GIÁO PHỤ HỌC - PATER ECCLESIAE
(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)
Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ
***
***
CHƯƠNG IV
THỜI BÚT CHIẾN VỀ MẦU NHIỆM BA NGÔI
(325 - 430)
***
PHẦN II: CÁC GIÁO PHỤ TÂY PHƯƠNG
***
ĐOẠN II
THÁNH AMBROISE GIÁM MỤC MILAN (339-397)
A. THIẾU THỜI – NỀN GIÁO DỤC – THAM CHÍNH – ĐƯỢC CHỌN LÀM GIÁM MỤC
Ambroise sinh năm 339 tại Trèves, một thành phố thuộc đế quốc La mã, ở Rhénanie (Đức), trên bờ sông Moselle. Ngài thuộc một gia đình công chức cao cấp La mã. Cha làm tổng đốc ở Gaule. Mồ côi cha từ khi còn nhỏ, cậu Ambroise theo mẹ trở về La mã, cùng với chị là Marcellina và anh là Satirus. Ambroise học luật và nghề hùng biện ở La mã. Cậu học rất giỏi. Một ông hoàng có đạo rất quyền thế, tên là Probus làm ủy vụ trưởng ở La mã, thấy cậu có trí thông minh, tính tình ngay thẳng và có tài hùng biện liền đem lòng quí mến; ông đã chọn Ambroise làm thư ký và ông cố vấn riêng cho cậu nhằm sau này sẽ lên làm những công việc quan trọng nhất trong tổ chức hành chánh tại đế quốc La mã. Chính ở trong dinh thự của Probus mà Ambroise đã có dịp gặp Jérome.
Khoảng năm 370, được Probus tiến cử, Ambroise lên làm tổng đốc miền Ligurie-Emilie ở Bắc Ý với lời căn dặn: “Vade, age non ut judex sed ut episcopus” (nghĩa là với lòng khoan dung). Thời kỳ đó, những thành phố chính trong đế quốc đang rối loạn vì thuế má và bị khủng bố tàn ác; trái lại ở Milan, dưới sự cai trị của Ambroise, dân chúng được hưởng trật tự và bình an. Được cai trị nhân từ, dân không lo âu, không khổ. Họ cảm phục nhà cầm quyền trẻ tuổi đó, một người thanh khiết, liêm chính, nhân đạo, bình dân, thẳng thắn và hay thương người.
Dầu sao cũng phải gặp một điểm khó khăn: đứng đầu giáo đoàn Milan là một Giám mục theo lạc giáo Ario tên là Auxence; vì thế, dân chúng chia rẽ nhau. Khi Auxence mất vào năm 373, những người Kitô giáo phản đối nhau kịch liệt trong việc bầu vị Giám mục kế vị. Các Giám mục lân cận hội họp nhau để bầu cử, đã cử một phái đoàn đến hỏi ý kiến hoàng đế Valentinô. Hoàng đế trả lời rằng, việc chọn Giám mục là tùy ở các vị chứ không phải ở ngài. Trong khi đó, thành phố Milan sôi nổi về việc bầu Giám mục mới. Trong các khu phố, người ta sửa soạn những cuộc nổi loạn. Ambroise thấy thế liền lấy tư cách là thị trưởng, quyết định can thiệp để cho những người Kitô giáo đang chia rẽ được bình tĩnh hơn. Khi ngài vừa đọc trước dân chúng một diễn văn ngắn tại nhà thờ nơi Giáo dân đang hội họp, thì có tiếng trẻ thơ nói, rồi đột nhiên, được toàn dân đồng thanh nhắc lại: “Ambrôsiô làm Giám mục. Ambrôsiô là Giám mục của chúng tôi”. Ambroise lúc đó còn là một dự tòng, đã có đức tin nhưng chưa chịu phép Rửa Tội, lại cũng chưa học đạo được bao nhiêu. Đàng khác, luật trong nước và cả Giáo Hội cũng không công nhận một cuộc bầu cử như thế. Ambroise tự thấy mình không xứng đáng và không đủ can đảm nhận chức vụ đó, ngài liền từ chối. Và để tỏ rõ thái độ, Ambroise làm ra vẻ rất ác nghiệt khi ra tòa, mặc dầu ngài thường rất ngay thẳng và nhân từ. Ngay chiều hôm đó, tuy vẫn nổi tiếng là thanh khiết và dễ dè giữ, ngài đã tổ chức một buổi khiêu vũ, và cho mời cả những vũ nữ đến dự. Song giáo hữu Milan biết rõ ngài là con người công chính và thanh khiết; họ cho rằng ngài làm như thế chỉ là giả vờ để dễ từ chối chức vụ Giám mục thôi. Đêm đó, ngài trốn ra khỏi thành phố và đến ẩn trong nhà một người bạn ở miền quê, nhưng người ta lại tìm thấy ngay. Sau khi lưỡng lự lâu và có lời khẩn khoản của Hoàng đế Valentinô cũng như các bạn, ngài đành ưng thuận. Vậy trước hết, ngài chịu phép Rửa Tội, rồi muốn để một thời gian khá lâu để chuẩn bị trước khi chịu chức Giám mục. Nhưng vì dân chúng thúc bách, ngài đã chịu chức Linh mục, rồi Giám mục và cử hành thánh lễ ngay tám ngày sau khi chịu phép Rửa Tội. Lúc đó vào tháng chạp năm 373. Ngay sau khi chịu chức, Ambroise lấy tất cả của cải phát cho kẻ khó, trừ một phần lợi tức để dành cho chị là Marcellina. Rồi ngài học thần học, nhất là xem các Giáo Phụ Hy Lạp dưới sự hướng dẫn của Linh mục Simplicien (sau này lên kế vị ngài làm Giám mục).
Thánh Ambroise hoàn toàn qui hướng về một đời sống nhiệm nhặt và chú tâm học hỏi thần học, đồng thời ngài cũng tận tình coi sóc con chiên. Từ sáng sớm, sau khi dâng lễ, ngài ngồi vào bàn làm việc học Kinh Thánh hoặc xem những bài chú giải của Origène, của Hippolyte hoặc của Thánh Basile. Cửa phòng ngài lúc nào cũng mở rộng, đón tiếp mọi người. Ban ngày, thường không ăn bữa trưa: mỗi tuần ngài ăn chay năm ngày. Chiều tối, ngài ghi chép hoặc chú giải Kinh Thánh, hay viết bài giảng. Những bài giảng ngày Chúa Nhật của ngài được hoan nghênh đặc biệt. Cách giảng đơn sơ, rõ ràng. Óc tưởng tượng không giầu bằng Thánh Augustin hoặc Basile, ít kiểu nói văn chương, câu văn ít nhịp nhàng và ít bóng bảy. Thường ngài chú giải Kinh Thánh hoặc các lễ nghi Phụng vụ, phép Rửa Tội hoặc phép Mình Thánh.
B. HOẠT ĐỘNG CỦA GIÁM MỤC AMBROISE
Hoạt động của ngài gồm những việc:
I - VIỆC CAI QUẢN GIÁO ĐOÀN MILAN
Ta phải chú ý tính cách quan trọng của thành phố Milan, hồi thể kỷ thứ IV. Về phương diện chính trị, nó quan trọng vì là Đế Đô. Uy thế của Giám mục Ambroise khiến ảnh hưởng tôn giáo của giáo đoàn Milan đi đôi với ảnh hưởng chính trị. Nổi tiếng về lòng thánh thiện và tài cai trị, ngài khiến cho Tòa Giám mục Milan rất có thế giá đối với tất cả Bắc Ý. Cả miền Alpes và Illyricum, các giáo đoàn, đều đến hỏi ý kiến ở Milan: họ coi như một kinh đô Roma nhỏ vậy. Về phương diện lịch sử phụng vụ, việc đó rất quan trọng vì nó sẽ giúp cho lễ nghi phụng vụ ở Milan bành trướng và xâm nhập vào xứ Gaule và Tây Ban Nha. Người ta biết rằng, theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử phụng vụ, thì có hai nguồn gốc ảnh hưởng đến phụng vụ Galicano: một ở Milan và một ở Đông Phương.
Giám mục Ambroise là cha các người nghèo khó: ngài sẵn lòng tiếp đón mọi kẻ túng cực hồn xác. Thánh Augustin kể lại cho ta câu chuyện Ambroise bị các người nghèo bao vây. Vì rất tốt và rất hào hiệp, ngài đã không ngại bán cả chén thánh để lấy tiền chuộc những người bị tù đầy.
Giám mục Ambroise cũng rất tế nhị và đầy lòng thương xót đối với các tội nhân. Ngài đặc biệt bảo tồn ấn toà giải tội và để gương lại cho các Linh mục hậu thế noi theo. Đặc biệt Thánh Augustin sẽ bước theo chân ngài về điểm này.[1] Paulin người viết truyện ngài có nói: “Khi có người xưng thú những lỗi nặng với Giám mục Milan thì ngài có thói quen chỉ nói điều đó với Thiên chúa mà thôi... và không nói cho người đời biết những điều chỉ có liên hệ với Thiên Chúa thôi...”.
Cũng trong tinh thần đầy tế nhị đầy xót thương đó mỗi khi nghe tin một Giám mục hay một linh mục qua đời Ambroise đã sa lệ không phải vì Giám mục hay linh mục đó đã từ trần mà vì “rất khó mà thấy được một người đã sống xứng hợp với chức Linh mục”. Tư tưởng về sự bất xứng của Linh mục và Giám mục với chức vị (Linh mục) cao trọng của mình và vì thế cần thiết phải ăn năn đền tội, cũng đã được Thánh Augustin lưu tâm đặc biệt sau này trong đời mục vụ của ngài.
II - VỊ CỐ VẤN CỦA HOÀNG ĐẾ
Khi ấy, đế quốc đã chính thức trở lại Công giáo, làm Giám mục ở kinh đô, ngài đã nhận chức vụ làm cố vấn cho các Hoàng đế. Ngài thực là một người chỉ đạo đầy nghị lực và can đảm. Chắc hẳn là một công dân La mã, ngài rất kính phục và quí mến các hoàng đế: lòng yêu thương của ngài rất thành thực. Song không khi nào ngài chịu để Giáo Hội phải lụy thuộc quốc gia, ngài đòi cho Giáo Hội được quyền xét xử các nhà cầm quyền thế tục, nhân danh Chúa Kitô. Lời nói của ngài đã gây một ảnh hưởng rất lớn trong truyền thống Kitô giáo:
- Hoàng đế ở trong Giáo Hội, chứ không ở trên Giáo Hội,
- Nếu các hoàng đế phạm lỗi, các Giám mục phải sửa phạt bằng những khiển trách thẳng nhặt.
Giám mục Ambroise đã đem thực hành qui tắc đó, đặc biệt nhất là khi xảy ra cuộc tàn sát ở Thessalonique năm 390, do lệnh của Théodose. Năm đó, trong thành phố có cuộc nổi loạn và một sĩ quan chỉ huy bị giết chết. Hoàng đế Théodose tức giận, liền ra lệnh giết bảy nghìn người bất luận đàn ông, đàn bà hay trẻ con. Người ta đã đánh lừa, mời họ đi dự một cuộc du hí công cộng, rồi tàn sát. Ambroise hết sức ngăn cản tội ác đó, song vô hiệu quả. Ngài liền ra vạ tuyệt thông hoàng đế Théodose và công khai lên án tội ác đó. Đồng thời, trong một bức thư riêng, ngài bắt hoàng đế phải ăn năn đền tội. Kết quả ngài đã thành công, sau 8 tháng đền tội, đêm Giáng Sinh năm 390, Théodose, một vị hoàng đế có thế lực nhất hoàn cầu, đã bỏ cẩm bào sang trọng, mặc lấy áo của kẻ sám hối, rồi trước đám đông dân chúng tập họp ở sân nhà thờ Milan, hoàng đế đã đến xin Giám mục Ambroise tha thứ và tái nhận vào Giáo Hội Công giáo.
