Sunday, 29 March 2020 15:33

Văn Chương Của Các Giáo Phụ "Minh Giáo": Thánh Justin - Triết Gia - Tử Đạo (165) Featured

GIÁO PHỤ HỌC - PATER ECCLESIAE

(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ.

***

***

CHƯƠNG II

TRAO ĐỔI VỚI VĂN HÓA NGOẠI GIÁO

(125-190)

***

Thế kỷ thứ II giữ một địa vị quan trọng trong Giáo Phụ học... Đây là thời các Giáo phụ Minh giáo, các “Minh phụ”. Với các Ngài văn chương Kytô giáo bắt liên lạc với thế giới “ngoại giáo” và trao đổi với văn hoá và khoa học. Đứng trước những hiểu lầm, những đả phá và vu khống của đối phương, các Minh phụ đã buộc lòng phải trả lời bằng cách trình bày đức tin Kytô giáo, bằng cách minh chứng và biện hộ cho đức tin đó. Minh chứng và biện hộ bằng lời nói, bằng chữ viết và bằng chính mạng sống mình nữa. Một số khác lại phải chiến đấu với những lạc thuyết phát sinh trong lòng Kytô giáo : nhiều khi cũng là do chính cuộc tiếp xúc với văn hoá ngoại giáo gây nên.

Dưới đây chúng ta chỉ khảo lược vắn tắt về một số Giáo phụ, hoặc tác giả, đã giữ những vai trò chính yếu trong thời kỳ trao đổi văn hoá với thế giới “bên ngoài” này. Vì vậy, dàn bài sẽ được giản lược như sau :

1. Đoạn I: Thánh Justin, Triết gia Tử đạo

2. Đoạn II: Một vài “Truyện Tử đạo chính biên”

3. Đoạn III: Ít tác phẩm “vô danh” :

- Diognète - Hermas

- Didachè

***

Đoạn I : Thánh Justin, Triết gia - Tử đạo (165)


I. THÂN THẾ

Trong số các “Minh Phụ” của thế kỷ II, Thánh Justinô phải được coi là nổi tiếng nhất.

1 - Một điều chắc chắn ta biết được là vào khoảng năm 140-150 Justin có mở một Trường Triết học Kytô giáo tại Rôma trong đó, Ngài chủ trương dạy sự khôn ngoan Kytô giáo. Trường Triết học này Justin mở và điều khiển hoàn toàn dưới trách nhiệm cá nhân, chứ không hề do một sự ủy thác nào của Giáo hội. Cũng vì vậy mà Giáo hội, hay đúng hơn Giám mục Rôma, đã không có một sự kiểm soát trực tiếp nào về những môn dạy tại trường này.

2 - Khó mà biết được đâu là sự thật, đâu chỉ là giả tưởng trong câu truyện chính Justin kể lại về việc Ngài trở lại theo Kytô giáo, trong cuốn “Đối thoại với Tryphon”đoạn 2-8, Justin kể rằng, Ngài sinh tại Flavia Néapolis (Sichem), xứ Palestine. Cha mẹ đều là người ngoại đạo. Sau khi đã theo đủ các trường phái triết học thời đó, Ngài vẫn không thấy thỏa mãn. Ngày kia, tại Ephêsô đang lúc đi dạo trên bãi biển, Ngài bắt gặp một vị lão thành đáng kính, và được vị này cho biết khoa Triết học đích thực và duy nhất, đó là Kytô giáo.

Thế là Ngài đã tòng giáo, và trở thành một triết gia lưu động đi diễn giảng đó đây. Cũng dưới bộ áo (pallium) của triết gia mà Ngài đã đến Rôma, vào triều Antonin le Pieux (138-161), và mở trường dạy triết học Kytô giáo vừa nói trên đây. Trong số các môn sinh của Ngài, phải kể Tatien, sau này cũng trở thành một nhà minh giáo. Ta sẽ trở lại nhân vật này dưới đây. (Máu Anh hùng I, Tr. 34)

3 - Justin đã tử đạo, có lẽ vào năm 165 tại Rôma, dưới thời Tổng trấn Junius Rusticus (163-167). Ngài đã chịu trảm quyết cùng với 6 người bạn Kytô hữu khác. Truyện tử đạo của Ngài được ghi chép trong cuốn “Martyrium Sancti Justini et Sociorum”. Đây là một tài liệu chính xác được viết dựa theo bản phúc trình chính thức của toà án. Một điều lạ là tại Roma đã không hề có việc tôn kính Justin như một thánh tử đạo.


II . SỰ NGHIỆP

Theo Eusèbe (H.E. 4, 18) thì Justin đã viết tới 8 tác phẩm. Nhưng hiện nay chúng ta chỉ còn giữ được 3 : hai cuốn “minh giáo” (Apologies) và cuốn “Đối thoại với Tryphon”. Nghĩa là cả ba đều là tác phẩm Minh giáo : một chống người Do thái, hai chống người ngoại giáo. Cả ba đều được giữ trong cùng một thủ bản.

1 - Cuốn “Minh giáo thứ I”viết tại Rôma và được gởi cho Hoàng đế Antonin le Pieux vào khoảng năm 150 (dựa theo lời của Chủa chính Justin : “Đức Kitô đã giáng sinh trước đây 150 năm, dưới đời Quirinius”, Aplo. I, 46), Đây là một cuốn minh giáo rất dài, gồm 68 đoạn:

A / Trong phần nhập đề (đoạn 1-3), Justin nhân danh các Kytô hữu, xin Hoàng đế hãy lưu ý đến họ và đích thân xét xử họ, đưnìg để bị đánh lạc hướng hay ngộ nhận bởi những thành kiến và ác cảm do dân chúng gây nên.
 

B / Phần chính được chia làm hai chương :

a. Chương I (đoạn 4-12) lên án thái độ của chính quyền đối với người Kytô hữu. Tác giả chỉ trích thủ tục tư pháp vẫn thường được chính quyền áp dụng chống người Kytô hữu, dựa theo những lời tố cáo vu khống. Ngài phản đối hành động phi lý của nhà cầm quyền trong việc kết án chỉ nguyên vì danh hiệu Kytô hữu. Danh hiệu “Kytô hữu” cũng như danh hiệu “Triết gia” không phải là một bằng chứng về tội trạng hay vô tội. Aïn phạt chỉ có thể được áp dụng khi có đủ bằng chứng về tội trạng của đương sự. Nhưng những tội ác mà người ta tố cáo người Kytô hữu chỉ hoàn toàn là những điều vu khống. Họ không phải là bọn vô thần. Nếu họ từ chối không thờ lạy các thần tượng thì chỉ vì lý do thờ lạy các thần tượng vô lối đó là ngu ngốc. ngoài ra niềm tin tưởng ở đời sau và mối lo sợ hình phạt muôn thủơ ngăn cản họ không làm điều bất lương, và giúp họ trở thành những công dân thiện hảo nhất.

b . Chương II (đoạn 13-67) biện minh cho Kytô giáo. Justin trình bày với đầy đủ chi tiết giáo lý cũng như việc thờ tự của Kytô giáo. Ngoài ra Ngài cũng nhấn mạnh đến nền tảng lịch sử của Kytô giáo và những chứng lý buộc người ta phải tin theo:

- Giáo lý và luân lý : Những lời tiên tri của các ngôn sứ đã minh chứng rằng Đức Yêsu Kytô thật là con Thiên Chúa và là Đấng sáng lập Kytô giáo. Tôn giáo này đã được Đấng Cứu thế sáng lập thể theo ý định của Thiên chúa. Để biến cải và tái tạo nhân loại. Ma quỉ đã bắt chước và mô phỏng những lời tiên tri của Cựu Ước trong những nghi lễ ngoại giáo. Đó là lý do giải thích nhiều điều tương tự giữa Kytô giáo và những hình thức thờ tự ngoại giáo. Cũng thế, các triết gia, Platon chẳng hạn, đã vay mượn tư tưởng Cựu Ước. Vì thế không lạ chi mà có thể khám phá được những tư tưởng Kytô giáo trong triết học Platon !

- Thờ tự : Ở đây Justin diễn tả Bí tích Rửa tội, lễ nghi phụng vụ Thánh thể và đời sống xã hội của các Kytô hữu.

C /  Phần kết luận (đoạn 68) là một lời cảnh cáo nghiêm nhặt cho Hoàng đế. Sau cùng tác giả kèm theo nguyên bản sắc chiếu của tiên Hoàng đế Hadrien gửi cho vị quyền lãnh sự Đông phương là Minucius Fundanus vào năm 125. Đây là một tài liệu quan hệ vào bậc nhất cho ngành giáo sử. Tài liệu này hoạch định 4 qui luật làm mẫu mực cho một thủ tục tư pháp quân bình và đứng đắn hơn đối với người Kytô hữu :

1). Các Kitô hữu phải được xét xử theo thủ tục hợp thức trước toà hình sự.

2). Chỉ được kết án nếu có bằng chứng rõ rệt là các đương sự đã vi phạm luật lệ La Mã.

3). Hình phạt phải cân xứng với bản chất và mức độ của tội trạng.

4). Mọi cáo trạng gian dối đều phải trừng phạt nghiêm nhặt.


