Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
Bản Văn Tin Mừng: Lc 17,11-19 [1]
11 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. 12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa 13 và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!”. 14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế”. Đang khi đi thì họ được sạch. 15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. 17 Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?. 18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”. 19 Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”.
***
1.- Ngữ cảnh
Với giai thoại Đức Giêsu chữa mười người phong này (Lc 17,11-19), tác giả Luca bắt đầu phần thứ ba (Lc 17,11–18,14) của loạt bài tường thuật về cuộc hành trình lên Jerusalem: tại câu 11a, đọc giả gặp lời nhắc về hành trình này lần thứ ba (hai lần trước: Lc 9,51; 13,22).[2] Cho dù câu 11b tạo ra một điểm khó giải thích (“thập giá của các nhà chú giải”), do bởi có những lời quy chiếu về Samari và Galilee, đọc giả vẫn không quên rằng, mối bận tâm thần học của tác giả Luca là đưa Đức Giêsu về vị trí và vai trò hoàn thành định mệnh; để chính tại đó, công cuộc cứu độ loài người được vĩnh viễn hoàn tất.
Đoạn giai thoại chúng ta tìm hiểu ở đây là một trong số nhiều giai thoại mà chỉ có ở trong Tin Mừng Luca.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành bốn phần:
1) Địa điểm (17,11);
2) Đức Giêsu chữa lành mười người phong (17,12-14);
3) Người Samari trở lại cám ơn Đức Giêsu (17,15-18);
4) Liên hệ giữa đức tin và cứu độ (17,19).
3.- Vài điểm chú giải
- Đức Giêsu đi qua giữa hai miền Samari và Galilee (11): “Đi qua giữa (“dia meson”) hai miền Samari và Galilee” có thể có nghĩa là đi trong giải đất làm thành biên giới giữa hai miền. Nếu thế, hẳn là Đức Giêsu đi theo con đường này để đến thung lũng Jordan phía Sythopoli, và từ đó đi xuống tới Jericho (Lc 18,35),[3] rồi từ đó Người sẽ đi lên Jerusalem. Từ ngữ “meson” (mesos, “giữa”) được dùng ở đối-cách, thay vì thuộc-cách (x. Lc 4,30)[4] và không có mạo từ, dường như hỗ trợ cho cách giải thích này. Ngay cả xét về mặt địa lý, cách giải thích này cũng chắc chắn hơn, bởi vì nếu Đức Giêsu đi về Jerusalem, thì Người đi từ Bắc xuống Nam; nhưng nếu Người “đi qua Samari và Galilee” (theo một cách dịch), thì dường như Người đi từ Nam lên Bắc!
Phải chăng chi tiết địa lý này có một ý nghĩa thần học? Trong trường hợp này, chắc là Luca viết “đi qua Samari và Galilee”, mà mắt nhìn lui về phía sau để ngó lại đoạn đường đã đi qua. Con đường và hoạt động của Đức Giêsu luôn luôn được hướng dẫn bởi Jerusalem, nên bây giờ, Người như đứng tại Jerusalem mà nhìn ngược lại. Ta chỉ có thể hiểu được lộ trình, cuộc tiến bước và tất cả hoạt động của Người nếu khởi đi từ Jerusalem, nơi số phận bi thương đang chờ Người. Phần tường thuật cuộc hành trình đã bắt đầu với một sự cố nhắc đến Samari, và nay Samari cũng bắt đầu chặng cuối của cuộc hành trình. Như thế, Samari được xem như là “cây cầu” chuyển Lời Chúa từ Galilee đến Jerusalem, rồi từ Jerusalem đến với Dân ngoại. Sau khi sống lại, Đức Giêsu sẽ giao cho các môn đệ sứ mạng này: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Jerusalem, trong khắp miền Judea và miền Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Như thế, con đường Đức Giêsu theo hôm nay phác họa ra trước con đường mà Giáo Hội sẽ theo sau này: con đường của Giáo Hội là hoa trái của con đường mà Đức Giêsu đã đi.
