Ngũ Thư

Wednesday, 05 June 2019 03:33

Nguyên Tội: Theo Trình Thuật Về Vườn Ê-Đen (St 2:4b - 3:24) Featured

NGUYÊN TỘI THEO TRÌNH THUẬT VỀ VƯỜN Ê-ĐEN

(St 2:4b — 3:24) [1]

Tác giả: Robyn Horner

Chuyển ngữ: Nguyễn Văn Lộc và Nguyễn Thế Minh

***

***

I. ĐỊNH HƯỚNG MẤU CHỐT CỦA VẤN ĐỀ

Trình thuật Giavít về nguồn gốc loài người với biến cố nguyên tội – St 2:4a–3:24 – hẳn là phần viết thuộc văn bộ Kinh Thánh. Tuy nhiên, qua quá trình truyền lưu giữa các thế hệ dân gian, phần viết này đã rốt cuộc đi đến chỗ làm phát sinh một trình thuật thứ hai, song song. Chính trình thuật thứ hai này, chứ không phải là phần viết Giavít của Kinh Thánh, mới là đoạn văn đã ăn sâu vào trong tâm thức các tín hữu kitô. Muốn giải thích phần viết Giavít nói trên, việc phải làm trước tiên là xác tính quãng độ cách biệt giữa hai “bản viết”; bởi có thế thì mới xác định được vị trí cùng hướng đi trong bước đường tìm hiểu.

1. Trình thuật Ê-đen trong tâm thức tín hữu Kitô

a. Hai ý kiến

J. Loew:[2] “Chương đầu trong sách Sáng Thế (tác giả muốn nói về 3 chương đầu) – thường được dùng làm phần mở đầu cho nội dung của rất nhiều cuốn giáo lý – đã vô tình trở thành một thảm họa cho con em chúng ta. Hình tượng trình họa con rắn cuốn mình quanh một thân cây và bà Evà thân mình trần trụi được chính mái tóc dài của mình kín đáo phủ che, còn bên cạnh, có ông Ađam, râu ria xồm xoàm, thò đầu nhìn ra từ một bụi rậm, đã từng làm cho bao nhiêu thế hệ, cả trẻ con lẫn người lớn, nghĩ ngay đến một thứ tôn giáo huyền thoại.” Đấy, huyền thoại và thảm họa là thế.

Cha Michonneau: “Tôi còn nhớ đã nghe cha Michonneau nói rằng sự kiện đức tin bị đánh mất đi ở trong môi trường công nhân phát xuất từ cảm thức cứ lan dần về sự đối đầu, thiếu tương thích giữa Kinh Thánh và khoa học nhiều hơn là từ việc trách Giáo Hội đã không quan tâm đủ đến thế giới người nghèo.”[3] Vấn đề vẫn là một: Kitô giáo bị coi là không khoa học, nếu không nói là phản khoa học.

Nhưng, ngoài vấn đề chân lý, còn có một vấn đề khác mà khoa chú giải quan tâm hàng đầu: tìm xem bản văn muốn nói gì? Đó là vấn đề chủ yếu đối việc trình bày giáo lý và thuyết giảng: điều bản văn muốn nói có được truyền đạt chính xác hay không? Nếu điều bản văn muốn nói được giảng dạy cho đúng, thì có lẽ nhiều vấn nạn sẽ tự chúng tiêu tan đi: nhiều chứ không phải là hết mọi vấn nạn. Có thể kiểm định điều đó bằng cách nhìn thoáng lại tác dụng mà việc dạy giáo lý dựa vào cách hiểu trình thuật về vườn Êđen theo kiểu vẫn thường thấy, để lại trong tâm trí các tín hữu, rồi đem đối chiếu với cách hiểu theo nghĩa có thể nói là ‘chính thực,’ tức với những gì xem ra trình thuật thực sự muốn nói.

b. Thử chẩn đoán ảnh hưởng do việc cắt nghĩa văn bản như thường thấy, để lại trong tâm lý các tín hữu

Bản văn muốn nói gì?

(1) Con người đã từng ở trong vườn Địa Đàng. Hạnh phúc đã rơi vào dĩ vãng, sau một thời vàng son.

(2) Trong vườn này, đã một thời, không thiếu sự gì; không phải làm lụng.

(3) Thiên Chúa đã truyền lệnh, đại loại như thế này: “Cấm không được nhấn nút F1.” Một lệnh cấm không thấy có gì biện minh cho được cả, không có lý do nội tại: tại sao lại cấm làm điều ấy? Khi nói rằng tội của tổ tiên loài người chủ yếu là ở chỗ bất tuân , thì phải chăng là đã đi sâu vào lối suy nghĩ không có lý do như thế? Nếu đó là xấu, chủ yếu bởi vì đó là điều cấm, thì tính cách xấu-tự-tại (tự bản chất) sẽ không có. Điều mà tổ tiên loài người phạm có phải là một điều xấu tự bản chất hay không? Hay đó chỉ liên quan tới một thái độ tôn giáo: tức là lẽ ra các ngài phải phó thác vào tay Thiên Chúa bởi vì Ngài là Chủ Tể và vì lời Ngài chính là ơn cứu độ. Nhưng, đó có phải là ý nghĩa mà trước tiên bản văn muốn nói lên hay không?

Khi trình bày về nguyên tội, cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo cũng đã nhấn mạnh đến thái độ bất tuân: “Bị ma quỷ cám dỗ, con người đã đánh mất lòng tín thác vào Đấng Sáng Tạo, và lạm dụng tự do của mình, con người đã bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa. Đó là tội đầu tiên của con người. Từ đó, mọi tội lỗi đều là do bất tuân Thiên Chúa và thiếu tín thác vào lòng nhân hậu của Người.”[4] Dù có tổng hợp và bàn đến nhiều khía cạnh khác nhau của nguyên tội, thì cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, biên soạn cho Giáo Dân Việt Nam , cũng xoay quanh thái độ bất tuân : “Được dựng nên thánh thiện để sống hòa hợp với Thiên Chúa và với vạn vật, con người đã lạm dụng tự do để làm theo ý mình mà không theo ý Chúa, muốn coi mình hơn Thiên Chúa mà mất tin tưởng và không vâng phục Người. Đó là tội đầu tiên con người phạm.”[5]

(4) Tính cách võ đoán của điều cấm chỉ đã trở thành thô thiển đến mức lố lăng qua việc nghĩ ra cách dùng trái táo để lấp đầy chỗ trống của điểm tối nghĩa trong bản văn. Thực ra, ngày nay, không còn đọc thấy cách kiểu giải thích này trong các sách giáo lý. Nhưng, làm sao bứng nó ra cho khỏi tâm thức tín hữu kitô được đây!

(5) Tội lỗi này là do một người khác đã phạm. Từ đó sinh ra một thứ cảm thức vong thân: chịu cảnh bất hạnh do lỗi phạm của một người khác, phải mang lấy một thứ số phận “đã rồi,” không phải tự mình quyết định.

(6) Hình phạt bao gồm mọi thứ bất hạnh trong đời người, kể cả lao động bắt buộc, và cuối cùng chờ sẵn là cảnh bất hạnh khôn tả và đời đời, tức là hỏa ngục. Cảm nhận mà cách miêu tả vội vã như thế về trình thuật Vườn Êđen, thường để lại trong tâm thức các tín hữu kitô, là ấn tượng rất mơ hồ về bản chất thật của tội lỗi, nhưng lại rất sâu đậm về tính chất kinh hồn của hình phạt.

2. Đường hướng cải thiện

Có thể kết thúc phần điểm duyệt các cách hiểu trình thuật về vườn Êđen với một hình ảnh biếm họa; nhưng khổ nỗi, tiềm thức của trẻ con, và tiềm thức nói chung của con người lại hoạt động với những hình ảnh biếm họa: vì lỗi phạm phi lý của một người khác, mà nay tôi bị tước đi cái phúc được có mọi sự mà chẳng phải làm lụng cực nhọc gì cả, để cuối cùng còn phải gánh chịu những bất hạnh tệ hại nhất. May thay: người học giáo lý còn có trong tay những lối thoát khác, mà chính yếu là lương tri và ánh sáng của Thánh Linh; tuy nhiên, cũng không phải là quá đáng khi – cùng với Loew – coi lối trình bày trên kia là một đại họa.

