Sunday, 29 March 2020 15:39

Thời Bút Chiến Về Kitô Học: Thánh Maxime Le Confesseur - Người Tuyên Tín (580-662) Featured

GIÁO PHỤ HỌC - PATER ECCLESIAE

(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ

***

***

CHƯƠNG V

THỜI BÚT CHIẾN VỀ KITÔ HỌC

(431 - 750)

***

PHẦN I

CÁC GIÁO PHỤ ĐÔNG PHƯƠNG

CUỘC ĐỐI ĐẦU GIỮA ALEXANDRIE VÀ ANTIOCHE

***

ĐOẠN IV

MAXIME LE CONFESSEUR: NGƯỜI TUYÊN TÍN (580-662)

 

I. MỘT CHỨNG NHÂN TỰ CHUỐC LẤY CÁI CHẾT THẢM KHỐC

Sau cuốn “Liturgie cosmique” (Phụng vụ hoàn vũ) của Urs von Balthasar (1941) khuôn mặt Maxime le Confesseur đã khiến bao nhiêu tác phẩm ra đời, đặc biệt kể từ hai thập niên cuối cùng này, và tất cả đều nhất trí nhìn nhận Maxime mệnh danh “Người tuyên tín” (le Confesseur) là thần học gia thần bí vĩ đại, nhưng người ta lại không đồng ý với nhau về các biến cố của cuộc đời ngài trong 50 năm đầu cũng như tiến triển tư tưởng của ngài về tín lý. Về quãng đời rất dài nhưng không được rõ của ngài (580-662), người ta nghi nhận mối quan hệ của ngài với Hoàng đế Héraclius (610-641), và việc ngài lưu ngụ ở đan viện Chrysopolis trên bờ Bosphore. Năm 632, ngài xuất hiện như một đan sĩ tại Carthage, dưới quyền của Sophrone (de Jérusalem).

Trong lúc Sophrone đi đến các nơi để chống thuyết nhất ý, thì Maxime ở lại Phi châu và theo đuổi công trình thần học lớn lao của mình. Ngài nổi danh đến nỗi Pyrrhus, vị cựu thượng phụ Constantinople, người kế vị Sergius nhưng đã bị truất chức năm 645, đã đến đối đầu với ngài trong một cuộc tranh luận công khai, và rốt cuộc Pyrrhus phải chịu khuất phục. Maxime sang Roma cùng với vị này. Ngài tham dự Công Đồng Latran năm 649, không rõ với tư cách nào, chỉ biết rằng ngài đã đóng một vai trò khá quan trọng, cùng với Đức Giáo Hoàng Martin I chịu trách nhiệm về các quyết định của Công Đồng. Vì không chấp nhận bất cứ nhượng bộ nào đối với Chính Quyền, ngài bị bắt năm 653, bị giải sang Constantinople, rồi bị lưu đầy. Khi Giáo Hoàng Martin I qua đời năm 655, Maxime, vì thái độ bất khuất không hề lay chuyển trước các mưu toan hòa giải, ngài đã bị chuyển từ Thrace đến tận bờ Hắc Hải. Dù già yếu, ngài vẫn luôn luôn là con người bất khuất, bị cắt lưỡi, chặt bàn tay phải, và hoàn tất cuộc tử đạo (martyre, tuyên chứng) của mình bên Caucase, ngày 13 tháng 8 năm 662.

Công trình trước tác của Maxime là một cuộc tìm kiếm, với những do dự và tiến triển của nó. Chính các tựa đề cũng thường minh chứng điều đó. Chúng ta có thể tạm phân loại tác phẩm của ngài, nhưng vẫn ý thức rằng, tư tưởng của ngài bàng bạc trong tất cả:

- Loại chủ yếu là về chú giải gồm: 65 vấn đề gởi Thalassius, 19 vấn đề và nghi vấn, 3 vấn đề gởi Théopemptus, chú giải Thánh Vịnh 59, chú giải Kinh Lạy Cha.

- Loại chủ yếu về tín lý gồm: Các vấn nạn (Ambigua), giải thích các bản văn của Gregoire de Nazianze và của Dnys l’Aréopagiste, 27 tiểu luận thần học và bút chiến, 200 chương về thần học và nhiệm cục (2 Centuries sur la théologie et l’économie). “Tranh luận với Phrrhus” (Dispute avec Pyrrhus) thuật lại cuộc tranh luận năm 645 và một số bức thư mà thực ra là khảo luận.

