Saturday, 04 April 2020 15:13

Ngày Khai Mạc Và Bế Mạc Công Đồng Vatican II - Những Cột Mốc Lịch Sử Featured

Tác giả CHRISTINE PEDOTTI

Hướng Phương chuyển ngữ

Trích từ cuốn La Bataille du Vatican, 1959-1965, của tác giả Christine Pedotti, Nhà xuất bản PLON, năm 2012.

 

Lời Tòa soạn :

Cách đây 50 năm, ngày 11-10-1962, Công đồng Vatican II đã khai mạc tại Rôma.

50 năm sau, Công đồng này vẫn còn là một niềm cảm hứng nhưng đồng thời cũng là một nỗi ám ảnh cho cả những ai muốn hay sợ việc Giáo hội phải mở ra với thế giới hôm nay như Vatican II chủ trương; cũng như nội dung của Công đồng vẫn còn là một kho tàng cần được tiếp tục đào sâu, khai thác.

Kỷ niệm nửa thế kỷ ngày khai mạc cuộc “cách mạng” trong Giáo hội Công giáo này, một cuốn sách dày 575 trang mang tựa đề : “Trận chiến Vatican – 1959-1965. Hậu trường của Công đồng đã thay đổi Giáo hội” (La bataille du Vatican – 1959-1965. Les coulisses du Concile qui a changé l’Église), của tác giả Christine Pedotti đã được Nhà xuất bản Plon (Pháp) xuất bản vào tháng 1 năm 2012. Tác giả đã dành ra hai năm để nghiên cứu lại tất cả các tài liệu liên quan đến Công đồng cũng như liên quan đến các Nghị phụ Công đồng từ 1959 là năm Đức Gioan XXIII tuyên bố triệu tập Công đồng Vatican II, cho đến năm 1962 là năm Đức Phaolô VI bế mạc Công đồng. Và “Để viết cuốn sách này, để nắm bắt được tính người của các vị giáo hoàng, các vị hồng y, các giám mục, các nhà thần học này, để hiểu được các ngài, tôi đã lượm lặt trong nguồn tư liệu có được tất cả những dấu vết về những cảm xúc, những trạng thái tâm hồn, những nghi ngại, những phấn khởi của các ngài. Trong mức độ có thể, khi các nguồn tài liệu là gián tiếp, tôi phải đối chiếu lại. Khi nguồn tài liệu là trực tiếp, như là các nhật ký riêng, các ghi chép cá nhân…, thì tôi đơn giản dõi theo dòng tư tưởng, luồng lý luận, đôi khi là lời cầu nguyện của các ngài. Tôi đã không “sáng tác” ra cái gì cả. Tôi chỉ tiến hành một cách chậm rãi việc tái hiện lại các sự kiện bằng cách đắm mình vào trong các tài liệu và, từng chút một, mọi việc và mọi người đã hiện lên một cách sống động.” (trích “Dẫn nhập” của tác giả, trang 13).




11-10-1962 : VATICAN II ĐÃ KHAI MẠC, MỘT SỰ KIỆN LỊCH SỬ



[…]

Linh mục Henri de Lubac – Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma – Ngày 11-10-1962

Vào buổi sáng ngày 11-10 này, Kinh thành Ánh sáng Rôma thức dậy xám xịt dưới cơn mưa phùn. Lúc 7 giờ 15, cha Lubac cùng với cha Daniélou đi qua Cánh cửa Đồng. Trên quãng đường đi bộ này (hai người ở cách đó không xa), cha Daniélou nhắc cho cha Lubac nhớ là Công đồng Vatican I đã kết thúc dưới một cơn bão lớn. Những ai đã nghĩ rằng việc tuyên bố quyền vô ngộ của Đức Giáo hoàng không phải là một việc hợp thời có thể coi cơn bão đó như một dấu chỉ khá ảm đạm cho tương lai của Giáo hội. Và nếu cứ tiếp tục căn cứ vào màu sắc của thời tiết mà xem xét, thì Công đồng Vatican II đã báo trước cho thấy cũng sẽ tẻ nhạt và vô vị như là những văn bản đã được chuẩn bị sẵn. Nhưng cha Lubac không phải là người đánh giá một sự kiện qua những dấu chỉ thời tiết, đàng khác chẳng có gì phải nghi ngờ là thời tiết sẽ nhanh chóng tốt lên. Đó là một tin vui cho hàng ngàn giám mục đang sắp đi thành đoàn rước tiến về Đền thờ Thánh Phêrô, với phẩm phục phụng vụ đại trào và đầu đội mũ chóp.

Từ sáng sớm, cha Henri de Lubac có quyền vào trong Đền thờ nhờ chức vụ chính thức của ngài là chuyên viên thần học (peritus : tiếng latinh; peritus, số ít, periti, số nhiều; dùng để chỉ các chuyên viên thần học hoặc do Đức giáo hoàng chỉ định – periti conciliaires -, hoặc do các giám mục đưa đi theo – periti privés – chú thích của tác giả). Sau khi đã là cố vấn trong ủy ban chuẩn bị về thần học, tuy không mấy khi được tham khảo, lúc này ngài là một trong số 240 thần học gia do Đức Giáo hoàng bổ nhiệm để phục vụ cho các Nghị phụ Công đồng. Ngài muốn tin rằng thực tế của cuộc họp công đồng giúp cho các giám mục nắm trong tay các vấn đề và giải quyết các vấn đề đó để làm cho Giáo hội thực sự loan báo mầu nhiệm đức tin. Kinh nghiệm mà ngài vừa trải qua, trong đó nếu không phải là tham gia thì ít ra ngài cũng đã có dự phần vào tiến trình chuẩn bị, đã làm ngài xác tín về tính chất hoàn toàn cứng nhắc của nền thần học như người ta quan niệm về nó ở Rôma. Nền thần học này về thực chất chỉ là một thứ “bệnh nói suông”. Mối quan tâm chính của các nhà thần học Rôma tập trung vào việc cai quản Giáo hội. Hệ thống của họ là một sự tự biện minh của bậc làm thầy. Họ bảo vệ cơ cấu phẩm trật của Giáo hội để bảo vệ cái quyền hành của họ có được nhân danh quyền tối thượng hoàn toàn và tuyệt đối của người kế vị Thánh Phêrô, dựa trên câu “Tu es Petrus” được viết trang trí trên vòm Đền thờ (Tu es Petrus : Con là Đá, là câu Chúa Giêsu nói với Tông đồ Phêrô : “Con là Đá và trên đá này Ta sẽ xây Giáo hội của Ta” là cơ sở của quyền hành của Đức Giáo hoàng, người kế vị Thánh Phêrô - chú thích của tác giả). Ngoài mối liên hệ này với Kinh Thánh – chỉ vỏn vẹn ba chữ -, thì nền thần học của họ chỉ có tính chất tự biện […].

Nền thần học của họ được treo lơ lửng trong không trung. Nếu có ai gợi ý với họ là phải đứng trên mặt đất thì họ trả lời là những việc của thế gian thì thuộc về lãnh vực “mục vụ”. Vì thế nếu muốn công đồng này phục vụ được cho chuyện gì, thì phải hy vọng là các giám mục đưa các lược đồ làm việc về lại trên mặt đất. Và vì Đức Thánh Cha đã tin tưởng linh mục Henri de Lubac khi chỉ định ngài làm chuyên viên công đồng, thì tùy vào khả năng có thể của mình, ngài sẽ hết lòng phục vụ các giám mục. Hơn nữa, luật lệ cũng nói rõ : “Các chuyên viên thần học của công đồng được hiện diện trong những trong những phiên họp khoáng đại và chỉ được phát biểu khi được hỏi. Theo chỉ định của các Chủ tịch các Ban, và tùy theo nội dung được thảo luận, các chuyên viên thần học của công đồng có nhiệm vụ phục vụ hết khả năng cho bất cứ Ban nào, bằng cách làm việc với thành viên các Ban về các lược đồ đang được xem xét và về các báo cáo đang được soạn thảo.”

Thực tế, có nhiều giám mục đến dự công đồng với một chuyên viên thần học “riêng”, nhưng quy chế “chuyên viên thần học của công đồng” buộc các nhà thần học phải phục vụ toàn thể đại hội đồng. Và với danh hiệu này, họ được tham dự toàn bộ các phiên họp khoáng đại của công đồng.

