Cơ Quan Tòa Thánh

Sunday, 05 April 2020 10:51

Hội Đồng Đối Thoại Liên Tôn Tòa Thánh: Tài Liệu Chỉ Dẫn Về Việc Đối Thoại Với Người Khác Tôn Giáo Và Ý Thức Hệ Featured

Nguyên tác: “Guidelines on Dialogue ưith peoplr ò Living Faiths and Ideologies” của World Church Conference 1979.

Tam Chung lược dịch

 

LTS: Đối thoại khởi đầu bằng việc một người quyết định cởi mở với một người khác truyền thống tôn giáo. Ở nhiều nơi, những khởi điểm nho nhỏ đã làm gia tăng những cộng đồng xây dựng được mối dây liên kết gắn bó vượt qua cả những rào cản về tôn giáo.

DƯỚI ĐÂY LÀ NHỮNG CHỈ DẪN VỀ VIỆC ĐỐI THOẠI VỚI NGƯỜI KHÁC TÔN GIÁO VÀ Ý THỨC HỆ của Hội đồng Giáo hội Thế giới (HĐGHTG) xuất bản lần đầu năm 1979. Gần 20 năm sau, bản văn này vẫn còn nguyên giá trị và được nhiều người đón nhận.

Chúng tôi hy vọng rằng Những Chỉ dẫn này sẽ khích lệ bạn theo đuổi việc đối thoại với các niềm tin khác, và bạn sẽ là thành phần của nhóm người gia tăng không ngừng đang dấn thân xây dựng nền văn hóa đối thoại trong một thế giới bị phân rẽ sâu sắc.

***

DẪN NHẬP

ĐỐI THOẠI TRONG CỘNG ĐỒNG

Tại sao lại có đề tài “Đối thoại trong cộng đồng”? Kitô hữu sống chung với những người khác niềm tin và xác tín ý thức hệ, nên cần phải nhấn mạnh đến sự đối thoại trong cộng đồng hơn là chính sự đối thoại. Cộng đồng kitô hữu sống trong cộng đồng nhân loại có chung một di sản và một sứ điệp để chia sẻ, do đó cần phải suy tư về bản chất của cộng đồng mà mình đang tìm kiếm cùng với những người khác.

Ủy ban Trung ương Hội đồng Giáo hội Thế giới nhóm họp tại Addis Ababa năm 1971 nhìn nhận rằng “việc Hội đồng Thế giới dấn thân trong sự đối thoại phải được hiểu như là một cuộc mạo hiểm chung của các giáo hội”. Hội đồng Giáo hội Thế giới bao gồm nhiều di sản và những xác tín tôn giáo khác nhau. Sự đa dạng về văn hóa cũng như tôn giáo, ý thức hệ, cơ cấu chính trị, bối cảnh xã hội đóng một vai trò quan trọng trong những cuộc thảo luận. Những thái độ chính trị, những sức mạnh kinh tế ảnh hướng tới mối tương quan quyền lực giữa các cộng đồng. Trong thời đại nhân loại khắp thế giới đấu tranh để sinh tồn và được tự do, các tôn giáo và ý thức hệ có những đóng góp quan trọng vào việc đó, một việc chỉ có thể thực hiện được khi có sự đối thoại. Trách nhiệm của Kitô giáo là cổ võ cuộc đối thoại như thế trong tinh thần hòa giải và hy vọng mà Chúa Giêsu Kitô đã ban cho chúng ta.

Thật là dễ khi thảo luận về các tôn giáo hoặc các ý thức hệ như thể đó là những thực tại hoàn toàn không liên quan gì đến những phân rẽ, xung đột và đau khổ sâu sắc của nhân loại. Nhưng các tôn giáo và ý thức hệ cũng có trách nhiệm về sự đổ vỡ của các cộng đồng và sự đau khổ của những người trong cộng đồng bị tan vỡ. Vì thế khi đọc những tuyên bố ở đây về mối tương quan giữa các cộng đồng Kitô và các cộng đồng khác, phải nhìn nhận những tuyên bố ấy có một chỗ đứng trong toàn bộ chương trình của Hội đồng Giáo hội Thế giới, chương trình này bao gồm cả hành động của Kitô hữu nhằm can thiệp vào những căng thẳng chính trị, kinh tế và những rắc rối xã hội, cũng như những vấn đề mà khoa học và kỹ thuật nêu lên về tương lai nhân loại. Ngoài ra, cũng phải lượng định những tuyên bố này khi liên hệ với những mối quan tâm khác của Hội đồng Giáo hội Thế giới và với kết quả của những cuộc thảo luận ấy như là sự hiệp nhất của giáo hội với cộng đồng nhân loại.

Bản tuyên ngôn này không thường sử dụng từ ngữ “sứ vụ” và “truyền giáo”. Lý do không phải là vì muốn tránh né trách nhiệm của người Kitô trong việc tuyên xưng Đức Kitô hôm nay, một trách nhiệm đã được tái nhấn mạnh tại hội nghị Nairobi, nhưng là để khám phá ra những cách thức khác trong việc làm sáng tỏ mục đích của việc làm chứng tá và phục vụ. Sự toàn vẹn Kitô bao gồm sự toàn vẹn trong lời đáp trả tiếng gọi của Chúa Kitô là làm chứng cho Người trên khắp hoàn vũ.

PHẦN I

VỀ CỘNG ĐỒNG

 

A. CÁC CỘNG ĐỒNG VÀ CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI

1. Kitô hữu khởi sự suy tư về cộng đồng từ việc nhìn nhận rằng Thiên Chúa, đấng mà họ tin là đã đến trong Đức Giêsu Kitô, là đấng Tạo hóa của muôn vật và của nhân loại; từ ban đầu, Thiên Chúa đã muốn thiết lập mối tương quan nơi chính mình và với tất cả các tạo vật mà Người đã dựng nên. Khi Kitô hữu tuyên xưng Người là Ba Ngôi chí thánh duy nhất, khi hân hoan vì cuộc tạo dựng mới trong Đức Kitô phục sinh, họ nhận thức và cảm nghiệm được những chiều kích mới nơi nhân tính mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Thế nhưng, chính bản chất và nội dung lời tuyên xưng khiến cho người Kitô phải quan tâm hơn đến những thực tại của thế giới, vì thế giới phát triển theo định luật tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa. Vì vậy người ta phải cố gắng diễn tả các cộng đồng và cộng đồng nhân loại dưới ánh sáng lời tuyên xưng cơ bản của Kitô hữu, vì những lời tuyên xưng ấy giúp đạt được sự hiểu biết và đồng thuận với những niềm tin và ý thức hệ khác.

2. Mọi người sinh ra đều đã có mối tương quan với người khác. Gần gũi nhất là những người trong gia đình, nhưng rồi họ phải nhanh chóng khám phá ra những mối tương quan rộng lớn hơn khi họ bước chân đến nhà trường hay nơi làm việc. Họ cũng sẽ cảm nghiệm được mối dây liên kết rộng lớn hơn nữa trong phạm vi quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, đồng thời họ vẫn có thể thuộc về những tầng lớp xã hội khác nhau, do đó có những quan điểm nhân sinh khác nhau. Rồi, báo chí, TV, radio, những gì họ xem thấy, nghe thấy, sẽ cho họ ý thức về nhiều lối sống nhau mà dù nhiều dú ít, đời sống của họ cũng có liên đới. Thuộc về một cộng đồng, và không thuộc về một cộng đồng khác, là điều không bao giờ hiểu được hoàn toàn, nhưng vẫn là một thực tại đối với tất cả chúng ta.

