Các Sách Sứ Ngôn

Tuesday, 10 September 2019 06:08

Thiên Chúa Trong Isaia: Thiên Chúa - Đấng Cứu Chuộc Và Tôi Tớ (8)

THIÊN CHÚA TRONG ISAIA

GOD IN ISAIAH

Tác giả: Pamela  A. Foulkes

Chuyển ngữ: Piô Phan Văn Tình

***

 

***

ĐẤNG CỨU CHUỘC VÀ TÔI TỚ

 

I. THIÊN CHÚA SAI ĐẤNG CỨU TINH

Đấng cứu chuộc Israel thường được các ngôn sứ diễn tả như sự kết nối với dự phóng do Thiên Chúa cứu độ nhân loại. Điều này thường được nhìn nhận như một người nối dòng dõi vua Đavit, người đã khôi phục vương quốc Israel với quyền lực và vinh quang ngày xưa. Một số nổi bật nhất trong những lời tiên tri này được tìm thấy nơi Israel I. Chúng ta tìm thấy trong chương 9 một lời loan báo mang niềm hy vọng rằng Thiên Chúa ban một người mới sẽ thừa kế ngai vàng vua Đavit:

“Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đavit. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh. Chúa Thượng đã gửi một lời đến Gia-cóp, lời ấy rơi xuống Israel” (9,6-7).

Lời kinh với những danh hiệu cao quý đối với con cái là một lời cầu nguyện sốt sắng dành cho một triều đại vinh quang, vinh quang ấy sẽ thành toàn niềm hy vọng dân tộc: bình an và hợp nhất.

Còn trong chương 11 thì vị ngôn sứ bảo đảm với dân rằng dòng dõi quyền quý sẽ tồn tại trước đe dọa của đế chế Assiri và sẽ phát sinh một vị vua có khả năng làm cho dân tộc được an khang thịnh vượng. Khởi đầu bằng sự diễn tả những thuộc tính của vị vua tương lai được dùng như niềm hy vọng nền tảng tràn trề những danh hiệu cao quý từ con đường trước kia:

“Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa” (11,2).

Và tiếp tục diễn tả về bản chất quy luật của vị vua ấy:

“Xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh đỡ kẻ nghèo trong xứ sở. Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở” (11,4).

Đối với dân Israel ngày xưa, vua là vị đại diện cho Thiên Chúa ở dưới đất này và là máng thông ơn phúc lành của Thiên Chúa cho dân. Do đó, thật là cần thiết khi vị vua quang toả những thuộc tính thiêng liêng của đức khôn ngoan, công bình và lòng nhân hậu. Cũng như Thiên Chúa đã bảo vệ những thành phần yếu đuối và bất lực trong xã hội, thì vị vua cũng phải làm như thế. Bởi vậy, chỉ có phúc lành của Thiên Chúa mới có khả năng làm cho toàn thể dân tộc được xuôi thuận. Thế rồi tiếp theo một thời đại an khang thịnh vượng mà vị ngôn sứ mô tả một cách sống động như một sự đổ vỡ của những thế lực tự nhiên và thoát khỏi hiểm nguy:

“Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang” (11,6-8).

Vị ngôn sứ nhắc lại niềm tin của mình rằng Thiên Chúa sẽ gửi tới cho Israel một vị lập pháp công chính và đạo đức, ngài xác tín với họ rằng thời gian thử thách của họ sẽ sớm chấm dứt. Đó là toàn bộ thị kiến cứu chuộc của Isaia I và sẽ là dấu chỉ tình yêu, đồng thời là sự trung thành miên trường của Thiên Chúa:

“Xin cho những người Mô-ap bị xua đuổi được trú ngụ bên quý quốc, xin nên chỗ cho họ ẩn thân tránh người tàn phá, vì khi kẻ áp bức lìa đời, lúc cơn tàn phá chấm dứt và kẻ giày xéo xứ sở biến đi, thì ngai báu sẽ được vững bền nhờ lòng nhân nghĩa. Trong lều vua Đavít, một vị thẩm phán sẽ ngự trên ngai nhờ đức tín thành. Vị ấy lo tìm kiếm điều chính trực, và mau mắn thực hiện lẽ công minh” (16,4-5).
 

