Tông Huấn

Saturday, 04 April 2020 16:03

Tông Huấn Verbum Domini (Lời Chúa) Của ĐGH Benedicto XVI (Ngày 30-11-2010) – (1)

TÔNG HUẤN VERBUM DOMINI

(Lời chúa)

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BENEDICT XVI

GỬI CÁC GIÁM MỤC, HÀNG GIÁO SĨ,

CÁC NGƯỜI NAM NỮ SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN

VÀ CÁC TÍN HỮU GIÁO DÂN

HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI LẦN XII

VỀ LỜI THIÊN CHÚA

TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI

***

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI

***

DẪn nhẬp

 

1. “Lời Chúa đời đời bền vững. Đó chính là Lời Tin Mừng đã được loan báo cho anh em” (1 Pr 1, 25; x. Is 40, 8). Với lời khẳng định trên đây của Thư thứ nhất của thánh Phêrô, lấy lại các lời của tiên tri Isaia, chúng ta được đặt trước Mầu Nhiệm Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra qua hồng ân Lời của Ngài. Lời đời đời bền vững này đã đi vào thời gian. Thiên Chúa đã nói Lời vĩnh cửu của Ngài theo cách thức nhân loại; Lời của Ngài “đã trở nên người phàm” (Ga 1,14). Đây chính là Tin Mừng. Đây là lời loan báo đã vượt qua bao thế kỷ để đến với chúng ta hôm nay. Đại Hội thường lệ lần thứ XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục được tổ chức tại Vatican từ ngày 5 đến ngày 26 tháng 10 năm 2008 đã lấy chủ đề Lời Thiên Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Đó là một kinh nghiệm sâu sắc về cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, Lời của Chúa Cha, Đấng hiện diện tại nơi nào có hai hay ba người họp lại nhân danh Người (x. Mt 18,20). Qua Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng này, tôi muốn đáp lại thỉnh cầu của các Nghị Phụ là phổ biến cho Dân Chúa biết thành quả phong phú đạt được từ những phiên họp của Thượng Hội Đồng tại Vatican và các đề nghị được đưa ra trong quá trình làm việc chung của chúng tôi. [1] Trong viễn tượng đó, tôi muốn nhìn lại những công việc của Thượng Hội Đồng bằng cách duyệt lại các tài liệu đã được trình lên: Lineamenta (Đề cương), Instrumentum laboris (Tài liệu làm việc), các Báo cáo ante et post disceptationem (trước và sau thảo luận), các bài tham luận được đọc trong khi họp và những bản văn viết, các báo cáo của các nhóm thảo luận, bản văn Sứ Điệp chung kết gửi cho Dân Chúa, và nhất là một số đề nghị (Propositiones) quan trọng mà các Nghị Phụ đặc biệt quan tâm. Bằng cách đó, tôi muốn vạch ra một vài đường nét căn bản để tái khám phá Lời Chúa trong đời sống của Giáo Hội, vì Lời Chúa là nguồn mạch bất tận luôn đổi mới, đồng thời tôi ước mong Lời Chúa luôn ngày càng trở nên trung tâm điểm của mọi hoạt động trong Giáo Hội.

Để niềm vui của chúng ta nên trọn vẹn

2. Trước hết, tôi muốn nhắc lại vẻ đẹp có sức lôi cuốn của cuộc gặp gỡ mới mẻ với Chúa Giêsu mà chúng tôi đã cảm nghiệm trong kỳ Đại Hội Thượng Hội Đồng Giám Mục vừa qua. Thực vậy, cùng hợp tiếng với các Nghị Phụ, tôi muốn nói với tất cả các tín hữu bằng chính những lời của thánh Gioan trong Thư thứ nhất của người: “Chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời, là sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi - chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1 Ga 1,2-3). Thánh tông đồ dùng các động từ nghe, thấy, đụng chạm chiêm ngưỡng (x. 1 Ga 1,1) Lời Sự Sống, vì chính Sự Sống được tỏ bày trong Đức Kitô. Chúng ta được mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa và giữa chúng ta với nhau, nên chúng ta phải là những sứ giả của hồng ân này. Trong viễn tượng loan báo Tin Mừng, đối với Giáo Hội và với thế giới, Đại Hội Thượng Hội Đồng Giám Mục là một bằng chứng về vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ Lời Chúa trong sự hiệp thông Giáo Hội. Do đó, tôi khuyến khích mọi tín hữu hãy làm mới lại những kinh nghiệm gặp gỡ cá nhân và cộng đoàn với Đức Kitô, Lời Sự Sống đã trở nên hữu hình, và hãy trở thành những sứ giả của Người, để hồng ân sự sống và hiệp thông của Thiên Chúa cứ được lan tràn ra mãi trên khắp thế giới. Quả thật, thông dự vào sự sống của Thiên Chúa, Ba Ngôi Tình Yêu, chính là một niềm vui viên mãn (x. 1 Ga 1,4). Hồng ân và nhiệm vụ cấp thiết của Giáo Hội là phải thông chia niềm vui đó, niềm vui phát xuất từ sự gặp gỡ với Con Người Đức Kitô, Lời Thiên Chúa, hiện diện giữa chúng ta. Trong một thế giới thường xem Thiên Chúa như là thừa thãi và xa vời, chúng ta hãy tuyên xưng như thánh Phêrô rằng duy một mình Ngài mới có “những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Không có điều ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên này là: hãy mở ra lại cho con người ngày nay con đường đến với Thiên Chúa, một vì Thiên Chúa đang nói và chia sẻ với chúng ta tình yêu của Ngài, để chúng ta có được sự sống dồi dào (x. Ga 10,10).

Từ Hiến chế “Dei Verbum” đến Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Thiên Chúa

3. Với Đại Hội thường lệ lần thứ XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Thiên Chúa, chúng tôi ý thức là đã chọn chủ đề, theo một nghĩa nào đó, cũng là trọng tâm của đời sống Kitô hữu, trong thế nối tiếp với Đại Hội Thượng Hội Đồng Giám Mục kỳ trước về Thánh Thể, nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Thật vậy, Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa, được sinh ra từ Lời Chúa và sống bởi Lời Chúa.[2] Trong suốt lịch sử nhiều thế kỷ qua, Dân Chúa đã luôn tìm được sức mạnh trong Lời Chúa, và cả hôm nay nữa, cộng đoàn Giáo Hội cũng đang lớn lên nhờ lắng nghe, cử hành và học hỏi Lời Chúa. Trong những thập niên vừa qua, phải nhìn nhận rằng đời sống Giáo Hội ngày càng nhạy cảm hơn về chủ đề Lời Chúa, với sự chú tâm đặc biệt đến mầu nhiệm Mạc Khải Kitô giáo, Truyền Thống sống động và Kinh Thánh. Từ triều đại Đức giáo hoàng Lêô XIII, Giáo Hội đã có nhiều động tác can thiệp hơn nhằm gây ý thức mạnh mẽ hơn về tầm quan trọng của Lời Chúa và việc nghiên cứu Kinh Thánh trong đời sống của Giáo Hội,[3] mà cao điểm là Công Đồng Vatican II, đặc biệt là việc ban hành Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum. Hiến chế này đánh dấu một cột mốc trên hành trình của Giáo Hội: “Các Nghị Phụ của Thượng Hội Đồng với lòng biết ơn, đã thừa nhận những lợi ích lớn lao mà văn kiện này đem lại cho đời sống của Giáo Hội về mặt chú giải, thần học, thiêng liêng, mục vụ và đại kết”.[4] Trong những năm qua, Giáo Hội đặc biệt ý thức hơn về “chân trời Ba Ngôi và lịch sử cứu độ của Mạc Khải”,[5] và ngày càng nhận thức được Đức Giêsu Kitô là “Đấng trung gian, đồng thời là sự viên mãn của toà thể Mạc Khải”.[6] Giáo Hội không ngừng tuyên xưng cho mọi thế hệ biết rằng Đức Kitô “đã bổ túc và hoàn tất Mạc Khải, bằng tất cả sự hiện diện và tỏ mình qua lời nói cũng như việc làm, dấu chỉ và phép lạ, nhất là qua cái chết và Sự Sống Lại vinh quang từ kẻ chết, sau cùng bằng việc phái Thần Chân Lý đến”.[7]

Mọi người đều biết sự thúc đẩy mạnh mẽ mà Hiến chế tín lý Dei Verbum đã đem lại cho việc tái khám phá Lời Chúa trong đời sống của Giáo Hội, việc suy tư thần học về Mạc Khải của Thiên Chúa và việc nghiên cứu Kinh Thánh. Trong bốn mươi năm qua, Huấn Quyền Giáo Hội đã ban hành nhiều bản tuyên bố về các đề tài này.[8] Khi cử hành Thượng Hội Đồng này, với ý thức về hành trình liên tục của mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội cảm thấy được mời gọi phải đào sâu hơn nữa chủ đề Lời Thiên Chúa, để vừa thẩm định việc thực hiện các chỉ dẫn của Công Đồng, vừa đương đầu với những thách đố mới trong thời đại hiện nay đang đặt ra cho các tín hữu Kitô giáo.

Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Thiên Chúa

4. Trong kỳ Đại Hội lần thứ XII của Thượng Hội Đồng, các Giám Mục đến từ khắp nơi trên thế giới đã quy tụ quanh Lời Chúa, và một cách biểu trưng, đã đặt bản văn Kinh Thánh ngay trung tâm của Đại Hội, để tái khám phá điều mà trong cuộc sống hàng ngày chúng ta có nguy cơ xem như đương nhiên, đó là: sự kiện Thiên Chúa nói với chúng ta và trả lời các vấn nạn của chúng ta.[9] Chúng tôi đã cùng nhau lắng nghe và cử hành Lời Chúa. Chúng tôi kể cho nhau nghe điều Thiên Chúa thực hiện giữa Dân Ngài, chia sẻ những hy vọng và mối quan tâm của họ. Tất cả những việc làm đó giúp chúng tôi ý thức rằng chúng ta chỉ có thể đi sâu vào mối tương quan của chúng ta với Lời Chúa từ chính “chúng ta” là thành phần của Giáo Hội, qua việc lắng nghe và đón nhận nhau. Do đó, chúng tôi tỏ lòng biết ơn đối với các chứng từ về cuộc sống của Giáo Hội ở các miền khác nhau trên thế giới, được trình bày qua các bài tham luận trong Đại Hội. Chúng tôi cũng thật cảm động khi được nghe quý Đại Biểu anh em, đã chấp nhận lời mời đến tham dự cuộc họp Thượng Hội Đồng này. Tôi đặc biệt nghĩ đến bài suy niệm mà Đức Báctôlômêô I, Thượng Phụ đại kết của Constantinople trình bày cho chúng tôi. Các Nghị Phụ đã tỏ lòng biết ơn sâu sắc về bài suy niệm này.[10] Ngoài ra, đây là lần đầu tiên Thượng Hội Đồng Giám Mục đã mời một kinh sư Do-thái đến trình bày với chúng ta một chứng từ quý giá về Kinh Thánh Do-thái vốn là một phần trong Kinh Thánh của chúng ta.[11]

Như vậy, trong niềm vui và lòng biết ơn, chúng tôi đã có thể nhận thấy rằng “trong Giáo Hội, ngày nay cũng có một lễ Hiện Xuống – nghĩa là Giáo Hội đang nói nhiều thứ tiếng khác nhau. Không chỉ là bề ngoài hiểu theo nghĩa mọi ngôn ngữ lớn trên thế giới đều hiện diện trong lòng Giáo Hội, nhưng còn theo một nghĩa sâu xa hơn: trong Giáo Hội, có nhiều phương cách khác nhau để cảm nghiệm về Thiên Chúa và về thế giới, về sự phong phú của các nền văn hóa. Chỉ như thế, chúng ta mới thấy được cuộc sống con người thật mênh mông bao la, và cũng từ đó, thấy được tầm mức rộng lớn của Lời Thiên Chúa”.[12] Chúng tôi cũng có thể nhận thấy rằng lễ Hiện Xuống vẫn ‘tiếp diễn’; nhiều dân tộc khác vẫn đang trông chờ Lời Chúa được loan báo bằng chính ngôn ngữ và trong nền văn hóa của họ.

Tiếp đến, làm sao mà không nhớ là trong suốt thời gian Thượng Hội Đồng, chứng từ của thánh Tông Đồ Phaolô luôn đồng hành với chúng tôi! Quả vậy, đã là một ơn quan phòng khi Đại Hội thường lệ diễn ra trong năm kính nhớ dung mạo Vị Thánh Tông Đồ vĩ đại của các Dân Ngoại, nhân dịp kỷ niệm hai ngàn năm sinh nhật của người. Cuộc đời của thánh nhân hoàn toàn ghi dấu lòng nhiệt thành rao giảng Lời Chúa. Làm sao mà không bị đánh động bởi những lời đầy rung cảm của thánh nhân khi người nói về sứ vụ của mình là người rao giảng Lời Chúa: “Tất cả những điều đó, tôi làm vì Tin Mừng” (1 Cr 9,23); hay trong Thư gửi tín hữu Rôma, người viết: “Tôi không xấu hổ vì Tin Mừng, vì Tin Mừng là quyền năng Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin” (1,16). Khi chúng ta suy nghĩ về Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, chúng ta không thể không nghĩ đến thánh Phaolô và cuộc đời của người dâng hiến để loan báo ơn cứu độ của Đức Kitô cho mọi người.

