Sunday, 29 March 2020 15:33

Thời Toàn Thịnh Của Văn Chương Tiền Nicea: Clément Thành Alexandrie (150 - Trước 216) Featured

GIÁO PHỤ HỌC - PATER ECCLESIAE

(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ.

***

***

CHƯƠNG III

THỜI TOÀN THỊNH CỦA VĂN CHƯƠNG TIỀN NICEA

(190 - 325)

***

Nhập đề : lưu ý một vài đặc tính của thời này :

1. Một số rất lớn văn hào Kytô giáo xuất hiện : Đây là những tên tuổi đặc sắc nhất :

* Đầu thế kỷ III:     - Clément (Alexandrie)
                               - Tertullien (Phi châu)
                               - Hippolyte (Roma)
                               - Origène (Alexandrie)
* Giữa thế kỷ III:   - Cyprien (Phi châu)
                               - Denys (Alexandrie)
* Cuối thế kỷ III, đầu thế kỷ IV :  
                               - Lactance (Phi châu)
                               - Arnobe (Phi Châu.)
                               - Eusèbe (Palestine).

2. Tiến triển rất lớn về mặt văn chương và thần học.

* Văn chương : - Tertullien chẳng hạn là một văn sĩ lỗi lạc trong cả hai ngôn ngữ : Hy lạp và La tinh. Nhưng chủ yếu các tác phẩm của ông được viết bằng La ngữ.
                            - Clément là một đại văn hào viết bằng Hy ngữ.
* Thần học :       -  Clément là một nhà minh giáo rất khoa học.
                          -  Origène đã cố gắng đưa ra được một tổng hợp thần học nổi tiếng và vượt xa tư tưởng của Irénée trước đây. Chính ngài là người sáng lập (có lẽ do ảnh hưởng Hippolyte) khoa chú giải Thánh Kinh. Như vậy Origène vừa là một nhà thần học vừa là một nhà Thánh Kinh học. Ngài đã ảnh hưởng sâu rộng trên Eusèbe, trên thánh Ambroise và, qua Ambroise, trên thánh Augustin.

3 . Nhiều ngôn ngữ khác biệt :

Cho tới nay tiếng Hy lạp  kể là ngôn ngữ duy nhất. Nhưng từ thế kỷ III ta thấy xuất hiện một ngôn ngữ lớn thứ hai nữa là tiếng La tinh. Ngoài ra còn có tiếng Copte và tiếng Syriaque nữa.

Tiếng La tinh đã xuất hiện tại Phi châu vào năm 180 (cf. bản hỏi cung các tử đạo Scillium), và tại Roma cũng vào cùng một thời kỳ. Nhưng phải đợi mãi đến thế kỷ thứ III này các Giáo hoàng Roma mới chấp nhận làm ngôn ngữ chính thức cho Kytô giáo Tây phương.

Dưới đây chúng ta sẽ coi một số khuôn mặt đặc trưng cho thời đại này :

 

 *****

ĐOẠN I : CLÉMENT  THÀNH ALEXANDRIE

(150 - trước 216)

 

N. B.

1* Vào thời Clément, Alexandrie là Kinh thành quan trọng thứ hai trong đế quốc La mã, gồm 725 ngàn người. Trung tâm văn hoá này trước đây đã là quê hương của Philon. Chính tại đây, bộ Thánh Kinh đã được dịch ra tiếng Hy lạp (Bản Bảy Mươi, LXX ). Mặc dầu thư viện của thành phố bị hoả hoạn thiêu hủy, Alexandrie vẫn tiếp tục là một trung tâm văn hoá rất ảnh hưởng.

2* Trước khi đề cập đến Clément d’Alexandrie, ta phải kể tên vị thầy của ông là Pantène quê đảo Sicile. Đây là một triết gia khắc kỷ đã tòng giáo và sau đó tới cư ngụ tại Alexandrie vào khoảng năm 180. Tại đây ông đã điều khiển, dưới trách nhiệm  cá nhân kiểu Justin trước đây, một trường giáo lý cho người dự tòng. Clément là môn sinh nổi tiếng nhất của ông. Qua đời ít lâu trước năm 200, ông đã khôngđể lại tác phẩm nào ; nhưng theo H.I. Marrou thì chính Pantène đã là tác giả cuốn “Thư gởi diognète”.

