáo dục Kitô hữu, mối tương quan của GH với các tôn giáo không phải Kitô hữu, việc tông đồ giáo dân, hoạt động truyền giáo của GH, cũng như tác vụ và đời sống linh mục.

Trong một biến cố gây xúc động vào ngày mồng 7 tháng Mười Hai, ngày trước khi Công đồng kết thúc, để bỏ đi rào cản tâm lý tới sự hòa giải, Đức Phaolô VI và Thượng phụ Athenagoras I diễn đạt họ ân hận vì đã ra vạ lẫn nhau giữa Tòa Thánh Roma và Tòa Thượng Phụ Constantinople vào năm 1054 và vì những lời công kích, những trách móc vô văn cứ, và những cử chỉ đáng bị khiển trách vốn đi theo những hành động của cả hai phía. Họ cũng diễn đạt ước muốn bỏ đi ký ức về những biến cố ấy từ giữa GH và cam kết quên chúng đi. Cuối cùng, họ ân hận những xô xát khiếm nhã đi trước và theo sau mà, rốt cục dẫn đến sự sụp đổ thật sự hiệp thông của GH, dưới ảnh hưởng của những yếu tố khác nhau kể cả sự thiếu thông cảm và tin tưởng lẫn nhau.

Khóa họp công khai cuối cùng của Công đồng được tổ chức ngoài trời trước Vương cung Thánh Đường thánh Phêrô vào ngày mồng 8 tháng Mười Hai, 1965. Sau thánh lễ được một mình Đức Giáo hoàng cử hành, một loạt các sứ điệp cho thế giới, được soạn bằng tiếng Pháp, được đọc lớn: cho các vị lãnh đạo, học giả, nghệ sĩ, phụ nữ, công nhân, người nghèo và ốm yếu, và giới trẻ. Đoạn tài liệu vắn gọn của Tông tòa In Spiritu Sancto kết thúc Công đồng được vị Tổng Thư ký đọc lên và những lời tung hô truyền thống tại các công đồng chung từ thế kỷ V được hát lên, và các nghị phụ tuyên xưng sự vâng phục đối với những sắc lệnh công đồng.

Để làm cho các tín hữu quen thuộc với những giáo huấn của Công đồng và để khích lệ họ tiếp nhận các sắc lệnh công đồng, để kích thích họ ao ước canh tân thiêng liêng trong đời sống riêng tư, gia đình, công cộng và xã hội và tri ân TC vì Công đồng, và để phát triển nơi họ một tình cảm cũng như sự ý thức về GH, Đức Phaolô VI, bằng Tông hiến Mirificus Eventus (mồng 7 tháng Mười Hai, 1965) công bố một năm thánh ngoại thường phải được cử hành trong tất cả các địa phận trong thế giới từ mồng 1 tháng Giêng đến ngày 29 tháng Năm (lễ Ngũ Tuần), 1966. Qua Tự sắc (Motu proprio)Integrae Servandae (ngày 7 tháng Mười Hai, 1965), ngài thay đổi tên Tòa Thánh thành Bộ giáo lý Đức tin và thay đổi thủ tục của nó. Rồi, bằng Tự sắc (Motu proprio) Finis Concilii (ngày 11 tháng Giêng, 1966) ngài thiết lập những ủy ban hậu công đồng về (1) giám mục và việc cai quản các địa phận, (2) tu sĩ, (3) truyền giáo, (4) giáo dục Kitô hữu, và (5) việc tông đồ giáo dân, tất cả đều được bao gồm cùng những chủ tịch, những thành viên và các thư ký như các ủy ban tương ứng của công đồng, và được những chuyên viên được chọn cách riêng từ giữa những chuyên viên (periti) công đồng trợ giúp. Ngài cũng thiết lập một ủy ban trung ương nhằm coi sóc công việc của năm ủy ban khác và để giải nghĩa những tài liệu công đồng. Cuối cùng ngài xác quyết sự hiện hữu vĩnh viễn của ba văn phòng thư ký: cổ xúy sự hiệp nhất Kitô hữu, lo đến các Tôn giáo ngoài Kitô giáo, và những người vô tín.

