Vũ Văn An
III. KHỔ NẠN DƯỚI LỐI NHÌN CỦA TÁC GIẢ TIN MỪNG GIOAN
Chúng tôi đã trình bày đôi nét về trình thuật Khổ Nạn trong Tin Mừng Máccô. Nay xin đề cập tới trình thuật của Tin Mừng Gioan về Khổ Nạn. Trình thuật này luôn được dùng trong cử hành Phụng Vụ Thứ Sáu Tuần Thánh. Đàng khác, Tin Mừng Gioan có cái nhìn thần học khá biệt lập đối với ba Tin Mừng Nhất Lãm, đến nỗi linh mục Donald Senior, Dòng Khổ Nạn (C.P.), gọi nó là Tin Mừng “không theo qui tắc” (maverick, như có người gọi Đức Phanxicô). Theo Thánh Gioan, Chúa Giêsu là mạc khải tình yêu Thiên Chúa cho thế giới, là “lời thành xác phàm” mà cái chết là một hành vi yêu thương bằng hữu, dấu chỉ Thiên Chúa ôm ẵm toàn thể nhân loại và là chiến thắng sau cùng trên sự ác. Cách Thánh Gioan mô tả cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu độc đáo ở chỗ hoàn hợp tuyệt tác giữa đau khổ và chiến thắng, rất phù hợp với tinh thần của Tam Nhật Vượt Qua.
1. Bị bắt: Ga 18, 1 - 11
Sau khi nói những lời đó, Ðức Giêsu đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kítrôn. Ở đó, có một thửa vườn, Người cùng với môn đệ đi vào. Giuđa, kẻ nộp Người, cũng biết nơi này, vì Người thường tụ họp ở đó với các môn đệ. Vậy, Giuđa tới đó, dẫn một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pharisêu; họ mang theo đèn đuốc và khí giới. Ðức Giêsu biết mọi việc sắp xảy đến cho mình, nên tiến ra và hỏi: "Các anh tìm ai?" Họ đáp: "Tìm ông Giêsu Nadarét". Người nói: "Chính tôi đây". Giuđa, kẻ nộp Người, cũng đứng chung với họ. Khi Người vừa nói: "Chính tôi đây", thì họ lùi lại và ngã xuống đất. Người lại hỏi một lần nữa: "Các anh tìm ai?" Họ đáp: "Tìm ông Giêsu Nadarét". Ðức Giêsu nói: "Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi". Thế là ứng nghiệm lời Ðức Giêsu đã nói:"Những người Cha đã ban cho con,con không để mất một ai".
Ông Simon Phêrô có sẵn một thanh gươm, bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y. Người đầy tớ ấy tên là Mankhô. Ðức Giêsu nói với ông Phêrô: "Hãy xỏ gươm vào bao. Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?"
Màn mở đầu trong trình thuật của Thánh Gioan đã xác định sắc khí cho toàn bộ câu truyện khổ nạn. Trên một bình diện, nó là câu truyện kinh hoàng: sự phản bội của một bằng hữu, việc bắt người vô tội trong đêm khuya, việc lạm dụng quyền lực của thẩm quyền võ trang. Qủa là một màn rùng rợn, rất quen thuộc và rất đồng thời với nhiều Kitô Hữu tại một số vùng trên thế giới.
Nhưng còn một bình diện khác trong màn này: Chúa Giêsu tự quyết định đặt Người trước kẻ thù; thế giá áp đảo của con người Chúa đã quật ngã quyền lực của tối tăm; Chúa vẫn giữ quyền điều khiển ngay trong giờ phút bị bắt.
Trọn bộ câu truyện khổ nạn trong Tin Mừng Gioan cũng thế: thảm kịch cái chết thương đau đã bị quyền lực của tình yêu cứu chuộc áp đảo. Đối với Thánh Gioan, Chúa Giêsu là Ngôi Lời thành xác phàm, được sai đi để mạc khải tình yêu bền vững của Thiên Chúa dành cho thế giới. Tuyên ngôn thuyết phục nhất của tình yêu này, nghịch lý thay, là chính cái chết của Chúa Giêsu. Khi tự hiến sự sống mình cho các “bằng hữu” (15:13), cao thượng nhất trong các hành vi nhân linh, Chúa Giêsu đã mạc khải tình yêu trổi vượt của Thiên Chúa dành cho thế giới. Từ vọng nhìn của đức tin, cái chết của Chúa Giêsu là lời ban sự sống.
Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu bắt đầu một cách đường đột so với các tin mừng Nhất Lãm. Không nhắc gì tới các âm mưu chống lại Chúa Giêsu, không có việc xức dầu thơm tại Bethany và không thuật lại bữa ăn cuối cùng, mà Chúa Giêsu cũng không cầu nguyện thống thiết tại Diệtsimani trước khi bị bắt. Ở một mức độ nào đó, Thánh Gioan từng đề cập tới các biến cố này hay các biến cố tương đương trước đó trong Tin Mừng của ngài rồi. Một khi đã hoàn tất diễn văn từ biệt khá dài của Người với các môn đệ (các chương 13-17), Chúa Giêsu dẫn họ băng qua thung lũng Kítrôn tới một thửa vườn và bi kịch khổ nạn bắt đầu (18:1).
Trình thuật của Thánh Gioan không chùn bước trước thực tại hãi hùng của sự chết. Trước hết, thực tại này xuất hiện dưới lốt Giuđa, người môn đệ phản bội Chúa Giêsu. Theo cái nhìn của Thánh Gioan, “Satan”, hiện thân của sự ác, đã rù quyến Giuđa tới chỗ phản bội Chúa Giêsu (13:2). Liên minh của Giuđa là binh sĩ Rôma (chỉ có Thánh Gioan nhắc tới việc này) và các lính canh của các tư tế và bọn Biệt Phái (18:3). Trọn bộ hệ thống quyền lực đã được triển khai chống lại Chúa Giêsu: người Do Thái và Dân Ngoại; thế quyền và giáo quyền.
Nhưng đội hình quyền lực áp chế và quỉ ma này không biến Chúa Giêsu thành một nạn nhân bất lực. Trước đó, Chúa Giêsu của Thánh Gioan đã tuyên bố sự tự do của Người trước thần chết: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Ðó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (10:17-18).
Chúa Giêsu chạm trán với quyền lực bằng chính thánh danh “Tôi đây” (I am), tức thánh danh Thiên Chúa được chính Chúa Giêsu Ngôi Lời mạc khải cho thế giới. Trước thánh danh đó, quyền lực sự chết tàn rũ và té nhào dưới đất, không phải một mà tới hai lần. Chúa Giêsu nắm quyền điều khiển ở đây, chứ không phải tử thần. Người để các môn đệ của Người rời bỏ (18:8, họ không chạy trốn như trong các Tin Mừng Máccô và Mátthêu) và Người hạn chế Phêrô, không muốn ông dùng bạo lực dù là để bênh vực Người.
Chúa Giêsu sẽ tự ý “uống chén” khổ nạn vì làm như thế, Người đã làm trọn sứ mệnh của Người là mạc khải tình yêu Thiên Chúa dành cho thế giới.
2. Tại sân trước nhà vị thượng phẩm: Ga 18, 12 - 27
Bấy giờ toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ của người Dothái bắt Ðức Giêsu và trói Người lại. Trước tiên, họ điệu Ðức Giêsu đến ông Khanna là nhạc phụ ông Caipha. Ông Caipha làm thượng tế năm đó. Chính ông này đã đề nghị với người Dothái là nên để một người chết thay cho dân thì hơn.
Ông Simon Phêrô và một môn đệ khác đi theo Ðức Giêsu. Người môn đệ này quen biết vị thượng tế, nên cùng với Ðức Giêsu vào sân trong của tư dinh vị thượng tế. Còn ông Phêrô đứng ở phía ngoài, gần cổng. Người môn đệ kia quen biết vị thượng tế ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phêrô vào. Người tớ gái giữ cổng nói với Phêrô: "Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của người ấy sao?" Ông liền đáp: "Ðâu phải". Vì trời lạnh, các đầy tớ và thuộc hạ đốt than và đứng sưởi ở đó; ông Phêrô cũng đứng sưởi với họ. Vị thượng tế tra hỏi Ðức Giêsu về các môn đệ và giáo huấn của Người. Ðức Giêsu trả lời: "Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Ðền Thờ, nơi mọi người Dothái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. Sao ông lại hỏi tôi? Ðiều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì". Ðức Giêsu vừa dứt lời, thì một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Người mà nói: "Anh trả lời vị thượng tế như thế ư?" Ðức Giêsu đáp:
"Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chổ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?" Ông Khanna cho giải Người đến thượng tế Caipha, Người vẫn bị trói.
