Saturday, 28 December 2019 11:05

Lc 18,1-8: Thiên Chúa Đáng Tin Cậy Featured

Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Lc 18,1-8[1]

1 Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. 2 Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. 3 Trong thành đó, cũng có một bà góa. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho’. 4 Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, 5 nhưng mụ góa này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc’”.

6 Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! 7 Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? 8 Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”.

***

1.- Ngữ cảnh

Sau khi đã trả lời câu hỏi của người Pharisee về biến cố Nước Thiên Chúa đến, Đức Giêsu ngỏ lời với các môn đệ để dạy họ về ngày Con Người tỏ mình ra (Lc 17,22-37).[2] Có những từ hoặc câu được dùng làm móc liên kết các câu văn với nhau: động từ “[tôi] đến”, được dùng ở câu 20a (“đến”) và 22b (“sẽ đến”); hai câu tương tự: “Ở đây này!” hay “Ở kia kìa!” (câu 21a)“Người ở kia kìa! hay Người ở đây này!” (câu 23b).

Ngay sau lời giáo huấn mang tính cánh chung của Đức Giêsu về [các] ngày của Con Người, tác giả Luca thêm một dụ ngôn để minh định điều Người đã nói, đó là Dụ ngôn Quan tòa bất chính (Lc 18,1-8).

Cũng như có một phương diện trong lối xử sự của người quản lý bất lương được đề ra như điển hình cho lối xử sự của Kitô hữu (Lc 16,1-8a),[3] ở đây một quan tòa bất chính được dùng như một biểu tượng của Cha trên trời. Tuy nhiên, để độc giả khỏi hiểu sai hướng, bản văn có thêm câu 7-8a giúp điều chỉnh hình ảnh của Thiên Chúa nếu như đã bị hiểu méo mó.

Chúng ta có thể đọc Hc 35,12-20 và coi đoạn này như là bối cảnh của dụ ngôn Tin Mừng.[4]

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành bốn phần:

     1) Câu mở: Mục tiêu Đức Giêsu nhắm khi giảng dạy (18,1);

     2) Dụ ngôn Quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy (18,2-5):

     3) Biến một chi tiết của dụ ngôn thành ẩn dụ (18,6-8a):

          - Câu chuyển mạch (câu 6),

          - Cách xử sự của Thiên Chúa (câu 7-8a);

     4) Biến cả dụ ngôn thành ẩn dụ (18,8b).

3.- Vài điểm chú giải

- Phải cầu nguyện luôn (1): Từ “luôn” được dịch từ Hy Lạp “pantote” có nghĩa là “trong mọi tình huống, bất kể hoàn cảnh thế nào”. Đây không phải chỉ là một nhân đức hay là một bổn phận, mà là một sự cần thiết trong chương trình của Thiên Chúa (Hy Lạp: “dei”).

- Nản chí (1): Động từ Hy Lạp “egkakeò” có nghĩa gốc là “ở trong một con đường xấu”, từ đó có nghĩa là “chán chường; buông xuôi”.

- Một bà góa (3): Hình ảnh của bà góa trong bản văn phù hợp với hình ảnh Cựu Ước: thường các bà không được xử công bình (x. Xh 22,22-24; Đnl 10,18; 24,17; Ml 3,5; R 1,20-21; Ac 1,1; Is 54,4; Tv 68,5).[5] Lưu ý là truyền thống Luca (Luca – Công Vụ Tông Đồ) nói nhiều đến các bà góa (Lc 2,37; 5,25-26; 7,12; 20,47; 21,2-3; Cv 6,1; 9,39.41).[6]

- Bà này đã nhiều lần đến (3): Động từ “ércheto” ở thì vị-hoàn (imperfect) cho biết bà đã đến liên tục và còn đến. Bởi vì tình trạng của bà là tuyệt vọng, bà chỉ còn vũ khí cuối cùng là kiên trì.