3. Trong từng cộng đồng riêng biệt, người ta gắn bó với người khác nhờ những giá trị mà họ cùng nhau chia sẻ. Ở mức độ sâu xa nhất, những giá trị này liên quan đến căn tính của họ, cho họ cảm giác “thoải mái” ở trong  nhóm của mình. Căn tính có thể hình thành qua kinh nghiệm lịch sử lâu dài, hoặc khi phải đương đầu với những vấn đề mới gặp; căn tính có thể tự bộc lộ trong những truyền thống và những lễ nghi của cộng đồng đã thành hình qua nhiều thế kỷ, hoặc trong những hình thức mới mẻ có lúc thì cởi mở hơn có lúc lại khắt khe hơn. Tôn giáo và ý thức hệ có ảnh hưởng trong quá trình hình thành cộng đồng; nhưng chính tôn giáo và ý thức hệ lại được khuôn đúc bởi những yếu tố khác trong nền văn hóa mà chúng là thành phần, như ngôn ngữ, lòng trung thành về luân lý, tầng lớp xã hội. Có những cộng đồng có thể tiến tới sự đồng nhất, trong lúc những cộng đồng khác lại có truyền thống lâu đời về tính đa nguyên, và rất thường là riêng trong từng gia đình cũng có thể những niềm tin khác nhau.

4. Có nhiều cộng đồng con người khác nhau. Những cộng này ở trong một tiến trình thay đổi không ngừng, một sự thay đổi có thể so sánh với những dòng sông đang chảy chứ không phải những tượng đài bất động. Nhưng nếu sự thay đổi là điều luôn luôn xảy ra, thì chắc chắn rằng sự thay đổi ấy đã tăng tốc trong thời hiện tại, nhất là nhờ kỹ thuật khoa học, nhờ những sức mạnh kinh tế và các phương tiện truyền thông. Có những thay đổi nhanh chóng và sâu sắc về kinh nghiệm đánh mất cộng đồng và sau đó là sự cô độc của con người. Có những trường hợp khác, cộng đồng được cấu tạo và tái định hình: những cộng đồng trước kia khép kín nay có quan hệ với những cộng đồng khác và cùng với những cộng đồng này thấy mình có liên quan đến nhiệm vụ xây dựng quốc gia; những cộng đồng trước kia có bản sắc văn hóa đơn độc nay cởi mở với nhiều nền văn hóa và nhiều hệ thống tôn giáo; những cộng đồng trong đó những hệ thống tôn giáo truyền thống có thể trải qua sự thay đổi sâu xa, và đã được tái phục hồi, nay đem lại một bản sắc mới và kế tục quá khứ. Giữa những biến chuyển này, nhiều người trở nên xa lạ với cộng đồng và hoặc là từ bỏ việc tìm kiếm cộng đồng hoặc là tìm kiếm ở những nguồn khác.

5. Một khía cạnh quan trọng của sự thay đổi tăng tốc này đã phát sinh do mạng lưới phức hợp những mối tương quan được tạo lập giữa các cộng đồng con người trong thời gian gần đây. Những cộng đồng biệt lập xích lại gần những cộng đồng khác, có khi dẫn tới sự hoà hợp mới, có khi lại rơi vào vùng nước xoáy tai hại. Mối liên hệ của các cộng đồng nhân loại đưa đến nhiều thách đố mới đối với việc chăm sóc mục vụ, mà việc đáp ứng những nhu cầu này, cả về phương diện cá nhân lẫn tập thể của các cộng đồng, sẽ xác định đặc tính của thực tại “cộng đồng nhân loại”.

6. Việc đáp ứng thường mặc hình thức các ý thức hệ. Trong thực tế, sự thay đổi tăng tốc đã khiến cho người ta ý thức một cách nhạy bén hơn về nhu cầu cần có hành động rõ rệt về xã hội và chính trị, vì người ta thấy mình ở giữa nhiều dự phóng ý thức hệ đang cố gắng dùng những cách thức khác nhau nhằm định hình hoặc tái định hình xã hội. Những cộng đồng truyền thống không thoát khỏi tác động của lối suy nghĩ và hành động theo ý thức hệ, và những đáp ứng đa dạng của các cộng đồng ấy có thể đưa đến xung đột lẫn canh tân.

7. Có những mối nguy hiểm cố hữu trong hoàn cảnh này, nhưng kinh nghiệm về mối liên hệ của con người trong hoàn cảnh địa phương đào sâu thêm ý thức về sự phong phú đa dạng của cộng đồng con người mà Kitô hữu tin là Thiên Chúa tình thương đã tạo dựng và nâng đỡ. Họ ngạc nhiên và tạ ơn vì sự phong phú này, nhận ra rằng việc cảm nghiệm điều đó đã giúp nhiều người trong họ đánh giá đúng những giá trị sâu xa hơn trong truyền thống của họ, và trong một số trường hợp, có thể giúp họ tái khám phá những giá trị ấy. Nhưng đồng thời họ ý thức sâu sắc về cách thức mà sự đa dạng có thể, và đã thường bị lạm dụng: họ bị cám dỗ coi cộng đồng của mình là tốt nhất; gán cho bản sắc tôn giáo và văn hóa của mình một quyền bính tuyệt đối; cám dỗ cô lập cộng đồng khỏi những cộng đồng khác. Giữa những cám dỗ ấy, Kitô hũu nhìn nhận rằng họ có thể từ chối và tước đoạt sự phong phú mà Thiên Chúa quảng đại đã ban cho thụ tạo con người, rằng họ có thể làm nghèo, phân rẽ và chiếm đoạt sự phong phú ấy.

8. Vì dễ dàng trở nên nguyên cớ gây phân rẽ, mỗi tôn giáo và ý thức hệ đều được kêu gọi nhìn lại chính mình, để đóng góp nguồn tài nguyên của mình vào phúc lợi của toàn thể cộng đồng nhân loại. Suy nghĩ về thách đố đối với đức tin Kitô, Kitô hữu được nhắc nhớ mối nguy hiểm của lời “hòa bình, hòa bình” ở những nơi không có hòa bình, và nhớ lời đức Giêsu trong Bài giảng trên Núi: “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình: Thiên Chúa sẽ gọi họ là con cái của Người.” (Mt 5:9). Là những người xây dựng hòa bình, giải phóng, công bình, Kitô hữu thấy mình được kêu gọi chia sẻ với người khác trong cộng đồng nhân loại công việc tìm kiếm những kinh nghiệm mới để thăng tiến cộng đồng, nơi đó người ta có thể khẳng định sự độc lập cũng như tôn trọng những bản sắc riêng biệt của họ. Tại hội nghị Colombo năm 1974, người ta thảo luận về viễn tượng “một cộng đồng trong các cộng đồng”. Viễn tượng ấy có thể là hữu ích trong việc nghiên cứu cộng đồng trong một thế giới đa nguyên; thế giới ấy không phải là sự thống nhất đồng tính hay đồng nhất chuyên chế, cũng không phải là những cộng đồng khép kín, đồng tồn tại một cách đơn thuần. Đúng hơn, thế giới ấy nhấn mạnh đến vai trò tích cực của các cộng đồng hiện hữu trong việc phát triển cộng đồng nhân loại. Đối với người Kitô, ý tưởng về một cộng đồng của các cộng đồng còn liên quan đến vương quyền của Thiên Chúa trên mọi cộng đồng nhân loại.

