Saturday, 28 December 2019 11:07

Lc 18,9-14: Thỏa Mãn Về Bản Thân Và Tin Tưởng Vào Thiên Chúa

Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Lc 18,9-14 [1]

9 Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: 10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con’. 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi’. 14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

***

1.- Ngữ cảnh

Tại điểm này của bài tường thuật cuộc hành trình (điểm cuối, theo Luca), tác giả Luca thêm vào một dụ ngôn khác liên hệ đến đề tài cầu nguyện, đó là dụ ngôn Người Pharises và người thu thuế (Lc 18,9-14). Có lẽ bản văn này được đặt đi theo Dụ ngôn Quan tòa bất chính vì hai bản văn giống nhau về đề tài “cầu nguyện”, chứ không vì được nói ra trong cùng một hoàn cảnh. Đoạn này làm thành một kết luận rất khớp với bài tường thuật cuộc hành trình của riêng Luca (Lc 9,51–18,14), vì kết thúc bằng đề tài quan trọng của Luca là cầu nguyện.[2]

2.- Bố cục

     Bản văn có thể chia thành ba phần:

          - 1) Mở (18,9);

          - 2) Dụ ngôn (18,10-13);

          - 3) Kết luận khuyến thiện (18,14).

3.- Vài điểm chú giải

- Một số người tự phụ là công chính mà khinh chê người khác (9): Dịch sát là “những người tin chắc về bản thân họ rằng họ là công chính và cư xử với phần còn lại (của loài người) với sự khinh bỉ”. Mặc dù tác giả không có ý nói đây là những người Pharises, những lời của Đức Giêsu ở Lc 16,14-15 vẫn gợi ý như thế.[3] Tuy nhiên, bản văn cũng nhắm đến một nhóm mở rộng hơn, theo như lời Ed 33,13,[4] nghĩa là đúng cho cả các môn đệ của Đức Giêsu.

- Lên Đền Thờ (10): Từ ngữ “Đền Thờ” nói đến hai điều.

+ Trước tiên, vì Jerusalem được xây dựng trên một quả núi với bốn đỉnh, vua Salomon, nhằm xây dựng một nơi để thờ phượng Đức Chúa, đã san bằng một đỉnh để làm một cái nền làm lễ đài, trên đó, ông quy tụ dân Israel lại để làm công việc thờ phượng. Ta có thể tưởng tượng lễ đài này có hình thang, chung quanh có tường, các bức tường chạy từ bắc xuống nam dài khoảng 450m. Trên cái nền này, có một số công trình xây dựng, để góp phần vào việc thờ phượng Thiên Chúa. Cái nền này được gọi là Đền Thờ.

+ Điều thứ hai, công trình xây dựng ở tại trung tâm trên nền này được làm giống như một cung điện. Cung điện này chạy từ tây sang đông, với một cửa ra vào ở phía trước, cửa này nằm ở cuối phía đông. Phía sau cung điện này tiếp giáp với bức tường phía tây của “Đền Thờ”. Cung điện này gốm có ba phòng hay vùng. Có hai cái sân quây chung quanh (ở về phía đông của tòa nhà), tại đây các phụ nữ và người nam Israel đứng để thờ phượng Thiên Chúa. Rồi có một phòng ở giữa gọi là Gian Thánh, tại đây có bàn dâng hương [5] và một chân nến luôn luôn cháy sáng. Chỉ có các tư tế mới được vào phòng này, còn những người nam Israel thì có thể vào hai hành lang dọc hai bên phòng này. Cuối cùng, có một phòng phía cực tây, Gian Cực Thánh, đã được bao đời coi là Nơi Cư Ngụ của Thiên Chúa, hoặc của Danh Ngài hoặc Vinh Quang Ngài, trên trái đất. Không ai được vào gian phòng này, ngoại trừ thầy thượng tế, mà cũng chỉ mỗi năm một lần. Cung điện này, với ba phòng, cũng được gọi là Đền Thờ. Phía trước Đền Thờ, và trên nền Đền Thờ, có một bàn thờ để dâng những lễ hy sinh và một bể chứa nước, và một hồ nước to.

