Sunday, 29 March 2020 15:37

Thời Bút Chiến Về Mầu Nhiệm Ba Ngôi: Thánh Jérome - Nhà Kinh Thánh Học (345 - 419/420) Featured

GIÁO PHỤ HỌC - PATER ECCLESIAE

(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ

***

***

CHƯƠNG IV

THỜI BÚT CHIẾN VỀ MẦU NHIỆM BA NGÔI

(325 - 430)

***

PHẦN II: CÁC GIÁO PHỤ TÂY PHƯƠNG

***

ĐOẠN III

THÁNH JÉROME: NHÀ KINH THÁNH HỌC (345-419/420)

 

I. TIỂU SỬ

A. Thời thanh thiếu niên (345 - 419/ 420)

Jérome tên đầy đủ Latin là Eusebius Hieronymus, sinh tại Stridon khoảng năm 345. Stridon hồi đó là một thành phố nhỏ gần Ljuolijama (Dalmatie, Yougoslavie, Croatie) ngày nay không còn xác định nổi nữa. Jérome sau này sẽ nói về quê hương mình bằng những lời lẽ chẳng mấy tốt đẹp: “Ở đây gió làm chúa... và với cái nồi này (Stridon) một cái vung (Giám mục) thật thích hợp!”.

Con một gia đình Công Giáo giàu có và quyền quý, ngay từ ấu thời, Jérome đã được hấp thụ một nền giáo dục Công Giáo sâu xa. Thân phụ đã sớm gởi cậu từ lúc 15 tuổi sang Roma để tiếp tục việc học hành. Nơi đây cậu đã theo làm môn sinh những vị danh sư như văn phạm gia Donat, người đã khơi dậy nơi cậu lòng ham thích ngữ học; và nhà tu từ học Marius Victorius, người đã làm cho cậu hâm mộ văn chương đến say mê. Cậu cũng kết thân với hai người bạn là Bonose và Rufin (nhà dịch giả tương lai mà sau này Jérome coi là kẻ thù không thể đội trời chung!). Cậu nghiên cứu sâu rộng văn thơ Latin cổ điển, nhất là Virgile. Cậu thuộc rất nhiều thơ của ông, bởi lẽ nơi ông đã kết tinh cả một nền văn hóa Latin. Sau này chúng ta sẽ thấy Jérome năng trích thơ của ông cả trong những văn phẩm tôn giáo. Cậu cũng nghiên cứu Horace, những văn gia hài hước, những sử gia Latin và những diễn giả trứ danh, nhất là Cicéron mà cậu rất say mê. Cậu còn khảo cứu cả văn chuơng Hy Lạp nhưng hình như thời đó người ta chỉ được tiếp xúc với văn hóa Hy Lạp một phần lớn nhờ những bản dịch thôi.

Học văn phạm và tu từ xong, cậu bắt đầu nghiên cứu triết học, nhất là triết học biện chứng. Hồi đó cậu là một sinh viên xuất sắc, cần mẫn và say mê sách vở. Dù là con một gia đình Công Giáo sốt sắng thì theo tập tục hiện hành, cậu cũng chưa chịu phép Rửa Tội.[1] Dầu ít khi nói đến thời thanh thiếu niên thì hình như sinh hoạt sinh viên của cậu cũng khá lỏng lẻo về phương diện luân lý. Thực thế, tuy không bao giờ xa lạc trong bè rối như Augustin chẳng hạn, nhưng cậu đã hoà mình vào nhữnhg cuộc truy hoan hiện hành của những thanh niên La mã, tỉ như hồ tắm, hí trường, kịch trường và những cuộc giao du trai gái không mấy đứng đắn. Sau này trong những bức thư cậu đã đôi khi nhớ lại mẩu đời đó một cách đau đớn.[2]

Tuy nhiên hình như cậu vẫn siêng năng tham dự vào những sinh hoạt của Cộng đồng Kitô giáo và lấy việc thăm viếng các hầm mộ trong các hang toại đạo ở Roma làm hứng thú. Cậu thích sống trong khuôn khổ La mã, tự coi mình như là người La mã chính tông, và suốt đời đã luôn luôn sống trung thành với La mã. Đứng trên phương diện thiêng liêng và văn hóa cậu thực là một công dân La mã với tâm trí, trái tim và niềm tin. kinh thành Roma cả ngoại giáo lẫn Kitô giáo đã thật là niềm hấp dẫn và say mê của Jérome.[3]

Học tập xong, Jérome khởi đầu một cuộc du hành qua các Thủ đô của đế quốc xen lẫn những lần trở về Roma và thời gian tu hành nơi sa mạc. Thoạt tiên,vì lý do doanh nghiệp, cậu trẩy sang xứ Gaule, tới Trèves (Đức) một trong những dinh thự quen biết của Hoàng đế. Nơi đây cậu đã hiểu biết sinh hoạt khắc khổ của các tu sĩ Ai cập. Lý do vì Thánh Athanase thành Alexandrie, trước đó 30 năm bị Hoàng đế Constance đày tới nơi đây, đã để lại nhiều hoài niệm tươi sáng của những ngày lưu đày của ngài. Bỏ Trèves cậu trở về Roma và được lãnh bí tích Rửa tội từ chính tay Giáo Hoàng Libère (+366). Sau đó cậu trở về Dalmatie sinh quán của cậu. Ở đây cậu kết thân với Héliodore và ông già Paul de Concordia. Nhưng gặp phải nhiều lăng mạ và kiện cáo, cậu quyết định bỏ quê hương thu xếp tài sản, mang theo thư viện riêng, lên đường sang Đông Phương năm 373 không mong ngày trở về.

B. Cuộc hành trình đầu tiên sang Trung Đông (374-391)

Đường qua Trung Đông dài và hiểm nghèo, Jérome phải dừng lại ở Constantinople. Ngài rảo khắp Tiểu Á (Cappadoce, Bithynie, Galatie, Cilicie). Năm 374, ngài tới Antioche xứ Syrie, một kinh thành tráng lệ của các đô thị La mã, nơi đây ngài được Evagrius vừa là bạn vừa là người bảo vệ tiếp đón nồng hậu. Thời kỳ này, trong sa mạc gồm có rất nhiều tu sĩ hoặc ẩn sĩ. Đời sống Kinh nguyện và hy sinh của các vị đã thu hút tâm hồn sốt mến và hào hiệp của ngài. Không khuyên được Héliodore, người bạn thân chung sống đời ẩn tu, ngài đành một mình tiến vào sa mạc Chalcis (hiện nay gần tỉnh Alep xứ Syrie) vào nơi thanh vắng thần tiên mà ngài gọi là “Địa đàng tươi đẹp của Chúa Kitô”. Nơi đây ngài sống trong khắc khổ, tiết chế và suy niệm: chẳng hạn như suốt mùa Chay, ngài chỉ dùng bánh khô và nước lã. Những hoài niệm đen tối của tuổi thanh xuân phóng đãng lúc này đã gây nên bao cuộc chiến đấu gay go cho ngài. Chính ngài đã ghi lại trong thư số 7 gởi cho cô Eustochium:

“Ôi! mặc dầu đã dấn thân vào sa mạc, vào chốn thanh vắng giãi dầu dưới ánh nắng oi ả, nơi ở hãi hùng của các vị tu sĩ, thế mà biết bao lần tôi vẫn tưởng như đang sống giữa những hoan lạc của kinh thành Roma. Tấm thân xấu dạng của tôi những run rẩy dưới manh áo thô. Bẩn quá, da dẻ tôi có khác chi da người hắc nô. Ngày này qua ngày khác, tôi hết than lại khóc. Những khi cơn ngủ đến bất thần, tuy có kháng cự, thì bộ xương lỏng lẻo của tôi cũng giáng xuống mặt đất như tan vỡ. Tôi không nói gì đến đồ ăn thức uống: vì ngay chính bệnh nhân cũng chỉ dùng có nước lã. Nếu dùng món ăn nóng, đó là xa xỉ rồi.

Phần tôi, vì sợ chốn ngục hình, nên tôi tự giam thân vào nơi ngục thất, khổ cực này, làm bạn với bọ cạp và hoang thú thế mà đôi khi tôi còn có cảm tưởng như đang dự những buổi khiêu vũ mê ly do các thiếu nữ xinh đẹp. Chay tịnh đã biến sắc mặt tôi, nhưng những khoái lạc vẫn nung nấu tâm can tôi và thân xác tôi lạnh ngắt cứng đơ. Trong con người khổ hạnh đó, con người gọi là một thi hài thì đúng hơn một thân xác sống động. Những ngọn lửa khoái lạc vẫn bầng bầng bốc cháy. Cảm thấy thiếu thốn mọi sự, tôi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu, lấy nước mắt tưới, cùng lấy tóc lau chân ngài. Còn xác thịt phản bội này, tôi phải nhịn ăn hằng tuần để khuất phục.

Tôi không hổ thẹn vì nỗi bất hạnh, trái lại tôi còn than thân trách phận vì không còn được sốt sắng như buổi đầu. Tôi còn nhớ lắm: ngày đêm tôi rên siết, và chỉ dừng đấm ngực khi dọng nói oai nghiêm của Thầy chí thánh chấn tĩnh được lòng tôi. Ngay cả căn phòng, tôi cũng nghi ngờ vì hình như nó cũng âm mưu với những tư tưởng hắc ám của tôi. Phẫn nộ và hà khắc với bản thân tôi một mình lủi thủi vào xa mạc. Có lẽ những thung lũng sâu thẳm, những đồi núi chập chùng cũng nhận thấy tôi vào đây niệm kinh và tù đầy cái thân xác bất hạnh này. Cả Thiên Chúa, ngài cũng chứng kiến việc tôi làm; bởi lẽ sau khi đã than khóc nhiều, đã đưa mắt nhìn trời cao thẳm, thì đôi khi, hình như tôi đươc hoà mình vào hàng ngũ đạo binh Thiên Thần; lúc đó, trào lên vui sướng, tôi hoan ca: “Chúng con tiến sau Chúa, theo hương vị của hương thơm Chúa”.[4]

Để đối phó với những cơn cám dỗ nghịch đức trinh khiết, ngài đã vùi đầu vào công việc nghiên cứu Thánh Kinh qua bản dịch Hy Lạp, dưới sự hướng dẫn của một người Do Thái trở lại Kitô giáo. Dầu sao, ngài vẫn say mê văn hóa Latin. Đây là giai đoạn ngài có một chiêm bao kỳ lạ. Chính ngài đã thuật lại trong thư gởi Eustochium:

“Lâu lắm rồi! Vì nước Trời tôi đoạn tuyệt, nhà cửa, cha mẹ, anh chị, thân quyến và cả những gì khó bỏ nhất như thói thích ăn ngon, ngủ kỹ. Tôi đến Jérusalem để tranh đấu cho Chúa Kitô. Nhưng tôi không thể bỏ được tủ sách mà tôi đã dầy công thu tích trong thời gian ở Roma. Bất hạnh cho tôi biết bao! Vì lẽ trước khi đọc Cicéron tôi đã kiêng ăn,nhịn uống. Thường ra, tôi hầu như thức trắng đêm để than khóc. Nhớ lại tội xưa, nước mắt tôi cứ nghẹn ngào dâng lên. đoạn tôi cầm và đọc Plaute. Nếu bình tĩnh lại,tôi đọc sách tiên tri những lời văn mộc mạc làm tôi chán ngấy. Đôi mắt tôi đã không cho tôi thấy ánh sáng.

Vậy mà tôi không lên án con mắt đâu, trái lại, tôi còn lên án mặt trời! Quỷ ma đã dỗ dành tôi như vậy đó. Trung tuần nùa chay năm đó, tôi bị một cơn sốt rét chí tử. Căn bệnh xâm chiếm toàn thân yếu mệt của tôi và tứ chi hằng bị đau nghiến vò xé, thâm chí người tôi chỉ còn da bọc xương.

Trong khi đó người ta chuẩn bị mai táng tôi, bởi chưng, sức sống hơi thở, nhiệt lượng toàn thân tôi đã ớn lạnh chỉ còn thoi thóp trong một khoé nhỏ trên lồng ngực. Bất thần tôi chìm đắm vào cõi siêu nhiên. đây toà của vị Chánh án tối cao, và người ta điệu tôi đến đó! Anh sáng xung quanh rực rỡ quá, thậm chí nằm dưới đất, tôi không giám đưa mắt lên nhìn. Bị tra vấn về nghề nghiệp tôi trả lời: “Tôi là Kitô hữu”. Nhưng Đấng ngự trên cao oai nghiêm nói: “Anh nói dốc, chính anh là đồ đệ của Cicéron chứ đâu phải là Kitô hữu”; của anh ở đâu, lòng anh ở đó”.

Liền đó tôi hóa câm. Giữa muôn ngọn roi túi bụi (bởi lẽ Đấng đó hạ lệnh tra tấn tôi) lương tâm còn vò xé làm tôi đau đớn hơn nhiều. Lúc đó tôi nhẩm lại lời sau đây:

“Nhưng giữa chốn cực hình còn ai ca tụng Chúa”.

Tôi bắt đầu rên xiết và than vãn hoài: “Lạy Chúa xin đoái thương con, xin đoái thương đến con!”: Lời kêu xin đó vang lên giữa trận đòn đau xót. Sau cùng, sấp mình trước vị Chánh án tối cao, những người trợ tá khẩn khoản xin ngài ân xá cho tôi còn thơ dại và cho phép tôi xám hối tội xưa: Sau này nếu còn ngốn văn chương ngoại giáo, tôi sẽ phải chịu cực hình cân xứng. Riêng tôi, vì bị dồn vào hoàn cảnh nguy ngập đó, nên tôi càng sẵn sàng tuyên hứa nhiều hơn. Bởi thế, nhân danh ngài tôi đã lên tiếng tuyên thệ: Lạy Chúa nếu tôi còn mua hay đọc sách vở thế tục, thì xin kể như tôi đã chối bỏ Chúa.

Sau lời tuyên thệ đó, tôi được phóng thích và đây tôi đã trở về trần gian. Mở mắt ra, mọi người bỡ ngỡ vô cùng. Đôi mắt đẫm lệ đủ minh chứng nỗi thống khổ của tôi. Không phải giấc ngủ say, cũng không phải cơn mộng hão huyền thường làm cho ta lầm tưởng đâu. được chứng kiến toà án mà chính tôi phải nằm phục ngay trước, và được mục kích vụ xét xử kinh sợ đó mong rằng từ nay tôi sẽ không bao giờ mắc phải như vậy; đôi vai tôi bầm tím lên và tôi cảm thấy nhức nhối khi tỉnh dậy.

Từ đó, tôi đọc Sách Thánh cẩn thận hơn trước đây khi đọc những tác phẩm ngoại giáo nhiều”.[5]

Thực ra, từ đây ngài không bao giờ bỏ quên những kiến thức đã thâu nhận được trong văn chương Latin. Cho dù ngài hầu như đã đổ toàn lực vào việc nghiên cứu Thánh Kinh thì các văn phẩm của ngài vẫn thường được tô thắm bởi những kỷ niệm và những đoạn văn của tác giả Latin ngoại giáo nhất là Virgile.

Sau này khi Rufin - bạn thân trước đây lúc đó đã trở thành kẻ thù - nại đến giấc chiêm bao và lời thề thốt của Jérome trên đây để chỉ trích ngài quá mê văn chương thế tục, Jérome đã trả lời thẳng thừng: “Chiêm bao giá trị ra sao thì lời thề cũng giá trị đó!” (tant vaut le songe, tant vaut le serment!).

Nhưng những ngày sống trong sa mạc đã trở nên khó thở: các tu sĩ lân cận thiếu văn minh và ti tiện, hơn nữa những cuộc tranh luận của hàng giáo phẩm đã chia rẽ điạ phận Antioche. Chính Jérome cũng không tránh được việc đưa chân vào những cuộc tranh luận có tính cách hành chánh và thần học đó. Ngài đã chọn Paulin đối thủ của Mélèce như là Giám mục chính thức của Antioche và nhờ đó chiếm đuợc cảm tình của Paulin. Nên khi bất mãn vì cuộc sống trong sa mạc, vì những mưu mô hẹp hòi của các tu sĩ và bệnh tật thân xác quá nặng Jérome phải bỏ sa mạc năm 379 trở về Antioche sống bên cạnh bạn thân là Evagrius, ông này liền dùng bạo lực bắt buộc Jérome và nhờ Giám mục Paulin phong chức Linh mục cho ngài. Tuy vậy ngài không sử dụng phẩm chức Linh mục đó bao giờ. Hình như suốt 41 năm sống trong chức Linh mục ngài đã không hề một lần dâng thánh Lễ. Đã có lần ngài nói với Giám mục Paulin đáng kính: “Nào tôi đã có xin ngài truyền chức Linh mục cho tôi đâu?”.