Clément kế vị thầy để điều khiên trường giáo lý nói trên, nhưng vẫn dưới trách nhiệm cá nhân thôi.


A / THÂN THẾ  CLÉMENT

Titus Flavius Clemens sinh năm 150 hoặc tại Alexandrie, hoặc tại Athènes. Cha mẹ là người ngoại giáo. Không rõ Clément đã tòng giáo trong trường hợp nào. Cũng không rõ Ngài có chịu chức Linh mục hay không. Năm 200 sau ngày Pantène qua đời, Clément đã thay thế thầy để điều khiển trường Giáo lý, nhưng vài ba năm sau, cuộc cấm đạo gắt gao của Septime Sévère đã buộc Ngài phải  rời Ai cập và tới lánh nạn tại Cappadoce bên cạnh một môn sinh tên là Alexandre, sau này sẽ làm giám mục tại Jérusalem.

Phỏng năm 215, Clément đã qua đời tại Cappadoce. Không rõ ngài có tử đạo hay không. Bức thư của Giám mục Alexandre (Césarée de Cappadoce) viết cho Origène vào năm 216 gọi ngài là tử đạo. Nhưng ta phải ghi nhận một sự kiện là không rõ vì lý do nào Clément đã bị loại trừ khỏi sổ bộ các thánh (Tử đạo lục) vào đời Giáo hoàng Clément VIII (1592-1605).


B / SỰ NGHIỆP CỦA CLÉMENT

Những tác phẩm hiện còn giữ được của Clément có thể được chia làm 3 loại :


1- Cuốn Protreptique và cuốn Pédagogue (vai trò của Logos).

2- Cuốn Stromates”những chiếc thảm” : chọn lọc, tinh hoa).

3- “Bài giảng”: Quid dives salvetur ? (luân lý).
 
I. Cuốn Protreptique và Pédagogue hay những tác phẩm  đặt Logos (Logz) làm trọng tâm.

Đây vừa là một chương trình minh giáo vừa là một cố gắng suy tư thần học đi từ giáo lý của Giáo hội. Mục đích là minh chứng rằng LOGOS giữ vai trò thuyết phục, (bằng lời khuyên giục, Protreptique =  protreptikoz = khích lệ) người ta trở lại Kytô giáo. Rồi sau đó giáo huấn họ (với tư cách một nhà sư phạm, Pédagogue = paidagwgoz ) và đưa họ đến với một Tôn sư Didascale ( Didaskaloz) để nghe lời Ngài giảng dạy.

Trong phần nhập đề cuốn “Nhà Sư Phạm” (Pédagogue) Clément viết :

“Trong niềm khát khao tha thiết đưa chúng ta tới bậc trọn lành, nhờ vào một bước đi tiệm tiến dẫn tới ơn cứu độ, phù hợp với một cuộc huấn luyện nghiêm chỉnh. Ngôi Lời (Logos) đầy lân ái giữ một trật tự tuyệt hảo : trước tiên Ngài khích lệ, rồi Ngài giáo huấn và sau cùng, Ngài giảng dạy”. (I, 1, 33).

Như vậy vai trò của Ngôi Lời (Logos) chia làm ba giai đoạn :

1- Thuyết phục (Protreptique)

2- Giáo huấn (Pédagogue)

3- Dạy bảo (Didascale).

- Giai đoạn I với cuốn “Protreptique” và

- Giai đoạn II với cuốn “Pédagogue”

Nhưng chúng ta không thấy tác phẩm nào mang tên “Didascale”, mà chỉ thấy một tác phẩm nhan đề là “Stromates” (thảm : chọn lọc, tuyển chọn). vì vậy các học giả đã đưa ra nhiều giả thuyết :

- Người thì cho rằng cuốn “Stromates” là chính cuốn “Didascale” đã được Clément loan báo. Nhưng nội dung của cuốn sách không biện minh được cho giả thuyết.

