Sunday, 29 March 2020 15:33

Văn Chương Của Các Giáo Phụ "Minh Giáo": Thánh Irénée Giám Mục Lyon Featured

GIÁO PHỤ HỌC - PATER ECCLESIAE

(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ.

***

***

CHƯƠNG II

TRAO ĐỔI VỚI VĂN HÓA NGOẠI GIÁO

(125-190)

***

Thánh IRÉNÉE  - Giám mục LYON

 

I. THÂN THẾ

Irénée là nhà thần học nổi tiếng vào bậc nhất và bỏ xa tất cả các thần học gia khác tại thế kỷ II. Ngài sinh phỏng vào những năm 140-160, chắc là tại Smyrne. Trong bức thư Ngài gửi cho linh mục Florin tại Roma, Irénée nói khi còn nhỏ Ngài đã được nghe những bài giảng của Polycarpe, Giám mục Smyrne. Lời lẽ của bức thư cho ta thấy Irénée biết rất rõ vị Giám mục tử đạo, điều này chỉ có thể nhờ một cuộc sống gần gũi và tiếp xúc cá nhân. Vì thế, ta có thể tin rằng Irénée đã là môn đệ của thánh Polycarpe. Dưới đây là một đoạn trong bức thư:

“Đúng thế, từ nhỏ tôi đã biết bạn (Florin) tại Tiểu Á, bên cạnh Polycarpe... Tôi cũng có thể nói rõ cả đến chỗ mà đấng hiển phước Polycarpe vẫn ngồi để đàm thoại, đến cách đi đứng của Ngài như thế nào. Đến đức tính của đời Ngài, hình vóc Ngài, những bài Ngài giảng thuyết cho dân chúng. Ngài kể lại làm sao về những liên lạc của Ngài với Yoan và với những người khác đã được nhìn thấy Chúa, Ngài nhớ lại những lời lẽ của các vị ấy như thế nào, và những điều gì Ngài đã học biết được về Chúa từ miệng các vị ấy. Polycarpe đã kể lại thế nào mọi sự việc hoàn toàn am hợp với Thánh kinh, sau khi đã học biết tất cả từ (miệng) những nhân chứng đã được nhìn thấy tận mắt Ngôi Lời hằng sống. Ngay từ tuổi (thơ) đó, nhờ lòng Chúa thương tôi, tôi đã nghe những điều ấy một cách thích thú, và ghi chép lại không phải trên giấy tờ, nhưng trong tận đáy lòng và ngày ngày nhờ ơn Chúa, tôi vẫn trung thành suy niệm những điều ấy" (Eusèbe, H.E. 5, 20,5-7).

Đoạn văn trên đây chứng tỏ, qua Polycarpe, Irénée đã có những liên lạc với thời tông đồ. Còn những lý do nào đã khiến Ngài bỏ Tiểu Á để sang xứ Gaule thì chúng ta không được rõ. Năm 177 (178) với tư cách một Linh mục gương mẫu và rất uy thế thuộc Giáo đoàn Lyon, Irénée được phái đi Roma gặp Giáo hoàng Eïleuthère để dàn xếp một câu chuyện liên can đến phái Montan (Eusèbe, II. E. 5, 4, 2). Khi Ngài bỏ Roma để trở về Lyon thì Giám mục Pothin đã tử đạo, và Ngài được chọn lên kế vị.

Năm 190, Irénée lại viết thư cho Giáo hoàng Victor I để can thiệp về vấn đề mừng lễ Phục sinh. Đây là hành động giải hoà Irénée mang lại cho Giáo hội vào dịp Victor I ra vạ tuyệt thông cho Đông phương vì không chịu mừng lễ Phục sinh vào Chúa nhật thứ I sau ngày 14 tháng Nisan như Roma. Chính Irénée đã chấp nhận lề thói của Roma, nhưng như một sứ giả hoà bình (eirènopoios), Ngài van xin Giáo hoàng Victor đừng khai trừ những người theo một truyền thống khác trong vấn đề này. (Eusèbe, H. E. 5, 23 ; 24, 2-18).

Sau đó, chúng ta không biết gì thêm về đời sống của Irénée. Ngài đã qua đời năm nào và có tử đạo hay không cũng không ai rõ nữa. Ba học giả tên tuổi đã biết Irénée không hề nói Ngài đã tử đạo, đó là Tertullien, Hippolyte và Eusèbe. Khá muộn về sau ba học giả khác gọi Irénée là tử đạo : thánh Jérôme ban đầu trong cuốn “De viris illustribus” chỉ biết Irénée là Giám mục Lyon thôi, nhưng sau đó mấy năm, phỏng 397, trong “chú giải Isaia” (P. L. t. 24, Col. 623 A) ngài gọi Irénée là tử đạo. Théodoret trong cuốn “Vấn nạn và giải đáp”, viết vào những năm 430 - 450 (P.G. t.6 Col. 1363)cũng gọi Irénée là tử đạo. Còn Grégoire de Tours (+594) thì gọi Irénée là tử đạo trontg hai tác phẩm :”La gloire des martyrs”, ch. 50 (P.L. t. 71, Col. 752A) ; và “Historia Francorum”, I, 27. Nhưng bằng chứng muộn mằn này của Grégoire không mấy giá trị vì có sự lầm lẫn trong trí óc tác giả về hai biến cố : cuộc bắt đạo xảy ra tại Lyon vào những năm 177 và cái chết của Irénée năm 202.

