Ngũ Thư

Wednesday, 05 June 2019 03:22

Tìm Hiểu Khái Quát Sách Sáng Thế (2) Featured

Học Viện Đaminh

 

V. TRÌNH THUẬT CÁC TỔ PHỤ (12 – 50)

Sau khi nói đến lịch sử thời sơ khai và nguồn gốc con người (1 – 11), sách Sáng thế đề cập thẳng đến lịch sử của một gia đình sống tại miền Bắc Mêsôpotamia. Đây là cách thức các văn sĩ cổ xưa gọi là cách viết theo nhân vật (eponimous). Hạn từ “eponym” nói đến một người mà tên của người này được lấy để đặt tên cho một bộ tộc hay một nơi nào đó (chẳng hạn St 19,36-38).

1. Bố cục: chia làm ba phần

a. Truyện về Ápraham (12-25): đề cập đến những lời hứa và giao ước ; Ápraham, người công chính

b. truyện về Isaác và Giacóp (25-36)

c. Truyện về ông Giuse (37-50)

2. Cách sắp xếp các câu truyện Tổ phụ

Cuộc đời của các tổ phụ đã được mô tả cách rõ ràng  trước khi Ítraen sống bên Aicập, nghĩa là trước thế kỷ 14 BC. Có nhiều yếu tố truyền thống được viết và cập nhật qua nhiều thế kỷ, những nguồn gốc ấy miêu tả lại những cách thức của con người đã sống trong thời đại đồ đồng… trải dài từ  thế kỷ 22 đến thế kỷ 15 BC. Nhiều chi tiết về sự đi lại, cuộc sống bán du mục, phong tục cưới xin và quyền định cư  được biết đến nhiều trong thời kỳ này. Vào thế kỷ 18 BC, trong văn khố của thành phố Mari nằm trên dòng sông Êuphơrát,  đã tả lại rất nhiều lối sống du cư giống với St 12 – 50. Ở thế kỷ 14 BC, văn khố của thành phố Nuzi thuộc phía Bắc Mesopotamia, cũng họa lại một vài phong tục tương tự (nhưng không chắc chăn lắm) vàø cũng được đề cập trong sách Sáng Thế. Lời di chúc vào cuối đời của Isaác  trong St 27,2 cũng đã được thực hành hợp pháp trong luật của Nuzi, hoặc là việc bán quyền trưởng nam của Êsau (St 25,31-33) cũng được miêu song song trong khế ước của thành phố này. Vấn đề bảo vệ địa vị của người phụ nữ nô lệ, khi bà ta sinh ông chủ một người con trai thay cho người vợ hiếm muộn của ông (St 16) cũng được biết đến cả ở Nuzi và luật lệ nổi tiếng của Mamurabi nữa(1700 TCN).

Người ta đã ghi nhận rằng, vào khoảng năm 2100 BC hay sớm hơn,  người Sêmít đã di chuyển từ Mesopotamia về hướng tây, điều đó cũng tương tự như người Amorit (người phương tây) và điều này cũng được áp dụng để nói về ông Ápraham. Có một vài bằng chứng của các nhà khảo cổ ở sa mạc Neget nói về những truyền thống của Ápraham và Isaác trong kỷ nguyên 2000 TCN.

Dưới thời cai trị của vua Pharaô hùng mạnh, vương quốc Ai-cập giữa những  năm 2000-1800 BC trở nên thời thịnh vượng và kiên cố. Thương mại và những cuộc di chuyển được gián tiếp nói đến trong sách Sáng Thế 12,19; 20,1 như là một sự bổ sung cách chắc chắn trong thời gian này. Hơn nữa chính Sách Thánh cũng ghi nhận rằng  Ítraen đã trải qua hầu hết 400 năm ở Aicập từ thời Giacóp đến thời xuất hành (St 15,13; Xh 12,40). Điều này đặt Ápraham vào một dữ kiện sớm hơn, gần với sự khởi đầu của thiên niên kỷ thứ hai.

Mô tả một cách tổng quát cuộc đời của Ápraham, Isaác và Giacóp cho thấy họ là những lãnh tụ của những thị tộc giàu có, đời sống của họ chủ yếu dựa trên việc chăn nuôi súc vật nhỏ như cừu và dê. Cuộc sống bán định cư của họ dường như  gắn  chặt với những thành phố lớn hay ít ra với một miền cố định, nhưng họ thường xuyên di dời những đoàn súc vật của họ tới những cánh đồng màu mỡ theo các mùa trong năm. Tuy họ không sống định cư ở một thành phố hay làng mạc nhưng lại gắn bó với trung tâm của thành phố hoặc làng mạc này. Áp-ra-ham định cư ở Khépron (miền nam). Isaác di chuyển tới Bêsheba nhưng vẫn ở trong cùng một miền, trong khi đó Giacóp lại cư ngụ ở Shikhem và Bêthen thuộc miền trung Palestin. Giữa tất cả truyền thống đó, Ápraham xuất hiện như một kiểu sống của hình thức bán du mục, trong khi Giacóp hầu như là định cư. Câu chuyện những anh em của Giuse đã bán ông cho đoàn lái buôn khi chăn đoàn súc vật xa gia đình đã được St 37 mô tả một cách rõ ràng về cuộc sống này. Trong những năm tốt đẹp hay những mùa đông dịu mát thì những thị tộc đó gần như ở cố định một chỗ, nhưng vào những mùa hạ khô ráo hay những năm hạn hán, họ đi lang thang từ nơi này qua nơi kia để tìm kiếm những miền đất có thức ăn tươi tốt cho súc vật.

Một đoạn tương tự ở St 37 chỉ ra một khía cạnh khác cuộc sống của họ là thương mại và buôn bán. Khi họ hiểu biết về một miền đất rộng lớn, và vì sự an toàn của đám dân du mục, điều đó đòi hỏi thị tộc cần phải có nhiều thành viên hơn là cuộc sống bầy đoàn. Việc buôn bán là phần hỗ trợ cho vấn đề mưu sinh của họ. Những cuộc hành trình dài của Ápraham có một mối liên quan đặc biệt đến vấn đề này. Ông đã đi lại giữa vùng đất Haran, Đamát, Sikhem, Khépron và Aicập, đây cũng là tuyến đường của đám người đi buôn, là những thành phố rộng lớn và những trung tâm mậu dịch. Một bức tranh vẽ về ngôi mộ ở Beni Hasan ở Aicập trong thế kỷ 18 BC cho thấy những thợ hàn nồi, thợ hàn kim loại, những người buôn bán thịt linh dương của thị tộc Semitic. Họ đã dâng lên hoàng tử  AiCập những hàng hoá và những phục dịch khi ngài đến thăm. Tục lệâ ấy cũng thấy được ở Ápraham và Isaác.

Câu chuyên về tổ phụ xảy ra trong miền Mêsopotamia và phía bắc Siry, và cả sách Sáng Thế, cho thấy những thị tộc đã gìn giữ được mối liên hệ giữa họ với quê hương xứ sở của mình. Cả Giacóp và Isaác đều trở về Haran để cưới những bà vợ có họ hàng với họ. Có rất nhiều phong tục và tập quán về những câu chuyện Ápraham có song song với những tài liệu từ những truyền thuyết của thế kỷ 14 và 15 ở Nuzi vùng Mesopotamia.  Điều này giúp ta không còn nghi ngờ gì nữa về nguồn gốc của tổ phụ Ítraen

3. Các câu chuyện tổ phụ (12 – 50)

Lịch sử các tổ phụ dân Ítraen vẫn thiết yếu là lịch sử tôn giáo. Thiên Chúa can thiệp vào đời sống các tổ phụ để từ một gia đình, một dòng tộc, Người gầy dựng nên một dân tộc. Dân tộc này sẽ trở thành dụng cụ của Người trong chương trình cứu độ loài người. Các tổ phụ được đối diện và tiếp xúc với Thiên Chúa, các ông hành động dưới sự thúc đẩy của Người. Dần dần nổi lên dung mạo ông Apraham, Isaac, Giacóp và Giuse với tư cách là tổ phụ của dân Ítraen.

a. Ápraham (12 – 25)

Các truyền thống về ông Apraham có lẽ đã được truyền lại ở Khéprôn, vì chính ở đây mà tổ phụ đã định cư, và cũng chính tại đây hai ông bà Apraham và Xara đã được chôn táng. Về niên đại, thì danh xưng, luật lệ cũng như nếp sống của các tổ phụ, rồi các cuộc di dân của các ngài cho thấy họ sống vào thời kỳ giữa thế kỷ XX và XVIII tcn. Có thể lấy năm 1850 tcn làm mốc cho cuộc đời ông Apraham.

Sự tích về ông Apraham bắt đầu từ thành Ua. Thiên Chúa gọi ông tại đây, mà không chỉ rõ mục tiêu cho cuộc hành trình. Thế nhưng, ông luôn luôn tỏ ra là người có đức tin vững mạnh, tuyệt đối vâng phục Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Chính lời Thiên Chúa là lý do duy nhất tạo nên lòng tin nơi ông và thúc đẩy ông hành động, cách riêng trong ba biến cố:

- Ông Apraham chấp nhận một cuộc phiêu lưu, khi rời bỏ xứ sở và họ hàng mà đi tới đất Thiên Chúa sẽ chỉ cho mình (12, 1-4). Như thế, Thiên Chúa đòi hỏi Apraham một sự đoạn tuyệt toàn vẹn. Ông phải lao mình vào trong mơ hồ, thế nhưng ông vẫn vâng theo tiếng gọi và ra đi với cả gia đình “đến nơi Thiên Chúa sẽ chỉ”. Apraham tin tưởng vào lời Chúa, ông phó thác hoàn toàn và tự ý vào Thiên Chúa, với cả lý trí và tình yêu của mình (Dei Verbum, số 5).

