Các Sách Sứ Ngôn

Tuesday, 10 September 2019 06:08

Thiên Chúa Trong Isaia: Thiên Chúa Cứu Độ (7)

THIÊN CHÚA TRONG ISAIA

GOD IN ISAIAH

Tác giả: Pamela  A. Foulkes

Chuyển ngữ: Piô Phan Văn Tình

***

 

***

THIÊN CHÚA CỨU ĐỘ

 

Thiên Chúa phạt đứa con yêu dấu nhưng rồi Ngài cũng cứu thoát và vì vậy vị ngôn sứ này đã dâng lời tạ ơn chân thành:

“Ngày đó, bạn sẽ nói:
Lạy Đức Chúa, con dâng lời cảm tạ:
Ngài đã từng thịnh nộ với con,
nhưng giờ đây cơn giận đã nguôi rồi,
và Ngài lại ban niềm an ủi.
Đây chính là Thiên Chúa cứu độ,
tôi tin tưởng và không sợ hãi,
bởi vì Thiên Chúa là sức mạnh tôi,
là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi” (12,1-2).


Có sợi chỉ của một niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa, Đấng trung thành xuyên suốt sách Isaia. Các ngôn sứ không bao giờ nghi ngờ điều đó, cho dù Israel có đau khổ lớn cỡ nào, thì cũng có một ngày Thiên Chúa can thiệp cứu thoát con người và mở ra một cùng đích cho thời đại đau khổ của họ:

“Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần.
Đức Chúa là Chúa thượng sẽ lau khô dòng lệ
trên khuôn mặt mọi người,
và trên toàn cõi đất, Người sẽ xóa sạch
nỗi ô nhục của dân Người. Đức Chúa phán như vậy.
Ngày ấy, người ta sẽ nói:
Đây là Thiên Chúa chúng ta,
chúng ta từng trông đợi Người,
và đã được Người thương cứu độ.
Chính Người là Đức Chúa chúng ta từng đợi trông.
Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng
bởi được Người cứu độ” (25,8-9).


Đấng công bình đã đánh phạt họ, nhưng cũng là Đấng chữa lành họ; “Vào ngày Đức Chúa băng bó vết thương cho dân Người, và chữa lành những chỗ nó bị đánh, ánh sáng mặt trăng sẽ nên như ánh sáng mặt trời, và ánh sáng mặt trời sẽ tăng gấp bảy - ánh sáng của bảy ngày” (30,26). Dẫu họ quay lưng với Thiên Chúa nhưng Ngài vẫn xót thương mời gọi họ:

“Ta sẽ làm cho tội của ngươi tan ra như làn mây khói,
lỗi của ngươi biến mất tựa áng mây.
Hãy trở lại cùng Ta,
vì Ta là Đấng cứu chuộc ngươi” (44,22).


Israel luôn luôn tin tưởng rằng Thiên Chúa đã kêu gọi họ đi vào mối tình, đã ban cho họ đất hứa, Ngài sẽ không khước từ họ, cho dù họ có tội lỗi. Isaia I tuyên bố cách xác quyết rằng: “Thật vậy, Đức Chúa sẽ chạnh thương Gia-cóp và sẽ lại chọn Israel, Người sẽ cho họ định cư trên đất của họ. Người ngoại bang sẽ gắn bó với họ và sẽ kết nghĩa với nhà Gia-cóp” (14,1). Niềm tin này được lặp lại trong Isaia II, ngài tuyên bố một cách chắc chắn lời Thiên Chúa dành cho Israel:

“Vì Ta, Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi,
Đấng cầm lấy tay phải ngươi và phán bảo:
Đừng sợ, chính Ta phù trợ ngươi” (41,13).


Sự kiện cứu độ thuộc quá khứ Israel được nhắc lại như những chứng cớ chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ luôn luôn cứu thoát Israel khỏi áp bức và lưu đày. Isaia I nhắc lại cho dân biết rằng Thiên Chúa của họ là “Đấng đã giải thoát Abraham” (29,11), và ngài đặt trước họ mẫu gương giải thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập:

“Người sẽ phất cờ hiệu cho các dân tộc,
và từ bốn phương thiên hạ,
sẽ quy tụ những người Israel biệt xứ,
sẽ tập họp những người Giuđa bị phân tán” (11,12).


“Và sẽ có một con lộ cho phần sống sót của dân Người,
phần sống sót ở Át-sua,
như xưa đã có một con lộ cho Israel,
ngày họ từ đất Ai-cập đi lên” (11,16).


Thiên Chúa bảo đảm trong Isaia rằng họ sẽ được giải thoát khỏi bị hủy diệt như Nô-ê đã được cứu khỏi đại hồng thủy:

“Ta cũng sẽ làm như thời Nô-ê:
lúc đó, Ta đã thề rằng
hồng thủy sẽ không tràn ngập mặt đất nữa,
cũng vậy, nay Ta thề sẽ không còn nổi giận
và hăm dọa ngươi đâu” (54,9).