Vào năm 600, khi Giáo hoàng Grégoire le Grand viết cho Giám mục Lyon có nói : tại Roma cũng như tại Lyon không thấy có sự tích tử đạo của Irénée.

Vậy chúng ta có thể khẳng quyết Irénée đã tử đạo hay không? không, vì những bằng chứng có phần quá muộn mằn, đôi khi còn lầm lẫn nữa, ví dụ như trường hợp Grégoire de Tours. Nhưng Irénée đã qua đời năm nào? có lẽ năm 202 (?). Năm 197 có cuộc tranh dành quyền lực giữa hai tướng Septime Sévère và Albinos. Dân thành Lyon ủng hộ Albinos, nhưng chung cuộc Septime Sévère thắng thế và cuộc đàn áp ghê sợ, “máu chảy thành sông”(cf, Grégoire de Tours) đã diễn ta tại Lyon vào năm 202. Rất có thể trong cuộc tàn phá này cái chết của Irénée đã không được ai để ý tới. Dầu sao hiện nay ”Giáo hội” Lyon vẫn tôn kính Irénée như một Giám mục tử đạo.

II. SỰ NGHIỆP

Ngoài việc cai quản Giáo đoàn Lyon, Irénée còn cho mình sứ mệnh phải chiến đấu chống những lạc thuyết thuộc phái ngộ đạo. Vì thế mà ngài đã viết rất nhiều sách vở. Nhưng hiện nay chúng ta chỉ còn giữ được hai tác phẩm. Đáng tiếc là nguyên bản hy lạp lại cũng thất lạc và chỉ còn lại hai bản dịch : một bằng La ngữ dịch tác phẩm thứ nhất :”Adversus Haereses” ; một bằng tiếng Arménien dịch tác phẩm thứ hai : “Demonstratio Apostolicae Predicationis”. Đặc biệt là bản dịch thứ nhất,”Adversus Haereses”, tỏ ra trung thành với nguyên bản Hy lạp đến nô lệ. Đây cũng là một bảo đảm về tư tưởng đích thực của Irénée.

A / Cuốn “Adversus Haereses”

Đây là tác phẩm chính yếu của Irénée. Tên Hy ngữ của cuốn sách có nghĩa là : “Khám phá và khuynh đảo thứ trực quan (gnôseôs) mạo xưng nhưng giả tạo”. Bản dịch La ngữ thường gọi tắt là “Adversus Haereses”. Như tên gọi nguyên thủy, tác phẩm gồm 5 quyển,  được chia làm hai phần:

* Phần I: Có mục đích khám phá những lạc thuyết thuộc khuynh hướng ngộ đạo. Phần này, mặc dầu chỉ thu gọn trong quyển I, chứa đựng một giá trị rất lớn đối với lịch sử ngộ thuyết. Irénée mở đầu bằng cách phân tách tỉ mỉ giáo thuyết của Valentin. Sau đó Ngài nói đến những bước đầu của ngộ thuyết: Simon  phù thủy và Ménandre. Kế đến những tên chủ trì của các môn phái ngộ đạo : Satornil, Basilide, Carpocrate, Cérinthe, Duy bần phái (Ebionites), Nicola phái (Nicola(tes), Cerdon, Marcio, Tatien và Duy thủy phái (hay Encratites hoặc Aquariens). Đó mới chỉ là những tên chính.

* Phần II : Nhằm khuynh đảo hay đả phá những lạc thuyết nói trên, được chia làm 4 quyển:

- Quyển II phi bác ngộ thuyết của Valentin và Marcion bằng lý trí.

- Quyển III bằng giáo lý của Giáo hội về Thiên Chúa và về Đức Kytô.

- Quyển IV bằng những lời lẽ của Chúa;

- Quyển V luận về (tín điều) xác (loài người) sống lại mà thuyết ngộ đạo chối bỏ.

Xét một cách tổng quát thì sách thiếu rõ rệt trong dàn bài và mạch lạc trong tư tưởng. Điều này có lẽ vì cuốn sách đã không được viết một cách liên tục. Dầu sao đây là một tài liệu quý báu và dồi dào cho những ai muốn tìm hhiểu đầy đủ về ngộ thuyết và về thần học của Giáo hội sơ khởi. Khi viết cuốn sách này theo lời yêu cầu của một người bạn, Irénée không hề tự phụ sáng tác một sản phẩm văn chương. Ngài viết :”Đừng có chờ đợi nơi tôi, một người sống nơi dân Celtes, và thường ngày phải dùng một thổ âm mọi rợ, một sự biểu dương hùng biện, mà tôi đã không bao giờ được học, hay phẩm cách của một ngòi bút điêu luyện, điều mà tôi đã không bao giờ thực hành, hoặc vẻ thẩm mỹ hay tài lôi cuốn của giọng văn, mà tôi không hề dám nghĩ tới. Nhưng xin hãy nhận lấy với một tâm hồn đại lượng điều mà tôi viết cho bạn cũng trong những tâm tình đó, với lòng đơn sơ, chân thành và khiêm tốn. “(Adv. Haer. I, Praef. 3).

