Vũ Văn An
IV. KHỔ NẠN DƯỚI LỐI NHÌN CỦA TÁC GIẢ TIN MỪNG MATTHÊU
Trong suốt Tin Mừng của ngài, Thánh Mátthêu theo sát dòng truyện của Thánh Máccô, nhưng vẫn tô điểm câu truyện ấy bằng những chủ đề khá đặc trưng của riêng ngài.
Câu truyện khổ nạn của Chúa Giêsu cũng thế: Thánh Mátthêu hầu như thấm nhiễm trọn câu truyện của Thánh Máccô; tuy nhiên, ở đây cũng thế, ngài dựng lại trình thuật để nhấn mạnh các chủ đề của riêng ngài. Chấp nhận cái chết, Chúa Giêsu đã hoàn tất số phận “Thiên Chúa định” của Người như Sách Thánh đã tiên báo và khai mở một thời đại lịch sử mới đầy sự sống phục sinh. Chúa Giêsu là Con vâng lời của Thiên Chúa, trì chí trung thành ngay giữa đau khổ cùng cực. Lòng tín thác của Chúa Giêsu vào Thiên Chúa, được thử thách trong cơn cuồng phong dữ dằn của cái chết, không vô ích.
1. Gom bão: Mt 26:1-16
Khi Ðức Giêsu giảng dạy tất cả những điều ấy xong, Người bảo các môn đệ của Người rằng: "Anh em biết còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt Qua, và Con Người sẽ bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá".
Lúc ấy, các thượng tế và kỳ mục trong dân nhóm họp tại dinh của vị thượng tế tên là Caipha, và cùng nhau quyết định dùng mưu bắt Ðức Giêsu và giết đi. Nhưng họ lại nói: "Không nên làm vào chính ngày lễ, kẻo gây náo động trong dân".
Ðức Giêsu đang ở làng Bêtania tại nhà ông Simon Cùi, thì có một người phụ nữ đến gần Người, mang theo một bình bạch ngọc, đựng một thứ dầu thơm đắt giá. Cô đổ dầu thơm trên đầu Người, lúc Người đang dùng bữa. Thấy vậy, các môn đệ lấy làm bực tức nói: "Sao lại phí của như thế? Dầu đó có thể bán được nhiều tiền mà cho người nghèo". Biết thế, Ðức Giêsu bảo các ông: "Sao lại muốn gây chuyện với người phụ nữ này? Quả thật, cô ấy vừa làm cho Thầy một việc nghĩa. Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em; còn Thầy, thì không phải lúc nào anh em cũng có đâu! Cô ấy đổ dầu thơm trên mình Thầy để mai táng Thầy đấy. Thầy bảo thật anh em: khắp thế gian, Tin Mừng này được loan báo ở đâu, người ta cũng kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô".
Bấy giờ, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giuđa Ítcariốt, đi gặp các thượng tế mà nói: "Quý vị muốn cho tôi bao nhiêu? Tôi đây sẽ nộp ông ấy cho quý vị". Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Ðức Giêsu.
Thánh Mátthêu mô tả cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu như một gặp gỡ với định mệnh, không phải thứ định mệnh mù quáng nhưng là một định mệnh được sự dấn thân mạnh mẽ của Chúa Giêsu đối với sứ mệnh do Thiên Chúa chỉ định và sự kháng cự quyết liệt của quyền lực sự chết biến thành không thể nào tránh được.
Các màn mở đầu của trình thuật khổ nạn đã xác định ra sắc khí. Thánh Mátthêu bắt đầu bằng một dẫn nhập long trọng (26:1-5): giờ đây, khi Chúa Giêsu đã ngỏ hết những lời ban sự sống của Người cho Israel, Người sẵn sàng thực thi giáo huấn mạnh mẽ nhất và gương sáng thuyết phục nhất của Người. Với cái nhìn thấu suốt của Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu bình thản tiên đoán cho các môn đệ hay các biến cố sắp tới của khổ nạn.
Tương phản với sự thanh thản của Chúa Giêsu, các lãnh tụ tôn giáo tụ tập để đưa ra một âm mưu đen tối. Dù cương quyết bắt cho được Người dưới tội “phản bội”, họ vẫn sợ sức lôi cuốn của Chúa Giêsu đối với dân chúng. Xuyên suốt Tin Mừng của ngài, Thánh Mátthêu mô tả các lãnh tụ tôn giáo trong chiều kích tiêu cực của họ. Họ tượng trưng cho sự chống đối Chúa Giêsu và sứ điệp của Người và các tác phong xấu của họ làm nổi bật những gì một môn đệ không hề là.
Không phải ai ai cũng bác bỏ Chúa Giêsu, như cảnh xức dầu thơm đã chứng minh (26:6-13). Khi ở tại Bethany, một khu ngoại ô của Giêrusalem, ăn tối tại nhà Simong Cùi (chứng tỏ lòng cảm thương của Người dành cho người bệnh và người bị hắt hủi), một phụ nữ vô danh đã dâng tặng Chúa Giêsu một cử chỉ hiếu khách và yêu thương hậu hĩnh. Nàng xức đầu Người bằng thứ dầu thơm qúy giá.