Lời tựa của Tin Mừng Gioan như kim chỉ nam

5. Qua Tông huấn này, tôi muốn những thành quả của Thượng Hội Đồng tác động hữu hiệu trên đời sống của Giáo Hội: trong mối liên hệ cá nhân chúng ta với Kinh Thánh, trong việc giải thích Kinh Thánh trong cử hành phụng vụ và trong việc dạy giáo lý, cũng như trong việc nghiên cứu khoa học, để Kinh Thánh không đơn thuần là một Lời của quá khứ, nhưng còn là một Lời sống động trong hiện tại. Nhằm mục đích đó, tôi muốn trình bày và khai triển những thành quả của Thượng Hội Đồng bằng cách quy chiếu thường xuyên về Lời tựa của Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga 1,1-18), trong đó nền tảng đời sống của chúng ta được thông ban cho chúng ta: Ngôi Lời, từ khởi đầu vẫn hướng về Thiên Chúa, đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1,14). Đây là bản văn tuyệt vời trình bày cho chúng ta một tổng hợp về toàn bộ đức tin Kitô giáo. Từ cảm nghiệm bản thân được gặp Đức Kitô và đi theo Người, thánh Gioan mà Truyền Thống đồng hóa với “người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến” (Ga 13,23; 20,2; 21,7.20), “đã xác tín sâu xa rằng: Đức Giêsu là Đức Khôn Ngoan nhập thể của Thiên Chúa, Người là Ngôi Lời vĩnh cửu đã trở nên người phàm phải chết”.[13] Ước gì thánh nhân, đấng “đã thấy và đã tin” (Ga 20,8), cũng giúp chúng ta biết tựa đầu vào ngực Đức Kitô (x. Ga 13,25), từ nơi đó máu và nước chảy ra (x. Ga 19,34), là biểu tượng của các Bí Tích trong Giáo Hội. Theo gương Thánh Tông Đồ Gioan và các tác giả được linh hứng khác, chúng ta hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn hầu có thể yêu mến Lời Chúa mỗi ngày một hơn.

***

PHẦN MỘT

VERBUM DEI (LỜI Thiên Chúa)

“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (Ga 1,1.14)

 

THIÊN CHÚA LÊN TIẾNG NÓI

Thiên Chúa đối thoại

6. Điểm mới lạ của Mạc Khải Kinh Thánh đến từ sự kiện: Thiên Chúa tỏ mình cho mọi người biết qua cuộc đối thoại mà Ngài muốn thiết lập với chúng ta.[14] Hiến chế tín lý Dei Verbum đã diễn tả điều đó khi nhìn nhận rằng “do tình thương chan hòa của Ngài, Thiên Chúa vô hình (…) đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu để mời gọi họ và chấp nhận họ đi vào cuộc sống của chính Ngài”.[15] Thế nhưng, chúng ta vẫn chưa hiểu đầy đủ sứ điệp của Lời tựa của thánh Gioan, nếu chúng ta chỉ dừng lại với sự kiện Thiên Chúa đi vào hiệp thông với chúng ta trong tình yêu. Thực ra, Ngôi Lời của Thiên Chúa, nhờ Người “vạn vật được tạo thành” (Ga 1,3), và là Đấng “đã trở nên người phàm” (Ga 1,14), vẫn là chính Ngôi Lời hiện hữu từ “lúc khởi đầu” (Ga 1,1). Nếu chúng ta hiểu ở đây có sự ám chỉ đến khởi đầu của Sách Sáng thế (x. St 1,1), thì quả thực, chúng ta thấy mình đang đứng trước một nguyên lý tuyệt đối, và nguyên lý này vén mở cho chúng ta thấy sự sống thâm sâu của Thiên Chúa. Lời tựa của thánh Gioan đặt chúng ta đứng trước sự kiện này là Logos (Ngôi Lời) hiện hữu thật sự từ đời đời, và từ đời đời Ngôi Lời là chính Thiên Chúa. Do đó, không bao giờ có một thời gian nào Thiên Chúa hiện hữu mà không có Logos. Ngôi Lời có trước tạo thiên lập địa. Vì thế, sự hiệp thông - một trao ban trọn vẹn, luôn hiện diện giữa lòng sự sống của Thiên Chúa. “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,16), điều mà thánh Tông Đồ cũng nói ở một nơi khác, qua đó, diễn tả “hình ảnh Thiên Chúa của Kitô giáo, từ hình ảnh này rút ra hình ảnh con người và con đường sống của họ”.[16] Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta như một Mầu Nhiệm tình yêu vô tận, trong đó Chúa Cha từ thuở đời đời diễn đạt Lời của Ngài trong Chúa Thánh Thần. Bởi thế, Ngôi Lời, Đấng từ lúc khởi đầu vẫn hướng về Thiên Chúa và là Thiên Chúa, đã mạc khải chính Thiên Chúa cho chúng ta trong tương quan trao đổi tình yêu giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa, và mời gọi chúng ta dự phần vào tương quan tình yêu đó. Vì vậy, một khi được tạo dựng nên theo hình ảnh giống với Thiên Chúa tình yêu, chúng ta chỉ có thể hiểu được chính mình khi biết đón nhận Ngôi Lời và tác động của Chúa Thánh Thần. Chính nhờ ánh sáng của Mạc Khải do Ngôi Lời Thiên Chúa thực hiện mà bí ẩn trong thân phận con người được sáng tỏ trọn vẹn.

Kiểu nói loại suy về Lời Thiên Chúa

7.   Dưới ánh sáng của những nhận định trên, phát sinh từ việc suy niệm Mầu Nhiệm Kitô giáo, được trình bày trong Lời tựa của thánh Gioan, bây giờ chúng ta cần nhấn mạnh đến những điều các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã khẳng định liên quan đến các cách thức khác nhau chúng ta nói về “Lời Thiên Chúa”. Thật chính xác khi nói đến bản hòa tấu Lời Chúa, Lời duy nhất được diễn tả bằng nhiều cách thế khác nhau, “như một bản nhạc nhiều cung bậc”.[17] Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã nói đến đề tài này khi quy chiếu về Lời Chúa, bằng cách sử dụng kiểu nói loại suy theo ngôn ngữ loài người. Thực vậy, kiểu diễn đạt này, một mặt nói đến việc Thiên Chúa tự truyền thông chính mình, mặt khác còn bao hàm các ý nghĩa khác được liên kết với nhau và cần được xem xét thận trọng, theo quan điểm suy tư thần học cũng như thực hành mục vụ. Như Lời tựa của thánh Gioan đã cho chúng ta thấy rõ, Logos tự nguồn gốc chỉ về Lời vĩnh cửu, nghĩa là, Người Con duy nhất được sinh ra bởi Chúa Cha có trước muôn đời, và cùng bản thể với Chúa Cha: Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Nhưng thánh Gioan cũng khẳng định chính Ngôi Lời “đã trở nên người phàm” (Ga 1,14); vì thế Đức Giêsu Kitô, Đấng sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, đích thực là Ngôi Lời Thiên Chúa và trở nên đồng bản thể với chúng ta. Do đó, kiểu nói “Ngôi Lời” ở đây chỉ con người của Đức Giêsu Kitô, Người Con tự đời đời của Chúa Cha, đã làm người phàm.

Mặt khác, nếu biến cố Đức Kitô chiếm vị trí trung tâm trong Mạc Khải của Thiên Chúa, chúng ta phải nhìn nhận rằng chính toàn thể thụ tạo, cuốn sách thiên nhiên (liber naturae), cũng là thành phần chính yếu của “bản hòa tấu nhiều cung bậc” này, mà trong đó Ngôi Lời duy nhất được biểu lộ. Đồng thời, chúng ta cũng khẳng định rằng Thiên Chúa nói Lời của Ngài trong lịch sử cứu độ, Ngài làm cho mọi người được nghe lời của Ngài; và bằng sức mạnh Thần Khí của Ngài, “Ngài đã nói qua các ngôn sứ”.[18] Thế nên, Lời Chúa được tỏ bày trong suốt lịch sử cứu độ và đạt tới mức viên mãn trong mầu nhiệm Nhập Thể, chết và Sống lại của Con Thiên Chúa. Lời Chúa còn là Lời được các Tông Đồ rao giảng theo lệnh truyền của Đức Giêsu Phục Sinh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Như vậy, Lời Chúa được lưu truyền trong Truyền Thống sống động của Giáo Hội. Sau cùng, Lời Chúa, Lời được chứng thực và được Thiên Chúa linh hứng, chính là Sách Thánh, Cựu Ước và Tân Ước. Tất cả điều đó cho chúng ta hiểu tại sao trong Giáo Hội, chúng ta hết mực tôn kính Sách Thánh, dù rằng niềm tin Kitô giáo không phải là một “tôn giáo của Cuốn Sách”: Kitô giáo là “tôn giáo của Lời Thiên Chúa”, không phải là “lời được viết ra và câm lặng nhưng là Lời nhập thể và sống động”.[19] Vì thế Sách Thánh phải được công bố, nghe, đọc, đón nhận và được sống như là Lời của Thiên Chúa liên kết với Thánh Truyền của các Tông Đồ.[20]

Như điều các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã khẳng định, công thức “Lời Thiên Chúa” được sử dụng một cách loại suy. Vì thế, các tín hữu phải được giúp đỡ nhiều hơn để họ nắm bắt được những ý nghĩa khác nhau của kiểu diễn tả này, cũng như hiểu được tính duy nhất của các ý nghĩa ấy. Cũng vậy, xét về quan điểm thần học, chúng ta cần tìm hiểu sâu xa sự nối kết giữa các ý nghĩa khác nhau của kiểu diễn tả này, hầu làm cho tính duy nhất trong kế hoạch của Thiên Chúa mà trung tâm điểm là Ngôi Vị Đức Kitô được ngời sáng hơn.[21]

Chiều kích vũ trụ của Lời Chúa

8. Khi nhận thức được ý nghĩa cốt yếu của Lời Chúa như một quy chiếu về Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ và Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người,[22] đồng thời khi lắng nghe Lời này, chúng ta được Mạc Khải Kinh Thánh giúp nhận biết Lời Chúa là nền tảng của mọi thực tại. Dựa vào Ngôi Lời của Thiên Chúa, Lời tựa của thánh Gioan xác quyết rằng: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3); cũng vậy, Thư gửi tín hữu Côlôxê khẳng định về Đức Kitô, “trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo” (1,15), rằng: “Muôn vật được tạo thành nhờ Người và cho Người” (1,16). Còn tác giả Thư gửi tín hữu Do-thái cũng nhắc lại rằng “nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ đã được hình thành bởi Lời của Thiên Chúa, vì thế những cái hữu hình là do những cái vô hình mà có” (11,3).

Đối với chúng ta, lời loan báo đó là một lời có sức giải phóng. Thực vậy, những lời trong Sách Thánh cho thấy rằng mọi vật hiện hữu không phải là kết quả của sự ngẫu nhiên vô lý, nhưng là do ý muốn của Thiên Chúa và là một phần trong kế hoạch của Ngài, mà cao điểm của kế hoạch này là chúng ta được mời gọi tham dự vào sự sống của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Mọi vật được tạo thành đều phát sinh ra từ Logos và đều mang dấu ấn không thể xóa nhòa của một Nguyên Lý tạo dựng vẫn truyền lệnh và hướng dẫn. Các Thánh vịnh đã hát lên niềm xác tín hân hoan này: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33,6); và “vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện, Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên” (Tv 33,9). Toàn thể thực tại diễn tả Mầu Nhiệm này: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa; không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19,2). Do đó, chính Kinh Thánh mời gọi chúng ta nhận biết Đấng tạo dựng khi nhìn ngắm các thụ tạo (x. Kn 13,5; Rm 1,19-20). Truyền thống tư duy của Kitô giáo đã biết đào sâu yếu tố quan trọng này trong bản hòa tấu Lời Chúa, chẳng hạn, thánh Bônaventura, dựa vào truyền thống lớn lao của các Giáo Phụ Hy-lạp, khi nhìn thấy mọi khả thể của thụ tạo trong Logos,[23] đã quả quyết rằng “mọi thụ tạo đều là lời Thiên Chúa vì nó công bố về Ngài”.[24] Hiến chế tín lý Dei Verbum đã tóm lược yếu tố này khi tuyên bố rằng “Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và bảo tồn mọi sự nhờ Ngôi Lời (x. Ga 1,3), không ngừng làm chứng cho loài người về chính mình nơi các thụ tạo”.[25]

Tạo dựng loài người

9. Như thế, thực tại sinh bởi Lời, như thụ tạo của Lời (creatura Verbi), và mọi sự được kêu gọi để phục vụ Lời. Thực vậy, công trình tạo dựng là nơi diễn tiến toàn bộ lịch sử tình yêu giữa Thiên Chúa và thụ tạo của Ngài. Do đó, công cuộc cứu độ loài người là lý do của tất cả mọi sự. Khi nhìn ngắm vũ trụ trong viễn tượng lịch sử cứu độ, chúng ta khám phá ra vị trí duy nhất và riêng biệt của con người trong công trình tạo dựng: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Điều đó giúp chúng ta nhận biết đầy đủ những hồng ân quý giá mà Đấng Tạo Hóa ban cho chúng ta: giá trị thân xác, ơn lý trí, tự do và lương tâm. Ở đây, chúng ta cũng thấy được điều mà truyền thống triết học gọi là “luật tự nhiên”.[26] Thực vậy, “mọi hữu thể con người có lương tâm và trách nhiệm đều cảm nhận được từ nội tâm tiếng mời gọi làm điều tốt”,[27] và do đó, tránh làm điều xấu. Thánh Tôma Aquinô cũng từng nhắc lại: mọi giới luật khác của luật tự nhiên đều được đặt nền tảng trên nguyên tắc này.[28] Việc lắng nghe Lời Chúa, trước hết, giúp chúng ta biết quý trọng yêu cầu sống theo luật “được ghi khắc trong lòng chúng ta” (x. Rm 2,15; 7,23).[29] Hơn nữa, Đức Giêsu Kitô còn ban cho con người một Luật mới, Luật Tin Mừng. Luật mới này củng cố và kiện toàn luật tự nhiên, giúp giải thoát chúng ta khỏi lề luật của tội lỗi, như thánh Phaolô từng nói: “Muốn sự thiện thì tôi có thể, nhưng làm điều thiện thì tôi không thể” (Rm 7,18), và nhờ ân sủng, con người được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa, đồng thời có đủ khả năng thắng vượt tính ích kỷ của mình.[30]

Tính hiện thực của Lời

10. Ai biết Lời Thiên Chúa thì cũng biết đầy đủ ý nghĩa của mọi thụ tạo. Thật vậy, nếu mọi sự “tồn hữu” trong Đấng có “trước mọi sự” (x. Cl 17), thì ai đặt nền tảng trên Lời của Ngài thì thực sự xây dựng đời mình một cách chắc chắn và bền vững. Lời Thiên Chúa thúc đẩy chúng ta thay đổi ý tưởng về tính hiện thực: người có tính hiện thực là người nhận ra Ngôi Lời của Thiên Chúa là nền tảng cho tất cả mọi sự.[31] Chúng ta đặc biệt cần đến tính hiện thực, trong thời đại chúng ta, thời đại mà nhiều điều chúng ta dựa vào để xây dựng đời sống chúng ta, để đặt niềm hi vọng, đều tỏ ra phù du. Sớm hay muộn, tài sản, lạc thú và quyền lực cũng sẽ tỏ ra không có khả năng thực hiện các nguyện vọng sâu xa nhất của trái tim con người. Thật vậy, để xây dựng cuộc đời, con người cần những nền tảng chắc chắn, vẫn đứng vững cả khi những xác tín nhân loại mờ nhạt đi. Trong thực tế, bởi vì “muôn lạy Chúa, lời Ngài bền vững đến ngàn đời trên cõi trời cao” và “lòng thành tín của Chúa trải bao thế hệ” (x. Tv 119,89-90), người nào xây dựng trên Lời ấy, là xây dựng ngôi nhà cuộc đời mình trên tảng đá (x. Mt 7,24). Ước gì hằng ngày tâm hồn chúng ta có thể thưa với Thiên Chúa: “Chúa là nơi con ẩn náu, là thuẫn đỡ, con vẫn trông cậy ở Lời Ngài” (Tv 119,114), và như thánh Phêrô, ước gì trong mọi hoạt động hằng ngày, chúng ta biết phó thác cho Chúa Giêsu: “Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5,5)!

