Sunday, 29 March 2020 15:35

Thời Bút Chiến Về Mầu Nhiệm Ba Ngôi: Thánh Athanase Giám Mục Alexandrie Featured

GIÁO PHỤ HỌC - PATER ECCLESIAE

(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ

***

***

CHƯƠNG IV

THỜI BÚT CHIẾN VỀ MẦU NHIỆM BA NGÔI

(325 - 430)

***

PHẦN I: CÁC GIÁO PHỤ ĐÔNG PHƯƠNG

***

NHẬP ĐỀ: ARIUS VÀ NICÉE

Chúng ta không thể đọc và hiểu các giáo Phụ trong thời bút chiến này nếu không biết về một trong những vấn đề trọng yếu đối với các ngài: đó là chủ thuyết Arius, tên một linh mục Alexandrie. Với sự phổ biến tư tưởng của Arius, bắt đầu từ khoảng năm 320, Giáo hội bước vào một cuộc tranh luận mấu chốt, và nó sẽ huy động năng lực của Giáo hội trong một thời gian dài. Những vấn đề nêu ra chắc chắn không phải là mới nhưng chúng lại bùng lên với sức mạnh hồi sinh: Thiên chúa mà các Kitô hữu tin là Đấng nào? Đức Giêsu Kitô là ai trong tương quan với Thiên Chúa và với con người? Chúng ta đã biết ý tưởng về một hay nhiều trung gian giữa thiên Chúa, mà tự thân là bất khả đạt thấu, và thế giới, là một ý tưởng có sức quyến rũ như thế nào, từ thánh Justin tới Origène rồi tới Lactance, cũng như từ Philon tới Plotin. Nơi các nhà thần học Kitô giáo, khi trình bày Ngôi Lời và Thần khí như là có mối liên hệ với thế giới, một mối liên hệ được coi là bất xứng với Chúa Cha, và khi gắn liền chính hiện hữu của các vị với hiện hữu của thế giới thì dễ có nguy cơ xúc phạm đến thần tính trọn vẹn của Ngôi Lời và Thần khí. Đức tin sâu xa của các nhà hộ giáo và các Giáo Phụ thế kỷ III đã giúp họ tránh được những kết luận không thể chấp nhận, nhưng vẫn không loại bỏ được sự hàm hồ mà người ta còn thấy nơi một Eusèbe de Césarée, hoặc theo người ta nói, nơi một Lucien d’Antioche, người mà Arius theo học một thời.

Chúng ta không rõ thần học của Arius hình thành đích xác là như thế nào, nhưng chắc chắn nó theo lối suy tư gần với một trong những khuGah hướng triết học thời bấy giờ. Khốn thay, vì không có ý thức về đức tin của Giáo Hội mà những người đi trước ông đã chứng tỏ, Arius đẩy tư tưởng đi theo một thứ luận lý đến nỗi cuối cùng hoàn toàn xa rời đức tin truyền thống. “Tín biểu” của Công đồng Nicée (325), nguồn gốc của Kinh tin Kính đọc trong phụng vụ, mãi mãi làm chứng về sự rung chuyển do cuộc tranh luận này gây ra và về phản ứng của dân Kitô giáo. Vì, do tầm quan trọng của những vấn đề đặt ra, chủ thuyết Arius trước tiên là sự việc của Giáo Hội và của đức tin chứ không chỉ đơn giản là cuộc tranh luận giữa các nhà thần học hoặc là cơ hội chính trị thuận lợi do một số hoàng đế thời đó khai thác.

I. THIÊN CHÚA CỦA ARIUS

Mối bận tâm của Arius dường như là muốn gìn giữ một lý tưởng về Thiên Chúa: Đấng siêu việt cách triệt để trên thế giới, độc nhất, hiện hữu phi khởi nguyên, khôn tả, bất khả đạt thấu, bất biến, “bất khả thụ” (theo nghĩa người không thể chịu hay bị bất cứ điều gì), không lệ thuộc thời gian. Thuật ngữ là thuật triết học hơn là Kinh thánh; mối quan tâm bảo vệ tính tuyệt đối của Thiên Chúa dầu vậy vẫn diễn tả phần chân lý chứa đựng trong thuyết Arius.

Điểm yếu của thần học Arius nằm trong con đường suy tư của ông. Thay vì đặt định nghĩa đó dưới ánh sáng của đức tin mạc khải, thì ngược lại ông lấy nó làm tiêu chuẩn giải thích đức tin Thiên chúa là khởi nguyên phi khởi nguyên, tách biệt khỏi mọi hữu thể khác bằng một hố thẳm không thể vượt qua. Trong khi đó Ngôi Lời không phải là không có khởi nguyên vì lẽ ngài phát xuất từ Chúa Cha; ngài có liên lạc với thế giới, và hơn thế nữa, khi nhập thể, ngài cho thấy mình là “khả biến”, “khả thụ”, lệ thuộc thời gian. Như thế, Arius kết luận, Ngài không thuộc hàng Tuyệt Đối Thần Linh, nhưng thuộc hàng hữu thể “phát xuất” (dérivés), cho dù chỉ có mình Ngài là phát xuất từ Chúa Cha và là tác giả của các hữu thể khác. Như vậy, chỉ mình Chúa Cha là “Thiên Chuá thật”, còn Ngôi Lời, huống hồ là Thần Khí, chỉ có thể được gọi là Thiên Chúa hoàn toàn tương đối.

Việc không chấp nhận đồng hóa Chúa Con và Chúa Thánh Thần với đấng Độc Nhất có vẻ như là quay về với chủ thuyết độc thần của Cựu Ước. Nhưng trước hết người ta hẳn phải liên tưởng tới bộ ba của thuyết Tân-Platon: Plotin đặt “Nhất Thể” trên chóp đỉnh của mọi sự, tuyệt đối siêu việt, “bên kia hữu thể”; từ Nhất thể lưu xuất ra Trí tuệ, rồi đến Hồn của thế giới, và từ Hồn phát xuất các tinh thần thấp hơn. Người ta ngờ rằng, ẩn sau chủ thuyết Arius là thứ thần học mang chiều kích vũ trụ luận và lược đồ phân cấp nói trên. Thế nhưng, các bản văn của chính Arius, không để lộ nền trời triết học đó, luận chứng của ông chủ yếu là luận chứng Thánh Kinh, lợi dụng các bản văn Cựu Ước, chẳng hạn Cách ngôn 8, 22: “Giavê đã dựng nên ta, tiên thường của công trình Người”, trong đó Khôn Ngoan được các Giáo Phụ nhất trí đồng hóa với Ngôi Lời, và các bản văn khó hiểu liên quan đến Kitô học trong Tân Ước: Marcô 13, 22: Con không biết ngày phán xét, Gioan 14, 28: “Cha cao trọng hơn Ta”, Colosê 1, 15: Đức Kitô “Trưởng tử” mọi thụ tạo,.v.v...

Arius hiển nhiên đặt ra những câu hỏi cho đức tin: Nghĩ thế nào được về Thiên Chúa lại đến trong thế giới, trong thời gian. Tuyệt đối lại dấn mình vào tương đối? Celse đã từng nêu vấn nạn như thế. Làm sao giải thích sự “trung gian” của Đức Kitô giữa Thiên Chúa và loài người (lòng đạo đức tự nhiên lại không có khuGah hướng nhìn Đức Kitô như một vị trung gian, đứng giữa Thiên Chúa và chúng ta hay sao?). Quan niệm và nói thế nào về Đấng Độc Nhất đồng thời lại là Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh thần? Nhưng đức tin cũng chất vấn Arius: Nếu người ta đi theo ông, thì mạc khải cụ thể của vị Thiên Chúa của Thánh Kinh và của Đức Giêsu Kitô, Đấng quả là Hoàn Toàn Khác nhưng cũng là Đấng Hoàn Toàn Gần Gũi, sẽ nên như thế nào? Phải chăng nhập thể và cứu độ chỉ cho chúng ta được tương giao với Thiên Chúa cách gián tiếp, có trung gian xen giữa, chứ không thực sự gặp gỡ Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô? Đức Giêsu Kitô của Arius không còn là Emmanuel: Thiên Chúa ở cùng chúng ta để cứu độ chúng ta, Ngài chỉ là Ngôi Lời “Khả biến”, tạm thời biến thành linh hồn nhân loại để chịu một cuộc thử thánh nhờ đó mà Ngài đáng được những tước hiệu của Thiên Chúa: Một lịch sử siêu việt của Logos chứ không còn là lịch sử của chúng ta nữa. Cách hiểu như thế làm cho mầu nhiệm bị hủy hoại và người ta không còn nhận ra đâu là Đức Kitô của các Giáo Phụ thời trước, đâu là “Trinitas” của Tertullien, hay Thiên chúa của Origène nữa. Nội dung đức tin và giải thích Thánh Kinh phải không theo một ý tưởng định sẵn về Thiên Chúa và theo lối luận lý diễn dịch cứng chắc. Cuộc khủng hoảng do Arius, với những biến chuyển về tín lý của nó, cho thấy vị thế khó khăn của đức tin phản tỉnh, giữa một bên là phải tuân theo dữ kiện mạc khải, và bên kia là những đòi hỏi của lý trí và những quyến rũ của tinh thần.