Vì sự trung thành của Thiên Chúa được bày tỏ trong lịch sử quá khứ của họ và vẫn còn tiếp tục:

“Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay,
tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi,
giao ước hòa bình của Ta cũng chẳng chuyển lay,
Đức Chúa là Đấng thương xót ngươi phán như vậy” (54,10).


Sự xác tín này vào lòng thương xót thiêng liêng xuất phát từ sự hiểu biết của các ngôn sứ về bản tính của Thiên Chúa, Đấng mà họ tín thác. Niềm hy vọng của họ được đặt trên nền tảng sự kiện mà họ có thể nói về Thiên Chúa này:

“Quả thật, Ngài là chốn dung thân cho người hèn yếu,
là nơi nương náu cho kẻ khó nghèo
khi gặp bước gian truân.
Ngài là nơi trú ẩn trong cơn bão táp,
là bóng mát giữa buổi nắng thiêu,
vì sát khí của quân cường bạo
chẳng khác nào mưa bão đập vào tường.
Như nắng thiêu trên đất khô cằn,
Ngài chế ngự tiếng ồn ào náo động của lũ ngoại bang.
Như bóng mây ngăn sức nắng thiêu,
Ngài dập tắt những lời ca tiếng hát của quân bạo cường” (25,4-5).

 

I. PHÉP LẠ CỨU ĐỘ


Khi Thiên Chúa cứu thoát Israel thì ơn cứu độ của họ sẽ là một sự kiện phi thường. Tất cả những giới hạn thế gian sẽ được siêu nhiên hóa:

“Bấy giờ mắt người mù mở ra,
tai người điếc nghe được.
Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai,
miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.
Vì có nước vọt lên trong sa mạc,
khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu” (35,5-6).


Không có gì trong thế gian này có thể hại được họ vì họ được bao bọc trong sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi họ đích danh:

“Nhưng bây giờ, đây là lời Đức Chúa phán,
lời của Đấng tạo thành ngươi, hỡi Gia-cóp,
lời của Đấng nắn ra ngươi, hỡi Israel:
Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về,
đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi:
ngươi là của riêng Ta!
Ngươi có băng qua nước, Ta sẽ ở cùng ngươi,
ngươi có vượt qua sông, cũng không bị nước cuốn;
ngươi có đi trong lửa, cũng chẳng hề hấn gì,
ngọn lửa không thiêu rụi ngươi đâu.
Vì chính Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi thờ,
là Đức Thánh của Israel, Đấng cứu độ ngươi.
Ta đã thí Ai-cập làm giá chuộc ngươi về,
nộp Cút và Xơ-va để đổi lấy ngươi” (43,1-3).


Họ sẽ được biến đổi tận căn như Isaia I loan báo:

“Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai,
miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.
Vì có nước vọt lên trong sa mạc,
khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu.
Miền nóng bỏng biến thành ao hồ,
đất khô cằn có mạch nước trào ra.
Trong hang chó rừng ở sậy, cói sẽ mọc lên” (35,6-7).


Sự biến đổi tận căn này là một chủ đề chung của ngôn sứ, là dấu chỉ cuộc trở về phúc lành thiêng liêng dành cho dân Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ cũng có thể biến đổi nó theo ý mình. Một trong những diễn tả nỗ lực nhất của niềm tin này được tìm thấy trong những lời cởi mở của Isaia II.

Ở đây vị ngôn sứ được sai đến an ủi dân trong cảnh lưu đày Babylon và ngài đặt trước mắt họ một bức tranh ơn cứu chuộc mà họ được bảo đảm:

“Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy,
mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống,
nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng,
chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu” (40,4).


Điều được tiên báo ở đây là một hành động sáng tạo mới do Đấng mà họ biết đến như Đấng Sáng Tạo hoàn vũ. Vị ngôn sứ nhắc lại cho dân phép lạ rẽ biển, họ được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai-cập và kẻ thù của họ đã bị hủy diệt:

“Đây là lời Đức Chúa, Đấng cứu chuộc các ngươi,
Đức Thánh đã vạch một con đường giữa đại dương,
một lối đi giữa sóng nước oai hùng,
Đấng đã cho xuất trận
nào chiến xa chiến mã, nào tướng mạnh binh hùng:
tất cả đã nằm xuống, và không còn trỗi dậy,
đã bị dập đi, tắt ngấm như tim đèn” (43,16-17).


Tuy nhiên hành động cứu độ mới này sẽ vĩ đại hơn bất cứ điều gì đã được thực hiện trước đây. Thiên Chúa nói với họ qua Isaia II:

“Người phán như sau:
Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa,
chớ quan tâm về những việc thuở trước.
Này Ta sắp làm một việc mới,
việc đó manh nha rồi,
các ngươi không nhận thấy hay sao?
Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc,
khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn” (43,18-19).