- Kẻ lại bảo đây là một cuốn “chọn lọc”, một tập “ghi chú” những điều đặc sắc về mọi vấn đề. Cuốn “Stromates” đích thực là những “tấm thảm” hay những “tinh hoa” ; một tập tuyển, một tập “chọn” vậy. Lập trường này có lẽ đúng nhất.

- Học giả F. Quatember thì chủ trương rằng nói đến một cuốn sách thứ ba mang tên “didascale”(vị thày, vị Tôn sư) là thừa vì Ngôi Lời (Logos) với tính cách nhà thuyết phục và Sư phạm thì đã là một Tôn sư, một vị thầy (didascale) rồi vậy.

Nhưng học giả A. Méhat chẳng hạn thì lại quả quyết nhất định phải có một cuốn sách nhan đề là “Didascale”, nay đã bị thất lạc !

1 - Cuốn “Protreptique” (Logos là nhà thuyết phục)

Đây là một tác phẩm minh giáo, nhan đề là “Lời thuyết phục người Hy lạp” ( Protreptikoz   proz   Ellhnaz ) nhằm đưa người lương dân đến chỗ chấp nhận phép Rửa tội. Để đạt tới mục đích đó Logos sẽ khích lệ họ trở lại Kytô giáo bằng cách minh chứng cho họ thấy rằng việc thờ tự ngoại giáo là hoàn toàn thiếu căn bản và vô luân lý. Khi đề cập đến thi ca và triết học Logos nhìn nhận là các thi sĩ và triết gia đã khai phá được một phần chân lý, nhưng như vậy càng khốn kiếp hơn vì đã thấy được một phần sự thật rồi mà họ lại không chịu cố gắng đi tới cùng. Chỉ có các Ngôn sứ hay chính Logos đã mang lại chân lý thiên linh cho con người , và vì vậy con người phải qui phục Logos.

Việc quy phục này lại cũng chính là hành động của Logos trên ba khía cạnh :

a. Ngài khơi lên trong tâm hồn người lương dân mối khao khát cuộc sống vĩnh cửu.

b.  Ngài soi dẫn trí khôn họ tìm kiếm đời sống trường sinh đó.

c.  Ngài đưa họ đến chỗ hoàn toàn tùng phục sự hướng dẫn của Ngài để đạt tới đời sống bất diệt ấy.

Theo Clément thì Logos sẽ hành động bằng cách :quyến rũ” để người lương dân trở lại Kytô giáo. ngài là ánh sáng soi chiếu mọi người, không loại trừ một ai hết. Và Logos chính là sự nhận biết Thiên Chúa vậy.


2 - Cuốn “Pédagogue” (Logos là nhà sư phạm)

Cuối cuốn “Protreptique” người lương dân đã bị chinh phục và đã chấp nhận phép Rửa tội. Bây giờ phải giáo huấn họ. Vì thế Logos lại trở thành nhà sư phạm ( PaidagwgoV ) để giáo dục người tân tòng biết sống phù hợp với đời sống mới.

Vậy đây là một cuốn sách giáo khoa về luân lý Kytô giáo, hay nói một cách rộng rãi hơn, một thiên khảo luận về hạnh kiểm tổng quát của người Kytô hữu. (cf. Quyển 2 và 3). Sách chia làm 3 quyển. Quyển I là phần Nhập đề, có tính cách tổng quát, nói về công trình giáo dục của Logos như một nhà sư phạm :”Mục đích của Ngài không phải là dẫn đưa linh hồn vào đời sống trí thức, nhưng là vào đời sống nhân đức” (Péd. I, 1, 1, 4).