Về mặt chính trị, Thánh Ambroise có ảnh hưởng rất lớn, nhất là đối với hoàng đế Gratien (375-383) và Théodose (379-395). Ngài dùng uy quyền để đưa Giáo Hội thoát khỏi những qui luật và những tập tục cản trở bước tiến của Giáo Hội. Đàng khác, ngài cố trừ diệt tất cả những di tích ngoại giáo còn đang sống công khai trong đế quốc, hủy bỏ tất cả những vết tích tà thần: bãi bỏ các bổng lộc, trợ cấp và miễn dịch vẫn dành cho các thầy tư tế và các nữ tu ngoại giáo; bỏ bàn thờ và tượng Thần chiến thắng đặt trong thượng nghị viện La mã. Đế quốc trước đây gần một thế kỷ vẫn còn bách hại Kitô giáo, nay đã chính thức trở lại. Ngày 28-2-380, Théodose ra một sắc chỉ công bố rằng: “Hết mọi dân tộc chúng ta phải quy phục đức tin đã do vị Tông đồ Phêrô rao truyền cho dân Roma; chúng ta phải theo đức tin mà Giáo Hoàng Damasô và Giám mục Phêrô ở Alexandrie rao truyền, nghĩa là phải công nhận có Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Linh”. Một đức tin duy nhất, một đế quốc duy nhất. Ngày nay, thái độ lẫn lộn tôn giáo với chính trị như vậy khiến ta khó chịu; nhưng muốn hiểu thái độ đó, ta phải đặt nó vào khung cảnh thời bấy giờ, không thể phán đoán theo những ý tưởng hiện đại. Dầu sao, sự chung đụng giữa chính trị và tôn giáo như thế không phải là không nguy hiểm; rất có thể có những nguy cơ như: quyền thế tục lẫn vào phạm vi tôn giáo, Giáo Hội nhờ vào quyền thế tục trấn áp nhân tâm, và làm mất tính cách siêu việt của Giáo Hội vì để cho số phận của Giáo Hội liên hệ vào số phận của một đế quốc dễ suy vị và mau qua.
Thánh Ambroise vừa phá bỏ các vết tích ngoại giáo, đồng thời ngài quyết diệt trừ lạc giáo Ario. Trong việc này, ngài phải đương đầu mạnh mẽ với Nữ hoàng Justine,[2] vì bà muốn giữ cho người theo bè rối Ario ngôi nhà thờ Porcienne ở Milan. Bà còn tận tình nâng đỡ một linh mục người gốc Scythe theo bè rối Ariô và rất thân tín với bà, tên là Mercurinus, tự xưng danh là Auxence tái thế, với ý đồ chiếm đoạt vị trí Giám Mục; đồng thời đòi luôn cả ngôi “Vương Cung Thánh Đường” mới cho bè rối Ariô. Chính trong trường hợp này, Thánh Ambroise đã lên tiếng phản đối Mercurinus và bè rối Ario trong bài diễn văn “Contra Auxentium”, và ngài đã không ngần ngại tuyên bố rằng: “Hoàng đế ở trong Giáo Hội, chứ không ở trên Giáo Hội = Imperator intra Ecclesiam et non supra Ecclesiam est”.
Để tránh cho nhà thờ Porcienne khỏi rơi vào tay bè rối Ariô, Giám Mục Ambroise đã đích thân cùng với một số tín hữu trấn giữ ngôi thánh đường này vào dịp Lễ Lá năm 386, trong một bầu khí rất căng thẳng giữa Giám Mục và Nhà Cầm Quyền. Cũng trong chính dịp này Thánh Ambroise đã tìm ra được hài cốt của hai thánh tử đạo Gervais và Protès.[3]
***
Thánh Ambroise qua đời ngày thứ bảy Tuần Thánh, 4 tháng 4 năm 397, và được mai táng trong thánh đường Chính Tòa Milan bên cạnh hai Thánh Gervais và Protès mà ngài đã có công khai quật cũng như tìm ra được hài cốt. Lễ mừng ngài được kính vào ngày 7 tháng 12 thường niên, và lời nguyện nhập lễ đã được đặt ra đầu tiên dành riêng cho ngài, sau đó mới trở thành lời nguyện chung cho lễ kính các Thánh Tiến sĩ.
Thánh Ambroise, con người thuần túy La mã này đã không ngại dấn thân học hỏi văn hóa Hy Lạp một cách thật sâu rộng: Ngài đào sâu được tư tưởng của Origène, của Thánh Basile và của Philon... một trật đã học hỏi và nghiên cứu thấu đáo Thánh Kinh. Ngài ham đọc sách và tham khảo không biết mệt mỏi.
Về mặt triết học, ngài không phải là một triết gia. Nhưng người ta tự hỏi, phải chăng Thánh Augustin đã trở lại theo thứ Kitô giáo đượm mầu triết học tân thuyết Platon mà Thánh Ambroise rao giảng suốt thời gian làm Giám mục tại Milan? Năm 387 đã đánh dấu một thắng lợi lớn của Ambroise khi ngài Rửa Tội cho Giáo sư Augustin, vị đại Giám mục và đại thánh tương lai của Giáo Hội.
Thánh Ambroise là một con người rất tế nhị, có một cuộc sống đặc biệt đơn sơ. Thuộc thành phần quý phái, ngài đã sống thật nghèo khó và đã có thói quen hầu như không bao giờ đọc các tác phẩm cho người ta chép, nhưng ngài đã tự tay viết lấy để khỏi tốn tiền thuê thư ký. Chỉ mãi về cuối đời khi quá mệt mỏi, ngài mới chịu đọc cho người ta ghi lại. Ngày kia đang lúc đọc cho thư ký chép, ngài ngã bệnh, đi nằm để rồi không chỗi dậy nữa.
C. TÁC PHẨM CỦA THÁNH AMBROISE
Ta có thể chia những tác phẩm của Thánh Ambroise thành bốn loại:
- Những tác phẩm liên quan đến Thánh Kinh,
- Những tác phẩm luân lý hoặc hướng dẫn thiêng liêng
- Những tác phẩm tín lý,
- Và ít nhiều tác phẩm khác.
I - NHỮNG TÁC PHẨM LIÊN QUAN ĐẾN THÁNH KINH
Phần nhiều là những bài diễn văn đọc trước dân chúng, không phải là những cuốn sách khảo cứu chuyên môn. Hầu hết những văn phẩm đó nói đến Cựu Ước, trừ một cuốn chú giải Phúc Âm Thánh Luca. Trong các tác phẩm này, ta thấy có:
- Cuốn HEXAÉMÉRON: Sáu quyển nói về công cuộc sáng tạo trong sáu ngày
Ở đây, Thánh Ambroise bắt chước Thánh Basile, diễn tả công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa, theo những kiến thức khoa học đương thời. Dùng những đoạn văn trong Cựu Ước, ngài thích đặc biệt ý nghĩa tượng trưng và ý nghĩa luân lý trong Thánh Kinh. Từ một biến cố hay một sự kiện mượn trong lịch sử hoặc trong vạn vật, ngài rút lấy một bài học luân lý. Tìm ra một ý nghĩa sâu sa ngoài nghĩa đen. Về điểm này, Thánh Ambroise có ảnh hưởng lớn trong thời Trung Cổ: người ta rất khâm phục ngài. Bộ Héxaéméron là một pho sách sâu sắc và đầy thi vị.
- Những bài giảng về Thánh Vịnh (Ennarationes, Expositio)
Chủ đích của tác giả là đưa giáo hữu tới một đời sống trọn lành, bằng cách giúp họ tìm trong các Thánh Vịnh những phương thế để tới đỉnh trọn lành: tất cả có 34 bài.
- Chú giải Phúc âm Thánh Luca
Đây có lẽ là một tác phẩm quan trọng nhất và cũng khó nhất của Thánh Ambroise. Ta nhận thấy trong tác phẩm này, ngài quan tâm đến phương diện thực hành hơn là chú giải một cách khoa học. Chủ ý đầu tiên là tìm ý nghĩa luân lý để giúp ích cho đời sống hằng ngày của giáo hữu.
- Tiểu luận về Thư gửi Giáo đoàn Philipphê.[4]
- Những tác phẩm khác nói đến Thánh Kinh như: De Paradiso, De Cain et Abel,[5] De Noe et Arca; De Abraham; De Isaac et anima;[6] De Bono mortis;[7] 4 quyền nói về Giacóp.
II - NHỮNG TÁC PHẨM LUÂN LÝ VÀ TU ĐỨC
1. De officiis ministrorum
Viết vào khoảng năm 391: đó là một tác phẩm nói về luân lý Kitô giáo phỏng theo xa xa một cuốn sách ngoại giáo của Cicéron (De Officiis). Ngài viết cuốn đó cho Giáo sĩ, nhưng thực ra, nội dung hướng về hết mọi giáo hữu. Cũng như Cicéron, tác giả bàn về một vấn đề triết học là: “Sự thiện luân lý và lợi ích”, và những mâu thuẫn giữa sự Thiện luân lý với lợi ích. Ngài so sánh luân lý ngoại giáo với luân lý Kitô giáo và cố gắng chứng minh rằng, luân lý Kitô giáo trổi vượt hơn. Thay vì mượn những thí dụ trong văn chương ngoại giáo như Cicéron, ngài lấy thí dụ trong Thánh Kinh và hạnh các Thánh, với cách bố cục theo sát bố cục của Cicéron. Tác phẩm này có ảnh hưởng lớn trong khoa Thần học Luân Lý và ta thấy rõ ảnh hưởng đó vì những phạm trù luân lý của Cicéron ngày nay còn thấy trong cách cắt nghĩa và cách phân chia luân lý của Giáo Hội. Tác phẩm này rất hay vì là một công trình cố gắng tìm những điều hay trong luân lý ngoại giáo để đem vào Kitô giáo; cố tìm những điều hay nơi các nhà hiền triết ngoại giáo, những điều có thể là những điểm tựa cho mạc khải Kitô giáo.
2. Những sách tu đức bàn về Đức Trinh Khiết và tiết độ
Trong các vị Tiến sĩ của Giáo Hội, Thánh Ambroise là vị đã hiểu sâu sa nhất, giá trị thiêng liêng của Đức Trinh Khiết, người ta thường gọi ngài là vị “Tiến sĩ của đức Trinh Khiết”. Ngài diễn đạt tư tưởng trong 5 cuốn:
- De Virginibus: Viết cho chị là Marcellina làm nữ tu; trong cuốn này, ngài ca tụng đức Trinh Khiết và cho những lời khuyên thực hành rất khôn ngoan. Kết quả lớn lao nên năm 377 ngài lại viết cuốn thứ hai dưới đây.[8]
- De Virginitate: Cuốn này tiếp theo cuốn trên, ca ngợi Đức Đồng trinh và biện hộ cho một Giám mục bị chỉ trích đã cho quá nhiều thiếu nữ đi tu...[9]
- De institutione virginis et sanctae Mariae virginitate perpetua: Viết vào dịp một thiếu nữ tên là Ambrosia được mặc áo dòng. Ngài phản đối Bonose đã phủ nhận sự đồng trinh trọn đời của Đức Mẹ. Ngài đặt Đức Mẹ làm gương mẫu cho vị nữ tu đó.