Sau đây, xin được đề phác một số phương thức nhằm cải thiện cách quan niệm và trình bày về vườn Êđen như thấy trên kia:

Thứ nhất: Trong văn chương Kinh Thánh – xét như một tổng thể – chủ đề ‘kỷ nguyên vàng son ban đầu, và hạnh phúc đánh mất’ làm như không có được một chỗ đứng, hầu như không có gì cần phải bàn đến. Thiên Đàng, chính là Đất Hứa, là công cuộc tạo dựng mới, và trong một số bản văn, có lẽ đó chính là nơi con người đang sống. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, trong bản văn đang nghiên cứu đây, có tiềm ẩn chủ đề về kỷ nguyên vàng son bị đánh mất, dưới dạng trình bày tuổi thọ – thật là cao – theo đà giảm dần. Tuy vậy, chủ đề cũng chỉ được trình bày một cách đơn giản không ngờ: nam nữ kết hợp với nhau không chút thẹn thùng, quyền được ăn mọi thứ cây trái, sinh nở không đau đớn, quyền làm chủ trên loài vật. Những việc kể lại không phải là ít, nhưng xem ra không hứng thú bao nhiêu trong việc trình thuật. Ngoài ra, còn cần tìm xem có phải cả đoạn trình thuật về vườn Địa Đàng cũng chỉ là một chặng trên con đường hướng tới Lời Hứa hay không.

Thứ hai: Trái với ảo tưởng thường có, nếu con người đã được đặt vào trong vườn Êđen thì chính là “để canh tác và gìn giữ thửa vườn” (St 2:15). Như thế, trước thời phạm tội, con người đã được trao cho một công việc và một sứ mạng. Và nếu phải gìn giữ khu vườn, thì phải gìn giữ cho khỏi điều gì? Phải chăng đã có một sự đe dọa? Các từ dùng trong đoạn văn gợi cho thấy bước khởi đầu của một hành trình, của một cuộc mạo hiểm.

Hiểu như thế, thì vườn Êđen vẫn là khu vườn của thử thách, cám dỗ . Nếu ngay khi vừa mới lọt lòng bàn tay Thiên Chúa, con người đã làm “mồi” cho cám dỗ, đã là đối tượng của thử thách, thì hẳn là không sao có được hình ảnh về một tình trạng hạnh phúc đã toàn hảo.

Thứ ba: Bản chất của tội: không thể là chuyện đơn giản , bởi chỉ thấy được qua mưu chước của con rắn. Và như thế, mưu chước này đóng vai nguyên do thúc đẩy: tìm thấy nó thì sẽ hiểu được bản chất của tội phạm đầu tiên: “Con rắn, người đàn bà thưa với Chúa, đã lừa bịp con, nên con đã ăn”(St 3:13). Nếu một lệnh truyền võ đoán đã gây khó khăn, như trình bày trên kia, thì thái độ bất tuân cũng cần phải được giải thích: tại sao lại không tuân phục? Truyền thống giáo phụ nhấn mạnh đến sự việc bà Evà đã tin con rắn. Đó là một hành vi khác với thái độ bất tuân và có trước thái độ này. Con rắn đã lên tiếng: nó nói gì?

Thứ tư: Thay vì trái táo, đó là “một thứ cây ăn thì ngon miệng, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho được tinh khôn” (St 3:6). Câu nói gợi lên một ý niệm không phải là ngây ngô cho lắm, và sau này sẽ gặp lại ở trong 1Ga 2:16: “dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt, và kiêu căng về cuộc sống.”

Thứ năm: Tội đã do một người khác phạm. Đó chính là điều ông Ađam nghĩ, vì thế ông buộc tội bà Evà: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, chính nàng...” (St 3:12). Còn bà Evà thì buộc tội con rắn. Còn chúng ta thì buộc tội ông Ađam. Thế là đi đủ trọn vòng. Phải chăng đó chính là điều tác giả đoạn trình thuật muốn nói lên? Phải chăng ở đây, mạc khải mang lại cho một sức năng giải phóng đích thực (chứ không phải là chuyện thần thoại), và một thái trạng nhẹ nhõm trước mối âu lo đối với tội lỗi, bằng cách cho thấy nguồn gốc tội lỗi không nằm ở nơi tội nhân?

Thực ra, trình thuật về Êđen đã làm giảm nhẹ đi cảm nghĩ cho rằng “một người khác (Ađam hay Evà) đã gây ra chuyện,” qua việc liên tục dùng cách xưng hô “người nam” và “người nữ” thay vì “Ađam” hoặc “Evà”[6]

Thứ sáu: Văn phong của trình thuật về Êđen hoàn toàn khác với văn phong các ngôn sứ dùng để loan báo các tai họa trong vũ trụ, như: chiến tranh loạn lạc, mất mùa, ôn dịch, trời đất tối tăm, tinh tú rung chuyển hỗn độn. Trình thuật không có vẻ gì là thê thảm. Dĩ nhiên, bản văn có nói đến những sự việc nghiêm trọng. Nhưng, hậu quả duy nhất của tội được bản văn mô tả lại là những gì nằm trong sinh hoạt thường ngày: công việc đồng áng xoay vần bất tận trên một mảnh đất bao giờ cũng có vấn đề, những khổ đau do dục vọng và việc sinh nở, xa cách thiên đàng và xa cách Thiên Chúa. Con người và Thiên Chúa cũng không trở thành thù địch. Dù nội dung trình thuật có bi đát, thì văn phong cũng không phải là thế.

Có thể đối chiếu với cách đọc trình thuật vườn Êđen mà không chú ý đủ hay không có được hiểu biết cho chính xác như thế với cách đọc của sách Khôn Ngoan. Sách này cũng muốn nhìn lại lịch sử loài người bắt đầu từ buổi ban sơ, và để làm vậy thì cũng đã dựa vào bản văn St 2–3: “Chính Khôn Ngoan đã giữ gìn tổ phụ của thế giới (Ađam), đó là người được hình thành đầu tiên, và lúc được tạo dựng, mới chỉ có một mình. Rồi khi ông sa ngã, cũng chính Khôn Ngoan đã giải cứu ông, ban cho ông sức mạnh mà thống trị muôn vật muôn loài” (Kn 10:1-2). Có thể so sánh cách đọc này của sách Khôn Ngoan với những cách đọc khác. Nhưng, thử hỏi cách đọc theo tâm thức Do Thái như thế có phán ảnh được sứ điệp mà trình thuật Êđen muốn nói lên không?

Không nằm trong dàn bài của những gì sẽ được khai triển tiếp sau đây, sáu điểm đề ra trên kia, chỉ nhằm mục đích giúp cho giữ được thái độ tỉnh táo trước sứ điệp trình thuật St muốn truyền đạt. Nhưng trước khi trực tiếp tìm hiểu sứ điệp của bản văn, thì trong hai chương kế tiếp, thiết nghĩ cần phải bàn đến một số điều tiên quyết liên quan tới văn loại và hậu cảnh huyền thoại nằm ở đằng sau bản văn; làm vậy là để tránh phải cứ nhắc đi nhắc lại những gì đã bàn đến rồi.

II. VĂN LOẠI

Ở đây đã cố ý không bàn tới vấn đề xác thực tính của bản văn, dù đó hẳn là một điểm trở ngại lớn. Tuy nhiên, cũng có thể đặt nguyên tắc như thế này là tiên quyết cần phải tìm cho ra những gì bản văn muốn nói trước khi tìm cho biết bản văn nói đúng, xác thực, hay không. Ấy là khuôn vàng thước ngọc. Đó chỉ là lối tiến hành theo kiểu gián tiếp; câu hỏi vẫn còn đó: có đúng thật hay không? Để trả lời câu hỏi này thì không phải là trực tiếp tìm cho hiểu bản văn nói gì, nhưng tìm cho biết bản văn đó là gì . Câu hỏi “là gì thế” thuộc lãnh vực văn loại hay là hình thức của bản văn. Câu trả lời sẽ hướng tầm nhìn về phía thực chất của những gì được nói lên. Một câu nói có thể mang ý nghĩa khác nhau tùy ở chỗ đã được nói lên trong bối cảnh hoặc môi trường nào: trên một tờ báo trào phúng, trong một cuốn sách triết học hay trong một tập thơ. Đối với những gì nói lên trong một nền văn minh văn hóa phần lớn đã biến mất – như  trường hợp của Kinh Thánh – thì không bao giờ có một sự ứng biến thích nghi (accommodation ) tự động được cả. Mà nếu không có được thì đừng mong có thể lượng định cho đúng mức xác thực tính hoặc dạng loại xác thực tính của một bản văn. Nhưng khổ nỗi: câu trả lời đơn giản thì chẳng bao giờ có.