IV. Những công bố của công đồng

Công đồng đưa ra tất cả 16 văn kiện: 4 hiến chế, 9 sắc lệnh, và 3 tuyên ngôn

A. Hiến chế

Bốn văn kiện này bàn đến GH, mạc khải TC, phụng vụ, và GH trong thế giới tân tiến.

1. Hiến chế tín lý về GH (Lumen Gentium). Trong cuộc thảo luận của các nghị phụ về hiến chế này, các điểm chính tập trung vào: những hình ảnh kinh thánh về GH; GH như một Mầu nhiệm; những khía cạnh thần học, thiêng liêng, và pháp lý của GH; mối liên hệ giữa GH Đức Kitô và GH Công giáo Rôma; vị thế của những Kitô hữu ly khai và của những người ngoài Kitô giáo đối với GH; thẩm quyền của đoàn Giám mục (tập thể tính) và những mối liên hệ với quyền tối thượng của giáo hoàng; việc khôi phục chức phó tế vĩnh viễn có và không có đời sống độc thân; chức tư tế phổ quát của các tín hữu; những chức năng của giáo dân và mối tương quan của họ với phẩm trật; sự hiện hữu và vai trò của các đoàn sủng; sự quân bình giữa tính bình đẳng và quyền bính; mối quan tâm đến người nghèo và những kẻ sầu khổ và  đến công bằng xã hội; bổn phận truyền giáo của GH; mối tương quan giữa GH và nhà Nước; và Đức Nữ Trinh Maria như đấng trung gian ân sủng và như mẹ GH.

Hiến chế đó có những chương sau: (1) "mầu nhiệm GH," (2) "Dân TC," (3) "Cơ cấu phẩm trật của GH và cách riêng chức giám mục," (4) "giáo dân," (5) "lời kêu gọi mọi người nên thánh trong GH," (6) "Tu sĩ," (7) "Bản chất cánh chung của GH lữ hành và sự kết hiệp của GH với GH trên trời," và (8) "Đức Nữ Trinh Maria, Mẹ TC, trong mầu nhiệm Đức Kitô và GH."

2. Hiến chế tín lý về Mạc khải của TC (Dei Verbum). Cuộc thảo luận tập trung vào bản tính của truyền thống và mối tương quan của nó với Kinh thánh; tất cả mạc khải có được chứa đựng trong Kinh thánh một cách nào đó hay không; sự không sai lầm của Kinh thánh, sử tính của các Phúc âm; và việc đọc, phân phát, và giải thích Kinh thánh. Những chương của Hiến chế này là: (1) "chính Mạc khải," (2) "Việc trao truyền Mạc khải của TC," (3) Kinh thánh," (4) "Cựu ước," (5) "Tân ước," và (6) Kinh thánh trong đời sống GH."

3. Hiến chế về Phụng vụ thánh (Sacrosanctum Concilium). Cuộc thảo luận của Công đồng chạm đến những nền tảng kinh thánh, Kitô học, và GH học về phụng vụ; giá trị giáo huấn của phụng vụ; phụng vụ như một yếu tố hiệp nhất; những cách thức tốt nhất để đảm bảo sự tham gia tích cực và ý thức; việc đơn giản hóa những nghi thức; sử dụng latinh và những ngôn ngữ hiện đại; việc tháp nhập vào những phong tục hay truyền thống địa phương hoặc quốc gia; làm cho phụng vụ ảnh hưởng hữu hiệu trong xã hội; thẩm quyền của các hội đồng Giám mục và của từng giám mục; thánh lễ đồng tế; hiệp lễ dưới hai hình thức; việc xức dầu bệnh nhân; sự kéo dài, ngôn ngữ và soạn thảo kinh Nhật tụng.

Thêm vào một dẫn nhập vốn nói rằng phụng vụ là phương thế nổi bật mà nhờ đó các tín hữu diễn đạt trong đời sống của mình và tỏ lộ cho người khác mầu nhiệm Đức Kitô và bản chất thật sự của GH chân thật, hiến chế chứa đựng những chương sau: (1) "những nguyên tắc tổng quát về sự khôi phục và cổ xúy Phụng vụ Thánh," (2) "Mầu nhiệm cực thánh của Thánh Thể," (3) "những bí tích kh1c và những Á bí tích," (4) "Thần vụ," (5) "Năm phụng vụ," (6) "Thánh nhạc," và (7) "Nghệ thuật Thánh và những trang trí thánh," Một phụ lục chứa đựng "một tuyên ngôn về việc duyệt lại Niên lịch."