- Exhortatio virginitatis: Đây là một diễn văn đọc ở Florence vào dịp cung hiến một thánh đường. Một bà mẹ dâng tất cả các con cho Chúa và giúp tiền xây thánh đường đó.
- De viduis: Ngài bảo rằng bậc hôn nhân tốt. Song ngài khuyên các quả phụ không nên tái giá, tuy nhiên, ngài không hề ngăn cấm họ.
III - NHỮNG TÁC PHẨM TÍN LÝ
- Những tác phẩm phản đối phái Ario:
a/. De fide: 5 cuốn nói về thần tính Ngôi Lời, viết cho Hoàng đế Gratien.[10]
b/. De Spiritu Sancto: Thần tính của Thánh Linh, 3 cuốn cũng viết cho Hoàng đế Gratien.
c/. De incarnationis dominicae sacramento: Chống bè rối Ario
- Những tác phẩm nói về các nhiệm tích:
a/. De mysteriis: Tác phẩm soạn cho các giáo hữu tân tòng. Thánh Ambroise cắt nghĩa cho họ về ý nghĩa ba nhiệm tích: Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể.[11]
b/. De sacramentis: Một bộ sáu quyển nói về cùng một vấn đề trên. Trước người ta cho là không phải của Thánh Ambroise mà là của một tác giả đã dùng cuốn “De mysteriis” để soạn. Hiện nay, nhiều nhà chuyên môn về Giáo Phụ nghĩ rằng bộ De Sacramentis chính là tác phẩm của Ambroise.
c/. De poenitentia: Phản đối lạc giáo Novatien.[12]
IV - NHỮNG TÁC PHẨM KHÁC
- Một số diễn văn và điếu văn,
- 91 bức thư nói về Tín lý, Luân lý, Kinh Thánh và các vấn đề khác.[13]
- Các ca vãn: Ngài là một trong những vị khởi xướng ra ca vãn trong Giáo Hội Latin, là vị sáng lập ra ca vãn bình dân ở Tây Phương.[14] Người ta gán cho ngài một số rất lớn các ca vãn, thực ra chỉ biết chắc có bốn ca vãn là sự thực của ngài, đó là:
+ Aeterne rerum conditor (Kinh sáng Chúa Nhật - mùa Đông).
+ Deus creator omnium (Kinh chiều)
+ Jam surgit hora tertia (giờ 3 Chúa Kitô chết trên Thập Giá)
+ Intende, qui regis Israel (Giáng sinh)
D. TƯ TƯỞNG THẦN HỌC CỦA THÁNH AMBROISE
Ở đây ta chỉ lưu ý một vài điểm chính yếu thôi... Sau ngày chịu phép Rửa tội Ambroise đã tự xây dựng lấy cho mình một hệ thống thật vững chãi về những chân lý Kitô giáo. Từ những nguồn suối và tài liệu đòi nhiều thận trọng (Philon và Origène), ngài đã khéo loại bỏ những gì lệch lạc để chỉ giữ lại những điều chính xác nhất đến nỗi ngài đã trở thành một chứng nhân tiêu biểu tuyệt hảo và trung thực nhất về đức tin Công giáo Tây Phương lẫn Đông Phương.
1. Thiên Chúa Ba Ngôi
Ambroise tuyên xưng đức tin bằng những công thức của Công Đồng Nicée và những công thức chính thống khác chống lại các lạc thuyết đặc biệt là lạc thuyết Ario.
Ngài dậy về thần tính đích thực cửa Thánh Thần và Thánh Thần nhiệm xuất từ Chúa Cha và (Chúa) Con.[15]
2. Kitô học
Ngài quả quyết sự hiện thực của nhân tính nơi Đức Kitô chống lại phái Ảo-thân và Ma-ni (Ep. 1267). Có một lần trong cuốn “De Fide” 2, 8, 61, vì ảnh hưởng của khái niệm Hy Lạp “Prosopon” (Proswpon), ngài đã nói đến “persona hominis” Christi, nhưng ngài cũng tuyên xưng Chúa Kitô chỉ là một trong 2 bản tính, và kiện toàn trong cả hai bản tính đó.[16]
3. Thiên Thần
Là những bộ phận thừa hành ý muốn Cứu độ của Thiên Chúa. Giữa các Thiên Thần và con người có một họ hàng thiêng liêng (parenté spirituelle). Các ngài thuộc về “Civitas Dei”.[17] Cũng như Origène, Ambroise tin có các “Thiên Thần bản mệnh” cho mỗi Giáo đoàn, mỗi giai cấp và có lẽ cho mỗi người nữa.[18]
4. Thánh lễ Misa
Chính nơi Thánh Ambroise mà lần đầu tiên chúng ta gặp thấy tiếng “Misa” được dùng để chỉ việc phụng tự thánh của các tín hữu, với tính cách Hy Lễ Thánh Thể: “Antea agnus offerebatur, offerebatur et vitulus, nunc Christus offertur”.[19] Ngài khuyên năng rước lễ.
5. Phép tha tội (Bí tích Sám Hối)
Ambroise chứng giám sự hiện hữu của “Una paenitentia” nghĩa là một cuộc sám hối công khai (pénitence publique) chỉ được làm một lần trong đời “quia sicut unum baptisma, ita Una paenitentia, quae tamen publice agitur”. Trên nguyên tắc ngài buộc kẻ phạm tội nặng kín phải xưng tội riêng với một Linh mục, sau đó phải làm việc sám hối công khai.
Thánh Ambroise có nói đến việc sám hối tư (pénitence privée) phải làm hằng ngày cho các tội nhẹ (delicta leviora) nhưng không qua trung gian Giáo Hội.[20]
6. Ưu quyền của Giáo đoàn Roma (la primauté romaine)
- Khi viết cho Hoàng đế Gratien để bênh vực Giáo Hoàng Damasô bị Ursinus đe dọa, Ambroise nói: “Đừng để cho đầu của toàn thế giới La mã, Giáo Hội La mã và đức tin Tông Truyền rất thánh bị khuấy động; bởi chính từ đó phát xuất ra cho mọi giáo đoàn những quyền lợi của cộng đồng giáo sĩ đáng kính”.[21] Ngài kể trước khi chịu phép Rửa tội anh ngài là Satyrus đã điều tra xem Giám mục sẽ ban bí tích đó có thông hảo với các Giám mục Công giáo, nghĩa là “Cum Romana Ecclesia conveniret” không.
- Về lịch sử Thánh Kinh của tín điều Ambroise rất coi trọng việc tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô tại Cêsarê-Philipphê (Mt. 16, 15 sv.): Phêrô đã chiếm chỗ nhất do việc ngài tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô “Primatum egit, primatum confessionis utique, non honoris, primatum: fidei, non ordinis”.[22]
***
PHỤ TRƯƠNG
3. - Lời lẽ duyên dáng của bạn sẽ làm cho dân chúng say mê
Bạn đã nhận thừa tác vụ Giám mục, và nay từ buồng lái, bạn điều khiển con thuyền Giáo Hội giữa phong ba bão táp. Bạn hãy giữ chặt bánh lái đức tin để giông tố phong ba đời này không làm bạn quay cuồng nao núng. Biển rộng lớn, biển mênh mông, nhưng bạn chẳng có chi phải sợ, vì nền trái đất, Chúa dựng nên trên biển cả, đặt vững vàng trên làn nước mênh mông.
Bởi thế không lạ gì, giữa bao giông bão trần gian, Hội Thánh của Chúa vẫn vững vàng không lay chuyển vì đã được xây trên đá tảng Tông Đồ, và vẫn tồn tại trên nền tảng vững chắc trước những đợt sóng dữ dội. Sóng nước ngập tràn nhưng không làm con thuyền lay chuyển, và cho dầu biết bao phen gặp phải sức công phá mãnh liệt của các nguyên tố trần gian, Hội Thánh vẫn là bến cứu độ thật an toàn đón tiếp những người gặp hiểm nguy khốn khó. Và cho dầu có khi phải lao đao trên biển cả, chẳng mấy chốc mà con thuyền Hội Thánh lại lướt mau trên sóng nước: bạn hãy hiểu rằng điều này đã được nói tới trong câu: “Sóng nước đã gầm lên tiếng thét gào”. Vì chưng có những dòng nước chảy ra từ lòng kẻ đón nhận thức uống do Chúa Kitô ban và từ Thánh Thần của Thiên Chúa. Vì vậy những dòng nước này, khi đầy tràn ơn thiêng thì đã gầm lên tiếng thét gào.
Rồi cũng có dòng nước đã tràn trên các thánh của Chúa như thác lũ, khiến tâm hồn các Ngài được đầy tràn hoan lạc và bình an. Ai được sung mãn từ dòng nước này, như thánh Gioan, tác giả sách Tin Mừng, như thánh Phêrô và thánh Phaolô, thì cất lên tiếng nói. Và cũng như các Tông đồ đã lớn tiếng rao giảng Tin Mừng đến tận chân trời góc biển thế nào, thì người ấy cũng bắt đầu loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu như vậy.
Vậy bạn hãy đón nhận lời Đức Kitô để tiếng bạn cũng vang lên. Bạn hãy hứng lấy nước của Đức Kitô, thứ nước ca tụnng Thiên Chúa. Bạn hãy thu tích nước đổ xuống từ nhiều nơi, từ những đám mây, tượng trưng các ngôn sứ.
Ai hứng nước từ núi non, ai dẫn nước về cho mình hoặc múc nước từ các nguồn mạch, thì chính người ấy cũng đổ mưa xuống tựa đám mây. Vậy bạn hãy để tâm hồn bạn được đầy tràn nước của Thánh Thần, để mảnh đất của đời bạn được thấm nhuần và được tươi mát.
Vì thế ai đọc nhiều, hiểu nhiều thì sẽ được đầy nước. Khi đã được đầy, thì họ sẽ đổ tràn sang những người khác. Chính vì thế Kinh Thánh nói: Mây ứ nước thì mưa rơi xuống đất.
Vậy ước gì lời bạn giảng có nội dung phong phú, tinh tuyền, trong sáng, để khi giảng dậy luân lý, bạn nói năng ngọt ngào như rót vào tai dân chúng, và lời lẽ duyên dáng của bạn sẽ làm cho dân chúng say mê, từ đó người ta sẽ theo bạn đến nơi bạn muốn.
Ước gì những lời bạn nói đầy khôn ngoan. Quả vậy, vua Salomôn đã nói: “Môi người khôn ngoan là khí giới của trí tuệ”, và ở nơi khác: “ước chi môi bạn gắn liền với hiểu biết:, tức là ý nghĩa lời bạn nói phải rõ ràng và sáng sủa. Ước gì lời bạn nói và cách bạn trình bày không cần phải giải thích gì thêm nữa, nhưng lời bạn nói ra phải là vũ khí bảo vệ chính lời nói của bạn. Đừng nói ra một lời nào vô ích vì chỉ thiếu ý nghĩa.[23]
4. - Ánh sáng tâm hồn con sẽ làm cho thân xác con thêm duyên dáng
Con là một thành phần của dân thánh và cũng là một trong số các trinh nữ, một người làm cho thân xác thêm duyên dáng nhờ ánh sáng trong tâm hồn (nhờ vậy, con là hình ảnh sống động của Hội Thánh). Vậy lúc đêm khuya, khi ở trong phòng, con hãy luôn suy niệm về Chúa Kitô, và lúc nào, con cũng hãy chờ mong Người đến.