- Ông Apraham hết lòng tin vào Thiên Chúa, Đấng hứa ban cho ông một người con thừa kế, một dòng dõi đông đúc mặc dù hai vợ chồng đã cao niên (17,15-19 ; 18,9-14), và một vùng đất để định cư (15,2-6 ; 17,2-6). Ngày tháng trôi qua, Apraham chưa thấy có đứa con nào, thế nhưng Thiên Chúa đã lặp lại lời hứa và còn thiết lập với ông một giao ước… (15,9-21 ; 17,2-14). Như vậy, Apraham luôn phải hướng tới trong niềm tin.

- Thiên Chúa hứa ban cho Apraham một dòng dõi “đông như sao trời, cát bãi biển”. Sau cùng, Thiên Chúa cũng ban cho ông có người con để nối dõi là Isaac, nhưng Người lại đòi ông dâng người con duy nhất ấy làm lễ toàn thiêu. Một lần nữa, ông bằng lòng và tuân theo thánh ý Thiên Chúa, hy sinh người con duy nhất làm lễ vật mà vẫn tin vào lời hứa của Thiên Chúa về dòng dõi đông đảo (22,1tt). Quả thật, ông là người tuyệt đối tin tưởng và trung thành vào Thiên Chúa và xứng đáng được gọi là “Cha của những kẻ tin”.

Như vậy, chính vì Apraham đã hết lòng tin tưởng và thi hành những điều Thiên Chúa truyền dạy, nên ông được hưởng những phúc lợi mà Thiên Chúa đã hứa ban: lời hứa về một dòng dõi và đất để định cư đã trở thành hiện thực.

Toàn bộ câu chuyện Ápraham nhằm trình bày 2 chủ đề chính: a. Thiên Chúa đã thực hiện một lời hứa với Ápraham, lời hứa này có ảnh hưởng đến mọi sự kiện được trình bày trong Ngũ thư và đã triển nở trong chính thời gian sống của Ápraham; b. Thiên Chúa chúc phúc cho Ápraham vì ông trung tín với Thiên Chúa.[32]

b. Isaac và Giacóp (24 – 36)

Trong trình thuật này, có 3 loại câu chuyện dân gian (sagas) khác nhau về Giacóp được gom lại thành một, đó là:

- Cuộc xung đột giữa Giacóp và Esau

+ hai anh em chào đời (25,19-28)

+ họ tranh quyền trưởng nam (25,29-34)

+ họ tranh lời chúc phúc của cha là Issaác (27,1-45)

+ họ hoà giải với nhau (32,3-21; 33,1-17)

- Cuộc xung đột giữa Giacóp và Laban

+ Giacóp phải làm rể trong gia đình Laban (27,46 – 28,9)

+ Laban phỉnh lừa Giacóp sẽ được gả cả hai chị em (29,1 – 30,24)

+ Giacóp phỉnh lừa Laban bằng chính bầy gia súc của Laban (30,25-43)

+ Giacóp trốn Laban và đánh cắp các tượng thần của Laban (31,1-24)

+ Giacóp và Laban giải hoà (31,25 – 32,3)

- Các cuộc thần hiện (theophanies)

+ Thiên Chúa hiện ra với Giacóp tại Bê-then để canh tân lời hứa (28,10-22)

+ Thiên Chúa hiện ra tại Pê-nu-en và đặt tên cho Giacóp là Ítraen (32,22-32)

+ Thiên Chúa canh tân lời hứa tại Bê-then (35,1-15)

Chúng ta biết, trong truyền khẩu, có nhiều thuật truyện về Giacóp được xây dựng trên các mẫu truyện dân gian truyền thống, chẳng hạn:

- Chăn chiên thì tốt hơn săn bắn (Giacóp được coi trọng hơn Esau)

- Nguồn gốc của các địa danh nổi tiếng (Bê-then [Bethel] = “Nhà Thiên Chúa”)

- Một đêm đấu với một vị thần ẩn dạng (Giacóp vật lộn với thiên thân)

- Những lối chơi chữ về tên gọi của kẻ thù (Esau tóc hoe đỏ được đặt tên theo kẻ thù của Itraen là Êđôm).

Isaac là con của Apraham, và là con của lời hứa (21,1-7 ; 26,4-6), là đối tượng của trình thuật về hy lễ trên núi thuộc xứ Môrigia (22,1tt).

Thế nhưng, dung mạo và vai trò của ông Isaac khá lu mờ. Ông tựa như một người chuyển tiếp giữa ông Apraham và ông Giacóp mà thôi. Isaac chỉ biết lo nghề chăn nuôi đàn thú vật (26,12-14). Tính tình trầm tĩnh và hiền lành của ông đã giúp ông biết nhẫn nại chịu đựng: nhường người khác về chuyện các giếng nước (26,19-22); không nổi cơn thịnh nộ khi bị người con là Giacóp lừa gạt (27,33-34).

Ngược lại, Giacóp là một con người tính toán, mưu mô, xảo quyệt, lưu manh, và gian xảo. Thời xưa, những người sống ở miền Cận Đông có một cách nhìn, một não trạng và những cách hành động không giống người thời nay: cảm thức luân lý của họ không được tinh tế bằng. Đàng khác, Thiên Chúa muốn dùng những con người cụ thể yếu hèn để thực hiện chương trình cứu độ. Biết bao trở ngại xảy ra do con người hay hoàn cảnh gây nên, nhưng chương trình của Thiên Chúa  vẫn tiếp tục. Đó là điều Thiên Chúa muốn cho kẻ có lòng tin thấy được.

Có hai sự việc xảy ra (giấc mộng ở Bết Ên và vụ vật lộn với Thiên Chúa) đã gây ảnh hưởng rất lớn trên con người và đời sống ông Giacóp.

- Thứ nhất, vì sợ Eâxau, Giacóp trốn sang Kharan, miền Bắc Lưỡng Hà. Trong cuộc hành trình này, Thiên Chúa cho ông một thị kiến về chiếc thang bắc lên trời (28,10-22). Qua thị kiến này, Thiên Chúa tỏ mình ra là Đấng hiện diện với các tổ phụ Apraham, Isaac và dòng dõi, khi nhắc lại những phúc lành Người đã hứa ban cho các ông. Thiên Chúa hứa sẽ hiện diện trong đời của Giacóp: Người ở với ông, sẽ giữ gìn ông, và sẽ không bỏ ông…

- Thứ hai, vụ vật lộn với Thiên Chúa (32,23-33) mang nhiều ý nghĩa. Thiên Chúa đến trong cuộc đời Giacóp bắt ông phải vất vả phấn đấu. Cuộc vật lộn đó chỉ mối tương quan cam go giữa con người và Thiên Chúa: phải liên tục cố gắng không buông Người ra, bám chặt lấy Người và từ Người ông nhận các phúc lành của Thiên Chúa. Đó là thái độ của người tin: “tin” là bám lấy Thiên Chúa, và ở lại trong Người.

Theo Kinh Thánh, ông Giacóp là tổ phụ của mười hai chi tộc Ítraen. Thế nhưng tại sao người ta phải tìm cách xác định ông Giacóp là nguồn gốc cả mười hai chi tộc dân Ítraen ? Sự thống nhất quốc gia về mặt chính trị và tôn giáo đòi phải như thế. Việc tôn thờ Giavê bấy giờ là yếu tố hợp nhất mạnh mẽ toàn thể các chi tộc, nhưng quyền lợi riêng tư và đặc tính tâm lý chủng tộc giữa các chi tộc thường lại rất xung khắc nhau. Trong một công thức thờ phượng, bao giờ Giavê cũng là Thiên Chúa của các tổ phụ, Thiên Chúa của Apraham, Isaac và Giacóp. Dân Ítraen chấp nhận đạo của tổ tiên, thì cũng phải giải thích làm sao để có cùng một người cha tinh thần và thể chất nữa.

Chính ông Giacóp là nhân vật đầu tiên mang tên Ítraen, mà sau này là tên của dân tộc, cho nên các chi tộc cũng được sắp xếp theo hệ thống sinh đẻ, như tất cả đều bởi ông, ông tổ chung của toàn dân.

c. Giuse (37 – 50)

Trình thuật này dựa trên các câu chuyện dân gian cổ thời nói về Giuse và những ngày Giuse bên Aicập. Văn kiện J đã viết lại thành một tiểu thuyết nói về thời Salômôn và được kể làm phần cuối của sách Sáng thế.

Một số chi tiết có liên quan, chẳng hạn:

- Áo khoác nhiều màu (37,3) là loại áo người Sêmít sơ khai đã mặc được hoạ trên ngôi mộ thuộc thế kỷ 18 BC tại Beni Hasan.

- Mối liên hệ anh em thì tương tự như sự tranh giành của bộ tộc được miêu tả trong các bức thư của thành phố Mari thế kỷ 18 và 17 BC.

