Sunday, 29 March 2020 15:39

Thời Bút Chiến Về Kitô Học: Thánh Jean Damascène - Vị Giáo Phụ Cuối Cùng Của Đông Phương (650-749) Featured

GIÁO PHỤ HỌC - PATER ECCLESIAE

(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ

***

***

CHƯƠNG V

THỜI BÚT CHIẾN VỀ KITÔ HỌC

(431 - 750)

***

PHẦN I

CÁC GIÁO PHỤ ĐÔNG PHƯƠNG

CUỘC ĐỐI ĐẦU GIỮA ALEXANDRIE VÀ ANTIOCHE

***

ĐOẠN V

THÁNH JEAN DAMASCÈNE (650-749)

VỊ GIÁO PHỤ CUỐI CÙNG CỦA ĐÔNG PHƯƠNG

 

I. NỀN VĂN CHƯƠNG HỢP TUYỂN: JEAN DAMASCÈNE

Ngay từ thế kỷ V, người ta đã thấy các tác giả Latin và Hy Lạp thích soạn các tuyển tập “Giáo phụ” nhằm đưa học thuyết của các ngài vào trong đời sống lâu dài của Giáo Hội, nhưng điều này hoàn toàn không phải là họ không có khả năng suy tư riêng. Đầu thế kỷ thứ VI, Procope de Gaze lại càng báo trước một cách rõ ràng hơn khuynh hướng của Thời Trung Cổ, đó là bảo tồn quá khứ trong các tập “văn tuyển”: ông đã thu thập những đoạn trích từ các tác phẩm chú giải sẵn có về các câu Kinh Thánh trong 8 quyển đầu sách Cựu Ước (l’Octateuque), sách các Vua, Ký sự, Isaia, Diễm Ca, và lập thành cái mà sau này sẽ đưọc gọi là “những chuỗi chú giải” (chaînes exététiques) cũng nhờ đó mà lưu giữ được nhiều mẫu văn trong các tác phẩm đã bị thất lạc. Thể loại văn chương này về sau sẽ được phát triển mạnh. Thế kỷ VII, Antiochus, một đan sĩ thuộc đan viện Saint-Sabbas góp nhặt các trích đoạn Cựu Ước, Tân Ước và cả các Giáo phụ, làm thành như một thủ bản luân lý Kitô giáo, với nhan đề “Pandecte de la Sainte Ecriture” (Góp nhặt từ Kinh Thánh). Nhưng nhân vật nổi danh nhất trong số các nhà sưu tập này là Jean Damascène, cũng là đan sĩ của Saint-Sabbas và là người có nhiều công trạng khác nữa.

II. NHÀ SƯU TẬP VÀ BIÊN TẬP

Jean sinh tại Damas khoảng năm 650. Là công chức trước khi là đan sĩ, và sau đó là Linh mục. Ngài hoạt động trí thức rất mạnh mẽ và lâu dài. Ngài mất khi đời đã bách niên. Ngài là tác giả cúa ít nhất là bốn sưu tập. Một về chú giải, một về luân lý và hai sưu tập về tín lý. Ngài soạn một tác phẩm chú giải các thư Thánh Phaolô trong đó hầu hết là mượn lại của các tác giả khác, nhất là của Jean Chrysostome. người ta cũng không biết đích xác phần nào là của riêng ngài trong bộ luân lý được mệnh danh là “Parallèles sacrés” (Những song đối thánh) một nhan đề sau này mới có, lấy lại tựa đề phần thứ ba của bộ sách, trong phần này tội lỗi và nhân đức được đối chiếu song song. Bản văn được truyền lại dưới nhiều dạng rất khác nhau, cũng có phần chưa được xuất bản, nhưng dù thế nào đi nữa, tác phẩm này chứa đựng hàng ngàn trích dẫn Thánh Kinh và Giáo Phụ, cùng với ghi chú về nguồn gốc, được sắp xếp theo nhiều cách khác nhau, đôi khi theo thứ tự mẫu tự, xoay quanh đời sống Kitô hữu. Qua tác phẩm này, chúng ta biết được rất nhiều tác phẩm đã được biên soạn nhưng đã thất lạc.