- Cầu nguyện (10): Người ta có thể cầu nguyện tại Đền Thờ vào bất cứ lúc nào trong ngày, nhưng có hai khoảng thời gian được dành cho việc cầu nguyện chung: giờ thứ ba (tức khoảng 9g sáng; x. Cv 2,15)[6] và giờ thứ chín (tức khoảng 3g chiều; x. Cv 3,1).[7]

- Người Pharises (10):[8] Theo sử gia Joshep,[9] nhóm Pharises là một trong ba “triết học” của người Do Thái thời ông; đôi khi ông cũng gọi họ là “phái” (haireseis; Cv 15,5).[10] Tên Hy Lạp “Pharisaioi” rất có thể đã được phiên âm từ tiếng Aram “Perishayè”, “những người tách biệt”. Đây hẳn là một tên do những người khác dùng mà gọi nhóm này, có thể bởi vì nhóm này có một sự xa cách và tranh giao thiệp với những người Do Thái giữ Torah không nghiêm túc (x. Cv 26,5).[11] Họ giải thích Luật Moses rất chặt, nhấn mạnh không những trên việc tuân giữ luật Torah viết, mà cả trên Luật truyền khẩu, tức là truyền thống được gán cho Moses và các vị tiền nhân (x. Mc 7,3).[12] Họ coi việc hiểu biết Torah và những điều luật truyền và cấm như dấu chỉ và đảm bảo cho lòng đạo đức. Do đó họ tuân giữ chi li ngày Sabbath và các ngày lễ, những quy tắc về thanh tẩy, thuế thập phân, ăn chay. Họ tin vào sự sống lại của thân xác, tin có các thiên thần, có việc Đấng Messiah đến.

- Người thu thuế (10):[13] Tên gọi này dịch từ tiếng Hy Lạp “telónès” (do từ telos có nghĩa là “thuế”); Latin “publicanus”. Nền hành chánh Rôma quy định nhiều loại thuế: thuế thổ trạch, thuế động sản, thuế gián thu, đặc biệt đánh trên việc nhập cảng muối. Những “người thu thuế” thường được giao cho nhiệm vụ thu khoản thuế cuối cùng này. Vì thế họ thường có mặt tại các trạm quan thuế (Capharnaum: Mc 2,14; Jericho: Lc 19,2).[14] Vì do nghề nghiệp, họ phải tiếp xúc thường xuyên với mọi hạng người, kể cả người ngoại giáo, nên họ bị coi là những người ô uế. Quy định mức thuế là quyền của chính quyền, nhưng thường được áp dụng cách võ đoán, nên người thu thuế bị dân chúng khinh bỉ, và danh từ “người thu thuế” tương đương với “hạng tội lỗi” công khai (x. Mt 9,10-11; Mc 2,16; Lc 5,30; 7,34; 15,1; 19,2-7),[15] hạng ngoại đạo (x. Mt 18,17; 21,31),[16] và hạng trộm cướp (x. Lc 3,2t).[17] Một người Do Thái đạo đức tuân giữ lề luật thì chẳng có gì phải giao dịch với người thu thuế.

- Đứng thẳng (11): Chúng ta không biết ông này đứng ở đâu, nhưng dựa vào câu đối lập là câu 13, ta có thể suy ra là ông đứng trước Sân dành cho Israel bên trong khuôn viên Đền Thờ.

