Ngũ Thư

Monday, 10 June 2019 02:19

Người Đàn Ông Và Đàn Bà Theo Sách Sáng Thế (2) Featured

Vũ Văn An

(Phóng dịch bài “Man and Woman, An Old Story”

của Leon R. Kass, Giáo Sư tại ĐH Chicago).

 

IV. CON RẮN VÀ NGƯỜI ĐÀN BÀ

Trước khi xem xét khía cạnh tiếp theo của trình thuật về người đàn ông và người đàn bà, ta sẽ dừng lại để nói qua tới cuộc đàm đạo nổi tiếng giữa con rắn và người đàn bà. Trọng điểm của cuộc đàm đạo này là nêu lên vấn đề uy quyền và vâng lời: bằng việc thách thức lòng tốt (St 3:1) và sự chân thật (St 3:4) của tác giả, bằng việc bác bỏ hậu quả của bất vâng phục (St 3:4-5) và bằng việc khêu gợi các ích lợi quyến rũ khác với ăn uống (được hiểu biết như Thiên Chúa [St 3:5] chẳng hạn), ngôn từ và lý lẽ (của con rắn) dần dần sói mòn được sức mạnh của lệnh cấm (4).

Một khi lệnh cấm đã bị sói mòn, một khi lý trí đã thành yếu ớt, thì sự vâng lời, bất kể là vâng lời Thiên Chúa hay vâng theo một bản năng nhất định, đều trở thành bất khả. Trí tưởng tượng được giải phóng bởi việc và nhân khi người ta khẳng định sự khả hữu của tiếng “không”: sự việc có thể sẽ không như thế, thậm chí, không nhất thiết sẽ phải như thế. Với nhiều giải pháp khác được đặt ra trước nàng, thèm muốn của người đàn bà tự nó lớn lên, một phần vì được lời hứa khôn ngoan của con rắn quyến rũ, nhưng phần lớn được khuyến khích bởi trí tưởng tượng vừa được tăng sức của nàng: “Và người đàn bà thấy cây này dùng làm thực phẩm thì tốt, nhìn thì vui mắt và đáng ước ao vì làm cho mình ra khôn, bèn hái trái của nó mà ăn, và còn đưa cho chồng lúc đó đang ở bên và chồng cũng ăn” (St 3:6).

Người đàn bà “thấy” bằng một ánh sáng mới, và lần đầu tiên, tâm trí và thèm muốn vừa tô mầu vừa phản chiếu các sức mạnh mới mẻ của trí tưởng tượng, những sức mạnh đánh dấu các bước tiến khổng lồ trên con đường nhân bản hóa, trong mọi nét bi ai và hàm hồ của nó.

Ta nên cố gắng bỏ qua các bình luận của những thời kỳ sau này và việc họ nghiêm khắc phê phán một cách tiêu cực tác phong của người đàn bà, một phán đoán thực sự không hoàn toàn vô căn cứ, nếu xét trong ngữ cảnh toàn diện. Không xét tới vấn đề luân lý và tội lỗi, mà chỉ xét tới khía cạnh tâm lý và nhân học, ta buộc phải nhận rằng chính linh hồn người đàn bà mang trong mình mầm mống của việc đi lên của con người. Không như người đàn ông, với các thèm muốn tính dục xoáy chặt vào người đàn bà, ở đây, người đàn bà cởi mở hơn đối với thế giới, với cái đẹp và khả thể khôn ngoan. Trong não bộ của nàng, người đàn bà không chỉ nghĩ tới tình dục. Các hoài bão của nàng tuy có hơi tản mạn về hướng đi, và hàm hồ về kết quả, nhưng đều là những khát vọng đầu tiên có tính nhân bản chuyên biệt. Chính bởi vì dục lực (eros) của nàng ít có tính tập chú và xác thịt hơn, nên họ có thể chắp cánh bay xa. Người đàn ông, người đã làm, cũng như từ đó vẫn làm, tất cả những gì khiến người đàn bà được vui, đã lặng lẽ đi theo sự hướng dẫn của nàng mà bước vào nẻo đường của bất tuân hay nẻo đường của nhân tính (St 3:6).

V. MỞ MẮT RA

Việc khám phá ra nhân tính hay nói đúng hơn, việc khám phá vốn tạo ra nhân tính ta, chính là việc khám phá ra bản ngã tính dục của ta, chứ không hẳn việc khám phá ra tính hữu tử, như một số người chủ trương: “thế là mắt của cả hai mở ra và họ biết họ trần truồng” (St 3:7).

Con rắn, trước đó, từng hứa rằng “mắt ông bà sẽ mở ra và ông bà sẽ nên giống Thiên Chúa, biết thiện biết ác” (St 3:5). Nhưng, như tác giả Thánh Kinh từng nhấn mạnh một cách nghịch lý, mắt họ mở ra để biết mình trần truồng, một cái biết trở thành nguồn cho xấu hổ và đau buồn. Họ thấy sự vật như chúng thực sự là: họ nhận biết điều từ trước đến nay họ không nhận biết được; hay đúng hơn, nay họ hiểu được ý nghĩa của những điều trước đây họ chỉ nhìn mà không hiểu. Nhưng dù là nghịch lý, ta cũng vẫn phải xem sét lời gợi ý cho rằng khởi điểm của nhận thức luân lý hay khởi điểm của khôn ngoan con người, thực ra, là nhận thức ý nghĩa của trần truồng. Mà trần truồng là gì? Tại sao nhận ra nó lại xấu hổ? Việc nhận ra này và phản ứng của ta đối với nó đã thay đổi mối tương quan giữa người đàn ông và người đàn bà ra sao?

Dĩ nhiên, trần truồng là vô chống đỡ, bất bảo vệ, là bị lộ, một dấu chỉ dễ bị tổn hại trước các yếu tố thiên nhiên và thú dữ. Nhưng bản văn khiến ta chú ý tới tính dục của ta. Có thể nói, khi nhìn vào cơ thể mình như là một hữu thể có dục tính lần đầu tiên, ta khám phá ra mình quá khác xa với bất cứ điều gì là thần linh. Nói cụ thể hơn, điều ta nhận ra đầu tiên là sự không đầy đủ vĩnh viễn của ta. Ngay đến việc muốn nhận ra và thỏa mãn bản chất xác thân của ta, ta cũng cần và tùy thuộc một người bổ túc, khác với ta. Ta biết rằng tính dục có nghĩa ta là những cái nửa, chứ không phải những cái trọn vẹn, toàn bộ, và, còn tệ hơn thế, ta không điều khiển được cái nửa bổ túc hiện đang thiếu kia. Tệ hơn nữa, sự hòa tan là điều bất khả: sự giao hợp chỉ mang đến cho ta sự ghép đôi chứ không hẳn nên một. Mà ngay trong nội tâm, ta cũng không trọn vẹn. Ta bị ám ảnh bởi một bản chất tính dục “độc lập” bất kham, hay nổi loạn ngay tại bên trong, một bản chất không thèm để ý tới các mênh lệnh của ta; cũng từ bên trong, ta còn phải đương đầu với một thành phần bất trị không hề biết vâng lời là gì, một điều khiến luận điệu tự cho mình điều khiển được mình thành trò cười. Nó khiến ta ý thức được những xung động mạnh mẽ mà chính ta không hiểu được nội dung, chỉ vì chúng rõ ràng khác với các thèm muốn căn bản hơn và chỉ có tính phục vụ chính mình là ăn, uống, và nghỉ ngơi, và là các thèm muốn hoàn toàn được thỏa mãn tư riêng. Ta bắt buộc phải qui phục thứ thèm muốn thống trị ngay bên trong và qui phục các mưu chước nơi đối tượng của nó ở bên ngoài; và khi đầu hàng như thế, ta từ bỏ cái bộ dạng ông chúa chính trực của mình. Cái niềm tự hào non dại vừa phát sinh từ phản tỉnh còn bị ngượng nghịu bởi cung cách ta cần tới con người tính dục khác kia và được họ cần ta. Sau đó, nếu chịu phản tỉnh thêm, ta còn có thể khám phá ra rằng các bộ phận sinh dục là dấu chỉ việc ta dễ bị diệt vong, và hoạt động của chúng là lá phiếu hạ bệ chính ta, nhường chỗ cho những người sẽ thay thế ta.

