Nguyên tác:
Tomas Alvira, Luis Clavell & Tomas Melendo, Metafisica, 1981 (bản tiếng Tây Ban Nha)
Fr. Luis Supan, Metaphysics, 1991 (Bản tiếng Anh)
Chuyển ngữ: Lm. Giuse Đỗ Ngọc Bảo, OP.
Sau khi nghiên cứu nhiều cách thức hiện hữu khác nhau tìm thấy nơi sự vật, giờ đây chúng ta khảo sát hai khía cạnh của thực tại, hiện thế và tiềm năng, vốn được tìm thấy nơi mọi thụ tạo và giúp chúng ta có được nhận thức sâu xa hơn về hữu thể. Ở đây chúng ta xét tới một điểm trung tâm của siêu hình mà Thánh Thomas lấy từ Aristotle, nhưng được nhìn từ một viễn tượng rộng hơn. Nó có một tầm quan trọng lớn giúp ta hiểu cho đúng về thế giới và để có thể tiến lên tới Thiên Chúa theo ý nghĩa siêu hình.
1. KHÁI NIỆM VỀ HIỆN THẾ VÀ TIỀM NĂNG
Chúng ta có được một nhận thức sơ khởi về hiện thế và tiềm năng nhờ việc phân tích chuyển động hoặc biến đổi. Vì quan niệm cứng ngắc về hữu thể như là một và bất biến, nên Parmenides không thể giải quyết thực tại biến đổi, và xếp nó vào lãnh vực thuần tuý bên ngoài. Trong quan điểm của ông, hữu thể thì có và vô thể thì không có. Do đó, hữu thể không thể đến từ hữu thể vốn đã hiện hữu, cũng không thể đến từ vô thể, vì nó là hư vô[1]. Aristotle có một lối giải thích xác thực hơn về biến đổi, mà ông coi đó không phải sự chuyển biến tuyệt đối từ hư không sang hiện hữu, nhưng như sự thay đổi của một chủ thể từ trạng thái này sang trạng thái khác (như nước từ lạnh chuyển sang nước nóng). Qua việc biến đổi, một sự vật thủ đắc một hoàn bị mà trước đây nó chưa chiếm hữu. Tuy nhiên, nơi chủ thể, phải có một khả năng chiếm hữu phẩm chất này, thủ đắc được qua việc biến đổi. Những ví dụ của Aristotle thì sáng tỏ và đơn giản: con vật và một trẻ em đều không biết cách giải những đề toán; tuy nhiên, đứa trẻ có thể học được cách giải bài toán, còn con vật thì không. Một khối gỗ chưa phải là một pho tượng, nhưng nó có khả năng trở thành một pho tượng nhờ nhà điêu khắc, đang khi nước và khí không có khả năng đó.
Khả năng để có một hoàn bị được gọi là tiềm năng (The capacity to have a perfection is called potency). Đó không chỉ là việc thiếu hụt một điều gì đó mà sau này sẽ được thủ đắc, nhưng là một khả năng thực sự nơi chủ thể để thủ đắc một số hoàn bị nào đó. Thực tại tiềm năng vốn phá đổ lối nhìn đồng dạng của Parmenides về hữu thể, là một đóng góp quan trọng của Aristotle trong nỗ lực tìm hiểu thực tại việc biến đổi.
Hiện thế, hoàn bị mà một chủ thể chiếm hữu, thì tương phản với tiềm năng (Act, the perfection which a subject possesses, is contrasted to potency). Sau đây là một vài ví dụ về hiện thế: chúng là hình thù của gỗ đã được chạm trổ, nhiệt độ của nước, và tri thức được thủ đắc. Tiếp đến, chuyển động hoặc biến đổi là việc hiện thế hóa tiệm tiến tiềm năng: nó là việc biến chuyển từ chuyện là một điều gì đó trong tiềm năng đi sang điều gì đó trong hiện thế. Ví dụ, một cây thì ở nơi hạt theo tiềm năng, và chỉ qua việc tăng trưởng thì nó mới trở thành một cây thực sự.
Aristotle đã nghiên cứu hiện thế và tiềm năng dưới hai khía cạnh – khía cạnh vật lý (nối kết với chuyển động hoặc biến đổi) và khía cạnh siêu hình. Theo khía cạnh vật lý, hiện thế và tiềm năng tạo nên những yếu tố giải thích sự chuyển động hoặc biến đổi, nhưng theo cách riêng biệt đến độ hiện hữu trong hiện thế và hiện hữu trong tiềm năng thì không bao giờ được thấy hiện diện đồng lúc nơi một chủ thể: là một pho tượng theo hiện thế thì đối lập với việc là pho tượng theo tiềm năng. Dưới khía cạnh siêu hình, hiện thế và tiềm năng được coi như những nguyên lý cấu tạo ổn định của mọi sự vật, và tiềm năng đó, mặc dù đã trở thành hiện thế, vẫn tiếp tục là đồng – nguyên lý với hiện thế tương ứng của nó. Như vậy, nơi mọi hữu thể vật thể, vốn được cấu tạo bởi chất liệu đệ nhất (tiềm năng) và hình thế bản thể (hiện thế), ta thấy chất liệu đệ nhất còn nguyên sau khi đón nhận hình thế của nó.
