GIÁO PHỤ HỌC - PATER ECCLESIAE
(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)
Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ.
***
***
CHƯƠNG III
THỜI TOÀN THỊNH CỦA VĂN CHƯƠNG TIỀN NICEA
(190 - 325)
***
ĐOẠN VI : THÁNH CYPRIEN GIÁM MỤC CARTHAGE (+ 258)
Sau Tertullien chúng ta có một Giáo Phụ Latinh thứ hai có tầm cỡ là Cyprien: Caecilius Cyprianus. Ngài đã đi vào lịch sử khi trở thành Giám mục Carthage năm 248 hoặc 249. Xuất thân từ một gia đình giầu có, và theo thánh Jérôme, ông là bậc thầy về khoa tu từ, dù mới chỉ trở lại đạo (246?). ít lâu sau Ngài đã trở thành một người của Giáo hội mà vẫn thuộc vào xã hội có học thức và tầng lớp lãnh đạo. Tuy nhiên, việc Ngài trở lại vẫn thực sự là một trang đời lật qua: Ngài đã phân phát gia tài cho người nghèo, và tuy không từ bỏ học thức của mình, từ nay Ngài sẽ không trích dẫn tác giả nào khác ngoài các tác giả của Thánh Kinh, vì, như Ngài viết: "Có một sự khác biệt lớn lao giữa các kitô hữu và các triết gia” (Thư 16, 55). Ít lâu sau khi trở lại, Ngài viết một huấn dụ khuyên gắn bó với đức tin Kitô giáo (Ad Donatum). Ngài còn soạn một sưu tập các “chứng từ” về Thánh Kinh, rất quí giá vì cho chúng ta biết về những bản dịch Thánh Kinh đầu tiên bằng tiếng La tinh; nhưng một số nhà phê bình không công nhận Ngài là tác giả của công trình này.
Chúng ta biết Cyprien hầu như chỉ qua di sản văn chương của Ngài, chủ yếu xuất hiện trong thời kỳ Ngài làm Giám mục di sản này đặc biệt bao gồm một tuyển tập thư tín rất quí giá (tổng cộng 81 thư, trong đó có 16 thư trao đổi): đây thật là một bản “tường trình” về đời sống Giáo hội đương thời. Điều này có nghĩa là, nơi Cyprien, chúng ta gặp thấy một Kitô hữu và nhất là một Giám mục đương đầu với những vấn đề của một cộng đoàn Kitô hữu đang sống giữa cơn biến động: sau cuộc bách hại ngặt nghèo dưới thời Hoàng đế Dèce từ năm 250 đến 251, gây hậu quả nặng nề cho Giáo hội, thì Giáo hội lại tự xâu xé trong những cuộc bút chiến kịch liệt trước khi gặp phải cuộc bách hại dữ dội của Hoàng đế Valérien (257-258). Bị đầy khỏi Carthage năm 257 và bị trảm quyết tại đó năm 258. Với khoảng trên 10 năm thi hành tác vụ cũng đủ làm cho Ngài trở thành một trong những Giám mục lớn của Giáo hội cổ thời mà ảnh hưởng và danh tiếng không ai chối cãi được đã vượt xa ngoài Bắc Phi và Tây Phương.
I. CYPRIEN VÀ VẤN ĐỀ NHỮNG NGƯỜI "SA NGÃ" (“LAPSI”)
Năm 250, Hoàng đế Dèce tung ra một chiến dịch nhằm tạo nên khối thống nhất dân tộc và tôn giáo chung quanh ông: mọi công dân trong Đế quốc phải tham dự vào một nghi thức tôn thờ các thần minh để ủng hộ ông. Tất cả các Kitô hữu đều bị đặt trước một nố lương tâm bi đát. Họ buộc phải lựa chọn hoặc một hành vi thờ ngẫu tượng, hoặc phải chịu tù ngục, tra tấn, ngay cả chịu chết.
Chỉ còn một con đường, đó là trốn tránh và chính Cyprien đã chọn con đường đó khi rời bỏ Carthage và tiếp tục điều khiển Giáo hội bằng thư từ (Các thư từ số 5 đền số 43). Thái độ này đã bị một vài giới chỉ trích dữ dội, nhất là hàng giáo sĩ Roma, nơi Giáo hoàng Fabien chịu tử đạo, nhưng Cyprien đã biết tự biện hộ và tái lập một quan hệ tin cậy với Giáo hội Roma.