B. CỘNG ĐỒNG KITÔ HỮU: CÁC GIÁO HỘI VÀ GIÁO HỘI

9. Sống rải rác giữa các cộng đồng nhân loại, Kitô hữu chúng ta tìm kiếm dấu chỉ vương quyền của Thiên Chúa và chân thành tin tưởng vào cộng đồng của mình cùng với các Kitô hữu trong Giáo hội, Nhiệm thể Chúa Kitô. Khắp nơi trong thế giới, cộng đồng Kitô chia sẻ những khác biệt và bất đồng bên trong và giữa các cộng đồng nhân loại. Cộng đồng Kitô hữu biểu lộ tính đa dạng lớn lao về văn hóa trong chính mình, tính đa dạng mà chúng ta phải nhìn nhận là ảnh hưởng không những đến việc thực hành mà đến cả việc do những nhóm Kitô hữu khác nhau giải thích niềm tin. Thí dụ như ở Nam Á, các Kitô hữu nói về cuộc tranh đấu của mình giữa những nền văn hóa được khuôn đúc bởi Ấn giáo, Phật giáo và Hồi giáo, để diễn tả niềm tin Kitô trong tinh thần vừa vâng phục Phúc âm vừa tương quan tốt với bối cảnh văn hóa. Tại châu Âu và Bắc Mỹ, sự hiểu biết và thực hành đức tin Kitô chịu ảnh hưởng sâu xa bởi nền văn hóa Tây phương.

10. Là Kitô hữu, kinh nghiệm của chúng ta trong cộng đồng rộng lớn này rất khác nhau. Có những giáo hội sống dưới sự chèn ép về phương diện xã hội, văn hóa và quốc gia, bản sắc của họ bị đe dọa và tự do bị hạn chế. Có những thời và những nơi Kitô hữu phải tách riêng ra khỏi người khác vì trung thành với Chúa Kitô, nhưng điều này không miễn xá cho họ khi họ bộc lộ tính  cao ngạo về văn hóa và tính độc quyền của cộng đồng dù là có ý thức hay không. Như vậy, họ đã góp phần vào những phân rẽ trong cộng đồng con người, và gây nên sự phản kháng giữa những nhóm khác nhau trong chính cộng đồng Kitô. Vì thế, Kitô hữu sẽ phải chịu sự xét xử của Thiên Chúa. Chúng ta tin rằng có một ý nghĩa thực sự trong đó sự hiệp nhất của chúng ta với tất cả mọi người hệ tại việc chúng ta cùng dự phần vào những gì đã gây nên phân rẽ bi thảm trong thế giới. Chính theo cách này mà chúng ta liên kết kinh nghiệm thực tế của các giáo hội với chủ đề chúng ta bàn ở đây, đó là luôn luôn cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa.

11. Nhưng trong hoàn cảnh phức tạp, mơ hồ và tầm thường này, chúng ta tin rằng Phúc âm của Chúa Giêsu Kitô vẫn có tính nhưng không. Phúc âm không bị giới hạn bởi bất cứ nền văn hóa nào, nhưng nhờ sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, Phúc âm chiếu giãi ánh sáng vào trong và trên tất cả những nền văn hóa ấy. Chân lý Phúc âm cũng không bị bóp méo bởi tội lỗi của các Kitô hữu. Trái lại, Phúc âm kêu gọi Kitô hữu, cá nhân cũng như cộng đoàn, sám hối và xưng thú, đồng thời mời gọi họ tiến tới đời sống mới trong Chúa Kitô phục sinh. Thực tại cộng đồng Kitô hữu được canh tân này liên quan đến kinh nghiệm sâu xa nhất của chúng ta xét như là Kitô hữu. Có nhiều cách để nói về kinh nghiệm này, chẳng hạn:

- Sự hiệp thông của chúng ta trong Giáo hội như là dấu chỉ của sự hòa giải và hiệp nhất nhân loại được tái tạo nhờ hành vi cứu chuộc của Thiên Chúa trong đức giêsu Kittô;

- Sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa, Đấng mà trong sự sung mãn của Ba Ngôi, kêu gọi nhân loại hiệp nhất với Người trong sự hiệp thông vĩnh cửu của Người với toàn thể thụ tạo;

- Sự hiệp thông của chúng ta với tất cả mọi chi thể trong Thân mình Chúa Kitô qua lịch sử, bất kể sự khác biệt về chủng tộc, giới tính, tầng lớp xã hội và nền văn hóa;

- Xác tín rằng trong đức Kitô, Thiên Chúa đã giải phóng chúng ta để chúng ta hiệp thông với tất cả các dân tộc và với mọi sự  đã được thánh hóa nhờ công việc của Thiên Chúa.

Mặc dù có thể diễn tả xác tín về thực tại của cộng đồng này bằng nhiều cách, nhưng chúng ta tin chắc vào Thiên Chúa trong Đức Kitô, Đấng nuôi dưỡng Giáo hội Người bằng Lời và các bí tích.

12. Chúng ta phải nhìn nhận giữa mối quan tâm đến việc đối thoại và việc làm hướng đến sự hiệp nhất Giáo hội hữu hình có mối liên hệ gần gũi. Không phải chỉ có những truyền thống đức tin khác nhau mới có ảnh hưởng trên những đường hướng đối thoại khác nhau, và không phải chỉ có những vấn nạn liên quan đến đối thoại mới được thảo luận một cách nghiêm túc trong và giữa các giáo hội, mà cả phần đóng góp của Kitô hữu vào việc đối thoại cũng bị bóp mép vì sự phân rẽ giữa các giáo hội.

13. Trong Hội đồng Giáo hội Thế giới, chúng ta vừa cảm nghiệm việc có thể cùng nhau tuyên xưng niềm tin và cử hành thờ phượng, vừa thấy có  những trở ngại cho sự hiệp nhất Kitô hữu. Chúng ta đã đồng ý dành một vị trí chủ yếu cho việc nghiên cứu Kinh thánh và việc phụng tự; chúng ta có thể thờ phượng một Thiên Chúa bằng những cách thức rất khác nhau nơi các giáo hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng ý thức về những vấn đề liên quan đến thế giá của Kinh thánh vẫn chưa được giải quyết, và thực tế chúng ta chưa là thành phần trong một cộng đoàn thánh thể. Do đó không có gì lạ khi có những tranh luận giữa các Kitô hữu về việc sử dụng sách thánh trong các niềm tin khác như là phương tiện để suy niệm (thay vì chỉ để nghiên cứu tri thức), và về việc phụng tự chung giữa các niềm tin khác nhau. Cần có những tìm hiểu kỹ lưỡng hơn và nhạy bén hơn về những vấn đề này.

14. Là Kitô hữu, chúng ta ý thức có sự căng thẳng giữa các cộng đồng Kitô hữu khi các cộng đồng ấy hiện diện giữa cộng đồng con người, và khi chúng ta tin vào bản chất của cộng đồng ấy là sự hiện diện của Thiên Chúa qua lời hứa. Sự căng thẳng là điều cơ bản đối với căn tính Kitô. Chúng ta không thể xóa bỏ, cũng không nên tìm cách tránh né. Giữa sự căng thẳng này, chúng ta khám phá ra đặc tính của Giáo hội Kitô vừa là một dấu chỉ của nhu cầu con người về một cộng đồng trọn vẹn hơn và sâu xa hơn, vừa là dấu chỉ lời hứa của Thiên Chúa về một cộng đồng nhân loại được phục hồi trong Chúa Kitô. Ý thức về sự căng thẳng này phải loại trừ thái độ vinh vang của giáo hội Kitô trong các cộng đồng nhân loại; phải loại trừ mọi thái độ chiếu cố đối với những người cùng sống với chúng ta. Đúng hơn, ý thức ấy phải gợi lên nơi chúng ta thái độ khiêm tốn thực sự đối với tất cả mọi người, vì biết rằng cùng với tất cả anh chị em của mình, chúng ta đã không trở thành một cộng đồng như ý Thiên Chúa mong muốn.

