Các Sách Sứ Ngôn

Tuesday, 10 September 2019 06:09

Khái Lược Về Sách A-Mốt

Giuse Lê Danh Tường


DẪN NHẬP

Thiên Chúa là Chúa của lịch sử và lịch sử là một tiến trình. Trong mỗi giai đoạn cụ thể của lịch sử nhân loại đều có những dấu ấn riêng biệt làm nên lịch sử. Nhân loại đã trải qua giai đoạn sơ khai của thời nguyên thủy, rồi dần dần bước qua thời cổ đại - trung cổ - cận hiện đại - hiện đại. Và thời hậu hiện đại ngày nay đang đặt ra những vấn nạn mới.

Chưa bao giờ con người làm ra nhiều của cải vật chất như bây giờ, nhưng cũng vì thế mà khoảng cách giàu nghèo càng gia tăng: kẻ ăn không hết, kẻ lần không ra. vấn đề toàn cầu hoá đang đặt ra khó khăn cho sự công bằng: của cải vật chất phần lớn chỉ thuộc về một số tập thể mà họ nắm giữ công nghệ khoa học, còn các nước đang phát triển, đặc biệt là Châu Phi và Châu á, vẫn tiếp diễn nạn chết đói vì lương thực, thuốc men ...

Trong xã hội nổi lên những hiện tượng mà con người chưa từng nghĩ tới trước đây: nhân vị con người bị xúc phạm nặng nề - nếu không nói là bị đồng hoá với xúc vật: người ta chấp nhận cái chết êm dịu để giải quyết đau khổ; tính dục được coi như một hình thức thỏa mãn cho con người mà không cần biết đến luân lý tính dục là gì: thay vì đề cao phẩm giá tính dục, đức khiết trinh thì người ta quảng cáo OK; thai nhi bị hủy diệt để đời sống gia đình, lứa đôi được "hạnh phúc" hơn; và đặc biệt vấn đề nhân bản vô tính con người đang đặt ra một biển trời trống vắng cho suy tư của con người; những hình thức quảng cáo, maketing cùng với mạng lưới điện tử toàn cầu đang chống lại sự thật: đúng sai, thật giả lẫn lộn.

Nguy hiểm hơn cả là ngày nay con người sáng chế ra những vũ khí hủy diệt hàng loạt kèm theo nạn khủng bố không cần biết đến mạng sống con người là gì. Họ gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời và lấy quyết định của số đông làm tiêu chuẩn: luân lý được xác định bằng tiêu chuẩn "quá bán". Những hình thức chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tập thể xuất hiện thay thế cho sự phán quyết của Thiên Chúa, cá vị bị lệ thuộc vào ý kiến tập thể.

Nhưng dường như, tất cả những hiện trạng đó đang chống lại chính con người một cách mạnh mẽ và sâu xa nhất.

Đứng trước hiện tình nan giải như thế, con người phải "lên tiếng" để tìm lại con người đích thực của mình. Càng cần thiết hơn, người Kitô hữu phải tìm ra ý định của Thiên Chúa là gì trong hiện tại để đưa lịch sử vào trong quỹ đạo tình yêu Thiên Chúa. Là một người mang sứ vụ rao giảng Chân Lý, Tin Mừng Đức Kitô càng không thể không "lên tiếng". Nhưng phải "lên tiếng" thế nào và thái độ ra sao? Chắc chắn chúng ta không thể làm tùy ý.


A. GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT

I. KHUNG CẢNH LỊCH SỬ

1. Tình hình chính trị tại miền Bắc 931-722

933: Israel chia đôi thành vương quốc Bắc và Nam. 930 - 722 vương quốc miền Bắc có 9 đời vua nhưng có 3 vị nổi tiếng hơn cả là; Omri (885-874); Ahab (87-853) và Jeroboam II (793-753).

Miền Bắc cũng tổ chức chính quyền theo khuôn khổ Salomon đã thiết lập, nhưng phải tìm một thủ đô. Sau mấy lần thay đổi, cuối cùng vua Omri đã mua được ngọn đồi Samaria rồi xây thành đắp lũy làm thủ đô ở đấy. Thủ đô này nằm ngay trung độ của cả vương quốc, đường xá các nơi đều đổ về. Nó nằm ngay trên đồi, nên Samaria đã phát triển nhanh chóng và được coi như một trung tâm quan trọng lâu dài, cả sau khi vương quốc sụp đổ.

