SIÊU HÌNH HỌC
Nguyên tác: Tomas Alvira, Luis Clavell & Tomas Melendo, Metafisica
(Bản tiếng Tây Ban Nha - NXB. 1981)
Fr. Luis Supan, Metaphysics
(Bản tiếng Anh - NXB. 1991)
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Đỗ Ngọc Bảo, OP.
***
***
***
PHẦN I
CẤU TRÚC SIÊU HÌNH CỦA HỮU THỂ
***
CHƯƠNG III: CẤU TRÚC HIỆN THẾ - TIỀM THẾ CỦA HỮU THỂ
CHƯƠNG IV: YẾU TÍNH CỦA MỘT HỮU THỂ
Sau khi đã nghiên cứu về “Hiện Thế” và “Tiềm Năng”, giờ đây chúng ta có thể xem xét kỹ càng hơn về hạt nhân của hữu thể. Một trong những phạm trù, bản thể, là cơ sở và nền tảng cho mọi thứ khác, và do đó, cũng là cơ sở cho hữu thể cá biệt. Tuy nhiên, bản thể không phải là một điều gì đó đơn thuần: nó được phức hợp bởi hai nguyên lý, yếu tính và “esse”, vốn có tương quan với nhau như tiềm năng và hiện thế[1]
“Yếu tính” là danh xưng gán cho tiềm năng trực tiếp và riêng biệt của việc hiện hữu, để cùng với hiện thế đó kiến tạo nên bản thể, đem lại cho bản thể một cách thức hiện hữu loại biệt. Sau này chúng ta sẽ nghiên cứu những đặc điểm của việc hiện hữu. Còn giờ đây chúng ta nghiên cứu về “yếu tính”, và tìm hiểu xem nó hiện diện thế nào nơi các bản thể vật thể và các bản thể thiêng liêng.
I. YẾU TÍNH: CÁCH THỨC HIỆN HỮU CỦA MỘT BẢN THỂ
Có hai nguyên lý cơ bản nơi các thụ tạo: hiện hữu của chúng, khiến cho tất cả được gọi là “hữu thể”, và yếu tính của chúng, xác định chúng thuộc loại hữu thể nào. Như vậy, yếu tính được định nghĩa như điều mà qua đó một sự vật là chính nó (that by which a thing is what it is).
Như đã thấy khi nghiên cứu bản thể và phụ thể, chỉ bản thể mới có yếu tính theo nghĩa chặt. Tất nhiên theo nghĩa rộng thì yếu tính ám chỉ khả năng để hiện hữu theo cách này hoặc cách khác. Tuy nhiên, nói cách chặt chẽ, chỉ có thứ gì đứng độc lập mới hiện hữu, tức là thứ gì hiện hữu tại thân (bản thể). “Như hạn từ ens được áp dụng theo ý nghĩa tuyệt đối và phù hợp cho một mình bản thể, và áp dụng cho các phụ thể một cách thứ yếu, phái sinh, thì cũng vậy, yếu tính thực sự phù hợp với bản thể, và chỉ phù hợp với những phụ thể theo một cách thức nào đó, và từ một quan điểm nhất định[2]. Như vậy, khi chúng ta nói trống về yếu tính của một vật nào đó, mà không có xác định thêm điều gì, thì có nghĩa là chúng ta nói đến yếu tính của bản thể đó, chứ không nói đến yếu tính các phụ thể của nó.
Mọi sự vật được xếp vào một giống và một loài do yếu tính tương ứng của chúng, chính xác là vì những khái niệm trên thâu gom những đối tượng có một cách thức hiện hữu giống nhau. Chẳng hạn, con chó, con mèo và con cọp đều thuộc về giống “động vật”, vì yếu tính của chúng khiến cho chúng có một cấp độ hiện hữu tương đồng. Không tính đến những đặc trưng riêng biệt của mỗi loài, tất cả chúng đều là những sinh vật có nhận thức giác quan.