B / Cuốn”Demonstratio Apostolicae Praedicationis”

Từ rất lâu người ta chỉ biết tên của tác phẩm này thôi, mà không biêt nội dung ra sao (Eusèbe, H.E. 5, 26), nhưng năm 1904 học giả Ter-Mekerttschian đã khám phá ra toàn thể văn bản của cuốn sách trong một bản dịch arménien, và cho xuất bản lần đầu tiên vào năm 1907. Khác với điều ức đoán của một số học giả, đây không phải là một cuốn giáo lý, nhưng đích thực là một tác phẩm minh giáo, theo như tên gọi của cuốn sách.

Cuốn “Demonstratio”  được chia thành hai phần:

Sau ít điều chú thích nhập đề về những lý do đã thúc đẩy tác giả viết lên cuốn sách (đoạn 1 - 3),

* Phần I  (đoạn 4 - 42) khảo cứu nội dung chính yếu của dức tin Kytô giáo : Thiên Chúa Ba Ngôi, công trình sáng tạo và sự sa ngã của con người ; tiếp đến là Mầu Nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc. Nói tắt tất cả hành động của Thiên Chúa đối với nhân loại, kể từ Adam tới đức Kytô.

* Phần II (đoạn 42- 97) dựa theo những sứ ngôn của Cựu Ước, đưa ra những bằng chứng về chân lý của Mạc khải Kytô giáo. Ở đây Đức Giêsu được trình bày như là con vua David và là đấng Thiên sai (messia). Tác giả lý luận như sau:

“Nếu  các ngôn sứ đã tiên báo rằng con Thiên Chúa sẽ xuất hiện trên mặt đất, đã nói rõ ở nơi nào trên địa cầu, và Ngài sẽ tỏ mình ra thế nào, bằng cách thức nào ; nếu Chúa đã thể hiện nơi bản thân mình tất cả những điều tiên báo đó, thì đức tin ta đặt nơi Ngài thực sự dựa trên nền tảng vững chãi, và như thế thì những lời chúng ta giảng dạy theo truyền thống là chân thật, nghĩa là chân thật lời chứng tá của các tông đồ, những vị đã được Chúa sai đi, để rao giảng trong toàn thế giới rằng Con thiên chúa đã đến để chịu tử nạn, rằng Ngài chịu như thế với mục đích hủy diệt sự chết và phục sinh chúng ta “(đoạn 86).

Irénée kết luận bằng cách khuyên nhủ các độc giả hãy ăn ở phù hợp với đức tin và hãy canh chừng đừng để các lạc thuyết lừa đảo. Như vậy cuốn minh giáo này không có tính cách bút chiến, mà chỉ nhằm minh chứng hay trình bày một cách tích cực giáo lý chân chính, còn việc phi bác các thuyết ngộ đạo thì đã có cuốn “Adversus Haereses”.

III. THẦN HỌC CỦA THÁNH IRÉNÉE

Hai lý do khiến ta phải thừa nhận địa vị quan trọng của thánh Irénée như là thần học gia. Trước hết ngài đã lột trần  bộ mặt Kytô giáo giả dạng của ngộ thuyết, và nhờ vậy đã góp công rất nhiều vào việc sớm loại trừ được lạc thuyết này khỏi Giáo hội.

Thứ đến ngài đã bênh đỡ một cách thật hữu hiệu những khoản đức tin đã bị ngộ thuyết chối bỏ hoặc cắt nghĩa sai lệch. Ở đây ngài thật sự xứng đáng tước hiệu sáng lập nền thần học Kytô giáo. Rất ít chuộng lý thuyết, Irénée không hề đưa ra được một khám phá mới mẻ nào về thần học. Trái lại khuynh hướng tự nhiên của ngài là nghi ngờ một khoa học đặt nặng về suy luận. Ngài nói:

“Thà đừng có biết một tí gì hết, ngay đến một trong muôn vàn lý do đã khiến cho có sự vật nhỏ hèn nhất trong các thụ tạo trên thế giới này, mà biết tin vào Thiên Chúa và kiên trì trong tình ái, thì còn hơn là tự đắc về những kiến thức loại đó, mà xa lìa tình ái đó là chính sự sống của con người. Thà đừng tìm một sự hiểu biết nào ngoài đức Yêsu Kytô Con Thiên Chúa, Đấng chịu đóng đinh vì ta, còn hơn là tìm hiểu những vấn đề cao siêu và những tranh luận kiêu kỳ, mà rơi vào tinh thần nghịch đạo”.(Adv. Haer. 2, 26, 1).

