Ngũ Thư

Wednesday, 05 June 2019 03:22

Tìm Hiểu Khái Quát Sách Lêvi Featured

Học Viện Đaminh

 

I. DẪN NHẬP

Sách Lê-Vi là một bộ luật phụng tự. Gồm các hi lễ liên quan đến hiến tế; việc tấn phong các tư tế; luật về thanh sạch và ô uế, ngày đền tội hằng năm. Luật về sự thánh thiện. Các lời chúc phúc và các lời nguyền rủa…

II. TÁC GIẢ – TÁC PHẨM

1. Tác giả

Sách Lê-vi được viết bởi các thầy tư tế Giêrusalem, sau nhiều lần biên tập, bổ sung trước khi sách mang truyền thống tư  tế như ngày nay.

2. Tác phẩm

Như chúng ta biết trong bộ Sách Thánh Híp-ri, sách Lê-vi là cuốn thứ ba, trong bộ “ Ngũ Thư” với tựa đề  (Wayyira: và Người gọi) theo chữ đầu tiên, như lệ chung dân Do thái hay gọi. Sách Lê-vi là tên Việt ngữ được dịch theo bản LXX ( bản Hi lạp), do căn cứ trên nội dung của sách. Thật ra các thầy lê-vi chỉ được nhắc đến ở một số lần, trong một số đoạn mà thôi; nhưng chủ đề của sách lại nói đến chức tư tế do chi tộc Lê-vi độc quyền đảm trách. Chính vì thế mà được gọi là sách Lê-vi. Cho nên, trong các bản dịch cũng có những bản mang tựa đề: “ sách về các tư tế”[1]

Sách Lê-vi gồm các nghi lễ liên quan đến hiến tế. Việc tấn phong các tư tế. Luật về thanh sạch và ô uế. Ngày đền tội hằng năm. Luật về sự thánh thiện và sổ thống kê các ngày lễ. Các lời chúc phúc và các lời nguyền rủa. Sách chiếm vị trí trung tâm trong bộ Ngũ Thư. Nó gắn kết chặt chẽ đặc biệt với việc lập pháp trong Xh 25-31; 35-40. Sách kế tiếp việc lập pháp này và kéo dài sang sách Ds, dĩ nhiên việc lập pháp được qui cho nhân vật trổi vượt là ông Môse trong sa mạc Sinai

a. Bối cảnh ra đời

- Không gian: hầu hết những khỏan luật trong sách Lê-vi được đặt trong bối cảnh núi Sinai. Bối cảnh này nhắm đến ý nghĩa của giao ước Sinai, giao ước nền tảng cho mọi khỏan luật của dân Israel.

- Thời gian: Theo quy điển Híp-ri và các nghiên cứu cho chúng ta thấy, sách Lê-vi ra đời vào sau thời lưu đầy Ba-bi-lon, tức khỏang những năm 520 – 500 TCN. Lúc này vua không còn, trào lưu ngôn sứ cũng mai một dần, các tư tế đã thu thập những quy tắc phụng tự trong những tôn giáo cổ ở phương Đông, bổ sung vào các lễ tế có sẵn của mình, tạo thành những khoản luật phụng tự riêng và mặc cho nó một ý nghĩa mới phù hợp với niềm tin, văn hóa và hiểu biết của mình về một Thiên Chúa duy nhất.

Như vậy, để có sách Lê-vi mang truyền thống tư tế như ngày nay, các tác giả của sách đã nhiều lần biên tập từ những khoản luật xuất phát từ những thời kỳ khác nhau. Trong đó luật về sự thánh thiện là luật mang nhiều hình bóng luật cổ xưa nhất. Theo thời gian chúng được thêm vào những mệnh lệnh, những quy tắc, những đặc trưng liên quan đến việc phụng tự. Lúc đầu, một số nghi thức nền tảng được triển khai và do bởi một người có uy thế thực hiện thay cho toàn dân dâng hiến lên Thiên Chúa. Từ đó nảy sinh nhu cầu về chức tư tế, cũng như nảy sinh hàng ngũ tư tế. Đây là những hình thức dọn đường cho những nghi thức phụng tự ở đền thờ Giêrusalem sau này. Trong những khỏan luật đó, ta thấy chi tiết của các nghi thức dâng lễ phẩm, cũng như minh định về luật thanh sạch hay ô uế của vật và đồ dùng trong phụng tự…

Nghi thức phụng tự cũng được tác giả xếp theo thứ tự từ thấp tới cao. Trước tiên là những nghi thức phải có khi dâng hiến lễ; tiếp đến là những nghi thức phong chức cho các tư tế; sau đó là những khỏan luật thanh sạch dành cho các tư tế và toàn thể cộng đồng phải giữ, để xứng đáng tham dự phụng tự; cuối cùng là những quy tắc về chính việc phụng tự thánh, những luật về sự thánh thiện. Như vậy, dù sách bao gồm nhiều khỏan luật có nguồn gốc từ những thời kỳ khác nhau, nhưng vẫn giữ được tính đồng nhất, mà đỉnh cao của sách là luật về sự thánh thiện, bộ luật lớn của giới tư tế.