- Xin ngài minh xét cho tôi khỏi tay đối phương (3): Bà không xin quan tòa trừng phạt đối phương, nhưng xin ông minh định quyền lợi của bà.

- Kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc (5): Động từ “hypòpiazein” có nghĩa là “đánh dưới mắt” (ngôn ngữ quyền Anh); “vả, tát”, từ đó có nghĩa là “gây phiền hà, dằn vặt”.

- Quan tòa bất chính (6): “Bất chính” là từ ngữ đánh giá lối cư xử trước đây của ông, chứ không không phải là đánh giá về quyết định của ông đối với vụ việc của bà góa (x. Lc 16,8a: “người quản lý bất lương”).

- Nói đó! (6): Kết luận này chuyển sự chú ý đi từ bà góa sang cách xử sự và suy nghĩ của ông quan tòa. Độc giả được gợi ý để hiểu ngầm: Phương chi Thiên Chúa! Ngài sẽ đáp ứng lời thỉnh cầu tha thiết của con người khi họ kêu cầu Ngài.

- Những kẻ Người đã tuyển chọn (7): Từ ngữ “kẻ được [Thiên Chúa] tuyển chọn” có một lịch sử dài trong Kinh Thánh, với ý nghĩa tổng quát là những kẻ được Thiên Chúa để riêng ra vì Ngài yêu thương họ, tức là vô điều kiện, không hề bị ép buộc, hoàn toàn tự do. Từ này đặc biệt có liên hệ với thời bách hại.

- Lòng tin trên mặt đất (8): Nghĩa là lòng tin gợi hứng cho lời cầu nguyện tha thiết. Câu hỏi này cần được liên kết với lời mở ở câu 1.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Câu mở: Mục tiêu Đức Giêsu nhắm khi giảng dạy (1)

Trước đây (x. Lc 11,1-13),[7] khi các môn đệ thỉnh cầu, Đức Giêsu đã dạy các ông Kinh Lạy Cha, và nhấn mạnh rằng Thiên Chúa còn sẵn sàng chấp nhận lời con cái Ngài kêu xin hơn là các người cha trần thế. Ở Chương 11, tác giả Luca đề cập đến việc cầu nguyện cá nhân. Nhưng nội dung của câu mở (Lc 18,1) ở đây lại nói trực tiếp đến việc kiên trì cầu nguyện, chứ không nói đến sự tin tưởng là Thiên Chúa sẽ đáp lời ta xin, nên để đón nhận được bài học, chúng ta cần hiểu ngữ cảnh bản văn đang suy ngẫm.

Bản văn Lc 17,20-37 kết thúc chương 17 trả lời cho hai câu hỏi: “Khi nào Nước Thiên Chúa đến?”“Nước ấy đến ở đâu?”.[8] Vậy lời dạy của Đức Giêsu về việc cầu nguyện liên tục và không được nản chí là nhằm có được tư thế sẵn sàng cho biến cố chung cuộc, Nước Thiên Chúa đến. Chính động từ “egkakeò”, “chán chường; buông xuôi”, được dùng ở đây (xem thêm Lc 17,20; 21,36) cũng như trong các Thư Phaolô (2Cr 4,1; Gl 6,9; x. Ep 3,13; 2 Tx 3,13)[9] thuộc về bối cảnh cánh chung (Ngày Quang lâm). Do đó, ở đây có thể hiểu là Đức Giêsu muốn khuyên bảo các môn đệ: trong thời gian này là thời gian chờ đợi Người trở lại, thời gian đầy thử thách, các ông không được chểnh mảng hay bỏ mất việc cầu nguyện, vì bất cứ lý do gì. Đây là một sự cần thiết (chứ không phải là một sự chọn lựa tùy nghi), liên tục (“luôn luôn”, chứ không thỉnh thoảng)“không được nản chí” (phải kiên trì chứ không được chán nản buông xuôi).