15. Chúng ta hiểu rằng ơn gọi Kitô hữu của chúng ta là tham dự đầy đủ vào sứ mạng của Thiên Chúa (missio Dei) với lòng can đảm xác tín giúp chúng ta mạo hiểm và chấp nhận rủi ro. Nhằm mục đích này, chúng ta có thể khiếm tốn chia sẻ với tất cả anh em của mình trong một cuộc lữ hành kỳ thú. Một cách đặc biệt, là môn đệ của Chúa Kitô, nhưng chúng ta không chấp nhận giới hạn Người trong chiều kích của sự hiểu biết nhân loại. Trong mối tương quan với các cộng đồng nhân loại, nhờ đức tin chúng ta sẽ biết Chúa Kitô đầy đủ hơn như là Con Thiên Chúa và đấng Cứu chuộc thế giới; chúng ta lớn lên khi phục vụ Người trong thế giới; và chúng ta hân hoan trong niềm hy vọng Người ban cho chúng ta.

PHẦN II

VỀ VIỆC ĐỐI THOẠI

 

C. NHỮNG LÝ DO PHẢI ĐỐI THOẠI

16. Những lý do khiến chúng ta phải đối thoại có thể xác định thành hai phạm trù có liên quan với nhau.

Ngày nay hầu hết Kitô hữu đều sống trong một cộng đồng thực tế với những người có thể có liên quan đến những niềm tin và ý thức hệ khác hơn là của chính mình. Có khi họ sống trong những gia đình có niềm tin và ý thức hệ pha trộn; họ sống như là người lân cận trong chính thành phố hay làng mạc của mình; họ cần phát triển mối tương quan để bộc lộ mối quan tâm nhân bản hỗ tương và tìm kiếm sự hiểu biết lẫn nhau. Thứ đối thoại này rất thực tiễn, liên hệ với những vấn đề của đời sống hiện đại - xã hội, chính trị, sinh thái, và nhất là, những vấn đề thông thường và quen thuộc.

Nhưng có những mối quan tâm vượt quá tầm mức địa phương đòi hỏi người Kitô phải dấn thân đối thoại nhằm thể hiện một cộng đồng rộng lớn hơn, nơi đó hoà bình và công lý có thể được thực thi một cách đầy đủ hơn. Điều này lại dẫn đến việc đối thoại giữa các cộng đồng, trong đó người ta thảo luận về những vấn đề có tầm mức quốc gia và quốc tế.

17. Không có cách nào để định nghĩa “đối thoại” một cách chính xác hơn là “cộng đồng”. Thực ra, cộng đồng phải được diễn tả, cảm nghiệm và phát triển như là một lối sống. Là con người, chúng ta phải học ăn, học nói; chúng ta trò chuyện, tán gẫu, cho và nhận thông tin, thảo luận… nhưng tất cả những thứ này chưa phải là đối thoại. Thỉnh thoảng, từ những cuộc trò chuyện và từ những mối tương quan nảy sinh một cuộc gặp gỡ sâu xa hơn, một sự cởi mở của mỗi người đối với người khác, còn hơn cả theo nghĩa tri thức. Người ta cảm nghiệm được điều này trong gia đình và bạn bè, và trong những người chia sẻ cùng một đức tin hay ý htức hệ; nhưng chúng ta đặc biệt quan tâm đến cuộc đối thoại vươn tới những niềm tin, ý thức hệ và nền văn hóa khác, cả khi đối tác trong cuộc đối thoại không nhất trí với chúng ta về những khía cạnh chủ yếu của đời sống con người. Đối thoại có thể được nhìn nhận như là một đường lối thuận lợi để vâng phục giới răn: “Ngươi đừng làm chứng gian cho đồng loại ngươi”. Đối thoại giúp chúng ta không làm biến dạng khuôn mặt người lân cận khác niềm tin với chúng ta. Nhiều Kitô hữu đã từng có kinh nghiệm rằng đối thoại thực sự có thể trở thành nền tảnt cho sự tin tưởng lẫn nhau và kính trọng sự toàn vẹn nơi căn tính của mỗi tham dự viên.

18. Do đó, đối thoại là thành phần cơ bản trong việc phục vụ của Kitô hữu nơi cộng đồng. Trong đối thoại, Kitô hữu đáp trả một cách tích cực giới răn “kính mến Thiên Chúa và yêu thương đồng loại như chính mình”. Là một cách diễn tả tình yêu, sự dấn thân trong đối thoại minh chứng cho tình yêu đã cảm nghiệm được nơi Chúa Kitô. Đó là sự khẳng định hân hoan về sự sống đối lại với hỗn mang, là cùng với tất cả những người là đồng minh của sự sống tham dự vào việc tìm kiếm những mục tiêu tạm thời cho một cộng đồng nhân loại tốt hơn. Như thế, “đối thoại trong cộng đồng” không phải là một vũ khí bí mật của đạo binh Kitô hữu xâm lăng. Đúng hơn, đó là phương tiện để sống niềm tin của chúng ta nơi Chúa Kitô qua việc phục vụ cộng đồng cùng với những người đồng loại.

19. Theo nghĩa này, đối thoại có một vị trí riêng biệt và chính đáng trong đời sống Kitô hữu, có thể so sánh trực tiếp với những hình thức phục vụ khác. Nhưng “riêng biệt” không có nghĩa là hoàn toàn khác biệt hay tách biệt. Trong đối thoại, Kitô hữu tìm cách “nói sự thật trong tinh thần yêu thương”, không ngây thơ “để bị trôi giạt theo mọi chiều gío đạo lý….” (Ep 4:14-15). Khi làm chứng, họ nhận thấy rằng ngày nay trong hầu hết các trường hợp, tinh thần đối thoại là cần thiết. Vì lý do đó, chúng ta không coi đối thoại và làm chứng như là ở thế trái ngược với người khác. Thực vậy, khi người Kitô bước vào đối thoại với sự cam kết theo Chúa Kitô, thời gian và mối tương quan trong đối thoại sẽ lại cho họ cơ hội để làm chứng một cách xác thực. Như thế, với các giáo hội thành viên của Hội đồng Giáo hội Thế giới, chúng ta hoàn toàn có thể ca ngợi đối thoại như là một cách mà trong đó người ta có thể tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô trong thế giới hôm nay; đồng thời, chúng ta có thể hoàn toàn bảo đảm với đối tác của chúng ta trong cuộc đối thoại rằng chúng ta không đến như những người dùng mánh khóe nhưng như những người đồng bạn lữ hành thực sự, để nói với họ về những gì chúng ta tin Thiên Chúa đã làm nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đi trước chúng ta, nhưng chúng ta tìm cách gặp lại Người trong đối thoại.

D. Ý NGHĨA THẦN HỌC CỦA NHỮNG NGƯỜI THUỘC NIỀM TIN HAY Ý THỨC HỆ KHÁC

20. Người Kitô dấn thân vào cuộc “đối thoại trong cộng đồng” với những người thuộc niềm tin và ý thức hệ khác không thể không tự hỏi mình những câu hỏi cặn kẽ về vị trí của những người này trong hoạt động của Thiên Chúa nơi lịch sử. Họ không hỏi những câu hỏi này theo nghĩa lý thuyết, nhưng theo nghĩa là những gì Thiên Chúa có thể làm trong cuộc đời của hàng triệu người sống trong cộng đồng và tìm kiếm cộng đồng cùng với Kitô hữu, mặc dù theo những cách thức khác. Như vậy, đối thoại phải tiến hành với những người có niềm tin khác chứ không phải với những hệ thống thuần lý thuyết hoặc bâng quơ. Điều này không có nghĩa là phủ nhận tầm quan trọng của các truyền thống tôn giáo và những mối tương quan liên hệ, nhưng chủ yếu là khảo sát xem các niềm tin và ý thức hệ đã hướng dẫn đời sống hằng ngày của cá nhân và nhóm như thế nào, và thực sự đã ảnh hưởng tới đối thoại ở cả hai phía ra sao.