2. Cuốn “Minh giáo thứ II” thường được coi là gửi cho Thượng viện La mã, thực ra chỉ là phần phụ thêm của cuốn “Minh giáo I”, được viết sau cuốn này ít lâu cũng tại Rôma và cũng được gửi cho Hoàng đế Antonin-le-Pieux. Sách gồm 15 đoạn, và mở đầu bằng 1 biến cố mới mẻ vừa xảy ra tại Thủ đô. Viên Tổng trấn Đô thành  là Urbicus đã trảm quyết 3 Kytô hữu chỉ vì lý do đơn giản là họ đã thừa nhận theo Kytô giáo. Kêu gọi đến dư luận quần chúng Rôma, một lần nữa Justin lên tiếng phản đối những biện pháp khắt khe vô lý, và bác bỏ những lời chỉ trích bâng quơ. Chẳng hạn Ngài trả lời cho câu vấn nạn châm biếm sau đây của lương dân : tại  sao người Kytô hữu lại cấm tự tử, khi chính đó là phương thế hiệu nghiệm nhất để họ sớm gặp Thiên Chúa ? “Hành động như vậy, Justin giải thích, là đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa. Trước mặt quan tòa, chúng tôi không chối cãi, bởi vì lương tâm không kết án chúng tôi là tội nhân ; chúng tôi coi là hành động bất lương nếu không nói hết sự thật” (Apol. 2, 4). Những cuộc bách hại là do ma quỉ, kẻ thù của chân lý và nhân đức xúi giục. Cũng những kẻ thù này đã bách hại hoặc hành hạ những người công chính trong Cựu Ước và trong thế giới lương dân. Nhưng chúng sẽ không có một quyền lực gì trên người Kytô hữu, nếu Thiên Chúa đã chẳng muốn dẫn dắt các tôi tớ người qua đau khổ và thử thách để tới nhân đức và phần thưởng, qua sự chết và sự hủy hoại để tới đời sống và hạnh phúc vĩnh cửu. Một trật, các cuộc bách hại cũng còn là dịp cho người Kytô hữu chứng minh một cách hùng hồn sự trổi vượt của tôn giáo họ trên những tin tưởng ngoại giáo.

Trong đoạn cuối, một lần nữa, Justin khẩn xin Hoàng đế, trong khi xét xử các Kytô hữu, chỉ nên để mình được hướng dẫn bởi công lý, bởi đạo hạnh và bởi lòng yêu chân lý thôi.


3. Cuốn “Đối thoại với Tryphon” :

Được viết phỏng vào năm 155-161, nếu thực sự đây là 1 tác phẩm của Justin : Bởi vì cũng có những học giả đã đặt nghi vấn. Đây là một tác phẩm minh giáo hay hộ giáo cựu trào nhất của Kytô giáo chống người Do thái. Không may, hiện nay nguyên bản không còn được hoàn toàn đầy đủ : phần nhập đề và một phần rất lớn của đoạn 74 đã thất lạc. Cuốn “Đối thoại” chắc chắn  được viết sau hai cuốn”Minh giáo”, bởi vì đoạn 120 có nói đến cuốn thứ nhất trong hai cuốn này. Nội dung là một cuộc bàn cãi kéo dài trong hai ngày giữa Justin và một nhân vật uyên bác Do thái, có lẽ là giáo sĩ Tarphon. Theo Eusèbe (H. E. 4, 18, 6) thì cuộc đàm thoại này đã xảy ra tại Ephèse. Sách được đề tặng cho một nhân vật mang tên Marcus Pompeius.

Đây là một trong những cuốn sách dài hiếm có, cả thảy gồm 142 đoạn. Trong phần nhập đề (đoạn 2-9) Justin kể lại với dầy đủ chi tiết nền giáo dục trí thức Ngài đã nhận được, và trong trường hợp nào Ngài đã trở lại Kytô giáo. Sau đó, sách được chia làm 3 phần trong đó Justin khai triển những luận cứ thần học và minh giáo chiếu theo 3 đề mục chính yếu, đã trở thành cổ điển trong ngành bút chiến Kytô giáo chống Do thái :

- Phần I (đoạn 9-47) phê bình luật Maisen : Tác giả trình bày quan niệm Kytô giáo về Cựu Ước. Luật Maisen chỉ có 1 giá trị tạm thời. Kytô giáo mới thực là luật mới và có giá trị muôn thủơ đối với toàn thể nhân loại.

- Phần II (đoạn 48-108) đề cập đến giáo thuyết Kytô học : Justin biện minh cho việc thờ phượng Đức Kytô như là Thiên Chúa.

- Phần III (đoạn 109-142) quả quyết Thiên Chúa kêu gọi dân ngoại và loại bỏ Israel. Justin minh chứng rằng chư dân tin theo Chúa Kytô và tuân giữ giới luật của Ngài, làm thành Israel Mới và là dân tộc được thiên Chúa tuyển chọn đích thực.

Phương pháp minh giáo trong cuốn “Đối thoại” khác với phương pháp đã dùng trong hai cuốn “Minh giáo”. Một bên dưới hình thức đối thoại, một bên dưới hình thức thư tín. Ở đây, Justin viết cho những độc giả hoàn toàn khác biệt với lương dân. Ngài nhấn mạnh đến Cựu Ước và trưng dẫn các ngôn sứ để minh chứng rằng chân lý Kytô giáo đã có ngay từ trước khi Đức Kytô xuất hiện. Ngài cũng thường lưu ý đặc biệt hơn đến những đoạn văn nói về sự loại bỏ Israel và tuyển chọn dân ngoại.

III. MẤY TƯ TƯỞNG THẦN HỌC VÀ MINH GIÁO CHÍNH YẾU CỦA JUSTIN (theo những tài liệu hiện hữu còn sót lại)


Cả sau ngày trở lại Kytô giáo, Justin đã không hề chối bỏ gia sản triết học của quá khứ. Vì thế Ngài là nhà văn sĩ Kytô giáo đầu tiên đã cố gắng bắc một nhịp cầu giữa Kytô giáo và triết học ngoại giáo. Dưới đây là một vài tư tưởng thần học và minh giáo của ngài. Chúng ta sẽ nhìn thấy ảnh hưởng của nền triết học Ngài đã hấp thụ trước khi tòng giáo.

1. Thiên Chúa.

Quan niệm Thiên Chúa của Justin rất gần quan niệm triết học của Platon. Thiên Chúa không có nguồn gốc, và vì thế ta không thể nào gọi tên Ngài được :

“Đấng tạo dựng vũ trụ không có tên, bởi vì Ngài là đấng bất thụ sinh. Thực vậy, nhận một tên là hiểu ngầm phải có một người hơn tuổi để đặt tên đó cho. Những từ ngữ Cha, Thiên Chúa, Tạo hoá, Chúa và Thầy, không phải là tên, nhưng chỉ là những cách gọi đã được đặt ra do những ân huệ hay hành động của Ngài... từ ngữ “Thiên Chúa”không phải là một tên nhưng chỉ là một kiểu phỏng ước tự nhiên của con người để chỉ một thực tại không thể diễn đạt nổi” (Apol. 2, 6).

Justin không chấp nhận sự phổ diện của Thiên Chúa theo bản thể, bởi vì Ngài hoàn toàn siêu việt đối với thụ tạo. Thiên Chúa Cha không thể bỏ chốn trời cao thẳm nơi Ngài ngự trị. Vì thế Ngài không thể hiện lộ trong trần gian, mặc dầu Ngài thấu suốt mọi sự, nhờ một quyền lực không thể diễn tả được.(cf. Dial. 60 ; 127). Nhưng nếu Thiên Chúa hoàn toàn siêu việt đối với mọi thụ tạo nhân loại, thì cần thiết phải có một cây cầu bắc qua vực thẳm chia cách Thiên Chúa và con người. Đó là vai trò của Ngôi Lời (Logos) , môi giới giữa Chúa Cha và thế giới. Chúa Cha chỉ liên lạc với thế giới qua trung gian của Ngôi Lời, và Ngài chỉ tự Mạc khải bởi Ngôi Lời. Vậy Ngôi Lời là vị hướng đạo đưa ta về với Thiên chúa. Ngài là Thầy của con người. Tự nguyên thủy Ngài vẫn ở nơi Thiên Chúa như là một tiềm lực. Nhưng ít lâu trước khi sáng tạo vũ trụ Thiên Chúa đã nhiệm sinh ra Ngài. rồi chính Ngài đã tạo dựng vũ trụ. Cuộc nhiệm sinh của Ngôi Lời phải được hiểu như một nhiệm xuy nội tại nơi Thiên Chúa. Ở đây chúng ta thấy Justin ngả về “Phụ thuộc thuyết” (Subordinatianisme), ( sẽ xuất hiện sau này) :

“Con của Thiên chúa, đấng độc nhất đáng gọi là Con, tức Ngôi Lời hiện hữu với Ngài và được sinh ra trước cuộc sáng tạo, khi từ khởi thủy Thiên chúa xếp đặt mọi sự bởi Ngài, được gọi là Kytô, bởi vì Ngài đã được Thiên Chúa xức dầu và xếp đặt mọi sự nhờ Ngài” .(Apol. 2, ).
Như vậy, xem ra đối với Justin, Ngôi Lời chỉ trở thành một ngôi vị độc lập vì mục đích sáng tạo và cai quản vũ trụ. Ngài trở thành một Ngôi vị Thiên Chúa, nhưng hoàn toàn phụ thuộc Chúa Cha”(dial. 61).
 