Có thể dùng khái niệm ‘văn loại’ làm câu giải đáp cho hết mọi khó khăn; nhưng lại là chuyện rất khó việc định nghĩa một văn loại theo đặc thù tính của nó: không tìm đâu thấy một hiểu biết tiên thiên về các văn loại dùng trong Kinh Thánh. Hơn nữa, không phải bao giờ cũng có thể sắp ngay một bản văn vào một hộc “văn loại” nhất định nào đó, bởi nó có thể cùng lúc thuộc nhiều văn loại khác nhau. Đối với các chương St 2–3, thì trước tiên cần phải bắt đầu với việc thiết đặt một bậc thang các mức biểu đạt (niveaux d’ex­­pression ) để dựa vào đó mà xác định vị trí của bản văn. Với một vài thay đổi để thích nghi, phương pháp ấy phù hợp với toàn bộ tư liệu trong Ngũ Thư.

Có thể nói bản văn không phải là một truyện dụ ngôn (như của La Fon­taine chẳng hạn), mà cũng chẳng phải là một thiên ký sự ghi lại những ngày ban sơ của loài người. Cần coi bản văn St như là một tập sách có những nét tương đồng với tất cả các điểm trong bậc thang hay khung khổ (nói trên), trải rộng từ huyền thoại cho đến lịch sử chính xác, băng qua nhiều mức biểu đạt khác nhau, và đã tìm được tâm điểm cùng tính nhất quán của mình nơi một mức biểu đạt duy nhất. Cần phải đặt vấn đề theo cách thức đó. Vậy, thử xem qua một vài mức biểu đạt của bậc thang. Nên lưu ý đến cách thức bản văn được cấu kết chặt chẽ quanh một dạng biểu đạt gọi là dạng khôn ngoan (minh triết).

1. Các mức biểu đạt: huyền thoại?

a). Trong lịch sử văn học, huyền thoại (mythe ) được hiểu như là một hạn mức không bao giờ gặp thấy trong thực tế. Do đó, một huyền thoại ở dạng thuần túy (nếu thực sự có những huyền thoại như thế), thì không mang dấu vết của thời đại hay của hoạt động sáng tạo cá nhân. Hành động viết ra kéo theo hậu quả tương phản về hai mặt: ghi lại kết quả của suy tưởng và đưa ra lối biểu đạt cá nhân. Chữ viết thì không bảo thủ cho bằng lời nói: bởi quá khứ đã được ghi lại bằng chữ viết, thì có thể dựa vào đó mà sáng tạo thêm. Và như thế, được viết ra thì huyền thoại sẽ mang dấu vết của một cố gắng giải thích, hướng các dữ liệu nhận được về một phía. Tính chất “phi thời gian” (achronique ) đặc thù của huyền thoại sẽ tiêu tán mất với việc ghi lại bằng chữ viết.

Dĩ nhiên là có những dữ liệu huyền thoại đọc thấy trong trình thuật về Êđen: bốn con sông có cùng một nguồn, việc tạo dựng bà Evà từ một xương cạnh sườn, cây kỳ lạ, con rắn biết nói, cửa địa đàng do các thiên thần kêrubim canh giữ, v.v... Tiếp nhận các dữ liệu kia không chút thắc mắc, các thế hệ lịch sử cũng tỏ ra là đã thấu đạt được những gì sâu sắc nhất, vĩnh cửu nhất trong nội dung của trình thuật. Thảm họa xảy đến từ sự kiện này: khi mà các dữ liệu huyền thoại không còn được đón nhận êm xuôi nữa, thì lúc đó “công chúng” không còn khả năng để hiểu được cả những gì còn lại, dù đó là điều hiển nhiên đến mấy đi nữa: quả mù quáng đã che khuất. Cả dữ liệu huyền thoại cũng bị thoái biến (quả táo). Đó là giai đoạn vừa mới thoát khỏi. Tiếp đó là chủ hướng tách rời: khi có được một chân lý tuyệt đẹp rồi thì có ngây thơ, có khó tin đến mấy cũng không sao, nó vẫn được chấp nhận. Dẫu vậy, chắc hẳn trí tuệ sẽ đòi hỏi nhiều hơn: nếu một vài yếu tố cho thấy là không thể hòa nhập được, thì một cách nào đó toàn bộ sẽ bị thay đổi. Như thế có nghĩa là nhất quyết trí tuệ muốn biết làm sao người ta đã có thể cùng lúc nói lên những gì muôn đời xác thực, với những gì không thể chấp nhận được. Để giải quyết thì trí tuệ đề ra cả một loạt câu trả lời không tới đâu. Để tìm cho ra những gì tác giả đã muốn nói, thì chủ yếu cần phải nắm cho được điểm xuất phát từ đó tác giả đã đi đến chỗ khẳng quyết cả điều không tưởng nổi lẫn chân lý vĩnh cửu. Nói khác đi: đâu là chức năng thực sự dữ liệu huyền thoại đóng giữ trong sáng tác văn học của tác giả? Có thể đưa ra nhiều câu trả lời; thử thoáng nhìn qua:

b). Trình thuật kia là một câu chuyện ngụ ngôn) [fable ] hay là một dụ ngôn [parabole ] kể lại chẳng hạn, kinh nghiệm về tội lỗi của một cặp mẫu trong loài người? Mà truyện ngụ ngôn cũng như dụ ngôn, được định nghĩa với việc dùng câu chuyện theo kiểu hoàn toàn giả tưởng : cả tác giả lẫn độc giả không ai nhầm lẫn để không hiểu đó chỉ là một thứ quy ước trong thuật ký sự. Nhưng, tuyệt nhiên đó không phải là trường hợp ở đây. Chủ ý của tác giả là muốn hiểu và làm cho hiểu về một “hồi” (giai đoạn) nhất định của lịch sử, “hồi” khởi đầu. Tác giả lên tiếng về một giai đoạn, và câu chuyện thu gọn ở trong đó và chỉ muốn dừng lại ở đó.

c). Có thể nhận rằng trình thuật gồm chứa những biểu tượng. Chẳng những không được coi chúng như là cặn bã của bản văn, mà ngược lại, còn phải coi là đáng giá việc giữ chúng lại để rồi làm cho nổi bật sức năng biểu đạt thi vị của chúng. Còn hơn nữa: quan trọng là những gì tác giả muốn nói lên; nội dung đó có thể tìm thấy được khi biết để qua một bên những gì tác giả nói (hình thức tác giả dùng để biểu đạt)! Rồi sẽ nhận ra rõ sự khác biệt giữa một phúng dụ (allégorie ) và một biểu tượng (symbole ). Phúng dụ chỉ là một loại đại số võ đoán trong cách dùng các biểu hiệu. Trái lại, cách tiến hành của biểu tượng thì khác: khi cần diễn đạt, biểu tượng biết chọn một sự vật tự bản chất có sức biểu hiện, tức là có quan hệ thực sự với chân lý muốn nói lên. Trong dạng ngôn ngữ này, bên phía người nói, có thái độ gắn bó thật với chân lý qua biểu tượng, còn bên phía người nghe hoặc đọc, thì có thái độ tham dự. Cả hai đều nhận rằng khu vườn nguyên sơ là cách diễn đạt chỉ về một thực tại không thể nghi ngờ, không thể bỏ qua: hồi khởi thủy nhân loại. Giữa hình thức trình bày và sự việc, thì bao giờ cũng có chỗ cho những ý kiến phê bình, nhận định hầu như bất tận, nhưng chính những ý kiến đó sẽ làm cho hình thức trình bày mãi mãi có được lý do tồn tại và hữu hiệu. Tân Ước chính là trường hợp điển hình của việc giữ lại, của thái độ tham dự và phê bình vừa nói: có nhận các biểu tượng trong Cựu Ước, coi đó là một hình thức hiện diện của Đức Kitô, thì Tân Ước cũng vẫn phê bình, bởi vì chúng không nói lên hết được những gì chúng muốn biểu đạt.