II. LỜI TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN CỦA ARIUS TRƯỚC (KHI CÓ) CÔNG ĐỒNG NICÉE

Lời tuyên xưng đức tin của Arius với Giám mục Alexandre thành Alexandrie (trước Công đồng Nicée):

“Đức tin mà chúng tôi đã lãnh nhận từ cha ông của chúng ta và chúng ta đã được học biết từ nơi Ngài, thưa Cha rất kính mến, đức tin đó là thế này: Chúng tôi nhận biết một Thiên Chúa, chỉ có Người là không được sinh ra, chỉ có Người là Thiên Chúa thật, bất tử, chỉ có Người là khôn ngoan, chỉ có Người là thiện hảo, chỉ có Người là toàn năng, chỉ có Ngưòi là thẩm phán, Đấng điều hành và cai quản mọi sự, bất biến và không đổi thay... Người đã sinh ra Con độc nhất của Người trước muôn đời muôn thủơ, nhờ Ngài, Người đã tạo nên các thời đại và mọi vật mọi loài, (Con) được sinh ra, không theo vẻ bề ngoài, nhưng là thực sự, tồn hữu do một hiệu lực của thánh ý bất biến và không thay đổi của Người, là thụ tạo hoàn hảo của Thiên Chúa, nhưng không phải như một trong các thụ tạo: được tạo thành, nhưng không phải như một trong các vật được tạo thành.

Nhưng như chúng tôi nói, Ngài đã được tạo dựng nên cùng với các thời gian và từ trước muôn đời và Ngài đã lãnh nhận từ Cha sự sống và hiện hữu, và những huy hoàng rực rỡ của vinh quang mà Cha đã ban cho Ngài. Quả vậy, khi cho Ngài thừa kế mọi sự Chúa Cha không để mình mất đi điều có nơi Người, không để mất việc Người hiện hữu không có khởi nguyên. Vì Người là nguồn suối của tất cả.

Chính vì vậy có ba bản thể, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa ThánhThần. Thiên Chúa, chính là nguyên nhân của mọi hữu thể, tuyệt đối chỉ có Người là không có khởi nguyên. Chúa Con, được sinh ra ngoài thời gian bởi Chúa Cha, được tạo dựng và được thiết lập từ trước muôn đời, Ngài không hiện hữu trước khi được sinh ra, nhưng được sinh ra ngoài thời gian trước tất cả mọi sự, chỉ có Ngài là được tạo thành bởi một mình Chúa Cha. Ngài không vĩnh cửu, không đồng vĩnh cửu và không dự phần vào việc không được sinh ra như và cùng với chúa Cha. ngài không hiện hữu cùng với Chúa Cha, như một số kẻ nói như thế về cả hai khi khẳng định hai khởi nguyên không được sinh ra. Nhưng, vì là sự duy nhất và là khởi nguyên của tất cả, Thiên Chúa hiện hữu trước mọi sự. Và vì vậy, Người cũng hiện hữu trước Đức Kitô... Xét về chính hiện hữu của Ngài, sự sống của Ngài, vinh quang của Ngài và tất cả những gì được ban cho Ngài đều đến từ Thiên Chúa, nên Thiên Chúa là khởi nguyên của Ngài. Người ở trên Ngài như là Thiên Chúa của Ngài và Người có hiện hữu của Người trước Ngài: còn Ngài, Ngài lãnh lấy hiện hữu từ Thiên Chúa”.[1]

III. NẠI TỚI THÁNH KINH ĐỂ CHỐNG LẠI ARIUS

Trước Công đồng Nicée, trong một luân thư gởi hàng Giám mục, Đức Giám mục Alexandre thành Alexandrie đã dùng Thánh Kinh bác bỏ các luận đề của Arius:

“Có ai từng nghe thấy những điều như thế bao giờ? Và bây giờ khi nghe những điều đó, có ai lại không bịt tai để những lời đê tiện đó không lọt vào tai mình? Khi nghe Gioan nói: “Lúc khởi nguyên đã có Lời” (Ga 1, 1) có ai lại khôngkết án những kẻ nói: có một thời gian Ngài đã không hiện hữu? Khi nghe những lời này của Phúc âm: “Con độc nhất của Thiên Chúa” (Ga 1, 18) và “nhờ Ngài mọi sự đã được dựng nên”(Ga 1, 3) còn ai mà lại không căm ghét những kẻ khẳng định rằng Chúa Con chỉ là một trong các thụ tạo? làm sao Ngài có thể ngang bằng với những vật mà nhờ Ngài được dựng nên? Làm sao Ngài có thể là Con độc nhất, khi mà người ta xếp Ngài cùng hàng với mọi vật, vào trong hàng của chúng? Làm sao Ngài lại xuất từ hư vô trong khi Chúa Cha nói: “Từ lòng ta, ngay trước rạng đông, Ta đã sinh ra Con”(Tv 106, 3)? Làm sao Ngài lại khác với Chúa Cha về bản thể, trong khi Ngài là hình ảnh hoàn hảo và là phản ảnh huy hoàng của Cha (2 Cr. 4, 4; Hr 1, 3) và là Đấng đã nói: “Ai thấy Ta là thấy Cha” (Ga 14, 9). Nếu Con là Lời và là Khôn Ngoan của Cha, làm sao lại có một thời gian Ngài đã không hiện hữu? Như thế họ muốn nói rằng đã có một thời gian Thiên Chúa không có Lời và không có Khôn Ngoan. Đấng đã nói về chính mình: “Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta”(Ga 10, 38) và “Ta và Cha là một” và là Đấng nói qua các tiên tri: “Hãy xem Ta, Ta là, Ta là không thay đổi” (3, 6), chẳng lẽ Ngài lại phải chịu sự thay đổi và biến tính hay sao? Ngay cả khi người ta nghĩ rằng lời đó có thể là nói về chính Chúa Cha, thế nhưng, bây giờ phải xem đó là Lời nói về Đức Kitô thì có lẽ thích đáng hơn, vì rằng khi làm người, Ngài không thay đổi, nhưng như thánh Tông đồ nói: “Đức Giêsu Kitô hôm qua và hôm nay vẫn là một và cho đến muôn đời” (Hr 13, 8). Ai buộc chúng phải nói rằng vì chúng mà Ngài đã được dựng nên, trong khi thánh Phaolô nói: “Vì Ngài và do bởi Ngài, mà mọi vật hiện hữu” (Hr 2, 10)? Còn về lời quả quyết lộng ngôn phạm thượng của chúng cho rằng Con không hoàn toàn biết Cha, thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Vì một khi chúng quyết định chống lại Đức Kitô, thì chúng cũng khinh thường lời của chính Chúa, Đấng đã nói: “Như Cha biết Ta, Ta cũng biết Cha” (Ga 10, 15).[2]

IV. ĐỨC TIN CỦA CÔNG ĐỒNG NICÉE

Tín biểu của Nicée: Chúng tôi tin một Thiên chúa là Cha toàn năng. Đấng tạo dựng muôn vật hữu hình và vô hình và tin một Chúa Giêsu Kitô Con duy nhất sinh bởi Chúa Cha nghĩa là từ bản thể Chúa Cha, Thiên Chúa bởi thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật dược sinh ra mà không phải tạo dựng, đồng bản thể với Chúa Cha. Nhờ Người mà muôn vật trên trời dưới đất được tạo thành. Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã xuống thế Ngài đã hóa thành nhục thể và đã làm người, đã chịu khổ hình và ngày thứ ba người đã sống lại Người lên trời, từ nơi đó người sẽ trở lại để phán xét kẻ sống và kẻ chết và tin vào Chúa Thánh Thần.

Còn những kẻ nói: đã có một thời gian Người đã không hiện hữu; hoặc: Người đã xuất từ hư vô, hoặc rằng Con Thiên Chúa có bản thể khác hay yếu tình khác, hoặc rằng: Người đã được tạo dựng nên hoặc rằng: Người không phải là bất biến nhưng lệ thuộc sự thay đổi.

Giáo Hội ra vạ tuyệt thông cho những kẻ đó.