* Dụ ngôn Quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy (2-5)

Bây giờ Đức Giêsu kể một dụ ngôn nhằm cho thấy rằng các môn đệ có thể tin tưởng vô điều kiện vào Thiên Chúa, là chắc chắn Ngài chấp nhận lời các ông cầu nguyện, cho dù sự chấp nhận không xảy ra ngay và các ông cứ phải lặp lại nhiều lần lời cầu nguyện.

Tuy nhiên, nhân vật đầu tiên được nói đến lại không phải là bà góa đang gặp khó khăn, mà là ông quan tòa. Nơi chốn mang tính tổng quát: “Trong một thành kia”, nhằm nêu bật đặc tính điển hình. Còn ông quan tòa thì tỏ ra độc lập và tự phụ; ông chỉ biết chính ông, lợi lộc của ông và sự thoải mái của riêng ông mà thôi. Ông không hề kính trọng Thiên Chúa, chẳng sợ ngày nào đó phải ra trước tòa Ngài; ông cũng chẳng nể sợ ai cả, tức là một kẻ không tuân giữ Luật Thiên Chúa (“yêu mến Thiên Chúa hết lòng, và yêu người thân cận như chính mình”). Quả thật, các Thánh Vịnh có nói đến những hạng quan tòa như thế (x. Tv 58,2-3; 82,2).[10] Ngôn ngữ Kinh Thánh gọi hạng người này là “quân gian ác”. Giới thiệu ông quan tòa bất chính trước như thế, hẳn là tác giả muốn tập trung chú ý vào tình trạng không thể làm gì được nữa: không mong có một cơ may nào cho bà góa kia đâu, bởi vì mọi sự đã qua rõ ràng. Một quan tòa không giữ lề luật, cũng chẳng kính sợ Thiên Chúa, chẳng coi ai ra gì, chắc chắn sẽ không đề lòng mình mềm ra vì một người đàn bà, phương chi một bà góa.

Còn bà góa, chúng ta không biết gì về tuổi tác, thu nhập, mức độ lệ thuộc, hoặc kẻ thù của bà, chỉ biết rằng bà thuộc về một trong ba hạng người thất thế về phương diện xã hội (quả phụ, cô nhi và di dân). Chính vì thế ông quan tòa chẳng có gì phải quan tâm đến bà. Nhưng hẳn là các thính giả cảm thấy xót xa khi nghe nói là bà phải gặp một quan tòa “chẳng coi ai ra gì”. Tuy nhiên, bà góa nghĩ rằng vụ việc của bà là đúng, và không có một chi tiết nào trong bài dụ ngôn gợi ý là vụ việc của bà không đúng, dù ta không biết là việc gì. Do đó, bà kiên trì kêu cứu. Bà kiên trì đến mức ông quan tòa cứng lòng và khinh người đã phải xét vụ việc của bà và cho bà được như ý. Để có thể làm chuyển động ông quan tòa đó, nại đến lương tâm thì không ích gì; phải chạm đến tính ích kỷ của ông: Ông phải minh xét vì không muốn bị quấy rầy liên tục như thế.

* Biến một chi tiết của dụ ngôn thành ẩn dụ (6-8a)

Thế rồi Đức Giêsu hỏi hai câu: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?” (câu 7), mà không chờ câu trả lời, vì biết rằng ai cũng biết câu trả lời: “Chắc chắn Thiên Chúa sẽ minh xét cho những kẻ Ngài đã tuyển chọn, và Ngài sẽ không trì hoãn”. Nhưng Đức Giêsu lại nhấn mạnh hơn đến phản ứng của Thiên Chúa trước lời cầu nguyện: “Người sẽ mau chóng minh xét cho họ” (câu 8). Câu trả lời của Người vừa vững chắc, vừa tin tưởng, lại vừa thách đố: làm sao có thể khác được, khi Thiên Chúa là Thiên Chúa và khi những kẻ Người đã tuyển chọn đúng là như thế (“ngày đêm hằng kêu cứu với Người”)?