Dù trong thế kỷ thứ nhất, việc xức dầu thơm cho khách là chuyện thông thường tại các yến tiệc của người giầu, các môn đệ của Chúa Giêsu vẫn coi hành động của người phụ nữ này là quá hoang phí. Nhưng đối với Chúa Giêsu và Tin Mừng, hành vi yêu thương đằm thắm này hoàn toàn thích đáng đối với thời khắc định mệnh của khổ nạn. Người phụ nữ xức dầu lên đầu Chúa Giêsu, giống như xức cho các tiên tri và vua chúa vậy; do đó, nàng đã dâng lên Người lòng tôn kính Người đáng được. Và, như Chúa Giêsu đã tuyên bố, khi âu yếm xức dầu cho thân xác Người, nàng đã chuẩn bị cho cái chết và cuộc mai táng của Người. Âu yếm tôn kính Chúa Giêsu và hiểu rõ cái chết của Người là các dấu chỉ tư cách môn đệ chân chính, và do đó, cử chỉ can đảm của người phụ nữ vô danh này sẽ được tưởng nhớ ở “bất cứ nơi nào Tin Mừng được công bố khắp thế giới”. Đây quả là một hồng ân ngoại thường mà trong toàn bộ Tân Ước, chỉ một mình nàng được hưởng.
Hoàn toàn ngược với tình yêu âu yếm và can đảm của người phụ nữ trên, Giuđa, một trong 12 tông đồ của Chúa Giêsu, đã tới gặp các trưởng tế và bán linh hồn hắn bằng cách phản bội Chúa Giêsu. Thánh Mátthêu là tin mừng gia duy nhất đếm đủ “ba mươi đồng bạc”, cái giá của một nô lệ theo Xuất Hành 21:32. Hiển nhiên, Giuđa là một bí ẩn đau lòng đối với cộng đoàn tiên khởi: làm sao một trong Nhóm Mười Hai, được chính Chúa Giêsu tuyển chọn, lại có thể phản bội Người như thế? Tin Mừng Mátthêu không đánh giá thấp ảnh hưởng sói mòn của tiền bạc và lòng tham: “của cải các ông ở đâu, lòng các ông ở đó… Các ông không thể phục vụ cả Thiên Chúa lẫn tiền bạc” (6:21, 24).
Toàn bộ các nhân vật đều đồng loạt xuất hiện: Chúa Giêsu, các môn đệ, các địch thủ. Bộ máy phản bội và chết chóc bắt đầu chạy. Và, Thánh Mátthêu cho hay, Giuđa ra ngoài “cố tìm dịp thuận tiện để nộp Người” (26:16). Chữ Hy Lạp được Thánh Mátthêu sử dụng chỉ “dịp thuận tiện” là eukairian, do gốc kairos, chỉ lúc chọn lọc, lúc của định mệnh. Có một nghịch thường ở đây: cả Giuđa lẫn Chúa Giêsu đều hướng tới cùng một giây phút định mệnh: với Giuđa đây là thời điểm phản bội và tự hủy; với Chúa Giêsu, đây là thời điểm của trung thành và hiến sinh tối hậu.
2. Thời thuận tiện (kairos): Mt 26:17-35
Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Ðức Giêsu: "Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?" Người bảo: "Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: "Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy". Các môn đệ làm y như Ðức Giêsu đã truyền, và dọn lễ Vượt Qua.
Chiều đến, Ðức Giêsu vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. Ðang bữa ăn, Người nói: Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy". Các môn đệ buồn rầu quá sức, bắt đầu lần lượt hỏi Người: "thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?" Người đáp: "Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Ðã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người: thà người đó đừng sinh ra thì hơn!" Giuđa, kẻ nộp Người cũng hỏi: "Rápbi, chẳng lẽ con sao?" Người trả lời: "Chính anh đó!".
Cũng đang bữa ăn, Ðức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy". Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: "Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội. Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy".
Hát thánh vịnh xong, Ðức Giêsu và các môn đệ ra đi lên núi Ôliu. Bấy giờ Ðức Giêsu nói với các ông: "Ðêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi chỗi dậy, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em". Ông Phêrô liền thưa: "Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã". Ðức Giêsu bảo ông: "Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần". Ông Phêrô lại nói: "Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy". Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy.
Loạt cảnh tiếp theo tập chú vào bữa tối cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ. Đó là ngày áp Lễ Vượt Qua, khởi đầu cho ngày hành hương vĩ đại khi người Do Thái khắp Israel và khắp thế giới Rôma mừng cuộc Xuất Hành, tức việc Thiên Chúa giải phóng dân khỏi nô lệ và chết chóc. Với một sự long trọng uy nghi, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc chuẩn bị cho Lễ Vượt Qua sau cùng của Người. Người sai môn đệ vào Giêrusalem, chỉ thị một cách chính xác cho các ông chuẩn bị bữa ăn tối. Lời Chúa Giêsu, chỉ có trong Tin Mừng Mátthêu, tràn đầy ý nghĩa: “thời của Thầy đã gần tới” (26:18). Chữ Hy Lạp kairos lại được sử dụng ở đây, để chỉ thời khắc có tính quyết định của lịch sử khi thế giới cũ sẽ chết đi và một thời đại mới được khai sinh. Đối với Thánh Mátthêu, cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu thực sự là điểm ngoặt của toàn bộ định mệnh con người.