Tuy nhiên, bởi coi sự hiện diện được nói lên như thế kia không phải chỉ đơn thuần nằm trong phạm vị ý tưởng hay giả tưởng, mà quả là hiện thực, nên Tân Ước đã giữ chúng lại. Như thế, trước tiên cần phải hiểu là người viết bản văn coi cây sự sống như là có thật, và sau đó, nhờ những hiểu biết của khoa chú giải, thì mới tiến đến chỗ nhận ra rằng cái tác giả thấy mà không xác định rõ được, chính là sự sống của Thiên Chúa ban trong Đức Kitô, ngay từ đầu. (Phải nói ngay: chưa chứng giải mà đã xác quyết như thế là nhảy vọt, là đốt giai đoạn; nhưng ở đây xin được dựa trên những bước khai triển liên quan đến vấn đề, đã được thực hiện qua một công trình tầm cứu khác).

d). Điều đó đặt nỗ lực tầm cứu trước vấn đề sử dụng các chủ đề huyền thoại. Hẳn là cần phân biệt ngay nội dung với hình thức; “về nội dung , chỉ có được những trùng hợp rất mơ hồ,”[7] nhưng, “đối với hình thức trau chuốt của trình thuật, thì không phải là như thế”;[8] “như vậy, liên hệ thể loại với các bản ký thuật ngoài Kinh Thánh thì rất lỏng lẻo, xa cách, và chỉ thu hẹp cả vào ở chỗ giống nhau về ngoại diện.”[9] Để nói theo kiểu Th. Obbink, được E. Co­­thenet[10] tán đồng: “Nếu thấy có những điểm giống nhau thì chính là vì đã dùng đến một lối quy ước thiếu suy nghĩ; còn những điểm khác nhau thì nhờ biết suy nghĩ và phân định chín chắn mới nhận ra.”[11] “Quy ước” là một từ rất thích hợp, bởi ngôn ngữ là một khế ước, nhưng vẫn không ngừng ở trong tình trạng xét lại, và dĩ nhiên là trong giới hạn chính khế ước cho phép. Dù vậy, có được cùng lúc giữ thái độ gắn bó đối với những gì mới mẻ tác giả nói, nhưng lại giữ thái độ thờ ơ đối với những gì tác giả nói mà cũ xưa, hay không? Đành rằng hai loại trình tả không có giá trị giống nhau, nhưng nếu đã có khế ước thì cả hai loại đều có giá trị. St 2–3 là một bản văn mang sắc thái chủ yếu minh triết (khôn ngoan). Vì thế, cần phải trước hết, định nghĩa về văn loại minh triết, rồi tiếp đến là kiểm tra xem luận đề mà tác giả thiên khảo luận này bảo vệ có xác đáng hay không.

Văn loại minh triết có thể xem ra không rõ ràng, thiếu chính xác, tựa như việc xác định về tính chất Châu Á trong khoa dân tộc học (ethnographie ). Nó rất khác với các dạng phạm trù đặc thù mà Form­geschichte (phương pháp phê bình văn thể) đi tìm. Mặt khác, văn loại này không được dùng đến bao nhiêu trong các nền văn học khác. Thế nên, W.G. Lambert lưu ý rằng đối với Babylon, từ ấy là một “misnomer ” (tên gọi sai).[12] Dè dặt như thế không phải là vô ích; bởi có thế thì mới tránh được quan niệm ngây thơ cho rằng các “văn loại” đều đã có sẵn, đã được sắp thành danh mục, và có sức tháo gỡ một cách tài tình các khó khăn.

Trong Kinh Thánh, có một phạm vi minh triết được giới hạn rõ, không chút võ đoán, gồm các sách minh triết. Đối với cách xếp loại thông thường, Luật, các Tiên tri và các sách minh triết làm thành ba cực của một tổng bộ; điều đó cho phép lối phân chia làm ba loại như thế được coi là thực sự có căn bản, và nếu có những trao đổi hoặc giao thoa qua lại giữa ba nội dung thì đó là chuyện bình thường.

2. Đặc nét của văn loại minh triết

Đem đặt vào trong ngành xã hội học về dân tộc Ítraen, phạm vi minh triết sẽ khớp trùng với giới ‘đạo hữu’ [laðcat ]. Tiêu biểu của giới này là nhà vua người cha . Dấu chứng về điểm này: danh tổ hay biệt danh của vua đặt cho các tập sách Châm ngôn, Cô­hê­lét (Giảng viên), Khôn ngoan, Diễm ca, Thánh vịnh.

a). Về mặt tiếp cận với thực tế , đặc nét của văn loại minh triết là cái chung chung và cái thường nhật (trong cuộc sống thế trần, nghề nghiệp, gia đình: dân sự), khác với cái các ngôn sứ nhắm tới, tức là biến cố , khác với cái các tư tế hướng trông về, tức là điều thánh thiêng.

b). Về mặt đối tượng hay các chủ đề , thì bởi vì mỗi văn loại đều có những đối tượng đặc đãi; do vậy, có thể kể ra nhiều đối tượng khác nhau. Trước tiên là thiên nhiên, thiên nhiên thường nhật, với cỏ cây, với thú vật. Đối với thiên nhiên, phạm vi minh triết hoàn toàn giới hạn – ít nhất là trong một mức độ nào đó – ở việc mô tả tầm kiến thức của Salômon: “Vua nói về các thứ cây, từ cây bá hương ở Libăng cho đến cây ngưu tất mọc ở bờ tường; vua cũng bàn tới các thú vật, các loài chim, các thứ rắn rết và các loại cá” (1V 5:13). Thử đọc lại các châm ngôn nói tới các thú vật: sư tử, thằn lằn, phượng hoàng, dê đực, gà trống, các loài kiến, đỉa, rắn, v.v... và so với danh sách đọc thấy trong Sách ông Gióp. Chính qua con đường đó, mà thế giới minh triết đã tìm ra lối dẫn tới mầu nhiệm, một mầu nhiệm hoàn toàn đối cực với mầu nhiệm thuộc dạng núi Sinai, bởi không có chút gì là đột ngột, là ngoại thường, nó nằm thường trực trước mắt: “Có ba điều tôi không giải nổi, còn điều thứ bốn tôi không thể hiểu ra...” Một chủ đề minh triết khác là phụ nữ, phụ nữ dưới nhiều sắc diện khác nhau: người mẹ (suối nguồn khôn ngoan), vị hôn thê (Diễm ca), người vợ (Cn 31), người cám dỗ (Cn 1–9), hiện thân của Khôn ngoan (ibid .). Rồi: công ăn việc làm, cuộc sống và hơn nữa, sự chết: công ăn việc làm để có được của ăn là sự sống, và cuộc thất bại cuối cùng của sự sống là sự chết: Cô­hêlét . Cả trong các chủ đề đó nữa, hình ảnh của phụ nữ cũng như thực tế của công ăn việc làm dệt nên sắc thái của những gì là hằng nhật, tầm thường và huyền bí: đó là khối tập hợp đặc thù của thế giới minh triết.

c). Về mặt giá trị (phạm trù này mang ý nghĩa bao gồm phần nào phạm trù trên đây), thì trước tiên phải nói đến sự hiểu biết. Nhưng đây là hiểu biết thuộc loại thực hành, ngay cả trong các thể dạng cao nhất của nó. Như thế, ngay cả hiểu biết về khôn ngoan cũng là điều giúp cho khỏi chết và sống ngon lành, tức sống trong thế giới của giàu sang, quyền thế, danh tiếng, gia môn con đàn cháu lũ, v.v...