Còn ông Simon Phêrô thì vẫn đứng sưởi ở đó. Người ta nói với ông: "Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của ông ấy sao?" Ông liền chối: "Ðâu phải". Một trong các đầy tớ của vị thượng tế, có họ với người bị ông Phêrô chém đứt tai, lên tiếng hỏi: "Tôi đã chẳng thấy bác ở trong vườn với ông ấy sao?" Một lần nữa ông Phêrô lại chối, và ngay lúc ấy gà liền gáy.
Lúc này, cảnh thay đổi từ Thửa Vườn bên kia thung lũng Kítrôn qua sân trước dinh thượng phẩm. Theo tường thuật của Thánh Gioan, đầu tiên, Chúa Giêsu được điệu tới Khanna, bố vợ thượng phẩm đương nhiệm Caipha. Rõ ràng, dù bị người Rôma hạ bệ, Khanna vẫn là người có uy thế. Chúa Giêsu sẽ bị giáo quyền hạch hỏi trước khi bị Philatô xét xử chính thức.
Nhưng đối với Thánh Gioan, chủ đề sâu xa hơn của cảnh này vẫn là chủ đề tương phản: giữa Chúa Giêsu và các địch thủ của Người cũng như giữa Chúa Giêsu và Thánh Phêrô.
Giống như trong cảnh bị bắt, Chúa Giêsu mạnh bạo chạm trán với các địch thủ của Người. Bằng những lời khiến ta nhớ lại chương 8 Tin Mừng của ngài, Thánh Gioan trình bày Chúa Giêsu như hiện thân của “sự thật”, sự thật tối hậu về tình yêu Thiên Chúa dành cho thế giới. Chúa Giêsu công khai công bố sự thật này bằng lời lẽ và hành động của Người (18:20). Trong thần học của Thánh Gioan, sự thật có đặc điểm “công cộng” một cách cơ hữu. Những ai nói sự thật hay tìm cách khám phá ra nó, không sợ phải bước vào ánh sáng (3: 19-21) nhưng những ai có đời sống xây dựng trên dối trá hay những ai sợ sự thật thích sống trong tối tăm hơn và hành xử trong bí mật hơn. Bởi thế, Giuđa và băng võ trang của hắn mới tới bắt Chúa Giêsu trong bóng đêm (một cách oái oăm, còn mang theo đèn đuốc 18:3). Và cả vị thượng phẩm cũng thế, không nhận ra Sự Thật của Thiên Chúa đang đứng sờ sờ trước mặt ông ta, bị trói như một tù nhân.
Thánh Gioan cũng kể cho ta nghe câu truyện Phêrô chối Thầy. Ở đây, sự tương phản diễn ra giữa chứng tá công khai không hề sợ hãi được Chúa Giêsu trình bày trước những kẻ bắt bớ Người và sự yếu đuối của người môn đệ bác bỏ tư cách môn đệ của mình trước câu hỏi của một người đầy tớ gái. Trước đó, Phêrô mạnh mẽ quả quyết rằng mình sẵn sàng hiến mạng sống vì Chúa Giêsu và nằng nặc cho rằng mình sẽ theo chân Chúa Giêsu dù Người đi bất cứ nơi đâu (13:36-38). Nhưng ngài đã đánh giá thấp quyền lực của tối tăm và cái giá làm môn đệ. Trong khủng hoảng khổ nạn, ngài đã thất bại.
Nhưng Tin Mừng không bỏ rơi Thánh Phêrô. Ngài sẽ chứng kiến ngôi mộ trống và suy nghĩ ý nghĩa của nó (20:6-9) và cuối cùng, trong câu truyện thú vị về bữa ăn sáng bên bờ hồ (chương 21), Chúa Kitô Phục Sinh sẽ chữa lành tư cách môn đệ từng bị gẫy đổ của Thánh Phêrô bằng ba lần tuyên hứa yêu thương và tin tưởng vào Người và sứ mệnh phục vụ cộng đồng.
Thánh Gioan cũng đưa vào câu truyện này một yếu tố mới. Thánh Phêrô vào được sân trước nhờ “một môn đệ khác” vốn quen biết với vị thượng phẩm (20:15). Đây chắc chắn là “môn đệ yêu dấu”, nhân vật bí mật trong Tin Mừng Gioan tượng trưng cho tư cách môn đệ chân chính. Vị này, cùng với Mẹ Chúa Giêsu, sẽ là các chứng nhân đối với cái chết của Chúa Giêsu (19:26, 35-36).