Các môn đệ ngoan ngoãn làm theo lệnh của Chúa Giêsu và mọi sự đã sẵn sàng để cử hành Lễ Vượt Qua. Sắc khí bữa ăn tối từ biệt này pha lẫn cả buồn bã lẫn hân hoan. Trong văn hóa Sêmitích, cũng như trong nhiều nền văn hóa khác, bữa ăn là thời khắc thánh thiêng, thời khắc trong đó, sợi dây chung của sự sống và tình bạn cần được cử hành. Trước cái phông này, Chúa Giêsu tiên đoán rằng một trong nhóm mười hai sẽ bẻ gẫy sợi dây liên kết giữa trò và thầy. Các môn đệ khác tỏ ra buồn bã và đã hỏi một câu sẽ mãi mãi vang vọng trong trái tim mỗi Kitô Hữu khi họ giáp mặt với sự bất trung của mình: “thưa ngài, chẳng lẽ con sao?” (26:22).
Giuđa trở thành phản mẫu của người môn đệ, một khuôn mặt xem ra gây chú ý nơi Thánh Mátthêu. Mọi lịch sử nhân bản đều được quện chặt một cách huyền nhiệm vào sự quan phòng của Thiên Chúa, kể cả cuộc bỏ đạo và phản bội khiếp đảm nhất. Nhưng thực tại Chúa quan phòng thương yêu ta không lấy đi trách nhiệm của ta. Xuyên suốt Tin Mừng của ngài, Thánh Mátthêu luôn lui tới với chủ đề này: ta phải tính sổ với Thiên Chúa về các chọn lựa và hành động của mình. Nếu Giuđa chọn cái chết, hắn sẽ cảm nghiệm cái chết. Như để đóng ấn cho số phận mình, Giuđa cũng đã lặp lại câu hỏi của các môn đệ khác: “Rápbi, chẳng lẽ con sao?” (26:25), một câu hỏi đầy oái oăm mà chỉ trình thuật Mátthêu mới có.
Lúc kết thúc bữa ăn tối, Chúa Giêsu trở lại với chủ đề phản bội và sai phạm đầy bi thảm (26: 31-34). Không phỉ chỉ Giuđa mà mọi môn đệ, kể cả Phêrô, người mà Chúa Giêsu đã chúc phúc làm lãnh tụ của họ (16:16) và nâng đỡ giữa cảnh biển động (14:28-31), sẽ để dạ trung thành của họ bị bờ đá đau khổ và sợ sệt cùng cực đập nát. Tuy nhiên, ngay những giờ phút ảm đạm nhất như thế cũng vẫn được Ngôi Lời Thiên Chúa ôm ẵm; sự thất bại của các môn đệ đã ứng nghiệm lời tiên tri Dacaria 13:7: “Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đoàn chiên sẽ tan tác”.
Các lời tiên đoán phản bội và sai phạm trên tạo nên cái khung nhức nhối quanh thời khắc chủ chốt của bữa ăn Vượt Qua. Sử dụng các biểu tượng sống động, không thể nào xóa nhòa, Chúa Giêsu cho các môn đệ hay ý nghĩa cái chết của Người. Bánh bẻ ra là thân xác Người được trao ban cho họ; chén đổ ra là máu của Người, “máu giao ước” cung hiến ơn tha thứ và tình yêu không bao giờ cạn dành cho tất cả. Trọn thừa tác vụ của Chúa Giêsu, mọi lời của sự thật giải thoát, mọi đụng chạm chữa lành, mọi đối kháng bất công, đều được tinh chế ở đây trong bánh và chén rượu, trong thân xác và máu huyết Chúa Giêsu trao ban trọn vẹn cho thế giới.
Bữa tối cuối cùng trên không thực sự là Bữa Vượt Qua sau cùng đối với Chúa Giêsu và các môn đệ. Người sẽ cử hành nó như “mới” một lần nữa nơi Vương Quốc Thiên Chúa. Bất chấp sự yếu đuối của họ, tình yêu nồng nàn hết sức trung thành của Chúa Giêsu đối với các môn đệ sẽ tụ họp họ lại một lần nữa bên kia cái chết.
3. Giệt-si-ma-ni: Mt 26:36-56
Bấy giờ Ðức Giêsu đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghếtsêmani. Người nói với các môn đệ: "Anh em ngồi lại đây, trong lúc Thầy đi đến đàng kia cầu nguyện". Rồi Người đưa ông Phêrô và hai người con ông Dêbêđê đi theo. Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các ông: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy". Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: "Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha". Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, liền nói với ông Phêrô: "Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái,nhưng thể xác lại yếu đuối". Người lại đi cầu nguyện lần thứ hai và nói: "Lạy Cha, nếu chén này không thể rời khỏi con, nhất định con phải uống, thì xin cho ý Cha được thể hiện". Rồi Người lại đến, thấy các môn đệ vẫn đang ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. Người để mặc các ông mà đi cầu nguyện lần thứ ba, nói lại cũng một lời đó. Bấy giờ Người đến chỗ các môn đệ và nói với các ông: "Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Này, đến giờ Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi. Ðứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới!"
Người còn đang nói, thì Giuđa, một trong Nhóm Mười Hai, đã đến. Cùng đi với hắn, có cả một đám người đông đảo mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế và kỳ mục trong dân sai đến. kẻ nộp Người đã cho họ một dấu hiệu, hắn dặn rằng: "Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy!" Ngay lúc đó, Giuđa tiến lại gần Ðức Giêsu và nói: "Rápbi, xin chào Thầy!", rồi hôn Người. Ðức Giêsu bảo hắn: "Này bạn, bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi!" Bấy giờ họ tiến đến, tra tay bắt Ðức Giêsu. Và kìa, một trong những kẻ theo Ðức Giêsu liền vung tay tuốt gươm của mình ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai. Ðức Giêsu bảo người ấy: "Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần! Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó, mọi sự phải xảy ra như vậy". Vào giờ ấy Ðức Giêsu nói với đám đông: "Các ông đem gươm giáo gậy gộc đến như để bắt tôi một tên cướp sao? Ngày ngày tôi vẫn ngồi giảng dạy ở Ðền Thờ thì các ông không bắt. Nhưng toàn bộ việc này xảy ra là để ứng nghiệm những lời chép trong Sách Các Ngôn Sứ". Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết.