- Tác phẩm thiêng liêng và tu đức thì gồm một số bức thư khác, 400 chương về đức ái (4 Centuries sur la charité) cùng với “Đối thoại về đời sống tu đức” (Dialogue sur la vie ascétique), 200 chương về tri thức và nhiệm huấn (2 Centuries gnostiques et la Mystagogie) dựa trên nền tảng phụng vụ. Tóm lại, đây là một công trình đồ sộ và độc đáo.

II. MỘT KITÔ HỌC TẾ VI

Maxime là người có óc triết học, sử dụng ngôn ngữ chuyên môn, vả lại, rất khó hiểu. Có lẽ cũng vì thế mà ngài làm cho Kitô Học tiến triển hơn so với “Tome de Léon à Flavien” và ngay cả so với Sophrone. Đức Kitô, cùng với con người, nằm ở tâm điểm huyền nhiệm vĩ đại của Thiên Chúa. Con người là trung tâm của tạo dựng, là hình ảnh của Thiên Chúa, và trong một mức độ nào đó con người đã mang ơn gọi thực hiện sự thống nhất (unificateur). Thế nhưng tội của Adam, mà từ muôn thủa Thiên Chúa đã dự kiến trước trong kế đồ của Người, và (Adam) đã không hối tiếc về tội của mình, chính tội Adam đã biến khả năng yêu thương thành những thèm khát nhục dục và ích kỷ. Nói theo kiểu đối nghịch mà Maxime rất thích sử dụng thì “cách” (tropos) sống của con người không còn phù hợp với “Lý tính” (logos, hay nguyên lý) của bản tính mình nữa, không còn phù hợp với ơn gọi cốt yếu của mình nữa. Sự bất tuân của con người đã phá hỏng chương trình của Thiên Chúa. Tạo vật sa ngã đã rời xa Đấng tạo dựng. Hiệp nhất nhường bước cho chia rẽ. Tuy nhiên, “Thánh Ý vĩ đại, vô lường vô hạn, từ trước muôn muôn đời của Thiên Chúa”, qua việc Nhập Thể của Ngôi Lời của Ngài, đã làm cho Ngôi Lời trở thành Đấng Trung Gian tuyệt hảo giữa thụ tạo (le crée) và bất thụ tạo (l’incrée). Và theo Maxime, một sự tái lập như thế (restauration) sẽ không thể có được trong một quan niệm nhất ý về Đức Kitô (monothélite, Đức Kitô chỉ có một ý chí): Làm sao có thể canh tân mình cách tự do nếu nơi Đấng Trung Gian không có ý chí nhân loại? Chính trong mạch tư tưởng đó, Maxime đã đưa ra quan niệm rất tế vi về hai bản tính nơi Ngôi Lời Nhập Thể.

Vào những năm 633-634, trong thư gởi Pyrrhus, Maxime cũng như Giáo Hoàng Honorius vì chú tâm đến tính duy nhất của ý muốn cụ thể (vouloir concret) nơi Đức Giêsu, đã nồng nhiệt tán thành “sắc lệnh” của Sergius mà không nghĩ đến việc phân biệt hai ý chí nơi Đức Kitô. Sau đó, khi suy tư lâu dài về cơn hấp hối của Đức Giêsu, dưới ánh sáng học thuyết của ngài về “nguyên lý” (logos)“cách” (tropos) hiện hữu, dần dần ngài đã chống lại chủ trương của Sergius. Ngài lưu ý rằng, để giữ cho mỗi bản tính không bị biến tính (altérée) trong “nguyên lý” (logos) yếu tính của mình, thì hai bản tính thiết yếu phải có những năng lực và hoạt động cùng thuộc về bản tính (connaturelles), nhất là ý chí, vì ý chí là nguồn của năng lực và hoạt động. Nhưng, mặt khác, bản tính và các đặc tính, trong cụ thể, lại nằm trong “cách hiện hữu” (mode d’existence), nằm trong một chủ vị hành động (personne agissante), và trong trường hợp ở đây, là ngôi vị độc nhất của Đức Kitô, thủ lĩnh nhân loại. Ở mức độ của “cách” (hiện hữu) được nâng cao, vượt trên bản tính này, ý muốn nhân loại (vouloir humain) vẫn giữ nguyên vẹn “nguyên lý” thuộc bản tính của mình, đồng thời tự nguyện hiệp nhất với thái độ làm con của Ngôi Lời, nhất là trong tiếng “xin vâng” của cơn hấp hối, và như thế, ý muốn nhân loại đón nhận một “cách” sống mới. Nói theo kiểu của F. M. Lethel, “Ơn cứu độ của chúng ta được một Ngôi vị Thần linh muốn bằng một ý muốn nhân linh - theo ý chí nhân loại của Ngài”. Như thế, Một Đức Kitô duy nhất trong cả hai bản tính của Ngài là tác nhân “muốn và hành động” của Ơn Cứu Chuộc (agent volitif et opératif - Maxime).