Chúng ta ghi nhận rằng, về phương diện ngữ học, cách giải thích thứ hai có thể chấp nhận được: cách dùng “dia” trong thể thơ với từ ngữ chỉ nơi chốn ở đối-cách, dù chỉ có ở đây trong Tân Ước, ta thấy có trong tiếng Hy Lạp sau này.[5]
Cũng khó có thể chọn lựa dứt khoát cách giải thích nào. Theo N. Guillemette, nếu tác giả Luca đã muốn nói “ở biên giới của Samari và Galilee” như bản BJ (“aux confins de la Samarie et de la Galilée”) hoặc “dọc theo biên giới Samari và Galilee”, chắc hẳn ông đã nói rõ. Về phương diện này, dường như cách dịch của bản TOB: “Người đi băng qua Samari và Galilee” (“il passa à travers la Samarie et la Galilée”), cho thấy tự nhiên hơn. Mặc dù cách giải thích thứ hai có thể khiến chúng ta có ấn tượng là hơi “bị ép” về mặt thần học, nhưng nó lại hài hòa với các bận tâm thần học và địa lý của tác giả Luca. Vì thế, trong khi chờ đợi những khám phá mới, Guillemette nghiêng về cách giải thích này.
- Mười người mắc bệnh phong (12): Rất có thể con số “mười” chỉ có nghĩa là một con số tròn.
- Hãy đi trình diện các tư tế (14): Đức Giêsu không chữa lành họ, mà bảo họ cứ đi gặp các tư tế trong tình trạng bệnh tật. Người gợi đến quy tắc trong Lv 13,49.[6] Các “tư tế” được nói đến ở đây có lẽ nói chung là giới chức phục vụ thánh điện, chứ không nhất thiết là tư tế Do Thái đang làm việc tại Đền Thờ Jerusalem hoặc tư tế Samari đang phục vụ tại Núi Garidim.
- Anh sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn (16): Hành vi phủ phục cho chúng ta hiểu là anh ta nhìn nhận Đức Giêsu là người của Thiên Chúa.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Địa điểm (11)
Vị trí địa lý cũng như ngôi làng đều không được xác định. Điều quan trọng là Đức Giêsu đang tiến về Jerusalem; trên đường, Người đi qua cả Samari, là khối dân bị coi là bội giáo, và Người đã có những khám phá độc đáo.
* Đức Giêsu chữa lành mười người phong (12-14)
Vào thời Đức Giêsu, có câu tục ngữ nói rằng: “Có bốn hạng người có thể được coi như người chết, cho dù họ vẫn sống, đó là: những người nghèo, người phong cùi, người mù và người không có con”. Mọi chứng bệnh đều bị coi như hình phạt của Thiên Chúa để trừng phạt tội lỗi, nhưng bệnh phong cùi được coi như là chính biểu tượng của tội. Người Do Thái nghĩ rằng, Thiên Chúa dùng bệnh phong cùi để trừng phạt kẻ ghen tị, kiêu căng, quân trộm cướp, giết người, thề gian và loạn luân.
Hôm nay, Đức Giêsu gặp mười người phong cùi. Đôi khi số phận cướp mất sự tự do hành động của con người, buộc con người phải sống một kiểu sống rất giới hạn. Ai mắc bệnh phong là rơi vào tình trạng đó. Người ấy dứt khoát bị buộc phải loại ra khỏi gia đình và làng quê, và phải sống bên lề cộng đồng nhân loại. Người ấy chỉ được sống chung với những người cũng mắc chứng bệnh đó. Vì sợ bị lây nhiễm, xã hội bắt họ phải la to hoặc rung chuông mà báo cho biết là họ đang đến; họ sống nhờ xin bố thí, nhưng luôn phải ở cách những vùng dân cư; họ được vào một làng, nhưng không được vào một thành có tường lũy bao quanh. Như thế, vì chứng bệnh này, họ phải sống một kiếp sống thê thảm bên lề xã hội.
“Mười” có thể có nghĩa là “toàn vẹn”. Như thế, “mười người phong cùi” tượng trưng cho tình trạng tội lỗi, là biểu tượng của tội, của tình trạng bần khốn của con người, của tình trạng xa lìa Thiên Chúa và người thân cận. Đức Giêsu đã gặp mười người đúng với hoàn cảnh của họ: họ đứng đàng xa và kêu lớn tiếng xin Đức Giêsu giúp đỡ. Điều đáng ghi nhận ở đây là nhóm này gồm cả người Do Thái lẫn người Samari. Chắc hẳn là do bởi bệnh tật và sự bần khốn đã giúp xóa đi những tị hiềm giữa họ; hàn gắn những não trạng cũng như thái độ đối kháng vốn dĩ đã hằn sâu giữa người Do Thái và Samari (x. Lc 9,53; Ga 4,4-9).[7] Sự bất hạnh đã đưa họ lại với nhau và làm cho họ thành bạn bè. Mười người phong cùi này không tách riêng nhau ra mà xin giúp đỡ từng người một; họ đi cùng với nhau mà gặp Đức Giêsu. Lời cầu xin của họ là lời thỉnh cầu của cộng đoàn: “Lạy thầy Giêsu, xin rủ lòng thương chúng tôi!” (câu 13).