Năm 380, Jérome lại có mặt ở Constantinople nơi đây ngài say mê lời giảng thuyết của Grégoire thành Nazianze. Nhờ ngài, Jérome đã khám phá được một chân trời rộng rãi trong khoa chú giải: ngoài từ nghĩa ra, Kinh Thánh còn có một ý nghĩa biểu tượng nữa.[6] Ở Constantinople, Jérome cũng được hân hạnh tiếp xúc với những Giám mục cao cấp nhân dịp các vị đến đó để nhóm họp Công Đồng Chung thứ 2 năm 381, tỉ dụ như: Amphiloque d’Iconium và Grégoire de Nysse.

C. Thời gian ở Roma

Bỏ Constantinople Jérome theo Giám mục Paulin và Thánh Epiphane lên đường đi Roma với mục đích tham dự Công Đồng Roma nhằm chấm dứt tình trạng bất hòa đã chia rẽ Giáo đoàn Antioche. Ngài lưu lại Roma 3 năm. Ba năm này đã quyết định sự nghiệp chú giải Thánh Kinh của ngài. Tại Roma ngài đã trở nên thân thiết với Giáo Hoàng Damase, được Đức Giáo Hoàng cử làm bí thư riêng và ủy cho việc tu chính bản dịch Thánh Kinh La ngữ đang được hiện hành tại Roma và Ý gọi là bản Italia. Một thế kỷ nay, Giáo Hội Roma và Ý đã bỏ việc dùng Hy ngữ trong Phụng vụ. Các bản dịch Thánh Kinh La ngữ thực ra khá nhiều nhưng đa số còn khuyết điểm cả phương diện chính xác lẫn phương diện bút pháp. Với sự cổ võ của Giáo Hoàng Damase, Jérome bắt tay vào việc rất hăng hái nhưng không kém khôn ngoan và dè dặt, bởi chưng ngài đã linh cảm rằng, việc ngài làm sẽ bị phê bình rất nhiều. Ngài đem đối chiếu các bản dịch La ngữ hiện hành, rồi căn cứ trên thủ bản Hy ngữ để đính chính những sai lầm. Bản dịch của ngài vừa chính xác vừa văn hoa và tao nhã hơn nhiều. Thực ra, ta phải nhận rằng, trong Lịch sử Giáo Hội Latin, bản dịch đó là cả một gia tài vô giá, bởi chưng đã từ lâu, bản dịch trên đây vẫn được công nhận như bản chính thức dùng trong Phụng vụ và tín lý (bản Vulgata Versio). Nhưng ở Roma, vì đã quá quen với bản dịch cũ, nên nhiều người lấy làm khó chịu với bản dịch mới của Jérome. Họ cho đó là làm gương xấu và phạm thánh. Thế nên, khắp nơi đều sôi nổi phê bình. Trước sự thiếu hiểu biết đã từng gây nên những phản ứng đó, Jérome khá phẫn nộ. Chính trong thư từ, ngài đã nhiều lần thổ lộ nỗi bực tức của ngài, tỉ dụ như trong thư gởi Marcella:

“Vừa mới viết cho cô một lá thư vắn tắt đầu tiên bàn về ngữ vựng Hy ngữ, thì tôi được tin đại đa số đã xôn xao công kích tôi mãnh liệt. Tại sao tôi dám đi ngược với uy tín của tiền nhân và của mọi người mà tu chính Phúc âm? Thực ra tôi có quyền khinh miệt những hạng ngưòi trên kia vì đàn bầu đâu gẩy tai trâu nhưng để cho họ khỏi quen thói tố cáo tôi kiêu kỳ, thì đây tôi xin trả lời: Trí khôn tôi không quá bán khai, đần độn, thậm chí có thể nghĩ tưởng rằng người ta muốn sửa đổi lời Chúa cũng được, hay có thể nghi ngờ rằng lời của Chúa không được linh ứng. Nhưng những thủ bản La ngữ sai lạc nhiều, chính điểm bất đồng giữa các thủ bản đã minh chứng điều đó. Tôi có ý đem những thủ bản La ngữ đã có về nguyên bản Hy Lạp, bởi lẽ không một ai, cả họ nữa, nghi ngờ những thủ bản La ngữ đã được dịch theo nguyên bản Hy ngữ. Vậy nếu không muốn uống nước suối trong sạch đó, thì họ cứ việc đến uống ở những khe rãnh nhớp nhơ bùn và cứ việc nhấm nháp thịt chim hay nuốt tươi những con sò mà lãng quên việc thưởng thức Thánh Kinh. Nguyên nói đến vấn đề này cũng đủ minh chứng họ khù khờ! Họ cho những lời của Chúa là bán khai những lời mà bao thiên tài của bao thế kỷ đã từng vất vả mới có thể phỏng đoán thì đúng hơn là đào sâu ý nghĩa đích thực của mỗi lời đó”.[7]

Sau này, chúng ta sẽ có dịp nói dài hơn đến bản dịch Thánh Kinh của Jérome.

Ở Roma Jérome còn là người cổ võ phong trào thành lập những Cộng đồng nữ giới khát vọng sống một đời thánh thiện. Cộng đồng trứ danh hơn cả là cộng đồng những người sống tập trung trong điện Aventin, xung quanh một thiếu phụ quý tộc La mã tên là Marcella. Nhờ sự liên lạc thư từ, ngày nay chúng ta còn được biết danh sách nhiều thiếu phụ và thiếu nữ đó. Họ là những người học thức, đa số thuộc quý tộc La mã, tỉ dụ góa phụ Paula với 4 con gái là: Blesilla, Paulina, Eustochium, Rufina (và Texetius, con trai bà). Xung quanh quý phụ Marcella có rất nhiều thiếu phụ và thiếu nữ thuộc giai cấp thượng lưu La mã tập trung tại điện Aventin tỉ dụ như: Lea, Asella, Furia,v.v... Họ sống chung với nhau vì ba mục đích sau: Kinh nguyện, chay tịnh và bác ái với người nghèo. Thực là một hội các thiếu phụ trí thức và thánh thiện, chẳng hạn Paula, cứ lời bà nói thì lý tưởng của bà là “chết ngèo khó, không để lại một xu nhỏ cho con gái và được mai táng trong một mộ phần không phải của bà”. Ngoài việc niệm kinh, những thiếu phụ đó còn dùng thời giờ vào việc thi hành đức bác ái, như tổ chức các bệnh viện và nhà tế bần. Jérome nghiễm nhiên đã trở nên vị linh hướng và người cổ võ của các hội thánh thiện đó. Không kể việc niệm kinh và thi hành đức bác ái, ngài còn muốn các bà nghiên cứu Thánh Kinh và Thần học. Để giúp các bà thụ giáo Thánh Kinh, ngoài Hy ngữ ra, ngài còn dậy thêm tiếng Hy Lạp hầu giúp các bà có đủ khả năng học hỏi Thánh Kinh theo nguyên bản. Nhiều bà rất giởi tiếng Hy Lạp, thậm chí có thể đọc Thánh Vịnh bằng chính ngôn ngữ đó. Jérome còn diễn thuyết nhiều bài để khai tâm các bà về khoa chú giải Thánh Kinh; đồng thời ngài cũng có ý hướng dẫn họ trên đường tu đức bằng cách lấy việc đọc Thánh Kinh để nuôi dưỡng sinh hoạt đạo đức.

Từ đấy Jérome thường viết cho họ nhiều bức thư dài. Những bức thư này được kể như những kiệt tác bàn về đời sống khắc khổ và tu đức, bởi lẽ đó là những bức thư văn học, dồi dào sinh lực, rất đơn giản, thành thực và chan chứa cảm tình. Qua những thư đó, chúng ta nhận thấy một tính tình bạo động và chua chát nhưng đồng thời cũng nhận thấy một tâm hồn Công Giáo say sưa mến Chúa sâu xa. Một trong những kiệt tác trên đây đó là thư gởi cô Eustochium; nó đã có một giá trị mô phạm trong lịch sử khoa tu đức Công Giáo. Ta nên đọc những trang bất hủ đó, tỉ dụ như:

“Đừng nhận lời thăm viếng những bà sang trọng; cũng đừng đi lại với những gia đình quý phái. Hãy chăm đọc và học hỏi Thánh Kinh càng nhiều càng hay, chăm đến nỗi buồn ngủ mà sách vẫn nằm trên tay và đầu lắc lư nhưng mắt đắm chìm trong Sách Thánh.

Hãy bắt chước ve sầu trong đêm khuya... Hãy thức tỉnh và bắt chước chim hồng tước nơi sa mạc. Quê hương của cô là Thiên Đàng.[8] Đừng bận tai nghe những chuyện phiếm,[9] khi làm phúc chỉ để mình Chúa biết. Khi chay tịnh hãy giữ gương mặt vui tươi. Y phục đừng quá sạch cũng đừng quá bẩn... Đừng tìm cách khoe khoang mình đạo hạnh cũng đừng tự hạ quá.[10]

Nếu đứa nữ tỳ nào muốn sống khắc khổ theo, đừng tỏ vẻ cao kỳ kiêu hãnh, bởi lẽ cô là chủ họ. Cô cũng thuộc một vị hôn phu như họ.[11] Đêm đêm, nên thức dậy đôi ba lần để nhẩm lại những đoạn Sách Thánh đã thuộc lòng. Trong mọi hành vi dáng điệu phải luôn luôn ghi dấu thánh giá. Đừng nói xấu ai... Nếu có ăn chay hai ngày cũng đừng coi mình hơn người không ăn chay; bởi lẽ có thể cô ăn chay mà lại cau có; còn họ không ăn chay nhưng có lẽ họ lại dịu dàng tử tế.[12] Với ai biết yêu không gì nặng nhọc; với ai khát vọng chẳng cố gắng nào khó khăn”.

Khi Giáo Hoàng Damase, người bảo vệ đắc lực của ngài qua đời năm 384, Jérome gặp nhiều đố kỵ, nghi ngờ và vu khống. Tỉ dụ: ngày mai táng cô Blesilla con gái của Paula, dân thành Roma đứng lên phản đối Jérome, tố cáo ngài đã làm cho con bà, mau chết vì đã khuyên cô sám hối và sống quá khắc khổ!

Hơn nữa vai trò linh hướng các phụ nữ quý phái và bộ mặt một thầy dòng khắc khổ với óc cải cách của Jérome làm cho ngài mỗi ngày một mất thiện cảm nơi hàng giáo sĩ và Giáo Triều Roma, chỉ cần một dịp nhỏ là có thể gây nên đủ thứ truyện rắc rối cho ngài. Giáo Hoàng Damase không còn nữa, người ta liền lập tức âm mưu chống Jérome. Ngài được mời đến trình diện tại một hội đồng ngụ ý bắt ngài phải trả lời về những bức thư trong đó ngài chỉ trích các linh mục Roma. Phần Jérome tin tưởng một cách ngây thơ rằng vì Giáo Hoàng đã qua đời nên mình sắp sửa được hội đồng bầu lên thay thế. Nhưng người ta đã cho ngài hiểu rằng cần phải biến khỏi Roma càng sớm càng tốt kẻo nguy hiểm cả đến tính mạng. Bực tức đến cực độ, Jérome dứt khoát giũ bụi chân trả lại kinh thành “Babylone” (Roma) để ra đi. Đau đớn và chán nản, năm 385 ngài trở về Đông Phương quyết tâm sống ẩn dật nơi Thánh địa cho đến mãn đời. Sau đây là một vài dòng trích trong thư 45,6-7 gởi cho Asella trước ngày xuống tầu:

“Tôi cảm tạ Chúa, vì đã để trần gian oán ghét tôi, hãy khẩn nguyện sao để sau khi thoát ly Babylone tôi lại được tới Jérusalem... Tôi đã chịu đựng biết bao thống khổ, nhưng vì thánh giá mà tôi đã tranh đấu.

Thiên hạ đã từng thốt lên bao lời tố cáo nhục nhã sai lạc, nhưng tôi biết rằng nhờ danh thơm cũng như nhờ tiếng xấu người ta có thể tiến tới trời.

Xin hãy nhớ đến tôi... và mong sao kinh nguyện của cô sẽ dẹp tan được sóng gío của biển khơi”.

D. Thời gian thứ hai ở Trung Đông: Bethlehem

Jérome không bỏ Roma một mình, đi theo có em trai ngài là Paulinien cùng với mấy tu sĩ bạn. Chẳng bao lâu sau, Paula và một số phụ nữ quý phái La mã cũng theo gót ngài sang Trung Đông. Vậy năm 385 Jérome đáp tầu từ Ostie. Giữa mùa hạ năm đó ngài cập bến Séleucie; rồi từ đây ngài đi Antioche liền, nơi đây ngài gặp gỡ những bạn xưa: Linh mục Evagrius và Giám mục Paulin. Trung tuần mùa đông, Paula và Eustochium con gái nàng đến gặp ngài. Sau này trong thư số 108, Jérome có kể lại hoàn cảnh của cuộc xuất hành từ Ý của hai mẹ con.

“Paula đi ra bến tầu (Ostie), anh nàng, thân quyến, bạn bè và hơn nữa cả con cái đều theo tiễn chân nàng. Buồm căng gió, mái chèo khua nước, con tầu nhẹ lướt ra khơi. Trên bến, Texetius, con trai của nàng giơ tay cầu khẩn. Rufina con gái nàng đến tuổi cập kê, qua dòng nước mắt khẩn khoản xin nàng nán lại tới ngày đính hôn. Nhưng say tình mến Chúa hơn thương con, nàng đưa mắt ráo lệ nhìn trời”.[13]

Jérome không có ý lưu lại Antioche lâu ngày; vì muốn để toàn lực vào việc khảo cứu Thánh Kinh, nên ngài đã tìm một nơi tĩnh mạc. Nhưng tiên vàn, ngài muốn đào sâu những kiến thức Thánh Kinh bằng việc thăm viếng các nơi thánh. Paula, Eustochium và một số thiếu nữ khác cũng định theo Jérome trong việc hành hương những nơi thánh của Cựu và Tân Ước. Thế nên bỏ Antioche, đoàn lữ hành lập tức cỡi lừa đi khắp các nẻo đường xứ Palestine, Beyrouth, Sidon, Tyr, Césarée, Jaffa và sau cùng Jérusalem. Nơi đây Jérome gặp lại Rufin d’Aquilée, người bạn chí thân của ngài nhưng chẳng bao lâu đôi bên đã trở nên xích mích.[14] Thế rồi, đoàn lữ hành lại tiếp tục hành trình qua Judea, Samaria và sau cùng Galilêa. Đến đâu, Jérome cũng gợi lại những kỷ niệm trong Cựu Ước và Tân Ước cho các thiếu nữ đầy bỡ ngỡ và phấn khởi. Trở về Jérusalem, đoàn lữ hành nghỉ một thời gian ngắn; đoạn bắt đầu một cuộc hành trình dài sang Ai cập. Nơi đây, Jérome và đoàn tùy tùng muốn đến khảo cứu tận nguồn gốc phong trào ẩn tu. Tại Alexandrie, Jérome gặp một nhà thần học cao tuổi đồ đệ của Origène tên là Dydime mù. Sau đó với đoàn tùy tùng ngài đi viếng các vị ẩn tu. Trở về Palestine, ngài dùng đường biển. Lúc này, Jérome muốn đến định cư ở Bethlehem, gần Thánh đường Hoàng đế Constantin mới xây để tôn kính mầu nhiệm Giáng sinh. Gần nơi này, Paula cũng thành lập một nữ tu viện.