Cảm thức tương phản và nghịch lý của Thánh Gioan tiếp tục mang thêm nhiều bình diện ý nghĩa sâu sắc cho trình thuật khổ nạn: sự thật và gian dối, mạnh mẽ và yếu đuối được tỏ hiện vào giờ phút khủng hoảng đau đớn.
3. Chúa Giêsu trước Philatô: Ga 18, 28 - 40
Vậy, người Dothái điệu Ðức Giêsu từ nhà ông Caipha đến dinh tổng trấn. Lúc đó trời vừa sáng. Nhưng họ không vào dinh kẻo bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được. Vì thế, tổng trấn Philatô ra ngoài gặp họ và hỏi: "Các người tố cáo người này về tội gì?" Họ đáp: "Nếu ông này không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan". Ông Philatô bảo họ: "Các người cứ đem ông ta đi mà xét xử theo luật của các người". Người Dothái đáp: "Chúng tôi không có quyền xử tử ai cả". Thế là ứng nghiệm lời Ðức Giêsu đã nói, khi ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.
Ông Philatô trở vào dinh, cho gọi Ðức Giêsu và nói với Người: "Ông có phải là vua dân Dothái không?" Ðức Giêsu đáp: "Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?" Ông Philatô trả lời: "Tôi là người Dothái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì?" Ðức Giêsu trả lời:"Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Dothái. Nhưng nay Nước tôi không thuộc chốn này".
Ông Philatô liền hỏi: "Vậy ông là vua sao?" Ðức Giêsu đáp:"Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi".
Ông Philatô nói với Người: "Sự thật là gì?" Nói thế rồi, ông lại ra gặp người Dothái và bảo họ: "Phần ta, ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy. Theo tục lệ của các người, vào dịp lễ Vượt Qua, ta thường tha cho một người nào đó cho các người. Vậy các người có muốn ta tha vua dân Dothái cho các người không?" Họ lại la lên rằng: "Ðừng tha nó, nhưng xin tha Baraba!" Mà Baraba là một tên cướp.
Phiên xử Chúa Giêsu bởi tổng trấn Rôma Phôngxiô Philatô đã chi phối trọn rình thuật khổ nạn của Thánh Gioan. Ngài tổ chức phiên xử thành một loạt những đoạn nhỏ, thay đổi nhau: hết diễn ra ở bên trong dinh lại diễn ra ở bên ngoài, trước sự chứng kiến của đám đông. Các màn này dần dần tăng cường độ, bắt đầu với cuộc thảo luận có vẻ mệt mỏi của Philatô với các lãnh tụ tôn giáo, qua cảnh càng ngày ông càng khó hiểu người tù của mình, và lên đỉnh điểm với việc ông toan tính thả tự do cho Chúa Giêsu nhưng bị đám đông bác bỏ.
Một lần nữa, Thánh Gioan lại chêm nghịch lý vào trình thuật của ngài. Trong cảnh thứ nhất, các lãnh tụ tôn giáo quan tâm tới việc duy trì sự sạch sẽ theo nghi lễ nhưng họ lại dấn thân vào việc trao nộp Con Thiên Chúa cho người Rôma. Họ lo lắng tới việc chuẩn bị cho ngày lễ Vượt Qua (18:20) nhưng còn Chiên Vượt Qua thực sự thì lại sắp sửa bị sát tế. Việc họ đối chất với viên tổng trấn Rôma về quyền hợp pháp oái oăm thay đã dẫn tới việc Chúa Giêsu bị đóng đinh, điều mà Chúa Giêsu của Thánh Gioan từng tiên đoán về chính Người rằng Người sẽ “được giương cao” lên để thế gian được sống (xem 3:14-15; 12:32-33).
