Sunday, 29 March 2020 15:28

Cấu Trúc Siêu Hình Của Hữu Thể: Esse - Hiện Thể Tối Hậu Của Một Hữu Thể Featured

SIÊU HÌNH HỌC

Nguyên tác: Tomas Alvira, Luis Clavell & Tomas Melendo, Metafisica

(Bản tiếng Tây Ban Nha - NXB. 1981)

Fr. Luis Supan, Metaphysics

(Bản tiếng Anh - NXB. 1991)

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Đỗ Ngọc Bảo, OP.

***

***

PHẦN DẪN NHẬP

***

PHẦN I

CẤU TRÚC SIÊU HÌNH CỦA HỮU THỂ

***

CHƯƠNG I: BẢN THỂ VÀ PHỤ THỂ

CHƯƠNG II: CÁC PHẠM TRÙ

CHƯƠNG III: CẤU TRÚC HIỆN THỂ - TIỀM NĂNG CỦA HỮU THỂ

CHƯƠNG IV: YẾU TÍNH CỦA MỘT HỮU THỂ

CHƯƠNG V: NGUYÊN LÝ CÁ THỂ HÓA

CHƯƠNG VI: ESSE - HIỆN THỂ TỐI HẬU CỦA MỘT HỮU THỂ

(ESSE: THE ULTIMATE ACT OF A BEING)

 

I. SỰ HIỆN HỮU LÀ NỀN TẢNG TỐI HẬU CỦA MỌI THỰC TẠI

(THE ACT OF BEING IS THE ULTIMATE FOUNDATION OF ALL REALITY)

Việc có nhiều thụ tạo cho ta biết có nhiều mức độ hoàn bị. Nhưng, đồng thời, chuyện đó cũng cho ta biết được một hoàn bị vốn là chung cho mọi hữu thể, đó là “esse”. “Esse” siêu việt bất cứ hoàn bị nào khác vì, theo cách loại suy, nó hiện diện nơi mỗi một hoàn bị. Mỗi hiện thế đều giả định và tỏ bày “esse”, cho dù là theo nhiều cách khác nhau: sự sống, một màu sắc, một nhân đức, tất cả đều chia sẻ việc hiện hữu theo nhiều cấp độ khác nhau.

Chuyện cùng chia sẻ việc hiện hữu như thế, đi kèm với việc hiện hữu được chiếm hữu và biểu lộ theo nhiều cách khác nhau, tất cả đã diễn tả sự kiện này là mọi thụ tạo đều phức hợp từ một hiện thế (esse), vốn bao gồm hết mọi hoàn bị của chúng, và một tiềm năng (essence), vốn giới hạn “esse” vào một cấp độ nhất định.

1. “Esse” (actus essendi) là một hiện thế bao gồm mọi hoàn bị

Cũng như mỗi người chiếm hữu một hình thế bản thể (hiện thế trên cấp độ yếu tính), tức điều khiến cho anh ta là con người, thì mọi sự vật cũng có một hiện thế (esse) nhờ đó tất cả chúng đều là hữu thể. Nếu hình thế bản thể con người mà hiện diện tách biệt khỏi những con người cá thể, thì hẳn nó sẽ hàm chứa tột mức mọi hoàn bị mà những cá nhân chỉ có được cách giới hạn, tức là về con số và cường độ. Thực ra, nếu ta thấy hình thế bản thể có bị giới hạn, thì đó là do tiềm năng tiếp nhận hình thế và giới hạn hình thế. Tương tự thế, việc hiện hữu của thụ tạo, vốn là hình ảnh cho “esse” của Thiên Chúa, cũng bị giới hạn bởi một tiềm năng (yếu tính) vốn giới hạn cấp độ hoàn bị của việc hiện hữu đó.

Tuy nhiên, có một khác biệt quan trọng giữa “esse” và các hoàn bị khác của một hữu thể (hình thế bản thể và các hình thế phụ thể). Nếu có một hiện thế nào khác tồn tại tách biệt khỏi mọi tiềm năng, thì nó phải có được hoàn bị thuộc về cách thức hiện hữu của mình (ví dụ, một “nhân tính lập hữu” (subsistent humanity) hẳn phải là một con người viên mãn), nhưng lại không chiếm hữu được bất cứ điều hoàn bị nào khác thuộc về riêng những loài khác. Trái lại, việc hiện hữu, nguyên tự nó, bao gồm các hoàn bị, không chỉ hoàn bị của một loài đặc thù, nhưng của mọi loài đã có và có thể có.