Cuối cùng, tất cả những điều trên đều có vấn đề. Vì khi hướng chú ý vào chính sự thiếu sót của mình, sự lệ thuộc, sự dễ bị diệt vong, tính thú vật của mình, sự tự phân chính mình, và việc không điều khiển được mình, ta đã biểu lộ một khó khăn khác nữa, đó là khó khăn của việc tự ý thức về mình. Vì giờ đây, trong linh hồn ta, có một thứ nước đôi (doubleness) nhân bản, qua đó, ta lục tìm chính ta, tự nhìn mình như người khác nhìn mình. Ta không còn bảo đảm có được sự tham dự vào đời một cách tự phát, tức khắc, vô thức về mình nữa… Tệ hơn nữa, việc tự ý thức về mình không những có tính sói mòn và cản trở; nó còn có tính phê phán nữa. Vì nay ta đã là những hữu thể bắt đầu biết đến hãnh diện, nên, khi thấy mình bị một người khác nhìn, ta không thể tự dấu diếm với chính ta cái ý thức thấy mình thiếu sót và yếu đuối. Ta xấu hổ.

Việc xuất hiện của xấu hổ và việc tự ý thức về tính dục đã thay đổi căn để các liên hệ giữa người đàn ông và người đàn bà. Sự lôi cuốn tính dục nay bị khuấy động bởi mối lo lắng muốn được chấp thuận nhưng lại sợ bị khước từ. Mỗi người trong hai người họ đều khám phá ra điều này: người khác này quả là một người khác thật và khác một cách không thể nào giảm thiểu được, chứ không phải là cái phần đã tha hóa của chính mình. Hơn nữa, mỗi người họ còn thấy ra rằng mối liên hệ của mình với người khác này không những không tự do và tất yếu, mà còn có tính đòi hỏi nữa. Tất cả để giải thích tại sao ta rất có thể không được chấp thuận và bị khước từ.

Nhưng lạ thay, việc khám phá ra mình không được tự do này lại được thực hiện một cách tự do và phần nào có tính giải thoát. Vì nếu có khả thể khước từ thì cũng có khả thể chấp thuận. Cái chiều kích mới của tự do này thay đổi hẳn tính tất yếu của tính dục. Mỗi người không còn phải chỉ là tùng phục đơn thuần nữa, mà là tự ý (willingly) tùng phục; mỗi người tìm cách chinh phục trái tim của người kia. Mỗi người tìm kiếm sự chấp thuận, sự ca ngợi, sự tôn trọng, sự qúy mến, thoạt đầu, có thể để làm phương tiện thoả mãn tính dục, nhưng sau đó không lâu để làm mục đích ngay trong nó. Nhờ hẹn hò và tán tỉnh, nhờ gợi hứng và quyến rũ, một biện chứng mới được dẫn vào cuộc khiêu vũ: chấp thuận, thán phục, và tôn trọng đòi phải giữ cho hai kẻ yêu nhau ở một khoảng cách xa, bất chấp cái bản năng tính dục nguyên thủy kia vẫn đẩy họ tới chỗ tan hòa vào nhau. Một sự thân mật xuồng xã mới và chân thực được sản sinh ra từ nhu cầu tế vi phải duy trì và dàn xếp cho bằng được khoảng cách này và lúc nào nên loại bỏ nó. Ấy thế nhưng, tình bạn của những kẻ yêu nhau này vẫn có vấn đề ngay ở bên trong: vì một đàng, có sự khác nhau, có sự lệ thuộc và có yêu cầu; nhưng đàng khác, ý muốn được chấp thuận đã chiếm được và được tự do ban cấp. Cái thế căng thẳng, mà đôi khi con người nhận ra nhưng phần lớn họ không nhận ra này, lên sức mạnh cho dục lực (eros) của họ và nâng nó lên nhiều khả thể mới mẻ.

Cả các con vật cũng trần truồng, nhưng chúng không biết xấu hổ. Cả chúng nữa cũng trải nghiệm tính tất yếu của tính dục, nhưng chúng không biết điều này và không biết nó tất yếu. Dù cái biết này làm ta khiêm hạ, nhưng nó không làm ta tê liệt. Trái lại, nó kích thích ta trỗi dậy. Hữu thể nhân bản không nằm đó mà xấu hổ: “Và họ khâu các lá vả lại với nhau và tạo cho mình chiếc khố che thân” (St 3:7). Sự xấu hổ của tình dục trở thành mẹ đẻ ra phát kiến, ra nghệ thuật, và ra những kiểu cách hợp tác xã hội: ta cũng nên để ý điều này: không phải chỉ có đàn bà mới biết khâu. Quần áo, một sáng tạo của con người, thoạt đầu là để dấu cái tính dục của họ, không cho người khác nhìn thấy. Ta thấy ở đây, bản văn muốn trình bày theo lối biểu tượng việc muốn được thỏa mãn nhục dục ngay tức khắc đã bị trở ngại ra sao. Hơn nữa, quần áo, vừa như vật che thân hay dấu diếm vừa như vật trang trí hay làm đẹp, giúp trí tưởng tượng tha hồ tô vẽ và giúp tình yêu lớn mạnh hơn trong phạm vi cách phân được cái hạn chế đặt cho nhục dục kia tạo ra, một hạn chế do xấu hổ khởi diễn và được thừa nhận bởi việc dấu diếm kia. Ta khó có thể khuếch đại tầm quan trọng của thời khắc chuyển biến này. Kant đã nắm được nó, một cách súc tích và sâu sắc, trong tác phẩm “Phỏng Đoán Buổi Khởi Đầu Của Lịch Sử Con Người”.