Ở một mức thấp hơn, thì có khôn ngoan loại kỹ năng trong các nghề nghiệp, cách riêng trong các nghề nghiệp đòi phải có tài nghệ tinh xảo. Ở một mức sơ đẳng hơn nữa, thì khôn ngoan được hiểu theo kiểu trí xảo, mưu mẹo. Cũng có thể thấy được rằng nếu trong một số bản văn như Cn 1–9, xuất hiện như là dính liền với thế giới tôn giáo, thì khôn ngoan cũng có thể trở thành yếu tố chứa đựng những giá trị ngược lại. Không đi một chiều, không nhất thiết hướng ngay về với sự thiện, khôn ngoan gồm chứa bản chất tự lập của con người và phương án con người đề ra để tự xây dựng lấy chính mình. Khôn ngoan đối ngược với ngây ngô, là đức tính của con người trưởng thành. Một giá trị khác là giá trị luân lý. Theo các văn bản minh triết thì luật luân lý có thể tiếp nhận được từ bên ngoài nhờ việc giáo dục của cha mẹ, và từ bên trong nhờ tiếng lương tâm, tức “con tim.” Nhưng ngược lại, thế giới minh triết đón nhận mạc khải vào trong phạm vi sinh hoạt của mình tương đối muộn.

d). Về mặt thể dạng văn học , là phạm vi thường chịu điều kiện của những gì đi trước, thì có thể đọc thấy: danh sách giúp sắp loại để học biết vô số các thực vật và các động vật; châm ngôn nói lên chân lý có giá trị trong mọi thời (dù có lưu ý thêm là không phải mọi châm ngôn đều có thể áp dụng cho mọi trường hợp; lại gặp tính chất khái quát); ẩn ngữ theo nghĩa rất rộng, nên ít có được dẫn dụ nguyên trạng; đối tượng của ẩn ngữ là thiên nhiên, và nhất là loài động vật. Nội dung là cái bí nhiệm tàng ẩn ở trong những gì là thường nhật. Sở dĩ khó mà phát hiện cho được những cách biểu đạt các ẩn ngữ ở trong Cựu Ước, thì thiển nghĩ, chính là vì duy chỉ một mình câu trả lời được cho biết, chứ không phải câu hỏi. Ẩn ngữ có thể dựa theo một hình thức đối chiếu: người lười quay qua trở lại trên giường, cánh cửa quay qua quay lại trên bàn lề. Có thể đổi thành câu đố: “Đâu là điểm khác biệt giữa người lười và cánh cửa?” Có thể xuất hiện dưới dạng câu hỏi : “Có gì xảy ra mà không để lại dấu vết?” Một dạng câu hỏi khác – “tại sao” – đưa tới lối trình thuật suy nguyên (étiologique ), nhằm mục đích nói lên nguyên nhân làm phát sinh những “điều bí ẩn to lớn ở trong cuộc sống.”

e). Cung cách minh triết: để cho vắn tắt thì chỉ cần nói là cung cách minh triết không mang tính chất bi thảm, dấu vết cường điệu cũng không, nhưng trái lại tỏ ra chừng mực và thân thiết; cũng có thể dễ dàng trở thành ranh mảnh, do bởi ý thức ra về những mưu mẹo gặp thấy trong cuộc sống, trong cuộc chống cự với thái độ ngây ngô, cũng như do bởi sự chênh lệch giữa những điều không được giải thích và cuộc sống thường nhật.

Và như thế là có được khung mẫu – dù chưa phải là toàn diện – của văn loại minh triết để có thể xác định một cách hợp thức, vị trí của trình thuật St 2–3.

3. Sáng thế chương 2 - 3: Trình thuật minh triết về nguồn gốc loài người

Có thể đi từ môi trường minh triết thông thường, để hình dung ra – như là một giả thiết tạm, chưa có được một lý chứng vững chắc nào khác làm bằng – một cơ sở viết văn bản tựa văn phòng các viên ký lục của các triều đình trong những thời tiếng tăm, như thời vua Salô­mon hoặc Êdêkia. Có thể bổ túc cho lý chứng bằng cách nhắc lại những gì biết được qua trình thuật giavít, và qua việc đọc thấy các chủ đề mang tính chất đặc thù vua chúa trong bản văn: vua là tiêu biểu cho con người hoàn hảo. Có thể nhận ra rõ điều đó trong lời một phụ nữ không ngoan nói với Đavít: “Đức vua là chúa thượng tôi khác nào sứ giả Thiên Chúa để lắng nghe điều thiện điều ác” (2Sm 14:17) và “Sự khôn ngoan của chúa thượng sánh được với sự khôn ngoan của sứ giả Thiên Chúa: ngài biết tất cả những gì xảy ra trên mặt đất” (ibid . 20). Mặt khác, Ê­dê­kien kể lại lối trình bày kiểu vua chúa về huyền thoại Địa đàng, với vua-sứ giả, kêrubim (ibid . 1-26), mà ngôn sứ áp dụng cho vua xứ Tyr. Đó là bản văn Cựu Ước gần với St 2–3 hơn cả.

a). Điểm tiếp cận với thực tế – hay là góc độ của bản văn xét về phương diện cuộc hiện hữu của con người – chỉ là một cái gì thông thường. Đó là “người nam,” là “người nữ.” Nếu có một câu chuyện nào nói về những điều liên quan đến “bất cứ ai” và “bất cứ thời nào” thì đó chính là trình thuật đang bàn tới đây. Thật là thường nhật, bởi đi lại cũng chỉ nói tới công việc đồng áng, nói tới việc sinh ra rồi chết đi; bởi mô tả những gì không ngừng bắt đầu lại: khó khăn mà trình thuật Êđen gặp phải phần lớn là vì quá đơn điệu. Trong thế giới minh triết, không gặp thấy tên riêng trừ ra tên tiêu biểu (cho dạng loại), không gặp thấy ngày tháng hay biến cố ngoại trừ biến cố khởi thủy, tức cuộc tạo dựng; mà biến cố này thì không dừng ở một điểm, bởi vẫn còn tiếp tục.

b). Đối tượng hay các chủ đề thì ăn khớp sít sao với “khuôn mẫu minh triết.” Về thiên nhiên, trình thuật giới thiệu thiên nhiên tựa lối kể ra những hiểu biết của Salômon: động vật Ađam đặt tên cho, các thứ cỏ cây (“mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon” (St 2:9), “hết mọi cây trái trong vườn” (St 2:16), đất đai từ đó xuất phát các dòng sông, lòng đất thì chứa các thứ kim loại quý. Một con vật bí hiểm: con rắn. Người phụ nữ với con rắn chiếm hầu hết câu chuyện, trong đó Ađam chỉ đóng một vai có thể nói là phụ; người phụ nữ xuất hiện như một người vợ (‘ishshâh rút từ ‘ish : St 2:23), một người mẹ (“Evà, vì bà là mẹ của chúng sinh”: St 3:20), một kẻ cám dỗ (“ngươi đã nghe lời vợ’: St 3:17), và cuối cùng – đây là điểm sẽ được khảo xét kỹ hơn, trong các phần sau – như là người được phú cho khả năng cứu độ (“Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà”: St 3:15).

Như thế, Evà tổng hợp ở nơi mình tất cả các đặc nét văn học minh triết gán cho người nữ; và tính chất song song đối chiếu giữa bức cảnh này với toàn bộ bản văn Cn 1–9; 31 sẽ nổi bật hẳn. Nghịch lý là ở chỗ, không tạo dựng nên từ bụi đất, mà từ người nam; nhưng người nữ (tác phẩm tinh hoa) lại lệ thuộc nhiều hơn vào tiếng của bụi đất. Lao động và sự chết, các chủ đề minh triết, là nội dung của những lời Thiên Chúa phán ra để ra án phạt Ađam và Evà (St 3:16-19). Lao tác và sinh sôi nẩy nở là hai sinh hoạt nằm ở hàng đầu trong ơn gọi làm người: án phát được ghép – rất logíc – vào hai sinh hoạt này.

c). Các giá trị cũng chính là các giá trị kể ra ở trên kia. Và dĩ nhiên, trước tiên là hiểu biết, thành quả của một trong hai cây bí nhiệm. Có thể là bối cảnh minh triết sẽ cho phép giải thích về đối tượng của sự hiểu biết này, không phải về “sự lành” và “sự dữ,” mà là hiểu biết về “tốt ” và “xấu,” tức là vừa về “tất cả” và vừa về “lối ngả cần theo.” Không biết được cái tốt là người ngốc. Nhưng, có thể nói là cả cây bí nhiệm kia nữa cũng nằm trong các công cụ văn loại minh triết dùng để biểu đạt: cây sự sống. Đó quả là một trục của câu chuyện, nhưng chủ đề này chỉ gặp thấy ở trong bối cảnh minh triết, và rõ hơn, trong sách Châm ngôn.

Trước hết là Cn 3:18: “Không ngoan chính là cây sự sống đối với người nào nắm được khôn ngoan. Giữ được khôn ngoan quả là hạnh phúc”; Cn 11:30: “Người công chính được thừa hưởng cây sự sống”; Cn 15:4: “Lời xoa dịu tựa cây ban sự sống.” Cũng nên lưu ý là Khôn ngoan cũng bắt gặp chủ đề về nước ở trong Địa đàng, được miêu tả qua cách biểu đạt “suối nguồn sự sống” (Cn 10:11; 16:22; x. 13:14 và 14:27).