- Chỗ của cha ở đây. – Vị tu sĩ trẻ mặc  áo choàng đỏ vừa mới dẫn các chuyên viên thần học đến chân cầu thang các đài có những chỗ ngồi dành riêng, hướng dẫn.

Như thế đây là đài quan sát của các chuyên viên. Được xếp phía trên, chỗ của các chuyên viên nhô cao trên các dãy ghế của các Nghị phụ công đồng. Lúc này các hàng ghế còn trống.

Đền thờ Thánh Phêrô của Rôma có một hình dạng vĩ đại, lại vừa có nét rất vua chúa và đậm kiểu kiến trúc ba-rốc, tóm lại, rất là Rôma.

Lúc 8 giờ 30, những chiếc mũ gàu đầu tiên bắt đầu xuất hiện. Các giám mục mặc phẩm phục toàn màu vàng và trắng, nổi bật trên nền đỏ của những tấm màn, tạo nên một cảm giác hoàn hảo và… vô tận. Các ca đoàn của Điện Sixtine bắt đầu đồng loạt cất tiếng hát. Cùng lúc là Credo, Benedictus, Adoro Te, Salve Regina…, trong một sự hỗn độn. Việc hát lúc này chỉ có tính chất trang trí, như các tấm thảm nhung, các cờ phướn. Tất cả đó chẳng có vẻ gì là cổ vũ bầu khí cầu nguyện, ít nhất là cầu nguyện chung. Người ta đang chờ đợi đoàn các hồng y và Đức Giáo hoàng…
 
Hồng y Léon- Joseph Suenens – Phòng Áo lễ, Đền thờ Thánh Phêrô – Ngày 11-10-1962

Vào buổi sáng ngày 11-10 ấy, hồng y đoàn có mặt đầy đủ hoàn toàn, 80 vị mặc phẩm phục đỏ, chen chúc nhau trong Phòng Áo lễ, một căn phòng mà bình thường thì chỉ chứa được tối đa vài ba chục người. Bằng chứng là trong phòng chỉ có 30 cái ghế.

Các vị lịch sự nhường nhau. Đức Hồng y Siri, Giáo phận Gênes, nhường chỗ cho Đức Hồng y Lercaro, Giáo phận Bologne,  lớn hơn mình 15 tuổi. Nhân viên phụ trách căn phòng chạy quanh tìm thêm ghế. Tất cả đó diễn ra trong tiếng xột xoạt của vải lụa lấp lánh vân của những bộ áo lễ đỏ thắm. Các “hoàng tử của Giáo hội” này, như báo chí thường gọi, đang chuẩn bị bước vào Đền thờ Thánh Phêrô và bao quanh Đức Giáo hoàng trong nghi lễ khai mạc trọng thể Công đồng Vatican II.

Đức Léon-Joseph Suenens, Tổng giám mục Giáo phận Bruxelles-Malines, là một trong “mười người sau rốt” trong số các hồng y, bởi vì ngài chỉ mới được phong chức này từ ba tháng nay. Tuy vậy Rôma không phải là xa lạ đối với ngài. Hai năm gần đây, ngài đã làm việc tại Ủy ban chuẩn bị trung ương, một vị trí đưa ngài đến Vatican nhiều lần. Mùa hè vừa qua, ngài còn quay lại Castel Gandolfo, lâu đài nghỉ hè của giáo hoàng, theo lời mời của Đức Gioan XXIII. Từ hồi mùa xuân, ngài đã chia sẻ với Đức Thánh Cha những lo âu của mình. Và vào mùa hè này, ngài đã đề nghị một kế hoạch làm việc cho công đồng. Ý kiến của ngài, đó là chủ đề trung tâm của công đồng phải là Giáo hội. Phải quay trở lại với lý do tồn tại của Giáo hội như là khi Đức Kitô xây dựng lên Giáo hội, nghĩa là một Giáo hội được định hướng bởi tinh thần thừa sai. Và để có thể chu toàn sứ vụ này, Giáo hội vừa phải tự định nghĩa lại chính mình (ad intra), phải xác định ai là thành viên của mình, mình hoạt động như thế nào, phải tự thâm tín về nền tảng của chính mình, về niềm tin mà Giáo hội tin theo và làm chứng. Đồng thời Giáo hội cũng phải tự xác định mối tương quan với bên ngoài (ad extra), với thế giới, với con người thời nay, và Giáo hội phải tìm những ngôn ngữ và những phương tiện để loan báo cho họ Tin Mừng trong thế giới hiện tại, một thế giới đang mang dấu ấn của chủ nghĩa cộng sản, của chủ nghĩa duy vật vô thần, của cuộc đối đầu Đông-Tây, của mối đe dọa hạt nhân, của sự xuất hiện ồ ạt các quốc gia non trẻ của thế giới thứ ba trên sân khấu quốc tế, của vấn đề phát triển và những vấn đề về nạn đói, về tình trạng nghèo khổ.

Dĩ nhiên, để trực diện với những thách đố mới này, Giáo hội phải có một tầm nhìn năng động, khác xa với chủ nghĩa duy luật đã ăn sâu trong nếp nghĩ của Giáo hội từ hơn một thế kỷ qua và còn được lập lại trong thập niên vừa qua. Trong những lần lưu lại Rôma gần đây, Đức Hồng y Léon-Joseph Suenens đã đo lường được mức độ những con người của Giáo triều và những nhà thần học Rôma đã tạo nên một thế giới thần học bé nhỏ chỉ dán mắt về quá khứ. Họ than thở về điều mà họ gọi là “sự bội giáo của các quốc gia”, là tính thế tục chống lại nước Chúa, là các thứ nhân quyền đi ngược lại quyền của Chúa…

Nhưng cuộc sống của thế giới, đó là những đám đông đàn ông, đàn bà sống khắp nơi trong các thành phố công nghiệp lớn chẳng biết gì về Đức Kitô. Đó là hàng triệu con người sống dưới chủ nghĩa cộng sản, đó là những niềm hy vọng nẩy sinh từ các dân tộc đang phát triển. Lời than thở của Đức Kitô vang lên không ngừng : “Chúng như những đàn chiên không có người  chăn.” Những con người này cần những mục tử nhân lành, theo hình ảnh của Vị Mục tử Duy nhất, và dẫn dắt họ đến những đồng cỏ xanh tươi bằng những đường chính nẻo ngay. Không có ai có quyền khóa nhốt họ trong chuồng chiên. Đức Thánh Cha có một ý tưởng cao cả về vai trò mục tử của mình, một mục tử nhân lành. Đó là sứ vụ mà Thánh Phêrô đã nhận từ Đức Giêsu : “Hãy chăn các con chiên của Ta.” Đức Giáo hoàng Gioan muốn rằng các con chiên nghe tiếng mục tử, nhận biết và đi theo mục tử. Ngài không muốn là một mục tử chăn chiên của mình bằng gậy gộc và xua chó hành hạ những con chiên lạc.

Vậy thì công đồng của Giáo hội công giáo có sẽ là tiếng gọi của Vị Mục tử Nhân lành ? Và thế giới, nhờ vào các phương tiện truyền thông hiện đại, đang hướng mắt về Rôma, hiểu về sự kiện này như thế nào ? Có lẽ chẳng cần phải tổ chức các đoàn giám mục và hồng y diễu hành như sáng nay. Các cuộc diễu hành đã có khá nhiều ở Matxcơva hay ở Bắc Kinh, cũng đã có đủ trong những năm chiến tranh khủng khiếp mà châu Âu và thế giới vừa mới trải qua. Giáo hội phải mang một tiếng nói hy vọng cho thời đại này, phải là một dấu chỉ của hòa bình, và là một đòi hỏi cho công bằng, một lời kêu gọi tình huynh đệ hoàn vũ và sự hiệp nhất của nhân loại.

Mùa hè đó, tại lâu đài Castel Gandolfo, ngài nhận ra là Đức Giáo hoàng hoàn toàn đồng ý với cách nhìn của ngài. Ngài còn nhận ra điều này qua những điểm nhấn trong bài diễn văn truyền thanh ngày 11-9. Đức Thánh Cha nói : “Ánh sáng của Đức Kitô là ánh sáng của Giáo hội và ánh sáng của các dân tộc. Chính trong những gì Giáo hội phục vụ con người là Giáo hội phục vụ Thiên Chúa.”