2. “Esse” là một hiện thế theo nghĩa đầy đủ nhất

Như vậy, có thể thấy rằng việc hiện hữu là một hiện thế theo nghĩa đầy đủ và thích hợp, vì nguyên nó không bao hàm bất cứ một giới hạn nào.[1] Trái lại, những hiện thế khác là những cách thức hiện hữu đặc thù, do đó chỉ là tiềm năng nếu đem so với việc hiện hữu. Theo nghĩa này, chúng có việc hiện hữu, không phải cách tuyệt đối, nhưng chỉ theo cách thức riêng biệt. Do đó, có thể nói rằng chúng giới hạn “esse”, giống như tiềm năng giới hạn hiện thế của mình.[2]

“esse” chiếm hữu đầy đủ nhất các đặc điểm của hiện thế, nên nó có thể đứng độc lập khỏi bất cứ tiềm năng nào. Do đó, chúng ta có thể hiểu được lý do tại sao, về mặt siêu hình, Thiên Chúa có thể được coi là Việc Hiện hữu thuần túy (pure Act of Being), Ngài chiếm hữu cách viên mãn và tuyệt đối mọi hoàn bị hiện diện nơi các thụ tạo. Việc Hiện hữu thuần túy này thì vượt xa mọi hoàn bị của cả vũ trụ.

Phân tích đến cùng, “esse” có thể được miêu tả thích đáng như hiện thế tối hậu của một hữu thể (“ens” - ultimate act of a being “ens”), vì mọi vật và mỗi một hoàn bị hoặc hiện thế của chúng đều chỉ là những cách thức hiện hữu hoặc những hình thế vốn chiếm hữu hiện thế cơ bản một cách hạn chế (tức là nhờ sự thông dự), mà nếu không có hiện thế đó, thì cũng chẳng có sự vật nào.

“Esse” là hiện thế của mọi thứ hiện thế khác nơi một hữu thể, vì “esse” thực hữu hóa bất cứ hoàn bị nào khác, khiến cho có hoàn bị đó. Ví dụ, hoạt động của con người, vốn là “hiện thế đệ nhị”, có nền tảng nơi những năng lực hoạt động, những năng lực đó kiến tạo nên “hiện thế đệ nhất” trong lãnh vực phụ thể. Cùng với những hoàn bị phụ thể khác, những năng lực đó có được tính thực hữu là nhờ ở hình thế bản thể, hình thế đó là hiện thế đệ nhất của yếu tính. Tuy nhiên, toàn bộ hoàn bị của yếu tính lại bắt nguồn từ “esse”, do đó “esse” được gọi đúng đắn là hiện thế tối hậu và hiện thế của tất cả mọi hiện thế khác nơi một hữu thể.

II. “ESSE” VÀ YẾU TÍNH PHÂN BIỆT NHAU THỰC SỰ

Vì là hiện thế cho yếu tính, nên việc hiện hữu nhất thiết phải phân biệt khỏi yếu tính, vì bất cứ tiềm năng nào cũng đều thực sự phân biệt (distinct) khỏi hiện thế của nó.

Trong dòng lịch sử, sự phân biệt này đã bị phản đối kịch liệt bởi một số nhà kinh viện duy hình thức, thậm chí một số trong đó còn nêu lên Thánh Thomas Aquinas để ủng hộ cho lập trường của họ. Tuy nhiên, các tác phẩm của Thánh Tiến Sĩ Thiên Thần luôn làm chứng cho sự phân biệt đích thực. Ngoài ra, việc thiếu một sự phân biệt như vậy sẽ khiến cho học thuyết của ngài là không thể hiểu được.[3]

Chúng ta chỉ cần đưa ra ba luận chứng giúp ta hiểu rõ hơn lý do tại sao yếu tính và việc hiện hữu lại phân biệt nhau.

1. Luận chứng thứ nhất dựa trên sự giới hạn tìm thấy nơi các thụ tạo (limitation found in creatures)

Mỗi thụ tạo chiếm hữu hoàn bị của “esse” chỉ một phần, xét cả về ngoại diên (có nghĩa là nó không phải là điều duy nhất), lẫn cường độ (tính thực hữu của nó bị giới hạn).

