Học Viện Đaminh
I. DẪN NHẬP
Sách Xuất hành là cuốn thứ hai trong bộ Ngũ thư. Danh xưng Xuất hành lấy theo các dịch giả bản LXX, có nghĩa là “ra đi”. Ở đây, chỉ nói đến “cuộc ra đi khỏi Ai-cập” của dân tộc Ít-ra-en.
Sách Xuất hành được xem là một phần của bộ Ngũ thư, bởi vì nội dung của sách đề cập đến sự kiện đó là: Thiên Chúa ra tay hành động để cứu dân Ít-ra-en thoát ra khỏi sự áp bức, bóc lột và làm nô lệ bên Ai-cập.
Đây là cuốn sách thứ hai đồng thời cũng là cuốn sách viết tiếp lịch sử của dân tộc Chúa chọn được khởi đầu với câu chuyện bắt đầu với việc sáng tạo vũ trụ và con người ở sách Sáng thế và kết thúc trong sách Đệ Nhị Luật với việc Chúa hứa cho dân của Ngài có đất và cuối cùng là cái chết của ông Mô-sê.
1. Văn phong
Sách Xuất hành qui tụ hầu hết các văn kiện của Ngũ thư: có đến 3 trong 4 văn kiện của Ngũ thư. Đó là văn kiện Gia-vít (J), Ê-lô-hít (E), và Tư tế (P), nhưng văn kiện Gia-vít (J) là chủ yếu.
+ Các khoản luật canh tân Giao ước xuất phát từ văn kiện (J)
+ Luật Giao ước thuộc văn kiện (E)
+ Điều khoản đạo lý và nghi lễ thuộc văn kiện (P)
2. Bố cục
Sách Xuất hành chia làm ba phần (lấy theo cách chia của nhóm CGKPV)
1. Dân Ít-ra-en được giải thoát khỏi Ai-cập (1,1-15,20)
2. Hành trình trong sa mạc (15,22-18-27)
3. Giao ước Xi-nai (19,1- 40,38)
II. TÌM HIỂU NỘI DUNG
1. Dân Ít-ra-en được giải thoát khỏi Ai-cập (1,1-15,20)
1.1. Dân Ít-ra-en bên Ai-cập
Mở đầu sách Xuất hành là phần chuyển tiếp từ câu chuyện của ông Giu-se sang câu chuyện của ông Mô-sê. Câu chuyện này nói về số phận của một dân tộc. Tuy bị áp bức và phải làm những công việc nặng nhọc, nhưng dân tộc này ngày càng trở nên đông đúc và mạnh mẽ đến nỗi làm cho vua Ai-cập lúc đó phải e ngại ; vì cứ theo đà này, thì đám dân này sẽ phát triển hơn nữa và nó sẽ trở thành một dân mạnh mẽ hơn chúng ta. Đứng trước tình hình đó, không còn cách nào khác là việc hạn chế việc sinh sản của đám dân này, lúc đó mới có thể ngăn cản được sự phát triển dân số của đám dân này.
Theo cách chia của nhóm CGKPV, chương I được chia làm ba phần:
*** Dòng dõi của ông Gia-cóp ở Ai-cập gia tăng (1-7)
*** Dân Ít-ra-en bị cưỡng bức lao động nặng nhọc (8-14)
Dân Ít-ra-en bị cưỡng bức lao động nặng nhọc, các công việc cụ thể như sau: làm gạch, đào mỏ, xây dựng các kho lương thực, các đền đài ; dưới sự kiểm soát bởi các viên đốc công thật tàn nhẫn. Ngoài ra, số khác phải đi lính để mở rộng lãnh thổ Ai-cập. Tuy nhiên có một số người khác được tuyển lựa và được học hành để trở nên những người làm việc cho nhà vua.
*** Vua Pha-ra-ô đưa ra những biện pháp nhằm tiêu diệt Ít-ra-en (15-22)
Sau khi giáng xuống đầu dân Ít-ra-en những công việc nặng nhọc như thế, nhưng số dân này vẫn không ngừng phát triển, thậm chí số dân này ngày càng tăng khiến nhà vua phải e sợ. Lúc này, Pha-ra-ô nghĩ ra một cách khác là ra lệnh cho các bà đỡ giết tất cả các bé trai được sinh ra từ các sản phụ Hip-ri. Thế nhưng kế hoạch lần này của vua cũng bị thất bại. Thất bại vì hai lý do:
- Thiên Chúa tỏ lòng nhân từ qua những con người bình thường đó là các bà đỡ.
“Nhưng các bà đỡ có lòng kính sợ Thiên Chúa, nên không làm như vua Ai-cập đã truyền, và cứ để cho con trai sống” (Xh 1,17).
- Thiên Chúa can thiệp nhằm chuẩn bị cho Mô-sê ra đời (vị cứu tinh của Ít-ra-en sau này).
1.2. Sứ mạng của Mô-sê
1.2.1 Mô-sê, thuở thiếu thời ở Ai-cập (2,1-10)
Đọc lại lịch sử cứu độ, ta thấy rằng động lực của cuộc Xuất hành của dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập bắt đầu bằng sự chịu cảnh nô lệ của dân Chúa chọn trong đất Ai-cập. Tại xứ sở của những kim tự tháp, thời cổ đại, việc dân chúng, đặc biệt là những người ngoại quốc làm việc cho Pha-ra-ô là chuyện bình thường. Nó không được xem như là một hình thức nô lệ hay áp bức. Chúng ta biết rằng có những thành phố được dựng nên để cung cấp nhà ở cho các nhân công được thuê mướn xây dựng lăng tẩm hay đền thờ các Pha-ra-ôâ. Tuy nhiên, đối với dân Ít-ra-en thì lại khác, vì lúc này con cháu nhà Gia-cóp đã đông đúc và rất mạnh mẽ và chính điều này một cách âm thầm như là mối đe doạ cho Ai-cập. Do đó, người Ai-cập, đặc biệt là Pha-ra-ôâ muốn huỷ diệt dân Ít-ra-en bằng cách lao động khổ sai, tìm cách giết mọi con trai sơ sinh. Đối với dân Ít-ra-en, vấn đề nghiêm trọng nhất là họ có nguy cơ tuyệt chủng, xoá tan lịch sử của một dân tộc vì Pha-ra-ô ra lệnh giết hết các con trai sơ sinh.
Trong lúc dân phải chịu khổ cực, Thiên Chúa chuẩn bị một người sẽ cứu họ: đó là Mô-sê, một sứ giả của Đức Chúa. Mô-sê là người gốc Ít-ra-en, thuở mới sinh bị bỏ trôi sông vì người mẹ không thể giấu Mô-sê thêm được nữa và cũng không thể đang tâm giết con mình được. Mô-sê bị đem bỏ vào thúng trôi sông mặc cho số phận đưa đẩy ; nhưng may thay, trong một lần đi tắm ở sông Nil, công chúa của Pha-ra-ô đã rước về nuôi. Ông sinh trưởng và lớn lên dưới sự giáo dục trong triều đình Ai-cập và chính nhờ sự giáo dục đầy đủ nơi quyền quý cao sang thế lực như thế để sau này có đủ khả năng làm một nhà lãnh đạo và lập pháp cho dân Ít-ra-en. Thực ra Mô-sê vẫn sống một cách thầm lặng trong triều Ai-cập. Một ngày kia, vì bênh vực một người cùng dòng máu, nên ông đã giết một người Ai-cập. Chính vì biến cố này mà ông phải trốn vào sa mạc. Trong thời gian sống trong sa mạc khô cằn, ông đã gặp gỡ được Thiên Chúa. Tại đây, Thiên Chúa cho ông biết tên của Ngài và sứ mạng Ngài sẽ trao phó cho ông sau này.
