Cơ Quan Tòa Thánh

Sunday, 05 April 2020 10:51

Hội Đồng Tòa Thánh Cổ Võ Hiệp Nhất Các Kitô Hữu: Tài Liệu Hướng Dẫn Tuần Cầu Nguyện Hiệp Nhất và Năm 2014

TÀI LIỆU TUẦN CẦU NGUYỆN

CHO CÁC KITÔ HỮU HIỆP NHẤT VÀ CHO CẢ NĂM 2014

Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? (1 Cr 1,13)

 

Do Hội đồng Toà Thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu

cùng Uỷ ban Đức Tin và Hiến Pháp

của Hội đồng Đại kết các Giáo hội

đồng soạn thảo và phát hành

***

TƯỞNG NHỚ

Giáo sư Ralph Del Colle (1954-2012)

Ralph Del Colle là một giáo sư Công giáo chuyên về thần học hệ thống và là giáo sư liên kết giảng dạy thần học tại Đại học Marquette University (Milwaukee, Wisconsin, USA).

Ông qua đời ngày 29 tháng 7 năm 2012.

Từ năm 1998, ông là thành viên Tổ chức Đối thoại quốc tế giữa phái Tin lành Ngũ Tuần và Công giáo. Ông cũng tham gia các cuộc đối thoại bán chính thức giữa Giáo hội Công giáo với Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm Ngày Thứ Bảy (2001-2002) và là thành viên trong phái đoàn Công giáo tham dự Đại hội Hội đồng đại kết các Giáo hội tại Harare năm 1998. Ông luôn vui vẻ và nhiệt tình tham gia các cuộc gặp gỡ đối thoại. Ông không bao giờ tránh bất cứ một đề tài tranh luận nào và luôn biết kết hợp trực giác linh động, sáng suốt với lòng nhiệt tâm tận tụy để phục vụ chân lý. Trong suốt sự nghiệp dấn thân đại kết, ông luôn dấn thân bằng tất cả khả năng của mình với niềm xác tín chắc chắn rằng sự hiệp nhất là ý định của Chúa và phải là chọn lựa dứt khoát của mọi Kitô hữu.

Giáo sư Margaret O’Gara (1947-2012)

Margaret O’Gara là giáo sư thần học tại Đại học St Michael’s College (Toronto, Canada). Bà qua đời ngày 16 tháng 8 năm 2012, sau 2 năm chống chọi với bệnh tật. Là một giáo sư Công giáo chuyên về nhiệm vụ giáo huấn của Giáo hội và đối thoại đại kết, bà đã tích cực tham gia công việc nghiên cứu đại kết và đối thoại trong thời gian trên 35 năm. Thật vậy, bà đã được bổ nhiệm là thành viên của Uỷ ban đối thoại giữa các Môn đệ Chúa Kitô và Giáo hội Công giáo năm 1983; thành viên Uỷ ban đối thoại Tin Lành Luther và Công giáo tại Hoa Kỳ năm 1994; và thành viên Uỷ ban đối thoại Anh giáo và Công giáo tại Canada năm 2008. Ngoài ra, bà có 18 năm (1976-1993) là thành viên Tổ chức đối thoại Anh giáo và Công giáo ở Canada và 12 năm (1995-2006) là thành viên Uỷ ban quốc tế cổ võ sự hiệp nhất giữa Tin Lành Luther và Công giáo. Bà cũng là chủ tịch Viện Đại kết Bắc Mỹ và Hội Thần học Công giáo Hoa Kỳ (North American Academy of Ecumenists and Catholic Theological Society of America).

Với lòng biết ơn sâu sắc, Uỷ ban đại kết quốc tế xin dâng những người đã hết lòng dấn thân cho đại kết này cho tình yêu vô biên của Cha trên trời.

***

KÍNH GỬI TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI

TỔ CHỨC TUẦN CẦU NGUYỆN CHO CÁC KITÔ HỮU HIỆP NHẤT

 

Tìm kiếm sự hiệp nhất trong suốt cả năm

Các Giáo hội ở phía Bắc bán cầu thường tổ chức Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất từ ngày 18 đến 25 tháng Giêng. Thời điểm này do Paul Wattson đề nghị vào năm 1908 vì cho rằng đây là thời điểm bao trùm giữa lễ thánh Phêrô và lễ thánh Phaolô. Do đó, sự lựa chọn này mang tính tượng trưng. Còn các Giáo hội ở phía Nam bán cầu, vì tháng Giêng là thời gian nghỉ hè nên họ lại thích chọn một thời điểm khác, chẳng hạn vào khoảng lễ Hiện xuống (do phong trào Đức tin và Hiến pháp gợi ý vào năm 1926). Đây cũng là một thời điểm tượng trưng cho sự hiệp nhất của Giáo hội.

Chúng tôi cũng muốn duy trì tinh thần uyển chuyển này để khích lệ và mời gọi các bạn tìm hiểu tài liệu này vào các thời điểm khác nhau trong suốt cả năm, qua đó chúng ta tỏ lộ tầm mức hiệp thông mà các cộng đoàn Giáo hội đã đạt tới và cùng nhau cầu nguyện cho tới khi đạt tới sự hiệp nhất hoàn toàn như Chúa Kitô mong ước.

Thích nghi tài liệu

Đây là tài liệu được đề nghị, do vậy khi sử dụng, nếu có thể, chúng ta cố gắng thích nghi nó với thực tế ở mỗi nơi và mỗi quốc gia khác nhau. Chúng ta nên để ý đến những thực hành phụng vụ và đạo đức cũng như bối cảnh văn hoá xã hội ở mỗi địa phương. Sự thích nghi như thế thông thường là kết quả của một sự hợp tác đại kết. Trong một số quốc gia, cơ cấu đại kết đã hình thành và nó cho phép họ có thể thực hiện việc hợp tác này. Chúng tôi hy vọng việc thích nghi Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất với thực tế của các địa phương có thể tạo ra những cơ chế hợp tác đại kết ở những địa phương vẫn chưa có được.

Cách thức sử dụng tài liệu dùng cho Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất

- Đối với các Giáo hội và các cộng đoàn Kitô hữu cử hành Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất trong một nghi lễ duy nhất, thì được đề nghị dùng mẫu Cử hành đại kết phần Lời Chúa trong tài liệu này.

- Các Giáo hội và các cộng đoàn Kitô hữu cũng có thể sử dụng các bản văn được đề nghị dùng trong phần Tám Ngày và chọn phần lời nguyện ở phần phụ thêm ở cuối tập sách này làm tài liệu để cử hành cầu nguyện hay để cử hành đại kết theo Lời Chúa.

- Các Giáo hội và các cộng đoàn Kitô hữu cử hành Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất các ngày trong tuần có thể lấy bản văn Tám Ngày làm gợi ý cho việc cử hành.

- Với những anh chị em muốn tìm hiểu Kinh thánh về chủ đề Tuần cầu nguyện hiệp nhất này, anh chị em cũng có thể dựa vào các bài suy niệm Kinh thánh trong phần Tám Ngày. Các bài suy niệm mỗi ngày có thể kết thúc bằng một lời nguyện.

- Với những anh chị em muốn cầu nguyện cá nhân, anh chị em cũng có thể dùng tài liệu này để làm tài liệu cầu nguyện cho mình và anh chị em cũng được mời gọi hiệp thông với tất cả mọi người trên thế giới đang cầu nguyện cho Giáo hội Chúa Kitô có được sự hiệp nhất hữu hình rộng lớn hơn.

BẢN VĂN KINH THÁNH (1 Cr 1,1-17)

Tôi là Phaolô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su, và ông Xốt-thê-nê là người anh em của chúng tôi, kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô, những người đã được hiến thánh trong Đức Ki-tô Giê-su, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giêsu Ki-tô, là Chúa của họ và của chúng ta. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an. Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Ki-tô Giê-su. Quả vậy, trong Đức Ki-tô Giê-su, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người. Thật thế, lời chứng về Đức Ki-tô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người. Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô. Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Thưa anh em, nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau. Thật vậy, thưa anh em, người nhà của bà Khơ-lô-e cho tôi hay tin có chuyện bè phái giữa anh em. Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: “Tôi thuộc về ông Phao-lô, tôi thuộc về ông A-pô-lô, tôi thuộc về ông Kê-pha, tôi thuộc về Đức Ki-tô”. Thế ra Đức Ki-tô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phao-lô sao? Tôi tạ ơn Thiên Chúa, vì tôi đã không làm phép rửa cho ai, trừ ông Cơ-rít-pô và ông Gai-ô. Như thế, không ai nói được rằng anh em đã chịu phép rửa nhân danh tôi. À, tôi còn làm phép rửa cho gia đình Têpha-na nữa. Ngoài ra, tôi không biết có làm phép rửa cho ai khác nữa hay chăng. Quả vậy, Đức Ki-tô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Ki-tô khỏi trở nên vô hiệu.

(Bản dịch của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ).

