Sunday, 29 March 2020 15:39

Thời Bút Chiến Về Kitô Học: Thánh Léon Le Grand (390/400 – 461) Featured

 GIÁO PHỤ HỌC - PATER ECCLESIAE

 (THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

 Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ

***

***

CHƯƠNG V

 THỜI BÚT CHIẾN VỀ KITÔ HỌC

 (431 - 750)

***

PHẦN II

 CÁC GIÁO PHỤ TÂY PHƯƠNG

***

 ĐOẠN I

 THÁNH LÉON LE GRAND (THÁNH LÉO CẢ)

(390/400 - 461)

 

I. TIỂU SỬ

Thánh Léo, vị nối ngôi Đức Giáo Hoàng Sixtus III, có lẽ đã sinh ra ở Roma, khoảng năm 390-400. Ngài là Phụ tế trưởng của Giáo đoàn Roma. Đó là một chức vụ quan trọng, vì thầy Phụ tế trưởng ở Roma là người trợ tế và đại diện Đức Thánh Cha trong các công việc tài chính. Tháng 8 năm 440, ngài được hàng giáo sĩ và giáo dân trạch cử lên ngôi Giáo Hoàng.

Giáo Hội và Đế quốc Roma lúc đó đang gặp tình trạng nhiễu loạn. Vị Tân Giáo Hoàng, trong trường hợp khó khăn này, đã tỏ ra là một người không hổ thẹn với chức vụ của mình.

A.- THÁI ĐỘ CỦA NGÀI ĐỐI VỚI QUÂN MAN DI

Tháng 8 năm 452, Attila dẫn quân man di Hung Nô xâm chiếm Âu châu gieo rắc sự kinh hoàng cho mọi người ở khắp nơi. Attila đem quân tiến về Roma. Khi đoàn quân của ông sắp vượt qua sông Minciô, chính Đức Thánh Cha Léo đến gặp ông, theo sau ngài là một đoàn các Linh mục và tu sĩ, vừa đi vừa hát Thánh Vịnh. Từ bên này sông, Attila lên tiếng hỏi: Ông tên gì? Ngài đáp: Tôi là Giáo Hoàng Léo. Vị tướng đó lưỡng lự, đem ngựa qua sông và đến hội kiến với Đức Giáo Hoàng Léo. Sau một lúc hội đàm, vị tướng man di đó thay vì tiếp tục tiến quân tàn phá Roma lại cho lệnh rút quân. Đạt được kết quả như thế là nhờ có uy tín và tài ngoại giao của ngài với một số tiền khá lớn kèm theo.

Mấy năm sau, khoảng năm 454, dân Vandales sau khi đã tàn phá Tây Ban Nha và Bắc Phi liền vượt biển tiến đến Roma. Cũng như lần trước, Đức Thánh Cha Léo lại đi điều đình với vị chủ tướng của họ là Genseric. Nhưng không may, cuộc điều đình của ngài lần này đã không ngăn nổi việc cướp bóc kinh thành muôn thuở. Tuy nhiên, nhờ uy tín và tài đức, ngài cũng đã xin được Genseric ra lệnh cho quân sĩ dưới quyền không được tàn sát, đốt phá và đánh đập dân chúng trong lúc hành quân cướp bóc trong 15 ngày liền.

B.- CUỘC CHIẾN ĐẤU CHỐNG LẠI CÁC LẠC GIÁO

Thế kỷ IV xuất hiện những lạc giáo liên quan đến tín điều Ba Ngôi (Nhất vị thuyết). Thế kỷ V, dưới triều đại Đức Giáo Hoàng Léo, lại có nhiều lạc giáo liên quan đến Kitô học. Ta có thể chia ra hai khuynh hướng chính:

- Khuynh hướng của Nestorius bị Công Đồng Ephesus kết án năm 431. Theo khuynh hướng này, người ta quá nhấn mạnh đến thực tại nhân tính của Chúa Kitô, nên thay vì phân biệt nhân tính (vì như thế là đúng), họ lại tách biệt khỏi thần tính. Họ cũng có xu hướng muốn gắn cho Chúa Giêsu, không những có một nhân tính, mà lại có cả một nhân vị khác với ngôi vị Thiên Chúa, tức là Ngôi Lời. Thánh Giáo Hoàng Léo kịch liệt phản đối phái Nestorius này.[1] Ngài chủ trương: Trong Chúa Giêsu, chỉ có một Ngôi vị, tức là NGÔI LỜI.

- Khuynh hướng nhất tính (Monos: một; FusiV, phusis: bản tính). Nếu phái Nestorius quá tách biệt hai bản tính nơi Chúa Kitô, đến nỗi họ có xu hướng muốn gán cho Ngài hai ngôi vị, thì trái lại, phái Nhất tính này không những có ý kết hợp hai bản tính trong Chúa Kitô (và như thế là đúng); nhưng còn đi xa hơn, họ lại có xu hướng hỗn hợp hai bản tính với nhau. Như thế, dường như nơi Chúa Giêsu khi thần tính kết hợp với nhân tính thì đã mất đi một cái gì thuộc về tính cách riêng của mình; và trái lại, dường như trong Chúa Giêsu khi nhân tính kết hợp với thần tính thì cũng đã mất đi một sự gì thuộc về tính cách riêng của mình. Để phản đối lạc giáo chủ trương nhất tính thuyết này, Thánh Léo quả quyết rằng phải phân biệt hai bản tính nơi Chúa Kitô. Ngài đã nói rõ điều đó trong nhiều bài giảng, nhất là trong bức thư trứ danh ngài viết cho Flavien (Epistola dogmatica ad Flavianum). Công Đồng Chalcédoine đã dùng bài giảng này làm tài liệu nền tảng để kết án nhất tính thuyết. Bức thư này cũng là một tài liệu rất quan trọng trong Kitô học.

Xin trích một vài đoạn quan trọng nhất trong thư:[2]

1/. Đoạn III: Trong đoạn này, ngài trình bày về đức tin và những ý định của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể

Những đặc tính của cả hai bản thể đã được giữ nguyên vẹn và được kết đúc lại trong một Ngôi Vị, Đấng Tôn Nghiêm đã nhận lấy sự thấp hèn, vị Toàn Năng nhận sự yếu đuối, và Đấng Vĩnh Cửu đã đón lấy cái chết, và để thanh toán tình trạng mắc nợ của ta, bản tính bất khả xâm phạm đã hợp nhất với bản tính khả thụ để một mình Ngài và chính Ngài, Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại, con người Giêsu Kitô một đàng có thể chịu chết, đàng khác lại không thể chết: như vậy mới hợp với việc cứu chữa ta.

Vậy Thiên Chúa thật đã sinh ra trong bản tính tinh tuyền và hoàn hảo của con người thật: Ngài có hoàn toàn bản tính Ngài và có hoàn toàn bản tính ta. Song, khi ta nói: “bản tính ta” là ta muốn nói đến bản tính mà Tạo Hóa đã dựng nên trong ta từ lúc đầu, và là bản tính mà Ngài đã mặc lấy để sửa chữa lại. Vì chưng, những sự mà ma quỷ lừa dối truyền cho con người, và sự sa đọa mà con người phải chịu, ta không thấy có vết tích nào nơi Chúa Cứu Thế. Không phải vì Ngài đã nhận những sự yếu hèn của nhân loại, mà Ngài đã tham dự vào tội lỗi ta. Ngài đã nhận lấy hình thức tôi tớ không mang vết nhơ tội lỗi. Ngài tăng thêm cho nhân tính mà thần tính của Ngài không bị suy giảm. Quả thực, việc bỏ mình, mà nhờ đó, Đấng vô hình đã nên hữu hình; do đó mà Đấng Tạo Hóa và Chúa tể vũ trụ muốn trở nên một trong những kẻ hay chết, đó là một sự hạ mình vì thương chứ không phải vì bị mất quyền lực.

Như vậy, Đấng vẫn ở trong hình thức Thiên Chúa đã tạo dựng con người, chính Ngài đã làm người, dưới hình thức tôi tớ. Cả hai bản tính vẫn giữ nguyên đặc tính riêng, không hề bị suy tổn, cũng như hình thức Thiên Chúa không hủy diệt hình thức nhân loại, thì hình thức tôi đòi cũng không làm hại gì đến hình thức Thiên Chúa. Bởi chưng, vì ma quỷ vui sướng khi thấy nhân loại bị nó lừa dối mà đã mất ơn Chúa và mất ơn bất tử, phải chịu hình phạt đau đớn là sự chết cũng như ở trong sự khốn nạn nó đã được như một niềm an ủi (cho số phận lỗi nghịch của mình), và cũng vì thấy rằng Thiên Chúa vì lòng công bình của Ngài đòi buộc, đã phải thay đổi ý định riêng của Ngài đối với con người mà Ngài đã dựng nên với biết bao vinh dự, thì Thiên Chúa đã xếp đặt một ý định thầm kín, Ngài là Đấng không hề thay đổi, với một ý chí không thể thiếu lòng nhân từ, và do một sự xếp đặt bí nhiệm hơn nữa, Ngài đã phải làm tròn ý định đầu tiên của lòng nhân từ Chúa đối với ta, để như vậy, dù đã bị đặt vào tình trạng trái lệnh Thiên Chúa vì sự lừa dối và hành vi bất chính của ma quỷ, con người vẫn không phải chết.

2/. Đoạn IV: Đoạn này trình bày những đặc tính của cả hai sự Giáng Sinh của Chúa Kitô

Vậy, con Thiên Chúa Nhập thể trong sự yếu hèn của thế gian. Ngài từ ngai báu trên trời xuống. Song Ngài không từ bỏ sự vinh hiển bằng Ngôi Cha, và sinh ở trong một trật tự mới, bởi một cuộc sinh sản mới. Do đó, một trật tự mới nghĩa là Thiên Chúa có bản tính vô hình, Ngài đã trở nên hữu hình trong bản tính ta. Ngài đã bắt đầu sống trong thời gian. Ngài là Chúa tể vũ trụ, Ngài đã nhận lấy hình thức tôi đòi, sau khi đã che dấu sự tôn nghiêm vô cùng của Ngài. Chúa không thể đau khổ. Ngài bất tử, mà đã tuân phục lề luật của thần chết. Ngài đã sinh bởi một cuộc sản sinh mới: vì là một trinh nữ không tì ố, không biết dục tình, đã hiến cho Ngài thể xác. Vậy Chúa đã thụ lĩnh nơi Mẹ Ngài một bản tính mà không lãnh nhận tội lỗi; và trong Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, sinh bởi lòng Trinh Nữ, cuộc sinh sản đó không phải vì là phép lạ mà đòi phải có một bản tính khác bản tính ta. Ngài là Thiên Chúa thật và Ngài cũng là người thật. Dầu sự hèn hạ của con người chung đúc với sự cao cả của Thiên Chúa, nhưng không hề có sự dối trá trong sự hiệp nhất đó.

Quả thật, cũng như Thiên Chúa không biến đổi gì khi Ngài thương ta, thì cũng vậy, bản tính nhân loại cũng không tan biến vì sự cao trọng của Thiên Chúa. Vì chưng, mỗi bản tính cùng hợp nhất với bản tính kia để làm việc riêng mình. Ngôi Lời làm việc của Ngôi Lời; Nhân tính làm việc riêng của nhân tính. Thần tính sáng tỏ vì các phép lạ, nhân tính lại sa vào những lời nguyền rủa. Cũng như Ngôi Lời vẫn hằng vinh hiển bằng Ngôi Cha, nhân tính cũng không bỏ mất bản tính nhân loại của ta. Ta phải nhắc luôn rằng, chỉ một Đấng và chỉ Đấng ấy thật là Con Thiên Chúa và thật là con người. Là Thiên Chúa vì ban đầu đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời ở cùng Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Là người vì Ngôi Lời đã làm người và ở cùng chúng ta. Là Thiên Chúa vì mọi sự đều do Ngài mà được tạo dựng, và không gì được tạo dựng nếu không có Ngài. Là người vì Ngài sinh bởi người nữ, và sinh trong Lề luật. Sự sinh ra về thể xác biểu thị nhân tính; sự sinh ra bởi người trinh nữ là dấu tích của quyền lực Thiên Chúa. Sự bé mọn của con trẻ tỏ rõ do sự thấp hèn của máng cỏ, sự cao trọng của Đấng Tối Cao đã được công bố do lời các Thiên Thần. Ngài giống các trẻ sơ sinh, Đấng mà Hêrôđê cố công tìm giết một cách bất nhân, song Ngài lại là Chúa tể mọi sự, Đấng mà các đạo sĩ vui mừng khiêm tốn thờ lạy. Vậy khi Ngài đến chịu phép rửa của Gioan là vị tiền hô của Ngài, để cho thần tính bị che bởi màn thể xác được tỏ rõ, thì Ngôi Cha tự trời đã cất tiếng và phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, người rất đẹp lòng ta!”.

Vậy ma quỷ tinh quái cám dỗ Ngài như cám dỗ một người, nhưng các Thiên Thần đến hầu hạ Ngài như hầu hạ một Thiên Chúa: Đói, cảm xúc, mệt nhọc, ngủ,… những điều đó rõ là thuộc về nhân tính; nhưng với năm chiếc bánh mà cho 5 nghìn người ăn no, ban nước hằng sống cho người đàn bà xứ Samari, nước đó ai lấy uống sẽ khỏi hẳn khát, đi trên sóng biển mà chân không tụt dưới nước, truyền cho bão yên để sóng lặng,… như vậy chắc hẳn là việc của Thiên Chúa.

Vậy không nói đến nhiều việc khác nữa, động lòng thương mà khóc một người bạn xấu số không phải là việc của cũng một bản tính như khi bảo mở nắp mồ đã đóng từ bốn hôm trước, và chỉ truyền một lời là khiến cho người đó sống lại; hoặc việc chịu treo trên thập giá với việc khiến trời đang sáng ra tối đen, và khiến vạn vật rung chuyển; hoặc việc mở cửa thiên đàng cho người trộm lành có lòng tin; cũng không phải là một bản tính đã bảo rằng: “Ta và Cha Ta là một”, lại bảo rằng: “Cha Ta lớn hơn Ta”.

Quả thật, dù trong Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, chỉ có một Ngôi Vị cho cả thần tính và nhân tính, nguyên do sự khổ nhục chung thì khác với nguyên do của sự đồng vinh hiển. Nhân tính Ngài lấy ở nơi ta khiến Ngài kém Ngôi Cha; thần tính Ngài có bởi Ngôi Cha khiến Ngài bằng Ngôi Cha.

3/. Đoạn V: Hai bản tính duy nhất trong một Ngôi Vị

Vậy, vì sự duy nhất ngôi vị này - cần phải hiểu đây là sự duy nhất trong hai bản tính - mà một đàng chúng ta nói rằng, Con Người (Fils de l’Homme) xuống từ trời, trong khi Con Thiên Chúa đảm nhận một thân xác từ Đức Trinh Nữ đã sinh ra Ngài; và đàng khác, chúng ta nói rằng, Con Thiên Chúa đã chịu đóng đinh và đã chịu mai táng, nhưng Ngài chịu như thế không phải trong thần tính, theo đó, Ngài là Con độc nhất đồng vĩnh cửu và đồng bản tính với Cha, nhưng trong sự yếu hèn của bản tính nhân loại. Vì thế, tất cả chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính rằng: Con Thiên Chúa đã chịu đóng đinh và mai táng (...) (Đức Kitô Phục sinh đã tỏ lộ nhân tính của Ngài trong bốn mươi ngày), ngõ hầu người ta nhận biết rằng, nơi Ngài, những đặc tính của thần tính và của nhân tính vẫn không bị phân chia, và để chúng ta hiểu rằng, Ngôi Lời không là xác phàm [không lẫn lộn] nhưng đồng thời vẫn tuyên xưng Con Một Thiên Chúa là Ngôi Lời và xác phàm.

Ngoài những lạc giáo chính có liên quan tới Kitô học, Đức Giáo Hoàng Léo còn chống lại những di tích của tà giáo cổ Roma đôi khi vẫn còn ảnh hưởng nơi các tín hữu Kitô. Đàng khác, ngài cũng chống lại một trào lưu triết học tôn giáo rất nguy hiểm ở Roma, đó là thuyết của Manès.

C.- CHỐNG DI TÍCH TÀ GIÁO VÀ LẠC THUYẾT MANÈS

1/. Chiến đấu chống những di tích của tà giáo cổ Roma

Ta thấy trong các bài giảng, Thánh Léo công kích mạnh mẽ những điều mê tín vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng nơi tín hữu. Riêng trong bài giảng thứ 7, người ta thấy ngài chống lại những người phù thủy, những pháp sư, những thầy địa lý, ảo thuật,... Cũng trong bài đó, người ta thấy Thánh Léo khiển trách những giáo hữu vẫn còn theo thói tục ngoại giáo, như nghiêng mình trước mặt trời lúc mới mọc và hôn tay để chào mặt trời. Những phong tục mà Thánh Léo chống lại có lẽ là do ảnh hưởng của tà giáo Mythras: Người ta tôn thờ Mythras, vị thần ánh sáng của xứ Iran, tức là mặt trời mà lễ mừng vào 25-12, ngày đông chí (ngày mặt trời bắt đầu tiến lên quỹ đạo: ngày sinh của mặt trời).

Người ta biết rằng, rất có thể việc chọn ngày 25-12 để mừng Lễ Giáng Sinh đã được Giáo Hội ấn định, vì lý do muốn lấy một ngày lễ trong Kitô giáo (mừng Chúa Kitô là Mặt Trời Công Chính Giáng Sinh) để phản đối hoặc thay thế cho những lễ nghi ngoại giáo mừng ngày đản sinh của thần Mythras (thần mặt trời). Giáo Hội lấy những lễ nghi đó để lấp vào chỗ trống, và để ngày hôm đó các tín hữu khỏi buồn vì không còn được đi dự những cuộc vui của người ngoại giáo.

2/. Cuộc chiến đấu chống thuyết của Manès

Thuyết này là một thuyết nhị nguyên (chủ trương rằng có hai nguyên lý vĩnh cửu: nguyên lý THIỆN tạo nên tinh thần, hồn và nguyên lý ÁC tạo nên thể xác, rồi xác và hồn hỗn hợp với nhau). Thuyết Manès có cùng đích là lập lại tình trạng nguyên thủy, bằng cách đem tinh thần ra khỏi thể xác. Thuyết này mượn mấy yếu tố trong Do Thái Kitô giáo và do Manès truyền bá ở thể kỷ III. Nó tràn lan rất nhanh trong khắp đế quốc Roma. Thuyết này đe dọa trực tiếp đức tin tinh tuyền của Kitô giáo, nhất là vì những hình thức tôn sùng phổ thông của thuyết này thường rất vô luân. Trong những bài giảng và trong các bức thư, Thánh Léo đã tố cáo sự tai hại của lạc thuyết đó, và truyền kết án lưu đầy những người có lỗi nặng nhất hoặc những người không chịu tuyên thệ từ bỏ thuyết này.

D.- ĐỨC LÉO CAN THIỆP VÀO NHỮNG CÔNG VIỆC CHUNG CỦA GIÁO HỘI

Đức Giáo Hoàng Léo có một ý niệm rất cao về chức vụ Giáo Hoàng, và về quyền bính của ngài. Đối với ngài, chức vụ Giáo Hoàng là trung tâm điểm của Giáo Hội. Điạ vị của ngài đối với toàn thể các Giám mục trên khắp thế giới là như địa vị của thánh Phêrô đối với các Tông đồ. Đức Giáo Hoàng Léo nghĩ tưởng, nói và hành động với tư cách một lãnh đạo tối cao của Giáo Hội. Các nghị quyết của ngài không những chỉ có trong phạm vi nước Ý, nhưng còn có hệ đến cả các xứ Gaule, Tây Ban Nha, Phi Châu, Illirie, Alexandrie, Antioche và Constantinople.

Đặc biệt là tại Công Đồng Chalcédoine (451) uy danh Giáo Hoàng lên tới tột độ. Tuy Đức Giáo Hoàng Léo không đích thân đến chủ tọa, nhưng ngài cử các đặc sứ đến đại diện. Bức thư ngài viết gởi Flavien được tất cả các Đức Giám mục hoan nghênh. Cả về từ ngữ và tư tưởng thần học trong bức thư đều được dùng làm nền tảng cho những quyết nghị tín lý của Công Đồng. Nhưng điều luật 20 của Công Đồng đã buộc lòng các vị đặc sứ phải dè dặt và phản đối. Nguyên văn khoản luật đó như sau:

“Các Nghị phụ ở Constantinople đã công nhận một cách hợp lý cho giáo đoàn Roma có những đặc ân vì là kinh đô của đế quốc. Cũng bởi một lý do đó, các ngài đã thuận cho kinh thành Roma mới tức là Constantinople cũng phải có những đặc ân trong hàng giáo phẩm và phải là kinh đô thứ nhì sau Roma. Các nghị phụ ở Chalcédoine cũng nghị quyết như vậy về vấn đề những đặc ân của giáo đoàn Constantinople, một kinh thành Roma mới”.

Điều luật 20 này tự nó không phải là lạc giáo hoặc ly giáo, vì điều luật đó vẫn công nhận một cách ám tàng và rõ rệt quyền ưu tiên của Giáo đoàn Roma đối với cả Đông Phương. Dầu vậy, Đức Giáo Hoàng Léo cũng cương quyết không chấp nhận điều đó, vì theo ngài quyền ưu tiên của Giáo đoàn Roma đối với toàn thể thế giới không phải tại giáo đoàn đó ở trong kinh đô đế quốc nhưng chính vì người đã sáng lập giáo đoàn này là thánh Phêrô, người mà Chúa Kitô đã chọn lựa và đặt làm đầu các vị Tông đồ.

E.- HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỨC LÉO ĐỐI VỚI GIÁO ĐOÀN RÔMA

Đức Giáo Hoàng Léo tuy là vị thủ lãnh của Giáo Hội, nhưng ngài cũng có trách nhiệm đặc biệt coi sóc tín hữu ở Roma. Người ta thấy ngài giảng luôn cho các giáo hữu. Nội dung bài giảng của ngài tuy đơn sơ, nhưng vẫn bao hàm nhiều tính chất thần học. Trong Mùa Chay, ngài thường giảng nhiều về việc hãm mình. Đối với ngài việc hãm mình cần phải đi đôi với Đức bác ái. Đức Giáo Hoàng Léo cũng rất chú ý săn sóc người nghèo: ngài khuyên các tín hữu khá giả hãy hãm mình để giúp người nghèo. Đây trích một đoạn trong bài giảng mà ngài đã giảng trong dịp quyên tiền:

“Vì chưng, mỗi khi chúng ta đem lòng thương xót cứu giúp người túng thiếu thì mỗi người chúng ta đều mưu ích cho chính linh hồn mình. Vì ai nuôi Chúa Kitô ở trong người nghèo khó thì họ thu tích kho tàng ở trên trời. Vậy Người muốn con làm giầu, để nhờ con mà người khác khỏi phải thiếu thốn và nhờ công việc con làm mà Người cứu kẻ nghèo thoát khỏi khổ cực vì túng thiếu và cứu con khỏi muôn nghìn tội lỗi”.

KẾT LUẬN: Thánh Léo mất năm 461, sau khi cai trị Giáo Hội được 20 năm. Lịch sử đã gọi ngài là Léo Cả và quả thực ngài là một trong những vị Giáo Hoàng thời danh nhất trong lịch sử.

II. NHỮNG TÁC PHẨM CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG LÉO CẢ

Ngày nay người ta còn giữ được một số bài giảng và thư từ, cộng thêm cuốn “Nhiệm tích Kinh” (Sacramentarium).