Sinh hoạt tôn giáo và phụng vụ ở Bethlehem lúc này lên khá mạnh: khắp nơi, khách hành hương đổ về. Ngôi đại Giáo đường và các nghi lễ phụng vụ cử hành trong đó đã làm Ethérie, một nữ hành hương thán phục vô cùng:

“Nơi đây người ta chỉ thấy có vàng bạc, ngọc thạch và gấm vóc. Các bạn sẽ thấy những bức hoành phi và những tấm bình phong toàn bằng tơ lụa nạm vàng. Những dụng cụ tế tự đủ cỡ trưng bầy hôm đó, toàn bằng vàng khảm ngọc. Còn về số và trọng lượng những đèn lồng, chân nến, đèn thường và các đồ tế tự khác, sức đâu mà ước lượng cho hết”.[15]

Trước sự biểu dương của cải ở chính nơi Thiên Chúa đã muốn sinh hạ nghèo hèn, Jérome không cảm phục mấy, ngài viết:

“Ngày nay, đối với chúng ta, vịn cớ tôn kính Đức Kitô, chúng ta đã phế bỏ hang bằng đất để thay thế một hang bằng bạc. Nhưng, riêng tôi, chiếc hang đã bị phế bỏ còn cao quý hơn nhiều. Vàng bạc đều là công việc của lương dân. Đức tin Kitô giáo đòi phải có một hang đất thó, bởi lẽ Đấng sinh hạ nơi đây đã khinh chê bạc vàng. Tôi không lên án những ai đã thi hành như vậy, vì lòng sốt mến cũng không lên án những ai đã chế tạo những bình vàng cho Thánh đường nhưng tôi rất cảm phục Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ, đã sinh không phải trong vàng bạc, nhưng trong nơi bùn đất”.[16]

Chính nơi đây, gần địa điểm Chúa sinh ra, Jérome sẽ sống 34 năm kể từ năm 386 cho tới ngày tạ thế, tức năm 419 hoặc 420. Ngài đứng điều khiển tu viện nam của ngài, tiếp tục giảng dạy Thánh Kinh và hướng dẫn sinh hoạt tu đức trong nữ tu viện của Paula. Gần tu viện này, ngài có dựng một trường nhỏ để giáo huấn con em địa phương. Nhưng trong giai đoạn này, Jérome không được bình thản và an ninh mấy, bởi lẽ ngoài những khó khăn về tài chánh, ngài còn phải giây mình vào những vụ tranh luận,những cuộc bút chiến gay go mà hoàn cảnh, nhưng có lẽ nhất là tính khí gắt gỏng và cả giận, đã đưa chân ngài vào: tranh luận về tín lý (như thuyết Origène, thuyết Pélagio) và tranh luận về giáo phẩm. Ngài gây lộn cả với những bạn hữu thân thiết nhất như Rufin chẳng hạn. Ngài hết lời thoá mạ người bạn chí thiết thuở xưa đó. Ngài còn cãi lộn trên thư từ với con người hiếu hòa và nhu mì như Augustin ở Hippone bởi lẽ thánh nhân đã mạn phép phê bình đôi chút về khoa chú giải Thánh Kinh của ngài. Nói đến những cuộc tranh luận trên đây, Augustin một ngày kia có viết một câu chí lý như sau:

“Xin thú thực, tôi đã hối tiếc nhiều khi thấy giữa những bạn chí thân, chí thiết (Jérome và Rufin) đã nối khố với nhau bằng một tình nghĩa keo sơn hầu như các điạ phận đều biết tiếng, lại có thể xảy ra một vụ xích mích quá ác liệt... Nếu giữa Jérome và Rufin đã có một cuộc xung đột đáng tiếc như vậy, thời còn tình bằng hữu nào lại không nghi ngờ sẽ có thể trở nên thù địch được”.[17]

Chúng ta biết rằng chính vì Jérome mà tên gọi “Rufin” đã trở thành lời chửi thề nơi miệng Victor Hugo! nhiều lần trong đời, Jérome còn cãi lộn, châm chọc và gây sự với nhiều nhân vật đáng kính khác mà đây chỉ ghi lại một vài trường hợp điển hình thôi. Chẳng hạn, ngài chê Thánh Ambroise là “con quạ già lải nhải” tư tưởng đến chậm hơn lời nói. Chính Thánh Augustin cũng bị ngài khinh là “trẻ người non dạ”, mặc dầu sau này liên hệ giữa hai vị có khả quan hơn trước. Nhưng lỗi lầm lớn nhất của Jérome là đã cư xử rất bất công khi không tiếc lời mạt sát Thánh Jean Chrysostome (Gioan Kim Khẩu) và chôn vùi ngài xuống tận bùn đen. Chính Jérome đã dịch sang La ngữ để phổ biến những bài đả kích châm biếm bỉ ổi nhất của Théophile thành Alexandrie chống lại Thánh Gioan Kim Khẩu. Rồi khi Epiphane nhảy vào cuộc chiến chống vị thánh này bằng cách viết hai bài vu khống bôi nhọ thánh nhân, thì lập tức liền gặp được nơi Jérome một dịch giả đầy hăng say để phổ biến ra bằng La ngữ. Về cuối đời, Thánh Epiphane đã hối tiếc và xin lỗi Gioan Kim Khẩu về hành động này, còn Jérome thì không hề thấy hối tiếc việc mình đã làm! Trong thư 33 gởi Paula, Jérome đã viết: “Thế giới Thượng cổ ca ngợi những tác phẩm của Origène”, nhưng rồi cũng vì ảnh hưởng của Épiphane, lại phản bội và gây nhiều “bất hạnh” tổn thương đến thế giá của vị Giáo Phụ lừng danh này của Giáo Hội.

Dầu sao, Jérome vẫn để một phần lớn thời giờ vào việc nghiên cứu Thánh Kinh. Công việc nghiên cứu đó cứ kế tiếp không ngừng: việc dịch thuật Cữu Ước theo nghuyên bản Hy Lạp đã làm cho ngài gặp nhiều tranh luận ác liệt; quá vội vã: có lần trong một ngày ngài đã đọc cho thư ký viết hàng ngàn dòng và chỉ một đêm ngài đã dịch hết sách Judith.

Sau đây, trong phần thứ hai chúng ta sẽ nói nhiều hơn về những công việc trên đây của ngài. Jérome còn gặp nhiều thử thách: bệnh hoạn, tranh luận, và vu khống. Nhưng nỗi vu khống này thường phát sinh do sự khó tính và hay giận dữ của ngài, ngoài ra là những biến cố chính trị quan trọng hằng hăm dọa sự an ninh của Roma, tỉ dụ những cuộc xâm lăng của dân man di bên Tây cũng như Đông Phương. Năm 409 ngài rất sửng sốt và đau buồn khi hay tin quân Goth đến xâm chiếm nước Ý, dưới sự chỉ huy của Alaric và năm 410 kinh thành Roma thất thủ và bị cướp phá!.[18] Jérome chỉ còn hưởng chút bình an và yên ủi nơi những con thiêng liêng yêu dấu của ngài. Trong số những con thiêng liêng ấy ta phải kể Paula là “con chiên ngoan hiền” nhất không bao giờ trái lệnh ngài, chỉ trừ việc, theo sự chỉ dẫn của lương y, ngài buộc bà phải uống chút rượu mỗi ngày lúc bà lâm bệnh nặng. Không thành công, ngài đã phải nhờ cả đến Thánh Epiphane can thiệp. Nhưng Epiphane cũng đã phải thú nhận sự thất bại của mình bằng những lời lẽ sau đây: “Xuýt nữa bà ấy đã thuyết phục được cả tôi, một ông già ở tuổi này, bỏ rượu luôn!”.

Lúc này ngài đã già nua hầu tê bại và hình như không còn xem thấy gì nữa. Trước cái chết của Paula năm 404 ngài rất đau buồn. Rồi năm 418, Eustochium con của Paula qua đời, lại thêm một cái tang đau đớn cho ngài nữa. Trong những ngày tàn của cuộc sống Jérome được cháu gái của Eustochium tên là Paula chăm sóc âu yếm và ân cần. Ngày 30 tháng 9 năm 419 (420), ngài tạ thế, hưởng thọ 74 tuổi.

II. - THÁNH JÉROME: THÂN THẾ

A. Chân tướng thể chất và tinh thần

Trải qua các thế hệ, bao họa sĩ đã từng cống hiến cho Jérome nhiều họa phẩm mỹ thuật (đây chỉ nói đến những hoạ phẩm đặc sắc như của Dürer, Rembrand, Gerard de la Tour, v.v...). Những họa phẩm trên có phong phú đến đâu đi chăng nữa mới chỉ giúp chúng ta khám phá được một phần tâm hồn của thánh nhân, nhưng chưa giúp chúng ta hình dung nổi gương mặt và vóc dáng của ngài. Xét về phương diện xác thể, hình như Jérome đã thừa hưởng được một tầm vóc tuyệt hảo. Sự dẻo dai của ngài thực lạ lùng, nhưng sức chịu đựng nỗi mệt nhọc càng đáng kinh ngạc hơn. Thực thế, chúng ta hãy nghĩ đến những cuộc hành trình xa xôi và vất vả ngài đã khởi hành từ Roma sang Trung Đông bằng đường bộ và đường thủy, thếmà hình như ngài đã thi hành những cuộc hành trình đó một cách dễ dàng.

Chúng ta cũng hãy nghĩ đến sức làm việc hăng hái của ngài: như đã có dịp nói trên, dầu tuổi tác, ngài vẫn đủ sức đọc cho thư ký viet hằng ngàn dòng trong một ngày, và chỉ một đêm ngài đã dịch hết một trong những cuốn sách của pho Thánh Kinh (sách Judith). Còn biết bao tang chứng khác giúp chúng ta giả dụ được rằng ngài đã được bẩm sinh một thân vóc vững chắc.

Nhưng những hình phạt thể xác mà ngài đã tự cưỡng bách một cách tàn bạo, đôi khi thiếu khôn ngoan trong thời gian đầu ở sa mạc Chalcis (chay tịnh quá khắt khe, thức đêm ròng rã, làm việc mê man) đã sớm làm phát sinh nơi ngài nhiều căn bệnh khác nhau. Mặc dầu có sức chịu đựng hơn người, thì những căn bệnh kia cũng làm cho ngài bị tiêu hao nhiều. Có lẽ do chứng đau gan hay đau bao tử thường xuyên mà một phần lớn ta năng gặp nơi ngài tính dễ phẫn nộ, xao xuyến, gắt gỏng và giận dữ. Hình như ngài cũng mắc chứng sốt rét kinh niên, và như đã thấy: Ngài chết hụt trong thời gian đầu ở Antioche. Tuổi già của ngài (74 tuổi) cũng gặp nhiều căn bệnh đớn đau như đau nhức, tê bại, đui mù,v.v…

Jérome có một tính khí, một bản chất đặc biệt phong phú. Cá tính của ngài rất bồng bột. Ngài là một con người rất hăng hái, đam mê, rất đa cảm, sẵn sàng bộc lộ tấm lòng vàng một cách chân thành đối với những ai mà ngài yêu mến. Nhưng cũng sẵn sàng nổi giận với những kẻ phê bình ngài, hoặc những kẻ ngài phỏng đoán sẽ mưu hại ngài. Do bản chất hay công kích và thích gây lộn, ngài đã có một động lực và mối nhiệt tâm cao quý, nhưng cũng có những ty tiện, những bất công và cố chấp thiếu cởi mở, thiếu thông cảm.

Bàn về tính khí của ngài, Paul Monceaux có viết như sau trong tác phẩm “Saint Jérome, sa jeunesse”:

“Con người hăng hái, đam mê, và giầu tưởng tượng với cặp mắt châm biếm. Con người đa cảm và bồng bột. Ngài rất đa nghi, cả giận, cáu kỉnh và tàn bạo, có khi to tiếng dữ dội... Ngài rất mưu trí và hay châm chọc... Một bệnh nhân khó tính với trái tim vàng, nhưng có tâm trí xao xuyến và giọng châm chích tàn nhẫn... Con người hiếu chiến có tâm hồn tông đồ nhiệt thành...”.

Một trong những đức tính cao quý nhất của ngài là lòng chân thành. Ngài tuy bồng bột, nhưng không phải là thiếu thông minh đâu. Trái lại đôi khi rất tinh nhanh, rất tâm lý, nhưng thường ra ngài quá nóng nảy. Trước khi lao mình vào những cuộc tranh luận to tiếng, ngài không chờ đợi cho biết mọi chi tiết của vấn đề. Điều đó cũng giúp chúng ta dễ hiểu được rằng trong cơn nóng, mặc dầu rất tế nhị khi bình tĩnh, ngài cũng không tránh nổi buông theo nhiều thái quá và đôi khi còn khiếm nhã.

Nhưng ta cũng không thể bỏ qua được tính đa cảm của ngài. Những thư từ viết cho bạn hữu và con thiêng liêng của ngài đều chan chứa sự đơn thành, lòng tin tưởng và tình âu yếm. Trong những thư đó ngài tỏ vẻ rất mực nhân đạo, tin tưởng thán phục và hào hiệp với những ai yêu mến ngài. Những nỗi phẫn nộ của ngài đối với bạn hữu thất tín, hoặc với bạn hữu ngài cho là thất tín (trường hợp Rufin) là như mặt trái của tình cảm nồng nhiệt đối với bạn hữu thân thiết và trung thành của ngài.

B. Nhà bác học và văn hào

1. Nhà bác học

Jérome thực là một nhà bác học uyên thâm. Đứng trên phương diện văn hoá cổ (nhất là Latin), ít Giáo phụ, cả những Giáo phụ Hy Lạp, có thể sánh vai với ngài. Jérome đã từng học đi học lại những tác phẩm cổ điển Latin. Khi ngài nói ngài đã đoạn tuyệt với những tác phẩm đó chúng ta chớ có tin. Thực ra ngài không bao giờ bỏ quên việc học thuộc lòng thơ Virgile. Hơn thế mặc dầu đã dốc lòng, ngài vẫn luôn luôn say mê văn chương thế tục. Dù cao tuổi, ngài vẫn tiếp tục truyền bá nền văn học đó cho các trẻ em ở Belem. Các thư từ và thiên luận của ngài đều được tô thắm bởi những dẫn chứng của văn chương Latin cổ nhất của Virgile. Ngài thích ông nhất bởi lẽ đối với ngài, nơi ông đã quy tụ tất cả một nền văn hoá Latin.

Xét về phương diện văn hoá Công Giáo ngài cũng có một kiến thức sâu xa về văn chương Công Giáo Hy La: Ngài đã đọc rất nhiều tác phẩm của Origène. Ban đầu đã say mê ca tụng ông bao nhiêu thì đến sau ngài càng phê bình, càng công kích ông mạnh mẽ bấy nhiêu. Nhưng dù công kích giáo thuyết của ông, ngài vẫn nhận được nơi ông nhiều cảm hứng giá trị. Nhưng cũng phải chú thích ngay rằng, trên phương diện lý luận Jérome không có năng khiếu triết và thần học, nhưng có nhiều năng khiếu về khoa chú giải. Trong lãnh vực Thánh Kinh mặc dầu xét theo một phương diện, các tác phẩm của ngài một phần nào có tính cách nhất thời, không còn hợp với nhà chú giải thế kỷ XX, nhưng ngài vẫn còn được kể nếu không phải là một nhà chú giải trứ danh nhất thời cũng là một trong các nhà chú giải có tên tuổi nhất trong lúc cổ thời của Kitô giáo. Những kiến thức về Hy Lạp ngữ và Hy ngữ của ngài rất có căn bản. Điều này cũng làm cho ngài nổi tiếng, bởi lẽ, thời ngài hàng Giáo phẩm hầu như không biết gì đến Hy Lạp ngữ.

Jérome còn có một nền học thức uyên bác về khoa Sử địa của đất Thánh. Bẩm sinh, ngài có khuynh hướng về cách chú giải theo từ ngữ hơn là tìm hiểu theo nghĩa biểu tượng: nghĩa là ngài chủ tâm tìm hiểu nghĩa lịch sử và dụng ý mà các tác giả đã có khi chép Sách Thánh.