4. Hiến chế Mục vụ về GH trong thế giới tân tiến (Gaudium et Spes). Các nghị phụ thảo luận ý nghĩa và giá trị của hoạt động trần thế; phẩm giá con người; sự đối chọi trong thế giới giữa thiện và ác; sự hiện diện của tội lỗi; vai trò của phụ nữ trong xã hội; sự phân biệt chủng tộc; những vấn đề của thế giới thứ ba; sự nghèo đói của thế giới; những vấn đề di dân; vô thần, chủ nghĩa Mác-xít, và chủ nghĩa cộng sản; tự do và sự khích lệ cuộc khảo cứu có tính học giả; ảnh hưởng của GH trên văn hóa; nhân bản thuyết và khoa nhân học Kitô hữu; sự bình đẳng của mọi con người; sự cần thiết cho các người Công giáo phải làm việc với tất cả mọi người thiện chí; tình liên đới của GH với thế giới; ánh sáng mà mạc khải tỏa chiếu trên não trạng, vấn đề và những lực lượng của thời đại chúng ta; những lợi ích (phúc lợi) của tôn giáo đối với văn minh; bản tính , những mục đích, hành vi và tính bất khả phân ly của hôn nhân; đời sống gia đình; phá thai; sản xuất kinh tế; những điều kiện của công nhân; những tương quan giữa GH và xã hội chính tri; cuộc chay đua vũ trang; sự sở hữu và sử dụng những vũ khí nguyên tử; quân dịch cưỡng bức và sự chống đối có ý thức; những bổn phận của quốc gia đối với thẩm quyền quốc tế; sự gia tăng dân số thế giới; sự trợ giúp những quốc gia chậm phát triển.

Hiến chế gồm một lời giới thiệu về "tình trạng dân chúng trong thế giới đương thời." Phần I, với tựa đề, "GH và ơn gọi của nhân vị" bao gồm bốn chương: "phẩm giá nhân vị," "Cộng đồng nhân loại," "Hoạt động của con người khắp thế giới," "và "Vai trò của GH trong thế giới tân thời." Phần II được đề tựa "một số vấn đề khẩn cấp đặc biệt", có năm chương: "Hôn nhân và gia đình,", "Phát triển văn hóa," "Đời sống kinh tế và xã hội," "Cộng đồng chính trị," và ""Hòa bình và cộng đồng các quốc gia." Một phần kết luận nói rằng GH ước muốn đối thoại thẳng thắn giữa các phần tử của mình, với những anh chị em và cộng đoàn ly khai, với tất cả những ai tin nhận TC, với những ai vun trồng những phẩm tính cao thượng của tinh thần nhân loại nhưng không tin vào TC, và ngay cả với những ai đàn áp GH.

B. Các Sắc lệnh

Công đồng phát hành 9 sắc lệnh có tầm rộng lớn về đề tài.

1. Sắc lệnh về chức vụ mục vụ của các giám mục (Christus Dominus). Những cuộc thảo luận tập trung vào chức vụ Giám mục và những uy quyền cần thiết để thực thi chức vụ ấy; Giáo triều Roma và những liên hệ với các giám mục; sự nội tại hóa của Giáo triều; những uy quyền cần thiết để tháo gỡ những nhiệm vụ của các giám mục; tự do trong viêc chỉ định các giám mục; sự hưu trí bó buộc của các giám mục; sự lệ thuộc của tu sĩ đối với Giám mục địa phương (bản quyền sở tại, Local ordinary); sự chăm sóc cho những người di dân; những địa phận đối nhân (personal) cho những người thuộc một nghi thức hay quốc tịch riêng; những uy quyền của các hội đồng giám mục; và cơ quan trung ương của các giám mục để giúp giáo hoàng trong việc cai quản GH.