Là các tư tế thuộc chi tộc Lê-vi. Họ là những người đại diện cho dân dâng lễ lên Thiên Chúa. Là người trung gian giữa Thiên Chúa và con người qua việc cử hành các nghi lễ và truyền đạt ý muốn của Thiên Chúa cho dân. Họ được thánh hiến và có vai trò trung gian đầy thẩm quyền để dâng những hy lễ lên Thiên Chúa. Hình ảnh về chức tư tế, mà sách lê-vi trình bày, cho chúng thấy kết quả của một sự chuyển hóa qua nhiều thế kỷ, chịu nhiều ảnh hưởng khác nhau về mặt tôn giáo, luân lý, xã hội, chính trị.[2]

b. Thể loại văn chương

Đây là sách viết về các nghi thức tế lễ của cộng đồng dâng hiến tế lễ lên Thiên Chúa. Do đó sách chủ yếu là các mệnh lệnh, với công thức: “ Đức Chúa phán” với dân qua Ông Môisê. Vì thế sách Lê-vi mang lối văn luật pháp cứng cỏi, một sự trần trụi nào đó. Hơn nữa một số khái niệm không được hiểu theo quan niệm như chúng ta ngày nay, mà phải hiểu theo não trạng, văn hóa, và cơ cấu tổ chức xã hội của người Do thái thời bấy giơ. Ví dụ: Trong các hiến lễ, người Do thái coi việc sát tế bằng máu là rất quan trọng. Bởi vì sau khi đền thờ bị sụp đổ; cảnh sống trong thời lưu đầy, họ rất ý thức về tội lỗi của mình, và cần thiết ơn tha thứ của Thiên Chúa. Vì thế các hi lễ của người Do thái mang nặng ý nghĩa hòa giải hơn là tạ ơn.

Để hiểu rõ sách Lê-vi, chúng ta không chỉ xét riêng, mà phải đặt trong mạch văn của sách Xuất hành: từ khi dân ra khỏi Ai Cập và dừng chân tại núi Sinai. Bởi vì khi còn sống trong sa mạc, chưa vào đất hứa, nên họ không có quyền sở hữu đất. Kinh nghiệm Xuất hành là yếu tố quy tụ dân, cụ thể kinh nghiệm Xuất hành được Lê-vi diễn tả ở việc Thiên Chúa đã “ tách” dân ra khỏi Ai Cập và Thiên Chúa đã Thánh hóa họ.

c. Bố cục

Sách Lê-vi gồm 27 chương, được chia ra làm 4 phần.[3]

III. NỘI DUNG

1. Nghi thức các lễ tế (chương 1 - 7)

Tác giả dành bảy chương đầu để bàn về các thứ lễ tế và hình thức dâng hiến lễ.

a. Lễ toàn thiêu (Lv 1, 1 - 17; 6, 1 - 6)

Lễ vật: chiên đực, dê đực, bò tơ và bồ câu hoặc chim gáy; phải toàn vẹn không tì tích.

Cách thức dâng:

Người dâng ấn tay trên con vật làm lễ tiến, sát tế trước nhan Đức Chúa, lột da và xả thịt.

Tư tế tiến dâng máu và rảy máu chung quanh bàn thờ trước Lều Hội Ngộ, toàn bộ phần thịt, đầu, mỡ, chân (riêng chân phải rửa sạch) tất cả được xếp trên đống củi rồi nhóm lửa cháy nghi ngút thiêu hết lễ vật ( chỉ trừ lại da). Riêng bồ câu hoặc chim gáy: tư tế sẽ hiến dâng nó tại bàn thờ, cấu đầu nó và đốt nó cho cháy nghi ngút trên bàn thờ, máu thì rưới vào thành bàn thờ. Tư tế lấy cái diều và bộ lông, ném bên cạnh bàn thờ về phía đông, vào chỗ đổ tro. Người ta sẽ chặt đôi nó ở giữa hai cánh, nhưng không tách hẳn ra; tư tế sẽ đốt nó cho cháy nghi ngút trên bàn thờ. Đó là lễ toàn thiêu, lễ hỏa tế, là hương thơm làm vui lòng Đức Chúa.

Ý nghĩa.

Xá tội cho người dâng, vì những tội xúc phạm đến Thiên Chúa, lỗi Giao ước, dâng xong họ sẽ được đẹp lòng Thiên Chúa (lễ toàn thiêu phải dâng hết toàn bộ cho Đức Chúa, ‘chỉ trừ da’, lễ vật phải đốt trên bàn thờ, lửa cháy liên tục từ đêm cho tới sáng)

b. Lễ phẩm. (Lv 2,1 -16; 6, 7 -16)

Lễ vật: Tinh bột, dầu và nhũ hương (của đầu mùa)

Cách thức dâng.

Người dâng mang lễ vật đến cho tư tế, tư tế đem lễ vật đến gần bàn thờ sau đó lấy ra một phần tốt nhất (phần rất thánh) đem đốt cháy nghi ngút trên bàn thờ, để hỏa tế dâng kính Đức Chúa. Phần còn lại thì thuộc về A-ha-ron (các tư tế) và các con của họ. Đó là lễ hỏa tế làm vui lòng Đức Chúa ( nếu lễ phẩm nướng lò hay nấu trong nồi, thì tinh bột phải nhào trộn với dầu và một chút muối. Đặc biệt nhất là không bao giờ được cho men vào trong lễ vật)

Ý nghĩa: Đây là lễ đầu mùa để dâng kính Đức Chúa, để cảm tạ, tri ân Đức Chúa.

c. Lễ Kỳ an (Lv 3, 1 -17; 7, 11 - 34)

Lễ kỳ an hay còn gọi là lễ hiệp thông, hay hi lễ giao ước

Lễ vật: Bò đực, bò cái, chiên đực chiên cái, dê đực, dê cái, phải toàn vẹn không tỳ vết.