1.2.2. Mô-sê ở Ma-đi-an (2, 11-22)
Nếu như Tổ phụ Áp-ra-ham được Đức Chúa kêu gọi để thiết lập một dân tộc đông đảo theo chương trình cứu độ của Ngài, thì đối với Mô-sê, Đức Chúa lại muốn dùng ông như là người kế tục chương trình này. Do vậy, cung điện Pha-ra-ôâ không phải là môi trường sống đích thực dành cho ông. Đó chỉ là nơi tạm thời, đến lúc Đức Chúa định, ông phải rời bỏ cung điện Pha-ra-ôâ, để đi vào chốn vô định. Và như vậy, ông đang làm điều mà các tổ phụ đã làm: trước tiên là Áp-ra-ham và hậu duệ phải rời bỏ quê hương và gia đình (St 12, 1).
Nhà lãnh đạo Dân Chúa tương lai vì bênh vực một người đồng hương nên đã giết một tên Ai-cập. Để thoát chết, Mô-sê đã trốn chạy đến xứ Mađian, một vùng sa mạc mà những người muốn trốn thoát giới chức Ai-cập thường đến trú ẩn. Cuộc trốn chạy của Mô-sê vào trong hoang địa cũng là một phần nằm trong sứ mệnh được Thiên Chúa quan phòng. Vị tư tế xứ Ma-đi-an đã gả con gái Xip-pô-ra cho ông. Và ông đã đặt tên cho con trai là Ghéc-sôm để tỏ lòng biết ơn đối với đất khách quê người đã tiếp nhận ông như là một người khách và một trú dân.
Trong những câu kết thúc chương hai, với việc nhắc lại tình cảnh khốn cùng của dân Ít-ra-en đang rên siết trong kiếp nô lệ. Ngài nhìn thấy dân Ít-ra-en và thấu biết tình trạng của họ. Thật là một phác thảo đại cương tuyệt diệu về hoạt động của sự quan phòng của Thiên Chúa, đã được dùng như lời mở đầu cho những chương sau sẽ thuật lại sự can thiệp trực tiếp của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã nghe tiếng họ than van và Thiên Chúa nhớ lại giao ước của Người với các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. 25 Thiên Chúa đã nhìn thấy con cái Ít-ra-en và Thiên Chúa đã biết ...”(Xh 2,24-25). Thiên Chúa khởi đầu cuộc can thiệp cứu vớt của Ngài bằng việc kêu gọi một trung gian, một người đại diện và một sứ giả đó là Mô-sê. Sự việc này xảy ra tại núi Khô-rép, núi của Thiên Chúa. Thiên sứ của Đức Chúa là một kiểu nói chỉ Thiên Chúa. Trong những trình thuật cổ nhất, chẳng hạn như (St 16, 7;22,11-14; 31,11-13), liền ngay sau khi nói thiên sứ xuất hiện, và chính Thiên Chúa phán. Vì Thiên Chúa vô hình, Ngài được khám phá là đang hiện diện và hành động nơi “thiên sứ của Đức Chúa”, chứ chính Ngài thường không xuất hiện dưới hình dáng con người.
Việc kêu gọi Mô-sê được mô tả trong một cuộc đối thoại gồm bốn giai đoạn: Thiên Chúa gọi ông bằng tên (Xh 3,4); Ngài tự giới thiệu như là Thiên Chúa của các tổ tiên của Mô-sê (câu 6); Ngài trình bày kế hoạch giải thoát (câu 7-9); và cuối cùng, Ngài trao cho ông sứ mệnh (câu 10). Trong lời đáp lại phản đối đầu tiên của Mô-sê với lý do ông hoàn toàn không có năng lực thi hành điều Thiên Chúa đòi hỏi nơi ông, Thiên Chúa bảo đảm với ông rằng Ngài sẽ ở bên cạnh ông và sẽ bảo vệ ông cũng như Ngài sẽ giúp đỡ tất cả những ai có một sứ mệnh cứu độ khó khăn. Sau khi đã thoả thuận những khó khăn giữa Thiên Chúa và Mô-sê và được chính Ngài hứa sẽ ở cùng trong cuộc đồng hành này, mà Mô-sê đã sẵn sàng thi hành lệnh truyền của Đức Chúa.
1.2.3. Mô-sê thực thi sứ mạng (3,7-7,7)
Sau khi thoả mãn các “yêu sách” của Mô-sê như: cho biết Tên, Thiên Chúa đưa ra những chỉ dẫn về những việc ông phải làm để hoàn thành sứ mệnh giải cứu dân mình. Mô-sê thuyết phục các trưởng lão về tính cách thần linh của sứ mệnh của ông (Xh 3,16-17), rồi cùng với họ yêu cầu vua Ai-cập để cho họ đi tế lễ Thiên Chúa trong hoang địa. Dĩ nhiên, vua Ai-cập sẽ từ chối, nhưng rồi cũng phải khuất phục, thuận cho đi sau khi Thiên Chúa làm những điều kỳ diệu (Xh 3,18-20). Mô-sê thấy trước nhiệm vụ của ông không phải dễ, có khi còn nguy hiểm đến tính mạng, nên ông tìm cách thoái thác, tìm đủ mọi lý do để chối từ: nào là ông phải lấy gì để cho người ta tin lời ông, nào là ông không có khoa ăn nói. Thiên Chúa giải quyết các khó khăn được nêu ra cách nhanh chóng: Ngài sẽ cho ông vài tài lạ để làm cho người ta tin, và sẽ cho ông biết ăn nói thích hợp (Xh 4,1-12). Dầu vậy, Mô-sê vẫn chưa yên tâm: “Lạy Chúa, xin xá lỗi cho con, xin Chúa sai ai làm môi giới thì sai." (Xh 4,13). Tuy nhiên, Đức Chúa lại ban cho ông một người trợ tá đắc lực là A-ha-ron. Có người thân bên cạnh, Mô-sê bớt lo sợ và không muốn làm Thiên Chúa giận thêm nữa, nên ông chấp nhận sứ mệnh. Ông giã từ bố vợ, từ bỏ miền đất Ma-đi-an, rồi đưa vợ con trở về Ai-cập theo lệnh Chúa truyền (Xh 4,19-20). Đức Chúa cũng cho biết trước sứ mệnh của ông không phải dễ dàng. Ông phải đấu tranh không nhân nhượng với sự từ khước của Pha-ra-ôâ, mà Thiên Chúa đã dự liệu trước, để giải cứu Ít-ra-en được Thiên Chúa gọi ở đây là “…con đầu lòng của Ta là Ít-ra-en” (Xh 4,22).
Sứ vụ của Mô-sê đối với dân đạt được thành công lúc đầu: “Ông Mô-sê và ông A-ha-ron đi triệu tập mọi kỳ mục của con cái Ít-ra-en. Ông A-ha-ron nói tất cả những lời Đức Chúa đã ngỏ cùng ông Mô-sê và làm những dấu lạ trước mắt dân. Và dân đã tin. Họ đã hiểu là Đức Chúa đến viếng thăm con cái Ít-ra-en và nhìn thấy cảnh khổ cực của họ. Và họ đã phủ phục mà thờ lạy” (Xh 4,29-31).
1.3. Tai ương thứ 10 và việc ra khỏi Ai-cập (12,29-15)
Sau đây là các tai ương mà Đức Chúa lần lượt giáng xuống cho vua và cả triều đình Ai-cập:
1. Nước biến thành máu,
2. ếch nhái,
3. muỗi,
4. ruồi nhặng,
5. ôn dịch,
6. ung nhọt,
7.mưa đá,
8. châu chấu,
9. cảnh tối tăm.
