Sunday, 29 March 2020 15:30

Các Siêu Nghiệm Siêu Hình Học: Cái Đẹp Featured

SIÊU HÌNH HỌC

Nguyên tác: Tomas Alvira, Luis Clavell & Tomas Melendo, Metafisica

(Bản tiếng Tây Ban Nha - NXB. 1981)

Fr. Luis Supan, Metaphysics

(Bản tiếng Anh - NXB. 1991)

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Đỗ Ngọc Bảo, OP.

***

***

PHẦN DẪN NHẬP

PHẦN I: CẤU TRÚC SIÊU HÌNH CỦA HỮU THỂ

***

PHẦN II: CÁC SIÊU NGHIỆM

***

CHƯƠNG I: NHỮNG KHÍA CẠNH SIÊU NGHIỆM CỦA "HỮU THỂ"

CHƯƠNG II: TÍNH ĐƠN NHẤT CỦA “HỮU THỂ”

CHƯƠNG III: CHÂN LÝ

CHƯƠNG IV: THIỆN HẢO

CHƯƠNG V: CÁI ĐẸP

 

I. BẢN CHẤT CÁI ĐẸP

Chúng ta gọi một điều gì đó là thiện hảo vì nó có liên quan đến quan năng tham dục của con người: một sự vật sẽ là thiện hảo nếu như nó chiếm hữu sự hoàn bị cũng như khả năng hoàn bị hóa những thứ khác. Hơn nữa, “chúng ta gọi điều đó là thật vì nó phù hợp với trí năng con người, theo mức độ nó là khả tri (knowable)”. Hơn thế, “thực tại còn liên hệ với linh hồn chúng ta theo cách thứ ba”. Khi những sự vật được nhận biết, tính chân thực và thiện hảo của chúng đem lại vui thích và hài lòng (pleasure and delight) cho con người nắm bắt được chúng. Chúng ta qui chiếu về đặc trưng này của những sự vật khi ta nói rằng một điều gì đó là đẹp.

Định nghĩa cái đẹp (beauty = pulchrum) không phải là điều dễ dàng. Thánh Thomas đã miêu tả cái đẹp nhờ những hiệu quả của nó, khi ngài nói rằng “cái đẹp là cái mà hễ nhìn thấy là thích” [= gây dễ chịu khi nắm bắt nó] (“the beautiful is that which is pleasing to behold”).[1] Cái đẹp là một hoàn bị siêu nghiệm phát sinh từ việc hiện hữu của các sự vật, và sự phong phú cũng như các dạng khác nhau của cái đẹp thì nảy sinh từ nhiều cấp độ và cách thức hiện hữu. Như vậy, vẻ đẹp tối cao của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác biệt với vẻ đẹp hữu hạn của các thụ tạo.

Tuy nhiên, ngay trong lãnh vực các thụ tạo, chúng ta cũng thấy có những cấp độ vẻ đẹp khác nhau, tương tự như những cấp độ khác nhau về đơn nhất và thiện hảo. Có một “cái đẹp khả tri” (intelligible beauty) vốn thuộc riêng về đời sống tinh thần, và một cái đẹp “khả giác” (sense-perceptible) thuộc tầm mức thấp kém hơn. Cái đẹp khả tri thì liên kết với chân lý và thiện hảo luân lý một cách khẩn thiết. Như vậy, “xấu xí” (“ugliness”, thiếu vắng cái đẹp) là đặc trưng của sai lầm, dốt nát, tật xấu và tội lỗi. Hơn nữa, có một “cái đẹp tự nhiên” (natural beauty), vốn nảy sinh từ bản chất của sự vật, và một “cái đẹp nhân tạo” (artificial beauty), được tìm thấy nơi những công trình do con người làm nên (mục tiêu của nghệ thuật hay mỹ nghệ, là làm ra những sự vật đẹp).