- Các bài giảng: Các bài giảng của Thánh Léo còn lưu lại, tất cả 96 bài. Những bài này thường hơi ngắn. đó là những bài mà ngài đã giảng trong các dịp lễ: độ 20 bài trong dịp lễ Giáng sinh và Hiển linh. Số còn lại là các bài giảng trong dịp lễ Tử Nạn và Phục sinh, trong những ngày ăn chay, dịp lạc quyên, ngày lễ hai thánh Phêrô và Phaolô hoặc trong dịp kỷ niệm ngày thụ phong của ngài. Các bài giảng của ngài (đặc biệt là những bài trong dịp lễ Giáng sinh và Hiển linh), thường có tính cách tín lý. Người ta có thể nhận thấy trong những bài đó dư âm của những tranh luận về Kitô học ở thế kỷ IV. Văn của ngài rất chải chuốt với đặc tính sáng sủa, ý tưởng cao, rõ ràng và thuần túy, hay có những đoạn đối nhau, điệp vận. Thường các bài giảng của ngài có tính cách hùng biện. Tuy nhiên dưới cái vẻ hùng biện hoa mỹ đó, nội dung bài giảng của ngài vẫn tích chứa những tư tưởng vững chắc, mạnh mẽ và rõ ràng kèm theo một tâm hồn cao cả và đơn sơ.

- Các thư từ: Đức Giáo Hoàng Léo có lẽ có một văn phòng riêng mà ngài ủy cho việc chạy các thư từ. Có lẽ vị thư ký chưởng ấn của ngài là Prosper d’Aquitaine. Người ta còn giữ được một tập gồm 173 thư (trong số đó có 20 bức thư giả mạo và 30 thư không phải của ngài). Các thư đó nói về việc cai trị và chỉ huy Giáo Hội và thường là viết gởi các Giám mục. Nhiều thư của ngài có tính cách thần học rõ rệt, nhất là thư gởi Flavien đã được dùng làm nền tảng cho các nghị quyết tín lý tại Công Đồng Chalcédoine. Các thư đó, ngài viết một cách ôn hoà và khôn ngoan.

- Sách SACRAMENTARIUM (Nhiệm Tích Kinh) của Đức Giáo Hoàng Léo: Đó là quyển sách lễ và sách “Giáo chủ Roma” cổ nhất mà hiện nay người ta còn giữ được. Trong đó có một phần Kinh nguyện từ thế kỷ thứ IV và V. Một vài kinh rất có thể đã do chính Thánh Léo biên soạn.

III. GIÁO THUYẾT

Giáo thuyết của Đức Giáo Hoàng Léo gồm ba điểm sau đây:

- Giáo thuyết Thần học (I)

- Giáo thuyết Tu đức (II)

- Đời sống khổ hạnh (III)

A. ĐIỂM I: GIÁO THUYẾT THẦN HỌC

Đôi khi người ta thấy xuất hiện những tác phẩm trình bày giáo thuyết luân lý hay tu đức mà chỉ có liên lạc lỏng lẻo, hời hợt, với tín điều Kitô giáo và các điều khoản trong Kinh Tin Kính. Đó là một sự thiếu sót lớn. Như sách Phúc Âm, các thư Thánh Phaolô và Thánh Gioan minh chứng luân lý Kitô giáo không phải được cấu tạo bên lề tín điều, nhưng là dựa trên và ở trong tín điều Kitô giáo. Một cách nào đó có thể nói luân lý chỉ là tín điều được đem ra áp dụng, là thực hành tín điều và có lẽ không có một lập trường chính thức tin tưởng nào mà không nhất thiết bao hàm một thái độ thực hành luân lý. Nơi Kitô giáo tín điều và luân lý không phải là hai lãnh vực nhưng đúng hơn là hai bề mặt của cùng một mầu nhiệm.

Nơi Thánh Léo, sự liên hệ giữa tín điều, luân lý và đời sống Kitô giáo rất chặt chẽ và chắc chắn. Trong bài Giáo phụ này mục đích trước tiên của chúng ta là nghiên cứu quan niệm về lý tưởng tu đức Kitô giáo trong bài giảng của Thánh Léo, mà muốn được thế, tiên vàn cần phải khảo sát THẦN HỌC của ngài.

1. Đặc tính thần học của Thánh Léo

Thần học khoa nơi Thánh Léo là sự kết đúc vừa là của một kinh nghiệm sâu xa về mục vụ, vừa là của việc nghiên cứu cẩn thận Thánh Kinh và Thánh Truyền. Tuy nhiên, Thánh Léo là một người tương đối ít suy luận và nền thần học của ngài hầu như luôn luôn có đặc tính mục vụ: ít để ý đến việc đặt các vấn đề trưù tượng hơn là nhắm mục đích nuôi dưỡng đời sống Kitô giáo của các tín hữu. Do đó, mặc dù nền thần học của ngài sâu xa và chính xác thường vẫn có bộ mặt đơn sơ và mọi Kitô hữu đều có thể hiểu được. Vả lại, thường thường Thánh Léo ít chú ý đến việc luân lý cho bằng việc trình bày đức tin cổ truyền. Hơn nữa, Thánh Léo thích chiêm ngắm một số những chân lý nòng cốt, những chân lý nền tảng mà ngài ưa chiêm ngắm nhiều lần dưới mọi khía cạnh. Nền thần học của ngài không chịu ngừng lại ở những điều giải thích theo ý riêng hoặc ở những phương diện tùy tòng; nhưng là tiến tói những điều cốt yếu.

Hình như các Giáo phụ Hy Lạp cũng ít có ảnh hưởng nơi Thánh Léo. Khi Thánh Léo theo các ngài thì chỉ là nhờ các bản dịch Latinh. Các Giáo phụ Hy Lạp mà ngài đã chịu ảnh hưởng nhiều đó là Origène, Athanase, Basile, Grégoire de Nazianze, Théophile d’Alexandrie, Cyrille d’Alexandrie. Còn đối với các Giáo phụ Latin, xem ra ngài chịu ảnh hưởng đặc biệt của Hilaire, Ambroise và nhất là Augustin.

Đặc tính chung nền thần học Thánh Léo mà không ai có thể chối cãi là tính cách Kitô hướng tâm (Christocentrisme). Người ta có thể tóm tắt mấy dòng sau đây:

- Thiên Chúa nguyên bởi lòng nhân từ, đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài để chiếu giãi nơi họ sự hạnh phúc tự yếu tính. Nguyên tội và các tội khác đã làm hư hỏng hình ảnh đó nơi mọi người.

- Ngôi Lời, hình ảnh bất thụ tạo hoàn hảo của Chúa Cha Nhập Thể với mục đích sửa chữa lại hình ảnh Thiên Chúa nơi con người. Ngôi Lời Nhập Thể để thực hiện một cuộc tái tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa.

- Cuộc tái tạo hình ảnh Thiên Chúa nơi con người này xét theo nguồn gốc và theo năng thể (en puissance) được thực hiện ngay từ lúc Nhập Thể, được hoàn tất lúc tử nạn, phục sinh và lên trời vinh hiển, hiện thực cho mọi người qua mọi thời đại nhờ ở hoạt động của Chúa Kitô vinh hiển tác động nơi mọi người, bằng Thánh Linh ở trong Giáo Hội: Hoạt động của Chúa Kitô đối với con người vừa là hoạt động quang minh (giảng thuyết) vừa là hoạt động biến cải (nhiệm tích và phụng vụ); cả hai đều do Chúa Kitô mà phát sinh và một đàng được đức tin đáp lại (giảng thuyết) đàng khác do việc thực hành đời sống Kitô giáo (nhiệm tích và phụng vụ). Như thế mỗi người trung tín có thể trở nên tiếu tượng (effigie) của Chúa Kitô, phục hồi trong họ hình ảnh thần linh ban đầu đã bị mất vì nguyên tội.

Dưới đây chúng ta hãy lần lượt nhận xét về những điểm dó. Cho dễ việc, chúng ta có thể phân thành ba đoạn nhỏ:

a/. Đoạn 1: Hình ảnh của Thiên Chúa đã bị mất

Đó là một chủ đề (thème) nền tảng nơi Thánh Léo: Chủ đề này cũng là điểm qui tụ giữa cổ truyền Do Thái và Kinh Thánh với tư tưởng Tân Platon. Thánh Léo không đem lại một cái gì đặc sắc sâu xa so với Thánh Grégoire de Nysse hay Thánh Augustin, nhưng không phải vì thế mà nơi Thánh Léo quan niệm đó là ý sáo, trái lại nơi ngài đó là một tư tưởng mà ngài thích đặc biệt đến nỗi chủ đề cổ truyền này được ngài lặp lại với nhiều điều mới lạ.

Khi bàn về vấn đề tái tạo con người, Thánh Léo nhấn mạnh đến điểm này: là trong khi phú ban cho con người một linh hồn hữu lý (trí năng và ý chí) thì Thiên Chúa đã đánh dấu con người theo tiếu tượng của chính Ngài: “Hỡi người, hãy chỗi dậy và hãy nhận biết phẩm cách và bản tính của ngươi. Hãy nhớ rằng ngươi đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (recordare te factum ad imaginem Dei)”.[3] “Thực vậy, con người đầu tiên đã nhận bởi đất bản thể của xác và đã được làm cho sống động bởi một tinh thần hữu lý do hơi thở của Tạo Hóa, để sống theo hình ảnh và giống tác giả của mình, con người bảo tồn trong sự đẹp đẽ của việc mô phỏng như trong ánh sáng của bức gương một phản ảnh của lòng nhân từ và công chính thần linh”.[4]

Theo kế hoạch đầu tiên của Thiên Chúa, thì sứ mệnh của con người là sống trên mặt đất theo hình ảnh và giống Thiên Chúa: sứ mệnh của họ là làm cho rạng rỡ như trong ánh sáng của một bức gương trong suốt lòng từ ái và công chính của Thiên Chúa: hình ảnh mà trong ý định đầu tiên của Thiên Chúa phải được rạng rỡ hoàn toàn trong vinh quang thiên quốc và trong đó ngay chính xác thể cũng phải trở nên chói sáng bởi ánh sáng của Thiên Chúa: “Nếu con người đã phát triển phẩm cách kỳ diệu của bản tính mình bằng cách tuân giữ hoàn toàn lề luật đã ra thì tinh thần nguyên vẹn sẽ đưa chính cái thể xác ấy về vinh quang thiên quốc”.[5]

Nhưng bởi vì con người là hình ảnh Thiên Chúa nên có tự do. Bị ma quỷ cám dỗ, con người đã không muốn vâng phục Thiên Chúa và do tội lỗi, họ đã làm cho chính mình và đồng thời cho tất cả nhân loại không còn có thể tìm thấy phẩm cách giống Thiên Chúa và mối hy vọng được vinh hiển trên trời.

Thánh Léo quan niệm tội lỗi như một bệnh truyền nhiễm nội tâm, như một vết bẩn của linh hồn. Vì làm mất hình ảnh Thiên Chúa bởi nguyên tội nên con người phải chịu hai hình phạt: một đàng xác thịt phải chết; đàng khác là sự chết của linh hồn mà Thánh Léo đã cụ thể hóa trong thần học của ngài bằng hình ảnh nô lệ ma quỷ: vì khước từ Thiên Chúa, con người phải phục tùng ma quỷ, và chịu nó mặc sức hà hiếp. Một cách nào đó người ta có thể nói theo cách suy tưởng của Thánh Léo rằng: do tội lỗi, con người như đã phó thác mình cho ma quỷ và vì thế ma quỷ có một quyền hành nào đó đối với mọi người. Đó là cái “nợ” con người mang đối với ma quỷ.

b/. Đoạn 2: Sự khôi phục hình ảnh Thiên Chúa đã bị mất nơi con người nhờ việc nhập thể và cứu chuộc của Ngôi Lời

i/. Việc Nhập Thể

Đối với Thánh Léo,việc Nhập Thể tự nó và trong chính nó là căn nguyên nền tảng các ân sủng; việc Nhập Thể tự chính nó có giá trị cứu chuộc; đó không phải chỉ là một điều kiện để cho việc cứu chuộc thập giá có thể có nhưng chính việc Nhập Thể tự nó đã là cứu thoát và đã mang lại ân sủng cho nhân loại. Việc Ngôi Lời Nhập Thể, tự nó, đã bắt đầu khôi phục lại nơi nhân loại hình ảnh Thiên Chúa bị mất do tội lỗi. Đối với Thánh Léo hình như việc Nhập Thể sẽ không xẩy ra, sẽ là vô ích nếu loài người đã không phạm tội. Ý kiến đó đã không được hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, Thánh Léo công nhận giáo thuyết đó mặc dầu trong giáo thuyết về Nhập Thể của ngài có rất nhiều yếu tố làm cho ngài tới gần kết luận về sự cần thiết phải có Nhập Thể để nâng con người lên tới siêu nhiên ngay cả trong trường hợp giả thiết không có nguyên tội và tội riêng: “Nếu con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa đã bảo tồn được cái phẩm cách bản tính của mình thì Đấng Tạo Hóa vũ trụ đã không phải Nhập Thể”.

Vậy việc Nhập Thể là một “sự sửa lại bản tính” (reparatio naturae), là một sự khôi phục lại tình trạng ban đầu. Các quan niệm rất gần Thánh Phaolô này [6] được diễn tả một cách kỳ diệu trong bản văn sau đây: “Thiên Chúa khôi phục lại hình ảnh của Ngài nơi chúng ta và để tìm thấy dấu vết lòng nhân từ của Ngài nơi chúng ta, Ngài ban cho chúng ta được quyền làm cái mà chính Ngài làm nhờ ánh sáng mà Ngài soi sáng trí khôn chúng ta và nhờ đức bác ái mà Ngài nung nấu trái tim chúng ta, để không những chúng ta yêu chính Ngài mà còn yêu tất cả những sự gì Ngài yêu”.

Nguyên nhân sâu xa của việc Nhập Thể cứu chuộc (cũng như nguyên nhân việc Sáng Tạo) chính là “lòng từ ái Thiên Chúa”. Thánh Léo luôn luôn lặp lại điều đó và ngài cảm động khi nghĩ đến lòng từ ái và lân tuất của Thiên Chúa (misericordia et pietas Domini).

- “Tất cả mầu nhiệm (Nhập Thể) này biểu lộ những hiệu quả của lòng từ bi và những bằng chứng của tình ái Ngài…”.[7]

- “Chính khi yêu chúng ta mà Thiên Chúa khôi phục lại hình ảnh Ngài trong chúng ta”.[8]

- “Cái nguyên nhân của việc hồi phục chúng ta chỉ tìm thấy ở lòng từ ái của Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta sẽ không thể yêu mến nếu trước hết chính Ngài đã không yêu thương chúng ta và nếu Ngài đã không dùng ánh sáng chân lý của Ngài để làm tiêu tan những mờ ám ngu dốt của chúng ta”.[9]

- “Các con rất yêu dấu, đứng trước tình yêu hiển nhiên này tình yêu đã đổ tràn đầy sự giầu có của lòng nhân từ Thiên Chúa nơi chúng ta và tình yêu đó để mời gọi chúng ta đến sự vĩnh cửu không những đã hiến cho chúng ta những gương mẫu hữu ích trong quá khứ (Cựu Ước) mà chính sự hiện diện của CHÂN LÝ đã trở nên hữu hình và có xác (Nhập Thể).[10]

- “Các con rất thân yêu, luôn luôn bằng đủ mọi cách và bằng đủ mọi phương thế lòng nhân từ Thiên Chúa đã săn sóc đến sự cứu rỗi của nhân loại và lòng từ bi đó đã phân phát rất nhiều ơn lành của sự quan phòng trong tất cả những thế hệ trước chúng ta; nhưng trong những thời gian cuối cùng lòng từ bi đó đã vượt quá mức độ lòng nhân hậu thường lệ, khi nơi Chúa Kitô Đấng từ ái đã đến với những tội nhân, Đấng chân lý xuống tới những người lầm lạc, Đấng sự sống đến với những kẻ đã chết”.[11]

- “Không một lời Thánh Kinh nào mà không khích lệ chúng ta luôn vui mừng trong Thiên Chúa; Tuy nhiên mầu nhiệm Giáng sinh của Thiên Chúa mà ngày nay chiếu giãi nơi mắt chúng ta bằng một ánh sáng chói lọi (mầu nhiệm đó) mời gọi chúng ta hãy vui mừng một cách đặc biệt trong sự vui thiêng liêng và nếu chúng ta chạy đến với lòng nhân từ Thiên Chúa mà bởi đó Đấng Tạo Hóa của nhân loại đã trở nên người thì lòng nhân từ đó sẽ nâng chúng ta lên tới bản tính của Đấng mà chúng ta tôn thờ trong bản tính chúng ta:[12] “Các con rất yêu dấu, lòng thương xót không thể diễn tả này đã biểu lộ…”.[13]

Trong tư tưởng Thánh Léo, hai mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu chuộc rất liên hệ mật thiết với nhau; hai mầu nhiệm đó thấm nhập vào nhau: “Thiên Chúa muốn cứu loài người nghĩa là: như chúng ta đã thấy, hồi phục họ trong địa vị ban đầu. Muốn thi hành việc cứu chuộc đó, Ngài đã chọn phương tiện rất thích hợp để tác động nơi con người để biến cải họ, tức là làm việc Nhập Thể”. Thực vậy, đối với Thánh Léo, việc Nhập Thể là một phương thế rất thích hợp để tái lập hình ảnh Thiên Chúa nơi con người, để tái tạo con người: “giống Thiên Chúa”, vì nhờ việc Nhập Thể, trên bình diện trí năng cũng như trong phạm vi ý chí con người nhận được do Thiên Chúa sự kích thích hợp với bản tính của họ. Nhờ có việc Nhập Thể, con người tìm thấy nơi một trong những người đồng loại với mình (Chúa Kitô) những điệu bộ nhân loại để noi theo mà những điệu bộ đó cũng là của Thiên Chúa, những lời nói - mà cũng là những lời nói của chính Thiên Chúa - phải thực hành: nói tóm lại chỉ cần mô phỏng nơi con người Giêsu để lại tìm thấy sự giống Thiên Chúa của mình vì Giêsu là Thiên Chúa.

- “Ngôi Lời trở nên người và đã ở giữa chúng ta. Phải, ở giữa chúng ta, thần tính của Ngôi Lời đã làm cho chúng ta trở nên giống Ngài, chúng ta là thân thể của Ngài từ khi Ngài nhận thân xác trong lòng Đức Trinh Nữ. Nếu cái thân xác của Ngài không phải là một thân xác như chúng ta, nếu thân xác Ngài không phải thực là thân xác nhân loại thì ta không thể nói rằng Ngôi Lời làm người đã ở giữa chúng ta. Nhưng thật sự Ngài đã ở giữa chúng ta và Ngài đã có một bản tính xác thịt như bản tính chúng ta. Đấng Khôn ngoan đã xây dựng cho mình một cái nhà không phải bằng những vật liệu nào đó nhưng bằng chính bản thể riêng của chúng ta và sự kết hợp này được diễn tả một cách rõ ràng trong những lời này: “Ngôi Lời trở thành người và đã ở giữa chúng ta”.[14]

- “Việc công chính hóa loài người trước tiên phải là ở tại Con độc nhất Thiên Chúa đã vui lòng trở nên con người: là Thiên Chúa đồng bản thể với Chúa Cha, Ngài đã trở thành người thật, và theo (bản tính) nhân loại, đồng bản thể với Mẹ Ngài. Chúng ta hãy vui mừng về tính cách có hai bản tính này và nếu không có nó, chúng ta sẽ không được cứu rỗi”.[15]

Chính vì thế, một trong những điểm thần học mà Thánh Léo nhấn mạnh không biết chán là tín điều về “Ngôi Hiệp” (Union hypostatique). Trong lịch sử thần học có thể nói Thánh Léo là người đã có công nhiều nhất trong việc xác định danh từ cho tín điều nền tảng này. Người ta biết rằng bức thư mà ngài gởi cho Flavien dành riêng nói về tín điều này đã được dùng làm nền tảng thần học tại Công Đồng Chalcédoine. Đây xin tóm tắt trong mấy dòng đường lối ngài quan niệm tín điều này: Hết mọi hoạt động của Thiên Chúa sáng tạo: Hết mọi hoạt động ad extra do Thiên Chúa thì đều chung cho Ba Ngôi Vị. Cũng như thánh Augustin, Thánh Léo Cả đã nhấn mạnh rất nhiều về sự duy nhất tự yếu tính và về hành động của Thiên Chúa Sáng tạo.

- “Trong hết mọi hành động đã được làm theo sự an bài của Thiên Chúa để cai trị vũ trụ thì đều bởi sự quan phòng của tất cả Ba Ngôi”.

Sau khi đã nhắc lại nguyên tắc này, Thánh Léo nhấn mạnh rằng, “chỉ một mình Ngôi Lời đã Nhập Thể, mặc dầu bản tính nhân loại nơi Chúa Giêsu đã được cả Ba Ngôi cùng tạo dựng”. Còn về tín điều Ngôi Hiệp, hầu như trong tất cả các bài giảng trong dịp Lễ Giáng sinh, Thánh Léo đều nhấn mạnh đến sự duy nhất của Ngôi vị và về hai bản tính nơi Chúa Giêsu Kitô. Mỗi bản tính giữ tất cả những đặc tính riêng của mình; mỗi bản tính sau khi đã kết hiệp (với bản tính kia) cũng vẫn giữ cái đặc tính khác biệt căn bản của mình, nhưng cả hai bản tính kết hợp rất mật thiết trong ngôi vị độc nhất của Ngôi Lời, đến nỗi những hoạt động của một trong hai bản tính này đều qui vào Ngôi vị duy nhất của Ngôi Lời một cách không phân biệt. Chính cũng là cùng một Đấng, mà trên đường thánh giá, đã tỏ ra yếu hèn nhưng lại đầy uy quyền trong khi phục sinh Lazarô. Chính cũng là cùng một Đấng, mà trên thánh giá có thể chịu chết, nhưng đồng thời lại là người đã chiến thắng sự chết trong ngày Phục sinh.

- “Cả hai bản tính được biểu lộ bằng những hoạt động phân biệt thuộc riêng của mình, nhưng không phải vì thế mà chúng tách biệt nhau. Sự kết hợp luôn luôn là hiện hữu: toàn thể sự thấp hèn ở trong sự tôn nghiêm và tất cả sự uy nghi ở trong sự hèn hạ, không có sự hỗn hợp trong việc kết hợp này và những đặc tính của mỗi bản tính không làm tổn thương đến sự hợp nhất”.[16]

Một đoạn khác:

- “Và cả hai bản tính liên kết với nhau một cách hoàn toàn đến nỗi sự thấp hèn không hề bị tiêu diệt trong sự vinh quang, và sự cao cả cũng không bị giảm bớt vì sự hạ cố. Những đặc tính của mỗi bản tính vẫn tồn tại hoàn toàn trong sự độc nhất của cùng một ngôi vị, sự tôn nghiêm nhận lấy cho mình sự thấp hèn, sức mạnh (nhận lấy) sự yếu đuối, vĩnh cửu tính (nhận lấy) sự suy nhược. Để trả món nợ của thân phận nhân loại chúng ta, bản tính bất khả đạt đã liên kết với một bản thể khả thụ nạn, Thiên Chúa thực thụ liên hợp với con người thật trong sự hợp nhất của Chúa Giêsu; như vậy là đúng liều thuốc mà chúng ta cần: một Đấng trung gian độc nhất và duy nhất giữa Thiên chúa với loài người, Đấng có thể chết một đàng và đàng khác có thể Phục sinh”.[17]

Nhờ sự Nhập Thể, Ngôi Lời đồng bản tính với Chúa Cha trở nên đồng bản thể với nhân loại.

Theo như quan niệm của Thánh Léo (tiếp theo sau Thánh Augustin) về sự di truyền nguyên tội bởi việc truyền giống trong việc vợ chồng, Thánh Léo nhấn mạnh nhiều về việc Chúa Cứu Thế sinh ra bởi Mẹ Đồng Trinh, và ngài cho rằng, sở dĩ nơi Chúa Giêsu không có vết bẩn nguyên tội là tại sự sinh ra đồng trinh này. Nhờ có việc sinh ra đồng trinh này nên nhân tính của Chúa Giêsu vừa trong sạch vừa thoát khỏi ách thống trị của ma quỷ.