Cách thức dâng: chia làm 2 hình thức, tương đương 2 thái độ của người dâng

- Hy lễ tạ ơn (Lv 7,12 - 15)

- Lễ vật đã khấn hứa hay lễ vật tự nguyện (Lv 7, 16)

Người dâng ấn tay trên con vật làm lễ tiến, sát tế nó ở cửa Lều Hội Ngộ. Người ấy tiến dâng một phần hy lễ kỳ an làm lễ hỏa tế dâng Đức Chúa. Đó là toàn bộ phần mỡ và hai trái cật. Các tư tế sẽ rảy máu nó chung quang bàn thờ. Các tư tế sẽ đốt toàn bộ phần mỡ và hai trái cật cháy nghi ngút trên bàn thờ, bên trên lễ toàn thiêu.

Lễ vật chia làm 3 phần:

- Phần quý nhất hỏa thiêu dâng kính Đức Chúa (máu và mỡ)

- Phần đặc biệt dành cho tư tế

- Phần còn lại dành cho dân

Ý nghĩa: Cầu xin sự bình an, tạ ơn Đức Chúa và làm cho con người kết hiệp mật thiết với Đức Chúa.

d. Lễ tạ tội (Lv 4,1 - 13; 6, 17 - 23)

Lễ vật: Của lễ tùy thuộc vào lỗi mà người ta mắc phải

- Tạ tội cho hàng tư  tế hay cộng đồng: dâng bò tơ (thiêu toàn bộ lễ vật). Vì tư tế là đại diện cho cộng đồng, khi tư tế có lỗi thì cả cộng đồng phải chịu chung.

- Tạ tội cho một đầu mục: dâng dê đực toàn vẹn.

- Tạ tội cho một dân thường: dâng dê cái hoặc chiên cái.

Cách thức dâng.

- Tạ tội cho tư tế hay cộng đồng: tư tế đặt tay và sát tế con vật trước nhan Đức Chúa, tư tế nhúng tay vào máu và rảy bảy lần trước nhan Đức Chúa; toàn bộ phần mỡ và hai trái cật thì thiêu trên bàn thờ kính Đức Chúa, phần còn lại thiêu ngoài trại, một nơi thanh sạch.

- Tạ tội một đầu mục và thường dân: người dâng đặt tay và sát tế con vật trước nhan Đức Chúa, tư tế lấy máu bôi vào các góc cong bàn thờ và đổ xuống chân bàn thờ, toàn bộ phần mỡ của vật phải thiêu đốt trên bàn thờ, phần còn lại dành cho tư tế.

Ý nghĩa: lễ tạ tội, nhằm giúp cho tội nhân được phục hồi lại mối tương quan với Đức Chúa, vì trước đó vô tình đã làm tổn thương. Tuy nhiên tội cố tình thì không được tha.

e. Lễ đền tội (Lc 5, 14 - 26; 7, 1 - 10)

Đền các tội bất trung; tội vô ý phạm của Thánh; tội phạm lệnh truyền; tội gian lận; tội công bằng; biển thủ và thề gian.

Lễ vật: Chiên đực hoàn hảo.

Cách thức dâng.

Phải sát tế con vật làm của lễ đền tội nơi dùng để sát tế lễ toàn thiêu. Tư tế rảy máu xung quang bàn thờ. Tư tế dâng toàn bộ phần mỡ, cái đuôi và hai trái cật, tất cả những thứ này tư tế đốt cháy nghi ngút trên bàn thờ, làm lễ hỏa tế dâng kính Đức Chúa. Phần còn lại, thì mọi đàn ông và con trai thuộc tư tế được hưởng, vì đây là của rất thánh, nên phải ăn trong một nơi thánh.

Ý nghĩa: Đền bù các tội không cố ý hay vô tình.

f. Lễ tấn phong Tư tế

Lễ này được trình bày trong 3 chương cuối của phần thứ nhất trong sách Lê-vi, tường thuật lại những nghi lễ cụ thể, được quy định trước thời kỳ dân Irael định cư trong lịch sử mình.

- Nghi thức thánh hiến ( chương 8): Mô tả việc Môsê tấn phong chức vụ tư tế cho A-ha-ron và các con trai ông theo lệnh truyền của Đức Chúa. Cùng với việc tấn phong này là nghi thức thánh hiến Nhà Tạm và Bàn Thờ. A-ha-ron là vị thượng tế chính nơi Nhà Tạm và Bàn Thờ. Cả hai cùng được xức một loại dầu. Chức vụ tư tế này được thể hiện qua thuật ngữ “sự chỉ định, bổ nhiệm”. Kết thúc chương 8 là một loạt những chỉ dẫn cho A-ha-ron và các con trai ông về việc tham dự vào bữa tiệc thánh hiến kéo dài trong 7 ngày.

- Các tư tế nhậm chức (chương 9): Diễn tả buổi lễ của ngày thứ 8, khi buổi phụng tự thánh bắt đầu, bằng việc vị tư tế mới được bổ nhiệm tiến hành lễ tế lần đầu tiên. Đây là dịp có tầm mức vô cùng quan trọng vì nó cho thấy việc Đức Chúa đã chấp nhận chức vụ tư tế của A-ha-ron và Ngài vui lòng chấp nhận lễ phẩm. Một lọat các nghi thức tế lễ cũng diễn ra trong dịp này. Đầu tiên là việc thanh tẩy Nhà Tạm qua lễ xá tội, tiếp theo là tiến hành lễ toàn thiêu, để cho thấy việc Đức Chúa sẵn lòng chấp nhận chức vụ tư tế của A-ha-ron. Sau lễ toàn thiêu là lễ phẩm, cuối cùng là lễ hòa giải, vị tư tế được hiệp thông với thần linh trong bữa tiệc thánh.