Vẻ đẹp của những sự vật được nắm bắt nhờ những năng lực nhận thức: “nhờ các giác quan” (đặc biệt thị giác và thính giác), nhờ trí khôn, hay nhờ cả hai thứ cùng hợp tác. Nói khác đi, nó “liên quan đến nhận thức”. Tuy nhiên, “việc nắm bắt điều gì đẹp đem lại thêm cho nhận thức sự vui thích hoặc hài lòng vốn nảy sinh từ tri thức đó” (the apprehension of the beautiful adds to simple knowledge the pleasure or delight which results from that knowledge). Một sự vật là đẹp nếu như việc nắm bắt nó về mặt trí tuệ hoặc giác quan khiến người ta vui thích. Việc miêu tả nhạt nhẽo về một biến cố, nhất định sẽ không tạo nơi độc giả một vui thích giống như vui thích được tạo nên bởi một miêu tả tuyệt vời được viết lên bởi một văn sĩ chuyên nghiệp hoặc một thi sĩ thời danh. Do đó, cái đẹp đã thêm một điều gì đó vào nhận thức thuần túy.

1. Cái đẹp và thiện hảo

Cái đẹp có thể được coi như một kiểu chuyên biệt của thiện hảo, vì nó là đối tượng cho một xu hướng tự nhiên nào đó (“tham dục”) vốn được thỏa mãn qua việc chiêm ngưỡng điều gì đẹp (Beauty can be considered as a special type of goodness, since it is the object of a certain natural tendency (“appetite”) that is set at rest by the contemplation of the beautiful). Nó là một loại riêng của thiện hảo, khác biệt những loại thiện hảo khác. Mỗi sự vật thiện hảo đều làm nảy sinh niềm vui khi ta đạt được nó; tuy nhiên, những sự vật đẹp lại làm nảy sinh một sự hài lòng đặc biệt “chỉ nguyên bằng việc chúng được nhận biết”.

Chẳng hạn, chúng ta hãy xét đến một cánh đồng được rao bán. Nếu nó là lý tưởng cho việc trồng lúa mì, thì một chủ trang trại lúa mì thịnh vượng nhất định phải đến để xem nó, ông ta đặt hết tâm tư vào đó, và tìm mọi cách để mua cho bằng được. Như vậy, việc thủ đắc mảnh đất đó đã trở nên mục tiêu của ông ta, và ông ta đã tiến hành những cuộc thương lượng cần thiết cho đến khi đạt được mảnh đất đó. Tuy nhiên, có thể xảy ra là một người nào đó đi qua cánh đồng và cảm thấy phấn chấn trước cảnh quan mà mảnh đất đó đem lại, mặc dù người này không hề có ý định mua lấy mảnh đất. Người trước coi cánh đồng như mục tiêu hoặc như một điều thiện hảo nào đó, do vậy bắt đầu tìm cách để chiếm hữu cánh đồng. Người sau coi cánh đồng như một điều gì đó đẹp đẽ, do vậy chỉ nhìn ngắm cánh đồng thôi cũng đã được thỏa mãn rồi.

Điều gì đẹp sẽ khiến tham dục nhập cuộc. Chính tham dục làm nảy sinh niềm vui hoặc hài lòng khi thưởng lãm nét thẩm mỹ. Sự hài lòng đó lệ thuộc vào chuyện “chiêm ngưỡng” (contemplation), hoặc nhận biết đối tượng, chứ không phải chiếm hữu đối tượng. Đó là lý do tại sao Thánh Thomas, đã qui chiếu vào vẻ đẹp siêu nghiệm, cho rằng cái đẹp cho thấy nơi các sự vật “có một trùng hợp (concurrence) nhất định giữa việc hiểu biết và ước muốn”. Điều gì đẹp đẽ thì khiến ta vui thích (cho ý chí hoặc tham dục giác quan) theo mức độ nó được nhận biết (bởi trí năng hoặc các giác quan).

2. Nền tảng của cái đẹp

Mặc dù việc chiêm ngưỡng một vật đẹp luôn luôn được đi kèm bằng sự hài lòng, thì cái đẹp lại không phải là chính sự vui thích hoặc hài lòng, nhưng đúng ra là những đặc điểm mà người ta vui thích nắm bắt. Thánh Augustine viết: “Tôi tự hỏi sự vật là đẹp đẽ vì chúng làm vui thích, hay chúng làm vui thích vì chúng đẹp đẽ”. Dĩ nhiên, câu trả lời phải là “những sự vật làm vui lòng tôi nhờ vẻ đẹp của chúng”.[2] Giống như thiện hảo không phải là một thuộc tính nảy sinh từ ý muốn của chủ thể ước muốn nó, nhưng đúng ra là một hoàn bị của đối tượng được ước muốn, thì cũng vậy những sự vật vẫn cứ đẹp, dù có hay không những con người biết thưởng thức vẻ đẹp của chúng.

