Sunday, 29 March 2020 15:37

Thời Bút Chiến Về Mầu Nhiệm Ba Ngôi: Thánh Hilaire De Poitiers Featured

GIÁO PHỤ HỌC - PATER ECCLESIAE

(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ

***

***

CHƯƠNG IV

THỜI BÚT CHIẾN VỀ MẦU NHIỆM BA NGÔI

(325 - 430)

***

PHẦN II: CÁC GIÁO PHỤ TÂY PHƯƠNG

***

ĐOẠN I

THÁNH HILAIRE DE POITIERS

 

I. “ATHANASE CỦA TÂY PHƯƠNG” (+367/368)

Tuy cùng thời với nhau, Hilaire và Athanase có lẽ chưa bao giờ gặp nhau. Nhưng hai tên tuổi này cần phải được đặt bên nhau vì có rất nhiều điểm tương đồng giữa hai cuộc đời, nhiều nét giống nhau giữa vai trò của mỗi người trong cuộc khủng hoảng ở thế kỷ IV. Chắc chắn Hilaire đã không tham dự vào những diễn biến đầu tiên của cuộc khủng hoảng này, vì ngài khởi đầu sự nghiệp Giám mục và nhà thần học vào khoảng năm 360. Thế nhưng, Hilaire chẳng bao lâu đã đóng một vai trò trong Giáo Hội Tây Phương như vai trò mà Athanase đã đóng từ 20 năm trong Giáo hội Đông Phương: Một người bảo vệ không thể lay chuyển cho đức tin Nicée, một người kiên quyết chống lại sức ép của triều đình, một chứng nhân chắc chắn về niềm tin Ba Ngôi của Giáo hội, và cuối cùng là người kiến tạo hữu hiệu sự tái thống nhất hàng Giám mục. Ngoài ra, chúng ta có thể cúi chào ngài trong tư cách là vị đại tiến sĩ đầu tiên xuất thân từ Giáo hội Gaule.

Tuy nhiên, dường như không có gì chuẩn bị trước cho ngài đi vào một định mệnh liên hệ với Giáo hội như vậy. Sinh ra trong một gia đình khá giả, ngài đã được đào tạo rất tốt về mặt trí thức. Poitiers là một thành của Aquitaine II lúc bấy giờ, Aquitaine là một tỉnh có thể tự hào vì có một nền văn hoá rực rỡ. chúng ta không rõ Hilaire đã hướng tới sự nghiệp nào và hành trình thiêng liêng của ngài ra sao. Tuy nhiên, chính ngài hé cho thấy ngài chỉ đến với Đức tin sau một cuộc tìm kiếm lâu dài, nhờ gặp gỡ Thánh Kinh, khám phá Đức Kitô và sứ điệp của Người: một hành trình làm ta nhớ lại hành trình của Justin,và cho thấy, ngài trở lại và được rửa tội khi đã trưởng thành. Lúc các giáo sĩ và giáo dân chọn ngài làm Giám mục thì ngài đã lập gia đình và có một đứa con gái.

Ngài đã lập tức tỏ ra là một mục tử xác tín về tầm quan trọng của việc nghiên cứu đặc biệt là nghiên cứu Thánh Kinh. Tác phẩm “chú giải về thánh Matthêu” viết trong những năm đầu của đời Giám mục, minh chứng điều đó; tác phẩm này cho thấy ngài đã quen thuộc Thánh Kinh một cách đặc biệt. Cũng trong thời gian đó, ngài còn soạn thảo ba cuốn đầu tiên của đại tác phẩm “Về Ba Ngôi”. Vào giai đoạn này, ngài biết Tertulien và Cyprien, nhưng vẫn chưa biết đến các nguồn Kitô giáo Hy lạp. Cho tới những năm 355-357, ngài chỉ theo dõi từ xa các diễn biến của cuộc khủng hoảng Arius, chứ không trực tiếp can dự.