- Lạy Thiên Chúa, xin rủ lòng thương con là kẻ tội lỗi (13): Người thu thuế cầu nguyện trong tinh thần của Tv 51;[18] anh nói ra lời xin được thương xót và tha thứ, chứ không phải tạ ơn. Trong tình trạng bế tắc, anh đọc những câu đầu tiên của Tv 51 và chỉ thêm vào “là kẻ tội lỗi” theo nghĩa đối lập: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con” (câu 3) “là kẻ tội lỗi”, tức là “dù con là kẻ tội lỗi”. Nhưng cũng trong Thánh Vịnh này, có câu: “Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (câu 19). Đức Giêsu cho thấy Thiên Chúa giống như được Thánh Vịnh mô tả: Ngài chiếu cố đến người tội lỗi đang tuyệt vọng và Ngài không chiếu cố đến kẻ chỉ cậy dựa vào “sự công chính” của riêng mình.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Mở (9)

Hoàn cảnh đưa Đức Giêsu đến chỗ kể dụ ngôn này chính là: Người thấy “một số người tự phụ là công chính mà khinh chê người khác”. Như thế, chúng ta đã linh cảm thấy bài này có mục đích giúp người ta hiểu thế nào là cầu nguyện đúng đắn, đâu là sự đạo đức chân thật. Đức Giêsu giúp hiểu nhiều điều liên quan đến cách xử sự sai lạc và cách xử sự đúng đắn đối với Thiên Chúa, đối với người lân cận và đối với chính mình.

* Dụ ngôn (10-14a)

Bài dụ ngôn phác ra một cảnh tưởng tượng, nhưng đối với các thính giả của Đức Giêsu, cảnh này cũng rất thực. Ông Pharises, một người sống thánh thiện, hẳn là ở trong vùng đông hoặc vùng tây, nơi mà những người nam Israel có thể đứng cầu nguyện. Rất có thể ông Pharises này không ở trong một hành lang nào vây quanh. Lời cầu nguyện của ông quay hướng về Thiên Chúa trên trời, Ngài ngự dưới dạng huyền bí trong Gian Cực Thánh. Rất có thể Đức Giêsu muốn ta hiểu rằng người thu thuế cũng ở tại nơi mà các người nam cầu nguyện với nhau, trong một tư thế mà ông Pharises có thể thấy và bình luận về anh ta trong khi cầu nguyện. Không chắc là người thu thuế đứng gần ông Pharises. Rất có thể khi cầu nguyện, ông Pharises quy chiếu về một dung mạo có lẽ xa nơi ông vẫn cầu nguyện.

Trong lời cám ơn Thiên Chúa, người Pharises nêu ra cả một danh mục gồm những nhân đức, như một lý do để tự hào. Phần đầu với những yếu tố tiêu cực: Ông không giống như những người khác (trộm cắp, bất chính, ngoại tình), nhất là “tên thu thuế kia”. Phần hai với những yếu tố tích cực: Ông ăn chay và đóng góp quá mức được yêu cầu. Ông nói sự thật. Nhưng ông không cám ơn Thiên Chúa bởi vì Ngài đã gìn giữ ông khỏi điều dữ và đã làm cho ông có khả năng làm điều thiện. Ông xác tín rằng ông nên công chính do sức lực riêng, nên ông tin là Thiên Chúa ủng hộ ông. Như thế, ông đã diễn tả cho thấy ông hết sức bằng lòng về mình và Thiên Chúa cũng phải bằng lòng về ông.