- “Ở đâu không có hạt giống nhân loại thì ở đó nguyên tội hư hỏng không thể pha trộn. Con người mới (Chúa Kitô) đã kết hợp với bản tính của con người cũ (Adam) bằng cách gia nhập vào giòng dõi của ông (Adam) nhưng không bị nhiễm sự hư hỏng của nguyên tội”.[18]

Vậy Ngôi Lời trở thành người và Ngài đã ở cùng chúng ta. Trong rất nhiều trang, Thánh Léo bỡ ngỡ và chiêm ngắm sự kỳ diệu lạ lùng của việc Nhập Thể này: “Incomprehensibilis voluit comprehendi”. Không vướng mắc tội lỗi, để cứu thoát chúng ta, Ngôi Lời đã muốn mặc lấy tất cả sự hèn yếu của chúng ta. Nhờ có việc Nhập Thể, con người sử dụng một phương thế thích hợp với bản tính mình để làm lại hay đúng hơn để sửa chữa lại hình ảnh Thiên Chúa nơi họ. Như đã đề cập ở trên, Thánh Léo luôn luôn minh chứng rằng việc Nhập Thể là một phương tiện cứu rỗi hoàn toàn thích hợp với bản tính: nhờ việc Nhập Thể ta đạt tới một tình trạng kỳ diệu hơn cả tình trạng khi mới sáng tạo: “Deus, qui humanae substantiae dignitatem mirabiliter condidisti et mirabilius reformasti”.

Để chống lại những người có khuynh hướng muốn vứt bỏ hoặc muốn giảm bớt thực tế của việc Nhập Thể, Thánh Léo phản đối tất cả những hình thức của phái ảo thân thuyết (docétisme) và nhất là phái Mani:

- “Các con rất yêu dấu, không có (điểm) gì chung giữa mầu nhiệm này với sự sai lạc điên rồ của những người Mani giáo, họ không được tham dự sự tái sinh với Chúa Kitô vì họ chối thực tại sinh ra về phần xác của Ngài do Trinh Nữ Maria; Nếu họ đã không tin nhận sự sinh ra thực sự của Ngài thì họ cũng sẽ không công nhận cuộc tử nạn thực thụ của Ngài”.[19]

Người ta cũng còn đọc thấy điểm phản đối này của ngài chống lại lạc giáo Ảo thân thuyết trong bài giảng 34.[20]

Tóm lại việc tái tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa được thực hiện theo năng thể và theo nguồn gốc ngay từ khi có Nhập Thể, vì chính lúc đó nhân loại được ghép vào thần tính nơi Chúa Giêsu Kitô: “Thực vậy Con Thiên Chúa đã đến phá công việc của ma quỷ; Ngài đã kết hợp với chúng ta và chúng ta đã liên kết với Ngài để (nhờ) sự hạ mình của Thiên Chúa xuống với nhân loại (việc đó đã) là nguyên nhân việc nâng loài người lên tới Thiên Chúa”.[21]

ii/. Sự cứu chuộc

Tuy nhiên, sự khôi phục lại nhân loại theo hiện thể chỉ bắt đầu từ lúc tử nạn và phục sinh. Khi với tư cách một nhà thần học để đi sâu vào nguyên nhân việc chúng ta được phục hồi do cuộc tử nạn, Thánh Léo trình bày hai giải đáp thần học, giải đáp thứ nhất có vẻ hơi nông cạn và có mầu sắc quá pháp lý, còn giải đáp sau sâu xa hơn.

* Giải đáp thứ nhất: nguyên tắc về quyền của Ma quỷ

Từ ngày ông bà nguyên tổ phạm tội, Satan đã được quyền hành đối với nhân loại. Chính Adam là người đầu tiên đã cho Satan được quyền hành đó. Thiên Chúa có thể trực tiếp tha thứ cho nhân loại và chỉ bằng một ý định, Ngài có thể truất quyền của Satan. Song sự công chính hoàn hảo của Ngài lại muốn theo một đường lối khác. Đường lối đó là nhân loại phải được giải thoát trong cùng một bản tính mà nhân loại đã lỗi phạm (Ut nec extra naturam esset naturae reparatio): “Ma quỷ phải đầu hàng chính bản tính mà nó đã thắng khi xưa. Vậy Thiên Chúa vui lòng mặc lấy bản tính nhân loại; bản tính này kết hợp với thần tính mà tự bản thể không hề phải nô lệ Satan vì trong Ngài không bao giờ có vết nhơ tội lỗi. Chỉ vì yêu Chúa Cha và yêu nhân loại, Ngài đã muốn hoà mình vào với nhân loại một cách hoàn toàn đến nỗi dù không phạm tội Ngài đã tự ý chịu đau khổ và chịu chết. Ngài bắt chước chúng ta hoàn toàn, trừ sự tội, để đến lượt chúng ta, chúng ta có thể bắt chước Ngài và thích ứng gương mẫu Ngài. Ma quỷ đã bắt Đấng Công chính phải đau khổ và chết một cách bất công vì khi thấy Ngài chịu đau khổ và khiêm nhường như vậy, nó lầm tưởng Ngài cũng chỉ là người tội lỗi. Ma quỷ đã lạm dụng quyền hành đối với nhân loại tội lỗi; nhưng Chúa Kitô đã lấy lại quyền lực đó của ma quỷ”.

* Giải đáp thứ hai: Phục hồi nhờ Nhập Thể - Cứu Cuộc

Bên cạnh lối giải thích có vẻ hơi pháp lý và thiếu sót trên đây, thánh nhân còn một lối biện giải sâu xa hơn: lối giải đáp ám chỉ đến sự duy nhất giữa mầu nhiệm cứu chuộc và mầu nhiệm Nhập Thể. Ta không nên nói việc Nhập Thể và việc cứu chuộc, nhưng đúng hơn là Nhập Thể - Cứu Chuộc. Tắt một lời: do tình yêu, Ngôi Lời đã Nhập Thể, đã nhập tịch xã hội con người để làm cho chúng ta nhập tịch Thiên Chúa. Nhờ việc Nhập Thể, toàn thể bản tính nhân loại như được ghép, được tháp vào Ngôi Lời Thiên Chúa:

- “Nhờ Ngôi Lời Nhập Thể các bạn đã được khả năng lại tìm thấy Chúa Cha của các bạn... để các bạn được tái sinh theo Thánh Linh của Chúa”.[22]

- “Khi tôn thờ sự Giáng sinh của Chúa Cứu Thế chúng ta, chúng ta mừng chính khởi điểm của chúng ta. Thực vậy, sự Giáng sinh của Chúa Kitô chính là khởi điểm của dân Kitô giáo…”.[23]

- “Nhờ việc Giáng sinh của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta (mà cũng là người thật) đã thực hiện nơi Ngài khởi điểm của một cuộc sáng tạo mới và nhờ việc Giáng sinh của Ngài, Ngài đã ban cho nhân loại một mầm mộng thiêng liêng”.[24]

Theo chân Thánh Phaolô và cũng như Augustin, Thánh Léo nhấn mạnh về ý tưởng này là nhờ việc Nhập Thể chúng ta được “bao hàm một cách huyền diệu” trong Chúa Kitô mà trong Ngài chúng ta lại tìm thấy sự sống, chúng ta được bao hàm cũng một cách như bản tính chúng ta trước kia được bao hàm nơi Adam mà bởi ông chúng ta đã gặp phải sự chết: “Ille Adam per prevaricationem, meruit ut in ipso omnes morerentur... Hic Christus per obedientiam fecit ut in ipso omnes vivificentur”.

Và chính vì tại sự bao hàm huyền diệu trong Chúa Kitô được thực hiện nhờ việc Nhập Thể này mà nhân loại có thể được công chính hóa và được thánh hóa. Không có việc Nhân loại được bao hàm trong Chúa Kitô này thì cuộc tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô sẽ không thể tác dụng tới chúng ta. Chính vì nhờ có việc Nhập Thể mà chúng ta được cứu rỗi bằng sự chết và phục sinh của Chúa:

- “Trong tất cả các con cái loài người, Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta là người độc nhất mà trong Ngài tất cả mọi người đã được đóng đinh chịu chết, mai táng và Phục sinh...”.[25]

Vậy việc Nhập Thể không chỉ là một điều kiện tất yếu (sine qua non) để Chúa Kitô có thể dâng hiến tế cứu chuộc của Ngài; việc Nhập Thể cũng còn là điều kiện tất yếu để hiến tế của Chúa Kitô trở thành tế vật và lễ vật của toàn thể nhân loại (dâng lên Thiên Chúa); việc Nhập Thể là điều kiện để hiệu lực của cuộc tử nạn thông truyền cho nhân loại: “Quả vậy chính mầu nhiệm Nhập Thể này công chính hóa những người bất chính, thánh hóa những tội nhân với điều kiện là chúng ta tin ở Chúa Giêsu Kitô Độc nhất vừa có thần tính và nhân tính thực thụ. Ngài (Thiên Chúa) tiêu diệt tội lỗi của vũ trụ bằng việc Giáng sinh và tử nạn của Chúa Giêsu Kitô”.[26]

Vậy sự Cứu chuộc và việc khôi phục nhân loại được thực hiện nhờ việc chúng ta đồng hóa với Chúa Giêsu Kitô. chính vì tại chúng ta được tháp vào Chúa Kitô, và do đó chúng ta được tháp vào Thiên Chúa nhờ Ngôi hiệp, mà chúng ta được cứu thoát và được thần hóa. Cho nên chính mầu nhiệm Nhập Thể và Giáng sinh của Chúa Giêsu Kitô đã trực tiếp mở đầu cho sự cứu rỗi và việc hồi phục nhân loại.

Việc Thánh Léo nhấn mạnh về sự quan trọng của mầu nhiệm Nhập Thể này không có nghĩa là thánh nhân đã có khuynh hướng sao nhãng ít nhiều vai trò ưu thế của mầu nhiệm chết và sống lại trong việc cứu chuộc nhân loại.

Việc Nhập Thể vẫn đồng thời là điều kiện tất yếu của mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh; đồng thời cũng là khởi điểm tiến tới mầu nhiệm này. xin trích một câu của Cha Hudon: “Nền tảng của công việc khôi phục nhân loại có trong mầu nhiệm Nhập Thể còn tuyệt đỉnh và tới điểm của công việc đó được thực hiện trong cuộc Tử nạn (và Phục sinh)”. Chính Chúa Kitô Phục sinh, một đàng là gương mẫu hoàn hảo, đàng khác là Đấng Cứu chuộc và Đấng Thánh Hóa của người Kitô hữu. Chính Chúa Kitô Phục sinh vừa là nguyên nhân mô phạm và đồng thời cũng là nguyên nhân hiệu quả của việc cứu rỗi nhân loại. Ngay từ trước khi Phục sinh (và Thánh Léo luôn nhấn mạnh về điểm này), cuộc biến dạng của Chúa Kitô đã ban cho các Tông Đồ một niềm hứng thú trước về sự vinh quang của ngày Phục sinh sẽ đến. Nhờ có việc bản tính nhân loại của chúng ta được điền vào bản tính thần linh bằng mầu nhiệm Nhập Thể mà Chúa Kitô Phục sinh có thể tác động cách đầy đủ trong toàn thể nhân loại. Vả lại, việc Phục sinh là kết quả của cuộc tử nạn cũng như việc tử nạn là hiệu quả của tình ái: “Thánh Giá của Chúa Kitô là bàn thờ thực thụ mà trên đó nhờ một tế vật cứu rỗi toàn thể bản tính nhân loại dâng lên Thiên Chúa lễ vật của mình”.

Người ta nhận thấy rằng, Thánh Léo liên kết (ít là một cách gián tiếp bởi Thánh Augustin) với truyền thống Hy Lạp (Irénée, Athanase, Cyrille d’Alexandrie), xét về giáo thuyết nhân loại được bao hàm một cách thần bí trong Ngôi Lời nhờ Ngôi hiệp. Vậy, việc khôi phục con người theo căn bản đã được thực hiện trong ngày Nhập Thể và Giáng Sinh. Hơn nữa, việc khôi phục này được kéo dài, được thực hiện trong từng cử chỉ và thái độ nhân loại của Chúa Giêsu qua suốt cuộc đời trần thế của Ngài. Nhưng tột điểm tình ái của Ngài được biểu lộ trong cuộc hiến tế núi Sọ, và hoàn tất trong ngày Phục sinh và lên Trời. Chúng tôi xin trích một đoạn của Hudon:

- “Việc Nhập Thể, xét theo bình diện hữu thể, đã làm cho nhân loại chúng ta có đồng hình dạng với Thiên Chúa; việc cứu chuộc sau cùng trên núi Sọ, đã hoàn tất công việc đó trên bình diện hoạt động; bản tính nhân loại một lần nữa lại phản chiếu cách hoàn toàn như trong một bức gương trong suốt dấu vết của lòng từ ái và công chính Thiên Chúa... Trong Ngôi Lời Nhập Thể, tất cả nhân loại lại trở nên tốt đẹp trước mặt Thiên Chúa, một lần nữa lại sẵn sàng đón nhận sự tràn đầy của sự sống thần linh, nó trở nên rực rỡ do vẻ ĐẸP bất thụ tạo. Một cách nào đó, tất cả chúng ta được tái sinh với Ngài bởi việc Nhập Thể, chúng ta đã sống trong Ngài sự sống vô tội của Ngài, chúng ta đã đau khổ và đã chết với Ngài trên núi Sọ để sống lại sau khi đã trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa trong Anh sáng của buổi mai ngày Phục sinh”.[27]

c/. Đoạn 3: Giáo Hội, thân thể Chúa, máng thông ơn cứu chuộc

“...Si meminerit quisque cujus corporis membrum sit et cui capiti coaptatum; ne sacrae aedificationi discors compago non haereat”.

Vậy theo nguyên tắc tất cả nhân loại đã được hồi phục nhờ việc Nhập Thể cứu chuộc. Nhưng làm sao để mỗi cá nhân trải qua lịch sử nhân loại có thể được hưởng ân sủng này? Nhờ Giáo Hội.

Để được cứu rỗi, hết mọi người ở mọi thời đại phải tháp nhập vào Chúa Kitô, phải sinh ra trong Ngài, phải đồng hóa với Ngài, phải sống sự sống sự chết và Phục sinh của Ngài một cách linh hoạt và như vậy mới có thể trở nên “hình ảnh Thiên Chúa trong hình ảnh hoàn hảo của Ngôi Lời”. Việc đồng hóa cá nhân của mỗi người trong mọi thời đại này được thực hiện nhờ “hoạt động của Thánh Linh trong Giáo Hội” và, đối với Thánh Léo, Giáo Hội một cách căn bản chính là các nhiệm tích rửa tội và Thánh Thể, giáo huấn mục vụ và tất cả đời sống phụng vụ được sống và được đón nhận với đức tin.

Đời sống Kitô giáo, và đây cũng là một điệp khúc trong việc giảng thuyết của Thánh Léo, cốt ở việc đồng hóa con người với Chúa Giêsu:[28] “Khi tôn thờ sự Giáng sinh của Chúa Cứu Thế chúng ta, chúng ta mừng chính khởi điểm của chúng ta. Thực vậy việc sinh ra của Chúa Kitô chính là khơi điểm của dân Kitô giáo và ngày sinh nhật của đầu cũng là ngày sinh nhật của thân thể. Nếu mỗi người lần lượt được kêu gọi, nếu tất cả các con cái Giáo Hội bị phân chia vì sự nối tiếp của thời gian, dầu vậy toàn thể các tín hữu, sau khi đã ra khỏi giếng rửa tội, đã chịu đóng đanh với Chúa Kitô trong cuộc tử nạn của Ngài, đã Phục sinh trong sự Phục sinh của Ngài, đã được đặt ngồi bên hữu Chúa Cha trong sự lên trời của Ngài thì tất cả cùng sinh ra với Ngài trong ngày (Lễ Giáng Sinh) này”.[29]

Giáo Hội được thai nghén trong ngày Nhập Thể bắt đầu đạt tới sự sung mãn trong hoạt động nhờ có việc Chúa Thánh Linh, Đấng khai sinh cho Giáo Hội và làm cho Giáo Hội sống động, được sai đến. Giáo Hội là Thân thể Chúa Kitô, các chi thể Giáo Hội trở nên chi thể của Chúa Kitô, vì liên kết với Giáo Hội trong đức tin, mỗi người được nối liền với Chúa Kitô, và do đó với Ngôi Lời thần linh và như thế nhờ cái máng này, mỗi người có khả năng được biến đổi theo hình ảnh Thiên Chúa. Việc Nhập Thể tháp Thiên Chúa vào nhân loại một cách chung, còn Giáo Hội tháp Thiên Chúa vào từng cá nhân qua dòng lịch sử nhân loại.

Các Kitô hữu là đền thờ của Thánh Linh và là những chi thể của Chúa Kitô. Chính vì thế mà Thánh Léo luôn luôn kính trọng các thính giả của ngài: Hortor et moneo, sanctitatem vestram... Nếu đối với các tín hữu mà ngài kính trọng như thế thì đối với các Giám mục ngài còn kính trọng hơn nữa: chúng ta hãy nghe lời ngài huấn dụ các Giám mục ở Ý tập hợp lại nhân ngày kỷ niệm thụ phong Giám mục của ngài: “Nec dubio nos abundantiori hodie divinae presentiae gratia visitari, quando simul adsunt et uno lumine micant tot speciosa tabernacula Dei, tot membra excellentissima corporis Christi”.[30]

Và một đoạn tuyệt diệu sau đây khi phủ dụ tín hữu Roma của ngài: “Non ergo dubium est, dilectisimi, naturam humanam in tantam connexionem a Filio Dei esse susceptam, ut non solum in illo homine qui est primogenitus totius creaturae (Col. 1, 18) sed etiam in omnibus sanctis suis unus idemque sit Christus; et sicut a membris caput, ita a capite membra dividi non possint. Quamvis enim non istius vitae sit, sed aeternae, ut sit Deus omnia in omnibus (I Cor. 15, 28), tamen etiam modo templi sui, quod est Ecclesia (Col. 1, 18) indivisus habitator est, secundum quod ipse promisit dicens: Ecce ego vobiscum sum omnibus diebus usque ad consummationem saeculi (Matt. 28, 20)”.

Còn về Chúa Kitô, việc Ngài Lên Trời không những không làm cho Ngài xa vũ trụ, nhưng trái lại trong ngày đó Ngài càng hiện diện một cách đầy đủ với nhân loại nhờ có Giáo Hội sắp len lỏi rải rác trong vũ trụ. Tuy vậy Giáo Hội không thay thế Chúa Kitô; “Giáo Hội làm cho ngài hiện diện”. Chính Ngài (Chúa Kitô) vẫn luôn mãi là Mục tử của đoàn chiên, các vị chăn chiên khác chỉ là những mục tử phụ. Ngài vẫn luôn mãi là Linh mục độc nhất, các linh mục khác chỉ là những thừa tác viên của Ngài. Sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong vũ trụ này được thực hiện nhờ trung gian của Đức Giáo Hoàng và các vị Giám mục. Thánh Léo là một trong những vị Giáo Hoàng đã có ý thức rất cao về chức vụ trung gian (đại diện) cao cả này đối với vị Mục tử tối cao là Chúa Giêsu.

Đối với Thánh Léo, mỗi một hành vi của Giáo Hội vì đã được liên kết mật thiết với Chúa Kitô nên chúng đều trở thành hành vi của chính Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc và vị Mục tử luôn hiện diện và hoạt động. Không thể nên thánh nếu người ta tự tách khỏi ảnh hưởng của Thánh Linh đã được Chúa Kitô gởi đến. Vậy mà Chúa Thánh Linh, Đấng Thánh Hóa này chỉ có thể được tìm thấy ở trong Giáo Hội. Việc sửa chữa lại các chi thể tức là các tín hữu được thực hiện bởi việc kéo dài trong họ một cách bí nhiệm nhưng thực sự những hành vi, những cử chỉ cứu rỗi của đầu của họ: Chúa Kitô. Chúa Kitô trong cuộc đời Palestin của Ngài đã hoàn tất một lần thay vì nhiều lần những hành vi cứu rỗi và khôi phục; những hành vi đó phải được trở nên những hành vi của mỗi chi thể của Chúa Kitô. Mỗi người, để được hồi phục và vinh quang, phải sống giai đoạn nhân đức của cuộc đời Chúa Cứu Thế, phải làm sống lại trong họ của lễ hiến tế của Ngài để được vinh quang trong sự giống Thiên Chúa.

Việc đồng hóa với Chúa Kitô này được thực hiện đồng thời bởi “đức tin”“các nhiệm tích”:

i/. Đồng hóa với Chúa Kitô bởi đức tin

Những hành vi trong quá khứ của Chúa Kitô có thể trở thành hiện tại và kéo dài trong mỗi người chúng ta nhờ đức tin, chính nhờ đức tin mà những hành vi đó có thể một cách cá nhân trở nên những hành vi của chúng ta và cứu rỗi chúng ta. Đức tin hiện tại hóa những hành vi đó cho chúng ta: Hodie... Hodie...

- “Quả vậy, đức tin thực thụ có khả năng này là làm tái hiện cho tâm trí những điều mà người ta không thể chứng kiến bằng sự có mặt; và hoặc là tâm hồn người tín hữu nhớ lại kỷ niệm quá khứ, hoặc họ hướng tới tương lai, sự khác nhau về thời gian không cản trở việc hiểu biết chân lý”.[31]

Đức tin làm cho mọi người ngược dòng thời gian và một cách huyền diệu cho phép mỗi cá nhân trở thành người đồng thời với Chúa Giêsu Kitô. Trong Cứu Ước, Đavit và các phát ngôn nhân đã nhờ đức tin mà có thể tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Cứu Thế. Tắt một lời, có thể nói, đức tin có khả năng làm cho Chúa Kitô tái hiện (trở lại) nơi mỗi chi thể của Ngài để mỗi chi thể được sống lại những mầu nhiệm khôi phục của Ngài: “Vậy, anh em rất thân mến, nếu chúng ta thành thực tin những điều mà miệng chúng ta tuyên xưng thì chúng ta đã chịu đóng đanh trong Chúa Kitô, chúng ta đã chết và đã chịu mai táng, chúng ta được sống lại với Ngài trong ngày thứ ba”.

Như vậy, nhờ có đức tin từ sau ngày lên trời việc Chúa Kitô hiện diện với từng cá nhân vẫn còn tiếp tục kéo dài ảnh hưởng những hành vi khôi phục và cứu chuộc của Ngài nơi những ai đón nhận Ngài bằng đức tin. Cái uy lực của đức tin ràng buộc mỗi tín hữu vào Chúa Kitô giúp ta hiểu tính cách hiện tại của các hành vi cứu chuộc qua dòng lịch sử, còn việc Nhập Thể của Ngôi Lời nói được là nguồn gốc của việc đó (xét theo nhân loại đã do đó mà được tháp vào Thiên Chúa): “Họ cùng chung với Chúa Kitô một bản tính (thần linh) nếu họ đón nhận bằng đức tin Đấng đã đảm lãnh bản tính (nhân loại) và nếu họ đã được tái sinh (trong Phép Rửa Tội) bởi cùng một Thánh Linh, Đấng đã làm cho Chúa Kitô trở nên con trưởng”.

Sự phụ thuộc vào Chúa Kitô, một cách khách quan, đã bắt đầu thực hiện cho mọi người ngay từ lúc Nhập Thể. Nhưng chính “đức tin của mỗi người hiện thực” trong họ qua dòng lịch sử sự phụ thuộc vào Chúa Kitô này. Nhờ có sự kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô bởi việc chúng ta có chung bản tính nhân loại (với Ngài) và bởi đặc ân của đức tin, mà tất cả các hành vi cứu chuộc của Chúa Kitô có một tầm hoạt động trổi vượt không gian và thời gian nhỏ bé trên đất Palestin xưa. Những hành vi này có một giá trị vượt ngoài mọi thời đại và mọi nơi và được thế là vừa do mầu nhiệm ngôi hiệp vừa do hiệu năng của đức tin.

ii/. Đồng hóa với Chúa Kitô nhờ các nhiệm tích (trong Giáo Hội)

Nhưng đức tin chỉ hoạt động trong Giáo Hội hữu hình. Chính Giáo Hội, thân thể Chúa Kitô được phấn kích bởi Thánh Linh, có sứ mệnh di truyền cho nhân loại sự xúc động cứu rỗi này, sự xúc động bắt nguồn từ những hành vi lịch sử của Chúa Kitô. Chính nhờ Giáo Hội hữu hình mà các cử chỉ cứu rỗi của đầu được kéo dài, được tiếp tục trong các chi thể. chính Giáo Hội hữu hình liên kết các cá nhân trong lịch sử với Chúa Giêsu Kitô.