Cuộc thôn tính các vương quốc sung quanh do Đavít khởi xướng đã phải ngưng lại sau khi Salomon chết. Các dân tộc xung quanh dành độc lập. Vì vậy các tiểu vương quốc khi thì hoà hoãn, lúc lại đánh nhau. Các vương quốc kế cận Israel bao gồm: Dama - Gara - Philitine - Tyro - Phexekia - Edom - Ammon - Moab - Juda.

Trong khi đó, đế quốc Assyrie ngày càng lớn mạnh, có quân đội hùng mạnh, không nương tay tàn sát và lưu đày hàng loạt. Trước tình thế đó, các dân đã quy phục và chấp nhận đóng thuế nặng để khỏi bị tiêu diệt. Israel đã từng chống lại. Năm 853 Akhap đã dấy binh nhưng thất bại đành chịu quy phục và đóng thuế.

Jeroboam II lợi dụng lúc Assyrie lơ là đã chiếm lại Damat. Nhưng khi Tích-lat Pilexe III của Assyrie lên ngôi (747) thì Israel lâm nguy. Năm 732 Assyrie thôn tính Xiri và 3 tỉnh của Israel. Năm 721 Israel hoàn toàn thất thủ và bị Assyrie phát lưu cả dân Israel (2V 17,1-6); xoá bản đồ Israel và đem các dân khác đến chiếm cứ (2V 17,24-41) tạo ra lớp "người Samaria" mà các sách Tin Mừng nói đến sau này.

2. Tình hình kinh tế

930 - 793: tình hình kinh tế không mấy khả quan: hạn hán nhiều, binh biến thường sảy ra. Sự chênh lệch trong xã hội giữa người giàu và người nghèo chưa có bao nhiêu.

793 - 753: dưới triều Jeroboam II tình hình biến đổi nhanh, kinh tế phát triển mạnh nhờ vào địa thế tại Samaria dễ dàng giao lưu buôn bán với các vương quốc Canaan phía Bắc. Từ 783 - 743 là 40 năm phồn thịnh, công việc làm ăn chôi chảy, người ta làm giàu và cứ nghĩ rằng tình hình ấy sẽ kéo dài vô tận. Tuy nhiên phúc lợi chỉ đem lại cho một thiểu số dân nhờ vào độc quyền xuất khẩu với các vương quốc xung quanh.  ở miền Bắc, uy thế Assyrie mạnh dần nhưng Israel không thèm để ý đến.

3. Xã hội

Dưới thời Jeroboam I, do sự lây nhiễm tôn giáo từ các vương quốc xung quanh, đặc biệt là dân Tyro và Sidon thờ thần Baal và Astarte; do muốn ngăn cản dân đi lên Giêrusalem dự lễ, nên Jeroboam đã cho xây hai đền thờ ở Dan, mạn Bắc và Bethen, mạn Nam. Mỗi đền đều có đặt bò vàng để thờ (1V 12,26-33). Mặc dù bò vàng chỉ được coi như là bệ cho Giavê ngự, chứ không thờ như dân Canaan. Nhưng dầu sao, nó cũng góp phần đưa hình ảnh ngẫu tượng vào trong đạo. Đặc biệt khi vua Akhap cưới Idaven, công chúa thành Tyro, thì đã khuyến khích dân đi theo thần Baal.

II. TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM

1. Con người Amot

Amot là một mục đồng. Ông sinh ra ở Tegoa, một ngôi làng nhỏ ở phái nam Belem, trong chi tộc Giuđa. Ông xuất hiện dưới thời vua Osia – vua Giuđa (khoảng năm –750) và Jeroboam – vua Israel – trị vì từ 783 – 743. Ông có một công việc bình thường nhưng Giavê đã gọi ông sai ông đi tuyên sấm của Ngài cho vương quốc Israel và ông đã làm điều đó với tất cả sự can đảm (Am 7,15).