Clément định nghĩa ;”Khoa sư phạm là thuật giáo dục trẻ nhỏ” (I, 5, 12, 1). Vậy những người mà Thánh Kinh gọi là “trẻ nhỏ” ( Paidagwgoz ) là ai ? Là tất cả những người đã chịu phép Rửa tội : họ đều là “con cái Chúa”hết thảy (cf. I, 6, 26, 1). Và Logos giáo dục con cái mình bằng đường lối tình yêu, trong khi Cựu Ước đã dùng đường lối kính sợ. Nhưng tình yêu không có nghĩa là nhu nhược, nên Logos là một nhà sư phạm vừa từ tốn vừa nghiêm khắc, biết dung hoà tình yêu và công lý. Tại đây Clément bênh vực lập trường của Tân Ước chống lại ngộ thuyết cho rằng Thiên Chúa của Cựu Ước và của Tân Ước không đồng nhất.

Đoạn 6 trong quyển I này, nhằm chống lại Ngộ thuyết, là một đoạn rất đặc sắc, đáng được chú ý :

Phái Ngộ đạo nói“đứa trẻ” vừa chịu phép rửa tội kia, bây giờ phải dùng trực quan (gnosis) để dạy cho nó một kiến thức hoàn toàn. Clément trả lời : Phép rửa tội là chính sự hoàn hảo rồi, không cần thêm gì nữa. Nhưng ta gọi những người tân tòng vừa lĩnh phép rửa tội là “con trẻ” bởi vì họ hoàn toàn mới : đây là 1 sự mới mẻ. Như vậy đối với Clément phép rửa tội vừa là sự hoàn hảo vừa là sự mới mẻ : kẻ chịu phép rửa tội có mọi sự rồi nhưng luôn luôn vẫn học hỏi mãi để đào sâu về những mầu nhiệm Kytô giáo.

Quyển II và III đề cập đến những vấn đề thuộc đời sống thường nhật và đem ra những lời giải đáp cho mọi trường hợp của cuộc sống một Kytô hữu trong giữa một kinh thành xa hoa của lương dân (Alexandrie). Điểm quan trọng là thái độ của tâm hồn. Nếu người Kytô hữu giữ được tâm hồn tự do và siêu thoát những ràng buộc về của cải đời này thì tại sao họ lại phải trốn tránh đời sống công cộng ? Tốt hơn cả là họ cứ đem tinh thần Kytô giáo thấm nhuần vào đời sống và văn hoá của xã hội thế trần.


II. Cuốn STROMATES hay những “TẤM THẢM” : tinh hoa, chọn lọc.

Chính Clément đã cho biết cuốn sách này chỉ gồm những lời ghi chú. “Stromates”  ( Strwmateiz ) có nghĩa là những “tấm thảm”, những “tinh hoa”, những điều chọn lọc, những gì đặc sắc nhất đáng được ghi chú thuộc mọi vấn đề. Đây là 1 loại sách tóm lược, một thứ kho báu dùng để hộ trí trong tuổi già, lúc mà trí khôn hay quên sảng.

Sách được chia làm 8 quyển trong đó thực sự mọi vấn đề đều được đề cập tới. Nhưng đặc biệt là qua 8 quyển này ta có thể nhìn thấy chân dung của một Kytô hữu có trực quan (gnosis) đích thực. Đối với Clément, đó là một người đã chịu phép Rửa tội và nhờ vào ý thức siêu nhiên , đi từ đức tin để tiến tới một sự hiểu biết (gnosis) sâu xa hơn về những mầu nhiệm Kytô giáo. Thế phải chăng chỉ là một nhà trí thức thuần túy ? Không, trực quan ở đây chính là thần học, nó phải đi đôi với một đời sống hoàn toàn và khổ hạnh. (cf. Strom. I, 5, 32, 4 và II, 10, 46, 1).

