Sunday, 29 March 2020 15:29

Cấu Trúc Siêu Hình Của Hữu Thể: Chủ Thể Hiện Hữu Độc Lập Featured

SIÊU HÌNH HỌC

Nguyên tác: Tomas Alvira, Luis Clavell & Tomas Melendo, Metafisica

(Bản tiếng Tây Ban Nha - NXB. 1981)

Fr. Luis Supan, Metaphysics

(Bản tiếng Anh - NXB. 1991)

Chuyển ngữ: Lm. Giuse Đỗ Ngọc Bảo, OP.

***

***

PHẦN DẪN NHẬP

***

PHẦN I

CẤU TRÚC SIÊU HÌNH CỦA HỮU THỂ

***

CHƯƠNG I: BẢN THỂ VÀ PHỤ THỂ

CHƯƠNG II: CÁC PHẠM TRÙ

CHƯƠNG III: CẤU TRÚC HIỆN THỂ - TIỀM NĂNG CỦA HỮU THỂ

CHƯƠNG IV: YẾU TÍNH CỦA MỘT HỮU THỂ

CHƯƠNG V: NGUYÊN LÝ CÁ THỂ HÓA

CHƯƠNG VI: ESSE - HIỆN THỂ TỐI HẬU CỦA MỘT HỮU THỂ

 

CHƯƠNG VII: CHỦ THỂ HIỆN HỮU ĐỘC LẬP

 

(THE SUBSISTING SUBJECT)

 

Trên đây, chúng ta đã đi vào một phân tích những yếu tố cấu tạo thực tại, nhưng mục tiêu của chúng ta là nhận biết trọn vẹn hơn nữa về đối tượng Siêu Hình Học, tức là “Hữu thể”.

Giống như mọi tri thức tự nhiên, Siêu Hình Học bắt đầu bằng việc xem xét những sự vật thụ tạo, vốn là hữu hạn và phức hợp. Do đó, khi bàn về những thành tố khác nhau của thực tại thụ tạo,[1] ta luôn coi chúng là những nguyên lý của “Hữu thể”. Giờ đây, ta có thể làm một nghiên cứu về “Hữu thể” được xét trong tính đơn nhất phức tạp của nó, xét như một toàn bộ được phức hợp bởi những nguyên lý nêu trên, hoặc phát biểu bằng những thuật ngữ chính xác hơn, như một toàn bộ hiện hữu độc lập, vì phân tích đến cùng, tất cả những nguyên lý trên đều gắn bó với nhau và được thực hữu nhờ bởi một hiện thế đơn lẻ, cụ thể là, việc hiện hữu.

Không khó để nhận ra rằng, nếu Siêu Hình Học không liên tục qui chiếu về “Hữu thể” như một phức hợp và một đơn vị hiện hữu độc lập (như một thực tại toàn bộ), thì nó sẽ lạc mất đối tượng riêng của mình và lại chọn lựa trở thành một khoa học đặc thù. Như vậy, nó không còn xem xét những sự vật như chúng đang hiện hữu, trong tính thống nhất phức hợp của chúng, nhưng chỉ trong những khía cạnh từng phần (yếu tính, hoạt động, hoặc phẩm chất của chúng).

I. KHÁI NIỆM VỀ CHỦ THỂ HIỆN HỮU ĐỘC LẬP

Trong Siêu Hình Học, danh từ chủ thể hiện hữu độc lập hay “lập hữu” có nghĩa là “Hữu thể” đặc thù với tất cả những hoàn bị của nó (in metaphysics, the name subsisting subject or “suppositum” designates the particular being with all of its perfections).[2] Như vậy, các chủ thể hiện hữu độc lập là những thực tại cá biệt được xét trong toàn tính của chúng, có đặc điểm phân biệt là sự hiện hữu độc lập (subsistence), có nghĩa là việc chiếm hữu nội tại sự hiện hữu khiến cho mỗi sự vật là thực hữu trong toàn thể của nó.