Amot là ngôn sứ văn sỹ đầu tiên xuất hiện trong Thánh Kinh. Những lời nói của ông được lưu lại trên bản văn viết, mặc dù những trang viết đó không hẳn là do chính ông viết. Trước Amot, chưa có ngôn sứ nào mà có một lời sấm được viết lại, chỉ từ Amot các sấm của các ngôn sứ mới được viết lại.

Những ngôn sứ văn sỹ được lưu lại lời nói trên bản văn là vì hai lý do: Thứ nhất là lý do tôn giáo, người ta thấy rằng những lời của các ông chưa hoàn tất nên phải giữ lại vì một ngày kia lời ấy sẽ được thực hiện. Các ngôn sứ ý thức những lời của các ông sẽ được thực hiện tức khắc, nhưng còn các môn đệ, chính họ sẽ gìn giữ lại; thứ hai là lý do văn hóa: dân Israel thấy rằng những kỳ tích của Thiên Chúa cần phải được kể lại nên họ thâu thập thành truyện kể, họ thấy Lời Chúa cần lắng nghe nên họ bắt đầu luyện tập khoa nói. Vì thế ở Israel, nền văn hóa này đã bắt nguồn từ kinh nghiệm về Thiên Chúa.

Nếu như đỉnh cao của nghệ thuật ngôn sứ là ở nơi Isaia, thì ở Amot là một ngôn sứ đầu tiên mà lời của ông được thu thập lại; là  người có khoa nói tốt. Đó là một con người biết suy nghĩ, một người tìm cách hay nhất để truyền đạt điều mình muốn nói. Người biết cách làm cho người ta nghe mình.
Amot là người theo thuyết độc thần triệt để. Ông không phủ nhận các thần khác, nhưng dưới cái nhìn của ông, mọi sự việc đều do Thiên Chúa sắp đặt. Việc Assyrie lớn mạnh hơn Israel không phải là truyện tình cờ, mà theo ông, đó là việc Thiên Chúa làm.

Trong thời gian tuyên sấm ở Israel, ông bị phản đối kịch liệt, đặc biệt là từ phía triều đình và tầng lớp giàu có. Trong Amot 7,10-17 cho thấy ông bị tư tế Amasias yêu cầu không được tuyên sấm chống lại triều đình và phải rời khỏi vương quốc Israel. Sau cuộc tranh luận đó, nhiều tác giả cho rằng Amot đã trở về quê hương ở miền Nam để sống những ngày cuối đời.

2. Tác phẩm

a. Sự hình thành

Sách Amot không phải do chính ngôn sứ Amot chấp bút tất cả, nhưng nó được soạn thảo trong nhiều giai đoạn. Các đồ đệ của ông có lẽ đã thu thập các lời sấm của thầy mình và viết lại chúng trên văn bản và đặt cho chúng lời giới thiệu phù hợp. Có những gợi ý rất rõ cho thấy việc sách được “đọc lại” sau thời lưu đày, đặc biệt là ở phần cuối sách (9,11-14). Cuộc luận chiến chống lại những đền thờ ở Bethel (3,14) cho thấy có thể đó là lần xuất bản thuộc truyền thống Đệ Nhị Luật xuất hiện sau cuộc cải cách của Josias. Trong bất cứ trường hợp nào, những bài thánh ca mà được đặt để ở những vị thế trọng yếu trong sách cho ta thấy một sự thật rằng sách Amot đã được đọc rất sớm trong các lễ nghi phụng vụ. Do đó, sách này là một dẫn chứng đẹp cho thấy đức tin của cộng đồng dân Israel, chứ không chỉ là cá nhân, đã là công cụ chuyển tải sứ điệp của Thiên Chúa tới chúng ta như thế nào.

b. Văn phong

Sách Amot sử dụng ngôn từ rất mạnh mẽ, sống động và có tính hình tượng cao. Kiểu nói “Ngày của Thiên Chúa” được xuất hiện lần đầu tiên nơi sách Amot; và kiểu nói “vì ba tội, vì bốn tội...” là một thuật văn học thuộc trào lưu các sách khôn ngoan, ý nói là tội lỗi tràn ngập trong dân.