Nhịp độ khổ nạn bắt đầu gia tốc. Chúa Giêsu và các môn đệ rời thượng lầu, đến một khu vườn ôliu vắng vẻ (Thánh Luca gọi nó là Diệtsimani trên Đồi Ôliu). Tại đây, Chúa Giêsu đem theo 3 môn đệ và bắt đầu cuộc canh thức cầu nguyện sốt sắng và đầy xao xuyến. Lời của Người vọng lại Thánh Vịnh 42: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (26:38). Vị thầy trước đây từng dạy môn đệ sự quan trọng của việc cầu nguyện trực tiếp, trung thực và tín thác (6:5-15) nay chính Người cầu nguyện với hết trái tim mình khi giáp mặt với cái chết. Chúa Giêsu phủ phục dưới đất và mở lòng ra với Thiên Chúa: "Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha" (26:39). Trọn vẹn mầu nhiệm Chúa Giêsu được biểu thị trong lời cầu nguyện này: một con người nhân bản bám vào sự sống và sợ sự chết; một người con trung thành của Thiên Chúa đặt trọn tương lai của mình trong bàn tay của Người Cha yêu thương.
Chúa Giêsu lặp lại lời cầu nguyện này ba lần. Người xin các môn đệ canh thức với Người nhưng họ bị áp đảo bởi cơn buồn ngủ nặng nề và một lần nữa lại sai phạm với Thầy mình. Cơn ngủ của họ tượng trưng cho trạng thái lờ đờ thiêng liêng: họ không sẵn sàng đón nhận cái dữ dằn của sự chết đang sắp sửa sụp xuống khắp Diệtsimani và đe doạ mạng sống Thầy.
Cơn bão tử thần ập tới khi Giuđa dẫn một đám thật đông trang bị giáo mác gậy gộc ào vào vườn bắt Chúa Giêsu (26:47). Một lần nữa, Tin Mừng Thánh Mátthêu lưu ý đặc biệt tới người môn đệ khốn nạn này. Bằng một cử chỉ oái oăm hết cỡ, nụ hôn của hắn trở thành dấu hiệu của phản bội. Giống lúc ở bữa tối sau cùng, Giuđa ngụy trang sự phản bội của hắn bằng những lời xem ra vô tội: “Rápbi, xin chào Thầy!” Nhưng Chúa Giêsu thấy tận đáy lòng Giuđa, và ngay trong chính thời khắc phản bội ấy, vẫn nói với hắn như một “người bạn”.
Đám đông vũ trang bắt giam Chúa Giêsu và trong một cử chỉ vô ích, một trong các môn đệ rút kiếm ra, chém đứt tai người đầy tớ của vị thượng phẩm. Trong trình thuật Mátthêu, đây là cơ hội để Chúa Giêsu dạy dỗ. Người cảnh cáo người môn đệ này đừng lấy bạo lực đáp trả bạo lực, ai sống nhờ gươm sẽ chết vì gươm. Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu vốn đã thúc giục các môn đệ đừng sử dụng bạo lực (5:21-26, 38-42); con cái Thiên Chúa phải yêu thương cả kẻ thù (5:43-48). Nếu chỉ là vấn đề biểu dương quyền lực, thì Thiên Chúa đã áp đảo những kẻ tấn công Chúa Giêsu bằng các đạo binh thiên thần rồi. Nhưng nước Thiên Chúa, như đã được mạc khải trong Sách Thánh, sẽ không nhờ bạo lực mà được thiết dựng. Lòng trung thành của Chúa Giêsu sẽ dẫn Người tới thung lũng sự chết nhưng cuối cùng, Sách Thánh sẽ được ứng nghiệm và tình yêu sẽ đánh bại bạo lực và sự chết.
Nhưng lúc này, sức mạnh của sự ác xem ra đang ở thế thượng phong. Giáp mặt với viễn tượng này, các môn đệ đã đầu hàng sợ sệt và để mặc Chúa Giêsu cho những kẻ bắt giam Người.
4. Xử án Chúa Giêsu: Mt 26:57-27:10
Họ bắt Ðức Giêsu, rồi điệu đến thượng tế Caipha. Các kinh sư và kỳ mục đã tề tựu sẵn đó. Ông Phêrô theo Người xa xa, đến tận dinh thượng tế. Ông vào bên trong ngồi với bọn nha dịch, xem kết cuộc ra sao.
Còn các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Ðồng thì tìm chứng gian buộc tội Ðức Giêsu để lên án tử hình. Nhưng họ tìm không ra, mặc dầu có nhiều kẻ đã đứng ra làm chứng gian. Sau cùng, có hai người bước ra, khai rằng: "Tên này đã nói: tôi có thể phá Ðền Thờ Thiên Chúa, và nội trong ba ngày, sẽ xây cất lại". Và vị thượng tế đứng lên hỏi Ðức Giêsu: "Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó?" Nhưng Ðức Giêsu vẫn làm thinh. Vị thượng tế nói với Người: "Tôi nại đến Thiên Chúa hằng sống, mà truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Ðấng Kitô Con Thiên Chúa không? Ðức Giêsu trả lời: "Chính ngài nói đó. Hơn nữa, tôi nói cho các ông hay: từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Ðấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến". Bấy giờ vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: "Hắn nói phạm thượng! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Ðấy, quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao?" Họ liền đáp: "Hắn đáng chết!"