Cuối cùng, đi thẳng vào giữa trục của hai biểu tượng ấy, Huấn ca sẽ đưa Khôn ngoan xuống trong một địa đàng, ở đó nó đâm rễ giữa tất cả các cây trái khác, để cho thưởng thức hoa quả của nó, và ở đó, nó tỏa ra sum sê giữa các con sông của Êđen, được liệt kê khác đi để có thể đưa sông Giođan – sông của Ítraen và của Giêrusalem – vào số. Xem ra người đương thời của tác giả khó có thể bỏ sót mà không hiểu rằng cây sự sống chính là khôn ngoan thực sự. Vườn Êđen chính là lãnh vực, là thế giới của khôn ngoan.

Cũng có thể thấy được tầm quan trọng của chủ đề minh triết về “mưu mẹo” trong trình thuật của St: bản văn báo trước cho biết rắn là loài xảo quyệt (St 3:1), và cho thấy người phụ nữ để bị nó lừa (St 3:13). Bởi bản văn có mục đích giáo huấn (do đó, truyện thuật chỉ là phương tiện), cho nên điều nhắm tới là làm thế nào để người đọc tự hỏi: đâu là mưu mô lừa bịp để tôi biết mà tránh cho khỏi mắc bẫy. Mà bởi văn thể thuộc loại ẩn ngữ (có thể là kiểu vua chúa dùng), hơn là thuộc loại giới thiệu giáo lý cho đại chúng, nên câu trả lời chỉ ở trong trạng thái tiềm ẩn. Cuối cùng, luân lý của bản văn cho thấy lợi điểm của việc đặt thông hiểu lên hàng đầu, coi đó là bổn phận luân lý: tai họa loài người gánh chịu phát sinh từ việc không biết đánh hơi ra được cái cạm bẫy. Điều này làm cho liên tưởng đến một nhân vật thường xuất hiện trong các bản văn minh triết, mà tiếng Hibri gọi là péti , tức ngây ngô hay khờ khạo (Cn 1:4.32; 7:7; 9:4.6.16), làm mồi cho mụ đàn bà đồi trụy nuốt trửng. Người ngốc. Bài học luân lý ấy không truyền đạt qua con đường giảng dạy hay mạc khải: nó lộ hiện qua tiếng nói của lương tâm, dưới hình dạng xác thể hơn của thái độ bẽn lẽn thẹn thùng, rồi của thái độ sợ sệt đối với Thiên Chúa sau khi phạm tội: cảm giác mà ai cũng sống qua khi làm một điều sai, thì không thuộc riêng một dân tộc nào cả, và việc quan tâm miêu trình con người trong chính bản chất của con người, cho thấy một đặc nét của văn loại này.

d). Trong các thể dạng văn chương kia, nên lưu ý cách riêng đến thể dạng ẩn ngữ , nhưng là dưới hình thức ngược lại, tức là câu trả lời hay truyện thuật suy nguyên . Loại này thì gồm rất nhiều biến dạng và theo nhiều cấp, từ lối suy nguyên đối với những sự việc không đáng kể cho đến dạng tầm cứu những bí nhiệm to lớn trong cuộc hiện hữu. Tại sao lại có chuyện đặt tiếp sát nhau như vậy? Xem ra vì đó là nét tinh xảo cần có để đánh dấu dạng văn loại: “như thế thì mới hiểu tại sao có thể – nói theo kiểu ẩn ngữ – nhận ra những gì không thể hiểu được qua kinh nghiệm, tức số phận của hai con người đầu tiên trong nhân loại.” Thử đọc lại một vài bản văn của dạng suy nguyên, theo thứ tự lớn dần của tầm quan trọng.

– Tại sao con rắn lại không có chân? – Vì nó bị chúc dữ! Đâu là sự khác biệt giữa con người và con rắn: con rắn sinh ra từ đất và ăn đất mà sống, và bò trên đất (câu đố: cái gì sinh ra, ăn, bò đi, v.v...), con người sinh ra từ đất, thu hoạch hoa màu từ đất và trở về với đất! – Tại sao con rắn không có lông, không có vảy? – Vì nó   ârum (= xảo quyệt và trần trụi): “xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng.” – Tại sao người nam và người nữ là “một xương một thịt” (đặc ngữ chỉ về một giao ước bền chặt: 2Sm 5:1-3; 1Sb 11:1)? – Bởi vì từ đầu, chỉ có một thân xác, từ đó Thiên Chúa đã lấy ra một xương cạnh sườn (và như thế đặc ngữ “một xương một thịt” không phải từ truyện thuật mà có, nhưng ngược lại thì mới đúng). Hoặc: – Sinh ra từ người nữ, người nam có được quyền điều khiển (sai khiến) người nữ hay không? – Người nam sinh ra từ người nữ, nhưng người nữ sinh (được dựng nên) từ người nam. Đó là những ẩn ngữ thuộc loại ẩn ngữ đã được đặt ra cho ông Gióp: “Có bao giờ ngươi đã đến tận nguồn biển cả?” (G 38:16); “Con đường nào dẫn đến nơi ở của ánh sáng, và đâu là nơi bóng tối cư ngụ?” (G 38:19). Còn ở đây thì hỏi: “Đâu là nguồn xuất phát của bốn con sông? “Tại sao người nam và người nữ hỗ ngươi vì trần trụi để phải kiếm cách che thân?”...

Có thể kéo dài thêm mãi lối đặt câu hỏi và đưa ra những câu trả lời như thế. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm sao nhận cho ra trong tất cả các ẩn ngữ ấy, cái ẩn ngữ cơ bản nhất, xét theo nhãn quan của bản văn. Nếu một trong những điểm khó hiểu nhất, lại nằm ở giữa những điểm đã trở thành sáng tỏ một khi đặt vào trong dạng ẩn ngữ, thì điều đó có thể là dấu chỉ cho thấy dạng biểu đạt đó chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề. Mà, chắc hẳn, hai cây nói tới trong vườn Ê­­đen, đặt ra một khó khăn lớn. Tại sao lại hai? Bởi vì chăc chắn là đã có hai, theo St 3:22: “Đức Chúa là Thiên Chúa nói: ‘Này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác. Bây giờ, đừng để nó giơ tay hái cả trái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi.” Theo thiển nghĩ với tất cả xác tín, tính chất song đôi ấy chính là điều bí ẩn then chốt. Đó là vấn đề đặt ra một cách phi lý: con người có hiểu biết, con người không có sự sống. Nó giống như một vị thần, bởi vì nó có hiểu biết. Nó giống như một con vật, bởi vì nó chết. Nếu thế, thì phải nhìn toàn bộ trình thuật từ điểm chủ chốt của nó, tức là thân phận không đáng gì của con người; chẳng khác gì người có cái đồng hồ quý giá mà chẳng còn có kim (chỉ giờ, phút), hoặc tựa như một đồ dùng lẻ đôi, lẻ bộ (bao tay, bít tất, v.v... chỉ một chiếc). Về điều này, Thánh vịnh 8 gióng một tiếng vọng dưới dạng ẩn ngữ: “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân (con của Ađam) là gì mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy” (theo từng chữ: “Chúa để con người chỉ thiếu đi một tí khi đặt nó dưới các thiên thần”).

Cách giải thích này sẽ đặt ra nhiều câu hỏi. Hiểu biết kia là thứ hiểu biết nào? Xin nói ngay là về mặt hiểu biết (ý thức) luân lý, ẩn ngữ hàm xúc nhiều ý nghĩa có tầm hưởng: làm sao có thể biết được luật Chúa, nhưng lại không có sức để thực thi – đó là vấn đề thánh Phao­lô đã từng nêu lên. Luật “chỉ làm cho người ta ý thức về tội.” Còn về mặt hiểu biết tự nhiên: làm sao con người có thể thực hiện được không biết bao nhiêu là kỳ tích mà vẫn hoàn toàn bó tay bất lực, không thắng nổi sự chết? Đó là điểm đụng đến cái cốt tủy của vấn đề con người; không còn phải là chuyện thắc mắc muốn biết tại sao con rắn không có chân.