B. NỘI DUNG TÁC PHẨM

I. CẤU TRÚC TÁC PHẨM

Đề tựa: 1,1
Giới thiệu tác phẩm: 1,2
1. Sấm ngôn chống lại các vương quốc quanh Israel  và Israel: 1,3-2,16.
2. Chi tiết các tội của Israel: 3,1-9,10.
    a. Báo động Samaria: 3,1-15.
    b. Cảnh báo và đe dọa: 4,1-13.
    c. Kêu gọi loại bỏ bất công: 5,1-27.
    d. Sự sụp đổ của Giuse: 6,1-14.
3. Năm thị kiến và trình thuật ơn gọi: 7,1-9,6
    a. Thị kiến châu chấu: 7,1-3.
    b. Thị kiến hạn hán: 7,4-6
    c. Thị kiến dây dọi: 7,7-9.
    d. Trình thuật ơn gọi: 7,10-17.
    e. Thị kiến giỏ trái cây: 8,1-3.
    f. Thị kiến đền thờ bị sụp đổ: 9,1-4.
4. Niềm hy vọng của Israel (kết luận): 9,7-15.
    a. Các dân tộc bị trừng phạt: 9,7-8.
    b. Niềm hy vọng trong sách Amot: 9,9-10.
    c. Niềm hy vọng sau lưu đày: 9,11-15.
 
II. SƠ LƯỢC SÁCH AMOT VỚI NHỮNG CHỦ ĐỀ LỚN

1. Chủ đề chính
 
Từ khoá trong Amot:  sự phán xét Israel.

Chủ đề nền tảng trong sách Amot là sự phán xét sẽ đến với Israel vì sự thánh thiện của Thiên Chúa và tội lỗi cuả dân Giao ước.

Am 1,2 là bản tóm lược tất cả sứ điệp của sách Amot: "Ông nói: Từ Sion thánh luật ban xuống, và từ Gierusalem, Người lên tiếng; đồng cỏ của mục tử nhuốm màu tang tóc, đỉnh núi Các-men nay đã héo tàn".

- Lời lẽ ngắn gọn, hình ảnh với vài nét chấm phá


- Với niềm xác tín rằng ngôn sứ nghe được Thiên Chúa trong khi không ai nghe thấy Ngài.

- Hình ảnh về một cảnh điêu tàn trong nháy mắt và hoàn toàn.

2. Sấm chống các vương quốc: 1,3 – 2,16
 
Trong thời cổ đại, các ngôn sứ thường không lên án các quốc gia khác. Điều không bình thường ở Amot là ông không chỉ dừng lại ở việc lên án những vương quốc xung quanh mà còn công bố sự phán xét họ như chính Israel. Amot nhấn mạnh rằng Israel cũng chỉ giống như các dân khác dưới cái nhìn của Thiên Chúa. Bất cứ vương quốc nào phạm tội đều bị trừng phạt. Israel và các vương quốc bị lên án vì tội chống lại quyền con người (2,1.6) và thiên nhiên.

Những vương quốc bị lên án là: Damas, Gara, Tyr, Edom, Amon và Moab là những dân láng giềng với Israel  mà ta có thể định vị về mặt địa lý (xem bản đồ bên cạnh).

3. Năm thị kiến: 7,1 – 9,6
 
Trong các thị kiến, ngôn sứ luôn ý thức rằng chính Thiên Chúa kêu gọi ông, Ngài có mặt và hành động “Thiên Chúa đã cho tôi thấy thế này”.

Nơi Amot, những thị kiến như những loại ảnh chụp trong nháy mắt dẫn tới những lời giải thích càng lúc càng dài từ thị kiến một đến thị kiến năm.

Nơi các tác giả thần bí mô tả kinh nghiệm của mình vì chúng cũng trùng lắp với kinh nghiệm của những người khác, chúng có tầm mức phổ cập. Trái lại, các thị kiến của Amot lại giải thích tại sao vị ngôn sứ có mặt ở đó. Thị kiến của ông hoàn toàn cá nhân, nhưng cũng liên hệ tới toàn thể dân Israel.