Việc mỗi người có đồng hình dạng với Chúa Kitô này làm cho họ có cùng hình dạng với Thiên Chúa. Việc mỗi tín hữu trở nên thích đáng (approprier) với các hành vi cứu rỗi của Chúa Kitô này được thực hiện đặc biệt nhờ các nhiệm tích. Từ ngữ “Sacramentum” có một ý nghĩa rất phong phú nơi Thánh Léo thường có ý chỉ cách đặc biệt đến phép “Rửa Tội và Thánh Thể” và cũng ám chỉ đến “năm phụng vụ”. Chính những tâm tình của Chúa Giêsu Kitô, tâm lý của Ngài, hữu thể của Ngài, cách sống của Ngài trở thành hiện tại và tác dụng nhờ các nhiệm tích này trong Giáo Hội hữu hình.

* Nhiệm tích Rửa Tội

Muốn đầy đủ, cần phải nói trong nhiều trang. Ở đây chỉ vắn tắt nói rằng nhiệm tích Rửa tội có mục đích kéo dài nơi mỗi người, làm cho mỗi cá nhân hưởng thụ những hiệu quả của việc Nhập Thể, tử nạn và Phục sinh. Người được Rửa Tội sinh ra với Chúa Kitô và như thế dự phần vào bản tính thần linh Ngài. Họ chết và sống lại với Ngài bằng cách chết cho con người cũ và phục sinh cho con người mới.

“Bản tính nhân loại đất bụi của chúng ta bị chúc dữ trong con người sa ngã đầu tiên thì nhờ việc sinh hạ độc nhất này của Trinh Nữ diễm phúc, đã sinh một chồi được chúc phúc, và thoát khỏi sự xấu của dòng dõi mình. Người ta tham dự vào khởi điểm thiêng liêng của mình khi người ta được tái sinh: đối với tất cả những ai được tái sinh cho sự sống thì nước Rửa tội là như lòng Trinh nữ và cũng một Thánh Linh, Đấng xưa đã làm cho Trinh nữ thụ thai nay lại làm cho giếng Rửa tội có kết quả: việc thụ thai thánh thiện của Trinh nữ đã làm cho Ngài thoát khỏi tội lỗi, việc thanh tẩy bí nhiệm cũng tẩy xoá chúng ta khỏi tội lỗi”.[32]

* Nhiệm tích Thánh Thể

Với nhiệm tích Rửa tội việc đồng hóa với Chúa Kitô đã bắt đầu được thực hiện và sẽ bước một bước xa hơn nhờ Thánh Thể, một nhiệm tích làm cho tín hữu dần dần quen với số phận vinh quang của mình, vì được lãnh Chúa Kitô Phục sinh trong bí tích này ngay ở đời này để chuẩn bị cho cuộc phục sinh vĩnh viễn mai ngày trên Thiên quốc.

* Năm phụng vụ: Hiện đại hóa các mầu nhiệm của Chúa Giêsu

Theo Thánh Léo thì chu kỳ năm Phụng vụ có mục đích ghi sâu nơi các tín hữu những nét của Chúa Kitô và làm cho họ càng giống Ngài hơn. Những mầu nhiệm của Chúa Cứu Thế, đặc biệt là những mầu nhiệm Nhập Thể, Giáng Sinh, Hiển Linh, Tử Nạn, Phục Sinh, Lên Trời và Linh Giáng tất cả đều in sâu nơi các người đã chịu phép Rửa Tội sự sống của họ với Chúa Kitô nhờ đức tin và nhờ việc lãnh nhận Thánh Thể. Đời sống Phụng vụ nhằm mục đích làm cho có cùng hình ảnh với những tình trạng căn bản của Chúa Giêsu. Vậy đối với Thánh Léo, đời sống Phụng vụ là thành phần toàn vẹn của các mầu nhiệm cứu chuộc: nó là phương thế để kéo dài đời sống cứu độ của Chúa Giêsu trong các chi thể của Thân Thể Ngài. Thánh Léo luôn luôn quả quyết về vai trò của phụng vụ trong việc hiện tại hóa các mầu nhiệm của Chúa Giêsu:

“Việc sứ thần Chúa báo tin cho các mục tử đang thức coi giữ bầy chiên của họ cũng đã vang dậy nơi tai chúng ta; chúng tôi đã được đặt đứng đầu bầy chiên của Chúa; bởi vì chúng tôi bảo tồn những lời Chúa trong lòng chúng tôi: như thế trong ngày lễ hôm nay một lần nữa (sứ thần) lại nói: Này ta báo cho anh em và cho toàn dân một tin rất vui mừng: hôm nay Đấng Cứu Chuộc đã sinh ra cho chúng ta, Ngài là Kitô và là Chúa”.

KẾT LUẬN: Vậy, nhờ có Nhập Thể cứu chuộc, qua trung gian của Giáo Hội, sự huy hoàng của Thiên Chúa đã tràn đầy vũ trụ trong thời sơ thủy sáng tạo lại một lần nữa dần dần xâm nhập vào nhân loại và nâng con người lên một địa vị, một phẩm cách còn đẹp đẽ hơn địa vị đầu tiên của Adam: “mirabiliter condidisti... mirabilius reformasti” – “Tâm điểm của động lực tái tạo này chính là mầu nhiệm Ngôi-hiệp”.

B. ĐIỂM II: GIÁO THUYẾT TU ĐỨC: SỰ HOÀN THIỆN KITÔ GIÁO THEO THÁNH LÉO

Đức tin và các nhiệm tích Rửa Tội, Thánh Thể, đời sống phụng vụ không đem lại cho Kitô hữu sự giống hoàn toàn với Thiên Chúa: những nhiệm tích này chỉ gieo trong lòng con người một “hạt giống” (mầm mộng) để lớn lên. Con người phải săn sóc vun xới hạt giống ấy. Và sự săn sóc này được thực hiện nhờ việc thi hành các việc lành bề ngoài, nhờ việc thực hành hãm mình, Kinh nguyện và tham dự đời sống phụng vụ và nhiệm tích. Thánh Léo còn hay dùng một hình ảnh khác; theo ngài, tất cả cuộc đời Kitô hữu phải hoạt động để khắc sâu, để nêu rõ các nét giống Thiên Chúa. Mỗi người với sự cố gắng tự do, phải cộng tác với hoạt động của Thánh Linh trong việc thánh hóa này.

Quan niệm của Thánh Léo về đời sống tu đức hay sự hoàn thiện Kitô giáo gồm hai phần:

1. Tìm lại hình ảnh (sự giống như) Thiên Chúa nơi bản thân: Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên Trời là Đấng trọn lành[33]

a. Trở nên hoàn thiện tức là trở nên một phản ảnh của Thiên Chúa

“Chớ gì con người bắt chước Tạo Hóa của mình”.[34]

Đó là lý tưởng mà Thánh Léo luôn trình bày cho dân chúng Roma dưới rất nhiều hình thức. sự hoàn thiện đối với con người cốt tại việc chiếu dọi trong linh hồn mình, vẻ huy hoàng thần linh. Để được thế, đời sống tu đức trước hết sẽ cốt ở việc “quét dọn” linh hồn, vứt bỏ những bụi đất làm dơ bẩn tấm gương của linh hồn, lúc đó linh hồn sẽ có thể phản ảnh trung thành trong nó hình ảnh Thiên Chúa. Chúng ta hãy nghe lời ngài khuyên trong Mùa Chay: “Vậy, các con rất thân yêu, chúng ta hãy lợi dụng những qui định của một thời kỳ rất thuận tiện (Mùa Chay) và chúng ta hãy chú ý nhiều hơn vào việc lau chùi những tấm gương là tâm hồn chúng ta”.

Công việc tu đức được quan niệm như một việc lau chùi tâm hồn để Thiên Chúa được phản chiếu ở đó một cách rõ hơn này đã làm cho Thánh Léo coi tội lỗi là như một vết vẩn, một sự tồi tàn làm lu mờ tấm gương bạc của linh hồn.

Do đó tất cả những cái gì làm lu mờ sự thuần khiết của tâm hồn thì cần phải được lau chùi cẩn thận và làm cho nó rất bóng nhờ sự cố gắng tránh tội.

Hoặc: “Nếu chúng ta nhìn ngắm khởi điểm của việc tạo dựng của chúng ta bằng đức tin và sự khôn ngoan thì chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa để họ (trở nên người) bắt chước Tạo hóa của mình”.

b. Chính đức bác ái biến đổi chúng ta thành hình ảnh Thiên Chúa

Sự hoàn thiện Kitô giáo cốt tại việc phản ảnh nơi chúng ta thần tính được thực hiện cách cụ thể bằng việc tuân thủ các giới răn Thiên Chúa: nghĩa là bằng việc thực hành các nhân đức. Nhưng trong tất cả các nhân đức, nhân đức làm cho chúng ta nên giống Thiên Chúa hơn hết chính là đức “bác ái huynh đệ, lòng từ bi hoạt động”: “Lòng từ bi hoạt động của Thiên Chúa tỏ bầy cho chúng ta trong các giới răn một bức gương rất trong mà loài người phải nhìn vào đó để nhận biết tình trạng tâm hồn họ là thế nào, họ phải xứng hợp với hình ảnh Thiên Chúa làm sao; hoặc họ còn xa sự giống Thiên Chúa chừng nào”.

Một câu khác: “Ở đâu mà người ta thấy xuất hiện nhân đức thực thì ở đó người ta sẽ nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa”.

Tuy nhiên, trong tất cả các nhân đức chính là “đức bác ái” (và cả chân lý) có khả năng biến đổi con người theo hình ảnh Thiên Chúa hơn cả. Đức bác ái trước hết là một “dấu hiệu” tỏ ra chúng ta thuộc về Thiên Chúa. “Trong việc tự xét mình mà Cha khuyên con này, chớ gì sự quan tâm của con chú ý đặc biệt đến đức bác ái, mẹ các nhân đức, và người nào có thể làm chứng mình đã thực hành đức bác ái đối với Thiên Chúa và với đồng loại ước mong họ cũng năng làm như vậy đối với thù địch cũng như đối với chính họ, (nếu ai làm như vậy) thì người đó hãy tin chắc rằng Thiên Chúa hướng dẫn và ở trong họ”.

Nhưng đức bác ái không phải chỉ là một dấu hiệu: thực hành đức bác ái cũng là phương thế tốt nhất để in sâu trong chúng ta hình ảnh giống Thiên Chúa của chúng ta. “Vì chưng loài người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Ngài, nên nói cho đúng họ không thể làm gì hiển hách hơn là bắt chước lòng từ ái của Đấng Tạo Hóa của họ”.

Thánh Léo đã đào sâu mầu nhiệm bác ái biến cải này: chính tình ái của Thiên Chúa đối với chúng ta, tình ái đã được đổ tràn đầy trong tâm hồn chúng ta một cách nhưng không, (chính tình ái đó) khôi phục lại hình ảnh Thiên Chúa trong chúng ta bằng cách hoàn lại cho chúng ta khả năng yêu như Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là tình ái. “Vậy chính trong khi yêu chúng ta mà Thiên Chúa khôi phục lại hình ảnh Ngài nơi chúng ta; và để tìm thấy dấu vết của lòng từ ái Ngài nơi chúng ta Ngài ban cho chúng ta khả năng được làm cái mà chính Ngài làm nhờ ánh sáng mà Ngài soi chiếu tâm trí chúng ta và nhờ đức bác ái mà Ngài nung nấu tâm hồn chúng ta để không những chúng ta yêu mến chính Ngài mà cũng yêu tất cả những sự gì mà Ngài yêu”.

Bên cạnh đức bác ái, đức chính trực (yêu Chân Lý) cũng làm cho chúng ta xứng hợp với Thiên Chúa. Vả lại, Thánh Léo sẽ đề cập luôn luôn đến điều này là: không thể có đức bác ái đích thực nếu không có lòng yêu chân lý, và càng không thể có chân lý nếu không có đức bác ái. Vì tất cả các đường lối của Thiên Chúa không thể tách biệt khỏi lòng nhân hậu và chân lý: “Ai không yêu chân lý không thể là người có lòng nhân từ; ai không thực hành sự nhân hậu lại càng không có thể hành động theo chân lý (justitiae). Người nào không có hai nhân đức này cũng không thể có một nhân đức nào hết”.

c. Noi gương Cha trên trời

Ngôi Lời là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha. Nhờ Ngôi Lời chúng ta cũng được trở nên hình ảnh Chúa Cha trong gia đình Ba Ngôi. Chính dưới khía cạnh tình phụ tử mà Thánh Léo thích chiêm ngắm Thiên Chúa cách đặc biệt. Lý tưởng của Kitô giáo cốt tại bắt chước Thiên Chúa nhưng đặc biệt là bắt chước tình phụ tử của Ngài. Nghĩa là noi gương lòng từ ái của Ngài:

- “Chúng ta hãy nhân hậu với mọi người, nhưng nhất là đối với các anh em trong cùng đức tin để nhờ việc phân phát của làm phúc này chúng ta theo gương lòng từ ái của Cha trên trời là Đấng cho vừng thái dương của Ngài mọc lên trên những người lành và trên kẻ ác”.[35]

- “Nếu thanh danh của những người Cha chói lọi nơi các con của họ đã làm cho mọi người khen ngợi thì các con cái rực rỡ hình ảnh Tạo hóa của họ biểu lộ trong chính họ Đấng đã sinh ra họ (thì) còn vinh dự biết bao, theo như lời Chúa phán: chớ gì sự sáng của các con rạng rỡ trước mặt mọi người, để họ xem thấy việc lành các con và họ ngợi khen Cha các con ở trên trời”.

2. Theo gương Chúa Kitô và vai trò của Ngài trong chính đời sống tu đức: Đây là Con chí ái của Ta, các ngươi hãy nghe lời Người[36]

Làm sao có thể noi gương tình ái và chân lý của Chúa Cha mà chúng ta không thể xem thấy được? Đại để chúng ta có thể nói như các sứ đồ: “Ai sẽ tỏ Chúa Cha cho chúng tôi?”. Câu trả lời lại cũng là lời mà chúng ta nghe: “Ai xem thấy Tôi là xem thấy Chúa Cha (14,8); “Tôi và Cha Tôi, chúng Tôi là một” (10,30). Thực vậy, nhờ việc Nhập Thể Ngôi Lời, hình ảnh tự tại và hoàn hảo Chúa Cha trở nên hữu hình đối với chúng ta: “Tự Ngài là vô hình, Ngài đã trở nên hữu hình trong bản tính của chúng ta; (là Đấng) không thể thấu hiểu, Ngài đã muốn được (người ta) hiểu biết”.

Hoặc: “Hôm nay Ngôi Lời Thiên Chúa đã tỏ ra mặc lấy xác thịt và (vốn) là Đấng vô hình đối với con mắt loài người, Ngài đã trở nên có thể được sờ mó, bởi tay (chúng ta)”.

Chúa Kitô là sự huy hoàng của Chúa Cha và người ta có thể nói rằng Chúa Kitô trong trạng thái Phục sinh (trạng thái được thoáng thấy trong ngày biến dạng) là gương mẫu hoàn hảo (nguyên nhân mô phạm) của sự toàn thiện. Là thánh chính là bắt chước Chúa Giêsu: “Vậy Chúa Giêsu này mà Ta (Chúa Cha) đặt tất cả mọi sự thỏa mãn của Ta và là Đấng đã mạc khải Ta cho các con bằng lời nói của Ngài, Đấng làm cho Ta vinh quang bằng sự tự hạ của Ngài. Các con hãy nghe lời Ngài, đừng nghi ngờ vì chính Ngài là chân lý và sự sống, chính Ngài là sức mạnh và sự khôn ngoan của ta”.

Vậy người Kitô hữu, một cách căn bản chính là người bắt chước Chúa Giêsu: “Chúng ta sẽ đòi lại cái danh hiệu Kitô hữu một cách vô ích nếu chúng ta không phải là những người noi gương Chúa Kitô: Nếu Ngài đã tự gọi mình là Đường chính là để cách cư xử của Thầy trở nên gương mẫu cho các đồ đệ”.

Nhưng nếu mục đích phải đạt tới là trở nên giống Chúa Giêsu Phục sinh, thì cũng như Chúa Giêsu, ta phải trải qua các giai đoạn và thời kỳ khai triển tiệm tiến của cuộc đời Kénose (tự hạ). Mọi lúc và mọi nơi trong cuộc đời Palestin của Ngài, Chúa Giêsu với con người toàn diện của Ngài (bởi hết mọi cử chỉ và hết mọi hành vi) đã là gương mẫu sống động về sự thánh thiện và nhất là về bác ái đối với mọi người. Vậy mỗi một hành vi to hay nhỏ của Ngài đều phô bày cho chúng ta bắt chước để dẫn đưa chúng ta tới sự giống Thiên Chúa. Tuy vậy, điều hiển nhiên là chính cái chết vì tình yêu của Ngài là điều mà chúng ta phải noi theo hơn cả nếu chúng ta muốn nên giống với Ngài trong sự Phục sinh. Chính bởi cái chết mà các vị tử đạo là những người theo gương Chúa Giêsu hoàn toàn hơn cả: “Các vị (tử đạo) bắt chước cuộc tử nạn của Chúa Kitô và bắt chước lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót đã thúc đẩy Ngài chịu chết cho mọi người”.

Kết luận, mục đích của đời sống thiêng liêng chính là trở nên giống Chúa Kitô Phục sinh nghĩa là trở nên hình ảnh Thiên Chúa. Để được vậy, cần phải bắt chước Chúa Giêsu trong cuộc đời tự hạ (Kénose); vì chính do cuộc đời tự hạ sẽ dẫn đến sự Phục sinh.

C. ĐIỂM III: ĐỜI SỐNG KHỔ HẠNH KITÔ GIÁO (ASCÈSE)

Để đạt tới sự hoàn thiện Kitô giáo, cần phải chiến đấu, và cuộc chiến đấu này diễn ra trong cộng đồng. Ý tưởng chiến đấu; quan niệm cộng đồng đó là hai đặc tính chính của Thánh Léo về đời sống khổ hạnh. “Dù là con người nội tâm đã tái sinh trong Chúa Kitô... vẫn phải chống lại các cuộc tấn công hằng tái diễn của xác thịt... và trong cuộc chiến đấu này người ta không thể dễ dàng dành lấy chiến thắng hoàn toàn đến nỗi (ngay chính) khi các mối rang buộc phải đoạn tuyệt không còn trói buộc nữa, cả khi các sự phải diệt trừ không còn có thể gây thương tích nữa”.

Rất nhiều bài giảng trong Mùa Chay và các ngày bốn mùa của Thánh nhân chuyên nói về đề tài này: cầu nguyện, giữ chay và bố thí mà ngài cổ xúy đặc biệt, vẫn được ngài coi như là một động lực của trận chiến đấu. Đây chúng ta hãy nghe ngài trình bày ba điều đó cho các tín hữu Roma của ngài: “Oratione enim propitiatio Dei queritur, jejunio concupiscentia carnis extingutur, eleemosynis peccata redimuntur (Dan. 4, 24). simulque per omnia Dei in nobis imago renovatur, si et in laudem ejus semper parati, et ad purificationem nostram sine cessasione solliciti, et ad sustentationem proximi indesinenter simus intenti. Haec triplex obsevantia, dilectissimi, ad imaginem et similitudinem Dei pervenit, et a Spiritu Sancto inseparabiles facit”.

Việc tuân thủ ba điều này bao gồm sự luyện tập tất cả mọi nhân đức khác (Haec triplex observantia omnium virtutum comprehendit effectus):

- a. Cầu nguyện,

- b. Ăn chay,

- c. Bác ái.

Người ta có thể khai triển đến vô tận ba đề tài đã có một địa vị đặc biệt trong các bài giảng của Thánh Léo này. Ở đây chúng ta chỉ cần nhớ rằng Thánh Léo luôn liên kết mật thiết việc ăn chay, đức bác ái và bố thí. “Ước gì bây giờ tâm hồn chúng ta có lòng tốt đối với người nghèo và những người yếu đuối, để có rất nhiều tiếng cảm tạ Thiên Chúa và để việc giữ chay của chúng ta giúp nuôi sống những người thiếu thốn”.

Một câu khác: “... Chúng ta phải trở lại những lợi ích cứu rỗi của sự tiết độ và tìm đến việc ăn chay như một phương dược cho cả hồn và xác chúng ta... chúng ta hãy cảm tạ lòng khoan dung Thiên Chúa và tìm ở đó tất cả những sự vui thú của việc trai giới, chúng ta hãy để dành một ít thực phẩm của chúng ta để nhờ những cái mà chúng ta bớt ở bàn ăn của bố thí của chúng ta được tăng thêm. Chỉ lúc đó phương dược của việc ăn chay mới bảo đảm chữa lành linh hồn: nghĩa là khi sự tiết chế của người ăn chay làm no lòng người nghèo khó. Quả thực, chúng ta biết rằng nơi Thiên Chúa từ bi thì việc bố thí hơn việc ăn chay theo như lời của chính Chúa rằng: “Date eleemosynam et omnia munda sunt vobis” (Lc 11,41). Vậy nếu chúng ta ao ước tẩy rửa linh hồn chúng ta khỏi các vết bẩn tội lỗi thì chúng ta không được từ chối bố thí cho người nghèo để đến ngày phải thanh toán (sổ sách) (tận thế) các việc lành nhân từ của chúng ta giúp chúng ta đáng được hưởng lòng khoan dung của Chúa, vì Chúa Kitô, Chúa chúng ta”.

Để kết thúc, ta còn có thể đọc thêm các bài giảng Mùa Chay về “ơn ích của đức ái”, “ăn chay và bố thí”, đặc biệt Sermo 6 [37] và Sermo 10.[38]

***

PHỤ TRƯƠNG

 

1.- Thư của Léon gởi Flavien

Đoạn V: Vậy, vì sự duy nhất ngôi vị này, - cần phải hiểu đây là sự duy nhất trong hai bản tính - mà một đàng chúng ta nói rằng Con người (Fils de l’homme) xuống từ trời, trong khi Con Thiên Chúa đảm nhận một thân xác từ Đức Trinh Nữ đã sinh ra Ngài, và đàng khác, chúng ta nói rằng Con Thiên Chúa đã chịu đóng đinh, và đã chịu mai táng, nhưng Ngài chịu như thế không phải trong thần tính, theo đó Ngài là Con độc nhất đồng vĩnh cửu và đồng bản tính với Cha, nhưng trong sự yếu hèn của bản tính nhân loại. Vì thế, tất cả chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính rằng: Con Thiên Chúa đã chịu đóng đinh và mai táng (...) (Đức Kitô Phục sinh đã tỏ lộ nhân tính của Ngài trong bốn mươi ngày), ngõ hầu, người ta nhận biết rằng, nơi Ngài, những đặc tính của thần tính và của nhân tính vẫn không bị phân chia và để chúng ta hiểu rằng Ngôi Lời không là xác phàm [không lẫn lộn] nhưng đồng thời vẫn tuyên xưng Con Một Thiên Chúa là Ngôi Lời và xác phàm.[39]

2.- “Ngày hôm nay” của các ngày lễ phụng vụ

Anh chị em rất thân mến, “hôm nay”, Cứu Chúa của chúng ta giáng sinh, chúng ta hãy vui lên! Vì thật là bất xứng, nếu để cho nỗi buồn hiện diện trong ngày sinh của sự sống một sự sống xoá tan nỗi sợ hãi trước tử thần đồng thời làm cõi lòng chúng ta ngập tràn niềm vui vì vĩnh cửu được hưá ban. Không một ai bị từ khước, không được tham dự vào niềm hân hoan vui sướng này; mọi ngừơi đều cùng chung một và chỉ một lý do để mừng vui, vì lẽ Chúa chúng ta, khi đến để tiêu diệt tội lỗi và sự chết đã không gặp được một ai trong con cái loài người mà không vướng tội, nên Ngài đã đến để giải thoát tất cả chúng ta. Nào người lành thánh, hãy hỉ hoan vì sắp được lãnh nhận cành lá chiến thắng; nào tội nhân hãy vui mừng vì được mời goị đến lãnh ơn tha thứ, nào người dân ngoại hãy can đảm lên, vì được mời gọi đến lãnh nhận sự sống.[40]

3.- Những người tham dự vào bản tính thần linh (2 Pr 1,4)

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa Cha, nhờ Con của Ngài, trong Chúa Thánh Thần, bởi Ngài đã yêu thương chúng ta bằng tấm lòng vô cùng nhân hậu, đã thương xót chúng ta, và trong khi chúng ta đã chết vì tội lỗi mình, Người đã làm cho chúng ta được sống lại nhờ Đức Kitô, vì muốn cho chúng ta trở nên một tạo thành mới ở trong Ngài, một công trình mới do bàn tay Ngài. Vậy chúng ta hãy giũ bỏ con người cũ với những hành vi của nó, và một khi đã được chấp nhận cho tham dự vào sự sinh hạ của Đức Kitô, chúng ta hãy từ bỏ những công việc của xác thịt. Hỡi người Kitô hữu, hãy nhận biết phẩm giá của ngươi, và sau khi đã trở thành những kẻ được tham dự vào bản tính thần linh, thì đừng quay trở lại với sự thấp hèn thuở trước bằng lối sống bất xứng với dòng dõi mình. Hãy nhớ ngươi là chi thể của đầu và thân mình nào. Hãy nhớ rằng khi đã được giải thoát khỏi vương quyền của bóng tối, ngươi đã được đưa vào vương quốc của Thiên Chúa, được đưa vào trong ánh sáng của Ngài. Qua bí tích Rửa Tội, ngươi đã trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần: Đừng làm cho vị khách quí phải xa lánh ngươi và đừng trở lại làm nô lệ cho ma quỉ một lần   nữa; giá chuộc ngươi là chính máu của Đức Kitô, và Người sẽ xét xử ngươi theo sự thật, bởi Người là Đấng đã cứu chuộc ngươi thể theo lòng thương xót của Người, Người là Đấng thống trị với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.[41]

4.- Người biết nhận ra kẻ ngèo khó bần hàn (Tv 40,1)

Anh chị em thân mến, để nhận ra kẻ ngèo khó, cần phải tỉnh thức, với đức ái không ngơi nghỉ, hầu có thể khám phá ra họ ẩn dưới sự khiêm tốn hoặc vì xấu hổ đã không dám lộ mặt. Thật vậy, có những người xấu hổ khi phải xin xỏ cách công khai những gì họ túng thiếu, họ thà im lặng chịu đựng sự cùng quẫn hơn là chịu nhục nhã vì phải ra mặt cầu cạnh. Những người như thế cần phải biết nhìn ra họ, đỡ đần những túng thiếu âm thầm của họ, để họ càng cảm thấy vui mừng hơn vì chúng ta không những quan tâm đến sự nghèo khổ của họ mà còn quan tâm cả đến thể diện của họ nữa.

