Sunday, 29 March 2020 15:32

Văn Chương Của Các “Tông Phụ”: Thánh Polycarpe Giám Mục Smyrne (+ 168 ?) Featured

GIÁO PHỤ HỌC - PATER ECCLESIAE

(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)

Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ.

***

***

CHƯƠNG I

VĂN CHƯƠNG CẢM HÓA HỖ TƯƠNG

CỦA CÁC “TÔNG PHỤ” HAY CÁC "GIÁO PHỤ TÔNG ĐỒ"

(96-125)

***

Đoạn III.  Thánh  Polycarpe Giám mục Smyrne (+ 168 ?)

 

I . THÂN THẾ CỦA POLYCARPE

Polycarpe Giám mục Smyrne đã đuợc đặc biệt kính nể bởi vì Ngài là môn đệ của các Tông đồ. Thánh Irenée nói (Eusèbe, H.E. 5, 20, 5) Polycarpe đã “ngồi duới chân thánh Yoan” và chính các Tông đồ đã đặt Ngài làm Giám mục tại Smyne (Ad. Haer. , 3, 3, 4). Cũng với tư cách là Giám mục Smyrne, Ngài đã nhận đuọc 1 trong 7 lá thư của thánh Ignace.

Uy thế của Ngài còn nổi bật trong những cuộc tranh luận với Giáo hòang Anicet, năm 155 tại Rôma, về một số vấn đề trong Giáo hội, đặc biệt là việc qui định ngày mừng lễ Phục sinh. Cuộc tranh luận thật sôi nổi : Polycarpe nại đến thế giá của thánh Yoan và của các Tông đồ để bênh vực thói quen mừng lễ Phục sinh vào ngày 14 Nizan (theo kiểu người Do Thái). Ngược lại Anicet nhất định chủ trương phải mừng vào ngày Chúa Nhật thứ nhất sau ngày 14 Nizan như các vị tiên Giáo hoàng đã làm. Mặc dầu không tìm được chỗ thoả thuận về vấn đề này, đôi bên đã thông cảm và chia tay với những tâm tình thắm thiết hơn.

Thánh Irénée còn kể lại (Adv. Haer. , 3, 3, 4) dịp đó Marcion, nhân gặp Polycarpe tại Roma, hỏi Ngài có nhận ra mình không. Polycarpe trả lời : “Dĩ nhiên, ta nhận ra đứa con đầu lòng của Satan”.

II. CUỘC TỬ ĐẠO CỦA POLYCARPE (161 - 168 ?)

Theo bức thư của Giáo đoàn Smyrne “Martyrium Polycarpi” gửi cho cộng đồng Kytô giáo tại Philomelium thì Polycarpe đã chịu tử đạo một cách rất anh hùng. Một số học giả cho là cuộc tử đạo này đã xảy ra chỉ ít ngày sau khi Polycarpe ở Rôma về, có lẽ vào ngày 22-02-156. Nhưng thiết tưởng phải nhận Ngài đã tử đạo vào những năm 161 - 168 (cf. Eusèbe, 4, 15, 1-46)

Bức thư của Giáo đoàn Smyrne là một tài liệu nhiều chi tiết và cổ thời nhất về một cuộc tử đạo cá nhân. Nhưng “Truyện Tử đạo” được coi là đầu tiên này, xét về văn thể thì lại thuộc về loại thư của thời Kytô giáo sơ khởi. Bức thư mang chữ ký của Marcion (khác với nhận vật lạc giáo tại Rôma), và được viết chỉ ít lâu sau cái chết của Polycarpe.