Những Nét Đặc Trưng Thuộc Về Khái Niệm Yếu Tính
Vì là “sự chuyên biệt hóa cách thức hiện hữu của một sự vật”, nên yếu tính làm nảy sinh một chuỗi những đặc điểm cơ bản giúp chúng ta dễ hiểu hơn nữa về yếu tính. Những đặc điểm trên làm phát sinh một bộ thuật ngữ qui chiếu về cùng một thực tại, trong khi vẫn khác biệt xét theo khía cạnh của thực tại đang được xem xét. Tuy nhiên, đôi khi chúng được dùng lẫn lộn với nhau.
a. Yếu Tính: Nguyên Lý Của Những Tác Động
Xét như nguyên lý của những tác động, yếu tính được gọi là bản chất (As principle of operations, the essence is called nature). Một thụ tạo hoạt động một cách riêng (chứ không khác đi được) vì lẽ nó có sự hiện hữu theo một cách thức nhất định nào đó, được ấn định bởi yếu tính của nó. Do đó, mỗi bản chất đều có loại hoạt động chuyên biệt tương ứng. Ví dụ, suy tư và yêu thương thì thuộc bản chất con người, bởi vì chúng là những hoạt động nảy sinh từ chính bản chất con người.
b. Yếu Tính: Diễn Tả Qua Định Nghĩa
Theo mức độ yếu tính được diễn tả qua một định nghĩa, nó được gọi là niệm tính (quiddity) (quidditas or whatness) (Insofar as the essence is signified by a definition, it is called quiddity (quidditas or “whatness”). Câu định nghĩa diễn tả một sự vật là cái gì (what), vốn phân biệt nó với mọi sự vật khác – và điều này đúng là yếu tính của nó. Chẳng hạn, khi chúng ta muốn nói đến yếu tính của con người, chúng ta định nghĩa người là một “động vật có lý tính” (rational animal)[3].
c. Yếu Tính: Mức Độ Nhận Biết
Theo mức độ yếu tính được nhận biết, nó có thể được qui chiếu đến nhiều cá thể; vì lý do này, nó được gọi là một phổ niệm (Insofar as the essence is known, it can be referred to many individuals; for this reason it is called a universal). Yếu tính chỉ hiện diện thực sự nơi những sự vật cá thể. Tuy nhiên, gạt sang một bên những đặc trưng thuộc về mỗi sự vật đơn lẻ, lối hiểu biết của chúng ta chỉ xét đến yếu tính như một thứ gì phổ quát, có thể gán cho mọi cá thể có cùng một cách thức hiện hữu. Căn cứ vào cách thức hiện hữu mà yếu tính của con ngựa này có được nơi trí tuệ con người, nó (yếu tính) trở thành một phổ niệm có thể áp dụng cho mọi con ngựa.
Lối nhận xét luận lý về yếu tính như vậy, có nghĩa rằng yếu tính xét như một phổ niệm, chính là điều mà ta gọi là bản thể thứ cấp (secondary substance).
d. Yếu Tính: Tương Quan Với Hiện Hữu
Hạn từ yếu tính, mặc dù có thể được dùng theo bất cứ nghĩa nào kể trên, vẫn nhấn mạnh đến mối tương quan của nó với việc hiện hữu. Nó ám chỉ nguyên lý mà trong đó việc hiện hữu của một sự vật được đón nhận, và qua đó nó được thu gọn vào một hình thế nhất định: “nó được gọi là yếu tính theo mức độ sự vật có được việc hiện hữu trong nó và qua nó”[4].
II. YẾU TÍNH CỦA NHỮNG HỮU THỂ VẬT CHẤT
Câu định nghĩa về mỗi sự vật khả hoại (corruptible thing) đều hàm chứa một yếu tố chất liệu và một yếu tố hình thế. Ví dụ, không thể định nghĩa một loài động vật hoặc cây cối nếu không qui chiếu đến chất liệu và hình thếcủa nó, vì sự phức hợp hình chất, vốn được nghiên cứu trong phần Triết học về Thiên nhiên, nhất thiết phải hiện diện trong loại bản thể này.
Chẳng hạn, ta dễ nhận thấy rằng bất cứ câu định nghĩa nào về con người mà không nhắc đến chất liệu và hình thế của con người, tức là thân thể hoặc linh hồn của con người, thì đều làm biến dạng bản chất thực sự của con người. Sẽ là sai lầm khi định nghĩa con người như một hồn (như Plato đã làm), hoặc phủ nhận thực tại hình thế bản thể của nó bằng cách nói rằng con người là vật chất thuần túy.