Nhưng, chúng ta còn phải biết nhận ra nơi người nghèo khổ, túng quẫn chính Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Đấng mà Thánh Tông Đồ đã nói: “Tuy là thân phận giàu có, Ngài đã trở nên nghèo hèn vì chúng ta, ngõ hầu làm cho ta nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Ngài, và để chúng ta không cảm thấy như thiếu vắng sự hiện diện của Chúa, Chúa đã khéo hoà hợp mầu nhiệm khiêm hạ và vinh quang của Ngài, đến nỗi chúng ta có thể nuôi dưỡng Ngài nơi những người nghèo khổ, trong khi chính Ngài là Đấng mà chúng ta tôn thờ như là Vua và là Chúa trong quyền uy của Cha Ngài: điều này sẽ đem lại cho chúng ta ơn giải thoát khỏi án phạt đời đời trong ngày đen tối, và vì sự săn sóc dành cho người nghèo khổ mà chúng ta đã biết nhận ra, chúng ta sẽ được đón nhận vào chung hưởng Nước Trời.[42]

5.- Phêrô hiện diện nơi Léon

Ngày lễ của chúng ta còn có thêm một lý do nữa, dó là không những phẩm chức tông đồ mà còn phẩm chức Giám mục của thánh Phêrô, vị không ngừng chủ tọa trên ngai tòa của Ngài và luôn luôn ở trong sự thông phần với vị linh mục Thượng phẩm. Một khi chính mình trở nên Đá Tảng (Phêrô) thì Ngài cũng truyền lại sự kiên vững mà Ngài đã lãnh nhận từ Đá Tảng là Đức Kitô cho những người thừa kế Ngài. Và bất cứ nơi nào thể hiện một sự kiên vững nào đó thì chắc chắn sức mạnh của vị mục tử đang tỏ lộ ở đó. Bởi chưng, nếu tất cả các vị tử đạo ở khắp mọi nơi - vì đã chịu đựng cách can trường những hình khổ giáng xuống trên mình và để qua đó biểu lộ công nghiệp của các ngài - thực tế đã được quyền trợ giúp những người lâm cơn nguy khốn, đẩy lùi bệnh tật, xua trừ các tà thần và thuyên chữa muôn vàn đau khổ, thì cũng vậy, có ai lại ngu muội và đem lòng ghen ghét đến độ coi thường vinh quang của thánh Phêrô và nghĩ rằng có những phần của Giáo Hội nằm ngoài sự chăm sóc cai quản của Ngài và không được tăng trưởng nhờ Ngài. Và này, tình yêu đối vơí Thiên Chúa và đối với con người đang thật mạnh mẽ và sung mãn nơi vị thủ lĩnh các tông đồ, một tình yêu không hề khiếp sợ giam cầm, tù hãm, xiếng xích, bạo loạn của quần chúng hay những lời đe doạ của vua quan, và niềm tin bất khuất của Ngài cũng thế, một niềm tin không biết chùn bước trong chiến đấu và không nhạt phai trong chiến thắng.[43]

6.- Quyền bính của Hoàng đế (...) là để Giáo Hội được bảo vệ

Sau Công Đồng phạm thánh ơ Éphèse, một công đồng mà trong đó đức tin Công giáo đã bị báng bổ vì thái độ tội lỗi tầy đình của Dioscore, Công Đồng mà trong đó người ta khôi phục tà thuyết của Eutychès, thì không có biện pháp nào hữu ích hơn đã được đưa ra cho bằng việc hủy bỏ - do thánh Công Đồng Chalcédoine - các quyết định nào đi ngược lại giáo huấn của các tiên tri và các Tông đồ và điều này được thực hiện trong một tinh thần ôn hoà đến nỗi những người hối lỗi đều được khoan hồng và chỉ có những kẻ phản loạn và cố chấp, ở ngoài sự duy nhất. Thiết tưởng Hoàng thượng thánh đức còn có thể đưa ra quyết định nào đáng ca ngợi và thánh thiện hơn là việc cấm hẳn, bất kể đó là ai, mọi công kích dù là nhẹ nhất chống lại những sắc lệnh do Thiên Chúa soi sáng hơn là do con người này? Quả thật, những kẻ dám cả gan nghi ngờ sự chân thực của Chúa, lại chẳng đáng mất đi một ân huệ như thế của Chúa sao? (...)

Hỡi vị Hoàng đế rất mực chính danh là Kitô hữu, xứng đáng được kể vào số những người rao giảng Chúa Kitô, đối với Ngài, tôi mạn phép sử dụng sự tự do của đức tin Công Giáo, và tôi không ngần ngại khuyến dụ Ngài: hãy trở về với sự hiệp thông của các Tông đồ và các Tiên Tri: Ngài hãy ngoảnh mặt đi, hãy xua đuổi xa khỏi Ngài những kẻ tự mình giũ bỏ danh hiệu Kitô hữu, đừng dung túng bọn phản phúc vô đạo, những kẻ muốn tranh cãi về những điều thuộc đức tin, bằng sự bịp bợm phạm thánh của mình, chúng là những kẻ mà ai cũng biết là muốn làm cho tôn giáo mất hết cả nội dung. Bởi Chúa đã ân ban cho Thánh Thượng khoan nhân sự sáng suốt rất mực về các mầu nhiệm của Người, nên Ngài hẳn phải hiểu rằng: quyền bính của Hoàng đế được thiết lập không phải chỉ để cai quản thế giới, mà trước hết là để bảo vệ Giáo Hội.

Ngoài Vương miện mà Ngài đã nhận từ tay Chúa, việc được nhận thêm triều thiên đức tin, chiến thắng các kẻ thù của Giáo Hội, chẳng lẽ đó không phải là điều quan trọng đối với Ngài hay sao? Thật vậy, nếu việc dùng khí giới trừng phạt các dân tộc thù nghịch là điều đáng ngợi ca, thì Ngài sẽ vinh quang đến như thế nào, nếu Ngài giải thoát Giáo Hội ở Alexandrie khỏi một tên bạo chúa điên khùng - một cơn thử thách đang là vết thương chung của mọi Kitô hữu.[44]

7.- Bí tích Giao Hòa của chúng ta

Nói rằng Chúa chúng ta là con Đức Trinh Nữ Maria, là con người thực sự và trọn vẹn, mà không tin người là một con người thuộc dòng giống loài người, như Tin Mừng công bố, thì chẳng ích lợi gì.

Thật vậy, thánh Matthew viết: “Gia phả của Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu tổ phụ Abraham”. Như thế, thánh nhân theo thứ tự gia phả đi từ các thế hệ nối tiếp nhau cho đến thánh Giuse, người đã đính hôn với Mẹ của Chúa.

Còn thánh Luca lại đi ngược lên các thế hệ kế tiếp nhau, cho đến chính tổ tông của loài người nhằm chứng minh Adam tiên khởi và Adam cuối cùng chung một bản tính.

Dĩ nhiên, để dạy dỗ và làm cho loài người nên công chính, Con Thiên Chúa đã có thể biểu lộ quyền năng tuyệt đối của mình như xưa kia Thiên Chúa đã biểu lộ cho các tổ phụ và ngôn sứ qua hình dạng xác phàm: chẳng hạn giao đấu với ông Giacob, đàm đạo với ông Abraham, chấp nhận để ông đón tiếp, thậm chí còn dùng các món ăn mà ông tiếp đãi nữa.

Nhưng những cuộc xuất hiện như thế là những dấu chỉ của một con người. Những hình ảnh có tính cách tượng trưng của con người đó báo trước một thực tại. Đó là thực tại con người đó sẽ nhận lấy khi trở thành con cháu của các tổ phụ kia.

Và chính vì thế, chẳng có hình ảnh nào trong số những hình ảnh đó hoàn tất được mầu nhiệm giao hoà của chúng ta, tuy mầu nhiệm này đã được chuẩn bị từ trước muôn đời. “Chúa Thánh Thần” chưa “ngự xuống trên Đức Trinh Nữ”, và “quyền năng của Đấng Tối Cao” chưa “rủ bóng trên Người”. Phải như vậy, trong cung lòng trinh khiết, nơi “Đức Khôn Ngoan xây cất nhà mình”, “Ngôi Lời”mới”thành xác phàm”. Và cũng phải như vậy, khi bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại hợp nhất trong một ngôi vị, thì Đấng sáng tạo nên thời gian mới sinh ra trong thời gian, Đấng “nhờ Người mà vạn vật được tạo thành”, mới được sinh ra giữa muôn loài thụ tạo.

Vì nếu con người mới này “mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta”, không mặc lấy thân phận cũ nát của chúng ta, nếu Đấng đồng bản thể với Chúa Cha đã chẳng đoái thương nên đồng bản thể với mẹ Người, và nếu Người - Đấng duy nhất không mắc tội - không liên kết với bản tính của chúng ta, thì toàn thể nhân loại vẫn còn bị giam cầm dưới ách nô lệ ma quỷ và chúng ta cũng chẳng được hưởng gì do chiến thắng của Đấng đã khải hoàn, nếu như chiến thắng ấy đã diễn ra bên ngoài bản tính của chúng ta.

Nhờ sự tham dự lạ lùng vào bản tính nhân loại, bí tích tái sinh đã tỏa sáng trên chúng ta: nhờ Thánh Thần, Đức Kitô đã thành hình trong lòng mẹ và sinh ra; cũng nhờ chính Thánh Thần mà chúng ta lại được sinh ra từ một nguồn gốc thiêng liêng.

Vì thế, tác giả sách Tin mừng đã nói về những người tin: “không phải do khí huyết, cũng chẳng phải do ý muốn của phái nam, nhưng chính Thiên Chúa đã sinh ra họ”.[45]

8.- Hỡi các Kitô hữu, hãy ý thức về phẩm giá của bạn

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, Đấng Cứu Độ chúng ta đã giáng sinh, chúng ta hãy vui mừng. Chúng ta không được phép buồn khi mừng ngày sự sống xuất hiện. Ngày kỷ niệm này phá tan sự sợ hãi trước cái chết và ban cho chúng ta niềm hân hoan được sống đời đời.

Không ai bị gạt ra khỏi niềm hân hoan đó, vì mọi người đều có chung một lý do để vui mừng. Chúa chúng ta là Đấng hủy diệt tội lỗi và sự chết, vì Người không thấy ai vượt qua được tình trạng này, nên đã đến để giải cứu mọi người. Thánh nhân hãy mừng vui vì ngày khải hoàn đã gần tới. Tội nhân hãy hân hoan vì được mời gọi đón nhận ơn thứ tha. Người ngoại giáo hãy phấn khởi vì được mời gọi đến hưởng sự sống.

Thực vậy, khi thời gian tới hồi viên mãn đúng như kế hoạch cao siêu huyền nhiệm của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa đã mặc lấy bản tính loài người để con người được giao hoà với Đấng Tạo Hóa; như thế, ma quỷ là kẻ gây ra sự chết, sẽ bị đánh bại do chính bản tính mà nó đã thắng.

Khi Chúa sinh ra, các Thiên Thần nhảy mừng và ca hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời”; lại loan báo: “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Quả thế, các vị ấy nhìn thấy Giêrusalem thiên quốc được thành hình với đủ dân tộc trần gian. Trước công trình kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa, các thiên thần cao sang còn hân hoan vui mừng, thì loài người hèn hạ phải vui mừng biết bao nhiêu.

Vì vậy, anh em thân mến, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần. Do lòng thương vô tận, Thiên Chúa Cha yêu mến, đã thương xót chúng ta; “dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã ban cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô”, để trong Đức Kitô, chúng ta trở nên một tạo vật mới, một công trình mới.

Bởi thế, chúng ta hãy cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó; khi đã được tham dự vào mầu nhiệm giáng sinh của Đức Kitô, chúng ta hãy từ bỏ lối sống theo xác thịt.

Hỡi các Kitô hữu, hãy ý thức về phẩm giá của mình. Giờ đây, bạn đã được thông phần bản tính của Thiên Chúa, đừng để mình bị thoái hoá qua việc trở lại với lối sống bất xứng đã qua. Bạn hãy nhớ ai là đầu của bạn, và bạn là chi thể của thân mình nào. Hãy nhớ rằng bạn đã được cứu thoát khỏi quyền lực tối tăm, đã được đưa vào trong ánh sáng và nước Thiên Chúa.

Nhờ Bí tích Thánh Tẩy, bạn đã trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần. Bạn đừng xua đuổi vị khách quý trọng như thế do những hành động xấu xa của bạn, đừng để mình lại rơi vào ách nô lệ ma quỷ, vì giá chuộc bạn là chính máu Đức Kitô.[46]

9.- Sinh nhật của Chúa là khởi đầu của hoà bình

Con Thiên Chúa uy nghi cao cả đã chẳng coi khinh tình trạng trẻ thơ. Với thời gian, trẻ thơ đã lớn, đã đạt tới mức trưởng thành. Sau khi Người đạt được chiến thắng hoàn toàn nhờ cuộc thương khó và phục sinh, thì tất cả mọi hành động của kiếp người hèn hạ Người đã chấp nhận vì yêu thương chúng ta, đã trở thành quá khứ. Tuy nhiên, ngày lễ hôm nay nhắc lại cho chúng ta những biến cố đầu tiên của Đức Giêsu sinh làm con Đức Trinh Nữ Maria. Khi mừng kính ngày giáng sinh của Đấng Cứu Thế, chúng ta cũng mừng chính nguồn gốc của mình.

Thật vậy, ngày Đức Kitô giáng sinh cũng là ngày dân Kitô hữu khởi đầu. Mừng sinh nhật của đầu là mừng sinh nhật của thân thể.

Dĩ nhiên, mỗi người được mời gọi theo phiên thứ của mình. Con cái của Hội Thánh xuất hiện vào những thời điểm khác nhau. Nhưng vì toàn thể các tín hữu đều sinh ra từ giếng nước thánh tẩy, đều cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô trong cuộc thương khó, cùng được đặt với Nguời bên hữu Chúa Cha trong mầu nhiệm thăng thiên, thì tất cả cũng được sinh ra cùng với Người trong mầu nhiệm giáng sinh này.

Người tín hữu thuộc bất cứ phần đất nào trên thế giới đã được tái sinh mà trở nên người mới. Người ấy không còn thuộc dòng giống cha ông theo huyết nhục, nhưng thuộc dòng tộc Đấng Cứu Thế là Đấng đã trở nên con của loài người để chúng ta được làm con cái Thiên Chúa.

Thật vậy, nếu Người không tự hạ mình và xuống với chúng ta, thì không ai có thể nhờ công nghiệp của riêng mình mà đến với Người được.

Chúa ban cho ta một ân huệ vừa lớn lao, vừa huy hoàng như thế, thì chúng ta phải mừng kính sao cho xứng hợp. Quả vậy, như lời thánh Tông Đồ, chúng ta đã nhận được không phải tinh thần thế tục, nhưng là Thánh Thần phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những hồng ân Người ban tặng. Chúng ta chỉ có thể tôn thờ Người cách xứng hợp khi ta dâng cho Người những gì Người đã ban cho ta.

Vậy, trong kho tàng Thiên Chúa đã tặng ban, chúng ta có thể tìm thấy điều gì xứng hợp để mừng kính ngày lễ này cho bằng sự bình an đã được các Thiên Thần công bố trong ngày Chúa giáng sinh? Đây chính là sự bình an sinh ra những con cái của Thiên Chúa, sự bình an nuôi dưỡng tình yêu, tạo nên sự hiệp nhất, cho các thánh được nghỉ yên, dẫn tới chỗ cư ngụ muôn đời. Việc chính của bình an, hoa quả đặc thù của bình an là tách biệt con người ra khỏi thế gian mà kết hợp với Thiên Chúa.

Vậy, những người “được sinh ra không phải do khí huyết, cũng không phải do ý muốn tự nhiên của con người, hoặc do ý muốn của phái nam, nhưng do chính Thiên Chúa”, phải dâng lên Chúa Cha sự đồng tâm nhất trí của những người con xây dựng hoà bình. Tất cả những ai được Thiên Chúa nhận làm con, hãy cùng nhau tìm đến với vị Trưởng Tử của tạo thành mới; Người đã đến không phải để làm theo ý riêng mình nhưng là để làm theo ý Đấng đã sai mình. Những người được Chúa Cha cho thừa hưởng ân huệ làm con không phải là những người bất hóa, chia rẽ, nhưng là những người có cùng một tâm tình, có cùng một tình yêu. Được tái tạo theo một hình ảnh duy nhất, họ phải có tâm hồn tương xứng với hình ảnh ấy.

Sinh nhật của Chúa là khởi đầu của hoà bình như lời thánh Tông Đồ: “Chính Người là bình an của chúng ta, Người đã liên kết đôi bên. Dù chúng ta là dân Do thái hay dân ngoại, nhưng chính nhờ Người tất cả chúng ta được liên kết trong một thần khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha”.[47]

10.- Chúa làm cho khắp cả hoàn cầu nhận biết ơn cứu độ của Người

Thiên Chúa quan phòng đầy nhân hậu, vào thời cuối cùng, đã muốn đến cứu thế gian đang hư mất. Người quyết định thực hiện ơn cứu độ cho muôn dân trong Đức Kitô.

Chính vì muôn dân mà thánh tổ phụ Abraham xưa kia đã nhận được lời hứa: ông sẽ là tổ phụ một dòng dõi đông vô kể được sinh ra không do xác thịt, mà do đức tin. Dòng dõi đông đảo ấy được sánh với sao trên trời, vì người ta trông đợi từ người cha muôn dân phát sinh không phải một miêu duệ trần gian, nhưng một miêu duệ thiên quốc.

Toàn thể các dân tộc hãy tiến vào, hãy gia nhập gia đình các tổ phụ; các con cháu sinh ra do lời hứa, hãy đón nhận phúc lành dành cho dòng dõi Abraham, phúc lành mà con cháu theo huyết tộc đã từ chối. Qua ba nhà chiêm tinh, tất cả các dân tộc hãy thờ lạy Đấng Tạo Thành vũ trụ. Ước mong Thiên Chúa được mọi người nhận biết không phải chỉ ở xứ Giudea, mà còn ở khắp cõi địa cầu, để ở khắp nơi, cũng như ở Ísrael danh Người được tôn vinh.

Anh em thân mến, được biết các mầu nhiệm ân sủng này của Thiên Chúa, chúng ta hãy hân hoan mừng ngày khởi đầu của chúng ta, ngày Chúa bắt đầu kêu gọi các dân tộc. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa nhân hậu, vì theo lời thánh Phaolô tông đồ, “Người đã làm cho chúng ta nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của các thánh trong cõi đầy ánh sáng. Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm và đưa vào vương quốc Con yêu quý của Người”. Và như ngôn sứ Isaia tuyên sấm, “Dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng, đám người sống trong vùng bóng tối, nay được một ánh sáng bừng lên chiếu rọi”. Cũng chính ngôn sứ nói thêm cùng Chúa về họ: “Các dân tộc trước kia chưa nhận biết Chúa, nay kêu cầu Ngài; các nước xưa không biết Chúa, nay chạy đến với Ngài”.

Ngày đó “ông Abraham đã thấy và đã vui mừng”, vì ông hiểu rằng con cái sinh ra bởi đức tin sẽ nhận được phúc lành nơi dòng dõi của ông, tức là nơi Đức Kitô. Đồng thời, vì ông hiểu ra rằng theo đức tin ông sẽ là cha mọi dân nước. “Ông dâng lời chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa vì biết rất rõ Thiên Chúa có thể thực hiện điều Ngài đã hứa”.

Cũng ngày đó đã được Đavít ca ngợi trong thánh vịnh rằng: “Lạy Chúa, muôn dân chính tay Ngài tạo dựng sẽ về phủ phục trước thánh nhan và tôn vinh danh Ngài”, và: “Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân”.

Chúng ta biết rõ rằng những điều noí trên đã được thực hiện khi một ngôi sao dẫn đường cho ba nhà chiêm tinh. Từ nơi xa xôi, các Ngài đã được gọi đến nhận biết và thờ lạy Đức Vua cai trị trời đất. Ngôi sao này khích lệ chúng ta noi theo gương vâng phục: tức là nỗ lực sống theo ơn thánh, ơn mời gọi mọi người đến với Đức Kitô.

Anh em thân mến, trong cuộc tìm kiếm này, tất cả anh em phải giúp đỡ lẫn nhau để nhờ đức tin chân chính và các việc lành phúc đức mà đạt tới nước Thiên Chúa, trong đó anh em sẽ rạng rỡ như con cái ánh sáng. Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Người hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.[48]

11.- Điều Chúa đã thiết lập nơi thánh Phêrô sẽ tồn tại mãi

Anh em rất thân mến, trong khi phải chu toàn việc phục vụ theo trách nhiệm của tôi, tôi thấy mình vừa yếu đuối vừa hèn nhát. Bởi vì khi tôi muốn làm điều gì một cách nhiệt thành và quả cảm, thì tôi lại trễ nải do thân phận mỏng giòn của tôi. Tuy nhiên, nhờ có vị tư tế toàn năng và vĩnh cửu không ngừng che chở, tôi cảm thấy một niềm vui cao cả và thánh thiện, bởi vì Người đã xếp đặt như thế. Người giống hệt chúng ta, nhưng Người lại ngang hàng với Chúa Cha. Người đã hạ thần tính xuống kết hợp với nhân tính để nâng nhân tính lên địa vị của Thiên Chúa. Cho dù Người có trao phó trách nhiệm săn sóc chiên của Người cho nhiều vị mục tử, nhưng chính Người không bỏ canh giữ đoàn chiên yêu dấu của Người.