Để nêu bật sự mau mắn của Thiên Chúa trong việc đáp ứng những kẻ Ngài đã tuyển chọn, Đức Giêsu dùng một hình ảnh phản diện: ông quan tòa bất chính. Nếu lời cầu xin bền bỉ đã khiến cho kẻ có tính ích kỷ phải đáp ứng, thì càng khiến Thiên Chúa phải quan tâm, bởi vì Ngài không hề ích kỷ chút nào. Thật vậy, khi dạy các môn đệ cầu nguyện, Đức Giêsu đã bảo các ông thưa với Thiên Chúa như với “Cha” (Lc 11,2). Thêm vào bài học diễn tả qua hình ảnh ông quan tòa, hình ảnh bà góa lại củng cố những ai đang lung lay trong việc cầu nguyện. Như thế, bằng sự tương phản giữa hai dung mạo, Đức Giêsu đưa các thính giả đến chỗ đồng ý rằng quả thật không hề có một lý do gì mà nói rằng việc cầu nguyện kiên trì với vị Thiên Chúa vô cùng yêu thương và toàn năng lại không được chấp nhận.

Tuy nhiên, vì công thức “những kẻ Người đã tuyển chọn” có liên hệ đến thời bách hại, bài học của đoạn Tin Mừng này, ngoài mục tiêu là Ngày Tận Thế, cũng nhắm tới các hoàn cảnh khó khăn của những người đang bước theo Đức Giêsu và khuyến khích họ cứ vững tin vào Thiên Chúa.

* Biến cả dụ ngôn thành ẩn dụ (8b)

Đến đây Đức Giêsu lại hỏi: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người có tìm được lòng tin trên mặt đất chăng?”. Câu này đưa thính giả đi từ giọng điệu tích cực và khích lệ của câu 6-8a sang một giọng điệu ưu tư, thách đố, bằng cách gợi ý là rất có thể Con Người không tìm được “lòng tin” (tên “pistin”, ở dạng xác định, với quán từ xác định, chứ không ở dạng bất định) khi Người trở lại vào Ngày Phán Xét. Mô tả Đức Giêsu là “Con Người” có nghĩa là xác định Đức Giêsu sẽ phán xét loài người vào lúc tận thế. Còn “lòng tin” được nói đến ở đây hầu chắc có nội dung chuyên biệt có Đức Giêsu là trung tâm cùng với giáo huấn của Người. Như vậy, Người hỏi là khi trở lại, liệu Người trong tư cách “Con Người” có tìm được chăng lòng tin nơi Người và nơi giáo huấn của Người. Nhưng “lòng tin” đây còn có thể là điều tập trung trực tiếp hơn vào vấn đề được bài dụ ngôn nói đến: lòng tin nâng đỡ việc cầu nguyện liên tục, mà nếu không có lòng tin này, các môn đệ sẽ không cầu nguyện liên tục, sẽ nản chí. Vậy “lòng tin” ở đây còn có thêm nét này, là xác tín rằng chắc chắn Thiên Chúa sẽ nghe lời chúng ta cầu nguyện và sẽ mau mắn đến với chúng ta.

+ Kết luận

Bản văn chúng ta đang đọc có hai điểm nhắm: Ở câu 1, điểm nhắm là người cầu nguyện phải kiên trì; ở câu 6-8a, tác giả lại tâp trung vào thực tại Thiên Chúa chắc chắn nhận lời cầu nguyện. Vậy, một đàng, tác giả muốn giúp các độc giả kiên trì cầu nguyện, đừng nản chí, cho dù có được đáp trả thế nào; đàng khác, ngài bảo họ là đừng bao giờ nghi ngờ là Thiên Chúa không nghe lời các kẻ Ngài đã tuyển chọn và không mau mắn đáp ứng họ. Bài dụ ngôn về Ông quan tòa và bà góa giúp giải thích hai điểm giáo huấn ấy. Tuy nhiên, tác giả cảm thấy cũng phải đưa vào câu nói cuối cùng của Đức Giêsu: liệu người môn đệ có thật sự tiếp tục tin vững vàng rằng Thiên Chúa quá yêu thương dân Ngài, nên không thể nào không mau mắn đáp lại lời họ cầu nguyện chăng?