Điều này được lặp lại trong thị kiến của Isaia III:

“Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới,
không còn ai nhớ đến thuở ban đầu
và nhắc lại trong tâm trí nữa.
Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan
vì những gì chính Ta sáng tạo.
Phải, này đây Ta sẽ tạo Giêrusalem nên nguồn hoan hỷ
và dân ở đó thành nỗi vui mừng” (65,17-18).

Tất cả công trình sáng tạo sẽ phủ phục khi biết phúc lành Thiên Chúa dành cho Israel:

“Loài dã thú, chó rừng và đà điểu, đều sẽ tôn vinh Ta;
vì Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc,
khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn,
cho dân Ta tuyển chọn được giải khát” (43,20).


Không phải tình cờ mà ơn cứu độ rất nhiều lần được các ngôn sứ diễn tả bằng những thuật ngữ ơn ban của nước. Israel là một vùng đất, nơi đó cũng giống như đất nước Australia, tình trạng khô hạn và cằn cỗi của sa mạc luôn luôn đe dọa đối với sinh hoạt và ngay cả sự sinh tồn của họ nữa. Trong một miền đất như thế quả thật nước là một tặng ân của sự sống.
 
II. ÁN PHẠT CỦA KẺ THÙ ISRAEL

Các ngôn sứ tin tưởng rằng Thiên Chúa không chỉ cứu dân khỏi áp bức, mà còn chứng minh đau khổ của họ là do án phạt của những kẻ ngược đãi Israel. Để sự giải thoát của họ được hoàn thành, thì sự công bằng phải được nhìn nhận trong hoạt động của vận mệnh kẻ thù họ. Isaia I khẳng định với dân rằng quyền lực của kẻ thù họ là Assiri sẽ không thể đứng vững trước quyền năng của Thiên Chúa: “Nhưng đến khi Chúa Thượng đã hoàn thành mọi việc Người làm trên núi Si-on và tại Giêrusalem, Người phán: Ta sẽ trừng phạt hậu quả lòng tự đại của vua Át-sua và con mắt kiêu căng ngạo nghễ của nó” (10,12). Rồi bản văn ra đời trong một thời điểm khi Babylon là một trong những quyền lực vĩ đại nhất thuộc thế giới cổ đại, thế mà đã được tiên báo là sẽ bị sụp đổ:

“Tới ngày Đức Chúa cho ngươi được an cư lạc nghiệp, hết phải khổ đau, thoát cảnh ba đào và không còn phải gánh chịu cảnh lao động nặng nhọc nữa, lúc đó ngươi sẽ cất lên lời ví von châm chọc vua Babylon như sau:
Chẳng lẽ kẻ hà hiếp đã tàn đời,
trò khủng bố của y đã chấm dứt rồi sao?
Đức Chúa đã bẻ gãy ngọn roi của phường gian ác
và cây gậy của những kẻ thống trị,
kẻ nổi lôi đình đánh đập các dân, đánh đập không ngừng,
kẻ nổi cơn thịnh nộ thống trị các nước,
rượt đuổi hoài không chút xót thương” (14,3-6).


Trong Isaia III, những người trở về từ cuộc lưu đày được bảo đảm rằng họ sẽ được báo thù:

“Nhìn thấy thế, lòng các bạn sẽ đầy hoan lạc,
thân mình được tươi tốt như cỏ đồng xanh.
Đức Chúa sẽ biểu dương quyền lực của Người
cho các tôi tớ biết,
và nổi cơn thịnh nộ với các kẻ thù.
Vì này đây Đức Chúa ngự đến trong lửa,
xa giá của Người như thể cuồng phong,
để trút cơn giận trong trận lôi đình,
và lời đe dọa trong ngọn lửa thiêu” (66,14-15).


Vì lòng ghen tương của Thiên Chúa đối với thái độ biện hộ của Israel là vô hạn.

Niềm tín thác của các ngôn sứ vào Thiên Chúa Đấng cứu thoát, có thể cũng là một nguồn mạch hy vọng đối với chúng ta. Cũng như Israel, chúng ta cần một niềm tin để giữ sự xác tín những lúc khốn cùng và đau khổ. Chúng ta cũng có thể gợi nhớ những giây phút trong quá khứ khi chúng ta chứng kiến sự trung thành của Thiên Chúa và tin tưởng rằng Đấng đã mời gọi chúng ta đi vào một mối tương quan thân tình, sẽ luôn luôn có đó khi chúng ta cần. Điều sách Isaia bảo đảm cho chúng ta là sẽ không còn giới hạn đối với tình thương và lòng từ bi thiêng liêng, và có thể biến đổi thế giới chúng ta.