Sunday, 29 March 2020 15:34

Thời Toàn Thịnh Của Văn Chương Tiền Nicea: Tertullien Featured

GIÁO PHỤ HỌC - PATER ECCLESIAE

(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ.

***

***

CHƯƠNG III

THỜI TOÀN THỊNH CỦA VĂN CHƯƠNG TIỀN NICEA

(190 - 325)

***

ĐOẠN V : TERTULLIEN (155 ? -  Sau 220)

 

 

Chính lẽ ra chúng ta đã phải có một trong những Giáo Phụ trổi vượt vào bậc nhất nơi con người Tertullien, nhưng tiếc vì ông đã không trung thành với Giáo Hội tới cùng, nên chỉ được coi là một “văn sĩ” đặc biệt ( Ecclesiae Scriptor), có ảnh hưởng rất lớn trong Giáo Hội. Vì thế, nên lưu ý là danh xưng “Giáo phụ” áp dụng cho ông ở đây sẽ không được hoàn toàn đúng tiêu chuẩn như đã nói trong phần nhập đề.

I. GIÁO PHỤ LA TINH ĐẦU TIÊN

Tertullien (Quintus Septimius Florens Tertullianus) là một nhân vật xuất sắc đầu tiên được biết đến trong Giáo Hội La tinh. Con trai một sĩ quan ngoại giáo trong binh đội Lamã, Tertullien sinh tại Carthage (Phi châu) vào những năm 155-160. Ông học rộng biết sâu và trổi vượt về luật khoa và văn chương (Eusèbe, H.E. 2, 2, 4). Ông rất thông thạo Hy ngữ, nhưng đã viết hầu hết các tác phẩm của ông bằng La ngữ và xứng danh là văn sĩ La tinh Kitô giáo đầu tiên.

Trước khi tòng giáo, ông hành nghề Trạng sư tại Roma và ta có lý để đồng hoá ông với nhà luật sư thời danh Tertullianus mà cuốn Corpus Civilis của Chính quyền đã trích dẫn nhiều lần. Vì cảm phục trước gương anh hùng của các tử đạo, Tertullien đã trở lại Kitô giáo vào khoảng năm 193. Sau đó ông bỏ Roma về sống tại Carthage nơi ông sinh trưởng (Res Carn. 59). Tại đây ông đã dốc toàn bộ khả năng và tài lực của một luật sư, một văn sĩ và một triết gia để phục vụ đức tin Kitô giáo. Thánh Jérôme gọi ông là “Vir ardens” (con người bốc lửa) và nói ông là một linh mục (De vir. ill. 53). Chi tiết sau cùng này có lẽ không đích xác, vì chính ông không hề đả động đến tình trạng giáo sĩ của mình bao giờ. Hơn nữa ta biết Tertullien có lập gia đình và đã viết một cuốn sách tặng cho vợ nhan đề là “Ad uxorem” ta sẽ có dịp nói tới sau.

Phần trước tác của ông gồm trên 30 tác phẩm, có tầm cỡ khác nhau. Trừ một vài trường hợp, phần lớn được biên soạn, do hoàn cảnh bút chiến gây nên. Vì tính khí hăng say nồng nhiệt, với tinh thần nhiệm nhặt khắt khe, cộng thêm ý chí cương trực đanh thép nhiều khi đến cố châp, nên dần dần Tertullien đã xa lìa đường lối chính thống nhưng uyển chuyển của Kitô giáo. Muộn nhất là vào năm 207, ông đoạn tuyệt với Giáo Hội để ngả sang bè rối Montan trong đó chẳng mấy chốc ông đã trở thành người lãnh đạo một phe phái riêng biệt lấy tên là “Tertullianistes”. Ông qua đời tại Carthage vào năm 220, không giao hoà với Giáo Hội. Tuy nhiên Ông vẫn được coi là một văn sĩ rất có giá trị của Giáo Hội. Vì thế các tác phẩm của ông, ngoại trừ một số nhỏ, vẫn luôn được các Kitô hữu tôn trọng và xử dụng rộng rãi. Aính hưởng của ông vẫn mãi mãi được lưu tồn và có tác động sâu rộng trong Giáo Hội qua các thời đại.

II. NHÀ MINH GIÁO (6 tác phẩm)

Năm 197 Tertullien đã xuất bản liên tiếp 3 tác phẩm minh giáo hay hộ giáo:

(1) - Ad Martyres (gởi các vị Tử đạo, 197, 202? ): để an ủi và khích lệ các Kitô hữu đang sống lay lắt và chết dần mòn trong các lao tù của Đế quốc la mã bắt đạo.

(2) - Ad Nationes (gởi dân ngoại, 197): chống lại những tấn công của lương dân và đả kích ngoại giáo đang trên đường tan rã về mặt luân lý và tôn giáo.

(3) - Apologeticum (197) là tác phẩm Hộ giáo chính thức, trình bày đức tin Kitô giáo chân chính và đưa ra những lời lẽ đanh thép của một luật gia phản đối sự bất công của nhà cầm quyền trong việc bách hại các Kitô hữu và kết án họ như là tội phạm chỉ vì mang tên “Kitô hữu”. Mà danh hiệu Kitô hữu đâu có phải là một tội trạng! Ông đòi tự do tôn giáo cho người Kitô hữu và tuyên bố rằng họ không làm gì đáng trách. Họ không vi phạm luật lệ quốc gia. Họ tham dự vào tất cả đời sống xã hội. Họ vẫn cầu nguyện cho sự an ninh của Hoàng đế và nhà cầm quyền. Nếu họ không chịu thờ ngẫu tượng thì chỉ vì ngẫu tượng là giả dối, là vật chất. Họ chỉ thờ một Đấng Tạo Hoá là Thiên chúa thật đã tự mạc khải trong Kinh Thánh.Vậy kết án họ là “vô thânö”là một điều hoàn toàn bất công. Không cho họ có tự do tôn giáo đã là một tội phản tôn giáo rồi! (24, 1-10).