II. NGƯỜI CHIẾN ĐẤU

Chính những năm 355-356 đã quyết định vận mệnh của ngài trong Giáo Hội. Khi đó, Hoàng đế Constance ra sức áp đặt hàng Giám mục phải thuận theo chính sách tôn giáo của ông và phải lên án Athanase. Tại một Công đồng nhóm họp tại Arles, các Giám mục hiện diện đều tùng phục, ngoại trừ Paulin de Trèves, người bị lưu đày. Một Công đồng khác ở Milan năm 355 cũng lại là một chiến thắng cho Hoàng đế. Phẫn nộ trước cách thức đe dọa của Chính quyền cũng như trước sự nhu nhược của các đồng sự, Hilaire thấy không thể giữ thái độ dè dặt nữa và quyết đứngra chống lại. Chỉ một thời gian ngắn, ngài trở thành linh hồn cuộc chống đối, lôi kéo được một phần hàng Giám mục xứ Gaule vào cuộc. Từ đây, ngài là đích nhắm cho phe Arius tay chân của Hoàng đế, và ngay sau đó, cũng như Rhadanius de Toulouse, ngài lãnh án lưu đầy. Ngài bị đầy sang Tiểu Á chính trong thời gian Giáo Hoàng Libère bị bắt và giải sang Thrace.

Như vậy, tại Đông Phương, Hilaire sẽ sống những năm tháng đen tối nhất của Giáo hội thế kỷ IV (356-366), trong khi Athanase, người mà ngài hăng say bảo vệ đang lẩn trốn tại Ai cập. Được hưởng một cuộc sống khá tự do, ngài không ngồi yên. Trong thời kỳ này, ngài hoàn tất các khảo luận “Về Ba Ngôi” và một tác phẩm thần học khác nhằm trình bày cho các Giám mục xứ Gaule và Anh thấy những nét tinh tế của thần học Hy lạp, và nhiều bản tuyên tín do các Công đồng bên Đông Phương soạn thảo từ lúc cuộc tranh luận phát triển: “Về các hội nghị” hay “về đức tin của người Đông Phương”.[1] Ngài còn thực hiện một tập tài liệu, kiểu hồ sơ lịch sử của Athanase, để tố giác những mưu mô của phe Arius và dùng các sự kiện để biện minh cho vị Giám mục thành Alexandrie.

Các tác phẩm này duy trì sự chống đối ở Gaule. Tuy nhiên, Hilaire và những người theo ngài đã không thể làm gì để ngăn chặn sự lụn bại của hàng Giám mục. Năm 357, Giáo hoàng Libère, bị phái Arius cô lập và áp chế đã ký nhận một công thức đức tin mà người ta áp đặt cho ngài, cử chỉ này tương đương với việc xá giải cho phái Arius và bỏ rơi Athanase. Cũng năm ấy, Ossius de Cordoue già lão, người “cha của các Công đồng” chấp nhận những nhượng bộ còn nghiêm trọng hơn nữa. Công việc tệ hại này được hoàn tất với hai Công đồng năm 359. Một tại Rimini, Ý: 400 Giám mục Latinh rốt cuộc nhượng bộ Constance. Công đồng kia hóm họp ít lâu sau tại Séleucie, Tiểu Á: Các Giám mục chống đối, chán nản trước sự đầu hàng của các Giám mục Tây Phương, nên cũng đi vào con đường đó. Có điều lạ là Hilaire cũng được phép tham dự cuộc họp này. Ngài bất lực chứng kiến sự đầu hàng của các Giám mục Đông Phương mà tức giận sôi sục. Ngài đi theo các đặc sứ của hai Công đồng đến Constantinople, họ phê chuẩn mọi sự, mặc cho những lời cảnh cáo của ngài.

Ngài không còn phương sách nào hơn là tiếp tục viết. Ngài có chất liệu để bổ túc hồ sơ về lịch sử lạc giáo Arius, và đã thực hiện điều đó. Ngài thảo một bản thỉnh cầu gởi Hoàng đế, tiếp đến là một phản kháng với lời lẽ hết sức mạnh mẽ,[2] nhưng trong lúc này, ngài muốn xếp lại đó đã. Vả lại, cũng chẳng cần đến Constance mới thấy ngài là kẻ quấy rối phiền nhiễu, và cuối cùng ông đã tống ngài về lại Tây Phương năm 360.

Từ lúc đó, vị Giám mục dũng cảm của Poitiers dồn hết sức vào việc liên kết lại hàng Giám mục Gaule và xóa đi sự đầu hàng đáng buồn ở Rimini. Một Công đồng được nhóm họp tại Lutèce (Paris) khoảng cuối năm 360, đánh dấu những nỗ lực của ngài thành công hầu như hoàn toàn.