Bức thư mang một ấn tượng hết sức mạnh mẽ về bản lãnh  đặc biệt của Giám mục thành Smyrne. Vị quyền lãnh sự Statius Quadratus truyền lệnh : “Hãy chửi thề đi, ta sẽ tha bổng, hãy nguyền rủa tên Kytô đi !”Polycarpe trả lời :”Tôi đã phụng sự Ngài (Chúa Kytô) từ 86 năm nay, Ngài không hề làm hại tôi điều gì. Làm sao tôi lại có thể nói lộng ngôn đến đức Vua tôi, Đấng Cứu chuộc tôi ?”(9, 3). Trước giờ thiêu sinh, bọn lý hình muốn đóng đinh Ngài vào đống củi, Polycarpe bảo họ :”Cứ để mặc tôi như vậy : Đấng ban sức cho tôi chịu được ngọn lửa hồng, cũng sẽ ban sức để tôi nằm yên trên đống củi mà không cần các anh phải đóng đinh”(13, 3).

Truyện “Martyrium Polycarpi” rất quí giá vì nó giúp ta hiểu ý nghĩa của tiếng “Martyrium”. Martyrium là bắt chước Chúa Kytô, là nên giống Ngài trong đau khổ và trong cái chết.

Ngoài ra bức thư còn là một bằng chứng rất cựu trào về việc tôn kính các vị tử đạo và di hài của các ngài (18, 2). Các ngài được tôn kính như là những môn đệ và những người đã noi gương Đức Kytô cách hoàn hảo nhất (17, 3).

Sau hết, đoạn thứ 14 của bức thư, gồm những lời nguyện cuối cùng của vị tử đạo, là một tài liệu quí giá cho việc khảo cứu về lịch sử kinh nguyện cổ thời của Kytô giáo. Nội dung cũng như lời kết đều biểu lộ một công thức phụng vụ quen thuộc của Kytô giáo sơ khởi.

NB. Nếu tập “martyrium Polycarpi” là một tài liệu đích thực, thì trái lại cuốn “Vita Polycarpi” chỉ là một tác phẩm ngụy tạo và có tính cách hoang đường. Có lẽ cuốn này đã  được chép vào năm 400, và được trình bày như là phần phụ thêm vào tập “Martyrium Polycarpi”. Chắc chắn đây không phải là một tác phẩm do tay linh mục Pionius, thuộc Giáo đoàn Smyrne, đã tử đạo dưới thời Hoàng đế Dèce (249-51).


III. THƯ GỬI GIÁO ĐOÀN PHILIPPES

Theo thánh Iréné (Eusèbe H. E., 5, 20, 8) thì Polycarpe đã viết rất nhiều thư cho các giáo đoàn lân cận và cho một vài bạn đồng liêu trong hàng Giám mục. Hiện nay chúng ta chỉ còn một bức thư duy nhất, gởi giáo đoàn Philippes. Duy có bản dịch La văn là đầy đủ (gồm 14 đoạn), còn những thủ bản Hy lạp chỉ còn gồm những đoạn 1-9, 2 thôi, những đoạn tiếp theo đã thất lạc tức 9, 3-14. Trong cuốn Histoire Ecclésiastique (3, 36, 13-15) Eusèbe đã trưng dẫn những đoạn 9 và 13 của bản văn Hy ngữ nay đã bị thất lạc.

Đáp lại lời yêu cầu của Giáo đoàn Philippes, xin Ngài gửi cho họ một bản sao các thư của Ignace, Polycarpe đã gửi những bức thư liên hệ và còn kèm theo một bức thư nhỏ do chính tay Ngài viết, trong đó Ngài xin giáo đoàn Philippes cho biết tin tức chắc chắn về số phận của Ignace. Như vậy, có thể đoán được là việc tử đạo của  Ignace chỉ mới xảy ra trước đó ít lâu thôi, hoặc cũng có thể là chưa xảy ra nữa.