Tertullien cũng đã khéo léo vận dụng ngay những lời bình phẩm thiên lệch đầy ác ý của kẻ ngoại về nếp sống luân lý của người Kitô hữu để biến nó thành những lời ca ngợi đầy thán phục đối với lối sống bác ái của họ. Ở đây ta có thể trưng làm ví dụ câu nói của lương dân:”Kìa xem chúng (các Kitô hữu) yêu nhau như thế nào!( Voyez, comme ils s’aiment les uns les autres)” (Apol. 29, 1-7)... Đây là một lời chê được đổi thành lời khen!

Để gây thiện cảm với các độc giả ngoại giáo của ông, Tertullien đã tuyên bố với họ: "Tôi từ hàng ngũ các bạn mà ra, người ta không sinh ra là Kitô hữu, người ta trở thành (Kitô hữu)”.

Chính trong đoạn cuối (50) của cuốn Apologeticum này người ta đã gặp thấy lời quả quyết bất hủ của Tertullien về các Kitô hữu bị bách hại và về các Tử đạo của họ:

“(vì thế những kẻ bách hại không thể hủy diệt được Kitô giáo:) những cực hình tinh vi nhất của các người chẳng có công hiệu gì. Trái lại chúng chỉ càng lôi cuốn phe chúng tôi thôi. Mỗi lần các người gặt (gọn) chúng tôi thì chúng tôi lại càng trở nên đông đảo thêm: bởi vì máu các tín hữu (tử đạo) đúng thật là một hạt giống. Plures efficimur, quotiens metimur a vobis, semen est sanguis Christianorum” (Apol. 50, 13).

 

(4) - Adversus Judaeos (Chống Do thái): Cuốn sách này cùng thuộc loại Hộ giáo đã được Tertullien viết vào năm 207 để minh chứng rằng luật Cũ của báo thù (Cựu Ước) do Moisen truyền lại phải nhường chỗ cho Luật Mới của tình thương (Tân Ước) do Chúa Kitô thiết lập. Kể cả lương dân cũng được dự phần ân sủng của Thiên Chúa (đoạn 1-8).

(5) - De testimonium animae (chứng từ của linh hồn) ra đời có lẽ ngay vào năm 198? dưới hình thức một tiểu luận độc đáo nhằm quảng diễn câu nói thời danh trong Apologeticum 17: “O testimonium animae naturaliter christiana: Ôi chứng từ của tâm hồn tự bản chất là kitô hữu”. Đây là lý chứng nội tại: khởi đi từ tâm hồn tôn giáo tự nhiên, con người khi chưa bị ngoại giáo làm sai lệch vẫn tin vào Thiên Chúa độc nhất, vào sự sống đời sau, vào sự thưởng phạt sau khi chết, vì những điều này nằm sâu trong bản chất con người.

(6) - Ad Scapulam (212) gởi vị tổng Trấn Phi Châu Scapula kẻ thù khát máu của người Kytô hữu. Đây là một bản tuyên ngôn đòi “quyền tự do tôn giáo” cho người Kytô hữu nạn nhân của một pháp chế bách hại bất công và phi lý khi chỉ dựa trên những lời vu khống của quần chúng, và những thiên kiến của Chính quyền luôn ác cảm với người Kitô hữu.

III. NHÀ THẦN HỌC BÚT CHIẾN (15 tác phẩm)

Cũng như các vị tiền bối, đặc biệt là thánh Irénée, Tertullien đã tiếp tục cuộc chiến chống phái Ngộ đạo và chủ thuyết Marcion phá hoại đức tin Kitô giáo. Để làm việc này ông đã để ra trên 10 năm trời, từ 200 đến 213, để viết ra 15 tác phẩm dưới đây:

(7) - De praescriptione haereticorum (Thời hiệu của các kẻ lạc giáo, 200).

Vào thời đại của ông, các lạc giáo đua nhau nảy nở (Xem phần tóm lược các lạc giáo dưới đây ) gieo rắc giáo lý sai lầm khắp nơi, khiến Tertullien phải soạn ra tác phẩm trên nhằm đưa ra những lý chứng cơ bản có thể bác bỏ mọi thứ “lạc giáo” mà không phải tranh luận từng bước với mỗi lạc giáo. Từ “Thời hiệu” (Praescriptio) ông dùng ở đây là từ chuyên môn trong ngành Luật, nó chỉ một sự bác bẻ có trước việc khởi tố ở toà án. Ông lý luận như sau:

a) Các Tông Đồ đã trao phó chân lý mạc khải cho các Giáo đoàn do các ngài thiết lập. Chỉ những giáo đoàn này mới là những nhân chứng đích thực của chân lý. Vậy phải nhất trí với các giáo đoàn này trong đức tin.

b) Những gì đã có từ nguyên thủy trong Kitô giáo là chân lý. Vậy chỉ giáo lý công giáo đã có từ nguyên thủy, còn mọi lạc giáo đều là một mới lạ đã xuất hiện sau.

c) Chỉ mình Giáo Hội mới nắm giữ Thánh Kinh vì đã lãnh nhận kho tàng này từ tay các Tông Đồ. Vì vậy những kẻ lạc giáo không có quyền phán đoán về ý nghĩa và cội nguồn của Thánh Kinh. Tertullien còn nói rõ chính đức tin (theo truyền thống) chứ không phải việc tra cứu Thánh Kinh đem lại phần rỗi cho ta (đoạn 14).