Khởi điểm của người thu thuế rõ ràng là tiêu cực: anh đứng đàng xa, nhìn xuống, đấm ngực, và xin Thiên Chúa đoái thương anh là kẻ “tội lỗi”; anh không biện minh gì về những gì anh đã làm. Anh không đi vào chi tiết trong những tội lỗi của anh. Chúng ta biết một sự vi phạm thường xảy ra trong nghề thu thuế là lừa đảo người khác (x. Lc 3,12; 19,8).[19] Qua phong thái của anh và nhất là trong lời cầu nguyện, người thu thuế chứng tỏ anh nhận định đúng đắn về hoàn cảnh và tình trạng của mình. Anh là một kẻ tội lỗi, nhưng anh nhìn nhận như thế; anh biết mình không xứng đáng được tha thứ, bởi vì muốn được tha thì phải bỏ đời sống tội lỗi, nghĩa là bỏ nghề, và phải đền bù (số tiền đã lấy cộng thêm một phần năm); mà làm sao có thể biết những ai là nạn nhân của anh để đền bù. Do đó, tình trạng của anh là vô vọng. Tuy nhiên anh biết là Thiên Chúa có thể cứu anh khỏi tình cảnh vô vọng này, Ngài có thể tha thứ cho anh, nên anh cứ kêu cầu. Chính vì thế, anh lại tìm được tình trạng công chính trước mắt Thiên Chúa: anh ta được Thiên Chúa tha thứ. Trong khi đó, người Pharises nghĩ rằng tự mình đã đạt được sự công chính, vì ông vẫn tránh trộm cắp, ngoại tình, làm điều gian ác, và lại còn ăn chay và cúng dâng cho nhà Chúa. Nhưng Đức Giêsu cho biết: trước mắt người đương thời, ông này chẳng phải là “người thu thuế” hay kẻ “tội lỗi”, nhưng ông không tìm được tình trạng “công chính trước mắt Thiên Chúa”, vì ông tự mãn.

Bài dụ ngôn nhắc lại phản ứng của Đức Giêsu đối với hai kiểu đạo đức, nhưng cũng cho một ví dụ về cách Người khẳng định thái độ đối với người Pharises và người thu thuế trong xã hội Palestin đương thời (x. Lc 5,20-32; 7,36-50).[20]

* Kết luận khuyến thiện (14b)

Kết luận đã có ở Lc 18,14, cho thấy rõ rằng dụ ngôn không chỉ được ngỏ với những người đương thời Đức Giêsu, nhưng còn cho các môn đệ Đức Giêsu (các Kitô hữu) nói chung.

Bản văn cung cấp nhiều gợi ý phong phú do sự tương phản giữa hai nhân vật, hai thái độ ở trong Đền Thờ, và do những lời hai người thưa gửi với Thiên Chúa. Chúng ta chẳng bao giờ biết được người Pharises đã phạm tội gì hoặc người thu thuế đã đền bù được gì. Đức Giêsu đã để chuyện ấy lại cho phán xét của Thiên Chúa (hoặc cho trí tưởng tượng của độc giả). Người chỉ tuyên bố rằng một người thì được nên công chính dưới mắt Thiên Chúa, còn người kia thì không. Và độc giả hiểu được lý do: người ta không đạt được sự công chính do tự hào hoặc thậm chí do sinh hoạt theo kiểu tự tin vào bản thân hay làm việc thiện khi tuân giữ Luật Moses và các quy tắc Pharises, mà là do biết nhìn nhận bản thân dưới mắt Thiên Chúa.

+ Kết luận

Có những nhà chú giải cho rằng Đức Giêsu muốn ban một giáo huấn về việc cầu nguyện, hoặc về sự khiêm nhường, hay về việc cầu nguyện khiêm tốn. Trong thực tế, ta có thể theo ý kiến của đa số mà cho rằng Đức Giêsu ban một giáo huấn về hai kiểu sống nội tâm.