Sự tương phản giữa việc cầu nguyện không nản chí và việc Thiên Chúa mau mắn đáp lời cầu nguyện là do hai hoàn cảnh khác nhau: một bên là sự chờ đợi Phán Xét chung cuộc quá lâu; bên kia là tình trạng chịu bách hại. Đối với những người chịu bách hại, Thiên Chúa sẽ mau mắn can thiệp; còn đối với những người nản chí, hãy nhớ rằng Con Người sẽ đến kết thúc thế giới này.

Cuối cùng, có thể nói cốt lõi của bài học là nghĩ đến tình yêu của Thiên Chúa đối với người cầu nguyện và tin vào tình yêu ấy. Chính Đức Giêsu cũng đã phải đối diện với thách đố này: chính Người đã nghĩ rằng điều tốt hơn cho Người là tránh cái chết. Chỉ có sự tín nhiệm nơi tình yêu của Cha Người đối với Người mới khiến Người nói, mỗi khi Người nói rằng Người không muốn chết: “Xin cho ý Cha, chứ không phải ý con, được thực hiện” (Lc 22,42).[11] Ở đây, cũng như trong mọi tình huống của cuộc đời, Người luôn để cho sự hiểu biết về tình yêu của Cha Người hướng dẫn mọi quyết định và hành động của Người. Việc Người cầu nguyện liên tục cho thấy lòng tin của Người đặt nơi tình yêu của Cha Người đối với Người; Người trở thành một điển hình để trả lời cho mối bận tâm của tác giả Luca, đó là cầu nguyện luôn và không được nản chí. Lời khuyến cáo duy nhất Người nói với các môn đệ khi ở trong vườn là: “Dậy mà cầu nguyện” (Lc 22,46). Quả thật, Thiên Chúa luôn tìm thấy Đức Giêsu kiên trì cầu nguyện (cả trên thập giá) cho đến tận lúc Ngài đến đưa Người về với Ngài.

Nói tóm lại, nếu một quan tòa bất chính và khinh người, mà chỉ vì muốn yên thân, đã xử công bình, thì một Người Cha yêu thương sẽ làm gì? Tình yêu của Ngài sẽ khiến Ngài cứ lần lữa, hay là làm cho Ngài mau mắn hành động? Bà góa đã thắng vụ kiện do liên tục quấy rối ông quan tòa bất chính; dưới ánh sáng của hoàn cảnh của bà, ta có thể nói gì về việc cầu nguyện liên tục với Thiên Chúa? Chúng ta còn có thể nghi ngờ là một việc cầu nguyện kiên trì không đưa lại hiệu quả gì cho chúng ta sao?

5.- Gợi ý suy niệm

1. Người ta thường đặt ra các câu hỏi như sau: Việc cầu nguyện có giá trị gì chăng? Thiên Chúa có quan tâm đến người cầu nguyện không? Phải chăng lời cầu nguyện chỉ như hơi thở hòa vào trong gió? Người ta hỏi như thế vì ghi nhận rằng dường như Thiên Chúa không phản ứng, và có biết bao người đã từng ngỏ lời với Ngài mà không nhận được sự trợ giúp của Ngài. Nếu lời cầu nguyện không có hiệu quả gì, thì nó có giá trị gì? Hợp lý nhất chẳng phải là ngưng cầu nguyện, để khỏi phí thì giờ sao? Tốt nhất không phải là tránh mọi ảo tưởng sao? Nếu đã không xoay trở được một mình hoặc không tìm được sự trợ giúp của người khác, chúng ta lại không phải suy ra rằng chúng ta cũng chẳng có thể trông mong gì được nơi Thiên Chúa sao? Đức Giêsu đã kể dụ ngôn Quan tòa bất chính để trả lời các vấn nạn này.