    2. Sắc lệnh về Đại kết (Unitatis Redintegratio). Những điểm thảo luận gồm: cần phải khiêm nhường, bác ái, tha thứ, và thừa nhận những sai lầm và sai lỗi của mọi bên; đảm bảo rằng hiệp nhất không có nghĩa là đồng phục; không phải "sự quay trở lại" suông của những anh chị em ly khai; ý nghĩa và sử dụng từ ngữ "Đại kết"; sự thích đáng của việc gọi một số cộng đoàn Tin lành là "các Giáo hội"; mối nguy hiểm của việc gây ra sự lộn xộn và chủ thuyết trung lập (indifferentism, dửng dưng) trong tâm trí của các tín hữu; sự tham gia vào những buổi lễ (cử hành) tôn giáo với những người Kitô hữu không phải Công giáo; tính hiệu lực của những hôn nhân được cử hành trước những thừa tác viên không phải Công giáo; những cách thức điều hành cuộc đối thoại; ước muốn khôi phục sự hiệp nhất giữa tất cả những người theo (môn đệ) Đức Kitô. Để kết luận, sắc lệnh khuyến khích những người Công giáo kìm chế khỏi sự hời hợt và sự hăng say không thận trọng, để trung thành với chân lý nhận được từ các Tông đồ và các Giáo phụ, và để hành động liên kết với những anh chị em ly khai hầu không cản trở nào được đặt ra trên những đường lối của Chúa Quan Phòng, và không một phán đoán tiên kiến nào làm hư hoại những khởi hứng tương lai của Thánh Thần.

    3. Sắc lệnh về các GH Công giáo Đông phương (Orientalium Ecclesiarum). Cuộc thảo luận bàn đến cấu trúc của GH; những quyền lợi và những đặc quyền của các Thượng tòa; những sự dữ của một sự latinh hóa cưỡng bức; sự quyết định về nghi thức của những anh chị em Đông Phương trở lại với GH Công giáo; sự tham gia của những người Công giáo Đông phương vào những buổi lễ tôn giáo của những người không phải Công giáo bên Đông phương và ngược lại (communicatio in sacris); và những hôn nhân giữa những người Công giáo Đông phương và những người không phải Công giáo. Sắc lệnh diễn tả sự kính trọng của GH Công giáo đối với những thể chế, những nghi thức phụng vụ, những truyền thống GH, và những tiêu chuẩn được thiết lập về đời sống Kitô hữu của những người Công giáo Đông phương.

     4. Sắc lệnh về Tác vụ và đời sống Linh mục (Presbyterorum Ordinis). Những điểm cốt yếu của cuộc thảo luận gồm: phẩm giá và sự tuyệt hảo của tư cách linh mục (priesthood); lối thiêng và sự thánh thiện của các linh mục; sự liên kết giữa đời sống thiêng liêng và tác vụ của họ; sự tham gia của họ vào tư cách linh mục của Đức Kitô; sự vâng phục và nghèo khó; tầm quan trọng của đời độc thân; đời sống chung; các hiệp hội linh mục; những tương quan của họ với các giám mục và giáo dân; một hội đồng tư vấn cho Giám mục; những quyền lợi của linh mục; những bổn phận của họ đối với những người không phải Công giáo; những việc tông đồ ngoài xứ đạo; huấn luyện giảng dạy; hoạt động tri thức của họ và nền giáo dục liên tục trong tác vụ; việc ban bí tích sám hối; chiều kích truyền giáo của tư cách linh mục; sự phân phối cân bằng các linh mục khắp thế giới; tiền thù lao và sự bình đẳng về tài chánh của các linh mục; việc bãi bỏ hệ thống tài sản (benefices) và những tước vị danh dự; và sự chăm sóc cho những linh mục ốm yếu, già cả và sa ngã. Lời nói đầu của sắc lệnh xác quyết rằng sắc lệnh áp dụng cho tất cả các linh mục.

     5. Sắc lệnh về Giáo dục cho đời linh mục (Optatam Totius). Những điểm thảo luận gồm: ý niệm về ơn gọi tới đời linh mục và những phương thế nuôi dưỡng nól bản chất và mục đích của tiểu chủng viện; thích ứng của kỷ luật chủng viện vào thời đại tân tiến và đời sống trong thế giới; sự hiệp nhất hữu cơ trong việc đào luyện thiêng liêng, tri thức, và mục vụ của các ứng sinh cho đời linh mục; sai phái họ từ những miền khác nhau của thế giới để học hành ở Âu châu; vai trò của kinh viện, cách riêng thuyết Toma, trong việc dạy triết học và thần học; cần những nhân đức tự nhiên, nhân bản nơi các ứng sinh; một thời kỳ thủ đắc kinh nghiệm sơ khởi trong tác vụ đó hay một sự tập tành mục vụ sau thụ phong; và cải cách của Bộ lo về các chủng viện.