Hiện thế (Act)
Nói chung, hiện thế là bất cứ một hoàn bị nào của một chủ thể (In general, act is any perfection of a subject). Ta có những ví dụ sau: màu sắc của một vật thể, những phẩm chất của một bản thể, hoàn bị bản thể của một hữu thể, những việc hiểu biết, ước muốn, cảm giác,…
Khái niệm về hiện thế là một khái niệm sơ yếu và hiển minh. Do đó, nói cách chặt chẽ, nó không thể định nghĩa được; nó chỉ có thể được miêu tả nhờ những ví dụ và qua việc phân biệt nó với tiềm năng. Nói về hiện thế, Aristotle đã phát biểu: “Điều mà chúng ta hiểu thì trở nên hiển minh nhờ việc quy nạp từ những cái đặc thù. Dĩ nhiên, người ta không buộc phải định nghĩa rốt ráo mọi sự; mà chỉ cần dùng trực giác để nắm bắt một số sự vật nhờ loại suy. Hiện thế thì tương quan với tiềm năng, giống như một người đang xây với một người có khả năng xây dựng, như một người đang thức với một người đang ngủ, như một người đang nhìn với một người đang nhắm mắt nhưng vẫn có khả năng để nhìn; như điều gì diễn tiến từ chất liệu với chính chất liệu, và như điều đã xúc tiến với điều chưa được xúc tiến. Điều trước gọi là hiện thế, còn điều sau gọi tiềm năng”[2].
Tiềm năng (Potency)
Tiềm năng cũng được kinh nghiệm nhận biết trực tiếp như điều có tương quan với hiện thế. Trong trường hợp tiềm năng, ta phải ghi nhận rằng việc quy chiếu đến hiện thế là điều không tránh khỏi, vì thành tố cấu tạo của tiềm năng chính là việc hướng về một loại hiện thế nào đó. Ví dụ, thị giác là tiềm năng để nhìn, và tính di động (movability) là khả năng đi vào chuyển động. Những tiềm năng trên được nhận biết qua những hiện thế tương ứng của chúng.
Một tiềm năng là điều có thể tiếp nhận một hiện thế hoặc đã có được nó (A potency is that which can receive an act or already has it). Chúng ta sẽ rảo qua một số đặc điểm của nó qua miêu tả sau :
a) Trước hết, tiềm năng thì phân biệt khỏi hiện thế (potency is distinct from act). Điều này được nhìn sáng tỏ khi hiện thế thì có thể tách biệt khỏi tiềm năng tương ứng. Ví dụ, thị giác có lúc nhìn thực sự và có lúc không nhìn; một con vật còn nguyên khả năng di chuyển ngay lúc nó đang nghỉ ngơi, cũng như trong những khoảnh khắc nó thực sự chuyển động. Sự phân biệt giữa hiện thế và tiềm năng, tuy thế, lại không thuộc về bản chất thời gian thuần túy. Tiềm năng có thể trở thành hiện thực hoặc không, nhưng nó luôn luôn là một tiềm năng. Ngay khi thị giác nhìn thực sự, thì nó vẫn không mất đi khả năng để nhìn, đúng hơn, khả năng nhìn đã được hoàn thiện bởi chính hành vi nhìn đó. Một chiếc ly trống rỗng thì có khả năng chứa đựng một chất lỏng, và khi nó đã thực sự chứa đựng chất lỏng, thì tiềm năng vẫn không bị phá huỷ nhưng đã được viên mãn. Do đó, nói cách chặt chẽ, tiềm năng được miêu tả là khả năng có một hiện thế, hay là một chủ thể tiếp nhận (potency is characterized by being the capacity to have an act or by being a receptive subject).
b) Hiện thế và tiềm năng không phải là những thực tại đầy đủ, nhưng chỉ là những khía cạnh hoặc những nguyên lý được tìm thấy nơi các sự vật (Act and potency are not complete realities, but only aspects or principles which are found in things). Mặc dù chúng ta có thể hiểu rõ được rằng chúng thì phân biệt nhau, chúng ta vẫn không thể trình bày chúng nơi trí tưởng tượng của mình, vì trí tưởng tượng luôn có khuynh hướng coi tiềm năng như một thực tại đã đầy đủ, đang khi đúng ra nó vẫn chỉ là trống rỗng, đang chờ đợi đón nhận hiện thế của mình. Hơn nữa, vì đối tượng phù hợp với sự hiểu biết của chúng ta đã được kiến tạo thành hữu thể, nên chúng ta gặp một khó khăn nhất định khi cố gắng nói về những nguyên lý nội tại của nó, vốn không bao giờ hiện diện cách biệt nhau.
c) Tiềm năng liên quan với hiện thế như kiểu bất toàn liên quan với hoàn bị (Potency is to act as the imperfect is to the perfect). Theo nghĩa chặt, hiện thế là một hoàn bị, một bổ túc, một thứ gì xác định. Trái lại, tiềm năng là một bất toàn, một khả năng “đi đến hoàn bị”. Ví dụ, hình dạng một pho tượng là một phẩm chất tích cực của đá cẩm thạch, một hoàn bị, một hiện thế, đang khi khối cẩm thạch chưa có hình thù (shapeless) thì bất toàn và còn bất định bao lâu nó chưa có được hình dạng pho tượng. Theo nghĩa này, có một đối nghịch rõ ràng giữa một hiện thế và tiềm năng; vì tiềm năng là “điều chưa có ở trong hiện thế”. Như vậy, một người mới chỉ có tiềm năng để nhận biết, nhưng chưa thực sự thể hiện điều đó, thì không biết; và bao lâu khối đá cẩm thạch chưa được chạm khắc, nó chưa phải là một pho tượng. Điều tương phản này chứng tỏ rõ ràng tiềm năng không phải là hiện thế trong tình trạng mầm mống hay mặc nhiên.