Rồi họ khạc nhổ vào mặt và đấm đánh Người. Có kẻ lại tát Người và nói: "Ông Kitô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi nghe đi: ai đánh ông đó?"
Còn ông Phêrô đang ngồi ngoài sân, thì có một người tớ gái đến bên ông và nói: "Cả bác nữa, bác cũng đã theo ông Giêsu, người Galilê đó chứ gì?" Ông liền chối trước mặt mọi người mà nói: "Tôi không biết cô nói gì!" Ông đi ra đến cổng, thì một người tớ gái khác thấy ông, liền nói với những người ở đó: "Bác này cũng theo ông Giêsu người Nadarét đấy". Nhưng ông Phêrô lại thề mà chối: "Tôi không biết người ấy". Một lát sau, những người đứng đó xích lại gần ông Phêrô mà nói: "Ðúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay". Bấy giờ ông Phêrô liền thốt lên những lời độc địa và thề rằng: "Tôi không biết người ấy". Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. Ông Phêrô sực nhớ lời Ðức Giêsu đã nói: Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần". Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.
Trời vừa sáng, tất cả các thượng tế và kỳ mục trong dân cùng nhau bàn kế hại Ðức Giêsu, để xử tử Người. Sau đó, họ trói Người lại và giải đi nộp cho tổng trấn Philatô.
Bấy giờ, Giuđa, kẻ nộp Người, thấy Người bị kết án thì hối hận. Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục mà nói: "Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan". Nhưng họ đáp: "Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!" Giuđa ném số bạc vào Ðền Thờ rồi lui ra và đi thắt cổ. Các thượng tế lượm lấy số bạc ấy mà nói: "Không được phép bỏ vào quỷ Ðền Thờ, vì đây là giá máu". Sau khi bàn định với nhau, họ dùng tiền đó tậu "Thửa Ruộng Ông Thợ Gốm" để làm nơi chôn cất khách ngoại kiều. Vì vậy mà thửa ruộng ấy gọi là "Ruộng Máu" cho đến ngày nay. Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia: "Họ đã lượm lấy ba mươi đồng bạc, tức là cái giá mà một số con cái Ítraen đã đặt khi đánh giá Người. Và họ lấy số bạc đó mà mua "Thửa Ruộng Ông Thợ Gốm", theo những điều Ðức Chúa đã truyền cho tôi".
Đám đông dẫn người tù của họ tới thượng phẩm Caipha và các luật sĩ và trưởng lão đang tụ họp. Thánh Mátthêu mô tả việc này như một phiên tòa chính thức trong đó, các lãnh tụ lắng nghe lời chứng chống lại Chúa Giêsu, hỏi cung Người và cuối cùng kết án Người.
Chiều hướng bi đát của tin mừng khá rõ rệt. Toàn bộ cảnh Chúa Giêsu bị xử, không sợ sệt trực diện với những kẻ bắt bớ mình, được đóng khung bằng câu truyện Phêrô chối Thầy. Trong khi các môn đệ khác trốn chạy vì hoảng sợ, Phêrô đi theo đám đông từ xa xa và theo vị thầy bị giam giữ của mình vào sân nhà thượng phẩm. Nhưng ở đây, lòng can đảm trồi sụt đã lìa khỏi ngài. Một số nữ tỳ nhận ra ngài là bạn đồng hành của người Galilê tên Giêsu; dưới sự soi mói này, Phêrô đã bác bỏ tư cách môn đệ của mình, thề rằng “tôi không biết người này!” Chúa Giêsu từng cảnh cáo các môn đệ của Người đừng thề thốt mà chỉ nên nói sự thật (5:33-37); thế là Phêrô đã cộng hưởng các sai phạm của ngài. Ngay lúc ấy, gà gáy và người môn đệ tan nát cõi lòng nhớ lại lời Thầy cảnh cáo ở bữa ăn tối. Sự lớn lao của sai phạm đè nặng lên ngài, khiến ngài rời bỏ sân nhà thượng phẩm và bật khóc thảm thiết.
Trong lúc ấy, Chúa Giêsu đứng trước vị thượng phẩm và Thượng Hội Đồng. Hàng loạt nhân chứng chống Chúa Giêsu không gây được ấn tượng, nên cuối cùng vị thượng phẩm phải đối chất với người tù lặng im: “Ông có phải là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa?” (26:63). Độc giả nào theo dõi Chúa Giêsu qua khắp Tin Mừng hẳn biết rõ câu trả lời cho câu hỏi này: Chúa Giêsu, sinh ra trong Chúa Thánh Thần; Chúa Giêsu, Đấng mạc khải sự thật của Thiên Chúa và là Đấng mang sức mạnh chữa lành của Thiên Chúa, quả là Đấng Kitô hằng mong đợi và là Con độc nhất của Thiên Chúa.
