Sunday, 29 March 2020 15:35

Thời Toàn Thịnh Của Văn Chương Tiền Nicea: Lactance - Nhà Nhân Bản Kitô Giáo (260? - 325?) Featured

GIÁO PHỤ HỌC - PATER ECCLESIAE

(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ.

***

***

CHƯƠNG III

THỜI TOÀN THỊNH CỦA VĂN CHƯƠNG TIỀN NICEA

(190 - 325)

***

ĐOẠN VII : LACTANCE - NHÀ NHÂN BẢN KITÔ GIÁO (260? - 325?)

 

I. TIỂU SỬ

Lactance trước đây chỉ được kể vào hạng hai trong các tác giả cổ thời. Nhưng tài năng văn chương (la-tinh cổ điển) của ông đã được thời Phục Hưng khám phá, thừa nhận và tặng cho ông danh hiệu “Cicéron Kitô giáo”. Tuy không phải là triết gia hay nhà thần học lớn, ông đã có một đầu óc độc đáo đáng chiếm một chỗ đứng trong hàng Giáo Phụ, đặc biệt là các Giáo Phụ La-tinh, mặc dù ông chỉ là một Kitô hữu giáo dân giống như thánh Justin và Tertullien trước đây.

Theo thánh Jérôme thì Lactance sinh tại Bắc Phi, học tại trường của Arnobe (nhà hộ giáo) và trở lại đạo. Ông dậy khoa tu từ (gồm pháp ngữ, văn chương và hùng biện) tại quê nhà, rồi được hoàng đế Dioclétien mời sang Tiểu Á giữ ghế chính thức tại Thủ đô Nicomédie, vì thời đó ngay ở Đông Phương, La-tinh vẫn là ngôn ngữ hành chánh của Đế Quốc. - Có người nói, trong thời gian này ông mới trở lại Kitô giáo -. Sau chỉ dụ bắt đạo năm 302-303, ông bị thất sủng và phải bỏ nhiệm sở rời xa Thủ đô. Nhưng khi Constantin (người đã biết ông bên Đông Phương, khi bị giữ làm Con Tin tại đó) vừa chiến thắng Maxence năm 312 và lên ngôi Hoàng đế tại Tây Phương, liền mời ông sang Trèves (Đức) làm thái phó dậy hoàng tử cả là Crispus. Ông sẽ sống tại Trèves cho đến ngày qua đời phỏng vào năm 325.

Sống vào giai đoạn này, ông đã chứng kiến sự đổi thay vị thế cuả Kitô giáo: từ một đạo bị bách hại và bài trừ chuyển sang một tôn giáo được chấp nhận và toàn thắng. Như Eusèbe de Césarée, người đồng thời hơn tuổi ít nhiều, ông đã sống những ngày đầy hào hứng của triều đại Constantin, vị Hoàng Đế Kitô giáo tiên khởi. Vị này sau khi chiến thắng Maxence bên Tây Phương năm 312 liền ra “Sắc chỉ Milan” (khoan hồng tôn giáo) năm 313 để tha đạo. Năm 324 lại chiến thắng đồng sự là Licinius bên Đông Phương và trở thành Hoàng đế duy nhất của toàn Đế Quốc cho tới năm băng hà 337. Không những là vị hoàng đế đầu tiên theo đạo, Constantin còn hết sức ủng hộ và nâng đỡ Kitô giáo như là quốc giáo vậy.

Sống trong bầu khí cung đình của thời Kitô giáo toàn thắng này, Lactance đã phác hoạ trong tác phẩm “Về cái chết của những kẻ bách hại”, một thần học chính trị mà Constantin và Eusèbe rất tâm đắc là mơ ước một liên minh vĩnh viễn giữa những lợi ích của Đế Quốc và những lợi ích của Giáo Hội, giữa lý tưởng một công dân tốt và lý tưởng một kitô hữu tốt.

2. TÁC PHẨM

Các tác phẩm của Lactance pha trộn cả hộ giáo cả thần học gồm có:

a/. “Về công trình của Thiên Chúa” (De Officio Dei): biện hộ cho lòng tin vào Thiên Chúa Tạo dựng và Quan phòng.

b/. “Các định chế của Thiên Chúa” (Divinae Institu- tiones) gợi hứng từ các luật gia lớn của Roma, đặc biệt là Cicéron.

c/. “Epitome” (sách giản lược).

d/. “Về cơn thịnh nộ của Thiên Chúa”.

e/. “Về cái chết của những kẻ bách hại”.

Từ những tác phấm trên đây Lactance tỏ ra là một nhà hộ giáo có tâm lý và sư phạm, và cũng là một nhà thần học rất nhiều tham vọng, nhưng lại không mấy thành công.