Vì chính điểm này ngài đã là vị tiên phong lỗi lạc cho khoa chú giải Công Giáo. Jérome cũng chịu ảnh hưởng nhiều của khoa chú giải theo nghĩa biểu tượng (nhất là phương pháp của Origène). Nhưng do khuynh hướng tự nhiên, ngài vẫn chú trọng đến phương pháp chú giải theo nghĩa lịch sử. Đây là lý do khiến ngài vẫn là vị bảo trợ của các nhà chú giải hiện thời.[19]

2. Nhà văn hào

Về phương diện văn thể, cùng với thánh Augustin, Jérome là một đại văn hào trong giới Công Giáo Latin. Thực vậy, cũng như Augustin, ngài đôi khi còn say đắm cái hình thức lỗi thời và có quy củ của khoa tu từ cổ truyền mà ngài đã hấp thụ được trong các học đường Roma. Lúc theo lời khuyên của các vị giáo sư văn chương, đôi khi ngài có một thể văn khoa trương và hách dịch. Nhưng xét chung, những khuyết điểm phát sinh do cách thức đào luyện văn chương đó thường nhường chỗ cho lối xử dụng bút pháp đặc sắc của ngài. Cả ngày nay, người ta còn thấy hứng thú khi đọc các văn phẩm của ngài nhất là các thư từ. Ngài có biệt tài về lối thư tín. Ngài còn có khiếu kể truyện một cách linh hoạt và xử dụng lối bút chiến một cách hấp dẫn. Bút pháp của ngài thường tự nhiên, sáng sủa, mạnh mẽ, thi vị, và sắc bén. Lúc thì ngài phát biểu tư tưởng một cách cao nhã, lúc thì nói một cách bình dân thiết thực, nhưng có điều nhiều lần khiếm nhã và thiếu ý vị. Trong văn giới Latin, Jérome là một văn hào có thiên tài không kém những đại văn hào cổ thời. Thế nên phong trào Phục Hưng thế kỷ 16 đã ca tụng ngài không kém ca tụng những đại văn hào Latin cổ điển.[20]

C. Vị linh hướng

Thánh Jérome đã từng viết rất nhiều thư linh hướng: Litterae hortatoriae. Qua những thư đó ngài tỏ ra có nhiều năng khiếu và tài cán phi thường trong việc hướng dẫn các linh hồn. Mặc dầu chỉ giao dịch riêng với ít người, thì đa số những thư linh hướng đó, ngay cả thời ngài còn sống cũng đã có một số độc giả đông hơn số độc giả ít ỏi mà ngài đã đích danh gởi cho. Đọc thư xong, người được thư liền chuyển giao cho bạn hữu. Người ta thường ghi chép những thư đó lại. Mỗi lần viết một lá thư Thánh Jérome có thể dám chắc thư từ của ngài sẽ được phổ biến nơi công chúng. Những thư linh hướng của thánh nhân chiếm một địa vị khả quan trong các tác phẩm tu đức của lịch sử Kitô giáo. Trong tác phẩm “DẪN ĐÀNG NHÂN ĐỨC TRỌN LÀNH”, thánh Phanxicô đệ Salê có khuyên chúng ta nên đọc những thư đó.[21] Thánh Thérèse d’Avila, thánh Jean Berchmans, Bossuet, Fénélon, một số đông linh mục và tu sĩ thời Trung cổ, nhất là thời Phục Hưng thường đọc và suy niệm những thư đó. Bourdaloue không ngần ngại gọi Thánh Jérome là vị “đại tôn sư của đời sống thiêng liêng”. Cả hiện nay, mặc dầu một phần nào hơi xa lạ với tinh thần và tâm lý Kim thời, thì đứng trên phương diện tu đức, việc đọc các thư của thánh nhân vẫn phát sinh nhiều hiệu quả tốt đẹp. Trong bài tựa những tập thư linh hướng của Thánh Jérome, Denys Gorce có viết như sau:

“Do những thư đó, đã phát xuất một bài học cao đẹp về nghị lực Công Giáo. Thực là một việc nâng lòng liên lỷ (sursum corda) đã được truyền bá cho chúng ta qua những thư đó; và đây còn cảm động hơn nữa bởi lẽ hành vi đó đã đến với chúng ta do chính con người đã từng cảm thấy vết thương của nọc độc xác thịt một cách đau đớn có lẽ hơn nhiều người khác”.

Trong số các thư linh hướng của thánh nhân ta có thể kể:

- Thư viết cho Eustochium bàn về cách thế giữ gìn đức trinh khiết.

- Thư viết cho Népotien nói về sinh hoạt của giáo sĩ và tu sĩ.

- Thư viết cho Paulin de Nole đề cập đến vấn đề nghiên cứu Thánh Kinh.

- Thư viết cho Furia bàn về cách sống trong hoàn cảnh quả phụ.

- Thư viết cho Paulin de Nole đề cập đến phương pháp huấn luyện những vị linh mục và tu sĩ.

- Thư viết cho Laeta giúp ý kiến để giáo dục con gái của bà.

- Thư viết cho Emétriade bàn về cách thế gìn giữ đức trinh khiết.

Cùng với bản liệt kê trên đây, ta cũng nên kể đến những lá thư dài mà thánh nhân ca tụng các con thiêng liêng sau khi họ đã chết. Ngài đã diễn tả đời sống Kitô giáo theo lý tưởng mà ngài quan niệm; dưới đây là những thư đó:

- Thư gởi Marcella, nói về đời sống của Asella.

- Thư gởi Marcella, nói đến bệnh hoạn của Blésilla.

- Thư gởi Heliodore là một bài điếu tang Népotien.

- Thư gởi Pammachius nói đến cái chết của Paulina.

- Thư gởi Oceanus, tả lại cái chết của Fabiola.

- Thư gởi Eustochium là một điếu văn thánh Paula.

- Thư gởi Principia nói về đời sống thánh Marcella.

Việc linh hướng của Thánh Jérome thường được thấm nhuần bằng nhiều dẫn chứng Thánh Kinh (Thánh Phaolô, các Ca vịnh, sách Nhã Ca). Qua lời huấn dụ con thiêng liêng, thánh nhân thường tỏ ra có nhiều kinh nghiệm và giầu tâm lý. Để làm bằng chứng đây là một đoạn nói về sự hư danh và tính khoe khoang:

“Khi làm phúc, chỉ để mình Chúa biết. Khi chay tịnh nên giữ gương mặt vui tươi. Y phục đừng quá sạch, cũng đừng quá bẩn. Không nên tỏ dấu kỳ dị để người qua lại khi thấy cô sẽ không đứng lại chỉ trỏ. Đừng tìm cách khoe mình đạo hạnh cũng đừng tự hạ quá khi không cần. Chớ tìm danh vọng mà bên ngoài lại tỏ vẻ xa tránh. Nhiều người không muốn kẻ khác chứng kiến sự nghèo khó, tấm lòng tốt hay sự chay tịnh của họ, nhưng lại ước muốn được hài lòng, đang khi họ tỏ vẻ khinh chê được hài lòng.

Thật kỳ quá! người ta tự phụ xa tránh lời khen, đang khi lại cố tìm cho được. Đối với những nỗi bận tâm khác của tâm hồn như vui sướng, phiền muộn, hy vọng, lo sợ, tôi thấy nhiều người biết xa tránh; nhưng thói xấu trên kia rất ít người tránh được”.

D. Nhà Thần bí

Thánh Jérome có một ý thức rõ rệt về nỗi bi đát của đời sống và cuộc giao chiến của người Kitô giáo.[22] Thánh nhân đã từng có kinh nghiệm sâu xa về sự hấp dẫn mãnh liệt của tình ái Chúa Giêsu; nhưng cũng như Thánh Phaolô, ngài cũng nghiệm thấy một cách chua xót cái định luật của xác thịt hằng giao tranh với tâm hồn. Có lẽ, một trong những câu của Thánh Phaolô có thể diễn tả rõ ràng tâm hồn của Thánh Jérome hơn cả đó là câu: “Bất hạnh cho tôi! nào ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác hay chết này” (Rom 7, 24). Cũng như Origène, mặc dầu phải chiến đấu nhiều, thánh nhân vẫn cảm thấy vẻ dịu hiền và sự âu yếm của tình ái Chúa Giêsu. Nơi ngài cũng như nơi thánh Bênađô, sự khắc khổ nghiêm khắc mà ngài tự bó buộc đã phát huy trong ngài một tâm tình thần bí sâu xa. trước đây,chúng ta đã có dịp trích đoạn thư bất hủ gởi cho cô Eustochium:

“Cảm thấy thiếu thốn mọi sự, tôi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu, lấy nước mắt tưới cùng lấy tóc lau chân ngài... Chính Thiên Chúa, ngài cũng chứng kiến cho tôi; bởi lẽ sau khi đã khóc than nhiều, đã đưa mắt nhìn trời cao thẳm thì đôi khi hình như tôi được hoà mình vào hàng ngũ các Thiên Thần; Lúc này, khóc lên vì vui sướng, tôi hoan ca: “Nấp sau Chúa, chúng con tiến theo hương vị của hương thơm Chúa”.[23]

Để kết thúc ta có thể trích một đoạn bất hủ trong thư gởi cô Eustochium. Qua đoạn này tâm hồn Thánh Jérome đã được biểu lộ khá rõ ràng:

“Hãy năng đọc và học hỏi Thánh Kinh càng nhiều càng hay. Tuy ngủ mà sách vẫn nằm trên tay; Vừa cúi xuống mắt đã đập vào trang Sách Thánh. Chay tịnh hằng ngày chính là món ăn giúp xa tránh sự sung túc. Nhưng nhịn ăn đôi ba ngày sẽ vô ích nếu ngay một lúc dạ dầy lại được nhét đầy và sự no nê được đền bù cho chay tịnh. Tâm trí sẽ bị tê cóng trong sự sung túc đó, bởi chưng một mảnh đất tưới tắm nhiều quá sẽ phát sinh nhiều gai góc của nết xấu. Đôi khi, cô sẽ cảm thấy “con người bên ngoài” khát vọng hương thơm của tuổi thanh xuân tươi đẹp. Sau bữa ăn, nằm trên giường thanh vắng, từng đợt khát vọng sẽ tuôn đến tìm cách rung cảm, cô hãy xử dụng khiên thuẫn của đức tin, nơi đây những tia lửa của quỷ thần sẽ bị dập tắt. “Mọi người đều gian dâm, trái tim họ có khác chi lò than hồng”. Phần cô, vì đồng hành với Chúa và vì chăm chỉ nghe lời Ngài, cô hãy nói: “Dọc đường, trái tim chúng ta há không bừng nóng khi Chúa Giêsu dẫn giải Thánh Kinh cho chúng ta sao?” hoặc nói: “cuộc đàm đạo của Chúa nóng rực, và tôi tớ Chúa cảm thấy hạnh phúc mãn nguyện”. Đối với tâm hồn con người không yêu quả là một việc khó khăn… Tâm trí chúng ta cần phải được hấp dẫn bởi một tình ái nào đó. Ái tình nhục dục đầu hàng ái tình thiêng liêng; khát vọng này sẽ bị khát vọng kia vùi dập. Nếu bên này suy giảm, bên kia sẽ tăng cường hơn. Nên nhẩm luôn lời sau đây: “Ban đêm trên giường tôi những tìm Đấng mà tâm hồn tôi trìu mến”. Thánh Tông đồ có nói: “Anh em hãy chế ngự chi thể anh em nơi trần thế”. Chính ngài cũng nói cách thâm tín rằng: “Tôi sống nhưng nào phải tôi sống; Đấng sống trong tôi chính là Đức Kitô”. Một người kia (Job) đã chế ngự được chi thể và có hạnh kiểm làm tượng trưng, đã không ngần ngại nói rằng: “Tôi đã biến thành như chiếc bao da tê tái”, Bởi chưng tất cả những nước trong cơ thể tôi như đã khô ráo bởi sự nung nấu. Và lời: “Vì quá chay tịnh, đầu gối tôi không còn vững đủ”. Hoặc: “Tôi đã biết dùng bánh và than khóc quá nhiều, thậm chí xương tôi đã dính liền với da”. Hãy bắt chước ve sầu trong đêm khuya! Đêm đêm hãy lấy nước mắt tưới ướt giường chiếu! Hãy tỉnh thức và nên giống chim hồng tước trong sa mạc. Hãy dùng tâm hồn và cả tâm trí mà ca tụng: “Hỡi tâm hồn tôi, hãy chúc tụng Thiên Chúa và đừng quên lãng công ơn của Ngài; Ngài hằng thứ tha mọi lỗi lầm, hằng chữa đã mọi tật nguyền và giải thoát đời sống bạn khỏi điêu tàn”.

III. SỰ NGHIỆP: CÁC TÁC PHẨM, CHÍNH YẾU LÀ THÁNH KINH

Trong lời phi lộ cho cuốn “Chú giải Isaia”, Thánh Jérome đã viết: “Nếu theo lời thánh Tông đồ Phaolô, Chúa Kitô là quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, và nếu ai không biết Thánh Kinh là không biết quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, thì không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Câu nói bất hủ: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (Ignorer les Ecritures, c’est ignorer le Christ) trên đây, đã là động lực cho cả sự nghiệp của Jérome.[24]

A. Công cuộc nghiên cứu Thánh Kinh

- Dịch thuật và tu chính.

- Chú giải Thánh Kinh.

1. Dịch thuật và tu chính Thánh Kinh

Ta chia làm ba giai đoạn:

- Giai đoạn nhất: Giai đoạn này như nói trên đã diễn ra ở Roma dưới triều Giáo Hoàng Damase. Căn cứ trên thủ bản Hy Lạp, Thánh Jérome khởi sự tu chính bản dịch La ngữ của các Phúc âm. Ngài đã tỏ rất nhiều tinh tế và dè dặt trong công việc tu chính, dầu vậy cũng gặp nhiều công kích mãnh liệt của những người đã quá quen thuộc với bản dịch La ngữ cũ. Bản Phúc âm được Thánh Jérome tu chính là bản Vulgata, chúng ta vẫn hiện dùng trong sách lễ.

- Giai đoạn hai: Trong thời gian sống ở Palestine, Thánh Jérome có dịp tiếp xúc với sự nghiệp chú giải trứ danh của Origène; đó là bản lục trụ kinh (Thánh Kinh được xuất bản thành 6 cột: bản Hy Lạp, bản Hy Lạp phiên âm bằng Hy ngữ, bản dịch Hy Lạp của Aquila, bản dịch Hy Lạp của Symmaque, bản dịch Hy Lạp LXX và bản dịch Hy Lạp của Theodotion. Tất cả đều kèm theo nhiều dấu phức tạp để ghi chú những quan điểm giống và khác nhau giữa các bản dịch).

Đầy cảm phục trước tác phẩm vĩ đại của Origène, Thánh Jérome căn cứ vào tác phẩm của ông để khởi sự công việc tu chính bản dịch La ngữ của nhiều sách trong Cựu Ước như: Triết ngôn thư, Giảng viên thư, Nhã ca thư, Nhật ký thư (Thánh Vịnh, Gióp và Esther). Thánh Vịnh tu chính của giai đoạn hai này đã được đem vào phụng vụ Latin dưới triều các Hoàng đế Carolingiens với danh hiệu: Psalterium gallicanum.

- Giai đoạn ba: Ở Belem: Ngài trực tiếp dịch theo bản Hy Lạp tất cả những sách của Cựu Ước viết bằng Hy Lạp ngữ hay Aram ngữ (nghĩa là không có những sách Maccabées, Triết ngôn, Giáo huấn, Baruch, những thành phần đệ nhị lục của Esther, Judith).

Bản Vulgata hiện thời xét chung là của Thánh Jérome:

- Những sách bằng Hy ngữ của Cựu Ước: (giai đoạn hai) căn cứ trên lục trụ.

- Những sách bằng Hy Lạp ngữ của Cựu Ước (giai đoạn ba) căn cứ trên bản Hy Lạp.

- Những Thánh Vịnh (giai đoạn hai) căn cứ vào bản lục trụ.

- Các thư Thánh Phaolô không phải do Thánh Jérome dịch.

- Phúc âm (giai đoạn một) căn cứ vào bản văn Hy Lạp.

Nhiều người coi bản Vulgata như là một tác phẩm vĩ đại của Thánh Jérome. Valéry Larbaud có viết: xét về quan điểm Tây Phương thì phải kể đó là một tác phẩm thiên tài: bút pháp và thành ngữ rắn rỏi, trang trọng, đơn giản nhưng oai vệ. Nhờ vào dòng suối sâu xa và linh động của bản Vulgata mà nền văn hoá của chúng ta được uống no nê và các văn hào như Bossuet, Racine và Claudel được sán lạn huy hoàng.

Nhưng cái giá trị chính thức của Thánh Jérome trong công cuộc dịch thuật tiên vàn không phải là bút pháp nhưng là đặc tính chính xác. Chắc chắn ngài đã mắc nhiều phản nghĩa, nhưng kết quả của công cuộc dịch thuật còn chính xác hơn bản dịch La ngữ cũ đã được thịnh hành trước ngài bội phần.

Ngài có công lớn vì đã hiểu rằng việc dịch thuật phải căn cứ trên nguyên bản Hy Lạp hoặc Hy Lạp (Hebraica veritas). Theo hướng đó, những người kế vị đích danh của Thánh Jérome, các môn sinh của ngài, những người trung thành với tinh thần của ngài đều không phải là những người há miệng ca tụng suông bản Vulgata, nhưng là những người biết căn cứ trên nguyên bản để làm cho tác phẩm đó trở nên hoàn mỹ hơn.[25]

2. Việc chú giải Thánh Kinh

a/. Liệt kê những tác phẩm

- Đối với Cựu Ước:

+ Thánh Vịnh,

+ Giảng Viên thư,

+ Các sách Tiên Tri,

+ Ngoài ra ngài còn viết một thiên luận có đặc tính biểu tượng dưới nhan đề: De Visione Isaiae và một bài nữa có mầu sắc bút chiến: Questiones Hebraicae in Genesim.

- Đối với Tân Ước:

+ Thánh nhân đã chú giải 4 thư Thánh Phaolô: Philip, Galát, Ephêsô, Titô.

