Các Sách Sứ Ngôn

Tuesday, 10 September 2019 06:08

Thiên Chúa Trong Isaia: Thiên Chúa Ban Phúc Lành (9)

THIÊN CHÚA TRONG ISAIA

GOD IN ISAIAH

Tác giả: Pamela  A. Foulkes

Chuyển ngữ: Piô Phan Văn Tình

***

 

***

THIÊN CHÚA BAN PHÚC LÀNH

 

Chúng ta đã để tâm đến xác quyết của các ngôn sứ rằng Thiên Chúa luôn luôn trung thành với Israel. Dù tội lỗi dân có trầm trọng tới đâu, thì họ vẫn không bao giờ nao núng niềm tin của mình rằng Thiên Chúa sẽ giải cứu và khôi phục mối tình thiêng liêng cho họ. Nhờ phục hồi mối tình với Thiên Chúa mà họ được hứa ban phúc lành. Một trong những điều quan trọng nhất là trở về quê hương trước đây đã được hứa cho Israel qua tổ phụ Abraham và Môsê.

Cũng nên nhắc lại rằng các lời tiên báo của Isaia I và II đều cho biết về thực tại lưu đày. Isaia I đã nhìn thấy cuộc hủy diệt vương quốc miền Bắc và hàng ngàn người dân phải rơi vào tay Assiri. Isaia II biết đau khổ mà con cái Israel phải chịu trong cuộc lưu đày Babylon. Đối với các dân tộc xâm lược trong thế giới cổ đại, việc bắt các dân tộc khác đi lưu đày là bình thường. Các ngôn sứ an ủi dân rằng: nếu như số phận của họ bị diệt trừ và buộc phải sống giữa dân xa lạ thì một ngày kia họ sẽ được trở về quê hương và vì thế chúng ta đã tìm thấy rất nhiều lời tiên báo mang tính an ủi và tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ quy tụ họ về từ tận cùng trái đất và đưa họ về miền đất dành riêng cho họ. Isaia I an ủi dân đang sợ hãi rằng dù có xa thế nào thì họ vẫn có khả năng quy tụ, ngày ấy sẽ đến khi Thiên Chúa muốn, không còn nghi ngờ gì nữa:

“Người sẽ phất cờ hiệu cho các dân tộc, và từ bốn phương thiên hạ, sẽ quy tụ những người Israel biệt xứ, sẽ tập hợp những người Giuđa bị phân tán” (11,12).

Isaia II cũng công bố những lời an ủi như thế trước những cuộc lưu đày Babylon:

“Đừng sợ, có Ta ở với ngươi! Từ phương đông, Ta sẽ đưa con cái ngươi về, và từ phương tây, Ta sẽ cho con cháu ngươi đoàn tụ. Ta sẽ nói với phương Bắc: Đưa cho Ta! Và nói với phương Nam: Đừng giữ lại! Hãy đưa con trai Ta về từ viễn xứ, và con gái Ta từ góc biển phương trời. Đó là tất cả những người mang danh Ta, đã được Ta tạo dựng, nắn thành hình và làm nên, cho danh Ta rạng ngời vinh hiển” (43,5-7).

Isaia III cũng rất nhấn mạnh sự hồi hương của con cái xứ sở, khi Kyrô vua Ba Tư giải thoát họ khỏi tay người Babylon thì chỉ có một số rất nhỏ con cái Israel trở về Giuđa. Hầu hết những người lưu đày đều đã trải đời nơi đất khách quê người. Con cái của họ sinh ra ở đó và nhiều người trong họ đã kết hôn với những kẻ đã bắt họ đi lưu đày. Một lần nữa khó mà diệt trừ dòng dõi của họ. Nhưng ước mơ của vị ngôn sứ thuộc về một thời gian khi một lần nữa tất cả Israel phải phân tán khỏi miền đất hứa. Ngài kêu gọi Giêrusalem:

“Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm từ bên hông” (60,4).