V. THIÊN CHÚA CỦA CÁC GIÁO PHỤ: TÍN BIỂU NICÉE

Tuy nhiên, từ năm 325, Công đồng “chung” đầu tiên (Oecuménique - từ Hy lạp có nghĩa là “phổ quát”) nhóm họp do sáng kiến của Constantin trả lời cho thần học của Arius qua việc đưa ra tín biểu nổi tiếng mà sau này trở thành “qui luật” đức tin đối với các Giáo Phụ thế kỷ IV. Tín biểu Nicée tương ứng với phần đầu của Kinh tin Kính đọc trong phụng vụ cho tới những chữ: Tôi tin Đức Chúa Thánh Thần. Tín biểu này dựa vào tín biểu của Césarée nhưng xác định rõ hơn, khẳng quyết Chúa Con sinh từ bản thể Chúa Cha, Ngài là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa”, “đồng bản thể (Consubstantiel), vay mượn ở ngôn ngữ triết học nhằm loại bỏ mọi ý tưởng về một sự khác biệt về bản tính hoặc “bản thể” (substance) giữa Chúa Cha và Chúa Con, ngang bằng nhau về thần tính, có “cùng bản thể” và ngay cả một bản thể “duy nhất” theo nghĩa được minh nhiên gán cho từ ngữ này sau Công Đồng Nicée. Đây chính là sự bác bỏ một Đức Kitô trung gian thuộc về vũ trụ, được phú ban một thần tính thấp kém hơn. Nicée nói với chúng ta rằng nơi Đức Giêsu Kitô chúng ta gặp được chính Đấng Tuyệt Đối là Thiên Chúa, một Thiên Chúa thật sự dấn thân vào trong thế giới chúng ta. Đức tin hệ tại ở việc Ngài tự mặc khải thế nào thì ta đón nhận Ngài thế ấy.

Tại Công đồng Nicée, chỉ có hai Giám mục từ chối ký vào bản tín biểu nhưng một số khác trong số các Giám mục Hy lạp thì chỉ chấp nhận với thái độ do dự, vì e ngại cách giải thích theo hình thái thuyết về từ ngữ “đồng bản thể”. Từ ngữ này sẽ còn là trọng tâm của cuộc tranh luận trong nhiều thập kỷ.

Bên Đông Phương, có ba khuôn mặt giám mục nổi bật mỗi người một cách, minh hoạ cho chúng ta giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng trầm trọng về tín lý ở thế kỷ IV này: Eusèbe thành Césarée, Eustache thành Antioche và Athanase thành Alexandrie. Bên Tây Phương, có thánh Hilaire, vị đại tiến sĩ đầu tiên của thế kỷ IV.

* Ghi chú:

Để hiểu rõ hơn tín biểu Nicée, ta có thể đọc thêm dưới đây tín biểu của Césarée de Palestine, vì tín biểu này đã là nền tảng để soạn ra tín biểu Nicée (với những chữ đậm nghiêng được thêm vào để chống lại Arius).

Tín biểu của Césarée:

Chúng tôi tin một Thiên Chúa là Cha toàn năng Đấng tạo dựng muôn vật hữu hình và vô hình và tin một Chúa Giêsu Kitô Ngôi Lời Thiên Chúa, Thiên Chúa bởi Thiên chúa ánh sáng bởi ánh sáng, sự sống bởi sự sống. Con một, trưởng tử mọi tạo vật sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời. Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Để cứu rỗi chúng tôi, Người đã mặc lấy xác phàm và đã cư ngụ giữa chúng tôi. Người đã chịu khổ hình. Ngày thứ ba Người đã sống lại. Người lên cùng Chúa Cha và sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Chúng tôi cũng tin một Chúa Thánh Thần.

***

ĐOẠN I: THÁNH ATHANASE GIÁM MỤC ALEXANDRIE (295 - 373)

Thánh Athanase là một nhân vật thời danh vào bậc nhất trong hàng Giáo phụ và là vị Giám mục trổi vượt hơn hết tại Alexandrie. Kế vị Giám mục Alexandre, Ngài đã điều khiển Giáo đoàn Alexandrie từ năm 328 đến 373, tức 45 năm. Với một lòng quả cảm bất khuất, Athanase không hề lùi bước trước một gian nguy và bất nhân nào. Coi thường mọi hăm doạ cả về tính mạng Ngài đã mạnh bạo đứng ra bênh vực đức tin của công đồng Nicée (325) và đã đáng được thánh Grégoire de Nazianze gọi là cột trự của Giáo hội (Or. 21, 26). Phái Ariô coi Ngài là kẻ thù số một nên đã tìm mọi cách để hạ sát Ngài, kể cả việc kêu gọi đến bàn tay Chính quyền và mua chuộc Giáo quyền. Năm lần bị trục xuất khỏi toà Giám mục và buộc phải sống lưu vong trong 17 năm, Ngài vẫn kiên trì chiến đấu cho chân lý chống lại kẻ thù của Đức tin.

Tuy nhiên một tính tình cương trực như vậy vẫn biết tự chế để sống hòa dịu và khoan dung với những kẻ bị lôi cuốn theo bè rối vì lòng ngay. Rất nhiều Giám mục Đông Phương vì cắt nghĩa sai lầm nên đã bác bỏ Đức tin “homoousios” của Nicée tuyên xưng Chúa Con “đồng bản tính” (homoousios với Chúa Cha). Athanase đã biết thông cảm với nhóm người “bán Ariô” này và kiên trì chịu đựng để sau cùng khéo léo đưa họ về với đức tin chân chính. Vì thế, sau này Giáo hội Đông Phương đã tặng cho Ngài tước hiệu “Cha của Đức tin chính thống” (Père de l’Orthodoxie) và Giáo hội Tây Phương coi Ngài là một trong 4 vị Đại Tiến sĩ của Đông Phương.

I. THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP

A. Thân thế

1. Giai đoạn Athanase lớn lên đồng thời với phái Ariô trong một Giáo hội Ai-Cập chia rẽ

Sinh tại Alexandrie vào năm 295 (?). Năm Ngài lên 18 tuổi tức 313, một vị Giám mục mới là Alexandre được bổ nhiệm coi sóc Giáo đoàn. Nhưng lúc này thủ đô Alexandrie không còn là một trung tâm văn hóa Kitô giáo nữa. Trường Didascalie, hay “Cao đẳng Giáo lý”, do Origène thiết lập năm 202 nay không còn ai biết đến. Thêm vào đó lại có một cuộc ly giáo do Mélèce de Licopolis chủ trương. Đây là hậu quả do cuộc bắt đạo đời Dioclétien gây nên. Sau cơn cấm cách đó Giám mục Alexandre đã quá hấp tấp giải gỡ và giao hòa những người đã chối đạo (lapsi). Để phản đối, Mélèce đã ly khai với Giáo đoàn và lôi cuốn được cả một phần giáo sĩ theo ông.

Cùng một trật, ta thấy xuất hiện một phong trào tu đức khổ hạnh với những vị tu rừng tiên khởi là Antôn và Pacôme tại sa mạc Ai cập. Phong trào này sẽ đặc biệt phát huy nền văn chương Copte.

Nhưng rồi không mấy chốc một lạc thuyết nguy hiểm ra đời và gây nhiều xáo trộn trong Giáo hội. Lạc thuyết này do Linh mục Arius người xứ Lybie, làm cha sở tại quận “Baucalis” ở Alexandrie chủ xướng, Ariô vừa sống một đời khổ hạnh gương mẫu vừa là một tông đồ rất nhiệt thành. Trong một ít bài giảng, một số thư và một loạt bài ca vãn bình dân mà ông đặt cho bổn đạo hát, người ta thấy ông hạ Chúa Con (Đức Kitô) xuống hàng Á thần: “Ngài đã được dựng nên từ hư vô, Ngài có thể tiến triển Ngài không có bản tính Thiên Chúa nhưng chỉ được kết hợp với Chúa Cha do ý chí. Đã có một thời Ngôi Con không hiện hữu, Ngài chỉ là Con Thiên Chúa theo nghĩa luân lý, chứ không theo nghĩa siêu hình...”

Đứng trước sự việc đó, Giám mục Alexandre đã phản ứng mãnh liệt vào năm 318 một Công đồng miền Ai cập đã nhóm họp để lên án Ariô. Bị luận phi tại Alexanrie, Ariô liền đi tìm sự ủng hộ nơi hai Giám mục bạn là Eusèbe de Césarée và Eusèbe de Nicomédie. Nếu vị thứ nhất chỉ ủng hộ một cách hững hờ thì vị thứ hai đã nhiệt liệt đỡ đầu cho bè rối với sự nâng đỡ (lúc đó) của chính hoàng đế Constantin.

Chính trong bối cảnh này Athanase bắt đầu xuất hiện để chiến đấu với kẻ thù của Giáo hội. Ta biết rất ít về tuổi thanh niên của ngài, chỉ biết là Ngài đã theo học văn chương và thần học tại Alexandrie. Năm 24 tuổi, tức 319, Ngài đã lãnh chức Phó tế rồi sau đó trở thành thư ký của Giám mục Alexandre.