21. Khi tiếp cận với những vấn nạn thần học trong tinh thần này, người Kitô nên thực hiện:

- Với lòng sám hối, vì họ biết họ dễ dàng hiểu sai mặc khải của Thiên Chúa trong đức Kitô như thế nào, phản bội lại mặc khải ấy trong hành động ra sao, và coi mình là người sở hữu chân lý của Thiên Chúa thay vì coi mình là người không đáng lãnh nhận ân sủng;

- Với lòng khiêm tốn, vì nhiều khi họ cảm nhận được nơi những người khác niềm tin và ý thức hệ một linh đạo, sự hiến dâng, mối đồng cảm và sự khôn ngoan, những yếu tố này không cho phép họ đứng ở trên cao mà xét đoán người khác; nhất là cần tránh dùng những ý niệm như “những Kitô hữu vô danh”, “sự hiện diện của Kitô hữu”, “đức Kitô vô danh”, hoặc là không đúng ý những người đề xuất những khái niệm ấy nhằm mục đích thần học, hoặc là có thiên kiến đối với sự tự hiểu biết của Kitô hữu hoặc những người khác;

- Với niềm vui, vì không phải là họ rao giảng; nhưng chính là đức Giêsu Kitô, đấng mà nhiều người thuộc các niềm tin và ý thức hệ khác nhìn nhận là ngôn sứ, là đấng thánh duy nhất, là tôn sư, và gương mẫu; nhưng được người Kitô tuyên xưng là Chúa và là Cứu Chúa, là chứng nhân trung thành và là đấng sẽ đến (Kh 1:5-7);

- Với sự toàn vẹn, vì họ không bước vào đối thoại với người khác nếu không có niềm vui sám hối và khiêm nhường này trong Chúa Giêsu Kitô, trong khi giải thích cho người khác kinh nghiệm và chứng tá của mình, ngay cả khi tìm cách lắng nghe người khác bộc lộ xác tín và quan điểm sâu xa nhất của họ. Tất cả những điều này mang ý nghĩa sự cởi mở và thẳng thắn, khả năng có thể bị tổn thương mà chúng ta thấy nơi điển hình là Chúa Kitô.

22. Chỉ trong tinh thần này, người Kitô mới hy vọng bộc lộ chính mình  một cách sáng tạo đối với những vấn nạn thần học do các niềm tin và ý thức hệ khác đặt ra. Những Kitô hữu thuộc về những bối cảnh văn hóa khác đang dần dần hiểu biết cách riêng trong những lãnh vực sau đây:

- Chú tâm đến giáo lý về tạo dựng, đặc biệt là khi họ thấy vấn đề ấy được soi sáng nhờ kiến thức về Thiên Chúa Ba ngôi cũng như nhờ sự phục sinh và vinh quang của Chúa Kitô;

- Những vấn đề căn bản về bản tính và hoạt động của Thiên Chúa và giáo lý về Chúa Thánh Thần, cùng với thảo luận về Kitô học phải diễn ra trong mối tương quan toàn diện này; Kinh thánh - với tất cả những trợ giúp để hiểu nhờ truyền thống và học thuật của các giáo hội - phải được sử dụng một cách sáng tạo như nền tảng cho suy tư Kitô về các vấn đề nảy sinh;

- Các vấn đề thần học về sự hiệp nhất giáo hội cũng cần được xem xét khi liên hệ với mối quan tâm đối thoại;

- Mục đích của đối thoại không phải là nhằm giản lược các niềm tin và ý thức hệ vào một mẫu số chung thấp nhất, không chỉ là so sánh và thảo luận về các biểu tượng và khái niệm, nhưng giúp thực hiện một cuộc gặp gỡ thực sự giữa những quan điểm và kinh nghiệm thiêng liêng chỉ được xây dựng trên đời sống con người ở những cấp độ thâm sâu nhất.

23. Chúng ta trông chờ những cuộc thảo luận hữu ích hơn về những đề tài này trong phạm vi Kitô hữu nhưng cũng trong tinh thần đối thoại. Có những vấn đề khác, có thể khó hoặc đôi khi không thể có sự nhất trí, nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích có sự quan tâm hơn về phương diện thần học:

- Đâu là mối tương quan giữa hoạt động tạo dựng/cứu chuộc của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại và đặc biệt là hoạt động tạo dựng/cứu chuộc của Thiên Chúa trong lịch sử Israel và nơi con người cũng như việc làm của Chúa Giêsu Kitô?

- Kitô hữu phải nói về việc làm của Thiên Chúa trong đời sống con người với hy vọng họ sẽ cảm nghiệm được điều gì đó nơi Thiên Chúa, hay là phải tích cực hơn theo nghĩa là Thiên Chúa tỏ mình cho những người thuộc các niềm tin và ý thức hệ khác cũng như trong cuộc tranh đấu của đời sống con người?

- Làm thế nào để Kitô hữu tìm kiếm từ Kinh thánh những tiêu chuẩn nhằm tiếp cận với những người thuộc các niềm tin và ý thức hệ khác khi nhìn nhận thế giá của Kinh thánh mà Kitô hữu thuộc mọi thế kỷ đã chấp nhận, nhất là những vấn đề liên quan đến thế giá của Cựu ước đối với Giáo hội Kitô, và sự kiện là các đối tác trong cuộc đối thoại có những điểm khởi đầu và nguồn mạch khác, cả trong sách thánh lẫn trong truyền thống giáo huấn?

- Đâu là quan điểm Kinh thánh và kinh nghiệm Kitô về hoạt động của Chúa Thánh Thần, và hiểu hoạt động của Thiên Chúa bên ngoài Giáo hội như là giáo lý về Chúa thánh thần thì có đúng không và có ích lợi không?

E. CHỦ NGHĨA CHIẾT TRUNG

24. Trong đối thoại, Kitô hữu được kêu gọi mạo hiểm, chấp nhận rủi ro, nhưng cũng phải tỉnh thức và trông chờ Thiên Chúa. Chiết trung có phải là một mối nguy mà Kitô hữu cần cảnh giác không?

25.  Có một nhu cầu tích cực đối với việc “phiên dịch” xác thực sứ điệp Kitô ở mọi nơi và mọi thời. Nhu cầu này đã được nhìn nhận ngay khi các dịch giả Kinh thánh khởi sự công việc của họ trong một ngôn ngữ đặc biệt và cân nhắc những ý nghĩa phụ cùng ẩn nghĩa về phương diện văn hóa và triết học của các từ ngữ. Nhưng cũng còn có một lối “dịch thuật” rộng bằng cách diễn tả qua mỹ thuật, kịch nghệ, phụng vụ, và nhất là trong những hạn từ liên hệ thích hợp để chuyển tải sự chính xác của sứ điệp theo tinh thần bản địa, thường là qua việc sử dụng những biểu tượng và những khái niệm của một cộng đồng đặc thù đã được kiểm nghiệm về phương diện thần học.