Trong trường hợp thú vật, sự lôi cuốn tính dục chỉ là một vấn đề thôi thúc (impulse) thoáng qua, phần lớn có tính định kỳ. Nhưng phần con người, họ nhanh chóng khám phá ra rằng họ có thể dùng trí tưởng tượng kéo dài và thậm chí gia tăng sự lôi cuốn này … Nhờ trí tưởng tượng, họ không còn cảm thấy chán ngấy, một chán ngấy thường đi đôi với việc thỏa mãn thèm khát thuần súc vật. Như thế, lá cây vả (St 3:7) là một biểu lộ của lý trí, sự biểu lộ này lớn hơn sự biểu lộ trong giai đoạn phát triền đầu tiên nhiều. Vì việc thèm muốn trái cấm chỉ cho thấy năng lực chọn lựa có chừng mực để phục vụ thôi thúc; còn việc làm cho xu hướng thèm muốn hướng nội nhiều hơn và thường xuyên che dấu đối tượng của nó đối với các giác quan, đã phản ảnh được sự kiện: con người ý thức được phần nào việc lý trí làm chủ thôi thúc. Sự khước từ là một điều kỳ diệu đã làm con người từ lãnh vực lôi cuốn giác cảm (sensual) chuyển qua lôi cuốn linh cảm, từ thèm muốn thuần súc vật từ từ chuyển qua tình yêu, và cùng với chuyển dịch này là chuyển dịch từ cảm quan thuần khóai cảm qua việc thưởng ngoạn cái đẹp, mà thoạt đầu chỉ là cái đẹp nơi con người nhưng lâu dần là cả cái đẹp trong thiên nhiên nữa. Ngoài ra, từ đó còn phát sinh ra dấu hiệu đầu tiên cho thấy con người đã trở thành một tạo vật luân lý. Vì họ bắt đầu có cảm thức về đoan trang tề chỉnh (decency), vốn là khuynh hướng thúc đẩy người khác biết tôn trọng qua cách cư xử đứng đắn nghĩa là che dấu tất cả những gì có thể khiến người ta coi khinh. Ở đây, một cách tình cờ, có cả một nền tảng thực chất cho mọi khả thể xã hội hóa đích thực.

Có thể đây chỉ là một khởi đầu bé nhỏ. Nhưng nếu đã cung cấp cho tư tưởng một hướng đi hoàn toàn mới, thì khởi đầu nhỏ bé này quả có tính đột phá. Nó quan trọng hơn hàng loạt những khai triển văn hóa bất tận phát sinh từ đó về sau.

Nhưng, dù mầm mống văn minh đã được gieo ở đây, hình ảnh do Kant vẽ ra cũng có vẻ quá tô hồng. Bởi vì, nếu nhìn dưới cái nhìn của Thánh Kinh, thì phản ứng của con người đối với ý thức tính dục nói trên, dù hoàn toàn có tính khả niệm và hợp nhân bản, vẫn cục bộ, và hơi bóp méo. Cặp vợ chồng người này nay hướng tới việc hàn gắn sự cách phân bằng cách chủ yếu chỉ nhìn vào nhau. Họ hướng nội, “hai ta chống lại biển đời rắc rối”. Sự tự giúp đỡ và cậy nhờ hỗ tương này trở thành chương trình hành động hàng ngày. Vì phát sinh từ lòng tự hào, một lòng tự hào vốn bị thương tổn, nên tình yêu cũng mang dấu ấn và quan tâm của tự hào. Các dấu ấn và quan tâm này, khổ thay, càng làm cho câu truyện đàn ông đàn bà trở nên phức tạp, như Rousseau (sắc sảo hơn người “học trò” Kant của mình) từng nhận định khi nói tới cùng một sự biến đổi của tình yêu con người này trong Diễn Từ Thứ Hai của ông:

Sự giao hợp thoáng qua do thiên nhiên đòi hỏi chẳng bao lâu dẫn tới một thứ giao tiếp khác không dịu ngọt bằng, nhưng thường xuyên hơn nhờ hỗ tương lui tới với nhau. Con người trở nên quen thuộc với việc xem sét nhiều đối tượng khác nhau và đem chúng ra so sánh; một cách vô thức, họ thu lượm được các ý niệm về giá trị và cái đẹp từ đó phát sinh ra các tình cảm ưu đãi, ưa thích hơn. Nhờ thấy nhau mãi, họ không thể không thấy nhau lần nữa. Và thế là một tình cảm trìu mến và dịu dàng dần dần được khởi dẫn vào linh hồn và nhờ ít bị cản trở nhất, nó trở thành một cuồng nhiệt mãnh liệt. Ghen tương sống dậy cùng với tình yêu, bất hòa chiến thắng, và đam mê dịu hiền nhất cũng tiếp nhận lễ hy sinh bằng máu người… Mỗi người bắt đầu nhìn người khác và nhìn vào chính mình, và thế là lòng trọng vọng nơi công cộng có một giá trị. Người hát và nhẩy khéo nhất, người đẹp trai nhất, người khỏe nhất, người khéo léo nhất, hay người hùng biện nhất trở thành người được trọng vọng nhất; và đó chính là bước đầu dẫn tới bất bình đẳng và, cùng một lúc, dẫn tới tội ác. Một đàng, từ những ưu đãi, thích hơn này, ta có lòng tự cao tự đại và khinh người; đàng khác, ta có sự xấu hổ và ghen tị; và những lần dậy men do những chất men mới này tạo ra cuối cùng sẽ sản sinh ra các hợp chất tiêu diệt hạnh phúc và sự ngây thơ trong trắng.

Ở vào giai đoạn trên, câu truyện của Thánh Kinh chưa cho thấy hết các khó khăn, vì dù sao nó cũng chỉ mới nói tới 1 người đàn ông và 1 người đàn bà. Tuy nhiên, tất cả các đam mê và các hiệu quả có tiềm năng bạo lực của chúng đều do tự hào và xấu hổ mà phát sinh, như ta sẽ thấy ở những đoạn sau đó nói tới việc Cain giết em là Aben. Dù đáng hoan nghênh bao nhiêu đi chăng nữa, tính đáng yêu của lòng tự hào không nhất thiết là điều tốt đối với tình yêu.

Ấy thế nhưng, trở lại với bản văn của ta, ta nhận ra một khả thể mới mẻ khác nữa mà nay cũng được mở ra cho hai kẻ yêu nhau. Ngay sau khi khâu cho mình những chiếc khố che thân, người đàn ông và người đàn bà chứng tỏ họ có những ý thức đầu tiên về Đấng Thần Linh. Tác giả câu truyện tường trình rằng ngay sau khi che thân, “họ nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi trong Vườn”. Tường trình này lần đầu tiên minh nhiên nhắc tới việc: hữu thể nhân bản thực sự chú ý, hay đúng hơn, ghi nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa. Chính lúc nhìn nhận sự thấp hèn của ta là lúc ta khám phá ra điều thực sự ở trên cao.

Đấy quả là giờ phút tế nhị: sau khi để mắt vào những đồ cám dỗ đầy quyến rũ, những lời hứa khôn ngoan, con người tiến tới chỗ thấy bằng chính mắt mình sự thiếu sót của mình. Vẫn còn tin tưởng vẻ bề ngoài, nhưng sau đó tìm cách làm đẹp các dáng vẻ này, họ bắt đầu tự trang điểm chính họ, để được lòng trước mặt người yêu. Những con mắt thèm muốn đã lặng lẽ nhường bước cho những con mắt thán phục, nhờ sự thùy mị e lệ can thiệp vào. Ấy thế nhưng, cái nhìn và tình yêu mà thôi không tiết lộ được trọn vẹn tình thế của con người, hay câu truyện đàn ông đàn bà. Các hữu thể nhân bản phải mở cả tai lẫn mắt, họ phải lắng nghe lời kêu gọi, một lời kêu gọi mà cả cái nhìn và người yêu xinh đẹp không chuẩn bị đủ cho họ hướng tới và họ có thể đi trệch ra khỏi khi chỉ biết đặt tình yêu và khát mong của mình hoàn toàn vào nhau mà thôi. Thực ra, lứa đôi nhân bản nguyên mẫu này, nhờ được tình yêu thẹn thùng mở mắt, có khả năng nghe được tiếng nói của siêu việt.

