Cao Gia An, SJ.
Trong huyền sử Hylạp, Hermes là vị thần truyền đạt và giải nghĩa cho con người những sứ điệp của thần linh, giúp con người hiểu điều mà con người không thể tự mình hiểu được. Từ đó, động từ ermeneuein có nghĩa là ‘đặt sứ điệp ra trước’, đồng thời giải thích, làm cho sứ điệp ấy rõ ràng minh bạch.
Nguồn gốc của từ thông diễn ermeneueia cũng nói lên tiến trình con người đi tìm những phương thế để làm cho người khác hiểu mình.[1] Quan trọng hơn và căn bản hơn, đó phải là tiến trình con người hiểu điều mình muốn truyền thông và diễn giải cho người khác. Đó chính là hành trình của triết học, khởi đầu với các triết gia Hy lạp, hành trình mà con người không ngừng thắc mắc, nêu câu hỏi và đi tìm hiểu về chính thế giới sống, chính cuộc sống của mình. Hiểu như thế, triết học và thông diễn học là hai hướng đi hết sức gần gũi nhau. Thế nhưng phải đến thời của Heidegger[2] người ta mới tìm được một sự hòa hợp khả dĩ cho hai hướng đi này: ‘với Heidegger, triết học trở thành thông diễn’[3].
Dĩ nhiên, để tiến đến một kết luận như thế, Heidegger đã đi qua một quãng đường dài với nhiều bước ngoặc quyết định. Bài viết này là một nỗ lực tìm hiểu về những bước ngoặc ấy, nhất là về những quan niệm mới mẻ của Heidegger về hiện hữu người, về sự hiểu biết của con người, như là những nền tảng chính yếu cho thông diễn học của ông. Sau đó là một vài tìm hiểu về ảnh hưởng của nền thông diễn theo Heidegger, và một vài vấn đề còn tồn đọng của nền thông diễn ấy.
I. ĐẶT LẠI NỀN TẢNG CHO THÔNG DIỄN HỌC
1. Cái nhìn mới về con người
a. Khơi lại vấn nạn về hữu thể
Heidegger đã khởi đầu tác phẩm Being and Time với nhận xét rằng triết học phương tây là nền triết học lãng quên hữu thể. Xuyên suốt dòng lịch sử, nền triết học ấy chỉ tập trung vào những hiện thể hiện hữu bên ngoài là những thể hiện của Hữu trong không gian và thời gian. Theo một hướng khác, Heidegger bắt đầu triết học của mình với chính hữu thể, chứ không phải với bản thể, bản chất hay những đặc tính riêng rẽ… Bởi vì theo ông, nếu chỉ dựa vào bản thể, là cái bất biến, ta chỉ có thể có một lối hiểu cố định cứng nhắc nhưng lại không khả tín về hiện hữu của con người[4].
Như vậy, bằng việc khơi dậy câu hỏi về Hữu, Heidegger đã mở ra một lối hiểu khác về hiện hữu của con người. Với Heidegger, Dasein, cái thể hiện ra, cái mà ta thấy, chỉ là những phương cách biểu hiện khác nhau của cái Hữu mà thôi. Sự sống của con người được trải dài trong không gian và thời gian với những hiện thể thay đổi khác nhau. Con người hiện hữu một cách ‘hiện sinh’ trong cuộc sống với đầy những bất trắc của nó như ‘lo âu’, ‘sợ’, ‘chết’…
Như thế, Heidegger chỉ ra rằng bản chất của hiện hữu người là bản chất lịch sử, trải dài theo dòng thời gian, có một khởi đầu và có một kết thúc. Đó là lịch sử của sự phát sinh, tồn tại, biến đổi, triển nở… trong thế giới cụ thể. Sở dĩ con người theo quan niệm của Heidegger luôn có một năng động để biến đổi đó là vì con người có cơ cấu là dự phóng (projection); hay nói cách khác, bản chất của con người là luôn bị ném về phía trước. Cái làm cho con người là con người luôn ở trước mặt con người[5].
Những ý tưởng trên đã ảnh hưởng sâu xa tới hướng đi của thông diễn học. Trước hết, nếu cái Hữu luôn tự triển khai, thể hiện mình liên tục trong thế giới, ta phải thừa nhận rằng tham vọng biến triết học thành một khoa học chính xác, dùng những quy luật phổ quát và tất yếu để nghiên cứu về con người… là tham vọng vô độ và bất khả thi. Hơn nữa, khi chấp nhận con người là hiện hữu luôn biến động và triển nở trong thế giới, ta cũng phải thừa nhận rằng không một phương pháp nào, một nhãn quan hay một quy luật nào có thể giúp ta hiểu biết con người cách trọn vẹn[6]. Khi đó, để hiểu được con người, triết học bắt buộc phải đi theo đường lối thông diễn, nghĩa là trước hết phải để tâm quan sát, học hiểu, đi đào bới lịch sử hiện hữu của con người Dasein. Dasein chỉ được hiểu trọn vẹn khi ta không chỉ chú tâm vào hiện tại, như nó là lúc này, cô đọng và cứng nhắc. Ta phải lao mình tìm vào quá khứ, nơi mà hành trình hiện hữu của Dasein thể hiện ra. Ta cũng còn phải hướng cái nhìn đến tương lai, nơi mà Dasein với những khả năng (possibilities) riêng mình có thể đổi thay và triển nở.
b. Con người là Dasein hiện-hữu-trong-thế-giới
Các triết gia Hylạp đã nhận ra sự hiểu biết về thế giới đòi buộc một sự hiểu biết về con người[7]. Thế nên những câu hỏi của Kant đặt ra thật đặc biệt: “con người là gì?”, “tôi có thể biết được gì?”. Khởi đi từ những câu hỏi ấy, Heidegger đã chọn cho mình một hướng đi thật riêng biệt và độc đáo.
Đối diện với vấn đề hiện hữu của con người, triết học truyền thống bắt đầu bằng việc giả định một sự phân cách hữu thể học căn bản, rồi đi tìm kiếm những nối kết tri thức luận không thể nghi ngờ.[8] Chẳng hạn, Descartes đã đặt ra một hoài nghi giả định về hiện hữu của con người, rồi đi tìm một ‘nền tảng’ là cái tôi suy tư làm đảm bảo cho thực tính của hiện hữu. Chiến thuật của Heidegger thì rất khác.