Kitô học về Lời

11. Từ cái nhìn đó về thực tại như là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa, qua Ngôi Lời, chúng ta có thể hiểu lời của tác giả Thư Do-thái: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (1,1-2). Nên ghi nhận rằng toàn bộ Cựu Ước đã đến với chúng ta như là lịch sử trong đó Thiên Chúa thông ban Lời của Ngài; “Thật vậy, sau khi đã ký giao ước với Ábraham (x. St 15,18), và với Dân Israel qua Môsê (x. Xh 24,8), Ngài đã dùng lời nói và việc làm để mạc khải cho Dân mà Ngài đã chọn để họ nhận biết Ngài là Thiên Chúa độc nhất, hằng sống và chân thật, để Israel nghiệm thấy đâu là đường lối Thiên Chúa theo mà đối xử với loài người, và để nhờ chính Ngài phán dạy qua miệng các ngôn sứ, họ càng ngày càng hiểu biết các đường lối ấy sâu xa và rõ ràng hơn để rồi đem phổ biến rộng rãi nơi các dân tộc (x. Tv 21,28-29; 95,1-3; Is 2,1-4; Gr 3,17)”.[32]

Sự “hạ cố” của Thiên Chúa đã được thể hiện một cách không thể nào hơn được nữa vào lúc Ngôi Lời nhập thể. Lời vĩnh cửu tỏ bày trong công cuộc tạo dựng và được truyền đạt trong lịch sử cứu độ đã trở nên một con người nơi Đức Kitô, “sinh bởi một người nữ” (Gl 4,4). Trước hết ở đây, Lời không còn bày tỏ qua một lời nói làm thành bởi các ý niệm và quy tắc nữa. Ở đây, chúng ta được đặt đối diện trước Ngôi vị của chính Đức Giêsu. Lịch sử độc nhất và đặc trưng của Người là Lời chung quyết Thiên Chúa nói với nhân loại. Khi đó, ta hiểu tại sao “sự kiện làm người Kitô hữu không bắt nguồn từ một quyết định luân lý hoặc một ý tưởng lớn, mà từ cuộc gặp gỡ với một biến cố, với một Ngôi vị, cuộc gặp gỡ này mở ra cho cuộc sống một chân trời mới và qua đó, sự định hướng quyết định”.[33] Việc lặp lại cuộc gặp gỡ và ý thức ấy gợi lên trong tâm hồn người tín hữu sự thán phục trước sáng kiến của Thiên Chúa mà con người, với những khả năng suy lý tự nhiên và trí tưởng tượng của mình không bao giờ có thể quan niệm được. Đó là một sự mới mẻ không thể tưởng tượng và về mặt nhân loại không thể quan niệm nổi: “Ngôi Lời đã trở thành xác phàm và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14a). Những cách diễn tả trên không phải là một cách nói hùng biện, nhưng là một kinh nghiệm sống! Chính thánh Gioan, chứng nhân tận mắt kể lại: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14b). Đức tin tông truyền chứng thực rằng Lời vĩnh cửu đã trở thành Một người như chúng ta. Lời Thiên Chúa thực sự được diễn tả xuyên qua những lời nói con người.

12. Khi chiêm ngắm “Kitô học về Lời” ấy, truyền thống Giáo Phụ thời Trung Cổ đã dùng một kiểu nói đầy gợi ý: Lời đã được thu ngắn lại [34]. Trong bản dịch Cựu Ước bằng tiếng Hy-lạp, các Giáo Phụ đã tìm thấy một câu nói của tiên tri Isaia mà Thánh Phaolô cũng trích dẫn để cho thấy rằng những con đường mới của Thiên Chúa đã được loan báo trong Cựu Ước. Ta có thể đọc ở đó: “Thiên Chúa đã rút ngắn Lời của Người, Người đã rút gọn lại” (Is 10,23; Rm 9,28). Chính Chúa Con là Lời của Thiên Chúa, Người là “Logos: Lời hằng hữu đã trở nên nhỏ bé - bé nhỏ đến nỗi có thể nằm gọn trong một máng cỏ. Người trở thành bé thơ, ngõ hầu Lời trở nên có thể nắm bắt được đối với chúng ta”.[35] Hiện Lời không chỉ nghe được, không chỉ có một tiếng nói, nhưng giờ đây, Lời có một diện mạo, để nhờ đó mà chúng ta có thể nhìn thấy: Đức Giêsu Nadarét.[36]

Khi đọc các trình thuật Tin Mừng, chúng ta nhận thấy rằng chính nhân tính của Đức Giêsu xuất hiện trong tất cả tính độc đáo trong liên hệ với Lời Thiên Chúa. Thật vậy, trong nhân tính hoàn hảo, Người thực hiện thánh ý Cha từng giây từng phút. Đức Giêsu lắng nghe tiếng Ngài phán và hết lòng vâng phục Ngài. Người biết Cha và tuân giữ Lời của Ngài (x. Ga 8,55). Người kể cho chúng ta biết những gì Cha đã nói với Người (x. Ga 12,50). “Con đã ban cho họ những lời mà Cha đã ban cho Con” (Ga 17,8). Vậy Đức Giêsu tỏ ra là Logos thần linh tự trao ban cho chúng ta, nhưng cũng là Ađam mới, con người đích thật, Đấng hoàn thành trong từng giây phút ý muốn của Cha chứ không phải ý riêng của mình. Người “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52). Người lắng nghe, thực hiện trong chính mình và thông ban cho chúng ta Lời Thiên Chúa một cách hoàn hảo (x. Lc 5,1).

Cuối cùng sứ mạng của Đức Giêsu được hoàn tất trong Mầu nhiệm Vượt Qua: ở đây chúng ta đứng trước “ngôn ngữ thập giá” (1 Cr 1,18). Ngôi Lời im tiếng, Người trở nên thinh lặng trong sự chết, bởi vì Người đã tự “nói” về mình cho đến lúc im tiếng, không giữ lại bất cứ điều cần phải thông truyền. Khi chiêm ngắm mầu nhiệm ấy, Các Giáo Phụ đã đặt lên môi của Mẹ Thiên Chúa kiểu nói đầy gợi ý: “Không lời là Lời của Cha, Lời đã sáng tạo mọi thứ có thể nói, bất động là đôi mắt nhắm lại của đấng mà nhờ lời và cử động của Người, tất cả những gì sống động đã chuyển động”.[37] Ở đây, chúng ta thật sự được mạc khải về tình yêu “cao cả nhất”, tình yêu hiến ban sự sống cho bạn hữu của mình (x. Ga 15,13).

Trong mầu nhiệm cao cả nầy, Đức Giêsu tỏ mình ra như là Lời của Giao Ước mới và vĩnh cửu: tự do của Thiên Chúa và tự do của con người cuối cùng đã gặp nhau trong xác thân bị đóng đinh của Người, trong một minh ước không thể hủy bỏ, có giá trị muôn đời. Trong khi thiết lập bí tích Thánh Thể, chính Đức Giêsu trong bữa tiệc ly đã nói tới “Giao Ước mới và vĩnh cửu”, được đóng ấn trong Máu của Người đổ ra (x. Mt 26,28; Mc 14,24; Lc 22,20), Người đã tỏ ra là con Chiên chịu hiến tế đích thực, trong Người hoàn tất công cuộc giải phóng vĩnh viễn khỏi ách nô lệ.[38]

Trong Mầu nhiệm Phục Sinh rực rỡ, sự im lặng của Lời cho thấy ý nghĩa đích thực và quyết định. Đức Kitô, Lời của Thiên Chúa nhập thể, đã bị đóng đinh và đã sống lại, là Chúa của mọi sự; Ngài là Đấng Chiến thắng, là Đấng Toàn Năng, Pantocrator, và mọi sự đều được vĩnh viễn quy tụ trong Ngài (x. Ep 1,10). Vì thế Đức Kitô là “ánh sáng cho trần gian” (Ga 8,12), ánh sáng “chiếu soi đêm tối” (Ga 1,5) mà bóng tối không thể diệt được (x. Ga 1,5). Ở đây chúng ta hiểu một cách đầy đủ ý nghĩa Tv 119: “Lời Ngài là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (c. 105); Lời làm cho sống lại chính là ánh sáng quyết định trên đường chúng ta đi. Ngay từ đầu, người Kitô hữu đã ý thức rằng, trong Đức Kitô, Lời Thiên Chúa vốn hiện diện như một con người. Lời Thiên Chúa là ánh sáng thật mà con người cần đến. Đúng thế, trong cuộc Phục Sinh, Con Thiên Chúa đã tỏ hiện như là Ánh sáng cho thế gian. Giờ đây, khi sống với Người và nhờ Người, chúng ta có thể sống trong ánh sáng.

13. Khi đạt đến trung tâm “Kitô học về Lời”, chúng ta có thể nói như vậy, điều quan trọng là nhấn mạnh sự duy nhất của kế hoạch Thiên Chúa trong Ngôi Lời nhập thể: chính vì thế mà Tân Ước cho chúng ta thấy Mầu nhiệm Vượt Qua hòa hợp với Kinh Thánh và là sự hoàn thành Kinh Thánh mỹ mãn. Thánh Phaolô, trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô quả quyết rằng Đức Giêsu Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta “đúng như lời Kinh Thánh” (15,3) và Người đã sống lại ngày thứ ba “đúng như lời Kinh Thánh” (15,4). Bằng cách đó, Thánh Tông Đồ đặt biến cố sự chết và Sống lại của Chúa trong tương quan với lịch sử Giao Ước cũ giữa Thiên Chúa và Dân của Ngài. Hơn nữa, người còn giúp chúng ta hiểu rằng chính từ biến cố đó mà lịch sử đã rút ra được cái lô-gích và ý nghĩa đích thực của nó. Trong Mầu nhiệm Vượt Qua, mọi “lời Kinh Thánh đều được hoàn tất; nghĩa là, cái chết được thực hiện đúng như lời Kinh Thánh” là một biến cố mang trong mình một Logos, một lô-gích: cái chết của Đức Kitô chứng tỏ rằng Lời Thiên Chúa đã hoàn toàn mặc lấy “xác phàm”, đã trở thành “lịch sử” nhân loại”.[39] Sự Phục Sinh của Đức Giêsu cũng xảy ra “ngày thứ ba đúng như lời Kinh Thánh”: bởi vì, theo cách chú giải trong Do-thái giáo, thân xác bắt đầu phân hủy sau ngày thứ ba, Lời Kinh Thánh hoàn tất trong Đức Giêsu đã sống lại trước khi thân xác bắt đầu phân hủy. Như thế, khi trung thành chuyển thông giáo huấn của các Tông Đồ (x. 1Cr 15,3), thánh Phaolô nhấn mạnh rằng chiến thắng của Đức Kitô trên sự chết xảy ra là nhờ quyền năng sáng tạo của Lời Thiên Chúa. Quyền năng thần linh ấy mang lại niềm hy vọng và niềm vui: rốt cục, đó chính là nội dung giải phóng của Mạc Khải Phục Sinh. Trong biến cố Phục Sinh, Thiên Chúa tỏ mình ra là quyền năng của tình yêu Ba Ngôi tiêu diệt các mãnh lực tàn phá của sự Dữ và sự chết.