(8) - Adversus Marcionem (chống Marcion)

Sách dài nhất gồm 5 cuốn, đã được hiệu chính đến lần thứ ba cuốn I mới ra đời năm 207 và toàn bộ năm 210,. Cuốn 1 và 2 chứng minh rằng Đấng Tạo Dựng (Tạo Hoá) thế giới này không thể tách rời Thiên Chúa tốt lành. Cuốn 3 minh chứng Đức Kitô là Đấng Thiên Sai (Messia) được báo trước trong Cựu Ước, Ngài không phải là một vị thần thượng đẳng mang một Thân xác giả tạo. Cuốn 4 và 5 phê bình cuốn Thánh Kinh của Marcion và minh chứng không có mâu thuẫn giữa Cựu và Tân Ước. Riêng Tân Ước ngay cả khi bị giới hạn vào số bản văn mà Marcion công nhận, vẫn bác gỏ thuyết Marcion và vạch rõ bộ mặt của chủ thuyết này là một thuyết duy lý: dựa vào những tiêu chuẩn cá nhân, Marcion tự cho mình là người có quyền phán quyết về Thánh Kinh và về đức tin. Đây là một sai lầm lớn!

(9) - Adversus Hermogenem: bênh đỡ giáo lý Kitô giáo về sáng tạo chống lại hoạ sĩ ngộ đạo Hermogène sống tại Carthage.

(10) - Adversus Valentinianos: chống Valentin và bè phái ngộ đạo của hắn, cuốn này đã dùng nhiều tại liệu của Thánh Irénée (adv. Haer. I).

(11) - Scorpiace "thuốc trị vết chích của bọ cạp", tức lạc thuyết ngộ đạo. Sách bênh vực giá trị luân lý của việc tử đạo.

(12) - De Carne Christi: minh chứng đức Kitô có một thân xác thực sự, chống lại phái ảo thân và phái ngộ đạo chủ trương Đức Kitô chỉ có một thân xác giả dạng. Trong đoạn 9 Tertullien quả quyết Đức Kitô có một dung mạo xấu xí.

(13) - De resurrectione carnis: bênh vực tín điều thân xác sống lại chống phái ngộ đạo chối bỏ.

(14) - Adversus Praxeam: trình bày giáo lý công giáo tiền Nicée về Thiên Chúa Ba Ngôi chống phái “Phụ nạn (hay khổ phụ thuyết: Patripassianisme) của Praxeas. Tại đây lần đầu tiên ta gặp thấy từ “Trinitas” (Ba Ngôi) do sáng kiến của Tertullien. Cũng chính ông đã cung cấp cho khoa Kitô học và thần học La tinh về Chúa Ba Ngôi một ngôn ngữ sáng sủa: hai “bản tính” và một ”ngôi vị” nơi Đức Kitô, một “bản thể” và ba “ngôi vị” nơi Thiên Chúa (xem VI. Giáo thuyết của Tertullien, dưới đây ).

(15) - De baptismo: trình bày giáo lý công giáo về phép Rửa tội, sự cần thiết và hậu quả của bí tích này. Tuy nhiên chỉ nên rửa tội người lớn thôi, trẻ nhỏ thì chỉ trường hợp nguy tử hãy rửa tội, phép rửa của người lạc giáo vô giá trị.

(16) - De anima: sách dài thứ hai sau Adversus Marcionem, là tác phẩm tâm lý học Kitô giáo đầu tiên viết dựa trên cuốn “Tâm lý học” của lương y Soranus người thành Ephêsô.

IV. NHÀ LUÂN LÝ VÀ TÁC GIẢ TU ĐỨC (15 hoặc 17 tác phẩm)

Tertullien còn viết ít nhất là 15 tác phẩm (nếu không nói là 17) dạy về luân lý. Thuộc loại này cũng phải kể cả cuốn Ad Martyres số (1) đã nói ở phần các tác phẩm Hộ giáo trên. Ở đây phải chia làm hai thời kỳ:

1/. Thời Tertullien còn là công giáo

(17) - De spectaculis (về kịch tuồng, 197 / 200) nghiêm cấm người Kitô hữu tham dự các buổi trình diễn kịch tuồng của dân ngoại vì vô luân à liên hệ trực tiếp với việc thờ ngẫu tượng.

(18) - De Oratione (198 / 200) đưa ra những chỉ thị về việc cầu nguyện cộng đồng và giải thích kinh Lạy Cha.

(19) - De patientia (200 / 203). Tertullien bàn về nhân đức kiên nhẫn mà ông thú thực mình không có, cũng giống như một bệnh nhân thao thao bất tuyệt ca ngợi sức khỏe mà họ không có. Kẻ thù số một của nhân đức này là cơn khát báo thù.

(20) - De poenitentia (199 / 203) nói về tinh thần sám hối đền tội phải thực hành trước khi chịu phép Rửa tội, và về cùng một công việc đó trước khi lãnh nhận ơn tha tội do mình Giáo Hội thể chế thực hiện chỉ một lần duy nhất cho kẻ đã được rửa tội mà lại rơi vào tình trạng phạm tội trọng.

(21) - De cultu feminarum ( 197 / 201) đả phá mọi thứ trang sức của phụ nữ.

(22) - Ad uxorem (203) “gởi người bạn đời”, trong đó ông khuyên vợ, nếu ông mất đi, thì hãy ở vậy, hoặc cùng lắm chỉ nên tái hôn với một kitô hữu thôi. Trong tác phẩm này chúng ta đọc thấy những lời tán dương thật đẹp về hạnh phúc của đôi vợ chồng Kitô hữu. (II, 8).

2/. Thời Tertullien đã theo phái Montan

(23) - De exhortatione castitatis (207), khuyên một người bạn goá vợ đừng tái hôn lần nữa vì đây là ”một hình thức dâm dục”.

(24) - De monogamia (217?) đả kích mạnh mẽ Giáo Hội vì cho phép tái hôn lần hai.