Với Heidegger, con người là hiện hữu trong thế giới (being-in-the-world), là hiện hữu rõ ràng có đó: Da-sein, là cái thể hiện cụ thể mà con người cần học hiểu khám phá chứ không cần phải nỗ lực chứng minh nữa. Qua việc phân tích Dasein, tìm hiểu về những hình thái, phương thế và lịch sử xuất hiện của nó, ta tiến gần đến cái Hữu là cội nguồn của sự sống, của hiện hữu con người. Nói cách khác, không phải những điều kiện tiên nghiệm vượt không gian và thời gian, cũng không phải những khả năng trỗi vượt của lý trí con người, quyết định hiện hữu của hữu thể; chính hữu thể tự thể hiện mình, tự tỏ lộ chính mình trong không gian và thời gian.[9]
Hiểu như vậy, hiện hữu của Dasein trong thế giới là một sự thông diễn, một sự thể hiện mình, trình diện mình ra giữa lòng thế giới. Với chủ trương ấy, triết học về hữu thể của Heidegger, tự bản chất đã là một nền triết học thông diễn. Nền thông diễn này không còn bị giới hạn trong khuôn khổ hẹp hòi của việc đọc hiểu và giải thích bản văn. Khuôn mẫu quy chuẩn của thông diễn là hoạt động thường ngày của Dasein trong thế giới. Qua những hoạt động đó, những khả năng tiềm ẩn trong Dasein được khai phóng, Dasein tự tỏ lộ chính mình.
c. Cơ sự tính của Dasein
Heidegger tóm kết triết học về hữu thể của mình trong câu châm ngôn nổi tiếng: “Hãy trở thành cái mà bạn là.”[10] Câu châm ngôn có vẽ nghịch lý ấy diễn tả phần nào tính nghịch lý, hay ‘tính cơ sự’ (facticity) theo ngôn ngữ của Heidegger, của Dasein.
Khi nhìn Dasein như là một hiện hữu giữa thế giới, Heidegger đã đặt vào Dasein ý thức về tình trạng bị quẳng ném (Entwurf), bị bỏ rơi giữa lòng thế giới. Ngay từ giây phút khởi đầu của hiện hữu, Dasein đã bị đẩy ra xa cội nguồn hữu thể của mình. Như vậy, hiện hữu cụ thể dưới dạng Dasein, một cách nào đó, là một tình trạng hiện hữu thiếu hụt. Như một hiện hữu tại thế, Dasein chưa thật sự là mình. Vì thế, cuộc hiện hữu của Dasein, đúng ra là một cuộc hành trình về nguồn.
Dù vậy, hiện hữu như một dự phóng, Dasein theo Heidegger luôn hàm chứa trong mình những khả năng cụ thể, những khả năng này tạo nên tiềm năng hiện hữu cho Dasein (being-possible)[11]. Thế nên Dasein luôn có cơ hội để trở thành chính mình, bằng việc trở thành những gì mà mình có thể trở thành.
Tuy nhiên, Heidegger cũng thừa nhận rằng Dasein luôn có thể thất bại (go astray) trong việc trở thành chính mình; và thật sự ngay từ giây phút đầu tiên của một hiện hữu bị quẳng ném, Dasein đã lạc lối và thất bại trong việc nhận ra chính mình.[12]
Thế nên, việc trở nên chính mình luôn đòi hỏi một sự thông diễn. Lý do là chúng ta không thể trở nên cái mà chúng ta là nếu không có một sự hiểu biết cả về cái mà chúng ta là và về cách thế để chúng ta liên tục trở thành cái mà chúng ta muốn là. Hơn nữa, cái gì mà chúng ta đang thông diễn, nghĩa là đang thể hiện hay hiện thực hóa qua đời sống mình, thì đã được thông diễn ra hay thể hiện ra cho chúng ta rồi. Cách thế mà chúng ta đạt đến chính mình là thông qua những sự thông diễn, đó không chỉ là thông diễn chính chúng ta, mà còn là việc chúng ta thông diễn những khả năng vốn có trong thế giới, và thế giới ấy thì đã được diễn giải đầy ý nghĩa cho chúng ta.[13]
Tóm lại, ở đây thông diễn không chỉ là một phương pháp phân tích để hiểu Dasein. Đúng hơn, thông diễn là cách thế mà Dasein thể hiện mình trong lòng thế giới, là cách thế giúp Dasein nhận ra ơn gọi ‘trên đường’ của mình và sống viên mãn ơn gọi ấy.
2. Quan niệm mới về sự hiểu biết
Trong khi câu hỏi chủ đạo của các triết gia trước là “làm sao ta có thể hiểu biết?” (How understanding is possible?), Heidegger đã chọn cho mình một hướng đi sâu sắc hơn khi đặt ra câu hỏi: “bản chất của sự hiểu biết là gì?”. Lựa chọn này đẩy ông vượt qua cả thông diễn học truyền thống và hiện tượng luận của Husserl để xây dựng một nền hiện tượng luận về hữu thể, đó cũng là một nền thông diễn học mới mẻ và đặc sắc.
a. Vượt thoát truyền thống
Khác với các triết gia trước, Heidegger chủ trương lý trí không phải là một khả năng tách biệt của con người, càng không phải là một thực thể thuộc thế giới. Lý trí phát xuất từ chính hữu thể, là cái cấu thành, là bản chất của hữu thể. Do đó, lý trí không thể là điều kiện nền tảng để nhận biết hữu thể. Như thế, Heidegger chỉ ra một lỗi lầm kéo lê từ Plato đến Kant là đã thần thánh hóa và siêu việt hóa lý tính của con người, xem đó như là khả năng ngoại tại và khách quan chẳng dính dáng gì đến hữu thể cả… [14] Lao mình vào hành trình khám phá vô bổ ấy, triết học tây phương là một tiến trình lãng quên hữu thể. Đồng thời với việc làm sống động lại những vấn nạn về Hữu, triết học hữu thể luận của Heidegger cũng cung ứng những nền tảng cho thông diễn học từ quan niệm mới mẻ về sự hiểu biết.
Mặt khác, các triết gia trước Heidegger cũng đã nghĩ về hiện tượng hiểu biết (phenomenon of understanding) như là một trong những hoạt động tri thức khác của con người. Khi đó, so với tri thức (knowledge) và những đòi hỏi chắc chắn, rõ ràng và khách quan của nó, hiểu biết chỉ là một phái sinh và một dạng ‘tri thức’ thiếu hụt và tùy phụ.