Cũng chính từ sự quan tâm che chở căn bản và vĩnh cửu ấy mà tôi đã nhận được sự bảo đảm trợ giúp của Thánh Phêrô. Chắc chắn thánh nhân không bỏ công trình của mình: chính nền tảng vững chắc này, trên đó toà nhà Hội Thánh vươn cao, không hề mệt mỏi vì phải chịu cả khối đền thánh trên mình.

Thật vậy, sau khi tuyên xưng đức tin, vị thủ lãnh các Tông Đồ đã được Chúa khen ngợi. Đức tin đó sẽ bền vững đến muôn đời. Rồi cũng như điều thánh Phêrô tin ở nơi Chúa Kitô luôn tồn tại thế nào, thì điều Chúa Kitô đã thiết lập với thánh Phêrô cũng sẽ tồn tại mãi như thế. Vì vậy điều mà Đấng là Chân Lý đã quyết định vẫn còn tồn tại, và thánh Phêrô, khi luôn kiên trì với ơn vững bền như đá tảng, ơn mà Chúa đã ban, thì cũng không bỏ tay lái con thuyền Hội Thánh mà Người đã lãnh nhận.

Người đã được đặt lên trên những vị khác, để trong khi người được gọi là Đá được công bồ là Nền, được đặt làm người giữ cửa Thiên quốc, người có quyền định đoạt những điều buộc, điều tháo qua những phán quyết có giá trị ở trên trời. Chúng ta biết người kết hợp với Chúa Kitô mật thiết thế nào, qua chính những mầu nhiệm chứa đựng trong những danh hiệu trên.

Giờ đây, thánh Phêrô đang chu toàn đầy đủ hơn và mạnh mẽ hơn những việc đã được trao phó cho người. Và dù đã được hưởng vinh quang nhờ Chúa Kitô, người vẫn theo đuổi trong Chúa Kitô và với Chúa Kitô, mọi bổn phận và trách nhiệm săn sóc đã được trao phó cho người.

Chính vì thế, nếu tôi có làm được việc gì đúng đắn, có quyết định được điều gì đúng đắn, nếu ngày ngày nài van, tôi có xin được ơn gì do lòng thương xót của Thiên Chúa, thì đó là nhờ những việc làm và công trạng của thánh Phêrô. Trên toà của người đây, quyền uy vẫn còn sống động và thế giá vẫn còn trổi vượt.

Anh em rất thân mến, tất cả những điều đó là kết quả của lời tuyên xưng đức tin, đã được Thiên Chúa Cha linh hứng cho tâm hồn thánh Tông Đồ. Lời tuyên xưng ấy; lướt thắng mọi do dự trong tư tưởng người phàm và đã làm cho tảng đá được vững chắc không sức mạnh nào có thể làm lung lay được. Vì chính ở trong toàn thể Hội Thánh, hằng ngày thánh Phêrô vẫn thưa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Và miệng lưỡi nào tuyên xưng Chúa thì đều được huấn quyền của lời ấy hướng dẫn.[49]

12.- Thanh tẩy tâm hồn bằng cách ăn chay và làm việc thiện

Anh em thân mến,

Mãi mãi “Tình thương Chúa phủ đầy mặt đất”. Chính thiên nhiên dạy mỗi tín hữu phải thờ phượng Thiên Chúa. Trời đất, biển khơi và mọi vật trong đó đều nói lên lòng nhân hậu và uy quyền toàn năng của Đấng đã tạo thành nên chúng. Đồng thời vẻ đẹp lạ lùng của vạn vật đang phục vụ con người cũng đòi hỏi con người là thọ tạo có trí khôn phải cảm tạ ngợi khen Chúa cho phải đạo.

Nay lại tới những ngày đặc biệt những ngày cử hành các mầu nhiệm tái tạo con người, những ngày đưa tới đại lễ Vượt qua. Chúng ta được mời gọi đem hết lòng sốt sắng mà thanh tẩy tâm hồn để chuẩn bị mừng lễ.

Đại lễ Vượt qua có đặc điểm này là đem lại cho toàn thể Hội Thánh niềm vui được tha tội. Ơn này sẽ được thực hiện không chỉ nơi những người sắp được tái sinh trong phép Rửa, mà còn nơi những kẻ đã thuộc hàng nghĩa tử của Thiên Chúa. Hiệu lực chính yếu của phép rửa tái sinh là làm nên những con người mới. Nhưng mọi người vẫn phải ngày ngày dẹp bỏ những thói hư nết xấu của thân phận phàm nhân để không ngừng đổi mới và từng bước trở nên tốt lành hơn. Tắt một lời, mọi người phải nỗ lực sao cho trong ngày cứu độ này, không còn ai vướng mắc các thói hư của đời sống cũ.

Vậy thưa anh em, điều mà mỗi Kitô hữu lúc nào cũng phải làm, thì lúc này chúng ta phải thực hành một cách chuyên cần sốt sắng hơn. Như thế, chúng ta sẽ sống trọn Bốn Mươi Ngày Chay do các Tông Đồ thiết lập, không những bằng việc kiêng ăn giảm uống, mà còn bằng cách từ bỏ hẳn các thói hư.

Đi đôi với việc chay tịnh trong tinh thần đạo đức thánh thiện, không gì hữu ích hơn là việc làm phúc bố thí. Hành động đạo đức này còn gọi là Việc Thương Người, vì bao gồm nhiều cử chỉ đáng khen của lòng nhân ái, như vậy, giữa các tín hữu, dù khả năng vật chất không đồng đều nhưng tấm lòng có thể như nhau.

Chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa và đồng loại. Không bao giờ có chi cản trở được lòng yêu mến ấy, khiến nó không còn được tự do vận dụng ý chí làm việc thiện. Xưa kia các Thiên Thần ca hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Vì không những đức thương người mà cả ơn bình an cũng đem lại hạnh phúc cho hết thảy những ai lấy lòng bác ái mà cảm thông với mọi kẻ khốn cùng.

Đối với các Kitô hữu chân chính, lòng nhân ái có một phạm vi thực hành vừa hết sức rộng rãi vừa rất đa dạng, khiến người sung túc giàu sang cũng như kẻ nghèo nàn nhỏ bé đều có thể góp phần vào việc làm phúc bố thí. Như vậy, khả năng làm phúc thì kẻ ít người nhiều, nhưng tâm tình yêu mến thì ai cũng như ai.[50]

13.- Lề luật đã được Thiên Chúa ban qua Ông Môsê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có

Chúa đã tỏ vinh quang của Người ra trước mặt các chứng nhân Người đã tuyển chọn, và chiếu giãi ánh sáng rực rỡ trên thân thể của Người, một thân thể giống như thân thể bao người khác, khiến dung mạo Người chẳng khác chi mặt trời chói lọi, và áo Người ngang với mầu trắng của tuyết.

Cuộc hiển dung này chủ yếu nhằm cất khỏi lòng các môn đệ cớ vấp phạm do thập giá gây nên, đồng thời giữ cho các ông vững tin, không bị giao động khi thấy Đức Kitô chịu nhục nhã trong cuộc thương khó tự nguyện của Người, vì các ông đã được mặc khải cho biết sự cao cả ẩn tàng của mầu nhiệm thập giá.

Nhưng Thiên Chúa đã khôn ngoan dự liệu cho niềm hy vọng của Hội Thánh có nền tảng vững vàng: Người cho Hội Thánh biết toàn thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô sẽ được biến đổi ra sao. Người cũng dự liệu cho các chi thể tin chắc mình sẽ được thông phần vinh quang rực rỡ của đầu là Đức Kitô.

Về điều ấy, Chúa Kitô cũng nói như vậy, khi đề cập đến cuộc giáng lâm vinh hiển của Người: “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong nước của Cha họ”. Chính điều đó, thánh Phaolô tông đồ cũng làm chứng và nói: “Tôi nghĩ rằng những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta”, và lời khác: “Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa, khi Đức Kitô, nguồn sống của anh em xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người và cùng Người hưởng phúc vinh quang”.

Tuy nhiên, phép lạ đó còn chứa đựng một giáo huấn khác giúp các tông đồ vững tin à đưa các ông tới chỗ hiểu biết hoàn toàn.

Quả vậy, ông Môsê và ông Elia, tượng trưng cho Lề Luật và các ngôn sứ, đã hiện ra đàm đạo với Chúa. Như thế, có đến năm người hiện diện nên câu nói sau đây hoàn toàn ứng nghiệm: “Lời nói nào có hai hay ba người làm chứng mới đứng vững”.

Còn gì chắc hơn, còn gì vững hơn lời dưới đây, khi cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đồng thanh công bố, và mọi điều các ngôn sứ đã loan báo từ xưa về lời ấy đều hợp với giáo huấn của Tin Mừng?

Văn bản của Giao Ước này bảo đảm cho Giao ước kia, và Đấng xưa đã được loan báo qua các dấu chỉ nhiệm mầu như qua một tấm màn, nay đang được ánh vinh quang chiếu tỏa cho thấy rõ ràng, bởi vì như thánh Gioan nói: “Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có”. Nơi Người, lời đã hứa xưa qua các hình ảnh tiên báo nay được thực hiện đầy đủ; tinh thần các huấn lệnh do luật xưa ban bố nay được kiện toàn, đồng thời sự hiện diện của Người cho thấy lời tiên tri là xác thực, và ân sủng của Người ban sức thực thi các lệnh truyền.

Vậy, chớ gì nhờ việc rao giảng Tin Mừng, đức tin của mọi người được củng cố, và không còn ai xấu hổ về thập giá của Đức Kitô, thập giá đã đem lại ơn cứu chuộc cho thế gian.

Cho nên, chớ gì đừng ai sợ phải chịu khổ vì sống công chính, và cũng đừng ai nghi ngờ về phần thưởng Chúa hứa ban, vì có vất vả mới được nghỉ ngơi, có chết mới được sống. Người đã đón nhận mọi tật nguyền thuộc bản tính yếu hèn của chúng ta. Nếu chúng ta kiên trì tuyên xưng và yêu mến Người, chúng ta sẽ chiến thắng như Người đã chiến thắng, sẽ nhận được những gì Người hứa ban.

Vậy, muốn có sức thi hành các lệnh truyền cũng như chịu đựng các nghịch cảnh thì phải để cho lời Chúa Cha chúng ta vừa nghe vang vọng mãi bên tai: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người, các ngươi hãy vâng nghe lời Người”.[51]

14.- Hãy sẵn sàng tha thứ cho nhau

Chúa Giêsu nói: “Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi”. Vì thế, không một Kitô hữu nào được phép thù ghét bất cứ ai, bởi vì không ai được cứu thoát nếu không được thứ tha tội lỗi. Có những người xem ra là đáng khinh dể nếu xét theo lẽ khôn ngoan thế gian, nhưng chúng ta không biết ân huệ Thần Khí có thể làm cho họ nên quý giá đến chừng nào.

Vì thế, chớ gì dân Thiên Chúa sống thánh thiện và ăn ở tốt lành: thánh thiện nhờ từ bỏ những hành vi Chúa cấm, tốt lành nhờ chu toàn các mệnh lệnh Chúa truyền. Quả thế, có lòng tin ngay thẳng và đạo lý thánh thiện là quý giá biết bao, nhưng còn đáng khen biết chừng nào khi dẹp bỏ được thói háu ăn, có được tính dịu dàng dễ thương và lòng trong sạch không gì đáng chê trách. Tuy nhiên, tất cả những nhân đức này sẽ chẳng có giá trị gì, nếu không có đức ái. Cuộc đời sống luân lý dù trổi vượt đến đâu đi nữa thì cũng không thể nói là sẽ mang lại hoa trái nếu không phát sinh bởi tình yêu.

Vì vậy, các tín hữu phải kiểm điểm tâm hồn và chân thành xem xét những tâm tình thâm sâu của lòng mình. Nếu lương tâm họ dành một chỗ thích đáng cho ít là một vài hoa quả của đức ái, thì họ không nên hoài nghi rằng Thiên Chúa đang ở trong họ. Để mỗi ngày một xứng đáng đón tiếp thử thách như thế, họ phải tiến triển hơn thêm nữa nhờ kiên trì thể hiện lòng thương xót. Quả thật, nếu “Thiên Chúa là Tình Yêu”, thì đức ái không thể đặt ra cho mình một giới hạn nào, bởi vì Thiên Chúa không thể tự giam mình trong một ranh giới nào cả.

Anh em thân mến, để thực thi những việc bác ái tốt lành như thế, thời buổi nào cũng thích hợp, nhưng trong những ngày này, chúng ta được kêu gọi thực thi các việc ấy cách đặc biệt hơn. Ai mong muốn đón mừng cuộc vượt qua của Chúa với tâm trí và thể xác thánh thiện, thì trước hết phải cố gắng làm sao cho có được ân huệ này, vì đó là điều cốt yếu của các nhân đức và “phủ lấp được muôn vàn tội lỗi”.

Vì thế, khi cử hành mầu nhiệm trổi vượt trên mọi mầu nhiệm khác, tức là mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô lấy máu mình xoá bỏ những điều gian ác nơi chúng ta, thì trước hết chúng ta hãy làm việc từ thiện để chuẩn bị lễ tế dâng lên Thiên Chúa. Chúng ta được Thiên Chúa nhân lành ban cho điều gì, thì hãy tặng lại cho những người có lỗi với chúng ta. Ước gì chúng ta quên đi những bất công chúng ta đã phải chịu, không tìm cách trừng trị những ai lỗi lầm, và ước gì những kẻ thuộc quyền đã xúc phạm đến chúng ta không còn sợ bị chúng ta trả oán.

Ai nấy phải hiểu rõ rằng chính mình cũng có tội; và muốn được tha thứ họ phải vui mừng vì đã gặp được người để mà thứ tha. Vậy, khi đọc lên như lời Chúa dạy: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”, thì theo lời kinh ấy, chúng ta có thể tin chắc sẽ được Thiên Chúa nhân từ đoái thương.[52]

15.- Chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa Kitô

Ai thực sự tôn kính cuộc thương khó của Chúa thì phải dùng con mắt tâm hồn mà nhìn ngắm Chúa Giêsu chịu đóng đinh để nhìn nhận thân xác của Người cũng là của mình. Ước gì thụ tạo nơi trần thế biết run sợ trước các hình khổ Đấng Cứu Chuộc mình phải chịu. Ước chi tấm lòng chai đá của kẻ không tin phải vỡ tan ra. Ước chi những người đang bị đè bẹp dưới mồ là bản tính phải chết, biết hất tung mọi sức nặng làm trở ngại mà vùng dậy. Ước gì trong thành thánh tức là Hội Thánh của Thiên Chúa,xuất hiện những dấu chỉ cuộc Phục sinh trong tương lai, và ước chi điều một ngày kia sẽ xảy ra nơi thân xác thì bây giờ được thực hiện trong tâm hồn.

Không ai yếu đau bệnh tật mà bị từ chối không được dự phần chiến thắng của thập giá. Không ai lại không được lời cầu nguyện của Đức Kitô trợ giúp. Nếu lời cầu nguyện ấy đã giúp ích cho nhiều người trong số những kẻ hành hạ Đức Giêsu, thì còn đem lại lợi ích nhiều hơn biết bao cho những ai tìm đến với Người.

Ngu dốt bị phá tan, khó khăn được giảm bớt. Máu thánh Đức Kitô đã dập tắt lưỡi gươm lửa từng canh giữ không cho người ta bước vào miền đất sự sống. Bóng tối của đêm cũ đã biến mất, nhường chỗ cho ánh sáng thật.

Dân Kitô hữu được mời gọi vào hưởng sự phong phú của thiên đàng và tất cả những ai đón nhận bí tích tác sinh đều được trở về quê hương đã mất, miễn là đừng tự rào lại con đường ấy, con đường đã được mở ra cho người trộm lành có lòng tin.

Ước chi những hoạt động trong đời sống hiện tại không làm chúng ta lo âu hay tự mãn đến nỗi không đem tất cả lòng yêu mến mà cố gắng nsên đồng hình đồng dạng với Đấng Cứu chuộc chúng ta, bằng cách noi theo các gương sáng của Người. Người không làm hay chịu điều gì mà không nhằm cứu độ chúng ta, ngõ hầu nhân đức đã khởi sự nơi Chúa là đầu thì cũng hiện diện nơi chúng ta là thân mình của Người.

Trước hết, bởi vì, nếu Ngôi Lời đã đón nhận bản tính loài người chúng ta vào trong thần tính của Người để “Trở thành xác phàm và ở giữa chúng ta”, thì làm sao Người có thể loại trừ một ai không cho hưởng tình thương xót của Người, trừ ra khi kẻ đó không chịu tin? Ngoài ra, ai lại không nhận ra những tật nguyền của mình nơi Người? Nếu có ai đón nhận Đức Kitô là Đấng đã nhận lấy bản tính nhân loại, và nếu họ đã được tái sinh bởi cùng một Thánh Thần đã làm cho Đức Kitô sinh ra làm trưởng tử, thì làm sao họ lại không được cùng chung bản tính với Người? Ai lại không thấy Người ăn uống ngủ nghỉ, lo lắng, buồn phiền và rơi lệ xót thương: những điều ấy không đủ để chứng tỏ Người đã mang lấy thân phận nô lệ sao?

Vì thân phận này cần được chữa khỏi các vết thương cũ, cần được tẩy sạch khỏi các vết nhơ tội lỗi, nên Con Một Thiên Chúa đã thực sự trở nên con loài người đến nỗi Người không thiếu chút gì về nhân tính mà cũng chẳng mất gì về thần tính.

Thân xác không hồn nằm bất động trong mồ, thân xác đã chỗi dậy vào ngày thứ ba, và đã lên ngự bên hữu Chúa Cha uy nghi, vượt lên trên các tầng trời cao thẳm, thân xác ấy cũng là của chúng ta. Nếu ta đi theo con đường là các lệnh Người truyền, và không xấu hổ tuyên xưng những việc Người đã làm khi chấp nhận mang lấy xác phàm để cứu độ ta, thì ta cũng được đưa lên tham dự vào vinh quang của Người. Bởi vì điều Người loan báo, chắc chắn sẽ được ứng nghiệm: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận nguời ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”.[53]

16.- Thập giá Đức Kitô là nguồn mọi phúc lành, là căn nguyên mọi ơn thánh

Thần Khí Sự Thật chiếu soi tâm trí của chúng ta. Chớ gì chúng ta biết đem lòng trong sạch và thanh thản mà đón nhận vinh quang của thập giá đang chiếu tỏa rạng ngời khắp cả trái đất; chớ gì chúng ta biết lấy tinh thần bén nhạy mà nhận ra ý nghĩa của lời Chúa đã nói về cuộc thương khó sắp đến của Người: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Người còn thêm sau đó rằng: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà Con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Con Cha”. Và có tiếng Chúa Cha từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh, Ta sẽ còn tôn vinh nữa”. Và Chúa Giêsu nói với những người đứng chung quanh rằng: “Tiếng ấy vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người. Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”.

Lạ lùng thay, quyền năng của thập giá! Nói sao cho cùng, vinh quang của cuộc thương khó! Đấy vừa là toà phán xét của Chúa,vừa là bản án cho thế gian, vừa là quyền năng của Đấng chịu đóng đinh.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã kéo mọi sự lên với Chúa, ngõ hầu việc tôn thờ được thực hiện xưa kia trong đền thờ duy nhất xứ Giudea với những hình ảnh tượng trưng lu mờ, ngày nay được mọi dân nước sốt sắng cử hành khắp nơi trong nghi lễ mầu nhiệm đầy ý nghĩa và rõ ràng. Ngày nay hàng Lêvi sáng giá hơn nơi các phó tế, hàng kỳ mục xứng đáng hơn nơi các linh mục, hàng tư tế thành thiện hơn nơi các giám mục; vì thập giá Chúa là nguồn mọi phúc lành, là căn nguyên mọi ơn thánh. Nhờ thập giá, các tín hữu được sức mạnh bởi sự yếu hèn, được vinh quang bởi sỉ nhục, được sự sống bởi cái chết. Và ngày nay không còn lễ tế đủ thứ súc vật, vì Mình và Máu Chúa thực hiện hiến tế duy nhất, tổng kết và kiện toàn mọi hiến tế khác, vì Chúa là Con Chiên đích thực của Thiên Chúa, đã xoá bỏ tội lỗi trần gian. Chúa đã hoàn thành nơi mình toàn thể các mầu nhiệm; vì vậy một tế phẩm duy nhất thay thế mọi lễ vật hy sinh. Cũng như một vương quốc duy nhất thành hình từ mọi dân.

Vậy, anh em thân mến, chúng ta hãy tuyên xưng điều vị tôn sư của dân ngoại là thánh Phaolô tông đồ đã hiên ngang rao giảng: “Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: đó là Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi”.

Thật vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta còn lạ lùng hơn nữa, và Đức Kitô đã chịu chết không phải cho hàng công chính hay thánh thiện, mà cho những người bất lương và vô đạo. Và bởi vì bản tính Thiên Chúa không thể bị nọc độc của tử thần chạm đến nên khi sinh ra từ loài người chúng ta, Đức Kitô đã nhận lấy bản tính con người để có thể hy sinh chịu chết vì chúng ta.

Xưa kia Người đã lấy cái chết oai hùng của mình mà hăm doạ cái chết của chúng ta, khi Người phán qua miệng ngôn sứ Hôsê rằng: “Hởi tử thần! Này ngươi sẽ chết vì Ta. Kìa âm phủ! Người sẽ bị chính ta tiêu diệt”. Khi chịu chết, Người ở dưới lề luật của âm phủ, nhưng khi chỗi dậy, Người đập tan chúng. Người đã đánh gục cái vĩnh cửu của tử thần: Từ vĩnh viễn Người khiến trở nên tạm thời. Quả thế, “như mọi người vì liên đới với Adam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống”.[54]

17.- Đức Kitô vẫn sống trong Hội Thánh của Người

Anh em rất thân mến, hiển nhiên là khi mặc lấy bản tính nhân loại, Con Thiên Chúa đã kết hiệp mật thiết với bản tính đó, đến nỗi không những nơi người ấy là trưởng tử giữa mọi loài thọ sinh, mà còn nơi tất cả các thánh của Người, chỉ có một Đức Kitô mà thôi, cũng như đầu không thể tách rời khỏi các chi thể, và các chi thể không thể tách khỏi đầu được.

Thiên Chúa là tất cả nơi mọi người, tuy điều ấy không thuộc về đời này, mà về đời vĩnh cửu, nhưng hiện nay Người vẫn ngự trong đền thờ của Người là Hội Thánh, mà không tách rời, như chính Người đã hứa: “Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Vậy mọi điều Con Thiên Chúa đã làm và đã dạy để hoà giải loài người với Thiên Chúa, không những chúng ta biết được nhờ các sự việc thuộc lịch sử đã qua, mà còn cảm nghiệm được nhờ hiệu lực của các công việc hiện thời.

Nhờ quyền năng của Thánh Thần Người đã sinh ra bởi Mẹ Đồng Trinh thì chính Người, nhờ cũng một Thánh Thần linh hứng, đã làm cho Hội Thánh tinh tuyền của Người nên phong phú, nghĩa là nhờ phép rửa tái sinh, một số con cái Thiên Chúa đông vô kể đã sinh ra, như có lời chép: “Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa”.

Chính nơi Người mà dòng dõi ông Abraham được Thiên Chúa ban phúc lành, khi cả thế gian được nhận làm nghĩa tử: Tổ phụ Israel thành cha của các dân tộc khi, theo lời hứa, con cái được sinh ra cho ông nhờ đức tin chứ không phải do huyết nhục.

Người không loại trừ một dân nào, nên từ muôn dân dưới bầu trời, chính Người đã gầy dựng một đoàn chiên thánh thiện, và ngày ngày giữ trọn điều đã hứa: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”.

Vì dù chủ yếu Người nói với thánh Phêrô: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”, nhưng chỉ một mình Chúa mới điều khiển công việc mục vụ của các mục tử, và lấy cỏ xanh tươi mà nuôi dưỡng những ai đến với Tảng Đá. Như vậy, một khi các con chiên đông vô kể được tăng sức nhờ tình thương dạt dào, sẽ không ngần ngại chết vì danh mục tử, cũng như vị mục tử tốt lành đã đoái thương hy sinh mạng sống vì các con chiên của mình.