***

DẪN VÀO CHỦ ĐỀ NĂM 2014

 

Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? (x. 1 Côrintô 1, 1-17)

1. Những người Canada chúng tôi có những khác biệt với các bạn. Chúng tôi sống trong một đất nước nổi bật bởi sự đa dạng về ngôn ngữ, văn hoá cũng như khí hậu và cách thức biểu lộ đức tin Công giáo của chúng tôi cũng rất phong phú. Chính vì sống trong môi trường phong phú đa dạng như vậy và cũng chính vì ý thức phải trung tín với lời nguyện cầu hiệp nhất mà Chúa Kitô đã cầu xin cho môn đệ, mà chúng tôi đã nghĩ đến câu hỏi đầy chất vấn của thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô: “Vậy Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư?”. Dù cho hiện tại Giáo hội chúng tôi vẫn đang chia rẽ một cách đau thương nhưng trong đức tin, chúng tôi vẫn trả lời là “không”. Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô cũng cho chúng tôi biết phải đánh giá và đón nhận những ân huệ nơi những người khác trong lúc này như thế nào dù hiện tại chúng tôi vẫn còn đang chia rẽ và điều đó càng mời gọi chúng ta dấn thân hơn nữa cho sự hiệp nhất.

2. Đất nước Canada của chúng tôi còn nổi tiếng về sự hùng vĩ của thiên nhiên: những ngọn núi, những cánh rừng, những hồ nước và những con sông, những cánh đồng mênh mông bạt ngàn lúa mì và ba mặt giáp biển. Đất nước chúng tôi trải dài từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương và từ biên giới Hoa Kỳ tới Bắc cực. Đó là miền đất nông nghiệp mầu mỡ và nhiều khoáng sản thiên nhiên.

Đất nước chúng tôi còn nổi bật về sự đa dạng sắc dân: các Dân tộc đầu tiên, dân Inuit, dân Métis và nhiều sắc dân từ khắp nơi trên thế giới đến định cư. Chúng tôi sử dụng hai ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh và tiếng Pháp, dầu vậy vẫn còn nhiều người Canada gắn bó với di sản văn hoá và ngôn ngữ nơi vùng đất tổ tiên của mình. Vẫn còn sự phân biệt về xã hội và chính trị trong đất nước chúng tôi và sự phân biệt ấy thông thường là do những yếu tố khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá và vùng miền, dù vậy chúng tôi đang dần dần gắn kết những bản sắc các dân tộc này lại thành một bản sắc Canada đa dạng lành mạnh. Miền đất đa dạng về văn hoá này còn được đa dạng phong phú hơn nữa nhờ những nghi thức thờ phượng và cử hành đặc trưng của những người Kitô hữu. Trong lá thư này, Phaolô nói với chúng ta về sự phong phú nơi chúng ta và ngài mời gọi các cộng đoàn địa phương, với tư cách Giáo hội, đừng khép kín, cũng đừng hành động chống lại nhau nhưng tốt hơn hãy nhìn ra giữa chúng ta và những người kêu cầu danh Chúa có những mối giây liên kết chặt chẽ.

3. Phaolô đã mở đầu lá thư gửi tín hữu Côrintô này một cách rất mạnh mẽ. Chúng tôi chọn đoạn mở đầu này để làm chủ đề suy tư cho năm nay. Giống như khúc dạo đầu của vở nhạc kịch hay chương mở đầu của bản giao hưởng, đoạn đầu của lá thư này đề cập đến các chủ đề mà nội dung của nó sẽ được nói đến trong phần tiếp theo của lá thư. Lá thư gồm ba phần. Cả ba phần đều đặt ra một nền tảng vững chắc nhưng cũng đều làm cho các Kitô hữu của chúng ta, những người đang được mời gọi sống và làm việc chung với nhau trong Giáo hội và trong xã hội hôm nay, phải suy nghĩ.

4. Trong phần đầu (1,1-3), Phaolô và Xốtthênê, người bạn đồng hành với ngài –nhân danh là một cộng đoàn, dù nhỏ bé nhưng là một cộng đoàn đúng nghĩa– ngỏ lời với một cộng đoàn quan trọng hơn, mạnh mẽ sâu xa hơn, đó là cộng đoàn Côrintô. Ngài gọi cộng đoàn Côrintô là Giáo hội của Thiên Chúa và như thế cộng đoàn này không chỉ có nghĩa là một chi thể của Giáo hội tức Giáo hội địa phương nhưng nó biểu lộ trọn vẹn toàn thể Giáo hội trong vùng đất này. Phaolô nhắc lại cho họ nhớ rằng họ là dân được “kêu gọi”: “kêu gọi nên thánh” không phải cách riêng rẽ, cá nhân nhưng “cùng với tất cả những ai kêu cầu danh Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, là Chúa của họ và của chúng ta, ở bất cứ nơi nào”. Câu này cũng có thể được dịch là: “ở bất cứ nơi nào họ cũng như chúng ta đang hiện diện”. Như vậy, cộng đoàn Côrintô thực sự là Giáo hội của Thiên Chúa nhưng họ cũng có liên hệ chặt chẽ với tất cả mọi người, ở bất cứ nơi đâu, kêu cầu và tuyên xưng danh Chúa. Tiếp đến, cũng giống như trong các thư khác, Phaolô gửi tới cộng đoàn những lời cầu chúc quen thuộc và mạnh mẽ đó là những lời cầu chúc ân sủng và bình an của Thiên Chúa. Từ “ân sủng” trong các thư của Phaolô thường gợi lên cho chúng ta về lòng nhân hậu của Thiên Chúa và những hồng ân mà Ngài ban cho chúng ta trong Đức Kitô và nó sẽ làm cho chúng ta nhận biết Thiên Chúa và sống quảng đại với nhau. Còn ơn “bình an” được thông ban cho chúng ta một cách dồi dào và tương giao chính là sự hiệp thông (koinonia) trong Thiên Chúa.

5. Theo bạn, ân sủng và bình an của Thiên Chúa hiện diện ở đâu trong Giáo hội địa phương của bạn, trong cộng đoàn của bạn theo nghĩa rộng và trong đất nước của các bạn? Làm thế nào bạn có thể vượt lên những lo lắng tức thời trong cộng đoàn của bạn để quan tâm đến tất cả các cộng đoàn Kitô hữu cũng như toàn thế giới?

6. Phaolô bắt đầu phần thứ hai của lá thư (1, 4-9) ngay liền sau lời kêu gọi cộng đoàn Côrintô thực thi bổn phận của họ. Trong phần này, Phaolô tạ ơn Thiên Chúa về “ân sủng mà Ngài thương ban” cho tín hữu Côrintô “trong Đức Giêsu Kitô”. Đây không phải là lời tạ ơn mang tính công thức suông nhưng là tâm tình vui mừng thực sự vì những hồng ân Chúa ban cho cộng đoàn. Phaolô tiếp tục xác quyết về những ân huệ ấy: “Quả vậy, trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện (…) khiến anh em không thiếu một ân huệ nào”. Các tín hữu Côrintô được bảo đảm là sẽ vững chắc đến cùng và Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi chúng ta đến hiệp thông (koinonia) với Con của Người và với tất cả những gì liên hệ đến đời sống thiêng liêng và xã hội của Giáo hội và các dân tộc chúng ta.

7. Là người Kitô hữu Canada, chúng tôi phải công nhận rằng chúng tôi chưa bao giờ biết vui mừng về những hồng ân Chúa ban cho các cộng đoàn Kitô hữu khác. Trong tinh thần đại kết, bản văn của thánh Phaolô dạy chúng tôi ý thức phải biết chân thành vui mừng về những hồng ân mà Thiên Chúa ban cho các cộng đoàn Kitô hữu và các dân tộc khác trên thế giới. Ngay từ những ngày đầu, những người đem đức tin Kitô giáo đến cho Canada đã tỏ ra coi thường những ân huệ và những trực giác tôn giáo của những người dân bản địa và chưa hoàn toàn đón nhận những ơn huệ mà Thiên Chúa ban qua họ.

Chúng tôi có nhiều lý do phải tạ ơn Thiên Chúa vì Chúa đã ban cho đất nước chúng tôi sự phong phú về sắc tộc và sự đa dạng về cách thức biểu lộ đức tin. Dù trong lịch sử của đất nước, chúng tôi đã nhiều lần thiếu tôn trọng lẫn nhau, chưa biết nâng đỡ nhau cho đủ, nhưng cũng như trong đất nước của các bạn và ở khắp nơi trên thế giới, chúng tôi vẫn biết ý thức xây dựng đất nước chúng tôi trên sự hợp tác và tìm kiếm hoà bình. Chúng tôi thường có khuynh hướng cho rằng mình đương nhiên được hưởng những lợi ích của thiên nhiên và ân sủng của Chúa mà chúng tôi chưa chu toàn trách nhiệm về sự thịnh vượng vật chất mà Thiên Chúa ban cho chúng tôi. Chúng tôi cũng phải cố gắng để làm sao cho những giá trị mà chúng tôi, những người dân Canada, đang thừa hưởng được trở nên hữu ích. Giống như mọi người Kitô hữu và cũng giống như các Giáo hội, chúng tôi cảm thấy được mời gọi đón nhận những ân huệ mà Thiên Chúa ban tặng cho những người anh em mình với lòng biết ơn và biểu lộ lòng biết ơn ấy một cách chân thành cũng như biết quan tâm đến mọi người trong đất nước chúng tôi và trên toàn thế giới.

8. Đâu là những lý do mà Giáo hội của bạn, cộng đoàn của bạn và đất nước của bạn phải tạ ơn Thiên Chúa? Bạn có những kinh nghiệm nào về những ân huệ tinh thần và/hay vật chất mà Chúa ban cho những người Kitô hữu khác hay những thành viên khác trong chính cộng đoàn của bạn?