Vượt qua những hiểu biết truyền thống mang đặc tính khoa học ấy, Heidegger chủ trương tìm về với một hiểu biết căn bản:
“Sự hiểu biết theo nghĩa là một loại nhận thức khả thi giữa những nhận thức khác, phải được coi như là một phái sinh hiện sinh (existential derivation) của một hiểu biết căn bản hơn, hiểu biết căn bản ấy là một trong những phần lập nên hữu thể của cái hiện hữu ở đó (‘there’)”[15]
Như vậy, với Heidegger, hiểu biết không phải là một tính năng của lý trí, không phải là một hoạt động tinh thần giữa bao hoạt động khác như suy tư, cảm nghĩ… nhưng là một dạng thức hiện hữu nền tảng (fundamental mode) của Dasein. Sự hiểu biết là khả năng căn bản nhất của Dasein trong việc sống và có kỹ năng đương đầu với những đổi thay của thế giới. Bất cứ một sự hiểu biết nào cũng bao hàm và cũng là một quá trình thông diễn.
Để làm rõ hơn quan niệm của mình về sự hiểu biết, Heidegger diễn giải sự hiểu biết trong bối cảnh liên kết với những khả năng (possibilities) của Dasein, đồng thời ông đưa ra tiền cấu trúc của sự hiểu biết (pre-structure of understanding).
Sự hiểu biết của Dasein vừa bao hàm việc khám phá thế giới, mà Dasein là một phần bất khả phân ly của thế giới ấy, vừa bao hàm một sự tự hiểu biết chính mình.[16] Nghĩa là, sự hiểu biết vừa nới rộng biên cương hiện hữu của Dasein đến những chân trời mới, vừa khai phóng những khả năng vốn có của Dasein, giúp Dasein ngày càng ‘là mình’ hơn.
Như thế, đặt sự hiểu biết trong mạch nguồn của sự sống, Heidegger xem sự hiểu biết như là chính sinh hoạt hiện hữu của Dasein, là cách thế và động lực khiến hữu thể xuất hiện. Tư tưởng ấy đã được Palmer diễn đạt lại:
“Hiểu biết không phải là cái mà ta có thể chiếm hữu, nhưng đúng hơn, phải là một cách thế hay yếu tính cấu tạo của hữu thể tại thế. Nó không phải là một vật thể nằm trong thế giới, nhưng đúng hơn phải là cái kết cấu (structre) trong hữu thể. Hiểu biết là nền tảng cho mọi thông diễn: nó đồng hiện hữu một cách căn cơ (co-original) với hiện hữu của ta, và nó hiện diện trong mọi tác động của thông diễn”[17]
Tiếp đến, ta còn thấy rằng thông diễn học theo Heidegger chống lại lối suy tư nhị nguyên phân biệt chủ thể-khách thể. Truyền thống triết từ Descartes đã đòi hỏi rằng một nền tri thức trung thực phải là sự biểu hiện khách quan, rằng lý trí con người bắt buộc phải thuần túy, không bị ‘ô nhiễm’ bởi những thiên kiến, truyền thống, tình cảm… rằng chỉ có phương pháp khoa học mới có thể mang tính chất phổ quát, tất yếu… Heidegger cho rằng lối suy tư và những đòi hỏi như vậy thực ra chẳng giúp gì cho sự hiểu biết của con người. Ông đưa ra khái niềm về tiền cấu trúc của sự hiểu biết.
b. Tiền cấu trúc của sự hiểu biết
Tương tự những xu hướng thông diễn học trước, Heidegger rất đề cao ý niệm ‘ý nghĩa’ trong tiến trình thông diễn. Thế nhưng ‘ý nghĩa’ trong thông diễn của ông lại mang một nghĩa khá khác với truyền thống. Theo Heidegger, cái mà ta hiểu, ta lĩnh hội không phải là ‘ý nghĩa’ theo cách hiểu hạn hẹp của truyền thống. ‘Ý nghĩa’ theo Heidegger bao hàm một lối hiểu trọn vẹn (holistic way) trong đó một sự vật được hiểu như nó là trong tương quan với những sự vật khác. Chính những ‘sự vật’ khác đóng vai trò như một bối cảnh khả tri giúp ta hiểu được một sự vật mới. Bối cảnh này được Heidegger gọi là tiền cấu trúc (fore-structure). Theo đó, để có được một sự hiểu biết và thông diễn, cần phải có ba cấp độ tiền hiểu biết: (1) trước hết, ta cần phải có một hiểu biết tổng quát nào đó về toàn bộ tình huống (fore-having: Vorhabe); (2) thứ đến, ta nhìn thấy trước những cách thế thích hợp mà sự vật có thể xuất hiện (for-sight: Vorsicht); (3) và cuối cùng, ta phải có trước một số những khái niệm nào đó để thông diễn, để sự vật hoàn toàn được minh nhiên thể hiện mình ra (fore-conception: Vorgriff).
Để hiểu được sự phân chia tinh tế này, ta có thể trở lại với phân tích của Heidegger về lịch sử tính của Dasein. Khi đưa ra lịch sử tính của cuộc hiện hữu của Dasein, trải dài trong quá khứ, hiện tại và tương lai, ta thấy rằng Heidegger đương nhiên công nhận lịch sử tính của sự hiểu biết. Như thế, những gì có trước sự hiểu biết của chúng ta vẫn phải có một giá trị thiết yếu của chúng. Nói cách khác, những gì có trước sự hiểu biết chính là điều kiện thiết yếu để ta có thể hiểu biết và lĩnh hội thêm nhiều điều mới mẻ. Hiểu biết không phải là một bản chất từ trời rơi xuống và được ấn định trong hiện hữu của Dasein, hiểu biết luôn cần có một truyền thống để nại vào. Truyền thống ấy có thể là một hệ thống những niềm tin có tính tiên nghiệm, những tiên kiến, những tiêu chuẩn, giá trị… được hình thành trong một quá trình lịch sử lâu dài, bén rễ trong những nền văn hóa đặc thù.
Hiểu như thế, ta có thể đồng ý với Heidegger trong những khẳng định về thông diễn: “bất cứ sự thông diễn nào về sự hiểu biết cũng cần phải hiểu trước về những gì được thông diễn,”[18] hay “niềm tin chỉ có thể được kiểm tra dựa vào những niềm tin khác,” hay “một cái gì được sinh ra từ một cái gì khác.”[19] Nói cách khác, để đưa ra bất cứ một chứng minh, kết lận hay thông diễn nào, trước đó luôn cần có một bối cảnh khả tri (context of intelligibility). Quan niệm về sự hiểu biết có tính xoay vòng như thế dẫn ta đi vào ý niệm vòng tròn thông diễn.
c. Vòng tròn thông diễn
Quan niệm của Heidegger, rằng ta chỉ biết một điều gì đó bên trong bối cảnh mà chúng ta đã sẵn có, gặp phải nhiều phê bình và phản đối. Nếu hiểu biết là thế, chẳng phải ta bị dẫn đi lòng vòng và mắc kẹt trong chính những giả định vốn sẵn có của mình sao? Hơn nữa, nếu hiểu biết là thế, thông diễn có gì khác hơn là một sự dẫn giải diễn dịch loanh quanh, làm sao đưa ra cái gì mới được?