Trong trường hợp bà góa thành Nain (Lc 7,11-17)[8] và người phụ nữ còng lưng (Lc 13,10-17),[9] Đức Giêsu đã chủ động cất tiếng gọi, rồi đến gần và tỏ lòng thương xót cứu giúp các bà. Thế nhưng, trong trường hợp những người phong cùi này, Đức Giêsu lại để cho họ chủ động cất tiếng cầu khẩn Người. Hơn nữa, Đức Giêsu cũng chẳng đến gần họ, mà trái lại, còn bảo họ đi xa, như thể Người muốn tránh né họ. Người phái họ đến gặp các tư tế mà bề ngoài chưa hề làm gì để chữa họ cả. Theo quy định của Cựu Ước (Lv 13–14), các tư tế có thẩm quyền tuyên bố về các chứng bệnh này. Các vị phải xác nhận rằng, một người phong cùi đã thật sự khỏi bệnh. Chính nhờ phán quyết này, một người đã hết bệnh mới được phép tái nhập gia đình và xã hội. Mười người phong này cần được chữa lành đã, thì việc họ đi trình diện các tư tế mới có ý nghĩa. Vậy mà Đức Giêsu lại bảo họ cứ việc đi, vì Người đòi hỏi họ có lòng tin để hiểu rằng, việc ra đi do Người truyền lệnh có một ý nghĩa và đưa đến một cùng đích. Trong khi đi đường, họ đã được khỏi bệnh.
* Người Samari trở lại cám ơn Đức Giêsu (15-18)
Cho tới lúc này, mười người phong cùi vẫn được giới thiệu như một nhóm. Tất cả đều sống như nhau; tất cả đều sống trong một biến cố như nhau.thế nhưng, bây giờ lại có một người tách khỏi nhóm và quay lại với Đức Giêsu. Tại sao chỉ có một người trở lại bày tỏ lòng biết ơn? Tại sao Đức Giêsu than thở về chín người kia khi chính Người đã truyền họ đi và trình diện trước tiên với các tư tế? Phải chăng người Samari đã không vâng lời Người?
Có lẽ những người khác cũng sẽ trở lại cám ơn Đức Giêsu, nhưng lúc này họ vội vã đến gặp các tư tế bởi vì họ muốn được tuyên bố là sạch bệnh càng sớm càng tốt và thế là đã loại bỏ được số phận bi đát. Họ mong muốn được trở vào cộng đồng nhân loại càng sớm càng tốt, như là những thành viên có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ. Họ nhìn tới tương lai, chứ không nhìn lui về Đấng đã kéo họ thoát khỏi số phận bi thương. Chỉ có một người duy nhất đã “quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa”. Chỉ có người Samari này đã nhận ra được Đức Giêsu là ai và muốn nhìn nhận tư cách đặc biệt của Đức Giêsu như là trung gian của Thiên Chúa. Chín người kia làm các công việc theo cách quy ước và đi theo những cách hành đạo truyền thống, họ đã không nhận thấy là một trật tự mới đã được thiết lập. Điều này đã xảy ra cho dân Israel. Những kẻ lạc đạo, những người ngoại giáo là những người đầu tiên nhận ra rằng, Đức Giêsu là Đấng trung gian đưa ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho trần gian.
* Liên hệ giữa đức tin và cứu độ (19)
Người Samari này ca ngợi Thiên Chúa và cám ơn Đức Giêsu. Anh coi điều Đức Giêsu đã làm cho anh là một ân huệ của Thiên Chúa. Tất cả mười người đều đã được lành. Nhưng chỉ đối với anh Samari này, cuộc chữa lành không những là dịp khôi phục sức khỏe và đời sống chung với loài người, mà còn trở thành dịp gặp gỡ Thiên Chúa nơi chính Đức Giêsu. Chứng nan y đã đưa anh đến một sự tiếp xúc đầu tiên với Đức Giêsu, một cuộc gặp gỡ từ đàng xa. Sau khi được chữa lành, anh không chạy xa Đức Giêsu, nhưng đã trở lại với Người mà ca ngợi Thiên Chúa. Với lần thứ hai này, anh có thể gặp Người gần kề hơn, như Đấng đã tỏ lòng thương xót anh. Không những trong tư cách là người đã được chữa bệnh phong, mà còn trong tư cách là người có được ơn ban thường trực là kinh nghiệm này, Đức Giêsu chỉ cho anh lộ trình sau này. Tất cả giai thoại kết thúc bằng câu nói: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.