Việc canh tân bản tính nhân loại - không bị biến tính, nhưng được thuần hóa nhờ hiệp thông với Thiên Chúa trong Ngôi vị của Ngôi Lời Nhập thể - kéo theo “sự canh tân mọi bản tính” và việc tái thống nhất mọi thực tại: “Nhờ Đức Kitô, nghĩa là mầu nhiệm theo Đức Kitô, mọi thời đại và tất cả các thực tại trong các thời đại đó nhận lấy nơi Đức Kitô khởi điểm và chung cục của hiện hữu”. Như thế là hoàn thành điều mà con người, ngay cả tín hữu, không thể nào thực hiện được, đó là “sự hiệp nhất đã được tiên liệu từ trước muôn đời giữa giới hạn và vô hạn; giữa lường hạn và vô lường (... ), giữa đấng sáng tạo và thụ tạo”.

III. MỘT MẦU NHIỆM TÌNH YÊU

Mỗi người đều có thể dấn mình vào đà thần hóa ấy (élan divinisateur), trong đó “nguyên lý (logos) của các bản tính” được tái định hướng, tìm lại được sức cuốn hút của “Nguyên lý” (Logos) vĩ đại, tức là Ngôi Lời sáng tạo, thông dự vào sức năng động thuộc yếu tính của toàn thể công trình tạo dựng. Phần mỗi người là đón nhận lấy “cách hiện hữu” làm con của Đức Kitô (mode d’existence filial). Phương thế đó chính là tình yêu; môi trường là Giáo Hội và các bí tích. Tất cả công trình nhập thể cứu chuộc là mầu nhiệm tình yêu.

Maxime không ngừng nói đến vị trí hàng đầu của Đức Ái, được diễn tả cách đặc biệt qua lòng thương xót đối với tha nhân; “Ai noi theo lòng nhân ái của Thiên Chúa, thuyên chữa mọi khổ đau của những kẻ bất hạnh, theo cách thế của Thiên Chúa, người đó sẽ nên như Thiên Chúa”. “Do lòng yêu thương con người, Thiên Chúa trở thành người (s’humaniser, nhân hóa) vì yêu người trong mức độ con người, một khi được củng cố bởi đức ái, được thuần hóa cho Thiên Chúa”. Thật là ý nghĩa khi Maxime dành chương cuối cùng của tác phẩm “Nhiệm huấn” (Mystagogie, dẫn vào mầu nhiệm) để bàn về Đức ái. Chính Bí Tích Rửa tội đưa đến “cách sinh ra” mới (mode de naissance) và đem người Kitô hữu, qua bí tích Thánh Thể, vào trong mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, theo sau Đức Kitô. Đức ái là sự nối dài và là sự hoàn tất của Phụng vụ. Như vậy, trong lòng Giáo Hội, mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời đạt tới tầm mức viên mãn nơi con người, đặc biệt nơi các đan sĩ, và nơi toàn thể công trình tạo dựng.