Để biện giải cho Heidegger, ta có thể trở lại với khái niệm nền tảng của ông về Dasein. Con người Dasein theo Heidegger là một hiện hữu bị ném vào giữa thế giới, hiện diện trong một tình huống xã hội văn hóa đặc thù. Dasein cũng mang trong mình những khả năng và giới hạn nhất định. Như thế, vấn đề một hiểu biết hoàn toàn mới, không dính dấp gì đến những nền tảng hiểu biết vốn có từ trong lịch sử hiện hữu của Dasein, liệu có khả thi hay không?
Dẫu sao, cũng thật cần thiết để nhận ra rằng: chính trong tính chất xoay vòng này mà ta hiểu thêm sự gắn kết chặt chẽ giữa sự hiểu biết và sự thông diễn. Sự hiểu biết không phải là một thao tác tách rời có trước, rồi sau đó mới được chế biến lại trong thao tác thứ hai là sự thông diễn. Chính sự hiểu biết luôn được nhận ra trong hành động thông diễn, nghĩa là sự hiểu biết đóng vai trò như là một sự thông diễn: “trong thông diễn, sự hiểu biết không trở nên một cái gì khác, nhưng là trở thành chính nó.”[20]
Mặt khác, trong quá trình thông diễn, luôn cần có một tương quan hỗ tương giữa cái riêng và cái toàn thể. Cái riêng chỉ nhận được trọn vẹn ý nghĩa khi được đặt trong một cái toàn thể trọn vẹn mà thôi. Trong tiến trình hiểu biết và thông diễn, cái trọn vẹn này có thể là ngôn ngữ, những quan niệm, những ý tưởng, những định hướng… tạo thành một toàn thể hiện hữu trong tâm trí, mà thiếu chúng con người khó có thể suy tư, và tiến trình thông diễn khó có thể diễn ra được.
Hơn nữa, Gadamer, một học trò trung thành của Heidegger, trong tác phẩm Truth and Method đã mời chúng ta trở về hiểu đúng những điều Heidegger nói. Theo Gadamer, vòng tròn hiểu biết và thông diễn của Heidegger luôn mang tính năng động và uyển chuyển, chứ không khuôn khổ cứng nhắc. Chú tâm hơn vào bản văn của Heidegger, ta thấy vòng tròn thông diễn trong quan niệm của ông là một tiến trình năng động, làm cho những khía cạnh của cái bối cảnh tiềm ẩn trở nên minh nhiên; để rồi sau đó, ta luôn phải kiểm tra lại những giả định xem chúng có thật sự chống đỡ vững vàng cho những điều ta tin và ta làm không. Đồng thời, Gadamer cũng kinh nghiệm rằng, trong quá trình thông diễn, những tiên kiến của ta là những điều kiện cần thiết, nhưng không phải là tất yếu được dùng đến. Bản văn có thể gây sốc cho chúng ta khi chỉ cho ta thấy những vấn đề mà chính ta đã không thể dự liệu trước. Như thế nghĩa là vòng tròn thông diễn luôn có tính năng động, nơi đó những tiên kiến của chúng ta có thể được dùng đến hoặc không được dùng đến. Thế nên, Gadamer kết luận, thật sai lầm nếu cho rằng vòng tròn thông diễn không thể nhận ra những cái mới (alterity) của bản văn.[21]
Tóm lại, từ vòng tròn thông diễn, ta nhận ra tính chất biện chứng của thông diễn học. Với Heidegger, sự hiểu biết của con người mang đặc tính hiện sinh, nghĩa là hiểu không xuất hiện theo những quy luật tiên thiên cứng nhắc hay cố định. Hiểu là hành trình đi tìm kiếm về chính hữu thể, về thế giới sống (life-world). Thế nên có thể nói rằng thông diễn học bắt đầu với chính những câu hỏi, với cách đặt câu hỏi, với câu trả lời và cách thế trả lời.
Khi đặt ra câu hỏi cách nghiêm túc, chắc chắn tâm trí ta đã ở thế rộng mở để sẵn sàng đón nhận câu trả lời, để sẵn sàng đón nhận những kiến thức mới. Đặt ra câu hỏi nghĩa là đã nhận ra được chỗ thiếu sót trong kiến thức của mình, chỗ mà mình chưa biết. Câu hỏi chỉ có thể hữu ích cho ta nếu nó thật sự là một câu hỏi có ý nghĩa, nghĩa là tự nó đã nhắm đến một câu trả lời… Ở chiều ngược lại, câu trả lời cũng cần mang một sự cởi mở nào đó. Khó có thể có một câu trả lời nghiêm túc lại giúp ta giải quyết rốt ráo mọi vấn đề. Như thế, cơ cấu hỏi-trả lời, tìm hiểu-thông diễn, tự nó mang tính biện chứng. Một câu trả lời tốt, tự nó chỉ đưa ra một xác định mang tính tạm thời mà thôi, chính tính chất phủ định và mâu thuẫn mới dẫn ta lên đường tìm tòi và thu nhặt được những hiểu biết mới. Sự đối kháng giữa biết và không biết tạo ra một sự rộng mở trong hành trình của sự hiểu biết. Khi đó, hiểu biết và thông diễn không thể mang tính chất cố định cứng nhắc, và dĩ nhiên, cũng không mang tính bất định.[22]
II. ẢNH HƯỞNG CỦA NỀN THÔNG DIỄN HỌC THEO HEIDEGGER
1. Từ hiện tượng học của Huserl đến thông diễn học của Heidegger
Dù được bén rễ sâu và thấm nhuần tinh thần hiện tượng học của Husserl, ta thấy vẫn có những khác biệt căn bản giữa quan niệm về hiện tượng học của Heidegger và thầy mình.