Câu hỏi của vị thượng phẩm nói lên một sự thật mà ông không thể thừa nhận. Chúa Giêsu tiếp tục nói tiên tri rằng Người sẽ được hiển dương như Con Người vinh hiển, ngự bên hữu Thiên Chúa và vào ngày tận cùng của thời gian sẽ hiện đến trên mây trời (26:64). Nhưng hiện nay, sự vinh hiển ấy chỉ hiển hiện dưới con mắt đức tin; đối với các lãnh tụ, con người này không hề là đấng kitô mà chỉ là kẻ lừa đảo và lộng ngôn đáng phải chết. Sự thù nghịch của họ biến thành bạo lực và nhạo báng khi họ khạc nhổ vào Chúa Giêsu và đánh đập Người, nhạo cười Người vì cho mình có quyền lực kitô (26:67). Tảng sáng, phiên tòa tái tục và họ chính thức kết án tử hình Chúa Giêsu và điệu Người tới Philatô, tổng trấn Rôma.
Trước khi kết thúc màn này, Thánh Mátthêu nhắc tới số phận của Giuđa (27:3-10). Kẻ phản bội tràn ngập hối hận nên đã cố gắng trả 30 đồng bạc lại cho các lãnh tụ tôn giáo, thú nhận rằng hắn đã hại máu người vô tội. Nhưng họ cự lại hắn và trong cơn thất vọng, hắn liệng ba mươi đồng này vào đền thờ và đi tự vận. Dù bị từ chối, khoản tiền máu này vẫn ám ảnh họ. Họ bèn lượm lấy nó và dùng nó mua một thửa đất chôn cất người ngoại quốc.
Đối với Thánh Mátthêu, câu truyện bi thảm này nhắc lại câu truyện đầy tính tiên tri trong Giêrêmia 19, trong đó, vị tiên tri đập bể chiếc bình thợ gốm ở ngoài đồng như dấu chỉ phán xét Giêrusalem, một cánh đồng sau đó được dùng chôn ngoại kiều. Một lần nữa, đối với Tin Mừng Mátthêu, ngay những thời khắc đáng khinh nhất của kiếp nhân sinh cũng không rơi ra ngoài mục tiêu bao trùm của Thiên Chúa.
5. Đấng Kitô bị kết án: Mt 27:11-31
Ðức Giêsu bị điệu ra trước mặt tổng trấn; tổng trấn hỏi Người: "Ông là vua dân Dothái sao?" Ðức Giêsu trả lời: "Chính ngài nói đó". Nhưng khi các thượng tế và kỳ mục tố Người, thì Người không trả lời một tiếng. Bấy giờ ông Philatô hỏi Người: "Ông không nghe bao nhiêu điều họ làm chứng chống lại ông đó sao?" Nhưng Ðức Giêsu không trả lời ông về một điều nào, khiến tổng trấn rất đỗi ngạc nhiên.
Vào mỗi dịp lễ lớn, tổng trấn có lệ phóng thích cho đám đông một người tù, tùy ý họ muốn. Mà khi ấy có một người tù khét tiếng, tên là Baraba. Vậy khi đám đông đã tụ họp lại, thì tổng trấn Philatô nói với họ: "Các ngươi muốn ta phóng thích ai cho các người đây? Baraba hay Giêsu, cũng gọi là Kitô?" Bởi ông thừa biết chỉ vì ghen tị mà họ nộp Người.
Lúc tổng trấn đang ngồi xử án, thì bà vợ sai người đến nói với ông: Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, trong chiêm bao, tôi đã khổ nhiều vì ông ấy". Nhưng các thượng tế và kỳ mục lại xúi đám đông đòi tha tên Baraba mà giết Ðức Giêsu. Tổng trấn hỏi họ: "Trong hai tên này, các ngươi muốn ta tha ai cho các ngươi?" Họ thưa: "Baraba!" Tổng trấn Philatô nói tiếp: "Thế còn ông Giêsu, cũng gọi là Kitô, ta sẽ làm gì đây?" Mọi người đồng thanh: "Ðóng đinh nó vào thập giá!" Tổng trấn lại nói: "Thế ông ấy đã làm điều gì gian ác?" Họ càng la to: "Ðóng đinh nó vào thập giá!" Tổng trấn Philatô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: "Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các ngươi liệu lấy!" Toàn dân đáp lại: "Máu hắn đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!" Bấy giờ, tổng trấn phóng thích tên Baraba cho họ, còn Ðức Giêsu, thì sau khi truyền đánh đòn, ông trao cho họ đóng đinh vào thập giá.
Bấy giờ lính của tổng trấn đem Ðức Giêsu vào trong dinh, và tập trung cả cơ đội quanh Người. Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ. Rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: "Vạn tuế Ðức Vua dân Dothái!" Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra và cho Người mặc lại áo của mình, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá.
Câu truyện khổ nạn chuyển sang một màn mới khi Chúa Giêsu bị điệu tới Philatô, tổng trấn Rôma. Giờ đây, chủ đề vương quyền và trung quân được đẩy lên hàng đầu.
Philatô hỏi Chúa Giêsu về căn tính vua của Người nhưng người tù khó hiểu không lên tiếng đáp lại các lời tố cáo do các lãnh tụ tôn giáo đổ lên đầu Người. Độc giả Kitô Giáo biết rõ: Chúa Giêsu thực sự là vua nhưng là một vị vua không giống vị vua mà Philatô có thể hiểu chút nào.
Rõ ràng có tập tục thả một tù nhân được đám đông chọn vào dịp Lễ Vượt Qua. Philatô đề nghị để đám đông chọn hoặc Baraba, “người tù khét tiếng” (27:16) hoặc Chúa Giêsu. Các bản chép tay cổ gợi ý rằng Thánh Mátthêu rất có thể đã làm nổi bật hơn nữa việc chọn lựa này khi cho rằng Baraba thực ra có tên là “Giêsu, người được gọi là Baraba” song song với “Giêsu, người được gọi là Kitô”.