Cũng như trong trường hợp thiện hảo và đơn nhất, “những đặc điểm khiến một điều gì đó là đẹp, nói cho cùng, thì nảy sinh từ việc hiện hữu của nó” (the characteristics which make something beautiful arise, in the final analysis, from its act of being). Vì lý do này, Thiên Chúa, Đấng là “Esse” viên mãn, cũng là Vẻ Đẹp tối thượng và tuyệt đối.

II. VẺ ĐẸP VÀ HOÀN BỊ

Nếu như nền tảng của vẻ đẹp là việc hiện hữu, thì nhất thiết nó phải tương đương và hoán chuyển được với hiện hữu. Tuy nhiên, khi nghiên cứu về “thiện hảo” như một đặc điểm siêu nghiệm của “hữu thể”, chúng ta buộc phải xét đến những khía cạnh khác của điều “đẹp đẽ”. Quả thực, những sự vật, chỉ nguyên việc “chúng hiện hữu”, là đã chiếm hữu một hoàn bị, tức là “esse”. Đây chính là nền tảng của cái đẹp, nhưng nó không là khía cạnh duy nhất của cái đẹp.

“Một điều gì đó là đẹp theo ý nghĩa đầy đủ nhất (simpliciter) nếu như nó chiếm hữu mọi hoàn bị tương ứng với bản chất của nó” (Something is beautiful in the fullest sense (simpliciter) if it pos”esse”s all the perfections that correspond to its own nature). Ví dụ, chúng ta nói rằng, con linh dương là một con vật đẹp theo mức độ nó có được sự hài hòa và hoàn bị phù hợp với bản chất của nó (chúng ta gọi điều này là pulchrum simpliciter), và không chỉ vì nó có được việc hiện hữu (pulchrum secundum quid).[3] Ý nghĩa chính yếu này của vẻ đẹp được biểu lộ qua một số đặc điểm làm nảy sinh ngay một vui thích về thẩm mỹ. Thánh Thomas nêu lên ba điểm nền tảng của vẻ đẹp:

1/. Trước hết là “một sự hài hòa hoặc cân xứng” nào đó nơi chính đối tượng cũng như đối với môi trường chung quanh nó. Sự “cân xứng” (proportion) không loại bỏ sự “biến cách” (variety); nó không có nghĩa là một sự đơn điệu hoặc thiếu vắng những hình thù hay đường nét. Ta có nhiều ví dụ, từ việc sắp xếp tuyệt vời của vũ trụ trong toàn tính của nó, vốn làm hài lòng cả giác quan lẫn trí năng, cho đến ca điệu của một bản nhạc cổ điển hay tổ chức hài hòa của một cơ thể sinh động.

2/. Một yếu tố khác của vật đẹp, chính là “tính toàn bích hay đầy đủ” (integrity or completeness) của đối tượng đối với những hoàn bị được yêu cầu bởi hình thế bản thể hoặc bởi những hình thế phụ thể của nó. Một sự vật đẹp đẽ thì đầy đủ, không chỉ theo nghĩa chính của từ, nhưng còn theo nghĩa là nhận được sự “trau chuốt” (finishing touch) khiến một đồ vật trung bình hay một công trình tàm tạm biến thành một công trình nghệ thuật công phu.

3/. Đặc điểm thứ ba là tính “sáng tỏ” (clarity), vừa theo nghĩa vật chất vừa theo nghĩa tinh thần. Đối với trí năng, sáng tỏ có nghĩa là tính khả tri, chân thật, hiện hữu. Trong trường hợp thị giác, sáng tỏ có nghĩa là ánh sáng, màu sắc, độ sáng, tính chan hòa. Trong trường hợp thính giác, nó có nghĩa là sự sắp đặt hay phức hợp những âm thanh khiến cho việc nghe chúng được thú vị hơn.