Liệu đại hội đồng các giám mục có tận dụng được cơ hội mà Đức Giáo hoàng tạo nên cho các ngài ? Nếu tin vào các tiếng dội khác nhau về vấn đề này, thì đang có một tình cảm bất bình ít nhiều được biểu lộ đối với những văn bản chuẩn bị cho Công đồng. Các giám mục Đức xem ra cương quyết từ chối các văn bản này một cách dứt khoát. Người ta còn nói là nhà thần học lớn Karl Rahner đã chấp nhận, theo yêu cầu của các giám mục, việc viết một bản dự thảo mới cho văn kiện về Giáo hội. Các giám mục Hà Lan cũng rất ngập ngừng. Nhà thần học Hà Lan Edward Schillebeeckx đã viết một lời bình mang tính phê phán nặng nề sau khi đọc các văn bản chuẩn bị. Về phía các giám mục Pháp, cũng đã có những tiếng nói mạnh mẽ. Nhưng tất cả đó không tạo ra một tiếng nói đa số, và còn lâu mới đạt đến đa số. Phải biết đến sức nặng của các giám mục Ý, mà tất cả vốn ngả theo lập trường của Giáo triều. Ngoại trừ Đức Montini của Milan, và Đức Lercaro của Bologne… Nhưng chừng đó cũng chưa đủ để lật ngược thế cờ.

Một vài giám mục Pháp đã đưa ra ý kiến là Công đồng nên bắt đầu bằng việc ngỏ lời với thế giới. Linh mục dòng Đa Minh Marie-Dominique Chenu đã soạn thảo một văn bản khởi đầu, Linh mục Yves Congar ủng hộ việc này và đã đề nghị với vài giám mục để tiến hành vụ việc. Đức Hồng y Liénart, Giáo phận Lille đã chấp nhận, cũng như Đức Dopfner của Munich, và Đức Alfrink của Utrecht. Bản thân Đức Suenens cũng đồng ý. Trước đó, ngài đã nghe hai Đức Hồng y Frings và Dopfner bàn bạc với nhau về việc này. Đức Hồng y Confalonieri, người của Giáo triều, hình như cũng ủng hộ việc này, và đây quả là một ngạc nhiên tốt.

Đức Hồng y Léon-Joseph Suenens cố gắng cầm lòng cầm trí để cầu nguyện mặc cho tiếng ồn ào chung quanh. Ngài phó thác mình cho Đức Trinh nữ Maria. Còn có thể cầu nguyện với ai hay hơn là với Đấng đã đón nhận Thánh Thần để cầu cho Thần Khí Chúa đến với công đồng và để cho Tin Mừng lại được rao giảng cho thế giới ?

Nhưng rồi ngài nhanh chóng bị kéo ra khỏi sự chiêm niệm. Đức Thánh Cha đến, mọi người xô nhau đứng lên. Đức Hồng y quan sát sự trầm tĩnh của Đức Giáo hoàng khi người ta mặc áo lễ cho ngài. Nét mặt ngài nghiêm trang nhưng không biểu lộ một dấu hiệu âu lo nào. Ngài có vẻ như rất nắm vững sự kiện sắp diễn ra. Nhìn ngài cũng đủ để cho sự trông cậy của ngài lan tỏa đến mình. Sau khi dừng một lúc ở nguyện đường Pauline để hát bài Ave Maris Stella, dưới ánh mắt của Thánh Phêrô và Phaolô, vốn rất sinh động dưới nét vẽ của Michel-Ange, đoàn rước chuyển động chầm chậm về hướng Đền thờ, nơi 2.500 giám mục, quan sát viên, thần học gia và khách mời quan trọng đã tề tựu. Cơn mưa buổi sáng sớm đã dứt. Nắng mai đổ tràn trên quãng trường Thánh Phêrô, và những luồng ánh sáng bừng lên trong Đền thờ […].



 
Đi trước Đức Giáo hoàng, đoàn các hồng y bước vào Đền thờ đã đầy ắp người. Cả một rừng mũ gàu trắng đang đồng loạt nghiêng xuống chờ đợi vị giáo chủ đang là người cuối cùng của đoàn rước tiến vào Đền thờ, quả là một hình ảnh vừa ấn tượng vừa ngoạn mục.

Đức Thánh Cha bước lên bàn thờ, quỳ gối và cất tiếng hát bài “Cầu xin Chúa Thánh Thần”. Các ca đoàn của nguyện đường Sixtine hòa giọng theo. Và Đức Hồng y Tisserant, với tư cách là niên trưởng Hồng y đoàn, đã cử hành thánh lễ kính Chúa Thánh Thần.

Tiếp đó, sách Phúc Âm được mang đến. Đức Giuseppe Siri được phân công cầu nguyện để xin cho sự hiện diện của Lời Chúa giữa đại hội đồng công đồng giúp cho mỗi người trong bổn phận hàng đầu của mình, bổn phận phục vụ Chúa. Non nobis domine, đó là câu khẩu hiệu, “Lạy Chúa, không vì vinh quang của chúng con, mà vì vinh quang của Danh Chúa”.

Đức Giáo hoàng, một mình, quỳ gối đọc lời tuyên xưng đức tin, có Đức Giám mục Felici, giọng lạc đi vì xúc động, lập lại các lời tuyên xưng thay mặt cho toàn thể các Nghị phụ công đồng. Sau đó là nghi thức vâng phục, lần lượt các hồng y đến quỳ gối và hôn tay Đức Thánh Cha. Một số giám mục và tổng giám mục cũng được chọn để thay mặt các đồng sự lên hôn đầu gối Đức Giáo hoàng. Và, để kết thúc, bề trên các dòng tu lớn lên hôn chân ngài.


 
Cuối cùng Đức Giáo hoàng đã đọc một diễn văn khá dài bằng tiếng la tinh; Đức Hồng y Siri đã thú nhận là ngài không hiểu hết được nội dung bài diễn văn. Đã một giờ trưa, cuộc lễ đã kéo dài tới 5 giờ đồng hồ […].
 
Đức Hồng y Achille Liénart – Đền thờ Thánh Phêrô – ngày 13-10-1962

Bước xuống từ những chiếc xe ca to nối đuôi nhau thành hàng dài, các Nghị phụ công đồng hối hả nấp vào dưới những hàng cột của kiến trúc sư Bernin ở Quảng trường Thánh Phêrô. Hai ngày trước đây, các ngài đã tham dự lễ khai mạc công đồng do Đức Giáo hoàng chủ sự với phẩm phục đại trào, đầu đội mũ gầu. Hôm nay, dưới cơn mưa to, các ngài chỉ mặc áo chùng đơn sơ, khoác thêm chiếc áo trắng rộng tay dài tới đầu gối, cùng miếng vải choàng màu tím cho các giám mục, đỏ cho các hồng y, còn các bề trên dòng thì đen, trắng hay xám tùy theo dòng. Đây là phiên họp “thực sự” đầu tiên của công đồng.

Và giống như mọi buổi sáng của Công đồng, đúng 9 giờ, các Nghị phụ bắt đầu bằng thánh lễ […] Sáng hôm nay, thánh lễ do Đức Giám mục Florit, Tổng giám mục giáo phận Florence, chủ tế. Và thêm một lần nữa, các nghị phụ chọn lễ kính Chúa Thánh Thần, nhưng là một thánh lễ được cử hành theo nghi thức đối đáp bình thường […].


 
Trên bàn chủ tọa, Đức Hồng y Achille ngồi giữa 10 Hồng y của Chủ tịch đoàn của Công đồng. Cũng nên kể ra đây danh sách các hồng y để thấy tính chất quốc tế của Đoàn Chủ tịch : Eugène Tisserant, gốc Pháp, niên trưởng Hồng y đoàn, nổi bật với bộ râu rậm; Gabriel Tappouni, Thượng phụ của Antioche; Norman Gilroy, của Sydney; Francis Spellman, của New York; Enrique Pla y Deniel, của Tolède; Ernesto Ruffini, của Palerme; Antonio Caggiano, của Buenos Aires; Joseph Frings, của Cologne; và cuối cùng, vị trẻ nhất, là Bernard Alfrink, của Utrecht, 62 tuổi. Trong buổi sáng đầu tiên này, theo thứ tự, chắc chắn Đức Hồng y Tisserant sẽ điều khiển phiên họp.