Biểu tượng mạnh mẽ trọn trong phiên xử này là biểu tượng vương quyền, một chủ đề xuất hiện khi Philatô bắt đầu tra hỏi Chúa Giêsu (18:33-38). Philatô đại diện cho sức mạnh chính trị do triều thiên hoàng đế biểu thị. Nhưng vương quyền của Chúa Giêsu “không thuộc đời này”, nghĩa là, nó đại diện cho một loại quyền lực khác hẳn, quyền lực trao ban sự sống. Như tự ngôn của Tin Mừng này từng công bố dưới hình thức thi ca (1:1-18), Chúa Giêsu bước vào thế giới này để công bố sự thật tối hậu về tình yêu Thiên Chúa: ai nghe tiếng Chúa Giêsu đều biết sự thật của Thiên Chúa và đem nó ra sống trong cuộc sống của mình (8:47). Sự thật về tình yêu của Thiên Chúa, chứ không phải sức mạnh tàn bạo, áp chế, mới là nguồn sức mạnh của Chúa Giêsu. Giống các lãnh tụ tôn giáo, Philatô không có khả năng nhận biết sự thật này (18:37).
Dù không thể hiểu Chúa Giêsu, Philatô vẫn tin chắc Người vô tội và ông ra ngoài thông báo cho các lãnh tụ biết quyết định của ông. Để làm họ vui lòng, ông đề nghị phóng thích Chúa Giêsu nhân dịp Lễ Vượt Qua (18:39). Nhưng “người Do Thái” đòi thả Baraba, chứ không phải Chúa Giêsu. Tin Mừng, theo Bản Dịch của Nhóm Các Giờ Kinh PHụng Vụ, nói rằng Baraba là một người “tên cướp” (18:40), nhưng theo Cha Donald Senior phải dịch là người “cách mạng” mới đúng (1). Và cha tự hỏi: phải chăng ở đây cũng là một nghịch lý? Vì tin mừng gia rõ ràng muốn hàm ý cho rằng đám đông đã hóa mù trước sự kiện cuộc cách mạng sâu sắc nhất chính là cuộc cách mạng do Chúa Giêsu mở màn!
4. Chúa Giêsu, Vua bị đóng đinh: Ga 19, 1 - 16
Bấy giờ ông Philatô truyền đem Ðức Giêsu đi và đánh đòn Người. Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ. Họ đến gần và nói: "Kính chào Vua dân Dothái!", rồi vả vào mặt Người.
Ông Philatô lại ra ngoài và nói với người Dothái: "Ðây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy". Vậy, Ðức Giêsu bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Philatô nói với họ: "Ðây là người!" Khi vừa thấy Ðức Giêsu, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên rằng: "Ðóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá!" Ông Philatô bảo họ: "Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy". Người Dothái đáp lại: "Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa".
Nghe lời đó, ông Philatô càng sợ hơn nữa. Ông lại trở vào dinh và nói với Ðức Giêsu: "Ông từ đâu mà đến?" Nhưng Ðức Giêsu không trả lời. Ông Philatô mới nói với Người: "Ông không trả lời tôi ư? Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao?" Ðức Giêsu đáp lại: "Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn".
Từ đó, ông Philatô tìm cách tha Người. Nhưng dân Dothái kêu lên rằng: "Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xêda. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xêda". Khi nghe thấy thế, ông Philatô truyền dẫn Ðức Giêsu ra ngoài. Ông đặt Người ngồi trên tòa, ở nơi gọi là Nền Ðá, tiếng Hípri là Gápbatha. Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa. Ông Philatô nói với người Dothái: "Ðây là vua các người!" Họ liền la lớn: "Ðem đi! Ðem nó đi! Ðóng đinh nó vào thập giá!" Ông Philatô nói với họ: "Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?" Các thượng tế đáp: "Chúng tôi không có vua nào cả, ngoài Xêda". Bấy giờ ông Philatô trao Ðức Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá.
Trong các cảnh kết thúc, chủ đề vương quyền mỗi lúc mỗi tăng cường độ. Khi đám đông chọn Baraba để thả tự do, Philatô cho đánh đòn Chúa Giêsu (19:1-3). Binh sĩ thủ diễn một màn chế nhạo đầy tàn ác: sau khi bị đánh, Chúa Giêsu bị đội một mão gai, mặc áo tím và được nhạo cười: “kính chào Vua Dân Do Thái!”. Màn giễu cợt này được chêm bằng những trận hành hạ dã man.
Tất cả các điều trên chuẩn bị cho màn kỳ lạ tiếp theo khi Philatô cho dẫn người tù bị đánh đập, mặc đồ vương giả giễu cợt ra cho đám đông trông thấy. Philatô hy vọng rằng cảnh tượng này sẽ làm nguôi lòng hận thù muốn tiêu diệt Chúa Giêsu.