d) Tuy nhiên, xét tại thân, tiềm năng không chỉ thuần túy là chuyện khuyết phạp hiện thế nhưng còn là khả năng thực sự để đạt đến hoàn bị (in itself potency is not a mere privation of act, but a real capacity for perfection). Chẳng hạn, một hòn đá thì không nhìn thấy, và hơn nữa, nó cũng không có khả năng đạt đến hiện thế đó, đang khi một số con vật mới sinh không nhìn thấy, nhưng chúng lại có khả năng để nhìn.
2. NHỮNG LOẠI HIỆN THẾ VÀ TIỀM NĂNG
Có nhiều loại hiện thế và tiềm năng. Những ví dụ nêu trên cũng đủ nói lên điều đó. Ví dụ, chất liệu đệ nhất và bản thể đều là những tiềm năng, nhưng theo nhiều cách khác nhau: bản thể là một chủ thể đã ở trong hiện thế nhưng vẫn có thể tiếp nhận thêm những hiện thế phụ thể, đang khi chất liệu là một thể nền còn bất định mà hình thế bản thể sẽ nối kết vào đó trong tư cách hiện thế đệ nhất cho chất liệu. Chúng ta cũng đã nêu lên nhiều thứ hiện thế khác biệt nhau, tỉ như các phụ thể, hình thế bản thể, việc hiện hữu, và ngay cả chuyển động hoặc biến đổi, vốn là một hiện thế bất toàn nếu so với tận điểm của nó, vì tận điểm là hiện thế theo nghĩa đầy đủ hơn.
Trong số những điều đa biệt, ta có thể phân chia hiện thế và tiềm năng thành hai đại loại như sau:
a) Có tiềm năng thụ động (passive potency) hoặc khả năng tiếp nhận, và tương ứng với nó là hiện thế đệ nhất (first act) (cũng gọi là hiện thế thực thể (entitative act)).
b) Cũng có tiềm năng hoạt động (active potency) hoặc khả năng hoạt động, và tương ứng với nó là hiện thế đệ nhị (second act), cũng chính là hoạt động.
Tiềm năng thụ động và hiện thế đệ nhất
Nói cách chặt chẽ, đặc tính siêu hình của tiềm năng xét như khả năng tiếp nhận một hiện thế, thì thuộc về tiềm năng thụ động. Tuy nhiên, đó không phải là một thực tại đồng bộ, nhưng là một thực tại được tìm thấy ở nhiều cấp độ.
Chúng ta có thể phân biệt ba loại tiềm năng thụ động nền tảng và những loại hiện thế tương ứng.
a) Trước hết, có chất liệu đệ nhất và hình thế bản thể (prime matter and substantial form). Nơi những bản thể vật thể có một thể nền tối thượng, là chất liệu đệ nhất, mà trong đó hình thế bản thể được tiếp nhận vào. Hình thế này xác định chất liệu, và do đó tạo nên loại bản thể vật thể này hoặc khác, ví dụ như thép, nước hoặc khí Ôxy.
Chất liệu đệ nhất là thể nền thuộc tiềm năng tối hậu, vì nguyên nó chỉ thuần túy là tiềm năng, thuần túy một chủ thể tiếp nhận chưa hề có chút gì là hiện thế riêng. Hình thế bản thể là hiện thế đầu tiên mà chất liệu đệ nhất tiếp nhận.
b) Tiếp đến, có bản thể và các phụ thể. Mọi bản thể, dù là bản thể vật chất (cấu tạo bởi chất liệu và hình thế) hoặc thuần túy thiêng liêng, đều là những chủ thể cho những hoàn bị phụ thể, ví dụ những phẩm chất và những mối tương quan. Không giống chất liệu đệ nhất, bản thể là một chủ thể thực sự đã ở trong hiện thế nhờ bởi hình thế, nhưng tự nó vẫn nằm trong tiềm năng đối với các phụ thể.
c) Sau cùng, có yếu tính (essence (potentia essendi)), và việc hiện hữu (and act of being (actus essendi or esse)). Đến phiên mình, hình thế, dù được tiếp nhận vào chất liệu hay không, cũng chỉ là một mức độ tham dự nhất định vào việc hiện hữu. Những yếu tính “người, chó, cây thông, và “uranium”, chẳng hạn, là những đường lối khác biệt để thông dự vào hiện hữu. Đối với việc hiện hữu, mọi sự đều là một tiềm năng tiếp nhận giới hạn – từ những hình thế tách biệt, đến phức hợp chất liệu và hình thế, xuống đến những phụ thể (vốn thông dự vào việc hiện hữu qua việc chúng kết hợp với bản thể).
Mặc dù chúng ta sẽ nêu lên vấn đề ở phần sau, nhưng ở đây cũng cần ghi nhận rằng nơi các hữu thể vật thể, hình thế là hiện thế đối với chất liệu, và nó ở trong tiềm năng đối với việc hiện hữu (esse). Chất liệu chắc chắn là thuộc tiềm năng, trước hết là đối với hình thế, và sau đó nhờ hình thế đối với việc hiện hữu.