Chưa hài lòng với thành quả đáng kể này, Hilaire còn muốn tấn công vào thành trì của lạc giáo Arius là Milan, bên kia dẫy Alpes, nơi một Giám mục theo Arius đang giữ vững. Ngài đến tận nơi, được hoàng đế cho phép tổ chức một buổi diễn thuyết tranh luận, nhưng rồi hoàng đế muốn tránh tất cả những gì có thể gây ra xáo trộn nên buộc ngài ngưng hoạt động ở đó. Hilaire đành phải trở về Gaule và đã phản kháng kịch liệt với lời lẽ cay độc trong tác phẩm “Chống Auxence” (364-365).

III. VỊ TIẾN SĨ

Ngoài cuộc đụng độ trên, những năm cuối đời của Hilaire như là những năm yên hàn. May mắn hơn Athanase ở Đông Phương, và mặc dù qua đời trước vị này,[3] ngài đã có thể chứng kiến sự hiệp nhất của Giáo hội Tây Phương được phục hồi rộng khắp. Ngài trở về với các công trình chú giải của mình. Chúng ta còn giữ được một phần tác phẩm “Chú giải Thánh vịnh” và tác phẩm “Sách về các mầu nhiệm” bàn về loan báo Đức Kitô trong Cựu ước. Trong tác phẩm này, tác giả sử dụng lối chú giải bằng ẩn dụ mà ngài đã khám phá thấy nơi Origène. Hilaire còn sáng tác nhiều thánh thi phụng vụ mà chúng ta còn giữ được ba bài.

Cuối cùng, hoạt động của ngài kéo dài khoảng hơn 15 năm. Cả ngài nữa, dường như ngài đã không thể bộc lộ hết khả năng của mình. Là người có học thức uyên thâm, một văn sĩ có tài, tuy rằng ngài sử dụng một ngôn ngữ và một lối văn hết sức đặc biệt của mình khiến cho việc đọc hay dịch tác phẩm của ngài là chuyện không dễ dàng gì, như Thánh Jérôme nhận xét, nhưng ngài có thiên khiếu để xây dựng nên một văn phẩm lớn. Ngài có tài năng của một nhà thần học. Ba cuốn đầu của khảo luận “Về Ba Ngôi”, một loại huấn giáo bậc thầy về đức tin vào Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, chứng tỏ một sự chín chắn rất mực về thần học, đưa chúng ta về lại với đức tin Phép Rửa trong tất cả sự minh bạch của nó.

Những tiếp xúc của Hilaire với thần học Hy lạp giúp ngài làm giầu và đào sâu suy tư của mình, nhất là cho phép ngài bổ túc thần học của Nicée về điểm phân biệt các Ngôi vị để chống lại hình thái thuyết. Đàng khác, ngài có thừa hưởng của truyền thống La tinh, một ý thức vững chắc về nhân tính trọn vẹn của Đức Kitô, cho dầu ngài đã tưởng cần phải bảo vệ cái quan niệm lạ lùng về tính bất khả thụ của Ngôi Lời đối với đau khổ. Như vậy, tác phẩm của ngài thực sự tạo nên một gạch nối giữa Kitô giáo La tinh và Kitô giáo Hy lạp.

Là nhà thần học giữa lòng một Giáo hội bị xé rách, nhưng cũng chính vì những vết xé khác nhau đó mà Hilaire đã nổi bật lên nhờ một ý thức thật sự về đại kết. Mục tiêu của ngài là qui tụ mọi tín hữu bác bỏ chủ thuyết Arius, bất kể họ thích dùng ngôn ngữ nào hay nhạy cảm thế nào về công thức Nicée. Vào một giai đoạn mà người ta hăng say ném vào mặt nhau các từ ngữ thần học và các lời tuyên tín, thì Hilaire quả quyết đức tin đáng kể hơn là những danh từ, và ngài không ngần ngại hỗ trợ cho những người tin chắc chắn về thần tính của Đức Kitô nhưng diễn tả bằng một ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của Nicée, dù điều đó khiến cho một số người đồng minh của ngài khó chịu.