26. Dù đã có những cố gắng để cứu vãn từ ngữ “chiết trung”, nhưng hiện nay, sau những cách dùng trước kiq trong tranh luận của người Kitô, từ ngữ này vẫn mang một ý nghĩa tiêu cực. Đó là trường hợp “chiết trung” rõ ràng có nghĩa là “những cố gắng củq con người – ý thức hoặc vô ý thức – tạo ra một tôn giáo mới tổng hợp các yếu tố lấy từ các tôn giáo khác”. Cứ theo nghĩa này thì “chiết trung” cũng bị tẩy chay bởi các bên tham gia đối thoại, cho dù có thể có những người – trong sự xa lánh – đang tìm kiếm sự trợ giúp từ nhiều nguồn và không quan tâm đến chiết trung một cách tiêu cực.

27. Tuy nhiên, từ ngữ “chiết trung” đã được sử dụng rộng rãi hơn tại Nairobi và đặc biệt là để cảnh bao hia mối nguy khác.

Mối nguy thứ nhất là cố gắng “phiên dịch” sứ điệp Kitô giáo cho thích hợp với một bối cảnh văn hóa, hoặc tiến gần đến những niềm tin và ý thức hệ  mà người Kitô là đối tác của họ trong đốoi thoại, họ có thể đi quá xa và làm tổn thương tính chính thực của niềm tin và đời sống Kitô. Họ có Kinh thánh hướng dẫn họ nhưng luôn luôn có rủi ro trong việc tìm cách diễn tả Phúc âm theo bối cảnh mới: chẳng hạn, người Kitô tiên khởi chống lại lạc giáo trong khi thảo luận với thuyết Ngộ đạo; hoặc là thỏa hiẹp Phúc âm vao cái gọi là “các tôn giáo dân sự” ở Tây phương. Xem xét những thí dụ ấy là điều hữu ích để khỏi cho rằng chiết trung chỉ là một nguy cơ riêng cho một số đại lục mà thôi.

Mối nguy thứ hai là giải thích niềm tin sống động không phải bằng ngôn từ riêng của mình nhưng bằng ngôn từ của niềm tin hay ý thức hệ khác. Xét về nguyên tắc học thuật lẫn đối thoại, thì điều naỳ là bất hợp pháp. Theo cách này thì Kitô giáo có thể bị “chiết trung hóa” khi coi đó chỉ là một biến thể trong những cách thức tiếp cận TC, hoặc một niềm tin khác có thể bị coi là “chiết trung hóa” khi coi đó chỉ là sự hiểu biết phần nào những gì Kitô hữu cho là mình biết đầy đủ. Cần phải đặc biệt nghiên cứu thêm xem khi nào thì loại chiết turng này xảy ra giữa một niềm tin và một ý thức hệ.

28. Cả hai mối nguy đều thực sự nguy hiểm và giữa các Kitô hữu và giữa các giáo hội có những khác biệt trong phán đoán về vấn đề khi nào thì những nguy hiểm này có tính cách đe dọa hoặc xảy đến bất ngờ cho các tổ chức Kitô. Dù thừa nhận có nguy hiểm, nhưng Kitô hữu nên đón nhận và vui vẻ dấn thân vào cuộc mạo hiểm của một đức tin đã được giải thích. Nguy hiểm đặc thù của sự chiết trung trong thế giới hiện đại không được đưa người Kitô tới chỗ hãm lại cuộc đối thoại, nhưng lại thêm một lý do để dấn thân dối thoại nhằm làm cho các vấn đề được sáng tỏ.

29. Trong phong trào đại kết, việc thực hành đối thoại và làm chứng đôi khi đưa đến sự nghi kỵ lẫn nhau. Thiên Chúa rất kiên nhẫn đối với Giáo hội, ban cho Giáo hội có thời gian và không gian để khám phá ra đường lối của Ngưòi và sự phong phú của Giáo hội (xc. II Pr 3:9). Giữa những người theo đuổi phong trào đại kết, cần phải cho nhau có thời gian và không gian để khám phá ra sự phong phú của Phúc âm trong một bối cảnh rất khác với một châu Âu “Hy Lạp”, chẳng hạn như ở Ấn Độ và Ghana; để phát triển hoạt động truyền giáo rất đáng chú ý hiện nay, chẳng hạn như ở Hàn quốc; để thích nghi với hoàn cảnh mới trong đó hiện nay tính thế tục đang bị biến đổi vởi mối quan tâm mới về tôn giáo không được bộc lộ bằng những kiểu nói truyền thống nữa, chẳng hạn như ở châu Âu. Phải nhìn nhận sự đa dạng của đối thoại trong chính nội dung đặc thù và trong mối tương quan của đối thoại với bối cảnh đặc biệt.

PHẦN III:

NHỮNG HƯỚNG DẪN KHUYẾN CÁO CÁC GIÁO HỘI

ĐỂ NGHIÊN CỨU VÀ HÀNH ĐỘNG

 

Từ những kinh nghiệm của người Kitô trong đối thoại với những người thuộc niềm tin và ý thức hệ khác, và từ tuyên bố của Ủy ban Trung ương “Đối thoại trong cộng đồng”, rõ ràng ngày nay đối thoại đã trở thành khẩn thiết đối với nhiều Kitô hữu. Nhưng hướng dẫn sau đây dựa trên những xác tín Kitô đã được diễn tả trong hai phần đầu bản tuyên bố này; bản tuyên ngôn và những hướng dẫn phải được đọc chung với nhau.

Đó là niềm tin Kitô vào Chúa Ba ngôi, đấng Tạo hóa của nhân loại, đấng Cứu chuộc nơi đức Giêsu Kitô, Thần Khí mặc khải và đổi mới – Thần Khí đã kêu gọi Kitô hữu chúng ta vào mối tương quan nhân bản với anh chị em của chúng ta. Mối tương quan ấy bao gồm cả cuộc đối thoại: bằng cách làm chứng những xác tín sâu xa nhất của chúng ta và lắng nghe anh chị em của chúng ta. Chính niềm tin Kitô đã làm cho chúng ta được tự do để cởi mở với niềm tin của người khác, để đánh liều, để tin tưởng và để có thể bị tổn thương. Trong đối thoại, xác tín và sự cởi mở được giữ ở thế cân bằng.

Trong một thế giới mà Kitô hữu có nhiều người đồng loại, thì đối thoại không chỉ là một hoạt động gặp gỡ, mà còn là cách sống đức tin Kitô trong tương quan và liên đới với những người đồng loại mà Kitô hữu chia sẻ với họ cùng nơi ăn chốn ở. Đối thoại là một cách sống mối tương quan với tha nhân. Đối thoại hoàn toàn không thay thế hay hạn chế nghĩa vụ làm chứng của người Kitô, vì đối tác bước vào đối thoại với những dấn thân riêng của họ.