Cho dầu có thái độ nghi ngờ nói trênđối với thần học suy luận, Irénée vẫn được công rất lớn đã là tác giả đầu tiên biết dùng những kiểu nói và nhiều khi cả những danh từ tín lý để diễn đạt toàn thể giáo lý Kytô giáo. Ngài đã đả động đến mọi vấn đề mà khoa thần học mai ngày sẽ nghiên cứu tới. Ở đây không thể, và cũng không cần thiết, xét nghiệm từng điểm một trong tư tưởng thần học của Irénée. Chúng ta chỉ ngừng lại trên hai điểm đặc sắc nhất và có liên hệ mật thiết với nhau, tức là Kytô học và Giáo hội học của ngài.

A.  KYTÔ HỌC

1. Liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con: nhiệm sinh (generatio)

Về mối liên hệ này, Irénée tuyên bố rõ rệt như sau:

“Nếu ai hỏi chúng  ta :”Thế thì ngôi Con phát xuất bởi ngôi Cha thế nào ? (Quomodo ergo Filius prolatus a Patre est ?) , chúng ta sẽ trả lời họ rằng việc phát xuất (prolatio) đó, cũng gọi là xuất sinh (generatio, nhiệm sinh), hay tuyên sinh (nuncupatio), hay bộc sinh (adapertio), hoặc bất cứ bằng một tên nào mà người ta muốn gọi việc nhiệm sinh khôn tả đó không một ai biết được... ngoài một mình Chúa Cha đấng chủ sinh và một mình Chúa Con đấng thụ sinh. Bởi vì việc nhiệm sinh đó không thể diễn đạt, nên những ai toan tính cắt nghĩa bằng được ) những nhiệm sinh hay phát xuất (loại đó) thì không còn tự chủ được tư tưởng của mình nữa, xét vì họ toan tính cắt nghĩa những điều không thể diễn đạt được “(Adv. Haer. 2, 28, 6).

Ngoài ra chúng ta còn nhậnthấy nơi Irénée cố gắng đầu tiên để hiểu bằng suy luận mối liên hệ giữa ngôi Cha và ngôi Con : “Như vậy qua Chúa Con ở trong Chúa Cha và có Chúa Cha trong mình, Đấng Thiên Chúa hiện hữu đã tỏ mình ra “(Adv. Haer. 3, 6, 2). Bằng những lời lẽ trên đây Irénée đã dậy điều ngôn ngữ chuyên môn trong thần học gọi là tính cách tương tựu, tương tại nơi Thiên Chúa (perichoresis hay circumpermeatio, hoặc circuminsessio). Nếu để chống đối ngộ thuyết Irénée đã bênh vực tính cách đồng nhất của Ngôi Cha với đấng sáng tạo vũ trụ, thì ngài cũng dạy chỉ có một Đức Kytô, mặc dầu ta gán cho người nhiều danh hiệu khác nhau. Vậy Đức Kytô cũng đồng nhất với Con Thiên Chúa, với Ngôi Lời, với Con Người-Thiên Chúa mang tên Yêsu, Đấng Cứu chuộc và là Chúa chúng ta.

2.  “Tổng lược “ trong Đức Kytô

Quan niệm “tổng lược” (recapitulatio, tiếng Hy lạp : anakephalaiôsis = anakejalaiwsiz) là nòng cốt của Kytô học nơi Irénée. Ngài đã vay mượn quan niệm này nơi thánh Phaolô. - cf. Rom. 13, 9 : “Vì các điều (răn) thì đều tóm lại (bản Vulgata dùng tiếng “Instauratur”) nơi một lời này : ngươi hãy yêu mến đồng loại như chính mình” ; và Eph. 1, 10 :”vì sự an bài (của Người) cho muôn thời được viên mãn, là thâu họp (tổng lược) vạn vật dưới một đầu một mối trong Đức Kytô (instaurare omnia in Christo), vật ở trời cao, vật nơi dương thế. Chắc là đoạn Eph. 1, 10 trên đây đã ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng của Irénée. Nhưng nếu Ngài đã vay mượn quan niệm này nơi Phaolô thì ngài đã quảng diễn nó một cách thật sâu rộng. “Recapitulatio” nơi Irénée có nghĩa là tái tạo lại toàn thể kể từ nguyên thủy trong Đức Kytô. Thiên Chúa tái lập chương trình nguyên thủy về ơn cứu rỗi Ngài dành cho nhân loại nhưng đã bị gián đoạn vì cuộc sa ngã của Adam. Chương trình đó Ngài bắt đầu lại hoàn toàn từ đầu, để đổi mới, sửa chữa và cải tổ trong chính Con một Ngài nhập thể và nhờ đó trở thành một Adam thứ hai cho chúng ta. Sự sa ngã của con người (Adam) đã lôi theo sự hư hỏng của toàn thể giống nòi nhân loại, nên Con Thiên Chúa đã phải xuống thế làm người (Adam mới) để nhờ vậy thực hiện một cuộc sáng tạo mới cho nhân loại:

“Si autem ob aliam quamdam dispositionem Dominus incarnatus est, et ex altera substantia carnem attulit, non ergo in semetipsum recapitulatus est se hominem... Quod autem perierat, sanguinem et carnem habeat. Limum enim de terra accipiens Dominus, plasmavit hominem ; et propter hunc omnis dispositio adventus Domini. Habuit ergo et ipse carnem et sanguinem ; non alteram quamdam, sed illam principalem Patris plasmationem in se recapitulans, exquirens id quod perierat “(Adv. Haer. 5, 14, 2).