1. Nhà hộ giáo có sư phạm

Sống vào thời Kitô giáo toàn thắng và được kính nể, Lactance đã biết quan tâm rút ra những lợi điểm của thời thế hơn những nhà hộ giáo trước đây chỉ tìm cách trình bày đức tin sao cho dễ hiểu và có sức thuyết phục. Phần ông, ông có tham vọng đạt tới điều đó nhờ chính sự am hiểu của bản thân về giới trí thức ngoại giáo đương thời. Ông trách Tertullien về những lời lẽ đả kích qúa đáng và thái độ chỉ biết phòng thủ và tự bào chữa. Còn Cyprien thì qúa vay mượn từ ngữ cung đình, khó có thể hiểu đối với kẻ không am tường, và năng trưng dẫn Thánh Kinh, ít giá trị thuyết phục đối với người ngoại giáo. Theo ông cả ngôn ngữ Thánh Kinh có thể cũng làm cho người học thức cảm thấy khó chịu. Đây cũng là lý do vì sao ông ít trưng dẫn Sách Thánh trong các tác phẩm của ông.

Theo ông phải trình bày đạo cách lịch thiệp, cao nhã, thi vị, hữu lý và khách quan, hầu thuyết phục dân ngoại tin rằng chân lý Kitô giáo hoàn tất và vượt qúa sự khôn ngoan thế tục. Đồng thời, nhờ thế, cũng củng cố đức tin của các tín hữu trước những cám dỗ của văn hóa ngoại giáo. Nguyên tắc này ông luôn nắm giữ trong các tác phẩm của ông - ngoại trừ cuốn “Về cái chết của những kẻ bách hại” là đôi khi có giọng điệu trịch thượng và đắc thắng đối với ngoại giáo -.

Mặc dầu vẫn xác tín về chân lý mạc khải, ông đã muốn đứng trên cơ sở thuần lý để làm việc hộ giáo. Đối với di sản của ngoại giáo, ông luôn có một thái độ lưỡng diện:

- Vừa phê bình không thương tiếc, lại

- Vừa đánh giá hết sức tích cực.

Riêng về Kitô giáo, ông nhấn mạnh đến chứng từ của đời sống luân lý và đời sống kitô hữu như là luận cứ hộ giáo quan trọng nhất, ngược lại với nhược điểm luân lý của ngoại giáo: mâu thuẫn giữa học thuyết của các triết gia và đời sống của họ. Như một nhà nhân bản, ông khai thác Kitô giáo khởi từ nền văn hóa cổ để cho giới trí thức ngoại giáo thấy rằng Kitô giáo và khôn ngoan kitô giáo là sự hoàn thành các tôn giáo, các nền khôn ngoan dò dẫm đi trước trong lịch sử. Như vậy, văn hóa cổ nói chung, và đặc biệt văn hoá la-tinh nói riêng, cống hiến nhiều cửa ngõ dẫn tới sứ điệp Phúc Âm. - Ông tự coi mình là môn sinh và gọi Cicéron là “Thầy”, gọi Virgile là “tiên tri” ngoại giáo, Quintilien cũng như Platon - Sénèque - Epicure... là những đại hiền nhân trong nhân loại.

2. Nhà thần học nhiều tham vọng nhưng thành công quá khiêm tốn

Qua tác phẩm đồ sộ “Các định chế của Thiên Chúa” mà ý tưởng “Công chính” là chìa khóa, Lactance có tham vọng trình bày đầy đủ đức tin Kitô giáo, từ phần mở đầu có tính cách hộ giáo cho đến nội dung căn bản của nó: Thiên Chúa, Đức Kitô và công trình của Ngài, luân lý và phụng tự Kitô giáo, các thực tại chung cuộc: ngày tận thế và thế giới bên kia.

Tham vọng thì lớn, nhưng thực hiện thì không có gì đáng kể. Lý do, về mặt thần học, Lactance là một người tự học, do đó có nhiều khuyết điểm trầm trọng, nhất là trong phần trình bày về mầu nhiệm Kitô giáo. Suy tư của ông về Thiên Chúa rất mơ hồ: Ông nói Ngôi Lời (Chúa Con) thua kém Thiên Chúa (Chúa Cha), và điều làm ta bỡ ngỡ là ông không hề đả động gì tới Chúa Thánh Thần cả. Bù lại, về Nhập Thể, ông có cái nhìn rất đúng về thần tính và nhân tính nơi Đức Kitô, nhưng lại nhìn thấy nơi Ngài trước tiên là một thầy dậy và một gương mẫu hơn là một Đấng Cứu Thế với mầu nhiệm cốt yếu Tử nạn và Phục sinh của Ngài. Về phụng vụ, ông nhấn mạnh cách chính đáng đến khía cạnh nội tâm và đạo đức, còn đời sống Giáo Hội và đời sống bí tích thì ông chỉ nói phớt qua, Về những thực tại chung cuộc, đặc biệt là về ngày tận thế, ông đã hiểu qúa sát mặt chữ sách Khải Huyền của thánh Gioan!