Ba đặc điểm trên thì trong mỗi trường hợp đều mang một vẻ khác nhau, nhưng chúng vẫn hiện diện cách nào đó nơi vật nào là đẹp “simpliciter”.[4]

Cả ba khía cạnh trên của vẻ đẹp, tạo nên nền tảng khách quan cho mỹ học; mỹ học là một dạng nhận thức phân biệt khỏi siêu hình, nhưng lại vẫn gắn liền với siêu hình qua khái niệm về pulchrum simpliciter. Do đó, chúng ta có thể nói rằng những gì có sự hài hòa, đầy đủ và sáng tỏ thì đều đẹp đẽ về mặt khách quan, tuy nhiên không đương nhiên có nghĩa rằng nó thỏa mãn tất cả mọi thị hiếu mỹ học.

III. NHỮNG CẤP ĐỘ CỦA VẺ ĐẸP

Vẻ đẹp của Thiên Chúa, vốn là duy nhất và tuyệt đối đơn thuần, thì được phản ảnh nơi các thụ tạo theo nhiều cấp độ khác nhau. Vì chúng chỉ thông phần vào việc hiện hữu, nên các thụ tạo chỉ chiếm hữu một vẻ đẹp hạn chế. Không một thứ gì trong chúng chiếm hữu vẻ đẹp đến “tuyệt mức” (in its entirety); đúng hơn, mỗi thứ chỉ có được vẻ đẹp phù hợp với cách thức hiện hữu riêng của nó, cách thức này được xác định bởi hình thế. Giờ đây chúng ta xem xét riêng biệt hai khu vực chính trong thế giới thụ tạo, tức là thế giới tinh thần và thế giới của những “hữu thể” vật chất, để phân tích xem làm sao có thể tìm thấy vẻ đẹp nơi các thế giới đó.

1/. Những bản thể tinh thần, mà hình thế của chúng không bị giới hạn bởi vật chất, thì có được vẻ đẹp trọn vẹn thuộc về cấp độ và cách thức hiện hữu của chúng (Spiritual substances, whose forms are not limited by matter, have the full beauty which pertains to their degree and mode of being). Tùy theo mức độ một thiên thần có “esse”, thì ngài là thiện hảo và đẹp. Do đó, có một cấp độ nơi vẻ đẹp của những tinh thần thuần túy, tức là việc phản ảnh trung thực phẩm trật được kiến tạo bởi những cấp độ hiện hữu của các ngài (pulchrum secundum quid).

Vẻ đẹp “simpliciter” của các thiên thần thì đồng nhất với vẻ đẹp “secundum quid” của các ngài. Sở dĩ như vậy là vì mỗi vị thiên thần đều là một loài nơi chính mình, và có được tất cả mọi hoàn bị (quantitas virtutis) phù hợp với bản chất của mình trong mức độ khả dĩ tối đa.

Chúng ta cũng có thể nhận xét vẻ đẹp của một thiên thần đối với cứu cánh siêu việt của ngài (Thiên Chúa), mà ngài đạt được (attains) qua những hành vi tự do của mình. Ở đây có vẻ đẹp thực sự “simpliciter” của một thiên thần, vì như đã nêu, vẻ đẹp của ngài phù hợp với bản tính thì được giải kết vào vẻ đẹp “secundum quid” của ngài. Những đặc điểm của vẻ đẹp “simpliciter” (hài hòa, toàn bích, và sáng tỏ) bị thiên thần làm mất đi vì đã phạm tội, điều này tách rời thiên thần khỏi cứu cánh tối hậu của mình.

2/. Trong lãnh vực các “hữu thể” vật chất, vẻ đẹp có tính cách vụn vặt hơn (Within the realm of material beings, beauty is more fragmentary and scattered), vì ở cấp độ này, chuyện hình thế bản thể bị giới hạn bởi chất liệu sẽ ngăn cản mỗi cá thể chiếm hữu toàn bộ những hoàn bị loài của mình.