Suppositum“Hữu thể” trong ý nghĩa trọn vẹn. Nếu như bản thể được gọi là “Hữu thể” theo nghĩa hẹp, bởi lẽ nó tiếp nhận việc hiện hữu nơi chính mình, thì hạn từ “Hữu thể” lại càng vừa vặn với suppositum, vì bản thể thụ tạo chẳng bao giờ hiện hữu mà không có phụ thể. Toàn thể, được phức hợp từ bản thể và các phụ thể, mới thực sự hiện hữu – chẳng bao giờ một mình bản thể hoặc nguyên các phụ thể lại hiện hữu riêng biệt. Dĩ nhiên, bất cứ điều gì cũng có thể được gọi là “Hữu thể”, trong mức độ nó là có thực cách nào đó (chất liệu, hình thế, bản thể, các phụ thể). Tuy nhiên, suppositum “Hữu thể” trong ý nghĩa phù hợp nhất, có nghĩa rằng nó là thứ gì hiện hữu độc lập, tồn tại nơi chính mình như một điều gì đó đầy đủ hoàn bị, và phân biệt khỏi bất cứ thực tại nào khác.[3] Như đã biết, đây không phải là chất liệu, cũng chẳng phải là hình thế đứng tách biệt, cũng không phải là bản thể tách rời khỏi các phụ thể, cũng chẳng phải việc hiện hữu (nơi các thụ tạo) phân cách khỏi yếu tính, nhưng là toàn thể nảy sinh từ việc kết hợp các yếu tố trên. Điều nói đến ở đây là một toàn thể chứ không phải chỉ thuần túy là chuyện gộp lại, vì những thành tố khác của chủ thể lập hữu thì nằm trong tiềm năng đối với việc hiện hữu đơn lẻ, và hiện hữu kiểu này chính là nền tảng cho tính đơn nhất của toàn thể.

1. Những đặc điểm của chủ thể hiện hữu độc lập

Chúng ta có thể định nghĩa chủ thể hiện hữu độc lập là một toàn bộ cá thể hiện hữu độc lập nhờ một việc hiện hữu đơn lẻ, do đó hiện hữu này không thể được chia sẻ với cá thể khác.[4] Những điểm nổi bật của suppositum là:

a. Tính cá thể (its individuality)

Chỉ có những sự vật đơn lẻ mới thực sự tồn tại. Không yếu tính trừu tượng nào được coi là một chủ thể hiện hữu độc lập, vì yếu tính loại đó không thể tự mình tiếp nhận việc hiện hữu.

b. Sự hiện hữu độc lập (subsistence)

Không phải bất cứ điều gì là cá biệt cũng đều hiện hữu độc lập. Chẳng hạn, các phụ thể là cá biệt, nhưng chúng không có hiện hữu của riêng mình. Cũng vậy, những phần vật chất của một bản thể, ví dụ bàn tay hoặc đầu, đều không có hiện hữu cho riêng mình. Là cá biệt (to be individual) và là “một cá thể” (to be “an individual”) không hoàn toàn đồng nghĩa với nhau. Là cá biệt, có nghĩa là đối lập với việc là phổ quát, và nó áp dụng cho cả bản thể lẫn phụ thể; tuy nhiên, là “một cá thể” lại đòi có sự hiện hữu độc lập, và do đó nó cũng là một suppositum.

c. “Tính không thể thông chia” (incommunicability or unsharedness)

Do bởi tính cách cá thể và hiện hữu độc lập của mình, chủ thể hiện hữu độc lập không thể được chia sẻ bởi những thứ khác. Đang khi một hình thế bản thể hoặc hình thế phụ thể được nhiều chủ thể khác nhau thông dự, thì suppositum lại không phải như vậy, vì nó tồn tại như một điều gì đó độc nhất và phân biệt khỏi các chủ thể khác. Điều này đôi khi được gọi là “tính bất khả thông chia”, nhưng chuyện đó không có nghĩa rằng bản thể này thì không liên hệ gì đến những bản thể khác.

2. Những yếu tố làm nên Suppositum

Chúng ta nhận thấy rằng, chỉ những cá thể hoàn bị mới tồn tại tự bản chất. Đem phân tích, chúng ta khám phá thêm những yếu tố làm nên những đơn vị riêng lẻ đó. Chủ thể hiện hữu độc lập được phức hợp từ:

a/. Việc hiện hữu (act of being), yếu tố cấu tạo cơ bản đem lại sự hiện hữu độc lập cho chủ thể;

b/. Yếu tính (esse), mà nơi những “Hữu thể” vật chất lại được phức hợp từ chất liệu và hình thế;

c/. Những phụ thể, là “những hiện thế” hoàn tất sự hoàn bị của yếu tính.