Quy định bổ xung (chương 10): Liền ngay sau đó, mọi sự trở nên xấu đi. Nađáp và Abihu, hai người con trai của A-ha-ron tiến dâng hương trong Nhà Tạm không đẹp lòng Đức Chúa, liền bị lửa thần thiêu đốt chết. Mặc dù bản chất của việc họ bất kính với Đức Chúa vẫn chưa rõ, nhưng thảm kịch xảy ra cho thấy các tư tế phải có sự cẩn trọng trong việc tế lễ.

- Ý nghĩa:

Đức Chúa muốn việc dâng tiến lễ vật luôn luôn là ngọn lửa không ngừng cháy trên bàn thờ, để khiến loài người cảm biết sâu xa về tội lỗi của mình, và để làm hình bóng lâu đời về của lễ mà chính Chúa Kitô sẽ dâng bằng chính thân mình.

Các tư tế được phong chức để làm trung gian giữa Đức Chúa và Israel qua việc dâng lễ vật. Chúa Kitô chính là vị Thượng tế cao nhất của loài người. ( Dt 8; 9; 10)

2. Luật về cái thanh sạch và cái ô uế (chương 11-16)

Có thể nói, 6 chương này đề cập luật liên quan nếp sống sinh hoạt, về những thói tục hằng ngày trong cách ăn, ở, mặc, sao cho tránh bị ô uế và dẫn đến trường hợp thanh tẩy.

a. Luật liên quan đến loài vật sống trên đất và sống dưới nước (chương 11)

Các sinh vật này được chỉ rõ ràng; đâu là loại ô uế, đâu là thanh sạch, đâu là vật được ăn và vật không được ăn.

Chẳng hạn, động vật sống trên đất “ mọi con vật có chân chẻ làm hai móng và thuộc loài nhai lại thì được ăn”  nhưng nếu con vật chỉ có một trong hai điều kiện trên thì bị liệt vào loại ô uế: con lạc đà là loài nhai lại, nhưng không có móng chẻ hai là loại ô uế…

b. Luật liên quan đến những đàn bà sinh con (chương 12)

Sau khi sinh dù trai hay gái (thời hạn ô uế thay đổi tùy theo đức con sinh ra là trai hay gái) cũng ra ô uế. Vì vậy người mẹ cần thanh tẩy và “ nó phải đem đến cho tư tế ở cửa Lều Hội Ngộ, một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu, và một con bồ câu non hay một con chim gáy làm lễ tạ tội” (Lv 12,6)

c. Luật liên quan đến bệnh phong hủi ở người (chương 13-14)

Từ những bệnh đơn giản như: nhọt, lác, đốm, ung, phỏng, chốc, lang ben, đến bệnh nan y như hủi, phong hủi, cũng tương tự như hai chương trên, vấn đề nêu rõ tình trạng ô uế và phải thanh tẩy.

d. Luật liên quan đến ô uế về sinh dục ở người đàn ông, đàn bà (chương 15)

Họ cần phải kiêng cữ khi bị ô uế để khỏi chết vì sự ô uế.

3. Luật liên quan đến ngày xá tội (chương 16)

Phần này có thể được xem như là một trọng tâm của sách Lê-vi, vì trinh bày nghi thức trang nghiêm của ngày xá tội, ngày toàn xá, mà người ta gọi là ngày thứ sáu Tuần Thánh của Cựu ước. Nghi thức đại lễ này giải thoát người dân khỏi mọi thứ ô uế mắc phải vì nhu cầu của cuộc sống, hoặc vì không biết trong suốt năm. Lễ này đã biến đổi dần dần, và trở thành lễ xá tội thật sự, trong đó Israel bộc lộ ý thức mình có tội và lòng tin tưởng vào ơn Chúa thứ tha.

4. Luật về sự thánh thiện (chương 17-26)

4.1. Thuật ngữ

Thánh thiện mang nhiều nghĩa. Không những thế, người ta còn phân nghĩa theo từ loại danh từ, tính từ và động từ. Ở đây xin đơn cử:

a. Nghĩa danh từ:

- Sự tách biệt, sự linh thiêng, sự thần thánh của Thiên Chúa.

- Nơi được thánh hóa để Thiên Chúa ngự đến

- Vật được dâng cúng nơi thánh.

- Người được thánh hóa ở nơi thánh.

- Thời gian dâng hiến để thờ phượng.

- người hay vật được thanh tẩy thánh hóa.

b. Nghĩa tính từ: Thánh thiêng, trong sạch

- của Thiên Chúa

- của nơi chốn, hội đồng của tư tế.

c. Nghĩa động từ: tách rời, dâng hiến

Trong trường hợp này, động từ thánh thiện là dành riêng để thánh hóa cho Thiên Chúa, nên thánh; dâng hiến; làm cho sạch…

Như vậy, thánh thiện ở đây được sử dụng theo nghĩ a thứ nhất của danh từ: sự tách biệt, tách rời. Theo tự điển Thánh Kinh, danh thánh YHWH thì thiêng liêng, con người không được xúc phạm, và dân Israel phải noi theo: “ Văn kiện tư tế kết tập thành các chương 17- 26 trong sách Lê-vi và thu thập các lề thói cổ cựu nhất của vương quốc Giuđa. Cơ bản của nó là thanh đức mà người Israel nào cũng phải noi theo (Lv 19; 20, 7.26; 21, 6.8) không bao giờ được xúc phạm danh YHWH. Đường lối là qua nghi lễ phụng tự cũng có những điều khoản luân lý nhất là về gia đình và hôn nhân”[4]

4.2. Nội dung

Có thể nói luật thánh thiện là phần trọng yếu của sách Lê-vi. Tuy nhiên, từ  thánh không thường xuyên xuất hiện, mà chỉ được đề cập, xuất hiện cụ thể  trong một số chương (17-26), đặc biệt là các chương 17, 19 và 26.