Không “hữu thể” vật chất nào biểu lộ vẻ đẹp đến hết mức, ngay cả vẻ đẹp vốn thuộc về giống hay loài của mình cũng vậy, vì nơi nhiều cá thể khác biệt, hình thế bản thể chịu ảnh hưởng bởi nhiều hình thế phụ thể, được thích nghi theo bản chất của nó ở nhiều cấp độ. Ngoài ra, bất cứ một cá thể nào đều khó mà đẹp đẽ trong mọi khía cạnh được. Một con ngựa có thể có một hình dạng hết sức đẹp đẽ và có thể trình diễn vẻ duyên dáng gây sửng sốt trong cuộc đua vượt rào, nhưng màu sắc của nó lại còn thiếu sót nhiều. Một bài thơ có thể có những tư tưởng rất gợi ý, nhưng vẫn còn có những vần thơ chưa hoàn chỉnh.

Giống như các “hữu thể” tinh thần, các bản thể vật chất cũng có những cấp độ vẻ đẹp “secundum quid”, phù hợp với cấp độ hiện hữu của chúng. Xét về vẻ đẹp “secundum quid”, thì những loài nào hoàn bị hơn đương nhiên phải đẹp hơn. Tuy nhiên, đối với vẻ đẹp simpliciter, một cá thể của một loài kém hơn có thể đẹp hơn một cá thể khác thuộc loài cao cấp hơn. Ví dụ, một bông hồng có hình dạng hoàn hảo thì còn đẹp hơn một con ngựa đã dị dạng.

Điều đã bàn ở trên chỉ qui chiếu về những hoàn bị nội thân của các “hữu thể” thiêng liêng và vật chất nơi bản chất của chúng. Tuy nhiên, có một cấp độ vẻ đẹp cao hơn “vốn được thủ đắc khi một “hữu thể” điều hướng bản thân mình về cứu cánh siêu việt của mình [Thiên Chúa]” (which is attained when a being directs itself towards its transcendent end [God]). Quả vậy, điều này tạo nên tột đỉnh của vẻ đẹp, vì việc thủ đắc cứu cánh siêu việt phải là tột đỉnh của hoàn bị. Đặc biệt trong trường hợp con người, vẻ đẹp của thể xác bị lu mờ trước vẻ đẹp được thủ đắc qua những hành vi tự do dẫn ta đến Thiên Chúa. Do đó, khi chúng ta nói đến nét xấu xí của tội lỗi, chúng ta không chỉ dùng một kiểu nói bóng, trái lại, chúng ta đề cập đến sự rời rạc và tối tăm có thật nảy sinh nơi một linh hồn đã tự do phạm tội. Việc rời rạc và cái xấu như vậy thì vượt qua bất cứ cái xấu nào nảy sinh từ việc biến dị thể lý.

IV. CON NGƯỜI TRI GIÁC VẺ ĐẸP

Mặc dù mọi sự vật đều là thiện hảo nơi chính mình, thì một số lại có hại cho con người, ví dụ một số bản thể có chất độc. Trong trường hợp vẻ đẹp cũng tương tự như vậy. Mọi thụ tạo đều có vẻ đẹp riêng của mình, vốn phù hợp hơn kém với hoàn bị của mình. Tuy nhiên, “để cho con người được hài lòng bởi vẻ đẹp của các sự vật, phải có một sự cân xứng giữa những khả năng nhận biết của con người và vẻ đẹp mà con người nắm bắt” (for man to be delighted by the beauty of things, there has to be a certain proportion between his knowing powers and the beauty which he apprehends). Chính việc phù hợp như vậy với đối tượng sẽ tạo nên sự hài lòng qua việc làm cho nhận thức của con người về đối tượng đó được dễ dàng đạt được và tương xứng hơn. Những khả năng của chúng ta, được Thiên Chúa tạo nên để nhận biết “hữu thể”, được vui sướng khi chiêm ngưỡng điều gì là hoàn bị.

Nhu cầu đòi có sự cân xứng đó, tiên vàn nảy sinh từ bản chất có thân thể của ta và từ nhận thức giác quan. Đó là lý do tại sao có những khía cạnh của vẻ đẹp lại “vuột khỏi” (elude) một số người, giống như có những chân lý mà một số người không tài nào hiểu được. Đó cũng là lý do tại sao một “giáo dục mỹ học” lại thường là cần thiết để có thể tri giác được vẻ đẹp của một số nghệ phẩm.