Xét về khía cạnh ngoại diên, ta dễ nhận thấy rằng bên cạnh bất cứ một hữu thể nào, còn có những hữu thể khác nữa; do đó, không một hữu thể thụ tạo nào múc trọn hoàn bị việc hiện hữu. Hơn nữa, xét về mặt cường độ, không một thụ tạo nào chiếm hữu các hoàn bị tới mức độ khả dĩ tối đa. Do đó, cho dù một người có thể thông minh đến đâu, thì vẫn luôn có thể tìm được một người khác có trí khôn còn vượt trội hơn (cao nhân tất hữu cao nhân trị). Thiện hảo của một thụ tạo luôn phải thua kém thiện hảo của thụ tạo khác hoàn bị hơn; thiện hảo của một cây thì lớn hơn thiện hảo của một loài khoáng vật; thiện hảo của thiên thần thì lớn hơn thiện hảo của con người; và thiện hảo của Thiên Chúa thì cao trọng vô biên hơn thiện hảo của mọi thụ tạo gộp chung lại.

Do đó, những hữu thể thụ tạo thì không đồng nhất với “esse” của chúng: chúng có việc hiện hữu nhờ sự thông dự, tức là không theo cách thức viên mãn, đầy đủ. Như đã thấy, việc chiếm hữu một hoàn bị theo lối thông dự (participated perfection) thì luôn đòi có hai nguyên lý: “vật thông dự” (participant), hoặc chủ thể tiếp nhận hoàn bị, đồng thời cũng giới hạn nó, và nguyên lý kia là chính hiện thế hay hoàn bị được thông dự (participated perfection). Trong trường hợp này, hiện thế là “esse”, còn yếu tính là tiềm năng tiếp nhận “esse”.

2. Luận chứng thứ hai dựa trên việc có nhiều hữu thể thụ tạo (multiplicity of created beings)

Việc có nhiều thụ tạo hiển nhiên cho thấy rằng chúng được phức hợp từ yếu tính và việc hiện hữu. Nếu có điều gì tồn tại mà yếu tính của nó lại đồng nhất với việc hiện hữu, thì nhất định nó phải là duy nhất và tuyệt đối (necessarily be one and simply). Nhất là, vì lẽ không thể nào một hiện thế được tăng bội trừ phi nó được nối kết với một thứ gì phân biệt khỏi nó, chẳng hạn một loài được tăng bội nơi những cá thể vì lẽ hình thế bản thể hiện diện nơi nhiều phần chất liệu khác biệt nhau.

Hoàn bị của việc hiện hữu quả thực đã được tăng bội nơi nhiều cá thể. Tuy nhiên, không thể nào có được chuyện trên trừ phi “esse” được nối kết với một tiềm năng (tức là yếu tính) thực sự phân biệt khỏi nó.

3. Luận chứng ba dựa vào sự tương tự tìm thấy nơi các hữu thể (similarity found among beings)

Nếu hai hoặc nhiều hơn nữa các sự vật tương tự nhau, thì phải có một điều gì nơi chúng tạo nên tính cách đồng dạng đó (conformity), đồng thời cũng có một điều gì làm cho chúng khác biệt. Hiển nhiên, nguồn mạch cho tính cách tương tự của chúng phải thực sự phân biệt khỏi nguồn mạch của tính khác biệt nơi chúng.

Ta thấy rằng mọi thụ tạo đều có việc hiện hữu, và như vậy chúng tương tự với nhau về điểm này. Trái lại, chúng khác biệt nhau là do yếu tính của chúng, vốn giới hạn việc hiện hữu theo nhiều cách. Do đó, yếu tính và việc hiện hữu thì thực sự phân biệt nhau.

Sự phân biệt này thực sự là nền tảng cho việc thụ tạo hoàn toàn lệ thuộc vào Đấng Tạo Hóa (This real distinction is the basis of the total dependence of creatures on the Creator).

Mặc dù vấn đề ta bàn ở đây thường được thu gọn vào bộ những tranh luận liên quan đến các trường phái tư tưởng khác nhau,[4] thì vẫn là điều ích lợi và làm nổi bật một vấn đề quan trọng khi ta tìm hiểu những mối tương quan giữa một thụ tạo và Thiên Chúa. Thực vậy, phân biệt thực sự giữa yếu tính và việc hiện hữu giúp cho chúng ta có được lối hiểu đúng đắn chuyện một thụ tạo lệ thuộc cách nào vào Đấng Tạo Hóa, về bản chất sự lệ thuộc này, và về sự hiện diện thân mật của Thiên Chúa nơi hữu thể thụ tạo.