+ Tác phẩm chú giải Phúc âm Thánh Matthêu của ngài khí vội vã và nông cạn, không có giá trị.

b/. Phán đoán và nhận xét

Những tác phẩm chú giải Thánh Kinh của Thánh Jérome thường được soạn một cách vội vã, do đó văn thể không chải chuốt, và nhiều trang còn chứa đựng một giáo thuyết nghèo nàn. Thường ra vì kém bố cục, nên những tác phẩm đó đã bao hàm một mớ tư tưởng lộn xộn, ăn cắp của người khác và nhiều khi lối phát biểu tư tưởng thiếu đặc sắc.

Nhưng nhờ nguyên tắc chú giải và sự nghiên cứu uyên thâm về sử và cổ học nên Thánh Jérome đã đóng một vai trò khá quan trọng trong lịch sử khoa chú giải Thánh Kinh, như đã nói trên, sở dĩ được như vậy không những chỉ nguyên do những tác phẩm dịch thuật, mà một phần nào còn do những tác phẩm chú giải của ngài. Dưới đây là một vài nhận xét về vấn đề đó:

- Hebraica Veritas:

Tư tưởng chỉ đạo trong khoa chú giải của Thánh Jérome chính là quyền ưu tiên mà ngài đã dành cho những nguyên bản: đối với Cựu Ước, có nguyên bản bằng Hy Lạp ngữ, còn Tân Ước có nguyên bản bằng Hy ngữ.

Như đa số những người đồng thời, ngay bước đầu của sự nghiệp chú giải Thánh Kinh, Thánh nhân đặt tin tưởng nhiều vào pho Thánh Kinh Hy Lạp LXX. Ngài coi đó là một tác phẩm căn bản. Nhưng dần dà, nhờ nghiên cứu sâu xa hơn đã giúp ngài xác nhận được những điểm bất đồng giữa bản Hy Lạp và bản LXX; và nhân đó ngài đã gạt bỏ một phần nào cái thành kiến mà ban đầu ngài đã nhận được do bản LXX.

Việc trở về với nguyên bản Hy Lạp đã gây một dư luận không hay trong thời ngài. Nhưng chính lập trường táo bạo, thiện cảm với nguyên bản Hy Lạp đã sắm cho thánh nhân một tước hiệu sáng láng nhất trong làng chú giải Thánh Kinh. Nhờ đó, ngài đã được kể là một trong những vị sáng khởi trứ danh của khoa chú giải Kim thời, đặc biệt khoa chú giải từ thế kỷ thứ XVI.

- Từ nghĩa và nghĩa biểu tượng:

Trong lãnh vực này, lập trường của Thánh Jérome ít đặc tính cách mệnh và hơn nữa còn thiếu phong phú và đặc sắc. Thực ra đối với ngài, việc tìm hiểu từ nghĩa quả là một điểm tối hệ. Nhưng thường ra ngài chỉ sử dụng sử nghĩa hoặc từ nghĩa như một phương tiện để vươn tới nghĩa biểu tượng và điển hình.

Thay vì củng cố một đường lối vững chắc cho từ nghĩa mà ngài đã khởi sự bước theo, ngài luôn luôn thích vui đùa với lối chú giải biểu tượng kỳ dị, nhiều khi không có liên lạc gì với từ nghĩa và sử nghĩa. Xét theo phương diện này, ngài đã mô phỏng Origène, nhưng kém thiên tài hơn, vì rằng nếu những tác phẩm chú giải theo lối biểu tượng của Origène không phải là những tác phẩm chú giải Thánh Kinh theo nghĩa hẹp thì ít ra những tác phẩm đó cũng tiềm tàng một kho tư tưởng thần học, điều mà chúng ta thường không gặp nơi Thánh Jérome.

Theo nhận xét của Steinman trong tác phẩm ông xuất bản về Thánh Jérome, thì cách sử dụng lố lăng nghĩa biểu tượng của Thánh Kinh mà ngài đã thừa hưởng được nơi Origène nhiều lần làm ngài lạc hướng trong việc tìm hiểu và đào sâu từ nghĩa và sử nghĩa, thật tai hại!

Khi nói về Origène như vậy, chúng ta không có ý phủ nhận kiệt tác của ông đâu, những tác phẩm đó đã được kể là một kiệt tác trong lãnh vực suy luận và khảo cứu thần học; nhưng chúng ta khó công nhận điều đó cho Thánh Jérome một con người đã không có được óc suy luận thần học sắc bén như Origène.

- Ngôn ngữ học và nguyên tự học

Thánh Jérome được kể là vị tiên phong của các nhà chú giải Thánh Kinh Kim thời còn vì một điểm khác nữa: chính là do năng khiếu học hỏi về ngôn ngữ và nguyên tự, do khả năng chú giải một đoạn Sách Thánh bằng cách mang đối chiếu với những đoạn khác và sau cùng do thái độ miệt thị tự nhiên của ngài đối với bản ngụy kinh (thái độ miệt thị này có lẽ vì quá triệt để nên đã đưa ngài đến một lầm lạc: coi những bài Thánh Kinh nguyên viết bằng Hy ngữ không được linh ứng: Đệ nhị luật).

B. Những tác phẩm tín lý

Đa số tác phẩm mà Thánh Jérome đề cập đến những quan điểm thần học đều là những tác phẩm có đặc tính bút chiến bảo vệ đức tin, đả phá những lầm lạc của Origène và của Pélage.

Ta đặc biệt chú ý đến những tác phẩm sau:

- Adversus Helvidium de perpetua virginitate Beatae Mariae.

- Adversus Jovinianum: bảo vệ đời sống trinh khiết.

- Contra vigilantium: Thánh nhân bảo vệ việc tôn sùng các thánh, xương thánh và đời sống ẩn tu.

- Contra Joannem Hierosolymitanum: phản đối Origène.

- Apologia adversus libros Rufini: phản đối Origène.

- Dialogus contra Pelagianos libri III.

Những tác phẩm bút chiến trên đây thường có đặc tính bạo động và chan chứa những vụ công kích bất công các nhân vật khả kính cùng những xác quyết quá đáng. Nhưng ta không thể phủ nhận lòng hăng hái cao đẹp của ngài trong việc bảo vệ đức tin Kitô giáo.

C. Phúc âm diễn giải - các bài giảng

Thánh Jérome thường giảng thuyết đặc biệt trước cộng đồng ẩn tu của ngài ở Bêlem. Ta còn giữ được hơn một trăm bài giảng của ngài; trong đó có 73 bài diễn giải về Thánh Vịnh và 10 bài điễn giải về Phúc Âm Thánh Marcô.

D. Thư từ

Thư từ được liệt vào loại những tác phẩm được đọc nhiều nhất của Thánh Jérome. Ta còn giữ được 117 thư chính thức: không kể một số thư có đặc tính thân mật và cá nhân, đa số các thư đều dài dòng bàn đến những vấn đề khắc khổ, thần học hoặc chú giải Thánh Kinh. Người ta để ý đặc biệt đến thư gởi cô Eustochium nói về đức trinh khiết và thư gởi Népotien nói đến đời sống Linh mục.

E. Tác phẩm dịch thuật

- Phiên dịch nhiều tác phẩm của Origène.

- Phiên dịch những tác phẩm của Eusèbe de Césarée.

- Phiên dịch tác phẩm De Spiritu Sancto của Dydime.

- Phiên dịch những quy tắc dòng tu (đặc biệt của Thánh Pacôme).

F. Những tác phẩm khác

- Tiếp tục tác phẩm biên niên sử của Eusèbe.

- De viris illustribus: 135 văn sĩ danh nhân. Người cuối cùng tên là Jérome.

- Tiểu sử Paul thành Thèbes, Malchus thành Chalcis, Hilarion ở Palestine.

KẾT LUẬN: Một vị Thánh ngoại hạng

Có thể nói “Jérome là một thánh nhân ngoại hạng”, một “thánh nhân đặc cách”. Vì nếu phải xét theo những tiêu chuẩn phong thánh hiện hành của Giáo hội thì chắc chắn ngài không thể qua ải nổi! Tự bản tính ngài không phải là một con người dễ tính hay tốt lành tự nhiên. Trái lại như ta đã thấy, ngài đã phải thắng vượt nơi mình một tính tình đáng sợ, mà không phải luôn luôn đã thành công. Tuy nhiên đối với Hội Thánh và đối với chúng ta, ngài đích thực là một vị thánh, một vị thánh không phải vì những đức tính có ngay từ bẩm sinh khi hãy còn nằm trong nôi; trái lại ngài đã thực sự trở nên thánh do những cố gắng của bản thân kéo dài suốt cuộc đời.

Ngược lại với Thánh Augustin đã được biến đổi hẳn khi lãnh phép Thánh Tẩy và chức Linh mục, Thánh Jérome hầu như không nhận được ảnh hưởng gì rõ rệt, ít là theo nhận xét bên ngoài, qua hai bí tích trên. Dầu vậy chính ngài đã nói câu này: “Bổn phận của tôi là Linh mục là phải yêu mến mọi anh em của tôi trong Đức Kitô và sự tiến bộ của họ là vinh dự của tôi”. Ngài còn viết những dòng rất đẹp và thực tế về đời sống đức tin và chức Linh mục cũng như những đòi buộc của thiên chức này trong thư (52) gởi Linh mục Népotien mà ta có thể trích đọc thêm một ít đoạn dưới đây:

Thư gởi Linh mục Népotien:

1- Népotien rất yêu dấu, với những cánh thư từ bên kia bờ đại dương gởi sang, con xin Cha, và xin Cha nhiều lần để Cha viết cho con một tập nhỏ làm khuôn vàng thước ngọc cho đời sống: một người đã bỏ cuộc chiến đấu ngoài đời để sống bậc ẩn tu hoặc giáo sĩ phải sống thế nào để vững vàng trong chính lộ của Chúa Kitô, cho khỏi lạc hướng mà cuốn theo những khuynh hướng xấu.

4- Vậy con hãy nghe lời Đấng chân phước Cyprianô nói: “Không cần ba hoa nhiều lời, nhưng cần những lời mạnh mẽ”, Con hãy nghe (Cha), người “đồng chí” của con trong chức vụ Linh mục, và là người cha của con xét về tuổi tác. Ngài muốn dẫn con từ bậc đức tin ấu trĩ tới tuổi hoàn thiện, và nhờ những lời chỉ giáo dần dần về lẽ sống mà ngài viết cho con, ngài cũng dạy dỗ mọi người nữa. Cậu con là Hêliôdôrô, bây giờ đang làm Giám mục của Chúa Kitô, cũng cho cha biết rằng: Ngài đã dạy con đường thánh thiện và con đã học hằng ngày; lại cách sống của ngài cũng đã nêu gương mẫu mọi nhân đức cho con. Dầu vậy, con cũng hãy nhận lời Cha khuyên giải, dù nó giá trị hay không; và hãy coi bản này như là góp thêm vào bản mà cha đã gởi cho cậu con xưa; vì tập trước dạy cho con biết sống xứng một tu sĩ, còn tập này dạy con sống một đời giáo sĩ hoàn thiện.

5- Như thế, người giáo sĩ là kẻ đã chuyên chủ việc phục vụ Giáo hội phải biết giải thích danh hiệu mình trước đã, rồi cố gắng sống đúng ý nghĩa của danh hiệu như đã định nghĩa. Vậy Hy ngữ Kleros được dịch sang La ngữ là “sors” (số phận “phần nghiệp” ). Vì thế được gọi là giáo sĩ hoặc vì họ thuộc “phần gia nghiệp” của Chúa, hoặc vì chính Chúa là phần gia nghiệp của họ. Vậy kẻ đã tự hiến làm phần sản nghiệp của Chúa, hoặc kẻ có Chúa làm phần gia nghiệp, phải sống thế nào để vừa được Chúa là cơ đồ, vừa được Thiên Chúa chiếm ngự. Ai đã có Chúa mà nói được như Tiên tri rằng: “Phần gia nghiệp con là chính Chúa” (Ps. 72. 26) thì không được thủ đắc vật gì ngoài Thiên Chúa; vì nếu kẻ đó có một vật nào khác ngoài Chúa thì Thiên Chúa không còn là phần gia nghiệp của họ nữa. Thí dụ nếu họ có vàng bạc, có bất dộng sản hoặc động sản dồi dào thì Thiên Chúa sẽ không muốn trở nên phần gia nghiệp họ, đồng hạng với những của ấy nữa. Phần Cha nếu Cha là tài sản của Chúa và là dây phân giới hạn sản nghiệp của ngài (cf. Dt. 32, 9), và Cha cũng không có phần sản nghiệp giữa các chi họ khác (cf. Dt, 18, 1-2); nhưng vì là Linh mục và là tư tế, Cha sẽ sống nhờ thuế thập phân, là người giúp việc bàn thờ, Cha được cấp dưỡng nhờ các của lễ dâng nơi bàn thờ; khi Cha có đủ của ăn, áo mặc, Cha phải bằng lòng với những của ấy. Là người trần trụi, Cha sẽ bước theo cây thập giá trơ trọc.

Bởi vậy Cha xin con “và điều này Cha sẽ còn nhắc nhủ nhiều lần” (Virgile, Enéide), con đừng tưởng rằng chức vụ giáo sĩ là một thứ chế độ quan liêu xưa, nghĩa là con đừng (lợi dụng) ở trong hàng ngũ Chúa Kitô mà tìm kiếm lợi lộc thế gian. Con không được giầu có hơn khi bắt đầu làm giáo sĩ và ước gì người ta dư luận về con rằng: “Sản nghiệp giáo sĩ không nên dịp cho họ lợi dụng”. Ước chi chỉ những người nghèo khó, những kẻ lữ hành mới quen biết bàn cơm nhỏ hèn của con, đồng thời Chúa Kitô cũng sẽ cùng đến ăn vơi họ. Một giáo sĩ doanh nghiệp, một giáo sĩ đang nghèo trở nên giầu có, một giáo sĩ trước vô danh nay được “nở mặt” tất cả những điều đó con hãy tránh như tránh một thứ dịch. “Bạn bè xấu làm hư các tính tốt” (1Cor 15-33). con khinh chê vàng bạc, nhưng có người lại yêu thích. Con chà đạp của cải dưới chân, còn họ lại tìm kiếm. Con quý sự lặng lẽ, yêu thích đức hiền từ và nơi tĩnh mạc; còn họ, họ thích những truyện phù phiếm, những điều vô liêm, nơi hội chợ, công trường, các phòng thuốc. Phẩm hạnh bất đồng như thế thì hoà hợp với nhau sao được? Chớ gì nơi con ở không bao giờ hay ít khi có phụ nữ đặtchân tới. Đối với các thanh nữ và các trinh nữ đã hiến thân cho Chúa Kitô, con hãy yêu mến tất cả như nhau hoặc không quen biết một ai. Đừng ở nhà với họ; con chớ cậy thế vào đời sống khiết tịnh quá khứ của con. Con không thể thánh thiện hơn Đavít, cũng không khôn ngoan hơn Salomon. Phải luôn luôn nhớ rằng người chủ vườn địa đàng đã bị chính vợ ông đuổi ra khỏi sản nghiệp ông.

Khi con đau ốm, hãy tìm một anh em thánh thiện đến săn sóc: (có thể ) tìm bà chị họ hay bà cụ thân mẫu hoặc một bà được mọi người công nhận là đạo đức (nguyên văn: có lòng tin). Nếu không tìm được người họ hàng hoặc có lòng thanh khiết như thế thì Giáo hội đã nuôi nhiều bà già vừa có thể giúp việc, vừa để họ làm việc lấy công: như thế bệnh hoạn của con cũng giúp con làm phúc bố thí. Cha biết có người được khỏe lại phần xác nhưng phần hồn bắt đầu đau yếu. Một người giúp việc được con luôn luôn để ý đến khuôn mặt: đó là điều nguy hiểm.

Nếu vì sứ vụ giáo sĩ, con phải đi thăm một bà goá hay một trinh nữ, đừng bao giờ con đến nhà họ một mình; hãy đem theo các người bạn mà sự giao thiệp không làm tổn hại đến thanh danh con. Nếu có thầy độc thư, thầy chấp đăng hoặc một ca viên đi với con, thì chớ gì họ đừng lấy áo quần nhưng lấy nhân đức mà trang điểm. Đừng uốn tóc; hãy lấy thái độ cư xử mà bảo vệ đức nết na. Con chớ ngồi một mình bên một phụ nữ trong nơi vắng vẻ và không có người chứng kiến. Nếu cần phải nói điều gì thân mật hơn, người đó phải đem theo vú nuôi hặc người quản gia đồng trinh hoặc đã goá bụa hay đã có chồng. Vì người đó không có gì khác mọi người quá đến nỗi không tìm được ai đáng tín nhiệm ngoài con. Hãy đề phòng mọi điều người ta hồ nghi cho con và hãy tránh trước tất cả những gì có thể mở dịp cho điều ngờ vực đó.