Trước hết, nếu Husserl xem hiện tượng học như là phương thế để giúp ta khám phá ra cái chủ thể tính mang tính chất siêu nghiệm (transcendental subjectivity), thì Heidegger coi hiện tượng học như là điều kiện để con người đương hiện hữu nhận ra mình trong cái thế giới sống của mình. Hay nói cách khác, nếu hiện tượng học theo Husserl căn bản là một phương pháp giảm trừ để cho sự vật tự tỏ lộ, thì theo Heidegger, hiện tượng học là chính sự việc hữu thể đang tự khai mở. Nghĩa là, hiện tượng học của Heidegger bắt đầu ở nơi mà hiện tượng học của Husserl dừng lại. Khi đó, chủ trương hiện tượng học theo Heidegger không chỉ là một sự giảm trừ[23], mà phải là một sự truy cứu cho tới cùng, đạt tới cái nền tảng tối hậu, vươn đến cội nguồn hữu thể.[24]
Mặt khác, ta cũng dễ nhận thấy rằng Heidegger khó mà chấp nhận kế hoạch của Husserl trong việc muốn xây dựng hiện tượng học thành một nền khoa học nghiêm túc, theo khuôn mẫu toán học, để tìm đến một tri thức chân lý chắc chắn. Bởi vì chính Heidegger đã phê bình triết học tây phương từ Descartes đến Kant đã nỗ lực cách vô vọng để xây dựng triết học như một tri thức khoa học chắc chắn. Thế mà Husserl dường như đang đi lại lối mòn đó. Đành rằng đích nhắm chung cục của phương pháp hiện tượng học là một sự hiểu biết chân thực. Thế nhưng, vấn đề có thể đặt ra đó là thế nào là một hiểu biết chân thực? Liệu có một hiểu biết chân thực về con người theo tiêu chuẩn khoa học như Husserl chủ trương không? Heidegger đã vượt khỏi hiện tượng học của Husserl bằng cách đặt sự hiểu biết, chứ không phải tri thức, như là trọng tâm của triết học. Hiểu biết ấy là bản chất tất yếu, đồng thời cũng là sinh hoạt sáng tạo của chủ thể trong cái thế giới sống, hướng về tương lai bất tận của con người[25].
Riêng Heidegger, hiện tượng luận về hữu thể của ông có đối tượng là Dasein, con người luôn ở trong một quá trình hiện thực hóa chính mình, quá trình phát sinh, kiến cấu và tái kiến cấu…với đối tượng ấy, làm sao ta có thể hy vọng đi tìm một chân lý vĩnh cữu bất biến với những quy luật tất yếu và phổ quát. Để hiểu chân lý, Heidegger chủ trương, ta không được phép dừng lại ở bình diện hiện thực, bình diện vật tự thân, cũng không được phép dựa vào những quy luật đơn lẽ không phản ánh được cái toàn thể của hữu thể đang không ngừng tự hiển lộ chính mình.
Như vậy, khi mà mục đích của nền hiện tượng học không chỉ bị hạn định trong công việc tìm kiếm một nền tri thức chắc chắn hay đi xây dựng chủ thể tính mang tính tiên nghiệm, hiện tượng học, với Heidegger, tự nó phải là một nền thông diễn.[26] Đi tới thông diễn, hiện tượng học mới đạt được cao độ của mình.
Qủa thế, khi phân tích Dasein, Heidegger đã bước đi xa hơn Husserl. Ông muốn tìm ra cái cơ cấu nền tảng, ẩn nấp bên dươi hiện thể người, chứ không chỉ là ‘trở về với chính sự vật’ mà thôi. Đi vào phân tích cơ cấu bên dưới hay bên trong của những hiện tượng thể hiện ra như nó là, Heidegger mở ra một thế giới rộng lớn của những kết cấu thâm sâu làm nên hiện hữu người như cảm tính, ngôn ngữ, thái độ… Như vậy, Dasein chỉ là dấu chỉ để Heidegger tìm về cái Hữu, với trọn vẹn lịch sử tính của nó. Đó là tiến trình tìm hiểu về bản chất của hữu thể, tìm về tiến trình phát sinh, biến đổi của hữu thể, nhận ra tại sao hữu thể hiện thể dưới một hình thức cụ thể nào đó trong một thời gian và không gian nhất định. Hiểu như thế, ta nhận ra rằng hữu thể học hay hiện tượng học về Dasein thực chất phải là một nền thông diễn học, tức môn học về tất cả quá trình hữu thể tự triển khai.
Chính trong bối cảnh lịch sử tính này, ta tìm thấy định nghĩa hiện tượng học của Heidegger trong nguồn mạch của hữu thể học và thông diễn học:
“Cái ý nghĩa theo phương pháp của việc diễn tả hiện tượng, chính là giãi bày ra, hay thông diễn triết học (Auslegen). Cái luật (logos) của nền hiện tượng học về Dasein mang tính chất thông diễn, nhờ vào đó mà Dasein nhận ra được cái cấu trúc của chính mình, và hiểu được ý nghĩa chân thực của mình qua chính sự hiểu biết về hữu thể… theo nghĩa nguyên thủy của thuật ngữ, hiện tượng học về Dasein tức là sự thông diễn chỉ định một tác động chuyển nghĩa”[27]
Mặt khác, quan niệm về Dasein của Heidegger một lần nữa làm một cuộc cách mạng Copernicus để hoàn toàn đặt con người ở vị trí trung tâm. Dù cách làm này rất khác, nếu không muốn nói là ngược với Kant. Theo Heidegger, không hẳn là hiện hữu của con người phải lệ thuộc vào không gian và thời gian. Đúng hơn, chính hoạt động sống của Dasein làm phát sinh không gian và thời gian. Không có con người thì mọi ý niệm không gian và thời gian đều mơ hồ.[28] Như vậy, sự tự triển khai của hữu thể, không phải chỉ được nhận ra trong quá trình lịch sử. Đúng hơn, chính sự triển khai này tạo ra lịch sử. Lịch sử của một cá nhân là quá trình cá nhân tỏ lộ chính mình, bằng việc theo đuổi những dự phóng riêng. Như thế, con người theo Heidegger là con người uyển chuyển sáng tạo, nên dù có giảm trừ hết mức để Dasein hiện ra cho chúng ta như nó là, thì việc quan sát đơn thuần không thể giúp ta có một cái nhìn trọn vẹn về con người. Từ đây, chủ trương của Heidegger đưa ta đến với vấn đề thông diễn sáng tạo: cái hữu luôn biến hóa, thể hiện mình ra cách tự do chứ không theo những quy luật có tính chất máy móc (BT 40). Thông diễn sáng tạo là hành trình quan sát học hiểu những đổi thay liên tục trong sự thể hiện của hiện tượng.