Trước khi bước vào phần thảo luận các văn kiện, đại hội đồng Công đồng phải làm một số thủ tục mà bắt đầu là chọn ra các đại diện cho các ban chuyên môn chính có nhiệm vụ xem lại và sửa chữa các văn kiện theo ý muốn của các Nghị phụ. Thực tế, tất cả các Nghị phụ có thể có ý kiến công khai về các văn kiện đã được soạn thảo, và căn cứ trên các ý kiến đó, các ban chuyên môn có nhiệm vụ ghi nhận các ý kiến này và đưa vào các văn kiện để các văn kiện này có thể được thông qua trong các phiên họp khoáng đại bằng các lá phiếu của các Nghị phụ với đa số quá 2/3.

Đức Hồng y Tisserant đã nhường lời cho Đức Giám mục Felici, Tổng thư ký của Công đồng, hướng dẫn cho các giám mục phải điền vào các mẫu phiếu đề cử đã được phát cho các ngài. Vì có tới 10 ban, nên các ngài phải điền 10 danh sách đề cử, mỗi danh sách 16 tên. Đức Felici cũng nói rõ là số lượng đầy đủ của mỗi ban là 24 thành viên, nhưng các giám mục chỉ đề cử 16 người thôi, số 8 thành viên còn lại cho mỗi ban sẽ do Đức Giáo hoàng chỉ định.

Trên bàn chủ tọa, Đức Achille Liénart biết rằng, đối với ngài, thời điểm đã đến. Ngài nghiêng người về phía Đức Hồng y Tisserant phía bên trái để xin phép phát biểu. Đức Tisserant lắc đầu : phải để các giám mục bỏ phiếu một cách yên tĩnh, đây không phải là lúc quấy rầy họ. Quả thực, nhiều giám mục đã cắm cúi vào các phiếu đề cử như những học sinh ngoan ngoãn. Để giúp các ngài chọn lựa, các ngài được cung cấp cuốn niên giám đầy đủ và mới nhất về tất cả các giám mục và bề trên dòng hiện diện tại Công đồng, và danh sách, theo từng ban, của những vị đã tham gia vào các công việc chuẩn bị Công đồng. Đức Hồng y Liénart lại ra dấu, và người ngồi cạnh bên trái vẫn ra dấu không đồng ý. Vị hồng y người Pháp vò tấm giấy trên đó ngài đã ghi lại văn bản bằng tiếng la tinh mà Đức Giám mục Garrone, vị Tổng giám mục trẻ của Toulouse, và Đức Giám mục Ancel, giám mục phụ tá Lyon, cả hai đều giỏi tiếng la tinh hơn ngài, đã soạn ra. Sáng nay, trên chiếc xe con (đây là một đặc ân của các hồng y, trong khi các giám mục thì được đưa đón bằng xe buýt), ngài còn nhẩm lui nhẩm tới. Bây giờ thì ngài không cần phải nhẩm nữa, ngài đã thuộc nằm lòng. Thế thì, phải xông lên thôi ! Ngài đứng dậy, cầm lấy chiếc micro đang để trước mặt và, bằng một giọng sang sảng vang dội trong bầu khí yên lặng như trong lớp học của Đền thờ, ngài nói rằng, theo ngài, lúc này có lẽ còn quá sớm để tiến hành bầu cử các thành viên của các ban. Các giám mục mới đến Rôma có ba ngày, phải có thời gian cho các ngài hiểu biết nhau. Đây là một việc quan trọng, vì thế cần có thời gian để tìm hiểu. Ngài nói thêm là bản thân ngài cũng chưa có thời gian để thu thập thông tin cho mình, và nên để ra ba, bốn ngày để làm việc này. Trong đại hội trường, các giám mục đã ngửng đầu lên. Rồi các ngài quay sang nhau. Và tiếng vỗ tay nổ ra, lúc đầu còn rời rạc, ngập ngừng, rồi càng lúc càng nhiều, dứt khoát. Đức Liénart lên tiếng tiếp. Ngài đề nghị là mỗi hội đồng giám mục làm ra một danh sách để đưa cho các hội đồng giám mục khác, và như thế mọi người có thời gian để gặp gỡ nhau, hiểu biết nhau, tin cậy nhau, giữa các giám mục cùng một quốc gia, cũng như giữa các giám mục trên toàn thế giới. Ngài ngồi xuống giữa tiếng vỗ tay như sấm rền. Đức Hồng y Frings, trên bàn chủ tọa, cũng đứng lên. Cầm lấy chiếc micro để bên cạnh, ngài tuyên bố đồng ý với đề nghị của Đức Liénart, và cho biết các Đức Hồng y Dopfner và Konig cũng đồng ý như vậy. Ngài cũng được vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Đến đây thì các giám mục đã bỏ giấy bút xuống và im lặng chờ đợi. Trên bàn chủ tọa, các hồng y quay sang nhau hội ý. Và thời gian chờ đợi không dài quá ít phút. Các hồng y ra dấu cho Đức Giám mục Felici lên tiếng và ngài đã tuyên bố là đề nghị được chấp thuận. Phiên họp bầu cử các ban sẽ diễn ra vào ngày 16-10. Và ngài cũng tranh thủ để xác định là các hồng y cũng có thể được bầu vào các ban.

10 giờ sáng, dưới những cặp mắt sửng sốt của hơn một ngàn nhà báo đang chờ ở Quãng trường Thánh Phêrô để được Đức Thánh Cha tiếp kiến, các giám mục bước ra khỏi Đền thờ sớm hơn khoảng hai tiếng rưỡi theo dự định. Các ngài đang trong tình trạng hồ hởi mạnh mẽ. Đó là ngạc nhiên to lớn mà công đồng, mà nhiều người đã lo sợ là sẽ như một thứ nghi lễ soạn sẵn và là một nơi phát ra những ghi âm các văn kiện do các cơ quan ở Rôma soạn ra, đã làm được ngay từ giờ phút đầu tiên.

Các nhà báo đã không bỏ qua một sự kiện bất ngờ như thế này, và trong tâm trạng hồ hởi của nhiều Nghị phụ, mặc dù có nguyên tắc chung cho các giám mục là phải giữ “bí mật” những gì diễn ra bên trong Công đồng, các nhà báo cũng không khó khăn gì mấy trong việc tái hiện lại các sự kiện. Đàng khác, truyền hình đã ghi lại những hình ảnh không có âm thanh về phiên họp, tuy là phim câm nhưng lại rất có tính thuyết phục. Đặc biệt người xem thấy ở đó vẻ bực tức và cử chỉ giận dữ của Đức Hồng y Ottaviani.

Trước Đền thờ, trong khi chờ xe buýt đến đón, một nhóm giám mục Pháp bao quanh và chúc mừng Đức Hồng y Liénart. Việc biểu lộ niềm vui có hơi hướm quốc gia này không thoát được sự chú ý của Đức Cha Balic; với một âm điệu nửa Ý, nửa Croatia, ngài đã phán một câu mỉa mai với nhóm giáo sĩ người Pháp : “Ah, Allons enfants de la patrie, le jour de gloire est arrivé !” (nhại lại lời bài quốc ca của Pháp – Hãy tiến lên những người con của tổ quốc, ngày vinh quang đã đến !).

Trong số các giám mục Pháp, có một người yên lặng tận hưởng không phải là vinh quang của mình mà là chiến thắng “của mình”. Đức Giám mục Garrone, Tổng giám mục Toulouse, đã không phí thời gian vào mùa hè vừa qua khi nghiên cứu kỹ luật lệ của Công đồng. Từ sớm, ngài đã nhận ra rằng việc bầu chọn thành viên của các ban của công đồng có thể là một trong những thời điểm chiến lược để làm cho đại hội đồng công đồng thoát khỏi ảnh hưởng của Giáo triều Rôma. Rõ ràng là mọi việc đã được thực hiện để các Nghị phụ công đồng giữ lại các ban chuẩn bị công đồng. Chỉ cần nhìn vào các phương tiện đã được phân phát cho các Nghị phụ : tiêu biểu là khuôn khổ và hình thức các phiếu bầu và khuôn khổ, hình thức các danh sách các thành viên của các ban chuẩn bị Công đồng là giống nhau. Thông điệp ở đây là rõ ràng : quý vị chỉ cần chép lại thôi. Nhưng phát biểu của Đức Hồng y Liénart làm cho các giám mục suy nghĩ và đề cử với các giám mục khác danh sách những người mà mình đặt tin tưởng vào. 160 thành viên được chọn ra theo cách đó (16 thành viên cho mỗi ban, và có cả thảy 10 ban) có thể thực sự là những người năng nổ nhất trong công việc của công đồng. Cũng là bình thường khi tính chất đa dạng của đại hội đồng công đồng được thể hiện qua các ban này.
 