Như đã biết, có một trật tự nào đó giữa những yếu tố trên. Việc hiện hữu thì trực tiếp thực hữu hóa yếu tính, và nhờ yếu tính mà thực hữu hóa các phụ thể.

3. Những danh xưng ám chỉ đến chủ thể hiện hữu độc lập

Như trong trường hợp yếu tính, ở trường hợp chủ thể hiện hữu độc lập, người ta cũng dùng nhiều danh xưng để ám chỉ nó. Chúng khác biệt tùy theo đặc điểm mà chúng nhấn mạnh:

– nó được gọi là toàn bộ (whole = totum) tương phản với mỗi thành phần kiến tạo nên nó;

– nó được gọi là “cụ thể” (concrete),[5] vì nơi quyển thụ tạo, chủ thể hiện hữu độc lập này được tạo nên từ nhiều yếu tố nối kết lại.[6]

– nó là vật đơn lẻ và cá biệt (singular and individual), những hạn từ trên áp dụng cho điều gì đứng độc lập, vì nó nhất thiết phải là cá biệt và đơn lẻ, không phân biệt ở nơi mình, nhưng lại phân biệt khỏi những thứ khác;

– nó là lập hữu (suppositum or hypostasis), vì cá thể chống đỡ (“sub-positum” = placed beneath) một bản chất và một số phụ thể vốn chỉ có thể gán cho nó mà thôi, do đó, nó là chủ thể tối hậu của thuộc tính. Ví dụ, nói cách chặt chẽ, những hoạt động phù hợp với con người được gán cho chủ thể thực sự đứng độc lập (chẳng hạn, Dũng hoặc Loan). Chủ thể là hạn từ thường được dùng theo mục đích này.

– nó cũng là bản thể sơ yếu (primary substance). Hạn từ này đôi khi được hoán chuyển với suppositum, vì bản thể cá biệt thì nhất thiết phải bao gồm những phụ thể. Tuy nhiên, bản thể sơ yếu đôi khi chỉ nói đến yếu tính cá biệt cùng với việc hiện hữu của nó, mà không nói gì đến các phụ thể.

II. PHÂN BIỆT GIỮA BẢN CHẤT VÀ SUPPOSITUM

Yếu tính, và nhất là hình thế, đem lại cho toàn bộ cá thể một lối hiện hữu giống như lối hiện hữu của những cá thể khác, do đó đặt cá thể đó vào một loài nhất định. Nhờ ở yếu tính chung hoặc bản tính, những con người tạo nên thành phần của nhân loại.

Vì là nguyên lý nội tại cho sự tương tự (similarity) ở cấp độ loài, yếu tính có thể tương phản với suppositum hoặc cá thể, vốn là một thực tại không chia sẻ.[7] Do đó, tương quan giữa suppositum và bản chất của nó không phải là mối tương quan tồn tại giữa hai nguyên lý của “Hữu thể”; đúng hơn, nó là một mối tương quan kéo theo một sự phân biệt thực tế; suppositum phân biệt khỏi bản chất của nó cũng giống như kiểu toàn bộ khác biệt với các thành phần (the relation between suppositum and its nature is not that which exists between two principles of being; rather, it is one that entails a real distinction; the suppositum is distinct from its nature in the same way a whole is different from one of its parts).[8]

Sự phân biệt thực tế giữa bản chất và suppositum có thể xét theo hai cách:

a/. Nơi mỗi cá thể, có một sự phân biệt giữa yếu tính đã được cá biệt hóa (individuated essence) với toàn bộ chủ thể lập hữu;

b/. Mỗi cá thể đều phân biệt khỏi bản chất chung của loài.[9]

III. VIỆC HIỆN HỮU THUỘC VỀ SUPPOSITUM

Hiện thế kiến tạo khiến cho suppositum thành thực tế, chính là esse. Điều phù hợp nhất với cá thể chính là chuyện đứng độc lập, và nó chỉ là hiệu quả của việc hiện hữu.[10] Tuy nhiên, người ta không thể coi thường yếu tính trong lúc giải thích sự hiện hữu độc lập của một chủ thể, vì một “Hữu thể” chỉ tiếp nhận esse nếu như nó có được một yếu tính có thể đứng biệt lập; có nghĩa rằng, nó phải là một yếu tính bản thể, chứ không phải chỉ là một yếu tính phụ thể. Chẳng hạn như con người có thể tiếp nhận việc hiện hữu vào chính mình và trở thành một suppositum vì hắn chiếm hữu bản chất nhân loại, một yếu tính được hiểu là có thể hiện hữu độc lập tại thân.[11]