(25) - De virginibus velandis (207) đòi buộc mọi phụ nữ và thanh nữ phải đội mào che đầu, không những tại nhà thờ mà còn cả ở nơi công cộng nữa.

(26) - De corona (211) đả phá việc trao vòng hoa đăng quang cho chiến sĩ vì là thói tục hoàn toàn vô đạo, và nghiêm cấm người Kitô hữu không được tòng quân vì trái ngược với đức tin Kitô giáo.

(27) - De idolatria buộc tuyệt đối tránh việc thờ ngẫu tượng và mọi nghề nghiệp liên quan đến đó như nghệ sĩ, giáo sư, công chức hay lính tráng.

(28) - De fuga in persecutione (212?) Cấm không được lẩn trốn trong cơn bắt đạo, vì như thế là đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa.

(29) - De jejunio adversus psychios bênh vực việc giữ chay của phái Montan và mạnh mẽ đã kích người Công giáo (psychios: người khí huyết) nô lệ cho lạc thú. Cuốn sách này giữ vai trò quan trọng trong lịch sử chay tịnh.

(30) - De pudicitia (liêm xỉ, 210 / 21). Ngược hẳn lại với những xác quyết ngày trước, (x. số (20), tại đây Tertullien chối bỏ quyền tha tội của Giáo Hội thể chế. Quyền này không thuộc về Giáo hội tổ chức theo phẩm trật Giám mục, mà chỉ thuộc về những “homines spirituales”, những con người thần thiêng (tức các “tông đồ và tiên tri” của phái Montan). Tertullien đã gây một cuốc chiến sôi nổi chống “edictum peremptorium “ của Giám mục Carthage là Agrippinus người đã tuyên bố:”Ego et moechiae et fornicationis delicta paenitentia functis dimitto”.

(31) - De pallio (210? ) Đây là cuốn sách ngắn nhất trong các tác phẩm của Tertullien. Với một giọng châm biếm chua cay ông tự bào chữa và thanh minh trước đồng bào về việc ông bỏ y phục luật sư để khoác áo triết gia.

Ngoài ra dư luận chung đều nhận Tertullien là tác giả của truyện:

(32) - Passio Sanctarum Perpetuae et Felicitatis (202 / 03) mà chính ông đã dùng nhật ký cá nhân của thánh Perpetua viết ra bằng La ngữ, rồi sau đó lại đích thân dịch sang Hy ngữ.

(33) - Sau cùng, trong số các tác phẩm đã thất lạc, phải kể tên 7 cuốn De exstasi (xuất thần) đã được Tertullien viết ra để bênh vực những bài thuyết giảng xuất thần của các “tiên tri” phái Montan.

V. TERTULLIEN VÀ THUYẾT MONTAN

Kể từ năm 207 Tertullien đã tỏ ra có nhiều thiện cảm đôiú với thuyết Montan, khởi thủy là thuyết thiên niên (millénarisme), một phong trào tu đức theo chủ trương nhiệm nhặt.

Phái Montan trách Giáo hội chính thức là đã giảm nhẹ những đòi hỏi của Phúc âm. Họ cho rằng chỉ mình họ mới là những người duy nhất có được Thần khí nguyên thủy. Vào đầu thế kỷ III, phái Montan đã tuyệt giao với hàng Giám mục để tự tổ chức thành một phong trào tiên tri chủ trương triệt để, biểu lộ lòng đạo đức đầy cuồng nhiệt.

Ta tự hỏi không rõ Tertullien đã bị phong trào này quyến rũ tới múc nào để tự cắt đứt với Giáo Hội thể chế? Chính ông đã thẳng thắn khẳng định sự cất đứt đó như sau: “Sự hiểu biết và bảo vệ Đấng Bầu chữa (Chúa Thánh Thần) tách chúng tôi ra khỏi những người khí huyết (psychios)”(nghĩa là những người không phải là thần thiêng, tức những phần tử của Giáo Hội chính thức). Tuy nhiên, có phải Tertullien đã hoàn toàn gia nhập phong trào Montan chăng? Thiết tưởng một phong trào đạo đức cuồng nhiệt thiếu cơ cấu tổ chức và thiếu căn bản thần học như thuyết Montan không mấy phù họp với cá tính của Tertullien, con người đã hăng say bảo vệ truyền thống Giáo hội. Vì thế cuối cùng ông đã thành lập một nhóm môn sinh riêng tương đối độc lập bên cạnh phái Montan, lấy tên Tertullianistes, mà vào đời ngài, thánh Augustinô còn biết những thành viên cuối cùng và đưa họ về với Giao hội. Như vậy hẳn Tertullien đã kết thúc cuộc đời như một ngôn sứ lẻ loi, khư khư với những đòi hỏi không thể thực hiện của mình.

Thoạt nhìn qua, điều đáng ngạc nhiên là, mặc dầu ông đã cắt đứt với Giáo hội, tác phẩm của ông vẫn được các Kitô hữu quí trọng, bảo tồn và xử dụng rộng rãi. Tại sao vậy? Lý do sâu xa là vì các tác phẩm này có giá trị đặc biệt trong nhiều lãnh vực: Kitô học của Tertullien ảnh hưởng tới tận thánh Léon, và qua Léon tới định tín của Công Đồng Chalcédoine. Thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi của ông rất sáng sủa đã tránh cho Kitô giáo Tây Phương biết bao vấp ngã về tín điều này nơi Kitô giáo Đông Phương. Các khẳng định của ông về chức tư tế của mọi Kitô hữu (đã chịu phép rửa) báo trước những bản văn của Công Đồng Vatican II. Ngay chỉ vài chục năm sau khi ông mất, thánh Cyprien Giám mục Carthage, tuy không nêu đích danh, đã công khai dựa vào thế giá ông như một "bậc thầy” (Magister).