Dĩ nhiên, chất liệu và hình thế, vốn được hàm chứa trong câu định nghĩa về yếu tính, thì không bao gồm những đặc điểm riêng biệt hiện diện nơi mỗi cá thể. Câu định nghĩa về con người không nói đến chiều cao, trọng lượng, hay màu sắc thân thể của cá nhân, nhưng chỉ cho thấy rằng mỗi con người đều có một linh hồn và một thân thể có những đặc trưng tương tự như những đặc trưng của các người khác.[5]
1. Hình Thế: Hiện Thế Của Chất Liệu
Hai yếu tố cấu tạo của yếu tính, tức là chất liệu và hình thế, thì tương quan với nhau như tiềm năng với hiện thế. Mức độ phức hợp này là đặc trưng cho mọi hữu thể vật chất, có thể trải qua việc sinh sản và hủy hoại – tức là những biến đổi sâu sắc mà qua đó một hữu thể thôi là chính mình, và trở nên một sự vật khác. Chủ thể của những thay đổi nói trên là một tiềm năng mà trước hết thông dự vào một hiện thế, và tiếp đến lại thông dự vào một hiện thế khác. Không phải bất cứ loại hiện thế nào cũng đều can dự ở đây, nhưng là một hiện thế khiến cho chủ thể đó trở thành một loại sự vật hoặc một cá thể mới trong cùng một loài (ví dụ một con người, một con ngựa, hay một miếng thép). Chủ thể này là chất liệu đệ nhất (prime matter), có một “hiện thế đệ nhất” tương ứng, gọi là hình thế bản thể (substantial form) (trong bối cảnh này, hình thế bản thể được gọi là “hiện thế đệ nhất” tương phản với những hoạt động, được gọi là “những hiện thế đệ nhị”, và tương phản với việc hiện hữu mà ta sẽ thấy, vốn là hiện thế tối hậu của một hữu thể).
Chất liệu đệ nhất là tiềm năng thụ động thuần túy, một khả năng để tiếp nhận một hiện thế (Prime matter is pure passive potency, a mere capacity to receive an act). Nó không được chống đỡ bởi bất cứ một hiện thế nào trước đó (chẳng hạn, tiềm năng di chuyển được chống đỡ bởi hình thế bản thể, vốn là hiện thế “đệ nhất”), nhưng chỉ bởi hiện thế mà nó tiếp nhận, tức là hình thế bản thể. Vì lý do này, chất liệu mà không mang bất cứ hình thế bản thể nào thì không bao giờ có thực. Vì mọi thực tại đều hiện hữu một cách nào đó nhờ một hiện thế, nên một tiềm năng thuần tuý không được nối kết với một nguyên lý thực tế sẽ là một tiềm năng không-tồn tại (non- existent potency); nó là hư vô (nothing).
Vì là khả năng thuần túy để đón nhận hiện thế, chất liệu tự nó chỉ là bất định (As pure capacity for act, matter is of itself indeterminate). Toàn bộ thực tại của nó cũng như tính xác định đều đến với nó từ hình thế, và vì lý do này, nó thủ đắc một lối hiện hữu riêng biệt khi tiếp nhận một hình thế bản thể mới. Như vậy, chất liệu vốn phức hợp nên thân thể con người (xương và thịt) thì có cấu hình khác biệt nơi một con người đang sống và nơi một thân xác không còn sống.
Hình thế là hiện thế đệ nhất, ảnh hưởng lên chất liệu để cấu tạo nên bản thể (The form is the first act which affects matter so as to constitute the substance). Nhờ hình thế bản thể, chất liệu được hiện hữu và trở nên thành phần của một kiểu bản thể. Chất liệu và hình thế không hiện hữu riêng biệt. Không có hình thế, chất liệu chẳng là gì cả. Cũng vậy, trong trường hợp những bản thể vật thể, hình thế không thể hiện hữu mà không có chất liệu, vì cấp độ hoàn bị của nó không cho phép nó hiện hữu cách độc lập, nhưng đòi hỏi một tiềm năng, một chủ thể chống đỡ nó.
Cả chất liệu lẫn hình thế đều không phải là những hữu thể, nhưng chỉ là những nguyên lý của sự vật. Do đó, chỉ có sự phức hợp giữa chất liệu và hình thế mới là cái đứng độc lập khi nó được thực hữu hoá qua việc hiện hữu.