Tác phẩm “Nguồn tri thức” của Jean Damascène (Source de la connaissance) là một khảo luận tín lý rất bao quát, gồm ba phần, phần I là “những vấn đề triết học” (Chapitres philosophiques hay dialectique), phần II là một danh mục các lạc thuyết và phần III “trình bày về đức tin chính thống” (Exposé de la foi orthodoxe), ngay trong phần đầu của tác phẩm này, Jean đã khẳng định không có gì là của ngài cả. Và quả thật, người ta nhận ra nơi tác phẩm này những luận đề hoặc bản văn của phần lớn các Giáo phụ Hy Lạp, ngay cả có những khảo luận được lấy lại toàn bộ. Tuy nhiên, ở đây các bản văn khảo luận đó không còn mang tựa đề riêng của chúng nhưng được đưa vào một tổng hợp, một tổng luận thần học, làm thành một cuốn lịch sử đầu tiên về học thuyết Kitô giáo. Jean còn soạn một tác phẩm ngắn hơn, “Institution élémentaire” (một loại dẫn vào tín lý), trong đó tất cả đều là trích văn hoặc được lấy lại kể cả của chính ngài.

Ngay từ tác phẩm “Nguồn tri thức”, Jean đã cho thấy ngài không chỉ là kết cục của một thế giới đang thu xếp hành trang. Thật ra, ngài còn là tác giả của nhiều tác phẩm tín lý của riêng mình. Đặc biệt, bằng ngòi bút của mình, ngài tham gia vào các xung đột thần học hoặc là các xung đột bắt nguồn từ trong quá khứ như thuyết của Nestorius hay thuyết nhất tính, hoặc mới xuất hiện như chủ trương bài ảnh tượng, bùng phát năm 721 và lập tức được Hoàng đế Léon III người Isaurie (Léon III L’Isaurien) bênh vực, ngài lên tiếng biện hộ cho việc tôn kính ảnh tượng. Ngài cũng còn để lại một số bài giảng, một bài khảo luận ngắn về tu đức, một số tác phẩm về phụng vụ và hạnh các thánh.

III. CHUYÊN VIÊN VỀ THUẬT NGỮ BA NGÔI

Phần di sản mà ngài chỉ làm công việc thu thập và khai thác dù có lớn mấy đi nữa thì Jean Damascène, tuy không có thiên tài như Maxime, vẫn là người có tính cách riêng, đưa ra lập trường của mình trong nhiều lãnh vực đặc biệt chung quanh vấn đề về Thiên Chúa, Đức Kitô, Mẹ Maria và các Thánh. Ngài xác tín rằng sở dĩ có các lạc giáo lớn xuất hiện, là vì các từ ngữ như hypostase (hay personne, cá vị, ngôi vị) thiếu sự xác định rõ ràng, dứt khoát. Vì thế ngài khởi sự tác phẩm tín lý bằng một bài học về triết học. “Hypostase” trước tiên là điều thực hữu (vrai réel), là “cá vị có hiện hữu nội tại”, có “lập hữu riêng” (subsistance propre). Trong khi bản tính là một yếu tố chung cho các cá thể (individus), thì ngôi vị là thực tại đặc thù, ở trong một bản tính mang tất cả những đặc điểm cá biệt, xác định nó là cá vị (sujet individualisé). Mỗi ngôi vị ở trong một hay nhiều bản tính. Mỗi bản tính cụ thể (nature concrète) cùng với những tùy thể đặc thù, là một ngôi vị (hypostase) hoặc hiện hữu trong một ngôi vị (enhypostasiée, được đặt trong ngôi vị). Năng lực như ý chí chẳng hạn, thì gắn liền với bản tính, nhưng việc vận dụng năng lực vào một đối tượng nào đó thì lại là do ngôi vị (hypostase, cá vị).

Trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi ngôi vị đều đồng nhất hoàn toàn với yếu tính thần linh, nhưng mỗi ngôi vị mãi mãi có một cách lập hữu riêng (mode de subsistance) phân biệt với các ngôi vị khác, các cách lập hữu riêng đó chính là những tương quan giữa các ngôi vị dựa trên nguồn gốc: tính bất khả thụ sinh của Chúa Cha, Đấng không được sinh ra (le non-né), tử hệ của Ngôi Lời (filiation), Đấng được sinh ra (le né), sự nhiệm xuất của Chúa Thánh Thần (Procession), đấng nhiệm xuất (le Procédant). Chúa Con hiệp nhất với Chúa Cha trong sự nhiệm xuất Chúa Thánh Thần, nhưng việc Ngài là nguyên lý cùng với Chúa Cha (trong sự nhiệm xuất Chúa Thánh Thần là do đón nhận từ Chúa Cha). “Không nên nói rằng Thánh Thần nhiệm xuất “từ cả hai” (ab utroque, theo kiểu Tây Phương) nhưng nhiệm xuất “từ Cha qua Con” (du Père par le Fils)”. Sau cùng, Jean nói đến sự thấm nhập vào nhau trọn vẹn (compénétration totale) giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng không pha trộn, cũng không lẫn lộn. Ở đây chúng ta nhận ra tất cả học thuyết về Ba Ngôi của các nhà thần học cổ thời cũng như đương thời.

IV. NGƯỜI KẾ TỤC MAXIME TRONG LÃNH VỰC KITÔ HỌC

Jean Damascène là một nhà chuyên môn hơn về mầu nhiệm Nhập Thể. Mầu nhiệm đầy “nghịch lý”“khôn tả” này chiếm một vị trí quan trọng trong công trình của ngài. Jean đánh dấu một tiến triển về thuật ngữ, so với ngay cả các tiền bối gần ngài nhất. Nơi Đức Kitô, ngôi vị duy nhất của Ngôi Lời được “hợp thành” vì ngôi vị tồn tại trong một bản tính thứ hai nhưng chính bản tính đó (nhân tính) lại chỉ hiện hữu dựa vào ngôi vị của Ngôi Lời. Nhân tính đã không khi nào là một ngôi vị (personne) hay một cá thể (individu). Nhân tính khởi đầu hiện hữu ngay trong chính hiện hữu của Ngôi Lời. Nhân tính được “đặt trong ngôi vị” (enhypostasiée) được đi vào hiện hữu, cùng với tính đặc thù và những đặc điểm cá biệt của nó, ngay trong chính hành vi Nhập thể. Trong sự hiệp nhất Ngôi vị này (ngôi hiệp, union hypostatique), hai bản tính thấm nhập vào nhau, không lẫn lộn, phân biệt nhưng không tách biệt. Jean nói: “ngôi vị duy nhất của Ngôi Lời Nhập thể là bất thụ tạo xét về thần tính và là thụ tạo xét về nhân tính”. Nhập thể được nối kết với việc sinh hạ, và vì thế, Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa” (Theotokos).

Vì các bản tính cùng với những đặc tính của chúng vẫn toàn vẹn, nên các bản tính vẫn giữ sự phân biệt trong các hoạt động, các ý chí, tài năng và các hành vi. Tự do của con người Đức Kitô được thấm nhập cách rõ ràng. Tuy nhiên, theo Jean Damascène, vì quyết định cụ thể của ý chí thuộc Ngôi vị, nên “bằng một động tác tự do, linh hồn của Chúa muốn một cách tự nguyện điều mà ý chí thần linh muốn cho linh hồn muốn”. Mỗi bản tính đều có hoạt động riêng, nhưng không bao giờ hoạt động một mình, mà là hoạt động “trong sự hiệp thông với bản tính kia”, nói theo kiểu của Đức Giáo Hoàng Léon, nhà thần học Latin duy nhất mà Jean biết tới. Ngôi Lời thực hiện hoạt động riêng của mình qua nhân tính, còn nhân tính lại được thần hóa và được tham dự vào sự thờ phượng đích đáng dành cho Thiên Chúa. Nhân tính tạo ra những hành vi cứu độ, nhưng thần tính mới làm cho những hành vi đó có khả năng cứu chuộc. Điều này làm sáng tỏ “hoạt động Thần-Nhân” (énergithéandrique) mà Denys l’Aréopagite đã nói đến. Người ta có cảm giác khắp nơi đều có sự hiện diện của Maxime.