Những hướng dẫn này cống hiến cho các giáo hội thành viên của Hội đồng Giáo hội Thế giới và các tổ chức cá nhân ý thức sự khác biệt lớn lao về hoàn cảnh mà họ hiện diện. Những người đồng loại mà cùng với họ, Kitô hữu bước vào đối thoại với họ, có thể là đối tác trong những cuộc khủng hoảng và những vấn đề chung về xã hội, kinh tế và chính trị; là những người đồng hành trong hoạt động học thuật  hoặc nghiên cứu trí thức và thiêng liêng; hoặc cụ thể, là người bên cạnh mình. Ở một vài nơi, Kitô hữu và giáo hội cơ chế nắm giữ quyền lực và ảnh hưởng, còn những người khác thì không có quyền lực. Ở những nơi khác thì chính Kitô hữu lại là những người thấp cổ bé miệng. Cũng có những hoàn cảnh căng thẳng và xung đột khiến người ta không thể đối thoại hoặc cơ hội đối thoại rất hạn chế. Ở nhiều nơi, những người thuộc các niềm tin khác không chỉ tiếp xúc với nhau, mà còn với những người thuộc các ý thức hệ khác, mặc dù đôi khi khó có sự phân biệt rõ ràng giữa các tôn giáo và ý thức hệ, vì có những chiều kích tôn giáo nơi các ý thức hệ và có những chiều kích ý thức hệ nơi các tôn giáo, kể cả Kitô giáo. Sự nảy sinh những nhóm tôn giáo mới tại nhiều quốc gia đã đem lại những chiều kích mới và những căng thẳng mới trong mối tương quan liên tôn. Trước tất cả những đa tạp ấy, những hướng dẫn sau đây được gửi tới các giáo hội thành viên để nghiên cứu và thảo luận, thử nghiệm và đánh giá, và để làm việc kỹ lưỡng trong từng hoàn cảnh cụ thể.

HỌC HỎI VÀ HIỂU BIẾT TRONG ĐỐI THOẠI

1. Các giáo hội phải tìm cách để các cộng đồng Kitô có thể đối thoại với những người thuộc các niềm tin và ý thức hệ khác. Họ cũng cần khám phá ra những cách thức đáp ứng những sáng kiến tương tự của những người khác trong cộng đoàn.

2. Thông thường, cần phải cùng nhau soạn thảo kế hoạch đối thoại. Khi cùng soạn thảo kế hoạch với những người thuộc các niềm tin và ý thức hệ khác, sẽ dễ nhắm tới những vấn đề đặc biệt: thần học hay tôn giáo, chính trị hay xã hội.

3. Các bên đối thoại cần chú trọng đến sự đa dạng về tôn giáo, văn hóa và ý thức hệ của hoàn cảnh địa phương. Chỉ khi nào nhạy cảm với những lãnh vực đặc biệt căng thẳng và có sự kỳ thị, và với những cơ hội đặc biệt để trao đổi và cộng tác trong bối cảnh riêng của mình, khi đó Kitô hữu và đồng loại của mình mới có thể tạo lập những điều kiện cho cuộc đối thoại. Cách riêng nên nhạy cảm với những vi phạm những quyền căn bản của con người về tôn giáo, văn hóa và ý thức hệ nơi các nhóm người thiểu số.

4. Các bên đối thoại cần phải tự do để “xác định chính mình”. Một trong những chức năng của đối thoạïi là cho phép các tham dự viên diễn tả và làm chứng về niềm tin của họ. Điều này rất quan trọng, vì  những kiểu diễn tả theo ý mình như thế là một trong những gốc rễ của thành kiến, rập khuôn, chiếu cố. Chú ý lắng nghe những hiểu biết của người khác có thể giúp cho Kitô hũu dễ dàng tuân giữ giới răn không làm chứng dối chống lại người lân cận, dù họ thuộc về những truyền thống tôn giáo, văn hóa và ý thức hệ đã được thiết lập từ lâu đời hay thuộc về những nhóm tôn giáo mới. Cần biết rằng bất cứ tôn giáo hay ý thức hệ nào cho là mình có tính phổ quát, thì không kể việc hiểu biết chính mình, còn phải có cách giải thích riêng của mình về những niềm tin và ý thức hệ khác như là một phần trong vốn hiểu biết của mình. Đối thoại đem lại cơ hội để tìm hiểu lẫn nhau về kiến thức mà đôi bên có về chính mình và về người khác. Chính nhờ thái độ sẵn lòng lắng nghe và học hỏi lẫn nhau mà đối thoại tiến triển.

5. Đối thoại phải phát sinh những nỗ lực giáo dục trong cộng đồng.

Trong nhiều trường hợp, khi sử dụng kinh nghiệm đối thoại, Kitô hữu phải phát huy sáng kiến trong giáo dục để phục hồi hình ảnh méo mó về người lân cận đã từng tồn tại trong các cộng đồng của mình, và để nâng cao hiểu biết của Kitô hữu về những người thuộc các niềm tin và ý thức hệ khác.

Ngay cả trong những hoàn cảnh mà Kitô hữu không sống gần gũi với những người khác tôn giáo, văn hóa và ý thức hệ, thì cũng phải nghiêm túc lãnh trách nhiệm nghiên cứu và học hỏi về những truyền thống khác.

Các giáo hội thành viên nên xét xem có thể theo đuổi hoạt động nào trong những lãnh vực giáo dục sau đây:

(a) Những chương trình giảng dạy tại nhà trường, cao đẳng và những hệ thống giáo dục dành cho người trưởng thành để nâng cao hiểu biết về những truyền thống tôn giáo, văn hóa và ý thực hệ của nhân loại; ở đâu có thể, nên mời những người thuộc chính các truyền thống ấy đóng góp.

(b) Những chương trình giảng dạy tại các chủng viện và trường cao đẳng để chuẩn bị cho các thừa tác viên Kitô với nền đào tạo và sự nhạy bén cần thiết cho đối thoại liên tôn.

(c) Những quan hệ tích cực với các chương trình tại các phân khoa đại học và các phân viện cao cấp có liên hệ với việc nghiên cứu các tôn giáo.

(d) Duyệt xét nội dung đã sử dụng và những giáo huấn thường đã được dùng trong các chỉ thị tại mọi cấp độ ở các giáo hội, kể cả tại các trường cao đẳng thần học và chủng viện, loại trừ những gì là cuồng tín và dửng dưng với những người khác tôn giáo.

(e) Khai triển những nội dung tại các trường học của giáo hội để nghiên cứu về các tôn giáo khác.

(f)  Dự trù những giảng khóa cho những người có thể được sai đến với những nền văn hóa khác hoặc những người đi du lịch đến những nền văn hóa ấy để cổ võ sự hiểu biết và sự nhạy cảm hơn nữa.

(g) Phản ứng một cách có trách nhiệm đối với những sách giáo khoa và những phương tiện truyền thông có thành kiến đối với hình ảnh của người khác.

(h) Sử dụng một cách sáng tạo những phương tiện truyền thông như radio, TV… để tiếp cận với nhiều cử tọa hơn, trong nỗ lực mở rộng sự hiểu biết những người khác niềm tin và ý thức hệ.

CHIA SẺ VÀ CHUNG SỐNG TRONG ĐỐI THOẠI

6. Đối thoại là điều hệ trọng nhất khi các tham dự viên thực sự chia sẻ đời sống với nhau.

Trong các cộng đồng mà các gia đình gặp gỡ nhau và trẻ em vui chơi với nhau, cuộc đối thoại tự phát sẽ phát triển. Khi những người khác niềm tin và ý thức hệ chia sẻ với nhau những hoạt động chung, những mối quan tâm về tri thức, những vấn đề tâm linh, cuộc đối thoại có thể liên quan đến toàn bộ cuộc sống và trở thành một kiểu sống-mối-tương-quan. Hỏi han người khác niềm tin về ý nghĩa của một tập tục hay một ngày lễ quả thực là bước đầu để đi đến đối thoại.

Tất nhiên, cuộc đối thoại giữa những người lân cận lâu đời có thể vô ích bởi những nghi ngờ đã thấm sâu, và người ta sẽ không chỉ lưu tâm đến những cộng đồng mà họ tìm kiếm, mà cả những trở ngại giữa các cộng đồng hiện tại.