Đức Giêsu đã không nói: “Tôi cứu chữa anh”, nhưng lại nói: “Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”. Anh đã nhận biết hành động của Đức Giêsu là Đức Chúa, anh đã đón nhận, nay anh dâng trả lại cho Người. Những người khác nhận được sự chữa lành như là được trả một món nợ mà người khác mắc nợ họ; họ giữ ân huệ của Thiên Chúa lại cho mình. Chỉ có anh Samari này “quay trở lại”, “hoán cải” và nhận biết rằng, anh ta đã mắc một món nợ cần phải trả; món nợ đức tin. Vì thế, chỉ có anh này mới thật sự “được cứu”.
Bằng việc quay trở lại với Đức Giêsu, người Samari cho chúng ta thấy rằng, anh đã hiểu tại sao lúc đầu anh lại được sai đến với các tư tế. Anh phải nói cho họ biết tin này: “Thiên Chúa đã sai đến thế gian Đấng mà đã từng được các ngôn sứ loan báo, Đấng làm cho người mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ què được đi, người chết trỗi dậy và người cùi được lành” (x. Lc 7,22).[10] Anh làm chứng rằng, Thiên Chúa ở gần mọi người, kể cả người phong cùi. Từ nay sẽ không còn chia cách giữa người khỏe mạnh và người phong cùi, giữa người công chính và kẻ tội lỗi.
+ Kết luận
Đức Giêsu đã chiếu cố đến cả mười ngươi phong cùi, dù họ là người Do Thái hay người Samari. Tuy nhiên, cách thức Đức Giêsu chữa lành đòi hỏi sự cộng tác nghiêm túc của con người. Trước tiên, các bệnh nhân phải đi trình diện với các tư tế, y như thể họ đã lành: họ phải chứng tỏ đức tin bằng cách vâng lời Người mà đi đến với các vị lãnh đạo có quyền cho họ được tái tháp nhập vào trong cộng đồng. Sau đó, điều mà Đức Giêsu chờ đợi chứ không truyền lệnh: họ phải chứng tỏ đức tin vào Người bằng cách nói lên tâm tình biết ơn. Chỉ có một người bị coi là bội giáo, coi như kẻ ngoại, là người Samari, đã quay trở lại mà cám ơn, tức là nhìn nhận rằng điều tốt lành mình có được là do một Đấng khác. Chỉ khi thực hiện được cả hai điều này, vâng lời và cám ơn Thiên Chúa, người ta mới thực sự được lành mạnh trọn vẹn. Đức tin phát sinh từ việc nhận biết ân huệ Thiên Chúa ban và được diễn tả ra bằng một tiếng “cám ơn” không ngừng. Khi nhìn nhận người Samari đã được đức tin chữa lành, Đức Giêsu đã công nhận chỉ có anh này mới được chữa lành hoàn toàn.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Mười người phong cùi được lành bệnh đang khi họ đi đường với nhau. Tân Ước vẫn so sánh đời sống Kitô hữu như một hành trình dài, mệt nhọc. Sự lành mạnh thiêng liêng của chúng ta không xả ra tức khắc. Nếu chúng ta đã sống nhiều năm như một người “phong cùi”, chúng ta sẽ không được chữa lành đột ngột. Chúng ta phải đi với nhau, và trên đường đi, chúng ta sẽ nhận ra rằng tất cả chúng ta đã được chữa lành.
2. Nghĩ về thân phận người phong cùi, chúng ta phải đặt ra cho mình câu hỏi: Ai là những người đang sống một cuộc sống bên lề cộng đồng chúng ta? Họ đang phải sống kiểu sống nào? Hôm nay, có những dạng bệnh và tật mới, hoặc một sự sa cơ thất thế, cũng khiến người ta có thể bị đẩy ra bên lề xã hội. Phải chăng chúng ta coi đó là chuyện đương nhiên, dễ hiểu?