Chúa Kitô mong muốn con như thế nào, thì Người đã chọn con như thế. Vậy khi cửa đã mở thì Người sẽ bước vào. Người đã hứa thì Người sẽ vào, chứ không sai lời đâu. Vậy con hãy đón nhận Đấng con đã tìm kiếm. Hãy tiến lại gần Người để được Người soi sáng. Hãy giữ Người lại. Hãy xin Người đừng vội ra đi. Hãy nài van Người đừng lìa bỏ. Quả thế, lời Thiên Chúa chạy mau, kẻ nguội lạnh thì không bắt được, người biếng nhác không tài nào nắm giữ. Ước chi khi nghe tiếng Người mời gọi, tâm hồn con mau đến gặp Người, và kiên vững trên đường do lời Thiên Chúa vạch ra, vì lời đó qua đi mau chóng.
Vậy người phụ nữ trong sách Diễm Ca đã nói gì? “Tôi đi tìm chàng nhưng nào có gặp, đã gọi chàng mà chàng không đáp”. Khi con đã gọi, đã xin, đã mở cửa, con đừng nghĩ làcon làm phiền lòng Người vì thấy Người vội đi như thế: Người vẫn thường để chúng ta chịu thử thách. Lại nữa, khi đám đông dân chúng xin Người đừng lui bước thì sách Tin Mừng đã nói gì? ”Tôi còn phải loan báo Tin Mừng cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đến cốt để làm việc đó”. Nhưng nếu Người có vẻ như xa con, thì con hãy ra đi và hãy tìm kiếm nữa.
Tuy nhiên, ai sẽ dậy con biết cách giữ Chúa Kitô, nếu không phải là Hội Thánh? Nhưng Hội Thánh đã dậy rồi, nếu như con hiểu điều con đọc sau đây: “Vừa rời bọn lính gác mà đi, tôi đã gặp người lòng tôi yêu dấu. Tôi vội níu lấy chàng và chẳng chịu buông ra”.
Vậy lấy gì mà níu Chúa Kitô lại? Không phải bằng xiềng xích bất công hay một thứ dây vật chất nào, nhưng là dây đức mến, thứ dây của tâm hồn, đó là lòng yêu mến.
Nếu con muốn níu Chúa Kitô lại, thì con hãy tìm kiếm, đừng sợ vất vả. Thông thường giữa lúc thân xác phải chịu những cực hình, phải chịu bách hại, người ta dễ tìm thấy Chúa Kitô hơn.
“Vừa rời bọn lính gác mà đi”. Phải, trong một thời gian ngắn, sau một giây lát, khi con vừa thoát khỏi tay những người bách hại và không chịu khuất phục quyền bính thế gian, thì Chúa Kitô đã ra đón con, không để con chịu thử thách lâu.
Ai tìm và gặp Chúa Kitô như thế, thì có thể nói: “Tôi vội níu lấy chàng và chẳng chịu buông ra cho đến khi đưa vào nhà thân mẫu, tới khuê phòng người đã cưu mang tôi”. Nhà của thân mẫu con và phòng của bà là gì nếu không phải là nơi thâm sâu bí ẩn nhất của con người con?
Con hãy gìn giữ căn nhà ấy, hãy tẩy sạch mọi ngóc ngách. Khi nhà sạch mọi vết nhơ, thì sẽ vươn lên thành ngôi nhà thiêng liêng cho tế vụ thánh, được xây trên tảng đá vững vàng, và Chúa Thánh Thần sẽ đến ngự nơi ấy.
Ai tìm kiếm Chúa Kitô như thế, ai van nài Chúa Kitô như thế sẽ không bị Người bỏ rơi, trái lại sẽ được Người năng đến viếng thăm, vì Người luôn “ở với chúng ta cho đến ngày tận thế”.[24]
5. - Chúa Kitô là tất cả cho chúng ta
Chúng ta có tất cả trong Chúa Kitô. Mọi tâm hồn hãy đến với Ngài, dù đó là tâm hồn yếu đau vì tội lỗi xác thịt, dù bị đâm thâu vì đinh sắt của dục vọng trần tục, dù còn bất toàn, miễn là tâm hồn đó đang tiến tới trong suy niệm bền bỉ, hay dù là tâm hồn đã hoàn thiện với bao nhiêu nhân đức: Bất cứ mọi tâm hồn nào cũng nằm trong quyền năng của Đức Kitô, và Đức Kitô là tất cả cho chúng ta. Nếu bạn muốn được chữa lành thương tích thì Ngài là thầy thuốc, nếu bạn bị cơn sốt nấu nung thì Ngài là dòng suối, nếu bạn phải gánh chịu bất công thì ngài là công lý, nếu bạn cần cứu giúp thì Ngài là sức mạnh, nếu bạn sợ hãi sự chết thì Ngài là sự sống, nếu bạn khao khát trời cao thì Ngài là con đường, nếu bạn chạy trốn bóng tối thì Ngài là ánh sáng, nếu bạn tìm kiếm của ăn thì Ngài là lương thực. “Hãy nếm thử và hãy nhìn coi, Chúa thiện hảo dường bao; hạnh phúc người hy vọng ở nơi Ngài” (Tv. 34, 9).[25]
6. - Người trinh nữ phong nhiêu trong Giáo Hội
Giáo Hội vẫn nguyên tuyền trong sự kết hợp, phong nhiêu trong sinh hạ, là trinh nữ trong sự khiết trinh, là người mẹ nơi con cái mình. Giáo Hội hạ sinh chúng ta mà vẫn trinh nguyên, vì đã thụ thai không do nam nhân, nhưng bởi Thánh Thần. Giáo Hội trinh khiết nuôi dưỡng chúng ta không bằng sữa xác thịt nhưng bằng sữa (giáo huấn), thứ sữa đã dưỡng nuôi tuổi thơ bé bỏng của dân (Thiên Chúa) mà thánh Tông đồ đã nói đến (1C. 8, 2). Có người vợ nào đông đúc đàn con hơn Mẹ Hội Thánh, người mẹ khiết trinh nơi các bí tích, là mẹ nơi dân con của mình, và Thánh Kinh cũng đã chứng thực sự phong nhiêu khi nói:”Đông đảo thay con của người cô quạnh, gấp mấy lần con của người đã kết hôn” (Is. 54, 1). Người nữ không có chồng (trần gian) nhưng có vị Hôn phu (Thiên quốc) đó, thuộc về chúng ta, và đó chính là Giáo Hội cho mọi dân tộc và là linh hồn cho mỗi người, nàng kết hợp với vị Hôn phu vĩnh cửu, thật phong nhiêu trên bình diện tâm linh, mà vẫn tinh khiết vẹn tuyền, vô phương trách cứ.[26]
7. - Chưa đủ khả năng chịu khổ mà đã thừa sức chiến thắng
Hôm nay là ngày sinh nhật trên trời của một trinh nữ, chúng ta hãy noi gương trong trắng của người. Hôm nay là ngày sinh nhật trên trời của một vị tử đạo, chúng ta hãy dâng hy lễ. Hôm nay là ngày sinh nhật trên trời của thánh A-nê. Tương truyền rằng thánh nữ đã được phúc tử đạo năm 12 tuổi. Người ta đối xử tàn bạo không nương tay với một thiếu nữ còn ít tuổi, thì lại càng làm ra sức mạnh của đức tin nơi thiếu nữ ấy, vì cô đã dám làm chứng.
Tấm hình hài nhỏ bé ấy, liệu có chịu nổi một vết thương chăng? Người thiếu nữ không có sức chịu nổi lưỡi đòng đâm thâu, thế mà lại có sức thắng được lưỡi đòng ấy, đang khi những cô bé cùng trạc tuổi không chịu được nét mặt nghiêm khắc của cha mẹ, và khi bị kim đâm thì khóc như bị thương nặng.
Người thiếu nữ ấy vẫn bình thản giữa những bàn tay đẫm máu của lý hình, không nhúc nhích khi nghe tiếng xiềng xích nặng nề kéo lê lẻng xẻng. Tuy chưa biết chết là gì, nhưng người thiếu nữ ấy đã sẵn sàng: giờ đây cô đưa thân ra đón lưỡi gươm của tên lính hung bạo. Ngay cả khi bị miễn cưỡng lôi đến bàn thờ tế thần thì ngang qua những ngọn lửa, cô vẫn giơ tay lên Chúa Kitô, và trong lò lửa tàn bạo đó, cô đã làm dấu thánh giá để tôn vinh Chúa toàn thắng. Giờ đây cô đưa cổ ra và hai tay cho người ta xiềng lại, nhưng không dây xiềng nào có thể xích được những chi thể quá mềm mại đó.
Đây không phải là một kiểu tử đạo mới sao? Chưa đủ sức chịu khổ mà đã thừa sức chiến thắng; chiến đấu thì vất vả, nhưng được ân thưởng lại đễ dàng. Tuổi đời còn non dại, mà đã là bậc thầy về chí can trường. Tân nương vội vã tới loan phòng cũng không lẹ bằng người trinh nữ này vui vẻ tiến ra nơi hành quyết. Cô đẹp không phải vì bím tóc nhưng vì thuộc về Đức Kitô. Đầu cô không đội vòng hoa nhưng được điểm trang bằng đức hạnh.
Mọi người đều khóc nhưng chính cô thì không. Nhiều người lấy làm lạ vì thấy sao cô dễ dàng xả thân như thế; chưa được hưởng cuộc đời mà cô đã rộng rãi cho đi như là đã hoàn toàn mãn nguyện. Ai nấy đều kinh ngạc, vì ở tuổi đó, cô chưa làm cho người ta phải tin cô, khi cô làm chứng về Thiên Chúa, trong lúc người ta chưa tin cô được về những vấn đề thuộc con người, bởi lẽ điều vượt quá tính tự nhiên thì do Đấng tác tạo thiên nhiên mà có.
Lý hình đã tìm mọi cách làm cho cô khiếp đảm, đã dùng hết lời ngon ngọt thuyết phục cô, hứa hẹn bao điều để cô chịu kết hôn. Nhưng cô quả quyết: “Thật là xỉ nhục cho Hôn Phu, nếu tôi còn mong đợi ai làm tôi vui lòng. Ai chọn tôi trước thì người ấy được. Này đao phủ, còn đợi chi nữa? Tôi không muốn người ta thích thú ngắm nhìn thân xác tôi, hãy để cho nó chết đi!” Cô đứng, cầu nguyện rồi giơ cổ cho người ta chém.
Có lẽ bạn thấy được tên lý hình đang run sợ như chính hắn bị tuyên án, thấy tay tên đao phủ run rẩy giơ lên, sợ xanh mặt, vì cô bé lâm nguy, trong khi cô chẳng sợ nguy hiểm gì cho mình. Vậy trong một lễ vật hy sinh, các bạn có hai lời chứng: lời chứng về tiết hạnh và lời chứng về đức tin. Cô đã giữ vững đức đồng trinh và được phúc tử đạo.[27]
8. - Chúng ta là thừa kế của Thiên Chúa và đồng thừa kế với Đức Kitô
Theo thánh Phaolô, ai nhờ Thần Khí mà diệt trừ những hành vi theo tính xác thịt, người ấy sẽ được sống. Người ấy được sống thì không có gì lạ, bởi vì ai có Thần Khí Thiên Chúa, thì trở thành con Thiên Chúa. Người ấy thật sự là con Thiên Chúa đến độ không phải lãnh nhận một thần khí làm cho thành nô lệ, nhưng là một thần khí làm cho nên nghĩa tử, đến độ chính Thánh Thần chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Lời chứng của Thánh Thần là thế này: Chính Người kêu lên trong tâm hồn chúng ta: “Ap-ba! Cha ơi!”, như được ghi trong thư gởi tín hữu
Ga-lát. Còn có một sự kiện rất trọng đại này chứng thực chúng ta là con cái Thiên Chúa: “Chúng ta là thừa kế của Thiên Chúa và đồng thừa kế với Đức Kitô”. Quả thế, ai đồng hưởng vinh quang với Đức Kitô, kẻ ấy là đồng thừa kế với Người; mà kẻ được đồng hưởng vinh quang với Đức Kitô là kẻ cùng chịu đau khổ với Người trong những đau khổ chịu đựng vì Người.