Việc áp dụng những biệp pháp bách hại đạo không kéo dài lâu sau năm 250. Tuy nhiên, nó cũng làm cho nhiều ngưỡi tử đạo và kéo theo số Kitô hữu bỏ đạo còn đông hơn. Khắp nơi, Giáo hội đứng trước vấn đề phải cư xử thế nào đối với những tín hữu “sa ngã” này (tiếng La tinh là Lapsi): vì không thể tránh khỏi pháp luật, họ đã tìm lối thoát bằng cách, hoặc thực hiện hành vi thờ ngẫu tượng bắt buộc, hoặc chỉ làm một cử chỉ mơ hồ hơn (ném vài hạt hương lên bàn thờ), hoặc lo liệu kiếm giấy chứng nhận đã làm hành vi trên. Sau khi hành động như thế, những người bội giáo do yếu đuối này thật lòng muốn được nhận lại vào Giáo hội. Vấn đề đã từng được đặt ra trong các cuộc bách hại trước đây, nhưng bây giờ nó mang một tầm mức khác. Ở Carthage, lúc Cyprien vắng mặt, một số người trong hàng giáo sĩ và những người ”TUYÊN TÍN” (Các Kitô hữu đã bị giam cầm vì đức tin) không hỏi ý kiến Ngài và cũng không lý gì đến những lời phản đối của Ngài, đã bắt đầu rộng tay ban giấy xá tội cho các người “sa ngã”. Ngược lại, ở Roma, Alexandrie, Antioche những người chủ trương nghiêm nhặt đã phản đối thái độ của hàng Giám mục, vì nói chung, các Ngài nghiêng về việc giải hoà các “lapsi” có kèm theo một việc đền tội thích hợp. đó là căn nguyên đã đưa đến sự ly khai của phái chủ trương nghiêm ngặt của Novatien tại Roma, và sau đó có điều nghịch lý là những kẻ chống đối ở Carthage lại gia nhập phái này.
Mùa xuân năm 251, khi trở lại thành của mình, Cyprien đã qui tụ được ở đây một công đồng các Giám mục Phi châu, công đồng này đưa ra những quyết định liên quan đến việc tái hội nhập một số hạng lapsi; năm 252, để phòng trước một cuộc bách hại mới, các Giáo hội ở Roma và Alexandria cũng đưa ra những biện pháp về xã hội. Cuộc tranh luận về kỷ luật đền tội này và những ly khai phát xuất từ đó, đã khiến Cyprien viết hai tác phẩm quan trọng: "về các lapsi” và “về sự duy nhất của Giáo hội công giáo”. Tác phẩm thứ hai khai triển hai ý tưởng chính: Giáo hội là duy nhất và Giám mục đoàn là “đoàn thể" phục vụ sự duy nhất này. Theo Cyprien, Giáo hội tự nền tảng là “mầu nhiệm hiệp nhất". Giáo hội có ơn gọi hiệp nhất, Giáo hội phải thực là sự hiệp nhất các tâm hồn (“một lòng”), các tâm trí (“một dạ”): “một dân được hợp nhất bằng chính sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chuá Thánh Thần”. Ly giáo không chỉ là một trọng tội, nó là chính sự phủ nhận Giáo hội. Vì là duy nhất mà Giáo hội là “công giáo, nghĩa là phổ quát", và “Giáo hội công giáo" là Giáo hội đích thực duy nhất: kiểu nói đã có một nghĩa gần với nghĩa chúng ta dùng. Cyprien không ngần ngại kết luận rằng, ngoài Giáo hội không có các bí tích thành sự, cũng không có ân sủng hay ơn cứu độ: "không ai có thể có Thiên chúa làm Cha nếu không có Giáo hội làm mẹ”. Cần phải thấy rõ là những khẳng định dứt khoát trên đây nhắm vào những kẻ xúi giục ly khai trong thời kỳ này, những kẻ chịu trách nhiệm về những tuyệt giao cố ý với “Mẹ Giáo hội” và từ Ignace thành Antioche cho tới Origène, Lactance họ đều bị coi là những kẻ tự cắt đứt với nguồn sự sống. Tuy nhiên, ở đây đã đặt ra những vấn đề thuộc Giáo hội học và bí tích mà tương lại sẽ phải phân giải và soi sáng dần dần.
Sự duy nhất của Giáo hội, tuy nhiên, không chỉ thuộc bình diện thiêng liêng, nó còn dựa trên sự kết hợp chặt chẽ, hữu hình của hàng Giám mục; và như Cyprien lặp lại, hàng Giám mục này tạo nên một “đoàn thể”, một “đoàn” (collègue) mà các thành viên phải gìn giữ sự hiệp nhất với nhau. Giám mục chỉ có quyền với tư cách là thành viên của đoàn này; Ngài là dấu chỉ và là trung tâm hiệp nhất của mỗi Giáo hội địa phương.