Tiềm Năng Hoạt Động và Hiện Thế Đệ Nhị
Bên cạnh tiềm năng thụ động, còn có một loại tiềm năng khác vốn là một khả năng tạo nên một hoàn bị; điều này cũng được gọi là năng lực (power), đặc biệt theo lối dùng phổ thông. Chẳng hạn chúng ta nói đến năng lực của một cỗ máy, hay của một võ sĩ quyền anh, hay của nguyên tử lực.
Hiện thế tương ứng với tiềm năng nói trên là hoạt động, cũng được gọi là hiện thế đệ nhị, vì những hoạt động nảy sinh nơi một chủ thể là nhờ bởi hiện thế đệ nhất của nó, vốn ổn định và có tính thâm sâu hơn.
Tiềm năng hoạt động có bản chất hiện thế (active potency has the nature of act), vì bất cứ điều gì cũng hoạt động theo mức độ nó ở trong hiện thế, đang khi ngược lại, một thứ gì tiếp nhận thụ động là tùy theo mức độ nó nằm trong tiềm năng. Để có thể đem lại một hoàn bị cho thứ gì khác, trước hết chủ thể phải có được hoàn bị đó đã, vì không ai cho thứ gì mình không có. Ví dụ, ánh sáng hoặc sức nóng chỉ có thể được cung cấp bởi một điều gì cũng đã có năng lượng về điện hoặc nhiệt tương ứng.
Tuy nhiên, nơi các thụ tạo, tiềm năng hoạt động có một tính thụ động nhất định. Đó là lý do tại sao nó được gọi là tiềm năng (tiềm năng hoạt động) và không phải là hiện thế tuyệt đối. Những năng lực liên quan đến hiện thế của chúng giống như điều bất toàn liên quan đến hoàn bị tương ứng. Như vậy, ở trong tiềm năng để hiểu thì kém hoàn bị hơn là đã hiểu thực sự. Những quan năng hoạt động không luôn luôn ở trong hiện thế. Điều này cho thấy rõ ràng là chúng thật sự phân biệt khỏi những hoạt động của chúng. Chẳng hạn, ý chí không phải là hiện thế của việc yêu thương, nhưng là năng lực đem lại hành vi tự do đó. Hơn nữa, những năng lực hoạt động có một tính thụ động nhất định, theo ý nghĩa là việc chúng chuyển sang hoạt động thì đòi hỏi ảnh hưởng của một điều gì đó bên ngoài vốn đặt chúng vào điều kiện để hành động. Chẳng hạn, trí năng cần có một đối tượng khả tri và một xung lực của ý chí. Cũng vậy, năng lực chuyển động của một con vật thì giả định việc nắm bắt một thiện hảo khả giác và sự vận hành của bản năng. Không khả năng thụ tạo nào lại tự mình đặt mình vào hiện thế, mà không nhờ đến ảnh hưởng của một thứ gì bên ngoài, trừ phi nó vừa là hoạt động vừa là thụ động đối với cùng một sự vật, và dĩ nhiên điều đó là không khả thi.
Chúng ta có thể nói đến tiềm năng hoạt động nơi Thiên Chúa (toàn năng) theo mức độ Ngài là nguyên lý cho việc hiện hữu của mọi sự. Nhưng vì hoạt động thiên tính này không bao gồm bất cứ tính thụ động nào hoặc việc chuyển dời từ tiềm năng sang hiện thế, nên đó không phải là một tiềm năng theo nghĩa chặt, nhưng đúng ra đó là Hiện Thế Thuần Túy (Pure Act).
Những hoạt động và những năng lực hoạt động tương ứng của chúng đều là những phụ thể (operations and their corresponding active powers are accidents). Không có bản thể thụ tạo nào lại đồng nhất với hoạt động của nó, nhưng chỉ là căn nguyên của hoạt động. Chẳng hạn linh hồn con người là nguyên lý cho hoạt động tinh thần, nhưng linh hồn không phải là chính hoạt động đó. Những hoạt động nảy sinh từ hoàn bị nội tại của bản thể.
Đặc biệt hơn nữa, những năng lực hoạt động hay những quan năng là các phụ thể thuộc về phạm trù phẩm chất; rồi hoạt động cũng là một phụ thể. Nếu đó là một hoạt động tác động ra bên ngoài (transitive action), nghĩa là một hoạt động tạo ra một hiệu quả bên ngoài (xây một ngôi nhà, cày một cánh đồng, cưa một khúc gỗ), thì nó thuộc về phạm trù hoạt động (action). Trong trường hợp hoạt động nội tại, vốn được gọi cách chuyên biệt là tác động (operation) (suy tư, nhìn xem, tưởng tượng, yêu thương), nó thuộc về phụ thể phẩm chất (quality).