Một mối tình thánh thiện không được có nhiều bảo vật kỷ niệm nho nhỏ như khăn tay, nút khăn, khăn trùm đầu, khăn che miệng, những món quà cao lương mỹ vị, những lá thư tình tứ âu yếm. “Mật ong của tôi, ánh sáng của tôi và ước vọng của tôi” cùng với những sự ngu xuẩn khác của kẻ si tình, mọi lời bông đùa lả lơi, những kiểu cách “lịch sự” lố lăng chúng ta thấy khi xem kịch, chúng ta đều thẹn mặt; chúng ta cũng không ưa khi thấy người đời ăn ở như thế. Sẽ càng đáng ghét biết bao khi thấy các điều đó nơi giáo sĩ, nhất là các giáo sĩ tu dòng, vì nơi họ chức Linh mục được tô điểm bằng đời sống tu dòng và đời sống tu dòng được chức Linh mục tô điểm cho! Nói điều đó không phải vì Cha sợ con hay các người đạo đức có như thế. Nhưng trong mọi chức nghiệp, mọi thân phận và ở mọi giới đều thấy có người tốt kẻ xấu. Mà kết án phần tử xấu là để tán dương phần tử tốt.

6- Lo lắng cho tài sản người nghèo được phong phú: đó là vinh dự của vị Giám mục; bận tâm làm giầu cho bản thân đó là điều ô nhục cho các Linh mục. Lại nữa, Cha nghe có một số Linh mục làm “nô lệ” một cách nhục nhã cho các ông già bà lão không con. Các ngài bưng bình tiểu, luôn luôn ở quanh giường và tự tay hứng lấy chất đờm ở dạ dày hay ở phổi khạc ra. Các vị sợ thầy thuốc đến: và miệng run run khi hỏi thăm: “Đã khá chưa?”. Nếu ông già nào khỏe khoắn hơn đôi chút, các vị đâm bối rối. Bề ngoài giả đò vui vẻ, nhưng tự thâm tâm lòng tham lại bất an. Vì các ngài sợ mất mối lợi; và các ngài ví ông lão sống lâu ấy với tuổi hạc của Mathusalem (xem Gen. 5, 27 ) (969 tuổi, người sống lâu nhất kể từ Adam). Ôi! phần thưởng đã lớn biết bao trước mặt Chúa, nếu họ đã làm những việc đó mà không mong lợi lãi trần tục. Mất bao giọt mồ hôi để đổi lấy một gia tài hư ô. Dù tốn ít công, người đó có thể chiếm được hạt ngọc của Chúa Kitô.

7- Con phải luôn luôn đọc Sách Thánh, hoặc đừng bao giờ tay con rời cuốn Kinh Thánh. Hãy học hỏi những điều con có bổn phận dạy dỗ. Hãy miệt mài với lời dạy của đức tin (Tit. 1. 9), trung thành với Giáo thuyết, hầu cho lời con khuyên căn cứ vào giáo thuyết chính thống và để con có thể đắc thắng khi phải bác luận đối phương. “Hãy say mê điều đã học và chú tâm đến điều đã được ủy thác cho con, vì con biết rằng con được học biết những điều đó bởi ai” (2Tim 3, 14). Hãy luôn luôn sẵn sàng làm thỏa mãn người chấp vấn con về lòng hi vọng ở trong con (1Pet 3, 15). Ước gì hành động của con đừng làm xỉ nhục cho lời con nói, để khi con giảng dạy ở nhà thờ thì không ai có thể thầm nghĩ rằng: “Tại sao chính Cha không thực hành những điều ấy?”. Thực là một ông thầy lố bịch. Bụng mình thì đầy ứ mà cứ giảng dạy chay tịnh. Tên lưu manh cũng có thể kết án lòng tham. Nhưng nơi Linh mục Chúa Kitô, lương tâm thế nào miệng nói thế ấy. Con hãy vâng lời Đức Giám mục của con, hãy coi ngài như cha linh hồn. Yêu mến là đặc điểm của con cái, chỉ người nô lệ mới sợ thôi. Chúa phán: “Nếu ta là Cha thì sự tôn kính ta ở đâu? Nếu ta là chủ thì sự kính sợ ta ở đâu?” (Mal 1, 6). Phần con, con hãy kính trọng ngài vì nhiều danh hiệu: tu sĩ, Giám mục, ông cậu. Nhưng các Giám mục cũng phải biết mình là những linh mục chứ không phải các ông chúa: hãy tôn trọng các giáo sĩ xứng bậc giáo sĩ, để các giáo sĩ lại tôn kính các Giám mục xứng với bậc Giám mục. Đây là tôn chỉ của diễn giả Domitius: “Tôi phải kính trọng ngài như Hoàng đế của tôi. Tại sao ngài không tôn trọng Tôi như nghị sĩ của ngài?” Aaron đối xử với con cái ngài thế nào thì Giám mục cũng phải đối xử với Linh mục mình như vậy; vì chúng ta đều biết chỉ có một Chúa, một đền thờ, ước chi chỉ có một hàng giáo sĩ duy nhất. Chúng ta hãy luôn luôn tâm niệm lời thánh Tông đồ Phêrô căn dặn các Giám mục: “Anh em hãy tận tâm chăn dắt đoàn chiên Chúa giao phó cho anh em. Anh em đừng làm vì ép tình, nhưng phải vui lòng, theo ý Chúa. Không phải vì tư lợi ô danh nhưng vì thiện ý, không làm như một một bạo Chúa, đối với các giáo sĩ, nhưng như là gương mẫu chân thành của đoàn chiên, để khi Đấng thủ lĩnh các mục tử đến, anh em sẽ đuợc triều thiên vinh hiển bất diệt” (1Pet 5:2-4). Ở một số giáo đoàn có thói quen đáng buồn này: khi ở trước mặt các Giám mục thì các Linh mục phải yên lặng không được phát biểu gì hết, dường như các Giám mục hay ghen hoặc vì các vị ấy không chịu nghe. Thánh Tông đồ Phaolô đã nói: “Nếu một người ngồi đó được ơn linh ứng thì kẻ đang nói hãy yên lặng. Thực ra anh em được thay phiên nhau để phát biểu hầu cho mọi người cùng học hỏi và được yên ủi. Thần trí của các phát ngôn nhân cũng phải lệ thuộc các người phát ngôn. Thiên Chúa không chia rẽ, nhưng đem lại hoà bình” (1Cor 14:30-33).

Con khôn nở mặt mẹ cha (xem Prov, 10, 1). Mong cho vị Giám mục được vui sướng vì đã thận trọng cân nhắc khi tuyển chọn cho Chúa Kitô những Linh mục có tư cách như thế.

8- Khi con giảng dạy ở thánh đường phải liệu đánh động lòng thống hối chứ đừng tìm tiếng hoan hô. Nước mắt của thính giả sẽ là lời khen con. Bài giảng của linh mục phải thấm nhuần lời Thánh Kinh. Cha không muốn con là một người múa miệng khoa trương, ba hoa lẻo mép; nhưng Cha mong con tinh thông thần học, rành rõi những điều mầu nhiệm về Thiên Chúa con thờ. Nói trôi chảy và mau lẹ để được đại chúng vô học khen ngợi: đó là cái trò của phường ngu dốt. Hạng người mặt dầy mày dạn, vô liêm sỉ thường giải thích điều họ không biết; và khi đã thuyết phục được kẻ khác, họ tự gán cho mình là thông thái. Khi Cha hỏi thánh Grêgoriô thành Naziance, thầy dậy của Cha xưa, để xin ngài giải nghĩa chữ deutero proton, nghĩa là thứ nhì, thứ nhất, trong Phúc âm thánh Luca, thì ngài đã khéo hài hước rằng: “Được, Thầy sẽ dậy con điều đó ở nhà thờ, nơi mà toàn dân hoan hô thầy. Lúc đó dù không muốn con cũng buộc lòng phải biết điều con chưa hiểu. Hoặc ít ra chỉ mình con yên lặng thì cũng chỉ mình con bị mọi người coi là đồ ngu”. Phỉnh gạt đám cử toạ đại chúng ngu si bằng một bài diễn văn trôi chảy thì thực không gì dễ bằng, vì cử toạ càng ít hiểu, họ càng thán phục.

9- Trong Giáo hội, có người là con mắt, kẻ là cái lưỡi, người này là chân, kẻ khác là tay; có người là tai, là bụng,v.v.... Con hãy đọc thư Thánh Phaolô gởi giáo hữu thành Corinthô: nhiều chi thể khác biệt hợp thành một thân thể (cf. 1Cor 12:12-27). Chớ gì kẻ kém học, chất phác đừng vịn lý vô tri mà tưởng mình thánh thiện. Còn người thông giỏi và hoạt bát, chớ căn cứ sự thánh thiện ở tài múa mép. Trong hai điều khuyết điểm ấy, thà rằng quê mùa thánh thiện còn hơn hùng biện tội lỗi.

11- Đừng bao giờ con để sặc mùi ma men kẻo phải nghe lời một triết gia nói rằng: “Không phải để hôn chào nhau nhưng là uống rượu”. Các Linh mục không được say sưa: đó là điều thánh Tông đồ kết án và pháp luật xưa cấm đoán. Nhưng kẻ giúp việc bàn thờ (Tế lễ) không được uống rượu và các thứ có chất men (sicera). Theo kiểu nói Do thái thì chữ “sicera” chỉ tất cả các thứ đồ uống có thể làm cho người ta say, hoặc thứ nước uống chế tạo với chất men hay bằng nước ép ở quả cây; nó còn chỉ nước ngọt ngoại quốc (Barbarus), nấu các tầng bọng ong mà ép ra; có khi chỉ nước ép trái chà là hay chất nước đặc lọc ở ngũ cốc nấu chín. Bất luận thức gì làm cho say sưa, mất trí, con phải tránh xa như tránh rượu. Nói thế không phải Cha có ý kết án một tạo vật của Thiên Chúa, vì chính Chúa đã bị gọi là người nghiện rượu (cf. Mt 11,19), và lúc Timôtê bị bệnh bao tử, người ta cũng cho ngài dùng một chút rượu (cf. 1Tim 5,23). Dầu sao đối với việc uống rượu, chúng ta phải xét tuổi, sức khỏe và tính khí. Nếu không cần rượu mà Cha cũng thấy rạo rực những khát vọng của tuổi thanh xuân,và Cha cảm thấy máu nóng bốc lên trong người, hoặc thân thể Cha được dồi dào nhựa sống và được khỏe mạnh, thì Cha bằng lòng nhịn một ly rượu mà trong đó Cha tưởng có chất độc. Người Hy Lạp có kiểu nói rất đẹp rằng: “Bụng to bó trí” (nguyên văn: bụng no không sinh được trí óc minh mẫn). Cha không biết La văn có kiểu phát âm hay như nguyên văn không!

13- Con hãy ý tứ, đừng lừa cơ hội nghe nói xấu người ta, đừng vì tiếng khen của dân chúng mà xúc phạm đến Thiên Chúa. Thánh Tông đồ nói: “Nếu tôi còn muốn làm vừa lòng người ta thì tôi chưa phải là đầy tớ Chúa Kitô” (Gal 1:10). Không còn làm vừa ý người ta nữa, như thế vị tông đồ đã trở nên đầy tớ Chúa Kitô; và người quân binh của chúa Kitô cứ thẳng tiến trên đường, mặc cho hai bên tả hữu người ta đồn hay đồn dở. Ngài không hăng hái vì tiếng khen, cũng không nặng lòng vì lời chê trách; không kiêu hãnh vì tiền tài, cũng chẳng nản lòng vì nghèo khổ; ngài coi thường buồn, vui. Ánh nắng ban ngày, ánh trăng ban đêm không làm ngài tiêu hao (cf. Ps. 120-121.6). Cha không muốn con cầu nguyện ở góc công trường sợ lời khen của dân chúng làm trệch đường tiến của lời con cầu nguyện. Con đừng mở rộng tua áo, cũng đừng khoe khoang về các phù hiệu (phylactères); vì như thế công chúng sẽ biết con qua những cái hào nhoáng giả nhân, giả nghĩa (đạo đức giả hiệu), mặc dù lương tâm con không thích điều đó.

Mang các phù hiệu đó trong tâm hồn tốt hơn đeo ngoài thân xác; được đẹp lòng Thiên Chúa thì hơn là được người ta chú mục tới. Con muốn biết Chúa yêu thích những đồ trang sức nào? Hãy sắm đức khôn ngoan, công chính, tiết độ và sức mạnh. Nhờ những nhân đức ấy, con được bước vào Thiên giới; và cái xe tứ mã ấy sẽ chở con là người xà ích của Chúa Kitô tới cùng đích. Không gì quý hơn vòng cổ đó, không gì mỹ lệ bằng muôn thứ ngọc ấy. Như thế con được tô điểm, bao vây, che chở tư bề. Các nhân đức đó đối với con vừa là đồ trang sức,vừa bảo vệ con: các viên ngọc thạch biến thành những thuẫn che thân.

14- Con cũng còn phải chú ý, đừng ngứa miệng ngứa tai, nghĩa là đừng chỉ trích ai, cũng đừng nghe ai chỉ trích. Như lời Thánh Vịnh rằng: “Ngươi ngồi nói phản đối em ngươi và ngươi đã đặt chướng ngại vật để chống lại nó; ngươi đã hành động như thế nhưng ta vẫn làm thinh. Ngươi đã nghĩ tưởng bậy bạ rằng ta sẽ giống như ngươi. Không, Ta sẽ tố cáo ngươi và sẽ giãi bày trước mặt ngươi:, và người ta hiểu ngầm: “mọi lời ngươi nói và với tất cả những điều ngươi nói về kẻ khác, để người ta vịn vào chính những điều ngươi xét đoán mà thẩm phán. Căn cứ vào chính những điều ngươi tố cáo kẻ khác mà bắt khoan bắt nhặt ngươi”. Như thế, chắc lời thanh minh sau đây không còn hợp lý nữa: “Tôi không thể tin những người tố cáo”. Vì không ai muốn tố cáo cho người không thích nghe. Không bao giờ một mũi tên có thể cắm vào đá, đôi khi nó còn bật lại bắn vào người bắn nó đi. Ước gì người quen nói xấu sẽ không còn nóixấu dễ dàng được khi thấy con không thích nghe. Salomon đã khuyên nhũ: “Con đừng bè bạn với những người nói xấu, sợ rằng thình lình chúng chết, lúc đó ai biết được sự tai hại sẽ xẩy ra cho đôi bên?” (Prv. 24. 21-22), nghĩa là cho người nói xấu cũng như cho kẻ nghe nói xấu.

15- Thăm viếng bệnh nhân, biết hết mọi nhà, biết các bà mẹ cùng con cái họ; đó là nhiệm vụ của con, cả những điều bí mật của người quý phái nữa. Vì thế nhiệm vụ của con không những phải giữ đôi mắt khiết tịnh nhưng còn phải giữ miệng lưỡi trong sạch nữa. Con đừng bao giờ bàn tán về duyên sắc phụ nữ; đừng để vì con mà gia đình này biết việc xẩy ra trong gia đình khác. Ông Hippocrates đã từng căn dặn các môn sinh trước khi dạy họ, và ông bắt họ tuyên thệ như ông là: phải giữ bí mật, lời ăn tiếng nói, cách đi dứng, thái độ và phẩm hạnh, tất cả ông đều miêu tả hết. Phần chúng ta, những người đã được ủy thác chạy chữa các linh hồn, chúng ta càng phải yêu quý nhà của các giáo hữu như nhà riêng ta hơn biết bao! Ước gì họ nhận biết chúng ta là những người yên ủi họ trong lúc ưu phiền hơn là những người cùng ăn tiệc khi vui sướng. Một giáo sĩ luôn luôn được mời dự tiệc mà không biết chối từ là giáo sĩ dễ bị khinh dể.

17- Népotien rất yêu dấu, con đã ép buộc Cha. Khi ở La mã Cha có viết cho cô Eustochium thánh thiện một thư về đức đồng trinh, nhưng thư ấy đã bị người ta công kích. Mười năm sau lúc ở Bêlem Cha còn phải hé môi mở miệng và liều mình cho mọi người chỉ trích. Như vậy hoặc ta đừng viết gì nữa để khỏi bị người đời dư luận nhưng con đã không cho phép Cha, hoặc nếu ta viết, ta phải đinh ninh rằng mọi kẻ nói xấu sẵn sàng chọc mũi dùi phản đối ta. Nhưng Cha nài xin họ hãy yên lặng và đừng nói xấu nữa. Vì tình bạn mà chúng ta viết chứ không phải oán thù. Chúng ta không xỉa xói những người phạm lỗi, với họ, nhưng chúng ta cũng nghiêm ngặt xét xử chính bản thân chúng ta. Và khi muốn lấy cái rơm trong mắt kẻ khác, chúng ta cũng đã lấy cái xà của chúng ta ra trước. Cha không phạm đến ai, ít ra không ai bị đả kích dưới những nét mô tả rõ ràng, không ai có thể bị tổn thương vì lời Cha nói. Đây là một bài luận chung về một vài khuyết điểm. Ai bất mãn với Cha, trước hết họ hãy tự nhận là người đang vấp phải những khuyết điểm đó.