Đối với Philatô và các nhân vật khác trong bi kịch, đây là một sự nhục mạ hoàn toàn đối với người tự cho mình là vua này. Cái ông Giêsu này chỉ là một anh hề, không một chút quyền lực hay người theo, trang phục bằng các biểu hiệu vương giả đầy trò cười. Nhưng đối với độc giả Tin Mừng, sự thật lại khác hẳn. Chúa Giêsu quả là “vua”; Người là Con vương giả của Thiên Chúa. Điều đáng chế giễu ở đây không phải là Chúa Giêsu mà là bất cứ vương miện nào mà quyền lực đặt cănbản trên bạo lực và giả dối. Philatô giới thiệu Chúa Giêsu như “một người” đáng thương nhưng con mắt đức tin biết rõ: con người nhân bản này chính là Ngôi Lời thành xác phàm, là “Con Người” từ trời xuống mạc khải tình yêu Thiên Chúa cho thế giới.
Một lần nữa, nghịch thường cũng đã xuất hiện khắp trong trình thuật của Thánh Gioan: Chúa Giêsu phải chết, các địch thủ của Người la lên như thế, “vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa” (19:7). Tin Mừng của Thánh Gioan vốn công bố rằng Chúa Giêsu sẽ chịu chết chính vì Người là Con Thiên Chúa, Đấng sẽ hiến mạng sống mình cho thế giới.
Giận vì đám đông bác bỏ Chúa Giêsu và vẫn còn tìm cách tha người tù khó hiểu này, Philatô lại thẩm vấn Chúa Giêsu một lần nữa. Việc ông cho mình có quyền đã bị gạt qua một bên: quyền lực duy nhất chỉ có thể là quyền lực phát xuất từ Thiên Chúa (19:11).
Một lần nữa, khi Philatô nài nỉ đám đông cho Chúa Giêsu, họ đe dọa sẽ tố ông tội bất trung đối với Xêda (19:12). Một lần nữa, nghịch thường lại xuất hiện trong các lời lẽ của đám đông: “ai xưng mình là vua, thì chống lại Xêda”. Đúng thế, các độc giả của Tin Mừng dĩ nhiên nhất trí. Chúa Giêsu là vua và bản chất vương quyền của Người 180 độ đi ngược hẳn lại quyền lực bạo chúa, chuyên cướp mạng sống của người vô tội.
Cảnh này kết thúc với việc đám đông yêu cầu đóng đinh Chúa Giêsu.Tính biểu tượng ở đây rất mạnh. Philatô dẫn Chúa Giêsu ra và ngồi trên ghế xử án. Ông ta nói để trêu chọc đám đông “đây là vua các người!”, nhưng họ đáp: “chúng tôi không có vua nào cả, trừ Xêda”. Theo cái nhìn của Tin Mừng Gioan, Philatô đúng và đám đông ở Giêrusalem không thực hiện bất cứ lựa chọn khủng khiếp nào nữa.
5. Con Người giương lên cao: Ga 19, 17 - 30
Vậy họ điệu Ðức Giêsu đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri là Gôngôtha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Ðức Giêsu thì ở giữa. Ông Philatô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: "Giêsu Nadarét, Vua dân Dothái". Trong dân Dothái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Ðức Giêsu bị đóng đinh là một địa điểm ỏ gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng Hípri, Latinh và Hylạp. Các thượng tế của người Dothái nói với Philatô: "Xin ngài đừng viết: "Vua dân Dothái" nhưng viết: "Tên này đã nói: Ta là Vua dân Dothái". "Ông Philatô trả lời: "Ta viết sao, cứ để vậy!"
Ðóng đinh Ðức Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: "Ðừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được". Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh:Áo xống tôi, chúng đem chia chác, còn áo dài, cũng bắt thăm luôn. Ðó là những điều lính tráng đã làm.
Ðứng gần thập giá Ðức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của bà thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Ðức Giêsu nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà". Rồi Người nói với môn đệ: "Ðây là mẹ của anh". Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.
Sau đó, Ðức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: "Tôi khát!"
Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Ðức Giêsu nói: "Thế là đã hoàn tất!" Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.
Đỉnh cao khổ nạn diễn ra trên Đồi Canvariô nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh. Thánh Gioan tiếp tục nhấn mạnh tới sáng kiến có tính chiến thắng của Chúa Giêsu ngay trong giờ phút đen tối nhất của khổ nạn. Không có Simong Kyrênê vác đỡ thập giá; Chúa Giêsu của Thánh Gioan tự vác lấy nó hết đoạn đường thập tự.