Cách thức chúng ta hành động và chịu đựng, hoàn cảnh trong đó chúng ta được đặt vào hoặc trong đó chúng ta rơi nào, có một tầm mức đáng kể trước mặt Thiên Chúa. Tuy nhiên, quan trọng hơn, đó là cách thức chúng ta nhìn và sống những điều ấy trước nhan Thiên Chúa. Đức Giêsu diễn tả minh bạch điều này qua lời cầu nguyện của người Pharises và người thu tuế. Cả hai trình diện trước nhan Thiên Chúa và đưa đến cho Ngài hoàn cảnh trong đó họ đang sống. Bản thân họ, các cách họ sống và các lời họ cầu nguyện khó mà có thể được giới thiệu trong thế mâu thuẫn sâu sắc hơn được nữa. Đức Giêsu tuyên bố dứt khoát về cách Thiên Chúa theo đó mà đánh giá lối sống của họ, và như thế, Ngài đã cho biết đâu là cách xử sự đúng đắn trước mặt Thiên Chúa.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Độc giả hiện đại có thể nghĩ rằng ít ra người Pharises cũng lương thiện với chính mình, vì tuy ông khoe khoang trước mặt Thiên Chúa, ông cũng đang cố gắng sống công chính, cố gắng giữ các điều răn, và thậm chí còn làm hơn thế nữa, trong khi người thu thuế dường như chẳng hề cố gắng gì hay cố gắng không bao nhiêu. Do đó, độc giả hôm nay khó mà tự đồng hóa với người thu thuế. Tuy nhiên, lý luận như thế là ép bản văn quá ý hướng của nó. Bản văn chỉ muốn nêu ra một khía cạnh là sự khoe khoang và kích thích độc giả suy nghĩ thêm; nhưng phần suy nghĩ thêm không được che mất điểm chính của sứ điệp.

2. Thật đáng khen khi ta biết tránh những điều xấu và làm những điều tốt. Cũng thật đáng khen khi biết cám ơn Thiên Chúa về những ân huệ Ngài ban. Chúng ta sẽ không bao giờ cám ơn Thiên Chúa cho đủ được. Do đó, cần coi chừng khuynh hướng pharisêu: coi những điều mình đã làm được như là những công trạng riêng, chứ không phải là những ơn Chúa; coi những việc đó như một điểm tựa cho phép mình được đánh giá mình cao hơn và từ đó, nhìn xuống kẻ khác với ánh mắt khinh bỉ. Những người Pharises hôm nay đang khẳng định: “Tôi không giết ai cả; tôi chẳng ăn cắp của gì của ai; tôi không hề ngoại tình. Tôi có gì phải trách mình đâu? Tôi có cần gì đến bí tích hòa giải? Mọi sự nơi tôi đều phải phép mà! Thiên Chúa cũng như người ta phải bằng lòng về tôi thôi, cũng như tôi vẫn đang bằng lòng về tôi đây này!”. Nhưng khi nói như thế, người này không thấy rằng Thiên Chúa không những cấm làm những điều tồi tệ như ngoại tình, giết người và trộm cắp, nhưng còn truyền người ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương nhau như chính mình. Như thế, ai còn có thể bằng lòng về mình?

3. Đứng trước lệnh truyền yêu thương, chúng ta phải thường xuyên suy nghĩ, nhìn nhận những thiếu sót của mình và bắt đầu lại không ngừng, với lòng tin tưởng vào sự trợ giúp của Thiên Chúa. Điểm khởi hành của người Pharises thì tốt. Nhưng chính những điều ông làm là tốt đã đẩy ông đến chỗ chắc chắn về mình khi đứng trước nhan Thiên Chúa, nên ông đã tỏ ra ngạo mạn đối với người thân cận; ông trở nên mù quáng và tự mãn, nên thành thiếu sót đối với những bổn phận lớn hơn.

4. Hôm nay chúng ta cũng có dịp xét lại cách thức chúng ta cầu nguyện. Chúng ta có thể tự hỏi về những thái độ chúng ta thường có khi cầu nguyện. Phải chăng đó là những thái độ hướng chiều về sự tự phụ, tự mãn, hoặc nghi kỵ đối với Thiên Chúa? Chúng ta có thẳng thắn và khiêm nhường trình bày hoàn cảnh của mình trước nhan Thiên Chúa chăng, hay là chúng ta không màng thưa chuyện với Ngài, lấy cớ là không nên quấy rầy Thiên Chúa?