V. KẺ TRUNG THÀNH ĐỐI VỚI ĐỨC MARIA

Do phần vụ Mẹ đảm nhận trong mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Maria chiếm một vị trí đặc biệt trong thần học cũng như linh đạo của Jean Damascène. Mẹ Thiên Chúa là “xưởng thợ” nơi ơn cứu độ được thực hiện, là vườn địa đàng nơi trồng cây sự sống, là chiếc giường tân hôn nơi Ngôi Lời phối hợp với nhân tính. Mẹ là dấu chỉ của sự hiệp nhất với Thiên Chúa, đấng sẽ qui kết toàn thể nhân loại lại nơi mình. Sự gần gũi với Đức Kitô mang lại cho Mẹ một sự thánh thiện đặc biệt cũng như cho Mẹ được dự phần vào chức năng ban sự sống, làm cho phong nhiêu và thuyên chữa của Con Mẹ.

Ngay từ biến cố Nhập thể, Mẹ đã được tham dự vào vương quyền của Đức Kitô: “Người đã thực sự trở nên Nữ Vương của toàn thể tạo thành khi Người trở nên Mẹ của Đấng Tạo dựng”.

Người ta thấy nơi Jean Damascène một khuynh hướng rất mạnh muốn khuôn đúc Đức Maria theo hình ảnh của Đức Giêsu. Ngài không chỉ tin vào việc Đức Maria lên trời, vốn đã được giảng dậy khá phổ biến kể từ thế kỷ V, ngài còn xác định biến cố đó xảy ra ở Jérusalem. Đức Maria đã trải qua cái chết, thân xác tan rã, nhưng không đau đớn. Ngày thứ ba linh hồn Mẹ trở lại phục sinh, gặp lại Con Mẹ và loan báo cuộc phục sinh phổ quát sẽ diễn ra vào ngày quang lâm.

VI. NGƯỜI ĐƯA RA HỌC THUYẾT VỀ ẢNH TƯỢNG

Sau cùng, Jean Damascène nổi tiếng do cuộc chiến đấu của ngài chống lại chủ trương bài ảnh tượng. Ngài tự coi mình là người bảo vệ các ảnh tượng về Đức Kitô, Đức Nữ Trinh và Các Thánh. Cuộc tranh luận này không phải là không liên quan đến thuyết nhất tính. Anh tượng diễn tả lại thực tại khả giác, thực tại bên ngoài. Nếu nơi Đức Kitô, nhân tính bị tan biến trong thần tính thì việc diễn tả lại thân xác Đức Giêsu liệu có ích gì?