2. Ngôi Lời (Logos) :

Giáo thuyết về Ngôi Lời là giáo thuyết quan trọng nhất nơi Justin. Nó liên kết triết học ngoại giáo với Kytô giáo. Justin quả quyết Ngôi Lời Thiên Chúa chỉ tỏ hiện đầy đủ nơi đức Kytô thôi, tuy nhiên “một hạt giống của Ngôi Lời” đã tràn lan trên khắp nhân loại. Mỗi người đều có trong lý trí một hạt giống của Ngài. Như vậy, không những chỉ có các ngôn sứ của cựu Ước, mà còn cả các triết gia ngoại giáo đều đã mang trongtâm hồn một hạt giống của Ngôi Lời có tiềm lực nảy sinh và lớn mạnh. Justin đan cử Héraclite, Socrate và nhà triết học khắc kỷ Musonius như là những người đã sống theo sự hướng dẫn của Ngôi Lời Thiên Chúa. Những triết gia này đã là những Kytô hữu thực thụ :

“Đức Kytô là Con đầu lòng của Thiên Chúa, là Ngôi Lời, trong đó mọi người đều thông phần : đó là điều chúng tôi đã học biết và tuyên xưng... Những kẻ đã sống theo Ngôi Lời (chỉ dẫn) thì là Kytô hữu, cho dầu thiên hạ có coi họ là những nhà vô thần đi nữa, chẳng hạn nơi người Hy lạp, Socrate, Héraclite và những nhân vật tương tự”(Apol. 1, 46).
 
Thế nên, không thể có sự xung khắc giữa Kytô giáo và triết học, bởi vì :

- “Tất cả những gì tốt lành, họ (các triết gia) đã dạy đều thuộc về chúng tôi, là những người Kytô hữu. Bởi vì sau Thiên Chúa, chúng tôi tôn thờ và yêu mến Ngôi Lời sinh bởi Thiên chúa, đấng bất thụ sinh và bất khả thuyết, bởi vì Ngài đã sinh ra làm người phàm vì chúng tôi để chữa lành những khổ đau của chúng tôi bằng cáchchia sẻ những khổ đau đó. Những văn sĩ (triết gia) đã có thể nhìn thấy chân lý một cách lờ mờ, nhờ bởi hạt giống của Logos đã được gieo sẵn trong họ.”  (Apol. 2, 13)

- “Tất cả những nguyên tắc chính xác mà các triết gia và nhà lập pháp đã khám phá và diễn đạt được, thì đều do việc họ đã gặp được và chiêm ngưỡng phần nào Ngôi Lời” (Apol. 2, 10).

Như vậy,Justin đã đưa ra một bằng chứng siêu hình về sự hiện hữu của một vài yếu tố chân lý trong nền triết học ngoại giáo. Tuy nhiên ngài thêm một bằng chứng lịch sử. Nếu các triết gia ngoại giáo đã khởi xướng được nhiều mệnh đề chân thật, thì chính vì họ đã vay mượn từ nền văn học Do thái, tức là Thánh Kinh Cựư Ước :

“Maisen là người cựu trào hơn tất cả mọi văn sĩ (triết gia) Hy lạp. Tất cả những gì các triết gia và thi sĩ đã nói về linh hồn bất tử, về những hình phạt sau khi chết, về việc chiêm ngưỡng những thực tại trên trời, và về những lý thuyết khác tương tự, họ đều nhận được những nguyên tắc từ nơi các ngôn sứ, và chính nhờ vậy mà họ có thể quan niệm và phát biểu ra được. Nơi tất cả, xem ra đều đã có những hạt giống của chân lý”(Apol. 1, 44).
Dầu sao, chỉ có các Kytô hữu mới nắm bắt được chân lý trọn vẹn, bởi vì trong Đức Kytô, Đấng đã hiện lộ ra với họ, họ chiếm đoạt được chính chân lý.


3. Đức Yêsu Kytô :

Trên đây là hai đề tài thần học và minh giáo tổng quát dành cho mọi người, nhưng đặc biệt cho lương dân. Riêng đối với người Do thái, Justin đã đề cập nhiều hơn đến Đức Yêsu Kytô trong cuốn “Đối thoại với Tryphon” (passim). Thực ra Ngài đã đề cập đến Đức Kytô khi nói về Ngôi Lời. Ở đây, ngài nhấn mạnh thêm hai điểm :

a - Biện minh cho việc chúa Yêsu Kytô tử nạn thập giá:

Trong cuốn “Đối thoại”, Tryphon, đại diện cho người do thái, đồng ý chấp nhận một sự đau khổ nào đó của Đấng Thiên sai (Messia, Kytô), nhưng ông từ chối khổ giá bởi vì nó bị luật Maisen chúc dữ. Cách trả lời dưới đây của Justin cho thấy người Kytôhữu đã nhìn nhận Thánh Kinh được thể hiện như thế nào nơi Đức Kytô. Ngài đưa ra hai nhận định :

1/. Ta thấy nhiều hình ảnh thánh giá trong Cựu Ước :

- Con rắn đồng,

- Maisen giang tay theo hình thánh giá để cầu nguyện ;

- cặp sừng trâu là tượng trưng cho sức mạnh, mà thánh giá là sức mạnh của Thiên Chúa. Sức mạnh đó của Thánh giá Justin cũng đã trình bày cho dân ngoại.

2/. Thánh vịnh 21 là lời tiên báo một đấng Thiên sai đau khổ và chết trên thập giá.


b - Sự tiền hữu của đức Kytô :

Không những người Kytô hữu rao giảng một Đấng Thiên sai (Kytô) đau khổ và chết trên Thập giá, họ còn rao giảng một đấng Kytô tiền hữu nữa. Tryphon cho thế là mâu thuẫn. Justin dẫn chứng bằng Thánh Kinh, tất cả những cuộc thần hiển trong Cựu Ước đều là những cuộc thần hiển của Ngôi Lời. Đối với Ngài, những kiểu nói trong Cựu Ước :”Yahvé” hay “thần của Yahé” hiện ra đều cùng có nghĩa như nhau : tất cả đều là thần hiển của Ngôi Lời.

Sự khôn ngoan sáng tạo được ca ngợi trong sách Cách Ngôn 8, 22-36 là chính NGÔI LỜI vậy. (Dial. 98).


4 - Đức Maria và Evà :

Justin là tác giả đầu tiên đã đối chọi Đức Mẹ với Evà trong một bức hoạ song hành, giống như Phaolô đã làm giữa Đức Kytô và Adam.

Sau cùng, chúng tôi hiểu rằng Ngài (Đức Kytô) đã làm nguời nhờ Đức Trinh nữ, để chính nhờ con đường mà Trinh nữ đã bắt đầu, sự bất tuân lệnh do con rắn gây nên được chấm dứt. Evà khi đó vẫn còn đồng trinh, không trụy lạc : bởi thụ thai lời của con rắn mà bà đã sinh hạ sự bất khẳng và cái chết.

Vậy Đức Trinh nữ Maria đã thụ thai đức tin và niềm hoan lạc khi sứ thần Gabriel loan tin mừng cho Ngài là Thánh thần của Thiên Chúa sẽ ngự xuống trên Ngài, và Quyền lực Đấng tối cao sẽ che chở ngài dưới bóng, và vì đó Trẻ thánh từ ngài mà sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa ; và Ngài đã thưa lại : “Xin hãy xảy ra cho tôi theo lời Ngài.”Vậy Ngài (Đức Kytô) đã được sinh ra do Đức Trinh nữ. Chính về Ngài, như chúng tôi đã minh chứng, mà Thánh Kinh đã bao lần nói tới, Ngài, Đấng mà Thiên Chúa đã dùng để hủy diệt con rắn cùng với các thần dữ và các người theo gương nó.” (Dial. 100). 
 
*
*    *
 
Chúng ta không nên chấm dứt những trang khảo luận về thánh Justin, mà không nói qua đến Tatien, một môn sinh nổi tiếng nhưng thất trung của ngài.
 
Sinh trưởng tại Syrie trong một gia đình ngoại giáo, Tatien đã tới thủ đô Lamã và ở đó ông đã trở thành môn sinh của Justin trong “trường triết học Kytô giáo”. Cũng giống như thầy mình, Tatien sau bao tìm tòi đã khám phá ra rằng giáo lý Kytô giáo là triết học chân thật duy nhất. Ông đã trở lại Kytô giáo, và thành một nhà “minh giáo”.

Hiện nay chỉ còn giữ được hai tác phẩm của ông :
Cuốn “Đối thoại với người Hy lạp” và cuốn “Diatessaron”

 
a / “Đối thoại với Người Hy lạp” : Trong cuốn “minh giáo” này, khác hẳn với Justin, Tatien tỏ ra một tinh thần nhiệm nhặt và khắt khe. Ông bài trừ toàn bộ triết học và tôn giáo cũng như văn minh và văn hoá Hy lạp. Ông coi tất cả là lầm lạc, vô luân, vô giá trị.

b/ “Diatessaron” là Bốn Phúc âm gồm trong một cuốn, không rõ ban đầu được chép bằng Syriaque hay bằng Hy văn. Cuốn sách có kết quả rất lớn trong Giáo hội, và đã  là Phúc âm chính thức của Giáo hội Syriaque tới thế kỷ thứ V.