2. Thông diễn học theo Heidegger và việc đặt lại nền tảng cho các khoa học nhân văn
Thực ra, việc đặt nền trên thông diễn học cho các khoa học nhân văn đã được chủ trương từ Wilhelm Dilthey. Dilthey phát hiện ra rằng cội nguồn của sự hiểu biết chính là cuộc sống, và lĩnh vực của các khoa học nhân văn thì thiết yếu bao hàm một sự thông diễn. Đó không chỉ là thông diễn bản văn, nhưng còn là thông diễn những hoạt động của con người với những đặc điểm văn hóa xã hội đa dạng.[29] Chấp nhận quan điểm này, Heidegger triển khai thông diễn học cách rộng rãi hơn, và xem đó như phương thế để đối thoại và đặt lại vấn đề về những tri thức hay hiểu biết của khoa học tự nhiên.
Như ta biết, thế kỷ XVIII-XIX được đánh dấu với những thành tựu lừng lẫy trong khoa học tự nhiên, nhất là với khoa vật lý học Newton. Những thành tựu ấy tạo nên một sức cám dỗ khủng khiếp, khiến nhiều người nghĩ rằng khoa học tự nhiên là nền tảng đúng đắn nhất cho mọi tri thức. Kết quả là người ta phân loại các ngành khoa học thành khoa học tự nhiên, là những khoa học có thể thủ đắc chân lý theo một cách thức khác quan chắc chắn, và khoa học nhân văn, là các khoa học không thể đưa ra những lý giải có tính quy luật. ‘Tri thức’ của các khoa học nhân văn được xem như là điển hình của một thao tác nhận thức riêng biệt gọi là hiểu biết, hiểu biết này là một loại tri thức phụ và thiếu hụt.[30] Xuôi theo xu hướng ấy, các triết gia cũng nỗ lực đi tìm cho mình một nền tảng vững chắc, nại vào uy thế của khoa học tự nhiên thực nghiệm. Thế nhưng bất chấp những nỗ lực này, triết học và thông diễn học vẫn thường xuyên được xếp vào loại các khoa học nhân văn, những khoa học ‘bậc hai’.
Heidegger muốn lật đổ lối nhìn phân biệt theo kiểu phẩm trật ấy. Bằng việc phân tích sâu sắc về sự hiểu biết, ông đã đặt tất cả những tri thức khoa học, dù đó là khoa học tự nhiên hay nhân văn, vào trong một bối cảnh rộng hơn là sự hiểu biết nền tảng. So với sự hiểu biết, xét như là bản chất thiết yếu cấu thành hiện hữu của Dasein, những tri thức khoa học này chỉ là những chủng loại tùy phụ mà thôi. Sự hiểu biết này tạo nên một bối cảnh khả tri (context of inteligibility) cho tất cả các tri thức khoa học của con người. Hiểu như vậy, khoa học tự nhiên không có ưu thế nào trên khoa học nhân văn cả. Mặc khác, dầu không muốn đảo ngược mô hình phẩm trật truyền thống, Heidegger dường như đề cao bộ môn lịch sử (historiography). Vì theo ông, bộ môn này khi được tiến hành thích hợp sẽ không chỉ đưa ra những kết quả mang tính sự kiện, nhưng có thể làm nổi bật những khả năng (possibilities) trong quá trình sống và hoạt động của con người. [31]
Như vậy, với những quan niệm mới về con người, về sự hiểu biết, Heidegger định hình hướng đi mới cho các khoa học nhân văn, dựa trên nền thông diễn học.
Thông diễn học đòi hỏi rằng một nền khoa học có giá trị phải là khoa học về con người. Đó không phải là con người cứng ngắc, máy móc nhưng là con người tự thể hiện mình qua sự triển khai không ngừng của hữu thể. Khi đó, có lẽ ta cần đặt lại vấn đề về những quan niệm cơ cấu và những quy luật chung chung về con người trong các ngành khoa học, nhất là tâm lý học. Con người không thể bị giảm trừ trong các quy luật mô phỏng theo tính chính xác phổ quát của luật tự nhiên, nhưng luôn cần được nghiên cứu và tìm hiểu kỹ càng trong bối cảnh rộng lớn của thế giới sống như văn hóa, giáo dục, tôn giáo…
Hơn nữa, thông diễn học đòi hỏi phải chú ý đến tính chủ động và sáng tạo của con người, đây là điều mà các khoa học tự nhiên, và cả một số nhà khoa học xã hội nhân văn trước đây như Schleiermacher và Dilthey đã không để ý tới. Như Heidegger đã chủ trương, một sự hiểu biết về thế giới của Dasein luôn bao hàm một sự tự hiểu biết chính mình; một sự hiểu biết trọn vẹn về con người không thể đặt con người chỉ như là đối tượng để quan sát, bởi vì ngay cả khi bị quan sát, con người vẫn luôn là chủ thể đang quan sát người khác hay vật khác. Khi bị hạ cấp xuống hàng đối tượng, như máy móc hay đồ vật, con người bị tước đoạt những tính chất năng động, sáng tạo, trao đổi liên chủ thể… nghĩa là thực tại về con người đã bị bóp méo. Lối tiếp cận với con người như thế, hẳn nhiên không thể đem lại những hiểu biết đúng đắn về con người được.
Như thế, để hiểu con người, ta phải có một nền khoa học xã hội nhân văn. Gadamer đã tiếp tục con đường thông diễn mà Heidegger vạch ra, đề nghị thông diễn học phải là nền tảng của khoa học xã hội nhân văn.
Theo tính chất của vòng tròn thông diễn, một hiểu biết cụ thể luôn cần có một nền tảng chung, cả Heidegger và Gadamer đều cho rằng để hiểu biết trọn vẹn hơn về con người ta cần đi tìm những nền tảng chung mang tính tiên nghiệm mà con người thuộc về một cộng đồng phải có trong quá trình sống của họ. Những đặc tính chung ấy có thể là ngôn ngữ, lối suy tư, cách diễn đạt, những giá trị truyền thống, những di sản văn hóa tinh thần, những ý hướng hay lý tưởng chung, những khả năng thiên hướng và thị hiếu chung… Chính việc tìm ra những đặc tính chung ấy sẽ cung ứng một bối cảnh nền để ta hiểu một cách tương đối đầy đủ hơn về con người hiện hữu trong một thời gian, một không gian nhất định.[32] Điều hết sức quan trọng là việc tìm kiếm nền tảng chung này cũng phải được thực hiện trong khung trời thông diễn. Bởi vì với chủ trương nền tảng của Heidegger về sự triển khai của hữu thể trong tiến trình lịch sử, lịch sử xã hội là quá trình mà xã hội đó đương tự tạo sống động và phát triển, đương cải biến thế giới của chính nó [33].