Khi nhắc lại các yếu tố căn bản ấy của niềm tin, chúng ta có thể chiêm ngắm sự duy nhất sâu xa giữa công cuộc tạo dựng và công cuộc tạo dựng mới và sự duy nhất của toàn thể lịch sử cứu độ trong Đức Kitô. Chúng ta có thể mượn hình ảnh “quyển sách” để so sánh vũ trụ nầy, như Galilê cũng đã làm, coi vũ trụ như “tác phẩm của một Tác giả khẳng định mình ngang qua ‘bản hòa tấu’ của tạo dựng. Bên trong bản hòa tấu ấy, vào lúc nào đó, người ta tìm thấy cái mà ngôn ngữ âm nhạc là một màn “độc tấu”, một chủ đề âm nhạc dành riêng cho một nhạc cụ hoặc một giọng ca độc nhất; và chủ đề nầy quan trọng đến nỗi ý nghĩa của cả tác phẩm lệ thuộc vào đó. Bản “độc tấu” ấy chính là Đức Giêsu... Con Người quy tóm nơi mình cả đất và trời, cả thụ tạo và Đấng Tạo hóa, cả xác thịt và Thần Khí. Người là trung tâm của vũ trụ và của lịch sử, bởi vì trong Người, Tác giả và tác phẩm kết hợp với nhau nhưng không hòa lẫn”.[40]

Chiều kích cánh chung của Lời Thiên Chúa

14. Qua tất cả những điều ấy, Giáo Hội muốn nói lên ý thức của mình rằng, với Đức Giêsu Kitô, Giáo Hội đang đối diện với Lời chung cục của Thiên Chúa; Người “vừa là Đầu vừa là Cuối” (Kh 1,17). Người đem lại cho tạo thành và lịch sử ý nghĩa chung quyết; chính vì thế mà chúng ta được mời gọi sống thời gian, ở trong tạo thành của Thiên Chúa theo nhịp điệu cánh chung của Lời; “nhiệm cục kitô, vì là Giao Ước mới và chung cục, sẽ không bao giờ qua đi và người ta không phải chờ một mạc khải công khai mới nào khác trước khi Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ hiện vinh quang (x. 1 Tm 6,14 và Tt 2,13)”.[41] Thật vậy, như các Nghị phụ trong Thượng Hội đồng đã nhắc nhở, “điểm đặc trưng của Kitô giáo chính là biến cố Đức Giêsu Kitô, chóp đỉnh của Mạc Khải, hoàn thành các lời Thiên Chúa hứa và làm trung gian cho sự gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa. Người “đã mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta” (x. Ga 1,18) là Lời độc nhất và chung quyết được ban cho nhân loại”.[42] Thánh Gioan Thánh Giá đã diễn tả chân lý ấy một cách tuyệt vời: “Từ khi ban cho chúng ta Con của Ngài, Lời của Ngài, độc nhất và chung quyết, Ngài đã nói với chúng ta cùng một trật và trong một lần tất cả mọi sự trong Lời duy nhất ấy, và Ngài không còn gì để nói nữa. [...] Vì điều Ngài đã nói từng phần cho các tiên tri, thì Ngài đã nói hết trong Con của Ngài, khi ban cho chúng ta cái tất cả ấy là chính Con của Ngài. Chính vì thế mà giờ đây ai muốn tra vấn Chúa để xin Chúa ban cho những thị kiến và mạc khải, không những là làm một chuyện điên rồ, mà còn xúc phạm đến Thiên Chúa, khi không chỉ nhìn ngắm Đức Kitô mà còn tìm kiếm điều khác hoặc một điều mới mẻ”.[43]

Bởi thế, Thượng Hội Đồng đã khuyên nhủ hãy “giúp đỡ các tín hữu phân biệt rõ Lời Thiên Chúa với những mạc khải riêng”,[44] mà vai trò “không phải là bổ sung Mạc Khải chung cục của Đức Kitô, mà là giúp sống đầy đủ hơn vào một thời điểm nào đó của lịch sử”.[45] Giá trị những mạc khải tư hoàn toàn khác biệt với Mạc Khải công độc nhất: Mạc Khải nầy đòi chúng ta phải tin; thật vậy, trong đó chính Thiên Chúa dùng lời con người và qua trung gian cộng đoàn sống động là Giáo Hội để nói với chúng ta. Tiêu chuẩn để phán đoán chân lý một mạc khải tư là nó phải quy chiếu đến chính Đức Kitô. Khi nó làm chúng ta xa Người, thì chắc chắc nó không đến từ Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn chúng đến với Tin Mừng chứ không đi ra ngoài. Mạc khải tư là một trợ giúp cho đức tin, và nó tỏ ra khả tín chính vì nó quy chiếu đến Mạc Khải công độc nhất. Chính vì thế việc Giáo Hội công nhận một mạc khải tư chủ yếu cho thấy rằng sứ điệp liên quan không chứa đựng điều gì trái ngược với đức tin và phong hóa. Ta được phép công khai hóa và các tín hữu được phép gắn bó một cách khôn ngoan. Một mạc khải tư có thể đưa vào những cách diễn tả mới, làm phát sinh những hình thức đạo đức mới hoặc đào sâu những hình thức cũ. Nó có thể có một đặc điểm tiên tri nào đó (x. 1 Tx 5,19-21) và có thể là một trợ giúp có giá trị giúp ta hiểu và sống Tin Mừng tốt hơn trong giai đoạn hiện thời. Vậy người ta không được phép coi thường mạc khải tư. Đó là một trợ giúp dành cho chúng ta, nhưng không bắt buộc phải theo. Trong mọi trường hợp, đây phải là một điều nuôi dưỡng đức tin, đức cậy và đức mến, vốn là con đường thường xuyên đưa đến ơn cứu độ cho tất cả mọi người.[46]

Lời Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần

15. Sau khi dừng lại ở Lời sau cùng và chung quyết Thiên Chúa nói với thế gian, giờ đây chúng ta phải nói về sứ mạng của Chúa Thánh Thần liên quan đến Lời Thiên Chúa. Thật vậy, không thể đạt đến một sự hiểu biết chính đáng nào về Mạc Khải Kitô giáo nếu không có tác động của Đấng Bào chữa. Lý do là vì sự hiệp thông nơi Thiên Chúa luôn đòi hỏi tương quan giữa Con và Thánh Thần, mà Thánh Irênê thành Lyon gọi là “hai bàn tay của Cha”.[47] Hơn nữa, chính Kinh Thánh cho chúng ta thấy sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong lịch sử cứu độ và đặc biệt trong cuộc đời Đức Giêsu, Đấng đã được cưu mang bởi Đức Trinh Nữ nhờ tác động của Chúa Thánh Thần (x. Mt 1,18; Lc 1,35); ngay khi bắt đầu sứ mạng công khai, trên bờ sông Giođan, Đức Giêsu nhìn thấy Thánh Thần từ trời ngự xuống dưới hình một chim câu (x. Mt 3,16 và tt); nhờ chính Thánh Thần đó, Người hoạt động, nói năng và hân hoan (x. Lc 10,21); và chính trong Thánh Thần mà Người có thể hiến dâng chính mình (x. Dt 9,14). Và theo Tin Mừng thánh Gioan, khi kết thúc sứ mạng, chính Đức Giêsu minh nhiên liên kết ơn ban sự sống của Người với việc sai phái Chúa Thánh Thần đến với các môn đệ (x. Ga 16,7). Kế đến, Đức Giêsu Phục Sinh, mang nơi thân xác các dấu chỉ của cuộc khổ nạn, tuôn đổ Thánh Thần (x. Ga 20,22), khiến các môn được tham dự vào sứ mạng riêng của Người (x. Ga 20,21). Bấy giờ Thánh Thần sẽ dạy các môn đệ mọi điều và sẽ nhắc nhở cho họ tất cả những gì mà Đức Kitô đã nói (x. Ga 14,26), bởi vì với tư cách là Thần chân lý (x. Ga 15,26), Ngài cần phải đưa các môn đệ vào chân lý toàn diện (x. Ga 16,13). Sau cùng, như chúng ta thấy trong sách Công vụ, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Nhóm Mười Hai đang tụ họp cầu nguyện cùng với Đức Maria trong ngày Hiện xuống (x. 2,1-4), và Ngài đã ban cho họ đầy sức mạnh để thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng cho mọi dân tộc.[48]

Như thế, Lời Thiên Chúa được diễn tả qua ngôn ngữ loài người nhờ vào hành động của Chúa Thánh Thần. Sứ mạng của Con và của Thánh Thần không thể tách rời nhau và tạo thành một nhiệm cục cứu độ duy nhất. Chúa Thánh Thần, Đấng tác động trong lúc Ngôi Lời nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, cũng là chính Thánh Thần hướng dẫn Đức Giêsu trong suốt sứ mạng của Người và được hứa ban cho các môn đệ. Cũng chính Chúa Thánh Thần, Đấng đã nói qua trung gian các tiên tri, nâng đỡ và linh hứng Giáo Hội trong trách vụ loan báo Lời Thiên Chúa và trong việc rao giảng của các Tông Đồ. Sau cùng, cũng chính Chúa Thánh Thần linh hứng cho các tác giả Kinh Thánh.

16. Quan tâm đến viễn tượng thần khí ấy, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã muốn nhắc lại tầm quan trọng của hành động của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo Hội và trong tâm hồn các tín hữu trong liên hệ với Kinh Thánh.[49] Thật vậy, không có tác động hữu hiệu của “Thần chân lý” (Ga 14,16), người ta không thể hiểu lời Chúa nói. Như Thánh Irênê nhắc nhở: “Những ai không thông phần vào Thánh Thần thì không kín múc từ cung lòng của Mẹ Giáo Hội thức ăn ban sự sống, họ không lãnh nhận được gì cả từ nguồn rất tinh tuyền phát xuất từ Thân Thể Đức Kitô”.[50] Như Lời Thiên Chúa đến với chúng ta trong Thân Thể Đức Kitô, trong Thánh Thể và trong Bộ Kinh Thánh nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, thì cũng thế Lời Thiên Chúa chỉ có thể được lãnh nhận và được hiểu biết đầy đủ nhờ chính Thánh Thần ấy.

Các nhà văn lớn thuộc Truyền thống Kitô giáo đồng thanh nói đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong tương quan người tín hữu có với Kinh Thánh. Thánh Gioan Kim Khẩu quả quyết rằng Kinh Thánh “cần đến Mạc khải của Chúa Thánh Thần, ngõ hầu khi khám phá ý nghĩa đích thực của những điều trong đó, chúng ta rút ra được muôn vàn lợi ích”.[51] Thánh Giêrônimô cũng xác tín mạnh mẽ rằng “chúng ta không thể hiểu được Kinh Thánh nếu không có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Đấng đã linh hứng Kinh Thánh”.[52] Còn Thánh Grêgôriô Cả thì nhấn mạnh cách gợi ý công trình của chính Chúa Thánh Thần trong việc hình thành và giải thích Kinh Thánh: “Chính Ngài đã tạo ra ngôn từ trong các Sách Thánh, chính Ngài mở Sách Thánh ra”.[53] Còn Richard de Saint-Victor nhắc lại rằng phải có “đôi mắt bồ câu”, được Thánh Thần soi sáng và dạy bảo thì mới hiểu được bản văn thánh.[54]

Tôi còn muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của chứng từ về Chúa Thánh Thần và Kinh Thánh mà chúng ta tìm thấy trong các bản văn phụng vụ, trong đó Lời Thiên Chúa được công bố, được lắng nghe và được giải thích cho các tín hữu. Đó là trường hợp những lời kinh cổ xưa, dưới hình thức lời khẩn nguyện, khẩn cầu Chúa Thánh Thần trước khi công bố các bài đọc: “Xin hãy sai Thánh Thần An ủi đến trong tâm hồn chúng con để giúp chúng con hiểu Kinh Thánh mà Ngài đã linh hứng; và xin cho con được giải thích những lời ấy một cách xứng đáng, để các tín hữu tụ họp ở đây được hưởng nhờ”. Rồi cũng thế, ở cuối bài giảng chúng ta tìm thấy những lời kinh một lần nữa cầu xin Thiên Chúa ban ơn Thánh Thần xuống trên các tín hữu: “Lạy Thiên Chúa cứu độ (…) chúng con khẩn cầu Ngài cho dân nầy: xin gửi Chúa Thánh Thần xuống trên họ; xin Chúa Giêsu đến viếng thăm họ, xin Người nói với lương tâm tất cả mọi người và xin Người chuẩn bị tâm hồn họ tiếp nhận đức tin và hướng dẫn tâm hồn chúng con đến với Chúa, lạy Thiên Chúa đầy lòng thương xót”.[55] Tất cả những điều đó cho phép chúng ta hiểu tại sao người ta không thể hiểu ý nghĩa của Lời nếu không đón nhận tác động của Đấng Bào Chữa trong Giáo Hội và trong tâm hồn người tín hữu.

Truyền thống và Kinh Thánh

17. Khi tái khẳng định mối liên kết sâu xa giữa Chúa Thánh Thần và Lời Thiên Chúa, chúng ta cũng đã đặt những nền tảng để hiểu ý nghĩa và giá trị quyết định của Truyền thống sống động và Kinh Thánh trong Giáo Hội. Thật vậy, vì “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người” (Ga 3,16), Lời Thiên Chúa, được công bố trong thời gian, đã tự hiến ban và “giao phó” cho Giáo Hội một cách vĩnh viễn, ngõ hầu lời loan báo cứu độ có thể được thông truyền một cách hiệu quả cho mọi thời và ở khắp mọi nơi. Như Hiến chế tín lý Dei Verbum nhắc cho chúng ta, Đức Giêsu Kitô “sau khi đã hoàn tất và bằng chính miệng Người công bố Tin Mừng được hứa trước qua các ngôn sứ, đã truyền cho các Tông đồ của Người rao giảng Tin Mừng ấy cho mọi người như nguồn mạch mọi chân lý cứu độ và luật lệ luân lý, đồng thời thông ban cho họ các ân huệ của Thiên Chúa. Việc nầy đã được thực hiện cách trung thành, một phần do các Tông đồ: hoặc qua lời giảng dạy, gương lành và các định chế các ngài đã truyền lại những gì đã nhận lãnh từ miệng Chúa Kitô khi chung sống với Người và thấy Người hành động, hoặc đã học biết được nhờ Chúa Thánh Thần gợi ý; một phần do chính các ngài và những người phụ tá các ngài đã viết lại sứ điệp cứu độ dưới sự linh hứng của cùng một Chúa Thánh Thần”.[56]

Ngoài ra, Công Đồng Vatican II cũng nhắc lại rằng Truyền thống bắt nguồn từ các tông đồ ấy là một thực tại sống động và năng động: nó tiến triển trong Giáo Hội dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, không theo nghĩa là nó thay đổi trong chân lý vốn là vĩnh cửu, nhưng đúng hơn do “các sự việc và các lời nói truyền lại được hiểu biết thấu đáo hơn”, nhờ sự chiêm ngưỡng và học hỏi, với sự hiểu biết được ban nhờ một trải nghiệm thiêng liêng sâu xa hơn, và nhờ “lời rao giảng của những đấng kế vị trong chức Giám mục đã lãnh nhận một đoàn sủng chắc chắn về chân lý”.[57]

Truyền thống sống động cũng là điều thiết yếu ngõ hầu theo dòng thời gian Giáo Hội có thể hiểu biết hơn về chân lý mạc khải trong Kinh Thánh: thật vậy, “nhờ chính Thánh Truyền ấy, Giáo Hội biết được toàn bộ Thư Quy Kinh Thánh, và cũng nhờ Thánh Truyền, chính các Sách Thánh được hiểu biết thấu đáo hơn và không ngừng tác động”.[58]Sau cùng, chính Truyền thống sống động của Giáo Hội giúp chúng ta hiểu một cách xứng hợp Kinh Thánh như Lời của Thiên Chúa. Tuy nhiên, ngay cả nếu Ngôi Lời của Thiên Chúa có trước và vượt trên Kinh Thánh vì được linh hứng bởi Thiên Chúa, thì Kinh Thánh cũng chứa đựng Lời Thiên Chúa (x. 2 Tm 3,16) “một cách hết sức đặc biệt”.[59]