VI. TÌNH THẾ MỚI

Cuộc đàm đạo sau đó với tiếng nói siêu việt này, bề ngoài, xem ra không khích lệ bao nhiêu; vì trong cuộc đàm đạo này, Thiên Chúa tiến hành một cuộc “điều tra”, rút ra được một lời thú tội, và tuyên được một án phạt. Từ đó, nhiều đam mê mới xuất hiện trong linh hồn con người: đáng lưu ý hơn cả là sự xấu hổ lớn hơn (5), mặc cảm tội lỗi cao hơn và nhất là lòng kính sợ (awe), vốn là tổng hợp của sợ hãi và tôn kính. Ở đây, sự xấu hổ hàm nghĩa sự kiện con người đặc biệt quan tâm tới việc tự hoàn hảo mình; mặc cảm tội lỗi hàm nghĩa họ nhận ra trách nhiệm bản thân; còn lòng kính sợ hàm nghĩa con người nhìn nhận rằng quyền lực không do họ kiểm soát, mà vượt quá sự hiểu biết của họ, và trước nó, họ cảm thấy nhỏ nhoi đáng xấu hổ. Ở đây, ta không thể phân tích bản văn một cách trọn vẹn được; nên ta chỉ tập trung vào một số khía cạnh liên quan tới mối liên hệ đàn ông đàn bà mà thôi. Tuy nhiên, tiện đây, ta sẽ quan sát một số điểm về tình thế mới của con người, do chính Thiên Chúa công bố và tiên đoán qua lời Người ngỏ với cặp vợ chồng vừa thức tỉnh:

1/ Thứ nhất, sẽ có việc ra xa lạ giữa con người và thế giới, được chứng tỏ:

(a) bởi lòng thù hận giữa con rắn và người đàn bà;

(b) bởi sự tha hóa cục bộ giữa người đàn ông và trái đất mà ở đó, họ sẽ phải vất vả mới kiếm được miếng ăn; và

(c) bởi cái đau khi sinh con, hàm nghĩa có sự tranh chấp ngay bên trong thân xác người đàn bà.

2/ Thứ hai, sẽ có sự phân công lao động: người thì sinh con, người thì cày cấy.

3/ Thứ ba, sẽ có sự xuất hiện của nghệ thuật và tay nghề: không chỉ còn việc hái trái và lượm hạt nữa, mà là canh nông, khai phá đất đai, thu hái trái hạt, biến chúng thành bột, làm bánh và cuối cùng cả thiên văn học (biết mùa và đặt kế hoạch gieo gống), luyện kim (chế dụng cụ), định chế tài sản (bảo đảm thành quả của lao động), và hy lễ tôn giáo (làm vui lòng các quyền lực ở trên cao và cầu mưa).

4/ Thứ bốn, sẽ có qui luật và thẩm quyền.

Tóm một lời là văn minh. “Hình phạt” đối với việc tiến lên từ thú tính là buộc phải sống như một hữu thể nhân bản.

Điều gọi là “hình phạt” xem ra có vẻ đối xứng với điều gọi là “tội phạm”, ít nhất theo hai cách. Nếu tội phạm qui (transgression) nói lên khát vọng của con người muốn được tự túc và nên giống như Thiên Chúa, thì hình phạt quả đã làm khát vọng ấy tan biến bằng những điều ngược lại:thay vì tự túc, các hữu thể nhân bản nhận được sự ra xa lạ, sự tùy thuộc, sự chia rẽ, và qui luât. Thứ hai, và sâu xa hơn, điều gọi là hình phạt đã phạt một cách thích đáng bằng cách làm cho ý nghĩa của chọn lựa và thèm muốn trở thành minh nhiên, một ý nghĩa vốn mặc nhiên nằm sẵn trong chính việc phạm qui. Giống thần Midas với ước muốn có được bàn tay vàng, giống thần Achilles với ước muốn có được vinh quang, con người nhân bản nguyên mẫu nhận được điều họ cố gắng nắm bắt chỉ để thấy rằng nó không phải là điều họ ước muốn. Qua cuộc đàm đạo với Thiên Chúa, con người biết được điều này: việc họ chọn tính nhân bản, chọn khôn ngoan, chọn nhận biết điều tốt điều xấu, hay chọn tự lập thực ra, cùng một lúc, có nghĩa họ phải ra xa lạ với thế giới, ra chia rẽ, bị phân công lao động, phải khó nhọc, biết mình sẽ chết, chịu bất bình đẳng, chịu qui luật và tùng phục. Nhưng thực ra, ta có thể cho rằng điều gọi là hình phạt thực sự không phải là thân phận mới do Thiên Chúa cố tình đưa ra để chống lại con người, mà đúng hơn là một giải thích cho thấy điều gì sẽ xẩy ra khi con người muốn chọn khai sáng (enlightenment) và tự do, muốn làm hữu thể có lý trí. Hình phạt, nếu gọi đó là hình phạt, chủ yếu hệ ở việc biết trước một cách tinh tường định mệnh của ta, một định mệnh từ đây được kể là tự nhiên, tức tự nhiên được sống nhân tính của mình trong thân phận làm người.

Ở tâm điểm của điều biết trước này có một chiều kích mới, hay đúng hơn, một ý thức mới về một điều từ trước đến nay chưa ai thấy, đó là ý nghĩa của tính dục nơi ta: tính dục có nghĩa là sinh sản. Ngoài sự thèm muốn được kết hợp và thơ mộng ra, ý nghĩa của người đàn ông và của người đàn bà phần lớn liên quan tới con cái, bất luận họ có biết hay không. Khía cạnh này càng làm bức tranh phức tạp hơn, vì đã đưa vào thêm nhiều viễn ảnh mới: một đàng, là viễn ảnh bất đồng và tranh chấp, đàng khác, là viễn ảnh kết hợp và hòa hợp. Ta hãy xem triển vọng xấu trước. Khả năng cưu mang con cái đem lại cho người đàn bà một họa phúc lẫn lộn. “Người nói với người đàn bà ‘Ta sẽ nhân bội sầu khổ của ngươi trong thai nghén; ngươi sẽ cưu mang con cái trong đau đớn; thèm muốn của ngươi sẽ hướng về chồng ngươi, và chồng ngươi sẽ thống trị ngươi’” (St 3:16). Trước nhất, thai nghén sẽ là gánh nặng, sinh con sẽ là đau đớn. Tại sao con người sinh con lại đau đớn? Phần lớn vì sự bất cân xứng giữa chiếc đầu lớn của đứa trẻ và đường sinh tương đối hẹp của ngưòi mẹ. Khả năng lý trí và tự do của con người, thể hiện qua việc con người vươn tới tính nhân bản của mình bằng cách phạm qui và được biểu hiện nơi chiếc sọ lớn, đã chỉ xuất hiện với một cái giá khá đắt đối với người đàn bà, thậm chí có thể còn nguy tử đối với nàng nữa. Hơn nữa, sự căng thẳng thân xác giữa mẹ và đứa con đang chào đời này còn dự ứng cái đau sẽ mạnh mẽ hơn nữa của việc chia cắt sau này, khi đứa trẻ, nhờ triển khai các năng lực được chiếc đầu lớn kia làm cho khả hữu, bắt đầu tự mình biết được điều tốt điều xấu, nên đã lặp lại cái hành vi nguyên tổ của vươn lên và bất tuân để giành tự do và khai sáng. Nhưng chưa hết, sự kiện thứ hai là việc làm mẹ tự nhiên còn mang theo nó các mối liên hệ mới, bất bình đẳng và có tiềm năng khó khăn giữa người đàn bà và người đàn ông.