Sự phục hồi phúc lành của Thiên Chúa cũng được mô tả như một sự phục hồi hoa trái đối với miền đất. Thị kiến của Isaia II mô tả ơn cứu chuộc Thiên Chúa dành cho Israel như mở ra một kỷ nguyên mới của hoa trái và sự phong nhiêu. Thiên Chúa hứa như sau:

“Ta sẽ khai mở sông ngòi trên các đồi trọc, và khe suối dưới các lũng sâu. Ta sẽ biến hoang địa thành hồ ao, biến đất khô nên mạch nước dồi dào. Và trong vùng hoang địa, ta sẽ trồng bá hương, keo, sim với ô-liu; trên những dải đất hoang, ta sẽ cho mọc lên một trật nào trắc bá, nào du nào hoàng dương, để cùng một lúc, thiên hạ đều nhìn ra và nhận biết, nghiền ngẫm và hiểu rằng: điều ấy, bàn tay Đức Chúa đã làm nên, điều ấy, Đức Thánh của Israel đã tạo thành” (41,18-20).

Điều này lặp lại xác tín của Isaia I rằng: khi Thiên Chúa đến, Người sẽ cứu thoát dân khỏi đau khổ:

“Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò. Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Ly-băng, vẻ rực rỡ của núi Các-men và đồng bằng Sa-rôn. Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của Đức Chúa, và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta” (35,1-2).

Cùng với hoa trái tự nhiên được phục hồi, sự thịnh vượng cũng được nhân lên gấp bội. Isaia III cũng rất nỗ lực diễn tả điều này trong thị kiến nói về tình trạng được chúc phúc dành cho Israel sau cuộc hồi hương từ nơi lưu đày, những người đứng đầu và đoàn người hồi hương sẽ về Giêrusalem mang theo sự giàu sang của những người láng giềng Israel:

“Trước cảnh đó mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực vui như mở cờ, vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi. Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha: tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Đức Chúa” (60,5-6).

Tất cả những ai đói khát sẽ được no thỏa. Thiên Chúa mời gọi họ như sau:

“Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào” (55,1).

Trong nền kinh tế thị trường của chúng ta thì lời mời gọi này diễn ra khá bất ngờ. Không có tiền làm sao mua được nhu cầu cần dùng cho đời sống? Nhưng Thiên Chúa của Isaia là một Thiên Chúa cắt ngang mọi quy tắc hợp lý của con người. Thiên Chúa làm thỏa mãn nhu cầu của chúng ta cách rộng rãi mà không cần một lý lẽ nào. Israel được mời gọi tín thác vào một Thiên Chúa quá cao xa và phi lý. Trong kỷ nguyên mới của phúc lành thiêng liêng mà Thiên Chúa sẽ đảm bảo chắc chắn rằng không ai mà không mong muốn:

“Những ai nghèo hèn, khốn khổ, tìm nước không ra, lưỡi khô vì khát, Ta, Đức Chúa, Ta sẽ đáp lời, Ta, Thiên Chúa của Israel, Ta sẽ không bỏ rơi” (41,17).

Phúc lành thiêng liêng trong thế giới cổ đại cũng được diễn tả bằng những thuật ngữ nói lên sự phong phú của con người. Họ nhận ra rằng phúc lành được Thiên Chúa ban sẽ tuôn đổ dồi dào trên con cháu. Trong sách Sáng Thế, Abraham nhận được lời hứa rằng con cháu của ông sẽ đông như sao trên trời (st 15,5) và đây là một chủ đề xuyên suốt lịch sử Israel. Trong Isaia II, Thiên Chúa cũng ban một lời hứa như thế trước những cuộc lưu đày:

“Vì Ta sắp đổ mưa xuống những vùng hạn hán, và cho suối chảy trên mảnh đất khô cằn; trên dòng dõi ngươi Ta sẽ đổ thần khí, trên con cháu ngươi Ta sẽ ban phúc lành. Chúng sẽ mọc lên giữa đồng cỏ, như dương liễu bên dòng nước” (44,3-4).