3. Thông thường khi nhận được một sự trợ giúp, người ta mau quên người đã giúp đỡ mình. Người ta say sưa với viễn tượng tương lai đang mở ra. Đối với Thiên Chúa, có khi ta còn đối xử tệ hơn. Bởi vì Người thường xuyên ban cho chúng ta qua nhiều ơn lành, chúng ta chẳng nghĩ rằng mọi điều ta có đều là do Thiên Chúa xót thương ban tặng. Chúng ta cứ lao tới trước, bỏ lại đàng sau chúng ta Đấng liên tục ban ơn để chúng ta có thể lao tới phía trước.
4. Khi chúng ta nhận được một điều tốt lành, chúng ta nên đặt ra cho mình câu hỏi: Điều gì đáng giá hơn đối với chúng ta, ân huệ hay là người ban ơn? Cần phải đặc biệt đặt ra câu hỏi này cho mọi ơn lành nhận được từ Thiên Chúa. Nếu chúng ta chỉ chú ý đến ân huệ (quà tặng), nghĩa là đến các của cải vật chất, đến sức khoẻ,.v.v… thì trái tim của chúng ta còn giới hạn, còn ích kỷ. Nếu đi từ quà tặng, chúng ta chú ý đến tình yêu và lòng nhân ái của ân nhân, thì kinh nghiệm về ân huệ trở thành gặp gỡ mới mẻ và riêng tư với người ban ơn. Ân ban có thể là một sự trợ giúp lớn lao. Nhưng điều làm cho chúng ta sung sướng hơn nữa là có thể nhận biết sự tốt lành của Đấng ban và có thể cám ơn Ngài về điều đó. Không phải là Thiên Chúa nhận được gì từ lời cám ơn của chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ nên nghèo nàn hơn nếu không cám ơn Ngài. Nếu chúng ta chỉ ích kỷ nhìn vào tặng phẩm, chúng ta đang mất khả năng nhìn thấy, trải nghiệm và nhận biết tình yêu của Đấng ban ơn.
5. Tạ ơn Thiên Chúa là dâng trả ân huệ về cho Ngài, là nhìn nhận Ngài là nguồn mạch tuôn trào ra ân huệ chúng ta đã lãnh nhận. Cám ơn là đi vào luồng tương giao tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa đến với chúng ta và trở lại với Ngài. Người vô ơn là người chặn đứng luồng tương giao này lại, không cho nó trở về với nguồn mạch, và sẽ làm cạn khô tương giao đang có. Công trình cứu độ của Đức Giêsu chỉ thực sự sinh hiệu quả nếu chính chúng ta cởi mở để cho mọi sự quay trở lại với Người.
[1] Bản Thánh Kinh của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh
[2] Lc 9,51; 13,22: 51 Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. 13 22 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy.
[3] Lc 18,35: 35 Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-khô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường.
[4]Đối-cách: accusative; thuộc-cách: genitive. x. Lc 4,30: 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
[5]Bauer, W., Griechisch-deutsches Wörterbuch zu den Schriften des Neuen Testaments und der frühchristlichen Literatur (ed. K. and B. Aland; Berlin/New York: de Gruyter6 1988), mục từ “dia”.
[6] Lv 13,49: 49 Nếu vết ấy xanh hay đỏ nhạt trên áo, trên da, trên áo dệt hoặc đan, hay trên bất cứ đồ vật gì bằng da, thì đó là vết phong hủi: phải đưa cho tư tế khám.
[7] x. Lc 9,53: 53 Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem.
Ga 4,4-9: 4 Do đó, Người phải băng qua Sa-ma-ri. 5 Vậy, Người đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. 6 Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa. 7 Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy: “Chị cho tôi xin chút nước uống!”. 8 Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. 9 Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?”. Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri.
[8] Lc 7,11-17: 11 Sau đó, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. 12 Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. 13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!”. 14 Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!”. 15 Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. 16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. 17 Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.
[9] Lc 13,10-17: 10 Ngày sa-bát kia, Đức Giê-su giảng dạy trong một hội đường. 11 Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. 12 Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!”. 13 Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa. 14 Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát!”. 15 Chúa đáp: “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước?. 16 Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao?”. 17 Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.
[10] x. Lc 7,22: 22 Người trả lời hai người ấy rằng: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng,…”.