Mỗi lần Philatô đề nghị như thế, các lãnh tụ và đám đông đều chọn thả tự do cho Baraba và yêu cầu đóng đinh Chúa Giêsu. Thánh Mátthêu dựng bi kịch cho tới giây phút cuối cùng. Trong một cử chỉ khiến ta nhớ tới nghi thức tuyên bố vô tội trong Đệ Nhị Luật 21, Philatô rửa tay và nói với đám đông: “ta vô can trong việc đổ máu người này. Mặc các ngươi liệu lấy”. Để trả lời, “toàn thể nhân dân” tuyên bố: "Máu hắn đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi!" (27:24-25).
Gần hai ngàn năm nay, đoạn văn trên đã bị giải thích sai một cách bi thảm như là lời bào chữa cho việc trừng phạt người Do Thái vì tội người ta cho rằng họ giết Chúa Giêsu. Chắc chắn Thánh Mátthêu muốn thời khắc này trở thành thời khắc bi thảm và có tính quyết định. Chúa Giêsu, Con Ápraham, Con Đavít, đã đến với dân của Người và, cũng như các tiên tri đi trước Người, đã bị họ từ khước. Mọi chống đối do các lãnh tụ sai lầm điều hướng lên tới tột đỉnh ở đây trong trình thuật khổ nạn này. Trong khi người Dân Ngoại Philatô tuyên bố mình vô tội, thì dân của chính Chúa Giêsu lại nhận trách nhiệm đã đổ máu Người. Ở đây, Thánh Mátthêu nhìn thấy một điểm ngoặt trong lịch sử; điểm ngoặt này, cuối cùng, sẽ dẫn tới việc truyền giáo cho Dân Ngoại.
Nhưng liệu tin mừng gia có ý biến bản văn này thành lời kết án vĩnh viễn chính dân tộc Do Thái của mình không? Chắc chắn không! Thánh Mátthêu chắc chắn qui lỗi cho người đương thời của Chúa Giêsu vì đã không mở lòng mình ra đón nhận Tin Mừng, mà còn giải thích việc phá hủy Đền Thờ và Giêrusalem trong cuộc nổi loạn Do Thái năm 66-70 CN như là dấu chỉ Thiên Chúa trừng phạt thế hệ ấy (nghĩa là “chúng tôi và con cháu chúng tôi”). Nhưng không hề có chứng cớ nào cho thấy ngài có ý biến bản văn này thành lời biện hộ cho chủ nghĩa phản Do Thái hay tin rằng dân riêng Do Thái của Chúa phải bị loại ra khỏi vòng cảm thương, tha thứ và công bằng mà các môn đệ của Chúa Giêsu từng tỏ cho mọi con người nhân bản.
Vua Giêsu nay bị kết án bởi chính dân của Người và bởi nhà cầm quyền Rôma. Binh lính nhạo cười sự bất lực trông thấy của Người, bằng cách sử dụng các biểu tượng của quyền lực đế quốc: mão vua, vương trượng, và nghi thức chúc tụng, để nhạo cười Chúa Giêsu. Nhưng độc giả biết rõ một sự thật khác: Chúa Giêsu được trao quyền lực của Thiên Chúa, không phải quyền lực áp chế của sức mạnh hay ách thống trị dã man, mà là sức mạnh giải thoát của yêu thương và công lý.
6. Bình minh một thời đại mới: Mt 27:32-66
Ðang đi ra, thì chúng gặp một người Kyrênê, tên là Simon; chúng bắt ông vác thập giá của Người. Khi đến nơi gọi là Gôngôtha, nghĩa là Ðồi Sọ, chúng cho người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không chịu uống. Ðóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau. Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người.
Phía trên đầu Người, chúng đặt bản án xử tội Người viết rằng: "Người này là Giêsu, vua người Dothái". Bấy giờ, có hai tên cướp cùng bị đóng đinh với Người, một tên bên phải, một tên bên trái.
Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: "Mi là kẻ phá được Ðền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!" Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: "Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là vua Ítraen! bây giờ hắn cứ xuống khỏi thập giá đi, thì chúng ta tin hắn liền! Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: "Ta là Con Thiên Chúa!" Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế.
Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Ðức Giêsu kêu lớn tiếng: "Êli, Êli, lêmasabácthani", nghĩa là "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?" Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: "Hắn ta gọi ông Êlia!" Lập tức, một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. Còn những người khác lại bảo: "Khoan đã, để xem ông Êlia có đến cứu hắn không!" Ðức Giêsu lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn.
Và kìa, bức màn trướng trong Ðền Thờ bị xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Ðất rung đá vỡ. Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được chỗi dậy. Sau khi Chúa chỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người. Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Ðức Giêsu đều rất đỗi sợ hãi và nói: "Quả thật ông này là Con Thiên Chúa".
Ở đó, cũng có nhiều người phụ nữ nhìn xem từ đàng xa. Các bà này đã theo Ðức Giêsu từ Galilê để giúp đỡ Người. Trong số đó, có bà Maria Mácđala, bà Maria mẹ các ông Giacôbê và Giôxép, và bà mẹ các con ông Dêbêđê.
Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành Arimathê, tên là Giôxép, và cũng là môn đệ Ðức Giêsu. Ông đến gặp ông Philatô để xin thi hài Ðức Giêsu. Bấy giờ tổng trấn Philatô ra lệnh trao trả thi hài cho ông. Khi đã nhận thi hài, ông Giôxép lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về. Còn bà Maria Mácđala và một bà Maria khác ở lại đó, ngồi đối diện vào mồ.