II. TÔI TRUNG
 
Chúng ta tìm thấy trong Isaia II nhiều con đường như lặp lại xác tín này, rằng Thiên Chúa sẽ sai một Đấng cứu tinh đến trần gian. Tất cả được biết đến trong bài ca Tôi Trung, họ diễn tả về một nhân vật là tôi trung của Đức Chúa, người được sai đến để chữa lành và cứu chuộc Israel. Trong bài ca thứ nhất Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân Người như sau:

“Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và hết lòng quý mến, Ta cho thần khí Ta ngự trên người; người sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân” (42,1).

Đây là một lời tuyên bố công khai về sự tuyển chọn của Thiên Chúa dành cho một người sẽ là khí cụ của đức công bình thiêng liêng mặc dù được Thiên Chúa quyền năng xức dầu nhưng người được Thiên Chúa tuyển chọn cũng phải công bố ý Thiên Chúa với lòng nhân hậu và xót thương chứ không phải dùng quyền lực của mình:  

“Người sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng trước phố phường. Cây lau bị giập người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Người sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý” (42,2-3).

Trong đường hướng này, ngài sẽ thực thi công trình của Thiên Chúa bằng việc cứu thoát và soi sáng cho Israel: 

“Người phán thế này: Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù lòa, đưa ra khỏi tù những ai bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm” (42,6-7).

Số phận của người tôi trung được Thiên Chúa tuyển chọn đã là dự phóng của Thiên Chúa ngay từ khởi đầu:

 “Hỡi các đảo, hãy nghe đây, hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi” (49,1).

Ngài phục hồi vận may của Israel và lập lại tương quan với Đức Chúa:

“Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người và quy tụ dân Israel xung quanh Người. Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi. Người phán: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (49,5-6).

Ngài giáo dục và củng cố dân:

“Đức Chúa là Chúa thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ” (50,4).

Điều giúp chúng ta nỗ lực phi thường là lời tiên báo rằng người tôi trung sẽ phải chịu đau khổ lớn lao để kiện toàn thánh ý Thiên Chúa. Ngài thổ lộ như sau:

“Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (50,6).

Đây không phải là phác họa truyền thống về một trong những vị anh hùng vĩ đại của dân tộc Israel. Đây là một con đường dài khởi đi từ tư tưởng hy vọng về đấng thừa kế dòng dõi vua Đavit mà chúng ta bắt gặp trong Isaia I. Sẽ không còn một vị vua vinh quang, cai trị bằng quyền lực và sức mạnh, trái lại:

“Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước nhan thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn. Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì để chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi không đếm xỉa tới” (53,2-3).

Con người này không có gì lôi cuốn nguời khác, và thực tế ngài còn bị mọi người khinh miệt và xa lánh.

Có nhiều mẫu gương trong Kinh Thánh Do Thái nói về đấng được Thiên Chúa xức dầu phải chịu đau khổ vì đảm nhận vai trò trung gian đem lời Thiên Chúa đến cho dân Israel. Cụ thể như ngôn sứ Giêrêmia kêu than trong đắng cay rằng:

“Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng. Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con” (Gr 20,7).

Không giống như những sự phản kháng của Giê-rê-mi-a, người tôi tớ trong Isaia sẽ chấp nhận đau khổ trong thầm lặng tuân phục:

“Bị ngược đãi người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (53,7).

Do tuân phục thầm lặng như vậy cho nên ngài sẽ hoàn thành ý muốn của Thiên Chúa ngay cả qua cái chết:

“Người đã bị ức hiếp, buộc tội rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ ra khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt” (53,8).

Rõ ràng đau khổ của người tôi tớ không vô ích. Quan niệm truyền thống về một nhân vật như thế trong thế giới cổ đại được giải thích như sau: ngài bị Thiên Chúa làm cho đau khổ do tội lỗi và do đó, đau khổ ngài phải chịu là xứng đáng. Nhưng quan niệm chính thống này trong Isaia được khơi lên trước hết và đau khổ của người tôi tớ được ký thác cho một ý nghĩa khác đặc biệt. Ngài đứng trước dân như một vị đại diện để mang lấy tội lỗi và chịu đựng sự trừng phạt dành cho dân khi họ rời bỏ Thiên Chúa:

“Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngã. Nhưng Đức Chúa sẽ đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta” (53,6).