Quyển II, 10, 46, 1 đưa ra 3 đặc tính của người “trực quan” đích thực :

1. Chiêm niệm những thực tại siêu nhiên (đây là Theoria)

2.  Thi hành các giới răn

3.  Giáo huấn tha nhân.


1 - Phần Theoria là chiêm niệm, người trực quan chiêm ngắm :

- Những thực tại siêu nhiên mà ý nghĩa sâu nhiệm của Thánh Kinh bày tỏ cho. Nhờ việc chiêm niệm, Thánh Kinh sẽ mạc khải cho ta những mầu nhiệm về Chúa Kytô.

-  Những của cải đời sau mà ngay từ hiện thế chúng ta đã bắt đầu chiếm hữu.
Clément ít nói đến Phụng vụ, nhưng nhấn mạnh đến Bí tích. người Kytô hữu là người đã lãnh phép rửa tội, và vì vậy đã được hoàn toàn biến đổi, ngay từ hiện thế họ đã được thông phần vào cuộc sống vinh hiển bất diệt đời sau rồi.


2 - Người “trực quan” thi hành các giới  răn.

“Trực quan” không bao giờ được tách rời phần thực hành. Phải thi hành công lý và ăn ở liêm chính. Phải giữ các giới răn cho cặn kẽ. Clément luôn luôn liên kết đời sống luân lý với ”trực quan”đích thực :”Trực quan”  là một thực tại đứng đắn, nghiêm chỉnh ,chứ không phải là một phô trương bôi bác bề ngoài. Ở đây phải đọc tất cả đoạn 18 của quyển Stromates II.

3 - Người “Trực quan” giáo huấn tha nhân theo gương Logos.

Trong khi chinh phục tha nhân và dạy dỗ họ về các mầu nhiệm đức tin, người “trực quan” tham gia vào chính công việc của Ngôi Lời Cứu Thế.

Theo Clément thì chỉ dạy dỗ hay huấn luyện những ngươiì đã có đức tin rồi, bằng không sẽ uổng công vô ích. Đây là luật thiên nhiên : phải có phản ứng, lời dạy bảo mới có hiệu quả.

Trong khi thi hành việc chứu độ con người, Ngôi Lời bắt chước Chúa Cha, Đấng có sẵn trong trí chương trình cứu chuộc nhân loại. Người “trực quan” cũng vậy phải bắt chước Ngôi Lời trong lúc thi hành việc cứu độ anh em.

Một điều đáng chú ý là Clément không hề phân hạng giữa các Kytô hữu : “trực quan” không phải là một thứ kiến thức bí nhiệm chỉ dành riêng cho một thiểu số đã thụ pháp, nhưng là một kiến thức mà mọi Kytô hữu đều được kêu gọi để đạt tới.


III. “Bài giảng “ QUIS DIVES SALVETUR ?

“Kẻ giàu có nào sẽ được rỗi ?” là một bài chú giải (homelia) Mc. 10, 17-31. Clément đặt vấn nạn như sau : hỏi rằng một người giàu có thể vào nước Thiên đàng được không ? Không ngần ngại ,ông trả lời  : được, với điều kiện  :

- Dùng của cải cho đúng phép

- Có tinh thần siêu thoát của cải, điều này quan trọng đối với người giàu cũng như người nghèo.

Đây là một “bài giảng” rất dài. Khởi điểm là câu truyện chàng thanh niên giàu có. Điều đáng chú ý là chàng thanh niên nắm giữ luật Maisen một cách hoàn hảo này đã  xuất hiện khi luật chấm dứt (với Đức Kytô), và anh ta đã ngừng lại khi cần phải tiến lên xa hơn.

Bài giảng này rất đặc sắc về mặt thần học ân sủng : một con người thiếu thốn mọi của cải vẫn có thể là một người giàu có “trong lòng”, giàu có “thiêng liêng” theo nghĩa xấu. Vì vậy cần có cả sự khó nghèo thiêng liêng nữa, nghĩa là hoàn toàn phó thác trong Thiên Chúa.