Sau mỗi lần tai ương được giáng xuống, Mô-sê lại thỉnh ý của ĐỨC CHÚA để xin Người dậy dỗ. Thế nhưng, tình hình xem ra không khả thi chút nào, vì sau 9 tai ương lần lượt được giáng xuống trên đất Ai-cập, thái độ của vua Ai-cập vẫn không thay đổi, cõi lòng của vua đã trở nên chai cứng đến nỗi không thể nhận ra các lỗi lầm của mình để ăn năn thống hối. Một điều chắc chắn rằng trong thâm tâm của nhà vua vẫn thừa biết rằng đám dân này luôn có bàn tay của Đức Chúa đang trợ giúp họ. Vì qua câu nói này khẳng định điều đó "Lần này, chính ta có tội. Đức Chúa là Đấng công chính, còn ta và dân ta đều lầm lỗi. Hãy khẩn cầu Đức Chúa đi ! Sấm sét và mưa đá như thế đủ rồi !” (Xh 9,27-28). Tuy ý thức là mình có tội, nhưng vẫn cứng lòng. Lần này cũng như những lần trước đó, “nhà vua lại nuốt lời” và quyết định không để cho đám dân này đi, vì “lòng vua và lòng bề tôi của vua lại ra nặng nề cứng cỏi” (Xh 9,34).
Câu chuyện không kết thúc ở đây. Lần này, câu chuyện lại bước sang một bước mới quan trọng hơn và có tính quyết định hơn. Đức Chúa đã không đủ kiên nhẫn đối với một tấm lòng quá cứng cỏi như vua Pha-ra-ô, nên Ngài đã giáng xuống tai ương cuối cùng này.
“Vào nửa đêm, Đức Chúa sát hại mọi con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ con đầu lòng của vị Pha-ra-ô đang ngồi trên ngai báu, đến con đầu lòng của người tù đang ở trong ngục và mọi con đầu lòng của loài vật. Đêm ấy, Pha-ra-ô thức dậy, cùng với tất cả bề tôi và mọi người Ai-cập, và tại Ai-cập vang lên tiếng kêu la, vì không có nhà nào mà không có người chết” (Xh 12,29-30).
Đứng trước cảnh tượng đau đớn này, nhà vua mới ý thức, mới tỉnh ngộ và đã thay đổi. Nếu trước đây, con người này tỏ ra thật bướng bỉnh (cứng cỏi) bao nhiêu, thì lúc này lại trở thành con người ngoan ngoãn bấy nhiêu.
“Đang đêm nhà vua triệu ông Mô-sê và ông A-ha-ron đến và bảo: "Cả các ngươi lẫn con cái Ít-ra-en, đứng lên, đi ra, không được ở giữa dân ta nữa ! Đi mà thờ phượng Đức Chúa như các ngươi đã nói ! Cả chiên cừu, bò bê của các ngươi, cũng hãy đem đi như các ngươi đã nói. Đi đi và cầu phúc cho cả ta nữa.” ( Xh 12,31-33).
Như đã nói, đây là tai ương cuối cùng và quan trọng, nên đã có sự chuẩn bị trước qua việc Đức Chúa chỉ thị về lễ Vượt Qua và đồng thời Đức Chúa cũng nói ý nghĩa về ngày đo. (Xh 12,21-27).
Qua tai ương cuối cùng này cho thấy rằng quyền năng của Đức Chúa mạnh hơn nhà vua, đồng thời đề cao ý định của Đức Chúa muốn cứu thoát dân của Người khỏi ách thống trị của vua Ai-cập.
***Việc ra khỏi Ai-cập
Với tai họa cuối cùng này, vua Ai-cập phải nhượng bộ cho dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập tiến về miền Đất hứa. Lúc này, một thử thách nữa lại xảy ra cho ông Mô-sê, phải tìm ra con đường để về miền Đất hứa.
“Thiên Chúa không dẫn họ theo ngả đường xuyên qua xứ Phi-li-tinh, dù đường đó gần hơn”. Khi đề cập đến việc tìm ra con đường đi vào miền Đất hứa, có lẽ khó có thể xác minh một cách chính xác vì có nhiều lý lẽ khác nhau, nên không biết đâu là nguồn tài liệu chính xác về vấn đề này. Tuy nhiên, con đường phía Nam là con đường an toàn nhất cho dân lúc đó (có thể con đường này xa hơn).
“Vậy Thiên Chúa đưa dân đi vòng, qua ngả đường sa mạc Biển Sậy...” (Xh 13,18). Chi tiết này cũng là một trong những chi tiết quan trọng nói lên rằng Thiên Chúa không những ra tay hành động để cứu dân thoát khỏi tay Pha-ra-ô, mà Người còn dẫn đường chỉ lối dẫn đưa dân Người đến nơi an toàn. “Đức Chúa đi đằng trước họ: ban ngày thì ở trong cột mây để dẫn đường, ban đêm thì ở trong cột lửa để soi sáng, nên họ có thể đi cả ban ngày lẫn ban đêm. Ban ngày cột mây đi trước dân không rời, ban đêm cột lửa cũng vậy” (Xh 13,21 -22).
Sau bao nhiêu những thử thách, những đau khổ tưởng chừng đã kết thúc ở đó và giờ đây chỉ còn một việc đó là toàn dân tiến về vùng đất mà Đức Chúa đã hứa. Nào ngờ ! Cũng chính lúc này là lúc mà Pha-ra-ô đã “hoàn hồn” nên lại thay đổi quyết định của mình và sai quân lính đuổi theo con cái Ít-ra-en để hòng bắt chúng quay đầu trở lại Ai-cập.
Mọi ý định, mọi mưu kế của Pha-ra-ô đều trở nên vô nghĩa và sẽ trở nên thất bại. Tuy nhiên, dù muốn dù không, con cái Ít-ra-en cũng sẽ phải đối diện với đoàn quân của Pha-ra-ô. Trước tình hình khó khăn, một bên là quân đội Ai-cập đang đuổi theo, một bên là Biển Sậy mà con cái Ít-ra-en phải vượt qua ! Lúc này, con cái Ít-ra-en cầu khẩn Đức Chúa, nhưng lại kêu trách ông Mô-sê: “...Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Ai-cập ! Thà làm nô lệ Ai-cập còn hơn chết trong sa mạc!” (Xh 14,12). Ông Mô-sê luôn tin rằng Đức Chúa sẽ mãi mãi ở với dân, nên ông đã trấn an dân chúng : “Đừng sợ ! Cứ đứng vững, rồi anh em sẽ thấy việc Đức Chúa làm hôm nay để cứu thoát anh em...” (Xh 14,13). Sau khi đã trấn an dân chúng, ông Mô-sê lại kêu cầu Đức Chúa một lần nữa. Và Đức Chúa đã hướng dẫn cách thức để dẫn dắt đoàn dân ra khỏi Ai-Cập (14,15-18).
2. Hành trình trong sa mạc (15,22-18,27)
2.1. Vai trò của Mô-sê (17,8-16; 24,12-24)
Ông Mô-sê có một vai trò rất quan trọng trong dân, quan trọng đến nỗi mà dân coi ông như một nhà lãnh đạo, một người cha, một người anh. Bất kể lúc nào, khi họ gặp phải những khó khăn không thể giải quyết được, họ đều chạy đến với Mô-sê.
Đối với dân, ông rất nhiệt thành, hướng dẫn dân suốt trong hành trình 40 năm trong sa mạc. Hơn nữa, ông luôn đồng lao cộng khổ với dân, trong mọi nơi mọi lúc. Ông không chỉ là một nhà lãnh đạo dân về chính trị, mà ông còn là một nhà lãnh đạo tinh thần. Biết bao lần, ông đến giáp mặt với Pha-ra-ô để đấu tranh tinh thần với một ông vua “cứng đầu cứng cổ” và tìm mọi cách đưa dân ra khỏi ách nô lệ để về đất hứa. Ông thực hiện đúng lời Đức Chúa phán: “…Ta sẽ cho các ngươi thoát cảnh khổ cực bên Ai-cập…” (Xh 3,17). Khi thực hiện lời Đức Chúa, không chỉ một mình ông mà có Đức Chúa ở đó với ông, để hỗ trợ những việc làm của ông. Tất cả những tai ương mà Đức Chúa chỉ dạy ông, thì Ngài đã ban cho ông quyền để ông thực hiện những dấu lạ đó. Những dấu lạ mà Mô-sê thực hiện bên Ai-cập đã không làm cho Pha-ra-ôâ mềm lòng. Thế nhưng, phép lạ cuối cùng (tai ương thứ 10) đã làm cho Pha-ra-ô thay lòng đổi dạ và thả cho dân đi.