Vì cho là Kytô giáo không bài trừ gắt gao đủ nền giáo dục và văn hóa của người đương thời, Tatien đã ly khai với Giáo hội vào năm 172. Ông bỏ Rôma trở về Đông phương và khởi xứơng lên phái ENCRATITES nghĩa là kiêng khem hay nhiệm nhặt. Phái này lên án hôn nhân và cấm ăn thịt. Họ còn bài trừ đến cả việc dùng rượu trong nghi lễ THÁNH THỂ, và thay thế bằng nước. Vì lý do đó, họ còn có tên là phái “Duy Thủy”(Aquariens).

 
*****
Đoạn II : Một vài “ Truyện Tử Đạo” chính biên.
(x. Máu Anh Hùng, HĐVH,1957)

Các “Truyện Tử Đạo” thuộc loại văn chương chứng minh đức tin Kytô giáo. Có 3 loại truyện tử đạo :

1 - Các “Acta hay gesta martyrum” : viết theo nhữngbản phúc trình chính thức hay biên bản của toà án về cuộc thẩm vấn (hỏi cung) và những câu trả lời của các tử đạo.

Đây là những tài liệu rất quý giá vì có căn bản lịch sử chắc chắn, và giúp ích rất nhiều cho ngành lịch sử cấm đạo.

2 - Các “Passiones hay Martyria” : nghĩa là những lời tường thuật hay thư của cá nhân hay Giáo đoàn đã chứng kiến tận mắt (hoặc sống đồng thời) những cuộc tử đạo rồi kể lại hoặc thông báo sự việc cho cá nhân hay Giáo đoàn khác, thường là ngay sau khi biến cố xảy ra. Những “truyện tử đạo” này vừa có giá trị lịch sử vừa mang theo những tâm tình và nhận định xây dựng của người viết.

3 - Các truyện biến ngôn và truyền khẩu về các tử đạo đích thực, thường được viết rất muộn sau biến cố và thêu dệt với mục đích xây dựng. Một số trong loại truyện này thường pha trộn những yếu tố chân thật với những yếu tố tưởng tượng. Một số khác gồm những điều bịa đặt và giả tưởng hoàn toàn, không có căn bản lịch sử. Nói thế không có nghĩa là những vị tử đạo mà những truyện này kể đến không hiện hữu, nhưng chỉ có nghĩa là những truyện loại này không thể được coi là những tài liệu lịch sử có thể dùng làm căn bản cho việc khảo cứu.

- Thuộc loại thứ nhất chúng ta có cuốn Acta (martyrium) S. Justini et Sociorum kể việc tử đạo của triết gia thời danh Justin cùng với 6 Kytô hữu khác, xảy ra tại Rôma, có lẽ vào năm 165, dưới triều Marc-Aurèle và tổng trấn Lamã Q. Junius Rusticus. (x. Máu Anh Hùng, I, tr. 34-37)

- Thuộc loại thứ ba chúng ta có những truyện tử đạo Roma, ví dụ truyện thánh Agnès, thánh Cécile, thánh Hippolyte, thánh Laurent và thánh Sebastien v.v...
 
dưới đây, chúng ta chỉ lưu ý vắn tắt đến một số :Truyện Tử đạo” thuộc loại thứ hai :
 

1. Cuốn “Martyrium Polycarpi” (cf. p. 36) : (x. Máu Anh Hùng, I, tr, 25-30).

Đây là truyện tử đạo cổ thời nhất còn giữ được. Nó là một bức thư do Giáo đoàn Smyrne gửi cho Giáo đoàn Philomelium (Phrygie), được viết sau cuộc tử đạo của Polycarpe không đầy một năm (XVIII, 3). Nhưng rất khó biết rõ Polycarpe chết vào năm nào, có lẽ trong năm 161-168.

Thư này mang lại cho chúng ta những yếu tố hữu ích sau đây :

1- Biểu  lộ bản lãnh cao cường của Phlycarpe (đoạn 9 và 13).

2- Quan niệm việc tử đạo là noi gương Chúa Kytô. (1 và 19)

3- Việc tôn kính các tử đạo (18).

4- Kinh nguyện cổ thời của Kytô giáo dưới hình thức phụng vụ (14)

5- Danh từ “Giáo hội Công giáo” được nhắc tới 4 lần : ba lần với ý nghĩa phổ thế (lời chào ; 8, 1 và 19, 2) ; một lần với ý nghĩa Chính thống (chính tông) : “Giáo hội Công giáo thành Smyrne”(16, 2).

6- Đây có thể là một bằng chứng gián tiếp về phép Rửa tội cho trẻ nhỏ (9,3). “tôi làm tôi Người (Chúa Kytô) đã 86 năm nay...”


2. Các Tử đạo Lyon, hay”thư của các giáo đoàn Vienne và Lyon gửi các giáo đoàn Đông phương và Phrygie” (la lettre des Eglises de Vienne et de Lyon aux Eglises d’Asie et de Phrygie).

Đây là một trong những tài liệu quan hệ nhất đối với lịch sử cấm đạo. Lá thư kể lại cuộc bách hại nghiêm khắc và việc tử đạo anh hùng của một số người thuộc giáo đoàn Lyon (xứ Gaule), xảy ra năm 177 hay 168 đời Marc-Aurèle.

Chính nhờ Eusèbe, (H.E. 5, 1, 1-2, 8) mà chúng ta còn giữ được là thư quí báu này. Tác giả không cho biết danh tánh, nhưng chỉ nói mình viết thay mặt giáo đoàn. Nhân vật đó chắc không phải là Irénée vì giữa lúc xảy ra biến cố vị này đang có mặt tại Rôma. Đàng khác đây không phải là giọng văn  của Irénée. (cf. Màu Anh Hùng, I, tr. 42-54).

Bằng một kiểu diễn tả chất phác, tác giả không giấu giếm việc chối đạo của một vài phần tử trong cộng đoàn. Rồi sau đó kể đến những vị tử đạo anh hùng trong số có Giám mục tuổi tác Pothin, già yếu thân xác nhưng tinh thần thật mạnh khỏe :

“Khi đó Ngài đã ngoài chín nươi tuổi. Sức khỏe rất mỏng manh thở thật vất vả vì thân xác quá yếu đuối ; nhưng Ngài được hơi thở nóng hổi của Chúa Thánh Thần nâng đỡ, bởi vì Ngài khao khát phúc tử đạo.”

Một bộ mặt khác rất đặc biệt là thánh nữ Blandine, người con gái nô lệ trẻ tuổi và mảnh khảnh, đã dùng gương sáng và lời nói khuyến khích và nâng đỡ anh em (Maturus, Sanctus, Alexandre, Ponticus) can đảm đến cùng .

“Thánh Blandine còn lại sau cùng. Cũng giống như bà mẹ cao thượng xưa đã khuyên các con mình rồi để họ chiến thắng trước mặt vua, Blandine cũng thế, bà đã trải qua hết loạt những cuộc chiến đấu của các con cái thiêng liêng mình. Nóng lòng theo họ và hoan hỉ mừng vui vì cuộc hành trình sắp tới, xem ra như bà được mời đi dự tiệc cưới, chứ không phải bị ném cho thú vật, sau (khi bị đặt trên) giá sắt nung đỏ, người ta choàng bà trong một tấm lưới rồi quẳng cho con bò tót. Bà bị con thú vật húc bổng lên không khí nhiều lần. Nhưng tất cả những cực hình đó bà không còn cảm thấy gì nữa, một chỉ hy vọng theo đuổi những của cải (chân thật) đức tin và mải miết nguyện cầu cùng Chúa Kytô. Sau cùng, lý hình cũng đâm cổ bà. Ngay cả những lương dân cũng đều thừa nhận rằng chưa hề có đàn bà nào bên họ đã chịu nhiều khổ hình độc dữ như vậy”.(cf. Máu Anh Hùng I, 65-72).


3. Cuốn Passio SS. Perpetuae et Felicitatisthuật lại cuộc tử đạo của 3 người dự tòng, Saturus, Saturninus, Revocatus và nhất là của hai người đàn bà trẻ tuổi cũng là dự tòng. Người thứ nhất, Vibia Perpetua, 22 tuổi, con nhà quí phái, có gia đình và mới sinh được một con trai nhỏ. Cha già không có đạo, nhưng một trong hai anh là dự tòng. Người đàn bà thứ hai tên là Félicité, nô lệ của Perpetua. Félicité có mang khi bị bắt, và trong tù bà sinh một em gái chỉ ít ngày trước khi bị xử. Cả hai đều chịu tử đạo ngày 7 tháng 3 năm 202 tại Carthage.

Cuốn Passio này là một trong những trang đẹp đẽ nhất của văn chương Kytô giáo đời Thượng cổ. Bản lãnh của tác giả đã làm cho cuốn truyện có một tính cách độc đáo, bởi vì những đoạn 3-10 là chính nhật ký của Perpetua :”Chính bà đã kể lại tất cả truyện tử đạo của bà. Đây là câu truyện đúng như bà đã kể lại, do chính tay bà viết, theo những cảm tưởng của bà “ (đoạn 2). Những đoạn 11-13 đã do Saturus viết. Và người ta có nhiều lý do để tin rằng các đoạn khác đã do chính Tertullien viết và cho xuất bản toàn cuốn Passio. Sách có một thế giá rất lớn và tới thời thánh Augustin còn được tôn kính tới mức thánh nhân cảm thấy có bổn phận phải lưu ý bổn đạo đừng có đem đặt ngang hàng với Thánh Kinh chính lục (De anima et ejus origine, I, 10, 12).