2. Giai đoạn Athanase có mặt tại Công đồng Nicée (325)

Đây là công đồng chung thứ I do Hoàng đế Constantin triệu tập và chủ tọa với mục đích là kết án Ariô và hoạch định về tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi. Athanase có mặt tại Công đồng với danh nghĩa nào? Ngài chỉ là một Phó tế và Thư ký của Giám mục Alexandre. Chắc chắn Ngài đã không đóng một vai trò quan trọng nào trong các cuộc bàn cãi dành cho các Nghị Phụ Công đồng thôi.

Công đồng đã tuyên bố: “Chúa Con đồng bản tính (homoousios, OmoousioV) với Chúa Cha”. Kết quả là phái Ariô từ chối không chấp nhận tiếng “omoousios”, nghĩa là không chấp nhận sự bình đẳng giữa Chúa Cha và Chúa Con. Trên thực tế họ phân chia làm 3 phe nhóm:

- Nhóm Anoméens, quá khích, do Aèce và Eunome chủ trương. Họ gọi Chúa Con là Anomoios (anomoioV) nghĩa là hoàn toàn khác, không giống Chúa Cha.

- Nhóm Homéens, dung hòa, Eusèbe de Césarée đứng đầu, dùng một kiểu nói mập mờ: “Chúa Con giống Chúa Cha trong mọi sự” (homoios kata panta). Phe quá khích trong nhóm này chủ trương chỉ dùng tiếng Homoios mà thôi (omoioV).

- Nhóm Homéousiens, bảo thủ, với Basile d’Ancyre chủ trì, quả quyết Chúa Con có một “bản tính giống với” Chúa Cha (homoiousios, omoiousioV).

Vì bất khẳng nên Ariô bị luận phi và bị Hoàng đế Constantin đày sang Illyrie cho tới năm 328 mới được gọi về.

3. Giai đoạn Athanase được chọn làm Giám mục năm 328, bị truất phế tại Hội đồng Tyr năm 335 và phát lưu tại Trèves tới cuối năm 337

Alexandre qua đời năm 328 và Athanase được chọn lên kế vị vào tuổi 32. Lập tức Ngài gặp những chống đối mãnh liệt, nhất là do Melèce và các giáo sĩ theo ông. Một câu truyện bất bình xẩy ra trong một buổi kinh lý giữa Ngài và linh mục Ischyras. Hình như đã có một vài xô xát... và Linh mục Ischyras đệ đơn tố giác với Hoàng đế là Athanase đã chủ mưu ám sát ông. Ngài bị triệu đến Hội đồng Tyr năm 335, bị truất phế và phát lưu sang Trèves trên bờ sông Rhin thuộc xứ Gaule (hay là Trier thuộc Đức quốc). Được tiếp đón nồng nhiệt bởi Giám mục sở tại Ngài lưu lại đây 2 năm và có nhiều dịp tiếp xúc hữu ích với Giáo Hội Tây phương.

Hội đồng Tyr năm 335 cũng quyết định xá vạ cho Ariô, đã được tha về từ năm 328, và tái nhập ông vào hàng giáo sĩ như xưa. Hoàng đế Constantin ra lệnh tổ chức một cuộc hòa giải long trọng do Giám mục Constantinople chủ sự. Nhưng đúng vào buổi áp ngày cử hành thì Ariô bất thần qua đời (337). Khi đó Athanase đang sống lưu vong bên Âu châu.

Năm 337 Hoàng đế Constantin qua đời, hai con lên kế vị là Constant I bên Tây phương và Constance II bên Đông phương. Cùng năm ấy Athanase trở về Địa phận vào ngày 23/11.

4. Giai đoạn trở về Alexandrie năm 337, Athanase lại bị Constance phát lưu từ 340 đến 345

Nhưng kẻ thù đâu có để yên. Ngay năm 338 Eusèbe, Giám mục Nicomédie lại đả kích Ngài thậm tệ. Lần này thánh Antôn tu rừng xuống núi để biện hộ cho Athanase. Nhóm thù địch vẫn không khuất phục và năm 339 Eusèbe de Nicomédie lại triệu tập một hội đồng tại Antioche để truất phế Athanase và chọn thế vị Ngài một linh mục mang vạ tuyệt thông tên Pistus. Ông này không được ai chấp nhận, nên họ lại bí mật truyền chức cho Grégoire người Cappadoce rồi dùng cảnh binh chính phủ trục xuất Athanase khỏi Alexandrie và áp đặt Grégoire làm Giám ục (340). Athanase gởi một lá thư cho các Giám mục Ai cập xin các Ngài ủng hộ mình chống lại Grégoire rồi trốn sang Roma cầu cứu Giáo Hoàng Jules I. Một hội đồng được triệu tập tại Roma năm 341 để ủng hộ Athanase và năm 343 Đại Hội đồng Sardique lại long trọng thừa nhận một mình Athanase là Giám mục hợp pháp của Alexandrie. Dầu vậy phải chờ sau khi Grégoire qua đời vào năm 345 Ngài mới được trở về Điạ phận ngày 21 tháng 10 cùng năm.

5. Giai đoạn Mười năm bình an (345 - 355) và bảy năm trốn tránh (355 - 362)

Athanase sống yên hàn được mười năm. Giai đoạn này rất phong phú và là thời kỳ đầu tiên của thời văn sĩ Athanase. Nếu trong thời này ngài đã có một quyết định tốt đẹp là đoạn thông với Marcel d’Ancyre vì ông này ngả theo bè rối thì trái lại cũng có mộ điều đáng tiếc xảy ra trong dịp ngài được mời sang Antioche giàn xếp cuộc tranh chấp ghế giám mục giữa Mélèce và Paulin. Mélèce là Giám mục hợp pháp và mặc dầu có khuGah hướng theo phái Ariô đôi chút, ông vẫn được phần đông giáo hữu Antioche thừa nhận. Chỉ một thiểu số đã chọn Paulin và tấn phong làm Giám mục. Đây là hành động phi pháp. Nhưng đáng tiếc là Athanase lại ủng hộ Paulin. Vì thế Mélèce đã bị phát lưu, và sau này khi được tha về ông đã hoàn toàn chấp nhận đức tin Nicée.

Năm 350 Hoàng đế Constant I bên Tây phương qua đời và năm 351 Constance II trở thành Hoàng đế duy nhất của cả đế quốc Lamã. Vua này không ưa chi mấy Athanase và tìm hết cách loại bỏ Ngài. Năm 355 vua triệu tập Công đồng tại Milan kết án Ngài (chỉ trừ có 3 Giám mục bất khẳng) và đêm mồng 8 tháng 12 năm 356 ngài đã phải bỏ trốn giữa lúc đang hành lễ. Ngài tìm tới các bạn thân đang tu hành tại sa mạc Ai-cập và sống ẩn dật giữa các thày dòng trong suốt 7 năm. Constance II áp đặt Georges cũng người Cappadoce, làm Giám mục tại Alexandrie. Nhưng Constance II qua đời năm 361 và ngụy Giám mục Georges bị ám sát ngày 23 tháng 12 cùng năm. Julien lên nôi Hoàng đế, để xoa dịu lòng dân, liền bãi bỏ mọi án lệnh chống các Giám mục trước đây. Nhờ vậy Athanase lại trở về Alexandrie ngày 22 tháng 2 năm 362.

6. Giai đoạn lưu vong hai lần chót (362 - 365) và qua đời tại Alexandrie (373)

Về thủ đô Ai cập, Athanase bắt tay lập tức vào việc hòa giải phái “bán Ariô” (semi-ariens) với Giáo Hội. Ngài triệu tập và chủ toạ một công đồng miền rất quan trọng tại Alexandrie ngay trong năm 362 với ba mục đích:

- a/. Hiệp nhất các Giám mục dưới đức tin Nicée. Ngài giao hòa với Mélèce d’Antioche và ông này chấp nhận tín điều Nicée.

- b/. Kiện toàn định tín về Thiên chúa Ba Ngôi bằng cách hoạch định thêm là tiếng “đồng bản thể” (homoousios) cũng áp dụng cả cho Chúa Thánh Thần nữa.

- c/. Về Chúa Kitô, Công đồng quả quyết ngài có một linh hồn: “Đấng Cứu Thế đã không có một xác hồn vô cảm giác và không có trí khôn...”. Điều định tín này nhắm Apollinaire. Ông này muốn bênh vực thần tính của Chúa Kitô đã quả quyết ngài kông có linh hồn, nhưng trong ngài Ngôi Lời thay thế linh hồn.