9. Trong phần thứ ba (1,10-17), Phaolô ngỏ lời với tín hữu Côrintô một cách cứng rắn; ngài trách cứ họ đã làm biến dạng Tin mừng và phá vỡ sự hiệp nhất trong cộng đoàn: “Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha”. Ngay cả những người tuyên xưng Đức Kitô như là thủ lãnh của họ, Phaolô cũng không tán thành bởi vì họ nhân danh Đức Kitô nhưng là để xa cách các thành viên khác trong cộng đoàn của mình. Chúng ta không được phép kêu cầu danh Chúa Kitô để xây pháo đài bao bọc cho mình bởi vì danh của Chúa chỉ để xây dựng tình huynh đệ và sự hiệp nhất chứ không phải để gây chia rẽ. “Chúa Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi sao?”. Ở đây, Phaolô không có ý nói việc các cộng đoàn được quy tụ quanh những người có trách nhiệm của cộng đoàn là không tốt mà ông chỉ muốn nhắc nhở các cộng đoàn phải đặt căn tính nền tảng cộng đoàn mình trên Đức Kitô: “Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phaolô sao?” Những người nhà của bà Khơlôê đã thấy tình trạng chia rẽ đang xảy ra trong cộng đoàn và họ đã đưa ra ánh sáng.

10. Chính vì cộng đoàn Côrintô đang có những chia rẽ nên Phaolô mới kêu gọi họ “hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau”. Phaolô khích lệ những người đọc thư này và cộng đoàn Côrintô “tất cả hãy hợp lòng hợp ý với nhau”. Nói như thế, phải chăng có nghĩa là Phaolô muốn mọi người chỉ cử hành và làm theo một cách duy nhất? Chúng tôi không nghĩ như thế. Những câu nói này không có ý xem nhẹ trách nhiệm của Phaolô, Apôlô hay Kêpha nhưng ý muốn nói vì chúng ta đều bắt nguồn từ Đức Kitô nên chúng ta được mời gọi cùng nhau tạ ơn về những ân huệ mà Thiên Chúa thương ban tặng cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội qua những người không phải thành viên của cộng đoàn Giáo hội. Nhận ra ân huệ của Chúa nơi những người khác sẽ giúp chúng ta sát lại gần nhau hơn trong đức tin cũng như trong công cuộc truyền giáo và nó giúp chúng ta hiệp nhất với nhau, biết tôn trọng những phong phú đa dạng đúng nghĩa về cách thức thờ phượng cũng như về sự sống như Chúa Kitô đã cầu xin cùng Chúa Cha cho chúng ta.

11. Phaolô nhấn mạnh đến hai yếu tố căn bản trong căn tính của người Kitô hữu làm cho chúng ta liên kết với Chúa Kitô là phép rửa và Thập giá. Chúng ta được rửa tội không phải nhân danh Phaolô và Phaolô cũng không phải đóng đanh vào thập giá để cứu độ chúng ta; nhưng chính trong Đức Kitô mà chúng ta được hiệp nhất với nhau và chính nhờ Người mà chúng ta được sống và được cứu độ. Chúng ta không phải là không thực sự thuộc về một nhóm cụ thể nào và các Giáo hội địa phương cũng không phải là không nuôi dưỡng đức tin của chúng ta và không hướng dẫn chúng ta trở thành môn đệ của Chúa. Điều mà Phaolô cũng như chúng ta được đón nhận không chỉ đơn giản là việc chúng ta cảm nhận mình là thành viên của một Giáo hội cụ thể nào đó. Nhưng hơn thế nữa, chúng ta còn được đón nhận sứ mạng rao giảng Tin mừng, Tin mừng mà chúng ta đã vui nhận bằng đức tin. Giờ đây, chúng ta phải có nhiệm vụ chia sẻ Tin mừng ấy cho thế giới. Câu kết luận của Phaolô thúc đẩy chúng ta phải tự vấn xem mình đã dấn thân đem Tin mừng Chúa Kitô đến cho nhau chưa, hay chúng ta chỉ gieo rắc chia rẽ, thậm chí chia rẽ nhân danh Chúa Kitô, điều này –lấy lại từ Phaolô– là làm cho Thập giá Đức Kitô trở nên vô hiệu.

12. Với chúng tôi, những người Công giáo Canada, lịch sử Giáo hội chúng tôi đã từng ghi những dấu son về sự cộng tác và giúp đỡ lẫn nhau. Đó là những mẫu gương cùng nhau dấn thân, cùng nhau chia sẻ sứ vụ và cùng hiệp thông giữa các Giáo hội. Ở những nơi các Giáo hội chưa thể thực sự hiệp thông với nhau, chúng tôi thường đưa ra những thống nhất chung và cùng nhau thực hiện những công việc có sức làm chứng cho sự hiệp nhất ngày càng lớn mạnh của chúng tôi trong Chúa Kitô. Các Giáo hội chúng tôi đã cùng nhau hành động trong lãnh vực chống đói nghèo, bảo vệ công lý xã hội và một số Giáo hội của chúng tôi đã dần dần nhận ra cách thức mà chúng tôi đã đối xử với những người dân bản địa trước đây là đi ngược lại với giáo huấn Chúa Kitô. Dù đã có những tiến triển đáng mừng trên con đường hướng tới hiệp nhất mà Chúa Kitô mong ước cho chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn còn chia rẽ và bất đồng đến độ làm cho công cuộc loan báo Tin mừng bị biến dạng.

13. Chúng ta cũng nghe Phaolô nói đến nhóm người nhà của bà Khơlôe. Nhóm này đã nhận diện và chỉ ra những xung đột và chia rẽ đang tồn tại trong cộng đoàn Côrintô vào chính thời điểm bà Khơlôê là người trách nhiệm của họ. Hiện nay các Giáo hội chúng ta vẫn cần có những chứng nhân như thế trong công cuộc hoà giải và hiệp nhất. Cũng như Phaolô đã hiểu rõ hơn khi biết nghe nhóm người “một lòng một ý với nhau” trong Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ hiểu rõ hơn khi biết đối thoại với những chứng nhân này.

14. Bạn và Giáo hội của bạn dự tính làm gì để biết được mình đang một lòng một ý trong Chúa Kitô với các Giáo hội khác? Giữa các Giáo hội trong thành phố hay trong đất nước của bạn có những quan điểm khác nhau về phụng vụ, làm thế nào để việc quan tâm của bạn về các khác biệt trong những thực hành văn hoá này đạt được kết quả trong nỗ lực hướng đến sự hiệp nhất hữu hình? Đâu là sứ mạng chung mà bạn có ý định chia sẻ với các Kitô hữu khác để mọi người trong thế giới biết nhường chỗ tốt nhất cho nhau?

15. Tóm lại, nếu chúng ta nhận ra tất cả những ân huệ và phúc lành mà Thiên Chúa tặng ban cho đất nước và dân tộc chúng ta, chúng ta sẽ biết phải đối xử với nhau và cả với đất đai mà chúng ta đang sinh sống một cách trân trọng và đúng phẩm giá. Tiến trình nhận thức này giúp chúng ta nhận ra tội của mình và ăn năn chừa cải và tìm ra một lối sống mới và bền vững trên trái đất. Nó cũng giúp chúng ta hiểu rằng phúc lành của Thiên Chúa trải rộng cho tất cả chúng ta và không một phe nhóm nào trong đất nước chúng ta có toàn quyền quyết định việc sử dụng tài nguyên quốc gia mà không lắng nghe và quan tâm đến ý kiến của những người đồng bào Canada của mình.

***

CÔNG VIỆC CHUẨN BỊ TÀI LIỆU

CHO TUẦN CẦU NGUYỆN CHO CÁC KITÔ HỮU HIỆP NHẤT NĂM 2014

 

Theo lời mời của Trung tâm đại kết Canada và Trung tâm đại kết vùng Prairie, một nhóm các vị đại diện cho các tôn giáo khác nhau ở Canada đã quy tụ và thực hiện những công việc đầu tiên về chủ đề Tuần Cầu Nguyện Hiệp Nhất năm nay.

Chúng tôi đặc biệt tỏ lòng cảm ơn:

- Bà Bernice Baranowski (Trung tâm đại kết Canada, Montréal, Giáo hội Công giáo);

- Tiến sỹ Sandre Beardsall (Giáo hội thống nhất Canada), giáo sư lịch sử Giáo hội và đại kết trường Đại học St Andrew Saskatoon;

- Mục sư Michel Belzile (Baptist) cộng đoàn Giáo hội Greenborough, Toronto;

- Đức cha Donald Bolen (Giáo hội Công giáo), Giám mục Giáo phận Saskaton;

- Bà Amanda Currie (Giáo hội Trưởng lão Saskatoon, Canada), mục sư và nhân viên quản lý Giáo hội Trưởng lão miền Bắc Saskatchewan;

- Ông Nicholas Jesson (Giáo hội Công giáo) Đại diện Ban đại kết Giáo phận Saskatonn;

- Ông Norman Lévesque (Giáo hội Công giáo) giám đốc tạm quyền Trung tâm đại kết Canada, giám đốc chương trình Giáo hội Xanh;

- Thầy Phó tế Anthony Mansour (Giáo hội Chính thống Châu Mỹ) giám đốc điều hành (2006-2012) Trung tâm đại kết Canada vùng Montréal;

- Tiến sỹ David MacLachlan (mục sư Giáo hội thống nhất Canada), giáo sư chú giải Tân ước Trường Thần học Đại Tây Dương Halifax, tiểu bang Nouvelle-Écosse;

- Mục sư John Wilson (Giáo hội thống nhất Canada), thành phố Summerside, đảo Prince Edward.