VI. GIÁO THUYẾT CỦA TERTULLIEN

Bên cạnh những điều chính xác, cũng có một ít điều sai lạc, một phần là những bước dò dẫm lúc ban đầu, không đáng trách bao nhiêu; phần khác là do sự chuyển hướng của tư tưởng Tertullien từ quan niệm Kitô giáo chính thống ngả dần sang lạc giáo, điều này nghiêm trọng hơn.

1 - Đứng trước những kết quả mâu thuẫn của các triết gia ngoại giáo Tertullien tỏ ra nghi ngờ khoa triết học nếu không nói là thù địch. nhưng lòng vẫn quí trọng những cố gắng suy tư đơn giản và vắn gọn của lý trí. Ông chấp nhận Triết học bao lâu nó nhất trí với chân lý Kitô giáo. Ông quả quyết rõ rệt rằng sư ûhiện hữu của Thiên Chúa và linh hồn bất tử có thể biết được nhờ lý trí (Resur. 3); và sự vĩnh cửu của Thiên Chúa là hậu quả của sự hoàn hảo tuyệt đối của Người (Adv. Herm. 28).

2 - Qua cuộc chiến đấu chống lại ảo thân thuyết và hình thái thuyết, Tertullien là người tiên phong đã mở ra những con đường mới cho khoa Kitô học và thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi của Giáo Hội La tinh. Chính ông đã cung cấp cho khoa thần học đó một ngôn ngữ minh bạch như: hai bản tính (natura), và một ngôi vị (persona) nơi Đức Kitô; một bản thể (substantia) hay một bản tính (natura) và ba ngôi vị nơi Thiên Chúa. Như đã nói ở trên, ông là người đầu tiên đã dùng từ “Trinitas” để chỉ Thiên Chúa Ba Ngôi trong một thần tính (divinitas) là Cha, Con và Thánh Thần (De Pudic. 21): “Trinitas unius divinitatis Pater et Filius et Spiritus Sanctus". Hoặc: "Connexus Patris in Filio et Filii in Paracleto tres efficit cohoerentes... qui tres unum sunt... tres unius substantiae” (Adv. Praxeam 2, 25). Chính nhờ vậy mà ông đã giúp cho người La tinh tránh khỏi những vấp ngã và những tranh luận gay go của người Hy lạp về thuật ngữ trong lãnh vực này.

3 - Về Đức maria, Tertullien không công nhận sự đồng trinh của người trong khi sinh nở (in partu) (Carn. 23) như truyền thống vẫn tin nhận.

4 - Tội nguyên tổ được công bố là một “vitium originis” (nết xấu nguyên thủy): qua tội Adam một độc dược của những bản năng xấu đã thấm nhiễm vào bản tính nhân loại. Cái “nết xấu nguyên thủy” này, do tác động của ma quỉ đã trở thành một bản tính tự nhiên nơi con người. (De anima 4). Tuy nhiên Tertullien khuyên chỉ khi khẩn thiết mới nên rửa tội cho trẻ nhỏ (De bapt. 18).

5 - Nếu ông đã có một quan niệm cao đẹp về Giáo hội lúc ban đầu thì quan niệm này trong những tác phẩm “De exhortatione”, (năm 207), “De Fuga” (14) (năm 212), “De Pudicitia” (21, 17) (năm 219 /21) đã hoàn toàn ngả theo thuyết Montan: “Ubi tres, Ecclesia est, licet laici” (ở đâu có ba người, ở đó là Giáo hội, cho dầu họ chỉ là giáo dân).

6 - Điạ vị ưu đẳng và quyền khoá mở được Chúa Kitô ban cho Phêrô là quyền riêng của cá nhân vị tông đồ này, chứ không chuyển xuống cho các Giám mục (Roma) khác (Depudic. 21, 9 / 11).

7 - Về bí tích hoà giải. Sau ngày ngả theo thuyết Montan Tertullien đã chối bỏ quyền “tha tội trọng" của Giáo Hội thể chế. Quyền tha tội của Đức Kitô là quyền hoàn toàn cá nhân đã không được Người chuyển trọn vẹn đến Giáo hội (De Pudic. 11). Quyền tha tội đó chỉ thuộc riêng về "spiritalis homo” (người thần khí), chứ không thuộc chức năng của Giám mục, vì những con người “thần khí” (pneumaticos, thuộc phái Montan) mới là những cơ quan đích thực của Thánh Linh (De pudic. 21).

8 - Tertullien tin mạnh mẽ vào phép Thánh Thể mà ông gọi việc tôn thờ là “gloriae relatio et benedictio et laus et hymni” và nhìn nhận trong đó sự thể hiện lời tiên tri Malachie 1, 11 (Adv. Marc.3, 22; Adv. Judaeos 5). Kẻ tham dự “bí tích Thánh Thể” rước lấy “chính thân mình Chúa Kitô” (De oratione 19; Adv. Marc. 3, 22; De pudic. 9, 16; De corona 3). Bánh được truyền phép là “Figura corporis mei” (chính mình Ta dưới biểu tượng bánh). Đây thật là mình Chúa Kitô đã chịu đóng đinh trên thập giá và đã phục sinh (Adv, Marc. 4, 40). Khi rước lễ “thân xác ăn mình và máu Chúa Kitô, để hồn được Thiên Chúa nuôi dưỡng: Caro corpore et sanguine Christi vescitur, ut et anima de Deo saginetur” (De resurrectione 8).

9 - Tertullien cũng nói đến một tình trạng luyện lọc sau cái chết. Ngoại trừ các tử đạo, tất cả những người quá cố đều phải xuống lâm bô (luyện ngục) cho tới ngày Chúa đến (phán xét chung) và chịu những hình khổ tại đó. Nhưng lời cầu nguyện của những người còn sống sẽ giúp họ sớm được ra khỏi nơi đó dể vào chốn mát mẻ sáng láng (là thiên đàng) (De anima 55, 58; De resur. 43; De monogamia 10).