4. Ơn gọi của Amot: 7,10-17
 
Câu chuyện diễn ra ở Bethel, một trong hai đền thờ của Israel. Lúc đó Amasias là tư tế ở đền thờ Bethel, là tay sai đắc lực của vua Jeroboam II. Ông tự ban cho mình nhiệm vụ phải làm cho người ta tôn trọng ý kiến của nhà vua. Do đó ông yêu cầu Amot ra khỏi vương quốc khi Amot tuyên sấm chống lại vua và vương quốc Israel.

Trước lời yêu cầu của Amasias, Amot cho ta thấy lý do ông hiện diện ở Israel. Đó là bài tường thuật về ơn gọi đầu tiên trong Kinh Thánh mà chủ ngữ của trình thuật là ngôi thứ nhất. Trước Amot, các trình thuật ơn gọi như Abraham, Môsê đều do người khác kể lại, còn ở đây là do chính Amot kể: ông lên tiếng vì ông không thể không nói, khi ông nhìn thấy những gì sắp sảy ra. Trong trình thuật này cho ta thấy rõ hai gương mặt: Amot, đại diện cho Thiên Chúa và Amasias, đại diện cho vua, một con người.

5. Đoạn kết: 9,7-15
 
Phần này nói lên niềm hy vọng cho dân Israel. Giavê sẽ không hủy diệt hoàn toàn, nhưng chỉ diệt những người tội lỗi. ở đây cho ta thấy ngôn sứ vẫn còn nói tới số phận của cả vương quốc, của tập thể, khác với các ngôn sứ sau thời lưu đày, các ông nói tới số phận và trách nhiệm của từng cá nhân.

III. CÁC SỨ ĐIỆP CHÍNH
 
1. Giavê là chủ tể vũ trụ và các dân
 
Giavê là Đấng dựng nên vũ trụ (4,13; 5,8-9; 9,5-6).

Giavê đã có dự định về mọi dân tộc. Chính Người đưa dân Philitinh ra khỏi miền Cáp-to, đưa người Aram ra khỏi xứ Qir, cũng như cho Israel ra khỏi Ai-cập (9,7). Chư dân cũng như Israel phải biết rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, Đấng sẽ phán xét (1,3-2,3).

2. Giavê đã thương chọn riêng dân Israel

Trong mọi dân, Ngài đã “biết”, nghĩa là yêu mến, và tuyển chọn một mình Israel. Nhưng cũng chính vì thế mà Ngài đòi hỏi họ nhiều hơn và sẽ “thăm viếng”, sửa phạt, nếu họ phạm lỗi: “Chỉ có các ngươi được Ta biết đến giữa tất cả các họ trên trần. Bởi thế Ta sẽ trừng trị các ngươi vì mọi tội các ngươi đã phạm” (3,2). Đây được coi là một bản hiến chương của việc tuyển chọn. Vì thế, nhân danh Giavê, Amot tố cáo tội của Israel.

3. Tố cáo những bất công xã hội

Những người có quyền có của xử án bất công, bóc lột người nghèo để sống giàu sang phè phỡn. Amot có những lời rất nặng đối với những hạng người này. Ví dụ: các phụ nữ sang trọng ở sứ Samari bị gọi là “Bò cái sứ Baal” (4,1-3; 3,10); tố cáo những kẻ ăn chơi mà không lo đến vận mạng đất nước (6,4-6); tố cáo những kể buôn bán tham lợi (8,4-6; 2,6-8)…

4. Tố cáo tôn giáo vụ hình thức

Dân thích tổ chức lễ bái linh đình, dâng cúng thật nhiều, rồi yên trí vì tưởng thế là song bổn phận với Giavê và sẽ bảo đảm khỏi mọi tai hoạ (4,4-5). Amot cho họ biết: Giavê không cần những cái đó nhưng “Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn” (5,21-27).