Chưa nắm cho được tính chất câu trả lời đưa ra thì không thể coi như là đã bàn xong hết vấn đề ẩn ngữ (bí ẩn). Xét chung các trường hợp, ẩn ngữ muốn cho hiểu là những gì xem ra không ăn khớp, thì thực sự đều có cơ sở vững chắc. Đôi lúc, mới thoáng nhìn thì thấy như là một trò chơi chữ: con rắn “trần trụi” và “xảo quyệt”; nhưng cách tiến hành của trò chơi chữ đòi phải có một sự tương hợp thích đáng giữa cái biểu kiến và cái hiện thực. Ẩn ngữ không chỉ trả lời “vì là thế,” nếu không thì không cần phải đi tìm câu trả lời: điều ẩn ngữ nhắm tới, không phải là để nói lên rằng cái không lôgíc là dữ kiện đầu tiên, mà là để làm cho điều không lôgíc đó được nhận bởi một dữ kiện đầu tiên, để làm cho dữ kiện này thành hiện thực. Ẩn ngữ đạt tới mục tiêu đó bằng nhiều cách khác nhau: ở đây, là cách nhờ đến nguồn gốc được coi là chủ yếu. Bây giờ là như thế, bởi vì từ đầu đã được thiết đặt như thế. Mà, buổi đầu là cái bí ẩn của các bí ẩn, là động lực đầu tiên kích động tính tò mò, không chỉ của trẻ con không thôi, mà của cả người lớn nữa. Nhưng, nếu chỉ bàn đến một chuyện phi lý, thì đâu có đáng gì mà phải mang nó trở lại buổi đầu.

Dù có khác nhau, người nam và người nữ vẫn tìm đến với nhau. – Tại sao? Chỉ có thể trả lời như thế này: vì là như thế từ đầu. Cần phải đặt ở buổi đầu một hành động nguyên nhân, khác với các hậu quả. Từ ban sơ kết hợp với nhau, nhưng họ đã chia rẽ ngay từ đầu. Và như thế, tiến trình mở màn. Câu trả lời cho ẩn ngữ mà chỉ đưa ra dưới dạng nói lên một ý tưởng, thì chẳng thu hút được ai: một sự việc chỉ được giải thích bằng một sự việc. Đối với một tư tưởng sáng tạo ẩn ngữ, việc giải thích không bay lượn trên không, xa vời với thực tế, nó nằm ngay giữa lòng thực tế. Ở đây, hành động nằm trong giây xích nguyên nhân, và vượt lên trên giây này vì nó ở vào thời đầu. Nó lộ hiện ở trong một biểu tượng không thuộc phạm vi hiện thực khách thể (theo kinh nghiệm thì Evà đã được rút ra từ thân xác của Ađam), nhưng nó cũng không chỉ là một ý tưởng. Cái khó là ở chỗ ý tưởng thì tự nhiên được coi là một tiến bộ so với biểu tượng, và dù thế, lấy một ý tưởng để thay cho một biểu tượng thì không có nghĩa là tiến tới chỗ có được chân lý sâu rộng hơn. Điều đó có thể thấy rõ qua một kiểu phân tích theo triết học, gọi là siêu-chú giải (méta-exégèse ) mà công tác chú giải thường cần đến, cũng như lộ hiện qua việc dùng đến loại suy đức tin (analogie de la foi ).

Như thế, nếu Thiên Chúa nuôi sống con người với cây sự sống, thì đó hẳn không phải là một câu nói bóng bảy, chỉ tìm được chân lý ở trong một ý tưởng, còn những gì khác đều rơi cả vào trong đống cặn bã. Chân lý của hình ảnh đó không phải là một ý tưởng mà là của ăn nhận từ Thánh Thể, của ăn này cũng chẳng phải là chân lý tuyệt đối, bởi cũng chỉ là biểu tượng tiên trưng (thực sự biểu hiện trước) của ăn dành cho thân xác sống lại [hiển vinh], và đây chính là sự sống vĩnh cửu. Nói thế có nghĩa là cây sự sống không phải là một ẩn dụ (mé­taphore ), nhưng là một mẫu tiên trưng (type ), tức là một thực tại, một nguyên lý, ứng dụng cho hết thảy các nét chủ yếu của trình thuật.

Vậy thì sự hiệp nhất của nhân loại chính là sự hiệp nhất trong một thân thể duy nhất giữa Đức Kitô và hiền thê của Ngài là Giáo Hội; sự hiệp nhất này là thực sự, là nền móng của hiện thực. Các điều bàn đến trên đây đã, một cách phác thảo, cho thấy quy trình tiến hành đi từ khởi điểm rất khiêm tốn của văn loại ẩn ngữ, để đạt đến chỗ làm cho hiện rõ tính chất hợp thức – về mặt con người và về mặt lý tính – của phương thức chú giải theo hệ thống các kiểu (exégèse typologi­que ). Nội dung chủ yếu và sâu thẳm của ẩn ngữ ấy chính là mầu nhiệm Đức Kitô, Ađam mới, cây sự sống, và là bước khởi đầu lịch sử, chứ không chỉ là hồi kết thúc mà thôi.

e). Cung cách đặc thù minh triết lộ hiện rõ trong trình thuật St 2–3. Chẳng có gì là bi đát cả: không gặp thấy một thảm cảnh kinh hoàng nào như các ngôn sứ và các tác giả khải huyền thường miêu tả. Sự việc cung cách chừng mực đó ngược lại, đã kéo theo một tác dụng còn thảm khốc hơn nữa, là điều có thể nhìn nhận; nhưng bởi đó là một vấn đề khác. Vẫn có nhiều nét ranh mãnh. Dù sao thì bầu khí chung cũng rất là thanh thản: một cuộc suy niệm của ngày thứ tư Lễ Tro, bước đầu tiên để tiến tới ngày mừng biến cố Phục Sinh.

Còn một điểm chưa được bàn tới: trình thuật muốn nói với ai? Văn bản minh triết không chính thức nói thẳng với người Do thái. Tất cả những gì được nêu lên trên đây để miêu trình về văn loại này, đều mang tính chất tuyệt đối toàn vũ và hoàn toàn phổ quát: thiên nhiên vẫn là một và là thiên nhiên của mọi người; cũng hệt như thế khi nói đến phụ nữ, lao động, sự sống, sự chết. Quả thế, xét về mặt vay mượn từ các nền văn học láng giềng, thì văn loại minh triết tỏ ra ít đóng kín nhất giữa các văn loại Kinh Thánh dùng tới, đến độ có thể đọc thấy cả những mảnh văn dài người Do thái có chung với người Ai cập và người Babylon. Khôn ngoan là ở chỗ biết quản lý của cải mình và tiên liệu cho tương lai, v.v... đó là cái khôn chung, vượt ra ngoài mọi biên giới. Khôn ngoan kỹ thuật thì không có quê hương: một người ngoại bang – Hiram xứ Tyr – đã xây cất đền thờ Do thái cũng như đã trang bị cho đoàn tàu Ítraen. Vì thế, không gì thích đáng cho bằng việc dùng văn loại minh triết để nói về con người cha của các người Hy lạp, của các người Ai cập, của các người Assiri và của các người Do thái. Tính chất phổ quát đặc biệt của trình thuật đã không được lưu ý đến và nêu bật cho đủ.

Người Do thái đã không đưa tính chất Do thái vào trong nguồn gốc ban sơ: Ađam không phải là người Do thái. Cặp vợ chồng này – được giới thiệu như là đã một thời sống trong tương quan rất thân thiết với Thiên Chúa, và đã được ban cho nhiều ân huệ – thì ngay cả những kẻ thù vạn kiếp của dân Ítraen cũng phải gọi bằng cha, bằng mẹ. Tất sẽ ý thức rõ đó là điểm quan trọng nếu hiểu ra được ‘tổ tiên’ mang ý nghĩa như thế nào trong thế giới thời ấy! Cả nhãn quan phổ quát kia nữa cũng ăn khớp sít sao với thể chế vương quyền, với thời mà nhờ khôn ngoan, nhà vua trở thành điểm gặp gỡ giữa các quan hệ quốc tế. Từ đó, có thể hình dung ra được một “sitz im le­­ben ” (môi trường hình thành) hoàn toàn nằm trong óc tưởng tượng nhưng lại rất ý nghĩa, cho truyện thuật ấy: vua Salômon tiếp kiến Nữ hoàng xứ Saba, từ xa đến để tỏ lòng cảm phục đức khôn của nhà vua, để ngắm nhìn vườn thú với những con công, con vượn: “bởi cứ ba năm một lần, đoàn tàu Tácsít đến, mang theo vàng, bạc, ngà, khỉ và công” (1V 10:22).