a. Tập trung việc tế tự tại một chỗ

Cũng giống như được trình bày trong sách Đệ Nhị Luật, tác giả sách Lê-vi đề cập đến: các cuộc sát tế chiên bò đều phải tiến hành ở cửa Lều Hội Ngộ ( Lv 17, 4). Rồi kết thúc với lời chúc lành và chúc dữ (Lv 6).

b. Các luật khác

Luật tư  tế đã đưa ra một bản danh sách những cấm kỵ liên quan đến:

- Luật kiêng máu “ vì là sự sống” (Lv 17, 10-16)

- Việc liên quan đến tính dục, va những kết hợp vợ chồng: loạn luân (Lv 18, 6-18), đồng tính luyến ái (Lv 18, 22), quan hệ xác thịt với thú vật (Lv 18, 23) và tội liên quan đến gia đình (Lv 20)

- Chương 19 đề cập đến vấn đề xã hội trong tương quan với con người: phải quý trọng tha nhân nhất là người nhập cư, người làm công, kẻ tàn tật và phải yêu thương người ta (Lv 19, 18)

- Chương 21 và 22: qui định nhiệm vụ của tư tế

- Chương 23: cách cử hành các lễ.

- Chương 25: có khoản luật độc đáo về “ năm ân xá” và “ năm thánh”. Cứ 7 năm một lần phải có năm thánh, đất phải bỏ không, để đánh dấu vương quyền của Chúa ( Lv 25, 1-7) và cứ 50 năm phải có năm toàn xá, tha các nô lệ và hoàn đất lại cho những ai phải bán đi (Lv 25, 8-54) . Luật sau chót này về liên đới và bình đẳng giữa nhân dân với nhau đã chẳng được áp dụng.

- Chương 26: không được thờ tà thần (Lv 26, 1-2) các lời chúc phúc (Lv 26, 3-13) và cuối cùng là lời nguyền rủa (Lv 26, 14-46)

c. Sự thánh

Ý tưởng nổi bật trong bộ luật là “ sự thánh”: “ hãy nên thánh vì ta là Thánh, Ta là Chúa các người” (Lv 19, 2), nghĩa là hoàn toàn khác tất cả những gì con người có thể suy nghĩ hiểu biết tới. Chúa hoàn toàn tự do nhưng Ngài lại muốn chuyển đạt sự thánh của Ngài cho dân. Ngài thánh hóa họ (Lv 20, 7), nghĩa là cung kính Chúa và tuân theo thánh ý Ngài trong phụng tự và trong cuộc sống.

Chúa nói với toàn thể cộng đồng Israel, nghĩa là mọi cá nhân trong cộng đồng phải tuân thủ. Đó vừa là quyền vừa là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Cộng không thể tuân thủ nếu cá nhân không cùng san sẻ, thi hành cùng mệnh lệnh.

Thi hành mệnh lệnh này để được chúc phúc. Nhờ đó, xã hội được thiết lập có trật tự, con người biết sửa dạy lẫn nhau, yêu thương nhau, biết cố gắng cải tạo thế giới mỗi ngày tốt đẹp hơn. Tiêu chuẩn nên thánh của Thiên Chúa, không đòi buộc dân Thiên Chúa phải tuân thủ như nô lệ, mà là trong ý định, trong cam kết thực sự đến với nhân loại. Con người cộng tác với Thiên Chúa để làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

Sự thánh thiện ban đầu là thi hành luật pháp, luân lý. Con người không chỉ dừng lại ở mức đó, mà còn đạt đến sự siêu việt, hướng đến Thiên Chúa và tha nhân, từng cá nhân và trong cả cộng đồng.

Nhận định:

- Luật thánh thiện được diễn tả cách ngắn gọn, cô đọng, Chỉ xuất hiện ở chương 19 và rõ nhất: “ Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là đấng Thánh” (Lv 19, 2)

- Theo tác giả các văn kiện, luật thánh thiện thuộc nguồn P. Tuy nhiên, nó có nguồn gốc từ bộ luật liên quan đến luật pháp mà nguồn P đã chọn lựa  và đưa vào tác phẩm của mình. Chẳng hạn như nhóm từ: “ Đức Chúa đã phán với ông Môsê, truyền rằng, hãy nói với con cái nhà Israel, và nói với chúng…”

- Cũng có ý kiến cho rằng, từ nguồn P các điều luật trong sách Lê-vi được thêm vào mà không giống với luật thánh thiện, chẳng hạn như: cấm ăn vật chết (Lv 17, 15-16); lệnh người đàn ông dâng lễ đền tội vì giao hợp bất chính (Lv 19, 21-22); tư tế lớn nhất không được xõa tóc và xé áo (Lv 21, 10); luật giữ ngày Sabát, vượt qua, Bánh không men (Lv 23, 1-10a).vv..v

- Luật thánh thiện có cấu trúc tương tự như luật Đệ nhị luật và Luật Giao ước. Mở đầu là các nghi lễ liên quan ở đền thờ, liệt kê hàng loạt các nguyên tắc, điều luật, và đóng lại là lời tuân phục điều luật, và nguyền rủa việc làm trái với điều luật. Và chúng ta  thấy rằng, luật thánh thiện xuất hiện ở giữa sau luật Giao ước và trước luật Đệ nhị luật. Chắc chắn nó được tìm thấy trong bộ luật Torah.