***

PHỤ TRƯƠNG

2. Tôi sẽ tiến về lều thánh cao sang

“Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần ngài, lạy Chúa”. Vậy như nai kia khát mong tới suối nước thế nào, thì nai của chúng ta (tức các tân tòng), sau khi rời khỏi Ai-cập và thế gian, đã dìm chết Pharaô trong biển và đã tiêu diệt cả đạo quân của ông trong phép rửa, nghĩa là sau khi đã giết chết tên quỉ rồi, cũng khát mong tới các mạch nuớc của Hội Thánh là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần như vậy.

Chúa Cha được ví như suối nước, vì có lời viết trong sách của ngôn sứ Giêrêmia rằng: “Chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh để làm những hồ nứt rạn, không giữ được nước”. Còn về Chúa Con thì chúng ta đọc thấy ở một chỗ khác câu này: “Chúng chê bỏ nguồn mạch sự khôn ngoan”. Cuối cùng về Chúa Thánh Thần, liền có lời trình bày sau đây: “Ai uống nước tôi cho thì nơi người ấy sẽ vọt lên mạch nước đem lại sự sống đời đời”. Thánh Gioan giải thích đó là lời của Chúa Cứu Thế nói về Chúa Thánh Thần. Các bản văn trên đã chứng minh hết sức rõ ràng ba nguồn suối của Hội Thánh là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Đó là những nguồn suối mà linh hồn người tín hữu khát khao. Đó là những nguồn suối mà linh hồn người tân tòng mong ước khi nói: “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống”. Thật vậy, không phải linh hồn chỉ muốn thấy Chúa một cách hời hợt, nhưng còn ước ao mãnh liệt và bừng cháy lửa khát khao. Trước khi chịu phép rửa, các dự tòng thường trao đổi với nhau và nói: “Bao giờ con được đến, vào bệ kiến Tôn Nhan”. Điều họ cầu xin nay đã được thực hiện, họ đã đến và đứng trước nhan Thiên Chúa, đã ra trước bàn thờ, trước mầu nhiệm của Đấng Cứu Thế.

Sau khi được rước Mình Thánh Chúa và được tái sinh trong mạch nuớc ban sự sống, họ mạnh dạn nói với nhau: “Tôi sẽ tiến về lều thánh cao sang, đến tận nhà Thiên Chúa”. Nhà Thiên Chúa là Hội Thánh, nghĩa là lều thánh cao sang, vì ở đó “rộn rã tiếng reo mừng tán tạ, giữa sóng người trẩy hội tưng bừng”.

Vậy giờ đây, sau khi anh em đã mặc lấy Đức Kitô và đi theo sự hướng dẫn của chúng tôi như cá theo mồi, anh em hãy để cho lời Chúa nâng anh em lên khỏi vực thẳm thế gian này và hãy nói: nơi chúng tôi,bản chất của sự vật đã thay đổi rồi. Cá bị kéo ra khỏi biển thì cá chết, nhưng các Tông Đồ đã bắt chúng tôi như bắt cá, và đã kéo chúng tôi ra khỏi biển thế gian này, để đưa chúng tôi từ cõi chết sang cõi sống. Bao lâu chúng tôi còn ở trong thế gian, thì mắt chúng tôi như mất hút trong vực thẳm, và đời sống chúng tôi còn lây lất trong bùn nhơ; nhưng sau khi được thoát khỏi những đợt sóng, chúng tôi mới nhìn thấy mặt trời, nhìn thấy ánh sáng thật. Và vì quá vui nên chúng tôi ngất ngây tự nhủ: “Hãy cậy trông Thiên Chúa, tôi còn tán tụng Người, Người là Đấng Cứu Độ, là Thiên Chúa của tôi”.[26]

4. Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô

Vâng lệnh Đức Kitô truyền: “Hãy nghiên cứu Kinh Thánh” “cứ tìm thì sẽ thấy”, giờ đây tôi trả món nợ tôi mắc, kẻo phải cùng với người Do thái nghe lời sau đây: “Các ông lầm vì không biết Kinh Thánh cũng chẳng biết quyền năng Thiên Chúa”. Quả vậy, nếu Đức Kitô là quyền năng và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa như Thánh Phaolô tông đồ nói, thì ai không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô.

Bởi thế, tôi sẽ bắt chước “chủ nhà kia lấy ra từ kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” và bắt chước vị hôn thê nói trong sách Diễm Ca: “Từ đầu mùa cho đến cuối mùa, em dành hết cho anh, hỡi người em yêu dấu”. Vậy tôi trình bày sách ISAIA để cho thấy tác giả không chỉ là ngôn sứ nhưng còn là người loan báo tin mừng và là tông đồ nữa. Quả thật, chính ông đã nói về mình và về các sứ giả khác cũng loan báo tin mừng: “Đẹp thay bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an”. Thiên Chúa cũng nói với ông như nói với một vị tông đồ: “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi đến với dân này” Và ông thưa: “Dạ con đây, xin sai con đi”.

Xin đừng nghĩ rằng tôi muốn tóm gọn nội dung cuốn sách này trong một bài giảng ngắn, vì cuốn Sách Thánh này chứa toàn bộ nhưng điều bí nhiệm về Chúa. Sách tiên báo Đấng Emmanuel sinh bởi Đức Trinh Nữ, Đấng làm những việc lẫy lừng và những dấu lạ, Đấng đã chết, được mai táng và đã từ âm phủ chỗi dậy: Người là Đấng cứu độ muôn dân. Tôi nói gì được về môn vật lý, luân lý và luận lý? Tất cả những gì thuộc Sách Thánh,những gì miệng con người có thể nói ra, giác quan có thể cảm nhận, đều được chứa trong sách ấy. Về những mầu nhiệm trong sách đó, thì chính tác giả làm chứng như sau: “Đối với các ngươi, thị kiến toàn là những lời ghi trong sách niêm phong. Người ta trao sách cho kẻ biết đọc và bảo: “Đọc đi!” Nhưng hắn nói: “Đọc sao được, sách đã niêm phong rồi!” Lại đưa sách cho kẻ không biết đọc và nói: “Đọc đi!” Hắn liền bảo: “Tôi nào đâu biết chữ!”.

Nếu ai thấy điều nói trên là chưa đủ thì hãy nghe Thánh Phaolô tông đồ nói: “Về các ngôn sứ, chỉ nên có hai hoặc ba người lên tiếng thôi, còn những người khác thì phân định. Nếu có ai ngồi đó được ơn mặc khải, thì người đang nói phải im đi”. Vì lý do gì họ có thể im được, bởi lẽ nói hay im là việc của Thánh Thần nói qua các ngôn sứ? Vậy nếu họ hiểu được những điều họ nói, thì tất cả những điều đó đều là khôn ngoan và hợp lý; không phải là tiếng nói chuyển qua không khí đập vào tai họ, nhưng là tiếng Thiên Chúa nói trong tâm hồn các ngôn sứ, theo lời một ngôn sứ khác như sau: “Thần sứ đang nói với tôi” “Chúng ta được kêu lên trong lòng “Ap-ba, Cha ơi”, lại nữa “Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán”. [27]

5. Công dân Roma đến kỳ cùng

(Lời tựa các sách cũng như những lá thư của Jérome có thể coi là những trang nhật ký. Dưới đây là hai đoạn trích nói về sự sụp đổ của Roma, một nằm trong lời tựa cuốn “Chú giải sách Ezéchiel”, một nằm trong bức thư của ngài).

Này đây ánh sáng huy hoàng nhất của tất cả các lục điạ vừa vụt tắt, chính xác hơn, Đế Quốc Roma bị chặt đầu, và nói cho trọn sự thật, nơi một thành phố cả vũ hoàn đã tiêu vong.[28]

Gần đây tôi mới bàn đến sách Ezéchiel và làm trọn lời hứa mà tôi đã nhiều lần lặp lại với các độc giả chăm chỉ của tôi. Nhưng, khi sắp bắt đầu đọc cho người ta viết, thì sự tàn phá các tỉnh bên Tây phương và nhất là thành Roma đã làm tôi bàng hoàng rung động, đến mức, nói như ngạn ngữ bình dân tôi chẳng còn biết mình là ai nữa, và tôi đã giữ thinh lặng trong một thời gian dài, tôi biết đây là thời để khóc. Và năm đó, khi tôi đã hoàn tất ba cuốn chú giải thì thình lình cuộc xâm lăng của quân Man di ập đến, bọn người mà Virgile đã nói: “Bọn Barcéens trải bước giang hồ đến tận miền xa”.[29] và Sách Thánh, khi nói về Ismael: “và nó sẽ ở đối mặt lại với anh em mình”.[30] Chúng vượt qua các nẻo đường Ai cập, Palestine, Phénicie như giòng thác lũ, cuốn phăng tất cả, đến nỗi khó khăn lắm, nhờ lòng thương của Đức Kitô, chúng ta mới có thể thoát khỏi bàn tay chúng. Nếu, theo một nhà diễn thuyết lừng danh: “Vũ khí bắt lề luật phải lặng câm”[31]thì điều ấy càng đúng hơn biết mấy đối với việc nghiên cứu Thánh Kinh, vốn cần đến bao nhiêu là sách vở, thinh lặng, sự chuyên chú của các người sao chép, và riêng đối với những người đọc để chép thì tâm trí cần phải được thanh thản, thung dung.[32]

Từ Tây phương, một tin đồn khủng khiếp đến tai chúng tôi, Roma bị bao vây, người ta chuộc mạng các công dân với giá bằng vàng, rồi khi đã bị lột hết tiền của, họ lại bị bao vây lần nữa, thế là không những mất cả tài sản mà còn mất luôn mạng sống. Tôi lặng người, vừa đọc vừa nức nở uất nghẹn. Thành đã thất thủ, một thành từng chinh phục cả hoàn vũ, nói sao bây giờ? Nó đã bị nạn đói hủy diệt trước khi bị gươm đao tàn phá, tù binh còn lại quá ít, đâu có thể làm gì. Cơn đói dữ dội đã đẩy con người đến chỗ kiếm miếng ăn bằng tội ác: một bà mẹ đã không buông tha đứa con còn bú nuốt vào bụng đức con mà chỉ mới đây ít lâu bà đã sinh ra (tiếp theo là những trích dẫn Kinh Thánh và Virgile).[33]

6. Hôn nhân và đồng trinh

2. (...) Tôi sẽ không kể ra những lo lắng, phiền hà của hôn nhân: bụng phình ra, trẻ con khóc oa oa, bực mình với gia nhân, bực bội với việc nhà; rồi tất cả những thứ hạnh phúc mà người ta hình dung rốt cuộc tử thần cũng chém phăng đi cả.

19 (...) Những người đã đánh mất tấm áo không có đường khâu do Trời ban hãy để họ tự khâu lấy những tấm áo; những kẻ thích thú với tiếng oa oa của trẻ con: chúng vừa chào đời là đã khóc thé, như để than tiếc vì mình đã sinh ra (...).

25. Chớ gì con luôn ở trong sự kín ẩn của căn phòng mình, và vị hôn phu luôn đến chơi với con nơi căn phòng đó. Con cầu nguyện thì đó là con nói với phu quân, con đọc sách thì đó là chính ngài nói với con. Rồi khi giấc ngủ đè nặng trên con, ngài sẽ đến, đứng sau vách ngăn, thò tay qua ô cửa và chạm đến người con. Khi đó, con sẽ chỗi dậy, run lên và con sẽ nói: “Tôi mang vết thương tình” (Dc, 8) rồi con sẽ còn nghe ngài nói: “Khu vường khép kín, em gái và hiền thê của Ta, là vườn khép kín, là suối niêm phong” (Dc. 4, 12).[34]

7. Roma cứu đức trinh khiết

Hỡi Roma, ta muốn nói với chính người, vì khi tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, người đã xóa đi lời chúc dữ khắc trên trán mình. Kinh thành hùng mạnh, Nữ hoàng thành của vũ hoàn, thích tên ngươi! Roma, tiếng Hy Lạp có nghĩa là “nâng cao”. Hãy giữ lấy danh hiệu đó. Chớ gì nhân đức của ngươi nâng ngươi lên cao và khoái lạc không hạ ngươi xuống thấp! Hãy coi chừng gã Jovinien, kẻ có tên rút ra từ ngẫu tượng (Jove). Đồi Capitol đang để tang, các đền thờ Jupiter cùng với những nghi lễ của nó đã sụp đổ tan tành. Cớ sao tên gọi đó và những đồi bại của nó lại sống dậy giữa những tường thành của ngươi?.[35]

8. Về cách dịch hoàn hảo nhất

[Thánh Jérome thường biện minh cho các bản dịch của ngài. Ngài trình bày vấn đề địch thuật trong “Lá thư đề tựa” cho phần II cuốn Biên niên sử của Eusèbe. Ngài cho thấy có sự đối lập giữa “cái nghèo nàn khô khan của tiếng La tinh” với “sự linh hoạt trôi chảy của tiếng Hy Lạp”. Vậy cần phải có sự chọn lựa. Ngài nói về công việc của mình: “Nếu có thiếu là thiếu chữ chứ không thiếu nghĩa” (Thư 114, 3). Ngài luôn luôn nhắm tới ý nghĩa, nhưng không phải là không nhạy cảm với đặc tính của ngôn ngữ. Cần phải tránh những cách nói chướng tai (cacophonies): Ngài đã viết một khái luận đúng nghĩa về “Cách dịch hoàn hảo nhất” để trả lời cho những phê bình của Rufin đối với bản dịch của ngài về thánh Epiphane. Dưới đây là phần chính.]

5. (...) Về phần tôi, chẳng những tôi nhìn nhận mà còn không ngại lớn tiếng tuyên bố rằng: khi dịch các tác giả Hy Lạp - ngoại trừ đối với các Sách Thánh, vì trong đó cả thứ tự các từ ngữ cũng là một huyền nhiệm - thì tôi không lấy từ ngữ để diễn từ ngữ, nhưng lấy ý tưởng diễn ý tưởng. Về điều này, bậc thầy của tôi là Cicéron, người đã dịch cuốn “Protagoras” của Platon, “Economique” của Xénophon và hai bài diễn văn của Eschine và Démosthène soạn để chống lẫn nhau. Đây không phải là lúc kể ra tất cả những gì Cicéron đã bỏ qua, thêm vào hoặc thay đổi để giải thích những kiểu nói đặc thù của một ngôn ngữ khác bằng những cách nói đặc thù của ngôn ngữ mình. Tôi chỉ cần trưng dẫn chính bản văn, trong lời tựa cho các bài diễn văn, dịch giả đã bộc bạch như sau: “Tôi không dịch tác phẩm như một dịch giả đơn thuần nhưng như một văn sĩ, vừa tôn trọng những hình thái tư tưởng, hình thái diễn đạt của nó, đồng thời sử dụng những từ ngữ thích hợp với thói quen của người La tinh chúng ta, vì thế tôi cho rằng không nhất thiết phải dịch sát từng chữ, tuy nhiên tôi vẫn bảo tồn đặc tính của tất cả các từ ngữ cũng như giá trị của chúng. Quả vậy, tôi nghĩ rằng trong vấn đề dịch thuật, điều quan trọng đối với độc giả không phải đem đến cho họ cùng một con số từ ngữ nhưng là cùng một sức nặng của từ ngữ”.

[Và sau khi đã nói đến cả gương của Horace và Térence, ngài viết tiếp:]

Vì thế cả tôi nữa người môn đệ của những bậc thầy vĩ đại như thế, cách đây khoảng 20 năm, (...) lúc tôi dịch sang tiếng La tinh cuốn Biên-niên-sử của Eusèbe, thì một trong những điều tôi bày tỏ trong lời tựa của mình là như sau: “Thật là điều khó khăn, không dễ dàng gì khi phải theo sát những dòng chữ người khác diễn đạt mà không thể tách ra ở một vài chỗ (...). Nếu dịch từng chữ, tôi thấy sao chẳng có nghĩa gì cả, nếu cần tôi sửa đổi, dù chỉ một chút, cấu trúc và lối hành văn thì tôi cảm thấy như thoát được cái gánh nặng của người dịch sách. Và ngoài rất nhiều lý do mà nếu kể ra đây thì cũng chẳng ích lợi gì, tôi chỉ muốn thêm điều này: “Nếu ai không thấy cái hứng vị của ngôn ngữ bị việc dịch thuật làm phai lạt đi, và nếu người đó dịch Homère sát từng chữ sang tiếng La tinh (...) anh ta sẽ thấy văn phong trở nên lố bịch và nhà thi sĩ truyền cảm nhất cũng như thiếu cách diễn đạt”.