3. TÍNH ƯU TIÊN CỦA HIỆN THẾ
Sau khi xem xét bản chất và các loại hiện thế và tiềm năng, giờ đây ta có thể nhìn sự ưu thắng của hiện thế trên tiềm năng từ nhiều góc độ.
a) Trước hết, hiện thế thì ưu tiên trên tiềm năng xét về mặt hoàn bị (act is prior to potency with regard to perfection). Như đã thấy, hiện thế là điều gì hoàn bị, đang khi tiềm năng là điều gì bất toàn. “Mỗi vật thì hoàn bị xét như nó ở trong hiện thế, và bất toàn theo mức độ nó ở trong tiềm năng”3. Do đó, tiềm năng phải lệ thuộc vào hiện thế, và hiện thế kiến tạo nên mục tiêu của tiềm năng. Một khả năng chẳng hạn, thì được sắp đặt để thực thi, vì nếu không được thực thi, thì khả năng chỉ là điều vô dụng. Ví dụ, thân thể con người là chủ thể tiềm năng để đón nhận linh hồn như hiện thế của nó, và phải lệ thuộc vào linh hồn.
b) Hiện thế cũng ưu tiên trên tiềm năng xét về mặt nhận thức (Act is also prior to potency with regard to knowledge). Bất cứ tiềm năng nào cũng được nhận biết thông qua hiện thế của nó, vì tiềm năng chẳng qua là khả năng tiếp nhận, chiếm hữu hiện thế, hoặc sản sinh một hoàn bị. Do đó, câu định nghĩa cho mỗi tiềm năng đều bao gồm chính hiện thế của tiềm năng đó, vì chính hiện thế khiến cho tiềm năng đó phân biệt khỏi những tiềm năng khác. Chẳng hạn, thính giác được định nghĩa như khả năng nắm bắt âm thanh, và ý chí được định nghĩa như khả năng yêu mến thiện hảo. Sự ưu thắng của hiện thế trong nhận thức thì dựa trên bản chất của tiềm năng, mà tiềm năng chính là khả năng đi đến một hiện thế.
c) Hiện thế ưu tiên trên tiềm năng về mặt căn nguyên (Act has causal primacy over potency). Không điều gì có thể hoạt động trừ phi nó đã ở trong hiện thế, và một điều gì đó thì đón nhận một hiện thế theo mức độ nó đang ở trong tiềm năng. Là một chủ thể thụ động cho hoạt động của một vật khác thì cũng tương đồng với việc đón nhận một hoàn bị mà nó có khả năng để thủ đắc. Hoạt động là thực thi một ảnh hưởng thực sự trên một thứ khác, và điều này chỉ có thể xảy ra nếu người ta có được hoàn bị dùng để thông chia. Chẳng hạn chỉ có một vật thể nóng mới làm tăng nhiệt độ của những đồ vật xung quanh; một cây đèn chỉ soi sáng trong mức độ chính nó cũng sáng. Tóm lại, điều nằm trong tiềm năng không thể thành thực hữu nếu không nhờ đến ảnh hưởng của điều gì đó đã ở trong hiện thế.
d) Hiện thế cũng có ưu tiên trên tiềm năng về mặt thời gian (Act has also a temporal primacy over potency). Nơi bất cứ một chủ thể nào, tiềm năng đều có một ưu tiên thời gian nào đó trong tương quan với hiện thế, vì một sự vật thì ở trong tiềm năng đối với bất cứ hoàn bị nào trước khi nó thực sự đón nhận hoàn bị đó. Tuy nhiên, tiềm năng này cho thấy một căn nguyên tác động, có trước trong hiện thế, làm cho tiềm năng đó thành thực hữu. Trước khi một cây đạt được sự trưởng thành đầy đủ, thì tiên vàn nó phải có khả năng đạt tới hoàn bị đó ngay khi nó còn là một hạt giống. Nhưng chính hạt giống cũng nhất thiết phải là hoa quả của cây mẹ có trước nó. Tính ưu tiên về thời gian của hiện thế đối với tiềm năng thì dựa trên tính ưu tiên của hiện thế về mặt căn nguyên.
Vì lý do này, khi Aristotle phân tích chuyển động (hay biến đổi) trong thiên nhiên, ông thấy rõ rằng tất cả những gì đi từ tiềm năng sang hiện thế đều đòi hỏi một căn nguyên có trước trong hiện thế, và do đó, thấy rằng ở đỉnh điểm mọi thực tại sẽ có một Hiện Thế Thuần Túy, không hề có chút gì là tiềm năng, vốn làm biến đổi mọi thứ khác. Tóm lại, đây là bằng chứng sự hiện hữu của Thiên Chúa mà Thánh Thomas trình bày trong Con Đường Thứ Nhất. Ta có thể thấy ngay điều này khi chúng ta quan sát sự phức hợp giữa hiện thế và tiềm năng nơi tất cả những sự vật đang di chuyển hoặc biến đổi.
Ta có thể kết luận chủ điểm này bằng cách qui chiếu vào hiện hữu để nói rằng, hiện thế thì “hiện hữu”, theo ý nghĩa chính yếu và phù hợp, và tiềm năng thì chỉ “hiện hữu” theo cách thứ yếu (act “is”, in the principal and proper sense, and potency “is” only in a secondary way. Một điều gì đó được gọi là hiện hữu trong mức độ nó ở trong hiện thế, chứ không phải ở trong tiềm năng. Một pho tượng hiện hữu khi hình dáng của nó đã được chạm khắc, chứ không phải lúc mới chỉ là một khúc gỗ chưa có hình thù. Ta có thể nói như vậy mà không qui chiếu về nguồn gốc của tác phẩm điêu khắc: tượng, là một tượng nhờ hình dáng (form) của nó chứ không phải nhờ tiềm năng mà trong đó hình dáng được nhận vào, vì xét tới khả năng đó, thì còn có nhiều điều khác nữa (ví dụ, một căn phòng hay một cái bàn).