Trong suốt hành trình sa mạc, ông Mô-sê là một nhà lãnh đạo về chính trị và tinh thần đối với dân Is-ra-el. Ông đã cùng sống, cùng chịu những khổ cực cùng với dân.
2.2. Từ Ai-cập lên Xi-nai
Trong suốt hành trình từ Ai-cập lên Xi-nai, Mô-sê đã hết lòng chăm lo cho dân. Khi họ đói, ông đã cầu xin Chúa cho họ ăn. Khi họ khát, ông cầu xin cho họ có nước uống. Khi họ gặp phải tai nạn, ông cầu xin Đức Chúa chữa. Trong cuộc hành trình này, dân Ít-ra-en gặp không biết bao những thử thách, nhưng Mô-sê đã kêu xin Đức Chúa trợ giúp và Ngài đã nhận lời. Có thể nói, ông là một người tôi tớ trung thành với Đức Chúa và đồng thời cũng là người rất gần gũi với dân chúng. Vì thế, ông đã trở thành một trung gian giữa Thiên Chúa với dân và giữa dân với Thiên Chúa; một trung gian không thể thiếu đối với dân lúc đó và không ai có thể thay thế được vai trò này.
Trong suốt hành trình từ Ai-cập lên Xi nai, ông không bao giờ than van hoặc mở miệng kêu trách Đức Chúa. Thế nhưng, vì nghe quá nhiều lời than vãn của dân, nên ông đã có phần nào đó sao lãng và vô tình để lòng tin bị nguội lạnh.
Trong suốt hành trình sa mạc, Đức Chúa đã ở cùng ông, đồng nghĩa là Đức Chúa cũng ở cùng dân. Trong khi dẫn dắt dân, ông gặp không ít những khó khăn, thử thách và Mô-sê đã trở thành một trang chiến binh hùng cường để lãnh đạo trong quân ngũ. Đức Chúa đã không rời bỏ ông và dân, Ngài che chở cho dân bằng cột mây ban ngày và chỉ đường cho dân ban đêm bằng cột lửa. Đức Chúa nuôi dân bằng chim cút và man-na. Sau khi dân không còn nước uống, họ đã gây sự với Mô-sê. Chính họ đã đặt câu hỏi: “Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?”. Lời thách thức này đã làm cho ông phải lãnh hậu quả.
Tại núi Xi-nai, Đức Chúa đã cho dân thấy tình yêu của Ngài đối với họ, Đức Chúa đã thương yêu họ, đã mang họ “như trên cánh chim bằng”. Đức Chúa nói với đám dân của Ngài: Nếu nghe lời Đức Chúa, thì Ngài sẽ nhận họ làm dân riêng. Chính tại núi này, Đức Chúa đã thiết lập với dân bằng một giao ước để họ tuân giữ.
3. Giao ước Xi-nai (19,1- 40,38)
Có một biến cố quan trọng xảy ra trong các chương 19-24, tức là giao ước được lập ra giữa Đức Chúa và dân Ít-ra-en tại núi Xi-nai. Chúng ta thấy hình thức căn bản của giao ước này nằm trong 19,4-6. Sau khi được Đức Chúa giải phóng ra khỏi Ai-cập như thế, nếu dân Ít-ra-en vâng lời Đức Chúa, thì họ sẽ là sở hữu riêng của Đức Chúa, là một vương quốc tư tế, một dân thánh của Người. Điều này mang ý nghĩa là dân Ít-ra-en đóng một vai trò rất quan trọng trong kế hoạch tương lai của Đức Chúa, tuy nhiên với một điều kiện là họ phải vâng phục Đức Chúa.
Những công việc chuẩn bị trước cho ngày thiết lập giao ước chứng tỏ rõ ràng rằng giao ước này rất quan trọng. Dân sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng trong 3 ngày (10-11; 14-15). Họ không được lên núi và chạm đến chân núi, bất kỳ ai chạm đến núi thì sẽ bị giết (12-13).
Đến ngày thứ ba, một đám mây dày đặc bao trùm đỉnh núi và sấm chớp vang rền. Khi Đức Chúa ngự trong đám lửa mà xuống, thì cả núi Xi-nai nghi ngút khói. Một lần nữa sự hiện diện của Đức Chúa được biểu hiện bằng ngọn lửa (3,2). Tiếng tù và mỗi lúc một tăng lên rất mạnh là dấu hiệu loan báo rằng Đức Chúa đã ngự đến.
3.1. Thiết lập giao ước (19-24)
3.1.1. Thập điều
Trong khi dân Ít-ra-en sững sờ kinh ngạc khi đứng trước ngọn núi, thì họ nghe tiếng Đức Chúa tự mặc khải với họ về chính Ngài: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ” (20,2).
Tiếp theo là một bảng liệt kê danh sách các điều khoản làm căn bản cho mối tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ít-ra-en ( 20,3-17). Đây là những điều luật chính yếu mà Đức Chúa đã đề ra cho dân Ít-ra-en nhằm thiết lập và duy trì mối tương quan giao ước với họ. Những điều luật này chỉ là sơ đẳng, là một thứ luân lý vừa tầm một dân tộc thô sơ vừa mới thoát ách nô lệ lâu năm ở một nước ngoại giáo. Mỗi giới răn hay mỗi điều luật đều đặt nền tảng trên nhân đức rõ rệt nhất và tự nhiên nhất, đó là sự công bằng, hay sự tôn trọng những quyền lợi của tha nhân. Ba điều răn đầu liên quan đến những điều phải có đối với Đức Chúa. Bảy giới răn còn lại liên quan tới những quyền lợi của tha nhân. Tuy những điều răn rất chất phác và tự nhiên, nhưng chúng cũng biểu lộ rõ ràng mối quan tâm của Đức Chúa đối với luân lý của loài người.
3.1.2. Bộ luật Giao ước
Tên gọi này là do người thời nay đặt cho căn cứ vào 24,7. Bộ luật và những tập tục nguyên thuỷ này không được công bố ở Xi-nai, vì nội dung giả thiết một cộng đoàn đã định cư và có nếp sống nông nghiệp. Thời gian là buổi đầu định cư ở Ca-na-an, trước thời quân chủ. Nhưng bản văn này đã được đặt trong bối cảnh Mười Điều Răn bởi vì nó khai triển và áp dụng tinh thần của Mười Điều Răn.
Có thể sắp xếp các chỉ thị trong Bộ Luật này, theo nội dung, vào ba loại: dân luật và hình luật, các quy tắc về phụng tự, luân lý xã hội.