Nội dung cuốn Passio có một giá trị rất lớn đối với lịch sử tư tưởng Kytô giáo. Đặc biệt là những thị kiến của Perpetua trong tù, đã được bà ghi chép lại, giúp chúng ta rất nhiều trong việc tìm hiểu tư tưởng của các Kytô hữu buổi ban đầu về ngày cánh chung hay thế mạt.

Cuốn Passio cũng là một tài liệu đương thời với những cuộc bắt đạo, và được chính tay một vị tử đạo viết ra, nên có thể giúp chúng ta đi sâu vào tâm tình đích thực của những chứng nhân Chúa Kytô.

Ta có thể đọc đoạn văn Perpetua tả về việc người cha già cố gắng để bà được tha. (cf. máu Anh Hùng, I, tr. 65-66, 67-69 và 70-72).


 
*****
 
Đoạn III : Ít tác Phẩm “VÔ DANH”


1 . Thư gởi DIOGNÈTE (S.C. 33)

Đây là một tác phẩm “minh giáo” được viết dưới hình thức thư tín và gởi  cho một người ngoại giáo quyền quí tên là Diognète. Ngoài ra, không rõ ai là tác giả và người nhận mang tên Diognète kia là ai. Cũng không rõ bức thư này được viết vào năm nào.

Học giả H. Lietzmann cho rằng Diognète có thể là người giám hộ của Marc-Aurèle.

Tác giả bức thư vay mượn nơi Irénée rất nhiều, và đoạn 7, 1-5 rất giống tác phẩm Philosophoumena(10, 33) của Hippolyte. Hơn nữa, những đoạn 11-12 là chính phần kết luận của tác phẩm vừa kể. Vì thế theo N. Bonwetsch và R. H. Connolly thì tác giả chính là Hippolyte de Rome. Và như vậy bức thư đã được viết vào đầu thế kỷ thứ III. Điều này có thể phù hợp với lời chú thích của chính tác giả là lúc đó Kytô giáo đã lan tràn”khắp thế giới”.

Còn học giả P. Andriessen thì chủ trương tác giả của bức thư là Quadratus, một trong các nhà “minh giáo” ở thế kỷ II.

Sau cùng, H.I. Marrou thì nghĩ tác giả là Clément d’Alexandrie.

Thủ bản duy nhất mà người ta giữ được trước đây đã bị thiêu hủy vì chiến tranh 1870 trong cuộc phát hỏa của thư viện Strasbourg. Thủ bản đó được viết vào thế kỷ XIII hay XIV và là sở hữu của tu viện Marmoutier thuộc miền Alsace (Pháp). Trong thư viện, bức thư được xếp chung với những tác phẩm của thánh Justin tử đạo. Tất cả các sách xuất bản về bức thư đều đã dựa trên thủ bản này.

Bức thư đã được viết theo lời yêu cầu của Diognète. Ông xin một người bạn Kytô hữu chỉ vẽ về đạo. Trong phần nhập đề ta có thể thấy những câu hỏi của Diognète :

“Tôi thấy, hỡi Diognète đáng kính, lòng nhiệt thành đã thúc đẩy ngài muốn tìm hiểu về tôn giáo của người Kytô hữu, sự sáng sủa và rành mạch của những câu hỏi ngài đặt ra về họ: Thiên Chúa họ tin là thế nào ? Họ thờ phượng Thiên Chúa đó làm sao ? Bởi đâu mà họ nhất loạt khinh chê thế gian và coi thường sự chết ? Tại sao họ không kể các thần thánh của Hy lạp là gì và không (thèm) giữ những điều dị đoan của người Do thái ? Sau cùng, tại sao dân tộc mới đó  - thế giới sống mới đó - lại chỉ xuất hiện vào thời nay thôi mà không xuất hiện sớm hơn “.

Sau đó, (đoạn 2-4), tác giả diễn tả bằng những lời lẽ hùng hồn sự trổi vượt của Kytô giáo sánh với việc thờ ngẫu tượng u mê của lương dân, và việc thờ tự vị hình thức của người do thái.

Đoạn 5-6, tả đời sống siêu nhiên của người Kytô hữu, là phần hay nhất của bức thư .(J. Quasten, p. 283-285).

Tắt một lời, linh hồn ở trong xác là gì thì những người Kytô hữu ở trong thế gian cũng là thế. Linh hồn tràn lan trong mọi phần thân thể cũng như những người Kytô hữu trong mọi thị xã (cités) khắp thế gian. Linh hồn ở trontg xác thể mà vẫn không thuộc về xác thể, người Kytô hữu cũng thế, ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Bản tính là vô hình, Linh hồn bị giữ trong một thể xác hữu hình : Người Kytô hữu rõ ràng sống ở giữa thế gian, nhưng việc họ tôn thờ Thiên Chúa lại là vô hình. Xác thịt ghét linh hồn, luôn luôn gây chiến, mặc dù không bị linh hồn làm hại, bởi vì linh hồn cứ ngăn cấm nó không cho nó hưởng thú vui. Cũng vậy, thế gian ghét người kytô hữu mặc dù họ không làm hại ai, bởi vì họ phản đối những lạc thú của thế gian. Linh hồn vẫn yêu cái xác thịt ghét mình và yêu các chi thể của nó cũng như người Kytô hữu vẫn yêu những kẻ ghét mình. Linh hồn bị giam trong thể xác, nhưng chính nó duy trì thể xác, người Kytô hữu cũng như bị cầm buộc trong lao xá thế gian, nhưng chính họ là những kẻ duy trì thế gian. Vốn là bất tử, linh hồn lại ở trong chiếc lều hay hư nát, cũng vậy, người Kytô hữu dựng trại ở bãi phù thế chờ ngày về cõi trời bất diệt. Linh hồn tăng triển nhờ những việc hãm mình chịu đói chịu khát : người Kytô hữu chịu bách hại mà số người mỗi ngày một đông thêm mãi. Điạ vị Thiên chúa đã chỉ định cho họ thật là cao quý quá, họ không được phép đào tẩu”.

Đoạn 7-9 nói về nguồn gốc siêu nhiên của đức tin Kytô giáo. Đức tin này đã được Con Thiên Chúa mạc khải. Nếu nước Thiên Chúa trì hoãn lâu ngày như vậy mới đến trên trần gian là vì Thiên Chúa muốn cho nhân loại cảm thấy mình bất lực và cần phải có ơn cứu chuộc.

Đoạn 10 kết luận bằng một lời khuyên Diognète hãy chấp nhận giáo lý và đức tin Kytô giáo.

Bức thư này đáng được kể vào những tác phẩm hay và nổi tiếng nhất của văn chương Kytô giáo bằng Hy ngữ. Tác giả là một bậc thày về tài hùng biện. Lối hành văn thật là sáng sủa, tao nhã và gọn gàng. Nội dung cho chúng ta thấy một con người hiểu xa biết rộng và đầy thâm tín trong những nguyên tắc Kytô giáo. Đây là một tâm hồn có đức tin hăng say, đầy nhiệt huyết và nhựa sống.


2. Cuốn “Vị Chúa chiên”của Hermas : Le pasteur d’Hermas (S.C. 53)

Cuốn sách này đã được coi như một tác phẩm “tông phụ”, mặc dầu thực sự nó thuộc loại Khải huyền ngoại thư. Sách kể lại những điều mặc khải tác giả (Hermas) đã nhận được tại Roma từ hai “nhân vật” thuộc thế giới thiên linh : một bà cụ già và một thiên thần dưới hình một vị chúa chiên. đó là lý do tên gọi của cuốn sách.

Sách được viết khi nào ? - Trong thị kiến thứ 2 (4, 3) tác giả nói ông đã nhận được lệnh phải ghi những điều mạc khải thành hai bản và gởi cho Clément một bản để ngài chuyển đến các thành thị xa xôi. Đây chắc chắn là Giáo hoàng Clément Giám mục Roma, người đã viết 1 bức thư cho giáo đoàn Corinthô năm 96. Nếu thế thì xem ra mâu thuẫn với những lời quả quyết sau đây của tài liệu Muratori (Đây là một bản chính lục Tân ước đã do Louis Muratori khám phá và xuất bản năm 1740. Gồm nhiều tác phẩm đủ loại và tên tác giả): “và vừa mới đây, tại thời đại chúng ta, trong đô thành Roma, Hermas đã viết cuốn “Vị Chúa Chiên “khi bào huynh của ông là Piô, Giám mục , ngồi trên toà Rôma”. Tài liệu thuộc cuối thể kỷ thứ II này rất đáng tin cậy. Nhưng Giáo  hoàng Piô I đã cai trị Giáo hội vào những năm 140-150. Vậy có phải việc Hermas nói đến Giáo hoàng Clément chỉ là một giả tưởng không ? Chúng ta không có lý do chắn chắn để quả quyết. Bởi vì cách thức trình bày trong cuốn“Vị  Chúa chiên” có thể dung nạp được cả hai niên hiệu. Những phần khởi thảo cựu trào nhất trong cuốn sách có thể thuộc thời Clément và sách được hoàn tất dưới thời Piô.