 
 
8-12-1965 : CÔNG ĐNG VATICAN II B MC, DẤU ẤN LỊCH SỬ KHÔNG DỪNG LẠI

 
Hội trường Công đồng – Ngày 7-12-1965

Sáng hôm ấy, khi bước vào Đền thờ Thánh Phêrô, các nghị phụ có cảm giác lẫn lộn giữa nhẹ nhõm, vui mừng, và có cả nhớ nhung.  Nhiều vị đưa mắt nhìn cái khung cảnh đã trở nên quen thuộc và, khi hạ chiếc ghế nhung mà các vị đã ngồi biết bao buổi sáng từ ba năm nay, trong suốt bốn khóa họp, đã có một cử chỉ âu yếm như vuốt ve một con thú nuôi già nua và trung thành trong nhà. Đó là lần thứ 169 mà các nghị phụ tụ họp lại dưới những mái trần vòm của Đền thờ, các ngài đã làm việc 520 giờ đồng hồ, đã nghe hơn 1.500 phát biểu. Cái bàn quỳ xếp dưới chân đã nâng đỡ đầu gối của các ngài biết bao lần, khi các ngài quỳ khẩn cầu Chúa gởi Thần Khí Chúa xuống trên công đồng để xua tan những yếu đuối con người, hỗ trợ cho trí thông minh, uốn nắn những xơ cứng của các ngài.


 
Nơi đây, trong khung cảnh hoành tráng này, đã diễn ra một cuộc phiêu lưu vĩ đại của con người, vừa về trí thức, vừa về đạo đức. Đôi khi, các ngài bị bối rối, vị sốc, bị làm phiền. Các ngài đã trải qua sự giận dữ và niềm vui, và, cũng phải thú nhận, cả phiền nhiễu. Và sáng hôm nay sẽ là lần cuối cùng… Ai có thể  tránh được việc thả hồn mơ màng một lúc trước khi hoàn toàn bị cuốn theo một hành động của ân sủng vì những gì đã được thực hiện… đôi khi trong đau đớn, nhưng đã đến nơi đến chốn, và sắp hoàn tất ?

Tổng cộng, 16 văn kiện đã được hoàn chỉnh. Hai trong khóa họp đầu tiên, ba trong khóa họp thứ ba, và 11 trong khóa họp cuối này.

Người ta đã làm việc này trong nhiều lần. Năm văn kiện đã được ban hành ngày 28-10. Ngày 18-11, hai văn kiện mới đã được dứt khoát thông qua và được Đức Giáo hoàng công bố. Đó là Hiến chế Dei Verbum, về vấn đề Mạc khải, một văn kiện đã gây nhiều bất đồng trong khóa họp thứ nhất nhưng cuối cùng đã có được sự đồng thuận của tất cả mọi người, hay gần như thế, và Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem về tông đồ giáo dân; đây thực sự là việc khai sinh ơn gọi của người giáo dân và về trách nhiệm của họ trong Giáo hội. Bốn văn kiện cuối cùng phải chờ cho đến phiên họp cuối cùng, tức là chính vào ngày hôm nay.

Để đi đến kết quả này, các máy kiểm phiếu đã chạy hơn 500 lần, trong số đó một nửa là trong khóa họp cuối cùng.

Nếu tất cả các Nghị phụ và tất cả các chuyên viên có được những con số này trong đầu, thì các ngài có thể hiểu được tại sao, về mặt tình cảm, cái cảm giác mạnh nhất nơi các ngài là một sự mệt mỏi to lớn.

Đối với nhiều người, đó là một sự mệt mỏi hạnh phúc, một thứ mệt mỏi có được khi, với tư cách là một người thợ giỏi và trung tín, nhìn lại tác phẩm của đôi tay mình. Tuy nhiên, đối với một số người, sự mệt mỏi này trở nên như một sự kiệt lực thực sự. Đó là trường hợp, trong nhiều trường hợp khác, của Đức Hồng y Lercaro, người vừa phải trải qua những cơn khó chịu kéo dài, và của Đức Giám mục Guano, đến nay vẫn còn phải nghỉ dưỡng sức. Còn đối với các chuyên viên, những “thợ hầm lò” của công đồng, những con người đã phải xử lý và giải mã hàng chục ngàn trang bản sửa đổi văn kiện phần lớn viết bằng tay, những người đã chọn lựa, cắt xén, ráp nối, và đã được biết đến như những con ong dũng cảm  cần mẫn hút mật, chính trong số họ mà đã nổi lên những anh hùng trong bóng tối, trong đó một số người thực sự đi đến mức tử đạo. Chẳng hạn, Đức Giám mục Philips đã quay về nhà ở Bỉ để nghỉ ngơi hơn cả tháng vì bị một cơn đau tim; còn đối với Yves Congar thì ngày càng yếu sức.

Tất cả các giám mục, các hồng y bây giờ đã vào chỗ ngồi, cũng như tất cả các chuyên viên, các quan sát viên, các giáo dân dự thính viên, và cả rất đông nhà ngoại giao và nhiều nhân vật khác đã có được một giấy phép tham dự phiên họp cuối cùng này. Có thể nói là Đền thờ đầy ắp người như muốn vỡ tung ra và trên các bục ghế, người ta không có khoảng trống để thở.

Lúc 9 giờ, Đức Giáo hoàng bước vào, theo sau có 24 vị đồng tế. Như mỗi buổi sáng, sách Tin Mừng được rước vào, như một dấu hiệu cho thấy là Giáo hội đang sống sung mãn, như Hiến chế Dei Verbum đã đổi mới xác tín về điều này, “dưới Lời của Chúa”.


 

Lần cuối cùng, người ta hát bài Adsumus vốn được cất lên đều đặc hằng ngày trước khi các Nghị phụ bắt đầu làm việc, rồi tiếp đó là kinh Veni Creator, lời cầu khẩn tha thiết xin Chúa Thánh Thần ngự đến.

Thế là, cùng với Thần Khí Chúa, bây giờ mọi người đã có mặt ở đây, Đức Hồng y Pericle Felici nghĩ thế. Vị tổng thư ký của Công đồng luôn luôn chực chờ cơ hội để nói một câu vui đùa nào đó. Nhưng sáng nay, mặc cho có tiếng là thích khôi hài, bầu khí long trọng của lúc này làm ngài không dám nói to điều mình nghĩ.

Tuy nhiên, ngài cũng phải định thần lại để ngỏ lời giới thiệu bốn văn kiện được đề nghị đưa ra cho các Nghị phụ thông qua lần cuối cách long trọng trước khi Đức Thánh Cha tuyên bố ban hành.

Theo thứ tự, đó là  bản Tuyên bố về tự do tín ngưỡng, Dignitatis Humanae, vốn là đối tượng của biết bao tranh cãi và cho tới ngày cuối cùng còn làm dậy lên phản ứng dữ dội của một nhóm chống đối không khoan nhượng. Hồi tháng Chín, trong lần bỏ phiếu đầu tiên, nhóm này là 250 vị, và tiếp đến, lần bỏ phiếu cách đây mấy ngày cái văn kiện đã được sửa sang lại này, con số vẫn là 250 Nghị phụ mà có vẻ sẽ không có gì làm cho các vị nhượng bộ nếu không phải là phải rút văn kiện này lại hay phải viết lại văn kiện từ đầu đến cuối.