Về điều này, Hilaire không hề theo chủ nghĩa tương đối. Ngài xác tín rằng, đức tin cần phải đối diện với điều mà ngài gọi là “thử thách của ngôn ngữ nhân loại” trong mối ưu tư đạt tới sự chính xác hết sức có thể, nhưng ngài cũng ý thức sâu xa về những giới hạn không thể tránh của ngôn ngữ này. Tôn trọng huyền nhiệm của Thiên Chúa là một trong những nét đặc sắc của tâm hồn ngài. Nhiều lần, dưới ngòi bút của ngài, trình bày thần học biến thành lời cầu nguyện dài một cách thật tự nhiên: để có thể đi vào hiểu biết về Thiên Chúa thì trước hết, ngài nói, phải “cầu nguyện... tìm... gõ”.

Hilaire là nhà thần học độc đáo hơn Athanase, và nhất là rất có cá tính, không lệ thuộc cách câu nệ, tự vạch lấy con đường cho mình với một sự chắc chắn vững vàng hơn nhiều nếu xét về toàn bộ. Ngài đã chuẩn bị cho các nhà thần học lớn thế kỷ IV và V ở Tây Phương. Thánh Augustin, cũng như sau này Thánh Thomas Aquinas, thích trích dẫn tư tưởng của ngài, và chính Thánh Augustin coi ngài đích thực là “tiến sĩ Giáo hội”. Sinh tiền, Hilaire có biết một trong những người ngưỡng mộ mình, một sĩ quan quân đội Roma, đó là Martin, Giám mục Tours tương lai, và là một trong những vị sáng lập đời sống đan tu ở Gaule. Khi từ bỏ binh nghiệp, Martin tìm đến với Hilaire ở Poitiers, Hilaire đã lấy tình cha con khích lệ Martin trong bước đầu thiết lập các đan viện ở Ligugé. Như vậy, Giáo Hội Gaule có thêm một lý do để kính nhớ Đấng đã là một trong những mục tử vĩ đại của mình.

***

Đọc thêm:

CÙNG MỘT ĐỨC TIN DƯỚI NHỮNG TỪ NGỮ KHÁC NHAU

[“ Duy nhất” về bản thể giữa Chúa Cha và Chúa Con hay “giống nhau” hoàn toàn về bản thể? Hilaire không muốn người ta tuyệt thông lẫn nhau vì những danh từ trong khi lại chia sẻ cùng một đức tin cốt yếu].

“Đứng trước nhiều hiểm họa và là những hiểm họa nghiêm trọng cho đức tin như thế, cần phải biết giải thích sự khô cằn của các từ ngữ. Đừng phê phán một lời nói là nghịch đạo khi điều đó hiểu được là hợp với lòng đạo... Người Công giáo muốn khẳng định bản thể duy nhất của Chúa Cha và Chúa Con thì không nên khởi đầu từ đó: đừng biến nó thành một công thức cốt yếu, như thể ngoài công thức đó thì không có đức tin đích thực. Người đó sẽ khẳng định một bản thể duy nhất mà không nguy hại gì nếu trước đó anh ta nói Chúa Cha không được sinh ra, Chúa Con được sinh ra, Ngài lập hữu bởi Chúa Cha, giống Chúa Cha về quyền năng, danh dự và bản tính... vì Thiên Chúa không là một xét về ngôi vị nhưng là về bản tính... sau đó, khi nói một bản thể, anh ta sẽ không lầm lạc.

Người ta có thể khẳng định một bản thể duy nhất một cách thành tín, thì người ta cũng có thể nín lặng về điều đó một cách thành tín. Tại sao chúng ta lại ngờ vực kiếm chuyện cãi cọ với nhau về danh từ trong khi chúng ta có khác gì nhau trong cách hiểu vấn đề?

Hỡi anh em, tôi xin anh em, hãy dẹp bỏ những ngờ vực và hãy tránh dịp tạo ra điều đó... Tôi không chịu được diễn ngữ (duy nhất về bản thể) của anh em nếu nó có nghĩa là người nào tuyên xưng sự giống nhau về bản thể hiểu theo nghĩa đạo đức thì phải bị vạ tuyệt thông... Người ta không thể lên án một danh từ khi nó không hủy hoại ý nghĩa của đạo giáo”.[4]

 

 

 


[1] Chúng ta cũng có một tác phẩm tương tự của Athanase với nhan đề giống như vậy, “Về các hội nghị”.

[2] Tác phẩm: “Chống Hoàng đế Constance”

[3]Hilaire qua đời năm 367 hoặc 368, còn Athanase qua đời năm 373.

[4]Về các hội nghị, số 69. 71. 91.