Maxime là kết quả của một truyền thống hết sức phong phú. Bầu khí tác phẩm của ngài mang đậm nét của trường phái Alexandrie. Nhà thần học thần bí này, mặc dù có khuynh hướng triết lý, nhưng đã suy tư và sống trong sự cung chiêm Ngôi Lời vĩnh cửu. Trong thực tế, ngài đã lấy hứng rất nhiều từ Origène, các Giáo phụ Cappadoce, Denys l’Aréopagite,... Tuy nhiên, ngài lại là người bảo vệ hai bản tính của Đức Kitô theo hướng của các nhà Thần học Antioche và Đức Giáo Hoàng Léon Cả. Về tu đức, ngài thường theo Evagre. Nói chung, ngài tiếp nhận kho tàng phong phú của các bậc tiền bối, điều chỉnh, xác định rõ hơn, và vượt lên trên các vị đó, làm thành một tổng hợp, trong đó “tất cả thống nhất với nhau”: nhân học, vũ trụ luận, linh đạo,... Và điều này được đưa ra giữa lòng một thế giới đang bị đảo lộn, đang bị người Ba Tư, Hồi giáo và lạc giáo hoành hành. Kết thúc công trình, ngài đã chết cho những tư tưởng của mình, đúng hơn, chết cho “Giáo Hội Công Giáo”, vốn không gì khác hơn là “lời tuyên xưng đức tin thẳng thắn và mang lại ơn cứu độ”. Đông Phương xem Maxime như một buổi hoàng hôn rực rỡ.

***

PHỤ TRƯƠNG

 

1. - Một bị cáo hiên ngang và đanh thép

(Người ta được biết chi tiết cuộc tra vấn là nhờ thư ký Anastase (bạn của Maxime). Giữa những màn đe loi hay dụ dỗ, Maxime lúc nào cũng tỏ ra hiên ngang, bình thản, vững vàng và rành mạch trong các lời tuyên tín của mình, và thường là những lời thẳng thắn và đanh thép. Khi được hỏi: Tại sao ông lại yêu người Roma và ghét người Hy Lạp, thì người tôi tớ Thiên Chúa trả lời: chúng tôi được lệnh truyền không được ghét ai cả. Tôi yêu người Roma vì niềm tin của họ là niềm tin của tôi. Tôi yêu người Hy Lạp vì ngôn ngữ của họ là ngôn ngữ của tôi. Sau đây là trích đoạn một phiên tòa.)

Quan Serge nói với ngài: “Ta thường xuống xà lim của người ở Bebbas, và nghe ngươi giảng dạy. Đức Kitô có thể trợ giúp ngươi đấy, vậy thì đừng sợ. Tuy nhiên có một điều duy nhất ngươi làm cho mọi người buồn lòng, đó là: vì ngươi mà nhiều người xa lìa sự hiệp thông với Giáo Hội ở đây”.

Người tôi tớ Chúa đáp: “Liệu ai có thể khẳng định rằng, tôi đã nói “đừng hiệp thông” với Giáo Hội Byzance?”.

Serge trả lời: Sự kiện ngươi không hiệp thông tự nó đã là một tiếng nói mạnh mẽ, bảo mọi người đừng hiệp thông rồi”.

Người tôi tớ Chúa đáp: Không có gì mãnh liệt bằng sự trách cứ của lương tâm, cũng không có gì làm vững lòng hơn sự tán thành của lương tâm”.

Bấy giờ, ngài Troilos, vì nghe tin “Typos” (Chiếu chỉ của Constantin II) bị vạ tuyệt thông trên toàn cõi Tây Phương, đã nói với người tôi tớ Chúa: Tư tưởng của vị Hoàng đế sùng đạo của chúng tôi đã bị đối xử xấc láo, phải thế không?”.

Người tôi tớ Chúa đáp: “Nguyện xin Thiên Chúa thứ tha cho những kẻ đã thúc đẩy Hoàng đế viết ra Typos và cho cả những kẻ tán thành chiếu chỉ đó”.

Troilos nói: “Vậy những ai đã thúc đẩy Hoàng đế và những kẻ nào tán thành?”.