Rồi ta phải hiểu câu sau ra sao: “thèm muốn của người sẽ hướng về chồng ngươi và chồng ngươi sẽ thống trị ngươi”? Nhiều độc giả ngày nay thấy câu này được dùng để biện minh cho chế độ tổ phụ (patriarchy). Đối với họ, khi viết ra câu kỳ thị giới tính này để bênh vực cho cung cách thống trị của họ đối với đàn bà, những người đàn ông đã trân tráo nại tới ý muốn của Thiên Chúa để hỗ trợ cho đặc quyền nam giới, một đặc quyền được coi là hợp pháp vì sự yếu đuối của đàn bà đã cướp mất hạnh phúc bất tử của người đàn ông. Các độc giả loại này quả đã đọc bản văn một cách có ý đồ và thiếu suy nghĩ. Ta hãy xét một lối đọc khác có tính thuật truyện hơn là dạy dỗ (prescriptive) và do đó, đọc lời của Thiên Chúa như có tính tiên tri mạc khải chứ không có tính biện minh cho hình phạt.

Người đàn bà, tự nhiên mang gánh nặng thai nghén và nuôi con, một gánh nặng nặng hơn các con mái của các chủng loại khác vì thai kỳ của họ dài hơn và nhất là vì đứa con thơ dại tùy thuộc ở họ lâu hơn, nên khả năng sinh hoạt một mình gặp khó khăn hơn. Gắn bó với đứa con về thể lý và tâm lý nhiều hơn, nên nàng cảm nhận mối quyến luyến với đứa con sớm hơn, sắc nét và mạnh mẽ hơn người đàn ông nhiều. Một điều nghịch lý nữa là chính vì tình yêu của nàng giờ đây bị phân chia, giữa con và chồng, nên tình yêu tập chú vào con càng làm cho lòng thèm muốn chồng của nàng trở nên tập chú và mãnh liệt hơn. Trong khi người đàn ông, kẻ thèm muốn nhục thể, hoàn toàn tập chú vào người đàn bà như nửa phần thân xác đã mất của mình, thì người đàn bà, kẻ sinh sản, hướng thèm muốn bao quát hơn của nàng vào người chồng như người nuôi sống và che chở cho những đứa con của mình và như người hợp tác với mình trong việc dưỡng nuôi chúng. Làm thế nào để người đàn ông chịu hợp tác và hiện diện thường xuyên? Thuần hóa chàng, bằng cách nhường cho chàng quyền thống trị. Hay đúng hơn, một khi đã thuần hóa, chàng đơn giản đoạt quyền vì là người mạnh hơn về thể lý. Câu trả lời này có thể đúng, tuy nhiên, đây không phải là chuyện mưu mô cố ý hay kết ước minh nhiên. Đúng hơn, bản văn muốn nói rằng chính thiên nhiên, vì có tính sinh sản, nên đã “đồng lõa” trong việc sắp xếp sự việc theo chiều hướng tổ phụ.

Sự phân công lao động trong sinh sản và do đó, trong dị biệt giới tính đúng nghĩa, tự nó, đã gieo rắc mầm mống cho căng thẳng tranh chấp. Đặc biệt, khi việc làm của ta phản ảnh, nói lên, và phát huy các dị biệt của thân xác và linh hồn, thì ít nhất, việc làm khác nhau cũng nói lên phần nào quan điểm và nhậy cảm khác nhau. Mà từ dị biệt về quan điểm, ta có dị biệt về ý kiến và quan tâm. Khả thể chống chọi nhau về quan điểm này tự nó đòi phải có qui luật và uy quyền, nhất là khi đứa trẻ bắt đầu ngỗ ngược. Ấy thế nhưng, điều không thể tránh được là định chế luật lệ lại mang theo nó khả thể bất bình đẳng và từ đó, khả thể tranh chấp lớn hơn: một đàng, là vô cảm và lạm dụng uy quyền, đàng khác, là hạ phẩm giá, là ghen tị và thù ghét. Đã đành, người cai trị chân chính luôn cai trị vì lợi ích người bị trị; thành thử nói cho đúng, bạo chúa không phải là nhà cai trị. Đã đành, luật lệ áp đặt lên người cai trị nhiều gánh nặng, quan tâm, và trách nhiệm mà người bị trị không phải gánh. Đã đành, không có mặt của đứa con, sức mạnh lớn hơn của người đàn ông rất có thể dẫn họ tới việc thống trị dựa trên thèm muốn và sức mạnh. Ngược với bối cảnh này, sự trông mong được chồng che chở của người đàn bà và việc người chồng, qua sự trợ giúp của mình, muốn chứng tỏ mình xứng đáng với lòng trông mong kia, đã che chở được người đàn bà, vốn phải mang gánh nặng và yếu hơn mình, khỏi bị bạo hành và khỏi bị bỏ rơi, ít là lúc đầu. Nhưng qui luật và uy quyền rất dễ hủ bại; và, dù sao, sự phân biệt và sự bất bình đẳng liên quan tới con cái và việc nội trợ cũng luôn đe dọa phá vỡ hạnh phúc của hai kẻ yêu nhau, là những người trước đây vốn dửng dưng đối với mục đích sinh sản của họ.

Các câu truyện sau này trong Sáng Thế quả có cho thấy những nguy hiểm lớn lao của “ách” thống trị và áp bức của nam giới đối với nữ giới. Thí dụ, ta thấy tác phong xấu xa của những con trai của Thiên Chúa đối với các con gái của con người (St 6:2), một tác phong báo trước nhiều cuộc đánh đấm hỗn loạn giữa các đấng mày râu, khiến Thiên Chúa phải gây hồng thủy trên trái đất và bắt đầu lại với Nôê. Hay tác phong đầy dã tâm của Pharaô trong vụ càn quét các đàn bà đẹp đưa về hậu phòng của mình (St 12:14-15). Hoặc việc ông Lót hy sinh các con gái cho đàn ông Sôđôma (St 19:8) hay vụ hiếp dâm Đina của ông hoàng Khivi (St 34:2). Bởi thế, đường lối mới được Thiên Chúa đưa ra, bắt đầu với Ápraham, xem ra đã thay đổi dứt khoát thái độ tự nhiên của người đàn ông đối với người đàn bà: Ápraham tới Ai Cập; nơi đây, ông được thấy Thiên Chúa tởm gớm cách Pharaô cư xử với đàn bà và cách Người bảo vệ đức hạnh của Sara, người vợ độc nhất của ông và là tổ mẫu tương lai. Do Thái Giáo dự phần rất nhiều không những vào việc thuần hóa mà cả vào diễn trình “nữ hóa”, theo cách nói của một số người. Nhưng, thực ra, khả thể của những thay đổi này vốn đã có cơ sở ngay trong tự nhiên. Thực vậy, như bản văn ta đang khảo sát cho thấy, chứng cớ là việc người đàn ông phản ứng một cách hoàn toàn tự phát khi nghe nói tới sắp xếp mới này.