Hoàng đế Julien không ưa gì những cố gắng đưa tới hiệp nhất giữa các Kitô hữu nên năm 363 lại hạ lệnh phóng lưu Athanase về tội quấy rối trị an và là kẻ thù của các thần thánh (Ta biết Julien đã chối bỏ đức tin Kitô giáo và muốn tái lập ngoại giáo trong đế quốc La mã). Athanase lại phải đi ẩn mình, nhưng ngay trong năm đó (363) Hoàng đế Julien qua đời và Athanase lại trở về nhà để rồi phải chịu phát lưu một lần chót dưới triều vua Valens năm 365. Lần này ngài sống ẩn dật trong 4 tháng tại một tư gia ở ngay miền ngoại ô Alexandrie.

Nhưng trước sự bất mãn của dân thành, Valens sợ một cuộc nổi loạn xảy ra nên đành bãi bỏ án lệnh và cho mời Athanase trở về ngày 1 tháng 2 năm 366. Kể từ đây Giám mục Athanase được sống yên ổn đến khi tạ thế là ngày 2 tháng 2 năm 373.

Để kết luận về thân thế Athanase một câu hỏi phải được đặt ra: Có phải Athanase là con người có tính tình quá cứng rắn không? Không, Ngài cũng biết mềm mỏng khi cần và biết hành động theo hoàn cảnh. Thực sự, Ngài rất cứng rắn về mặt tín lý đối với phái Ario. Nhưng nếu ngài tỏ ra bất khuất trong việc bênh đỡ đức tin Nicée chống lại Ariô, thì ngược lại ngài cũng rất mềm mỏng về mặt mục vụ đối với Mélèce và phái bán Ariô. Đối với ngài tín điều của Nicée là sự sống, phái Ariô muốn tiêu diệt chính sự sống của Con Thiên Chúa nơi người tín hữu. Vì thế mà ngài phản ứng rất mạnh mẽ. Đây là tiếng la hoảng của một Kitô hữu khi thấy đời sống của mình bị đe doạ tận nền móng.

Cũng nên chú ý là từ rất sớm, nhiều tác phẩm nặc danh và đáng nghi ngờ về mặt tín lý đã được phổ biến dưới danh nghĩa Athanase. Chính vì vậy mà ngài đã trở thành một người bị chỉ trích nhiều nhất trong khoa Giáo phụ học. H.G. Opitz là người đã cố công nhận diện những tác phẩm ngụy tạo này, và hiện nay công việc còn đang được tiếp tục.

B. Sự nghiệp

Chúng ta không khỏi bỡ ngỡ khi thấy 1 cuộc đời đầy gian lao thử thách và chiến đấu như vậy lại có thể cũng phong phú về mặt văn chương như cuộc đời của Athanase. Ngài đã đả động đến hầu hết mọi vấn đề.

1. Chú giải Thánh Kinh

Ngoại trừ cuốn chú giải Thánh vịnh đã được thánh Jérôme kể tên: “De psalmorum titulis” (De Vir. III, 87), và một bức thư gởi Marcellin: “Epistula ad Marcellinum de interpretatione Psalmorum”. Chúng ta không biết gì hơn. Bộ Giáo Phụ Hy lạp chứa đựng rất nhiều cuốn chú giải dưới danh hiệu Athanase, nhưng thực sự không phải là của ngài.

2. Tác phẩm Minh giáo (318)

Có hai cuốn diễn văn được xuất bản trong bộ “Sources Chrétiennes” (số 18 và 199):

- Cuốn I nhan đề “Oratio contra gentes”: phi bác việc thờ ngẫu thần và minh chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa qua quang cảnh thế giới thiên nhiên và quang cảnh siêu nhiên của linh hồn. ( S. C. 18)

- Cuốn II có tên là “Oratio de incarnatione Verbi”: trình bày những mục tiêu của việc Ngôi Lời nhập thể. Đây là một tác phẩm tín lý, nhằm chứng minh về Kitô giáo dưới hình thức minh giáo. (S. C. 199)

3. Tác phẩm bút chiến

Gồm 2 loại: tín lý và lịch sử, viết vào những năm 358 đến 362?

a/. Bút chiến Tín Lý

Ở đây có rất nhiều tác phẩm ngụy tạo, và thường thuộc về Kitô luận hơn là về Thiên chúa Ba ngôi

- Tác phẩm đích thực

Những tác phẩm được coi là đích thực của Athanase gồm 3 cuốn “Orationes contra Arianos”. Bộ Giáo phụ hy lạp có nói đến một diễn văn thứ 4, nhưng không phải của Athanase. Ba “Orationes contra Arianos” này là phần tín lý chính yếu trong những tác phẩm của Athanase.

+ Cuốn diễn văn I tóm lược giáo thuyết Ario được chính tác giả trình bày trong cuốn Thalie. Diễn văn biện hộ cho định tín của Công đồng Nicée về tính cách vĩnh cửu, bất thụ tạo (agennhtoV) và bất biến dịch của Con Thiên Chúa, cũng như duy nhất tính trong yếu tính thần linh giữa Cha và Con.

+ Cuốn diễn văn II và III phi bác lối cắt nghĩa Thánh Kinh của phái Ariô, rồi tìm lại ý nghĩa trung thực của những bản văn Thánh Kinh nói về cuộc nhiệm sinh của Chúa Con (Hébr. 3, 2; Act. 2, 36; Prov. 8, 22), về mối liên hệ Cha Con theo P. A. thứ 4, và về cuộc Nhập thể (Mt. 28, 18; Jn. 3, 35; Mt. 26, 39; Jn. 12, 27; Mc. 13, 32; Lc. 2, 52).

- Tác phẩm bị hoài nghi

Những tác phẩm bị hoài nghi không phải của Athanase gồm: “De Incarnatione et contra arianos”, “Expositio fidei” “De Incarnatione Verbi”.

+ Mặc dầu một số học giả viện lẽ nơi Athanase tiếng “Hypostasis” đồng nghĩa với Essentia, đã đặt nghi vấn về cuốn thứ nhất De Incarnatione et contra arinanos, ta vẫn có thể coi đây là một tác phẩm đích thực của Athanase; bằng chứng là năm 362 tại công đồng miền Alexandrie Athanase đã chấp nhận là hypostasis có thể được dùng với nghĩa personna nữa. Sách bàn về thần tính của Đức Kitô và của Chúa Thánh Thần theo chứng lý Thánh Kinh.

+ Cuốn thứ hai, Expositio fidei, được E. Schwartz gán cho Eustathe d’Antioche. Nội dung gồm một kinh tin Kính về Chúa Ba Ngôi, kèm theo một bản chú giải nhấn mạnh đến sự hiện hữu tách biệt của Ngôi Con và tính cách bất thụ tạo của Ngài.

+ Cuốn thứ III, De Incarnatio Verbi, rất có thể là một tác phẩm đích thực của Athanase. Trong trường hợp đó ta có thể coi đây là phần tương đương Giáo phụ của cuốn “Cur Deus homo?” của thánh Anselme sau này.

- Tác phẩm được phổ biến dưới danh nghĩa Athanase

Những tác phẩm này được xác định chắc chắn không phải của Athanase, nhưng đã được phổ biến dưới danh nghĩa ngài:

+ Bộ “De Trinitate Libri XX” nhưng nay mới chỉ có 3 cuốn sau cùng đã được xuất bản là: “Expositio fidei catholicae”, “Professio Ariana et confessio catholica” “De Trinitate et de Spiritu Sancto”.

+ Kinh “Symbolum Athanasianum” hay “Quicumque” (Dz. 39): Kinh này không có liên hệ gì với thánh Athanase hết. Đây là một sáng tác của thần học Tây phương trực tiếp bằng La ngữ. Những bản bằng Hy ngữ chỉ là bản dịch. Kinh tin kính dài 40 khoản nói về Thiên Chúa Ba Ngôi và về hai bản tính trong ngôi vị thần linh duy nhất của Chúa Con. Nó đã xuất hiện tại xứ Gaule vào hậu bán thể kỷ thứ V. Nếu thật đây là một sáng tác của một tác giả cá nhân thì người ta có nhiều lý do để gán cho Césaire Giám mục Arles (502-542). Nhưng đúng hơn có lẽ kinh này đã được nhiều Hội đồng miền đặt ra. Dầu sao, kể từ thế kỷ thứ VII cho đến thế kỷ thứ XVII, kinh này đã mang tên thánh Athanase và người ta đã tin chắc như vậy trong suốn 10 thế kỷ.[3]

b/. Bút chiến Lịch Sử

- Quyển “Apologia contra Arianos”: Đây là tác phẩm chính Athanase đã viết vào năm 357 hay 367 để biện minh cho mình chống lại những tố giác điêu ngoa của phái Ariô. Để làm việc này Athanase đã sưu tập cả một loạt tài liệu gồm những hoạt động và quyết định của nhiều Hội đồng trước đó, cũng như nhiều bức thư quan trọng của những nhân vật cao cấp đã có liên lạc với Ngài. Đây là cả một nguồn suối có giá trị hạng nhất về mặt lịch sử bút chiến chống phái Ariô.