18. Như thế, ta thấy rõ tầm quan trọng của việc giảng dạy và đào tạo cho Dân Thiên Chúa biết tiếp cận với Sách Thánh trong liên hệ với Truyền Thống sống động của Giáo Hội, khi biết nhận ra trong Sách Thánh chính Lời của Thiên Chúa. Thúc đẩy các tín hữu biết tiếp cận như thế là điều rất quan trọng về phương diện đời sống thiêng liêng. Về điểm này, có thể nên nhắc lại một loại suy vẫn được các Giáo Phụ triển khai giữa Lời Thiên Chúa đã thành “xác phàm” và Lời đã thành “Sách”.[60] Hiến chế tín lý Dei Verbum tiếp nhận truyền thống cổ xưa, như thánh Ambrôsiô đã nói[61]: “Thân mình Chúa Con chính là Sách Thánh ta đã tiếp nhận”, nay khẳng định rằng: “Các lời của Thiên Chúa, được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người, đã trở nên tương tự với lời nói loài người, cũng như khi xưa Lời của Chúa Cha vĩnh cửu, khi mặc lấy xác thịt yếu đuối của loài người, đã trở nên giống như loài người”.[62] Hiểu như thế, Kinh Thánh xuất hiện ra với chúng ta như là một thực tại thống nhất, dù trong tình trạng đa dạng về hình thức và nội dung. Quả thế, “qua tất cả các lời ở trong Kinh Thánh, Thiên Chúa chỉ nói một Lời, là Ngôi Lời duy nhất của Ngài; trong Ngôi Lời, Thiên Chúa bày tỏ tất cả về chính mình Ngài (x. Dt 1,1-3)”,[63] như thánh Augustinô đã khẳng định rõ ràng: “Anh chị em hãy nhớ rằng lời Thiên Chúa nói, đã được khai triển trong toàn bộ Kinh Thánh, chỉ có một, và cũng chỉ có một là Lời đã rền vang trên môi miệng của mọi tác giả thánh”.[64]

Tóm lại, nhờ hành động của Chúa Thánh Thần và dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền, Giáo Hội truyền đạt lại cho mọi thế hệ tất cả những gì đã được mạc khải trong Chúa Kitô. Giáo Hội sống trong sự xác tín rằng Đức Chúa của mình, Đấng đã nói trong quá khứ, hôm nay vẫn tiếp tục truyền thông Lời của Người trong Truyền Thống sống động của Giáo Hội và trong Kinh Thánh. Quả thế, Lời Thiên Chúa được ban cho ta trong Kinh Thánh như lời chứng Thiên Chúa soi sáng nhằm mạc khải; cùng với Truyền Thống sống động của Giáo Hội, lời chứng này làm nên quy luật tối cao của đức tin.[65]

Kinh Thánh, ơn linh hứng và chân lý

19. Một khái niệm chủ chốt giúp hiểu bản văn thánh như là Lời Thiên Chúa diễn tả trong ngôn ngữ loài người chắc chắn là khái niệm ơn linh hứng. Ở đây cũng vậy, chúng ta cũng có thể gợi ra một loại suy: giống như Lời Thiên Chúa đã trở thành xác phàm do tác động của Chúa Thánh Thần trong lòng Đức Trinh Nữ Maria thế nào, thì Sách Thánh cũng sinh ra từ lòng Giáo Hội do tác động của cùng Thánh Thần ấy. Kinh Thánh là “Lời Thiên Chúa được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần”.[66] Như thế, ta nhận ra tất cả tầm quan trọng của tác giả nhân loại, người đã viết ra các bản văn linh hứng, và đồng thời, tầm quan trọng của Thiên Chúa được nhận biết như là tác giả đích thật của Kinh Thánh.

Như các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã quả quyết, đề tài ơn linh hứng rõ ràng có tính quyết định để có thể tiếp cận đúng đắn Kinh Thánh và giải thích Kinh Thánh chính xác;[67] công việc này cũng phải được thực hiện trong cùng một Thánh Thần, trong Người các bản văn thánh đã được viết ra.[68] Bất cứ khi nào ý thức của chúng ta về ơn linh hứng Kinh Thánh suy yếu đi, ta rất có thể sẽ đọc Kinh Thánh như một chuyện hiếu kỳ thuộc lịch sử, chứ không như công trình của Chúa Thánh Thần, trong đó ta có thể nghe ra chính tiếng nói của Đức Chúa và nhận ra sự hiện diện của Người trong lịch sử.

Ngoài ra, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng có lý khi nhấn mạnh rằng đề tài ơn linh hứng được liên kết mật thiết với đề tài chân lý của Kinh Thánh.[69] Chính vì thế, nghiên cứu sâu xa hơn về ơn linh hứng chắc chắn cũng sẽ giúp hiểu biết sâu rộng hơn về chân lý được chứa đựng trong Sách Thánh. Như giáo huấn của Công Đồng về điểm này đã quả quyết, các Sách được linh hứng dạy về chân lý: “Vì phải xem mọi lời tác giả được linh hứng, tức các thánh sử, viết ra, là những điều Chúa Thánh Thần xác quyết, nên phải tuyên xưng rằng Kinh Thánh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Kinh Thánh ghi lại nhằm cứu độ chúng ta. Bởi vậy ‘tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành’ (2 Tm 3,16-17, bản Hy-lạp)”.[70]

Chắc chắn, suy tư thần học luôn coi ơn linh hứng và chân lý như là hai khái niệm chìa khóa giúp cho có một khoa giải thích Kinh Thánh mang tính Giáo Hội. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng hiện nay có nhu cầu đào sâu cách thoả đáng các thực tại này, để có thể đáp trả gãy gọn hơn những yêu cầu liên quan đến việc giải thích các bản văn thánh theo bản chất của chúng. Nhìn trong viễn tượng này, tôi tha thiết hy vọng rằng công việc nghiên cứu trong lãnh vực này sẽ tiến bộ và đưa lại hoa trái cho cả khoa học Kinh Thánh lẫn đời sống thiêng liêng của các tín hữu.

Thiên Chúa Cha, suối nguồn và nguồn cội của Lời

20. Như thế, nhiệm cục mạc khải có khởi nguyên và nguồn cội nơi Thiên Chúa Cha. Do lời Ngài phán ra, Ngài “làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33,6). Chính Ngài đã làm “cho ánh sáng chiếu soi lòng trí, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Kitô” (2 Cr 4,6; x. Mt 16,17; Lc 9,29).

Nơi Chúa Con, là Logos đã thành xác phàm (x. Ga 1,14), là Đấng đã đến để thi hành ý muốn của Đấng đã sai Người (x. Ga 4,34), Thiên Chúa, suối nguồn Mạc Khải, đã tỏ mình ra như là Cha và đưa đến chỗ hoàn tất việc thần hóa con người, việc này trước kia đã từng được đảm bảo bởi các lời tiên tri và bởi các kỳ công Ngài đã thực hiện trong công cuộc sáng tạo và trong lịch sử dân Ngài cũng như toàn thể nhân loại. Công cuộc mạc khải về Thiên Chúa Cha đạt tới đỉnh cao khi Chúa Con ban Đấng Bảo Trợ (x. Ga 14,16), tức Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con, Đấng dẫn ta “tới sự thật toàn vẹn” (x. Ga 16,13).

Chính vì thế, mọi lời Thiên Chúa hứa đều trở thành “có” nơi Đức Giêsu Kitô (x. 2 Cr 1,20). Như vậy, con người được ban cho khả năng rảo qua con đường đưa về với Chúa Cha (x. Ga 14,6), để cuối cùng, “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15, 28).

21. Như thập giá của Đức Kitô đã cho thấy, Thiên Chúa cũng nói qua sự thinh lặng của Ngài. Sự thinh lặng của Thiên Chúa, kinh nghiệm về sự xa cách với Đấng toàn năng và là Cha, là một chặng quyết định trong hành trình trần thế của Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể. Khi bị treo trên cây thập giá, Người đã kêu lên nỗi đau khổ do sự thinh lặng kia gây ra: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34; Mt 27,46). Kiên trì vâng lời cho tới hơi thở cuối cùng, trong bóng tối sự chết, Đức Giêsu đã cầu khẩn Chúa Cha. Chính là cho Chúa Cha mà Người phó thác bản thân vào thời khắc đi qua cái chết, để vào sự sống đời đời: “Lạy Cha, con xin phó hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Kinh nghiệm này của Đức Giêsu phản ánh tình cảnh của bất cứ người nào, sau khi đã lắng nghe và nhận biết Lời Thiên Chúa, cũng phải đối diện với sự thinh lặng của Ngài. Đây đã là kinh nghiệm của vô số các thánh và các nhà thần bí, và hôm nay vẫn là yếu tố thuộc về hành trình của nhiều tín hữu. Sự thinh lặng của Thiên Chúa nối dài những lời Ngài đã nói trước đó. Trong những khoảnh khắc đen tối ấy, Ngài nói qua mầu nhiệm thinh lặng của Ngài. Chính vì thế, trong năng động của Mạc Khải Kitô giáo, sự thinh lặng xuất hiện ra như là một cách thức diễn tả quan trọng của Lời Thiên Chúa.

LỜi con ngưỜi đáp trẢ vỊ Thiên Chúa đang lên tiẾng

Được mời gọi đi vào giao ước với Thiên Chúa

22. Khi nêu bật nhiều hình thức của Lời, chúng ta đã có thể chiêm ngưỡng, xuyên qua tất cả các cách thế này, vị Thiên Chúa đang nói và đang đến gặp gỡ con người, làm cho con người nhận biết Ngài trong đối thoại. Dĩ nhiên, như các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã tuyên bố, “khi nói tới Mạc khải, cuộc đối thoại kéo theo hệ luận là tính tối thượng của Lời Thiên Chúa được ngỏ với con người”.[71] Mầu nhiệm của Giao Ước diễn tả quan hệ này giữa Thiên Chúa, Đấng đang mời gọi bằng Lời của Ngài và con người đáp trả, với ý thức rõ ràng là đây không phải là cuộc gặp gỡ giữa hai đối tác ngang vai; điều chúng ta gọi là Cựu Ước và Tân Ước không phải là một khế ước giữa hai bên ngang hàng, nhưng hoàn toàn là một hồng ân của Thiên Chúa. Do hồng ân yêu thương này, Thiên Chúa vượt qua mọi khoảng cách, làm cho chúng ta thật sự trở nên các “đối tác” của Ngài, như thế thực hiện Mầu nhiệm hôn ước tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Trong viễn tượng này, mỗi con người xuất hiện ra như là kẻ được Lời nói với, được thúc bách và kêu gọi đi vào cuộc đối thoại tình yêu ấy bằng một lời đáp trả tự do. Như thế, mỗi người chúng ta được Thiên Chúa ban cho khả năng lắng nghe và đáp trả lời của Ngài. Con người được tạo thành trong Lời và sống trong Lời; con người không thể hiểu được chính mình nếu không mở ra với cuộc đối thoại này. Lời Thiên Chúa cho thấy bản chất con cái và tương quan của cuộc đời chúng ta. Chúng ta thật sự được ơn thánh kêu gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Con của Chúa Cha, và được biến đổi trong Người.

Thiên Chúa lắng nghe con người và đáp lại các vấn nạn của con người

23. Trong cuộc đối thoại này với Thiên Chúa, chúng ta hiểu được chính mình và tìm được câu trả lời cho các vấn nạn sâu xa nhất vẫn ở trong trái tim chúng ta. Bởi vì Lời Chúa không hề đối nghịch với chúng ta, không bóp nghẹt các khát vọng chân chính của chúng ta, trái lại, soi sáng, thanh tẩy và đưa các khát vọng đó đến chỗ được hoàn tất. Đối với thời đại ta, thật quan trọng việc khám phá ra rằng duy một mình Thiên Chúa mới đáp ứng được cơn khát đang ở trong tim mỗi người! Vào thời đại chúng ta và nhất là ở Tây phương, điều đáng buồn là đã phổ biến ý tưởng cho rằng Thiên Chúa xa lạ với cuộc sống và các vấn đề của con người, và hơn nữa, sự hiện diện của Ngài chỉ có thể là một mối đe doạ đối với quyền tự lập của con người. Trong thực tế, toàn bộ nhiệm cục cứu độ cho thấy rằng Thiên Chúa lên tiếng và can thiệp vào trong lịch sử nhằm chiếu cố đến con người và để cứu độ con người toàn diện. Như thế, theo quan điểm mục vụ, điều quan trọng là trình bày cho thấy Lời Thiên Chúa có khả năng đáp lại các vấn đề mà con người phải đương đầu trong đời sống hằng ngày. Chính Đức Giêsu đã tự giới thiệu cho chúng ta như là Đấng đã đến để chúng ta được sống dồi dào (x. Ga 10,10). Do đó, chúng ta cần hết sức cố gắng để Lời Thiên Chúa xuất hiện ra như một sự mở ra với các vấn đề của mình, một đáp trả cho các câu hỏi của mình, một sự nới rộng các giá trị và đồng thời một sự thoả mãn mang lại cho các khát vọng của mình. Hoạt động mục vụ của Giáo Hội cần phải quan tâm cho thấy rõ làm thế nào Thiên Chúa vẫn đang lắng nghe các nhu cầu của con người và tiếng con người kêu cứu. Thánh Bônaventura đã quả quyết trong quyển Breviloquium: “Hoa trái của Kinh Thánh không phải là bất cứ thứ hoa trái nào, mà chính là hạnh phúc vĩnh cửu viên mãn. Vì Kinh Thánh là sách chứa đựng những lời ban sự sống đời đời; vậy Kinh Thánh được viết ra không chỉ để chúng ta tin, nhưng còn để chúng ta có sự sống đời đời, trong đó chúng ta sẽ thấy, sẽ yêu thương, và mọi khát vọng của chúng ta đều sẽ được thoả mãn hoàn toàn”.[72]