Và để khuyên bảo chúng ta bằng lòng chịu đau khổ, thánh Phaolô thêm rằng: Tất cả những đau khổ chúng ta chịu nào đâu đáng kể, nào đâu cân xứng với những phúc lộc mai sau mà Thiên Chúa dành làm phần thưởng cao quý sẽ được mặc khải nơi chúng ta, để thưởng công cho chúng ta. Phần thưởng đó là chúng ta sẽ đáng được nhìn thấy Thiên Chúa mặt giáp mặt trong vinh quang của Người, một khi đã được tái tạo theo hình ảnh Người.
Để tán dương sự vĩ đại của điều sẽ được mặc khải mai sau, thánh Phaolô lại thêm: Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người; hiện nay muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, ngoài ý muốn của chúng, nhưng trong niềm hy vọng. Chúng hy vọng Đức Kitô sẽ ban ơn phù trợ của Người, hoặc bản thân chúng có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát nữa, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang để chỉ còn một thứ tự do duy nhất, chung cho thọ tạo và con cái Thiên Chúa, trong ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Nhưng nay, bao lâu sự mặc khải ấy còn bị trì hoãn, thì tất cả thọ tạo cùng rên xiết, đang khi trông đợi vinh quang được làm con và được ơn cứu chuộc của chúng ta, khắc khoải đợi chờ thần khí cứu độ và mong mỏi thoát khỏi cảnh hư ảo phù vân.
Ý nghĩa đã rõ: Những ai đã lãnh nhận ơn huệ mở đầu của Thần Khí, thì rên xiết trong lòng, trông đợi ơn làm nghĩa tử. Ơn làm nghĩa tử này là ơn cứu chuộc toàn thân, khi được tận mắt chiêm ngưỡng sự tốt lành vĩnh cửu của Thiên Chúa với tính cách là nghĩa tử của Người. Ơn làm nghĩa tử đã có trong Hội Thánh của Chúa khi Thần Khí kêu lên: “Ap-ba! Cha ơ!” như thấy trong thư gởi tín hữu Ga-lát. Nhưng ơn làm nghĩa tử ấy sẽ được toàn hảo, khi tất cả những ai xứng đáng chiêm ngưỡng nhan Thiên Chúa được chỗi dậy trong trạng thái bất hoại, trong danh dự và vinh quang; vì khi ấy người ta mới nhận ra rằng: quả thật toàn thể con người mình đã được cứu chuộc. Do đó thánh Phaolô hãnh diện mà nói: “Chúng ta đã được cứu độ nhờ lòng trông cậy”. Quả thật, lòng trông cậy có sức cứu độ cũng như lòng tin, theo lời Sách Thánh: “Lòng tin của con đã cứu con”.[28]
9. - Anh em hãy vui lên trong Chúa
Anh em thân mến, vì muốn cứu độ chúng ta, nên Thiên Chúa giầu lòng nhân từ đã kêu gọi chúng ta tới vui hưởng hạnh phúc muôn đời, như thánh Phaolô nói trong đoạn thư anh em vừa nghe:”Anh em hãy vui lên trong Chúa”. Các sự vui thú đời này đưa tới buồn sầu muôn thuở, còn các niềm vui trong thánh y Chúa, thì dẫn đưa những ai kiên trì trong niềm vui ấy, tới nguồn hoan lạc tồn tại đến muôn đời. Vì thế, thánh Phaolô Tông đồ nói: “Tôi nhắc lại: vui lên anh em!”.
Người khuyên chúng ta làm cho niềm vui trong Chúa mỗi ngày một gia tăng, và thực hành các điều răn của Chúa, bởi vì trên thế gian này, chúng ta càng phấn đấu để tuân thủ lệnh truyền của Thiên Chúa, Chúa chúng ta, thì ở đời sau càng được hạnh phúc và vinh hiển hơn trước nhan Người.
“Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi”, nghĩa là sao cho cách ăn nết ở thánh thiện của anh em không những hiện tỏ trước nhan Thiên Chúa, mà còn trước mặt người đời, để nêu gương hiền hoà, tiết độ cho mọi người đang sống với anh em trên trần gian, và hơn nữa, lưu lại một kỷ niệm tốt trước nhan Thiên Chúa và người đời.
“Chúa đã gần đến, anh em đừng lo lắng gì cả”. Chúa luôn ở gần tất cả những ai kêu cầu Người với lòng chân thành, với đức tin ngay thẳng, đức cậy vững vàng, đức mến hoàn hảo, vì Người biết anh em cần gì trước khi anh em xin. Người luôn sẵn sàng trợ giúp tất cả những ai trung thành phụng sự Người trong bất cứ nhu cầu nào. Vì vậy, trước những khốn khó sắp xảy ra, chúng ta đừng quá lo lắng, vì phải biết rằng Đấng bảo vệ chúng ta là Thiên Chúa hằng ở gần chúng ta như có lời chép: “Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề. Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi”. Nếu chúng ta cố gắng chu toàn và tuân giữ điều Người truyền, thì Người sẽ ban cho chúng ta điều đã hứa mà không trì hoãn.
“Trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Chúa những gì anh em thỉnh nguyện. Nếu phải khốn cực, thì chúng ta hãy chịu đựng, nhưng đừng kêu ca hay buồn sầu; đừng làm như thế mà phải nhẫn nại và hoan hỷ tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh và mọi sự”.[29]
10. - Phải cầu nguyện cho toàn thể Hội Thánh
“Hãy tiến dâng Thiên Chúa lời tạ ơn làm hy lễ, giữ trọn điều khấn nguyền cùng Đấng Tối Cao”. Ca ngợi Thiên Chúa là khấn hứa và giữ trọn lời nguyền. Bởi thế, người Samari kia được đề cao hơn những kẻ khác, vì khi vâng lệnh Chúa mà được khỏi bệnh cùi cùng với chín người khác thì chỉ một mình anh trở lại với Đức Kitô lớn tiếng ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa. Đức Giêsu nói về anh: “Chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại cảm tạ Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này? Rồi Người nói với anh:” Đứng dậy, về đi. Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.
Theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã dậy bạn về lòng nhân hậu của Chúa Cha, Đấng hằng ban những điều thiện hảo. Chúa Giêsu khuyên bạn phải thiết tha và siêng năng cầu nguyện, không phải cầu nguyện lê thê cách nhàm chán, nhưng năng cầu nguyện cách chăm chú. Quả thật, đọc kinh lâu thì hay lải nhải, còn ít đọc kinh thì chắc hẳn sẽ sinh ra lười biếng.
Rồi Người khuyên bạn càng xin ơn tha thứ cho mình thì càng phải biết quảng đại tha thứ cho người khác. Nhờ thế, việc làm của bạn hỗ trợ cho lời bạn cầu xin, Thánh Phaolô Tông đồ cũng dậy phải cầu nguyện mà không được giận dữ và cãi cọ, kẻo lời cầu nguyện của bạn bị vẩn đục và biến chất. Đấng Cứu Thế còn dậy phải cầu nguyện ở khắp nơi, khi nói: “Hãy vào phòng của bạn”.
Nhưng bạn hãy hiểu đó không phải là căn phòng có tường vây kín nhốt thân xác bạn mà là căn phòng ở trong con người bạn, nơi chất chứa tư tưởng của bạn, nơi lưu trữ tâm tình của bạn. Bất cứ nơi nào căn phòng cầu nguyện này vẫn ở với bạn, bất cứ nơi nào, nó vẫn kín đáo, vì không có ai là người chứng giám, ngoại trừ một mình Thiên Chúa.
Bạn được dậy phải cầu nguyện đặc biệt cho dân, nghĩa là cho toàn thân, cho mọi chi thể của Hội Thánh là mẹ bạn, mà đặc trưng là tình tương thân tương ái. quả thật, nếu bạn xin cho chính mình thì bạn chỉ cầu cho bản thân thôi. Và nếu mỗi người chỉ cầu cho chính mình thì lời cầu nguyện đó là của người tội lỗi, nên không mang lại ân sủng đồi dào như khi người ta chuyển cầu cho kẻ khác. Còn khi mỗi người cầu cho mọi người, thì mọi người cũng cầu cho mỗi người.
Vậy, để kết luận, nếu bạn chỉ xin cho chính mình, thì như đã nói, bạn sẽ chỉ xin cho bản thân thôi. Còn nếu bạn xin cho mọi người thì mọi người sẽ xin cho bạn, vì bạn ở trong mọi người. Như vậy, các việc lành phúc đức của toàn dân sẽ tăng thêm hiệu lực nhờ từng lời cầu nguyện của mỗi người. Cách cầu nguyện đó không kiêu căng chút nào, khiêm nhường hơn thì có, và lại đạt hiệu quả dồi dào hơn.[30]
11. - Chúng tôi mang nơi thân mình sự thương khó của Đức Kitô
Thánh Phaolô Tông đồ nói: “Thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” Sau đó, để chúng ta biết rằng sống trên cõi đời này, người ta phải chết, nhưng cũng có cái chết tốt lành, thánh nhân khuyên chúng ta “hãy mang trong thân mình sự chết của Đức Giêsu; vì ai có sự chết của Đức Giêsu nơi mình, thì cũng có sự sống của Đức Giêsu nơi thân xác mình nữa”.
Vậy ước gì sự chết hoạt động trong chúng ta để sự sống cũng hoạt động nữa. Có chết mới được sống tốt đẹp, nghĩa là có chiến thắng mới được sống tốt đẹp. Chúng ta chỉ được sống tốt đẹp khi cuộc chiến đã ngừng hẳn, khi luật xác thịt không thể chống lại luật tinh thần nữa, khi không còn một cuộc đối đầu nào nữa với thân xác phải chết của chúng ta, và nơi thân xác phải chết này chỉ còn chiến thắng thôi. Chính tôi cũng không biết sự chết ấy có mạnh hơn sự sống không. Chắc một điều là tôi xúc động trước lời đầy thế giá của thánh Phaolô Tông đồ: “Sự chết hoạt động nơi chúng tôi, còn sự sống thì hoạt động nơi anh em”. Cái chết của một người duy nhất đem lại sự sống cho biết bao dân tộc! Vì thế, thánh Phaolô dậy những ai đang sống trên đời này hãy ước ao sự chết như vậy, để cái chết của Đức Kitô rực sáng lên nơi thân xác chúng ta. Đó là cái chết hồng phúc khiến “con người bên ngoài của chúng ta tiêu tan đi và con người bên trong được đổi mới, ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất bị phá hủy và ngôi nhà trên trời mở rộng cửa đón chúng ta”.
Ai từ khước không chịu hiệp thông với xác thịt này, ai cởi bỏ những xiềng xích trói buộc, người ấy được coi như đã chết. Chúa đã nói với bạn về những xiềng xích đó qua lời ngôn sứ Isaia: “Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho ngưòi bị áp bức, đạp tan mọi gông cùm”.