Nhờ cuộc “tổng lược” con người nguyên thủy này, không những chỉ cá nhân Adam, mà toàn thể nòi giống nhân loại được đổi mới và tái tạo:

“Sed quando incarnatus est, et homo factus, longam hominum expositionem in seipso recapitulavit, in compendio nobis salutem praestans, ut quod perdideramus in Adam (id est secundum imaginem et similitudinem esse Dei) hoc in Christo Jesu reciperemus” (Adv. Haer. 3, 18, 1).

Như vậy, trong khi phá hủy những hậu quả tai hại do tội bất tuân lệnh của Adam cũ gây nên, “Thiên chúa đã tóm lược trong chính mình thân xác con người mà Ngài đã nặn thành xưa kia, để giết chết tội lỗi, hủy diệt sự chết và làm cho con người được sống “ (Adv. Haer. 3, 18, 7). Thế là Adam mới đã khơi lại cuộc chiến xưa với qủy ma và Ngài đã đánh bại nó (Adv. Haer. 5, 21, 2).

Nói tắt, Đức Kytô đã đổi mới mọi sự qua việc “tổng lược” đó:

“Quid igitur Dominus attulit veniens? Cognoscite quoniam omnem novitatem attulit, semetipsum afferens, qui fuerat annuntiatus. Hoc enim ipsum praedicabatur, quoniam novitas veniet innovatura et vivificatura hominem” (Adv. Haer. 4, 34, 1).

3. Lịch sử nhân loại là lịch sử cứu rỗi

a/. Nhiệm cục cứu rỗi

Theo chủ trương của ngộ thuyết, mà những đại diện chính là Valentin, Tatien và Marcion, thì cứu rỗi đối với những kẻ được tuyển chọn là việc phục hoàn của họ trong Plérôma (plhrwma), tức trong Viên mãn, nghĩa là trong thiên giới vĩnh cửu. Bởi vì một biến cố bi thảm từ nguyên thủy đã khiến một yếu tố thiên linh từ cõi ánh sáng sa xuống thế giới vật chât tối tăm và làm thành vũ trụ thụ tạo này. Vậy giải thoát là tách mình khỏi vật chất, khỏi tối tăm để trở lại về cõi tinh thần, cõi ánh sáng, nghĩa là lại được hoà trộn với Plérôma, hoà trộn trong Viên mãn của thiên giới. Trong nhãn giới này thì thế giới không có lịch sử và cũng không thể nói được có một lịch sử cứu rỗi.

Ngoài ra những kẻ được tuyển chọn, được giải thoát chỉ là một con số rất nhỏ, và chỉ có linh hồn họ được cứu rỗi mà thôi, còn thân xác bị loại trừ vì thuộc vật chất. Tatien còn quả quyết Adam cũng như đại đa số con cháu của ông đã không được cứu rỗi.Chống lại quan niệm ngộ thuyết trên đây Irénée đưa ra chủ trương cứu rỗi của Kytô giáo được thâu gọn trong quan niệm “tổng lược” (recapitulatio) vừa diễn đạt trên đây : Tất cả lịch sử của con người và của vạn vật đều được tóm lược nơi Đức Kytô. Con người được cứu rỗi do Đức Kytô Đấng đã thâu họp trong chính mình toàn thể công trình sáng tạo. Đây là nhiệm cục, hay chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Với ngộ thuyết cứu rỗi là trở về với Plêrôma của thiên giới. Irénée cũng lợi dụng quan niệm Plêrôma đó để quả quyết rằng chỉ trong Kytô giáo mới có Viên mãn của nhiệm cục : trong Đức Yêsu Kytô tất cả đều được cứu rỗi.