Có một đoạn trong khảo luận khẳng định quyền tối thượng mà Tông đồ Phêrô đã truyền lại cho các vị kế nhiệm Ngài tại toà Roma, nhưng chúng ta chỉ còn giữ được hai bản dịch đoạn văn này, tuy cả hai có lẽ đều xác thực cả, nhưng lại nhìn tầm quan trọng của quyền tối thượng không hoàn toàn như nhau và chúng ta cũng không rõ thứ tự thời gian soạn thảo ra chúng. Ý tưởng cơ bản là: sự hiệp nhất của Giáo hội có nguồn gốc duy nhất được cụ thể hoá nơi con người Phêrô, rồi nơi Giáo hội do Ngài “thiết lập” và nơi vị thủ lãnh Giáo hội. Như vậy Giáo hội ở Roma là nguồn hiệp nhất cho mọi Giáo hội: “Giáo hội đứng đầu mà từ đó phát xuất sự hiệp nhất tư tế (= hiệp nhất của hàng Giám mục)". Nhưng dầu vậy, về sau Cyprien cho thấy Ngài không sẵn sàng công nhận Giám mục Roma có một quyền theo nghĩa mạnh của từ ngữ, trên các Giáo hội địa phương khác.
Giữa những bận bịu, lo toan của một Giám mục, Cyprien vẫn có thời giờ để viết những lá thư dài về các đề tài ít nóng bỏng hơn (về việc rửa tội trẻ em: thư 64; về phép Thánh thể: thư 63.) hoặc những tập sách nhỏ chủ yếu là về tu đức, trong đó Ngài chú tâm đến việc dạy các nhân đức của đời sống Kitô hữu: trước hết là tình bác ái huynh đệ, thể hiện bằng sự nhẫn nại, tinh thần bất bạo động, và hoà bình (De bono patientiae), bằng sự khiêm hạ, nhún nhường (De zelo et livore), bằng sự thực thi các việc bác ái từ thiện (De opere et eleemosynis). Ngài ca ngợi sự siêu thoát đối với thế gian (De mortalitate), ơn gọi của các trinh nữ được thánh hiến cho Chúa (De habitu virginum), mẫu gương cao vời của các vị tử đạo (Ad fortunatum). Ngài muốn dạy người ta cầu nguyện khi chú giải Kinh Lạy Cha (De oratione dominicae). Cũng như nơi Tertullien, mà đôi khi Cyprien rõ ràng dựa vào, Đức Kitô là tâm điểm của linh đạo, chính nơi Ngài mà cuộc sống chung của các Kitô hữu bén rễ sâu trong những cảnh ngộ của đời sống hằng ngày.
II. CYPRIEN VÀ CUỘC TRANH LUẬN VỀ PHÉP RỬA
Sự hoà hợp giữa Cyprien và Giáo hoàng Corneille (251-253) trong vấn đề những người lapsi vẫn còn là một sự kiện nổi tiếng; tên các Ngài được gắn liền với nhau trong Kinh nguyện Thánh Thể truyền thống và trong niên lịch phụng vụ roma. Sự hoà hợp này giữa Roma và Carthage đã bị tổn haị ít lâu sau dưới triều Giáo hoàng Stephane (254-257). các mối quan hệ giữa Stephane và Cyprien khởi đầu không tốt đẹp gì: trong các vấn đề liên quan đến các Giáo hội ở Espagne và Provence, các Ngài có những ý kiến trái ngược nhau. tiếp đến là cuộc tranh chấp nổ ra về tính thành sự của phép rửa tội ban trong các cộng đồng lạc giáo hoặc ly giáo.
Cả ở đây, vấn đề đã đặt ra từ lâu và các thực hành vẫn đã không đồng nhất. đối với một số Giáo hội, mọi phép rửa ban ngoài Giáo hội công giáo bị coi là bất thành; vì vậy người ta rửa tội, có khi là rửa tội lại, tất cả những người trở lại từ các nhóm ly khai. Đó là cách thực hành bên Tiểu Á, Syrie và Phi châu: khảo luận về phép rửa của Tertullien và khảo luận về tính duy nhất của Giáo hội Công giáo của Cyprien làm chứng điều đó. Ngược lại, ở Roma và Alexandria, người ta chỉ đặt tay trên những người trở lại vì phép rửa đã được ban theo thể thức và ý hướng của Giáo hội.
