Sunday, 29 March 2020 15:37

Thời Bút Chiến Về Mầu Nhiệm Ba Ngôi: Thánh Épiphane Và Thánh Cyrille Featured

GIÁO PHỤ HỌC - PATER ECCLESIAE

(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ

***

***

CHƯƠNG IV

THỜI BÚT CHIẾN VỀ MẦU NHIỆM BA NGÔI

(325 - 430)

***

PHẦN I: CÁC GIÁO PHỤ ĐÔNG PHƯƠNG

***

ĐOẠN V

HAI GIÁO PHỤ PALESTINE:

THÁNH ÉPIPHANE VÀ THÁNH CYRILLE

 

A. THÁNH ÉPIPHANE: “NHÀ LẠC GIÁO HỌC” (310/320 - 402)

Épiphane de Salamine là chứng nhân về các học thuyết. Sinh ở Palestine, gần Eulethéropolis, vào khoảng giữa những năm 310 và 320, ban đầu ngài học tại Ai-cập (đặc biệt là về các ngôn ngữ). Sau đó ngài đi tìm hiểu đời sống đan tu trong một thời gian dài. Noi theo Hilarion, ngài thiết lập một đan viện tại nguyên quán của mình (gần Gaza, Palestine) và đã điều khiển đan viện đó trong suốt 30 năm. Giai đoạn sống này không để lại dấu vết gì, chỉ biết rằng, lúc đó người ta rất kính phục ngài, và vì thế ngài đã được chọn vào ngai Tổng Giám mục Chypre ở Constantia, Salamine cũ, trong suốt 36 năm. Do yêu cầu tha thiết của các đồng sự, đang bị giao động về niềm tin Ba Ngôi, vào năm 374, ngài đã viết cuốn “Ancoratus” (“Người đã cắm neo”), một tổng luận nhỏ về học thuyết Kitô giáo, đặt nền tảng trên Thánh Kinh và truyền thống, để “neo” các tín hữu trong niềm tin của mình. Nhưng, điều ngài ưu tư hơn cả đó là sự xa lạc về giáo lý, vì thế, cũng trong khoảng thời gian này, ngài đã khởi sự lập ra một danh mục rất bao quát về các lạc giáo và đề ra các phương dược thích hợp, đó là cuốn “Panarion”, hay dược lý (Pharmacologie) để chống lại tất cả các giáo phái, thậm chỉ cả Do thái và ngoại giáo, được chia ra thành 80 nhóm như trong cuốn “Ancoratus”, để gợi nhớ 80 nàng hầu thiếp trong sách Diễm ca. Ngài cũng viết một khảo luận rất nổi tiếng liên quan tới Thánh Kinh, nhan đề là “Trọng lượng và đo lường” (Des poids et des mesures) và một khảo luận khác “Về mười hai viên đá quí” (sur les douze pierres précieuses) trên áo ngực của vị Thượng tế. Tính khí quá hiếu chiến của ngài đã khiến ngài phải gánh lấy rắc rối phiền hà, và làm cho tuổi già của ngài thêm khổ sở. Ngài mất năm 402.

Épiphane là người theo Nicée triệt để. Trong cuốn “Ancoratus”, ngài khẳng định rõ ràng rằng “Ngôi Lời đã mang lấy một linh hồn, một thân xác, một trí năng để có thể đem đến cho con người toàn vẹn một ơn cứu độ hoàn hảo”. Ngài gắn bó với quan điểm “đồng bản thể” (consubstantiel) đến nỗi hết sức khoan dung đối với Marcel ở Ancyre lạc đạo, và lên án Cyrille de Jérusalem. Là người tương đối có văn hoá cao, “người biết năm ngôn ngữ” (le pentaglotte) nói theo kiểu Thánh Jérôme, nhưng ngài lại không chấp nhận văn hóa đời, bác bỏ suy lý trong thần học, điển hình là các suy luận thần học của Origène. Ngài xem đó là nguồn gốc sinh ra mọi lạc giáo. Ngài tố giác phép ẩn dụ nơi Origène (l’Alexandrin) mà chính ngài đôi lúc cũng sử dụng. Ngài lên án tất cả những người bênh vực nó, thậm chí cả Chrysostome đáng kính, một người rất thận trọng dè dặt mà ngài đã từ khước sự tiếp đón và mối thông hảo. Tuy nhiên, ngài có lập trường giống Chrysostome trong việc lên án các ảnh thánh (bài ảnh thánh), một thái độ ngoại lệ đối với thời đại các ngài. Những nét đặc biệt này, tuy vậy, vẫn chưa làm nổi bật đủ thần học của ngài.