Nhưng Jean đã đưa ra lời biện hộ trong một thuyết về ảnh tượng và về vật chất. Thiên Chúa hiển nhiên là vô hình, nhưng Ngài là Đấng sáng tạo nên vật chất và là vị đầu tiên tạo ra các hình ảnh. Ngôi Lời há chẳng phải là hình ảnh trọn hảo của bản thể Ngài hay sao? Con người lại không phải đã được tạo dựng theo hình ảnh Ngài hay sao? Nhưng nhất là, Ngài đã trở nên hữu hình nơi thân xác của vị Thiên Chúa làm người. Và Jean đã thét lên: “Tôi không tôn thờ vật chất, mà là tôn thờ Đấng dựng nên vật chất, Đấng đã trở nên vật chất cho tôi và đã hạ cố cư ngụ nơi vật chất và thực hiện việc cứu độ tôi qua vật chất”. Ảnh tượng Đức Maria và các Thánh, những người mô phỏng và thân thiết với Đức Kitô, gợi lên mối tương quan của các Ngài với Thiên Chúa, khác nào một hồi ký. Đặc biệt, ảnh tượng cần cho “người vô học như cuốn sách cần cho người học thức”. Nó giúp đi từ hình ảnh đến với nguyên mẫu, từ bản sao sang chính bản, nơi mà hiệu lực của sự sống thần linh hiện lộ. Nói theo kiểu của M. Quenot, người đã diễn tả chính xác truyền thống Byzantin, ảnh tượng là “cánh cửa mở vào tuyệt đối”, nơi ân sủng có thể đi qua. Đây cũng là một sứ điệp mới mà Jean Damascène trao gởi chúng ta.

Một đan sĩ là văn sĩ và là nhà giảng thuyết, xét về phần lớn công trình của ngài, hiển nhiên xứng đáng đứng vào hàng các tác giả kết thúc một thời đại. Ngài đã thực hiện một bản tổng kết: Hữu ý tóm tắt bảy thể kỷ tư tưởng Kitô giáo trong Giáo Hội Hy Lạp và trao lại cho các thế hệ mai sau bộ bách khoa tôn giáo đó, được minh họa bằng năm đến mười ngàn trích dẫn. Với công trình này, ngài quả đã có một đóng góp phi thường cho lịch sử. Tuy nhiên, ngài không chỉ bằng lòng với việc tường thuật lại quá khứ. Là con người có đầu óc sáng suốt vững vàng, và hết sức cởi mở đối với triết học, ngài đã vượt trên quá khứ đó, xác định rõ hơn các học thuyết, nhất là về các thuật ngữ Ba Ngôi và Kitô Học. Ngài đích thân tiếp tục các cuộc chiến đấu xảy ra trong quá khứ nhưng vẫn mang tính thời sự và cung cấp các luận chứng cho những cuộc tranh luận mới. Vị Giáo Phụ Hy Lạp cuối cùng bảo đảm tính liên tục của thần học.

***

PHỤ TRƯƠNG

 

1. - Nhân tính của Đức Kitô đã không bao giờ hiện hữu (độc lập)

Ngay sau sự ưng thuận của Đức Thánh Nữ Đồng Trinh, Thánh Thần đã ngự xuống trên Mẹ (...) để tinh luyện,làm cho Mẹ có khả năng đón nhận thần tính của Ngôi Lời và trở nên Mẹ của Ngôi Lời. Thánh Đức và là Khôn Ngoan hằng hữu của Đấng Tối Cao, nghĩa là Con Thiên Chúa đồng bản tính với Chúa Cha, đã rợp bóng trên Mẹ, và từ bản thể vô nhiễm và rất thanh khiết của Mẹ, tạo nên cho mình một thân xác được linh hoạt bởi một linh hồn có lý trí và trí tuệ, hoa quả đầu mùa của tất cả chúng ta và điều này xảy ra là qua sự tạo dựng trực tiếp bởi tác động của Thánh Thần. Và hình thái của thân xác được tạo dựng như thế không phải được hình thành từ những tăng trưởng hết sức nhỏ và tiệm tiến,nhưng thân xác đó đã đạt được ngay hình thái hoàn hảo của nó. Chính Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành ngôi vị (hypostase) cho thân xác, vì chưng Ngôi Lời không kết hợp với một thân xác đã có hiện hữu độc lập từ trước, nhưng chính Ngôi Lời đã trở thành ngôi vị cho thân xác... đến mức ngay khi thân xác hiện hữu thì cùng lúc thân xác đó đã là thân xác của Ngôi Lời Thiên Chúa, và cùng lúc đó, thân xác được linh hoạt bởi một linh hồn có lý trí và trí tuệ. Chính vì thế mà chúng tôi nói đến một Thiên Chúa nhập thể chứ không nói đến một con người được thần hóa. Đấng tự bản tính đã hoàn toàn là Thiên Chúa, thì cũng chính đấng ấy, tự bản tính, đã trở nên hoàn toàn là con người, Ngài không phải chịu sự biến đổi trong bản tính, và Ngài cũng không xuất hiện cho chúng ta dưới cái vẻ bề ngoài của một con người, nhưng, với thân xác lấy từ Đức Thánh Trinh Nữ, được linh hoạt bởi một linh hồn có lý trí, trí tuệ, khi thân xác đó tìm được sự hiện hữu nơi Ngài thì Ngài kết hợp theo ngôi vị với thân xác nhưng không lẫn lộn, không biến đổi, cũng không phân chia. Ngài đã không biến đổi bản tính của thần tính Ngài thành bản thể của thân xác, cũng không biến đổi bản thể của thân xác Ngài thành bản tính của thần tính Ngài. Ngôi Lời cũng không làm thành chỉ một tính phức hợp (nature composée) hợp bởi thần tính và nhân tính mà Ngài đã mang lấy.[1]