Hữu thể (ens), theo nghĩa chặt, là hữu thể trong hiện thế. Trái lại, điều gì còn trong tiềm năng, thì chỉ là thực tế nhờ mối tương quan của nó với hiện thế. Theo mức độ còn ở trong tiềm năng, một hữu thể không hiện hữu, nhưng có thể đi vào hiện hữu (In so far as it is in potency, a being is not, but can come to be). Khả năng để hiện hữu đó chắc chắn là một điều gì đó, nhưng chỉ trong mức độ nó được liên kết cách nào đó với một hoàn bị thực hữu. Do đó, cả hiện thế lẫn tiềm năng đều thông dự vào hiện hữu nhưng theo một cách loại suy và phù hợp với một trật tự phù hợp (secundum prius et posterius). Điều gì ở trong hiện thế thì có việc hiện hữu (act of being) cách trực tiếp, đang khi tính tiềm năng của các sự vật thì chỉ là thực cách gián tiếp, nghĩa là, chỉ trong tương quan với hiện thế[4].
4. TƯƠNG QUAN GIỮA HIỆN THẾ VÀ TIỀM NĂNG XÉT NHƯ NHỮNG NGUYÊN LÝ CẤU TẠO CỦA HỮU THỂ
Hiện thế và tiềm năng là những nguyên lý được điều hướng đến nhau để tạo nên các sự vật. Không bao giờ tiềm năng có thể đứng riêng trong trạng thái thuần túy, nhưng luôn luôn tạo nên thành phần của một hữu thể, vốn là một điều gì đã ở trong hiện thế. Như vậy, mặc dù chất liệu đệ nhất là một thứ tiềm năng thuần túy, nó luôn luôn được thực hữu hóa bởi một hình thế bản thể nào đó. Nơi những hữu thể hữu hạn, hiện thế luôn nối kết với tiềm năng; chỉ nơi Thiên Chúa, Đấng là Hiện Thế Thuần Túy, thì mới tuyệt đối không có tiềm năng. Sau đây chúng ta sẽ xét đến mối tương quan giữa hai nguyên lý đó nơi hữu thể.
a) Tiềm năng là chủ thể để hiện thế được tiếp nhận vào (Potency is the subject in which the act is received). Kinh nghiệm không vén mở cho chúng ta bất cứ hiện thế hoặc hoàn bị độc lập nào (ví dụ, đức công chính, màu trắng, vẻ đẹp); đúng hơn, nó tỏ cho chúng ta những hiện thế hoặc những hoàn bị được đón nhận vào trong một chủ thể tiềm năng (một người công chính, một hình ảnh đẹp, một tờ bìa màu trắng). Sự công chính, vẻ đẹp, và màu trắng là những khái niệm phổ quát được trừu xuất từ thực tại. Khi bàn đến những loại hiện thế và tiềm năng, chúng ta nhận thấy rằng mỗi loại hiện thế đều nằm trong một chủ thể có tiềm năng (potential subject); chẳng hạn, chất liệu đệ nhất là chủ thể cho hình thế bản thể, còn bản thể lại là chủ thể cho các phụ thể.
b) Hiện thế bị giới hạn bởi tiềm năng tiếp nhận nó (Act is limited by the potency which receives it). Mỗi hiện thế hoặc hoàn bị được tiếp nhận vào một chủ thể đều bị giới hạn bởi khả năng của vật chứa nó. Dù cho nước ở nguồn suối có phong phú đến đâu, thì một chiếc ly chỉ có thể chứa đựng số nước suối tương đương với sức chứa của nó. Cũng vậy, màu trắng của một tờ giấy cũng bị giới hạn bởi những kích thước của tờ giấy. Mỗi con người thủ đắc tri thức phù hợp với khả năng trí tuệ của mình.
Một hiện thế không bị giới hạn bởi chính nó (an act is not limited by itself), hiện thế thì nguyên nó là hoàn bị và không kéo theo một bất toàn nào cả. Nếu như nó có bất toàn, thì đó là do một thứ gì đó gắn liền với nó và hạn chế nó. Điều này là kết quả từ khái niệm hiện thế và tiềm năng. Một hiện thế tự giới hạn là một hoàn bị vốn là bất toàn bởi điều mà qua đó nó là một hoàn bị, và điều này sẽ là một mâu thuẫn[5]. Ví dụ, nếu có một ai đó khôn ngoan ở một mức độ giới hạn, thì không phải là chính sự khôn ngoan bị giới hạn (vì khôn ngoan nguyên nó chỉ là khôn ngoan) nhưng là vì có khiếm khuyết nào đó nơi chủ thể.
c) Hiện thế được tăng bội nhờ tiềm năng (Act is multiplied through potency). Điều này có nghĩa rằng cùng một hiện thế có thể hiện diện ở nhiều thứ, vì lẽ có nhiều chủ thể có khả năng tiếp nhận nó. Chẳng hạn, hoàn bị loài “chim ó” được tìm thấy nơi nhiều cá thể vì nó hiện diện trong một tiềm năng, cụ thể là chất liệu đệ nhất. Màu trắng được tăng bội tùy theo việc có nhiều vật thể mang lấy cùng một màu. Hình một đồng tiền có thể lặp lại vô tận, miễn là có vật liệu để in hình vào đấy.