Nói một cách tổng quát, Lactance không phải là một mhà tín lý học. Xét về mặt suy tư có hệ thống, ông là một nhà luân lý nhiều hơn. Tuy không phải là nhà luân lý Kitô giáo đầu tiên (Tertullien và Cyprien đã là tiền bối của ông), trong tác phẩm “Các định chế của Thiên Chúa”, cuốn V và VI, ông thật sự là người đầu tiên đã đề ra một cách có phương pháp những nền tảng triết học và thần học của khoa luân lý khởi từ kiến thức ngoài đời cũng như từ kinh nghiệm kitô hữu của ông.

Ý tưởng chủ lực của ông là: luân lý và tôn giáo phải kết hợp chặt chẽ với nhau. Con người là một hữu thể tôn giáo, một “con vật thần linh” (animal divin) đã được dựng nên để gặp gỡ Thiên Chúa. Luân lý chỉ hữu hiệu khi đặt nền trên tôn giáo, và tôn giáo chỉ đích thực khi đưa tới cách xử sự ngay chính. Luân lý và tôn giáo đòi phải có sự khôn ngoan đích thực, thứ khôn ngoan đã đựơc mặc khải và bao hàm hiểu biết thực sự về con người, về thế giới và về Thiên Chúa. Cội rễ của mọi hỗn loạn luân lý trong nhân loại nằm trong sự không biết thứ khôn ngoan này. Vậy cần phải hiểu biết “huyền nhiệm con người” trong sự cao cả và yếu hèn của một hữu thể tự do, đứng ở điểm gặp gỡ của thế giới vật chất và thế giới tinh thần, phải tuân theo tiếng gọi của lý trí và sự thúc đẩy của bản năng. Chính Lactance cũng đã có công khôi phục giá trị của thị dụcvà khoái lạc:chúng chỉ xấu khi bị định hướng sai, cũng như có những cơn giận chính đáng,...

Trong đời sống thực tiễn, luân lý và tôn giáo gặp nhau trong sự “công chính”, ý niệm trọng tâm nối kết sự công chính giữa con người với nhau cũng như các mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa và sự thánh thiện Kitô giáo. Sự công chính của con người đối với Thiên Chúa được thực hiện qua lòng kính sợ, sự thờ phượng nội tâm, và hy tế thiêng liêng. Còn sự công chính đối với con người đòi hỏi tình huynh đệ đại đồng, tự do lương tâm, và các quyền lợi căn bản của con người như bình đảng, tự do,.v.v... Mọi người đều là anh em, không phải chỉ do mối liên hệ tự nhiên mà còn là do mối liên hệ linhthánh nối kết họ với Thiên Chúa. Mọi người tự bản chất là bình đẳng. Mọi người và từng người phải được hưởng lòng nhân đạo (=yêu mỗi người vì anh ta là người) và lòng thương xót. Phải nhân đạo tới mức khước từ quyền lợi riêng, tới thái độ bất bạo động, không kháng cự lại sự dữ, Thương xót là nhân đức của sự tương trợ giữa con người với nhau, vì xét về một khía cạnh nào đó, mọi người đều thiếu thốn cả.

Sau cùng, trong thực tế đời sống luân lý luôn luôn là một chiến đấu gian nan, phải dũng cảm, khiêm tốn và kiên trì: “nhẫn nại” là bà chúa của mọi nhân đức mà Đức Kitô và các vị tử đạo là những gương mẫu mãi mãi sống động.

Kết luận: Nền luân lý của Lactance chưa có âm điệu hoàn toàn Kitô giáo: ngôn ngữ là ngôn ngữ của triết học hơn là của Thánh kinh (vì mối bận tâm đối với công chúng ngoại giáo), việc tôn giá trị của tôn giáo luân lý và nội tâm có phần phiếm diện: lòng kính sợ vượt trên tình yêu Thiên Chúa,... Dầu sao, người ta không thể phủ nhận khảo luận của ông là một công trình của một kitô hữu xác tín, đã làm nên một giai đoạn trong lịch sử khoa luân lý Kitô giáo vậy.