Tiếp đến là Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội, Ad Gentes, rồi Sắc lệnh về các chức thánh và về đời sống linh mục, Presbyterorum Ordinis, và cuối cùng là văn kiện đã là mối quan tâm lớn của khóa họp cuối cùng này và đã trải qua những giai đoạn bi thảm, đó là lược đồ XVII, sau đó trở thành lược đồ XIII, “Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới hôm nay”, cho dù được khai sinh trong đau đớn nhưng lại được đặt tên là Gaudium et Spes, “Vui mừng và Hy vọng”.

Đức Hồng y Suenens cho rằng nội cái tên của Hiến chế này thôi cũng có thể làm cho tâm hồn Đức Gioan XXIII vui lên. Có rất nhiều Nghị phụ xác tín rằng vị giáo hoàng quá cố là một trong những người thiết kế nên công đồng khi triệu tập nó, vì thế mà, sau khi từ trần, trong niềm hiệp thông các thánh thông công, ngài đã không ngừng xin Chúa can thiệp để cho công trình ngài đã xúc tiến có được một kết quả tốt đẹp. Đã có rất đông người muốn Đức cố Gioan XXIII được tuyên bố là “thánh” bằng cách vỗ tay tung hô, như vẫn thường làm trong những thời kỳ đầu của Giáo hội. Nhưng Đức Phaolô VI đã quyết định cách khác. Ngài tuyên bố là việc phong thánh cho Đức Gioan XXIII sẽ được xem xét và theo những tiến trình thông thường. Quyết định này đã tạo nên một sự thất vọng lớn lao, và càng trầm trọng hơn bởi việc Đức Phaolô VI, như thể muốn dung hòa tất cả các luồng ý kiến, đã tuyên bố cũng trong thời gian đó việc mở án phong thánh cho Đức Piô XII.

Đức Léon-Joseph Suenens đã chứng kiến người bạn rất thân và rất nhạy cảm của mình, Đức Dom Helder, phản ứng. Không phải vì Đức Dom có điều gì phiền trách Đức Piô XII; ngài có một sự vâng lời và một lòng trung thành mạnh mẽ, nhưng khuôn mặt của ngài thì không hề biết che giấu những biến động trong lòng của một con người mà Đức Gioan và Đức Piô không phải là một. Vị tiên tri người Braxin nhỏ bé – nhỏ về vóc dáng, đã có một sự khâm phục rất lớn đối với Đức Gioan XXIII. Ngài nhìn thấy nơi con người này công việc của Chúa làm. Và ngài ca tụng Đấng Tạo hóa. Đức Suenens mỉm cười vì thấy con người của giáo phận Recife thật tuyệt vời. Đó là một con người được biến hình theo nghĩa bóng. Sự khiêm nhường của ngài là sự khiêm nhường của các thánh, và cũng không nghi ngờ gì, ngài đã là một vị thánh. Cầu Chúa cho ngài sống lâu bởi vì lời ngài nói có sức làm biến đổi tâm hồn con người. Sẽ có một ngày ngài có mặt trong số các thánh mà Giáo hội tôn vinh và trở thành một tấm gương cho các thế hệ tương lai.

Đức Felici đã cử hành xong thánh lễ, các Nghị phụ bắt đầu cúi xuống trên các lá phiếu để tiến hành bốn cuộc bỏ phiếu cuối cùng. Cuộc bỏ phiếu chót hết để thông qua Hiến chế Gaudium et Spes, là lần thứ 544. Quả là một cuộc chạy đua đường dài !

Trong lúc mọi người bỏ phiếu, Đức Felici, người thường có thói quen lấp thời gian trống bằng cách kể cho các Nghị phụ những câu chuyện vui, luôn luôn bằng một thứ tiếng la tinh xuôi chảy và sang trọng, đã không bỏ lỡ cơ hội này. Ngài nhân danh các Nghị phụ để cám ơn Đức Thánh Cha vì đã tặng cho các Nghị phụ những chiếc nhẫn và ngài đã được hưởng ứng nhiệt liệt bằng những tràng pháo tay vang dội.

Những ai có cặp mắt tinh tế có thể để ý thấy rằng, xung quanh họ, rất nhiều giám mục đã mang chiếc nhẫn đó như là chiếc nhẫn giám mục. Đức Hồng y Suenens nhìn tay Đức Giáo hoàng. Vâng, hình như cả Đức Giáo hoàng ngày hôm đó cũng chọn cùng chiếc nhẫn đó để mang.

Lúc này, con người mà ông đã bầu làm giáo hoàng và đã nhận một nhiệm vụ quá nặng nề là người đồng hành với công đồng cho đến khi hoàn thành kia đang nghĩ gì ? Đức Suenens đã bị phân chia. Một mặt ông có một tinh huynh đệ thực sự với Đức Phaolô, hơn thế, thường xuyên hơn, ông nhớ đến Đức Phaolô và cầu nguyện cho ngài với cách gọi “người anh em Phaolô”. Nhưng cũng thường khi, ông cũng dậy lên lòng thương cảm trước gánh nặng mà vị chủ nhân tầng ba của lâu đài giáo hoàng phải mang. Ông thực sự buồn phiền về sự cô đơn mà Đức giáo hoàng nghĩ là mình phải chịu. Đức Suenens không bao giờ có ý định làm giáo hoàng thay thế cho Đức Giáo hoàng, cũng như không bao giờ là một “giáo hoàng trong bóng tối” qua những lời khuyên của mình. Nhưng trước những thách đố mà hiện tại và tương lai đặt ra, quả là một sự điên rồ khi để một gánh nặng như thế lên vai của một con người duy nhất, dù người đó có được sự giúp sức của Chúa Thánh Thần.

Vị tổng giám mục của Bruxelles và Malines là một trong những người đã ủng hộ việc làm sao để bên cạnh vị giáo hoàng có một hội đồng, một nghị viện các giám mục của toàn thế giới. Đức Phaolô, vào tháng chín, đã thành lập một thượng hội đồng tư vấn mà ngài có thể triệu tập theo ý mình. Người ta đã thấy rõ là trước một việc như thế thì Giáo triều đã biểu lộ thái độ cảnh giác như thế nào, vì Giáo triều sợ là sau công đồng các giám mục của toàn thế giới sẽ vẫn còn chen vào công việc của Giáo triều Rôma.

Về vấn đề Giáo triều, kể từ khi được bầu lên, Đức Giáo hoàng đã nhượng bộ nhiều trong ý định cải tổ. Tuy nhiên một điều quan trọng vừa mới được điều chỉnh.
Thánh Bộ (Saint-Office), còn gọi là Bộ Tối cao, vừa được đổi thành “Bộ Giáo lý Đức tin”. Sự thay đổi này không phải là nhỏ, và không chỉ trong việc cái tên. Chắc hẳn đó là việc “bảo vệ giáo lý Đức tin và những phong hóa chống lại các sai lạc” nhưng nó cũng cỏn bao gồm việc xem xét “những học thuyết và quan điểm mới […] và thúc đẩy những nghiên cứu về vấn đề này”. Điều đó có nghĩa những gì mới không nhất thiết là sai hay xấu. Tự bản thân điều này đã là một tiến bộ đáng kể.

Đức Hồng y Suenens đưa mắt nhìn Đức Hồng y Ottaviani. Con sư tử già, đôi mắt khép hờ, có vẻ như thiu thiu ngủ. Nhưng chắc chắn là ngài đang cầu nguyện. Đức Suenens có sự kính phục đối với con người không ngừng là một đối thủ mạnh của mình này. Không biết ngài đang nghĩ gì về tất cả những điều đó, “Người Lính sen đầm”, như cách ngài tự gọi mình hồi mùa thu trong một cuộc trao đổi ngài dành cho báo Corriere della Sera ?

Đức Suenens đã rất ấn tượng khi đọc những ý kiến của Đức Ottaviani :

“Trong suốt 73 năm, tôi đã là người canh gác kho tàng đức tin, như một người lính sen đầm, đang trong tuần canh của mình.  Nhưng nếu chính Giáo hội xem xét lại, đào sâu lại các vấn đề, nếu Giáo hội nói một ngôn ngữ khác để phục vụ cho một cách hiện hữu khác, thì Chúa sẽ ban cho tôi cái ơn là ngày hôm nay cũng sẽ trung thành với Giáo hội như ngày hôm qua. Tôi phục vụ Giáo hội một cách mù quáng, như bản thân tôi là một người mù.”