2. Sự Ưu Tiên Của Hình Thế Trên Chất Liệu
Trong hai yếu tố cấu tạo nên yếu tính của các hữu thể vật thể, yếu tố quan trọng hơn chính là hình thế, vì chất liệu, nguyên tự nó, chỉ là tiềm năng thuần tuý và phải hướng về hình thế bản thể, tức là “hiện thế”. Yếu tố xác định của yếu tính, vốn đem lại cho nó một yếu tính đặc thù chứ không phải bất kỳ một yếu tính nào khác, chính là hình thế, vốn xác định chất liệu để trở thành kiểu vật chất này (một thân thể con người, một cái cây, một khoáng vật) với những phẩm chất chuyên biệt.
Ở trên, chúng ta đã nói rằng hữu thể, qua yếu tính, đã được thu gọn vào một lối hiện hữu nhất định. Giờ đây, chúng ta có thể đem lại một ý nghĩa chính xác hơn cho chân lý này tùy theo mức độ liên quan đến những bản thể vật chất. Hình thế bản thể, xét như nguyên lý xác định của yếu tính, chính là thứ gì giới hạn hoặc thu gọn việc hiện hữu. Về phần mình, chất liệu giới hạn hình thế vào một số hoàn cảnh xác định nào đó, và theo nghĩa này, có thể được coi như giới hạn việc hiện hữu.
Hình thế là nguyên lý hiện hữu (esse) của một sự vật (ens): forma est principium essendi, or forma dat esse[6]. Chất liệu chia sẻ esse nhờ bởi hình thế, tuỳ theo mức độ nó được trở thành thực hữu (actual) nhờ hình thế. Do đó, vì “sinh sản” là việc thủ đắc một việc hiện hữu mới (via ad esse) và “huỷ hoại” là việc mất đi việc hiện hữu (via ad non-esse), nên “phức hợp giữa chất liệu và hình thế sẽ bị phá hủy một khi chúng bị mất đi hình thế bản thể, mà từ đó có được việc hiện hữu”[7], và chúng được phát sinh khi chúng tiếp nhận một hình thế mới. Chẳng hạn, những sinh thể bị tan rã khi hồn của chúng tách rời khỏi thân thể của chúng.
Tuy nhiên, cần phải ghi nhận rằng nơi những bản thể vật thể, hình thế không có được việc hiện hữu nơi chính mình (tại thân = act of being in itself), nhưng chỉ theo mức độ nó đem lại tính thực hữu (actuality) cho chất liệu. Yếu tính đầy đủ, được phức hợp bởi chất liệu và hình thế, mới chính là thứ gì có được việc hiện hữu (esse), chứ không phải những nguyên lý cấu tạo đứng rời rạc. Ví dụ, con ngựa hiện hữu, chứ không phải hình thế hoặc chất liệu của nó hiện hữu rời rạc.
“Trường hợp hình thế bản thể của con người thì khác. Vì là thiêng liêng, linh hồn con người có esse như một điều gì đó của riêng mình. Đang khi đó, nơi những hữu thể vật thể, esse chỉ thuộc về vật phức hợp, và esse đến với phức hợp đó là nhờ hình thế, còn nơi con người thì esse thuộc về linh hồn, chính linh hồn cho phép chất liệu được chia sẻ vào đó.”
3. Tính Đơn Nhất Của Yếu Tính
Mối tương quan giữa chất liệu và hình thế xét như tiềm năng đối với hiện thế giải thích lý do tại sao yếu tính của vật phức hợp lại là đơn nhất, mặc dù nó được làm nên từ hai yếu tố. Sự kết hợp giữa tiềm năng với hiện thế tương ứng của nó tạo nên một đơn vị siêu hình (metaphysical unity) thuộc cấp độ cao hơn việc tụ hội thuần túy (mere aggregation). Điều sau là sự đơn nhất được làm nên bởi một số sự vật đã có thực, tương quan với nhau theo một cách thức nào đó. Sự đơn nhất nội tại của một con vật, chẳng hạn, thì mạnh mẽ hơn sự đơn nhất của một sản phẩm thủ công. Vì lý do đó, những nguyên lý siêu hình vốn chủ yếu kiến tạo nên một con vật thì không thể nào phân lìa nhau mà lại không gây nên sự hư hoại, tức là một sự biến đổi bản chất. Trái lại, những thành phần kiến tạo của một đơn vị tụ hội thì có thể phân lìa nhau mà không phá hủy bản chất của toàn bộ hay của các thành phần.