6. Nhưng để cho thế giá của lời tôi nói không quá kém cỏi - dù tôi chỉ muốn chứng minh một điều là ngay từ thời còn trẻ, tôi đã luôn dịch ý chứ không dịch chữ - tôi xin trích một văn bản để bạn biết, trong lời tựa ngắn của cuốn Hạnh Thánh Antoine, đã có nhận định như thế nào về vấn đề này: “Việc dịch ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, nếu dịch từng chữ, sẽ che mất ý nghĩa, giống như cỏ quá dày làm nghẹt mất cây gieo”.[36]

10. Ý Nghĩa của Kinh Thánh

[Thánh Jérome chú giải đoạn cuối câu 16, chương III sách Tiên Tri Habacuc, theo một bản dịch La tinh đặc biệt: “Nào tôi lên với dân chúng tôi đang chiến đấu”. Cũng như mọi khi, ngài biện minh cho “cách” giải thích của mình: ở đây ngài không chấp nhận gạt bỏ “lịch sử”.]

“Nào tôi lên” kiểu nói rất hay người ta luôn luôn bước lên để hợp với dân sẵn sàng chiến đấu.

“Chúng tôi” cũng hết sức cao nhã: người đã chịu đau khổ, đã tự nguyện gánh lấy những đớn đau và đã dền bù những phần thưởng mai hậu bằng những đau khổ hiện tại,thì có thể mạnh dạn nói: “chúng tôi”, theo gương Abraham, Isaac, Jacob, người đó cũng sẽ ngủ yên khi đời bách niên giai lão, và sẽ được hội ngộ với cha ông.

Nhưng, hẳn người ta sẽ la lên, này! đang khi giải thích lịch sử ông lại vướng vào lưới ẩn dụ mà không hay, đưa chép ngụ ý (tropologie) vào lịch sử mà không biết!

Tôi trả lời rằng lối ám dụ (métaphore) áp dụng vào lịch sử không luôn luôn đồng nghĩa với ẩn dụ (allégorique), chính lịch sử cũng thường hay được trình bày theo lối ám dụ, dưới hình ảnh chỉ một người đàn bà hay một người đàn ông, lời tiên tri nhằm nói đến cả dân tộc. Vì thế, ở đây chúng ta có thể áp dụng lơì này cho cả dân: Con cam lòng chịu cảnh lưu đày, chịu những đau khổ mà lòng vẫn không nao, gánh lấy ách nặng nề của quân Babylone, và trong niềm vui sướng, con hứng chịu đến cùng cơn túng quẫn thật khắc nghiệt hành hạ, miễn là được nghỉ ngơi vào thời Người nguyền rủa vương quyền của quân vô đạo, lúc chiến mã của Người tung vó đạp trên bùn những con sông cả, để sau đó, cùng với các thánh nhân của Người, Zorobabel và Jésus, con Josédec và tư tế Esdras với Néhémie, con quay nhìn về miền Đất Hứa.

Chúng ta hãy dừng lại đó, không nên tỏ ra hoàn toàn gạt bỏ lịch sử. Một cách nào đó, chúng ta giải thích gượng ép, đã ép nghĩa những câu nói phù hợp với lối giải thích của chúng ta. Bây giờ chúng ta hãy trở lại với bản dịch LXX và trở lại với lối giải thích ngụ ý (tropologique).[37]

12. Danh mục thú vật của Jérome

Khi tức giân, tháng Jérome liền lấy tên các thú vật mà gọi các đối thủ của mình, người ta có thể lập thành một bản danh mục thú vật phong phú từ những lời chửi rủa của ngài.

Các đối thủ là những “con lừa hai chân”, “những con chó đang cơn giận dữ”, “những con chó xứ Scylla”, những “loài côn trùng rì rầm về tôi trong sách vở của chúng”.

Rufin “nói chậm như rùa”; ở chỗ khác, ông là “một con heo ụt ịt”, “một con quạ hiểm độc”. Ông thường bị coi là bọ cạp “một con bọ cạp, con vật câm lặng và độc hại (...) chết vì chính cái vòi mà nó cố chĩa về phía tôi”. Và đây là lời trong bài điếu văn: “con bọ cạp đã bị nghiền nát trên đất (...) và con thủy quái trăm đầu rốt cuộc đã không còn gào rít chống lại chúng ta”.

Đan sĩ Jovinien “đứng dựng lên như con rắn nước bị thương và lại ngã sụp xuống, gắng sức quá thành kiệt sức”. Hoặc hơn nữa: “đó là một con chó quay trở lại với đống nó nôn mửa ra”.

Các đan sĩ trẻ “dùng hàm răng chó của mình gặm nhấm, xé rách và cột lại” những cuốn sách chống Jovinien của ngài. Họ “kêu la ở các góc phố và ở trong phòng mạch của mấy ông thầy lang”. Tên đó “cứ chọc giận tôi xem! Tôi có thể dùng hàm răng cắn sâu vào da thịt hắn”. “Cái tên cao ngạo đó thử so tài với tôi dựa trên sách vở xem”, và “con heo cái có chửa hẳn sẽ không còn ủn ỉn nữa”.

“Satan sủa bằng tiếng của con chó xứ Albion[38] (=Pégage, người nước Anh) cao lớn và vạm vỡ, những cú đạp chân của nó còn đáng sợ hơn cả vết cắn”. Đó là một “con chó Cerbère[39] khác!”.

Phe Pélage thinh lặng trước những công kích của ngài “là những con chó không đủ sức sủa”. Các “đối thủ của ngài có cơ hội để sủa” vì ngài xuất bản sách. Ngài than van vì “những tiếng sủa bẻn bép” của Helvidius chống lại sự đồng trinh của Đức Maria. Một đan sĩ đã không trả lời thư của ngài thì “chẳng buồn phát ra cả đến một tiếng kêu ụt ịt”.

Thánh Ambroise, bị kết án là đạo văn, là một “chú quạ kỳ khôi” hay “một con cà cưỡng trang điểm bằng những chiếc lông công”.

Origène là một “con rắn độc”. Với những người tố cáo ngài mới đây còn biểu dương Origène, Jérome gào lên: “đồ chuột chũi, các người chỉ nhìn ta bằng mắt loài dê cái”. Chỗ khác ngài nói về “cái miệng rắn độc”. Ở chỗ khác nữa: “một con rắn độc xứ Tây Ban Nha xâu xé (ngài) bằng những chuyện tào lao độc địa của nó”. Một sở thú lạ lùng!

13. Ngữ vựng của cái bụng

“Julien Augustus đã mửa ra bảy cuốn sách chống lại Chúa Kitô”.

Những tác phẩm của Jovinien là “những cuốn sách hắn mửa ra trong một ngày say sưa”. Tên đan sĩ Jovinien “duy khoái lạc” (épicurien) này đã “ợ ra tư tưởng của hắn giữa chim trĩ và thịt heo rô-ti”.

Vigilantius-Dormitantius “đã mơ hay đúng hơn đã phun ra thứ đồ nôn mửa nhơ nhớp nhất”.

14. Tiết mục của một đan sĩ trẻ ở Rome

2. Có một gã đàn ông không có thầy nhưng hoàn hảo, được chính Thiên Chúa soi sáng và dạy dỗ. Hắn có thể vượt Cicéron về tài hùng biện, lập luận hơn Aristote, sâu sắc hơn Platon, uyên bác hơn Aristarque, lượng sách ấn hành vượt cả Didyme le Chalcentère, hiểu biết Thánh Kinh hơn mọi nhà chú giải thời đại mình. Cuối cùng, người ta nói hắn chỉ muốn một điều - theo cách nói của Carnéade - sẵn sàng cãi theo cả hai chiều, tôi muốn nói, vì công lý hoặc chống lại công lý. Thế giới được giải thoát khỏi một mối nguy, cái phiên toà tranh gia sản thừa kế hay quyền dân sự thoát khỏi sự đổ vỡ, vì con người đó đã bỏ nghị trường để đi vào nhà thờ (...) Thật vậy, những cái dậm chân, phóng mắt khoe môi múa mỏ của hắn dường như đã đủ khiến các thẩm phán mất đi sáng suốt, minh mẫn. Nhân vật rất giỏi Latin và lẻo mép này thắng được tôi thì cũng chẳng lạ gì, vì tôi vắng mặt, từ lâu chẳng còn quen dùng tiếng Latin và cuối cùng đã trở nên bán mandi. Biết rằng Jovinien đã có mặt ở đó (lạy Chúa! một kẻ vĩ đại làm sao, nhưng những tác phẩm của ông ta thì không ai hiểu nổi, vì ông ta chỉ hát cho chính mình và cho các nàng thơ). Biết rằng, Jovinien đã cứng họng trước tài hùng biện của hắn.

3. (...) Tôi còn biết rằng, hắn thích qua lại những căn phòng của các trinh nữ, các bà goá, bởi lẽ, lòng đầy cao ngạo, hắn khoa miệng triết lý giữa các bà các cô về Sách Thánh. Thế, hắn dạy gì cho các phụ nữ yếu ớt ấy trong nơi bí mật hay trong phòng của họ? Phải chăng hắn dạy: trinh hay lấy chồng thì cũng thế, đừng bỏ bê tuổi thanh xuân của mình, dạy uống, dạy ăn, lui tới hồ tắm, tìm kiếm những chuyện vớ vẩn và đừng khinh thị nước hoa? Hay hắn dạy họ tiết hạnh, chay kiêng, khinh thường việc chăm sóc thân xác? Hẳn là hắn chỉ đưa ra những huấn giới đầy nhân đức. Mà này, chớ gì hắn dạy công khai những gì hắn nói ở nhà! Còn nếu ở nhà hắn cũng cho cùng những lời dạy bảo như ở chỗ công khai thì bây giờ, hãy tống hắn ra khỏi hội các cô thiếu nữ. Gã thanh niên ấy, tên đan sĩ hùng biện ấy, hắn tự nghĩ mình như thế, với môi miệng thật hết sức duyên dáng, lại còn chêm pha chút khôi hài, trí tuệ cho ngôn ngữ thêm phần thanh lịch, hắn không biết xấu hổ trong việc lai vãng những chốn quyền quí, lui tới những cuộc tiếp tân của các mệnh phụ, biến tôn giáo của chúng thành bãi chiến trường, làm méo mó đức tin vào Chúa Kitô bằng thứ ngôn ngữ khẩu chiến của hắn ta và cùng lúc, vu khống anh em mình (...).

4. Chớ gì hắn biết giữ mình, biết chừa tôi ra, chừa Kitô giáo ra! Chớ gì hắn ý thức rõ rằng, hắn là đan sĩ không phải khi hắn nói hay chạy lăng quăng khắp chốn nhưng là khi hắn giữ yên lặng và ở trong nơi cư trú (...). Nếu hắn tưởng mình đã nhận chiếc roi da của nhà kiểm duyệt để tác oai tác quái trên tất cả các văn sĩ, vì có lẽ chỉ mình hắn mới hiểu được Jovinien - như câu ngạn ngữ: kẻ cà lăm hiểu rõ hơn giọng nói của người cà lăm - thì tất cả chúng ta, những văn sĩ, phải chống lại một thẩm phán như thế. Nói thế nào nhỉ? Chính Jovinien - nhà trí thức thất học - hẳn sẽ kêu lên thật chí lý: Các Giám mục kết án tôi, điều đó không phải là điều “hợp lý” nhưng là “âm mưu”.[40]

16. Bức biếm hoạ về giáo sư Grunnius

(“Người mặt lợn” hay Rufin: “con heo” )

Bước đi như rùa, Grunnius tiến lên để nói, ngắt quãng thật lâu, khó nhọc lắm mới thốt được vài chữ: người ta tưởng rằng ông phát ra những tiếng nấc hơn là một ngôn ngữ. Thế nhưng, khi ông đã trải cả đống sách trên bàn,ông nhíu mày, nhéo mũi, trán nhăn lên, ông bật hai ngón tay tanh tách: đấy là dấu hiệu mời gọi hoc trò lắng tai nghe. Ông bắt đầu tuông ra những điều thật ngu xuẩn, rồi lớn tiếng công kích từng người; người ta bảo ông là Longin, nhà phê bình, quan kiểm tra về ngành hùng biện Roma, ông khiển trách kẻ mà ông cho là đáng khiển trách, và loại họ khỏi viện bác học. Nhân vật được trả lương hậu hĩnh này thành công hơn trong việc làm vui lòng khách trong các bữa ăn. Mà có gì đáng ngạc nhiên đâu, bởi lẽ ông có thói quen nuôi ăn rất nhiều thực khách. Ông lập cho mình một tiểu đoàn những tên lải nhải, chúng lớn tiếng hoan hô ông mỗi khi ông xuất hiện trước công chúng; bên trong là Néron, bên ngoài là Canton, ông ta là con người hàm hồ trong mọi sự. Người ta nói rằng những bản tính khác nhau và thậm chí trái ngược tập hợp nơi ông để tạo nên một quái vật duy nhất và một con thú thuộc một loài chưa hề được nghe nói theo ngôn từ của thi nhân: “phía trước: sư tử; phía sau: con rồng; ở giữa: chính con quái vật”.[41]

 

 

 


[1] Xem trường hợp Thánh Basile, Grégoire de Nazianze, Jean Chrysostome, Augustin,v.v…

[2] Xem: Thư số 14 gởi cho Héliodore; Thư số 6 gởi cho Chromantius: “Bạn đã biết bước đường niên thiếu mà tôi đã nhiều lần sa ngã, trơn trượt biết bao!” ; hoặc Thư số 7 gởi cho Eustochium.

[3] Xem Phụ trương số 5 và 7.

[4] Thư 22,7 gửi Eustochium, CUF, 1949, p. 117-118, trad. J, Labourt.

[5] Thư 22,30 gửi Eustochium, ibid., p. 144-146.

[6] Xem thêm về Origène.

[7] Thư 23, gửi Marcella.

[8] Thư 22,19.

[9] Thư 22,24.

[10] Thư 22,26.

[11] Thư 22, 29.

[12] Thư 22, 37.

[13] Thư 108,9.

[14] Tại Jerusalem, Rufin đứng điều khiển một tu viện nam, hơn nữa ông còn là một vị linh hướng cho một quý phụ La mã thời danh và quyền quý là Mélanie. Chính bà mới thành lập một tu viện nữ gần núi cây dầu.

[15] Hành trình Ethérie, số 25.

[16] Anecdota Maredsolana, III, 2, p. 393.

[17] Xem Phụ Trương số 12, 13 và 16.

[18] Xem Phụ Trương số 5 và 7.

[19] Xem Phụ Trương số 10.

[20] Xem Phụ Trương số 2.

[21] Tham chiếu: Introduction à la vie dévote II, chương 13, III, chương 2 và 40.

[22] Xem thư gởi cô Eustochium, số 5.

[23] Thư gởi Eustochium, số 7.

[24] Xem Phụ Trương số 4.

[25] Xem Phụ Trương số 8.

[26] Bài giải thích Tv. 41 cho tân tòng, CCL. 78, 542-544

[27] Lời tựa sách Chú giải ngôn sứ Isaia, số 1. CCL 73, 1-3

[28] Prol. PL 25, 16A = OCSL 5, p. 3, 12-14.

[29] En. IV, 42.

[30] Kn 16,12.

[31] CICERON, Pour Milon 10-11.

[32] Lettre 126. 2, A Marcellin et Anapsychie CUF 1961, p, 135, trad. J. Labourt.

[33] Thư 127, 12, A Principia, Vierge, ibid, p. 146, trad. J. Labourt.

[34] Lettre 22, 2-25, A Estochium, ibid., p. 112 et 136, trad. J. Labourt.

[35] Contre Jovien, II, 38 PL 23, 337-338.

[36] Thư 57, 5-6, A Pammachius, C.U.F. 1953, p. 60-61, Trad. J. Labourt.

[37] Commentaire d’Habacuc, PG 25, 1328 CD.

[38] Tên người xưa gán cho xứ Anh (Grand-Bretagne) vì họ thường mặc áo dài trắng (alba). Đó là cái tên thơ mộng chỉ xứ Anh Cát Lợi

[39] Con chó 3 đầu canh giữ điạ ngục trong thần thoại Hy Lạp.

[40] Thư 50, 2-4, A Domnion, ibid, p. 151-153, Trad. J. Labourt.

[41] Thư 125, 18 gởi Đan sĩ Rusticus, ibid., p. 130, trad. J. Labourt.