5. “Ngày của Giavê” sẽ là ngày tối tăm

Trước Amot, Israel tin rằng ngày ấy là một ngày hội lớn, ngày mà Giavê giúp dân toàn thắng trên mọi thù địch. Nhưng Amot là người đầu tiên cho thấy ngày ấy là ngày phán xét: “ngày đó sẽ là tối tăm, chứ không phải ánh sáng” (5,18). Trong ngày đó, Giavê sẽ nổi cơn thịnh nộ phạt Israel và họ sẽ không thoát được (2,14-16; 5,19-20). Hình phạt sẽ là những tai ương thiên nhiên (hạn hán, đói khát, ôn dịch) (4,6-11; 8,9–10,13) và chiến tranh tàn phá, lưu đày (3,11-12.15).

6. Kêu gọi trở lại

Hình phạt có mục đích giáo huấn để dân nghĩ lại mà trở về cùng Giavê. Trong một đoạn 4,6-11 có tới 5 lần nhắc lại “thế mà các người vẫn không chịu trở về với Ta” sau mỗi phần cho biết hình phạt Chúa sẽ giáng xuống trên dân. Amot kêu gọi dân “Hãy tìm Giavê” (5,4-6): kiểu nói này có nghĩa là đến gặp Chúa tại các nơi thờ phượng, nhất là tìm biết ý Chúa và làm lành, lánh dữ: “Hãy tìm điều lành chứ đừng tìm điều dữ rồi các người sẽ được sống ... Nơi cửa công, hãy thiết lập công lý” (5,14-15).

7. Giavê sẽ ban ơn cứu độ
 
Mặc dầu Chúa phạt, nhưng Ngài vẫn còn thương, Ngài sẽ cứu một phần “dư tồn”, tức là một số ít còn sót lại hay “số sót”.

Amot khuyến cáo Israel rằng: “như người chăn chiên giựt ra khỏi miệng sư tử hai cái cẳng hay một mảnh tai của con chiên, con cái Israel sống tại Samari, ở đầu giường hay trên trường kỷ lộng lẫy, cũng sẽ được giựt ra như vậy” (4,12).

Theo Amot, cũng như những thử thách hiện tại đã giảm thiểu dân còn một ít người sống sót (5,15) thì những sửa phạt tương lai trong viễn ảnh phán xét cách chung sẽ giảm thiểu Israel thành một nhóm nhỏ (3,12; 5,3) giống như cái sàng sẽ để rơi những kẻ tội lỗi và chỉ giữ lại những người công chính (9,8-15).

IV. Ảnh hưởng của sách Amot

1. Đối với Cựu Ước

“Ngày của Thiên Chúa” được dùng lần đầu tiên tại sách Amot và nó được các ngôn sứ sau đó sử dụng rất nhiều. Những ý niệm căn bản nơi Amot mà ta gặp lại ở các ngôn sứ sau này là: uy quyền của Giavê; sự lựa chọn Israel; những đòi hỏi về mặt tôn giáo và xã hội; hình phạt và hối cải và cứu độ.

2. Đối với Tân Ước
 
Sách Amot được Tân Ước tham chiếu 2 lần và cả 2 lần đều ở trong sách Công Vụ Tông Đồ:

- Cv 7,42-43: trong diễn từ của vị thánh tử đạo tiên khởi – Stephano – trước công nghị, ngài đã trích dẫn Am 5,25-27.

- Cv 15,16-17: Trong cuộc họp tại Gierusalem bàn về việc cắt bì cho dân ngoại với sự hiện diện của Phaolô - Barnaba – Phero – Giacobe và một số tông đồ niên trưởng của cộng đoàn Gierusalem, Giacobe đã trích dẫn Am 9,11-12 trong bài phát biểu của ngài để chứng minh cho thấy: việc cắt bì là không cần thiết.

3. Trong phụng vụ của Giáo Hội ngày nay


Phụng vụ Giáo Hội ngày nay sử dụng sách Amot trong Chủ nhật (CN) 25C (8,4-7); CN 26C (6,1a.4-7); CN 15B (7,12-15) và các ngày trong tuần 13 năm II thường niên: Thứ 2 (2,6-10.13-16); Thứ 3 (3,1-8; 4,11-12); Thứ 4 (5,14-15.21-24); Thứ 5 (7,10-17); Thứ 6 (8,4-6.9-12); Thứ 7 (9,11-15).