- Xét bề ngoài, mặc dù luật thánh htiện được cập nhật từ luật Giao ước trước đó và liên quan đến luật Đệ nhị luật sau này, nó vẫn có những nét riêng biệt về bút pháp,[5] về mặt cấu trúc, nó là bản sao chép, tác giả vẫn biết bản của mình là bản sao chép của tác giả trước, vì vậy mỗi bản luật đều có nét riêng trải qua mỗi giai đoạn khác nhau.

d. Phụ chương về giá biểu cho lời khấn ( chương 27)

Trong chương 27, phần phụ lục của sách Lê-vi có 3 loại của lễ:

- Lễ toàn thiêu, dâng thực vật, dâng của đầu mùa

- Lễ kỳ an, thuộc loại hiệp thông

- Lễ xá tội, lễ đền tội[6]

Trong tôn giáo, các lễ tế của con người dâng lên thần linh như là của lễ, nhằm cố gắng tạo mối tương quan, hiệp thông với thần linh. Hiến lễ cũng là để đền tội va xin ơn tha thứ.

Chương 27, phụ lục cho cả sách nói về việc định giá các lời khấn và tiền chuộc.

Trong chương này nhấn mạnh đến lời khấn hứa, con người phải giữ luật thật nghiêm, đặc biệt là đối với Thiên Chúa thì càng phải giữ một cách tuyệt đối. Điều đó cũng là để nhắc nhở con người phải trung tín với Thiên Chúa, vì trong quá khứ họ đã nhiều lần bất trung với Chúa.

Bất cứ vật gì dâng lên Thiên Chúa đều là của thánh, đặc biệt của Biệt Hiến thì không được bán hay chuộc lại; vì đó là của rất thánh (đây là thời kỳ còn chế độ nô lệ) Chính Đức Giêsu cũng được dâng cho Thiên Chúa: “ Mọi con đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa, và cũng để dâng của lễ theo luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non” (Lc 2, 22-24)

Chương này ghi rất rõ các giá trị của lễ được quy ra thành chỉ hay lượng bạc. Nếu muốn chuộc, người đã dâng của lễ phải tuân theo những qui định đã đưa ra.

(Các luật về thuế thập phân; luật sát tế các con đầu lòng; và luật liên hệ đến nô lệ xem sách “ Bộ Ngũ Thư” trang 52-60 của FX Vũ Phan Long)

Con người được đem ra mua bán, trao đổi, quy ra thành tiền, bạc cũng giống như những món hàng. Đó cũng là quyền của những sở hữu chủ. Họ sống trong chế độ nô lệ, và quan niệm coi Thiên Chúa là duy nhất, cao trọng nhất, nên mọi thứ hiến dâng cho Thiên Chúa đều được coi là thánh, đặc biệt là của Biệt Hiến thì bất kể của đó là gì, kể cả con người cũng không được chuộc lại, mà phải đem đi xử tử như một vật hiến tế lên Thiên Chúa. Với thời Tân ước, sau Công đồng Vatican II thì quyền con người được nâng lên, đặc biệt là mạng sống con người được đặt lên hàng đầu.

IV. NHẬN ĐỊNH

1. Của Lễ Đền Tội (ch. 16)

Có thể nói sách Lêvi ghi lại các lễ nghi nơi đền thờ, bao gồm đủ loại lời cầu và hiến tế. (chúng ta có thể nhận thấy có ít nhất là ba loại lễ tế: lễ vật dâng thần linh – lễ toàn thiêu, lễ dâng của đầu mùa, dâng thực vật; Hiệp thông – lễ kỳ an; lễ xá tội và đền tội.) Sau thời lưu đày, dân ý thức hơn về thân phận tội lỗi và sự bất trung của mình, nên các lễ xá tội và đền tội giúp họ hòa giải với Thiên Chúa là nghi thức phụng vụ quan trọng.

Giống như những người cổ xưa khác dâng lễ vật cho các thần của họ, dân Israel cũng tin rằng, khi họ phạm tội với Thiên Chúa thì họ cần phải làm một điều gì đó để chuộc tội, sửa lại tương quan đã bị hư hại. Vì thế họ thường hiến tế một con vật để làm lễ đền tội. Máu con vật được đổ ra trên bàn thờ, diễn tả việc trao sự sống vào tay Thiên Chúa để tỏ lòng ăn năn. Bàn thờ tượng trưng sự hiện diện của Thiên Chúa.

Các lễ nghi được miêu tả trong nửa đầu của sách chủ yếu là các hy tế đền tội được diễn ra nơi đền thờ. Hơn nữa, một năm một lần, vào ngày xá tội, còn được gọi là Yom Kippur, vị thượng tế tiến vào nơi cực thánh của đền thờ, là nơi Thiên Chúa ngự để dâng hương, máu bò và máu dê. Máu diễn tả sự sống của dân chúng dâng lên cho Thiên Chúa để giao hòa với Người.

Trong suốt thời kỳ phân tán, cũng như cho tới ngày nay, người Do-thái vẫn tiếp tục cử hành ngày lễ này như là ngày cực thánh trong năm, một ngày để đền bù những tội trong quá khứ.

Hiến tế của Chúa Giêsu: tác giả của thư Do-thái vì viết cho người tín hữu Do-thái nên đã sử dụng các nghi lễ hiến tế đền tội quen thuộc này để nêu nên ý nghĩa cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Oâng gọi Đức Kitô là vị thượng tế – Người cũng là nạn nhân, máu người đổ ra cho muôn  người, và là người giao hòa nhân loại với Thiên Chúa nhờ hiến tế toàn vẹn của Người. Một điều thú vị là có rất nhiều từ các Kitô hữu dùng để miêu tả cách thức Chúa Kitô cứu chuộc thế giới đến từ sách này (Dt 8, 1-2; 9, 11-15).

2. Bộ Luật Thánh Thiện

a. Là Việc Thờ Phượng Đích Thực?