Thực sự thì đôi mắt của Đức Ottaviani đã gần như mù, và ngài đã dùng điều đó như một ẩn dụ để minh họa cho thái độ và lòng trung thành của ngài. Về điều này thì Đức Suenens có thể khâm phục ngài… và cũng cảnh giác ngài nữa; con chó vẫn chưa mất răng !

Nhưng Giáo hội không chỉ cần những người canh gác, mà còn cần những người ra khơi, và cả những con người phiêu lưu. Lòng trung thành thực sự, đó là có những đôi mắt chăm chú vào Đức Kitô. Không có ai khác ngoài Ngài có những lời hằng sống. Hơn nữa những lời này không phải được nói ra để tấn công ai nhưng để bước vào cuộc đối thoại.

Đó đúng là điều mà công đồng, với sự thúc đẩy của Đức Gioan XXIII, đã cố gắng để làm : bước vào cuộc đối thoại với thế giới. Nhưng đấy cũng không phải là một đổi thay dễ dàng đối với nhiều giáo sĩ vốn đã được đào tạo trong sự ngờ vực đối với thế giới và đối với tính hiện đại.

Ở đây cũng phải biết ơn các nhà thần học đã làm việc không tính toán trong các ban, trong việc phân loại các ý kiến bổ sung và biên tập vô số câu chữ vốn cần thiết để hoàn chỉnh các văn kiện.

Hai văn kiện được đưa ra thông qua sáng nay là những bằng chứng, Sắc lệnh Dignitatis Humanae về tự do tín ngưỡng, và Hiến chế Gaudium et Spes vốn đã gây ra biết bao khó khăn và gần như đã làm nản lòng những người tiếp tục soạn thảo nó. Đàng khác, cách chung, tất cả các văn kiện đều có mang những vết tích của một sự khai sinh xuất phát từ một tình thế chẳng đặng đừng, thể hiện qua những dấu vết của một cách suy nghĩ và cách trình bày cũ kỹ các vấn đề bên cạnh cách suy nghĩ và trình bày mới. Thực chất, có lẽ cũng không nên lo lắng về thực tế này. Bề dày thời gian là một sự phong phú nếu nó không cản trở chúng ta tiến về phía trước. Nó làm cho chúng ta trở thành những người thừa kế. Và Giáo hội của Vatican II không phải là một đứa bé sơ sinh, mà là một người thừa kế.

Các nghị phụ đã hoàn tất việc bỏ phiếu, chương trình nghị sự được tiếp tục với một sự kiện trước đây hoàn toàn không thể tin được, nếu không muốn nói là không thể trông chờ.

Khi đứng dậy để  bước lên bục đọc sách, Đức Giám mục Jan Willebrands đã thú nhận là ngài đang rung lên vì những cảm xúc dâng lên trong lòng. Có một lúc, dù còn trẻ và tình trạng sức khỏe tốt, ngài như bị lảo đảo. Ngài là người đã ủng hộ Đức Gioan XXIII trong việc  thúc đẩy và hỗ trợ công cuộc đại kết. Ai đã có thể tưởng tượng được, mới 7 năm trước đây, trong những ngày tiếp theo sau việc bầu Đức Angelo Roncalli vào ngai Thánh Phêrô, những người công giáo dấn thân cho công cuộc đại kết còn bị trù dập nặng nề, mà nay những điều như những gì ngài sắp có vinh dự đọc lên lại có thể vang vọng trong Đền thờ Thánh Phêrô tại Rôma ?

Đây là lần đầu tiên ngài lên tiếng trong đại hội trường của công đồng. Ngài chỉ là giám mục và mới là Nghị phụ công đồng từ năm 1964, và công việc của ngài ở Văn phòng hợp nhất đã hoàn toàn thu hút ngài. Ai cũng biết ngài đã hoàn thành trách nhiệm của mình với một sự điêu luyện tuyệt vời, nhờ biết dung hòa giữa sự kín đáo, tính kiên trì và sự thận trọng. Và ngày hôm nay, ngài nhận được phần thưởng gấp trăm lần.

Ngài phải tằng hắng lấy giọng vì cảm động rồi đọc bằng tiếng Pháp bản Tuyên bố chung của Đức Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Athénagoras về việc giải vạ tuyệt thông năm 1054. Cùng lúc này, tại Istambul, trước sự hiện diện của những giáo phẩm đại diện cho Đức Phaolô VI, bản Tuyên bố này cũng được đọc trong Vương cung thánh đường Phanar, trước mặt vị Thượng phụ Chính thống giáo Athénagoras.

Trong bản tuyên bố lịch sử này, hai vị nói “lấy làm tiếc vì những lời lẽ xúc phạm, những kết án không có cơ sở, và những cử chỉ đáng lên án đã, cách này hay cách khác, dẫn đến hay làm nặng nề thêm những sự kiện đáng buồn của thời đó; và cũng lấy làm tiếc và xóa bỏ khỏi ký ức và môi trường của Giáo hội những lời lẽ ra vạ tuyệt thông diễn ra sau đó và đã kéo dài cho đến ngày nay như một trở ngại cho việc xích lại gần nhau trong tình bác ái, và đưa chúng vào quên lãng”.

Khi ngài đọc xong, Đức Giáo hoàng và Đức Giáo phụ Méliton, đặc phái viên của Đức Thượng phụ Athénagoras, cùng đứng lên và, để đánh dấu việc hòa giải, đã trao cho nhau một nụ hôn bình an. Cùng lúc đó, cử chỉ này cũng diễn ra tại Istanbul.

Đền thờ Thánh Phêrô như rung lên giữa những tràng vỗ tay kéo dài và vang mạnh như sấm, nhiều người đã chẳng thấy xấu hổ vì những giọt nước mắt vui mừng trào lên khóe mắt.

10 giờ 20, thánh lễ bắt đầu. Trong bài giảng, Đức Phaolô VI đã cho thấy ngài hoàn toàn tán thành những đường hướng của Hiến chế Gaudium et Spes tới mức nào : Vâng, việc con người là đối tượng chính của sự quan tâm của Giáo hội cũng như của suy tư thần học thì không phải là “chống lại Thiên Chúa”, do bị tác động bởi chủ nghĩa nhân bản hay để chạy theo thời cuộc, nhưng bởi vì chính Thiên Chúa đã quan tâm đến con người. Ngài đã có những câu tuyên bố mạnh mẽ : “Đạo công giáo là vì nhân loại; theo một nghĩa nào đó, đạo công giáo là sự sống của nhân loại.” Ngài đã không ngần ngại bày tỏ cảm xúc khi nói về sự tự do và hạnh phúc thật mà Giáo hội, qua tiếng nói của công đồng, dâng tặng cho con người ngày nay.

Cho dù có một sự kính trọng to lớn dành cho người kế vị Thánh Phêrô, nhưng Đức Hồng y Siri không thể không cảm thấy tim mình như thắt lại. Nỗi lo âu càng gậm nhấm thì ngài càng cầu nguyện. Ngài biết rằng Chúa không bỏ rơi Giáo hội của Chúa, rằng những lời hứa của Chúa không thể mất đi, nhưng ngài vẫn ở trong một nỗi sợ hãi rất kinh khủng trước những nguy hiểm mà ngài cho là đang rình rập Giáo hội. Ngài run sợ trước những lời lẽ trên kia mà đối với ngài là mang màu sắc chủ nghĩa lạc quan, dung hòa với tội lỗi. Dĩ nhiên niềm trông cậy của chúng ta là trọn vẹn, nhưng đó là một niềm trông cậy vào lòng thương xót vô cùng của Chúa đối với sự yếu đuối của chúng ta chứ không phải một niềm trông cậy vào con người. Làm sao để biết là sự lạc quan này không phải là một trong những mặt nạ mà dưới vỏ bọc đó ẩn dấu lòng kiêu ngạo và nó không phải do ma quỷ thúc đẩy. Xác tín chắc chắn như thế, Đức Hồng y Siri càng chìm sâu trong cầu nguyện.