C. NHẬN ĐỊNH : CÓ THẬT CLÉMENT ĐÃ BÓP MÉO KYTÔ GIÁO KHÔNG ?

Clément là một nhà VĂN VẬT đích danh. Ông thông thạo mọi triết gia và tác giả cổ thời mà ông trích dẫn một cách thật dễ dàng. Ngòi bút của ông đã kể đến trên 300 trong số các tác giả này. Còn về Thánh Kinh, ông đã trưng dẫn 1500 lần Cựu Ước và 2000 lần Tân Ước.

Về mặt Thần học, Clément đáng danh là vị sáng lập nền thần học suy luận. So với Irénée, một người sống đồng thời và có khuynh hướng bảo thủ, thì Clément vượt rất xa với tinh thần cởi mở của ông. Ông đã không ngần ngại dùng triết học để bênh đỡ và đào sâu đức tin Kytô giáo. Dĩ nhiên ông ý thức được mối nguy hiểm tư tưởng Hy lạp có thể gây nên cho Kytô giáo và vì thế ông đã cực lực đả phá thứ “trực quan” giả tạo của Ngộ thuyết. Nhưng ở đây thái độ của Clément không phải chỉ hoàn toàn tiêu cực, như Irénée chẳng hạn, trái lại để chống với thứ trực quan giả tạo kia, ông đã đề xướng ra thứ trực quan Kytô giáo chân chính. Phái Ngộ đạo tuyên bố không thể có sự dung hoà giữa trí thức và đức tin. Clément chủ trương rằng sự hoà hợp giữa đức tin (Pistis) và trí thức(Gnosis) làm nên người Kytô hữu kiện toàn và có “trực quan” đích thực. Đức tin là nguồn cội và nền tảng của triết học. Nhưng một trật triết học lại giữ một vai trò trọng yếu khi người Kytô hữu muốn dùng lý trí để đào sâu nội dung đức tin của mình. Đàng khác, triết học cũng minh chứng rằng những lý lẽ quân thù đưa ra để chống báng Kytô giáo đều hoàn toàn vô căn cứ. (cf. Strom. I, 20, 100).

Với một kiến thức thực sâu rộng về văn hoá Hy lạp, Clément đã biết lợi dụng để diễn đạt một cách khéo léo những liên hệ giữa đức tin và triết học. Nhưng một vài kiểu nói của ông xem ra như gán cho triết học Hy  lạp một vai trò hầu như siêu nhiên và có giá trị cứu rỗi. Vì thế mà độc giả có thể có cảm tưởng ông đã đánh tráo chân lý Kytô giáo với học thuyết Hy lạp. Dầu sao Clément cũng đã nhận định rõ rệt sự trổi vượt căn bản của đức tin trên triết học :”Đức tin quan trọng hơn tri thức (triết học) và là tiêu chuẩn cho tri thức”(Strom II, 4, 15).

Thế nhưng Clément cũng đã không khỏi bị tố cáo là đã bóp méo Kytô giáo. Người ta đã tố cáo ông về 3 phương diện :

1 - Biến Kytô giáo thành học thuyết Hy lạp

2 - Làm tiêu tan Kytô giáo trong “trực quan” (gnosis).

3 - Quan niệm Kytô giáo như một tôn giáo dành cho thiểu số ưu tú.

Để trả lời cho điểm 1, ta sẽ xét nghiệm vai trò Clément dành cho Triết học ;

Để trả lời cho điểm 2 ta sẽ xem Clément quan niệm thần học thế nào ;

Để trả lời cho điểm 3, ta sẽ cứu xét tư tưởng của Clément  về Thánh truyền.


I. Vai trò của Triết học theo tử tưởng của Clément

Hiển nhiên là Clément đã nói rất nhiều và ca ngợi bằng những lời lẽ đầy thán phục thứ “paida” ( Paida ) hay văn hoá hoặc chân lý Hy lạp mà ta có thể gọi cách đơn giản là triết học. Đàng khác một vài kiểu nói của ông có thể làm người ta nghĩ rằng ông đặt triết học lên trên hết.