Học giả P. N. Harrison đã đề xướng lên giả thuyết là tài liệu mà chúng ta gọi là “Epistola Polycarpi” hàm chứa thực sự 2 bức thư đã do Polycarpe viết vào hai thời kỳ khác nhau, nhưng từ rất sớm đã được chép chung trong cùng một bản và đã trở thành một bức thư duy nhất. Theo Harrison thì bức thư đầu chỉ gồm 13 đoạn, và có thể cả 14 : đây chỉ là một lời cước chú vắn tắt của người gửi bản sao thư thánh Ignace. Sự việc có lẽ xảy ra vào cuối năm 110, ngay sau khi tù nhân Ignace bỏ Smyrne để đi Philippes rồi từ đó qua Rôma. Khi đó Polycarpe vẫn chưa biết số phận của Ignace ra sao (13, 2).

Hai mươi năm sau (130?) có lẽ đúng hơn 135-140,, Polycarpe lại viết một bức thư thứ hai cho giáo đoàn Philippes, gồm 12 đoạn đầu của bức thư hiện nay. Lúc đó Ignace đã được tôn kính như một vị đại thánh trong Giáo hội và cuộc tử đạo của Ngài đã trở thành một tài liệu lịch sử rồi.

Bức thư gửi giáo đoàn Philippes, dưới hình thức hiện này, cho chúng ta một cái nhìn trung thực về giáo thuyết cũng như về tổ chức và hoạt động bác ái của một giáo đoàn sơ khởi thời thánh Polycarpe.


a -  Giáo thuyết :

Bức thư bênh vực giáo thuyết Kytô-học về việc nhập thể và cuộc tử nạn của Chúa Yêsu trên Thập giá, chống lại “những lý thuyết sai lầm” của phái ảo thân (docétistes).

“Thực vậy, bất cứ ai không tuyên xưng Đức Yêsu-Kytô đã nhập thể đều là Kytô-ngụy, và kẻ nào không tuyên xưng chứng cớ của Thánh giá thì thuộc về ma quỷ, còn kẻ nào cắt nghĩa sai lạc lời Chúa theo sở thích của mình , và chối bỏ sự sống lại và cuộc phán xét, thì là con đầu lòng của Satan”(7, 1).


b - Tổ chức :

Polycarpe không hề nói đến một vị Giám Mục tại Philippes, nhưng Ngài chỉ khuyên bổn đạo phải vâng phục các linh mục và phụ tế. Điều này cho phép chúng ta kết luận là cộng đồng Kytô giáo tại Philippes thời đó được quản trị do một hội đồng Linh Mục. Đọan 6, 1 tả bức chân dung của một Linh mục lý tuởng . (S.C. 10, p. 122-213).

c - Bác ái :

Việc bố thí được khuyến khích với những lời lẽ nồng nhiệt : “Khi anh em có thể làm điều lành, đừng có trì hõan, bởi vì bố thí giải thóat đuọc sự chết. Tất cả hãy phục tùng nhau, bằng cách giữ một hạnh kiểm không thể bắt bẻ được giữa lương dân, để những việc lành của anh em làm họ phải ca ngợi, và để Chúa (Kytô) khỏi bị mạ lị vì hạnh kiểm của anh em” (10, 2).

d - Giáo hội và Chính quyền :

Thái độ của Giáo hội sơ khởi đối với Chính quyền đáng được lưu ý. Các Kytô hữu phải coi việc cầu nguyện cho nhà cầm quyền như một bổn phận :
“Cũng hãy cầu nguyện cho vua chúa, cho các nguòi cầm quyền cai trị, cho cả những kẻ bách hại và ghét bỏ anh em, cho các kẻ thù của thánh giá. Làm thế mọi nguòi sẽ thấy rõ hoa trái (mà công việc của ) anh em mang lại, và do đó anh em sẽ là những nguòi hòan tòan”(12, 3).


*****

Đoạn IV.  Papias




Đây là một nhân vật khá bí mật. Irénée (Adv. Haer., 5, 33, 4) nói Papias đã là thính giả của thánh Yoan và là bạn thân của Polycarpe, Giám mục Smyrne. Như vậy Papias là một “Tông phụ” . Yoan mà Irénée nói đây chắc chắn là Yoan thánh sử. Nhưng Irénée không nói Papias là một Giám mục.