    6. Sắc lệnh về canh tân đời tu (Perfectae Caritatis). Người ta thảo luận sự canh tân theo Tin mừng cũng như thái độ đối với những thực hành truyền thống; thần học về các lời khấn; vai trò của những người chiêm niệm; vai trò của việc tông đồ trong đời tu; thích nghi với những nhu cầu đương thời; linh đạo của đời tu sĩ hoạt động; và những hội nghị của các bề trên cả. Sắc lệnh xác định rằng sự canh tân được thích ứng bao gồm một cuộc trở về nguồn của đời sống Kitô hữu và tinh thần nguyên thủy của các tu hội và sự thích ứng của các tu hội đối với những điều kiện thay đổi và những nhu cầu của GH. Tự mình, đời tu là một bậc sống viên mãn và phải rất được kính trọng. Các lời khấn thanh khiết, nghèo khó và vâng phục được liên kết với sự hiến mình cho tình yêu và sự phục vụ TC và những công cuộc của việc tông đồ. Linh mục và những nhà giáo dục tôn giáo phải cổ xúy ơn gọi tu sĩ.

    7. Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của GH (Ad Gentes). Cuộc thảo luận của công đồng nhắm vào: thần học về truyền giáo; bản chất của ơn gọi truyền giáo; tính uyển chuyển và thích ứng vào những nền văn hóa khác với những tập tụng và giá trị riêng của chúng; tạo dựng một ủy ban truyền giáo trung ương; vai trò mới của Bộ Truyền bá Đức tin; lý lẽ cho hoạt động truyền giáo; cần truyền giáo vì phần rỗi của những người không phải Kitô hữu; liên kết hoạt động truyền giáo với đại kết; sự trải rộng của khu vực truyền giáo tới những lãnh thổ khác; tình trạng của "những GH mới"; địa vị của những giáo sĩ nullius; những liên hệ giữa các hội truyền giáo và quyền tài thẩm của giáo sĩ địa phương; huấn luyện tông đồ của các vị truyền giáo và những giáo lý viên; vay mượn các linh mục; những nhà truyền giáo giáo dân; sự hỗ trợ Truyền giáo; và việc sinh đôi hay kết đôi của một địa phận cổ xưa hơn với một quyền tài thẩm mới (juridiction).

    8. Sắc lệnh về tông đồ giáo dân (Apostolicam Actuositatem).Những điểm được thảo luận gồm: nền tảng tín lý của việc tông đồ này và những mục tiêu của nó; linh đạo giáo dân; đào luyện để họa động tông đồ; những liên hệ với phẩm trật; Công giáo Tiến hành; sáng kiến giáo dân và chủ nghĩa giáo sĩ; việc tông đồ của giới trẻ; hoạt động xã hội; sự cộng tác với những người ngoài Công giáo và ngoài Kitô giáo; và một văn phòg trong giáo triều Roma.

    9. Sắc lệnh về những phương tiện truyền thông xã hội (Inter Mirifica). Người ta thảo luận trách nhiệm của giáo dân trong lãnh vực này cũng như việc sử dụng phương tiện này để tin mừng hóa; cần trợ giúp cụ thể về nhân sự và trang bị trong những quốc gia truyền giáo; đào luyện ý kiến công chúng lành mạnh; thiết lập văn phòng đặc biệt trong Giáo triều Roma hay bành trướng ủy ban Giáo hoàng sẽ có; và, thiết lập một hãng thông tấn tin tức công giáo quốc tế. Công đồng xin Giáo hoàng trải rộng bổn phận và uy tín của văn phòng lo về giám thị những xuất bản và giải trí để ôm ấp mọi phương tiện, bao gồm in ấn, và để chỉ định cho nó những chuyên viên từ những quốc gia khác nhau, gồm cả giáo dân.

C. Tuyên ngôn

Công đồng đưa ra ba tuyên ngôn.