Maxime đáp: “Kẻ thúc đẩy Hoàng đế là những vị đại diện của Giáo Hội, và kẻ tán thành là các thủ lĩnh chính trị. Đó cũng là lý do tại sao những kẻ chịu trách nhiệm về vết nhơ lại trút vết nhơ trên người vô tội, không hề dính vào bất cứ lạc giáo nào”.[1]

2. - Con người được ban cho “hiện hữu, hiện hữu tốt đẹp và luôn luôn hiện hữu”

Các hữu thể thì nằm ngoài tinh thần, còn trong chính tinh thần thì chỉ có biểu tượng (représentation) về các hữu thể. Nhưng với Thiên Chúa, Đấng Vĩnh Hằng, Vô Hạn, Vô Hình thì hoàn toàn khác, Ngài là Đấng ban cho chúng ta hiện hữu, thiện hữu và thường hữu.

Bản tính có tinh thần và lý trí thông dự vào Thiên Chúa chí Thánh bằng chính hữu thể của mình, bằng khả năng hiện hữu tốt đẹp (tôi muốn nói, bằng khả năng hướng đến sự thiện, hướng đến khôn ngoan) và bằng ơn huệ nhưng không, đó là luôn được hiện hữu. Chính nhờ sự thông dự đó mà con người (bản tính có tinh thần và lý trí) nhận biết Thiên Chúa. Còn về các thụ tạo thì con người có được tri thức về chúng, tôi xin lặp lại, là nhờ nhận thức về Khôn Ngoan, Đấng đặt định vạn sự mà con người chiêm ngắm nơi các tạo vật, và Khôn Ngoan lại hiện diện nơi tinh thần trong trạng thái thuần khiết chứ không hiện diện dưới dạng bản thể.

Thiên Chúa, Đấng là chính Hữu Thể, chính Thiện hảo, là chính Khôn Ngoan, hay đúng hơn, nói cho cùng, Ngài siêu vượt trên các phẩm tính ấy, Thiên Chúa tuyệt đối không thể có những phẩm tính trái ngược nhau. Nhưng các thụ tạo, vốn hiện hữu là nhờ một sự thông dự hoàn toàn nhưng không, và các hữu thể có lý trí và trí tuệ, tất cả đều có những phẩm tính trái ngược: bên cạnh hiện hữu là phi hữu (non-être, hư vô), bên cạnh khả năng trở nên tốt lành và khôn ngoan là tính ác độc và sự ngu dốt. Thế nhưng, sự hiện hữu hay không hiện hữu (non-existence) của mỗi thụ tạo là tùy ý muốn của Đấng sáng tạo nên chúng; còn thông dự hay không thông dự vào Thiện Hảo và Khôn Ngoan thần linh thì lại tùy ở ý muốn của các hữu thể có lý trí.[2]

3. - “Nguyên lý” (Logos) và “Cách” (Tropos)

LTS: Các Giáo phụ Cappadoce giải thích rằng, nguyên lý (logos) của bản tính chung cho cả Ba Ngôi Thiên Chúa và thuộc về duy nhất tính (monade, unité) còn “cách” (tropos) hiện hữu (phụ hệ, tử hệ, nhiệm xuất tức là các tương quan) thì thuộc riêng mỗi ngôi vị (personnes) và thuộc về cá vị [ hypostase = L’Être déterminé, différencié, existant à part, soi]. Maxime đã nhận lấy hai khái niệm này và áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là trong nhân học (anthropologie), nhằm phân biệt điều thuộc bản tính với điều thuộc ngôi vị, và từ đó áp dụng vào Đức Kitô. Mỗi bản tính với điều thuộc ngôi vị, và từ đó áp dụng vào Đức Kitô. Mỗi bản tính của vị “Thần nhân “ (L’Homme Dieu), Thần tính và nhân tính,luôn luôn giữ nguyên vẹn “nguyên lý” (logos) của bản tính cũng như các đặc tính gắn liền với bản tính nhưng tính duy nhất của ngôi vị mang lại cho hai bản tính một “cách”hiện hữu mới “canh tân các bản tính” bằng cách nâng cao các bản tính trong các hoạt động của chúng “vượt lên trên bản tính”. Như trong cơn hấp hối của Đức Kitô,ý chí nhân loại vốn ghét đau khổ và bộc lộ sự khước từ đau khổ, nhưng cũng chính ý chí nhân loại đó, trong ngôi vị của Ngôi Lời, đã thuận theo chương trình cứu độ của Chúa Cha và muốn chịu đau khổ. Như thế, ý chí nhân loại một cách nào đó đã được thần hóa trong lựa chọn của mình, đồng thời vẫn là ý chí nhân loại nguyên vẹn, khác biệt với ý chí của Ngôi Lời. Sau đây là một vài áp dụng sự phân biệt giữa Logos và Tropos hết sức quan trọng nơi Maxime.[3]