- Một nhà cầm quyền Sêmít có địa vị cao thời Hyksos Sêmít đã chinh phục Aicập vào thế kỷ 17 và 18 BC.

- Mối dan díu của Giuse với vợ của Potiphar cũng tương tự truyền thuyết hai anh em nói về việc người vợ của người anh cả cố dụ dỗ người em, nhưng người em chống cự, nên bà la toáng rằng người em đã xúc phạm đến bà (ANET 23-25).

- Truyền thuyết Aicập cũng kể về câu chuyện 7 năm được mùa, rồi đến 7 năm mất mùa, điều này được miêu tả trong St 41 (ANET 31).

- Người ta cũng khám phá được một pho tượng hình vua Idri-mi ở thành phố Alalakh thuộc  Siria cai trị khoảng năm 1400 BC (ANET 557-558). Vị vua này đã tranh cãi với các anh em mình, đã trốn  sang vùng đất khác và lưu vong nhiều năm, đã nhận được những lời sấm, thâu tập binh lực, đánh chiếm lại Alalakh, lên ngôi vua và tha thứ cho các anh em mình. Các yếu tố câu chuyện này giống với câu chuyện Giuse. Điều này cho chúng ta thấy truyền thống Kinh thánh đã vay mượn nhiều yếu tố thời danh nói về sự đảo ngược vận mệnh (reversal of fortune) và sử dụng chúng nhằm trình bày về một Thiên Chúa đã lưu tâm đến Giuse, như ông đã nói:

“Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em, để giữ cho anh em một số người sống sót trong xứ, và để cứu sống anh em, nhằm thực hiện cuộc giải thoát vĩ đại. Vậy không phải các anh đã gửi tôi đến đây, nhưng là Thiên Chúa. Người đã đặt tôi làm cha của Pha-ra-ô, làm chúa tất cả triều đình, và làm tể tướng trên khắp cõi Ai-cập (St 45,7-8).”

“Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo (St 50,20)”.

Trong Kinh Thánh, không một nhân vật nào trong các tổ phụ được thần tượng hoá như ông Giuse. Giuse là con người lý tưởng trong bất cứ hoàn cảnh nào (người con, người anh em, người bầy tôi, người công chức…).

Mục tiêu của những trình thuật về ông Giuse là việc ông Giacóp và gia đình di cư sang Ai Cập, và như vậy chuẩn bị môi trường dần dần cho cuộc xuất hành sau này. Cuộc xuất hành là biến cố vĩ đại, đồng thời là kinh nghiệm đầu tiên của Ítraen, như một dân tộc, về sự can thiệp của Thiên Chúa.

Các trình thuật về ông Giuse không chú trọng trực tiếp đến giao ước và các lời hứa, nhưng dựa vào các sự kiện lịch sử để triển khai những suy nghĩ tôn giáo mang dấu vết trào lưu khôn ngoan về hoạt động của Thiên Chúa Quan Phòng trong cuộc đời ông Giuse. Từ đó, chúng ta có những giáo huấn về đời ông Giuse:

- Thứ nhất: Những đau khổ, thử thách trong cuộc sống con người góp phần rèn luyện họ và giúp họ trở thành dụng cụ hữu hiệu cho ý định cứu độ của Thiên Chúa.

- Thứ hai: Thiên Chúa đối xử nhân hậu với con người, kẻ xấu cũng như người tốt. Người tiên liệu mọi điều, và có thể biến đổi mọi sự thành phương tiện cứu độ, cho dẫu con người làm cản trở chương trình của Chúa.

Tóm lại, các trình thuật về các tổ phụ (Apraham, Isaac, Giacóp và Giuse) cho chúng ta thấy: Thiên Chúa dùng các tổ phụ như những con người sống tại một vùng đất của trái đất, trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, để thực hiện chương trình cứu độ của Người, và các tổ phụ cũng hết lòng cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa.

Từ Apraham, Thiên Chúa đã tuyển chọn và thiết lập một dân tộc. Qua dân tộc này, Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử dân tộc, để lịch sử của dân Ítraen là lịch sử của ơn cứu độ. Vì thế, cái nhìn tôn giáo về những biến cố trong đời sống các tổ phụ là điều sách Sáng Thế nhắm tới, chứ không phải những biến cố lịch sử theo nhãn giới và mục tiêu của sử gia.

4. Lịch sử, Thiên Chúa và lời hứa đối với các Tổ phụ

4.1. Lịch sử

Khi nói đến lịch sử, người ta thường quan niệm rằng quá khứ được trình bày cho người ta phải ghi theo thời gian diễn ra các biến cố, và chính xác chừng nào hay chừng ấy. Còn những yếu tố cấu tạo nên trình thuật phải được xếp theo mức thang giá trị của các vụ việc: những sự cố quan trọng phải được vạch rõ, những tiểu tiết phải được để sau, theo thứ tự giá trị tài liệu từ lớn tới nhỏ. Đó là quan niệm về lịch sử của thế giới Âu-tây và theo cái nhìn khoa học ngày nay. Còn các ký lục thời xưa ở Ba-bi-lon, ở Pa-lét-tin, hay ở Ai-cập quan niệm lịch sử là bao gồm tất cả mọi văn loại: thơ, anh hùng ca, tiểu thuyết, sử biên niên, giai thoại, tục ngữ ca dao, các bài ca chiến tranh, các truyền thống dân tộc, các kỷ niệm gia đình, v.v. Các thể loại khác nhau này được trình bày nguyên dạng, mộc mạc, xếp lại cái này bên cạnh cái kia, hoặc được chắp nối lại một cách như là vô tình. Vậy đâu là lịch sử thời các tổ phụ được nói trong Sách Sáng Thế?

- Theo Julius Wellhausen, không thể biết chính xác được lịch sử của các Tổ phụ, mà chỉ có thể biết được giai đoạn của các câu truyện kể phát triển trong dân Ít-ra-en.

- Thomas L. Thompson cho rằng không có một một dấu hiệu nào bên ngoài để biết được các câu chuyện về các Tổ phụ.

- John Van Seters cũng đi đến kết luận tương tự khi cho rằng không có một một điều gì cho thấy các Tổ phụ sống du mục mà không thích hợp với đời sống mục vụ trong giai đoạn từ sau nền quân chủ Giu-đa hay trong thời Lưu đày, nhưng nó được nói đến trong giai đoạn sớm hơn.

Sự nhất trí chung của các học giả trên thế giới cho rằng những phong tục tập quán và các cuộc di chuyển được diễn tả trong sách Sáng thế thì rất trùng khớp với nửa đầu ngàn năm thứ ba TCN, đó là từ năm 1900 đến 1500 TCN. Một số lý do chính của quan điểm này là:

- Tên của các tổ phụ không được sử dụng ở những giai đoạn sau này, nhưng được biết đến trước năm 1500 TCN; tên người và nơi trong Sách Sáng Thế thì trùng khớp với những với những tên trong vùng Mesopotamia.

- Những cuộc du mục từ vùng Mesopotamia đến đất Canaan, rồi đến Ai-cập thì cũng rất trùng khớp với những giai đoạn của các cuộc di trú của Người Amorite trong vùng Cận Đông và thời các vua miền trung Ai-cập (năm 2000 – 1750 TCN).

- Những việc thực  hành luật lệ và các phong tục tập quán xã hội như là thừa kế gia sản (St 15,1-3) và việc kết hôn với người em gái (St 12,10-20) đều phản ánh những nét tương tự trong các bản văn vùng Nuzi, những luật lệ của người Hittite và các vùng khác trong ngàn năm thứ hai TCN.

- Câu chuyện của ông Giu-se như là một người đứng đầu ở Ai-cập thì cũng trùng khớp với giai đoạn ở Ai-cập khi mà những luật lệ được đặt ra do các người Hyksos, những người này là một nhóm người  Se-mít xâm chiếm đến từ Palestin và tiến xa đến phía Đông nơi do những người Bắc Ai-cập thống trị từ năm 1700 – 1550 TCN.

- Các Tổ phụ Ab-ra-ham, I-sa-ac và Gia-cóp được mô tả như những người thị tộc thuộc truyền thống Se-mít cư ngụ gần ngoại vi khu trung tâm và hành xử theo những luật địa phương về những quyền đối với việc chăn nuôi súc vật trên những đồng cỏ, nước và đi lại, một lối sống được biết đến từ nguồn tài liệu ( Mari) của những thế kỷ 17 – 18 TCN.

Tuy nhiên, không có một bằng chứng nào trong những điều kể trên chứng minh niên đại của những câu chuyện trong Sách Sáng Thế, bởi vì rất nhiều phong tục tập quán như thế này cũng vẫn còn tồn tại trong những niên đại sau này. Nhưng dường như chúng trải dài sự trùng khớp những điều kiện mà chúng được thực hành cách chung ở vùng Cận Đông trước sự xuất hiện và lớn mạnh của Đế quốc Ai-cập cai trị khoảng năm 1500 TCN.