Bộ luật thánh thiện nằm trong Lv 17 - 26. Các giáo huấn này được các tác giả tư tế thu thập và đưa vào sách không phải chỉ nhắm việc thờ phượng không mà họ còn nhằm mục đích cho thấy thế nào là việc thờ phượng đích thực được tỏ lộ trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người, qua sự công chính và yêu thương trong các tương quan với tha nhân. Điển hình, dân Israel phải tuân giữ các điều sau ( 19, 9-18, 33-35; 25, 1-23):

- Khi gặt lúa phải để sót lại một ít cho người nghèo mót.

- Không được giữ lương của người lao động nghèo sang ngày hôm sau.

- Không được rủa người điếc, hay đặt vật cản đường người mù.

- Không được trả thù hay nuôi lòng thù hằn, “yêu người lân cận như chính mình” (19,17)

- Không được chèn ép ngoại kiều, đối xử với họ như với người của mình.

- Không được cân gian, đong thiếu

Cứ 50 năm sẽ có một năm toàn xá jubilee: nghĩa là mọi nợ nần được xóa bỏ, tất cả các nô lệ đều phải được phóng thích, những ai bị mất tài sản có cơ hội để chuộc lại.

Sách Lêvi nhắc ta nhớ rằng sự thánh thiện không hệ tại việc cầu nguyện và tuân giữ nghiêm chỉnh các lễ nghi, dù rằng điều này cũng quan trọng. Cốt yếu của việc thờ phượng đích thực là tình yêu Chúa được thể qua tình yêu tha nhân.

b. Một Điểm Tựa Trong Việc Tìm Hiểu Bộ Ngũ Thư

Bộ luật về sự thánh thiện cùng với bộ luật Giao Ước (Xh 21-23), Bộ luật Đệ Nhị Luật (Đnl 12-26) tạo thành ba điểm tựa chắc chắn nhất giúp cho việc giải thích bộ Ngũ Thư.

Bộ luật giao ước giả thiết môt xã hội trong đó mọi quyền lực tập trung vào người chủ các gia đình mở rộng. Họ có thể đứng ra dàn xếp các xung đột ở mức địa phương. Trong bộ luật Đnl, xuất hiện việc tập trung phụng tự đi đôi với việc tập trung nghành tư pháp. Mọi quyền hành tập trung về Giêrusalem. Israel được khẳng định là một dân tộc duy nhất với một Thiên Chúa duy nhất và một đền thờ duy nhất. Sau thời lưu đày, luật về sự thánh thiện luôn nhấn mạnh ý tưởng về một dân thánh, được tách biệt khỏi những dân khác.

Vậy theo đó, những bản văn nào không giả thiết có sự tập trung phụng tự phải đi trước cuộc cải cách Đnl; những bản văn nào nói đến sự tập trung thì đồng thời với cuộc cải cách; những bản văn nào giả thiết có sự tập trung thì đến sau cuộc cải cách.

Ngoài ra ta cũng phải kể đến ba nền thần học góp phần tạo nên bộ ngũ thư ngày nay. Thần học Đệ Nhị Luật, cổ kính nhất; thần học thuộc tư tế (thời gian cuộc lưu đày sắp kết thúc và vào lúc hành hương); sau cùng, Luật về sự thánh thiện ra đời vào thời kỳ Đền thờ thứ hai làm nên một tổng hợp thần học hai nền thần học trên.[7]

3.Tính Hiện Đại Của Sách Lêvi

Có thể nói, sách Lêvi là một sách ít được đọc nhất vì nó khá khô khan, ghi lại các tập tục của hàng tư tế trong Cựu Ước, toàn là những chuyện cũ, những quy định đã lỗi thời. Thế nhưng đằng sau vẻ cổ kính này lại ẩn dấu những giá trị vô cùng to lớn không thể coi thường.

Chính nhờ sách lêvi, mà chúng ta hiểu được ý nghĩa của từ “vị thượng tế” mà thánh Phao-lô, thư Do-thái nói về Đức Kitô. Nhờ đọc sách này mà ta mới hiểu được vai trò và tầm quan trọng hy tế của Người. Chẳng vậy mà sách này vẫn được đọc trong các giờ kinh sách của tuần thứ bốn mùa chay, để chuẩn bị cho chúng ta nghe các bài đọc trích từ sách Do-thái vào tuần thứ năm với đề tài chủ yếu: Đức Kitô là vị thượng tế của giao ước mới, Người đã đổ máu ra để giao hòa loài người với Thiên Chúa, cái chết của Người là một hy lễ hoàn hảo, chỉ dâng một lần là đủ. Để rồi từ đó chúng ta được nên hoàn hảo, về sau tất cả mọi hành vi phụng tự do Lề Luật quy định đều trở thành vô ích.

Với các lễ nghi và quy định chặt chẽ mà dân phải tuân theo, áp dụng trong từng giây phút của cuộc sống họ, họ phải tuân giữ tỉ mỉ… thế nhưng qua đó chúng ta đọc thấy một sự khao khát thể hiện tình yêu và ước muốn thuộc trọn vẹn về Thiên Chúa trong từng giây phút trong cuộc đời họ. Họ phải nên thánh, nhưng điều đó không có nghĩa là tuân giữ các quy luật khắt khe, nhỏ nhặt trong việc thờ phượng, nhưng trên hết mọi sự là tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa, thể hiện cụ thể trong tương quan với tha nhân.

Sự thánh thiện là một đề tài trong sách vẫn luôn là một vấn đề của thời đại chúng ta. Sự thánh thiện chính là một chìa khóa giúp nhận biết Thiên Chúa và soi sáng cho chúng ta hiểu được ơn gọi đặc biệt của mình trong tư cách là một dân thánh.