2. - “Bà đã được sinh ra không phải vì bản thân Bà”

Ôi, người nữ yêu kiều, vô cùng diễm phúc! “Trong nữ giới có người là diễm phúc và đáng chúc tụng thay hoa quả lòng người”. Ôi hỡi Bà, là nữ tử Vua David và là Mẹ Thiên Chúa, Vua vũ trụ! Người là kiệt tác sống động, thần thiêng mà Thiên Chúa Đấng Tạo Dựng lấy làm vui thỏa, thần trí của Người được Thiên Chúa dẫn dắt; Người chỉ chú tâm đến một mình Ngài và tất cả niềm khát khao của Người chỉ hướng đến một điều duy nhất đáng khát khao và yêu mến, Người chỉ nổi giận trước tội lỗi và kẻ đẻ ra tội lỗi. Bà sẽ có được sự sống vượt trên tự nhiên. Vì chưng, Bà có được sự sống ấy không phải vì bản tính, cũng như không phải vì bản thân Bà mà Bà được sinh ra trong cuộc đời: chính vì Ngài mà Bà sinh ra, chính vì Ngài mà Bà sẽ phục vụ cho ơn cứu độ phổ quát, để cho ý định xưa kia của Thiên Chúa, là việc Nhập Thể của Ngôi Lời và việc thần hóa chúng tôi, nhờ Bà mà được thành sự (...) kỳ công trên mọi kỳ công: Một phụ nữ được đặt trên cả các Séraphims, bởi lẽ Thiên Chúa đã xuất hiện trong sự tự hạ “dưới các thiên thần một chút” (Tv 8,6)! Chớ gì Salomon, người rất mục khôn ngoan, hãy lặng thinh và đừng nói: “Chẳng có gì mới dưới ánh dương” (Gv 1,9)... Thánh thay Thiên Chúa, Ngôi Cha, Đấng đã muốn trong Bà và nhờ Bà mà mầu nhiệm đã định từ trước muôn đời được thành sự.[2]

3. - “Đấng vô hình đã trở nên hữu hình (...) bạn có thể làm ra ảnh tượng”

Nếu bạn hiểu rằng Đấng tự bản tính là vô xác thể đã làm người vì bạn, thì như thế dĩ nhiên bạn có thể làm ra ảnh tượng về con người của Ngài. Bởi vì Đấng vô hình đã trở nên hữu hình khi mặc lấy thân xác nên bạn có thể làm ra ảnh tượng của Đấng mà người ta đã nhìn thấy.