4.2. Thiên Chúa của các Tổ Phụ

Hầu hết các nghiên cứu tôn giáo về thời các Tổ phụ hơn năm thập niên qua đều khởi đi từ quan điểm của Albrecht Alt. Ông cho rằng những tên gọi Thiên Chúa là để gán cho Thiên Chúa một nhân vị, nghĩa là một Thiên Chúa có ngôi vị. Điều đó cho thấy có sự gắn kết mật thiết giữa Thiên Chúa và con người: Thiên Chúa của Tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của Tổ phụ I-sa-ác, Thiên Chúa của Tổ phụ Gia-cóp, một mối tương quan Thần nhân dưới chiều kích bản ngã, nhưng không làm mất đi tính cách thánh thiêng nơi Đấng mà họ tôn thờ. Vì thế, tôn giáo được nói đến trong Sách Sáng Thế từ đoạn 12 đến 50 không phải là một tôn giáo được trình bày có tính cách lý thuyết. Không hề có bài khảo luận hay những suy tư triết lý về Bản Thể Thiên Chúa. Những câu chuyện về hình ảnh Thiên Chúa mà các Tổ phụ mô tả thì rất bình thường và tự nhiên. Những việc thực hành tôn giáo xác nhận lối sống của các Tổ phụ, rất gần gũi với dân du mục và một xã hội mang tính cách gia đình.

Cách thế mà các Tổ phụ gặp gỡ Thiên Chúa cũng rất bình thường trong đời sống du mục: khi thì trên đường đi, khi thì dựng bàn thờ kính Người. Chính các Tổ phụ chủ toạ các cuộc tế lễ, xây dựng bàn thờ, cầu nguyện và cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa. Thiên Chúa và các tổ phụ gặp gỡ nhau rất tự nhiên, rồi các cuộc thương thuyết cũng diễn ra hết sức cách nhân loại. Thiên Chúa nói trực tiếp, luôn ngõ lời trước trong những cuộc đối thoại và đặt tên cho các Tổ phụ chẳng hạn như: Aùb-ram được đổi thành Áp-ra-ham. Thiên Chúa biết rõ lòng dạ Áp-ra-ham (St 18,19) và Thiên Chúa đã thử lòng ông (St 22,1), và Thiên Chúa cũng đánh đố với Gia-cóp (St 32,22-23). Như thế, tôn giáo mà các Tổ phụ thực hành không phải bị bó buộc bởi bất cứ một hệ thống nào cả. Lối thực hành ấy cho thấy tính cách gần gũi của đời sống du mục và xã hội có tính cách gia đình của một nền văn hoá lưu động (non-sedentary culture).

Những câu chuyện kể lại cho chúng ta rằng các Tổ phụ đã gặp gỡ Thiên Chúa ở những nơi khác nhau. Chẳng hạn, Thiên Chúa hiện ra với ông Áp-ra-ham ở Haran (St 11,32; 12,1-3); Thiên Chúa đối thoại với ông Áp-ra-ham trên đường đến Sođom (St 18,16); Thiên Chúa hiện ra với ông I-sa-ác ở Gerar (St 26,2-5)….Điều đó cho thấy Thiên Chúa của các Tổ phụ có thể xuất hiện bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, nghĩa là Thiên Chúa luôn đồng hành cùng các Tổ phụ trên mọi nẻo đường. Như  vậy, Thiên Chúa mà các Tổ phụ gặp gỡ là một Thiên Chúa nhân vị. Ngài là Thiên Chúa độc nhất; Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-sa-ác, Thiên Chúa Gia-cóp.

4.3. Lời hứa

Lời hứa là yếu tố thánh thiêng để diễn tả căn tính của niềm tín thác vào Thiên Chúa, niềm tin ấy chính là việc Thiên Chúa ở với dân người, hướng dẫn, thăng tiến và ban cho con người miền đất an lành. Bởi thế, các Tổ phụ luôn luôn thuật lại lời hứa ấy cho con cháu. Martin Noth xác nhận rằng các lời hứa không phải là những chủ đề của các tường thuật của các Tổ phụ. Nhưng David J. A. Clines đã minh chứng rằng ‘những chủ đề của Ngũ Thư là sự ứng nghiệm từng phần của lời hứa hay lời chúc phúc của các Tổ phụ’.

4.3.1. Lời chúc phúc

Ông Áp-ra-ham đón nhận lời chúc phúc của Thiên Chúa: “…vì thế mọi loài thọ tạo trên mặt đất nhờ ngươi mà được chúc phúc”(St 12,3; 28,14). Tuy nhiên lời chúc phúc ấy không phải là lời hứa độc lập, nhưng luôn được diễn ra trong toàn bộ các lời hứa khác.

4.3.2. Giao ước

Giao ước được hiểu sâu xa như là một sự bảo đảm uy nghiêm bởi Thiên Chúa, chính người là Đấng bao boc dân và Người sẽ là Thiên Chúa của họ (St 17,7-8).

4.3.3. Một người con

Thiên Chúa ban cho ông  Áp-ra-ham một Người Con ngay sau lời chúc phúc (St 12,1-3). Lời hứa này được liên kết với dòng dõi(St 15,1-6; 16,11) và lời chúc phúc (St 17,6). Không những lời hứa ấy được thực hiên cho ông Áp-ra-ham và bà Sa-ra, mà ngay cả Ishmael cũng được thừa hưởng lời chúc phúc ấy (St 17,20; 21,13,18b).

4.3.4. Miền đất

Thiên Chúa hứa ban miền đất cho ông Áp-ra-ham và dòng dõi của ông (St 13,15;17,8). Lời hứa ấy luôn được lập lại trong toàn bộ bộ Ngũ Thư. Miền đất ấy là yếu tố nói lên tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa với Giao ước (St 26,3; 35,12) và là niềm hy vọng cho các Tổ phụ vì nơi đó chính là nơi Thiên Chúa sẽ cự ngụ với dân của Người (St 17,8), và là nơi dân sẽ thờ phương Thiên Chúa Gia-vê (2V5,17).

VI. SÁNG THẾ THEO QUAN ĐIỂM HIỆN ĐẠI

Nói sách Sáng thế theo quan điểm hiện đại, là muốn trình bày về một cách tìm hiểu và hiểu khác (nếu có) về tư tưởng trong quyển sách đầu tiên của bộ Kinh thánh, tác phẩm đầu tiên của bộ Torah. Vì thế, việc tìm hiểu này không nhằm xác định lại niên đại, tác giả[33] hay những giả thiết các văn kiện.[34] Nhưng điều chính yếu là tìm xem, cho đến ngày nay, người ta hiểu như thế nào về những quan điểm được trình bày trong tác phẩm. Như vậy, ngoài việc xác định lại điểm chính yếu và nội dung của văn phẩm, chúng tôi sẽ liệt kê một vài tìm tòi liên quan đến cách thức hành văn và cấu trúc của văn mạch (ý nghĩa văn chương) theo quan điểm hiện đại. Cuối cùng là khía cạnh thần học của sách Sáng Thế và những hệ luận của nó.

1. Điểm chính yếu của văn phẩm

Sách kể về nguồn gốc vũ trụ, bên cạnh việc thiết lập của các thuyết. Nhưng tựu trung sách vẫn cho thấy nét nổi bật của nó là niềm tin về lời hứa được chúc phúc trong một miền đất cho một người và cho mọi người qua niềm tin ấy.[35]

2. Nội dung của văn phẩm

Xét trên bình diện văn chương Sách Sáng thế là một tập hợp của những câu chuyện để giải thích sự hiện diện của Thiên Chúa lúc khởi đầu và từ đó nói đến mục đích của Thiên Chúa qua thời ấy. Những điều này được thu tập lại bởi những người Ítraen cổ và tạo nên một cuốn sách như chúng ta đang phân tích ở đây.

Những chuyện kể này (chuyện hư cấu) đã không nói nhiều để giải thích sự sáng tạo một chỗ như thế nào, nhưng giải thích tại sao lại sáng tạo một nơi. Các truyền thống trong những chuyện kể này có liên quan ít nhiều, cho nên, nó đề nghị chúng ta cần nhìn trong ý nghĩa văn chương cuả những câu chuyện, sẽ cho thấy những chân lý mà chúng ta tìm kiếm. Dường như nhờ vào nhiều những biểu tượng hay cấp độ trực giác của việc hiểu những câu chuyện cổ này có thể nói cho chúng ta không chỉ vào thời gian đầu mà trong cả thời gian của chúng ta đây nữa.

3. Quan điểm hiện đại nhìn về Sách sáng thế[36]

Nói là quan điểm hiện đại, nghĩa là ở đây chúng ta cũng sẽ dựa vào khoảng thời gian từ năm 1970 đến nay.