7. Phải theo đuổi việc đối thoại bằng cách chia sẻ những công việc chung trong cộng đồng.

Những hoạt động và kinh nghiệm chung là khung cảnh hữu ích nhất để đối thoại về những vần đề đức tin, ý thức hệ và hành động. Chính trong khi tìm kiếm một cộng đồng nhân loại công bình mà Kitô hữu và đồng loại có thể giúp nhau phá bỏ sự cô độc về văn hóa, giáo dục, chính trị và xã hội để thực hiện một xã hội đồng đều hơn. Trong những bối cảnh đặc biệt, hoạt động chung như thế sẽ phát sinh những ủy ban hoặc tổ chức liên tôn nhằm thúc đẩy loại hình đối thoại bằng hành động.

8. Những bên tham gia đối thoại cần biến đến những cam kết về ý thức hệ của mình.

Đối thoại phải giúp bộc lộ và hiểu biết những yếu tố ý thức hệ của các tôn giáo trong những hoàn cảnh đặc biệt. Khi Kitô hữu hiện diện trong những cộng đồng với những người khác niềm tin , họ có thể có những xác tín ý thức hệ chung hoặc khác biệt.

Trong những hoàn cảnh ấy, các bên cần nhạy bén cả với những chiều kích tôn giáo lẫn ý thức hệ của cuộc đối thoại đang tiến triển. Khi Kitô hữu hiện diện với những người có những xác tín ý thức hệ thế tục, thì cuộc đối thoại ít nhất sẽ trình bày những đóng góp chung để tìm kiếm những mục tiêu tạm thời cho một cộng đồng nhân loại tốt hơn. Ở đây đối thoại có thể được coi như  là một loại “đối thoại nội bộ”  nhằm tìm cách đưa đến một suy tư minh bạch và những vấn đề cần thảo luận trong cuộc gặp gỡ giữa Phúc âm với những nhân tố ý thức hệ trong các cộng đồng khác nhau nơi Kitô hữu hiện diện, cũng như với những giả định ý thức hệ của chính Kitô hữu.

9. Các bên đối thoại cần phải y thức sự trung thành về văn hóa.

Đối thoại và sự nhạy cảm với tha nhân cần phải được phát triển trong lãnh vực đức tin Kitô liên quan đến các nền văn hóa. Điều này đặc biệt áp dụng cho những nơi mà nền văn hóa truyền thống và bình dân bị các giáo hội khinh miệt và loại trừ. Không nên lãng mạn hóa một nền văn hóa hay làm thành một tuyệt đối giả mạo, nhưng nền văn hóa có thể thách đố và làm phong phú lối diễn tả của niềm tin Kitô. Sau khi đã được giải thích và phân biệt cẩn thận, các nền văn hóa địa phương có thể có những đóng góp có ý nghĩa trong các biểu tượng và phụng vụ, trong các cơ cấu xã hội, các mối tương quan, nghệ tthuật, kiến trúc và âm nhạc, khiêu vũ và kịch nghệ, thi ca và văn chương.

10. Đối thoại sẽ đưa đến vấn đề chia sẻ trong việc cử hành, nghi thức, phụng tự và chiêm niệm.

Các cộng đồng nhân loại đến với nhau, diễn tả và canh tân chính mình trong nghi thức và phụng tự, và đối thoại giả thiết một thái độ kính trọng lối diễn tả nghi thức của các cộng đồng tha nhân. Đôi khi đối thoại bao hàm việc mở rộng và đón nhận nhau như khách mời, như những người tham dự các nghi thức, lễ hội của gia đình, của cộng đoàn. Đó là những cơ hội tuyệt hảo để gia tăng sự hiểu biết lẫn nhau.

Làm việc với nhau trong các dự án và hoạt động chung hoặc thăm viếng tại gia đình hay tại các lễ hội cuối cùng sẽ đưa đến một vấn đề rất khó khăn và rất quan trọng, đó là chia sẻ đầy đủ hơn trong việc cầu nguyện, phụng tự hoặc suy niệm chung. Đây là một trong những lãnh vực đối thoại gây nhiều tranh luận nhất và cần tìm hiểu thêm nhiều nhất. Cho dù có thực hiện được hoạt động nào trong những hoạt động ấy hay không, thì các bên đối thoại vẫn muốn đối diện một cách thẳng thắn với các vấn đề đã được nêu ra, những vấn đề nhạy cảm đối với nhau và thể hiện một cách đầy đủ những giả định và hệ lụy của những gì đã được hay không được thực hiện.

THẢO KẾ HOẠCH ĐỐI THOẠI

11. Ở đâu có thể được, việc đối thoại phải được soạn thảo và thực hiện trong tinh thần đại kết.

Các giáo hội thành viên phải cộng tác vớoi nhau khi xúc tiến việc thảo kế hoạch đối thoại.Điều này có nghĩa rõ ràng là các hội đồng và các giáo hội địa phương sẽ có một ủy ban riêng về đối thoại.

12. Việc thảo kế hoạch đối thoại cần phải có những hướng dẫn của địa phương hay khu vực.

Khi các giáo hội thành viên của Hội đồng Giáo hội Thế giới xem xét, thử nghiệm và đánh giá những hướng dẫn này,  cần phải soạn thảo những tuyên ngôn và hướng dẫn để sử dụng trong những hoàn cảnh đặc biệt. Hội đồng Giáo hội Thế giới sẽ hết sức hỗ trợ các giáo hội thành viên trong những cuộc đối thoại đặc biệt bằng cách tập trung vào những nét đặc trưng có tính toàn cầu của cuộc đối thoại giữa Kitô giáo với những người khác tôn giáo và ý thức hệ. Nhằm mục đích này, HĐGHTG sẽ sắp xếp những cuộc thảo luận thích hợp ở cấp độ toàn cầu.

13. Việc đối thoại có thể được hỗ trợ bằng sự tham dự có chọn lọc những hội nghị và tổ chức liên tôn.

Hiện nay có nhiều tổ chức liên kết các tôn giáo trên thế giới và tìm cách giúp các tôn giáo ấy cộng tác nhằm những mục đích khác nhau, chẳng hạn như tranh đấu cho hoà bình và công lý trong cộng đồng và giữa các quốc gia. Kitô hữu tham dự đối thoại cần chọn lựa tham dự các hội nghị do các tổ chức này thực hiện. Các đại biểu Kitô cần bảo vệ việc nhìn nhận nhau và kính trọng sự toàn vẹn của mỗi niềm tin. Khi có dịp, Kitô hữu cần phải nêu rõ rằng sự tham dự của mình không nhất thiết là chấp nhận những giả định ngầm của một hội nghị hay tổ chức đặc biệt. Thông thường, Kitô hữu sẽ không để mình bị đồng hóa với những liên minh chống lại các tôn giáo hay ý thức hệ khác. HĐGHTG sẵn lòng cử các dự thính viên tư vấn đến các hội nghị chọn lọc loại này nhưng lúc này thì không giữ một vai trò chính thức nào trong cơ cấu tổ chức của các tổ chức liên tôn thế giới.

Để đối thoại, cần có tinh thần cởi mở với người khác. Đó là một công việc đòi phải liều cũng như phải có ý thức sâu xa về ơn gọi. Không thể làm được nếu không nhạy bén với một cuộc sống đa dạng phong hú của con người. Sự cởi mở này, việc ánh liều này, ơn gọi này, sự nhạy bén này là những điều chủ yếu của phong trào đại kết và nằm ở nhữg dòng chày sâu xa nhất trong đời sống của các giáo hội. Vì thế chính là với sư dấn thân cho tầm quan trọng của đối thoại đối với các giáo hội thành viên của HĐGHTG mà Uỷ ban Trung ương gửi bản tuyên ngôn và hướng dẫn này tới các giáo hội.