Theo Irénée thì lịch sử cứu rỗi đã không hiện hữu nếu nó không khởi sự ngay từ đầu: vì thế Adam phải được cứu rỗi. Công trình của Thiên Chúa là một công trình duy nhất: lịch sử cứu rỗi đã bắt nguồn ngay từ đầu với công trình sáng tạo, và công trình sáng tạo đó đã được tổng lược lại nơi đức Kytô. Nếu Adam đã bị trầm luân thì toàn thể công trình của Thiên Chúa đều bị huỷ hoại.

b/. Tiến triển trong lịch sử cứu rỗi

Nhưng nếu đã có một lịch sử cứu rỗi thì phải có một sự tiến triển trong lịch sử đó. “Vì thế mà Ngôi Lời đã được đặt làm Đấng ban phát hồng ân của Chúa Cha để mưu ích cho con người.... hầu luôn luôn họ có một đích điểm để tiến tới (nghĩa là đạt tới chính) Thiên Chúa trở thành hữu hình cho con người nhờ nhiều cách “an bài” (dispositiones) của Ngài, kẻo một khi mất hẳn (sự chiêm ngưỡng) Thiên Chúa, con người sẽ mất luôn cả sự hiện hữu (của chính mình) :”Vì chưng vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống, nhưng sự sống của con người là được chiêm ngưỡng Thiên Chúa.”(Gloria enim Dei vivens homo, vita autem hominis visio Dei. Adv. Haer. 4, 20, 7).

Có một khác biệt giữa Thiên Chúa và con người:

“Quoniam Deus quidem facit, homo autem fit. Et quidem qui facit semper  idem est, quod autem fit et initium et medietatem et adjectionem et augmentum accipere debet. Et Deus quidem bene facit, bene autem fit homini. Et Deus quidem perfectus in omnibus... homo vero profectum percipiens et augmentum ad Deum. Quemadmodum enim Deus semper idem est, sic et homo in Deo inventus semper proficiet ad Deum”. (Adv. Haer. 4, 11, 2).

Vậy con người cần phải làm quen với Thiên Chúa. Và cũng vì thế mà Thiên chúa đã khuôn mình theo chúng ta trong Ngôi Lời nhập thể để dần dần chúng ta có thể học biết Ngài. Ngài đã không ban tất cả luôn một trật, nhưng đã ban từ từ để chúng ta có thể tiến triển thêm mỗi ngày và như thế có thể đạt tới trọn lành. Đây đúng là một đường lối sư phạm tiệm tiến của Thiên Chúa vậy:

“Quomodo carnem negant capacem esse donationis Dei, quae est vita aeterna, quae sanguine et corpore Christi nutritur, et membrum ejus est ?”(Adv, Haer. 5, 2, 3) và “Quomodo autem rursus dicunt carnem in corruptionem devenire, et non percipere vitam, quae corpore Domini et sanguine alitur ?... sic et corpora nostra percipientia eucharistiam, jam non sunt corruptibilia, spem resurrectionis habentia.” (Adv. Haer. 4, 18, 5 ).

B. GIÁO HỘI HỌC

1 - Giáo hội tổng quát

a/. Nhân loại thâu hợp trong Đức Kytô

Giáo hội học của Irénée cũng được gắn liền với quan niệm “tổng lược”(recapitulatio) của Ngài. Thiên Chúa thâu họp trong Đức Kytô không những chỉ nguyên quá khứ mà cả tương lai nữa. Vì vậy mà Người đã đặt Đức Kytô làm đầu toàn thể Giáo hội, để lưu tồn qua Giáo hội đó công việc canh tân của Người cho tới ngày tận thế (Adv. Haer. 3, 16, 6).

b/. Thánh Truyền là nguồn suối và mẫu mực đức tin

Irénée thâm tín rằng giáo huấn của các Tông đồ vẫn tiếp tục được nắm giữ y nguyên trong Giáo hội. Đây là chính Thánh truyền, nguồn mạch và mẫu mực của đức tin vậy. Mẫu mực chân lý đó là chính kinh xưng tín (Credo) chúng ta đã nhận được khi chịu phép rửa tội (Adv. Haer. 1, 9, 4). Irénée diễn đạt đức tin của Giáo hội bằng những từ ngữ hầu y hệt với kinh tin kính các Tông đồ (cf. Adv. Haer. 1, 10, 1-2). Ta có thể trưng dẫn một phần trong câu 1 làm ví dụ:

“Ecclesia enim per universum orbem  usque ad fines terrae seminata, et ab apostolis et a discipulis eorum accepit eam fidem, quae est in unum Deum, Patrem omnipotentem, qui fecit coelum et terram, et mare, et omniia quae in eis sunt ; et in unum Jesum Christum Filium Dei, incarnatum pro nostra salute ; et in Spiritum Sanctum, qui per prophetas praedicavit dispositiones Dei, et adventum, et eam, quae est ex Virgine, generationem, et passionem, et resurrectionem a mortuis et in carne in coelis in gloria Patris adventum ejus, ad recapitulanda universa, et resuscitandam omne carnem humani generis... “.

c/. Nguồn gốc Tông đồ

Chỉ có những Giáo đoàn do các tông đồ thiết lập mới có thể là nền tảng cho Giáo lý đức tin chân chính, và chứng tá của chân lý. Bởi vì sự kế tiếp liên tục của các Giám mục trong những giáo đoàn này là một bảo đảm chắc hắn cho một giáo lý chính tông (Adv. Haer. 3, 3, 1).