- Quyển “Apologia ad Constantium imperatorem: Tác phẩm này Athanase viết vào năm 357 để biện hộ cho mình khi bị cáo giác là đã xúi giục Hoàng đế Constant chống lại em mình là Constance. Đây là tác phẩm đã được viết cẩn thận hơn hết, với một giọng văn đanh thép tao nhã và cao thượng đi đôi với một tài nghệ khéo léo hiếm có về mặt lý luận và văn chương.

- Quyển “Apologia pro fuga sua”: Cùng được viết viết vào năm 357, qua tác phẩm này, Athanase phi bác những ai chỉ trích ngài là hèn nhát trong dịp trốn tránh năm 356. Ngài nại đến gương Chúa Giêsu và các Thánh trong Kinh Thánh để tự biện minh. Ở đây ngài đã lặp lại thánh Cyprien vậy.

- Quyển “Historia Arianorum ad monachos”: Athanase viết cuốn này vào năm 358 theo lời yêu cầu của các thầy dòng ẩn tu Ai cập khi ngài trốn tránh nơi họ. Sách kể lại hai năm chiến đấu chống phái Ariô: 335-337. Ở đây Hoàng đế Constance bị coi là thù địch Đức Kitô, bảo trợ bè rối và là tiền hô của Quỉ Vương.

- Quyển “Epistula de Sententia Dyonisii episcopi alexandrini”: Denys Giám mục Alexandrie trước đây có trình bày những lý chứng về Thiên Chúa Ba Ngôi, nay phái Ario viện lấy để bào chữa cho lạc thuyết của họ. Vì thế Athanase đã viết cuốn sách này để trình bày thần học chính tông của Giám mục Denys.

- Quyển “Epistula de decretis Nicaenae synodis”: Được viết năm 350-351, đây là một tác phẩm bút chiến rất quan trọng nhằm biện minh cho những kiểu nói “từ bản thể” “đồng bản thể” (ekthVousiaVomoousioV) của Nicée đang bị phái Ariô đả kích. Athanase trả lời đã hẳn những kiểu nói đó không có trong Thánh Kinh, nhưng ý nghĩa của nó đã nằm sẵn trong Thánh Kinh, và Giáo Hội, qua các vị “Giáo Phụ” kể từ Origène, Denys de Rome, Denys d’Alexandrie và Théognoste vẫn dùng. Đây là một tác phẩm Giáo Phụ đã dùng đến chứng lý Giáo truyền (Traditio) vậy.

- Quyển “Epistula de synodis Arimini in Italia et Seleuciae in Isauria celebratis” viết vào năm 359. Ở đây Athanase cố gắng thuyết phục Basile d’Ancyre chấp nhận “homoousios” của Nicée. Ngài nói sở dĩ từ ngữ chân chính này xem ra khó chấp nhận là vì 50 năm trước Anicée, Paul de Samosate đã dùng từ ngữ này và đã hiểu sai là Ngôi Con không những đồng bản tính lại còn đồng ngôi vị với Chúa Cha nữa, nên đã bị kết án.

- Quyển “Epistula ad Adelphium episcopum et confessorem” được viết vào năm 370-371 để trả lời cho một bản tường trình của Giám mục Adelphius về những tố giác của phái Ario cho là Công đồng Nicée đã cho phép thờ lạy một thụ tạo nơi nhân tính của Đức Kitô.

4. Những tác phẩm thiêng liêng và tu đức (luân lý và kỷ luật)

a/. “Hạnh thánh Antôn” (Vita Antonii)

Tác phẩm Vita Antonii được viết vào năm 357, phỏng một năm sau ngày qua đời (356) của vị tu rừng đại thánh này. Cuốn Vita rất nổi tiếng này đã được Athanase viết do lời yêu cầu của chính các thầy dòng con cái của Thánh Antôn, và tác giả nhằm mục đích là trình bày một mẫu mực cho đời sống tận hiến vì Thiên Chúa. Sách được viết theo những luật lệ của thời đại lúc đó, nhất là theo hạnh các đại danh nhân hoặc các bậc anh hùng cổ điển. Công lớn của Athanase ở đây là đã biết diễn đạt theo khuôn thước Kitô giáo những thành ngữ mượn từ những lý tưởng bình dân của thời đại và đã khám phá ra cùng một khí thế anh hùng trong một con người đã được sức mạnh của ân sủng nâng đỡ để bắt chước Chúa Kitô cách trọn vẹn. Con người đó chính là Antôn vậy.

Sách đã thâu lượm một kết quả thất lớn lao và ngay từ năm 357 đã được Evagre d’Antioche dịch sang La ngữ, và chính bản dịch La ngữ này đã giữ một vai trò rất quan trọng trong việc phổ biến lý tưởng tu trì nói chung và trong việc du nhập đời sống viện tu vào Tây phương. Cuốn Tự thúcủa thánh Augustin (cf. 8, 6, 14) đã cho thấy ảnh hưởng dứt khóat của cuốn Vita Antonii trong việc trở lại của thánh nhân và việc phát sinh nhiều ơn kêu gọi tu dòng. Cuốn Vita còn mở màn cho khoa hạnh các thánh một lối trình bày gồm những yếu tố xác thực của một đời sống thiêng liêng sâu sắc, pha trộn những nét đượm mầu ngây thơ hồn nhiên hoặc đầy vẻ thần diệu. Lối trình bày này sẽ được thịnh hành thật lâu trong Kitô giáo.

b/. Những tác phẩm nói về đức trinh khiết

Thánh Jérôme (trong De Vir. ill. 87) quả quyết Athanase đã nhiều lần viết về đức trinh khiết. Hơn nữa trong bộ Giáo Phụ Hy lạp, ta gặp thấy giữa các tác phẩm của Athanase một cuốn nhan đề De virginitate (PeriparqeniaV)[4]. Nhưng rất nhiều học giả cho rằng cuốn sách này không phải của Athanase. Ngoài ra E. Von der Goltz đã cho xuất bản một cuốn diễn văn về đức trinh khiết mà ông quả quyết là tác phẩm của Athanase. Diễn văn này rất giống những mẩu bằng tiếng Copte còn sót lại từ một bức thư Athanase đã viết gởi các trinh nữ. Bức thư miêu tả chân dung Đức Trinh Nữ Maria và chân dung này đã được khai thác rất nhiều bên Tây phương, đặc biệt nơi thánh Ambroise.

5. Thư từ

N. B. Chú ý là những cuốn “De Sententia Dyonisii”, “De Decretis Nicaenae synodis”, “ De Synodis Arimini... et Seleuciae” “Epistula ad Adelphium” đã nói trên cũng phải được xếp vào loại thư từ.

a/. Thư Hội đồng (lettres synodales)

Đây là các bức thư mà các Giám mục sau mỗi lần nhóm họp đã xin Athanase viết lại. Có 3 thư thuộc loại này?

-Quyển “Tomus ad Antiochenos” viết nhân danh công đồng miền Alexandrie năm 362 nói về hiện tình rối loạn trong Giáo đoàn Antiochia do giáo thuyết Ario gây nên, và đề nghị những phương thức hữu hiệu nhất để tái lập sự ổn định và thông hảo cho giáo đoàn này.

- Quyển “Epistula ad Jovianum imperatorem” là một bản trình bày đức tin chân thật do lời yêu cầu của Hoàng đế Jovien. Thư được viết theo lệnh của Công đồng miền Alexandrie năm 362.

- Quyển “Epistula ad Afros episcopos” gởi 90 Giám mục xứ Ai cập và Libye họp Công đồng tại Alexandrie năm 369. Bức thư cảnh cáo các Giám mục phải đề phòng những cố gắng của phái Ariô muốn phổ biến những điều sai lầm mà Hội đồng Rimini đã quả quyết chống lại đức tin của Nicée.

b/. Thư chung

Đây là những bức thư Athanase gởi các Giám mục Ai cập và Libye với mục đích chính là tự biện hộ trước những lời vu khống của phái Ariô hoặc chính quyền. Thuộc loại này ta có thể kể quyển “Epistula ad episcopos encyclica” (339) và quyển “Epistula encyclica ad episcopos Aegypti et Libyae” (356?).

c/. Thư tín lý

- Epistulae IV ad Serapionem episcopum Thmuitanum (359-360). Bốn bức thư gởi Sérapion Giám mục Thmuis này luận về thần tính của Chúa Thánh Thần chống lại phái Ariô.