5. Cuối cùng, một hệ luận có thể rút ra là: Ai đã làm được những điều đúng đắn, thì cũng đừng sao nhãng những bổn phận lớn hơn khi tỏ ra tự phụ, ngạo mạn khinh bạc hoặc đi theo sự mù quáng của mình. Còn ai thấy mình còn trĩu nặng tội lỗi, thì đừng coi thường hoặc thất vọng, nhưng cứ tin tưởng quay về với Thiên Chúa, vì Ngài không bao giờ từ chối tha thứ cho ai khiêm tốn xin Ngài ban cho.

6. Qua dụ ngôn trên, chúng ta thấy việc cầu nguyện không phải là một sinh hoạt phụ thuộc, bên lề cuộc sống của một con người, nhưng lời cầu nguyện của một người chịu ảnh hưởng của lối sống tổng quát của người ấy. Như thế, lời giáo huấn về cách cầu nguyện đúng đắn trở thành lời giáo huấn về cách cư xử đúng đắn.

 

 

 

 


[1] Bản Thánh Kinh Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2] Xem “Ngữ cảnh” của Lc 9,51-62: Tự giải thoát và tự ràng buộc

[3] Lc 16,14-15: 14 Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su. 15 Người bảo họ: “Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa”.

[4] Ed 33,13: 13 Giả như Ta nói với người công chính rằng chắc chắn nó sẽ sống, nhưng nếu nó lại ỷ vào sự công chính của mình mà làm điều bất công, thì chẳng việc công chính nào của nó còn được nhớ đến nữa; nhưng chính vì mọi điều bất công nó đã làm nên nó sẽ phải chết.

[5] x. Ông Zacharias gặp thiên thần Gabriel (Lc 1,5-25): 5 Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm A-vi-gia, tên là Da-ca-ri-a; vợ ông là Ê-li-sa-bét cũng thuộc dòng tộc tư tế A-ha-ron. 6 Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. 7 Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên. 8 Sau đây là chuyện xảy ra trong lúc ông đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa khi đến phiên của nhóm ông: 9 Trong cuộc bắt thăm thường lệ của hàng tư tế, ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong Đền Thờ của Đức Chúa. 10 Trong giờ dâng hương đó, toàn thể dân chúng cầu nguyện ở bên ngoài. 11 Bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. 12 Thấy vậy, ông Da-ca-ri-a bối rối, và nỗi sợ hãi ập xuống trên ông. 13 Nhưng sứ thần bảo ông: “Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an. 14 Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. 15 Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. 16 Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. 17 Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa”. 18 Ông Da-ca-ri-a thưa với sứ thần: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng đã lớn tuổi”. 19 Sứ thần đáp: “Tôi là Gáp-ri-en, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. 20 Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi”. 21 Dân chúng đợi ông Da-ca-ri-a, và lấy làm lạ sao ông ở lại trong cung thánh lâu như thế. 22 Lúc đi ra, ông không nói với họ được, và dân chúng biết là ông đã thấy một thị kiến trong cung thánh. Còn ông, ông chỉ làm hiệu cho họ và vẫn bị câm. 23 Khi thời gian phục vụ ở Đền Thờ đã mãn, ông trở về nhà. 24 Ít lâu sau, bà Ê-li-sa-bét vợ ông có thai, bà ẩn mình năm tháng. 25 Bà tự nhủ: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời”.

[6] x. Cv 2,15: 15 Không, những người này không say rượu như anh em nghĩ, vì bây giờ mới là giờ thứ ba.

[7] x. Cv 3,1: 1 Một hôm, ông Phê-rô và ông Gio-an lên Đền Thờ, vào buổi cầu nguyện giờ thứ chín.

[8] x. Lc 5,17: 17 Một hôm, khi Đức Giê-su giảng dạy, có mấy người Pha-ri-sêu và luật sĩ ngồi đó; họ từ khắp các làng mạc miền Ga-li-lê, Giu-đê và từ Giê-ru-sa-lem mà đến. Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật.