Tất cả các kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đất Hứa hoặc nơi các xứ sở mà Israel cũ đi qua, thì Ngài cũng thực hiện như vậy khi canh tân bản tính của thực tại; tuy nhiên, canh tân bản tính ở đây phải hiểu là canh tân về “cách” hoạt động của bản tính (mode de son énergie) chứ không phải về “nguyên lý” (logos) theo đó nó hiện hữu.[4]

Ý muốn (vouloir, xét là năng lực, tài năng) và muốn một cách nào đó (thể hiện của ý muốn) là hai điều khác nhau (...). Ý muốn (...) thì đều có nơi mọi hữu thể cùng một bản tính, và cùng một giống loại. “Muốn một cách nào đó”... là “cách” sử dụng ý chí (...) và điều này chỉ có nơi chủ vị sử dụng ý chí và làm nổi rõ ý chí theo sự khác biệt hiểu theo nghĩa thông thường.[5]

(Ngôi Lời), vẫn hoàn toàn duy nhất khi đảm nhận thân xác vốn được phú một linh hồn có lý trí và trí tuệ, đã trở thành người do một ý muốn khôn tả, Ngài đã và đang là thế nào thì Ngài vẫn là như thế, vẫn là Đấng toàn năng, khi canh tân các bản tính theo một “cách” vượt trên bản tính, hầu cứu độ con người.[6]

Nơi Thiên Chúa, các hoạt động thuộc bản tính tự nhiên của ý chí không diễn ra như nơi chúng ta, khi Ngài thực sự đói và khát. Ngài đã không đói khát theo “cách” của chúng ta, nhưng theo một cách cao siêu hơn cách của chúng ta. Và quả thực, Ngài đã chịu điều đó cách tự nguyện. Cũng thế, khi Ngài thực sự sợ hãi, thì Ngài đã không sợ hãi theo cách chúng ta, nhưng vượt trên chúng ta. Nói cho kỳ cùng, những gì thuộc bản tính tự nhiên nơi Đức Kitô thì Ngài liên kết làm một với mình, nhờ “nguyên lý” của riêng Ngài và theo một “cách” vượt lên trên bản tính ngõ hầu bản tính được bảo đảm bởi “nguyên lý” (logos), đồng thời nhiệm cục được bảo đảm bởi “cách” (tropos).[7]

“Lạy Cha, nếu có thể, xin cất chén này khỏi con, nhưng xin đừng theo ý con, một xin theo ý Cha”. Khi nói như thế Đức Kitô tỏ cho thấy khuynh hướng của ý muốn nhân loại trong cơn phiền sầu thổn thức của Ngài; tuy nhiên, khuynh hướng đó đã mang lấy dấu ấn của Ngài và đã được đem tới hiệp nhất với ý muốn Thiên Chúa qua sự tự nguyện đưa “nguyên lý” của bản tính tự nhiên vào trong “cách” của Nhiệm cục [= chương trình cứu chuộc]; Ngài nói đến “nguyên lý” của các bản tính hiệp nhất với nhau và nói đến “cách”hiệp nhất theo ngôi vị, chính cách hiệp nhất đó đã canh tân các bản tính nhưng không biến đổi cũng không lẫn lộn.[8]

Nói một cách tổng quát, mọi đổi mới đều nhắm tới “cách” của sự vật được đổi mới, chứ không diễn ra nơi nguyên lý của bản tính. Quả vậy, một sự đổi mới về “nguyên lý” sẽ làm hỏng bản tính, vì bản tính không bảo toàn được nguyên lý trong đó nó hiện hữu, nguyên lý đó đã bị biến chất, biến tính. Nhưng, sự đổi mới về “cách” vừa gìn giữ nguyên vẹn “nguyên lý” của bản tính, đồng thời tỏ lộ năng lực kỳ diệu vì nó cho thấy một cách hiển nhiên bản tính hoạt động và thụ nhận (nature active et passive) vượt ra ngoài khả năng tự nhiên của nó.