Chính vì cùng chịu đau khổ với Người mà không những các vị anh hùng tử đạo được lòng dũng cảm, mà cả mọi tín hữu, trong lúc tái sinh, cũng được đón nhận đức tin.

Đây là lý do tại sao cuộc Vượt Qua của Chúa lại được cử hành cách chính đáng bằng bánh không men là lòng tinh tuyền và chân thật: đó là khi đã khử trừ men cũ là lòng gian tà, thì thọ tạo mới đước ăn uống no say chính Chúa.

Thực thế, chúng ta thông phần Mình và Máu Chúa Kitô là để được biến thành Đấng chúng ta rước lấy. Một khi cùng chết, cùng được mai táng và cùng sống lại với Người, chúng ta hãy luôn mang Người cả trong tâm trí lẫn trong thân xác chúng ta.[55]

18.- Từ khi Chúa sống lại cho tới lúc Người lên Trời

Anh em thân mến,

Những ngày từ khi Chúa sống lại cho tới lúc Ngưới lên trời đã không trơi qua lặng lờ vô ích. Nhưng trong thời gian đó, những sự kiện lớn lao đã được chứng nghiệm và những mầu nhiệm cao cả đã được mặc khải.

Trong những ngày ấy, nỗi lo sợ trước cái chết dữ dằn đã tiêu tan, phúc trường sinh bất tử dành cho cả hồn lẫn xác đã được công bố. Trong những ngày ấy, Chúa đã hà hơi tuôn đổ Thánh Thần xuống trên tất cả các Tông Đồ. Thánh Phêrô tông đồ trước kia đã lãnh nhận chià khoá Nước Trời, thì nay được trao cho nhiệm vụ đứng đầu anh em coi sóc đoàn chiên Chúa.

Trong những ngày ấy, Chúa làm người bộ hành thứ ba bắt chuyện với hai môn đệ đang trên đường đi. Để xua tan mọi bóng tối nghi nan lưỡng lự của chúng ta, Người quở trách sự chậm tin của hai môn đệ đang run rẩy sợ hãi. Ngọn lửa đức tin đã nhen nhúm lên trong hai tâm hồn vừa được chiếu sáng. Hai tâm hồn ấy trước kia nguội lạnh, nay nhờ được Chúa giải thích Kinh Thánh, bỗng trở nên sốt sắng. Rồi khi Người bẻ bánh, mắt các người đồng bàn được mở ra. Một khi mắt mở ra, những người này nhìn thấy bản tính của mình được tôn vinh nơi Người, thì lấy làm hạnh phúc hơn nhiều so với các vị nguyên tổ của chúng ta đã phải hổ thẹn vì tội của mình.

Vậy anh em thân mến, trong suốt thời gian từ khi Chúa sống lại cho tới lúc Người lên trời, Chúa quan phòng an bài, đã dạy dỗ, đã mở mắt soi lòng cho những kẻ thuộc về mình như thế, để họ nhận biết Chúa Giêsu Kitô đã sinh ra, đã chịu khổ hình và đã chết thật thì cũng đã sống lại thật.

Bởi đó, các thánh Tông Đồ và tất cả các môn đệ trước kia vừa run sợ vì Chúa chết trên thập giá, vừa nghi ngờ không tin Người sống lại, thì nay trước sự thật hiển nhiên, họ nên vững vàng mạn mẽ, đến nỗi sau khi Chúa lên trời cao thẳm, chẳng những họ không buồn sầu chi hết mà lại được chan chứa niềm vui.

Quả thế, lý do để vui thì thật lớn lao khôn tả, vì trước mặt đông đảo các môn đệ, bản tính nhân loại của Người đã vượt lên trên mọi loài thọ tạo thiên giới, trên các bậc thiên thần và được nâng cao hơn các tổng lãnh thiên thần. Không vật cao siêu nào có thể giới hạn mức siêu thăng của bản tính ấy, vì xưa bản tính nhân loại nơi Chúa Con đã được phối hợp với bản tính Chúa Cha hằng hữu thì nay, một khi được rước lên đồng hiển trị với Chúa Cha, bản tính ấy cũng được ngự ngai toà vinh hiển với Người.[56]

19.- Chúa lên trời tăng thêm đức tin cho chúng ta

Dịp lễ Vượt Qua, Chúa sống lại đã là lý do vui mừng cho chúng ta thế nào, thì Chúa lên trời cũng là đề tài hoan hỷ cho chúng ta hôm nay như vậy. Chúng ta đang tưởng miệm và long trọng cử hành ngày bản tính yếu hèn của chúng ta nơi Đức Kitô được đưa lên cao hơn các đạo binh trên trời, hơn tất cả các phẩm thiên thần, hơn tất cả các quyền thần, để cùng hiển trị với Chúa Cha. Nhờ các công trình Chúa xếp đặt như vậy, chúng ta được xây dựng trên nền móng vững chắc, để, một khi không còn thấy những điều lạ lùng kinh ngạc nữa mà đức tin vẫn không suy giảm, đức cậy không lung lạy, đức ái không lạnh nhạt, thì tình thương của Thiên Chúa lại càng tỏ ra diệu kỳ.

Sức mạnh của những bậc thượng trí, ánh sáng của những tâm hồn tín trung là đây: tin không do dự những gì mắt phàm không xem thấy, và trông cậy không nao núng những gì tầm nhìn không tới được. Nhưng lòng đạo đức này bởi đâu mà phát sinh, hoặc làm sao ai đó được nên công chính nhờ đức tin, nếu ơn cứu độ chúng ta chỉ hệ tại những gì mắt thấy?

Vậy điều xưa kia thấy được nơi Đấng cứu chuộc chúng ta, nay đã chuyển thành bí tích; để đức tin nên tinh tuyền và vững chắc hơn, thì lời giáo huấn đã thay cho giác quan, khiến tâm hồn các tín hữu được ánh sáng Chúa chiếu soi, sẵn sàng vâng theo lời giáo huấn đầy thẩm quyền đó. Nhờ được mầu nhiệm Chúa lên trời gia tăng và ân huệ Chúa Thánh Thần củng cố, đức tin đó không khiếp sợ gông cùm, tù tội, lưu đày, đói khát, lửa thiêu, hùm beo cắn xé hay những cực hình tinh vi của những kẻ bách hại. Chính vì đức tin ấy mà khắp nơi trên hoàn cầu không những đàn ông mà cả đàn bà, trẻ con non nớt cũng như thiếu nữ liễu yếu đào tơ, đã chiến đấu đến đổ máu mình ra. Đức tin ấy đã xua trừ ma quỷ, đẩy lùi bệnh tật, làm cho kẻ chết sống lại.

Bởi đó, chính các thánh Tông Đồ trước kia, dù đã được bấy nhiêu phép lạ củng cố và bao lời giáo huấn chỉ dạy mà vẫn khiếp sợ trước cuộc thương khó dữ dằn của Chúa và do dự không chịu tin Chúa đã sống lại thật,thì nay nhờ mầu nhiệm Chúa sống lại, các ông đã tiến bộ đến nỗi tất cả những gì đã làm cho các ông khiếp sợ đều biến thành niềm vui.

Vì không còn nhìn thấy thân xác của Người nữa, nên tâm trí nhạy bén của các ông dễ nhìn ngắm Đấng, khi xuống trần không rời xa Chúa Cha và khi lên trời cũng chẳng lìa bỏ các môn đệ. Vậy, anh em rất thân mến, khi được đón nhận vào vinh quang rực rỡ của Chúa Cha thì Con Người hiển hiện là Con Thiên Chúa cách tuyệt vời và thánh thiện hơn lúc nào hết. Và Đấng rời xa các môn đệ theo nhân tính lại bắt đầu hiện diện cách khôn tả theo thần tính. Bấy giờ đức tin sáng suốt hơn bao giờ hết bắt đầu hiểu được Chúa Con ngang hàng với Chúa Cha và không cần phải đụng chạm tới phần xác thể nơi Đức Kitô là phần làm cho Người thua kém Chúa Cha. Đành rằng bản tính của thân xác hiển vinh của Chúa vẫn còn đó, nhưng các tín hữu được kêu mời lấy đức tin tiếp xúc với Đấng là Con Một ngang hàng với Chúa Cha, đụng chạm tới Người không phải bằng bàn tay, nhưng bằng tâm trí.[57]

20.- Hãy nhận thức nhân phẩm của bạn

Khi sinh ra làm người thật và chẳng bao giờ thôi là Thiên Chúa thật, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã thực hiện nơi bản thân mình bước đầu của một tạo thành mới, và nhờ việc được sinh ra, Người đã ban cho nhân loại một nguyên lý thiêng liêng. Mầu nhiệm đó, trí nào hiểu cho thấu? An huệ ấy, lưỡi nào kể cho cùng? Tội nhân lại trở thành kẻ vô tội, cũ lại nên mới, kẻ xa lạ được nhận làm con cái, người ngoài được thừa hưởng gia nghiệp.

Hỡi con người, tỉnh dậy đi và nhận thức lấy nhân phẩm của bạn! Hãy nhớ rằng bạn đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Hình ảnh này đã bị hư hại nơi Adam, nhưng đã được phục hồi nơi Đức Kitô. Hãy hưởng dùng mọi thụ tạo hữu hình cho đúng, như bạn vẫn hưởng dùng đất trời, sông biển, không khí, suối nguồn; và tất cả những gì là xinh đẹp, kỳ diệu, thì hãy quy về Đấng Tạo Hoá mà dâng lên Người lời ca tụng tôn vinh.

Hãy lấy con mắt thể xác mà tiếp cận ánh sáng thiên nhiên, rồi đem tất cả tình yêu và tâm hồn đón nhận “ánh sáng thật chiếu soi mọi người đến trong thế gian”. Về ánh sáng đó, tác giả thánh vịnh nói: “Hãy đến gần Người, các bạn sẽ được chiếu sáng, không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi”. Nếu chúng ta là đền thờ Thiên Chúa, và nếu Thần Khí của Người cư ngụ trong chúng ta, thì điều mà bất cứ người tín hữu nào mang trong tim cũng hơn hẳn những gì được nhìn thấy trên bầu trời.

Anh chị em thân mến, chúng tôi không hề có ý chỉ thị hay khuyên nhủ anh chị em khinh thường công trình tạo dựng của Thiên Chúa, hay cho rằng, trong những điều tốt lành mà Thiên Chúa tốt lành đã dựng nên có điều nào đi ngược với Đức Tin của anh chị em. Chúng tôi chỉ nhắm giúp anh chị em biết sử dụng cho hợp lý và tiết độ tất cả mọi loài thọ tạo và tất cả vẻ đẹp của thế giới này; như thánh Phaolô nói: “Những gì thấy được thì tạm thời, còn những gì không thấy được mới là vĩnh cửu”.

Thật vậy, vì chúng ta được sinh ra để hưởng những gì thuộc thế giới hiện tại, và được tái sinh để hưởng những gì thuộc thế giới tương lai, nên chúng ta không tha thiết với những lợi lộc nhất thời, nhưng luôn hướng về những phúc lộc vĩnh cửu. Và để có thể ngắm nhìn cho gần cho sát hơn đối tượng niềm hy vọng của chúng ta, chúng ta hãy ngẫm xem ân sủng của Thiên Chúa đã đem lại những gì cho bản tính loài nguời chúng ta. Hãy nghe thánh Phaolô nói: “Anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Nguời, và cùng Người hưởng phúc vinh quang. Người là Đấng hằng sống và hiển trị với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen”.[58]

21.- Đức tin của Thánh Phêrô là nền tảng vững vàng của Hội Thánh

Trong khắp thiên hạ, một mình thánh Phêrô được chọn làm người đứng đầu để kêu gọi muôn dân đến lãnh nhận ơn cứu độ, đồng thời làm thủ lãnh tất cả các Tông Đồ và tất cả các giáo phụ. Như vậy, cho dù trong Dân Thiên Chúa có nhiều linh mục và nhiều mục tử, nhưng chính ông Phêrô điều hành tất cả, dưới quyền lãnh đạo tối cao của Chúa Kitô. Anh em thân mến, Thiên Chúa đã đoái thương cho con người này được vinh dự lớn lao và lạ lùng, là được chia sẻ quyền năng của Người. Giả như Thiên Chúa muốn ban cho các vị thủ lãnh khác một ơn nào như đã ban cho thánh nhân, thì bao giờ Người cũng ban qua trung gian của ngài.

Chúa hỏi tất cả các Tông Đồ xem thiên hạ nghĩ gì về Người. Và bao lâu câu trả lời còn chung chung, bấy lâu còn cho thấy tâm trí con người vẫn mơ hồ và mê muội.

Nhưng khi các Tông Đồ được hỏi về cảm nghĩ của chính các ngài, thì người đầu tiên tuyên xưng lòng tin vào Chúa là người đứng đầu trong hàng Tông Đồ. Thánh Phêrô đã thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Đức Giêsu trả lời: “Này anh Simon, con ông Giona, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”. Thế có nghĩa là: Anh thật là người có phúc, bởi vì Cha của Thầy đã dạy anh; suy nghĩ của thiên hạ đã không làm cho anh lầm lạc, nhưng ơn linh hứng từ trời đã dạy dỗ anh. Chẳng phải phàm nhân đã chỉ cho anh biết Thầy, nhưng chính Chúa Cha mà Thầy là Con Độc Nhất của Người đã chỉ cho.

Đức Giêsu nói tiếp: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết”. Như vậy nghĩa là: như Chúa Cha đã tỏ cho anh biết thần tính của Thầy thế nào, thì Thầy, Thầy cũng cho anh biết sự cao trọng tuyệt vời của anh như thế. “Anh là Phêrô”, nghĩa là mặc dầu chính Thầy là Tảng Đá không thể lay chuyển được, là “Tảng Đá góc tường tác tạo đôi bên thành một”, là nền tảng này, thế nhưng anh cũng là Tảng Đá, bởi vì anh được nên vững chắc nhờ sức mạnh của Thầy, để những gì Thầy có do quyền năng riêng, thì anh cũng có chung với Thầy nhờ được chia sẻ quyền năng ấy.

“Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”. Người muốn nói: Trên nền tảng vững chắc này, Thầy sẽ xây lên ngôi đền thờ vĩnh cửu. Trên nền đức tin vững vàng ấy, Hội Thánh của Thầy sẽ vươn cao đến tận trời.

Quyền lực tử thần không chế ngự được, xiềng xích tử thần không trói buộc được lời tuyên xưng ấy: vì đó là lời đưa đến sự sống. Lời đó đưa những người tuyên xưng lên tới thiên quốc thế nào, thì cũng dìm những người chối bỏ xuống hoả ngục như thế.

Chính vì vậy, Chúa nói với thánh Phêrô: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.

Quyền này hẳn cũng được chuyển cho các Tông Đồ khác, và định chế do quyết định này cũng mở rộng đến mọi giám mục trong Hội Thánh, nhưng không phải vô cớ mà điều sẽ được trao cho mọi người lại được ủy thác cho một người mà thôi. Thật vậy, quyền này được đặc biệt trao cho thánh Phêrô bởi vì thánh nhân được đặt làm khuôn mẫu cho mọi người nắm quyền điều hành trong Hội Thánh.[59]

22.- Đức Maria đã cưu mang trong tâm hồn trước khi cưu mang trong thân xác

Một trinh nữ thuộc hoàng tộc Đavít được tuyển chọn làm mẹ một Hài Nhi thánh. Hài nhi này vừa là Thiên Chúa, vừa là người, đã được Trinh Nữ cưu mang trong tâm hồn trước khi cưu mang trong thân xác. Và để Trinh Nữ khỏi hoảng sợ trước những hiệu quả lạ thường do không biết kế hoạch của Thiên Chúa, thì thiên sứ đã nói cho Trinh Nữ biết điều sẽ được thực hiện nơi Trinh Nữ là bởi Chúa Thánh Thần. Trinh Nữ không tin rằng sự thanh khiết của mình bị tổn thương khi sắp làm Mẹ Thiên Chúa. Vậy tại sao Trinh Nữ lại thất vọng về việc cưu mang lạ lùng này khi đã được hứa rằng việc đó thành sự là do quyền năng của Đấng Tối Cao? Lòng tin của Trinh Nữ còn được củng cố bởi phép lạ xảy ra trước đó: Không ai nghĩ rằng bà Elisabeth có thể sinh con, thế mà Thiên Chúa đã ban cho người phụ nữ vô sinh được thụ thai. Vậy, Người sẽ ban cho Trinh Nữ được thụ thai là điều không còn nghi ngờ gì nữa.

Thế thì Ngôi Lời của Thiên Chúa, cũng là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa “lúc khởi đầu vẫn hướng về Thiên Chúa, nhờ Người vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành”, là Đấng đã làm người để giải thoát con người khỏi chết đời đời; Người đã hạ mình đến nỗi mang lấy thân phận thấp hèn của chúng ta mà uy quyền của Người vẫn không hề giảm sút. Người vẫn giữ được bản tính Thiên Chúa và còn nhận lấy bản tính vốn không phải của Người. Người đã nối kết thân phận nô lệ vào địa vị ngang hàng với Thiên Chúa Cha. Người đã nối kết chặt chẽ hai bản tính đến nỗi vinh quang Thiên Chúa không tiêu diệt bản tính thấp hèn của con người, và ngược lại sự nối kết đó cũng không làm giảm bớt bản tính cao trọng của Thiên Chúa.

Thế nên điều gì là đặc trưng cho từng bản tính vẫn còn trọn vẹn nhưng lại liên kết với nhau trong một ngôi vị duy nhất, phận hèn được uy quyền đón nhận, yếu đuối được sức mạnh nâng lên, bản tính phải chết được sự vĩnh hằng lãnh nhận. Để trả món nợ của thân phận chúng ta, bản tính không thể bị tổn thương đã kết hợp với bản tính có thể đau khổ, Thiên Chúa thật và con người thật phối hợp làm một nơi Chúa Giêsu. Vậy để cứu chữa chúng ta, “Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người” có thể chết vì mang bản tính loài người nhưng chỗi dậy nhờ bản tính Thiên Chúa. Do đó, thật là hợp lý khi Đấng Cứu Độ sinh ra, Người không mảy may làm tổn thương đức trinh khiết vẹn toàn của Thánh Mẫu, vì khi Đấng là chân lý xuất hiện thì Người cũng gìn giữ đức khiết tịnh.

Anh em thân mến, việc giáng sinh như thế thật thích hợp với Đức Kitô là quyền năng và là khôn ngoan của Thiên Chúa. Việc giáng sinh đó làm cho Người hoà hợp với chúng ta xét về nhân tính, và trổi vượt chúng ta xét theo thần tính. Nếu không phải là Thiên Chúa thật, thì Người không đem lại linh dược cứu chữa chúng ta; nếu không phải là người thật, thì Người không thể trở nên gương mẫu cho chúng ta.

Khi Chúa sinh ra, các thiên sứ nhảy mừng ca hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời”, và loan báo: “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Các ngài nhìn thấy Giêrusalem thiên quốc được gầy dựng bởi mọi dân nước thế gian. Trước công trình yêu thương khôn tả này của Thiên Chúa, các thiên sứ cao vời đã hân hoan dường ấy, thì loài người hèn yếu phải vui mừng biết bao![60]

23.- Lề luật của Ta, Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng

Anh em thân mến, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Người rảo khắp xứ Galilê, chữa mọi thứ bệnh tật. Các phép lạ người làm gây tiếng vang trên toàn cõi xứ Xyria. Từ khắp miền Giudea, đông đảo quần chúng tìm đến với vị lương y từ trời xuống. Quả vậy, những người ít học không vội tin những gì mình không thấy và hy vọng những điều mình không biết. Chính vì vậy mà để vững tin vào giáo huấn của Chúa, họ cần có những gì hữu ích cho thể xác, những dấu lạ mắt phàm thấy được. Khi cảm nghiệm được quyền năng đem lại lợi ích như vậy, họ không còn hoài nghi là đạo lý của Chúa đưa người ta đến ơn cứu độ.

Vì vậy, để biến những dấu lạ bên ngoài thành linh dược bên trong, để đem lại sức khỏe cho linh hồn sau khi chữa lành thân xác, Chúa tránh xa quần chúng vây quanh Người, rồi gọi các Tông Đồ, và cùng với các ngài lên một ngọn núi cao và ẩn mình tại đó. Từ nơi giàu ý nghĩa tượng trưng này, Chúa cho các ngài thấm nhuần những giáo huấn cao siêu nhất. Tự bản chất của nơi chốn và việc làm, Chúa cho hiểu Người chính là Đấng xưa kia đã đoái thương đàm đạo với ông Môsê, Đấng xưa kia vừa xa cách vừa đáng sợ, nay thành Đấng vừa thánh thiện vừa dịu hiền, để thực hiện lời hứa ngôn sứ Giêrêmia từng loan báo: “Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giudea một giao ước mới. Sau những ngày đó - sấm ngôn của Đức Chúa -, Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của ta”.

Đấng đã nói với ông Môsê cũng là Đấng nói với các Tông Đồ; trong tâm hồn các môn đệ này, bàn tay của Ngôi Lời, khác nào bàn tay khéo léo của kinh sư, đã viết những điều răn của Giao Ước Mới. Chẳng phải như xưa kia từ những đám mây dày đặc, qua sấm chớp hãi hùng khiến đám dân khiếp đảm không dám đến gần ngọn núi, nhưng đây là một cuộc trò truyện thân tình giữa những người hiện diện, trong một khung cảnh yên tĩnh. Và như thế ân sủng dịu dàng dẹp bỏ Lề Luật cứng cỏi, thái độ mạnh dạn của Người Con đã tiêu diệt nỗi sợ hãi của đứa nô lệ.

Chính những lời lẽ của Chúa Kitô cho ta hiểu đâu là giáo lý của Ngừơi. Ai muốn đạt tới phúc trường sinh bất tử phải khám phá ra những bậc thang dẫn tới hạnh phúc muôn đời. Người nói: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Ta có thể tự hỏi: Đấng tuyên bố mình là chân lý đã muốn nói đến hạng người nghèo nào khi tuyên bố: “Phúc thay ai nghèo khó”, nếu Người không xác định người nghèo ở đây là ai. Ta có cảm tưởng như để được hưởng Nước Trời, chỉ cần nỗi thiếu thốn mà nhiều người phải chịu vì hoàn cảnh cực kỳ quẫn bách. Thế nhưng khi nói: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”, Chúa cho thấy Nước Trời được dành cho những ai có tinh thần khiêm nhu hơn là thiếu của cải vật chất.[61]

24.- Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó

Người nghèo đạt được đức khiêm nhường dễ hơn người giàu, đó là điều không thể hồ nghi. Người nghèo là bạn nghĩa thiết của đức hiền lành, còn người giàu là kẻ thân tình của sự tâng bốc. Thế mà, nơi nhiều người giàu, của cải không làm cho họ vênh váo kiêu căng, nhưng thúc đẩy họ làm việc thiện; họ coi việc dùng của để nâng đỡ người lầm than như mối lợi lớn. Khi sống khó nghèo, người ta đồng phận với nhau, dù thuộc loại hay bậc người nào, vì có thể chênh lệch về hoàn cảnh xã hội, nhưng lại đồng đều về chí hướng. Khác nhau về của cải trần gian, điều đó không đáng kể, khi người ta bằng nhau về của cải thiêng liêng. Đức khó nghèo như vậy, thật là diễm phúc, vì nó không bị chi phối bởi lòng yêu những của phù vân, cũng chẳng thèm được thêm của cải đời này, chẳng ham muốn nên giàu có những của trên trời.

Khó nghèo nhưng quảng đại, các Tông Đồ đầu tiên, sau Chúa đã nêu gương đó cho chúng ta, vì các ngài đã mau mắn từ bỏ mọi sự mà đi theo tiếng gọi của Thầy chí thánh. Từ nghề đánh cá, các ngài đã vui vẻ đổi đời mà trở nên những kẻ chinh phục người ta, và làm cho nhiều người nên giống mình nhờ noi gương đức tin của mình. Bấy giờ trong Hội Thánh sơ khai, mọi tín hữu chỉ có một lòng một ý với nhau. Một khi đã bán hết của cải và tài sản mình có, và nhờ sống đức khó nghèo một cách rất quảng đại, họ nên giàu có nhờ những của đời đời. do lời giảng của các Tông Đồ, họ vui mừng vì chẳng có của gì thuộc trần gian, nhưng cùng với Đức Kitô, họ lại có tất cả.