Qua những gì Giáo Hội ngày nay dùng sách Amot trong phụng vụ, ta thấy rất rõ sách Amot có một chỗ đứng không nhỏ trong Giáo Hội với những sứ điệp chính, như đã nêu ở phần các sứ điệp, đặc biệt là về công bằng xã hội, về tôn thờ Thiên Chúa trong thực tâm đi đôi với việc làm.


C. KẾT LUẬN

Sau khi tìm hiểu khái quát về sách Amot, ta thấy rõ ràng thời đại của Amot cũng có những tình trạng nguy hiểm về kinh tế, chính trị, xã hội mà Amot đã nhân danh Giavê lên tiếng tố cáo. Qua phần các sứ điệp chính, ta đã thấy được những điều chủ chốt mà Amot đã lên tiếng, cũng như thái độ của vị ngôn sứ này trước hiện tình của xã hội sa đọa.

Trước hết, ông nhắc cho dân nhớ địa vị tối hậu của Giavê và tình thương mà Ngài đã dành cho dân; rồi từ đó ông lên tiếng tố cáo sự bất công của  xã hội, sự vụ hình thức của tôn giáo; sau khi tuyên bố về sự tối tăm của "ngày của Giavê" ông kêu gọi dân trở về với Giavê  và tiên báo sự cứu độ của Giavê trên toàn dân.

Ta thấy, trước khi Amot lên tiếng cảnh cáo và đe dọa dân thì ông cho dân nghe bản hiến chương tuyệt đẹp về sự chọ lựa dân của Giavê: “Chỉ có các ngươi được Ta biết đến giữa tất cả các họ trên trần. Bởi thế Ta sẽ trừng trị các ngươi vì mọi tội các ngươi đã phạm” (3,2).

Amot đã khởi đi từ tình yêu thương phát xuất từ Thiên Chúa để đến với dân. Lời lễ của ông đối với dân thật sỗ sàng, chói tai nhưng đó là những lời phát ra từ một tấm lòng đầy chăn trở cho vận mệnh tương lai của dân. Ông gào thét bên tai họ những lời đinh tai nhức óc nhưng không phải để chu diệt, mạt sát dân, mà để " Hãy tìm Đức Chúa thì  các ngươi sẽ được sống" (5,6).

Vì lòng yêu thương của Giavê mà ông đến với dân, vì phẫn nộ trước sự ngây ngô, gian sảo mà dân đang tự hại mình mà ông đến với dân: "Hỡi Israel, hãy nghe lời này, lời ta than vãn khóc thương ngươi" (5,1). Amot gào khóc vì thương dân chứ không phải những tiếng chúc dữ nhằm chu diệt dân vì dân làm hại mình hay để ông làm lợi cho mình. ở đây ta bắt gặp thái độ tương tự của Chúa Giêsu khi Ngài đứng trước sự tội lỗi của dân thành Giêrusalem, Ngài trách mắng họ thậm tệ rồi Ngài quay đi và than tiếc cho họ trong nức nở " Giêrusalem! Giêrusalem!" (Mt 23,1-39)

Có thể nói, mọi tội của dân mà Amot lên án đều quy về nguyên nhân sâu xa nhất là dân phạm tội với Giavê, không trung thành với Giao ước  và chống lại con người. Và điều trên hết mà Amot đòi hỏi là dân phải trở về với Đức Chúa, sống theo sự chỉ dẫn của Ngài (5,4-7). Dù sao thì Amot vẫn tin tưởng vào tương lai là dân được cứu độ, dù chỉ là "số sót" (9,7-15).

Như vậy, qua sách Amot, con đã xác định được thái độ cần  có  của người Kitô hữu mang sứ mạng rao giảng Lời Chúa phải như thế nào. Muốn làm gì thì trước tiên phải yêu mến trước đã, như lời thánh Augustino "Hãy yêu đi rồi bạn sẽ biết mình phải làm gì". Mọi hành động chỉ có ý nghĩa thực khi phát xuất từ tình yêu. Và sự giải phóng tối hậu, triệt để là đưa con người trở về với Chúa, vì niềm tự do đích thực nằm ở tận căn tính của con người. Nhưng dù thế nào đi nữa thì ta vẫn tin tưởng ở tương lai, vì Thiên Chúa là Chúa của lịch sử.