Chúa cam lòng chịu chết để chấm dứt tội lỗi; muốn cho cái chết không phải là giới hạn cuối cùng của con người, Chúa đã cho kẻ chết sống lại. Như vậy, nhờ cái chết mà tội lỗi bị hủy diệt, và nhờ sự sống mà con người được tồn tại mãi.
Bởi đó, chết là ngõ mọi người phải đi qua: đi từ mục nát qua bất hoại, từ thân phận phải chết qua tình trạng bất tử, từ hỗn loạn qua an bình. Vậy bạn đừng nao núng khi nghe nói đến cái chết, nhưng hãy vui mừng vì những lợi ích do cuộc vượt qua lành thánh đem lại. Bởi vì, chết là gì nếu không phải là chôn vùi thói hư và làm nảy sinh nhân đức? Do đó có câu: “Ước chi tôi được chết cái chết của người công chính”, nghĩa là cùng được mai táng với họ để cởi bỏ tính hư tật xấu của mình, mặc lấy ân sủng Chúa ban cho họ, những người đã từng mang trong linh hồn và thân xác mình cuộc thương khó của Đức Kitô.[31]
12. - Chúng ta hãy cùng chết với Chúa Kitô để cùng sống với Ngài
Chúng ta thấy chết là một mối lợi và sống là một hình phạt. Bởi đó, thánh Phaolô nói: “Đối với tôi sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi”. Chúa Kitô là gì, nếu không phải là sự chết về thể xác, là thần khí ban sự sống? Vì thế, chúng ta hãy cùng chết với Người để cùng sống với Người. Chớ gì mỗi ngày chúng ta tập làm quen và yêu mến sự chết, để nhờ sự tách biệt này, linh hồn chúng ta học cho biết đoạn tuyệt với các dục vọng thể xác, và một khi được đặt ở chốn cao siêu, nơi các ham muốn trần tục không thể tới cũng không quyến dụ được nó, linh hồn đón nhận được hình ảnh của sự chết, để khỏi phải chịu hình phạt của sự chết. Quả vậy, luật của xác thịt thì chống lại luật của tinh thần và đưa luật này vào con đường lầm lạc. Nhưng phải dùng phương thuốc nào để trị liệu? “Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.
Chúng ta có thầy thuốc, nên hãy theo phương thuốc trị liệu của Người. Phương thuốc của chúng ta là ơn Chúa Kitô và thân xác phải chết là thân xác chúng ta. Vậy, chúng ta hãy đi ra khỏi thân xác chứ đừng đi ra khỏi Chúa Kitô; dù chúng ta ở trong thân xác, nhưng những gì thuộc thân xác chúng ta đừng theo, cũng đừng từ bỏ quyền lợi của tính tự nhiên, nhưng hãy dành ưu tiên cho hồng ân của Chúa.
Còn phải nói gì nữa? Nhờ cái chết của một người, thế gian được cứu chuộc. Thật thế, Đức Kitô đã có thể không chết, nếu Người muốn, nhưng Người nghĩ rằng không được tránh cái chết bị coi như ô nhục ấy, cũng không có cách nào tốt hơn để phục vụ chúng ta cho bằng chết. Vì thế, cái chết của Người làm cho mọi người được sống. Chúng ta được ghi dấu bằng cái chết của Người; chúng ta loan truyền Người đã chịu chết khi chúng ta cầu nguyện; chúng ta rao giảng Người đã chịu chết khi chúng ta dâng lễ. Cái chết của Người là chiến thắng, cái chết của Người là mầu nhiệm, cái chết của Người là đại lễ hằng năm cho thế giới.
Khi gương của Chúa đã cho chúng ta thấy rõ chỉ có sự chết mới tìm được sự bất tử, và chính sự chết tự chuộc lấy mình, thì chúng ta còn nói được gì về cái chết của người anh em này nữa? Vậy, không nên buồn vì phải chết, bởi chết là nguyên nhân sinh ơn cứu độ cho mọi người; không nên trốn cái chết, vì Con Thiên Chúa đã không quản ngại, cũng chẳng trốn tránh.
Trước kia, cái chết đã không thuộc về bản tính loài người, nhưng nay đã nhập vào bản tính ấy; quả vậy, Thiên Chúa đã không lập ra sự chết từ ban đầu, nhưng đã dùng nó làm phương thuốc trị liệu. Một khi, vì tội bất tuân, con người bị kết án phải vất vả triền miên, phải than van khóc lóc, thì kiếp người trở thành khốn khổ. Cần phải chấm dứt các nỗi bất hạnh, để sự chết trả lại những gì sự sống đã đánh mất. Nếu không có ơn Chúa trợ giúp, thì bất tử sẽ là gánh nặng hơn là lợi ích.
Linh hồn phải ra khỏi cuộc đời rối ren, khỏi xác đất vật hàn lăn lộn trong vũng bùn nhơ, mà hướng về hội vui thiên quốc, nơi chỉ thần thánh mới tới được. Ở đó, linh hồn phải dâng lời ngợi khen Thiên Chúa, lời ngợi khen mà qua bài đọc sách ngôn sứ, chúng ta biết có những nhạc công vừa gảy đàn vừa ca hát rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, sự nghiệp Ngài thật lớn lao kỳ diệu! Lạy Đức Vua trị vì muôn nước, đường lối Ngài quả chân thật công minh! Lạy Chúa, nào có ai không kính sợ Chúa? Ai mà chẳng tôn vinh danh Ngài? Vì chỉ có Ngài chí thánh chí tôn. Người muôn nước sẽ về phủ phục trước Tôn Nhan! Lạy Chúa Giêsu, linh hồn cũng được tham dự hôn lễ của Ngài với hiền thê; hiền thê không còn lệ thuộc vào trần gian, nhưng kết hợp với thần khí, được rước từ đất lên trời giữa muôn ngàn tiếng reo vui: “Mọi phàm nhân sẽ đến với Ngài”.
Điều vua thánh Đa-vít ước ao hơn cả là được ngắm nhìn và chiêm ngưỡng những điều nói trên. Cuối cùng, vua nói: “Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Chúa tôi mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang”.[32]
13. - Người đàn bà trở thành Maria
17. Chúa lấy lại lời các thiên thần, Ngài nói: “Bà kia, tại sao bà khóc? Bà tìm ai? (Ga 20, 15). Kẻ không tin là người đàn bà. Vì chưng kẻ tin thì chỗi dậy để trở nên hoàn hảo, đạt tới tầm vóc xứng với sự viên mãn của Đức Kitô (Ep. 4, 13). Ngài nói: “Bà kia”, lời khiển trách đó không nhằm vào phái tính nhưng nhằm đến thái độ do dự. Người phụ nữ đang nghi ngờ đó quả đã là đàn bà, vì nếu còn là trinh nữ thì người đó hẳn đã tin. “Tại sao bà khóc”. Phải, chính bản thân bà mới là điều đáng than khóc, chính bà mới là người chịu trách nhiệm về những giọt nước mắt của mình, vì bà đã cứng lòng tin đối với Đức Kitô. Bà khóc vì không nhìn thấy Đức Kitô: Hãy tin rồi bà sẽ nhìn thấy Ngài. Đức Kitô hiện diện ở đó, Ngài không bao giờ vắng bóng đối với những ai tìm kiếm Ngài. “Tại sao bà khóc”. Nếu như bà sống xứng đáng với Thiên Chúa, với đức tin nồng cháy, thì có gì mà phải khóc? Đừng nghĩ đến những điều hư nát, bà sẽ không phải khóc. Đừng nghĩ đến những điều đã qua, bà sẽ không thể có lý do gì để khóc. Nơi mà những người khác vui mừng hân hoan thì có gì để bà phải khóc đâu.
18. “Bà tìm ai”. Bà không thấy Đức Kitô đang ở đó sao? Bà lại không thấy rằng Đức Kitô là sức mạnh của Thiên Chúa, Đức Kitô là khôn ngoan của Thiên Chúa, đức Kitô là sự thánh thiện, Đức Kitô là sự khiết trinh, Đức Kitô là sự nguyên tuyền, Đức Kitô sinh bởi Đức Trinh Nữ, Đức Kitô xuất từ Chúa Cha, ở bên Chúa Cha và mãi mãi ở trong Cha, được sinh ra chứ không phải được tạo thành, không bất xứng nhưng luôn luôn được yêu thương, là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật hay sao?
19. “Bà nói: Họ đã đem Chúa tôi khỏi mộ và tôi không biết họ để Ngài ở đâu” (Ga 20, 13). Này bà, bà lầm rồi. Bà nghĩ người khác đã đem Đức Kitô đi, mà không nghĩ rằng Ngài đã phục sinh bằng chính sức mạnh của Ngài. Nhưng nào có ai lấy mất sức mạnh của Thiên Chúa, nào có ai lấy mất sự thánh khiết của Người. Người ta không đem Đức Kitô khỏi ngôi nhà của người công chính cũng không đem Ngài ra khỏi nơi ẩn thân của người trinh nữ, khỏi niềm sâu kín của một trái tim đang yêu. Nếu ngẫu nhiên người ta muốn đem Ngài đi thì họ cũng không thể lấy mất Ngài.
20. Bấy giờ Chúa nói với bà: “Maria” (Ga 20, 16 ). Hãy nhìn Ta! Khi chưa tin thì đó là một người đàn bà, nhưng khi bắt đầu quay lại, bà được gọi là Maria, nghĩa là bà nhận lấy tên của người sinh ra Đức Kitô. Thật vậy, bà là tâm hồn hạ sinh Đức Kitô cách thiêng liêng. Ngài nói: Hãy nhìn Ta. Ai nhìn Đức Kitô thì tự sửa mình còn kẻ không nhìn thấy Đức Kitô thì ở trong lầm lạc.
21. Vậy, khi quay lại, bà đã nhìn và đã nói: “Rabbi, nghĩa là Lạy Thầy” (Ga 20, 16). Ai nhìn thì quay lại; ai quay lại thì nhìn thấy trọn vẹn hơn; ai thấy thì tiến tới. Và như vậy, bà gọi là Thầy, Đấng bà tưởng đã chết: bà gọi tên Đấng bà đã nghĩ là mất rồi.[33]
14. Augustin và các Thánh Thi của Ambroise (Augustin vừa mới đến Milan)
Gần đây, Giáo hội tại Milan đã tiếp nhận một cách thực hành đem lại niềm an ủi và xây dựng tâm hồn, trong cách thực hành này, mọi người hoà chung tiếng hát, hoà chung tâm hồn vào một bài ca với tất cả niềm say sưa, sốt sắng. Một năm trước đây, hay hơn nữa, Justine, mẹ của vị hoàng đế còn trẻ tuổi là Valentinien, bị phe Arius dụ dỗ và vì lạc giáo đó, đã ra tay bách hại Giám Mục Ambroise của Ngài. Đám đông tín hữu đạo đức đã qua đêm trong nhà thờ, sẵn sàng cùng chết với Giám Mục của họ, tôi tớ của Chúa, còn mẹ của con, nữ tỳ của Chúa cũng đã tham dự những đêm canh thức đó liên lỉ cầu nguyện nhất là vì cảm kích trước lòng nhiệt thành của vị Giám Mục. Phần chúng con, dù chưa cảm nhận được sức nóng của Thánh Thần của Chúa, chúng con cũng cảm thấy nỗi xúc động và sự kinh hoàng của Thành đô.