Bởi đó khi thánh tông đồ Phêrô lên Đền Thờ mà có người què xin làm phúc, thì người nói: “Vàng bạc tôi không có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi”. Còn gì cao cả hơn đức khiêm nhường ấy, còn gì phong phú hơn đức nghèo khó ấy? Người không có nguồn lợi về tiền bạc, nhưng lại tặng anh món quà của Tạo Hoá. Kẻ khuyết tật từ lòng mẹ, thánh Phêrô đã chữa lành bằng một lời nói; người không ban cho anh hình ảnh của Cesar trên đồng bạc, nhưng phục hồi hình ảnh Đức Kitô nơi con người anh.

Kho tàng phong phú đó đã trợ giúp không những người què vừa được phục hồi chức năng, mà còn cả năm ngàn người đàn ông; những người này, khi nghe thánh Tông Đồ khuyên, đã tin nhờ việc chữa lành lạ lùng đó. Vị Tông Đồ nghèo khó ấy không có gì để tặng cho kẻ xin, nhưng lại ban ân sủng rất dồi dào của Chúa, đến nỗi cũng như người đã làm cho chân một kẻ què được phục hồi, thì cũng chữa lành tâm hồn bấy nhiêu ngàn kẻ tin, những kẻ mà trước đó người thấy què quặt, thì nay người cho được vui mừng phấn khởi trong Đức Kitô.[62]

25.- Hạnh phúc trong vương quốc Đức Kitô

Sau khi giảng về mối phúc khó nghèo, Chúa nói thêm: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”. Anh em thân mến, Chúa hứa ban niềm an ủi đời đời cho người sầu khổ; sầu khổ ở đây không đồng nghĩa với cực khổ ở trần gian này. Nhưng lời than vãn vọng lên từ tiếng khóc của toàn thể nhân loại cũng chẳng làm cho ai được hạnh phúc. Người thánh thiện rên rỉ vì lý do khác, người lành thánh khóc than cũng vì nguyên nhân khác. Người đạo đức buồn sầu khóc lóc hoặc tội người khác, hoặc tội mình. Người ấy không sầu khổ vì Chúa xét xử công minh, nhưng buồn vì loài người phạm tội. Ở đây người làm điều dữ thì đáng cho người ta than khóc, hơn là người phải chịu sự dữ. Bởi vì sự gian ác của kẻ bất lương khiến nó bị phạt; còn sự chịu đựng của người công chính đưa họ tới vinh quang.

Rồi Chúa nói: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”. Những ai hiền lành, dịu dàng, khiêm tốn, nhã nhặn và sẵn sàng chịu mọi sự sỉ nhục, thì được Chúa hứa ban Đất làm gia nghiệp. Không được coi gia nghiệp này là nhỏ là hèn, như thể là khác với nơi cư ngụ trên trời. Vì phải hiểu là họ chứ không ai khác được vào Nước Trời. Vậy Đất Hứa ban cho người hiền lành và dịu dàng làm sở hữu là thân xác của các thánh. Thân xác đó sẽ được biến đổi nhờ sự sống lại hồng phúc, vì đã có công hạ mình xuống và sẽ mặc lấy sự bất tử hiển vinh. Thân xác đó từ này sẽ không còn đối nghịch với tinh thần, và sẽ hoàn toàn nhất trí với ý muốn của linh hồn. Thật thế, bấy giờ con người bên ngoài sẽ là phần Đất yên hàn, không ô nhiễm con người bên trong chiếm hữu được.

Vì chưng, những kẻ hiền lành sẽ chiếm hữu Đất đó nhờ sự bình an vĩnh cửu, và không bao giờ quyền lợi của họ bị suy giảm; “vì cái thân phải hư nát sẽ mặc lấy sự bất diệt, và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử”. Như thế, hiểm nguy trở nên phần thưởng, và gánh nặng biến thành vinh quang.[63]

26.- Đức khôn ngoan Kitô giáo

Rồi Chúa nói tiếp: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”. Đói đây không phải là đói của phần xác, khát đây không phải là khát của trần gian, mà là ước ao được no đầy sự công chính, và một khi được đưa vào lãnh vực nhiệm mầu của những điều bí ẩn, con người sẽ mong mỏi được đầy tràn chính Chúa.

Phúc thay người ao ước đức công chính như thèm của ăn, như khát nước uống; chẳng ai khát khao đức công chính, nếu không nếm cảm được một chút ngọt ngào của đức ấy. Khi nghe Thần Khí nói qua miệng ngôn sứ: “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy”, thì con người nhận được phần nào sự an ủi từ trên ban xuống, và cháy lửa ngất ngây yêu mến Chúa. Vì vậy, khi đã khinh chê mọi sự phù vân ở đời này, con người ấp ủ trong lòng niềm khát vọng nên công chính như người ta thèm ăn khát uống, và hiểu được ý nghĩa của điều răn thứ nhất: ‘Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi’. Bởi vì yêu mến Thiên Chúa chẳng là gì khác mà chỉ là yêu chuộng đức công chính”.

Cuối cùng, như yêu mến Thiên Chúa đòi phải săn sóc tha nhân, thì khao khát đức công chính cũng đòi phải xót thương người. Vì thế, Tin Mừng nói: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.

Hỡi Kitô hữu, bạn hãy nhìn xem đức khôn ngoan bạn đã nhận được cao quý dường nào, và hãy hiểu mình đã được kêu gọi phải tập luyện làm sao để đạt được những phần thưởng trọng hậu như thế. Lòng xót thương đòi bạn phải biết xót thương, đức công chính đòi bạn phải nên công chính, để Đấng Tạo Hoá xuất hiện nơi thọ tạo của mình, và hình ảnh Thiên Chúa sẽ rực sáng lên nơi trái tim con người như trong một tấm gương, nhờ có những nét phản chiếu hình ảnh của Người. Có thực hành, đức tin bạn mới vững; điều bạn ước mong, bạn sẽ đạt được; điều bạn mến yêu, bạn sẽ được hưởng mãi.

Vì nhờ việc bố thí mà mọi sự trở nên thanh sạch cho bạn, nên bạn cũng sẽ đạt được mối phúc tiếp theo Chúa hứa, khi Người nói: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. Anh em thân mến, người nào được Chúa sắm sẵn cho một phần thưởng cao trọng như thế, thật là diễm phúc. Vậy có tâm hồn trong sạch là gì, nếu không phải là trau dồi các nhân đức đã nói ở trên? Còn nhìn thấy Thiên Chúa, thì trí nào hình dung nổi, lưỡi nào giải thích được hạnh phúc ấy cao cả nhường bao! Thế mà con người lại đạt được điều ấy, khi bản tính nhân loại được biến đổi, nghĩa là khi con người được nhìn thấy Thiên Chúa không phải lờ mờ như trong một tấm gương, nhưng là mặt giáp mặt, Đấng mà không một người nào đã có thể nhìn thấy theo đúng như bản tính của Người. “Và điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới”, thì người ta lại được đời đời chiêm ngưỡng trong một niềm vui khôn tả.[64]

27.- Kẻ yêu luật Chúa hưởng an bình thư thái

Ai có lòng trong sạch thì được Thiên Chúa hứa ban phúc nhìn thấy Người. Đó là điều phải lẽ. Quả vậy, con mắt vẩn đục không thể nhìn thấy vẻ huy hoàng của ánh sáng chân thật, và điều là niềm vui cho những tâm hồn trong sạch thì lại là hình phạt cho những tâm hồn nhơ bẩn. Vậy, đừng để những sự phù phiếm thế gian làm cho ra tối tăm mù mịt, và phải thanh tẩy con mắt linh hồn cho sạch mọi thứ cáu nhơ gian ác, hầu được yên hàn chiêm ngưỡng Thiên Chúa cao sang.

Nhưng ai cũng hiểu rằng, để đáng hưởng mối phúc ấy, thì mối phúc sau đây là cần thiết: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Anh em thân mến, phúc này không do một sự đồng tâm nhất trí nào mà có, nhưng do sự bình an mà thánh Phaolô tông đồ nói tới: “Anh em hãy sống bình an với Thiên Chúa”, cũng như ngôn sứ Đavít nói: “Kẻ nào yêu luật Chúa hưởng an bình thư thái, chẳng còn lo gặp chướng ngại nào”.

Sự bình an đó, ngay cả những mối tình bằng hữu bền chặt nhất hay những sự đồng thanh tương ứng thâm sâu nhất cũng không thể đòi cho mình được quyền hưởng nếu không hợp ý của Thiên Chúa. Con người mà tham lam bất chính, vào hùa với tội ác, toa rập với điều xấu xa, thì không đáng hưởng sự bình an đó. Lòng yêu thế gian không thể hợp với lòng mến Thiên Chúa. Ai không tách khỏi nỗi ham mê xác thịt thì không thể hội nhập với đoàn con Thiên Chúa. Còn những ai lòng luôn kết hợp với Thiên Chúa, thì lo “giữ gìn sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, nhờ mối dây bình an liên kết”; họ sẽ không bao giờ trật xa luật đời đời vì họ luôn tin tưởng cầu xin: Nguyện “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

Đó là những kẻ xây dựng hoà bình, những người đồng tâm nhất trí với nhau trong mối hoà hợp thánh thiện. Muôn đời họ phải được gọi là “con cái Thiên Chúa đồng thừa tự với Đức Kitô”. Lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân làm cho họ đáng được hưởng điều này là không còn cảm thấy bị chống đối hay sợ gặp phải cớ vấp phạm nào. Nhưng sau khi đã chiến đấu chống lại mọi cơn cám dỗ, họ được nghỉ ngơi trong sự bình an vô cùng thanh thản của Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.[65]

28.- Công khó bao nhiêu phúc lộc bấy nhiêu

Chúa nói: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisiêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Nhưng làm sao ăn ở công chính được, khi xót thương không vượt hẳn xét đoán? Thu tạo đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa, nếu noi gương bắt chước Đấng Tạo Dựng, thì còn chi hợp lẽ và chính đáng bằng? Chính Người đã phục hồi và thánh hoá các tín hữu khi tha tội cho họ, bỏ hẳn ý định trừng trị nghiêm khắc, ngưng mọi cực hình, khiến cho tội nhân được trong trắng như xưa, và một khi tội lỗi chấm dứt thì nhân đức trổ sinh.

Người Kitô hữu có thể ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisiêu tại điểm đó: họ không loại bỏ lề luật, nhưng cũng không hiểu lề luật theo nghĩa xác thịt. Cho nên, khi dạy các môn đệ cách thức ăn chay, Chúa nói: “Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi”. Phần thưởng nào, nếu không phải là được người đời ca tụng? Vì muốn được ca tụng, nên hay làm ra vẻ công chính. Và ai không để ý gì đến lương tâm, người đó sẽ thích được tiếng tăm giả tạo. Hậu quả là người sống bất chính vẫn thích được nghe dư luận đồn đãi sai lệch về mình, và càng che đậy sự bất chính, thì lại càng chứng tỏ là mình bất chính.

Đối với người yêu mến Thiên Chúa, làm đẹp lòng Đấng mình mến yêu là đủ rồi, bởi vì họ không mong phần thường nào lớn lao hơn là chính tình yêu. Thực vậy, tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu. Tâm hồn đạo đức và trong sạch sẽ chan chứa vui mừng vì được tràn ngập sự hiện diện của Thiên Chúa, và có Thiên Chúa rồi, tâm hồn sẽ không còn khao khát thú vui nào khác nữa. Đức Kitô đã nói thật chí lý: “Kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó”. Kho tàng của mỗi người là gì nếu không phải là toàn thể hoa lợi và tất cả công khó của họ? Vì “ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy”. Công khó bao nhiêu, thì phúc lộc bấy nhiêu. Tìm thú vui hưởng thụ ở đâu thì gắn bó trí lòng vào đấy. Nhưng vì có nhiều thứ giàu sang, có nhiều loại vui thú khác nhau, nên kho tàng của mỗi người là những gì họ say mê và ham muốn. Tuy nhiên, nếu ham muốn say mê đó là do nỗi thèm khát những chuyện thế trần, thì có đạt được, họ cũng chẳng hạnh phúc mà chỉ thấy khốn khổ thôi.

Trái lại, ai quý chuộng những gì thuộc thượng giới chứ không phải những gì thuộc hạ giới, ai chú tâm vào những điều vĩnh cửu chứ không phải những cái mau qua, người đó sẽ có những tài sản bất hoại ẩn giấu nơi kho tàng mà vị Ngôn Sứ đã nói đến: “Sự khôn ngoan và hiểu biết đem lại ơn cứu độ dồi dào; sự kính sợ Đức Chúa, đó chính là kho tàng Người ban”. Nhờ kho tàng đó, và nhờ ơn Thiên Chúa trợ giúp, cả những của cải thế trần cũng trở thành của cải thiên quốc. Quả vậy, nhiều người đã dùng của cải chính đáng do người khác để lại hay do mình kiếm được làm phương thế thể hiện lòng nhân ái. Khi đem của cải dư dật ra phân phát để nâng đỡ kẻ nghèo, họ đã thu tích cho mình những tài sản không hư nát. Vì thế, những gì họ bố thí, tức là đem cất đi, thì không còn có thể mất được. Kho tàng để đâu, lòng trí để đó, điều ấy thật đúng. Làm cho những của cải ấy sinh lợi và không sợ mất đi, đó là hạnh phúc lớn lao nhất.[66]

29.- Việc Phục vụ đặc biệt trong tác vụ của tôi

Hội Thánh phổ quát của Thiên Chúa được tổ chức theo những cấp bậc khác nhau, sao cho các chi thể khác nhau duy trì được sự toàn vẹn của thân thể thánh. Tuy nhiên, như thánh Tông Đồ nói: “Tất cả chúng ta chỉ là một trong Đức Kitô”. Và cũng chẳng ai vì chức vụ của người khác mà bị tách ra, đến nỗi một phần chi thể tầm thường nào đó không còn liên kết với đầu nữa. Vậy anh em thân mến, hiệp nhất trong đức tin và trong phép rửa, chúng ta làm thành một xã hội không phân biệt giai cấp, và chúng ta có chung một phẩm giá, theo lời thánh Phêrô tông đồ nói: “Cả anh em nữa, hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây lên ngôi Đền Thờ thiêng liêng và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô”. Và ngay sau đó, thánh nhân nói thêm: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân riêng của Thiên Chúa”.

Thật vậy, dấu thánh giá làm cho mọi người đã được tái sinh trong Đức Kitô thành những bậc quân vương, rồi Thánh Thần xức dầu thánh hiến họ thành những tư tế: như vậy, không kể việc phục vụ đặc biệt trong tác vụ của tôi, mọi Kitô hữu sống theo ơn Thánh Thần đều biết mình đồng phận với hàng quân vương và được tham gia nhiệm vụ tư tế. Thật vậy, còn gì có tính cách vương giả cho bằng tâm hồn nhờ suy phục Thiên Chúa mà thành người cai quản chính thân xác mình? Và còn gì có tính cách tư tế cho bằng hiến dâng cho Chúa lương tâm tinh tuyền, và tiến dâng những lễ phẩm vô tì tích của lòng đạo đức trên bàn thờ là chính lòng mình? Nhờ ơn Thiên Chúa, mặc dầu những lễ dâng đó đã trở thành của chung mọi người, nhưng đối với anh em, thực là đạo đức và đáng ca ngợi khi anh em vui mừng với ngày đăng quang của tôi, coi đó như niềm vinh dự riêng của anh em, mà cử hành trong khắp cả Hội Thánh lễ mừng một mầu nhiệm tư tế duy nhất. Khi dầu thánh hiến tuôn chảy, mầu nhiệm ấy hẳn đã đổ tràn lên các chi thể cấp trên dào dạt hơn, nhưng cũng trào không ít xuống các chi thể cấp dưới.

Vậy, anh em thân mến, cho dù chúng ta có dư lý lẽ để cùng vui mừng vì được thông chia ân huệ trên đây, nhưng chúng ta còn có lý do đích thực và chính đáng hơn nữa khi không dừng lại ở thân phận mọn hèn của tôi. Ngược lại, sẽ hữu ích hơn nhiều, xứng đáng hơn nhiều, nếu chúng ta đưa mắt tâm hồn lên chiêm ngưỡng vinh quang của thánh cả Phêrô tông đồ và cử hành ngày lễ hôm nay chủ yếu là để tôn kính người. Chính suối nguồn mọi đoàn sủng đã tuôn đổ cho người ngập tràn muôn ơn, đến nỗi vì chỉ có một mình người đã nhận được nhiều ơn, nên không có ơn nào được thông ban cho người khác mà chính người lại không được chia sẻ. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Đức Kitô đã tự hiến hoàn toàn để cứu chuộc loài người.[67]

30.- Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, mầm mống của hạt giống thần linh

“Đối với Chúa, thật là đắt giá cái chết của những ai trung hiếu với Người”, và không thứ hình khổ nào tiêu diệt nổi tôn giáo xây dựng trên mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô. Những cuộc bách hại không làm cho Hội Thánh suy giảm, mà còn lớn mạnh thêm. Cánh đồng của Chúa luôn đầy lúa chín; và khi một hạt rơi xuống rồi thì từ đó nhiều hạt khác nẩy sinh.

Vì thế, thánh Phêrô và thánh Phaolô, hai mầm sống tuyệt vời của hạt giống thần linh, đã sinh ra đoàn con đông đúc thế nào, thì hàng ngàn vị tử đạo đã chứng minh. Nhờ ganh đua với chiến thắng của các Tông Đồ, các vị này làm cho thành Rôma tràn ngập một đoàn dân mặc áo đỏ, tỏa ra xa lan rộng khắp nơi. Các vị ấy đội một triều thiên quý giá như kết bằng trân châu ngọc bảo.

Anh em thân mến, khi tưởng nhớ tất cả các thánh, chúng ta phải vui mừng về đoàn hùng binh ấy, đoàn hùng binh đã được Thiên Chúa chuẩn bị để nên gương kiên nhẫn và củng cố đức tin cho chúng ta. Nhưng chúng ta phải vui mừng và hãnh diện hơn nữa vì các bậc tổ phụ ưu việt đã được Thiên Chúa đưa lên tuyệt đỉnh, vượt trên mọi phần tử của Hội Thánh, đến nỗi các ngài được đặt làm đôi mắt sáng ngời trong thân thể mà đầu là Đức Kitô.

Về công trạng và nhân đức cao dày khôn tả của các Ngài, chúng ta không được nghĩ có điều gì khác biệt và mâu thuẫn nhau, bởi vì các ngài đã được tuyển chọn giống nhau, đã phải vật vả ngang nhau và cuối cùng đã chấm dứt cuộc đời như nhau.

Như chính chúng ta có kinh nghiệm và các bậc tiền bối của chúng ta đã chứng minh, chúng ta tin tưởng và trông cậy rằng giữa mọi nỗi vất vả nhọc nhằn ở thế gian này, chúng ta luôn luôn được lời cầu nguyện của hai đấng bảo trợ đặc biệt nâng đỡ để được Thiên Chúa xót thương; nhờ thế, càng bị tội lỗi đè bẹp, chúng ta càng được công đức của hai vị Tông Đồ vực lên.[68]

 

 

 


[1] Xin tham chiếu bài giảng, đoạn I: in utraque ergo natura, IDEM EST DEI FILIUS.

[2] Lettre 28, 3-5: PL. 54, 763A-773B; trad. P. Th. Camelot, Éphèse et Chalcédoine, Paris 1963, pp. 219-221

[3] Sermo 27, VI, 220.

[4] Sermo 4, Lễ Giáng Sinh: xem trong Sources chrétiennes 102.

[5] Sermo 24, II, 205.

[6] cf. Col. 1, 14-20; II Cor. 3, 18; 1 Cor. 15, 45-49.

[7] Sermo 52, II, 315.

[8] Sermo 12, 5, 169.

[9] Sermo 12, I, 169.

[10] Sermo 23, V.

[11] Sermo 24, I.

[12] Sermo 28, I.

[13] Sermo 33, II.

[14] Sermo 3, 3.

[15] Sermo 34, 1.

[16] Sermo 54, I, 319.

[17] Sermo 1, II.

[18] Sermo 22, III, 197.

[19] Sermo 24, IV.

[20] Sermo IV en la solennité de l’Épiphanie chap. 4.

[21] Sermo 27, II.

[22] Sermo 22, V, 197-198.

[23] Sermo 26, II, 213.

[24] Sermo 27, II, 217.

[25] Sermo 27, I, 220.

[26] Sermo 27, I, 221.

[27] Germain Hudon, La perfection chrétienne d’après les sermons de Saint Léon, Ed. du Cerf, coll. Lex Orandi 1959, tr. 75.

[28] Xin tham chiếu Thánh Phaolô: vivo jam non ego vivit vero in me Christus.

[29] Sermo 26, II, 213.

[30] Sermo 2, II, 143.

[31] Sermo 70, I, 380; cf. St. Thomas d’Aquin, Summa Theologica III, q. 62, a. 6.

[32] Noël Sermon 4, Sources chrétiennes 104.

[33] x. Mt 5,48

[34] Sermo 12, I, 168.

[35] Sermo 41, III, 274.

[36] x. Lc 9,35; Ga 5,17-23; 10,30; 14,8-10.

[37] x. Phụ trương số 12.

[38] x. Phụ trương số 15.

[39] Lettre 28, 3-5, PL 54, 763A-773B; Trad. P. Th. Camelot, Ephèse et Chalcédoine, Paris 1962, pp. 219-221.

[40] Sermon 1, 1, Sur la Nativité, SC no 22 bis, p. 67, trad. R. Dolle.

[41] Sermom, 1,3, Sur la Nativitate, SC no 22 bis, pp. 73-75, Trad. R. Dolle. Chúng ta nhận thấy là bản văn này được kết bằng nhiều trích dẫn Kinh Thánh.

[42] Sermon 23, 3, Sur les collectes, SC no 49 bis, p. 45; trad. R.Dolle.

[43] Sermon 96. Sur la consécration épiscopale, SC no 200, p. 283-285, trad. R. Dolle.

[44] LÉON, Lettre 156, 1-5, À L’Empereur Léon Ier, PL 54, 1128B-1131B trad. CI. Modésert et P. Th. Camelot, dans H. Rahner, l’Etat et l’Église, Paris, 1964, pp. 196-198.

[45] Epist. 31, 2-3; PL. 54, 791-793.

[46] Sermo 1 in Nativitate Domini 1-3:PL. 54, 190-193.

[47] Sermo 6 in Nativitate Domini 2-3, 5: PL. 54, 213-216.

[48] Sermo 3 in Epiphania Domini 1-3, 5: 54, 240-244.

[49] Semo 3 de nativitate ipsius (Petri), 2-3: PL. 54, 145-146.

[50] Sermo 6 de Quadr. 1-2: PL. 54, 285-287.

[51] Sermo 51, 3-4. 8: PL. 54, 310-311, 313.

[52] Trích bài giảng về cuộc Thương Khó của Chúa.

[53] Sermo 15, de Passione Domini, 3-4: PL. 54, 366-367.

[54] Sermo 8 de Passione Domini 6-8; PL. 54, 340-343.

[55] Sermo 12 de Passione Domini, 3, 6-7: PL. 54, 355-357.

[56] Sermo 1 de Ascensione 2-4: PL. 54, 395-396.

[57] Sermo 1 de Ascensione, ibid.

[58] Sermo in Nativitate Domini 7, 2.6: PL. 54, 217-218. 220-221.

[59] Sermo 4 de nativitate ipsius (S. Petri), 2-3:PL. 54, 149-151.

[60] Semo 1 in Nativitate Domini 2. 3: PL. 54, 191-192.

[61] Sermo 95, 1-3: PL. 54, 462.

[62] Sermo 95, 2-3: PL. 54, 462.

[63] Sermo 95, 4-6: PL. 54, 462-464.

[64] Sermo 95, 6-8:PL. 54, 464-465.

[65] Sermo 95, 8-9: PL. 54, 465-466.

[66] Sermo 92, 1.2,3: PL. 54, 454-455.

[67] Sermo 4, 1-2: PL. 54, 148-149 - (Lễ nhậm chức)

[68] Sermo 82, 1, 6-7: PL. 54, 462-468.