Chỉ mình Thiên Chúa là “Hiện Thế Thuần Túy” (Pure Act) hay Hoàn Bị không giới hạn, hiện hữu độc lập nơi chính Ngài. Trái lại, các thụ tạo thì bị giới hạn, có được việc hiện hữu đón nhận từ Thiên Chúa. Do đó, nhất định chúng phải phức hợp từ hiện thế và tiềm năng. Mà điều này chỉ có thể xảy ra nếu như yếu tính và việc hiện hữu (những nguyên lý cấu tạo duy nhất trải rộng trên mọi tạo vật) thực sự phân biệt nhau. Nói khác đi, tính hữu hạn của một thụ tạo xét về mặt siêu hình sẽ không thể được giải thích như việc hiện thế tự giới hạn mình.

Nếu sự phân biệt giữa yếu tính và việc hiện hữu là không có thực, thì công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa chẳng để lại một vết tích nào nơi hiện hữu của thụ tạo. Thụ tạo cho thấy nó bắt nguồn từ hư vô, nó nghèo nàn và hữu hạn, chính xác là do nó thực sự phức hợp từ yếu tính và việc hiện hữu,[5] do đó việc hiện hữu không được hàm chứa nơi yếu tính một cách khẩn thiết.

Ngoài ra, điều trên còn giải thích bản chất chuyện lệ thuộc, vốn nối kết các thụ tạo với Căn Nguyên của mình. Toàn thể thụ tạo lệ thuộc vào Thiên Chúa như Nguyên Lý đầy đủ nhất và triệt để.[6] Điểm gặp gỡ giữa thụ tạo và Tạo Hóa chính là việc hiện hữu (esse), mà đặc điểm chuyên biệt của nó là cho thấy rằng thực tại hữu hạn phải lệ thuộc hoàn toàn vào Đấng Hằng Hữu (Subsistent Act of Being). Như đã nêu, việc thụ tạo lệ thuộc vào Tạo Hóa phải:

– là Triệt để (Radical): mỗi công hiệu đều tùy thuộc vào căn nguyên của mình vì lẽ nó được tạo nên bởi căn nguyên đó. Công hiệu riêng biệt trực tiếp nơi hoạt động của Thiên Chúa trong việc sáng tạo và bảo tồn chính là “esse” của mỗi thụ tạo, cũng là hình ảnh (likeness) của “esse” nơi Thiên Chúa. Vì “esse” là hiện thế của mọi hiện thế khác nơi thụ tạo, nên sự lệ thuộc của thụ tạo vào Thiên Chúa là triệt để; nếu không có việc hiện hữu thì cũng chẳng có điều gì cả.

– là Toàn diện và bao gồm mọi sự (Total and all– comprehensive): sự lệ thuộc này tỏa rộng đến mỗi một và tất cả mọi hoàn bị của vật phức hợp (bản thể, các phẩm chất, các năng lực và hoạt động), tất cả chúng đều nằm trong tiềm năng đối với việc hiện hữu.

– Thiết thân nhất hoặc nội tại nhất (closest or most intrinsic): vì “việc hiện hữu là điều sâu thẳm nhất nơi mỗi sự vật”.[7] Sự hiện diện của Thiên Chúa nơi các thụ tạo thông qua việc hiện hữu thì thân mật hơn chính sự hiện diện của thụ tạo nơi bản thân nó.

Sau cùng, vì là hiện thế của yếu tính, “esse” tạo nên một nền tảng cho nhiều cấp độ khẩn thiết trong hiện hữu được tìm thấy nơi các vật thụ tạo,[8] tức là chuyện một số thụ tạo thì khả hoại và số khác thì bất hoại. Nếu “esse” không phải là nguyên lý thực sự của các thụ tạo, mà chỉ là điều gì đó ở bên ngoài (đến từ Thiên Chúa), thì mọi vật đều là bất tất như nhau. Nếu thế thì các thiên thần, linh hồn con người, các động vật đều có cùng một cấp độ khẩn thiết trong hiện hữu, vì tất cả đều đến từ Thiên Chúa và không hề khác biệt nhau, vì lẽ tất cả đều đã được tạo dựng. Tuy nhiên, vì “esse” là một hiện thế, nên nó được ấn định bởi yếu tính chống đỡ nó, do vậy nó bị giới hạn bởi những điều kiện của yếu tính này. Có những yếu tính là thiêng liêng và bất tử (các thiên thần và linh hồn con người); do bản chất chúng đón nhận từ Thiên Chúa nên, một khi đã được tạo dựng, những yếu tính trên cứ mãi hiện hữu. Còn những hữu thể khác không có được sự vững bền đó; vì lý do này, chúng được gọi là những hữu thể “khả hoại” (corruptible).