Bởi chưng Đấng không có thân xác, không hình dạng, không lượng, không chất, Đấng vượt trên mọi cao cả vì sự ưu việt của bản tính Ngài, thì chính Ngài, vốn mang bản tính thần linh, đã nhận lấy những nét đặc biệt của con người. Vậy bạn hãy khắc trên gỗ và trình bày cho người ta chiêm ngắm Đấng đã muốn trở nên hữu hình.[3]

4. - Lạy Chúa, Chúa đã gọi con phục vụ con cái Chúa

Lạy Chúa, chính Chúa đã cho cha con sinh ra con, cho con thành hình trong dạ mẹ. Chính Chúa đã cho con chào đời, mang tấm thân bé thơ trần trụi, vì các định luật chi phối bản tính loài người chúng con đều phải tuân theo các mệnh lệnh của Chúa.

Nhờ phúc lành của Chúa Thánh Thần, Chúa đã chuẩn bị cho con được dựng nên và hiện hữu, không phải do ý muốn của người đàn ông, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, nhưng do ân huệ của Chúa, ân huệ không sao tả hết được. Khi chuẩn bị cho con chào đời, Chúa ân cần đến dộ vượt lên trên các định luật chi phối bản tính loài người chúng con. Khi nhận con làm con, Chúa cho con được nhìn thấy ánh sáng, xem con như thành viên của Giáo Hội thánh thiện và tinh tuyền của Chúa.

Chúa đã dưỡng nuôi con bằng sữa thiêng, nghĩa là lời của Chúa, Chúa đã bổ sức con bằng bánh trường sinh là Mình Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa chúng con, Con Một chí thánh của Chúa. Chúa đã cho con được uống thỏa thuê chén rượu thần, tức là máu ban sự sống mà Đức Giêsu đã đổ ra để cứu độ toàn thế giới.

Lạy Chúa, vì yêu chúng con, Chúa đã ban Con Một dấu yêu của Chúa làm giá chuộc chúng con. Người đã chấp nhận cứu chuộc chúng con chứ không khước từ. Hơn nữa, Người phải chịu sát tế như con chiên vô tội, và chính Người đã dấn thân vào công việc ấy; bởi vì tuy là Thiên Chúa, Người đã làm người và đã dùng ý muốn theo bản tính loài người của mình để phục tùng, vâng lời Chúa là Thiên Chúa và là Cha của Người “cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự”.

Vì vậy, lạy Đức Kitô là Thiên Chúa của con, Chúa đã hạ mình xuống để vác con trên vai như vác con chiên lạc, chăn dắt con trong đồng cỏ xanh tươi và dưỡng nuôi con bằng nguồn nước, tức là giáo lý chân thật, qua trung gian các vị mục tử của Chúa. Chính Chúa là mục tử chăn dắt các ngài, để rồi các ngài lại chăn dắt đoàn chiên Chúa đã chọn lựa và ưu ái.

Giời đây, lạy Chúa, Chúa đã gọi con phục vụ con cái Chúa qua việc đặt tay của vị thượng tế. Vì sao Chúa quan phòng lại chọn con: điều đó chỉ một mình Chúa biết.

Nhưng lạy Chúa, xin làm nhẹ bớt gánh tội nặng nề của con, những tội con đã phạm làm mất lòng Chúa một cách trầm trọng. Xin thanh tẩy trí hồn con. Xin Chúa nên như ngọn đèn chiếu sáng mà dẫn con theo nẻo chính đường ngay.

Xin đặt lời của Chúa vào miệng con, xin cho lưỡi con nói năng ngay thẳng và thành thạo, nhờ lưỡi lửa của Thánh Thần Chúa, để con luôn sống dưới cái nhìn của Chúa.

Lạy Chúa, xin chăn dắt con, xin cùng với con chăn dắt đoàn chiên Chúa, để tâm hồn con không nghiêng bên phải, ngả bên trái. Chớ gì Thánh Thần Chúa hướng dẫn con trên đường ngay nẻo chính và những việc con làm đều diễn ra theo ý Chúa cho đến cùng.