Chúng tôi sẽ cố gắng đưa ra những nét tiêu biểu khi đọc văn phẩm này trong nhãn quan mà các nhà nghiên cứu về Ngũ Thư đưa ra để cho thấy nét mới về bộ Ngũ thư, đặc biệt là sách Sáng Thế.[37]

3.1. Việc biên soạn dưới bàn tay con người

Chúng ta không thể phủ nhận sự xuất hiện của một văn phẩm mà không có bàn tay con người trong đó. Chính với nhận thức và suy tư của con người đã đóng góp hình thành nên văn phẩm của mình. Tuy nhiên, điều muốn nói đến ở đây là việc soạn giả can thiệp vào nội dung văn phẩm, để từ đó có sự biến tấu của văn phẩm. Chẳng hạn:

3.1.1. Những đoạn được thêm vào trong lúc biên soạn

Chẳng hạn: Sáng thế chương 14 kể về ông Abram[38] trong trận chiến với các vua Kơdor-Laomer và các vua liên minh (14,1-16), và việc ông được chúc phúc bởi Thượng tế Melchizedek (14,17-24) sau khi thắng trận. Khi so sánh với các tường thuật về dung mạo các tổ phụ khác, người ta thấy dung mạo của Abraham ở đây được miêu tả một cách khác thường.[39] Chính vì điều này mà người ta cho rằng, bản văn này là một dạng bản văn độc lập được thêm vào. Bởi vì, xuất hiện trong bản văn là một Abram không như một mục tử, một ngoại kiều tạm trú và muốn có một đời sống hoà bình với dân xung quanh. Trong bản văn này, Abram trở thành một chiến binh, một thủ lãnh lãnh đạo những chiến binh đi đánh trận và chiến thắng vẻ vang. Ông là một anh hùng và được tán tụng. Chính vì thế, mà người ta nhận thấy đây là một bản văn độc lập không thuộc một nguồn nào cả.[40]

Ở Sáng thế chương 24 kể về cuộc kết hôn giữa Isaác với Rebeca (St 24,1-67 ; 26,23-25).

Điểm nào trong câu chuện này để chúng ta nhìn nhận đây là một bản văn không được sáng tác cùng thời ? Điều này xảy ra trong hai khiá cạnh. Trước hết về người “nộ bộc”[41] hay “người đàn ông” trong chuyện hỏi vợ cho Isaác con của Abraham; thứ đến đó là vấn đề của “lễ vật xin cưới” hay của “hồi môn-mohar”,[42] một quy tắc trong vấn đề cưới xin mà người nhà trai phải trao cho nhà gái (xc. Đnl 22,13 tt. 28-29).

Đọc bản văn này người ta nghĩ rằng, cho dù cho một số khía cạnh không trơn tru nhưng có thể thấy một nguồn văn có thể là duy nhất ở văn phẩm này là nguồn J.[43] Để biết được bản văn là thuộc về nguồn J, người ta đã dựa vào bố cục của văn mạch. Ở đây, các câu 1-9 là lời căn dặn và một lời thề hoặc như một mệnh lệnh, cho thấy Abraham rất có thể đang trong hấp hối hoặc đã chết (St 47,29-31). Khi đoàn lữ khác trong về (62-67), không còn nói đến ông Abraham nữa, mà chỉ kể đến việc Isaac đang dạo ngoài đồng, lão bộc kể thuật chuyện lại cho Isaac và việc Isaac đón Rebecca vào lều của bà Sara, mẹ của ông. Như vậy, có thể ông Abraham đã chết? Điều này cũng có thể lý giải rằng, soạn giả đã lược bỏ lời thuật tiên khởi về cái chết của Abraham khi có được đoạn 25,1-6.[44]

3.1.2. Kỹ thuật “nhắc lại” hay là khía cạnh “nhị bội” của bản văn

Điểm cốt yếu là sau khi đã bàn tán thêm ra hoặc thêm vào những khía cạnh khác thì lại trở lại ý tưởng ban đầu đã nói. Điều này khiến người ta dễ nhận ra có một sự trùng lắp hoặc có thể là dư trong việc biên soạn; đồng thời cũng chứng tỏ sự khác biệt bút pháp của soạn giả, nghĩa là không chỉ có một soạn giả mà đôi khi có hơn một soạn giả.

Trong khía cạnh này, chúng ta xem xét hai bản văn (St 6,9-22 [6,22]; 7,1-5 [7,5]). Ở trong hai bản văn này không chỉ là việc lặp lại một lời trình bày : “Và Noe đã làm mọi sự : như Thiên Chúa truyền cho ông làm sao, ông làm y như vậy” (6,22 // 7,5). Ở 7,5 có ngắn hơn nhưng nội dung cũng chỉ một ý nghĩa như (6,22) ; ngoài ra, trong cách xưng hô ở hai bản văn này cũng cho thấy một sự khác biệt. Ở 6,22, tác giả thuật : “Noe đã làm mọi sự : như Thiên Chúa (êlôhim)…”, trong khi đó, danh xưng Thiên Chúa đã được đổi thành “Giavê - YHWH” ở bản văn 7,5. Một điểm khác ở hai bản văn này là có sự thay đổi về số thú vật : ở bản 6,19, Thiên Chúa nói với Noe chọn mỗi loài trong các thú vật là một cặp; còn ở trong 7,1-3, có nhắc đến loài thanh sạch và không thanh sạch, số con vật (định loại) được chọn cũng thay đổi (7 với loài thanh sạch và 2 với loài không thanh sạch).[45]

3.1.3. Một vài “mốc ngữ học” của công việc soạn lại

- Các diễn từ của Thiên Chúa. Những hình thức này như một sự lặp lại hoặc thêm vào một trạng từ để nhằm tạo một sự liên tục trong văn mạch hay cho thấy tính cách cấp bách của ý nghĩa hoàn cảnh : xem St 22,15-18 (x. 16,9.10.11).

- Các lời chú thích được đưa vào bằng việc sử dụng các mạo từ nhằm xác định rõ danh tánh của một ai đó : St 36,1.8.19 (2.4.6.9.15: không còn dùng mạo từ chỉ định trong khi trong 36,1 dùng mạo từ xác định) ; xem thêm 14,2.3.7.8.17.[46]

- Các lời chú thích lấy lại một hoặc nhiều từ của bản văn gốc

St 13,13 : bản văn cho thấy Abraham sau khi chia tay với người cháu là Lot, ông này đến ở gần Xơđôm (12b). trong câu 13, tác giả thông tin về thành Xơđôm, điều này không cần thiết cho lắm. Tuy nhiên, học giả lại nói đây là một sự chuẩn bị để dẫn độc giả bước vào St 18,19 mà thôi (x. St 16,7 ; Xh 16,36 ; Ds 13,22 ; Đnl 3,9)

3.1.4. Một vài “diễn từ quan trọng của Thiên Chúa” được thêm vào khi soạn lại

Xem chẳng hạn St 12,1-4a [phân tích 12,1-3; 12,4a; 12,4b; 12,3; 12,1-3] (x. 13,14-17; 28,13-15).

Việc thêm này nhằm tăng thêm giá trị đặc biệt của lời giáo huấn, đặc biệt trong những giai đoạn quan trọng của lịch sử Dân Chúa. Trong những văn bản thêm vào như vậy, uy danh của Đức Chúa luôn được đề cập một cách trạng trọng. Dụng ý này nhằm cũng khẳng định một bối cảnh thời gian của cuộc sống dân Thiên Chúa. Thiên Chúa là chủ và là Đấng ban phát lề luật cùng mọi hướng dẫn. Vì thế, những diễn từ của Thiên Chúa có một giá trị tuyệt đối trên hết và mọi người phảo tuân theo. Đây được coi là giọng văn của các tư tế hoặc của kỳ mục.

Chẳng hạn trong tường thuật kêu gọi Abraham 12,1-9. Người ta thấy nơi tổng thể bản văn này được xen giữa bởi một bản văn có nguồn là P trong khi, phần đầu và phần của bản văn là thuộc nguồn J [St 12,1-4a thuộc (J); các câu 4b-5 thuộc (P) và 6-9 lại thuộc (J)]. Như thế, “4b-5 là tiếp tục câu chuyện kể về cuộc di chuyển của ông Abraham đến miền đất hứa liên kết với việc mô tả việc di chuyển của bộ tộc Têra (11,31-32). Lời sấm 12,1-3 và nhắc đến sự vâng lời của Abraham ở 12,4a tháp vào bài biên niên nói về Abraham ra đi vì ‘vâng lời’. Câu 12,4b nói về tưởi của Abraham không theo c. 5 mà lại đi trước câu này. Chi tiết này được đổi chỗ để đưa vào mạch văn mới. Mặt khác, lời sấm 12,1-3 cho thấy một quyết định từ YHWH để đưa gia đình Abraham về một xứ lạ”.[47]

Cuối cùng, với cụm từ “hãy đi lên” mà chúng ta được thấy xuất hiện trong trình thuật kêu gọi ông Abraham đến miền đất mới cũng được những người trở về từ Babylon liên hệ một cách thiêng liêng vào lời gọi của YHWH trở về đất hứa (x. Is 40 – 55).

3.2. Một vài đặc tính khác trong việc soạn thảo

- Việc bảo tồn tính chất cổ xưa hay tính quan trọng. Chẳng hạn, việc người ta vẫn coi nền phụng tự và thánh điện ở Giêrusalem (được gán cho Abraham: St 22,1-19; 22,14) trọng hơn là nền phụng tự tại Bét-en (được gán cho Giacóp: St 28,10-22).

Trong các bài tường thuật về các tổ phụ cũng muốn xác tín một điều rằng : Thiên Chúa của Môsê trong cuộc xuất hành và Thiên Chúa của các tổ phụ cũng chỉ là một Thiên Chúa mà thôi. Giải quyết điều này để tránh có những xung khắc hay nghi ngờ giữa Ítraen và “dân trong xứ”, và nhằm khẳng định tính truyền thống của Ítraen trước mặt muôn dân.