Đối thoại với Thiên Chúa bằng chính lời của Ngài

24. Lời Chúa đưa mỗi người chúng ta đi vào một cuộc đối thoại với Đức Chúa: Vị Thiên Chúa đang nói dạy chúng ta biết cách thưa chuyện với Ngài. Tức khắc ta nghĩ tới Sách Thánh vịnh, trong sách này, Thiên Chúa ban cho ta những lời ta có thể dùng mà thưa chuyện với Ngài, để đệ trình đời sống lên Ngài trong một cuộc đối thoại với Ngài, nhờ đó, biến chính đời sống trở thành một chuyển động đưa tới Thiên Chúa.[73] Quả thật, trong các Thánh vịnh, ta có thể gặp được mọi tâm tình nhân loại trong cuộc sống, được trình bày một cách khéo léo trước nhan Thiên Chúa: niềm vui và nỗi đau, nỗi âu lo và niềm hy vọng, nỗi sợ hãi và nỗi khắc khoải, tất cả đều được nói tới ở đây. Cùng với các Thánh vịnh, ta cũng có thể nghĩ đến nhiều bản văn khác của Sách Thánh, các bản văn này diễn tả cách thức con người có thể theo mà ngỏ lời với Thiên Chúa dưới dạng một lời chuyển cầu (x. Xh 33,12-16), một bài ca diễn tả niềm vui chiến thắng (x. Xh 15) hay một lời than vãn về sứ mạng phải chu toàn (x. Gr 20,7-18). Theo cách đó, lời con người thưa với Thiên Chúa lại trở thành chính Lời Thiên Chúa, và như thế củng cố đặc tính đối thoại của toàn thể Mạc Khải Kitô giáo.[74] Nhìn trong viễn tượng này, toàn thể cuộc sống con người trở thành một cuộc đối thoại với Thiên Chúa, Đấng đang nói và đang nghe, đang mời gọi và hướng dẫn đời ta. Ở đây, Lời Thiên Chúa cho ta thấy trọn cuộc sống con người diễn ra dưới lời mời gọi của Ngài.[75]

Lời Thiên Chúa và đức tin

25. “Phải bày tỏ ‘sự vâng phục bằng đức tin’ (Rm 16,26; x. Rm 1,5; 2 Cr 10,5-6) đối với Thiên Chúa, Đấng mạc khải. Nhờ sự vâng phục đó, con người tự do ký thác mình trọn vẹn cho Thiên Chúa bằng cách ‘dâng lên Thiên Chúa, Đấng mạc khải, sự quy phục trọn vẹn của lý trí và ý chí’ và bằng cách tỏ ý ưng thuận mạc khải Người đã ban”[76] Bằng những lời này, Hiến chế tín lý Dei Verbum đã diễn tả chính xác tư thế của con người trước nhan Thiên Chúa. Cách đáp trả của riêng con người với vị Thiên Chúa đang nói là đức tin. Ở đây, ta thấy rõ là “để chấp nhận mạc khải, con người phải mở tâm trí và con tim ra đón nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng giúp họ hiểu được Lời Thiên Chúa hiện diện trong Sách Thánh”.[77] Quả thật, chính việc rao giảng Lời Chúa làm phát sinh ra đức tin, nhờ đó, ta gắn bó hết lòng với chân lý mạc khải và ta hoàn toàn phó thác cho Chúa Kitô: “Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10,17). Trọn lịch sử cứu độ đã dần dà cho thấy quan hệ thâm sâu giữa Lời Thiên Chúa và đức tin, một đức tin được hoàn thành trong cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Như thế, đức tin có dáng dấp cuộc gặp gỡ với một Đấng mà ta ký thác trọn đời cho. Hôm nay Đức Giêsu Kitô vẫn đang hiện diện trong lịch sử, trong Thân Thể Người là Giáo Hội; do đó, hành vi đức tin của ta vừa có tính riêng tư vừa có tính Giáo Hội.

Tội lỗi là từ chối nghe Lời Thiên Chúa

26. Không thể tránh được điều này là Lời Chúa cũng cho thấy khả thể bi thảm này là tự do con người có thể làm họ rút khỏi cuộc đối thoại giao ước với Thiên Chúa, mà vì đó con người đã được tạo thành. Quả vậy, Lời Chúa cũng cho thấy tội lỗi đang ẩn náu trong trái tim con người. Trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, ta thường thấy tội lỗi được diễn tả như là sự từ khước nghe Lời, là bẻ gẫy Giao ước và do đó là đóng cửa với Thiên Chúa, Đấng vẫn mời gọi ta hiệp thông với Ngài.[78] Quả thế, Kinh Thánh cho thấy tội lỗi con người, trong yếu tính, là sự bất tuân và từ chối nghe. Sự vâng lời triệt để của Đức Giêsu cho đến chết trên thập giá (x. Pl 2,8) đã hoàn toàn lột mặt nạ tội lỗi ấy. Do sự vâng lời của Người, Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và con người được hoàn tất, và chúng ta được ban cho khả năng giao hoà. Quả thật, Đức Giêsu đã được Chúa Cha sai đến làm lễ hy sinh đền tạ tội lỗi chúng ta và tội lỗi toàn thế giới (x. 1 Ga 2,2; 4,10; Dt 7,27). Như thế, chúng ta được ban cho có thể hưởng nhờ lòng Chúa từ bi thương xót ban ơn cứu chuộc và bắt đầu một đời sống mới trong Chúa Kitô. Chính vì thế, điều quan trọng là các tín hữu phải được dạy cho biết nhận ra rằng cội rễ của tội chính là từ khước nghe Lời Chúa và đón nhận nơi Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, ơn tha thứ mở ơn cứu độ ra cho chúng ta.

Đức Maria, “Mẹ của Ngôi Lời Thiên Chúa” và “Mẹ đức tin”

27. Các Nghị Phụ đã tuyên bố rằng mục tiêu căn bản của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần XII này trước tiên là “đổi mới niềm tin của Giáo Hội vào Lời Thiên Chúa”. Chính vì thế, ta cần nhìn lên nơi hoàn tất tương giao hỗ tương giữa Lời Thiên Chúa và đức tin, đó chính là Đức Trinh Nữ Maria, là “đấng, bằng tiếng ‘xin vâng’ đối với Lời Giao ước và sứ mạng của mình, đã làm trọn cách hoàn hảo ơn gọi thần linh của nhân loại”.[79] Thực tại nhân loại, được Lời tạo thành, tìm được hình ảnh hoàn hảo nhất nơi đức tin vâng phục của Đức Maria. Từ Truyền Tin đến Hiện Xuống, ngài luôn tỏ ra là một phụ nữ hoàn toàn sẵn sàng với ý muốn của Thiên Chúa. Người là đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, đấng “đầy ân sủng” (x. Lc 1,28) và vâng phục Lời Ngài vô điều kiện (x. Lc 1,38). Đức tin vâng phục của người đặt cuộc đời người từng giây từng phút trước sáng kiến của Thiên Chúa. Là Trinh Nữ lắng nghe, người sống hoàn toàn hoà điệu với ý muốn Thiên Chúa; người ghi giữ trong lòng mọi biến cố thuộc đời sống Con của người, bằng cách xếp đặt chúng lại thành một bức tranh khảm duy nhất (x. Lc 2,19. 51).[80]

Vào thời đại chúng ta, cần giúp đỡ các tín hữu thấy rõ hơn dây liên kết giữa Đức Maria Nadarét và việc lắng nghe Lời Thiên Chúa trong đức tin. Tôi cũng khuyến khích các nhà nghiên cứu đào sâu tối đa tương quan giữa Thánh Mẫu Học và nền thần học về Lời. Từ đó ta có thể rút ra nhiều lợi ích cho cả đời sống thiêng liêng lẫn việc nghiên cứu thần học và Kinh Thánh. Quả thật, điều mà sự hiểu biết đức tin đã giúp ta biết được về Đức Maria nằm ngay ở trung tâm của chân lý Kitô giáo. Trong thực tế, không thể nào quan niệm được cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời nếu bỏ sang một bên sự tự do của người thiếu nữ ấy, là người, nhờ ưng thuận, đã nhất quyết cộng tác với việc Đấng Vĩnh Cửu bước vào thời gian. Đức Maria là hình ảnh của Giáo Hội đang chăm chú lắng nghe Lời Thiên Chúa, lời đang thành xác phàm nơi ngài. Đức Maria cũng là biểu tượng cho việc mở lòng ra với Thiên Chúa và với tha nhân; cho việc lắng nghe tích cực có khả năng nội tâm hoá và hấp thụ, trong đó Lời Thiên Chúa trở thành lòng mẹ mang sự sống.

28. Đến đây, tôi muốn nhắc đến sự quen thuộc của Đức Maria đối với Lời Thiên Chúa. Điều này nổi rõ xán lạn trong Kinh Magnificat. Ở đây, theo một nghĩa nào đó, ta thấy ngài đã tự đồng hoá với Lời, đi vào trong Lời; trong bài thánh ca đức tin đầy tuyệt diệu này, Đức Trinh Nữ đã ngợi khen Đức Chúa bằng chính lời của Người: “Kinh Magnificat, – có thể nói, là bức chân dung của tâm hồn ngài – hoàn toàn được dệt nên bằng các sợi chỉ Kinh Thánh, những sợi chỉ rút ra từ Lời Thiên Chúa. Vì thế, ta thấy ở trong Lời Thiên Chúa, Đức Maria tỏ ra thật sự ở trong nhà người, người thoải mái đi ra đi vào. Người nói năng và suy nghĩ nhờ Lời Thiên Chúa; Lời Thiên Chúa trở thành lời của người, và lời của người phát sinh từ Lời Thiên Chúa. Hơn nữa, ta thấy tư tưởng của người hoà điệu với tư tưởng của Thiên Chúa, ý muốn của người hệ tại việc muốn với Thiên Chúa. Vì được Lời Thiên Chúa thấm nhuần sâu xa, người có thể trở thành Mẹ của Lời Nhập Thể”.[81]

Ngoài ra, khi nhìn lên Mẹ Thiên Chúa, ta thấy hoạt động của Thiên Chúa trong thế giới luôn lôi kéo tự do của ta vào, bởi vì trong đức tin, Lời Chúa biến đổi chúng ta. Cũng thế, công việc tông đồ và mục vụ của chúng ta sẽ không bao giờ hữu hiệu nếu chúng ta không học nơi Đức Maria cách để cho Thiên Chúa nhào nắn chúng ta: “Với tình yêu và lòng mộ mến, việc quan tâm đến dung mạo của Đức Ma-ri-a như khuôn mẫu và nguyên mẫu cho đức tin của Giáo Hội có tầm quan trọng cốt thiết để tạo ra được ngày hôm nay nữa một thay đổi cụ thể về điển hình trong tương quan của Giáo Hội với Lời, trong thái độ lắng nghe với tư thế cầu nguyện cũng như qua việc quảng đại dấn thân cho sứ mạng và việc loan báo”.[82]

Khi chiêm ngưỡng nơi Mẹ Thiên Chúa một cuộc sống hoàn toàn được uốn nắn bởi Lời, ta khám phá ra rằng cả ta nữa, ta cũng được mời gọi bước vào Mầu nhiệm đức tin, nhờ đó Chúa Kitô đến cư ngụ trong đời sống chúng ta. Thánh Ambrôsiô nhắc chúng ta rằng, theo một nghĩa nào đó, mọi Kitô hữu đang tin, đều đang cưu mang và sinh hạ Lời Thiên Chúa: nếu chỉ có một người Mẹ duy nhất của Đức Kitô theo xác thịt, ngược lại, trong đức tin, Đức Kitô là hoa quả của lòng mọi người.[83] Như thế, điều đã xảy ra cho Đức Maria cũng có thể xảy ra nơi chúng ta mỗi ngày, khi lắng nghe Lời và khi cử hành các Bí tích.

ViỆc giẢi thích KINH Thánh trong Giáo HỘi

Giáo Hội, nơi phát xuất ra việc giải thích Kinh Thánh

29. Một đề tài quan trọng khác đã được đặt ra trong Thượng Hội Đồng, mà giờ đây tôi muốn lưu ý, đó là việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội. Dây liên kết nội tại giữa Lời và đức tin nêu bật điều này là khoa giải thích chân chính Kinh Thánh chỉ có thể có khi ở bên trong đức tin của Giáo Hội, một đức tin có khuôn mẫu là tiếng ‘xin vâng’ của Đức Maria. Về điểm này, thánh Bônaventura đã khẳng định rằng, không có đức tin, ta không có chìa khoá để đi vào bản văn thánh: “Chính sự hiểu biết về Đức Giêsu Kitô là như một nguồn mạch, từ đó tuôn trào ra sự chắc chắn và sự hiểu biết về toàn bộ Kinh Thánh. Do đó, không thể đi vào hiểu biết Kinh Thánh nếu không có niềm tin đến từ Chúa Kitô. Niềm tin này là ánh sáng, là cửa và cũng là nền tảng của toàn Sách Thánh”.[84] Còn thánh Tôma Aquinô, khi trích dẫn thánh Augustinô, đã nhấn mạnh rằng: “Ngay cả chữ viết của Tin Mừng cũng giết chết, nếu ở bên trong con người, không có ơn đức tin có sức chữa lành”.[85]

Điều này cho phép chúng ta nhắc lại một tiêu chuẩn căn bản của khoa giải thích Kinh Thánh: nơi phát xuất ra việc giải thích Kinh Thánh là đời sống của Giáo Hội. Khẳng định này không có ý coi quy chiếu về Giáo Hội như là một tiêu chuẩn ngoại tại mà các nhà chú giải phải tuân theo, nhưng đúng hơn là điều được yêu cầu bởi chính thực tại của Kinh Thánh và bởi cách thức Kinh Thánh đã thành hình trong thời gian. Quả thật, “các truyền thống đức tin đã tạo ra khung cảnh sống cho sinh hoạt văn chương của các tác giả Sách Thánh. Việc tháp nhập này cũng bao hàm việc chia sẻ cả đời sống phụng vụ và đời sống bên ngoài của các cộng đoàn, chia sẻ thế giới tinh thần, văn hoá và những thăng trầm trong lịch sử các cộng đoàn này. Tương tự như thế, việc giải thích Kinh Thánh đòi hỏi các nhà chú giải phải tham gia vào đời sống và đức tin của cộng đoàn tín hữu thời họ”.[86] Do đó, “vì Sách Thánh cũng phải được đọc và giải thích dưới ánh sáng của cùng một Thần Khí, Đấng đã giúp viết ra Sách Thánh”,[87] nên các nhà chú giải, các nhà thần học và toàn thể Dân Thiên Chúa phải coi Sách Thánh đúng theo bản chất của Sách Thánh, là Lời Thiên Chúa được truyền đạt cho chúng ta xuyên qua một lời nói của con người (x. 1 Tx 2,13). Đó là một dữ kiện thường hằng được mặc nhiên hàm chứa trong chính Kinh Thánh: “Không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2 Pr 1,20-21). Đàng khác, chính đức tin của Giáo Hội nhận biết Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa; như thánh Âu-tinh đã nói một câu đáng ghi nhớ: “Hẳn là tôi sẽ không tin Tin Mừng, nếu thẩm quyền Giáo Hội không đưa tôi đến đó”.[88] Chính Chúa Thánh Thần ban sự sống cho Giáo Hội và làm cho Giáo Hội có khả năng giải thích Thánh Kinh cách trung thực. Kinh Thánh là Quyển Sách của Giáo Hội, và từ vị trí chủ yếu của Kinh Thánh trong đời sống Giáo Hội, phát sinh ra việc giải thích Kinh Thánh đích thật.