2. Nếu chúng ta cầu nguyện liên lỉ với Thiên Chúa, thì không phải là vì Thiên Chúa không quan tâm đến ta, nên ta phải quấy rầy Ngài. Thật ra khi đó, chúng ta sống được tương quan hiếu thảo với Ngài vì Ngài là Cha chúng ta, và ta cũng hiểu được chương trình Ngài đang theo để biết cộng tác vào. Thiên Chúa không phải là một quan tòa bất chính, hoàn toàn lãnh đạm đối với chúng ta, nhưng Ngài là Cha chúng ta, Ngài đồng hành với chúng ta với tất cả mối quan tâm từ phụ. Đối với Ngài, chúng ta không phải là những sinh vật vô nghĩa, không giá trị, mà là những kẻ Ngài tuyển chọn, những con cái được Ngài yêu thương. Tương quan này giữa Thiên Chúa và chúng ta là lý do khiến chúng ta không bao giờ được ngưng cầu nguyện; đã thế, chúng ta lại hoàn toàn có thể tin tưởng rằng lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được chấp nhận. Do đó, không phải là vì Thiên Chúa, nhưng là vì chúng ta, chúng ta cần cầu nguyện kiên nhẫn, không ngừng.

3. Nếu chúng ta không cầu nguyện nữa, nếu chúng ta không tin tưởng Thiên Chúa nữa, chúng ta không nhìn nhận Ngài là Cha chúng ta và coi Ngài như là một Đấng bất lực hoặc như một nhà độc tài lãnh đạm. Do đó, cùng đi kèm với lời chúng ta cầu nguyện, phải có lòng tin của chúng ta đặt vào Thiên Chúa như là Cha chúng ta. Cho dù chúng ta có phải chờ đợi, cho dù chúng ta có không cảm nhận được sự gần kề của Thiên Chúa, cho dù lời chúng ta cầu nguyện có khi như rơi vào khoảng không, Thiên Chúa là và vẫn là Cha chúng ta. Chúng ta cần thưa gởi với Ngài, chúng ta phải duy trì cho sống động dây liên kết con cái với Chúa Cha. Nếu chúng ta ngưng cầu nguyện, mà coi việc cầu nguyện không có ý nghĩa, chúng ta cũng cắt đứt tương quan này. Ai không cầu nguyện nữa và chỉ cậy dựa vào sức riêng, người ấy độc lập đối với Thiên Chúa và loại trừ Ngài.

4. Bởi vì Ngài là Cha chúng ta, Thiên Chúa không thể không nhận lời chúng ta thỉnh cầu. Tuy nhiên, chúng ta không được quy định cho Ngài cách thức và thời điểm Ngài phải nhận lời chúng ta. Chỉ có một điều chúng ta biết chắc chắn, đó là Ngài sẽ minh xét cho chúng ta, sẽ cứu chúng ta. Ngài có thể thử thách chúng ta lâu dài, nhưng cũng có thể can thiệp rất nhanh, mà ta không ngờ. Dù thế nào, Ngài cũng không bao giờ bỏ chúng ta, không để chúng ta phải hư mất. Đối với Đức Giêsu, sự trợ giúp của Thiên Chúa là chuyện tuyệt đối chắc chắn, bởi vì quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa là những thực tại tuyệt đối chắc chắn. Chính vì thế, chắc chắn việc cầu nguyện vừa cần thiết vừa có ý nghĩa.