3.1.3. Thiết lập giao ước
Sau khi xuống núi, ông Mô-sê thuật lại cho dân mọi lời của Đức Chúa và mọi điều luật. Một lần nữa, họ bày tỏ sự sẵn sàng vâng theo mọi lời Đức Chúa phán dạy. Tiếp theo đó là bài tường thuật ngắn gọn về buổi lễ công nhận giao ước giữa Đức Chúa và dân Ít-ra-en (24,4-11). Họ xây dựng bàn thờ và dâng của lễ đúng như những chỉ dẫn trong chương 20,24-26. Sau đó ông Mô-sê lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe, tức là cuốn sách mà ông Mô-sê chép lại mọi lời của Đức Chúa. Như vậy ông Mô-sê đã nhắc lại cho dân nhớ rằng phải sống làm sao cho xứng đáng là một Dân thánh của Đức Chúa, đồng thời cũng nhắc lại tính cách hỗ tương của giao ước. Sau khi dân đồng thanh xác nhận sự sẵn sàng thi hành và tuân theo những lời Chúa dạy bảo, ông Mô-sê thi hành việc ký kết giao ước với Đức Chúa. Ông lấy máu của những con bò, rảy phân nửa lên bàn thờ đại diện cho Thiên Chúa, và rảy phân nửa còn lại lên dân Ít-ra-en và nói rằng: “đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này”. Qua hành động tượng trưng này, Thiên Chúa và dân Ít-ra-en trở thành một gia đình, những người cùng máu huyết.
3.2. Giao Ước Bị Vi Phạm (32 – 33)
Trước đây, toàn dân đã nhất trí cùng đồng thanh nói lên quyết tâm của mình trong câu: "....Mọi điều Đức Chúa phán bảo, chúng tôi xin làm theo...."(Xh 19,8), thì hôm nay những luật lệ, những lời hứa và mọi quyết tâm của dân Ít-ra-en trước mặt ông Mô-sê dưới sự chứng kiến của Nhan Đức Chúa. Lúc này, những lời họ hứa sẽ tuân giữ xem ra đã đi vào dĩ vãng và đã trở nên xa lạ đối với họ. Theo Xh 32,1: “Dân thấy ông Mô-sê lâu quá không xuống núi, bèn tụ họp bên ông A-ha-ron và nói với ông : "Xin ông đứng lên, làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi, vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra cho cái ông Mô-sê này, là người đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai-cập." Có lẽ, đây là một lý do ; nhưng còn một lý do khác đó là: “dân này là một dân cứng cổ...”, đây chính là một lý do quan trọng hơn cả. Vì là một dân cứng cổ, nên họ muốn thử thách và trêu giận Đức Chúa bằng cách xin ông A-ha-ron lập một vị thần khác để họ tôn thờ.
Trong biến cố dân Ít-ra-en vi phạm giao ước, tại sao lại có sự cộng tác của A-ha-ron? Điều này cũng làm cho Mô-sê thắc mắc: “...Dân này đã làm gì ông mà ông đưa họ tới chỗ phạm một tội lớn như thế?” (32,21). Ông A-ha-ron đã giải thích lý do vì sao mà ông đã đồng ý để cho đám dân này thực hiện mưu đồ đó. Vì: “....chính ngài biết: dân này có khuynh hướng xấu” (32,22). Nói cách khác, khi A-ha-ron cho phép dân này đúc con bê vàng để tôn thờ, thì phải hiểu đây là quyết định “chẳng đặng đừng” của A-ha-ron.
Như trên ta vừa nêu ra những chi tiết, đặt ra các giả thuyết, và kể ra những lý lẽ về việc dân chúng vi phạm giao ước mà Đức Chúa đã thiết lập với họ. Đây chỉ là những chi tiết phụ thuộc, còn chi tiết quan trọng hơn đó là sự bướng bỉnh của một dân. “...Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ.” (32,9). Sự bướng bỉnh, sự bất tuân của dân này thì chính Đức Chúa đã biết. Thế nhưng, dù đám dân này có thế nào đi chăng nữa, thì Đức Chúa vẫn luôn luôn chở che họ. Đây là một nét nổi bật nhất trong Lịch sử Cứu độ. Chính nét nổi bật này cho thấy tình thương của một Đức Chúa thật bao la, luôn muốn thiết lập với con người (cụ thể là đám dân trong sa mạc) một mối tương quan bền chặt. Và chính mối tương quan này làm thành một dân riêng của Ngài.
Như vừa nói ở trên, Ít-ra-en là dân được chính Đức Chúa tuyển chọn và đã cứu họ thoát khỏi áp bức vua Ai-Cập, đã dẫn dắt họ trong suốt hành trình sa mạc và đã cứu họ thoát khỏi mưu kế thù địch, nên Ngài sẽ không bỏ họ khi chưa hoàn tất công trình cứu độ. Vì thế, Ngài lại chuẩn bị một chương trình mới đó là việc tái lập lại một giao ước mới để cứu họ.
3.3. Tái lập giao ước (34-35)
Sau nhiều lần dân Ít-ra-en vi phạm lề luật thể hiện qua việc thờ ngẫu tượng, không tuân theo một số chỉ thị của Đức Chúa truyền qua ông Mô-sê khiến Đức Chúa nổi cơn giận định giáng phạt dân, nhưng vì sự khẩn cầu của Mô-sê, tôi trung của Đức Chúa, nên Ngài bỏ ý định giáng phạt. Sau khi van xin Đức Chúa đừng giáng phạt dân và Đức Chúa đã nhận lời ông cầu xin. “Đức Chúa phán với ông Mô-sê : "Ngay cả điều ngươi vừa nói đó, Ta cũng sẽ làm, vì ngươi đã được nghĩa với Ta, và Ta biết đích danh ngươi" (33,17).
Ở lần thiết lập giao ước, chính Đức Chúa đã ban cho Mô-sê những bia đá. “Sau khi phán với ông Mô-sê trên núi Xi-nai, Đức Chúa ban cho ông hai tấm bia Chứng ước, hai tấm bia đá do chính tay Thiên Chúa viết” (31,18). Nhưng trong lần tái lập giao ước này, thì Đức Chúa lại ra lệnh cho Mô-sê đẽo hai bia đá và Ngài sẽ ghi lại những lời đã ghi trong các bia trước. “Đức Chúa phán với ông Mô-sê : "Ngươi hãy đẽo hai bia đá giống như hai bia trước. Và Ta sẽ ghi lại trên đó những lời đã ghi trên các bia trước mà ngươi đã đập vỡ” (34,1). Cũng như cách thức lần trước, Mô-sê chuẩn bị rồi sau đó lên núi mà Đức Chúa đã định sẵn, ở đó ông chăm chú lắng nghe mọi lời Đức Chúa truyền dạy sau đó truyền lại cho dân chúng để họ thực thi những lời Ngài đã phán. Tuy nhiên, việc tái lập giao ước lần này không phải như lần trước, nhưng lần này kèm theo các điều kiện như các việc lạ lùng, các dấu chỉ cùng với một số những chỉ thị buộc Mô-sê phải thực hiện như : “Hãy ý tứ, đừng lập giao ước với dân cư trong xứ nơi ngươi sắp vào, kẻo chúng trở thành một cạm bẫy ở giữa ngươi.Trái lại, bàn thờ của chúng, phải phá huỷ, trụ đá của chúng, phải đập tan, cột thờ của chúng, phải chặt đi” ( Xh 34,12-13). Sở dĩ trong lần tái lập giao ước này, ngoài những luật lệ như trước, Đức Chúa còn đặt thêm một số luật lệ khác để cho thấy rằng đám dân này chính là đám dân riêng đã được Đức Chúa tuyển lựa và có một mối ràng buộc riêng. Chính vì mối ràng buộc này mà Đức Chúa đã quên đi tất cả các lỗi lầm của dân và sẵn sàng tái lập lại giao ước mà dân đã vi phạm.
3.4. Dấu chỉ Đức Chúa ở với dân (40,34-38)
Đức Chúa “ở với” hay “ở cùng” là một trong những đề tài quan trọng trong Cựu ước nói chung và trong Xuất hành nói riêng. Sách Xuất hành được kết thúc với một đoạn văn ngắn nói về Lều Hội Ngộ, có mây che phủ và tràn ngập vinh quang Thiên Chúa, như là những dấu chỉ về sự hiện diện của Đức Chúa ở giữa dân Người.