Đức Giáo hoàng đã kết thúc bài giảng. Sau khi tái khẳng định quyền uy của Giáo hội thể hiện qua công đồng và thẩm quyền giáo huấn của các văn kiện, vốn cố gắng diễn tả để “được con người nghe và hiểu”, ngài tuyên bố Giáo hội “phục vụ nhân loại” và bình giải : “Công đồng, cuối cùng, đã chẳng phải mang đến cho chúng ta một giáo huấn đơn sơ, mới mẻ và long trọng để học yêu con người nhằm yêu mến Thiên Chúa đó sao ?”

Cũng như nhiều Nghị phụ công đồng “bình thường”, hàng trăm con người vô danh này của công đồng đã nghe, đã suy niệm, đã nghiên cứu, đã cầu nguyện và cuối cùng bỏ phiếu, cha Norbert Calmels, bề trên tổng quyền dòng Prémontrés, gật gù tán thưởng những gì ngài mới nghe. Quả thực đó là một giáo huấn mới như Tin Mừng, mới như giới răn mới mà Chúa đã đưa ra gần hai ngàn năm trước đây và không ngừng đổi mới Giáo hội, làm cho Giáo hội luôn luôn trung tín hơn và bám chắc vào nền tảng xây dựng nên Giáo hội : “Này đây Thầy ban cho anh em một giới răn mới, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”

Sau thánh lễ mà trong đó Kinh Lạy Cha được mọi người đọc to lên như việc cải tổ phụng vụ đang được áp dụng, kết quả kiểm phiếu được công bố. Cả bốn văn kiện được thông qua với tỷ lệ phiếu thuận cao. Dẫn chứng qua một vài con số : 2400 Nghị phụ đã bỏ phiếu. Những phiếu chống Sắc lệnh Dignitatis Humanae về tự do tín ngưỡng là 70, và chống Hiến chế Gaudium et Spes là 75.

Đức Giáo hoàng ngay sau đó đã công bố các văn kiện bằng cách sử dụng công thức mà từ đó trở nên khá phổ biến : “Ta, trong sự hiệp thông với các Nghị phụ đáng kính…”

Trước khi cất tiếng hát bài Te Deum kết thúc, còn một nghi thức phải làm. Đó là Đức Hồng y Bea đọc văn bản long trọng xác nhận việc xóa vạ tuyệt thông năm 1054. Trong ngày hân hoan này, những ai đã mắc vạ thì đã được tôn vinh. Ai cũng biết cái ý chí sắt đá ẩn náu trong trong cái hình hài con người lưng khòm kia. Đức Augustin Bea lúc này đã 84 tuổi. Và từ khi Đức Gioan XXIII thành lập Văn phòng hợp nhất và giao cho ngài phụ trách năm 1959, ngài đã nhiều lần đi khắp thế giới. Ngài đã là con bồ câu hòa bình và hòa giải vừa giúp cho sự tiến bộ nhanh chóng của tinh thần đại kết trong Giáo hội công giáo và của việc công bố Thông điệp Nostra Aetate về các tôn giáo ngoài Kitô giáo, và đặc biệt là Do Thái giáo. Như thường lệ, khuôn mặt đầy nếp nhăn của ngài không diễn tả một cảm xúc nào khác hơn là một vẻ nhân hậu bình thản. Nhưng nếu ai biết ngài đã phải chiến đấu như thế nào, thì chắc cũng có thể biết được trái tim ngài đang reo vui như thế nào. Nhưng chắc chắn là ngài có một trái tim mạnh mẽ bởi vì ngài đã đón nhận một cách khiêm nhường tiếng vỗ tay mà cả đại hội đồng công đồng dành cho ngài.

Tiếng vỗ tay kéo dài. Các Nghị phụ có dư thời gian, các ngài đang thưởng thức sự hài lòng của mình. Các ngài chẳng có gì vội để phải rời khỏi Đền thờ.

Nhưng cũng chưa hoàn toàn kết thúc. Trước khi khép lại khóa họp, còn phải cầu nguyện để xin tha thứ những xúc phạm đã xảy ra trong thời gian họp công đồng. Vâng, đã có những cuộc chiến đấu dữ dội mà trong đó không phải lúc nào cũng có đủ tình bác ái cần thiết. Mỗi người có thể tự vấn lương tâm. Đã có một lúc thinh lặng, cũng rất ấn tượng, và mọi người lại đọc chung thêm một Kinh Lạy Cha, tiếp đó Đức Thánh Cha làm nghi thức xá tội và tất cả mọi người trao cho những người bên cạnh mình những nụ hôn bình an.

Bây giờ thì thực sự là kết thúc. Kinh Te Deum vang lên. Đoàn rước bắt đầu đi ra. Đức Giáo hoàng đi trước, trên lối đi trung tâm giữa các bậc thềm, trong tiếng hoan hô của các Nghị phụ đang đứng vỗ tay để tự chúc mừng mình cũng như để chúc mừng Đức Giáo hoàng. Rồi, từ từ, Đền thờ bắt đầu vắng dần nhưng Quảng trường Thánh Phêrô lại đầy ắp các mũ gầu đi đứng tứ tung, vui vẻ. Cảnh tượng này chẳng có gì giống với cảnh tượng xếp hàng nghiêm chỉnh như duyệt binh ngày 11-10-1962, khi các Nghị phụ, với đầy cảm xúc và ấn tượng, bước vào Đền thờ. Ba năm đã trôi qua, ba năm đã thay đổi các ngài một cách sâu sắc và cũng đã thay đổi Giáo hội.

Nhưng “thế giới hôm nay” và những con người ở trên thế giới này cũng đã thay đổi nhiều. Những gì các ngài đã làm có đủ chưa ? Các ngài đã có đủ táo bạo chưa ? Hay đã quá táo bạo ?

Không ai có thể trả lời những điều này. Nhưng điều chắc chắn, đó là không thể giản lược công đồng vào những văn kiện mà công công đồng đã công bố, dù ưu điểm hay khuyết điểm của những văn kiện này có như thế nào đi nữa. Công đồng, trước hết, là một sự kiện mà toàn thế giới đã chứng kiến và đã dự phần vào nhờ các phương tiện truyền thông. Công đồng này mang rõ nét đại kết, để dành cho “tất cả cư dân địa cầu”. Và nhiều cuộc tranh luận đã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới.

Vâng, thế giới đã là vị khách mời bất ngờ của công đồng này. Và điều đó không ai đã có thể thấy trước, khi Đức Gioan XXIII, ngày 25-1-1959 chia sẻ ý định triệu tập công đồng của ngài với 17 vị hồng y đứng há hốc miệng khi nghe tin này.
 
Hồi kết

Ngày 8-12-1965, trên Quảng trường Thánh Phêrô, giữa cái lạnh giá làm rùng mình 300 ngàn người đang hiện diện, trước những phương tiện truyền thông của toàn thế giới, Đức Giáo hoàng cử hành thánh lễ kết thúc công đồng và đọc sắc lệnh bế mạc.

Một lễ đài khổng lồ đã được dựng lên trên quảng trường, trên đó đặt chiếc ngai giáo hoàng. Đức Giáo hoàng đến với tất cả những vinh quang dành cho ngôi vị giáo chủ, ngồi trên kiệu. Có các người cầm quạt hầu đi theo. Ngài cử hành thánh lễ một mình, có vị linh mục linh hướng và vị giáo sĩ lo về phụng tự, cả hai đều là thành viên của Giáo triều, phụ lễ. Các hồng y và các giám mục ngồi xa xa trên các bục gỗ, như những khán giả. Không có những Điều phối viên hay các thành viên của Chủ tịch đoàn của công đồng được mời đồng tế cùng Đức Giáo hoàng, nếu có là sau lễ, lên để đọc các thông điệp của công đồng gởi cho các nhà lãnh đạo trên thế giới, cho người vô thần, cho tín đồ các tôn giáo khác, cho các nhà khoa học, cho các nghệ sĩ, cho giới phụ nữ, cho người nghèo, cho người lao động, cho giới trẻ, cho các bệnh nhân. Vì thiếu thời gian hay vì không nghĩ đến, các thông điệp này đã được soạn bởi các cộng tác viên của Đức Giáo hoàng, chứ không có một Nghị phụ công đồng nào đã tham gia vào.

Trong sự khác biệt về cung giọng giữa nghi thức của ngày 7-12 trong Đền thờ và nghi thức của ngày 8-12 trên Quảng trường Thánh Phêrô, người ta đã có thể thấy được tất cả khó khăn của thời sau công đồng.