Tuy nhiên, bản chất loài của một sự vật thì không thể hiện hữu độc lập trừ phi nó tạo nên thành phần của một chủ thể lập hữu (cá thể). Do đó sẽ không chuẩn khi ta nói rằng việc hiện hữu thì thuộc về bản chất; thực ra nó chỉ thuộc về suppositum. Tuy nhiên, vì esse ảnh hưởng lên toàn thể nhờ bởi yếu tính, nên chúng ta có thể nói rằng “esse” thuộc về suppositum nhờ bản chất hoặc yếu tính bản thể.[12] Bản chất đem lại cho toàn thể cái khả năng để hiện hữu độc lập, mặc dù trên thực tế chính toàn thể mới hiện hữu độc lập, nhờ việc hiện hữu.

1. “Esse” là gốc rễ cho tính đơn nhất của vật phức hợp

esse là hiện thế tối hậu của một “Hữu thể”, vốn đem lại tính thực hữu (actuality) cho mỗi một yếu tố của “Hữu thể” (các yếu tố đó chỉ là tiềm năng đối với esse), nên những thành phần này được nối kết với nhau theo mức độ chúng được thực hữu (are made actual) nhờ hiện thế kiến tạo đó, và qui chiếu về hiện thế đó.

Do đó, sẽ hoàn toàn có lý khi nói rằng “việc hiện hữu là cơ bản cho tính đơn nhất của suppositum” (the act of being is the basis of the unity of the suppositum).[13] Không phần nào của toàn thể, đứng rời rạc, lại có esse của riêng mình; sở dĩ nó có hiện hữu, là nhờ ở esse của vật phức hợp. Tùy theo mức độ các thành phần của toàn thể có esse, chúng phải là một thể đơn nhất (unity), vì chỉ có một việc hiện hữu đơn lẻ mới khiến chúng là có thực. Chẳng hạn, chất liệu không hiện hữu độc lập khỏi hình thế; đúng ra, cả chất liệu lẫn hình thế mới lập hữu nhờ ở việc hiện hữu được tiếp nhận vào chúng. Những hoạt động cũng chỉ là một sự diễn tả tính thực hữu mà một “Hữu thể” có được nhờ esse của nó, và ta cũng có thể nói như vậy về những biến đổi phụ thể khác. Bất chấp việc có nhiều phụ thể, ta vẫn dễ nhận ra tính đơn nhất của suppositum nếu như ta thấy rằng không một phụ thể nào lại có việc hiện hữu riêng của mình. Mọi phụ thể đều chia sẻ cũng một việc hiện hữu của bản thể.

2. Mọi hoàn bị của một “Hữu thể” đều phải qui chiếu vào “suppositum”

Ta đã thấy rằng toàn bộ tính thực hữu của một “Hữu thể” có nền tảng tối hậu nơi hoàn bị là việc hiện hữu của nó. Vì suppositum đương nhiên là cơ sở (seat) của việc hiện hữu, nên mọi hoàn bị của suppositum, dù thuộc loại nào, cũng đều phải được gán cho suppositum xét như chủ thể riêng của chúng. Đặc biệt, các hoạt động phải được gán cho chủ thể hiện hữu độc lập. Do đó sẽ không chuẩn khi nói rằng bàn tay viết, rằng trí năng nhận thức, hoặc ý chí yêu thương. Trong mỗi trường hợp, toàn thể con người đã hoạt động thông qua những năng lực của mình. Chỉ có thứ gì lập hữu mới có thể hoạt động (Only that which subsists can act).