Nhưng khi đọc vào chính bản văn cuốn Stromates đặc biệt là quyển I, ta nhận thấy Clément có một quan niệm hoàn toàn chính xác về Kytô giáo mà ông đã không hề lẫn lộn với triết học :

1) Triết học giữ vai trò chuẩn bị cuối cùng để con người có thể nghe lời Thiên Chúa. Triết học chỉ có một vai trò tối hậu là chuẩn bị cho Kytô giáo (cf. Strom. I, 5). Triết học sẽ được tăng thêm phẩm giá một khi nó được qui hướng về “trực quan” đích thực, tức là thần học.

Đối với Clément, triết học trước hết là một qui luật cho đời sống. Nó có một vai trò luân lý, một sứ mệnh giáo dục chứ không phải chỉ là một tri thức suông. Thực hành vì lòng kính sợ và để tìm hiểu Thiên Chúa, nghĩa là được soi dẫn bởi thần học, triết học sẽ chuẩn bị con người chấp nhận Lời Chúa.

2) Triết học bảo trợ Đức tin chống lại những đả kích của kẻ thù (cf. Strom. I, 20, 100). Bởi vì chỉ có triết học chân chính mới che chở Kytô giáo khỏi những chống báng của những hệ thống triết học giả danh, và giúp lột trần bộ mặt của các lạc thuyết.

3) Đức tin thuộc một trật tự khác biệt với triết học (cf. Strom. I, 10)

“Có thể có một chân lý Hy lạp (triết học), nhưng chỉ có một chân lý duy nhất tối cao và không thể đả phá được đó là chân lý mà Con Thiên Chúa dạy cho chúng ta.”(Strom. I, 20, 97, 4) .

“Chân lý Hy lạp, mặc dầu được chỉ định như vậy bằng cùng một danh từ chân lý (Kytô) của chúng ta, tách biệt hẳn với tính cách cao cả của tri thức siêu nhiên mà ta thủ đắc nhờ một cách chứng minh có giá trị hơn, và nhờ vào sức mạnh thiên linh và những thực tại khác cùng loại. Bởi vì chúng ta là ”môn sinh của Thiên Chúa”, nên chính Con của Người ban cho chúng ta một nền giáo dục thực sự thánh thiện ; cũng vì vậy mà người Hy lạp không biết khai phá tâm hồn như kiểu chúng ta, họ có một phương pháp giáo dục khác hẳn. “(Ibid. số 98, 4).

Đối với Clément, Kytô hữu là người có văn hoá : đức tin thuộc một trật tự khác biệt với triết học. Nó là chính sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. người chịu phép rửa tội đã thực sự nhận được sức mạnh và sự khôn ngoan đó.


II. Quan niệm thần học theo Clément.

Clément đã không làm tiêu tan Kytô giáo trong “trực quan”(gnosis). Nếu ông đã phát minh ra được gì đáng chú ý thì chính là thần học suy luận vậy. (cf.Strom. VI, 8, 70). Thần học theo Clément là :

- một cuộc khảo cứu lấy khởi điểm từ đức tin

- chính việc thực thi đức tin thấm nhuần toàn thể cuộc sống.

1)  Một cuộc khảo cứu lấy khởi điểm từ đức tin.

Theo triết học thì mọi sự đều có thể là đối tượng của tri thức và không một vấn đề gì mà trí khôn nhân loại lại không có thể đề cập tới. Aïp dụng cho đức tin, Clément viện ra hai lý do để biện minh cho điều khẳng quyết trên :

a/    Bởi vì không gì bí nhiệm mà Con Thiên Chúa lại không thấu triệt được. Trong lòng mỗi thực tại đều có Logos. Trong lòng mỗi con người đều có Ngôi Lời Thiên Chúa. Cho nên con người có thể hiểu được mọi sự bởi vì không gì vượt ngoài sự hiểu biết của Con Thiên Chúa.

b/     Bởi vì Đấng đã chịu tử nạn vì lòng yêu chúng ta đã không thể giấu giếm điều gì mà khôngdạy cho khoa thần học. Thần học gia là người tựa đầu vào ngực chúa Kytô, nên biết được mặc khải thiên linh, nghĩa là mặc khải tình ái.