III. PHỨC HỢP “YẾU TÍNH - HIỆN HỮU” LÀ CẤU TRÚC CƠ BẢN CỦA NHỮNG VẬT THỤ TẠO

Ta thường nghe nói rằng phức hợp “yếu tính – hiện hữu” thì thuộc lãnh vực siêu nghiệm, vì nó nhất thiết hiện diện nơi mọi hữu thể thụ tạo, dù chúng là vật chất hay tinh thần. Phức hợp này hạn định thụ tạo về mặt siêu hình, vì nó là gốc rễ cho tính hữu hạn của thụ tạo. Nó cũng là nguồn cơn cho những phức hợp khác tìm thấy nơi những thực tại hữu hạn, tức là phức hợp giữa “hiện hữu và hoạt động”, giữa “bản thể và phụ thể”. Chính vì các thụ tạo có “esse” bị giới hạn bởi yếu tính, nên chúng có thể tiếp nhận thêm những hoàn bị khác, vốn tích lũy thêm cho chúng thông qua các phụ thể, và đặc biệt là qua những hoạt động.

1. Yếu tính và hiện hữu là hai nguyên lý không thể phân ly của hữu thể (essence and act of being are two inseparable principles of beings)

Cấu trúc siêu hình của yếu tính và hiện hữu không được hiểu như kết quả của việc thu góp hai thực tại đã đầy đủ và hoàn bị.[9] Chúng là hai nguyên lý siêu hình kết hợp lại để làm nên một hữu thể đơn lẻ (single being), và tương quan với nhau như tiềm năng với hiện thế. Yếu tính là tiềm năng đối với việc hiện hữu, và nó không thể hiện diện độc lập khỏi việc hiện hữu. Ở đây chúng ta chạm đến một tiềm năng không thể phân ly khỏi hiện thế của nó; đúng hơn, nó luôn luôn nối kết với hiện thế đó.

Một mối tùy thuộc gần gũi nhất sẽ nối kết hai nguyên lý đó lại. Những hữu thể tồn tại mà chúng ta nhìn thấy là phức hợp từ yếu tính và hiện hữu; chúng không bao giờ chỉ nguyên là yếu tính hoặc nguyên là hiện hữu. Yếu tính chỉ hiện diện nhờ việc hiện hữu “bởi vì, khi chưa có “esse”, nó chưa là gì cả, ngoại trừ trong trí tuệ của Đấng Tạo Hóa, ở đấy nó không phải là một thụ tạo, nhưng chính là yếu tính sáng tạo”.[10] Qua việc tạo dựng, Thiên Chúa tạo ra những hữu thể từ hư vô, có nghĩa là Ngài đã tạo nên việc hiện hữu bị giới hạn bởi chính yếu tính của nó. Ngài không sản sinh hai sự vật riêng biệt trước đã rồi sau đó mới nối kết chúng lại với nhau, nhưng Ngài làm nên một sự vật đơn lẻ hữu hạn, phức hợp từ tiềm năng (yếu tính) và hiện thế (esse).

2. Việc hiện hữu nơi các sự vật vật chất

“Esse” của mỗi hữu thể là một hiện thế đối với yếu tính, tương tự như kiểu hình thế là hiện thế đối với chất liệu. Cả hai hiện thế, “esse” và hình thế bản thể, có được sự viên mãn của mình bị giới hạn bởi các chủ thể tiếp nhận chúng. Tuy nhiên, có sự khác biệt nền tảng: hình thế xác định chất liệu, đưa chất liệu về cách thức hiện hữu riêng mình; còn việc hiện hữu thì không xác định hình thế, nhưng được xác định bởi hình thế.[11] Chất liệu đệ nhất thì hoàn toàn bất định (completely indeterminate), vì nó chưa có một chút gì là thực hữu (actuality) và như vậy, hình thế xác định nó, khiến cho nó là chất liệu của loài này hay loài kia. Trái lại, việc hiện hữu thì không thiếu tính thực hữu; nó bao gồm mọi hiện thế một cách trổi vượt. Do đó, hình thế xác định “esse” theo ý nghĩa đối lập với ý nghĩa mà trong đó nó xác định chất liệu. Hình thế xác định “esse” bằng cách giới hạn tính thực hữu của “esse”, nhưng lại xác định chất liệu bằng cách đem lại cho chất liệu tính thực hữu (actuality).