Đến đây, ta có thể tạm tóm lại phần tìm hiểu về thông diễn học của Heidegger. Bằng việc đặt lại vấn đề cho sự hiểu biết, và hiểu sự hiểu biết của con người theo một lối hoàn toàn mới, có thể nói rằng Heidegger đã làm thay đổi cả nền thông diễn học truyền thống. Từ đây, ông định nghĩa lại thông diễn học, và xem nó như là một hiện tượng học nhắm tới sự thông hiểu. Đồng thời, Heidegger cũng đặt ra một lối nhìn khác về con người, về hữu thể để đi xa và vượt khỏi nền thông diễn của Dilthey. Thông diễn học từ nay tự nó trở thành một nền triết học độc lập và có giá trị đặc biệt.
Dẫu vậy, cũng phải công bằng để nói rằng dù được xem là linh hồn và là người có ảnh hưởng quyết định đến thông diễn học hiện đại,[34] công việc của Heidegger chỉ dừng lại ở việc đặt nền tảng và vạch ra hướng đi cho cho thông diễn học hiện đại. Chính Gadamer mới là người phát triển và đưa thông diễn học của ông đến cao trào. Bên cạnh đó, ta cũng nhận ra việc đặt nền tảng cho thông diễn học, khởi đi từ phân tích Dasein, của Heidegger vẫn còn những vấn đề tồn đọng.
III. NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN TỒN ĐỌNG
1. Vấn đề chiều kích lịch sử của Dasein
Là người chỉ quan tâm đến những vấn đề con người, những vấn đề gần gũi và cận kề với cuộc sống, Heidegger không muốn phân tích về hữu thể như một cái tôi siêu nghiệm, ông cũng đã tránh bản thể hóa từ ngữ hữu thể này.[35] Dẫu vậy, ta có thể thấy được một thiếu sót đáng tiếc của ông trong việc triển khai Dasein.
Đành rằng đối tượng quan trọng nhất trong thông diễn của Heidegger là Dasein, đó là một Dasein hội đủ hai chiều kích ontic và ontologic. Đó cũng là Dasein với những khả năng (possobilities), dự phóng (projection), luôn lao mình về tương lai, lao mình về cái chết (being-toward-death). Về thời gian của hiện hữu, ông cũng phân chia thành quá khứ, hiện tại, và tương lai. Với tư cách là một nhà thông diễn hiện sinh, ông nhấn mạnh đến hiện tại của cái There-being. Mặc dù thừa nhận rằng Dasein có một lịch sử hiện hữu, lịch sử đó là khoảng di chuyển của Dasein từ khi sinh đến khi chết, Heidegger hầu như đã không phân tích gì về giai đoạn trước của Dasein, nghĩa là giai đoạn hiện hữu từ lúc sinh hạ đến ‘lúc này’ của cái hiện hữu có đó. Do đó, Being and Time là sự triển khai một chiều, đánh mất chiều kích lịch sử của Dasein. Heidegger cũng bỏ qua tầm quan trọng của kí ức trong hiện hữu của Dasein, kí ức ấy là một phần sống động bất khả phân ly của hiện hữu Dasein ở đây và ngay bây giờ; kí ức ấy luôn là kho tư liệu dồi dào và sống động cho thông diễn. Đây quả là một mất mát đáng kể cho việc thông diễn Dasein, bởi vì với biệt tài suy tư nhạy bén và sâu sắc của mình, nếu quay được về với khởi điểm của sự sống, hẳn Heidegger đã kín múc được nhiều điều đáng kể. Paul Ricoeur trong một tác phẩm của mình cũng đã chỉ ra thiếu sót này: “sự im lặng của Being and Time trong hiện tượng sinh hạ của Dasein thì thật là đáng kinh ngạc.”[36]
Đúng ra, Heidegger cũng đã có một cái nhìn uyển chuyển về ‘hiện tại’ của Dasein. Hiện tại luôn bao hàm quá khứ và tương lai, Dasein như là cái chuẩn, như là điểm sáng được dùng để soi vào quá khứ mù tối. Theo Heidegger, suy tư về một điểm nào đó trong quá khứ là làm cho nó sáng lên ở thời điểm hiện tại. Ta thấy lối suy tư này vẫn chưa thoát khỏi khái niệm thời gian chủ quan của Husserl: nghĩa là cái tôi chủ quan với hiện tại của nó được dùng làm quy chuẩn để nhìn vào quá khứ hay tương lai. Với lối nhìn này, nói cho cùng, quá khứ hiện hữu của Dasein cũng chỉ là một sự kiện đã qua. Nếu Dasein được phân tích như thế, chắc hẳn điểm nhấn về lịch sử tính không thể đủ mạnh để cân bằng với điểm nhấn về tương lai. Khi đó, lịch sử tính không bao giờ đủ mạnh để thắng được nhân sinh quan ‘quy tử’ của Dasein.
2. Vấn đề con người xác thịt
Trong hướng đi của thông diễn học, có lẽ là dư âm của hiện tượng học, một trong những tham vọng chính đáng của Heidegger đó là muốn nhìn sự vật như nó là trong cái toàn vẹn của nó. Ta có thể tự hỏi, trong phân tích Dasein như con người cụ thể, Heidegger đã nhìn con người như con người là một cách trọn vẹn hay chưa? Dasein của Heidegger là con người cụ thể, nhưng có phải là con người xác thịt không? Heidegger hầu như đã không đề cập gì đến chiều kích ‘thân xác’ vật chất với những nhu cầu, sức trì trệ, sự yếu đuối, những giằng co.. rất thực của một con người bình thường. Phải chăng dưới mắt ông, đấy là những điều không quan trọng, đã bị ông giảm trừ, đưa vào trong dấu ngoặc (epoche) hay đúng hơn là loại ra khỏi tầm quan tâm của mình? Và khi gạt bỏ chiều kích thân xác vật chất của con người ngay từ ban đầu, liệu phân tích và thông diễn về hữu thể học của Heidegger có bao hàm một lối hiểu toàn thể (holistic way) như ông chủ trương không? Không có chiều kích vật chất, làm sao ta có thể nhận ra chiều kích lịch sử của Dasein? Hơn nữa, bỏ qua chiều kích thân xác, con người theo Heidegger có nguy cơ trở thành một đối tượng suy tư trừu tượng, chẳng khác gì con người tinh thần của Descartes.