Cũng có thể nói thêm rằng cách thức (manner) hoạt động của một cá thể phải đi theo bản chất của nó, bản chất đó chính là cái xác định cách thức hiện hữu của nó. Do đó, có thể nói rằng hoạt động thì thuộc về lập hữu, phù hợp với hình thế và bản chất vốn định loại cho những hoạt động của cá thể đó. Như vậy, chỉ những cá thể mới hoạt động, vì chỉ có chúng mới tồn tại. Tuy nhiên, có một sự tương tự nhất định giữa các hoạt động của các phần tử thuộc một loài, vì tất cả đều chia sẻ một bản chất chung. Con người thì suy nghĩ và cười; loài chó thì sủa. Điều này cũng giải thích lý do tại sao không một cá thể nào lại có thể hoạt động vượt quá giới hạn thuộc loài của mình.

Việc thừa nhận một cá thể như một toàn bộ lập hữu riêng, đem lại nền tảng siêu hình giúp ta tránh được bất cứ hình thức nhị nguyên nào (giữa vật chất và tinh thần, giữa những giác quan và trí khôn), cũng như việc phân chia các sự vật thành những ngăn tù đọng mà trong đó tính đơn nhất của toàn bộ đã bị phương hại.

Học thuyết này cũng phủ nhận tính hợp lệ (validity) của những triết thuyết coi cái phổ quát như thực tại cơ bản (như thuyết của Hegel, thuyết duy sử, xã hội và Marxism), do đó hút lấy cá thể, khiến cho nó mất đi ý nghĩa siêu hình. Actus essendi, xét như hiện thế đơn lẻ của suppositum, không cho phép giản lược “Hữu thể” vào nguyên một mối tương quan hoặc chuỗi tương quan trong cùng một lớp hoặc cùng một phạm trù, như những hệ thống triết học nói trên chủ trương.

IV. NGÔI VỊ [14]

1. Khái niệm về “ngôi vị”

Đồng ý với Boethius, thánh Thomas Aquinas định nghĩa “một ngôi vị là một bản thể cá biệt có bản chất lý tính” (an individual substance of a rational nature = individua substantia rationalis naturae).[15] Một ngôi vị là một kiểu mẫu đặc thù của suppositum: đó là một suppositum chiếm hữu bản chất thiêng liêng.

“Ngôi vị” là danh xưng dùng để chỉ những “Hữu thể” hoàn bị nhất vốn tồn tại, tức là Thiên Chúa, các thiên thần, con người. Vì mọi hoàn bị đều nảy sinh từ esse, nên nét tuyệt vời của những bản thể nói trên là ở chỗ chiếm được trọn vẹn việc hiện hữu (God as Esse Subsistens), hoặc ở một cấp độ thông dự cao vào esse mà các thiên thần và con người có được. Phân tích rốt ráo, là một ngôi vị, có nghĩa là chiếm hữu sự tương tự với esse của Thiên Chúa một cách trổi vượt hơn, vì là tinh thần; điều đó có nghĩa là có được việc hiện hữu mãnh liệt hơn. Lối chia sẻ cao quý hơn trong việc hiện hữu đó sở dĩ khả thi là nhờ ở cấp độ hoàn bị cao hơn của bản chất vốn tiếp nhận esse, được tỏ lộ nơi một số hành vi mà chỉ ngôi vị mới có thể tạo được. Chẳng hạn các thiên thần và con người có khả năng thể hiện một số hành động tương tự như những hành động thuộc về Thiên Chúa, như hiểu biết và yêu thương.

Sau cùng, toàn bộ phẩm giá của ngôi vị, hoàn bị lớn lao đặc biệt trong những hoạt động của ngôi vị, thì có gốc rễ trong nét phong phú của hiện hữu ngôi vị.[16] Chính việc hiện hữu khiến cho anh ta là một ngôi vị, và tạo nên cơ sở cho tính độc nhất tâm lý của anh ta (việc tự ý thức, tình yêu thiêng liêng,.v.v…) và của giá trị luân lý và xã hội của anh ta.