- Việc bảo tồn tất cả truyền thống. Nghĩa là không muốn loại bỏ bất kỳ điều gì mang tính truyền thống sâu sắc, đặc biệt nếu điều đó là do chính Đức Chúa truyền và được ông Môsê truyền lại.[48] Chẳng hạn: có những bản văn khác nhau được đặt bên nhau bởi vì nó chỉ kể về một chuyện duy nhất, mặc dù giữa chúng có những ghồ ghề (hai chuyện về tạo dựng : St 1 – 3; hai chuyện về giao ước Đức Chúa ký kết với Abraham: St 15; 17; và ba chuyện về vợ hay em gái: St 12; 20; 26).

- Tính liên tục và tính hiện tại. Nhằm qui chiếu những gì có trong quá khứ và áp dụng nó vào hiện tại, đặc biệt qua hình tượng các tổ phụ và qua các lời hứa mà các ngài đã được lắng nghe từ Đức Chúa và truyền lại cho dân (St 46,1-5a; 50,24). Sự  tin tưởng này được nhắc lại và nhờ đó nó làm nên tính hiện tại cho đời sống của dân.

- Sự tiết kiệm [viết những điều cần thiết]. Điều này cho chúng ta một cái nhìn là, các bản văn được thâu tập lại, phải chăng được thâu gom lại từ những câu chuyện truyền khẩu và những “mảnh văn nhỏ” để rồi dần dần thành một tài liệu.[49]

Tóm lại, cho đến ngày nay, người ta vẫn nhìn vào sách Sáng thế với hai trình thuật : 1) từ chương 1 – 11 nói về nguồn gốc của thế giới, của con người, được bắt đầu từ Adam cho đến Abraham; 2) từ 11,27 – 50,26  nói về nguồn gốc của Ítraen qua các tổ phụ.[50]

Việc soạn tác các văn phẩm cho đến ngày hôm nay, người ta đã không có những thống nhất về nội dung các văn phẩm: hoặc những luận cứ trước kia (về tác giả, về nguồn văn)[51] đang bị mất vị thế, hoặc vì có những phần thêm khác [giả thuyết các văn kiện : thuyết về các đoạn bản (fragments) hoặc thuyết về các câu, đoạn bổ túc (complements)] nhờ những khám phá, nghiên cứu bản văn [đồng đại hay lịch đại] mà ra.

Từ những điều này, chúng ta có thể khẳng định rằng, cho đến hôm nay, nhờ vào những khảo cứu và phân tách văn phẩm, việc tìm hiểu về giá trị tính thực của cả bộ ngữ thư và cách riêng với tác phẩm Sáng thế về mạch văn, tác giả hay nguồn văn… vẫn còn chứa đựng nhiều những suy nghĩ khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tin một điều rằng, dù sao, những quy điển Kinh thánh vẫn ẩn chứa những mạc khải mà con người mọi thời đại có thể tìm thấy để nhận biết một lịch sử hình thành nhân loại, một lịch sử tính đời mình và một tiến trình tâm linh kiếm tìm nguồn chân thật về Thiên Chúa vẫn là những mời gọi cho con người ngày hôm nay.[52]

VII. THẦN HỌC SÁCH SÁNG THẾ

1. Con người trong tương quan với vũ trụ

Thiên Chúa yêu thương con người, đặt con người làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo. Con người là đỉnh cao và là trung tâm của công trình tạo dựng, có xác có hồn, được tạo dựng từ hư vô

1.1.  Con người là đỉnh cao của công trình tạo dựng

Trình thuật thứ nhất (St 1,1- 2,4a) : Đây là trình thuật Tư Tế, xuất hiện vào TK VI trước CN. Bài trình thuật này vẽ lên một bức tranh vĩ đại. Thiên Chúa đã đưa trời đất ra khỏi cảnh hỗn mang nguyên sơ. Ngài cho xuất hiện mọi sự làm nên cảnh phong phú và tươi đẹp. Trình thuật Tư Tế phân phối công trình tạo dựng vũ trụ và loài người trong vòng một tuần lễ: Thiên Chúa làm việc tạo dựng trong 6 ngày. Ngày thứ 7, Ngài nghỉ ngơi. Thiên Chúa tạo dựng chỉ bằng lời phán. Và trong trình thuật này, con người được trình bày như là đỉnh cao trong việc tạo dựng của Thiên Chúa, con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, được trao nhiệm vụ cai quản vũ trụ. Sau khi hoàn tất mọi việc, Thiên Chúa nghỉ ngơi và chúc lành cho ngày thứ 7 : từ nay, ngày này là ngày nghỉ ngơi. Con người phải sống và làm việc theo mẫu mực hoạt động của Thiên Chúa. Qua trình thuật thứ nhất, ta thấy việc tạo dựng hoàn toàn xuất phát từ lời toàn năng của Thiên Chúa. Ngài hành động theo chương trình của Ngài, vì tình yêu bao la đối với con người và lợi ích của con người.

1.2.  Con người là trung tâm của công trình tạo dựng

Trình thuật thứ hai (St 2,4b - 25) : Trình thuật này được gọi là trình thuật Giavit, xuất hiện vào thế kỷ IX trước CN, sử dụng kiểu nói nhân hoá và chú trọng đến sự tạo dựng con người hơn là tạo dựng vũ trụ. Thiên Chúa tạo dựng đôi vợ chồng đầu tiên và khung cảnh sống của họ. Ngài dựng nên một khu vườn, rồi dùng đất dựng nên thân xác con người và thân xác các con vật. Từ thân xác người đàn ông, Thiên Chúa dựng nên người phụ nữ. Thiên Chúa làm việc như một nghệ nhân, Ngài được miêu tả như người thợ gốm : Ngài nặn một hình người rồi thổi hơi vào. Và ngay từ đầu, công việc của Thiên Chúa thật hoàn hảo : con người được dựng nên để sống hạnh phúc, cùng với một người bạn đồng huyết nhục. Qua trình thuật này, ta thấy rằng con người xuất hiện đầu tiên, kế đến mới tới thực vật và động vật, và Eva. Hay nói cách khác, con người đứng ở trung tâm của công trình tạo dựng, được bao quanh bởi tất cả những thụ tạo khác.

Ngoài ra, khi mô tả việc tạo dựng con người, Thánh Kinh cho chúng ta biết Thiên Chúa đã dựng nên người nam và người nữ để họ sống liên kết với nhau và cho nhau. Kinh Thánh mô tả : "Người nam ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó" (St 2,18). Thiên Chúa lấy xương sườn người nam tạo thành người nữ và dẫn đến cho người nam. Ông nói : "Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi" (St 2, 23). Ta thấy Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người để họ sống thành một cộng đoàn, họ hiệp thông với nhau, sống bình đẳng và bổ túc cho nhau.

Qua hai trình thuật trên, ta thấy con người là một thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên với lòng yêu thương và Ngài dành cho họ một sự quan tâm tuyệt hảo.

1.3.  Tạo dựng từ hư vô

Về sự hiện hữu của con người, Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người từ hư vô. Sách 2 Mcb 7,28 diễn tả rất rõ về điều này : "Con hãy ngước mắt nhìn trời đất mà xem tất cả mọi vật trong đó, và hãy biết rằng Thiên Chúa đã làm ra chúng, không phải do vật gì đã có trước và về loài người cũng như thế". Vì thế, Thiên Chúa đã dựng nên trời đất và biển khơi, nghĩa là mọi tạo vật từ hư vô, từ "cái không là hữu thể". Dĩ nhiên, quan niệm của Kinh Thánh không hoàn toàn là quan niệm siêu hình, nhưng điều chắc chắn là "Quyền Năng Tạo dựng" của Thiên Chúa bao hàm tất cả và không có gì xuất hiện ngoài quyền năng ấy. Tất cả đều lệ thuộc vào Thiên Chúa. Tất cả đều là ơn nhưng không của Thiên Chúa, để từ đó gợi lên lòng biết ơn và tạ ơn nơi con người.

1.4.  Con người có xác và hồn

Con người là một hữu thể có xác và hồn. Thánh Kinh dùng một ngôn ngữ biểu tượng để diễn tả. Việc tạo dựng con người được trình bày như một kinh nghiệm mà con người có được : khi một người chết đi, người đó không còn thở nữa, thân xác huỷ hoại dần và trở thành đất. Cho nên tạo dựng con người là đi ngược lại diễn tiến đó : "Thiên Chúa lấy đất sét nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật" (St 2,7).

Giáo huấn của các chương này có thể qui về một ý tưởng chính: ơn gọi của con người.

- Con người tuỳ thuộc vào Thiên Chúa. Vì vậy con người vừa thấp hèn vừa cao cả.

- Con người là trung tâm của vũ trụ. Vì thế, con người thực vĩ đại và con người có quyền trên thiên nhiên.

- Con người đứng trung gian giữa thế giới vật chất và Thiên Chúa.

- Con người được mời gọi làm việc, do đó, con người có nhiệm vụ chu toàn bổn phận.

- Con người được kêu gọi để sống với người khác. Vì thế hôn nhân và gia đình có tầm mức quan trọng.

2. Phẩm giá con người trong tương quan với Thiên Chúa

Điều đầu tiên có thể nói về phẩm giá con người, đó là trong các loài thọ tạo, duy chỉ có con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và được trao cho bổn phận làm chủ trái đất. Vì giống Thiên Chúa, con người được tạo dựng cho Thiên Chúa. Cho nên bận tâm của sách Sáng Thế là khẳng định vị trí và chức năng đặc biệt của con người trong thế giới.