Để tìm hiểu ý nghĩa và mục đích của hai dấu chỉ này, thiết nghĩ, chúng ta nên trở lại với một đoạn văn quan trọng sau: “Ông Mô-sê lấy một chiếc lều và đem dựng cho mình bên ngoài trại, cách một quãng xa. Ông gọi lều ấy là Lều Hội Ngộ. Ai thỉnh ý Đức Chúa thì ra Lều Hội Ngộ, ở ngoài trại… Mỗi khi ông Mô-sê vào trong Lều, thì cột mây đáp xuống, đứng ở cửa Lều, và Đức Chúa đàm đạo với ông Mô-sê. Khi thấy cột mây đứng ở cửa Lều, toàn dân đứng dậy ; và ai nấy phủ phục ở cửa lều mình” (33,7-10).
Theo đoạn văn trên, thì Lều Hội Ngộ chính là nơi Đức Chúa gặp gỡ ông Mô-sê và dân Người. Mục đích của cuộc gặp gỡ cũng không gì khác hơn là để thỉnh ý Người, tức là xin chỉ dẫn trong từng hoàn cảnh cụ thể của cuộc lữ hành trong sa mạc tiến về Đất hứa. Thế nhưng tại sao lại phải gặp gỡ và thỉnh ý Đức Chúa trong Lều Hội Ngộ? Bởi lẽ Đức Chúa được sách Xuất hành mô tả là một Đức Chúa đầy uy lực và vinh quang, không ai có thể trực tiếp diện kiến Người (20,19). Chính vì thế, Mô-sê đã làm một lều cho mình bên ngoài trại, nơi ông đại diện và làm trung gian cho dân mỗi khi họ muốn kêu cầu Người.
Nơi Lều Hội Ngộ luôn có sự hiện diện của Đức Chúa. Điều này được nhận biết qua dấu hiệu của cột mây bao phủ, bởi vì theo quan niệm trong Thánh Kinh, “mây” là biểu tượng chỉ sự hiện diện của Đức Chúa. Ngoài ra, theo chú thích chữ “l” của nhóm CGKPV cho câu 7, chương 33, Lều Hội Ngộ còn là nơi đặt Hòm Bia chứng ước, mà Hòm Bia chứng ước cũng chính là một dấu chỉ hữu hình cho sự hiện diện của Đức Chúa.
Như vậy, Lều Hội Ngộ trở nên một dấu chỉ hữu hình cho sự hiện diện của Đức Chúa ở giữa dân. Nói cách khác, Đức Chúa luôn hiện diện để đồng hành, lắng nghe và chia sẻ những khúc mắc của dân. Hơn thế nữa, sự hiện diện của Đức Chúa còn là một bảo đảm cho dân trên con đường tiến về Đất hứa đầy gian khổ. Ngoài ra, Người còn là động lực duy nhất để toàn dân quy tụ quanh Người, hợp nhất muôn người thành một khối, cùng tiến về miền đất mà chính Đức Chúa đã hứa ban cho cha ông họ.
III. KẾT LUẬN
Sách Xuất hành là một mắt xích không thể thiếu trong bộ ngũ thư bởi vì nhờ nó mà trình thuật tạo dựng khởi đi từ nguyên tổ được gắn liền với dân tộc trở thành một quốc gia có lãnh thổ, có luật pháp, trong đó người lãnh đạo quốc gia là người được Thiên Chúa tuyển chọn và luôn tuân hành theo ý Ngài. Nhờ biến cố Xuất hành, dân Ít-ra-en đã nhận ra được Thiên Chúa đã yêu thương, dẫn họ thoát khỏi Ai-cập, hướng dẫn họ đi theo đường lối Ngài qua giao ước và lề luật được khắc ghi trên bia đá và trong các sách luật.
Có thể nói, sách Xuất hành có khoảng 40 chương, nhưng nó được coi như nền tảng của dân tộc Ít-ra-en. Nhờ biến cố vượt qua dân Ít-ra-en mới thấy uy quyền của Thiên Chúa thông qua người lãnh đạo dân là Mô-sê, và từ đó luật pháp Chúa được thành hình, và người ta có thể khám phá con người và đất nước Ít-ra-en thông qua các chương trong sách Xuất hành.
Về mặt văn chương, Xuất hành là loại văn thuật truyện, tường thuật lại những câu truyện đã xảy ra và được truyền tụng cho nhau qua truyền khẩu. Vì thế, sách Xuất hành không rõ ai là tác giả thật, cũng như chính xác về thời gian xuất hiện câu truyện. Nhiều giả thuyết cho rằng, có nhiều nguồn kể đan xen nhau, nhiều truyền thống J, E, P hòa quyện nhau tạo nên một câu truyện ly kỳ, hấp dẫn lôi kéo người đọc. Do đó, mặt hạn chế cũng không thể tránh khỏi đó là có nhiều chi tiết mâu thuẫn nhau, nhiều đoạn kể trùng lập nhau. Chẳng hạn câu 14,27. Khi nói về việc Thiên Chúa làm cho nước biển rẽ ra chỉ trong khi dân Do Thái đi qua, xong nước ập lại như cũ khiến quân Ai-cập rượt theo phải nhào xuống biển và chết chìm ; còn câu 14,23 lại nói nước biển rẽ ra suốt thời gian dân Do thái và quân Ai-cập đi qua, và khi dân Do thái vừa lên bờ và quân Ai-cập còn ở trong lòng biển thì nước ập lại. Hay như câu 14,19.20.21b.24.25... mô tả cụ thể việc làm của Đức Chúa giống như một con người ; còn câu 14,15-18 hình như tác giả không dám nói thẳng tới việc làm của Đức Chúa mà chỉ kể lại những lời Đức Chúa phán …v.v. Như thế, sách Xuất hành được viết bằng nhiều nguồn kể và được viết qua nhiều giai đoạn. Bên cạnh đó, sách Xuất hành không chỉ là tường thuật các câu truyện, mà còn là một bản văn lễ nghi dạy cho dân biết phải làm việc này, mà không được làm việc kia ; Khi qua Biển Đỏ, bản văn lại trở thành một bản anh hùng ca, một bài thần học nhằm cho thấy Đức Chúa uy quyền, cho thấy một cuộc tạo dựng mới ; sau khi lên núi Xi-nai thì bản văn hầu như lại trở thành một bản hiệp ước ; Nếu bất tuân thì sẽ bị trừng phạt.
Nhân vật chính trong sách Xuất hành được Đức Chúa sử dụng, đó là Mô-sê. Một người đã được Thiên Chúa tuyển chọn ngay từ lúc mới sinh. Một con người chăn cừu tầm thường và đầy những khuyết điểm, nhưng đã trở thành một công cụ đắc lực cho Thiên Chúa, sẵn sàng thi hành mọi đường lối Chúa truyền dạy, cho dù đó là công việc hiểm nguy hay vượt quá khả năng của mình. Có thể nói, ông là một nhà lãnh đạo tài ba, biết hướng dẫn và đưa dân đi theo đường lối Thiên Chúa. Với bản chất yếu đuối của con người, dân Ít-ra-en đã nhiều lần bỏ Đức Chúa, thờ các tà thần. Đức Chúa đã nhiều lần muốn chối bỏ và trừng phạt dân, bằng cách tiêu diệt dân. Nhưng với sự tài ba khéo léo của Mô-sê, ông đã kêu cầu Đức Chúa tha cho dân (Xh 32,31). Ông còn là người trung gian ký giao ước giữa Đức Chúa với dân Người. Một giao ước song phương nhưng trên thực tế chỉ là giao ước đơn phương, do bởi sự ký kết được bao bọc trong tình yêu Thiên Chúa. Vì thế, nhiều lần con người vi phạm giao ước, Mô-sê đã kêu cầu và Thiên Chúa đã tha thứ cho con người. Bên cạnh đó, ông còn để lại cho dân một bộ luật, gồm luật tế tự và luật xã hội con người. Ta có thể thấy nhân vật Mô-sê trong sách Xuất hành hơi cường điệu nhưng lại là nhân vật lịch sử trong dân Ít-ra-en.