Chúng tôi cũng xin cám ơn:

- Tiến sỹ Karen Hamilton (mục sư Giáo hội thống nhất Canada), tổng thư ký Hội đồng các Giáo hội Canada;

- Tiến sỹ Gilles Routhier (linh mục Giáo hội Công giáo), trưởng khoa thần học và khoa học tôn giáo Trường đại học Laval Québec;

đã giúp chúng tôi về bản thảo và những góp ý rất hữu ích cho tài liệu này.

Chúng tôi cũng biết ơn Đức cha Donald Bolen, Giám mục Saskatoon, đã cho phép thành lập nhóm chuẩn bị, và cám ơn tất cả những người đã tham gia thực hiện tài liệu của Uỷ ban đại kết quốc tế này.

Các bản văn dự thảo sau đó đã được một Uỷ ban quốc tế, do Uỷ ban Đức Tin và Hiến Pháp của Hội đồng Đại kết các Giáo hội và Hội Đồng Toà Thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu bổ nhiệm, đúc kết lại trong một lần gặp gỡ. Tháng 9 năm 2012, tại Villa Saint- Martin, trung tâm tĩnh tâm của dòng Tên ở Pierrefonds, phía tây bắc đảo Montréal, Uỷ ban này đã gặp mặt các vị đại diện của Canada. Chúng tôi đặc biệt cảm ơn Trung tâm đại kết Canada và Trung tâm đại kết vùng Prairie đã đón tiếp buổi gặp gỡ này một cách quảng đại và đã tổ chức cho chúng tôi chuyến viếng thăm Nguyện đường thánh Giuse ở Montréal. Chúng tôi cũng bày tỏ lời cảm ơn Trường đại học Mc Gill, Montréal, đã tổ chức hội nghị chuyên đề về đại kết trong những ngày chúng tôi làm việc ở Canada.

***

NGHI THỨC CỬ HÀNH ĐẠI KẾT

 

DẪN VÀO NGHI THỨC CỬ HÀNH

Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? (x. 1 Côrintô 1, 1-17)

Chúng ta quy tụ nhau trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất, để cùng nhau cầu nguyện và đáp lại lời mời gọi của Chúa là canh tân chính mình và thắt chặt mối liên kết chung giữa chúng ta với Chúa Kitô bằng lời ca tiếng hát, bằng việc lắng nghe Lời Chúa và bằng những nghi thức tượng trưng. Trong tuần cầu nguyện này, chúng ta cũng được mời gọi đọc lại và đào sâu các bài suy niệm “tám ngày” trong tương quan với đoạn Lời Chúa 1 Cr 1,1-17. Trong đoạn Lời Chúa này chúng ta bắt gặp một câu hỏi đầy chất vấn của Phaolô “Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư?” Câu hỏi này là lời mời gọi hân hoan khích lệ chúng ta cầu nguyện và lượng giá về chính mình, không chỉ với tư cách cá nhân nhưng còn với tư cách cả cộng đoàn Kitô hữu. Đoạn văn Kinh Thánh được chọn, cũng như diễn tiến nghi thức cử hành của Tuần cầu nguyện năm nay cũng đưa ra cho chúng ta lời chất vấn ấy trong bối cảnh thời đại mới của chúng ta.

Sau đây là một vài khía cạnh đặc biệt cần phải có sự chuẩn bị trước trong nghi thức cử hành năm nay.

Phần quy tụ cộng đoàn được lồng vào một lời mời gọi cầu nguyện theo cách thức của người Da đỏ ở Canada. Các tín hữu kết vòng tròn hướng về nhau. Trong lúc cử hành, các bạn sắp xếp ngồi theo các hướng để làm sao trong suốt thời gian cầu nguyện, các thành viên có thể quay đi quay lại theo hướng kim đồng hồ. Sau đó, họ sẽ phải quay theo chiều “quay lên” và “quay xuống” như đã chỉ dẫn. Các bạn có thể thay đổi lời cầu nguyện cho phù hợp với thực tế địa lý của đất nước các bạn.

Nghi thức các Giáo hội trao cho nhau những ân huệ thiêng liêng là cách thức trả lời cho câu hỏi đầy lo lắng mà Phaolô đã chất vấn các tín hữu Côrintô đang chia rẽ thành bè phái đối lập nhau: Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? Chúng ta không thể tiếp tục sống cô lập trong chính các cộng đoàn Kitô hữu của mình mà lại cho rằng mình có sự hiệp nhất. Chúng ta phải sẵn sàng đón nhận những ân huệ của nhau, phải thấy được ý nghĩa sâu xa của món quà mà chúng ta trao tặng cho nhau. Điều này đòi hỏi chúng ta phải biết coi trọng người khác và thấy được những đặc sủng nơi họ  chính là sự phong phú trong Thân Mình Chúa Kitô. Nghi thức “trao đổi” này cần được diễn nghĩa cụ thể và cần có sự chuẩn bị trước.

CHÚNG TÔI CÓ MẤY GỢI Ý NHƯ SAU:

1. Chúng ta nên mời những người đại diện các Giáo hội trong khu vực cùng suy tư về những “ân huệ” mà mọi người cùng được lãnh nhận. Mục đích là để cùng nhau nhận định về những ân huệ mà mỗi cộng đoàn trao tặng và các cộng đoàn khác có thể “đón nhận”.

2. Lý tưởng hơn, các bạn nên tìm một đồ vật tượng trưng cho mỗi ân huệ và đưa lên trong phần “Các Giáo hội trao nhau các ân huệ thiêng liêng”.

3. Trong lúc đưa các đồ vật biểu tượng lên, có thể dẫn nghĩa theo hình thức tương tự như sau: “Chúng tôi là Giáo hội ………, chúng tôi tạ ơn vì được đón nhận ân huệ của ……… tượng trưng bằng ………”.

Phần “Các Giáo hội trao nhau các ân huệ thiêng liêng” này dĩ nhiên có thể thích nghi với bối cảnh địa phương.

Các lời nguyện làm nổi bật “Tám Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ” của Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi khuyến khích các bạn nên in những lời nguyện này cho cộng đoàn để mỗi người có thể nhận ra những mục tiêu đặc biệt mà những lời cầu nguyện này muốn nhắm đến.

Các bạn ghi nhớ là tám câu đáp trong phần “dấn thân cho hiệp nhất” tương đương với tám chủ đề của “Tám ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất” ở phần sau của tài liệu này.

Người ta thường nói “hát là cầu nguyện hai lần”. Chúng tôi giới thiệu một số bài hát trong danh sách các bài thánh ca Canada do các tác giả và nhạc sĩ đã được chỉ định đặc biệt để sáng tác các bài thánh ca cho Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất năm 2014. Các bạn có thể tìm một số bài hát bằng tiếng Pháp tại địa chỉ www.ecumenism.net/music. Chúng tôi hy vọng các bạn sẽ dành nhiều chỗ cho phần thánh ca trong phần nghi thức cử hành đại kết.

DIỄN TIẾN NGHI THỨC CỬ HÀNH

Cs: Chủ sự

Cđ: Cộng đoàn

I. QUY TỤ NHAU TRONG NIỀM HY VỌNG VÀ TINH THẦN HIỆP NHẤT

1. Bài hát bắt đầu đoàn rước: Chủ sự và những người khác có thể đi vào đoàn rước.

2. Quy tụ cộng đoàn:

Cs: Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta và của Đức Giêsu Kitô ở cùng anh chị em! (1Cr 1,3).

Anh chị em thân mến,

Nghi thức cử hành này được soạn thảo ở Canada. Trong ngôn ngữ của một số thành viên các Dân tộc đầu tiên Da đỏ và của dân Iroquois, từ “Canada” có nghĩa là “ngôi làng”. Là các thành viên trong một gia đình Thiên Chúa, tất cả các Kitô hữu chúng ta sống với nhau trên thế giới như trong một “ngôi làng”. Khi các Kitô hữu cùng nhau cầu nguyện là chúng ta liên kết với nhau trong một ngôi làng toàn cầu rộng lớn đầy xinh đẹp, đầy sức mạnh và đầy niềm hy vọng. Chúng ta hãy hiệp thông với nhau trong lời cầu nguyện nhờ ân sủng của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần.

Cđ: Amen.

Cs: Lạy Chúa là Đấng yêu thương, Chúa đã mời gọi chúng con đến từ khắp nơi, gia đình và công sở, hầm mỏ và xí nghiệp, trên cánh đồng và trong cửa hiệu, trên tầu đánh cá và trên đồng cỏ nuôi đàn gia súc, trường học và bệnh viện, nhà tù và trại giam, để chúng con hiệp thông huynh đệ với nhau trong Chúa Kitô.

Cđ: Xin làm cho chúng con nên một trong Chúa Kitô.