Eusèbe (H. E. 3, 36, 2) thì nói Papias là Giám mục Hiérapolis tại Tiểu Á. Vẫn theo H.E. (3, 39, 3, 11-12) thì đây là một con người không mấy thông minh. Hẳn Eusébe có ý ám chỉ bộ “chú giải lời Chúa” (5 quyển) của Papias, trong đó tác giả ngả về Thiên niên thuyết (millénarisme). Thực sự, đây là bộ sách ít giá trị xét cả về mặt lựa chọn cũng như bình luận các tài liệu. Dầu sao, đối với chúng ta, tác phẩm này cũng là một kho báu vì nó hàm chứa giáo lý khẩu truyền của các môn đệ những vị Tông đồ. Trong lời phi lộ, Papias nói :

”.. tôi lấy làm thích thú... được ở bên những kẻ còn nhớ những huấn lệnh do Chúa (Kytô) ban bố cho đức tin và phát sinh từ chính Chân lý. Nếu từ đâu có ai đến mà đã sống gần gũi với các bậc “Kỳ cựu” (Tông đồ) thì tôi cặn hỏi họ về những lời lẽ của các Ngài : về những điều Anrê hay Phêrô, Philippê hay Tôma, Giacôbê hay Gioan, hoặc Mathêô hay một môn đệ nào khác của Chúa đã nói ; cả những điều Aristion và vị kỳ lão Yoan, môn đệ của Chúa nói nữa. Tôi không tin rằng những điều do sách vở truyền lại cũng hữu ích cho tôi bằng điều đến từ một lời sống động và trường tồn.”(Eusèbe, H.E. 3, 39, 3-4).

Lời trưng dẫn trên đây chứng tỏ Papias không những chỉ chú giải những lời của Chúa được ghi chép trong các Phúc âm, mà còn cả những lời đã do truyền khẩu giữ lại nữa.

Nhưng đoạn văn trưng dẫn ở trên lại đặt ra cho chúng ta một vấn đề khi nhắc đến tên Yoan hai lần. Có lẽ đây là hai nhân vật khác nhau.
Hai đoạn văn khác đã được các nhà khảo cứu Thánh Kinh đặc biệt chú ý, vì liên hệ đến hai Phúc âm thánh  Marcô và Mathêô :


* Về Marcô, Papias viết :

”Đây là điều vị kỳ lão đã nói : “Marcô thư ký của Phêrô, đã ghi chép đúng sự thật, nhưng lại không theo thứ tự, tất cả những điều ông nhớ được về lời nói và việc làm của Chúa. Bởi vì ông đã không được nghe và đã không được theo Chúa, nhưng mãi sau này, như tôi đã nói, ông mới theo Phêrô. Ngài (Phêrô) chỉ giảng dậy tùy theo nhu cầu, chứ không tổng hợp những lời của Chúa. Như vậy, Marcô không lầm lẫn khi ghi lại những điều mình nhớ, bởi vì ông chỉ có một chủ ý là không bỏ sót một điều gì ông đã nghe biết, đàng khác ông không hề có ý lừa đảo ai trong những điều ông tường thuật” (Eusèbe, H.E., 3, 39, 15-16).

* Về Mathêô, Papias nói :

”Vậy Mathêô thâu góp lại bằng tiếng Hy bá những lời (logia) (của Chúa Yêsu) và mỗi người cắt nghĩa những lời đó theo lực của mình”(Eusèbe, H.E.,3, 39, 16).

Điều quả quyết này là một bằng chứng vào thời Papias, nguyên bản Phúc âm bằng Hy bá của Mathêô đã thất lạc và chỉ còn bản dịch bằng Hy ngữ. Hơn nữa đây có lẽ chỉ là một bản dịch truyền khẩu  gồm những triệt P.A. được dùng trong những buổi họp phụng vụ của những cộng đoàn nói tiếng Hy lạp hay nói cả hai thứ tiếng (Hy lạp và Hy bá).