2.1.  Con người được dựng nên giống "hình ảnh" Thiên Chúa

Quả vậy, con người không phải là hình ảnh của một vị thần linh nào đó theo cái nhìn của con người, nhưng là hình ảnh của một vị Thiên Chúa độc nhất, siêu việt đến nỗi họ bị cấm không được tạc hay vẽ hình ảnh của Ngài (Đnl  27,15). Chỉ có con người hãnh diện với tước hiệu này, một tước hiệu diễn đạt phẩm chức cao cả nhất của họ (St 9,6).

Có thể nói con người là hình ảnh Thiên Chúa, thì cũng có thể hiểu là con người có "linh hồn bất tử" giống Thiên Chúa ; kế đến, con người được Thiên Chúa ban quyền cai quản và thống trị mọi loài thụ tạo trong vũ trụ.

Như C. Westermann trình bày : "hình ảnh" ám chỉ nhân vị như một toàn thể đúng như một ngôi vị là thụ tạo của Thiên Chúa và cách nào đó cũng tương hợp với Thiên Chúa - như thế giữa ta và Thiên Chúa có một tương quan chặt chẽ. Qua đó ta nhận ra rằng cuộc sống của con người thật đáng quí và có một giá trị tuyệt vời.

Sách giáo lý công giáo số 357 có ghi : Vì con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nên có phẩm giá là một nhân vị. Không phải là một sự vật mà là một con người. Con người có khả năng tự biết mình, tự làm chủ chính mình và tự do tự hiến và thông hiệp với những người khác. Do ơn sủng, mỗi người được mời gọi để giao ước với Đấng Tạo dựng, dâng lên Ngài một lời đáp trả tin yêu mà không ai có thể thay thế được.

2.2. Con người làm chủ và có tương quan với thế giới

Và như đã trình bày, những trình thuật đầu của sách Sáng Thế mô tả con người sống hạnh phúc trong vườn Địa đàng : Họ được Thiên Chúa dựng nên có đôi, thú vật phục tùng qua việc họ đặt tên cho muôn thú và làm chủ mọi sự. Và cái tên Ađam diễn tả cội rễ của con người : đó là con người bởi đất. Con người không lạ lẫm vối thế giới xung quanh vì con người được kéo ra từ cùng một vật chất hiện diện trong thế giới.

Do đó, khi trình bày mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, thì không thể không đề cập đến mối tương quan giữa con người và thế giới. Ađam không sống lẻ loi, vì bắt nguồn từ đất, ông có tương quan thân mật với thế giới vật chất và sinh vật. Và đặc biệt từ việc tạo dựng Evà, ông có thể sống trong một cộng đoàn nhân loại.

Như vậy, mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và mối tương quan giữa con người với thụ tạo là hai mối tương quan khó tách biệt ra được.

2.3.  Con người có tự do

Con người có một giá trị đặc biệt mà Thiên Chúa đã phú ban cho họ. Con người "giống" Thiên Chúa không chỉ về trí tuệ : họ có khả năng nhận biết các thụ tạo và đặt tên cho chúng ; Nhưng họ còn giống Thiên Chúa về ý muốn : họ có thể chọn lựa và tự quyết, do đó họ có tự do. Cho nên không lạ gì khi tác giả Thánh vịnh thốt lên : "So với thần linh, Người không để thua là mấy. Vinh dự huy hoàng là triều thiên mà Người ban tặng" (Tv 8,6).

Con người là một thọ tạo ưu tuyển mà Thiên Chúa đã dựng nên. Ngài đã tạo dựng nên họ từ hư không và cho họ được hiện hữu. Hơn nữa, Ngài còn làm nên họ giống hình ảnh của Ngài, đặt để họ vượt trên mọi thụ tạo khác, muốn họ cai quản và làm phát triển thế giới này. Tất cả những gì mà Thiên Chúa đã làm cho con người, thì Ngài làm chỉ vì tình yêu và lòng nhân hậu của Ngài.

Tuy nhiên, từ đầu con người đã không đáp trả Thiên Chúa cách tương xứng. Họ đã phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa. Và một khi đã có tội, tất cả đều bị rối loạn và đảo lộn. Thế nhưng, Thiên Chúa không bỏ cuộc, Ngài hứa sẽ cứu độ con người và dĩ nhiên là Ngài trung thành mãi mãi với lời hứa ấy. Sức mạnh tình yêu và lòng nhân hậu ắt sẽ chiến thắng quyền lực sự dữ và tội lỗi. Cho nên, nhìn lại công trình tạo dựng của Thiên Chúa, dường như ta thấy thấp thoáng một điểm gì đó "tiêu cực" mà từ đó Thiên Chúa bắt đầu hứa cứu độ và thực hiện lời hứa cứu độ ấy qua lịch sử con người.

3. Lời hứa cứu độ

Khi dựng nên vũ trụ và lịch sử thì không có gì thúc đẩy Thiên Chúa ngoài tình yêu và ân sủng của Ngài. Thế giới vũ trụ, cũng như con người khi được tạo dựng, đều ở trong một tình trạng tốt đẹp. Khi tội lỗi xuất hiện, thì thế giới rất tốt lành này đã biến thành một nơi đầy dẫy những độc ác (St 6,11).

Do sự lựa chọn sai lầm của con người, tội lỗi đã nhập vào thế giới và cản trở chương trình của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn giữ nguyên ý định ban đầu: đó là cho con người được sống và hạnh phúc. Vì thế Ngài hứa ban ơn cứu độ cho con người: "Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống ngươi và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ đạp nát đầu ngươi, còn ngươi sẽ rình táp lại gót chân" ( St 3,15).

Thiên Chúa vẫn luôn là Đấng ban phát hồng ân cho con người. Thay vì báo thù vì sự vô ơn của Ađam của Evà, Người vẫn tỏ ra ân cần đối với họ: "Giavê Thiên Chúa đã làm cho người và vợ nó áo choàng bằng da thú mà mặc cho chúng ( St 3,21).

Lịch sử thánh không dừng lại ở chính nó, trên bình diện mô tả các sự kiện mang tính lịch sử. Nhưng lịch sử ấy đã được định hướng và diễn tiến nhắm đến một cùng đích được tiên báo bởi Lời Hứa. Lời Hứa chính là sợi chỉ xuyên suốt lịch sử thánh. Trọn cả lịch sử Ítraen, cả mối tương quan giữa Đức Chúa của Abraham, Isaac và Giacop với Dân riêng của Người mở ra cho thấy con người - đỉnh cao và tâm điểm của tạo thành - đang vươn tới một tương lai mà con người chỉ có thể có được do Thiên Chúa mở ra, trao tặng và hứa ban. Qua những nẻo đường quanh co, con người nhận được mạc khải về tương lai được hứa.

Qua những chặng đường lời hứa được thực hiện : ra khỏi Ai cập, vào đất Canaan, vương quốc Đavit, đền thờ do Salomon, hồi hương sau lưu đày Babylon, tái thiết đền thờ... sức căng thẳng, cuốn hút về tương lai, lời hứa không chỉ không chựng lại, nhưng còn thôi thúc hơn, mở rộng hơn ; không còn đóng khung trong Ítraen, nhưng hướng cả đến các dân tộc trên toàn cõi đất ; không gói gọn trong dòng lịch sử nhân loại, nhưng còn vượt qua bên kia của thời gian, không gian. Chính từ góc nhìn này, góc nhìn đặc thù do mạc khải Tân Ước, cho thấy tương lai của lời hứa.

Thông điệp Humani Generis của Đức Pio XII năm 1950, Ngài viết: “Sáng Thế không phải là câu chuyện lịch sử theo quan niệm ngày nay, nhưng là trình thuật mang một số sự kiện thực sảy ra. Trình thuật này còn đặc biệt là một Lịch Sử Cứu độ”

VIII. KẾT

Sách Sáng thế là cuốn khởi đầu cho câu chuyện Kinh thánh. Nó được phân thành hai phần rõ rệt: St 1 – 11 và 12 – 50 nhằm nói lên lịch sử của thời khai nguyên loài người để từ đó các tổ phụ như là cha của một dân tộc đặt nền và khai sinh ra một dòng giống cho Thiên Chúa. Tất cả những gì sách Sáng thế nói đến là điều kỳ diệu của công trình sáng tạo, niềm vui cuộc sống, nỗi đau tội luỵ, kinh hãi sự chết, Thiên Chúa hiện hữu với lòng kiên nhẫn yêu thương và trung tín. Tất cả các điều đó cho ta hiểu thế nào là ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho Ítraen. Tất cả mọi điều của sách Sáng thế được đặt nền trên lời hứa. Lời hứa này được cụ thể hoá nơi chính các tổ phụ mà từ đây một dân tộc được thiết lập, được lớn mạnh và thành toàn trong một dân rộng lớn là toàn thể nhân loại.