5. Nếu chúng ta không tin tưởng vào Thiên Chúa và loại trừ Ngài, chúng ta sẽ không được Ngài trợ giúp nữa, không phải vì Thiên Chúa không muốn giúp đỡ chúng ta, nhưng bởi vì chúng ta không mở lòng ra với Ngài để đón nhận Ngài. Do đó, câu hỏi của Đức Giêsu ở cuối bài Tin Mừng là một lời mời gọi chúng ta tin rằng nhờ đức tin và lời cầu nguyện, chúng ta luôn kết hợp với Thiên Chúa, và như thế, chúng ta sẵn sàng đón lấy sự trợ giúp và ơn cứu độ Ngài ban.

 

 

 

 


[1] Bản Kinh Thánh Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2] Lc 17,22-37: 22 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy. 23 Người ta sẽ bảo anh em: ‘Người ở kia kìa!’ hay ‘Người ở đây này!’ Anh em đừng đi, đừng chạy theo. 24 Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người. 25 Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ. 26 “Và cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy. 27 Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thuỷ ập tới, tiêu diệt tất cả. 28 Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót: thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất. 29 Nhưng ngày ông Lót ra khỏi Xơ-đôm, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả. 30 Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mặc khải. 31 “Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy. Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại. 32 Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót. 33 Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống. 34 Thầy nói cho anh em biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. 35 Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. 36 Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại”. 37 Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ở đâu vậy?” Người nói với các ông: “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó”.

[3] Lc 16,1-8: 1 Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. 2 Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!’ 3 Người quản gia liền nghĩ bụng: ‘Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. 4 Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!’. 5 “Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?’ 6 Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu ô-liu’. Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi’. 7 Rồi anh ta hỏi người khác: ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một ngàn giạ lúa’. Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi’. 8 “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

[4] Hc 35,12-20: 12 Vì Đức Chúa là Đấng xét xử, Người chẳng thiên vị ai. 13 Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức. 14 Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người góa bụa. 15 Nước mắt quả phụ lại không giàn giụa trên gò má, và tiếng bà kêu lại chẳng cáo tội kẻ làm bà phải khóc sao? 16 Kẻ phục vụ Đức Chúa theo ý Người sẽ được Người chấp nhận, lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng mây. 17 Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm. Lời nguyện chưa tới đích, họ chưa an lòng. 18 Họ sẽ không rời đi bao lâu Đấng Tối Cao chưa đoái nhìn, chưa xét xử cho người chính trực và thi hành công lý. 19 Đức Chúa không trì hoãn, không bắt họ đợi lâu. 20 Sẽ đến lúc Người đập gãy lưng bọn tàn ác, và báo oán chư dân.

[5] x. Xh 22,22-24: 22 Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu. 23 Cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các ngươi: thế là vợ các ngươi sẽ thành góa bụa, và con các ngươi sẽ thành côi cút. 24 Nếu ngươi cho một người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi.

Đnl 10,18; 24,17: 18 là Đấng xử công minh cho cô nhi quả phụ, và yêu thương ngoại kiều, cho họ bánh ăn áo mặc. 24 17 Anh (em) không được làm thiệt hại đến quyền lợi của ngoại kiều và cô nhi, không được giữ áo của người góa bụa làm đồ cầm.

Ml 3,5: 5 Ta sẽ tới gần các ngươi mà xét xử; Ta sẽ mau mắn làm chứng chống lại các tên phù thuỷ, các kẻ ngoại tình, bọn thề gian cũng như quân bóc lột người làm công và cô nhi quả phụ; chống lại kẻ áp bức ngoại kiều cùng những kẻ chẳng kính sợ Ta, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán.

R 1,20-21: 20 Bà nói: “Đừng gọi tôi là Na-o-mi nữa, hãy gọi tôi là Ma-ra, vì Đấng Toàn Năng đã bắt tôi phải chịu quá nhiều cay đắng. 21 Tôi ra đi, của cải dư đầy, ĐỨC CHÚA đem tôi về hai bàn tay trắng! Gọi tôi là Na-o-mi làm gì, trong khi ĐỨC CHÚA đã làm cho tôi tủi nhục, Đấng Toàn Năng đã để tôi đau khổ?”.