Giờ phút đóng đinh chính là giờ phút lên ngôi: Chúa Giêsu bị đóng đinh, vây quanh bởi một đoàn tùy tùng đâu đâu gồm hai người cùng chết một cách như Người. Trên đầu thập giá là tấm bảng viết bằng ba thứ tiếng: Hípri, La Tinh và Hy Lạp hàng chữ: Giêsu Nadarét, Vua người Do Thái. Mặc cho các trưởng tế phản đối, Philatô vẫn một mực: đó sẽ là tước hiệu của ông Giêsu Bị Đóng Đinh.
Sử dụng biểu tượng khó quên của rắn đồng trong câu truyện về Môsê trong Dân Số 14:21 (xem Ga 3:14), Tin Mừng Gioan trình bày việc đóng đinh như một cuộc “giương lên”, không chỉ là cuộc giương lên thân xác bị đóng đinh của Chúa Giêsu trong cái thống khổ của chết chóc, mà qua cái chết ấy, là một “giương lên” đầy hiển dương vinh thắng khi Ngôi Lời Thành Xác Phàm hoàn tất sứ mệnh yêu thương của Người và trở về cùng Chúa Cha (13:1).
Thánh Gioan thêm vào cảnh cao điểm này nhiều biểu tượng mạnh mẽ khác. Chiếc áo dài không có đường khâu của Chúa Giêsu (có ý nhắc đến phẩm phục của thượng phẩm? hay sự hợp nhất mà Chúa Giêsu tới để tạo ra?) không bị xé ra (19:23-24). Lúc gần chết, Chúa Giêsu kêu “khát” khiến ta nhớ lại lời Người nói với Thánh Phêrô ở Vườn Cây Dầu “Há Ta không phải uống chén Cha Ta đã ban cho Ta sao?” (18:11).
Một trong các hành động sau cùng khác có sự can dự của Mẹ Chúa Giêsu và người môn đệ yêu qúy (19:25-27). Ý nghĩa chính xác của biến cố này khó có thể xác định. Người môn đệ yêu qúy là thành viên của gia hộ Chúa Giêsu hay là cộng đoàn (“Hỡi con, này là mẹ con”)? Mẹ Chúa Giêsu tượng trưng cho Do Thái Giáo và nay “hạ sinh” một cộng đoàn mới tượng trưng bởi người môn đệ của Chúa Giêsu, trong khi cùng một lúc, cộng đoàn Kitô Giáo phải tỏ ra tôn kính đối với Do Thái Giáo vốn là bậc phụ huynh của mình? Hay Mẹ Chúa Giêsu tượng trưng cho đức tin vĩ đại của Do Thái mà cái đau đẻ nay hoàn tất trong cộng đoàn đức tin bắt đầu với cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu (xem hình ảnh này vốn được dùng trong diễn văn từ biệt của Chúa Giêsu tại 16:21-22).
Tin Mừng Gioan rất hay nhử độc giả, chứ không chỉ thị họ phải rút ra loạt ý nghĩa nào từ bản văn. Thánh Gioan diễn tả cái chết của Chúa Giêsu bằng những nét vắn vỏi nhưng mạnh bạo. Lời cuối cùng của Người là: “Thế là đã hoàn tất” (19:30). Nó vang vọng tinh thần Gioan, Động từ Hy Ngữ dùng ở đây, teleo, quả có nghĩa “hoàn tất”, “tới mục tiêu đã định” mà Chúa Giêsu đã đặt ra để thực thi thánh ý Chúa Cha, kính yêu Chúa Cha “cho đến chết” (13:1, chữ cùng một gốc là telos đã được sử dụng). Gục đầu một cách thanh nhã và điềm tĩnh, Chúa Giêsu Ngôi Lời Thành Xác Phàm phó thần khí sống của Người cho Thiên Chúa. Có một âm hưởng tuyệt diệu nào đó của lòng thanh thản và mạnh mẽ lúc Chúa Giêsu của Thánh Gioan đối diện với cái chết. Cái chết này không hề đóng kịch (Thánh Gioan sẽ chứng minh điều này trong đoạn giáo đâm sau đây) nhưng nỗi kinh hoàng của sự chết đã được tình yêu gỡ ngòi.