Chính hình thế đem lại tính đơn nhất cho yếu tính (it is the form which gives unity to the essence), vì nó là một hiện thế vượt thắng hoàn cảnh bất định của chất liệu. Nó làm được chuyện đó bằng cách đem lại cho chất liệu một cấp độ hiện hữu nhất định, nhờ đó tất cả mọi thành phần của chất liệu được nối kết với nhau. Những yếu tố khác biệt vốn tạo nên một vật thể hữu cơ chẳng hạn, thì được nối kết với nhau theo mức độ chúng là thành phần của một đơn vị lớn hơn (tức là một cây hoặc một con vật) vốn phát sinh từ hình thế. Do đó, khi hình thế này bị tách rời khỏi chúng qua việc hư hoại hoặc cái chết, thì vật thể cũng tan nát theo và mất đi sự đơn nhất.
Hơn nữa, vật phức hợp chỉ có một hình thế bản thể duy nhất (the composite has only one substantial form). Cấp độ hiện hữu của mỗi sự vật thì được xác định bởi hình thế bản thể. Nếu cùng một sự vật lại có nhiều hơn một hình thế bản thể, thì đồng lúc nó thuộc về nhiều loài khác nhau. Một hình thế bản thể đơn lẻ đem lại cho vật phức hợp mọi hoàn bị của nó trên cấp độ bản thể. Chẳng hạn nhờ vào cùng một hình thế bản thể, con người có một thân thể, là một sinh thể, và là một con người. Nếu chúng ta đồng ý là có nhiều hình thế bản thể phụ thuộc, chúng ta sẽ phá hủy tính đơn nhất bản thể của vật phức hợp. Ví dụ, nơi con người, bên cạnh ngôi vị con người, còn có một thân thể (vốn cũng là một bản thể) và một động vật. Giải pháp khác là công nhận rằng chỉ có hình thế đầu tiên trong những hình thế đó mới đem lại hiện hữu ở cấp độ bản thể cho chất liệu, còn những hình thế khác chỉ ảnh hưởng lên chất liệu theo cách phụ thể[8]. Nhưng nếu điều này là thực, thì lúc đó sự khác biệt giữa cây cối và động vật, và giữa nhiều loài khác nhau trong giống đó, sẽ chỉ còn là những khác biệt phụ thể mà thôi.
Không có một trung gian giúp cho chất liệu và hình thế nối kết với nhau (there is no medium or intermediary by which matter and form are united to one another). Sự kết hợp của chúng là một kết hợp trực tiếp giữa tiềm năng và hiện thế của tiềm năng đó[9]. Tính đơn nhất của yếu tính bị tổn hại khi việc kết hợp này được quan niệm theo kiểu trung gian, vì khi đó chất liệu không được hiểu như tiềm năng thuần túy, nhưng như một thực tại nào đó vốn đã hiện hữu trong thực tế. Trong trường hợp con người chẳng hạn, sai lầm này dẫn tới việc coi thân thể và linh hồn là hai bản thể riêng biệt, độc lập, và khó lòng tương tác với nhau[10].
III. YẾU TÍNH NƠI BẢN THỂ THIÊNG LIÊNG
Tính ưu tiên của hình thế trên chất liệu xét như nguyên lý hiện hữu (principium essendi) giúp chúng ta hiểu được tại sao có một số kiểu hình thế hiện hữu mà không cần đến chất liệu (những bản thể thiêng liêng). Chất liệu là dành cho hình thế, chứ không còn cách khác.
Nhờ đức tin, chúng ta biết rằng ngoài linh hồn con người, mà những tác động cho thấy tính thiêng liêng của nó, mặc dù tự bản chất nó vẫn hướng về một thân thể, thì còn có những thụ tạo hoàn toàn là thiêng liêng, tức là các thiên thần[11]. Yếu tính của một bản thể thuần túy thiêng liêng thì đơn thuần, hoàn toàn đồng nhất với hình thế của mình, tiếp nhận việc hiện hữu tại thân như một điều gì đó của riêng mình.