10 - Sau cùng Tertullien vẫn sống theo chủ trương của thiên niên thuyết (millénarisme) (Adv. Marc. 3, 24; De spectaculis 30 ), về mặt tin tưởng. Còn về mặt luân lý, ông chủ trương sống nhiệm nhặt và tiết dục triệt để (encratisme).

***

ĐỌC THÊM

 

1. Ngộ đạo thuyết

- Ngộ đạo là gì?

 

“Ngộ đạo" (Gnose) là từ ngữ được dùng để chỉ một hiện tượng tổng quát mà người ta có thể khám phá thấy những biểu hiện qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử, khởi từ thế kỷ I, sau công nguyên, cho tới thời hiện đại, và “ngộ đạo thuyết" (gnosticisme) chỉ hiện tượng đặc biết của thế kỷ II.

Xét là hiện tượng tổng quát, Ngộ đạo (từ Hy lạp thông dụng có nghĩa là “tri thức”) là ảo tưởng về một tri thức hoàn hảo, được mặc khải, được chiếm hữu và truyền đạt bởi những người đã được khai tâm, với tham vọng đưa ra một giải thích toàn triệt về thế giới, về huyền nhiệm của hiện hữu, dựa trên cơ sở nhị nguyên (đối lập giữa thế giới sự thiện và thế giới sự dữ), và qua đó mở ra con đường cứu độ cho tinh thần. Ngộ đạo không chỉ là một phong trào cứu độ bằng tri thức; dưới góc độ lịch sử các tôn giáo, bản chất của Ngộ đạo là một quan niệm nhị nguyên bài vũ trụ (dualisme anticosmique): tri thức và cứu độ tự bản chất là xa lạ với thế giới xấu xa này. Cũng cần lưu ý đặc tính bí mật của nó, đặc tính này biến ngộ đạo thành một tôn giáo của những những người đã được khai tâm, và nội dung thường là thần thoại.

Hiện tượng này, một hiện tượng vừa đáng ngại vừa lôi cuốn, có thể nói đã bùng nổ vào thế kỷ II. Nhưng, từ lâu nay, người ta chỉ biết về Ngộ đạo thuyết xuyên qua các tác phẩm giáo phụ, trong đó có các tác phẩm của Irénée. Ngày nay, với những khám phá mới, công cuộc nghiên cứu đã có những tiến bộ lớn lao, đặc biệt là việc khám phá ra thư viện của một giáo phái Ngộ đạo ở Nag-Hammadi (Ai cập, 1947): khoảng 50 tác phẩm khác nhau, có cả một số tác phẩm được soạn thảo tận thế kỷ II, và đang được công bố.

Các khuynh hướng Ngộ đạo dầu tiên xuất hiện vào thế kỷ I trong một khung cảnh điạ lý chạy dài từ Palestine đến tiểu Á. Những khuynh hướng này có lẽ đã có mặt trong bối cảnh của một vài tác phẩm Tân Ước. Thế rồi những giáo phái hình thành và lan tràn khắp nơi. Vào Thế kỷ II, nó lan tới Alexandrie biến nơi này thành trung tâm của ngộ đạo thuyết, đặc biệt là của một thứ ngộ đạo thuyết “Kitô giáo”, cho mình là kẻ được ký thác truyền thống chính thức và bậc thầy có ảnh hưởng nhất của chủ thuyết này là Valentin. Ông này truyền bá giáo thuyết của mình sang tận Tây phương. Đối tượng chính mà Irénée chống lại đó là ngộ đạo của Valentin.

Ngộ đạo chìm dần ở thế kỷ III, để rồi hầu như ngay lập tức, phái Maniché chỗi dậy thay thế, đây là chủ thuyết mà các Giáo phụ sẽ phải chống lại bắt đầu từ thế kỷ IV. Thánh Augustino một thời là môn đồ của phái này trước khi trở thành đối thủ đáng sợ của nó. Vào một thời kỳ đầy biến chuyển về tôn giáo và văn hoá như là thời kỳ đầu công nguyên, nguyên nhân các giáo phái tuyên truyền thành công hẳn có thể hiểu là vì các chủ đề mà Ngộ đạo khai triển đánh động con người một cách sâu xa. Chủ đề căn bản của ngô đạo là nỗi khắc khoải về sự dữ của cuộc hiện hữu trong thế giới này. Ngộ đạo xuất hiện như một biểu hiện của ý thức bất hạnh. Ý thức này làm nảy sinh nơi người ngộ đạo cảm thức về một sự vong thân, một cuộc lưu đày, một sự tước bỏ so với một thiên đàng đã mất, so với sự hoàn hảo đã bị quên lãng. Ở trần gian này, con người cảm thấy lạc loài, bị xâu xé giữa thiện và ác, vật chất và tinh thần, linh hồn và thể xác, bị phá vỡ thành hai phái tính riêng biệt, tản mát trong thời gian, con người mang nỗi hoài vọng da diết về sự duy nhất thủơ đầu, một sự duy nhất mà chỉ có một thảm hoạ vũ trụ mới có thể phá tan để rồi sinh ra cái thế giới đổ vỡ này. Cứu độ hệ tại ở chỗ thoát khỏi vật chất và mọi thứ nhị nguyên mà nó đẻ ra, cứu độ là trốn thoát và trở về với thế giới hoàn hảo và thống nhất của tinh thần.