Cs: Các Dân tộc đầu tiên của Canada vẫn duy trì một nghi thức cầu nguyện cổ kính: họ hướng về các phía để cầu nguyện. Cùng với họ, giờ đây, chúng ta hãy hướng về các phía cùng nhau hiệp thông cầu nguyện.

- Hướng về phía Đông

Cs: Từ hướng Đông, hướng mặt trời mọc, chúng ta đón nhận sự an bình, ánh sáng, sự khôn ngoan và hiểu biết.

Cđ: Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa về những ân huệ này!

- Hướng về phía Nam

Cs: Từ hướng Nam, chúng ta đón nhận hơi ấm, lời khuyên dạy, sự khởi đầu và kết thúc cuộc đời.

Cđ: Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa về những ân huệ này!

- Hướng về phía Tây

Cs: Từ hướng Tây, chúng ta đón nhận những cơn mưa, những nguồn nước được thanh lọc nuôi dưỡng mọi loài có sự sống.

Cđ: Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa về những ân huệ này!

- Hướng về phía Bắc

Cs: Từ hướng Bắc, chúng ta đón nhận gió lạnh, gió bão, tuyết trắng làm cho chúng ta trở nên mạnh mẽ và kiên cường.

Cđ: Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa về những ân huệ này!

- Hướng về phía trước và hướng lên cao

Cs: Từ trời cao, chúng ta đón nhận bóng tối, ánh sáng và khí thở.

Cđ: Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa về những ân huệ này!

- Nhìn xuống đất

Cs: Đất là nơi chúng ta xuất phát và là nơi chúng ta sẽ trở về.

Cđ: Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã tạo dựng mọi loài và đã ban cho chúng con trái đất làm nơi cư ngụ.

Cs: Lạy Chúa, chúng con mong ước được bước đi trên những con đường ngay thẳng và sống với nhau trên trái đất thực sự như những người anh chị em cùng chia sẻ niềm vui khi đón nhận những ơn lành và cảm thông với nhau trong lúc gặp đau khổ nhân danh Đức Giêsu cùng với Thánh Thần ban sự sống và đổi mới mặt địa cầu.

Cđ: Amen.

3. Bài hát ca ngợi

- Cầu nguyện sám hối

Cs: Được lời thánh Phaolô kêu mời cộng đoàn Côrintô nhắc bảo, chúng ta hãy thú nhận tội lỗi chúng ta.

Lạy Chúa là Đấng vô cùng nhân hậu, trong sự hiệp thông với Đức Giêsu Kitô, Chúa đã làm cho chúng con nên phong phú nhờ ân huệ của tiếng nói và hiểu biết mà Ngài tặng ban cho chúng con. Nhưng chúng con lại thường kiêu căng tự gán cho mình mà không nhận ra Chúa mới là nguồn gốc đích thực của những ân huệ ấy. Lạy Chúa xin tha thứ cho chúng con.

Cđ: Lạy Chúa xin tha thứ cho chúng con! (hay hát) Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Cs: Lạy Chúa là Đấng ban ân sủng, trong Đức Kitô, Chúa ban cho chúng con không thiếu một ân huệ thiêng liêng nào. Nhưng chúng con lại quá nhát đảm hay quá lo lắng không dám chia sẻ những điều kỳ diệu của sứ điệp đem lại sự sống này cho mọi người chung quanh chúng con.

Cđ: Lạy Chúa xin tha thứ cho chúng con!

Cs: Lạy Chúa là Đấng tốt lành, Chúa đã mời gọi chúng con kết tình huynh đệ với Con Một Chúa là Đức Giêsu Kitô. Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con vì chúng con còn chưa nhiệt tâm hiệp nhất trong cùng một tinh thần, chưa nhiệt tâm hướng đến cùng một mục đích; và vì chúng con vẫn còn để chia rẽ và cãi cọ tồn tại giữa chúng con.

Cđ: Lạy Chúa xin tha thứ cho chúng con! 

Cs: Lạy Chúa là Đấng vô cùng nhân hậu, Chúa luôn trung tín đoái nhìn đến cả sự yếu đuối của chúng con. Chúng con xin Chúa tha thứ vì chúng con yếu hèn và vì chúng con dễ dàng chia rẽ nhau. Xin Chúa dùng ơn sủng Chúa Thánh Thần mà đổi mới lòng nhiệt thành của chúng con để chúng con can đảm dấn thân vào những đường hướng bền vững là đường hướng tôn vinh giao ước hiệp nhất giữa chúng con với Chúa, với tha nhân và với mọi loài thụ tạo.

Cđ: Amen.

II. CHÚNG TA LẮNG NGHE LỜI CHÚA

- Đọc lời Chúa : Is 57, 14-19; Tv 36, 5-10; 1 Cr 1,1-17; Mc 9,33-41

- Bài giảng

III. CHÚNG TA ĐÁP LẠI LỜI CHÚA BẰNG ĐỨC TIN VÀ TÌNH HIỆP NHẤT

- Tuyên xưng đức tin

Có thể sử dụng Kinh Tin Kính Công đồng Nixêa- Constantinopoli, Kinh Tin Kính các Tông đồ hay một cách thức tuyên xưng đức tin khác.

- Bài hát về đức tin và tinh thần dấn thân

- Nghi thức các Giáo hội trao cho nhau những món quà thiêng liêng 

Những người chịu trách nhiệm chuẩn bị nghi thức này nên gặp nhau trước để suy tư về những ân huệ trong các Giáo hội nơi cộng đoàn mình. Các ân huệ có thể là các ân huệ của Giáo hội địa phương hay rộng hơn là các ân huệ trong truyền thống đức tin riêng của mình. Những ân huệ mà những người đại diện cho các truyền thống Giáo hội mang đến cho toàn thể cộng đoàn Kitô hữu được tượng trưng bằng những món quà. Những món quà này được đem lên phía trước và đặt trên một cái bàn. Người chủ sự có thể giới thiệu những món quà này theo hình thức sau đây hoặc một hình thức tương tự.

Cs: Chúng tôi là Giáo hội ………, chúng tôi tạ ơn vì được đón nhận ân sủng của ……… tượng trưng bằng……….

Cđ: Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì những ân huệ này!

- Trao bình an

Cs: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các Tông đồ rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an của Thầy cho anh em”. Xin đừng chấp tội chúng con nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội thánh Chúa và xin đoái thương ban cho chúng con được bình an và hiệp nhất của Nước Trời là nơi Chúa hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Cđ: Amen.

- Lời nguyện

Tất cả các Giáo hội ở Canada đều thông qua “Tám Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ” của Liên Hợp Quốc. Các lời nguyện sau đây có ý nói với Chúa về các mục tiêu này. 

Cs: Chúng ta cầu nguyện cho tất cả những anh chị em hằng ngày vẫn phải chịu cảnh nghèo khổ và đói khát. Cuộc sống bấp bênh của họ thường là nguyên nhân dẫn đến chia rẽ; xin tình yêu Chúa Kitô ban lại công lý và an bình. Lạy Chúa nhân từ, xin nghe lời chúng con cầu nguyện.

Cđ: Xin Chúa thương nhận lời chúng con. 

Cs: Chúng ta cầu nguyện cho những anh chị em đang tranh đấu cho mọi người được quyền học tập. Ước gì lòng khát khao tri thức của họ là những cây cầu bắc nhịp để các Giáo hội của chúng ta gặp gỡ nhau và tôn trọng những khác biệt của nhau. Lạy Chúa nhân từ, xin nghe lời chúng con cầu nguyện.

Cđ: Xin Chúa thương nhận lời chúng con. 

Cs: Chúng ta cầu nguyện cho những anh chị em đang tranh đấu để bảo vệ nhân phẩm và quyền bình đẳng nam nữ. Chúng ta hãy tôn vinh hình ảnh của Thiên Chúa nơi người nữ và người nam. Chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho mọi người được bình đẳng khi đi xin việc, khi đi mua hàng và khi đến các với dịch vụ. Như vậy khi chúng ta trở nên một trong Chúa Giêsu Kitô, chúng ta sẽ được lãnh nhận tất cả những ân huệ của tất cả mọi người, nam cũng như nữ. Lạy Chúa nhân từ, xin nghe lời chúng con cầu nguyện.

Cđ: Xin Chúa thương nhận lời chúng con. 

Cs: Chúng ta cầu nguyện cho các trẻ em bị bệnh tật và cho tất cả những người mong muốn cải thiện sức khỏe cho các em. Khi chúng ta chăm sóc các em là chúng ta tiếp đón chính Chúa Giêsu. Lạy Chúa nhân từ, xin nghe lời chúng con cầu nguyện.

Cđ: Xin Chúa thương nhận lời chúng con. 

Cs: Chúng ta cầu nguyện cho tất cả các phụ nữ đang mang thai và cho sức khỏe của các bà mẹ. Chúng ta hãy quan tâm đến các phụ nữ này, những người đang mang nơi mình một sự sống mới, và tình yêu của họ dành cho đứa con nhắc nhớ chúng ta về tình yêu Thiên Chúa hiệp nhất chúng ta. Lạy Chúa nhân từ, xin nghe lời chúng con cầu nguyện.

Cđ: Xin Chúa thương nhận lời chúng con. 