Ôi Hội Thánh cao sang rạng ngời và tinh tuyền rất mực! Ôi cộng đoàn cao quý đang mong đợi được Thiên Chúa phù trì! Ôi Hội Thánh, nơi Thiên Chúa nghỉ ngơi, xin nhận lấy giáo lý đức tin do chúng tôi trao lại. Đó chính là giáo lý các giáo phụ đã truyền lại cho chúng tôi, giáo lý không mảy may lầm lạc, sẽ làm cho Hội Thánh nên mạnh mẽ vững vàng.[4]

5. - Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai

Vì Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa sẽ do bà Anna sinh hạ, nên lẽ tự nhiên đâu dám qua mặt ân sủng mà trổ bông trước được. Do đó, theo lẽ tự nhiên, bà Anna vẫn son sẽ cho tới khi ân sủng làm cho bà mang thai. Sở dĩ thế là vì con trẻ sắp ra đời phải là trưởng nữ để (sau này) trở thành mẹ của Đấng là “trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, nơi Người tất cả đều tồn tại!”.

Lạy Thánh Gioakim và Thánh Anna là đôi bạn thật diễm phúc! Mọi thọ tạo đều mắc nợ các ngài. Quả thật, nhờ các ngài, giới tạo thành dâng lên Đấng Tạo Hóa của lễ cao trọng nhất, là Thánh Mẫu tinh tuyền, người duy nhất xứng đáng với Đấng Tạo Hóa.

Reo mừng lên, lạy thánh Anna, “hỡi bà son sẻ, không sinh con; hãy bật tiếng reo hò mừng vui, hỡi bà chưa một lần chuyển dạ”. Hãy nhảy mừng, lạy thánh Gioakim, vì từ ái nữ của ngài, “một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta; danh hiệu của Người là sứ giả thực hiện kế hoạch lớn lao, cứu độ toàn thế giới, là Thiên Chúa dũng mạnh”. Quả thật, trẻ thơ ấy là Thiên Chúa.

Lạy thánh Gioakim và thánh Anna là đôi bạn thật diễm phúc và rất thanh sạch! Người ta nhận biết các ngài là nhờ hoa quả lòng dạ các ngài, như Chúa đã nói ở đâu đó: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai”. Các ngài đã sống cuộc đời đẹp lòng Thiên Chúa và xứng đáng với người con sinh ra từ các ngài. Các ngài đã đem lại một viên ngọc quý của đức trinh khiết nhờ nếp sống thánh thiện và trinh trong, đó là Đấng trinh khiết trước khi sinh con, trinh khiết trong khi sinh con và trinh khiết sau khi sinh con. Chỉ có Đức Trinh Nữ luôn luôn duy trì được đức trinh khiết cả trong tâm trí, cả trong linh hồn và cả nơi thân xác nữa.

Lạy Thánh Gioakim và Thánh Anna là đôi bạn thật thanh sạch, khi giữ đức thanh sạch theo luật tự nhiên, các ngài được Thiên Chúa ban cho ân huệ vượt tính tự nhiên, đó là các n đẹp dịu dàng biết bao! Ôi ái nữ của Adam và là Mẹ của Thiên Chúa. Phúc thay lòng dạ đã cưu mang và đã sinh ra Mẹ! Phúc thay đôi vòng tay đã bồng bế Mẹ! Phúc thay hai khuôn mặt đã được Mẹ ôm hôn! “Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát! Hãy cất tiếng reo hò, cất tiếng lên, đừng sợ!.[5]

 

 

 

 


[1] Exposé de la foi orthodoxe III, 2, PG, 985A-988A; Trad. M. Jugie, “Jean Damascène” D.T.C. col. 731, complétée.

[2] Sur la Nativité 9-10, SC no.80, pp. 69-73; Trad. P. Voulet.

[3] Sur les images 1, 8, PG 94, 1250A,bản dịch của M. Quenot. L’Icône, Paris, pp. 57.

[4] Trích Bản xưng đức tin của thánh Jean Damscène L. M. Cap. 1: PG. 95, pp. 417-419.

[5] Oratio 6, in Nativitate B.M.V. 2.4.5.6: pp. 96, 663.669.670.