Đức tính chính yếu đó thiếu hẳn nơi những đoàn nhóm lạc giáo. Vì không phải là những người kế vị các tông đồ, các đầu mục của họ không thể có ơn đoàn sủng để giảng dạy chân lý:

“Quapropter eis qui in Ecclesia sunt, presbyteris obaudire oportet, his qui successionem habent ab apostolis, sicut ostendimus, qui cum episcopatus successione charisma veritatis certum, secundum placitum Patris acceperunt”(Adv, Her. 4, 26, 2).

2 - Địa vị đặc biệt của Giáo đoàn Roma

Để hiểu tư tưởng thần học của Irénée về vấn đề này ta phải lưu ý đến một đoạn văn rất quan trọng sau đây mà thật không may chúng ta không còn nguyên bản Hy lạp:

“(eos qui... Praeterquam oportet colligunt). Ad hanc enim Ecclesiam propter potentiorem principalitatem necesse est omnem convenire Ecclesiam, -  hoc est eos qui sunt undique fideles,- in qua semper ab his qui sunt undique, conservata est ea quae est ab apostolis Traditio.”(Adv. Haer. 3, 3, 2).

Đoạn văn này đã được viết trong trường hợp nào? Irénée đang chiến đấu chống lạc thuyết ngô đạo, và để làm công việc đó, Ngài nại đến Thánh Kinh và Thánh Truyền. Nhưng Thánh Truyền đối với Irénée là chính Thánh Kinh đã được các Tông đồ giao truyền và được các Giám mục kế vị các Ngài bảo tồn.

Theo chủ trương của phái ngộ đạo thì các bản văn đã bị biến di quá nhiều, nên không thể tìm ra chân lý trong Thánh Kinh nếu không dùng Thánh Truyền để bổ túc. (Như vậy danh từ “Thánh Truyền” phát xuất từ lạc giáo). Nhưng Thánh Truyền đối với  họ là một kiến thức bí nhiệm về chân lý do Đức Kytô đã dành riêng cho một vài nhân vật mà thôi.

Chống lại “Thánh Truyền” lạc giáo này, Irénée đã đưa ra một Thánh Truyền đích thực: Thánh Truyền của các Tông đồ. Theo Ngài, nếu trong giáo Hội đã có một chân lý bí nhiệm chỉ dành riêng cho những người hoàn toàn, thì chắc chắn Chúa Kytô đã dạy chân lý đó cho các thủ lãnh trong Giáo Hội là những người hoàn toàn nhất. Nên để có một Truyền thống hay Thánh Truyền đích thực chỉ cần tham khảo những vị thủ lãnh các Giáo đoàn, nghĩa là các Giám mục, kế vị các Tông đồ, bởi vì các Ngài có Chúa Thánh thần soi dẫn để giảng dạy chân lý do Chúa Kytô truyền lại.

a / Trong nhãn giới đó, chắc chắn Irénée không nghĩ rằng trên nguyên tắc một mình Roma có thể đủ để làm tiêu chuẩn cho chân lý. Cần phải tham khảo tât cả mọi Giáo đoàn. Nhưng như thế thì quá dài đối với khuôn khổ một cuốn sách, vì vậy thiết tưởng có thể tham khảo Giáo đoàn lớn nhất trong tất cả mọi Giáo đoàn, tức Roma. (cf. Adv. Haer. 3, 3, 2 phần đầu).

b/. Trên thực tế nếu Irénée đã nại đến Giáo đoàn Roma rất nhiều, thì rút cục ngài cũng không chỉ nguyên nói đến một mình Giáo đoàn này thôi. Trái lại, Ngài còn nói đến cả Giáo đoàn Smyrne và Ephèse nữa (cf. 3, 3, 4). Roma đã được nói tới nhiều hơn, chắc một phần vì lý do địa dư (gần gũi), một phần là vì Giáo đoàn đã được thành lập bởi hai vị Tông đồ Cả, Phêrô và Phaolô:

“Sed quoniam valde longum est in hoc tali volumine omnium Ecclesiarum enumerare successiones, maximae et antiquissimae, et omnibus cognitae, a gloriosissimis duobus apostolis Petro et Paulo Romae fundatae et constitutae Ecclesiae, eam quam habet ab apostolis Traditionem, et annuntiatam homminibus fidem, per successiones episcoporum pervenientem usque ad nos indicantes, confundimus omnes eos, qui quoquo modo, vel per sibi placentiam, vel vanam gloriam, vel per coecitatem et malam sententiam, praeterquam oprtet colligunt. “ (Adv. Haer. 3, 3, 2). tiếp liền sau là đoạn văn : ‘Ad hanc enim Eccesiam...” vừa trích trên đầu đề mục về Giáo đoàn Roma này (tr. 100).