Con đường cứu độ nằm trong "tri thức”. Tri thức này vừa là nhận thức bẩm sinh về thân phận của tinh thần ở trần gian này, đồng thời là sự đắc thủ tri thức hoàn hảo, làm tăng triển nhận thức trên. Nhờ tri thức, con người ý thức về bản tính đích thực của mình là một hữu thể tinh thần. Ngộ đạo là việc tinh thần trở về với chính mình, là tự biết mình, đúng như câu ngạn ngữ: “Anh hãy tự biết mình”. Người được khai tâm (initié) là người thủ đắc tri thức giải thoát này và như thế là đã được cứu độ. Nơi những kẻ khác, tinh thần còn đang ngủ yên, nhưng lời chỉ dạy có thể đánh thức nó. Cuối cùng những người khác, những “người vật chất” chỉ được cấu tạo bằng những yếu tố xác thịt, tất sẽ bị hủy diệt vô phương cứu chữa. Như thế, các Kitô hữu theo Ngộ đạo tự xem mình như Giáo hội của những người hoàn hảo, nòng cốt của những người được tuyển chọn khai mào cho tất cả các trào lưu “Cathares” (tinh tuyền, thanh sạch) trong lịch sử Kitô giáo.

Về bản chất tai họa vũ trụ, nguyên lai của thế giới đổ vỡ này, các giáo phái mạnh ai nấy thêu dệt trên một phác thảo hoàn toàn mang tính chất thần thoại. Chính từ trong giai trật các hữu thể cấu tạo nên thượng giới, đã xảy ra biến chuyển làm phát sinh một đấng tạo hoá dị hình, tác giả của thế giới này. Cũng chính từ thượng giới một Quyền năng đã xuống giải thoát những mảnh tinh thần bằng cách đem tri thức đến. Ở đây, cũng như chủ thuyết Maniché, Ngộ đạo thuyết hòa trộn đủ thứ thần thoại vay mượn ở các tôn giáo rất khác nhau. Người ta có những lý do để tin rằng các kitô hữu Ngộ đạo không nhất thiết lấy lại thần thoại này, nhưng không vì thế mà họ tránh được việc hủy hoại tận căn hữu thể và vai trò của Đức Kitô Cứu thế.

2. - Chủ thuyết Marcion

Là một Kitô hữu gốc Tiểu Á, Marcion truyền bá tư tưởng của mình đến tận Rôma trong tiền bán thể kỷ II. Marcion tin mình đã khám phá thấy có sự đối lập sâu xa giữa Cựu và Tân Ước và cho rằng Tân Ước phần nào bị lây nhiễm Cựu Ước, vì thế ông chỉ công nhận các thư - đã bị lược bỏ của Phaolô, và Phúc âm cũng bị lược bỏ như vậy của Luca, bạn đồng hành của Phaolô, là những Sách thánh đích thực, như thế, vấn đề “qui điển” các Sách thánh được đặt ra, Marcion đã đi đến chỗ đưa ra những luận đề gần với những luận đề của phái Ngộ đạo đối lập giữa Thiên Chúa Cha (Dieu) và Đấng Tạo Dựng (Démiurge); hạ thấp giá trị của tạo dựng, phủ nhận việc nhập thể đích thực của Con Thiên Chúa...

Irénée trình bày giáo lý của Marcion như sau:

Marcion gốc ở Pont, đã khai triển giáo lý của mình bằng những lời báng bổ trơ tráo chống lại vị Thiên Chúa mà Lề luật và các Tiên tri loan báo: một Đấng thích làm điều ác, ưa gây gổ, hay thay đổi trong các quyết định và mâu thuẫn với chính mình. Về phần Đức Yêsu, Ngài phát xuất từ Cha, Đấng ở trên vị Thiên Chúa Tạo dựng thế giới, Ngài đã đến xứ Yuđê, thời quan Ponce Pilate...; Ngài đã xuất hiện dưới hình dáng con người cho các cư dân xứ Yuđê, hủy bỏ các Tiên tri, Lề luật và mọi công trình của vị Thiên Chúa tạo dựng thế giới... hơn nữa, (Marcion) cắt bớt phúc âm theo Luca, hủy bỏ tất cả điều viết về việc Chúa sinh ra, bỏ phần lớn giáo huấn của lời Chúa trong đó nói đến việc Ngài tuyên bố một cách hết sức rõ ràng rằng đấng Tạo Dựng nên vũ trụ ấy là Cha của Ngài... Tương tự như thế, ông ta cắt bớt các bức thư của Tông đồ Phaolô, bỏ tất cả những gì vị tông đồ rõ ràng nói về Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên vũ trụ, biết rằng, Ngài là Cha của Đức Yêsu Kitô Chúa chúng ta và bỏ tất cả những chỗ vị Tông đồ nhắc lại các lời tiên báo việc Chúa đến... (ông ta dạy rằng) ơn cứu độ chỉ dành cho những linh hồn học biết giáo lý của ông ta: đối với thân xác, vì được rút từ đất nên nó không thể tham dự vào ơn cứu độ. ( “Chống Lạc Giáo” 1. 27. 2).

3. Những lạc giáo lớn đầu tiên

- Ảo thân thuyết

- Nhị nguyên thuyết

- Hình thái thuyêt

- Dưỡng tử thuyết

Những quan niệm phi chính thống về Thiên Chúa và về Đức Kitô bị Tertullien và các giáo phụ thể kỷ III chống lại:

 

*  o thân thuyết (Docétisme) là một trong những sai lạc cổ xưa nhất về đức tin vào Đức Kitô, đã từng bị thánh Gioan và Ignace thành Antioche chống lại. Aío thân thuyết xuất hiện dưới nhiều hình thái rất khác nhau. Có những hình thái xuất phát từ lòng đạo đức đi theo cảm hứng lệch lạc, có những hình thái dựa vào một học thuyết suy tư chặt chẽ, nhưng tựu trung đó là thuyết giản lược, hoặc ngay cả phủ nhận thực tại nhân loại của Ngôi Lời nhập thể, đặc biệt là phủ nhận thực tại thân xác của Ngài: sinh ra, khổ nạn và cả phục sinh nữa. Họ tưởng làm cho Nhập thể thêm phần thần linh bằng cách bớt đi phần nhân loại, đi ngược với lời của Gioan: “Ngôi Lời đã thành xác phàm” (Họ chủ trương Đức Kitô chỉ có một thân xác giả tạo (huyễn tượng thuyết).