Quả thế, “Nữ hoàng xứ Saba nghe biết vua Salômon nổi tiếng vì danh Đức Chúa, thì đến đặt câu đố để thử tài vua. Bà đến Giêrusalem cùng với đoàn tùy tùng đông đảo, nhiều lạc đà chở đầy hương liệu, và một số lượng rất lớn vàng cùng đá quý. Bà vào hội kiến với vua Salômon và nói với vua tất cả những gì bà suy nghĩ trong lòng. Vua Salômon giải đáp tất cả những vấn đề bà đưa ra; không có chuyện gì là bí ẩn mà vua không giải đáp được cho bà” (1V 10:1-3). Thay vì nghĩ là từ hoạt động trí thức ấy trong thời Salômon – được miêu tả văn vẻ, nhưng đã thực sự diễn ra dưới dạng đấu trí và phô trương tài nghệ – tuyệt nhiên không để lại một dấu vết nào trong Kinh Thánh, thì, theo thiển ý, nên tin rằng St 2–3 là một đoạn ráp nối tư liệu rút từ một vài trong nhiều tác phẩm cải biên gióng theo chủ đề nguồn gốc loài người, mà có thể là các nhà thông thái trong triều đình đã để lại . Cần phải coi xem đoạn ráp nối đã mang thêm những gì vào trong tư liệu.

Lấy lại: ở đây, điều bí ẩn được giới trình theo dạng đảo ngược của nó, tức truyện thuật tầm nguyên, và đó là điều hợp thức, bởi vì tựa như câu hỏi, lời giải đáp cũng là một ẩn ngôn. Trả lời cho ẩn ngôn thì lại là một chuyện khác: đó là trường hợp Samson. Thay vì giải thích bằng một ý tưởng, thì lại dùng cái cảm thấy được mà giải thích, và mang vấn đề trở về buổi nguyên sơ. Cái cảm thấy được (câu truyện đã dùng đến biểu tượng) thì không thể gói ghém vào trong một ý tưởng, một khái niệm được. Điều mà tác giả nhắm tới là đặt nguyên tắc để giải đáp, dưới dạng thực kiện trong quá trình lịch sử, và dưới dạng sự kiện khai nguyên ở bước khởi đầu của nó. Và tác giả để cho độc giả dùng khái niệm ‘khởi thủy’ mà tự tìm lấy cách để giải quyết vấn đề; nhưng, chính buổi khởi thủy đó tác giả muốn coi như là hiện thực. Cách tiến hành này có thể được ví (bây giờ cứ tạm như thế, và cũng chỉ ví mà thôi) với tiến trình của đức tin kitô, bởi tiến trình này cũng trả lời những câu hỏi tương tự bằng thái độ tin nhận Đức Kitô, Đấng ở trong dây xích các sự kiện và làm nên dây xích ấy. Đối với tâm thức kitô, Đức Kitô, Đấng mạc khải cho biết chính mình là điểm khởi thủy chính thực, đã vén mở cho thấy những gì được trình tả như là một điều bí ẩn ở trong St 2–3, những gì làm nền móng lý tính cho cách đọc tầm căn.

Đưa vào mục vụ: qua 1V 5 và 10, có thể chứng kiến trở lại sinh hoạt thương mại và văn hóa hồi “salomonische Aufklašrung ” (Von Rad” (thời ánh sáng dưới triều Salômon), và giới thiệu những gì ghi lại trong trình thuật như là chính lời vua nói với các khách của mình, bởi lẽ bản văn giavít đã được viết ra dưới thời vua cai trị. Từ đó, có thể hỏi: vì vua của những thời xa xưa ấy đã muốn nói gì; – nói những điều mà ý nghĩa chỉ được khai triển nhờ vào ánh sáng của truyền thống đến sau và tiếp tục cho tới thánh Phaolô, bởi vì giáo huấn của Giáo Hội về nguyên tội và thảm cảnh cứu độ quả không đơn thuần dựa trên bản văn duy nhất đó. Như thế, sẽ phải xác định vị trí trước khi giải thích: bản văn ấy, hay ít nhất là nền tảng của nó, đã có thể, tùy hoàn cảnh, là một loại bài giảng thuyết minh triết nhằm vào lương dân, một lời giải đáp cho câu hỏi: “Đối với Thiên Chúa của các ông, chúng tôi là gì?” cũng như cho bao nhiêu câu hỏi khác.

Trong một số trường hợp và cho một số loại cử tọa, sứ điệp quá khứ để lại, thực sự trở thành ánh sáng soi dẫn, với điều kiện duy nhất là phải công tuyên nó thực là vậy; “Salômon đã nói như thế... khi cần phải trả lời cho một lương dân đặt câu hỏi: Thiên Chúa của ngài liên quan như thế nào với chúng tôi?” Dấu chứng lịch sử đọc thấy trên các bản viết như thế thì thuộc lãnh vực dạy giáo lý, chứ chẳng liên hệ bao nhiêu tới lãnh vực giảng thuyết. Cần nói thêm là: điều đó không giải quyết được hết mọi vấn đề, bởi vì sứ điệp toàn bộ của bản viết không thể lộ hiện trong cách thức đó. Nếu không có sự việc hình thành bản văn, nếu không có môi trường kinh thánh làm nền cho bản văn, và nhất là nếu không có những lần bản văn được nhắc lại cho đến thời thánh Phaolô, thì Giáo Hội đã không bao giờ có thể từ trình thuật hay bản văn duy nhất đó, rút ra được giáo lý về nguyên tội. Vậy thì cần phải nói thêm rằng: ẩn ngữ do các vua Ítraen (giới thân cận của họ) nêu lên trong cách kiểu như thế kia, đã được đào sâu qua các thế hệ, cũng như đã được thánh Phaolô dựa theo sát các tác giả đầu tiên để giải đáp, và giải đáp qua con người Đức Kitô. Trong khoa dạy giáo lý, đối với bản văn của St cũng như đối với các bản văn khác, chỉ có quyền đề cập đến Cựu Ước:

1. nếu biết làm sao để đừng gây lẫn lộn với Tân Ước;

2. nếu biết nối kết làm sao để hai phần Tân Ước và Cựu Ước trong Kinh Thánh soi sáng cho lẫn nhau.

Và đây là lúc có thể bàn đến các huyền thoại, bởi đã đặt xong phương thức phân định văn loại để có thể hiểu ngôn ngữ đặc thù của chúng.
 


[1] P. Beauchamp, Études sur la Genèse. L’Eden, les Sept Jours, les Patriarches , Paris, Médiasèvres, 1988, tt. 7-42.

[2] J. Loew, Journal d’une mission ouvrière , 1941-1959, Paris, 1959, tr. 185.

[3] J. Danielou, Au commencement , Paris, 1962, tr. 8.

[4] Catéchisme de l’Église Catholique , loại “bỏ túi,” Paris, Mame/Plon, 1992, n. 396-409, tt. 108-109. Cũng nên ghi nhận rằng, trong đoạn trích này, sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nói đến “ma quỷ.” Tuy nhiên, trong trình thuật Vườn Êđen của sách Sáng Thế, ma quỷ vẫn chưa xuất hiện, và không có nền tảng để nghĩ rằng khi đọc “con rắn” thì phải hiểu là “ma quỷ.” Thư gởi Tín Hữu Rôma của thánh Phaolô, đặc biệt là chương 7, có St 2–3 làm nguồn liệu, không nói đến ma quỷ và cũng chẳng nói đến con rắn, nhưng nói đến “tội.” Tuy nhiên, đối với ngài, tội hành xử tương tự như cách thức của con rắn, trong mức độ nó trở thành một tác nhân. “Tội” là một nhân vật.

[5] Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo , biên soạn cho Giáo Dân Việt Nam , 1996, tt. 65-71.

[6] Tên gọi Evà chỉ xuất hiện từ câu 3:20 mà thôi; còn tên gọi Ađam – điều này có lẽ sẽ gây ngạc nhiên – thì mãi đến chương 4, câu 25 mới được nói đến.

[7] H. Renckens, La Bible et les origines du monde. Quand Israel regarde don pas­sé. A propos de la Genèse 1- 3 , 1964, tr. 98.

[8] Ibidem .

[9] Ibid ., tr. 100.

[10] . DBS , VI, Paris, 1960, mục “Paradis,” cột 1198.

[11] The Tree of Life in Eden,” ZAW 5 (1928), 105-112

[12]  “As used for a literary genre, the term belongs to Hebraic studies” (Babyloni­an Wisdom Literature , Oxford, 1960, tr. 1).  

Media