Lúc bấy giờ, để ngăn dân chúng khỏi mất tinh thần vì quá lo âu xao xuyến, người ta quyết định cho họ hát lên các thánh thi, thánh vịnh như đã được thực hiện bên Đông Phương. Sự canh tân này đã được vảo tồn từ đó tới nay và đã được một số lớn các cộng đoàn tín hữu của Chúa ở các nơi khác trên thế giới bắt chước thực hành.[34]
15. - GOG, chính là GOTH: Lạc giáo, chính là Man di
Tôi không nên giữ Ngài lâu hơn nữa, thưa Hoàng Thượng, vì Ngài đang lo chuyện chiến chinh và đang chuẩn bị những vòng nguyệt tuế chiến thắng bọn Ma di. Hãy tiến lên, Ngài hoàn toàn được che chở bởi “miệng đức tin”, và mang lấy ngọn giáo của Thần Khí. Hãy tiến đến chiến thắng đã được hứa ban từ ngàn xưa và đã được các sấm ngôn của Chúa tiên báo vì Ezéchiel, ngay trong thời của mình, đã tiên báo về cảnh bị tàn phá của chúng ta và về các cuộc dấy binh của quân Goth. Ngài hẳn biết rõ lời này: “Hỡi con người, vì điều đó, hãy nói tiên tri, và hãy nói với Gog: (...). Người sẽ tiến lên chống lại Israel dân Ta…” (Ez 38, 14-16). Gog chính Goth mà chúng ta đã thấy rút lui, kẻ mà trên hắn chúng ta đã được hứa ban chiến thắng khi Thiên Chúa phán: “(...). Ngày đó Ta sẽ ban cho Gog nghĩa là cho quân Goth một nơi danh tiếng trong Israel làm phần mộ”(Ez 35, 10-12). Tâu Hoàng đế thánh thiện, điều đó chẳng có gì phải ngờ vực: chúng ta là những người đã phải chịu trừng phạt vì một lạc giáo ngoại lai, thì chúng ta cũng sẽ nhận được sự đáp cứu đức tin Công giáo, một đức tin đang sống động nơi Ngài. Vì chưng nguyên do hiển nhiên khiến Thiên Chúa thịnh nộ thì đã được báo trước cho chúng ta: ở đâu lòng tin vào Thiên Chúa bị tan vỡ, ở đó lòng trung thành với Đế quốc Roma cũng tan tành. [35]
17. - Một bài giảng bi hùng
2. Hỡi anh em, sao anh em lại băn khoăn xao xuyến? Tự ý tôi, tôi sẽ không bao giờ rời bỏ anh em nhưng vì ép buộc, tôi không thể cưỡng lại được. Tôi có thể chịu đau khổ, khóc ư, tôi có thể. Tôi có thể kêu than chống lại quân đội, chống lại lính Goth. Nước mắt là vũ khí của tôi, đó chính là sự chống cự của một người linh mục. Tôi phải hoặc có thể chống cự như thế, không bằng cách nào khác. Nhưng chạy trốn và bỏ rơi Giáo hội của tôi thì không phải là điều tôi quen làm: Đừng có ai nghĩ rằng nỗi sợ hãi một sự trừng phạt nặng nề hơn đã khiến tôi hành động. Anh em đã quá rõ thói quen của tôi, khi đứng trước các Hoàng đế, tôi kính trọng chứ không nhượng bộ, sẵn sàng đương đầu với hình khổ và chẳng sợ hãi gì những nhục hình họ dọn sẵn cho tôi (…).
4. Quân lính toả ra, tiếng binh khí bao vây nhà thờ không làm lòng tin của tôi rúng động nhưng lại khiến tâm trí tôi day dứt:Khi giữ tôi lại, anh em lại chẳng chuốc lấy nguy hiểm cho tính mạng mình sao? Phần tôi, từ bây giờ tôi đã không còn biết đến sợ hãi, nhưng tôi lại bắt đầu sợ hơn cho anh em. Tôi xin anh em, hãy để người linh mục của anh em ra đi chiến đấu (…).
6. Hỡi anh em, tôi biết những thương tích này, những thương tích mà chúng ta đã lãnh nhận vì Đức Kitô, đấy không phải là những vết thương: chúng không làm mất đi sự sống, nhưng là làm cho sự sống được trường tồn.
23. Auxence bị đánh đuổi. Mercurinus bị trục xuất. Chỉ một quái vật với hai cái tên…
24. Con người ấy, một kẻ đã đẫm máu đổ, thấm máu loang sao còn dám nói với tôi về chuyện điều đình thương lượng? (…).
33. Thử hỏi câu trả lời của chúng ta còn thiếu khiêm hạ ở chỗ nào? Nếu Hoàng đế đòi thuế, chúng ta không từ chối. Tài sản của Giáo Hội sẽ được dùng để trả thuế. Nếu Hoàng đế đòi tài sản, ông ấy có quyền đòi; chẳng ai trong chúng ta chống đối lại. Quyên góp nơi dân chúng có thể đủ cho người nghèo (…). Tôi có nhiều ông chủ nhà băng: các ông chủ nhà băng của tôi là những người nghèo của Chúa Kitô (…).
34. Người ta cũng thuật lại rằng tôi đánh lừa dân chúng bằng việc hát các khúc Thánh thi của tôi. Đó là nỗi khổ mà tôi không hề từ chối. Bài ca đó thật kỳ diệu và hiệu lực vô song. Thật vậy, có gì hữu hiệu hơn lời Tuyên xưng Ba Ngôi mà miệng lưỡi toàn dân xưng tụng mỗi ngày? Mọi người đua nhau chuyên cần tuyên xưng lòng tin: họ biết tôn vinh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần bằng những câu thơ. Và thế là họ, những người có thể chỉ mới là môn đệ, đã trở nên những bậc thầy (...).
35. (...) Chúng tôi trả cho César điều thuộc về César và cho Thiên Chúa điều thuộc về Thiên Chúa:. Thuế là của César. Không ai chối điều đó. Nhà thờ là của Chúa. Nó không thể bị đem bán cho César dưới bất cứ cách nào, và đền thờ Thiên Chúa không thể lại thuộc quyền César (...).[36]
21. - Lòng khiêm hạ của một Giám Mục
67. Ôi Giêsu, xin Chúa cho con được rửa đôi chân Chúa, đôi chân đã vấy bẩn khi Chúa bước đi trong con! Xin Chúa hãy đưa những vết nhơ trên đôi chân Chúa để con rửa sạch, những vết nhơ mà con đã vấy lên bước chân Ngài do lối sống của con. Nhưng, con biết tìm đâu ra nước hằng sống để có thể rửa chân Chúa? Nếu không có nước thì con đã có dòng lệ. Ước gì khi lấy nước mắt mà rửa chân Chúa, chính con cũng được nên tinh trong! Làm thế nào để Chúa nói về con: “Tội lỗi của nó rất nhiều nhưng đã được tha thứ vì nó đã yêu mến nhiều”. Con nhìn nhận rằng tội lỗi của con lớn lao hơn thế nhưng con đã được thứ tha gấp bội, con, một kẻ đã được giựt thoát khỏi tiếng ồn ào cãi cọ nơi nghị trường, khỏi những trách nhiệm đáng sợ của việc hành chánh, để rồi được gọi vào chức linh mục. Chính vì thế, con sợ mình bị coi như kẻ vô ơn bạc nghĩa nếu con yêu mến ít trong khi con đã được tha nhiều hơn (...).
71. Lạy Chúa Giêsu xin đoái thương đến với ngôi mộ là con đây. Xin hãy thương rửa con bằng chính nước mắt của Ngài, vì trong đôi mắt khô cạn của con, con không tìm đủ nước mắt để có thể rửa đi lầm lỗi. Nếu con xứng đáng với nước mắt của Ngài, con sẽ tẩy trừ được mùi uế nhơ do mọi tội lỗi con, Nếu con xứng đáng được Ngài khóc cho con dẫu là một chút, Ngài sẽ gọi con ra khỏi ngôi mộ thân xác này và Ngài sẽ nói: “Hãy bước ra” (...).
73. Lạy Chúa, xin hãy trông coi món quà của Ngài, hãy canh chừng tặng phẩm Ngài đã ban cho con dù con phản kháng! Con biết con không xứng đáng được gọi đến chức Giám Mục, con là kẻ bé mọn nhất và ít công trạng nhất. Nhưng bởi vì cả con nữa, con cũng đã làm một điều gì đó cho Giáo Hội thánh thiện của Chúa, nên con xin Chúa hãy săn sóc hoa quả của công việc đó. Kẻ mà Chúa đã gọi lên chức Linh mục khi đã hư mất thì giờ đây xin Chúa đừng để hư mất đi khi đã là Linh mục.
Và trên hết mọi sự, xin hãy cho chúng con biết chia sẻ tận đáy lòng những ưu sầu của những người phạm tội. Đó là nhân đức tối cao, vì có lời viết: “Ngươi sẽ không vui mừng trên con cái Juda vào ngày chúng bị tàn phá và ngươi sẽ không diễn thuyết dài dòng trong ngày chúng bị khốn quẫn”. Mỗi khi nghe đến tội lỗi của ai đó bị sa ngã, chớ gì trước hết con biết chạnh thương, thay vì lên mặt kiêu căng, tuôn lời thoá mạ, chớ gì con biết than khóc, than khóc cho người khác mà cũng là than khóc cho chính mình và thốt lên: “Thamar công chính hơn tôi”.[37]
22. - Sự nghỉ ngơi của Thiên Chúa nơi con người
Đến đây, phần trình bày của chúng tôi kết thúc, và ngày thứ sáu đã hoàn tất và toàn thể thế giới đã hoàn thành, tôi muốn nói đến con người trong sự hoàn hảo của nó. Nơi con người có nguyên lý của một vật sống động và một cách nào đó, có toàn thể vũ trụ và tất cả vẻ đẹp của tạo vật trong thế giới. Chúng ta hãy lặng thinh vì Thiên Chúa đã nghỉ ngơi khỏi mọi công việc của thế giới này.
Ngài đã nghỉ ngơi trong nơi ẩn náu của trái tim con người. Ngài nghỉ ngơi nơi tinh thần và tư tưởng con người. Quả vậy, Ngài đã tác tạo một con người có khả năng suy tư, một kẻ bắt chước Ngài, ganh đua với các nhân đức của Ngài, và thèm khát các thiên ân. Thiên Chúa nghỉ ngơi nơi con người, Ngài nói: “Ta sẽ nghỉ ngơi nơi ai, nếu chẳng phải nơi người nghèo khó, hiếu hoà và kính sợ lời Ta” (Is, 66, 1-2).
Tôi tạ ơn Chúa, Chúa chúng ta, vì công trình Ngài hoàn mỹ đến nỗi được Ngài chọn làm chốn nghỉ ngơi. Ngài đã dựng nên bầu trời và tôi không thấy Ngài nghỉ ngơi ở đó. Ngài đã dựng nên trời trăng, tinh tú, và ở đó tôi cũng không đọc thấy Ngài chọn làm chốn nghỉ ngơi. Nhưng này đây, tôi đọc thấy Ngài dựng nên con người và rồi Ngài đã nghỉ ngơi, vì Ngài đã dựng nên ai đó để Ngài có thể tha thứ tội lỗi. Hoặc, có thể là khi đó, mầu nhiệm khổ nạn tương lai của Chúa đã được thực hiện trước, hoặc đó là một mặc khải cho biết Đức Kitô sẽ nằm nghỉ nơi con người, vì từ muôn đời Ngài đã chuẩn bị nghỉ ngơi trong một thân xác hầu cứu chuộc con người, theo như lời Ngài đã nói: “Tôi nằm xuống và thiếp ngủ, tôi tỉnh dậy vì Yavê chống đỡ tôi” (Tv 3, 6). Thật vậy, Đấng tạo dựng con người Ngài đã nghỉ ngơi.[38]
32. - Huấn giáo về các nghi thức Thánh Tẩy
Hằng ngày, chúng tôi đã giảng dậy cho anh em về cách ăn thói ở, khi đọc tiểu sử các tổ phụ hoặc những điều sách Châm ngôn truyền dậy, để một khi được dậy dỗ và huấn luyện nhờ những điều đó, anh em tập được thói quen đi vào đường lối của tiền nhân và theo gót các ngài mà vâng theo các sấm ngôn của Chúa. Như thế, một khi đã được đổi mới nhờ Bí tích Thanh Tẩy.