1. Tuyên ngôn về tự do tôn giáo (Dignitatis Humanae). Những điểm thảo luận gồm: những lý luận triết học và pháp lý và/hay tín lý và thần học; sự liên kết giữa tự do bên trong, cá nhân với tự do bên ngoài, xã hội; những giới hạn; sự phát triển giáo lý xưa hơn của GH, cách riêng giáo lý của những giáo hoàng trước; những hiệu quả trên các quốc gia công giáo và trên những khế ước; "những quyền sai lầm"; nguy hiểm của việc đưa ra lời bào chữa cho những chính phủ chống tôn giáo; tự do hay sự khoan thứ; quyền loan báo tin mừng hay của việc cải đạo; nguy hiểm của việc cổ xúy chủ nghĩa dửng dưng; quyền lợi của GH công gáo; và, ứng dụng cho những quốc gia chủ yếu không công giáo và những quốc gia dưới sự thống trị của cộng sản.

    Phần I của tuyên ngôn, "những nguyên tắc tổng quát của tự do tôn giáo" nói rằng nhân vị có một quyền đối với sự miễn áp chế về phía cá nhân, nhóm xã hội, hay bất kỳ quyền lực nhân loại nào. Chính phủ phải kính trọng và tán thưởng đời sống tôn giáo của người dân chứ không được ra lệnh hay ngăn cấm những hành vi tôn giáo; trong việc ngăn cản những lạm dụng, nó phải hành động theo những chuẩn mực pháp lý đối với việc gìn giữ trật tự công cộng. Phần II, "Tự do tôn giáo theo ánh sáng mạc khải" xác quyết rằng câu trả lời của nhân vị đối với TC trong đức tin phải tự do. GH phải hưởng được tự do và tự lập. Công đồng cáo giác và tiếc xót những chính sách đàn áp của một số chính phủ và nhấn mạnh tính tất yếu của tự do tôn giáo, vốn phải được cung cấp ở mọi nơi với sự bảo đảm của Hiến pháp một cách hiệu quả.

    2. Tuyên ngôn về thái độ của GH đối với các tôn giáo không phải Kitô giáo (Nostra Aetate). Thảo luận bao gồm: những động cơ tôn giáo, chứ không phải chính trị cho một lời công bố nhắm sự chống đối của Ả rập; gia sản tôn giáo chung của Kitô hữu và Do thái; tội ác tập thể của dân Do thái về cái chết của Đức Kitô (lời cáo tội về việc giết Chúa) mà ta thường vin vào; việc Thiên Chúa loại bỏ họ mà được ta vin vào; dự đoán về sự hoán cải sau cùng của họ về Kitô giáo; sự khẩn cấp của việc kết án chống Do thái; và những dây liên hệ với Hồi giáo và những tôn giáo thế giới khác. Tuyên ngôn xác quyết rằng tất cả các dân tộc có một cộng đoàn, nguồn cội và mục đích. Dân chúng hỏi những câu hỏi tôn giáo cơ bản. GH phàn nàn sự thù ghét và bách hại người Do thái và tất cả phô bày của chủ nghĩa chống Do thái và khiển trách bất kỳ sự phân biệt đối xử hay sự quấy rối nào dựa trên chủng tộc, mầu da, địa vị xã hội hay tôn giáo.

    3. Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo (Gravissimum Educationis). Cuộc thảo luận bao gồm: những mục tiêu; vai trò của gia đình, những bổn phận và giới hạn của nhà nước; cha mẹ có quyền lợi tự do chọn trường học; tự do trong các trường công giáo và tự do nghiên cứu, cách riêng trong khoa học thánh; những bổn phận của ủy ban hậu công đồng. Tuyên ngôn nhận biết tầm quan trọng của giáo dục; trẻ em có quyền được dạy dỗ về luân lý. GH buộc giáo dục con cái của mình, và GH dùng tất cả những trợ giúp thích hợp, chẳng hạn việc dạy giáo lý, nhưng cách riêng trường học. Trong các trường cao đẳng và đại học công giáo những môn học riêng phải được theo đuổi theo những nguyên lý và phương pháp của chúng và với sự tự do nghiên cứu, và phải có, nếu không phải là một phân khoa, ít nhất một viện hay một ghế của thần học với những khóa học cho sinh viên đời.

--------------------------------------------------------------

[GHI CHÚ: bài trình bày này đã được biên soạn do J. Kroeger; bài được lấy từ New Catholic Encyclopedia, Second Edition (2003) XIV: 407-418; reprint permission requested.]