Sau khi Thiên Chúa phán với người đàn bà “và chồng ngươi sẽ thống trị ngươi”, Người liền quay qua Ađam, kẻ vừa được nghe nói tới địa vị thống trị của mình trong tương lai. Lời tường thuật của Sách Sáng Thế về việc này nghe không được êm tai lắm: “Với con người, Chúa phán: Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: ‘Ngươi đừng ăn nó’, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Ðất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất." (St 3:17-19).

Sầu khổ, mồ hôi, cực nhọc và chết: đất bụi chống lại nhu cầu của con người, cưỡng lại luống cày của họ, và cuối cùng, sẽ nuốt chửng họ. “Nhà cai trị” mới chẳng có lý do gì để ăn mừng trong mũ áo mới của chức vụ, lý do nhỏ nhất cũng sẽ là: ông sẽ phải vất vả lắm mới cấp dưỡng cho nhiều miệng ăn, đang chờ đợi ông.

Ấy thế nhưng, phản ứng tức khắc của người đàn ông lại được mô tả bằng một câu đẹp nhất và cảm động nhất trong toàn bộ Ngũ Kinh: “và người đàn ông đặt tên cho vợ mình là Evà (Chavah), vì nàng là mẹ chúng sinh (chai)”.

Trước lời tiên báo họ sẽ khổ cực, gặp nhiều khó khăn, những khổ cực và khó khăn mà chính họ vô tình tự chuốc lấy với sự khai sáng của mình, con người đã không thất vọng. Trái lại, từ một mảnh tin tức duy nhất trong lời Thiên Chúa ngỏ với người đàn bà, họ bỗng bừng lên một niềm hy vọng hân hoan trước viễn tượng: “Chúa ôi, nàng sắp có con!”. Người đàn bà quả mang theo mình điều trái ngược hẳn với thảm họa, đó là triển vọng sống, một triển vọng có thể đổi mới mãi mãi. Với sự mạc khải sáng láng ấy, người đàn ông nhìn người đàn bà dưới một ánh sáng mới: nàng không còn chỉ là một thân xác để kết hợp, không còn chỉ là một người khác để gây ấn tượng và chiêm ngưỡng, mà là một sức mạnh phong phú, sản sinh, và sáng tạo, với những năng lực mà chàng chỉ có thể trông lên một cách kính sợ và biết ơn. Bất chấp lời tiên đoán về thảm họa, linh hồn người đàn ông được các năng lực cứu vớt và dư tràn của người đàn bà nâng dậy. Chàng đặt tên mới cho nàng, tên này không còn nhắc chi tới chàng nữa: vì cuối cùng, nàng được gọi là Evà, nguồn suối sự sống và hy vọng (6).

Hơn cả lời hứa được thống trị, viễn tượng trên sẽ toàn tâm toàn trí gắn chặt người đàn ông vào người đàn bà. Và điều này sẽ làm dịu và phải làm dịu cái tính võ đoán và ưa chống đối của chàng. Con cái, một sự thiện nay đã thành của chung, sẽ kết hợp và hoà hợp tất cả những gì vốn bị sự dị biệt hóa tính dục đe doạ phân rẽ.

Bất chấp mọi nặng nhọc của việc dưỡng dục chúng, không người hiểu biết nào lại coi con cái như một gánh nặng. Con cái là điều tốt vì hiện hữu vốn là điều tốt, vì sự sống vốn là điều tốt, vì bất cứ việc đổi mới khả thể nhân bản nào cũng đều là điều tốt. Con cái ta là điều tốt vì đây là điều tốt của chính ta, cho dù nó tốt không phải vì nó là điều tốt của ta; nói đúng hơn, con cái ta trở thành phần tham dự của ta vào cái-tốt-chung-vốn-là-con-cái. Nhờ con cái, người đàn ông và người đàn bà, cuối cùng, đã thực hiện được sự thống nhất hóa đúng nghĩa (chứ không phải chỉ nên một theo nghĩa tính dục): hai người nên một qua việc chia sẻ tình yêu đại lượng đối với hữu thể thứ ba. Là thân xác từ thân xác họ, đứa con chính là hữu thể hoà lẫn của cha mẹ, một hữu thể được ngoại hiện (externalized) và được ban cho một hiện hữu tách biệt và liên tục; sự thống nhất hóa này còn được thăng tiến nhờ việc cùng nhau dưỡng dục đứa con. Mở ra con đường hướng tới tương lai, không những mang mầm mống của ta mà còn mang tên của ta, lối sống của ta, và cả hy vọng của ta nữa rằng chúng sẽ vượt xa ta trong sự thiện và trong hạnh phúc, con cái là bằng chứng của khả thể siêu việt nơi ta. Thực thế, tính nhị nguyên giới tính, là tính, trước nhất, thúc đẩy tình yêu của con người hướng thượng và ra khỏi mình, cuối cùng đã giúp họ vượt qua được phần nào các hạn chế từng áp đặt lên họ.

Khỏi cần nói ta cũng biết, lúc còn ở Địa Đàng, dù biết trước mình sẽ có con, người đàn ông và người đàn bà không nói đến chúng cách đó. Thực vậy, nếu việc thèm khát cưu mang con cái tùy thuộc kiểu lý luận trên, thì chủng người có lẽ đã tuyệt giống từ lâu rồi. Nói đúng ra, thiên nhiên đã “đồng lõa” làm cho con cái trở thành lôi cuốn, sống động, biết đáp ứng và vô cùng đáng yêu. Thiên nhiên cũng đã “đồng lõa” làm cho cha mẹ thấy vui nơi con cái và yêu chúng ngay từ thuở ban đầu, ngay cả lúc chúng chẳng đáng yêu chút nào. Chính những say mê đơn giản này khiến cha mẹ hân hoan thực hiện những nặng nhọc của thân phận đàn ông đàn bà của mình.