Việc tăng bội liên kết mật thiết với việc giới hạn. Hiện thế chỉ có thể bị giới hạn và tăng bội bởi một tiềm năng tiếp nhận. Nếu màu trắng có thể hiện hữu độc lập, không phải bám vào bất cứ chủ thể nào, thì màu trắng đó là duy nhất, và như vậy bao gồm nơi nó tất cả hoàn bị của màu trắng. Ngoài ra, ta còn phải nói rằng hoàn bị duy nhất đứng riêng rời chính là việc hiện hữu đứng riêng (subsistent act of being), là chính Thiên Chúa; nơi Thiên Chúa, esse không bị giới hạn bởi bất cứ tiềm năng tiếp nhận nào; do đó, Thiên Chúa là duy nhất. Theo cách loại suy, các thiên thần là những hình thế thuần túy, không được tiếp nhận bởi chất liệu, nên các thiên thần không thể “được tăng bội”, như sẽ thấy ở các chương sau.
d) Hiện thế tương quan với tiềm năng giống như “điều được thông dự” với “điều thông dự vào”(Act is related to potency as “that which is participated” to “the participant”). Mối tương quan giữa hiện thế và tiềm năng có thể được am tường nhờ thuật ngữ về thông dự. Thông dự là có điều gì đó một phần.
Điều này giả thiết những vấn đề sau: a) Có những chủ thể khác cũng chiếm hữu cùng một hoàn bị, và không một thứ gì trong chúng lại chiếm hữu hoàn bị một cách viên mãn (ví dụ, mọi vật màu trắng đều thông dự vào màu trắng); b) Chủ thể không đồng nhất với điều nó chiếm hữu, nhưng nó chỉ chiếm hữu điều ấy; đó là hoàn bị chỉ nhờ sự thông dự (ví dụ, Phêrô không là nhân tính thuần túy, nhưng chỉ thông dự nhân tính).
Chiếm hữu nhờ thông dự thì đối lập với chiếm hữu “do yếu tính” (Having by participation is opposed to having “by essence”), vì điều sau thì theo cách viên mãn, độc nhất, qua việc đồng nhất với yếu tính (ví dụ, một Thiên Thần không thông dự vào loài của mình, nhưng là chính loài của mình do yếu tính; Thiên Chúa là hiện hữu do yếu tính (God is the act of being by essence).
Tương quan giữa hiện thế và tiềm năng là một thứ tương quan thông dự. Trái lại, hiện thế thuần tuý là một hiện thế tự yếu tính. Chủ thể có khả năng tiếp nhận một hoàn bị là vật thông dự, còn chính hiện thế là điều được thông dự. Như vậy, bất cứ điều gì hiện hữu nhờ thông dự, đều “là một phức hợp bởi một chủ thể thông dự và một yếu tố được thông dự”[6].
Đối với việc hiện hữu, bất cứ hoàn bị hay thực tại nào cũng là điều thông dự: “như một con người thông dự vào bản chất nhân loại, thì mọi thụ tạo đều thông dự vào hiện hữu (esse), vì chỉ mình Thiên Chúa mới là hiện hữu riêng của Ngài (esse)”[7]. Ta sẽ xem xét điều này chi tiết hơn khi bàn tới phức hợp yếu tính và việc hiện hữu nơi mọi thụ tạo.
e) Việc phức hợp hiện thế và tiềm năng không phá huỷ tính đơn nhất bản thể của hữu thể (The composition of act and potency does not destroy the substantial unity of being). Việc phối hợp nhiều thực tại vốn đã hiện hữu trong hiện thế thì không tạo nên một hữu thể đơn lẻ – ví dụ, một kỵ mã và con ngựa, hoặc nhiều hòn đá xếp chồng lên nhau. Tuy nhiên, hiện thế và tiềm năng không phải là những hữu thể lập hữu tại thân, mà chỉ là những khía cạnh hoặc những nguyên lý cùng tham gia vào việc hình thành một hữu thể đơn lẻ. Vì tự bản chất, tiềm năng là một khả năng đón nhận một hiện thế, tự yếu tính phải hướng về hiện thế, và nếu không có hiện thế thì cũng chẳng có tiềm năng, nên việc tiềm năng kết hiệp với hiện thế của nó không thể làm nảy sinh hai hữu thể. Chẳng hạn, việc “định hình” (in-forming) cho chất liệu đệ nhất bởi một nguyên lý sống thì chỉ làm nên một sinh thể.
Một vài triết gia (như Scotus, Suarez, và Descartes) đã không thể hiểu việc phức hợp này cách đúng đắn vì đã coi tiềm năng như một thực tại đã có thực hữu nơi chính mình, do đó đã phá hủy tính đơn nhất của hữu thể.
5. TIỀM NĂNG VÀ KHẢ TÍNH (POSSIBILITY)
Điều khả thể là một điều gì đó nối kết mật thiết với tiềm năng. “Điều khả thể” là điều có thể hiện hữu; điều này có nghĩa là khả tính (possibility) được thu gọn vào tính tiềm năng (potentiality) của các sự vật. Trong phạm vi các tạo vật, một điều gì là khả thể, theo một cách tương đối, nhờ tiềm năng thụ động (chẳng hạn, một bức tường có thể được sơn lên vì nó có khả năng đích thực để tiếp nhận màu sắc). Đến lượt điều này lại cho thấy một tiềm năng hoạt động tương ứng (khả năng của con người để sơn bức tường).