Do đó, không phải ý thức hoặc ý chí tự do, cũng không phải trách nhiệm hoặc những mối tương quan liên-ngôi vị có thể tạo nên một ngôi vị. Tất cả những hoàn bị trên chỉ thuần túy là những phụ thể, có được là nhờ việc hiện hữu, vốn là hạt nhân thực sự duy nhất của ngôi vị tính (personality).[17]

Ngoài ra, vì suppositum có việc hiện hữu đơn lẻ, nên sự đơn nhất nội tại của suppositum loại bỏ bất cứ sự phân biệt nào giữa cá thể và ngôi vị trong trường hợp các thụ tạo có lý tính.[18] Việc cá vật hóa thì bao gồm toàn phổ yếu tính của con người (entire spectrum of the human essence).[19] Hiện hữu của linh hồn thực hữu hóa thân thể, và kiến tạo nên gốc rễ cho mọi hoạt động của ngôi vị.[20]

2. Một số đặc trưng của ngôi vị

Vì là hình ảnh của Thiên Chúa, nên ngôi vị có một phẩm giá cao quý được biểu lộ qua nhiều hoàn bị. Sau đây là một số những hoàn bị nổi bật nhất mà một ngôi vị có được:

a. Tự do (Freedom)

Chỉ có các ngôi vị mới làm chủ những hành vi của riêng mình, vì bản chất lý tính khiến cho các ngôi vị có khả năng nhận biết mục đích tối hậu đúng mức và điều hướng bản thân về mục đích đó. Các ngôi vị “làm chủ trên những hành vi riêng của mình; chúng không hoàn toàn bị động (moved) như những thụ tạo khác, nhưng tự mình hành động” (act of themselves).[21] Gắn liền với tự do là quyền được có những phương tiện cần thiết để đạt mục đích tối hậu (ví dụ, quyền tư hữu), và khả năng tuân thủ luật lệ và nghĩa vụ.

b. Bổn phận (Responsibility)

Vì con người là tự do, nên anh ta có thể lựa chọn việc điều hướng bản thân về cùng đích của mình (Thiên Chúa) hoặc không làm như vậy, do đó khiến cho mình đáng được thưởng hoặc chịu phạt. Những cá nhân, không phải những cộng đoàn xã hội, là những chủ thể của bổn phận; do đó, công trạng hoặc những bất xứng, nhân đức hoặc nết xấu, luôn luôn được gán cho cá nhân chứ không phải cho tập thể. Không ai có thể tránh né các hậu quả công việc của mình, vốn là những gì nảy sinh từ hạt nhân sâu thẳm của ngôi vị, mà chỉ Thiên Chúa và chính ngôi vị đó mới biết rõ.

c. Tình thân hữu hoặc tình yêu vô vị lợi (Friendship or benevolent love)

Vì có phẩm giá đặc biệt, nên chỉ mình ngôi vị mới có thể được yêu nguyên vì mình, chứ không phải được yêu như là một phương tiện để đạt một mục tiêu khác. Hơn nữa, chỉ có “Hữu thể” linh tính mới nhận biết những “Hữu thể” khác như các ngôi vị, mà mình có thể tỏ bày một tình yêu vô vị lợi đối với những ngôi vị đó.

d. Khả năng điều hướng mọi hoạt động của mình về Thiên Chúa

Vì con người có khả năng hướng về mục tiêu sau cùng của mình, nên mọi hành động tự do của con người đều nằm trong phạm vi luân lý – bất cứ hành vi nào của con người thì nói cho cùng cũng hướng đến hoặc xa lìa mục tiêu này (Thiên Chúa). Do đó, mọi hoạt động của con người luôn luôn có một giá trị siêu việt.

3. Một số hàm ý thần học

Việc nhận biết thỏa đáng về thực tại ngôi vị và mối tương quan của ngôi vị với bản tính đã được áp dụng rộng rãi trong phạm vi Thần học.

Chẳng hạn, khái niệm siêu hình về ngôi vị đem lại một công cụ hữu ích để nghiên cứu tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi. Nó cũng soi sáng đôi chút về mầu nhiệm Nhập Thể: quả vậy, hai bản tính của Đức Kitô, nhân tính và thiên tính, được kết hiệp trong một ngôi vị là Ngôi Lời, vì nơi Đức Kitô chỉ có một việc hiện hữu, việc hiện hữu đó thuộc về Thiên Chúa. Vì lý do này, Đức Trinh Nữ Maria là Thiên Chúa Thánh Mẫu, vì Ngài là Mẹ của Đức Giêsu Kitô, nơi Người chỉ có một ngôi vị (Ngôi Lời Thiên Chúa). Cũng cần ghi nhận rằng những hoạt động nhân tính của Đức Kitô bắt nguồn từ bản tính nhân loại của Người như nguyên lý, cho dù chính ngôi vị của Người mới thể hiện những hành vi đó, vì chủ thể cho mọi hoạt động chính là ngôi vị. Mối tương quan giữa ngôi vị và bản tính cũng giúp ta hiểu được thực tại về tội nguyên tổ như một tội thuộc bản tính ảnh hưởng lên mọi cá nhân, và nó được truyền từ cha mẹ sang con cái ra sao.