4. - Hai ý muốn hiệp thông với nhau trong cơn hấp hối của Đức Kitô

Đức Kitô, trong cuộc khổ nạn mang ơn cứu độ, lúc Ngài đã thực sự in sâu ý muốn của con người chúng ta nơi Ngài và như một con người, khẩn xin cất sự chết xa khỏi Ngài, thì Ngài đã như tỏ cho thấy nơi Ngài có hai ý muốn... Thế nhưng trong việc dâng lời khẩn xin Thiên Chúa cũng như việc Ngài có ý tỏ cho thấy sự yếu đuối của Ngài qua niềm thổn thức phiền sầu của con người xác thịt, thì Ngài không hề có thái độ chống lại Thiên Chúa, không hề khăng khăng với ý của mình, nhưng thưa lên: “Nếu có thể... nhưng xin đừng cứ ý con một xin theo ý Cha” và nối kết niềm khắc khoải thổn thức với một thái độ mạnh mẽ và quyết liệt trước cái chết. Ngài đã thực sự in sâu nơi Ngài những gì thuộc về (bản tính) chúng ta xuyên qua cơn phiền sầu thổn thức của giây phút đó hầu giải thoát chúng ta khỏi phiền sầu, mang lại bảo đảm cho bản tính xác thịt mà Ngài đã nhận lấy làm của mình, và làm cho Nhiệm cục thoát khỏi mọi dáng vẻ của thuyết ảo thân.Và theo hướng ngược lại, Ngài đã trực tiếp đưa dẫn khát vọng tột cùng của ý chí nhân loại của Ngài, đến chỗ kết hợp chặt chẽ và hiệp thông với ý muốn của Cha và cũng là của chính Ngài, khi Ngài quyết định bằng những lời lẽ này: “Song đừng cho ý của Con, mà là ý của Cha được thành sự”. Nhờ câu nói cuối cùng này mà loại bỏ được sự phân chia giữa hai bản tính và nhờ câu nói ở trên mà loại bỏ được sự lẫn lộn giữa hai bản tính.[9]

5. - Không gì mang hình dạng Thiên Chúa cho bằng lòng mến Thiên Chúa

Quả thật, không gì mang hình dạng Thiên Chúa (déiforme) cho bằng lòng mến Thiên Chúa, không gì huyền nhiệm hơn, không gì nâng cao con người hơn trong sự thần hóa; lòng mến chứa đựng, qui tụ nơi mình, mọi thiện hảo mà lời chân lý xếp vào số các nhân đức, và hoàn toàn xa khỏi tất cả những gì mang dáng vẻ sự dữ, bởi lòng mến là sự viên mãn của lề luật và các tiên tri. Sau các tiên tri, huyền nhiệm lòng mến đã đến biến con người chúng ta thành thần linh, thâu tóm những gì là riêng lẻ, bất toàn của các giới luật vào trong một ý niệm phổ quát, kiểu mẫu độc nhất và từ lòng mến, Thiên Chúa quan phòng phân phát ra dưới muôn vàn cách thế...

Quả là điều khiến ta phải bàng hoàng kinh sợ khi nghe thấy việc, chính Đấng tạo nên thiên nhiên (bản tính), vì lòng mến, đã mặc lấy bản tính của chúng ta, phối hiệp với bản tính đó theo ngôi vị, nhưng không làm nó bị biến đổi, hầu chận đứng sự sa ngã, phân tán của bản tính, đưa nó về lại với Ngài, đồng thời bản tính tìm lại được sự thống nhất nơi mình, và tâm tình đối với Ngài hay trong chính mình không còn có sự khác biệt với nhau nữa. Ngài đã tỏ cho thấy hết sức rõ ràng con đường vô cùng vinh quang của lòng mến, một con đường thực sự là thần linh và thần hóa vì nó dẫn tới Thiên Chúa và thậm chí người ta nói rằng Thiên Chúa là lòng mến (Tình yêu). Con đường này ở khởi thủy đã bị những bụi gai của tình yêu ích kỷ che lấp, nhưng, bằng những đau khổ Ngài chịu vì chúng ta, Ngài đã cho chúng ta một hình ảnh đầu tiên về con đường của lòng mến nơi chính mình Ngài và đã khai quang cho tất cả mọi người một cách nhưng không.[10]