Ta cũng có thể nói về khả tính theo một nghĩa tuyệt đối. Theo nghĩa này, mọi sự không tự mâu thuẫn thì đều là “khả thể”8. Nền tảng tối hậu của loại khả tính này là quyền năng tác động của Thiên Chúa Đấng là toàn năng, có thể làm ra bất cứ việc thông dự nào vào hiện hữu (nghĩa là, bất cứ điều gì nguyên nó không bao hàm sự mâu thuẫn) mà không cần bất cứ tiềm năng thụ động nào đi trước. Tuy nhiên, nơi chúng, những hữu thể khả thể đó là không thật; chúng chỉ ở nơi Thiên Chúa, Đấng quan niệm chúng trong khôn ngoan của Ngài và có thể tạo nên chúng do toàn năng của Ngài. Như vậy, trước khi thế giới tồn tại, điều đó là khả thể, không do bất cứ một tiềm năng thụ động nào có trước, vì đó chỉ là hư vô, nhưng chỉ do quyền năng hoạt động của Thiên Chúa.
Khuynh hướng triết học duy lý đã coi các hữu thể như những yếu tính mà trước hết ở trong trạng thái khả tính (không tự mâu thuẫn) và tiếp đến đi vào hiện hữu, có nghĩa là, bắt đầu hưởng sự tồn tại thực hữu. Theo cách này, điều gì là khả thể thì đã hưởng tính thực hữu của mình. Sai lầm này loại bỏ sự phân biệt thực sự giữa hiện thế và tiềm năng nơi tạo vật, vì tiềm năng cần được hiểu như khả tính thuần túy (chứ không như nguyên lý thực tế của sự vật) và hiện thế được hiểu như “kiện tính” (facticity), như “trạng thái” thực tại của khả thể. Ngoài ra, như chúng ta đã ghi nhận, khả tính được thuyết duy lý hiểu theo nghĩa “khả niệm tính” (conceivability). Tầm quan trọng lớn lao mà thuyết này gán cho những sự vật khả thể, như tương phản với tồn tại thực hữu của chúng, chính là phản ảnh giá trị mà thuyết này gán cho tư tưởng con người, vốn có công tác “kiến tạo” điều gì là khả thể.
6. PHẠM VI SIÊU HÌNH CỦA HIỆN THẾ VÀ TIỀM NĂNG
Như đã thấy, hiện thế và tiềm năng khởi đầu xuất hiện như những nguyên lý kiến tạo nên thực tại chuyển động hoặc biến đổi. Về sau, chúng cũng được coi như những nguyên lý cấu tạo ổn định của các bản thể (bản thể – phụ thể, chất liệu – hình thế, yếu tính – việc hiện hữu).
Hiện thế và tiềm năng siêu việt phạm vi thế giới khả biến và vật chất, và mở rộng tới lãnh vực tinh thần. Không thụ tạo nào lại được châm chước khỏi việc tổng hợp đó, và chính điều này thực sự khiến cho một thụ tạo khác biệt với Đấng Tạo Hoá, điều hữu hạn khác biệt với điều vô biên. Tuy nhiên, sự tương phản giữa Hiện Thế Thuần Tuý với một hữu thể được tổng hợp bởi hiện thế và tiềm năng thì không được hiểu theo ý nghĩa loại trừ khả năng các thụ tạo đi lên cùng Thiên Chúa. Trái lại, chính vì lẽ các hữu thể thụ tạo có được hiện thế, và mở rộng hết mức những gì chúng thể hiện, thì chúng là phản ảnh cho hiện thế vô biên của Căn Nguyên Đệ Nhất của chúng.
Phức hợp hiện thế – tiềm năng là một đặc trưng muôn thuở được biểu lộ trong việc nghiên cứu bất cứ khía cạnh nào của hữu thể hữu hạn. Căn cứ vào tính ưu tiên của hiện thế, phức hợp như vậy luôn luôn ám chỉ sự lập hữu của Hiện Thế Thuần Túy Của Hữu Thể, là chính Thiên Chúa. Do đó, ta không ngạc nhiên khi thấy học thuyết về hiện thế và tiềm năng chiếm một chỗ đứng quan trọng trong Siêu hình học của Thánh Thomas. Qua suốt các tác phẩm của ngài, Thánh Thomas đã trình bày học thuyết này qua nhiều công thức khác nhau ngày càng hoàn bị và gắn bó với nhau hơn.
--------------------
SÁCH ĐỌC THÊM
ARISTOTLE, Metaphysica, IX, ch. 9. SAINT THOMAS AQUINAS, In IX Meteph., lect. 7. A. FARGES, Théorie fondamentale de I’acte et de la puissance du moteur et du mobile, Paris 1893. E. BERTI, Genesi e sviluppo della dottrina della potenza e dell’atto in Aristotlele, in <<Studia Patavina>> 5 (1958), pp. 477-505. C. GIACON, Atto e potenza, La Scuola, Brescia 1947. J. STALLMACH, Dynamis und Energeia, Anton Hain, Meisemheim am Glan 1959. G. MATTIUSSI, Le XXIV tesi della filosofia di S. Tommaso di Aquino, 2nd ed., Roma 1947. N. MAURICE- DENIS, L’être en puissance d’après Aristotle et S.T. d’Aquin, 1922.