* * *
Từ những khám phá của Heidegger, thông diễn học hiện đại đã tìm được cho mình một vị thế tương đối rõ ràng so với truyền thống. Nền thông diễn mang đậm tính triết học ấy có thể được áp dụng hữu hiệu vào nhiều lĩnh vực khác nhau như chú giải Kinh Thánh và những truyền thống tôn giáo, giải thích những khoảng luật pháp, chú thích những áng văn chương…
Từ sau Heidegger và Gadamer, thông diễn học vẫn tiếp tục được nhiều người nghiên cứu và tìm cách hoàn thiện theo những hướng đi khác nhau. Qua các cuộc tranh luận đối thoại giữa Gadamer với Betti, Habermas và sau đó là Paul Ricoeur, thông diễn học được tháp nhập nhiều tính năng đặc biệt vừa uyển chuyển vừa đa dạng: vừa mang đậm tính chủ thể, vừa có những giá trị khách quan; vừa có chiều sâu lý thuyết vừa mang chiều kích thực hành; vừa có tình phê bình vừa mang dáng dấp của biện chứng… Đồng thời, những cuộc tranh luận này cũng thật hữu ích trong việc giúp chúng ta đặt lại đúng giá trị của thông diễn, để tránh khỏi những tham vọng thái quá và những tuyên bố hàm hồ.
Nhìn chung, nếu thông diễn là một nền khoa học về hiểu biết (Gadamer), về phương cách hiểu biết (Betti), về điều kiện hiểu biết (Habermas), và về bản chất hiểu biết (Heidegger) thì chúng ta phải công nhận rằng bất cứ nền triết học nào, bất cứ nền văn hóa nào cũng mang tính chất thông diễn.[37] Dù thế được triển khai theo hướng nào đi nữa, dù phát triển đến mức độ nào đi nữa, thông diễn học phải là sự hiểu biết về chính cuộc sống, về thế giới sống. Một nền thông diễn đầy đủ phải mang tính vòng tròn, nghĩa là phải vừa nhìn ra cái toàn thể của cuộc sống, vừa có khả năng đi sâu vào mỗi khía cạnh của cái toàn thể ấy. Gắn liền với cuộc sống, thông diễn học là sự tiếp nối, mở rộng không ngừng của lịch sử con người và lịch sử triết học.
***
THƯ MỤC THAM KHẢO
ĐỈNH Trần Thái, Triết Học Hiện Sinh, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 2005.
ĐOÀN Trần Văn, Thông Diễn Học, Học viện Dòng Tên Việt Nam, tài liệu sưu tầm từ Internet.
HEIDEGGER Martin, Being and Time, a translation of Sein and Zeit translated by Joahn Stambaugh, State University of New York Press, 1996.
HOY David Couzen, Heidegger and Hermeneutic Turn, in Charles Guignon, Editor, Heidegger, Coll. The Cambridge Companion to, Cambridge University Press, 1995.
MAUTNER Thomas, Dictionary of Philosophy, the second edition, Pengui Books, Blackwell, 2005.
RICOEUR Paul, Part III, Chapter II. History and Time, in Memory, History, Forgetting, University of Chicago Press.
___________
[1] Trần Văn Đoàn, Thông Diễn Học, (tài liệu sưu tầm từ Internet, Học Viện Dòng Tên Việt Nam), tr. 13 – 14
[2] Người ta thường chia tư tưởng Heidegger thành Heidegger trẻ, mà tác phẩm tiêu biểu, được trình bày một cách rất hệ thống là Sein und Zeit, và Heidegger già, với những tư tưởng tương đối rải rác về sau. Tư tưởng Heidegger được đề cập trong bài viết này, được rút ra chính yếu chỉ từ một phần của tác phẩm Sein und Zeit, đặc biệt ở hai Sections 31 & 32. Bản dịch Being and Time được dùng là bản Anh ngữ của tác giả Joan Stambaugh, State University of New York Press, 1996.
[3] David Couzens Hoy, Heidegger and the Hermeneutic Turn, The Cambridge Companion to Heidegger, Charles B. Guignon, Edit., p. 172.
[4] Ibid., tr. 295.
[5] Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, tái bản lần thứ 3, Nxb. Văn Học, Hà Nội 2005, tr. 360.
[6] Trần Văn Đoàn, Thông Diễn Học, tr. 261.
[7] Chẳng hạn Socrates đã đòi các nhà ngụy biện phải quay về với những vấn đề của con người, Plato đòi một nền triết lý không chỉ xây dựng trên nền những quan niệm thuần túy, Airistotes cho rằng nền triết lý thuần túy không thể tách biệt khỏi nền triết học thực hành… (x. Trần Văn Đoàn, Thông Diễn Học, tr. 52)
[8] David Couzens Hoy, Heidegger and the Hermeneutic Turn, tr. 176.
[9] x. Trần Văn Đoàn, Thông Diễn Học, tr. 234.
[10] Become what you are (Being and Time p. 186)
[11] Being and Time p. 135.
[12] Ibid., p. 135.
[13] David Couzens Hoy, Heidegger and the Hermeneutic Turn, p. 181.
[14] Trần Văn Đoàn, Thông Diễn Học, tr. 233.
[15] Being and Time, p. 134
[16] David Couzens Hoy, Heidegger and the Hermeneutic Turn, p. 177
[17] Tham khảo từ: Trần Văn Đoàn, Thông Diễn Học, tr. 252 – 253.
[18] “Any interpretation which is to contribute understanding must already have understood what is to be interpreted”, Martin Heidegger, Being and Time, p. 194.
[19] David Couzens Hoy, Heidegger and the Hermeneutic Turn, p. 185, 174.
[20] Being and Time, p. 139.
[21] David Couzens Hoy, Heidegger and the Hermeneutic Turn, p. 192
[22] Tham khảo từ: Trần Văn Đoàn, Thông Diễn Học, tr. 289-293.
[23] dù là giảm trừ theo kiểu duy nghiệm của Loke, Hume hay là giảm trừ theo kiểu hoài nghi như Descartes.
[24] Tham khảo từ: Trần Văn Đoàn, Thông Diễn Học, tr. 238.
[25] Ibid., p. 240.
[26] Ibid., p. 239.
[27] Trần Văn Đoàn, Thông Diễn Học, tr. 246
[28] Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, tr. 356.
[29] Thomas Mautner, Dictionary of Philosophy, second edition, Penguin Book, 2005, p. 274-275.
[30] David Couzens Hoy, Heidegger and the Hermeneutic Turn, p. 171.
[31] Ibid., 184 – 185.
[32] Tham khảo từ: Trần Văn Đoàn, Thông Diễn Học, tr. 259 – 263.
[33] Ibid., tr. 246.
[34] Ibid., tr. 228.
[35] Being and Time, Translator’s preface, p. xiv.
[36] Paul Ricoeur, Memory, History, Forgetting, Translated by Kathleen Blamey and David Pellauer, The University of Chicago Press, p. 357.
[37] Trần Văn Đoàn, tr. 53.