IV. “ESSE”, XÉT NHƯ HIỆN THẾ, LÀ HẠT NHÂN CỦA SIÊU HÌNH HỌC THOMAS

“Esse” xét như hiện thế tối hậu, và việc nó phức hợp với yếu tính, vốn là đặc trưng cho mọi thụ tạo, đã là một trong những đề tài nền tảng nhất trong Siêu hình học và thần học của Thánh Thomas Aquinas. Ta nhận thấy điều này trong lối giải quyết cho vô số vấn đề, vốn khó hiểu nếu như việc hiện hữu (esse) không được coi như hiện thế tối hậu của ens.

Vắn tắt, chúng ta có thể nêu lên một số vấn đề như sau:

1. Bản chất siêu hình của Thiên Chúa

Về mặt Siêu hình học, Thiên Chúa có đặc điểm duy mình Ngài là “Esse Subsistens” (the Subsistent Act of Being), là Việc Hiện Hữu Thuần Túy, tức là hiện hữu tự thân không hề bị giới hạn bởi bất cứ yếu tính nào. Yếu tính của Ngài cũng chính là hiện hữu của Ngài.

2. Phân biệt giữa Thiên Chúa và các thụ tạo

Các thụ tạo thì triệt để phân biệt khỏi Đấng Tạo Hóa bởi lẽ chúng được phức hợp giữa yếu tính và hiện hữu, phức hợp đó ảnh hưởng lên mỗi hữu thể thụ tạo, và kiến tạo nên căn nguyên và gốc rễ cho mọi thứ khác biệt về sau.

3. Thụ tạo có nét tương tự với Thiên Chúa và sự nhận biết Đấng Tạo Hóa

Qua việc khám phá rằng hiện thế kiến tạo nội tại của thụ tạo là “esse”, vốn tương tự với hiện hữu của Thiên Chúa, chúng ta hiểu được rằng những sự vật phản ảnh hoàn bị của Thiên Chúa, và qua chúng thì chúng ta có được một tri thức nào đó về Căn Nguyên của chúng.

4. Mọi hữu thể đều lệ thuộc tuyệt đối vào Thiên Chúa

Vì là tiềm năng để hiện hữu (potentia essendi = potency of being), yếu tính kéo theo việc thụ tạo luôn lệ thuộc vào Thiên Chúa, Đấng là “esse” do yếu tính, là căn nguyên sáng tạo và duy trì “esse” mà các thụ tạo chiếm hữu qua việc thông dự.

5. Có sự khác biệt giữa các thụ tạo thiêng liêng và các thụ tạo vật chất

Cấu trúc giữa yếu tính và actus essendi giúp chúng ta hiểu được tính cách hữu hạn của các thụ tạo thiêng liêng, các thụ tạo này cũng phải chịu sự phức hợp siêu hình nói trên. Tuy nhiên, chúng ta đồng thời cũng biết được rằng các thụ tạo đó khác biệt với những bản thể vật thể, vì những thứ sau còn thêm một lần phức hợp giữa chất liệu và hình thế.

Khái niệm “actus essendi” có một tầm quan trọng lớn đến độ, nếu ta lơ là nó sẽ dẫn đến nhiều sai lầm siêu hình. Việc chối bỏ “esse” như hiện thế của yếu tính thì bắt đầu trong thuyết hình thức (formalism) của một số nhà kinh viện sau Thánh Thomas Aquinas. Yếu tính không còn được coi như “potentia essendi”, nhưng như một điều gì đó có một tính tự trị nhất định. Vì không coi “esse” như một hiện thế nội tại của “ens”, trái lại muốn coi nó như một điều gì ở bên ngoài (một “trạng thái” mà thôi, nảy sinh từ hoạt động của Thiên Chúa, mà không có hiệu quả nào trong cấu trúc của chính thực tại thụ tạo), yếu tính nắm một giá trị quá lố. Thay vì coi yếu tính như một điều gì đó phải hướng tới “esse”, các triết gia duy hình thức đặt “esse” lệ thuộc vào yếu tính, và như vậy yếu tính trở nên thành tố cơ bản của tạo vật.