Qua nhân vật Mô-sê, ta có thể thấy đây là hình bóng của Đức Ki-tô. Khi mới sinh Đức Ki-tô cũng được thoát khỏi nguy hiểm chết. Ngài đã cứu dân khỏi nô lệ tội lỗi qua phép rửa nhân danh Ngài; hoá bánh ra nhiều để nuôi dân Ngài, ban luật mới trên núi, bữa ăn sau hết của Ngài cũng là bữa ăn Vượt qua, trong đó Ngài lập giao ước bằng máu Ngài, máu của tế lễ Ngài dâng trên thập giá, để cứu độ trần gian, dẫn đưa chúng ta vào vương quốc Ngài. Vì thế, bản văn Xuất hành là những trang sử loan báo về Đức Ki-tô là một Mô-sê mới. Một Mô-sê đến để kiện toàn những lề luật đã được viết trong thời lưu đày. Hơn nữa, Mô-sê mới chính là Ngôi Hai Con Thiên Chúa, Đấng tạo dựng đất trời và hướng dẫn dân Ngài qua luật Mô-sê.
Sách Xuất hành, tác giả đã để lại cho dân tộc Ít-ra-en cũng như chúng ta nhiều bài học. Một Thiên Chúa duy nhất mà chúng ta tôn thờ, không phải là một Thiên Chúa trừu tượng, Ngài có uy quyền trên mọi loài hữu hình và vô hình. Một Thiên Chúa luôn ở với chúng ta trong những biến cố cuộc đời, yêu thương và dìu dắt ta đi trên đường lối Ngài. Tuy nhiên, nhiều lần chúng ta đã chẳng nhận ra Ngài hiện diện trong chúng ta, không ít lần chúng ta đã hoài nghi niềm tin của mình, đi sai đường lối Ngài kêu trách Ngài như dân Ít-ra-en ngày xưa. Ta chỉ có thể nhận ra Ngài khi ta bình tâm và thinh lặng lúc đó ta mới có thể cảm nghiệm về Ngài. Cảm nghiệm của người Ít-ra-en về biến cố Xuất hành cũng là cảm nghiệm của mỗi người chúng ta. Trong biến cố ấy, Ít-ra-en bắt đầu khám phá Thiên Chúa của họ là ai? Tên Ngài là gì? Họ đã khám phá Ngài là Đấng giải phóng, Đấng cứu độ. Nên họ gọi Ngài là "Đấng đã kéo chúng ta ra khỏi nhà nô lệ". Đây là khám phá đầu tiên về Thiên Chúa trước khi họ sẽ khám phá thêm Ngài là Đấng sáng tạo và nhiều đặc tính khác nữa của Ngài. Cũng vậy, chúng ta cũng cần phải khám phá Thiên Chúa muốn nói gì với chúng ta qua biến cố của cá nhân mỗi con người, trong biến cố đó, dẫu là thử thách hay tang thương, chiến thắng hay thất bại, chúng ta cũng nhận ra được giá trị của no, giá trị của bài học mà Thiên Chúa muốn dạy dỗ ta như Thiên Chúa đã dạy dỗ dân Ít-ra-en trong sa mạc năm xưa.
Cuộc đời Đức Ki-tô cũng là một cuộc Xuất hành để giải phóng các tín hữu. Vì thế cuộc đời mỗi người cũng phải là những cuộc Xuất hành, sẵn sàng ra đi để giảûi thoát khỏi con người cũ, mặc lấy con người mới, biết sống phục vụ Thiên Chúa và tha nhân trong chân lý và hòa bình.
Tài liệu tham khảo:
1/ CGKPV, Ngũ Thư
2/ Giáo Hoàng Học Viện Pio X, Điển ngữ Thần học Thánh Kinh
3/ Hoàng Đắc Aùnh, Lịch Sử cứu độ
4/ J. Dheilly, Từ điển Kinh Thánh
5/ Nguyễn Ngọc Rao, Tìm hiểu Ngũ Thư
6/ Trần Phúc Nhân, Tìm hiểu Cựu Ước
7/ Vũ Phan long, Bộ Ngũ Thư
***
Đề nghị đọc thêm:
***Ông Gia-cóp có 12 người con trai do 4 bà sinh ra (2 bà vợ, cùng 2 nữ tỳ của hai bà đó).
Đây là danh sách những người con ông:
- Con trai bà Lê-a : Rưu-vên, con đầu lòng của ông Gia-cóp, rồi đến Si-mê-ôn, Lê-vi, Giu-đa, Ít-xa-kha và Dơ-vu-lun. Con trai bà Ra-khen : Giu-se và Ben-gia-min.
- Con trai bà Bin-ha: nữ tỳ của bà Ra-khen : Đan và Náp-ta-li.
- Con trai bà Din-pa: nữ tỳ của bà Lê-a: Gát và A-se. Đó là những con trai ông Gia-cóp sinh được tại Pát-đan A-ram. (St 23-26).
****“Thời ấy có một vua mới lên trị vì nước Ai-cập, vua này không biết ông Giu-se” (Xh 1,8).
Khi đề cập đến Pha-ra-ô vua Ai-cập cần phân biệt giữa:
- Pha-ra-ô Se-ti I (vua bắt bớ) (1314-1298)
- Pha-ra-ô Ram-ses II (vua Xuất hành) (1290-1224)
Vị vua mới lên trị vì nước Ai-cập đó chính là Ram-ses II
(Theo cách chú giải của nhóm CGKPV trong Xh 13,17 thì đây là con đường thông thường, ngắn nhất và dễ nhất để đi từ Ai-cập đến Ca-na-an. Con đường này song song với duyên hải, đi qua Silé (El-Kantara ngày nay) đầy giếng nước và được canh giữ cẩn thận. Chắc chắn nhóm người trốn đi khỏi Ai-cập không theo con đường này, nhóm bị trục xuất thì có thể).
*******Con bê bằng vàng.
Xét về văn chương, phức tạp, khó có thể phân biệt chi tiết tỉ mỉ. Nếu một phần bản văn được coi là kết quả của các truyền thống Gia-vít và Ê-lô-hít, thì một phần khác, đáng kể hơn, đã được các soạn giả sau thêm vào, rải rác, theo cách đặt câu và văn phong của Đệ nhị luật. Bản văn hiện tại trình bày việc ký kết Giao ước theo truyền thống Gia–vít, chương 34, được coi như tái lập việc kế kết giao ước đã được nói ở ch. 24, đã bị phá vỡ vì It–ra–en phản loạn: thờ con bê bằng vàng. Có thể người ta cho rằng việc sắp xếp này không tự nhiên và câu chuyện con bê bằng vàng đã được đặt vào chỗ này để tách hai trình thuật giao ước ra và để có thể giữ lại. Nhưng phần cổ kính nhất ở ch. 32 hẳn đã có ý nghĩa như là một phần thứ hai trong toàn thể bức họa, phần thứ nhất là chuyện ký giao ước ở ch. 24, 2-8.11b.