Ac 1,1: 1 A-lép! Làm sao Đô Thị dân đông đúc lại ngồi trơ, tủi nhục một mình! Xưa lệnh bà giữa muôn dân nước, nay khác chi quả phụ tội tình. Bà nữ chúa đứng đầu các tỉnh đã trở thành một kẻ khổ sai.

Is 54,4: 4 Đừng sợ chi: ngươi sẽ không phải xấu hổ, chớ e thẹn: ngươi sẽ không phải nhục nhằn. Thật vậy, ngươi sẽ quên hết nỗi hổ thẹn tuổi thanh xuân và không còn nhớ bao nhục nhằn thời góa bụa.

Tv 68,5: 5 Hãy hát mừng Thiên Chúa, đàn ca kính danh Người, hãy dọn đường cho Đấng ngự giá đằng vân. Danh Người là ĐỨC CHÚA; trước Thánh Nhan, hãy vui mừng hớn hở.

[6] Lc 2,37; 5,25-26; 7,12; 20,47; 21,2-3: 37 rồi ở góa, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. 5 25 Ngay lúc ấy, người bại liệt trỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa. 26 Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau: “Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ!”. 7 12 Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà góa. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. 20 47 Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn”. 21 2 Người cũng thấy một bà góa túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. 3 Người liền nói: “Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết.

Cv 6,1; 9,39.41: 1 Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà góa trong nhóm họ bị bỏ quên. 9 39 Ông Phê-rô đứng dậy cùng đi với họ. Tới nơi, người ta đưa ông lên lầu trên. Các bà góa xúm lại quanh ông, vừa khóc vừa cho ông xem những áo dài và áo choàng bà Linh Dương đã may khi còn sống với họ. 41 Ông đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi dân thánh và các bà góa lại và cho thấy bà đang sống.

[7] x. Lc 11,1-13: 1 Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông”. 2 Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha , xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, 3 xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; 4 xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”. 5 Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: ‘Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, 6 vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả’; 7 mà người kia từ trong nhà lại đáp: ‘Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được’.? 8 Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó. 9 “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. 10 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. 11 Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? 12 Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? 13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?”.

[8] Lc 17,20-37: 20 Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. 21 Và người ta sẽ không nói: ‘Ở đây này!’ hay ‘Ở kia kìa!’, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”. 22 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy. 23 Người ta sẽ bảo anh em: ‘Người ở kia kìa!’ hay ‘Người ở đây này!’ Anh em đừng đi, đừng chạy theo. 24 Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người. 25 Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ. 26 “Và cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy. 27 Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thuỷ ập tới, tiêu diệt tất cả. 28 Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót: thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất. 29 Nhưng ngày ông Lót ra khỏi Xơ-đôm, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả. 30 Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mặc khải. 31 “Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy. Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại. 32 Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót. 33 Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống. 34 Thầy nói cho anh em biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. 35 Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. 36 Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại”. 37 Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ở đâu vậy?” Người nói với các ông: “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó”.

[9] 2Cr 4,1: 1 Bởi thế, vì Thiên Chúa đoái thương giao cho chúng tôi công việc phục vụ, nên chúng tôi không sờn lòng nản chí.

Gl 6,9: 9 Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng.

x. Ep 3,13: 13 Bởi vậy, tôi xin anh em đừng nản chí khi thấy tôi phải gian truân vì anh em: những gian truân ấy là vinh quang của anh em.

2Tx 3,13: 13 Phần anh em, hãy làm việc thiện, đừng sờn lòng nản chí!

[10] x. Tv 58,2-3; 82,2: 2 Hỡi những kẻ quyền thế, có thực các người phán quyết công minh, xét xử người ta theo đường chính trực? 3 Các người chủ tâm làm điều bất chính, ra tay bạo hành trên đất này. 82 2 “Tới bao giờ các ngươi còn xử án bất công, hay còn thiên vị phường gian ác?

[11] Lc 22,42: 42 “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha”.