6. - Hội Thánh thực hiện sự hiệp nhất

Chính như thế mà Hội Thánh xuất hiện trong vai trò thực hiện cho chúng ta những hiệu quả như Thiên Chúa (thực hiện), cũng như hình ảnh tác động theo như Nguyên Mẫu của mình. Vì có nhiều và hầu như vô kể nam phụ lão ấu, khác biệt với nhau và hết sức khác nhau về sự sinh trưởng và dáng vẻ bên ngoài. Về quốc tịch và ngôn ngữ, về lối sống và tuổi tác, về hiểu biết và nhất là về danh vọng, về của cải, tính tình và các tương quan; thế nhưng, tất cả đều sinh thành trong Hội Thánh và nhờ hoạt động của Hội Thánh mà tái sinh và được tái tạo nhờ Thánh Thần. Với mọi người Hội Thánh đã trao ban và đang trao ban cách đồng đều một hình thái và một danh hiệu thần linh duy nhất, đó là thuộc về Đức Kitô và được mang danh Ngài. Hội Thánh cũng trao ban cho mọi người, thể theo đức tin, một cách thế hiện hữu duy nhất, thuần nhất và bất khả phân chia, và vì thế không cho phép phân biệt vô số những khác biệt không diễn tả hết được đang có giữa mỗi người trong họ mà ngay cả khi có sự phân biệt như thế cũng không được phép, vì mối tương quan chung và vì sự hiệp nhất mọi người trong Hội Thánh; chính vì mọi người mà tuyệt đối không ai bị tách ra khỏi cộng đoàn, bởi vì tất cả cùng qui tụ và được hiệp nhất với nhau nhờ hoạt động của ân sủng đức tin.

Vì thế, như đã nói trên, Hội Thánh là hình ảnh Thiên Chúa thực hiện cùng một sự hiệp nhất giữa các tín hữu như Thiên Chúa. Cho dù các tín hữu hết sức khác biệt nhau về ngôn ngữ, về nơi sinh sống và về tập quán, nhưng họ được kết hợp lại với nhau trong Hội Thánh nhờ đức tin. Thiên Chúa cũng thực hiện sự hiệp nhất này giữa các yếu tính của các hữu thể mà không làm chúng lẫn lộn với nhau, bằng cách giảm nhẹ và kết hợp chúng với nhau, như chúng ta đã chứng minh, nhờ mối tương quan nối kết sự khác biệt giữa chúng lại với chính Ngài, Đấng là nguyên nhân, nguyên lý và là cùng đích.[11]

 

 

 


[1] PG 90. 124C-125A, Théologie de l’abonie du Christ; Trad. Fr. Lethel. Đoạn văn này không nằm trong những đoạn mà H. Rahner trích dẫn trong “L’Eglise et l’Etat dans le christianisme primitif”, pp. 30-325.

[2] MAXIME, Centuries sur la Charité III SC no 9, pp. 130-133trad. J. Pégon.

[3] Các trích dẫn và phần lớn các bản dịch ở đây mượn lại của:J.M. Garrigues, Maxime le Confesseur, Paris 1976, pp. 107, 135-136, phần chú thích 145-149 và 164

[4] Difficultés, 42, PG 91, 1344D.

[5] Dispute avec Pyrrhus, PG 19, 292D-293A.

[6] Lettres 13, PG 91, 532BC.

[7] Dispute avec Pyrrhus, PG 91, 297D-300A..

[8] Opus, théol. et pol. 3PG 91, 48C.

[9] Opusc. théol. et pol. 16 PG 91, 196C-197A; trad. J. M.J. Garrigues, Maxime le Confesseur, Paris, 1976, pp. 147.

[10] Lettre 2. A Jean le Cubiculaire, PG 91, 393B-396C et 404 Trad. I. H. Dalmais, Vie Spir. Oct. 1948, pp. 296 et 301.

[11] MAXIME, Mystagogie I, PG 91, 665C-668C.Bản dịch của M. Lot-Borodine, Irenikon, XIII, 1936, pp. 596-597 (reprise par A.G. Hamman. L’initiation chrétienne. Lettres chrétiennes n. 7, Paris, 1963, pp. 256-257.