 

----------------

THƯ MỤC

1. Lawrence Boadt, Reading the Old TestamentAn Introduction (New York: Paulist Press, 1984)

2. Joseph Blenkinsopp and John Challenor, Pentateuch (Chicago: ACTA Foundation, 1971)

3. John J. Scullion, SJ, Genesis – A Commentary for Students, Teachers, and Preachers (Minnesota: The Liturgical Press, 1992)

4. Bruce Vawter, CM, A path through Genesis (New York: Sheed and Ward, 1965)

5. Nguyễn Ngọc Rao, OP, Tìm hiểu ngũ thư (Học viện Đa Minh, 2005)

6. Vũ Phan Long, OFM, Bộ Ngũ thư – Nội dung và văn chương (Sài Gòn: Lời Chúa, 2004)
 
-------------------------------------------------------------------------

[32] Lawrence Boadt, Op. cit., 138.

[33] Cho đến lúc này, người ta vẫn công nhận tác phẩm này có liên quan đến tác giả là Môsê. Xem :2 Sbn. 25:4; Lc 2:22; 24:44; David Malick, An introduction to the Pentateuch : Authorship of the Torah. Nguồn từ http://christian-bible.com/OldTestament/pentateuch.htm // or Bible.org; Gerald A. Larue, Old Testament Life and Literature (1968), chương 3.

[34] X. Nguyễn Ngọc Rao, OP. cit., 32. Vì là một tập hợp những câu chuyện về thời nguyên sơ, với những hình thức khác nhau về văn mạch [nhị lặp hay điệp văn ..], bên cạnh việc so sánh hay trường ca về ông Giacóp (miền Bắc) và ông Ápraham (niềm Nam), người ta cho thấy có một nguồn văn được gọi là P, và những tác giả của nguồn văn P này đã tổng hợp hai nguồn văn khác là (J) và (E) làm nên văn phẩm này (St 13:18; 23:2) [k. 721 B.C.E]; xem thêm: http:// ToC/reading the Old Testament/Part 1: Prologue to the Torah.

[35] X. Nguyễn Ngọc Rao, OP. cit., 6 và 32 tt.

[36] X. Fx.  Vũ Phan Long, OFM, Bộ Ngũ Thư, nội dung và văn chương (Sài Gòn: Lời Chúa, 2004) 153 tt.

[37] Ibid., chương VI.

[38] Những câu chuyện kể về ông Abram được bắt đầu từ chương 12 cho đến giữa chương 25:1-18.

[39] Ở đây, ông Abram được miêu tả với dung mạo của một chiến binh, một thủ lãnh của một nhóm dân [có tính chất là những chiến binh đã được tập luyện] hơn là một mục tử  hay một ngoại kiều tạm trú. Ông đã chiến thắng trong trận chiến và thu gom về tất cả những gì đã mất cả Lót, người bà con của ông bị bắt cóc (14:13-16).

[40] “Khó xác định Kn 14 thuộc nguồn văn nào. Về lịch sử : trong thiên kỷ thứ II không bao giờ có thể xảy ra việc năm thành bé tí phía Nam Biển Chết đã là chư hầu cho Elam và cũng không bao giờ thấy Elam cầm đầu một liên minh gồm những cường quốc Tây Á. Về thể văn : Kn. 14 pha lẫn tiếng cổ lỗ với những tiếng muộn thời, những danh từ có thực và nhữgn danh từ tượng trưng tạo ra. Vậy hình như trình thuật muộn thời, thành hình trong hàng tư tế uyên bác, vọng cổ soạn ra nguồn văn P. trình thuật đã muốn đặt Abram vào trong khung cảnh một lịch sử rộng lớn và thêm vào dung mạo của ông một hào quang của chiến thắng quân sự”. Xem: Kinh Thánh. Phần chú thích chương 14. bản dịch của Nguyễn Thế Thuấn (Sài Gòn: Chúa Cứu Thế, 1999) 30; xem thêm Fx. Vũ Phan Long, OFM, Op. cit., 154; Nguyễn Ngọc Rao, Op. cit., 138-140.
Cũng biết thêm rằng, những câu chuyện kể về ông Abram đã bắt đầu từ chương 12 cho đến giữa chương 25. Điều này cho phép chúng ta nghĩ về sự góp tay của các soạn giả khác nhằm hình thành nên một tổng hợp như thế này. Và như vậy, sẽ có những sự không trùng khớp về mặt văn chương, xem: Lawrence Boadt, Op. cit., 136; Raymond e. Brown and other authors (ed), The New Jerome Biblical Commentaty (USA: Prentice Hall, 1990) 20: Abraham defeats the Kings and Rescuse Lot (14:1-24). Câu chuyện này có thể xuất hiện vào giữa thời đại đồ đồng.

[41] Có tác giả gọi là “Lão bộc/nô bộc”. Danh xưng này không được biết đến và thường được coi là Liezer: xem. Kinh Thánh. Phần chú thích chương 24. bản dịch của Nguyễn Thế Thuấn (Tp. HCM. 1999) 51.

[42] Chúng ta biết rằng, “lễ vật cưới” mà nhà trai phải trả cho nhà gái là một định chế pháp lý trong xã hội Do Thái thời trước lưu đày. Sau thời Lưu đày, những khoản này (mohar) được thay bằng một khế ước hôn nhân (ketoubbot): Chính vì thế, có thể biết rằng, bản văn này được viết sau thời Lưu đày. Xem Hugues Cousin and other authors, Trên quê hương Đức Giêsu, Bùi Thiện Thảo, OP, dịch (Paris: du Cerf, 1998) tập 1,169-171.

[43] X. Raymond e. Brown and other authors (ed), The New Jerome Biblical Commentaty (USA: Prentice Hall, 1990) 26-27: wife for Isaac (24:1-67).

[44] Xem: Kinh Thánh. Phần chú thích chương 14. bản dịch của Nguyễn Thế Thuấn (Tp. HCM. 1999). tr. 51 ; xem thêm Fx. Vũ Phan Long, OFM, Op. cit., 155-156: Ở đây, tác giả có đưa ra một vài dữ liệu về cách xưng hô trong mạch văn để cho thấy những can thiệp của soạn giả ở bản văn này; tác giả Raymond E. Brown và các đồng nghiệp trong The New Jerome Biblical Commentaty (tr. 26), đã chia trình thuật này thành 8 cảnh và đề cập đến điểm chính yếu đó là “dấu chỉ” mà người “nô bộc” muốn Đức Chúa thực hiện cho ông như Lời Người đã hứa với ông Abraham.

[45] Chúng ta biết rằng, nguồn văn P không phân biệt vật nhơ vật sạch trong khi nguồn văn J lại phân biệt. Mà điều này lại liên quan đến Giao ước Sinai khi Thiên Chúa súc vật vô tri liên kết với người ta trong hoạ cũng như trong may lành. Sự tồn sinh của loài người cũng là sự tồn sinh của loài vật (x. Rm 8:19-22). Một cách khác, ý tưởng phân biệt sạch-dơ được soạn lại theo nhãn quan của nguồn P (phân biệt mỗi thứ 1 cặp). Xem : Nguyễn Thế Thuấn, sđd, phần chú thích, tr. 17.18. Trong khía cạnh của nhị bội bản văn, xin đọc  Vũ Phan Long, OFM, Op. cit., 44 tt.

[46] Người ta cũng lý giải rằng, việc thêm như vậy là giúp độc giả sau này dễ hiểu hơn.

[47] X. Vũ Phan Long , OFM, Op. cit., 162-163.“Rất có thể rằng: lời sấm ở St 12,1-3 là làm cho Abraham thành tổ phụ những người lưu đày đã từ Babylon trở về với Ítraen và hợp thức hoá đặc quyền của họ đối lại với những người vẫn ở lại trong xứ. Và họ có sự tranh chấp về quyền sử hữu đất đai (Ed 33,24). Song nhóm lưu đày đã thắng thế, nên họ đã gán một ý nghĩa thần học cho việc ‘di cư’ của Abraham khi khẳng định vị tổ phụ đã vâng theo mệnh lệnh của YHWH (12,1-4a)”: X. Vũ Phan Long, OFM, Op. cit., 162-163.

[48] Trong ý nghĩa này, chúng ta có trường hợp của ba bộ luật: Bộ Đệ nhị luật (Đnl 12-26) được coi là bản duyệt lại của Bộ Luật Giao ước (Xh 21-23). Luật về sự thánh thiện (Lv 17-26) lấy lại và nối dài công việc giải thích và hiện tại hoá trên tại nhiều điểu. Và Kinh Thánh vẫn muốn giữa lại cả ba bộ luật này cho dù có những mâu thuẫn ở nhiều điểm. Điểm chắc chắn là mọi luật đều do Đức Chúa truyền trên núi và được Mosê tuyền lại. X. Vũ Phan Long, OFM, Op. cit., 166.

[49] Ý niệm này khiến người ta nghĩ đến sự tiết kiệm hoặc trong hoàn cảnh khó khăn để có được đầy đủ giấy tờ để ghi chép hoặc soạn tác đối với những vùng cư trứ ở những làng, vùng xa xăm.

[50] Tác giả O.H. Steck đã phân chia như thế. Xem thêm Raymond E. Brown and other authors (ed), Op. cit., 8-9.

[51] Giả thuyết Mosê là tác giả của Bộ Ngũ Thư và bộ Ngũ Thư được soạn theo bốn văn kiện chính JEPD [giả thuyết của Wellhausen và Gunkel].

[52] Xem thêm  Vũ Phan Long, OFM, Op. cit., 131-151.