Tác giả kể khi còn nhỏ, ông bị bán làm nô lệ và vì thế đã được đem tới Roma. Tạiđây ông đã được một bà quí phái mua, bà đó tên là Rhodè. Sau nhiều năm làm nô lệ, ông được phóng thích, lập gia đình và có con cái. Vợ con sống không mấy gương mẫu. Bà vợ quá lắm mồm, con cái sống phóng túng, và nhất là trong thời cấm đạo chúng đã bội phản đức tin. Còn Hermas mặc dầu mọi của cải bị tịch biên, bị bao nhiêu thử thách cũng đã vững tâm giữ đạo trong cơn giông tố.

Kiểu hành văn và những thành ngữ được dùng cho chúng ta thấy có lẽ tác giả là người gốc Do thái. Tác phẩm của ông là một bài giảng về việc ăn năn đền tội. Sách được chia làm 3 phần :

- 5 thị kiến

- 12 giới răn

- 10 ngụ ngôn.


I. Nội dung :

Phần I : Thị kiến 1-4 : Một bà quí phái tuổi tác và đáng kính, tượng trưng cho Giáo hội, hiện đến đem mạc khải cho Hermas. Nhưng dần dần bà lão tuổi tác kia đổi lốt và đến thị kiến thứ 4 thì trở thành một tân nương kiều diễm, tượng trưng cho những người được Thiên Chúa tuyển chọn.

- Thị kiến 1 : Đang lúc lương tâm áy náy về một tội tư tưởng thì Giáo hội, dưới hình một bà cụ già, hiện ra khuyên nhủ ông ăn năn đền tội cho mình và gia đình.

- Thị kiến 2 : Bà cụ già đáng kính trao cho Hermas một cuốn sách dạy phải chép lại và phổ biến : nội dung vẫn là ăn năn đền tội ; ngoài ra cuốn sách còn tiên báo  một cuộc bách hại sắp tới

- Thị kiến 3 : Bà cụ dùng hình ảnh một ngôi tháp đang xây dở để giải thích về vận mệnh của Kytô giáo. Chỉ trong một thời gian vắn vỏi Kytô giáo phải trở thành Giáo hội lý tưởng. Tất cả những viên đá nào không  thể dùng vào việc xây cất ngôi tháp sẽ bị loại bỏ. Cũng thế mọi tội nhân không biết ăn năn hối cải sẽ bị loại bỏ khỏi Giáo Hội. Phải ăn năn cấp tốc vì thời giờ vắn vỏi.

- Thị kiến 4 : Một  con quái xà ghê tởm đe dọa bách hại Giáo Hội cách hung dữ, nhưng chính Hermas và những người có đức tin vững mạnh sẽ vô sự. Con vật biến đi, Giáo Hội hiện ra huy hoàng dưới hình một vị hôn thê kiều diễm, tượng trưng cho niềm phúc lộc của tín hữu và bảo đảm cho cuộc gia nhập Giáo Hội muôn thủơ trong tương lai.

- Thị kiến 5 : Là giai đoạn chuyển tiếp : một thiên thần hiện ra dưới hình vị chúa chiên : Đây là thần đền tội. Ngài sẽ bảo đảm và điều khiển toàn thể cuộc thống hối để tái tạo sinh lực cho Kytô giáo. Thiên thần tuyên bố 12 giới răn và 10 ngụ ngôn.

Phần II : 12 giới răn là một bản tóm lược luân lý Kytô giáo. Đây là những giới luật cho đời sống mới của những kẻ thống hối. Chi tiết được vạch rõ như sau :

1 - Đức tin, lòng kính sợ Thiên Chúa và đức tiết độ.

2 - Tâm hồn đơn sơ và lòng trong trắng.

3 - lòng chân thành ;

4 - đức trong sạch và hạnh kiểm phải giữ trong bậc hôn nhân và goá bụa,

5 - hãm dẹp và tự chủ bản thân.

6 - Phải tin bên nào và khinh miệt bên nào giữa thần công chính và thần gian tà ;

7 - phải kính sợ bên nào và coi thường bên nào giữa Thiên Chúa và ma quỉ ;

8 - điều gì phải tránh và điều gì phải làm giữa điều thiện và điều ác ;

9 - những mối nghi hoặc,

10- sự buồn rầu và tính bi quan.

11- các tiên tri giả ;

12- bổn phận phải diệt trừ khỏi lòng trí mọi ước muốn xấu và làm cho đầy tràn lòng tốt hảo và hoan lạc.

Sau mỗi giới răn đều có một lời khuyên nhủ và hứa hẹn. Những kẻ nhát gan, sợ không giữ nổi các giới luật, được khuyến khích gấp đôi. Những ai cậy nhờ thực sự vào ơn Chúa sẽ có thể nắm giữ cách dễ dàng. Và những ai bền vững sẽ chiếm được sự sống vĩnh cửu.
 

Phần III : 10 ngụ ngôn.Năm ngụ ngôn đầu cũng chỉ là những giới luật luân lý :

* ngụ ngôn 1 : người Kytô hữu là lữ khách trên trần gian. Họ không được dính bén của cải đời này, trái lại phải dùng nó để thực hành bác ái.

* ngụ ngôn 2 : kẻ giầu phải giúp đỡ người nghèo vì cả hai đều lệ thuộc nhau.

* ngụ ngôn 3 : trả lời một vấn nạn tế nhị : sao ở hiện thế không thể phân biệt kẻ lành người dữ ? Cây mùa đông trụt lá và bị tuyết phủ ai phân biệt được?

* ngụ ngôn 4 : nhưng đời sau thì sẽ rõ rệt, kẻ lành sẽ như cây mùa hè tươi tốt và sai trái ; kẻ dữ héo khô như cây mùa đông tuyết giá.

* ngụ ngôn 5 : về việc chay tịnh chính thức. Chay tịnh bề ngoài không đủ, còn phải thực tâm sửa đổi đời sống luân lý và nắm giữ luật mến Chúa yêu người.

Bốn ngụ ngôn sau nói về việc thực thi thống hối đền tội :


* ngụ ngôn 6 : một bên là thần lừa đảo và mê ăn, một bên là thần trừng phạt được trình bày dưới hình thức hai vị chủ chăn.

* ngụ ngôn 7 : Hermas van xin thần trừng phạt cứu mình khỏi những điều giằn vặt lương tâm. Ông được an ủi vì biết rằng mình chịu đau khổ để đền tội cho gia đình.

* ngụ ngôn 8 : Giáo Hội giống như một cây liễu cổ thụ ngành lá rườm rà tươi  tốt. Rồi một số ngành bị chặt khỏi cây và xem ra khô héo ; nhưng khi được trồng xuống đất ẩm nó lại hồi sinh. Cũng thế kẻ mắc tội trọng lìa khỏi mạch sống là Giáo hội, nhưng họ có thể trở lại nhờ việc thống hối và ơn tha tội của Giáo Hội.

* ngụ ngôn 9 : có lẽ được thêm muộn hơn : việc xây tháp bị bỏ dở ít lâu để một số đông tội nhân có thì giờ thống hối và được nhận vào làm đá xây tháp đó. Điều cần thiết là họ phải hối cải cấp tốc, nếu không, sẽ bị loại bỏ. Nói khác : thời gian thống hối vắn vỏi ban đầu nay được nói rộng thêm. Có lẽ vì Hemas nhận thấy ngày Chúa đến mong đợi trước đây vẫn chưa thực hiện.

* ngụ ngôn 10 : Kết luận tác phẩm. Một lần nữa thiên thần thống hối sau khi cảnh cáo Hermas phải thanh tẩy mọi tội lỗi khỏi gia đình, lại giao cho ông sứ mệnh khuyên giục mọi ngưòi ăn năn đền tội.

II . Nhận định :

Không một tác phẩm nào trong thời Kytô giáo sơ khởi đã tả đời sống cộng đồng một cách hồn nhiên hơn cuốn “Vị Chúa Chiên” của Hermas : đủ mọi thứ Kytô hữu đều có mặt, tốt có, xấu có. Có những vị Giám mục, Linh mục, Phụ tế rất sốt sắng, chu toàn nghĩa vụ một cách thật đáng thán phục. Trái lại, nhiều vị khác lại kiêu căng, lười biếng và tham lam. Lại có cả những vị phụ tế nuốt trôi tiền bạc dành cho việc trợ giúp người goá bụa và kẻ mồ côi. Có những vị tử đạo thật anh hùng đã không mảy may nao núng trong cơn cấm cách, trái lại nhiều người bỏ đạo, chối đạo, lại còn phản bội tố cáo anh em đồng đạo, nhiều khi chỉ vì những lợi lộc hoàn toàn vật chất. Có những lương dân trở lại Kytô giáo và sống gương mẫu, lại có những bổn đạo sống tội lỗi công khai, không mảy may thống hối. Ngưòi thì nổi tiếng bác ái, kẻ lại cay nghiệt với người nghèo khó. Cũng chẳng thiếu kẻ hoài nghi, rối đạo sống giữa những Kytô hữu tốt lành lương tâm trong sạch.

Đây thực là một bản xét mình của Giáo Hội Roma. Vì được sống một thời bình an tương đối khá dài, lòng sốt sắng bắt đầu sa sút, nhiều người đã không ngại lăn xả vào đời sống dễ dãi, thâu góp của cải trở thành giàu có, và chiếm đoạt những địa vị đáng kể giữa lương dân. vì thế khi cơn bắt đạo lại bùng nổ, họ sẽ không sẵn sàng nữa ! Đó là trường hợp đã xảy ra dưới đời Trajan vào tiền bán thế kỷ II ; và như vậy cũng rất phù hợp với niên hiệu của cuớn sách nói trên đây.