Trong lịch sử, ngài được kể đến như một nhà “lạc giáo học” (hérésiologue). Tất nhiên, ngay cả trong khía cạnh này, ngài tỏ ra là người có đầu óc ương ngạnh, thiếu sắc bén, không có khả năng nghe những người đối thoại với mình. Chẳng hạn, như một Hérodote mới, ngài đi điều tra tại chỗ, vào năm 374 hoặc 376, ngài tới Antioche, chỗ bạn ngài là Paulin để thẩm tra một người theo bè Apollinaire là Vital. Ngài thuật lại nguyên văn cuộc tiếp xúc đó. Khi nghe Vital tách trí năng nhân loại (l’intellect humain) khỏi Đức Kitô, vì ông coi đó như một ngôi vị (hypostase),[1] thì Épiphane, thay vì nắm bắt được vấn đề thực sự của Kitô học, lại kết án đối thủ của mình cách sai lầm khi cho rằng, Vital đã đặt vào Đức Kitô tới bốn hypostases: trí năng (nouV ), linh hồn, thần khí (pneuma) và thân xác. Mặc dầu bác bỏ hoặc không có khả năng hiểu vấn điều đó, nhưng ngài đã mang lại một chứng từ quý giá về bè Apollinaire. Ở những chỗ khác, ngài là người duy nhất truyền lại một số bản văn, nhờ các đoạn trích chưa được biết tới của Irénée, hay Hippolyte, và đặc biệt là những tài liệu về ảo thân thuyết (Docétisme) rất gần với các tài liệu đã được khám phá ở Nag-hammadi năm 1947. Ngài không phải là thần học gia, cũng chẳng phải là sử gia, nhưng lịch sử các tín điều sẽ nghèo đi rất nhiều nếu không có ngài.

B. THÁNH CYRILLE GIÁM MỤC JÉRUSALEM (313?- 387)

Thánh Cyrille là nhân chứng của nền phụng vụ tại Jérusalem. Việc ngài được phong làm Giám mục tại đây khá là bí ẩn. Sinh vào khoảng năm 313, thụ phong linh mục 343, ngài không theo chủ trương chính thống quá triệt để Giám mục của mình là Maxime, cha giải tội và là bạn của Athanase. Vào khoảng năm 350, ngài trở thành Giám mục với sự đồng ý của vị Tổng Giám mục theo phe Ariô là Acace de Césarée, nhưng ngay sau đó tương quan của ngài với vị này đã xấu đi. Thật vậy, Cyrille đã tỏ ra là người theo chủ trương “tương tính” chặt chẽ (homéousios - bản tính tương tự), gần với Giáo lý của Công Đồng Nicée. Ngài đã sống chức Giám mục khoảng 38 năm, bị đứt đoạn do ba cuộc lưu đầy (tổng cộng 16 năm). Ngài được đón tiếp ở Công Đồng Constantinople năm 381 như là vị “rất đáng kính và rất đạo đức”. Ngài mất năm 387.