Tuy nhiên, việc không có sự phức hợp nơi yếu tính của những bản thể đó không hàm ý rằng những thụ tạo thiêng liêng thì hoàn toàn đơn thuần, vì chỉ một mình Thiên Chúa mới tuyệt đối đơn thuần. Như mọi thụ tạo, các tinh thần thuần túy cũng được phức hợp ít nhất giữa yếu tính và việc hiện hữu, vì các vị đó có cách thức hiện hữu giới hạn. Các vị là những thụ tạo, và nếu không có sự phức hợp đó, thì các vị hoàn toàn đồng nhất với Esse Lập hữu (Subsistent Esse), mà yếu tính cũng chính là việc hiện hữu. Thánh Thomas giải thích như sau: “Nếu có một số hình thế nào đó không được tiếp nhận vào chất liệu, thì mỗi loại hình thế đó chắc chắn sẽ là đơn thuần chiếu theo mức độ nó không có chất liệu. Tuy nhiên, vì bất cứ hình thế nào cũng đều giới hạn việc hiện hữu, nên không một hình thế nào là việc hiện hữu; đúng hơn, mỗi thứ trong chúng là một điều gì chiếm hữu việc hiện hữu (esse)”.[12]
Bên cạnh đó, mọi thiên thần đều thể hiện những hoạt động (nhận biết và yêu mến) vốn thực sự phân biệt khỏi việc hiện hữu và bản thể của các vị. Do đó, nơi các vị cũng có sự nối kết giữa bản thể và các phụ thể.
***
SÁCH ĐỌC THÊM
1/. ARISTOTLE, Physica, I, ch.7-9; Met., VII, ch.3; XII, 1-5.
2/. SAINT THOMAS AQUINAS, In I Phys., lect. 12-15; In VII Met., lect 2; In XII Met., lect. 1-4; De Ente et Essentia.
3/. E. GILSON, L’être et l’essence, Vrin, Paris 1962.
[1] The composition of essence and esse in every being is a central point in the metaphysics of St. Thomas Aquinas. In this, he was inspired especially by Avicenna’s philosophy. Please refer to Chapter VI, footnote n°.2 for the historical background of his doctrine.
[2] St. Thomas Aquinas, De Ente et Essentia, Ch.2.
[3] The notion of essence in phenomenology (Husserl) is nearer to this notion (as “quidditas”). Nevertheless, in phenomenology, an essence is neither a metaphysical reality nor a concept; it is rather “a meaningful unit of thought” that one’s consciousness forms when describing reality.
[4] St. Thomas Aquinas, De Ente et Essentia, Ch.1.
[5] St. Thomas Aquinas position on this question differed from that of Averroes, who maintained that the essence of things is constituted by the form alone, without any materiality (In VII Metaphysicorum, lect.9). Thedoctrine of Averroes was similar to Plato’s; Plato conceptualized the essence in its absolute or abstract state, that is, as pure form.
[6] Cf. St. Thomas Aquinas, Summa Contra Gentiles, Bk. I, Ch. 27.
[7] Idem, De Anima, q. 14.
[8] Under the influence of the Arab-Jewish philosopher Avicebron, some philosophers of the Middle Ages (of the Augustinian School) maintained the doctrine of multiple substantial forms in one and the same being.
[9] Leibniz, following the teachings of decadent Scholasticism, held the meory of a substantial link that unites body and soul (Cf. C.D. Boehm, Le inculum substantiate chez Leibniz, Paris 1938).
[10] Prominent philosophers who taught dualism in man (i.e., no substantial union between body and soul) were Plato (Cf. Gorgias 492 e; Phaedo 83 b-e) and Descartes (Cf. Meditations de Prima Philosophia, VI). Cartesian dualism had a deep influence on modem and contemporary philosophy.
[11] The existence of angels is part of divine Revelation; nevertheless, it has been a belief of other people outside the Judaeo-Christian tradition. For instance, Aristotle, in his explanations about the universe, affirmed the existence of spiritual beings acting as intermediate movers between the Prime Mover and the world. (Cf. Metaphysica, Bk. XII, ch.8).
[12] St. Thomas Aquinas, In Boethii De Hebdomadibus, lect. 2.