***

SÁCH ĐỌC THÊM

1/. SAINT THOMAS AQUINAS, S. th., III, q.2; De unione Verbi Incarnati; Quodl; II, a.4.

2/. U. DEGL’INNOCENTI, II problema della persona nel pensiero di S. Tommaso, P.U. Lateranense, Rome 1967.

 

 


[1] Bản thể và các phụ thể, chất liệu và hình thế, yếu tính và hiện hữu

[2]The term suppositumwas very much used in the philosophy of the Middle Ages (and even up to the beginning of Modem Philosophy) in order to refer to the person (cf. Descartes, Lett. a Mersenne per Hobbes, Adam-Tannery Ed., III, p. 354; Pascal, Pensées, Brunschvicg Ed., II, p. 115; Leibniz, TeodiceaI, 59). Afterwards, it was retained only in the Scholastic tradition. The term is highly important because it is one of those few words which expresses being as a whole (i.e. it includes the actus es sentiin its content).

[3] Suppositum is being in the most proper sense, that is, it is what subsists, what exists in itself as something complete and finished and distinct from any other reality.

[4] Individual whole which subsists by virtue of a single act of being and which, therefore, cannot be shared with another.

[5] phát sinh từ quasi congregatum

[6] Theo nghĩa này thì nó cũng được gọi là vật phức hợp (composite)

[7] Phân biệt và phân chia khỏi mọi cá thể khác

[8]The distinction between nature and suppositum is of paramount importance in theology. St. Thomas Aquinas made use of this doctrine to express with precision the mystery of the Incarnation: the human nature of Christ-despite its being singular and its full perfection as nature-cannot be a suppositum, for it does not include in itself the act of being.

[9] Vốn được coi như một hoàn bị phổ quát mà mọi cá thể đều chia sẻ, và gạt bỏ những đặc điểm riêng tư

[10]St. Thomas Aquinas always maintained this doctrine, as can be verified from his early writings as well as later ones (Cf. In III Sent., d.6, q.2,a.2;Quodl. IX, a.3, and S.Th. III, q.17, a.3,c). This was explicitly defended by Capreolus, one of the commentators of the Angelic Doctor (Cf. Defensiones Theologicae divi Thomae Aquinatis, T. Pégues Ed., V, Tours 1907, pp. 105-107). Later on, Suarez and Cajetan regarded the essence, (and not esse) as the ontological basis of the subsisting subject.

[11] Và như vậy có nghĩa là không bám vào nơi một vật nào khác, như trong trường hợp các phụ thể

[12]Esse” belongs to the suppositum through the nature or substantial essence

[13] St. Thomas Aquinas, Quodlibetum IX, a.3, ad 2.

[14]This section offers only a general metaphysical view of the person as the most noble subsisting subject in the universe. Man, as a person, is the subject matter of the Philosophy of Man.

[15]Cf. Boethius, De Duabus Naturis et una Persona Christi, ch.3, in Migne PL, 64, coi. 1345.

[16] The entire dignity of the person, the special greater perfection of his operations, is rooted in the richness of his act of being.

[17]According to Descartes, what constitutes the human person is the consciousness the soul has of itself (Cf. Les Principes de la philosophie,p.I, n.8).

[18] By virtue of its single act of being, the suppositum’s intrinsic unity rules out any distinction between the individual and the person in the case of rational creatures

[19] Bao gồm những khía cạnh vật chất và tinh thần của con người

[20]Some contemporary philosophers proposed a distinction between man as an individual (insofar as he is part of the human species and on account of his material elements) and man as a person, (insofar as he has a spiritual soul and consequently a dignity which transcends his own species). This distinction carries with it some negative implications in the moral life of man in society. For one, it leads a man to have some sort of a “double life” - on one hand, his social relations (that belong to the sphere of his being individual), and on the other, his relations with God (the sphere of his being a person). The results would not be beneficial either for man nor for society as a whole, the moment the social life of man is divorced from his personal relationships with God.

[21] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, q.29, a.1, c.