Cs: Chúng ta cầu nguyện cho những anh chị em đang phải chiến đấu với bệnh HIV/ AIDS, bệnh sốt rét và những bệnh tật khác. Chúng ta hãy để tai nghe tiếng của tất cả những người bị từ chối nhân phẩm và chúng ta hãy chung tay xây dựng một thế giới trong đó mọi người đều được tôn trọng, được chăm sóc và không ai bị loại trừ. Lạy Chúa nhân từ, xin nghe lời chúng con cầu nguyện.

Cđ: Xin Chúa thương nhận lời chúng con.  

Cs: Chúng ta cầu nguyện cho những anh chị em đang phải gánh chịu hậu quả do việc quản lý môi trường tồi tệ và cho tất cả các loài đang bị đe doạ. Xin Chúa hướng dẫn chúng ta biết duy trì một môi trường bền vững để chúng ta được giải hoà với thụ tạo. Lạy Chúa nhân từ, xin nghe lời chúng con cầu nguyện.

Cđ: Xin Chúa thương nhận lời chúng con.  

Cs: Chúng ta cầu nguyện cho những anh chị em đang xây dựng một tinh thần liên đới không biên giới và một quan hệ đối tác toàn cầu. Khi chúng ta thúc đẩy thương mại công bằng và khi chúng ta xoá nợ cho các quốc gia nghèo nhất là chúng ta đang hướng đến công bình. Lạy Chúa nhân từ, xin nghe lời chúng con cầu nguyện.

Cđ: Xin Chúa thương nhận lời chúng con. 

Cs: Lạy Chúa, trong khi chúng con cố gắng thực hiện các mục tiêu này, xin cho chúng con nhận ra ý Chúa và cùng nhau hướng tới Vương quốc Nước Trời là vương quốc mà Chúa cầu xin cho chúng con và là vương quốc mà chúng cầu xin trong Kinh Lạy Cha. (đọc hay hát Kinh Lạy Cha).

- Chúc bình an

Cs: Khi những người Pháp đến Canada vào thế kỷ thứ XVI và XVII, họ đã tìm ra một vùng đất giàu tài nguyên và họ đã được các Dân tộc Đầu tiên giúp đỡ. Để tỏ lòng tri ân, người sáng lập nên thành phố Québec đã đặt tên con tàu của ông là “Ân huệ của Chúa”.

Trong một số nghi thức Thánh lễ được phép sử dụng ở Canada, chủ sự mời gọi giáo dân đến hiệp lễ như sau: “Đây là những ân huệ Thiên Chúa ban cho dân Người”. Sự hiệp nhất mà chúng ta cầu nguyện hôm nay chính là sự hiệp thông mà chúng ta bày tỏ qua việc chia sẻ cùng một bàn tiệc Thánh Thể trong Giáo hội. Tuy nhiên, ngay khi chúng ta còn đang bước trên đường hướng tới sự hiệp nhất hữu hình ấy, chúng ta hãy trao ban cho nhau và đón nhận của nhau những ân huệ Thiên Chúa ban cho dân Người. 

Thành ngữ “Ân huệ của Chúa” hiện đang sống lại một cách mạnh mẽ trong các cộng đoàn Kitô hữu và trong văn hoá quần chúng ở vùng Québec nói tiếng Pháp. Nó gợi lại tâm tình biết ơn về những ân huệ mà Thiên Chúa ban tặng, di sản này họ được kế thừa từ khi tổ tiên của họ cùng với các Dân tộc Đầu tiên ở Canada chia sẻ cho nhau những ân huệ của Thiên Chúa trong tâm tình cảm tạ. Chúng ta hãy nói với người bên cạnh “Ân huệ của Chúa” để chúc bình an cho nhau và để tỏ lòng biết ơn về những ân huệ mà chúng ta trao cho nhau.

Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau bằng cách ôm hôn, cúi chào hay bắt tay và nói với nhau: “Ân huệ của Chúa”

Cđ: “Ân huệ của Chúa”.

Hát dâng lễ vật (trong khi hát, có thể quyên tiền)

IV. CHÚNG TA CAN ĐẢM ĐẾN VỚI THẾ GIỚI

- Dấn thân cho hiệp nhất

Cs: Xưa Phaolô đã thách đố các Kitô hữu Côrintô để biết lòng của họ và để họ chứng minh rằng Đức Kitô không bị chia năm xẻ bảy bằng việc làm cụ thể. Nay ngài cũng thách đố chúng ta thể hiện sự hiệp nhất mà chúng ta đã có được trong Đức Kitô một cách sâu xa hơn và rõ ràng hơn.

Cùng với tất cả mọi người kêu cầu danh Chúa Giêsu Kitô ở khắp nơi,

Cđ: Chúng ta được kêu gọi cùng nhau nên thánh.

Cs: Chúa chúc lành cho chúng ta bằng nhiều cách, Cđ: Chúng ta cùng tạ ơn Chúa cho nhau.

Cs: Chúa đã ban cho chúng ta tràn đầy phúc lành của Người khi chúng ta hiệp thông với nhau trong Đức Giêsu Kitô, 

Cđ: Tất cả chúng ta không thiếu ân huệ thiêng liêng nào.

Cs: Chúng ta tin tưởng vào Chúa là Đấng sẽ gia tăng lòng mến và tinh thần phục vụ cho chúng ta, Cđ: Chúng ta cùng nhau tuyên xưng Chúa là Đấng Trung thành.

Cs: Đức Giêsu Kitô đón nhận tất cả chúng ta,

Cđ: Chúng ta đều được mời gọi cùng nhau đến hiệp thông với Ngài.

Cs: Chúng ta hiệp nhất với nhau một lòng một ý, Cđ: Chúng ta cùng sống hoà thuận với nhau. 

Cs: Chúng ta hãy vượt lên những tranh cãi về Đấng chịu đóng đinh vì chúng ta,

Cđ: Bởi vì tất cả chúng ta đều thuộc về Chúa Kitô.

Cs: Chúa Kitô đã bị chia năm xẻ bảy ư?

Cđ: Không! Chúng ta hãy cùng nhau đi khắp thế gian loan báo Tin mừng của Người!

- Bài hát sai đi

Phép lành và nghi thức sai đi

Phép lành có thể được nhiều người dẫn nghi thức cùng ban theo công thức sau đây:

Cs: Chúa ở cùng anh chị em!

Cđ: Và ở cùng Cha.

Cs: Xin tình yêu của Chúa Giêsu lôi kéo anh chị em đến với Ngài. Xin sức mạnh của Chúa Giêsu củng cố anh chị em dấn thân phục vụ Ngài. Xin niềm vui của Chúa Giêsu tràn ngập tâm hồn anh chị em và xin phúc lành của Thiên Chúa toàn năng là Cha và Con và Thánh Thần ở cùng anh chị em và ở lại luôn mãi.

Cđ: Amen!

Cs: Chúc anh chị em đi bình an, để yêu thương mọi người và được mọi người thương yêu, để đón nhận mọi người và thuộc về mọi người, để phục vụ mọi người và được vui thoả. 

Cđ: Tạ ơn Chúa!

- Dạo nhạc 
 

***

SUY NIỆM KINH THÁNH

VÀ LỜI NGUYỆN TRONG TÁM NGÀY


NGÀY THỨ NHẤT

Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh

Lời Chúa

Xh 19,3-8: Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế và một dân thánh.
Tv 95,1-7: Còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.
1 Pr 2,9-10: Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa
Mt 12,46-50: Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.

Suy niệm

Vì tất cả chúng ta đều kêu cầu danh Chúa Kitô, đều được hiến thánh trong Chúa Kitô (1 Cr 1,2) nên tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh. Trong sách Xuất Hành, Chúa đã quy tụ dân Chúa thành dân riêng của Ngài, thành một vương quốc tư tế và một dân thánh.

Thư thứ nhất của thánh Phêrô Tông đồ cho biết sở dĩ chúng ta được tham dự vào mầu nhiệm hiệp thông các thánh là vì Chúa kêu gọi tất cả chúng ta, là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Người. Lời mời gọi này đi đôi với một sứ mạng đó là tất cả chúng ta đều phải loan truyền những kỳ công của Chúa, Đấng đã gọi chúng ta ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền.

Hơn nữa, trong Tin mừng Matthêu, chúng ta sẽ khám phá ra rằng vì chúng ta hiệp thông với nhau trong cộng đoàn các thánh, nên sự hiệp nhất của chúng ta trong Đức Giêsu phải vượt lên phạm vi gia đình, gia tộc hay giai cấp xã hội vì tất cả chúng ta đều cầu nguyện cho sự hiệp nhất và chúng ta đều đi tìm thi hành ý Chúa.

Gợi ý suy tư

- Bạn và truyền thống Giáo hội của bạn hiểu thuật ngữ “hiệp thông các thánh” như thế nào?

- Chúng ta được kêu trở nên một “dân thánh”. Lời mời gọi này buộc chúng ta phải vượt lên căn tính Kitô giáo địa phương của mình thế nào?

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chính khi chúng con chia rẽ nhau, chúng con, cùng với mọi người kêu cầu danh Chúa, lại được Chúa kêu mời nên thánh. Mặc cho tất cả mọi sự nơi chúng con, Chúa vẫn làm cho chúng con nên giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, một dân thánh. Nhờ sức mạnh của Thánh Thần, Chúa lôi kéo tất cả chúng con vào hiệp thông trong dân thánh và tăng sức cho chúng con để chúng con thi hành ý Chúa và loan truyền những kỳ công của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

NGÀY THỨ HAI

Chúng ta phải cùng nhau tạ ơn Chúa vì những ân huệ Ngài tuôn đổ trên tất cả chúng ta

Lời Chúa

Đnl 26,1-11: Thiên Chúa đã đưa chúng ta ra khỏi Ai Cập.
Tv 100: Hãy tạ ơn Chúa, chúc tụng danh Ngài.
Pl 1,3-11: Tôi cảm tạ Thiên Chúa của tôi mỗi lần nhớ đến anh em.
Ga 1,1-18: Ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có.