Gọi bằng “Con bê bằng vàng” là cách gọi mỉa mai, thực ra là hình tượng con bò tơ. Đây là một trong những biểu tượng thần linh ở Đông phương cổ . Một nhóm cạnh tranh hoặc ly khai với nhóm của ông Mô-sê muốn lấy hình tượng đó để làm biểu hiệu cho sự hiện diện của Đức Chúa, thay cho Hòm bia. Nhưng đó vẫn là Đức Chúa (c.5), Đấng đã đưa Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập (cc 4.8). Người ta cho rằng ở đây muốn nói đến những con bê bằng vàng của Giê-rô-bô-am ở hoang địa. Nhưng có lẽ hơn, chính Giê-rô-bô-am đã dùng lại truyền thống cổ này (x. 1v 12,28).Trình thuật này, gồm có một phần cổ kính ở cc. 1- 6.15-16, có lẽ thuộc truyền thống Ê-lô-hit, nhưng có thể đã được thêm vào ở cc. 19-20.35 thuộc truyền thống tư tế. C.17-18 và câu chuyện ở cc.25-29 dường như thuộc về một văn mạch khác, nhưng người ta đã cho nó một ý nghĩa ở đây, nhất là đối với câu chuyện các thầy Lê-vi. Cc 7-14 (Thiên Chúa tỏ cho Ông Mô-sê biết: dân đã phạm tội ; Ông Mô-sê chuyển cầu và xin được Thiên Chúa ban ơn tha thứ vô điều kiện), cc. 20 –24 (A-ha- ron không có lỗi, vì ông đã hành động theo lời yêu cầu của dân) và cc. 30-34( ông Mô-sê lại chuyển cầu, lần này hình phạt được tha cho một tương lai vô định) là của các nhà biên soạn. Các đoạn văn sửa soạn cho các khai triển cũng thuộc thời muộn sau này của ch. 33, 1-6.12-23 và 34,6-9.
Ông Mô-sê lại xuất hiện trong tư thế người chuyển cầu cho dân thật đáng khâm phục: đáp lại lời Đức Chúa: “ dân... ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập”, ông Mô-sê thưa: “ dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập”. Đức Chúa bảo ông: “ ...cứ để mặc ta”, nhưng ông lại không để mặc, mà đã nại đến danh dự của chính Đức Chúa, đến lời hứa Đức Chúa đã ban cho các tổ phụ ... ông đã xin cho dân được ơn tha thứ vô điều kiện của Đức Chúa. – Trước đây, ông đã từng đứng ra chuyển cầu như thế nhiều lần: khi xảy ra các tai ương Ai-cập (Xh 5,22-23; 8,4; 9,28; 10,17), cho em ông là bà Mi-ri-am (Ds12,13). Nhưng nhất là cho toàn dân ở hoang địa (Xh5,22-23; 32,11-14.30-32; Ds11,2; 14,13-19; 16,22; 21,7; Đnl 9,25-29). Cốt lõi của các bản văn này thuộc về các giai đoạn sau, có tính cách biên soạn, trong việc thành hình ngũ thư. Vai trò của ông còn được ngôn sứ Gr (15,1), các thánh vịnh (99,6;106,23), tác giả sách huấn ca (45,3) nhắc lại . Việc chuyển cầu của ông Mô-sê tiên báo việc chuyển cầu của Đức Ki-tô.
Ông Mô-sê nói với dân: “ Anh em đã phạm một tội lớn, nhưng giờ đây tôi sắp lên gặp Đức Chúa; may ra tôi sẽ xin được Ngài xá tội cho anh em”. Cuốn sách ghi các hành vi và vận mệnh của con người (x.Tv 69, 29;139,16; Is 4,3). Ông Mô-sê ra trước nhan Đức Chúa, liều mạng sống mình để xin ơn tha thứ cho dân.
Ch.33 gom góp các yếu tố lại với nhau nhờ có chung một chủ đề là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân của người. Phần đáng kể nhất của chương này (cc.1-6 và 12-33) dường như là kéo dài 32,7-14.30-34. Nút chỉ đến 34,6-9. ngôn ngữ theo kiểu Đệ nhị luật. Cc. 1-6 theo văn phong Đệ nhị luật, không được thống nhất. Ở đây Đức Chúa truyền làm điều mà trước đó chính dân đã làm rồi (32,2-3).
*******Lều Hội Ngộ
Đây là một trong những bản văn cổ hiếm hoi nói về lều hội ngộ, nơi Đức Chúa “gặp gỡ” ông Mô-sê và dân (Ds 11,16tt; 12,4-10; Xh 29,42-43; Lv 1,1).
- Cho mình, tức là cho ông Mô-sê. Nguyên ngữ còn có thể hiểu là cho Đức Chúa hoặc cho hòm bia đã được nói đến trước đây trong câu chuyện vốn là nguồn gốc của bản văn này. Có lẽ lều hội ngộ ở hoang địa là thánh điện của hòm bia và theo c.11 ông Giô suê có dính dáng đến lều này.
- Thỉnh ý Đức Chúa, tức là xin một lời sấm qua trung gian ông Mô-sê, người duy nhất được đàm đạo với Đức Chúa ở trong lều (18,15). Sau này, người ta thỉnh ý Đức Chúa nơi một người của Thiên Chúa hoặc một ngôn sứ (1V 14,5; 22,5.8; 2V 3,11; 8,8...) hoặc bằng các thẻ xăm (1Sm 2,28;14,41).
- Ông Mô-sê khẩn nài Đức Chúa cùng đi với dân của người trên đường về đất hứa, sau khi Đức Chúa đã lệnh cho ông dẫn dân của Người lên đường (cc.1-6). Ông đã xin được ơn này. “Ta sẽ cho ngươi được nghỉ ngơi”. Đề tài của truyền thống Đệ nhị luật (x.Đnl 3,10; 12,10; 25,19; Gs1,13; 22,4; 23,1; Tv 95,11). Thế là hoàn tất các lời hứa.
Vinh quang của Thiên Chúa, tức là sự uy nghi lẫm liệt của Thiên Chúa với trọn vẹn sự huy hoàng xán lạn. Ông Mô-sê, dẫu nghĩa thiết với Thiên Chúa (x.33,11), vẫn là một phàm nhân. Và vực thẳm giữa sự thánh thiện của Thiên Chúa với sự bất xứng của phàm nhân vẫn là cái gì không thể vượt qua. Con người sẽ chết nếu nhìn thấy Thiên Chúa (Xh 19,21; Lv 16,2; Ds 4,20) hoặc chỉ nghe tiếng người (Xh 20,19; Đnl 5,24-26). Tuy nhiên, vì Thiên Chúa thương xót ai tuỳ người muốn, nên người chấp nhận để cho “Tất cả vẻ đẹp” của Người đi qua trước mặt ông, Người sẽ xưng danh (34,5-7), tức là tự mặc khải cho ông Mô-sê một cách nào đó (3,13-15). Đức Chúa sẽ lấy bàn tay che mắt ông Mô-sê, để ông khỏi nhìn thấy nhan Người và vì đó khỏi phải chết, nhưng chỉ nhìn thấy phản ánh của vinh quang người khi người đi qua.
***Tái lập giao ước. 34-35.
Chương 34 là trình thuật của truyền thống Gia-vít liên quan đến việc lập giao ước. Nhưng những ghi chú ở cc. 1.4 lại làm cho chương này thành trình thuật về việc tái lập giao ước. Ngoài các ghi chú này cũng như cc.6-9 còn có những chỗ do các nhà biên soạn thêm vào. Cc. 5-7 là trình thuật cho thấy lời hứa ở 33,19-23 được hoàn tất. Câu trích dẫn Ds 14,17-18 xác nhận điều này.
Giao ước vừa gồm những lời hứa vừa có những giới răn. Đôi khi người ta gọi cc. 14-26 là “ Mười điều răn phụng tự” (dù không có ý phân biệt ở đó mười giới răn) hoặc bộ luật giao ước của truyền thống Gia vít, trong đó có ấn định các điều kiện: ngoài việc cấm thờ ngẫu tượng và phải giữ ngày sa bát như đã thấy, còn có những chỉ thị khác liên quan đến phụng tự: các ngày lễ, các của đầu mùa, các hy lễ. Việc thờ phượng Đức Chúa vẫn được ví như cuộc hôn nhân hợp pháp. Ngược lại, việc tôn thờ ngẫu tượng được đồng hoá với việc làm điếm (x.Ed 16-23; Hs 1-3)