Với thời gian, những cách thực hành khác nhau này đã gây ra những cuộc tranh luận, đáng kể nhất là ở Bắc phi. Tại công đồng Phi châu mùa thu năm 255, một nhóm Giám mục đòi phải đưa ra lập trường chính thức. Công đồng tuyên bố cách thực hành thông thường ở Phi châu là cách duy nhất hợp pháp, và Cyprien soạn thảo nhiều lá thư theo chiều hướng này. Năm sau, Ngài viết cho Giáo hoàng Stephane để thông đạt quyết định đó, và đưa ra lời mời khá rõ mong Giáo hoàng thuận theo. Cuộc tiếp đón các sứ giả của Cyprien diễn ra lạnh nhạt, và câu trả lời của Đức Stephane thật thẳng thắn: nại tới truyến thống của Giáo hội mình, Ngài duy trì cách thực hành của Roma. Quá phật ý, Cyprien tìm kiếm và gặp được chỗ dựa bên Đông phương, cách riêng nơi Giám mục Firmilien thành Césarée ở Cappađoce. Dựa vào lời lẽ phát biểu trong một bức thư của vị Giám mục này, được lưu giữ trong số thư từ của Cyprien, chúng ta có thể thấy được sự dữ dội, kịch liệt của cuộc tranh luận lên đến mức độ nào. Qua thư, chúng ta biết được rằng Đức Giáo hoàng đã đe doạ cắt đứt sự hiệp thông với người Phi châu, và cả với Đông phương. Denys thành Alexandrie cũng xác nhận điều này, ông cũng đã nhiều lần can thiệp để làm bầu khí lắng dịu, nhưng vô hiệu. Firmilien còn nói cả đến việc vạ tuyệt thông đã đưọc đưa ra, nhưng điều này không chắc chắn lắm.
Tháng chín năm 256, Công đồng Phi châu tái nhóm, người ta còn giữ lại được biên bản của công đồng này. Các Giám mục hiện diện, tuy không chính thức phản đối lại đức Stephane, đã y chuẩn quyết định trước đây, cùng với Cyprien, các ngài cho rằng mọi Giám mục thi hành quyền lãnh đạo Giáo hội mình cách tự do và có trách nhiệm, không phải tường trình với một quyền bính cao hơn. Làm sao Cyprien dung hợp được đòi hỏi tự trị này với quan niệm của Ngài về Giám mục đoàn và vai trò của nó? Ở đây, không thể chối cãi là Giáo hội học của Ngài có một khe hở và xem ra nó không bảo đảm một nền tảng đủ chặt chẽ cho việc bảo toàn sự hiệp nhất. (Khi viết cho Roma Ngài thường ký tên là “Cyprien Giáo Hoàng (Pape) Carthage”).
Sự thể như vậy kéo dài gần một năm. Tháng 8 năm 257, Giáo hoàng Stephane chịu tử đạo trong cơn bách hại do Hoàng đế Valérien phát động nhắm vào các thủ lãnh Giáo hội. Cùng lúc ấy, Cyprien bị bắt giữ và lưu đầy. Một năm sau. ngày 14 tháng 9 năm 258, Ngài hoàn tất cuộc tử đạo của mình, chung quanh có hàng Giáo sĩ và giáo dân của Ngài với một lễ an táng đực tổ chức thật trọng thể. Tranh luận về phép rửa tự nó lụi tàn. Những cách thực thi khác nhau tiếp tục cùng tồn tại, nhưng dần dần, trong thế kỷ IV, cách thực hành của Roma và Alexandria chiếm ưu thế và cuối cùng trở thành bắt buộc. Thánh Augustin biện minh cho cách thực hành này trên bình diện thần học. Việc các Giáo hội ly khai ngày nay công nhận phép rửa của nhau là nằm trong đường lối giải quyết vấn đề mà người xưa đã làm.
Con người Cyprien là như thế, con người thuộc Giáo hội, và đúng hơn, con người của Giáo hội, cho dù suy tư của Ngài về Giáo hội chưa hoàn tất. Vì phải công nhận rằng - như hậu thế đã công nhận - trong hoạt động Giám mục của Ngài, chính Giáo hội, vừa là cộng đồng thiêng liêng của đức tin và đức ái, vừa là định chế do hàng Giám mục hướng dẫn, là đối tượng mà ngài muốn phục vụ và bảo vệ.
Sự tồn tại dai dẳng trong nhiều thế kỷ của ly giáo Novatien song song với cuộc ly khai của bè Donato ở Bắc Phi bắt đầu từ thế kỷ IV đã khiến cho công trình của Cyprien về Giáo hội học về bí tích mang tính thời sự trong một thời gian dài. Với tham vọng thiết lập một Giáo hội chân thật duy nhất, những người theo bè Donato đã coi các tác phẩm thiên về việc “rửa tội lại” của Ngài gần như là thánh Kinh của họ. Trong suốt cuộc đấu tranh chống lại những kẻ đó, thánh Augustin rơi vào một tình huống khó xử vì phải bác bẻ những luận đề của một bậc thầy mà Ngài, cũng như mọi người đương thời, rất kính trọng; hơn nữa, đó là vị thầy mà Ngài cũng như thánh Jérôme vẫn thích nại tới. Cyprien có vinh dự là một trong số giáo Phụ La tinh hiếm hoi được biết đến ở Đông phương. Việc tôn kính Ngài như một Giám mục tử đạo lan rộng, vượt ra ngoài Phi châu. ngài vẫn còn là một trong những trụ cột của Giáo hội Tây phương.