Sau cùng còn một sự kiện rất quan trọng nữa là Irénée có thể kể được tên các vị Giám mục đã lần lượt kế vị tại Giáo tòa Roma kể từ sau ngày được thành lập do Phêrô và Phaolô. “Successio apostolica” này rất quý báu cho Giáo đoàn Roma : Eleutherio (174-189) là Giám mục thứ 12 đã kế vị Phêrô (cfr. Adv. Haer. 3, 3, 3). Còn về giáo đoàn Smyrne và Giáo đoàn Ephèse có lẽ Irénée không biết danh sách các vị kế tiếp nhau. Đây là danh sách 12 Giám mục đã kế vị Phêrô tại Roma : Clément, Évariste, Alexandre, Sixte, Télesphore, Hygin, Pie, Anicet, Soster, Éleuthère.

c/.  Theo đúng văn mạch thì ”đoạn văn nổi tiếng“ (Ad hanc enim Ecclesiam, tr. 100 ) trên đây không nhằm minh chứng quyền ưu tiên của Giáo đoàn Roma, mà chỉ có ý vạch rõ đâu là Giáo hội đích thực mà cần thiết (necesse est) phải qui thuộc những ai hiện đang họp thành những giáo hội bất hợp pháp (của Valentin, của Marcion v.v..). Giáo hội đích thực đó đối với Irénée là Giáo hội Tông truyền (Ecclesia Apostolica), mà Roma chỉ là một tỉ dụ điển hình, chứ không phải là đầu và nguồn suối. Trong nhãn giới của Irénée, chúng ta không thể áp dụng cho giáo đoàn Roma danh hiệu “Đầu và nguồn suối”(Caput et fons) của các giáo đoàn Tông truyền được. Theo Ngài thì ”đầu và nguồn suối ” là tất cả mọi Giáo đoàn có tính cách “Tông truyền”: Smyrne cũng như Ephèse hay Roma v.v...

Đàng khác, áp dụng cho Giáo đoàn Roma,câu : “in qua semper ab his qui sunt undique” trong bản văn trên sẽ gây một khó khăn hầu như không thể thắng vượt. Khó khăn đó sẽ không còn nữa nếu đem áp dụng cho toàn thể Giáo hội tông truyền. Đây cũng là cái nhìn rất đúng với khuynh hướng thần học của Irénée vậy (cf. Adv. Haer. 1, 10, 2 hoặc 3, 4, 1-3). Hơn nữa, hiểu cách đó chúng ta sẽ thấy đoạn văn hoàn toàn phù hợp với những dòng kết luận dưới đây của chính Irénée mà may mắn còn bảo tồn được nguyên bản Hy lạp, mặc dầu vẫn có bản dịch La tinh (trong khi đoạn văn nghiên cứu trên  đây chỉ có bản dịch La ngữ thôi). Sau khi đã lần lượt kể tên 12 vị Giám mục đã kế vị thánh Phêrô tại Roma, Irénée kết luận:

“Chính trong cùng một trật tự và cùng một (cách) thừa kế đó mà THÁNH TRUYỀN, hiện hữu trong GIÁO HỘI kể từ các Tông đồ, cũng như lời rao giảng chân lý đã tới tận chúng ta. Và đó là bằng chứng rất đầy đủ về đức tin DUY NHẤT, luôn luôn LÀ MỘT và có sức tác sinh trong GIÁO HỘI KỂ TỪ CÁC Tông đồ, đã được bảo tồn tới ngày nay và đã được lưu truyền trong CHÂN LÝ”  (Adv, Haer. 3, 3, 3 phần kết).

d/.  Dầu sao đoạn văn trưng dẫn trên đầu đề mục này cũng đã giữ một vai trò rất quan trọng trong lịch sử quyền ưu tiên của Giáo đoàn Roma. Trong quá khứ, người ta đã dựa vào đó rất nhiều để định nghĩa về tín điều này.

Tư tưởng của một số học giả hiện đại đáng được chúng ta lưu ý:

- Van den Eynde và Bardy khuyên nên dịch tiếng “principalitas” là “nguồn gốc”. Trong trường hợp đó, theo hai học giả này, Irénée đã gán cho Giáo đoàn Roma một địa vị ưu tiên, vì lý do Giáo đoàn này đã có một “nguồn gốc ưu đẳng” (potentiorem principalitatem), bởi đã được chính hai vị Tông đồ Cả thiết lập.

* Ehrhard thì dịch “propter potentiorem principalitatem” là : “xét vì có quyền hành cường mạnh hơn. Như vậy, trong tư tưởng Iréné, đoạn văn có nghĩa như sau: “Bởi vì chính Giáo đoàn này, xét vì có quyền hành cường mạnh hơn, mà toàn thể Giáo hội phải qui thuận, nghĩa là các tín hữu ở mọi nơi, Giáo đoàn mà trong đó luôn luôn, bởi (các tín hữu), những người ở mọi nơi, đã được bảo tồn nguồn Thánh truyền Tông đồ.”

*  F. M. Sagnard thì lại dịch “propter potentiorem principalitatem” là: “xét vì đã được sáng lập bởi một quyền hành có thế lực hơn”. Lập trường này cũng gần với lập trường của Van den Eynde-Bardey, và coi việc sáng lập do Phêrô và Phaolô, cũng như việc kế vị liên tục của các Giám mục, là một bảo đảm cho giáo lý truyền thống và một bằng chứng quyết liệt cho đức tin Kytô giáo chân chính vậy.