2) Chính việc thực thi đức tin thấm nhuần toàn thể cuộc sống.

Nếu ngươi là người, nghĩa là thuộc về vũ trụ, thì ngươi hãy nhận biết Đấng Tạo Hoá của ngươi. Nếu ngươi là con thì hãy nhận biết Thiên Chúa là Cha ngươi. Đối với Clément, thần học không bao giờ là một tri thức thuần túy, nhưng là một sự biến đổi cuộc sống tự bên trong.

Đời sống của người Kytô hữu bắt đầu bằng phép rửa tội và tận cùng bằng niềm vinh phúc ; nhưng ở trung đoạn thì có trực quan (gnosis) hay thần học, tức là sự tìm tòi để hiểu biết về Thiên Chúa. Theo Clément thì không thể có sự gián đoạn giữa thần học và lòng tin yêu (cf. Strom VII, 10, 57).


3. Thánh truyền theo quan niệm của Clément.

Người ta tố cáo Clément đã quan niệm Kytô giáo như một tôn giáo dành cho thiểu số ưu tú.

a)  Thực sự, Clément đã tin là có một Thánh truyền bí mật, phần nào dành riêng cho một số Tông đồ, nhưng sau cùng không phải là các Tông đồ khác bị loại trừ. Nếu Clément đã đặt một đẳng cấp trong mặc khải được Chúa Kytô dành cho mấy vị Tông đồ đặc cách, thì sau cùng những vị này cũng đã truyền tụng lại cho tất cả các Tông đồ khác, nghĩa là cho toàn thể hàng giám mục, và hơn nữa, cho cả các môn đệ, ví dụ trường hợp Barnabé. (cf. Eusèbe, H.E. II, 1). Như thế, đối với Clément đã không có một thứ thánh truyền bí mật và tuyệt đối chỉ dành riêng cho những kẻ đã thụ pháp, như phái Ngộ đạo chủ trương.

b)  Clément cũng còn tin có một sự chuyển trao bí mật các mầu nhiệm Kytô giáo (Strom. I, 1, 13). Nhưng điều đó chính vì ông thâm tín rằng việc truyền thông các chân lý tôn giáo đòi buộc một sự kín đáo vì lẽ những chân lý đó thâm nhập tận tâm can con người. Một chân lý tôn giáo chỉ có thể được nghe biết như là chân lý tôn giáo trong thầm lặng, trong kín nhiệm. Những chân lý Kytô giáo không thể được truyền thông bất cứ cách nào, nếu không sẽ không còn là những mầu nhiệm thiên linh. Những mầu nhiệm này không thể truyền thông bằng loa phóng thanh, nhưng luôn luôn dưới bức màn của Thánh Kinh. Những điều bí nhiệm chỉ tự mạc khải cho những ai biết lắng tai nghe thôi.

c)  Clément đã không hề tách biệt các Kytô hữu làm 2 giai cấp : một thiểu số tinh tuyền và đa số quần chúng ngu dốt. (cf. Péd. I, 6 : chống chủ trương của Ngộ thuyết).

Kytô giáo không phải là một tôn giáo dành riêng cho một thiểu số ưu tú, bởi vì sức mạnh thiên linh làm cho người Kytô hữu chất phác nhất cũng phần nào chiếm hữu được sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Trong Kytô giáo con người được kiện toàn ngay từ khi chịu phép Rửa tội. Kể từ giờ phút đó mọi ngưòi đều bình đẳng và “thiêng liêng” trong Thiên Chúa.

Nếu Clément có nói đến một thiểu số được khai tâm đặc biệt để cảm hoá tha nhân, thì quan niệm “khai tâm” (initiatio) ở đây cũng đồng nghĩa với việc”kế vị tông truyền” (successio apostolica) nơi thánh Irénée. Đây là cách thức của Clément để diễn đạt vai trò của Giáo phẩm vậy.