Tất cả những quy định, lề luật dân Israel phải tuân theo đều được đặt trong tương quan với giao ước, chúng ta có thể rút ra một quan niệm luôn luôn đúng và có giá trị: Trong một thế giới được Thiên Chúa an bài cho tham dự vào sự sống của Người, thì tất cả đều mang dấu ấn của giao ước.

V. THAY LỜI KẾT

Sách Lê-vi là sách đề cập đến những lề luật, luật trong Cựu ước, đã lỗi thời so với Giao ước mới. Tuy nhiên người ta không thể chối bỏ những giá trị nhất định của chúng. Những vay mượn trong các cử chỉ tôn giáo, để làm nên bộ nghi lễ, dân Israel cốt làm sao để nền phụng tự của mình phù hợp với lòng tin mà họ tuyên xưng. Việc thờ phượng phải thể hiện sự hòa giải, hiệp thông của dân thánh bởi Thiên Chúa là Đấng Thánh. Cho dù các nghi lễ, ngày lễ, hành vi thay đổi theo năm tháng, thời gian và không gian, nhưng làm sao những điều đó phải thể hiện ước vọng, niềm tin của họ qua cộng đoàn, qua ngôn ngữ thể xác. Dù các ngôn sứ có chỉ trích một nền phụng tự không đúng cách, dù Do thái giáo mất đền thờ, cũng như Kitô giáo nhìn nhận chỉ có hy lễ của Chúa kitô mới có giá trị, đã bác bỏ nghi thức của sách Lê-vi đi nữa thì cũng chẳng xóa được sự kiện  sách Lê-vi vẫn nằm trong Kinh Thánh.[8]

Có thể nói, sách lê-vi là một cuốn sách thánh, bởi vì dân được tuyển chọn, những luật lệ được sắp đặt là để giúp họ nên thánh, bầu khí thánh bao trùm toàn bộ sách Lê-vi. Tuy nhiên, sự thánh thiện không dừng ở những luật lệ, qui tắc hoặc cổ võ cho một nếp sống đạo đức theo kiểu nhóm Pharisiêu, của bọn biệt phái giả hình sau này mà đánh mất ý nghĩa giá trị ban đầu, và chưa kịp khám phá tiếp cảm nghiệm sâu đậm bên trong. Nói chung, sự thánh thiện trong Cựu ước là tiền đề cho sự thánh thiện trong Tân ước. Những luật thánh thiện liên quan đến tôn giáo cũng chính là sự hiện diện của loan báo và chuẩn bị đón tiếp Đấng mang lời của mình, và thực thi trong đời sống của mình sự hòa giải và hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa.

Sách cũng cho chúng ta thấy những tiêu chuẩn luân lý của người Do-thái. Những tiêu chuẩn này chứa đựng những giáo huấn về mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, tương quan giữa con người với nhau và luôn mang một giá trị tôn giáo bền vững. Qua hàng ngũ tư tế và các nghi thức dâng hiến tế, sách giúp con người mọi thời luôn ý thức sống hiệp thông với Thiên Chúa trong đời sống thường ngày của mình.

Sách Lêvi có thể là sách của những quy định cổ xưa, lạc hậu thế nhưng cái tinh thần, cái hồn của Lề Luật vẫn luôn là điều mà mỗi người chúng ta được mời gọi phải tuân theo, đừng bao giờ bỏ mất (Mt 5, 17-19).

 
--------------------------------------------------------------

SÁCH THAM KHẢO
 
 
01. Nhóm CGKPV,Kinh Thánh Trọn bộ Cựu ước và Tân ước, Nxb Tp HCM, 1998

02. Ngũ thư Kinh Thánh Cựu Ước, Bản dịch CGKPV, Tp, Hồ Chí Minh, 1999

03. Nguyễn Ngọc Rao, OP, Tìm hiểu Ngũ Thư, lưu hành nội bộ, 2005

04. J. Dheilly, Từ điển Thánh Kinh

05. Vũ Phan Long, Bộ Ngũ Thư – Nội Dung Văn Chương, lưu hành nội bộ, 2004

06. Lê Thị Thanh Nga, Ngũ Thư và Bình Luận về Ngũ Thư ngày nay, tài liệu học tập.

 

[1] Xc, Ngũ thư, Kinh Thánh Cựu Ước, Bản dịch CGKPV, Tp. HCM, 1999, trang 263

[2] Nguyễn ngọc Rao, Tìm hiểu Ngũ Thư, TT Học Vấn Đa Minh, 2007, trang 187-188

[3] Xc, Kinh Thánh trọn bộ Cựu ước và Tân ước, Nxb Tp. HCM, 1998, trang181 -229.

[4] J. Dheilly, Từ điển Thánh Kinh IV, Q-2

[5] Vũ Phan Long, Bộ Ngũ Thư-Nội dung văn chương,  Lời Chúa, 2004, trang 55-58

[6] Ý nghĩa của các lễ xin coi  cuốn “ Tìm Hiểu Ngũ Thư” trang 183-187, của cha Nguyễn Ngọc Rao, OP

[7] để hiểu rõ hơn về phần này, chúng ta có thể tham khảo tập tài liệu học “Ngũ Thư và Bình Luận về Ngũ Thư ngày nay” của Nt Lê Thị Thanh Nga, CND và sách Bộ Ngũ Thư – Nội Dung, Văn Chương, Vũ Phan Long, OFM, Lời Chúa, 2004, tr 179-182.

[8] Xc Tìm Hiểu Ngũ Thư, Nguyễn Ngọc Rao, lưu hành nội bộ, 2005, tr. 191-192.