Hôm sau, tức là khi ngày áp lễ đã qua, các thượng tế và những người Pharisêu kéo nhau đến ông Philatô, và nói: "Thưa ngài, chúng tôi nhớ tên bịp bợm ấy khi còn sống có nói: "Sau ba ngày, Ta sẽ chỗi dậy". Vậy xin quan lớn truyền canh mộ kỹ càng cho đến ngày thứ ba, kẻo môn đệ hắm đến lấy trộm hắn đi, rồi phao với dân là hắn đã từ cõi chết chỗi dậy. Và như thế, chuyện bịp bợm cuối cùng này sẽ còn tệ hại hơn chuyện trước". Ông Philatô bảo họ: "Thì có sẵn lính đó, các người hãy đi mà canh giữ theo cách các ngươi biết!" Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá và cắt lính canh mồ.
Tuyệt đỉnh trình thuật khổ nạn của Thánh Mátthêu đầy tính bi kịch. Thập giá của Người được Simong, người Kirênê, mang đỡ, Chúa Giêsu bị điệu lên Gôngôhta để bị đóng đinh. Các lý hình đóng một tấm biển lên thập giá: “Đây là Giêsu: Vua người Do Thái”. Họ rõ ràng có ý định dùng các lời lẽ này để chế nhạo vị tự nhận là kitô đang đại bại lúc lâm chung. Cũng thế, hàng loạt người qua lại nhạo cười Chúa Giêsu về việc Người cho rằng Người có thẩm quyền đối với đền thờ và nhạo báng Người bằng cách nhắc Người nhớ lại rằng Người có thể cứu người khác nhưng lại không thể tự cứu được mình. Ngay hai người nổi loạn cùng bị đóng đinh với Người cũng tham dự cuộc đùa bỡn của đám đông.
Mô tả giây phút khủng khiếp này, một lần nữa, Thánh Mátthêu trở về với Thánh Kinh Do Thái để lấy linh hứng. Giống như trong Tin Mừng Máccô, lời cầu nguyện cuối cùng của Chúa Giêsu sẽ được lấy từ Thánh Vịnh 22, lời cầu ai ca vĩ đại. Trong bản văn mạnh mẽ này, người Do Thái trung thành cầu nguyện giữa đau khổ và cô đơn tột cùng. Người bị bao quanh bởi những kẻ nhạo báng lòng tín thác nơi Thiên Chúa của Người. Cảm thấy bị chính Thiên Chúa bỏ rơi, thánh vịnh gia thốt lên lời cầu nguyện của một đức tin nguyên tuyền: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ rơi con?” Đây là lời cầu nguyện trung thực, không hoa lá được Thánh Mátthêu đặt vào môi miệng Chúa Giêsu khi bầu trời tối xầm, người con trung thành của Thiên Chúa gặp sự chết.
Nhưng thánh vịnh ai ca bất ngờ biến thành ca khúc chiến thắng và ngợi khen thế nào (xem TV 22:23-32), thì cảnh đóng đinh cũng đã biến thành một bừng nở điệp khúc vang dội chiến thắng như thế. Như thể Thiên Chúa đáp lại lời cầu sinh thì vẫn còn phảng phất đâu đây của Chúa Giêsu: màn trong đền thờ bị xé ra làm hai, mặt đất rung chuyển, đá nứt đôi và mồ mả mở nắp. Trong một cuộc diễn hành chiến thắng, các thánh, từng bị giam hãm trong cõi chết, bước vào thành thánh Giêrusalem. Binh lính Rôma, từng canh giữ mộ Chúa Giêsu, sửng sốt và lên tiếng tung hô Chúa Giêsu là Con đích thực của Thjiên Chúa.
Tin Mừng Mátthêu, bằng một cảnh chiến thắng, đã dự ứng trước vinh quang của phục sinh. Gợi lại thị kiến xương khô vĩ đại của Êdêkien (xin xem Ed 37:1-14), tin mừng gia công bố rằng Thiên Chúa đã đáp ứng cái chết vì vâng lời của Chúa Giêsu bằng cách cho Người cũng như mọi thánh nhân của Israel trỗi dậy khỏi cõi chết mà bước vào sự sống mới. Và theo một nghĩa chân thực nhất, cái chết của Chúa Giêsu đánh dấu ngày kết liễu của một thế giới vô hy vọng và ngày khởi đầu của một thời đại mới của Thần Khí Thiên Chúa.
Câu truyện vẫn còn tiếp diễn với việc Giuse cung kính chôn xác Chúa, các mưu toan vô ích của các địch thủ Chúa Giêsu muốn kiềm chế Người ngay cả khi đã chết, và cuộc thăm viếng của các phụ nữ trung thành đến để xức dầu thơm cho thân xác Người. Nhưng theo linh mục Donald Senior, Dòng Khổ Nạn, trong Tin Mừng Mátthêu, những hành vi này gần như đi ngược lại đỉnh cao của trình thuật, vì phục sinh đã bừng nở ngay trên Gôngôtha, xem ra đã “phỗng tay trên” vào ngay giờ sinh thì rồi. Niềm tín thác của Chúa Giêsu ngay lúc bị đối diện với nhạo cười và bỏ rơi đã được đáp ứng ngay tức khắc bằng sự sống dư đầy và cái ôm hôn bất tử của Thiên Chúa.