Dĩ nhiên trong nhãn giới của Hermas, người Kytô hữu gương mẫu vẫn chiếm đại đa số, chứ không  phải các tội nhân. Mục đích của ông là cảnh tỉnh số người thuộc loại thứ hai này, và khuyên giục họ thống hối đền tội. Ông cũng còn nhằm khuyến khích những tâm hồn nhát đảm, vì thế, nói một cách tổng quát, cuốn sách vẫn có một cái nhìn khá lạc quan về đời  sống.


III. Kết quả

Tác phẩm của Hermas hầu như lập tức đã thâu lượm kết quả rất lớn. Nhiều văn sĩ Kytô giáo, kể cả Giáo phụ, trong số có Irénée, Tertullien và Origène, đã coi tác phẩm của ông như một quyển trong bộ Thánh Kinh. Dầu sao, theo tài liệu Muratori (Tây phương) thì người ta chỉ được đọc tư, chứ không được đọc trong nhà thờ. trái lại, Origène(Đông phương) thì quả quyết sách đã được đọc công cộng trong một số nhà thờ, nhưng cách hành động đó không có tính cách phổ quát.

Tại sao lại có kết quả lớn lao đó ?

- Trước hết vì “Vị Chúa Chiên”  của Hermas là một cuốn sách có giọng văn rất (lôi cuốn) hấp dẫn.

- Hình thức khải huyền của cuốn sách đã làm người đồng thời phải lưu ý, và chắc chắn người ta đã tin những điều cuốn sách loan báo là thật.

- Sau cùng, lý do chính yếu của sự thành công là vì cuốn sách đã đề cập đến một vấn đề quan trọng vào hàng đầu trong Giáo hội sơ khởi, tức vấn đề tha tội. Vậy Hermas đã nói gì về vấn  đề này ?

1/ - Hermas coi mình đã lãnh nhận sứ mệnh do thị kiến và mạc khải để công bố một ơn tha thứ sau ngày chịu phép rửa tội. Đây sẽ là một ơn tha thứ theo kỳ hạn nhất định (dịp toàn xá) và có tính cách cộng đoàn. (Như vậy không phải do uy thế riêng - mà chỉ là do thị kiến và mạc khải đã trao sứ mệnh). Thực ra đây không phải là một sáng kiến của Hermas. Việc tha tội sau ngày chịu phép rửa tội đã hiện hữu trong Giáo Hội, điều mới mẻ là tác giả muốn làm cho các Kytô hữu hiểu rằng đây không phải là dịp đầu mà là dịp cuối cùng để lãnh ơn tha thứ.

2/. - Hermas đã hữu tình không muốn rõ rệt khi ông nói đến một tội không thể tha thứ, tức tội bất khẳng không chịu thống hối.

3/. - Việc thống hối phải tức khắc, và phải kèm theo một việc đền tội. Đây không phải là lúc lơị dụng để tái phạm, vì như vậy khó mà được rỗi. Ở đây, Hermas nhằm khía cạnh mục vụ (tâm lý) hơn là thần học : phải thống hối đền tội cấp tốc vì ngày cánh chung sắp đến. Sự việc phải xong trước khi ngôi tháp (tức là Giao hội lý tưởng) được hoàn thành.

4/. - Hermas dành cho giáo quyền vai trò chính yếu là công bố cuộc tha tội và khuyến khích việc thống hối. Nhưng ông không hề nhắc đến một chi tiết nào về nghi thức giải hoà tội nhân, chắc chắn đã hiện hữu trong Giáo Hội. (cf.  đoạn 31, Mand. 4, 3, 1-7).


3. Cuốn DIDACHÈ.


A/ Lịch sử và nội dung”

a - Hứng thú và thâm tín : Năm 1883, Philothée Bryennios, Giám mục chính thống Hy lạp tại Nicomédie khám phá và cho xuất bản cuốn Didachè (Tên tắt cuốn sách là: “Didacheì tän dädeka apostolän"“, tên đầy đủ là: ““Didakh tou Kuriou dia  tvn dwdeka apostolwn  toiz eqnesin“. nghĩa là : “Giáo huấn của Chúa dành cho dân ngoại, do mười hai tông đồ lưu truyền”.) tìm thấy trong một thủ bản Hy lạp (1057) được tàng trữ tại một tu viện ở Jérusalem. Cuốn sách này đã gây nên cả một phong trào hứng thú, và người ta tin chắc đã tìm thấy trong đó bộ mặt đích thực của Kytô giáo sơ khởi. Nhiều học giả trong số đó có Harnack, quả quyết đây là một tài liệu cựu trào vào bậc nhất.

Coi qua nội dung, người ta nhận thấy cuốn Didachè gồm :

- Một hiến chương luân lý (Hai con đường)

- Một đoạn nói về phép Rửa tội

- Hai đoạn nói về phép Thánh thể

- Một đoạn nói về Giáo phẩm tổng quát : Tông đồ, Tiên tri, Tiến sĩ.

- Một đoạn nói về Giáo phẩm địa phương : Giám mục và Phụ tế.

Như vậy, người ta có cảm tưởng sống vào thời kỳ nguyên thủy đích thực của Giáo hội. Niềm thâm tín này kéo dài đến năm 1914.


b - Nghi ngờ và dè dặt : Năm 1914, Robinson đã thiết lập một bản đối chiếu giữa cuốn “Barnabé nặc danh” cuốn “Vị Chúa chiên” của Hermas và cuốn “Didachè” Cả 3 đều trình bày một hiến chương luân lý, nhưng cuốn “Pseudo-Barnabé” là nguồn chính cho cuốn “Le Pasteur d’Hermas” và cuốn “Didachè”. Cuốn sau cùng này lại còn tùy thuộc cả cuốn thứ hai nữa. Thế là hầu hết các học giả đều lần lượt chấp nhận lập trường của Robinson, nhất là khi học giả này minh chứng thêm rằng cuốn Didachè là một tài liệu nặc danh có tính cách lừa đảo và giả tạo. Lừa đảo vì tác giả chẳng những đã hữu tình giấu tên lại còn lấy danh hiệu các Tông đồ đặt cho các tác phẩm mình để mưu cầu thành công. Giả tạo bởi vì Giáo Hội được miêu tả không thấy hiện hữu ở một nơi nào ngoài óc tưởng tượng của tác giả !

c - Cố gắng của Cha J.P. Audet :Năm 1958, Cha J.P. Audet lại cố gắng trả lại tính cách cựu trào cho cuốn didachè. Ngài minh chứng về ba mặt :

1/-  Tên sách : Theo Cha Audet thì chính Eusèbe đã trích dẫn không phải cuốn Didachè : giáo lý của các Tông đồ, mà là cuốn Didachai, nghĩa là những Huấn lệnh (instructions) của các Tông đồ. Vì vậy phải bỏ tên gọi do Bryennios đưa ra và dựa theo kiểu nói số nhiều của bản dịch bằng tiếng Copte để chấp nhận rằng tên gọi đích thực của cuốn sách là Didachai :”những Huấn lệnh của các Tông đồ”,(didachai tôn apôstolôn=((((((( ((( ((((((((( ) .

2/- Nguồn gốc Tông đồ : Thế là cuốn sách đã thực sự bắt nguồn từ các Tông đồ, ít nhất là từ một vị trong các Ngài. Bởi vì, theo Cha Audet , Tông đồ là một nhân  vật có trọng trách rao giảng (annoncer) Phúc âm, thiết lập (fonder) các Giáo đoàn và tổ chức (organiser) các giáo đoàn đó bằng cách ban bố thêm những “huấn lệnh”(Didachai = instructions) hay chỉ thị mỗi khi cần thiết.

Cha Audet chủ trương khi tác giả viết cuốn didachè thì chưa có một  Phúc âm chính lục nào hiện hữu cả.

3/- Niên hiệu : Nếu sách đã thực sự bắt nguồn từ các Tông đồ thì việc tìm ra niên hiệu không còn gì là khó nữa. Đàng khác nếu cuốn Didachè được viết trước các Phúc âm thì chắc đã được khởi công phỏng vào năm 50 và hoàn thành phỏng vào năm 70.


d / Nhận định : Xét chung thì cuốn Didachè không phải là một tác phẩm có mạch lạc, nó chỉ là một cuốn sách góp nhặt những tài liệu rải rác đó đây và xếp đặt không có gì là nghệ thuật. Trái với tên cuốn sách làm ta có thể lầm tưởng sẽ tìm thấy nội dung của Phúc âm do Chúa Kytô rao giảng, đây chỉ là một ít qui luật phụng vụ nói về việc cầu nguyện, về bí tích rửa tội và Thánh thể (Phần I, đoạn 1-10) ; và những chỉ thị cùng biện pháp kỷ luật nhằm điều hành nếp sống của Cộng đoàn do Giám mục và các phụ tế lãnh đạo, nhưng trong đó, các “tiên tri” giữ một vai trò quan trọng (Phần II, đoạn 11-15). Sách được kết thúc bằng ngày Quang Lâm (Parousia) của Chúa mà mọi tín hữu phải nóng lòng mong đợi và sẵn sàng đón nhận (đoạn 16).