30. Thánh Giêrônimô nhắc chúng ta rằng chúng ta không bao giờ có thể đọc Sách Thánh một mình. Chúng ta sẽ gặp rất nhiều khung cửa đóng kín và chắc chắn chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào lầm lạc. Kinh Thánh đã được viết ra bởi Dân Thiên Chúa và cho Dân Thiên Chúa, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Chỉ trong sự hiệp thông này với Dân Thiên Chúa, trong cái “chúng ta” này, chúng ta mới có thể thực sự đi vào trung tâm của chân lý mà chính Thiên Chúa muốn nói với chúng ta.[89] Nhà thông thái trứ danh (Thánh Giêrônimô), người đã từng nói “không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”,[90] đã quả quyết rằng chiều kích Giáo Hội trong việc giải thích Kinh Thánh không phải là một đòi hỏi được áp đặt từ bên ngoài; Quyển Sách ấy đúng là tiếng nói của đoàn Dân lữ hành của Thiên Chúa, và chỉ ở trong đức tin của đoàn Dân này, có thể nói chúng ta ở trong cùng một hòa điệu đúng đắn để hiểu Sách Thánh. Một giải thích trung thực về Kinh Thánh phải luôn luôn hoà điệu với đức tin của Giáo Hội Công Giáo. Chính vì thế, thánh Giêrônimô đã viết cho một linh mục: “Hãy bám chặt lấy giáo lý truyền thống mà cha đã được giảng dạy, để cha có thể khuyên bảo đúng theo giáo lý lành mạnh và phi bác những kẻ chống lại giáo lý này”.[91]

Nếu loại bỏ đức tin, bất cứ cách tiếp cận nào với bản văn thánh cũng chỉ có thể gợi ý cho ta một số yếu tố đáng lưu tâm về cấu trúc và các hình thái của bản văn, nhưng một cách làm như thế rất có thể chỉ là một mở đầu, còn bất toàn về phương diện cấu trúc. Như Ủy Ban Kinh Thánh Giáo hoàng , khi làm vọng lại một nguyên tắc được khoa giải thích Kinh Thánh hiện đại chấp nhận, đã quả quyết: “chỉ ai có một liên hệ sống thật sự với điều mà bản văn nói đến mới hiểu đúng bản văn Kinh Thánh”.[92] Tất cả những điều này giúp nêu bật quan hệ giữa đời sống thiêng liêng và khoa giải thích Kinh Thánh. Quả thật, “khi người đọc trưởng thành trong sự sống của Thánh Thần, bấy giờ khả năng hiểu biết của họ về những thực tại được bản văn Kinh Thánh nói tới cũng gia tăng”.[93] Cường độ của một kinh nghiệm Giáo Hội trung thực chỉ có thể làm phát triển khả năng hiểu biết Lời Thiên Chúa trong đức tin; ngược lại, phải nói rằng đọc Kinh Thánh trong đức tin cũng sẽ làm tăng trưởng chính đời sống Giáo Hội. Từ đó, chúng ta có thể hiểu một cách mới khẳng định trứ danh của Thánh Grêgôriô Cả: “Lời Chúa lớn lên cùng với người đọc Lời”.[94] Như vậy, việc lắng nghe Lời Thiên Chúa dẫn đưa vào và làm gia tăng sự hiệp thông Giáo Hội giữa tất cả những người đang tiến bước trong đức tin.

“Linh hồn của khoa thần học thánh”

31. “Việc nghiên cứu Kinh Thánh phải là như linh hồn của khoa thần học”:[95] câu trích dẫn từ Hiến chế tín lý Dei Verbum này, với thời gian, ngày càng trở nên quen thuộc hơn đối với chúng ta. Có thể nói rằng vào thời kỳ sau Công Đồng Vatican II, các khoa nghiên cứu thần học và chú giải thường nhắc tới công thức trên như một dấu chỉ cho thấy mối lưu tâm mới mẻ đối với Kinh Thánh. Thượng Hội Đồng Giám Mục lần XII cũng thường nhắc tới câu nói thời danh này để diễn tả quan hệ giữa việc nghiên cứu lịch sử và việc giải thích đức tin liên quan tới bản văn thánh. Trong viễn tượng này, các Nghị Phụ vui mừng nhìn nhận rằng việc nghiên cứu Lời Thiên Chúa trong Giáo Hội đã gia tăng trong mấy thập niên vừa qua, và các ngài bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với nhiều nhà chú giải và nhà thần học đã và tiếp tục tận tụy, ra sức dấn thân và vận dụng khả năng mà góp phần đáng kể vào việc đào sâu ý nghĩa của Kinh Thánh, khi đương đầu với những vấn đề phức tạp mà thời đại chúng ta đặt ra cho khoa nghiên cứu Kinh Thánh.[96] Các ngài cũng đã bày tỏ những tâm tình biết ơn chân thành đối với các thành viên của Ủy Ban Kinh Thánh Giáo hoàng , đã nối tiếp nhau dọc theo các năm tháng này và trong thế liên kết chặt chẽ với Bộ Giáo Lý Đức Tin, vẫn tiếp tục vận dụng khả năng chuyên môn mà khảo sát nhiều vấn đề đặc thù gắn liền với việc nghiên cứu Kinh Thánh. Hơn nữa, Thượng Hội Đồng cũng đã muốn tự hỏi về tình trạng hiện nay của công việc nghiên cứu Kinh Thánh và tầm quan trọng của công việc này trong lãnh vực thần học. Quả thế, tính hữu hiệu về mục vụ trong hoạt động của Giáo Hội cũng như đời sống thiêng liêng của tín hữu tùy thuộc phần lớn vào tương quan phong phú giữa ngành chú giải và thần học. Chính vì thế, tôi thấy cần phải nhắc lại một vài suy nghĩ đã xuất hiện trong các trao đổi về chủ đề này tại các phiên họp của Thượng Hội Đồng.

Khai triển việc nghiên cứu Kinh Thánh và Huấn Quyền của Giáo Hội

32. Trước hết, cần nhìn nhận lợi ích mà khoa chú giải phê bình-lịch sử và các phương pháp phân tích bản văn mới được khai triển gần đây từng đem lại cho đời sống Giáo Hội.[97] Trong cách thức tiếp cận Công Giáo đối với Kinh Thánh, cần phải lưu tâm tới các phương pháp này, vì đây là điều liên hệ đến tính hiện thực của mầu nhiệm Nhập Thể: “Sự cần thiết này là hậu quả của nguyên tắc Kitô giáo đã được diễn tả trong Tin Mừng thánh Gioan 1,14: Ngôi Lời đã trở nên người phàm. Sự kiện lịch sử là một chiều kích tạo nên niềm tin Kitô giáo. Lịch sử cứu độ không phải là một thần thoại học, mà là một lịch sử đích thực, và do đó, phải được nghiên cứu bằng các phương pháp nghiên cứu lịch sử nghiêm túc”.[98] Tuy nhiên, việc nghiên cứu Kinh Thánh đòi hỏi phải hiểu biết và sử dụng thích đáng các phương pháp nghiên cứu này. Nếu đúng là trong thời buổi hiện đại, sự nhạy cảm này trong các nghiên cứu đã phát triển mạnh mẽ hơn, dù là theo cách không đồng đều tùy theo nơi chốn, tuy thế trong truyền thồng lành mạnh của Giáo Hội, vẫn luôn có một lòng yêu mến đối với việc nghiên cứu về “chữ viết (văn tự)”. Ở đây, chỉ cần nhắc tới nền văn hoá đan tu, chính nền văn hóa này là nền tảng tối hậu của nền văn hóa châu Âu; tại gốc rễ của nền văn hoá đan tu này, ta thấy có mối quan tâm tới lời. Lòng khao khát Thiên Chúa gồm có lòng yêu mến đối với lời trong mọi chiều kích của nó: “bởi vì trong lời Kinh Thánh, Thiên Chúa đang trên đường đến với chúng ta và chúng ta đang trên đường đến với Ngài, phải học cách đi sâu vào bí mật của ngôn ngữ, hiểu ngôn ngữ trong cấu trúc và trong các cách sử dụng của nó. Như thế, do chính công cuộc tìm kiếm Thiên Chúa, các khoa học phàm tục nào chỉ cho chúng ta con đường đi tới ngôn ngữ, đều trở nên quan trọng”.[99]

33. Huấn Quyền sống động của Giáo Hội có nhiệm vụ “giải thích chính thức Lời Thiên Chúa, đã được ghi chép hay truyền lại”;[100] Huấn Quyền từng can thiệp một cách khôn ngoan và quân bình để có một lập trường đúng đắn đối với việc dẫn nhập các phương pháp mới về phân tích lịch sử. Tôi nghĩ cách riêng đến các thông điệp Providentissimus Deus của Đức giáo hoàng Lêô XIII và Divino Afflante Spiritu của Đức giáo hoàng Piô XII. Chính vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Gioan Phaolô II đã nhắc lại tầm quan trọng của các văn kiện này đối với ngành chú giải và thần học nhân dịp kỷ niệm một trăm năm và năm mươi năm ngày các văn kiện ấy được công bố.[101] Nhờ sự can thiệp của ngài, Đức giáo hoàng Lêô XIII đã có công bảo vệ việc giải thích Kinh Thánh của Công Giáo khỏi rơi vào các cuộc tấn công của thuyết duy lý, nhưng không tìm náu mình trong một ý nghĩa thiêng liêng tách rời lịch sử. Không lùi bước trước phương pháp phê bình khoa học, ngài chỉ cảnh giác đối với “các định kiến tự cho là dựa trên khoa học, nhưng trong thực tế đã gian xảo đưa khoa học đi ra ngoài lãnh vực của nó”.[102] Về phần ngài, Đức giáo hoàng Piô XII phải đương đầu với nhiều đòn tấn công từ phía những người ủng hộ một cách chú giải tự cho là thần bí, cách chú giải này bác bỏ mọi tiếp cận khoa học. Thông điệp Divino afflante Spiritu đã rất tinh tế tránh tạo ra một sự phân đôi giữa “chú giải khoa học” dùng cho khoa hộ giáo và “giải thích thiêng liêng dùng trong nội bộ”; trái lại, thông điệp khẳng định cả “tầm mức thần học của nghĩa văn tự được xác định có phương pháp” lẫn sự kiện “chính việc xác định nghĩa thiêng liêng… cũng thuộc phạm vi của khoa chú giải”.[103] Theo cách đó, cả hai văn kiện đều loại bỏ “sự chia cắt giữa lãnh vực nhân loại và lãnh vực thần linh, giữa nghiên cứu khoa học và cái nhìn đức tin, giữa nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng”.[104] Thế quân bình này sau đó đã được duy trì trong văn kiện của Ủy Ban Kinh Thánh Giáo hoàng năm 1993: “trong việc giải thích, các nhà chú giải Công Giáo không bao giờ được quên rằng những gì họ đang giải thích là Lời của Thiên Chúa. Nhiệm vụ chung của họ không kết thúc khi họ đã phân biệt được các nguồn, xác định được những hình thức hoặc giải thích được những phương thức văn chương. Công việc họ làm chỉ đạt tới đích khi họ đã giải thích được ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh xét như là Lời của Thiên Chúa cho ngày hôm nay”.[105]

Việc giải thích Kinh Thánh theo Công Đồng: một chỉ thị cần nắm vững

34. Trên bối cảnh này, ta có thể đánh giá tốt hơn các nguyên tắc quan trọng cho việc giải thích thuộc khoa chú giải Công giáo do Công Đồng Vatican II đã quy định, đặc biệt trong Hiến chế tín lý Dei Verbum: “Vì trong Kinh Thánh, Thiên Chúa nói nhờ loài người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy, nên để thấy rõ điều chính Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta, nhà chú giải Kinh Thánh phải cẩn thận tìm hiểu điều các thánh sử thật sự có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn diễn tả qua lời lẽ của các ngài”.[106] Một đàng, Công Đồng nhấn mạnh tới việc nghiên cứu các văn thể và ngữ cảnh, như là những yếu tố căn bản giúp hiểu được ý nghĩa tác giả thánh nhắm đến. Đàng khác, vì Kinh Thánh phải được giải thích trong cùng một Thần Khí theo đó Kinh Thánh đã được viết ra, Hiến chế tín lý đưa ra ba tiêu chuẩn nền tảng để giúp quan tâm đến chiều kích thần linh của Kinh Thánh: 1) phải giải thích bản văn trong khi vẫn lưu ý tới tính thống nhất của toàn bộ Kinh Thánh; ngày nay, người ta gọi đây giải thích theo Thư Quy; 2) kế đó, phải quan tâm đến Truyền thống sống động của toàn thể Giáo Hội; và 3) cuối cùng, phải tỏ ra tôn trọng nguyên tắc loại suy đức tin. “Chỉ khi nào cả hai bình diện phương pháp luận, phương pháp mang tính phê bình-lịch sử và phương pháp mang tính thần học, đều được tôn trọng, ta mới có thể nói tới một khoa chú giải thần học, tức một khoa chú giải phù hợp với Quyển Sách này”.[107]