- Epistula ad Epictetum episcopum Crinthi, gọi tắt là thư gởi Epictète, bàn về liên hệ giữa Đức Kitô lịch sử và Chúa Con vĩnh cửu[5]. Bức thư này sẽ được Công đồng Chalcédoine (451) chính thức chấp nhận. Nhưng hiện nay chúng ta có hai bản khác nhau nên không rõ bản nào đã được công đồng chung chấp nhận.

d/. Thư cảm hóa và “luân lý”

- Epistula ad Dracontium (354-355). Athanase khuyến cáo Dracontius chấp nhận chức Giám mục mà ông từ chối viện lẽ mình là một linh mục dòng. Bức thư xem ra đã có kết quả vì năm 362 ta thấy Dracontius có mặt tại Công đồng miền Alexandrie với tư cách là Giám mục thành Hermoupolis Parva.

- Epistula ad Amunem monachum (356). Athanase cố gắng sửa chữa tâm hồn quá bối rối của thầy dòng Amon...

- Hai bức thư gởi Lucifer Giám mục Cagliari tại đảo Sardaigne, vì bằng La ngữ nên từ lâu vẫn bị hoài nghi không phải của Athanase. Nhưng mới đây nguyên bản Hy lạp được khám phá đã là bằng chứng hai bức thư này đích là của Athanase. Trong thư thứ nhất Athanase xin Giám mục Lucifer gởi cho mình bản sao các thư ông đã viết cho Hoàng đế Constance, và thư thứ hai cám ơn tác giả đã gởi những thư yêu cầu. Với một giọng nói đanh thép, Athanase ca ngợi sự vững vàng đức tin và lòng quả cảm của giám mục Lucifer trong việc bênh đỡ Giáo Hội chống lại Ariô và bè lũ.

e/. Thư phục sinh (lettres pascales hay festales)

Theo thông lệ đã có từ đời Denys, với danh nghĩa là Giám mục Alexandrie, hằng năm Athanase gởi thư loan báo mùa Chay và ngày mừng lễ Phục sinh cho các Giám mục trong miền. Những thư này cũng giải quyết những vấn đề thông thường thuộc đời sống giáo sĩ và giáo dân trong việc cầu nguyện, chay tịnh và lãnh các bí tích.

Nếu hiện nay chỉ còn một vài mẩu sót lại từ nguyên bản Hy lạp thì trái lại bản dịch syriaque còn giữ được nguyên vẹn 13 bức thư viết vào những năm 329-348. Mới đây Lefort lại cho xuất bản 17 bức thư còn nguyên vẹn trong bản dịch bằng tiếng Copte.

Một trong số các thư Phục sinh đã lôi kéo được sự chú ý của các học giả từ cổ chí kim đó là bức thư 39 viết vào năm 367 mà bản văn có thể đước tái lập đầy đủ dựa vào các mẩu còn sót lại từ nguyên bản Hy lạp và hai bản dịch Syriaque và copte. Sau khi đả kích phe rối đạo đã đưa cả ngụy kinh vào Thánh Kinh đã được Chúa linh ứng, bức thư kể tên bản chính lục của Cựu Ước và Tân Ước đã được truyền tụng trong Giáo Hội. Đây là lần thứ nhất 27 quyển Thánh Kinh trong bộ Tân Ước đã được tuyên bố là những sách duy nhất thuộc bản chính lục. Bên cạnh bản chính lục Tân Tước này Athanase còn nói cả đến cuốn Didachè và cuốn Pasteur d’Hermas, nhưng ngài coi đó là những sách đạo đức có sức cảm hóa đối với những người mới tòng giáo. Theo Athanase thì hai cuốn này cũng có giá trị ngang hàng với những cuốn sách cùng loại bên cạnh bộ Cựu Ước là: Khôn ngoan, Esther, Judith, Tobia. Bản chính lục Cựu Ước coi 4 cuốn sách vừa kể trên đây thuộc vào hạng nhì. Đây là những lời lẽ của chính Athanase trong bức thư: “Ngoài số này ra còn nhiều sách không thuộc bộ chính lục, nhưng các Thánh Phụ (Patres) khuyên người tân tòng nên đọc nếu họ muốn tìm hiểu về Lời Chúa và về đời sống đạo đức, đó là: Sách Khôn ngoan của Salomon, sách Khôn ngoan của Sirach sách Esther, Judith, Tobia, Giáo lý của 12 Tông đồ (Didachè) và cuốn Pasteur (d’Hermas).”

Nên chú ý là bản chính lục này y hệt về nội dung và thứ tự các sách với bản chính lục trong thủ bản hoàn hảo nhất của bộ Thánh Kinh Hy ngữ, tức bản Codex Vaticanus, thuộc đầu thế kỷ thứ IV. Ngoài việc kể một số sách nói trên vào hạng nhì không chính thức thuộc bản chính lục, cả hai đều cũng bỏ qua không nói đến 2 cuốn Maccabées trong bộ Cựu Ước.

II. THẦN HỌC CỦA THÁNH ATHANASE

Athanase không phải là một nhà thần học theo nghĩa khoa học. Ngài không mang lại được gì mới mẻ về mặt từ ngữ cũng như suy luận và hệ thống hóa, nhưng lịch sử tín điều ở thế kỷ thứ IV lại đồng hóa với tiểu sử của ngài. Công lớn của Ngài là đã biết bênh vực truyền thống Kitô giáo tức là đức tin, khỏi rơi vào nguy cơ bị đồng hóa với văn hóa Hy lạp. đây là một lỗi lầm rất lớn của Ariô và phe nhóm. Là môn đồ trung thành của Origène, Athanase dùng từ ngữ và khái niệm Hy lạp trong khi vẫn đặt để vào đó cả một nội dung rút ra từ mạc khải. Chống lại khuynh hướng duy lý của phái Ariô, Athanase dành ưu tiên cho đức tin trước lý trí trên bình diện siêu hình. Nếu ngài dùng đến triết học thì chỉ là để làm sáng tỏ giáo thuyết của Giáo Hội, chứ không phải để thấu triệt yếu tính thần linh nhờ vào trí óc con người.

Dầu sao, về mặt tín lý, không phải Athanase chỉ biện hộ cho tính cách “đồng bản thể” giữa Chúa Cha và Chúa Con thôi, ngài còn trình bày về bản tính và về việc nhiệm sinh của Ngôi Lời một cách có kết quả hơn tất cả những thần học gia trong quá khứ. Nhờ vậy ngài đã thiết đặt những nền móng chắc chắn cho việc phát triển thần học tại những thế hệ tương lai: Giáo thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi và Kitô luận trong Giáo Hội đã mượn ở nơi ngài những tư tưởng chính yếu.

1. Thiên Chúa Ba Ngôi

Trong thư thứ 1 gởi Sérapion, Athanase quả quyết rằng Thiên Chúa Ba Ngôi “không làm thành bởi tạo hóa và bởi thụ tạo, nhưng toàn thể đều là tạo hóa”[6]. Nói thế, Athanase đã gạt bỏ luôn cả chủ trương của Ariô cho là cần thiết phải có một Logos làm trung gian trong việc tạo dựng vũ trụ, vì thụ tạo quá yếu hèn không thể trực tiếp kham nổi bàn tay của Thiên Chúa, nên trước hết Ngài đã phải tạo dựng Chúa Con hay Ngôi Lời, để làm trung gian cho việc tạo dựng mọi cái khác[7].

Ariô đặt Logos về phía thụ tạo, còn Athanase thì đặt Ngài về phía Thiên Chúa và tuyên bố: “Ngôi Lời đã không được tạo dựng nhưng Ngài đã được sinh ra”. Ariô quả quyết rằng Chúa Con là một thụ tạo của Chúa Cha, một tác phẩm của ý chí Ngài,... Chống lại, Athanase nói: “Danh hiệu “Con” hiểu ngầm việc nhiệm sinh của Ngài, mà sinh có nghĩa là hiệu quả của “yếu tính” Chúa Cha chứ không phải của ý chí Ngài. Chính vì thế mà Con không thể được gọi là thụ tạo của Chúa Cha. Ngài có cùng với Chúa Cha sự sung mãn về thần tính của Chúa Cha, và Ngài hoàn toàn là Thiên Chúa”[8]. Athanase dùng hình ảnh ánh sáng phát xuất từ mặt trời để minh chứng rằng việc nhiệm sinh thần linh khác biệt việc sinh sản nhân loại do tính cách bất khả phân của Thiên Chúa[9].

Vì lý do đó mà Chúa Con cũng vĩnh cửu như Chúa Cha. Cha và Con tuy hai mà một (tauton) bởi vì cả hai có cùng một bản tính (jusiV).[10]

Lại nữa chỉ có thể có một vị Con mà thôi bởi vì một mình Ngài đã múc cạn hoàn toàn sự phong phú nơi Chúa Cha xét như chủ sinh[11].