Hình ảnh được sử dụng ở đây là con vật truyền thống trong thế giới cổ. Cộng đồng sẽ dùng các con vật thay thế cho tội lỗi và bất hạnh của họ suốt một năm, rồi thả nó vào hoang địa, do đó họ sẽ được giải thoát và được phục hồi hoàn toàn đối với cộng đồng trong năm mới.

Dân Chúa kêu lên trong ngạc nhiên:

“Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm, người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích để chúng ta được chữa lành” (53,4-5).

Họ sẽ biết rằng con người mà họ khinh miệt, xa lánh sẽ trở thành nguồn mạch giúp họ được giải thoát một cách rất huyền nhiệm. Người tôi tớ đứng đó như trung gian giữa Thiên Chúa và dân. Để rồi qua quyền năng biến đổi của Thiên Chúa, sự yếu đuối và đau khổ sẽ trở thành một con đường đưa tới lòng từ bi và sự chữa lành thiêng liêng, tất cả trào tràn trên dân tộc:

“Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội ” (53,5).   

Tuy nhiên có một đảm bảo rằng đau khổ của người tôi tớ sẽ chấm dứt. Đến thời viên mãn, ngài sẽ được Thiên Chúa biện hộ:

“Vì thế, Ta sẽ ban cho người muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, người sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì người đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thật ra người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi” (53,12).

Đã có rất nhiều cuộc tranh luận giữa các học giả về sự đồng hoá nhân vật tôi tớ chịu nhiều đau khổ trong sách Isaia. Một số người tin rằng nhân vật ấy chính là Isaia II, ngài phải chịu đau khổ trong cuộc lưu đày, dù vậy ngài vẫn tiếp tục thi hành ý Thiên Chúa để truyền đạt dự phóng thiêng liêng về ơn cứu độ sau cùng dành cho Israel. Một số khác lại nhận thức người tôi tớ ấy trong niềm hy vọng một vị vua lý tưởng xuất thân từ nhà Đavit. Điều khả thi nhất chúng ta có ở đây là một hình ảnh loại suy về cộng đồng Israel lưu đày: tội lỗi, đau khổ và số phận của họ được giải thích qua hình tượng một con người cá biệt. Những cuộc lưu đày có thể được nhìn nhận như đau khổ họ phải chịu do tội lỗi toàn thể dân tộc, bởi họ đã quay lưng lại với Thiên Chúa. Nhưng như người tôi tớ, đau khổ của họ sẽ đưa đến sự khôi phục Israel và họ sẽ được bênh đỡ như những khí cụ do dự phóng cứu độ của Thiên Chúa.

Các kitô hữu ngày xưa nhận thức hình ảnh đầy thi vị về người tôi tớ Thiên Chúa trong Isaia, ngài phải chịu đau khổ cho đến chết, nhưng cuối cùng cũng được Thiên Chúa bênh đỡ và làm cho vinh quang, một mẫu mực thích hợp với Chúa Giêsu. Cũng như người tôi tớ chịu đau khổ, Chúa Giêsu cũng đã chịu đau khổ và chịu chết trong thầm lặng kiên nhẫn để vâng phục ý muốn của Đấng đã sai Ngài. Nhờ phục sinh, Ngài cũng đã chiến thắng những kẻ đã ngược đãi Ngài. Hội Thánh đến để chiêm ngưỡng một Chúa Giêsu tự hiến mình chịu đau khổ vì tội lỗi của tất cả chúng ta giống như người tôi trung đại diện cho những người yếu đuối của Israel. Bởi thế, chúng ta tiếp tục dùng những lời của Isaia để suy niệm số mệnh của Israel, từ đó quy chiếu ý nghĩa về Chúa Giêsu đối với đời sống của chúng ta.