*  Nhị nguyên thuyết ( Dualisme) của Ngộ đạo hay của Marcion: phân biệt và đối lập giữa Thiên Chúa Cha của đức Yêsu Kitô, được mạc khải trong Tân Ước, và Một Đấng Tạo Dựng kém hơn và bất toàn, đấng đó hẳn là tác giả của Cựu Ước và của trần giới. (Điều đối lập với Démiurge).

 

*  Hình thái thuyết (Modalisme): khuynh hướng thần học xuất hiện ngay từ thế kỷ II và vẫn còn khả năng quyến rũ con người hiện đại. Minh nhiên hay mặc nhiên, nó thoát thai từ ý tưởng là: chỉ có thể cứu vãn niềm tin độc thần (một Thiên Chúa duy nhất) bằng cách loại bỏ mọi phân biệt thực sự giữa Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần. Cả ba chỉ là những khuôn mặt nối tiếp nhau mặc khải Thiên Chúa, chỉ là những hình thức hay hình thái tỏ hiện của Ngài. Người ta gọi khuynh hướng này là “thuyết độc ngôi” (Monarchianisme, một nguyên lý thần linh duy nhất), là “khổ phụ thuyết" (Patripassianisme, vì người ta có thể nói là cũng chính Chúa Cha chịu khổ nạn ), là “thuyết Sabellius” (Sabellianisme, lấy tên của Sabellius, một thần học gia hàng đầu theo hình thái thuyết thế kỷ III).

 

*  Dưỡng tử thuyết (Adoptianisme): một lối giải thích về mầu nhiệm Đức Kitô, cũng xuất hiện từ thế kỷ II, nhưng không tồn tại quá thế kỷ III. Đức Kitô chỉ được coi như người bình thuờng, một tiên tri, được nâng lên (được nhận: adopté) vào hàng Con Thiên Chúa, nhờ ân sủng và do công phúc của Ngài, lúc Ngài chịu phép rửa hoặc lúc phục sinh. Cũng như ảo thân thuyết nó có thể đã bắt nguồn vừa từ những môi trường Do thái hoá, vừa từ những môi trường Hy lạp chính danh.

4. Montan và thuyết Montan

Thuyết Montan là một phong trào tiên tri phát sinh ở Tiểu Á khoảng năm 170. Montan, người khai sáng, được hai nữ tiên tri trợ giúp, rao giảng việc Đức Kitô sắp trở lại để cai trị trần gian 1000 năm, và do đó phải khinh chê các thực tại trần gian, tuyệt giao với Giáo hội: ông ca tụng sự độc thân cách phiến diện và khích động sự tử đạo. Phái Montan trách Giáo hội cơ chế là đã giảm hẹ Phúc âm và thỏa hiệp với thế gian. Họ xem mình là người duy nhất có được Thần Khí tiên tri. Điểm đặc biệt của các cộng đồng phái Montan là vai trò trổi vượt của những “người Thần thiêng” gồm cả đàn ông và đàn bà, cũng như các hiện tượng cuồng nhiệt tôn giáo khác nhau. Các cộng đồng đó được kích động bởi niềm xác tín rằng họ cấu tạo nên tầng lớp ưu tú thần thiêng của Giáo hội, sống trực tiếp dưới sự tác động của Thần khí. Đấng canh tân nơi họ lòng nhiệt thành và các đặc sủng của Giáo hội sơ khai.

Cùng với thời gian, phong trào này, có thể gọi là một phong trào “canh tân”, mở đầu cho nhiều phong trào tương tự trong dòng lịch sử và ngày càng chủ trương nhiệm nhặt hơn về luân lý, gần với chủ thuyết luân lý tiêt dục (encratisme) như nơi Tertullien. Mặc dù không nhất thiết loại bỏ các thừa tác vụ có chức thánh, phong trào này ngày càng xung đột với hàng Giám mục, phủ nhận quyền bính và các quyền bí tích của Giám mục. Về phía các Giám mục, ngay từ cuối thể kỷ II, các Ngài đã phát động phong trào chống lại phong trào này: đây là dịp cho các Giám mục lần đầu tiên hội họp với nhau ở Tiểu Á. Thời gian này còn xảy ra cuộc tranh luận về các dấu chỉ của một ngôn sứ đích thực và về biện biệt các ân huệ của Thần khí: tiếc rằng các tài liệu về vấn đề này đã thất lạc. Cuối cùng, những người theo phái Montan bị vạ tuyệt thông: Giáo hội Roma đã quyết định như thế vào thời của Tertullien và đã khiến ông hết sức công phẫn.

Đây là một trong những tuyên bố có mầu sắc “thuyết Montan của Tertullien: “Theo nghĩa đích thực và chính yếu, Giáo hội là chính Thần khí, trong đó cư ngụ Ba Ngôi của thần tính duy nhất Cha, Con và Thánh Thần. Chính Thần khí qui tụ Giáo hội mà Chúa đã thiết lập trong ba Đấng đó. Vì vậy, từ lúc đó, mọi nhóm người họp lại với nhau trong cùng một đức tin này đều làm nên một Giáo hội cho Tác giả và Đấng thánh Hiến. Và như thế, quả đúng là Giáo hội tha tội, nhưng là Giáo hội của Thần khí, qua trung gian của một con ngưòi thần thiêng, chứ không phải Giáo hội theo nghĩa là Cộng đoàn của các Giám mục”. (Về Đức khiết tịnh XXI, 17, Sur la Chasteté).