Lời hứa này cũng được gửi tới những cuộc hồi hương và lưu đày trong Isaia III:

“Từ Gia-cop, Ta sẽ cho phát xuất một dòng dõi, và từ Giuđa, một người sở hữu các núi của Ta; những người được Ta tuyển chọn sẽ sở hữu chúng, ở đó, các tôi tớ của Ta sẽ cư ngụ” (65,9).

Phần thưởng của một đời sống trường sinh cũng được tin tưởng như một dấu chỉ của phúc lành thiêng liêng. Trong một thời đại không còn niềm tin vào đời sau thì cái chết quả là một sự nguyền rủa. Có nghĩa là nó không chỉ cắt đứt niềm vui đời này mà còn cắt đứt tình yêu thiêng liêng. Do đó người ta tin rằng những người được Thiên Chúa chúc lành thực sự thì sẽ sống lâu. Tất cả những vị cao niên của Israel đều tin rằng sống thọ chính là dấu chỉ cho thấy họ gần gũi Thiên Chúa. Món quà sự sống này là phần chính trong thị kiến cứu chuộc được loan báo cho dân cư Giêrusalem sau cuộc lưu đày trong Isaia III. Hành động quyền năng của Thiên Chúa nhân danh Israel hầu như vượt trên giới hạn của cái chết:

“Nơi đây, sẽ không còn trẻ sơ sinh chết yểu và người già tuổi thọ không tròn; vì trăm tuổi mà chết là chết trẻ, và chưa tròn trăm tuổi mà chết là bị nguyền rủa” (65,20).

Cư dân Giêrusalem sẽ sống lâu để thưởng thức món quà cao quý do công việc tay họ làm nên và có thể nếm hưởng trong bình an và bảo đảm:

“Người ta sẽ xây nhà và được ở, sẽ trồng nho và được ăn; người ta sẽ không xây nhà cho người khác ở, không trồng nho cho kẻ khác ăn; vì cây được bao nhiêu tuổi, dân Ta cũng sẽ thọ được bấy nhiêu; và những kẻ do Ta chọn sẽ được hưởng kết quả do tay chúng làm” (65,21-22).

 Sống trong một miền đất bị những người xâm lược chà đạp hết lần này đến lần khác, và hơn một lần đã bị cuộc xung đột dân cư làm cho tan nát, thì việc Thiên Chúa ban phúc lành thực sự là một bảo đảm chắc chắn.

Các ngôn sứ tin rằng dù sự thất bại của dân tộc là do tội xúc phạm đến mối tình mà họ được mời gọi đi vào, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn trung thành. Thiên Chúa đã hứa với Israel thì cũng chính Người lôi cuốn chúng ta đi vào quỹ đạo phúc lành. Thiên Chúa luôn trung thành với Israel cũng sẽ trung thành với chúng ta và chúng ta cũng được đáp trả tình yêu và lòng từ bi thiêng liêng bằng lòng trí luôn rộng mở. 
 

 ------------------------------------------------------
Sách Tham Khảo
 
1/ Kaiser, Otto, Isaiah 1-12: A Commentary. London: SCM, 1983.

2/ Clememts, R.E., Isaiah 1-39. New Century Bible Commentary. Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1980.

3/ Scullion, John J., Isaiah 40-66. Wilmington, DA: Michael Glazier, 1982.

4/ Westerman, Claus, Isaiah 40-66: A Commentary, London: SCM, 1969.

5/ Whybray, R.N., Isaiah 40-66. New Century Bible Commentary, Grand Rapids, MI: Eerdmans, 1981.

6/ Hayes, John J. and Irvine, Stuart A., Isaiah, the Eighth-Century Prophet: His Times and His Preaching. Nashville, Abingdon, 1987.