Trong một giáo thuyết như vậy về Ngôi Lời, phụ thuộc thuyết không còn chỗ đứng nữa. Nếu Chúa Con nói: “Cha lớn hơn Ta” thì điều đó chỉ có nghĩa là: Cha là nguồn gốc và Con phát xuất từ nguồn gốc đó.[12] Được nhiệm sinh từ đời đời, Chúa Con “bởi bản tính Chúa Cha” (ekthVousiaVtouPatroV). Ngài “đồng bản tính với Chúa Cha” (omoousioV, homoousios): đó là hai thành ngữ đã được dùng tại Nicée mà Athanase đã hăng say bênh đỡ, vì ngài coi đây là tuyệt đối căn bản cho đức tin. Ngài cũng bác bỏ luôn cả từ ngữ omoioV” (homoios, giống như) của phái “bán Ario” chủ trương Chúa Con giống như Chúa Cha theo bản thể” (omoioVkataousian)[13].

2. Ngôi Lời và Cứu chuộc

Giáo thuyết về Ngôi Lời của Athanase liên hệ trực tiếp với ý niệm Cứu chuộc: “Ngài đã làm người để chúng ta trở thành Thiên chúa;... Ngài đã chịu những sỉ nhục của người đời để chúng ta tham dự vào ơn bất tử[14]. Ngôi Lời phải nhập thể mới có thể chịu chết và nhờ đó mới cứu chuộc được nhân loại hư hỏng[15].

Chính do ý chí cứu chuộc của Thiên Chúa mà Ngôi Lời đã nhập thể và chịu chết. Chúng ta đã không được cứu chuộc nếu Thiên Chúa đã không làm người, và nếu Đức Kitô đã không phải là Thiên Chúa. Ngôi Lời trọng khi nhận lấy nhân tính đã thần hóa nhân loại; Ngài đã chiến thắng tử thần không những cho Ngài mà còn cho chúng ta nữa[16].

Nếu Đức Kitô không phải là Thiên Chúa theo bản tính mà chỉ là được tham dự vào thiên tính thôi, thì Ngài không thể làm cho ai nên giống Thiên Chúa được, bởi vì kẻ chỉ đi mượn thì lấy gì mà cho?[17]

3. Kitô luận

Vẫn phân biệt rõ rệt thiên tính và nhân tính trong Ngôi Lời nhập thể, Athanase nhấn mạnh đến tính cách duy nhấtt về Ngôi vị nơi Đức Kitô[18]. Như vậy tất cả những gì Chúa Giêsu làm với tư cách là Thiên Chúa và là người đều thuộc về cùng một ngôi vị[19].

Tuy nhiên những khám phá mới đây đã minh chứng rằng mặc dầu không chối bỏ linh hồn nhân loại của Đức Kitô (coi Công đồng miền Alexandrie năm 362; thân thế Athanase, giai đoạn 6), Athanase hầu như không dành cho linh hồn đó một chỗ đứng nổi bật nào trong Kitô luận của ngài hết. Ở đây Athanase chịu ảnh hưởng của hình thức Kitô luận cổ thời xây dựng trên liên hệ Logos-Sarx (Verbum-Caro) mà Ariô và Apollinaire là những đại diện chính thức và điển hình. Cả hai đều chối bỏ linh hồn nhân loại của Chúa Kitô và chủ trương là nơi Ngài Logos thay thế linh hồn đó. Không quá khích như hai nhân vật trên, Athanase được coi như là đại diện dung hòa nhưng chính giáo của cùng một hình thức Kitô luận đó. Ngài không hề bao giờ minh nhiên chối bỏ sự hiện hữu của linh hồn nhân loại nơi Đức Kitô. Nhãn giới chính yếu của ngài là nhiệm cục, nên ngài đã nhấn mạnh đến Logos (Verbum) và Sarx (Caro) nơi Đức Kitô mà không tìm cách giải quyết vấn đề liên hệ phải được đặt ra giữa hai hạn từ đó. Cho dầu khái niệm chết là hồn lìa xác rất quen thuộc đối với ngài, Athanase vẫn không hề nói đến linh hồn khi ngài luận về cái chết của Đức Kitô; trái lại, trung thành với lối Kitô luận Logos-Sarx, ngài vẫn thay thế linh hồn bằng Logos, và quan niệm cái chết của Đức Kitô như là việc Logos lìa khỏi thân xác (Sarx) vậy.[20]

Chính mối duy nhất về ngôi vị thiên tính và nhân tính đó là lý do khiến Đức Maria đích thực là “Mẹ Thiên Chúa”. Athanase viết: “Mục đích và biệt hiệu của Thánh Kinh, như tôi thường nói, là loan báo một giáo lý kép về Đấng Cứu Thế: Ngài luôn luôn vẫn là Thiên Chúa và là Con, xét vì ngài là Ngôi Lời tức là vinh quang và khôn ngoan của Chúa Cha; và sau này, vì chúng ta, một khi đã nhận lấy thân xác từ (lòng) Trinh nữ Maria Mẹ Thiên Chúa (QeotokoV) ngài đã làm người”[21].

Mối duy nhất về ngôi vị nơi Đức Kitô còn làm phát sinh một hậu quả thứ hai là “communicatio idiomatum”. Chính sự kiện này cho phép chúng ta được thờ lạy Đức Kitô ngay trong bản tính nhân loại của Ngài, vì bản tính đó nay đã trở thành thân xác của Thiên Chúa, “Ngôi Lời nhập thể” vậy.[22] Hơn nữa sự kiện nhập thể và cái chết của Đức Kitô đã không phải là một hổ thẹn cho Thiên Chúa mà còn là một vinh dự cho Ngài, vì thế mà chúng ta lại càng có lý để thờ lạy Chúa Giêsu.[23]

4. Chúa Thánh Thần

Anathase quả quyết mạnh mẽ về thần tính của Chúa Thánh Thần và về sự đồng nhất trong yếu tính giữa Chúa Thánh Thần và Chúa Cha. Thánh Thần phải là Thiên Chúa, vì nếu Ngài là một thụ tạo, thì chúng ta không thể tham dự vào đời sống thần linh trong Ngài được.[24] Hơn nữa, vì là thành phần trong Ba Ngôi đồng nhất về bản tính, nên Thánh Thần không được tạo thành, nhưng là Thiên Chúa.[25]

Cũng như Chúa Con, Chúa Thánh Thần đồng bản tính (omoousioV) với Chúa Cha và Chúa Con.[26]

Về nguồn gốc, thì Chúa Thánh Thần “xuất bởi Chúa Cha”.[27] Ngài có xuất bởi Chúa con không? Tuy không nói rõ, nhưng đây là một hệ luận tất yếu trong tư tưởng tổng quát của Athanase, người đã tuyên bố: “Thánh Thần nhận mọi sự từ Ngôi Lời”.[28]

 

 


[1] Dịch theo Ortiz de Urbina,Nicée et Constantinople, 1963, p. 152-253

[2] Ortiz de Urbina, Nicée et Constantinople, Paris 1963, p. 250-251.

[3] Coi chi tiết trong Quasten III, p. 62-63

[4] P. g. 28, 281-283

[5] Coi bản văn Quasten III, p. 97-98

[6] cf. Quasten III, p. 107

[7] Or. C. Ar. 2, 25, Quasten III, p. 109

[8] Or. C. Ar. 1, 16; 3, 6

[9] Or. C. Ar. 2, 41; Quasten III, p. 109-110

[10] Or. C. Ar. 3, 4; Quasten III, p. 110

[11] De decretis 11; Quasten III, p. 111

[12] Or. C. Ar. 3, 3, 4

[13] De sGaodis 41; Quasten III p. 111-112

[14] De incarn. Verbi, 54

[15] Ibid. 9; Quasten III, p. 113-114

[16] Ibid. 8, Quasten III, p. 114-115

[17] De sGa. 51, Quasten III, p. 114-115

[18] De sent. Dyon 9, Quasten III, . 115-116

[19] Tom. ad Ant. 7, Quasten III, p. 116

[20] De inc. Verbi 22; Quasten III, p. 117-119; Or. C. Ar. 3, 57; Epist. ad Epict. 5

[21] Or. C. Ar. 3, 14

[22] Epist. ad Adelph. 3, Quasten III p. 119

[23] Or. C. Ar. 1, 42; Quasten III, p. 110-120

[24] cf. Ep. ad Ser.: 1, 23; Quasten III, 121

[25] cf. Ep. ad Ser. 1, 17, Quasten III, 121

[26] cf. Ep. ad Ser. 1, 27, Quasten III, 122

[27] cf. Ep. ad Ser. 1, 2

[28] Or. c. Ar. 3, 24; cf. Ep. ad Ser. 1, 20, Quasten III, 122-123