6. Chứng từ: Ga 19, 31 - 42
Hôm đó là ngày áp lễ, người Dothái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, mà ngày sabát đó lại là ngày lễ lớn. Nên họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Ðức Giêsu. Khi đến gần Ðức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập.
Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Ðấng họ đã đâm thâu.
Sau đó, ông Giôxép, người Arimathê, xin ông Philatô cho phép hạ thi hài Ðức Giêsu xuống. Ông Giôxép này là một môn đệ theo Ðức Giêsu, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Dothái. Ông Philatô chấp thuận. Vậy, ông Giôxép đến hạ thi hài Người xuống. Ông Nicôđêmô cũng đến. Ông này trước kia đã tới gặp Ðức Giêsu ban đêm. Ông mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương. Các ông lãnh thi hài Ðức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà cuốn, theo tục lệ chôn cất của người Dothái. Nơi Ðức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Dothái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Ðức Giêsu ở đó.
Câu truyện khổ nạn của Thánh Gioan kết thúc bằng hai màn khá tàn bạo trong nghi thức đóng đinh nhưng được Tin Mừng này dành cho một ý nghĩa hoàn toàn mới.
Các lý hình đến đập ống chân người bị đóng đinh để làm cái chết mau đến trước khi ngày Sabát bắt đầu. Nhưng họ không đập ống chân Chúa Giêsu; một cách vô tình, họ đã ứng nghiệm lời Sách Thánh nói tới chiên vượt qua (xin xem Xh 12:46 chẳng hạn). Trước đó, trong lời chứng của Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu vốn đã được ví là “chiên Thiên Chúa”, một con chiên sẽ đến để gánh lấy tội lỗi thế giới (1:29, 36).
Để chắc chắn Chúa Giêsu đã chết, một trong binh sĩ đâm ngọn giáo vào cạnh sườn Người. Máu và nước tuôn ra từ thân thể Người. Một lần nữa, hành vi dã man đã mang một ý nghĩa mới dưới con mắt Tin Mừng. Tin Mừng này trích dẫn Tiên Tri Dacaria 12:10, một bản văn khó quên nói tới việc cư dân Giêrusalem thống hối và được Thiên Chúa tha thứ nhờ nhìn lên Đấng “họ đâm thâu qua”. Nước và máu có một ý nghĩa phong phú trong Tin Mừng Gioan. Tại chương 7, Chúa Giêsu dùng biểu tượng nước để nói về Thần Khí sẽ tuôn vào thế giới qua cái chết ban sự sống của mình (xem 7:37-39). Và trong diễn văn bánh hằng sống, Chúa Giêsu nói tới máu ban sự sống của Người cho những ai tham dự (6:53, 54, 55-56).
Tất cả các dấu chỉ trên xác nhận sức mạnh cứu chuộc của cái chết của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan và vì thế, tin mừng gia này đã nhấn mạnh lời chứng dứt khoát của “nhân chứng” dưới chân thập giá (19:35), mà người ta vốn cho là Người Môn Đệ Yêu Qúy vốn là gạch nối chủ chốt giữa cộng đoàn nguyên thủy của Chúa Giêsu và Giáo Hội của Thánh Gioan.
Đoạn kết diễn ra với việc thân xác bị đóng đinh của Chúa Giêsu được tháo xuống từ thập giá để chôn cất. Ngay lúc này, hiệu quả sứ mệnh của Chúa Giêsu đã hiển hiện. Giuse Arimêtêa, người, vì sợ, đã chỉ là môn đệ của Người trong bóng tối nhưng nay đủ can đảm, tiến ra đòi xác Thầy. Ông được sự tham gia của Nicôđêmô, một Biệt Phái từng tới gặp Chúa Giêsu “ban đêm” (3:1) và đức tin là một đức tin dò dẫm (7:50-52). Ông mang theo một lượng lớn hương liệu, đủ cho một cuộc mai táng vương giả!
Cả hai người gạt sợ sệt và công khai tỏ lòng tôn kính Chúa Giêsu bị đóng đinh. Những người trong bóng tối nay bước ra ánh sáng. Lời yêu thương của Thiên Chúa đã chiến thắng sự chết.
______________
(1) Cha An Sơ Vị dịch chữ Hy Lạp “lestés” ở đây là “du kích” theo nghĩa của phe ái quốc (Zealots) nhằm giải phóng dân mình khỏi ách thống trị của Rôma và nhóm cầm quyền bóc lột cấu kết với thực dân.