Tóm lại, câu truyện nguyên mẫu về người đàn ông và người đàn bà hướng ta về phía gia hộ, về cái định chế đầu hết của nhân loại, một định chế, xét cho cùng, hoàn toàn dành cho việc dưỡng dục thế hệ tiếp theo. Như Rousseau, nhiều thế kỷ sau, từng viết về khía cạnh này: “Các phát triển đầu tiên của trái tim là hậu quả của một tình thế mới, tức tình thế hợp nhất vợ chồng, cha mẹ và con cái dưới một nơi cư trú chung. Thói quen sống với nhau làm phát sinh những tình cảm ngọt ngào nhất mà con người từng biết đến: tình yêu vợ chồng và tình yêu mẹ cha. Mỗi gia đình trở thành một tiểu xã hội, càng được thống nhất hóa tốt hơn vì tình âu yếm hỗ tương và tự do là hai thứ trói buộc duy nhất của nó…”

Đã đành, sự ngây thơ trong trắng của bức tranh trên, dù chân thực, vẫn chỉ là phiến diện và phần nào khiến người ta lầm lẫn. Thực vậy, như trên đã trình bày, các mầm mống của rắc rối trong tương lai đã ló dạng khiến chính Rousseau cũng đã phải nhận định liền sau đó rằng: “nhưng chính lúc này, sự dị biệt đầu tiên đã được thiết lập trong lối sống của hai giới tính, là lối sống cho tới lúc đó vẫn chỉ là một. Từ nay, người đàn bà trở nên ưa ngồi hơn và quen thuộc với việc chăm lo nhà cửa và con cái, trong khi người đàn ông phải đi tìm kế sinh nhai chung”.

Hệ luận của sự phân công trên trở thành chủ đề cho những câu truyện sau đó của Sách Sáng Thế; các tranh cãi phát sinh từ các câu truyện này làm ta phải bối rối cho đến tận nay và chắc chắn là mãi mãi. Tuy thế, ta vẫn thấy trong tình yêu có tính sinh sản và định chế kèm theo tình yêu này, là cuộc sống gia đình, vẫn là căn bản đối với sự kết hợp hết sức sâu sắc giữa người đàn ông và người đàn bà và là sự kết hợp mà tính dục đúng nghĩa vốn hướng về.

Dĩ nhiên Ngũ Kinh không phải chỉ nói có thế, nhưng ta buộc phải tạm kết thúc ở đây. Truyện Địa Đường khó có thể coi là truyện thành công, mà định chế gia đình cũng không hẳn là phương thuốc đơn giản và đầy đủ. Sự lưu tâm của cha mẹ đối với con cái không luôn lành mạnh, mà sự lưu tâm của con cái đối với cha mẹ cũng thế. Thực vậy, nếu ta kết thúc câu truyện về người đàn ông và người đàn bà nguyên mẫu không phải với việc họ bị đuổi khỏi Địa Đường mà tiếp tục với câu truyện của con cái họ ở chương kế tiếp, ta sẽ thấy ngay những nguy hiểm như việc người đàn bà tự hào về khả năng cưu mang con cái của nàng và việc anh em cùng cha mẹ ghen tị nhau đến sát hại nhau. Trong suốt Sách Sáng Thế, ta thấy nhiều gia đình gặp rắc rối và nhiều rắc rối do các gia đình tạo ra, dù nguyên tắc gia đình đã được công nhận và thánh hóa. Ta thấy có việc cha mẹ thích con này ghét con kia (Ixaác ưa Êxau hơn, Rêbécca ưa Giacóp hơn), chị em ganh tị nhau (Raken và Lêa, Giuse và các anh ông), con cái nổi loạn (Kham đối với Nôê)… Tuy nhiên, vẫn có những truyện hay: niềm tự hào của Ápraham đối với đứa con đầu đã được tẩy rửa trong giao ước, và tình yêu của ông dành cho đứa con trai bao ngày mong đợi đã được đặt dưới lòng tôn kính Thiên Chúa của ông… Chính việc thực hiện lời hứa cho ông và vợ ông một đứa con trai và việc Thiên Chúa không để ông lấy đứa con ấy làm lễ tế đã đủ dẫn ông vào nẻo đường của Thiên Chúa. Hiểu cho đúng, tình yêu con cái và tình yêu Thiên Chúa luôn đi đôi với nhau.

VII. KẾT LUẬN

Tóm lại, đọc câu truyện theo nhân học và theo lối mô tả, là lối ta thử đưa ra ở đây, ta thấy rõ hơn một số yếu tố cố hữu của cuộc hiện sinh có phái tính và sinh sản của ta, các yếu tố này thuộc lãnh vực thân xác, tâm lý và xã hội; và ta thấy rằng các căng thẳng giữa các yếu tố này chắc chắn sẽ gây rắc rối cho cả suy nghĩ lẫn hành động. Trước nhất, trong việc sống còn, con người có những quan tâm có tính trung lập về tính dục, tư riêng và nhằm yêu chính mình. Sau đó, là tính nhị nguyên tính dục được bổ túc từ bên ngoài, nhưng được trải nghiệm như một thiếu thốn bên trong, đưa tới thèm khát kết hợp thể xác kiểu thú vật, trải nghiệm này có lẽ được người đàn ông cảm thấy mạnh mẽ hơn. Giống ở mọi hữu thể tính dục khác, trong bản chất ta, cả nam lẫn nữ, đều có sẵn một sự phân nhánh vô thức; vì trên nguyên tắc, các thúc đẩy tính dục hướng ngoại đẩy ta tới người khác đã đi ngược hẳn lại các thúc đẩy hướng nội đẩy ta tới việc tự bảo vệ vì lích lợi riêng của mình. Rồi có sự dị biệt hóa thành hai giới tính, với những thèm muốn và quan tâm không như nhau. Các dị biệt này vừa khích lệ kết hợp vừa đe dọa phân ly. Sau đó là việc con người tự ý thức được tính dục của mình, và nói tổng quát hơn là ý thức thuần lý, là thứ đem tới cho linh hồn con người thêm một loại phân nhánh khác nữa. Một phần ý nghĩa của sự phân nhánh này được phát biểu qua xấu hổ, e thẹn (modesty), từ chối, làm dáng, tán tỉnh, hẹn hò, khoe khoang, tán thành, chấp thuận, hắt hủi, làm đẹp, ảo tưởng, tự phụ, làm đỏm, tham vọng, tâng bốc, quỉ quyệt, rù quyến, ghen tương, muốn làm vui lòng, và mưu cầu tự trọng, nghĩa là tất cả các khía cạnh nội tại của diễn trình nhân bản hóa tính dục, thăng hoa nhục dục, và khả thể yêu thương và giao kết xã hội (sociability). Khía cạnh đáng lưu ý hơn nữa là vấn đề xa cách và thèm muốn (distance and desire), một hậu quả của mối liên kết giữa tính dục và lòng yêu cái đẹp, nghĩa là cái đẹp nhìn từ xa kích thích ta hướng về sự kết hợp với nó một cách gần như mù quáng, đến không còn bất cứ một khoảng cách nào nữa. Rồi đến tính sinh sản và việc sinh con, tiếp theo là khai hóa (domestication) và dưỡng dục và tất cả những gì điều này vốn bao hàm, trong đó có việc lo lắng về dòng dõi và hy vọng siêu việt. Cuối cùng, nhờ tự ý thức được tính dục của mình, con người tìm được đường dẫn tới cõi siêu việt và cõi trường cửu thực sự; chứng cớ thấy rõ nhất trong cảm nghiệm:

(a) bỡ ngỡ trước người yêu xinh đẹp;

(b) tôn kính trước tính bổ túc tính dục hết sức mầu nhiệm và sự nhập thân có tính tự thức và đầy tưởng tượng của nó;

(c) kính sợ trước sự sống, tính dục, tình yêu và những sức mạnh khác không do ta tạo nên và ta vốn không điều khiển được; và

(d) biết ơn đối với quà phúc nhưng không là các sức mạnh sáng tạo được thể hiện qua việc chuyển giao khả năng sinh sản cho các thế hệ tiếp theo.