Theo nội dung trên đây thì cuốn didachè không thể đã xuất hiện vào thời các Tông đồ. Bằng chứng là đã thấy manh nha khuynh hướng chống Do thái, những qui chế và biện pháp kỷ luật khá chặt chẽ trong Giáo đoàn chứng tỏ một thời kỳ ổn định kéo dài đã khá lâu.

Dầu sao, nhiều chi tiết cho chúng ta thấy cuốn Didachè cũng không xa thời Tông đồ là mấy. Việc phụng vụ được diễn tả trong những đoạn 7-10 thật là đơn giản. Phép Rửa tội thực hiện trong dòng nước, nghĩa là tại sông ngòi, vẫn còn là luật thông dụng. Việc đổ nước trên đầu để Rửa tội chỉ là luật trừ. Ngoài ra không thấy một dấu vết nào chứng tỏ đã có một công thức phổ quát về kinh Tin Kính hay về một bản chính lục cho cuốn Tân ước hết. Các “Tiên Tri” vẫn còn chủ sự trong nghi lễ Thánh thể và cuốn Didachè cảm thấy cần thiết phải nhấn mạnh rằng các thừa tác viên đích thực của phụng vụ, tức các Giám mục và Phụ tế, cũng phải được giáo dân tôn trọng và kính nể không kém.

Tất cả những yếu tố trên đây cho phép chúng ta khẳng quyết rằng cuốn Didachè đã được viết vào những năm 100-150. Nơi xuất xứ có thể là Syria.

Trong thời Thượng cổ cuốn sách đã được rất mực trọng kính, và nhiều học giả cũng như Giáo phụ đã kể nó vào bậc ngang hàng với những sách Tân Ước. Vì thế Eusèbe, Athanase và Rufin đã phải lên tiếng cảnh cáo rằng cuốn Didachè không thuộc bộ chính lục và chỉ được kể vào loại ngoại thư thôi. Dầu sao, cuốn sách này cũng đã là kiểu mẫu mà sau này những tác phẩm về phụng vụ cũng như về Giáo luật đều rập theo. Theo thánh Athanase thì người ta cũng còn dùng nó làm sách giáo khoa cho người dự tòng nữa.

Dưới đây chúng ta chỉ ngừng lại Phần I nói về những qui luật luân lý và phụng vụ. Đây cũng là phần hay nhất của cuốn sách.


B / Luân lý và Phụng vụ trong cuốn Didachè (Phần I, đoạn 1-10).

a - Hiến chương luân lý : Hai con đường :

Chương đầu (đoạn  1-6) của phần I gồm những chỉ dẫn cho việc dạy đạo người dự tòng. Nó bắt đầu bằng một hiến chương luân lý, hai con đường thiện và ác, hay đường sinh và đường tử :

“Có hai con đường : một đường sống, một đường chết ; nhưng giữa hai con đường đó có sự khác giệt rất lớn lao. Vậy đây là đường đưa tới sự sống : trước hết, ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa đã dựng nên ngươi ; thứ đến, ngươi  hãy yêu thương tha nhân như chính mình ngươi ; và những gì ngươi không muốn người ta làm cho mình, thì ngươi cũng thế đừng có làm cho người khác “(I, 1-2).

Con đường tử được diễn đạt như sau:

“Và đây là đường đưa đến sự chết. Trước hết nó xấu xa và đầy tràn lời chúc dữ : giết người, ngoại tình, thèm muốn, tà dâm, trộm cướp, thờ quấy, đồng bóng, đầu đọc, hối lộ, chứng dối, giả hình, nhị tâm, gian manh, kiêu ngạo, ác ý, láo xược, hà tiện, dâm ngôn, ghen tương, ngạo mạn, đàng điếm, khoác lác và khôngbiết mảy may kính sợ (Thiên Chúa)”...(5, 1).


b - Quy luật Phụng vụ :

Những đoạn 7-10 có một giá trị rất lớn đối với lịch sử phụng vụ.

1/ - Rửa tội :

“Về (bí tích) Rửa tội, thì làm theo cách thức dưới đây : sau khi đã dạy tất cả các điều trên, hãy rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, trong nước nguồn. Nếu không có nước nguồn thì hãy rửa bằng nước khác, và nếu khôngcó nước lạnh thì rửa bằng nước nóng. Nếu không có (đủ) cả hai thứ nước (trên) thì đổ nước trên đầu ba lần nhân danh Cha và Con và Thánh thần”.(7, 1-3).

Như vậy, việc rửa tội bằng cách dìm xuống nước nguồn như sông ngòi, suối lạch hoặc trong một bể chứa (giếng rửa tội) là cách thức thông thường của bí tích. Ngoài ra chỉ khi cần kíp mới rửa tội bằng cách đổ nước trên đầu.

Cuốn Didachè còn buộc nhặt phải ăn chay những ngày thứ tư và thứ sáu. Qui luật này nhằm chống lại lề thói Do thái giữ chay vào ngày thứ hai và thứ năm (8, 1). Riêng về dịp Rửa tội, vị chủ sự bí tích cũng như những kẻ tham dự đều được khuyên giữ chay, còn người chịu phép Rửa tội thì buộc phải giữ chay một hai ngày trước (7,4).
 
2/ - Cầu nguyện và Thánh thể :

Mỗi ngày buộc giáo hữu phải đọc kinh “Lạy Cha” 3 lần (8,2-3). Còn về bí tích Thánh Thể cuốn Didachè chứa đựng những kinh cựu trào vào bậc nhất (đoạn 9-10), nhưng lại không hề nói đến việc Chúa Kytô thiết lập bí tích này. Dưới đây là đoạn 9 trong cuốn sách :

“Còn về Thánh thể (Eucharistia), hãy tạ ơn như sau. Trước hết về chén thánh :
Chúng con đội ơn Cha, lạy Cha chúng con,
Vì cây nho thánh của David tôi tớ Cha
Mà cha đã cho chúng con được biết bởi Đức Yêsu tôi tớ Cha
Vinh danh Cha đến muôn đời !
Rồi khi bẻ bánh :
Chúng con đội ơn Cha, lạy Cha chúng con
Vì sự sống và sự thông suốt
Mà Cha đã ban cho chúng con được biết bởi Đức Yêsu tôi tớ Cha
Vinh danh Cha đến muôn đời !
Như tấm bánh bẻ ra này, trước đây tản mát trên các nương đồi, đã được thâu lượm lại để chỉ trở thành một,
Cũng thế, chớ gì Hội Thánh Cha được thu thập lại từ tận cùng cõi đất trong nước Cha.
Bởi vì vinh quang và quyền lực thuộc về Cha nhờ Đức Yêsu Kytô đến muôn đời ! (Amen).
Chớ gì đừng ai ăn và uống tiệc Tạ ơn (Eucharistia) của Cha, ngoài những người đã chịu phép Rửa  nhân danh Chúa (Yêsu), bởi vì chính về điểm này mà Ngài đã phán :”đừng có lấy của Thánh mà vất cho chó” (9, 1-5).
Đoạn 10 là một lời nguyện sau rước lễ (hiệp lễ) :
“Sau khi đã no đủ, hãy tạ ơn như sau :
Chúng con tạ ơn Cha, lạy Cha chúng con !
Vì Thánh danh Cha mà Cha đã ngự trị trong tâm hồn chúng con,
Vì sự hiểu biết, về đức tin và ơn trường sinh mà Cha đã mạc khải cho chúng con nhờ Đức Yêsu tôi tớ Cha.
Vinh danh Cha đến muôn đời !
Chính Cha, Chúa tể toàn năng,
Đã tạo dựng vũ trụ để tôn vinh Cha,
Đã ban cho loài người được hưởng dùng của ăn và của uống để họ cảm tạ Cha ;
Nhưng riêng cho chúng con Cha đã ban một của ăn và một của uống thiêng liêng và đời sống vĩnh cửu nhờ đức Yêsu, tôi tớ Cha.
Trước hết, chúng con đội ơn Cha, bởi vì Cha là đấng quyền năng.
Vinh danh Cha đến muôn đời ! Amen.
Lạy Chúa xin hãy nhớ đến Hội Thánh Chúa để giải thoát khỏi mọi sự dữ và kiện toàn trong tình thương của Chúa.
Xin hãy thâu thập lại từ bốn phương, Giáo hội đã được thánh hoá đó, trong nước Chúa, nước mà Chúa đã sắm sẵn cho Giáo hội ;
Bởi vì quyền lực và vinh quang thuộc về Chúa đến muôn đời ! Amen. “.(10, 1-5).

Đoạn văn trên đây gọi rõ Thánh thể là Của ăn Của uống thiêng liêng và tác giả còn thêm :”Nếu ai thánh thiện thì hãy đến ! Nếu ai không thánh thiện thì hãy ăn năn đền tội.”(10, 6)

Việc thú tội trước khi rước Thánh Thể mà tác giả vừa nói tới trên đây (10, 6) có lẽ là một nghi thức thống hối cộng đồng trong phụng vụ, theo kiểu kinh Cáo mình (confiteor) hiện nay, cũng giốngnhư đoạn 4, 14 đòi giáo hữu phải thú tội trước khi cầu nguyện tại thánh đường :”Trong buổi tụ họp chung, ngươi hãy dự cáo các tội lỗi ngươi, và đừng có đi cầu nguyện với một lương tâm nhơ bẩn”.