Điều này hầu như khẳng định sự kiện vẻ đẹp là một “thuộc tính” (attribute) của các sự vật. Mặc dù tính chủ quan của con người đôi khi thắng thế trong nghệ thuật (đặc biệt trong thời bây giờ), thì vẻ đẹp của một đối tượng vẫn không lệ thuộc vào điều mà “mỗi người yêu thích” hoặc dựa vào “sở thích của mỗi người”, tức là dựa vào những gì mà bất cứ ai cho là đẹp. Bằng không sẽ chẳng có nghĩa gì khi nói đến vẻ đẹp hoặc xấu xí. Cả kinh nghiệm thường nhật và kinh nghiệm thẩm mỹ đều cho thấy rằng “vẻ đẹp tự nhiên, cũng giống như vẻ đẹp nảy sinh từ hành vi của con người, thì vượt trên con người” (natural beauty, as well as the beauty arising from human activity, transcends man) và đặt cơ sở trên bản chất của sự vật. Do đó, có thể xảy ra là một con người có thể có thị hiếu sai lệch về nghệ thuật, hay có khả năng thưởng thức hoặc sáng tạo những sự vật đẹp.

Việc nghiên cứu cách thức con người tạo ra vẻ đẹp trong những sáng tạo của mình thì không liên hệ đến Siêu Hình Học nhưng thuộc về lý thuyết mỹ học hay nghệ thuật. Công việc của Siêu Hình Học cũng không phải là giải quyết vấn đề tại sao người ta không thể cảm nhận vẻ đẹp. Đó là nội dung dành cho Tâm lý học và Mỹ học. Ta chỉ cần lưu ý một số điểm sau:

1/. Vì vẻ đẹp mà ta tri giác là một phức hợp, nên chủ thể nhận biết có thể chú ý nhiều hơn tới một lối biểu lộ đặc thù của nó. Nếu người đó bị nhiễu bởi một khía cạnh bề ngoài mà thôi, hẳn anh ta sẽ đánh giá nó quá mức, do đó không thể nhìn ra giá trị đích thực nơi vẻ đẹp của toàn khối. Sự sáng tỏ trong lối trình bày, sự phong phú của các hình ảnh, hay tiết nhịp của một diễn từ đôi khi đã khiến người ta thán phục một học thuyết sai lầm, và coi nó là đẹp ngay trong khía cạnh ý nghĩa của nó.

2/. Ngoài ra, những tập quán thủ đắc được cũng khiến cho những năng lực tinh thần của con người phù hợp với một số đối tượng hơn là với những đối tượng khác. Do đó, việc giáo dục khiến cho một vài người có khả năng hơn trong việc nắm bắt một số khía cạnh của vẻ đẹp; cũng vậy, có những người có thể thu thập những chân lý toán học hoặc giá trị của một số hành vi nhân đức một cách dễ dàng hơn. Những tập quán như vậy là những lý do đứng đằng sau chuyện các phong cách nghệ thuật cứ mãi biến động.

***

SÁCH ĐỌC THÊM

 

1/. PLATO, Hippias Major.

2/. PLATO, Phaedo.

3/. ST. ALBERT THE GREAT, Summa de bono.

4/. ST. THOMAS AQUINAS, Summa Theologiae, I, q. 5, a.4.

5/. ST. THOMAS AQUINAS, De divinis nominibus, ch. 4.

6/. E. DE BRUYNE, Estudios de estética medieval, Gredos, Madrid 1959.

7/. E. GILSON, Les arts du beau, Vrin, Paris 1963.

8/. G. POLTNER, Schonheit, Herder, Wein 1978.

 

 



[1] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, I, q. 5, a. 4,c.

[2] St. Augustine, De Vera Religione, Ch.32.

[3] If one does not distinguish pulchrum simpliciterfrom pulchrum secundum quid, he would tend to resolve the latter into the former, and thus deny the trascendental nature of beauty. We see this in Nicolai Hartmann’s Aesthetics, in which he affirmed that beauty is not equivalent to the good, the true, or to being. Hartmann would say that human actions cannot be called beautiful, except in a merely metaphorical, that is, equivocal manner.

[4] We are using this terminology (pulchrum simpliciter or secundum quid) following that of St. Thomas Aquinas in his study about the good (bonum simpliciter or secundum quid). Even though St. Thomas does not explicity use the term pulchrum simpliciter, it is very much in line with his thought; besides, the use of the term enables us to attain greater clarity in our understanding of beauty.