Dĩ nhiên, tất cả các yếu tố trên đều được văn hóa mặc lấy và được phong tục, lễ nghi, tín ngưỡng và nhiều sắp xếp có tính định chế khác thay đổi. Nhưng không một yếu tố nào do văn hóa cấu tạo nên. Cũng không có bất cứ sắp xếp văn hóa nào có thể hòa hợp mọi khuynh hướng chống chọi nhau của chúng. Trái lại, các cố gắng chính trị và văn hóa để giải quyết hợp lý vấn đề đàn ông đàn bà chắc chắn chỉ có hại, thậm chí còn hạ nhân phẩm của cả người đàn ông, người đàn bà lẫn con cái họ nữa, chỉ vì các vấn đề này hết sức tế nhị và có tính tư riêng, và ý nghĩa sâu xa nhất của chúng là điều chưa ai nói hết được.

Vượt lên trên sự thận trọng trên, ta vẫn có thể gom góp một số gợi ý có tính tâm lý học, cả tích cực lẫn tiêu cực. Thí dụ, ta có thể hiểu tầm quan trọng của e thẹn và xấu hổ đối với việc vun sới tình yêu lâu bền; vì khi mỗi người hiểu việc tự ý bày tỏ sự trần truồng cho nhau như là một dâng hiến của mình cho người mình yêu và sự dâng hiến này được tiếp nhận một cách sung sướng và không hề khinh bạc, thì quả tình yêu đã tự chứng tỏ được rằng nó không quan tâm gì tới tính mỏng dòn và tính hữu hạn của ta. Hoặc ta thấy được lý do tại sao những việc như kết hợp nhưng cố ý không muốn có con, có con bên ngoài hôn nhân, cách mạng tình dục, hoặc phong trào giải phóng phụ nữ, hoặc chủ trương độc tính (unisexuality) cả trong dáng vẻ lẫn trong việc làm, hay chủ trương bất cần hẹn hò, ly dị không cần có lỗi, hoặc chủ trương chỉ muốn thỏa mãn bản thân, đều là những việc chỉ làm yếu thêm các cam kết, khuyến khích tính ăn người của nam giới, và khiến cho đàn bà dễ bị thương tổn và trẻ em dễ bị bỏ rơi hơn. Và sau cùng, ta bắt đầu thấy tại sao tính bổ túc, tức sự dị biệt dị tính, chứ không phải tính nhị nguyên, hướng ta về việc cùng nhau triển nở.

Muốn khai triển gợi ý sau cùng này, ta cần đọc Ngũ Kinh nhiều hơn nữa; tuy nhiên, câu truyện đầu tiên vẫn đã cho ta nhiều chỉ dẫn. Bất chấp mọi nguy hiểm vốn kèm theo việc nhân bản hóa tính dục, qua câu truyện này, ta vẫn đã thấy hướng đi có thể có dẫn ta tới việc thành toàn của con người. Tình yêu hữu thức đối với con người bổ túc kia sẽ khiến linh hồn ta hướng ngoại và hướng thượng; trong sinh sản, tình yêu đưa tới khả năng sáng tạo một cách hào phóng, với đứa con thống nhất hóa cha mẹ, một việc mà một mình tính dục hay một mình tình cảm lãng mạn đơn độc không tài nào làm được; và ý muốn ban cho con không những sự sống mà cả một lối sống tốt đẹp đã mở đường cho người đàn ông và người đàn bà bước vào cõi chân, cõi thiện và cõi thánh thiêng. Tình yêu mẹ cha dành cho con cái chính là khởi điểm của diễn trình thánh hóa sự sống, ngay ở thời đại ta. Có lẽ đó là điều Thiên Chúa nghĩ tới khi Người nói rằng con người, cả đàn ông lẫn đàn bà, ở một mình không tốt. Có lẽ đó là lý do “Người dựng nên họ có nam có nữ” (St 1:27).

 


(4) Tình tiết này, vốn chuẩn bị cho việc phạm qui, là một suy tư chua cay về ngôn ngữ và lý trí; ngôn ngữ được trình bày như một cỗ xe chuyên chở cả xảo quyệt lẫn hiểu lầm. Câu hỏi đầu tiên của con rắn “có thật Thiên Chúa bảo: ‘các ngươi không được ăn bất cứ (mikol) trái cây nào trong vườn’ phải không?” ngụ ý muốn nói rằng Thiên Chúa là loại người ranh mãnh tùy tiện giữ mọi thức ăn để duy trì sự sống khỏi tay với của con người. Trong câu nói kế tiếp, hắn còn bảo Thiên Chúa là người láo khoét. Về phần nàng, người đàn bà cũng nói điều không có, dù một cách ngây thơ trong trắng: nàng không trả lời điều được hỏi, nói nhiều hơn lời yêu cầu, nhận diện cây cấm “ở giữa vườn”, lại còn nói thêm “ngươi cũng không được đụng tới” vào lệnh cấm, và quan trọng nhất là đã đổi các hậu quả của việc không vâng lời (“vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” [St 2:17]) thành lý do để vâng lời (“ Các ngươi không được ăn… kẻo phải chết” [St 3:3]). Khi con rắn bác bỏ việc nếu ăn sẽ chết, người đàn bà không còn lý do gì nữa để tiếp tục vâng lời, mà quên mất rằng vâng theo lệnh truyền tự nó là lý do rồi. Như thế, ở đây, ta thấy sự “chiến thắng” có tính nguyên mẫu của lý tính tự do, biết tính toán, tự giải phóng mình khỏi mệnh lệnh của tất yếu (hoặc bản năng hoặc bản nhiên hoặc Hữu Thể hoặc Thiên Chúa).

(5) Sự xấu hổ trước mặt Thiên Chúa xem ra khác với sự xấu hổ trước mặt nhau. Trước mặt nhau, người đàn ông và người đàn bà chỉ dấu bộ phận sinh dục của mình. Trước mặt Thiên Chúa, họ tìm cách che dấu họ một cách trọn vẹn. Sự xấu hổ đầu, mà tiếng Hy Lạp gọi là aischyne, tức sự xấu hổ có tính xã hội, mô tả việc quan tâm tới cái đẹp hay điều cao thượng (kalon). Sự xấu hổ sau, mà tiếng Hy Lạp gọi là aidos, tức xấu hổ có tính “vũ trụ luận” hay “hữu thể học”, mô tả việc quan tâm tới giá trị bên trong dưới khía cạnh trường cửu và thần linh.

(6) Đến đây, người đàn bà giữ im lặng; do đó, ta không biết phản ứng của nàng đối với lời tiên đoán của Thiên Chúa cũng như đối với phản ứng dạt dào và việc đặt tên mới cho nàng của người đàn ông. Chỉ biết ở tình tiết sau đó, nàng say sưa với địa vị tôn kính gần như hóa công của mình: khi sinh ra Cain, con đầu lòng, chính Evà “khoe khoang” sức mạnh sáng tạo của nàng, trong khi Ađam không nói gì.