Công trình chính của Cyrille, ngoài một bài giảng, một bức thư và một số mảng văn, bao gồm 24 bài giáo lý: một bài dẫn nhập, 18 bài giáo lý tiền Phép Rửa trình bày trước hết “Mười điều khoản chính của niềm tin chúng ta” và 5 bài “nhiệm huấn” (mystagogiques) nói về Phép Rửa, Phép Thêm Sức (chrismation) và Phép Thánh Thể. Các bài giáo lý dự bị được soạn có lẽ vào khoảng thời gian trước hay sau khi ngài thụ phong Giám mục. Còn các bài giáo lý nhiệm huấn thì người ta càng không rõ là được soạn vào thời gian nào; hơn nữa ngài có thực sự là tác giả của các bài giáo lý đó không vẫn còn là vấn đề tranh cãi, có thể chúng đã được sắp xếp, hoặc ngay cả được soạn bởi người kế vị của ngài là Jean, Giám mục từ năm 387 đến 417. Dù sao, chúng cũng phản ảnh tư tưởng của Cyrille hay của môi trường của ngài.

Các bài giáo lý là những bài trình bày cụ thể, giản dị, trong đó tác giả chứng tỏ là một nhà sư phạm giỏi, biết dùng những ví dụ của đời sống hằng ngày, không ngừng lôi kéo sự chú ý, thay đổi các công thức để lặp lại hàng chục lần cùng một chân lý - ngài ý thức và có nói rõ về điều này. Tư tưởng của ngài, xét cho cùng, vẫn không vì thế mà kém vững chắc và phong phú. Chẳng hạn, khi ngài chú giải câu: “Tôi tin vào Con một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha, là Thiên Chúa thật”... Ngài giải thích nhiều lần, bằng Kinh Thánh, về hai khía cạnh quyền năng của Đức Kitô và đặc biệt là về sự nhiệm sinh (bởi Chúa Cha) của Người (naissance divine), một nhiệm sinh vĩnh cửu và hoàn hảo, hoàn toàn khác với sự sinh ra của con người: “là con theo xác phàm (...) khi thời gian đã mãn, nhưng là Con Thiên Chúa từ trước muôn đời (...) giống Cha trong mọi sự”. Tuy không nêu đích danh, nhưng ngài bác bẻ các lạc giáo về Kitô học và Ba Ngôi cách hết sức xác đáng, nhất là thuyết Arius và Khổ-phụ-thuyết (patripassianisme). Các tín hữu của ngài được dạy dỗ và cảnh giác đúng mức.

Các bài giáo lý nhiệm huấn là một tài liệu đặc biệt quí giá cho biết về các bí tích được thực hành như thế nào ở Jérusalem vào hậu bán thế kỷ IV. Nó cho ta biết một cách chính xác lạ lùng về các nơi chốn, ngày tháng, các nghi thức và hệ thống biểu tượng của chúng, các tập tục và cả về nền Thần học Bí tích. Như ta thấy, đối với Bí tích Thánh Thể, tác giả nhấn mạnh đến hiện diện thực (présence réelle), xảy ra do lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần: “Bánh và rượu của Bí tích Thánh Thể, trước lúc dâng lời khẩn nguyện (épiclèse) thánh thiện lên Ba Ngôi đáng tôn thờ, là bánh và rượu thông thường, nhưng sau lời khẩn nguyện, bánh trở nên Mình Chúa Kitô và rượu nên Máu Chúa Kitô”. Ngài cũng mô tả hiệu quả của bí tích một cách hiện thực như thế: “Dưới hình bánh, Thân Mình đã được ban cho ngươi và dưới hình rượu, Máu đã được ban cho ngươi, khi tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô, ngươi trở nên chỉ một thân mình và một dòng máu với Chúa Kitô”. Như vậy, người ta có thể so sánh - nhất là chung quanh Bí tích Thánh Thể và Bí tích Rửa Tội - giáo lý và thực hành của ngài tại Jérusalem với giáo lý thực hành của Théodore de Mopsueste, của Jean Chrysostome ở Antioche và ngay cả của Thánh Ambrosiô ở Milan.

Cyrille có ảnh hưởng quan trọng về phụng vụ, vượt ra ngoài Jérusalem tới Antioche, lan về phía Ba-tư và Arménie.

 

 


[1] Nghĩa là: theo thuyết Apollinaire, Ngôi vị Ngôi Lời đảm nhận vai trò của trí năng (tinh thần)