Rút khỏi việc hiện hữu, thì khi đó yếu tính chỉ còn được xác định nhờ nội dung trừu tượng hoặc tính khả tri của nó, và điều này tạo nên một thửa đất màu mỡ cho bất cứ nền Siêu hình học nào muốn đặt tư tưởng ưu tiên trước hữu thể. Không khó để nhận thấy lý do tại sao “nền triết học về yếu tính” (philosophy of essence) đó lại được tiếp nối bởi một “nền Siêu hình học nội tại” (immanentist philosophy). Vì trong thế giới yếu tính, “esse” chỉ được coi như một điều được thêm vào từ bên ngoài, nên rốt cuộc “esse” bị thay thế bởi hành vi của lý trí, vốn đem lại tính khả tri cho các yếu tính, và thừa nhận chúng là thực tại duy nhất được nhận biết bởi những người theo thuyết nội tại, tức là, một “thực tại được suy tưởng” (a thought reality).

 

***

SÁCH ĐỌC THÊM

 

1/. SAINT THOMAS AQUINAS, Summa contra gentiles, I. ch. 70; II, ch. 53; Quodlibetum, III, q.1,a.1; VIII, a.un; De spir. Creat., a.1; De subst. sep., ch. 6.

2/. C. FABRO, La nozione metafisica di partecipazione, S.E.I., Torino 1960.

3/. F. INCIARTE, Forma formarum, Alber, Freiburg 1970.

4/. H. BECK, El ser como acto, EUNSA, Pamplona 1968.

5/. B. LAKEBRINK, Klassische Metaphysik, Rombach, Freiburg 1967.

6/. A. L. GONZALEZ, Ser y participacion, EUNSA, Pamplona 1979.

 

 


[1] The act of being is an act in the full and proper sense, since it does not of itself include any limitation.

[2] John Duns Scotus gave a formalist slant to metaphysics, thereby destroying the Thomistic doctrine of esse as act. The same trend was followed by Suarez, Leibniz, Wolff, and Kant; these philosophers considered esse not as act, but as effect (being in act): from esse ut actus to esse actu. Hartmann held the same view: “Being (ens) must be understood as actu ens of the Scholastics, or Aristotle’s ενέργεια óv. This interpretation is in accordance, first with common language, which makes reference more to the effect than to being (ens); secondly, it agrees with the usual philosophical degrees of the modes of being, in which what is possible is not yet real being, but only a stage prior to being: only what has been ‘effected’ or brought about is a complete being” (Zur Grundlegung der Ontologie, Gruyter, Berlin 1966, pp. 66-67). When Heidegger reproached Westem metaphysics for having lost sight of being, he was in fact referring to the kind of metaphysics which he had known, namely, the formalist type. It is quite well known that Heidegger had a scant knowledge of the metaphysics of St. Thomas Aquinas; he had a greater familiarity with Scotus metaphysics.

[3] According to some authors, the real distinction between the act of being and essence was made even before St. Thomas Aquinas. Its origin could be traced back to Aristotle who said in that fomous passage of Posterior Analytics (II, 7, 92b ff).

[4] The majority of the followers of St. Thomas Aquinas defended this important thesis if theữ master. But many other philosophers openly disagreed with it Aveưoes, Siger of Brabant and the Latin Averroists; Henry of Ghent, who influenced F. Suarez, Duns Scotus, WilUam of Ockham and the Nominalist philosophers; as weU as some Dominicans like Durand de Saint Pourcain, Harvey Nedellec, James of Metz.

[5] The creature reveals its origin from nothingness, its indigence and its finitude, precisely through its real composition of “esse”nce and the act of being.

[6] The whole of creation depends on God as its fullest and radical Principle.

[7] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, I, q.8, a.1, c.

[8] As the act of the essence, “esse” provides a basis for the different degrees of necessity in being found in created things.

[9] A disciple of St. Thomas, Giles of Rome, wrongly interpreted this aspect when he wrote in his Theoremata de ente et essentia that essentia and esse are truly distinct like two things (distingguuntur ut res et res).

[10] St. Thomas Aquinas, De Potentia, q.3, a.5, ad 2.

[11] The form determines matter, drawing it to its own mode of being; the act of being, however, does not determine the form, but is determined by it.