[9] Ant. 18.1,2 § 11.

[10] x. Ant. 13.5,9 § 171; Cv 15,5: 5 Có những người thuộc phái Pha-ri-sêu đã trở thành tín hữu, bấy giờ đứng ra nói rằng: “Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Mô-sê”.

[11] x. Cv 26,5: 5 Từ lâu họ đã biết, và nếu muốn, họ có thể làm chứng rằng tôi đã sống theo phái nghiêm nhặt nhất trong tôn giáo chúng tôi, tức là phái Pha-ri-sêu.

[12] x. Mc 7,3: 3 Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận.

[13] x. Lc 3,12: 12 Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?”.

[14] Mc 2,14: 14 Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.

Lc 19,2: 2 Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có.

[15] x. Mt 9,10-11: 10 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. 11 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?”.

Mc 2,16: 16 Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!”.

Lc 5,30; 7,34; 15,1; 19,2-7: 30 Những người Pha-ri-sêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giê-su rằng: “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”. 7 34 Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’. 15 1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 19 2 Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. 3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. 4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. 5 Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” 6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. 7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”.

[16] x. Mt 18,17; 21,31: 17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế. 21 31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất”. Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”.

[17] x. Lc 3,2tt: 2 Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa.

[18] Tv 51: 1 Phần nhạc trưởng. Thánh vịnh. Của vua Đa-vít. 2 Ngôn sứ Na-than đến gặp vua vì vua đã đến với bà Bát Se-va. 3 Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. 4 Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. 5 Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. 6 Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài. Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử. 7 Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai. 8 Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật, dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan. 9 Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền; xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết. 10 Xin cho con được nghe tiếng reo mừng hoan hỷ, để xương cốt bị Ngài nghiền nát được nhảy múa tưng bừng. 11 Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm. 12 Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. 13 Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài. 14 Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con; 15 đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi, ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài. 16 Lạy Thiên Chúa con thờ là Thiên Chúa cứu độ, xin tha chết cho con, con sẽ tung hô Ngài công chính. 17 Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài. 18 Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. 19 Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê. 20 Xin rộng lòng tuôn đổ hồng phúc xuống Xi-on, thành luỹ Giê-ru-sa-lem, xin Ngài xây dựng lại. 21 Bấy giờ Ngài vui nhận tế phẩm luật truyền, lễ vật toàn thiêu, lễ vật hiến tế. Bấy giờ thiên hạ giết bò tơ dâng trên bàn thờ Chúa.

[19] x. Lc 3,12; 19,8: 12 Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?”. 19 8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”.

[20] x. Lc 5,20-32; 7,36-50: 20 Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: “Này anh, anh đã được tha tội rồi”. 21 Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu suy nghĩ: “Ông này là ai mà nói phạm thượng như thế? Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” 22 Nhưng Đức Giê-su thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: “Các ông đang nghĩ gì trong bụng vậy? 23 Trong hai điều: một là bảo: ‘ Anh đã được tha tội rồi ‘, hai là bảo: ‘ Đứng dậy mà đi ‘, điều nào dễ hơn? 24 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội -Đức Giê-su bảo người bại liệt-: tôi truyền cho anh: Hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà!” 25 Ngay lúc ấy, người bại liệt trỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa. 26 Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau: “Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ!”. 27 Sau đó, Đức Giê-su đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” 28 Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người. 29 Ông Lê-vi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài. 30 Những người Pha-ri-sêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giê-su rằng: “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”. 31 Đức Giê-su đáp lại họ rằng: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 32 Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”. 7 36 Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. 37 Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. 38 Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên. 39 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” 40 Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: “Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông!” Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói”. 41 Đức Giê-su nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. 42 Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?” 43 Ông Si-môn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn”. Đức Giê-su bảo: “Ông xét đúng lắm”. 44 Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. 45 Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. 46 Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. 47 Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít”. 48 Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi”. 49 Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” 50 Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”.