Nay đã đến lúc phải nói về các mầu nhiệm và giải thích về chính ý nghĩa của các bí tích. Nếu vào giai đoạn trước khi ban Bí tích Thanh Tẩy, mà chúng tôi lại đem các điều ấy nói cho những kẻ chưa được khai tâm, thì chúng tôi sẽ bị coi là đi trệch hướng. Mặt khác, chính ánh sáng của các mầu nhiệm tuôn đổ xuống tâm hồn con người một cách bất ngờ thì hữu hiệu hơn là ta dùng lời giảng dậy mà chuẩn bị trước.
Vậy, anh em hãy mở tai và hãy đón lấy hương thơm ngào ngạt của sự sống đời đời đang tỏa ra cho anh em nhờ các bí tích. Đó là điều chúng tôi muốn ám chỉ trong nghi thức cử hành mầu nhiệm khai tâm, khi nói: “Ep-pha-tha” nghĩa là “hãy mở ra”, để bất cứ ai được thanh tẩy thì phải nắm vững điều sắp được hỏi và nhớ kỹ điều sẽ phải trả lời. Mầu nhiệm ấy Đức Kitô đã cử hành, như chúng ta đã thấy trong Tin Mừng, khi Người chữa lành cho kẻ câm điếc.
Sau đó, nơi cực thánh được mở ra cho bạn; bạn bước tới giếng ban ơn tái sinh. Bạn nhớ lại điều bạn đã được hỏi và hồi tưởng lại điều bạn đã trả lời. Bạn đã từ bỏ ma quỉ và các việc của ma quỉ, đã từ bỏ thế gian và những sự xa hoa phù phiếm cùng những lạc thú của thế gian. Lời cam kết của bạn được giữ lại không phải trong mấm mồ chôn kẻ chết, nhưng trong cuốn sách ghi tên những người sống.
Ở đó bạn đã thấy phó tế, bạn đã thấy linh mục, bạn đã thấy giám mục. Bạn đừng chú trọng đến dáng vẻ bề ngoài của các vị ấy, nhưng hãy để tâm vào ân sủng do thừa tác vụ của các vị ấy đem lại. Bạn đã đối đáp với các thần sứ đang hiện diện, như có lời chép rằng: “Môi của linh mục chất chứa sự hiểu biết và người ta tìm kiếm điều luật dậy nơi miệng vị ấy, bởi vị ấy là thần sứ của Đức Chúa toàn năng”. Đó là điều không thể sai lầm cũng không thể phủ nhận được. Thần sứ là người loan báo vương quốc của Đức Kitô và sự sống vĩnh cửu. Bởi đó, bạn đừng xét đoán linh mục theo vẻ bề ngoài, nhưng theo chức vụ. Bạn hãy trân trọng những gì vị ấy trao cho bạn, kính nể vai trò và nhìn nhận chỗ đứng của vị ấy.
Vậy một khi đã tiến vào để đối mặt với kẻ thù của bạn; kẻ mà bạn có ý tuyên bố từ bỏ, thì bạn quay mặt về hướng đông. Quả thật ai từ bỏ ma quỉ thì quay về với Đức Kitô và đăm đăm nhìn thẳng vào Người.[39]
37. - Lời Đức Kitô làm nên bí tích bạn lãnh nhận
Chúng ta biết ân sủng tác động mạnh hơn tính tự nhiên. Thế mà ta vẫn coi trọng lời cầu chúc của ngôn sứ trong Cựu Ước như là ân sủng. Nếu lời cầu chúc của con người có sức làm thay đổi tính tự nhiên, thì chúng ta phải nói gì về chính việc Thiên Chúa thánh hóa, khi Người dùng lời của Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế mà tác động? Bởi lẽ lời Đức Kitô làm nên bí tích bạn lãnh nhận. Nếu lời của ngôn sứ Elia khiến được lửa từ trời xuống, thì lời Đức Kitô lại không có sức biến đổi bản chất bánh rượu hay sao? Trong công trình sáng tạo toàn thể vũ trụ, bạn đọc thấy những lời này: “Vì Người đã phán và muôn loài xuất hiện. Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên”. Vậy lời của Đức Kitô vốn đã có thể tạo dựng từ không mà có, lại không thể biến vật này thành vật khác hay sao? Quả thật, sáng tạo ra các sự vật mới còn khó hơn biến đổi bản chất các sự vật.
Chúng ta lý luận để làm gì? Hãy lấy Đức Kitô làm trường hợp điển hình và dựa trên mầu nhiệm Nhập Thể mà củng cố lòng tin vào bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu sinh ra bởi Đức Maria, phải chăng là theo tiến trình tự nhiên? Theo luật tự nhiên, người nữ phải phối hợp với người nam mới sinh con. Vậy Đức Trinh Nữ đã sinh con, rõ ràng là sự kiện ngoài luật tự nhiên. Và thân mình Chúa Kitô mà chúng ta làm cho hiện diện trên bàn thờ lại chính là thân mình sinh bởi Đức Trinh Nữ. Sao giờ đây bạn lại tìm luật tự nhiên nơi thân mình Chúa Giêsu Kitô, khi mà chính Người đã sinh ra bởi Đức Trinh Nữ ngoài luật tự nhiên? Thân xác chịu đóng đinh và được mai táng quả là thân xác thật của Đức Kitô. Vậy bí tích này thật sự là bí tích của thân xác Người.
Chính Chúa Giêsu tuyên bố: “Đây là mình Thầy”. Trước lời chúc tụng tạ ơn Chúa, đó là cái khác; còn sau lời hiến thánh, thì lại là thân mình Người. Về máu của mình, Người cũng nói như thế. Trước lời hiến thánh, đó là cái khác; còn sau lời hiến thánh thì lại là máu Người. Và bạn thưa: “A-men”, nghĩa là “Đúng vậy”. Điều miệng nói bên ngoài, lòng trí bên trong phải công nhận. Điều ngôn từ diễn tả, tâm hồn phải cảm mến.
Nhận ra ơn cao cả này, Hội Thánh khuyên nhủ con cái và bạn hữu mình hãy chạy đến tham dự các bí tích. Hội Thánh nói: “Ăn đi, mời các bạn, uống đi, uống cho say, các bạn thân mến hỡi”. Còn chúng ta ăn gì, uống gì, thì ở chỗ khác trong Kinh Thánh, Chúa Thánh Thần dùng vị ngôn sứ mà nói với bạn: “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy, hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người”. Đức Kitô hiện diện trong bí tích này vì đây là thân mình Người. Vậy của ăn này không phải để nuôi thân xác mà để nuôi linh hồn. Thế nên thánh Phaolô cũng nói về hình bóng tiên báo thần lương này như sau: “Tất cả cha ông chúng ta... cùng ăn một thức ăn linh thiêng, tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng”. Quả vậy, thân mình của Thiên Chúa là linh thiêng. Thân mình Đức Kitô là thân mình của Thần Khí Thiên Chúa, vì Đức Kitô là thần khí như lời Kinh thánh: “Đấng Kitô là thần khí trước mặt chúng ta”. Trong thư của thánh Phaolô, ta cũng đọc thấy rằng: “Đức Kitô đã chết vì anh em”. Sau hết, của ăn này “tăng thêm nghị lực cho tâm hồn chúng ta”, và thức uống này “làm phấn khởi lòng người” như tác giả Thánh Vịnh đã nói.[40]
[1] Xin coi bài giảng của Thánh Augustin
[2] Nữ hoàng JUSTINE là vợ đời hai của Hoàng đế Valentinien I và mẹ của Gratien và Valentinien II. Gratien lên ngôi Hoàng đế năm 375, bị Maxime ám sát năm 383 và tiếm vị tại xứ Gaule. Valentinien II, 12 tuổi, lên kế vị anh tại Đế quốc Tây Phương, trừ xứ Gaule (Maxime). Ông làm theo ý mẹ, phò phái Ariô.
[3] Xem Phụ trương số 14, 15 và 17.
[4] Xem Phụ trương số 9.
[5] Xem Phụ trương số 10.
[6] Xem Phụ trương số 20.
[8] Xem Phụ trương số 6 và số 7.
[9] Xem Phụ trương số 4, 5 13 và 22.
[10] Xem Phụ trương số 15.
[11] Xem Phụ trương số 32 và 37
[12] Xem Phụ trương số 21.
[13] Xem Phụ trương số 3 và 8.
[14] Xem Phụ trương số 14.
[15] Epist. 1281/84.
[16] De obitu Satiri, I, 12. Xem thêm Phụ trương số 12.
[17] cf. Augustin, tương lai.
[18] In Ps. 37, 42, Ps. 38, 8.
[19] De officiis, I, 48, 238.
[20] De paenitentia, I, 16, 2, 10.
[21] Epist. 11, 4.
[22] De Incarnationis dominicae sacramento, 4, 32
[23] Trích thư gởi một người anh em trong hàng Giám mục, Epist. 2, 1-2, 4-5; PL. 16, Edit. 1845, 847-881.
[24] De Virginitate, Cap. 12, 68. 74-75; 77-78, PL. (Edit. 1845) 281. 283. 285-286.
[25] De Virginitate, XVI, 99, PL. 16, 2910.
[26] De Virginibus, 1, 6, 31, PL. 16, 197CD.
[27] De Virginibus, Lib. 1, cap. 2. 5, 7-9; PL. 16, 189-191: Lễ thánh A-nê Đồng trinh Tử đạo.
[28] Epist. 35, 4-6. 13, PL. 16 (éd. 1845) 1078-1079. 1081.
[29] Trích Khảo luận về thư gởi tín hữu Philip, PLS 1: 617-618.
[30] Trích Khảo luận về Cain và Abel, Lib. 1, 9, 34. 38-39: CSEL 32, 869. 871. 372.
[31] Trích Tiểu luận về lợi ích của sự chết, Cap. 3, 9; 5: CSEL 32, 710. 716-717.
[32] Về cái chết của Satirô anh Ngài, Lib. 2, 40. 41. 46. 132. 133: CSEL 73, 270, 274, 323-324.
[33] De Virginitate IV, 17-21, PL. 16, 2700-2710).
[34] AUGUSTIN, Confessions IX, 7, 15 C. U. F. 1926, p. 220-221, P. de Labriolle.
[35] De Fide (gởi Gratien) II, 16. 136-139 PL. 16, 587B-588B, CSEL 78. 8. 1041, 106, 27.
[36] Bài giảng chống Auxence, PL. 16, 1008-1018 (Ep. 21).
[37] Sur la Pénitence, II 8, 67-73, SC No 179, p. 177-181, trad. R. Gryson.
[38] L’Hexaémeron, VI 10, 75-76, PL 14, 272B-273A = CSEL 32/1 p. 260, 22-261/18.
[39] Khảo luận về các mầu nhiệm (de Mysteriis), Nn 8-11: SC 25bis, 158-60.
[40] Khảo luận về các Mầu Nhiệm, Nn 52-54. 58: SC 25 bis 186-188. 190.