Suy niệm

Theo sách Đệ Nhị Luật, lòng biết ơn Thiên Chúa được thể hiện qua việc người ta ý thức một cách sống động về sự hiện diện của Ngài nơi mình và xung quanh mình. Đó là khả năng nhận biết ân sủng của Thiên Chúa vẫn đang thực hiện và sống động trong mỗi người chúng ta cũng như trong mọi dân tộc ở khắp nơi và dâng lời cảm tạ Ngài. Niềm vui xuất phát từ việc nhận biết này to lớn đến nỗi nó trải rộng cả đến với những “người ngoại kiều sống giữa anh em”.

Trong lãnh vực đại kết, thì lòng biết ơn Thiên Chúa chính là thái độ sẵn sàng đón nhận những ân sủng của Ngài, hiện diện trong các cộng đoàn Kitô hữu khác, là biết trao tặng cho họ những ân huệ mà mình đã đón nhận và là khả năng biết học hỏi lẫn nhau.

Từ sáng tạo cho đến lúc Thiên Chúa làm người nơi cuộc đời và hoạt động của Đức Giêsu và cho đến hôm nay thì sự sống vẫn hoàn toàn là quà tặng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa về món quà ân sủng và sự thật mà Người đã thương ban cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô và được thể hiện giữa chúng ta và trong các Giáo hội của chúng ta.

Gợi ý suy tư

- Chúng ta đã đón nhận những quà tặng ân sủng nào của Thiên Chúa nơi các truyền thống Giáo hội khác vào các cộng đoàn riêng của mình?

- Làm thế nào để các Kitô hữu thuộc các truyền thống khác nhau có thể đón nhận và chia sẻ cho nhau nhiều hơn các ân huệ phong phú đa dạng mà Thiên Chúa tặng ban cho mỗi người chúng ta?

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa là Đấng rất yêu thương và đầy lòng nhân hậu, chúng con tạ ơn Chúa về những ơn lành chúng con đã lãnh nhận do ân sủng Chúa ban nơi truyền thống của chúng con và trong các truyền thống Giáo hội khác. Nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, xin làm cho lòng biết ơn của chúng con ngày càng lớn mạnh qua các cuộc gặp gỡ và qua cảm nghiệm không ngừng đổi mới về hồng ân hiệp nhất. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

NGÀY THỨ BA

Tất cả chúng ta không thiếu bất cứ một ân huệ nào

Lời Chúa

G 28,20-28: Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan.
Tv 145,10-21: Khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê.
Ep 4,7-13: Mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Kitô ban cho.
Mc 8,14-21: Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh?

Suy niệm

Gióp ý thức rằng mặc dù ông đã bị lấy đi cả nhưng ông vẫn còn lòng kính sợ Thiên Chúa là sự khôn ngoan của ông. Mặc dù chúng ta bị thiệt thòi do chúng ta chia rẽ nhau nhưng tất cả chúng ta, những người anh chị em thuộc các Giáo hội khác nhau trong Chúa Kitô, chúng ta vẫn được lãnh nhận rất nhiều ơn lành khác nhau, tinh thần cũng như vật chất, để xây dựng Thân Thể của Người. 

Nhưng cũng hoàn toàn giống như các môn đệ trong Tin mừng Marcô ngày xưa, dù đã được Thiên Chúa hứa ban và dù đã được chứng kiến cuộc đời và lòng yêu thương quảng đại của Đức Giêsu, nhưng chúng ta vẫn lãng quên sự giàu có đích thực của chúng ta: chúng ta vẫn tranh giành nhau, chúng ta vẫn lo tích trữ, chúng ta vẫn nói và chúng ta hành động như thể chúng ta “không có bánh”. 

Đức Kitô đã không bị chia năm xẻ bảy: tất cả chúng ta đều có đủ ân huệ để chia sẻ cho nhau và với “tất cả các loài sống động trên trần gian”.

Gợi ý suy tư

- Chúng ta đã lãng quên những ân huệ dồi dào của Thiên Chúa và chúng ta đã tuyên bố “chúng tôi không có bánh” như thế nào?

- Làm thế nào chúng ta có thể chia sẻ tốt hơn những ân huệ tinh thần và vật chất mà Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta để những người khác dễ dàng lãnh nhận?

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa trung tín và luôn rộng mở đôi tay, chúng con chúc tụng Chúa đã tuôn đổ trên tất cả chúng con tràn đầy những ân huệ thiêng liêng cần thiết để chúng con đạt tới tầm viên mãn của Đức Kitô: ơn khôn ngoan, ơn phục vụ và bánh ăn mà Ngài ban tặng cho chúng con. Xin giúp chúng con trở nên dấu chỉ bày tỏ các ân huệ dồi dào của Chúa và xin quy tụ chúng con trong hiệp nhất để chúng con có thể thông truyền những ơn lành trong Nước vĩnh cửu của Chúa cho bất cứ nơi nào vẫn còn khổ đau và thiếu thốn. Xin đổ đầy Thần Khí vào lòng chúng con. Chúng con cầu xin Cha ơn ấy nhân danh Đấng đã trao nộp mạng sống làm bánh trường sinh cho chúng con bây giờ và cho đến muôn thuở muôn đời. Amen.

NGÀY THỨ TƯ

Tất cả chúng ta cùng xác tín Thiên Chúa là Đấng trung thành

Lời Chúa

Ai ca 3,19-26: Lượng từ bi của Chúa đâu đã cạn!
Tv 57,7-11: Lòng thành tín của Chúa vượt ngàn mây thẳm.
Dt 10,19-25: Đấng đã hứa là Đấng trung tín.
Lc 1,67-75: Ngài đã tỏ bày lòng nhân nghĩa với tổ tiên chúng ta.

Suy niệm

Sự hiệp nhất vĩnh cửu giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta gần gũi hơn với tình yêu của Thiên Chúa và mời gọi chúng ta tham gia vào công trình yêu thương, nhân hậu và công lý của Ngài nơi trần gian. Nơi Thiên Chúa, lòng nhân hậu và công lý không tách rời nhau nhưng kết hợp với nhau trong tình yêu không lay chuyển mà Thiên Chúa đã tỏ bày cho chúng ta khi Ngài giao ước với chúng ta và với muôn loài thụ tạo.

Vừa khi trở thành cha của con trẻ, Dacaria chứng thực rằng Thiên Chúa nhân hậu đã tỏ mình ra và Ngài giữ lời hứa với tổ phụ Abraham và dòng dõi của ông. Thiên Chúa trung thành với giao ước thánh của Ngài. 

Trong khi chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo hội, chúng ta đừng lãng quên việc gặp gỡ nhau, động viên nhau để khích lệ nhau trong tình yêu và những việc thiện và để tái khẳng định rằng “Thiên Chúa trung thành”.

Gợi ý suy tư

- Bạn có nhận thấy Thiên Chúa trung thành với khía cạnh nào trong đời sống của bạn và của cộng đoàn bạn trong năm vừa qua?

- Lòng trung thành của Chúa khích lệ chúng ta tiếp tục tìm kiếm sự hiệp nhất các Kitô hữu thế nào?

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa trung thành, chúng con cảm tạ Chúa đã thương ban cho chúng con một tình yêu không lay chuyển và lòng trung tín vượt ngàn mây thẳm. Trong khi chúng con hân hoan hy vọng chờ đợi sự hiệp nhất hữu hình của Giáo hội, và trong khi chúng con cùng nhau làm việc và cầu nguyện để tiến tới sự hiệp nhất ấy, xin cho chúng con tràn đầy tin tưởng vào lời hứa của Ngài. Chúng con cầu xin Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa duy nhất bây giờ và cho đến muôn thuở muôn đời. Amen. 

NGÀY THỨ NĂM

Tất cả chúng ta đều được kêu gọi hiệp thông với nhau

Lời Chúa

Is 43,1-7: Ta sẽ ở với ngươi.
Tv 133: Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau.
1 Ga 1,3-7: Chúng ta hiệp thông với nhau.
Ga 15,12-17: Thầy gọi anh em là bạn.

Suy niệm

Chúng ta được kêu gọi đến hiệp thông với Thiên Chúa là Cha và Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài và Chúa Thánh Thần. Khi chúng ta tiến lại gần Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta sẽ xích lại gần nhau trong sự hiệp nhất Kitô hữu.

Mối tương quan giữa chúng ta với Chúa Kitô đã được Ngài biến đổi khi Ngài gọi chúng ta là bạn hữu chứ không còn là tôi tớ. Chúng ta cũng được mời gọi đừng thể hiện quyền lực và thống trị nhau nhưng dành cho nhau tình huynh đệ và tình yêu thương. 

Đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu, chúng ta hãy làm chứng về Tin mừng cho những người chưa hề được nghe nói về Tin mừng cũng như những người sống ở những nơi mà Tin mừng đã được loan báo. Lời mời gọi loan báo Tin mừng này đi đôi với lời mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa và thiết lập nên mối hiệp thông giữa những người đáp lời mời gọi của Chúa loan báo Tin mừng.

Gợi ý suy tư

- Bạn đã cảm nghiệm được lời mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa thế nào?

- Thiên Chúa đã kêu mời bạn hiệp thông với anh chị em khác trong và cả ngoài Giáo hội của bạn thế nào?

Lời nguyện

Lạy Chúa Cha rất mực yêu thương, Cha đã mời gọi chúng con đến hiệp thông với Con Cha và Cha đã chọn chúng con để chúng con mang lại hoa trái hầu làm chứng cho Tin mừng. Nhờ ơn sủng Thánh Thần Chúa, xin làm chúng con biết yêu thương nhau và luôn hiệp nhất với nhau để niềm vui của chúng con được nên trọn vẹn. Amen.

NGÀY THỨ SÁU

Tất cả chúng ta cùng nhau nên một lòng một ý

Lời Chúa

Tl 4,1-9: Nếu bà đi với tôi thì tôi đi. 
Tv 34,1-14: Hãy tìm kiếm và theo đuổi bình an. 
1Cr 1,10-15: Hãy sống hoà thuận một lòng một ý với nhau.
Lc 22,24-30: Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất.

Suy niệm

Chuyện bè phái được nói đến trong 1Cr 1,12-13 cho thấy có một sự biến dạng Tin mừng làm cho sứ điệp Chúa Kitô mất đi sự toàn vẹn. Nhận ra sự xung đột và chia rẽ như những người nhà của bà Khơlôe là bước đầu dẫn tới hiệp nhất.

Những người phụ nữ như bà Đơvôra và bà Khơlôe là những ngôn sứ nhắc nhở cho dân Chúa những lúc có sự xung đột và chia rẽ nhau và khi nhắc nhở như vậy, các bà cũng nhắc bảo chúng ta phải hoà giải với nhau. Những lời ngôn sứ kiểu này có thể giúp cho dân Chúa tái tạo sự hiệp nhất để cùng hành động.

Đúng như lời tác giả Thánh vịnh đã viết, khi chúng ta cố gắng trở nên hiệp nhất một lòng một ý thì chúng ta cũng được mời gọi tìm kiếm Thiên Chúa và sự bình an của Người.

Gợi ý suy tư

- Bạn có nhớ một dịp nào, vì nỗ lực hướng đến một sự hiệp nhất lớn hơn mà người ta đã tố giác sự bất hoà trong Giáo hội?

- Đâu là những vấn đề còn tiếp tục chia rẽ chúng ta với tư cách là một thân thể đại kết? Theo bạn đâu là những con đường có thể đem tới sự hiệp nhất lớn hơn?

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa tình yêu, vào những lúc chúng con xung đột và chia rẽ, Chúa đã ban cho chúng con những chứng nhân ngôn sứ. Lạy Chúa, chúng con tìm kiếm Ngài, xin hãy gửi Thánh Thần Chúa đến để Ngài biến đổi chúng con thành những người kiến tạo hoà giải và làm cho chúng con nên hiệp nhất một lòng một ý. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

NGÀY THỨ BẢY

Tất cả chúng ta đều thuộc về Chúa Kitô

Lời Chúa

Is 19,19-25: Người sẽ phái đến cho họ một Đấng cứu tinh.
Tv 139,1-12: Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài?
1 Cr 12,12-26: Nếu một bộ phận nào đau, thì … Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì …
Mc 9,38-41: Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

Suy niệm

Isaia đã loan báo một ngày kia, những người Ai Cập và Syri sẽ cùng với người Israen thờ lạy Thiên Chúa và trở thành dân của Người. Sự hiệp nhất Kitô hữu là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa hầu quy tụ toàn thể nhân loại và cả vũ trụ. Chúng ta cầu nguyện cho mau đến ngày chúng ta có thể cùng nhau thờ lạy Chúa, cùng nhau quy tụ trong một niềm tin, và trong sự hiệp thông Thánh Thể.

Những ân huệ của các truyền thống Giáo hội khác nhau chính là những phúc lành Chúa dành cho chúng ta. Khi chúng ta nhìn nhận những ân huệ riêng biệt này, chúng ta sẽ được lôi kéo đến sự hiệp nhất hữu hình.

Bí tích Rửa tội quy tụ chúng ta thành một thân thể duy nhất trong Đức Kitô. Nếu chúng ta yêu mến các Giáo hội riêng của mình, thì Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta rằng tất cả những người kêu cầu danh Thiên Chúa cũng liên kết với chúng ta trong Đức Kitô vì tất cả chúng ta đều là những chi thể trong cùng một thân thể. Chúng ta không thể nói ai rằng: “Tôi không cần anh” (1Cr 12,21).

Gợi ý suy tư

- Qua dấu hiệu nào người ta biết mình “thuộc về Đức Kitô”?

- Người ta có thể sử dụng cụm từ “thuộc về Chúa Kitô” theo nghĩa nào hòng chia rẽ thay vì hiệp nhất các Kitô hữu?

Lời nguyện

Ôi lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì những ơn lành Chúa đã ban cho mỗi chi thể và tất cả các chi thể trong thân thể Chúa Kitô nhờ ân sủng của Thánh Thần Chúa. Xin giúp chúng con biết nâng đỡ nhau, tôn trọng những khác biệt của nhau và làm việc để tất cả mọi người trên trần gian kêu cầu danh Chúa Giêsu là Chúa được hiệp nhất với nhau. Amen.

NGÀY THỨ TÁM

Tất cả chúng ta cùng nhau loan báo Tin mừng

Lời Chúa

Is 61,1-4: Thần Khí Chúa đã sai tôi đi loan báo Tin mừng.
Tv 145,1-7: Đời nọ tới đời kia thiên hạ đề cao sự nghiệp Chúa.
1Cr 15,1-8: Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận.
Lc 4,14-21: Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.

Suy niệm

Phaolô đã rao giảng và Giáo hội đã đón nhận Tin mừng mà Isaia đã tiên báo và đã được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và đến lượt tất cả chúng ta, chúng ta cũng loan báo Tin mừng ấy. Trong khi chúng ta thành thực nhìn nhận vẫn còn những khác biệt và những đặc thù nơi các Giáo hội của chúng ta thì chúng ta cũng đừng bao giờ quên rằng tất cả chúng ta đều được sai đi loan báo Tin mừng Đức Giêsu Kitô.

Phaolô đã được sai đi “rao giảng Tin mừng và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Kitô khỏi trở nên vô hiệu” (1Cr 1,17). Phải tìm ra con đường hiệp nhất trong chính sức mạnh của Thập giá.

Thực tế và thực tại của Tin mừng được tỏ hiện qua những công việc mà chúng ta làm chứng về công trình của Đức Giêsu Kitô trong đời sống cá nhân và đời sống cộng đoàn Kitô hữu chúng ta.

Gợi ý suy tư

- “Tin mừng” mà chúng ta đón nhận liên kết chặt chẽ với việc thông truyền văn hoá và lịch sử của nó thế nào?

- Khía cạnh này có gây cản trở cho sự hiệp nhất không?

- Sự hiệp nhất lớn hơn của chúng ta trong Chúa Kitô có làm cho chúng ta trở nên những nhân chứng tốt hơn cho Tin mừng mà chúng ta đã lãnh nhận?

Lời nguyện

Lạy Chúa là Đấng ban phát mọi ân sủng, Chúa đã sai Con Chúa là Đức Giêsu Kitô cùng với sức mạnh của Thánh Thần để cứu độ dân Ngài. Xin hiệp nhất chúng con trong khác biệt để chúng con có thể cùng nhau tuyên xưng và loan báo Tin mừng về sự sống, sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu cho thế giới đang mong chờ Tin mừng của Ngài.

***

KINH CẦU CHO HIỆP NHẤT

(Đức Giáo Hoàng Phaolô VI biên soạn)

 

Lạy Chúa Giêsu,

trước ngày chịu chết vì chúng con, Chúa đã nguyện cầu  cho các Tông đồ và tất cả mọi người  được liên kết với nhau nên một,  như Con ở trong Cha và như Cha ở trong Con.

Xin cho chúng con cảm thấy xót xa đau buồn về những thất tín, chia rẽ nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết thẳng thắn nhìn nhận, và có lòng cam đảm để khai trừ mọi lãnh đạm,  lòng nghi ngờ và tính đố kỵ tiềm ẩn nơi chúng con.

Xin cho chúng con được gặp nhau trong Chúa  hầu cho tâm hồn và môi miệng chúng con  luôn vang lên lời nguyện cầu hiệp nhất như lòng Chúa ước ao.

Lạy Thiên Chúa Tình Yêu hoàn hảo, xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa con đường dẫn đưa đến Hiệp Nhất trong đức Vâng Phục, đến Yêu Thương và Sự Thật.

Amen.


 

Tài liệu dùng trong Tuần cầu nguyện cho các Kitô hữu hiệp nhất này do Văn phòng Toà Giám mục Hải Phòng chuyển dịch từ nguyên bản tiếng Pháp “Textes pour LA SEMAINE DE PRIÈRE POUR L’UNITÉ DES CHRÉTIENS et pour toute l’année 2014”