Các Nghị Phụ có lý khi quả quyết rằng không thể chối cãi được hoa trái tích cực phát sinh từ việc sử dụng phương pháp nghiên cứu phê bình-lịch sử. Tuy nhiên, trong khi khoa chú giải hàn lâm hiện đại, kể cả Công Giáo, làm việc ở một cấp độ cao trên bình diện của phương pháp luận phê bình-lịch sử bằng cách tiếp thu những đóng góp mới đây, vẫn nên yêu cầu có một nghiên cứu tương tự dành cho chiều kích thần học của các bản văn Kinh Thánh, hầu Kinh Thánh được hiểu sâu sắc hơn, theo ba yếu tố đã được Hiến chế tín lý Dei Verbum nêu ra.[108]

Nguy hiểm của thuyết nhị nguyên và khoa chú giải trần tục hoá

35. Về phương diện này, nên nhắc tới nguy cơ trầm trọng do một thuyết nhị nguyên mới xuất hiện ngày nay khi tiếp cận Kinh Thánh. Quả thế, phân biệt hai bình diện tiếp cận Kinh Thánh không hề có nghĩa tách biệt chúng hay đặt chúng đối lập nhau, cũng không chỉ là đặt chúng bên nhau. Chúng được liên kết với nhau. Đáng tiếc thay, không hiếm khi người ta đã tách biệt chúng cách vô ích, và do đó, tạo ra một sự phân rẽ giữa chú giải và thần học, điều này “xảy ra cả ở những bình diện học thuật cao nhất”.[109] Ở đây, tôi muốn nhắc đến các hậu quả đáng lo ngại nhất cần phải tránh.

a) Trước hết, nếu hoạt động chú giải chỉ giới hạn ở bình diện thứ nhất, thì hậu quả là làm cho chính Kinh Thánh thành một bản văn thuộc quá khứ: “Ta có thể rút ra được các hệ luận luân lý, ta có thể học biết lịch sử, nhưng Quyển Sách như thế chỉ nói về quá khứ, và khoa chú giải không còn thật sự mang tính thần học nữa, mà trở thành một khoa sử học thuần túy, một khoa lịch sử về văn chương”.[110] Rõ ràng là một lối giản lược như thế không thể nào giúp hiểu được biến cố Thiên Chúa mạc khải bằng Lời của Ngài, một mạc khải đã được truyền lại cho ta trong Truyền thống sống động và trong Kinh Thánh.

b) Tình trạng thiếu một công việc chú giải Kinh Thánh theo đức tin không phải chỉ kéo theo một sự trống vắng; thay vào đó sẽ không tránh được một cách giải thích khác, một cách giải thích trần tục hóa, duy nghiệm, với chìa khóa căn bản là xác tín rằng yếu tố thần linh không hề xuất hiện trong lịch sử loài người. Theo cách giải thích này, bất cứ chỗ nào xem ra có sự hiện diện của một yếu tố thần linh, thì đều phải được giải thích cách khác và phải giản lược mọi sự vào chiều kích nhân loại. Hậu quả là người ta đề nghị những cách giải thích phủ nhận tính lịch sử của các yếu tố thần linh.[111]

c) Một lập trường như thế chỉ có thể gây ra những tác hại trong đời sống Giáo Hội, vì gieo rắc sự hoài nghi đối với các Mầu nhiệm căn bản của Kitô giáo và giá trị lịch sử của chúng, chẳng hạn việc thiết lập phép Thánh Thể và sự Phục Sinh của Đức Kitô. Khi đó, người ta đã áp đặt một cách giải thích triết học, cách này phủ nhận rằng yếu tố thần linh có thể đi vào và hiện diện trong lịch sử. Chấp nhận một lối giải thích như thế trong các nghiên cứu thần học chắc chắn sẽ đưa tới một tình trạng lưỡng phân nặng nề phân biệt giữa chú giải chỉ giới hạn ở bình diện thứ nhất và thần học chỉ nhằm thiêng liêng hoá ý nghĩa của Kinh Thánh, mà không tôn trọng đặc tính lịch sử của Mạc Khải.

Lập trường này chỉ có thể đưa tới một kết quả tiêu cực cả trên đời sống thiêng liêng lẫn trên hoạt động mục vụ; “hậu quả của tình trạng thiếu vắng bình diện phương pháp luận thứ hai là đã tạo ra một hố sâu phân cách giữa chú giải khoa học và Lectio divina. Đôi khi điều này có thể gây ra một tình trạng thiếu trong sáng trong việc soạn bài giảng lễ”.[112] Cũng cần phải lưu ý rằng sự lưỡng phân này đôi khi tạo ra tình trạng mơ hồ lẫn lộn và thiếu chắc chắn trong việc đào luyện trí thức cho các ứng viên đi tới các thừa tác vụ thánh.[113] Tóm lại, “nơi nào khoa chú giải không phải là khoa thần học, thì Kinh Thánh không thể là linh hồn của khoa thần học, và ngược lại, nơi nào nền thần học không chủ yếu là việc giải thích Kinh Thánh của Giáo Hội, nền thần học ấy sẽ không còn có nền móng nữa”.[114] Vậy, cần phải cương quyết quan tâm nhiều hơn nữa đến các chỉ dẫn mà Hiến chế tín lý Dei Verbum đã cung cấp về phương diện này.

Đức tin và lý trí trong tiếp cận Kinh Thánh

36. Tôi tin rằng điều Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết về vấn đề này trong thông điệp Fides et ratio có thể giúp hiểu biết đầy đủ hơn về khoa chú giải và tương quan của khoa này với toàn bộ thần học. Ngài quả quyết rằng không được đánh giá thấp “mối nguy hiểm gắn liền với ý muốn cố gắng rút ra chân lý Kinh Thánh từ việc áp dụng một phương pháp luận duy nhất, mà quên rằng cần có một cách chú giải bao quát hơn, giúp nhà chú giải, cùng với toàn thể Giáo Hội, đạt tới nghĩa trọn của các bản văn. Những ai dấn thân vào việc nghiên cứu Kinh Thánh phải luôn nhớ rằng các phương pháp luận giải thích khác nhau đều có một quan niệm triết học tại nền của chúng: vậy cần cứu xét phương pháp ấy cẩn thận trước khi áp dụng vào các bản văn thánh”.[115]

Suy tư sáng suốt ấy giúp ta thấy rõ là trong tiếp cận giải thích Kinh Thánh, nhất thiết sẽ phải đề cập đến tương quan đúng đắn giữa đức tin và lý trí. Quả thế, cách giải thích Kinh Thánh kiểu trần tục hoá phải được coi như là hành vi của một lý trí, về phương diện cấu trúc, muốn loại trừ khả năng Thiên Chúa đi vào trong đời sống loài người và nói với loài người bằng ngôn ngữ loài người. Vậy, trong trường hợp này, cần phải mời người ta mở rộng phạm vi của lý trí.[116] Chính vì thế, khi sử dụng các phương pháp phân tích lịch sử, ta phải tránh chọn cho mình những tiêu chuẩn nào tiên thiên khép lại với việc Thiên Chúa tự mạc khải ra trong lịch sử loài người. Tóm lại, tính thống nhất của hai bình diện giải thích Kinh Thánh giả thiết có một sự hài hoà giữa đức tin và lý trí. Một đàng, phải có một đức tin nắm vững một tương quan thích đáng với lý trí ngay thẳng và không bao giờ được thoái hoá thành chủ trương duy tín, đưa tới cách đọc Kinh Thánh theo chủ trương bảo thủ. Đàng khác, phải có một lý trí, trong khi đi tìm các yếu tố lịch sử có trong Kinh Thánh, tỏ ra cởi mở và không tiên thiên bác bỏ tất cả những gì vượt quá tầm mức của mình. Nói cho cùng, tôn giáo của Lời nhập thể sẽ chỉ có thể cho thấy rằng tôn giáo này hết sức hợp lý đối với bất cứ ai chân thành đi tìm chân lý và ý nghĩa tối hậu của đời mình và của lịch sử.

Nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng

37. Như Thượng Hội Đồng đã quả quyết,[117] nếu vẫn biết lắng nghe các Giáo Phụ và học cách tiếp cận chú giải của các ngài, ta nhận được một đóng góp tốt mà tìm lại được một lối giải thích Kinh Thánh thích đáng. Quả thế, các Giáo Phụ cống hiến cho chúng ta một nền thần học vẫn còn giá trị quan trọng cho ngày hôm nay bởi vì tập trung vào việc nghiên cứu Kinh Thánh như một toàn bộ. Trước hết và chủ yếu, các ngài là “những nhà chú giải Kinh Thánh”.[118] Gương sáng của các ngài có thể “dạy các nhà chú giải hiện đại một lối tiếp cận thực sự có tính tôn giáo đối với Kinh Thánh, cũng như một lối giải thích luôn luôn hài hoà với tiêu chuẩn hiệp thông vào kinh nghiệm của Giáo Hội, đang tiến bước xuyên qua lịch sử dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần”.[119]

Dù rõ ràng không có được các tài nguyên triết học và lịch sử mà các nhà chú giải hiện đại hiện sử dụng, Truyền thống Giáo Phụ và Trung Cổ vẫn biết nhận ra những nghĩa khác nhau của Kinh Thánh, bắt đầu với nghĩa văn tự, tức “nghĩa được các lời của Kinh Thánh nói lên và được khoa chú giải nhận ra dựa trên những quy tắc giải thích đúng đắn”.[120] Thánh Tôma Aquinô chẳng hạn, viết rằng “tất cả các nghĩa của Kinh Thánh đều đặt căn bản trên nghĩa văn tự”.[121] Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng thời các Giáo Phụ và thời Trung Cổ, mọi hình thức chú giải, kể cả hình thức văn tự, cũng đều được thực hiện trên căn bản đức tin, và không nhất thiết phân biệt giữa nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng. Ở đây, chúng ta có thể nhắc tới hai câu thơ Trung Cổ diễn tả tương quan giữa các nghĩa khác nhau của Kinh Thánh: “Littera gesta docet, quid credas allegoria, Moralis quid agas, quo tendas anagogia. (Nghĩa văn tự nói tới các biến cố; nghĩa ẩn dụ nói những gì phải tin; Nghĩa luân lý nói tới những gì phải làm; nghĩa loại suy nói về điều phải hướng tới”).[122]

Ở đây, ta ghi nhận sự thống nhất và mối tương quan qua lại giữa nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng, mà nghĩa này được phân chia nhỏ ra thành ba nghĩa, tức nghĩa nói tới các nội dung đức tin, đời sống luân lý và sự vươn tới cánh chung.

Tóm lại, dù vẫn nhìn nhận giá trị và sự cần thiết, cũng như các giới hạn, của phương pháp phê bình-lịch sử, ta vẫn học được từ các Giáo Phụ điều này: việc chú giải chỉ “trung thành được với ý hướng của các bản văn Kinh Thánh trong mức độ cố gắng tìm thấy, ngay trong tình trạng các bản văn được viết ra, thực tại đức tin mà chúng diễn tả, và liên kết được thực tại này với kinh nghiệm đức tin của thế giới chúng ta”.[123] Chỉ trong viễn tượng này, ta mới có thể nhận ra rằng Lời Thiên Chúa vẫn sống động và đang ngỏ lời với mỗi người chúng ta ngay tại đây và lúc này trong đời sống ta. Theo nghĩa này, khẳng định của Ủy Ban Kinh Thánh Giáo hoàng vẫn còn hoàn toàn giá trị, khi xác định nghĩa thiêng liêng theo đức tin Kitô giáo là như “nghĩa được các bản văn Kinh Thánh diễn tả, khi người ta đọc các bản văn đó dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần, trong bối cảnh Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô và đời sống mới phát xuất từ mầu nhiệm đó. Bối cảnh này có thật. Tân Ước nhìn nhận trong bối cảnh đó các lời Sách Thánh được hoàn tất. Như thế, việc đọc lại Sách Thánh dưới ánh sáng của bối cảnh mới này, tức là bối cảnh đời sống trong Chúa Thánh Thần, là điều hoàn toàn có thể chấp nhận”.[124]

Cần phải vượt quá chữ viết

38. Như thế, muốn tái khám phá tác động qua lại giữa các nghĩa khác nhau của Sách Thánh, điều chủ yếu là phải hiều việc chuyển đi từ chữ viết sang tinh thần. Đây không phải là một cuộc chuyển dịch tự động và tự phát; đúng hơn, cần phải vượt quá chữ viết: “quả vậy, Lời Thiên Chúa không bao giờ chỉ hiện diện với chữ viết của bản văn. Muốn đạt tới lời của Ngài, cần phải có một cuộc vượt quá và một tiến trình hiểu biết, được hướng dẫn bởi chuyển động bên trong của toàn bộ các bản văn, và từ đó, cũng phải trở thành một tiến trình liên hệ đến đời sống”.[125] Như thế, chúng ta khám phá ra lý do tại sao tiến trình giải thích chính thức không bao giờ chỉ có tính tri thức mà còn liên hệ đến đời sống, một tiến trình đòi ta phải dấn thân vào đời sống của Giáo Hội, hiểu như là đời sống “theo Thần Khí” (Gl 5,16). Như thế, các tiêu chuẩn được đưa ra tại số 12 của Hiến chế tín lý Dei Verbum trở nên rõ ràng hơn: không thể thực hiện một cuộc di chuyển như thế khởi đi từ một mảnh văn mà thôi, nhưng phải liên hệ với toàn bộ Kinh Thánh. Thực vậy, chính vì để đạt tới một Lời duy nhất mà chúng ta nhất thiết phải thực hiện cuộc di chuyển nầy. Một tiến trình như thế mang kịch tính sâu xa, vì trong tiến trình di chuyển nầy, cuộc chuyển đi diển ra trong quyền lực Thánh Thần, nhất thiết can dự tới tự do của mỗi người. Thánh Phaolô đã sống cuộc quá độ này trọn vẹn trong cuộc sống của ngài. Ý nghĩa của cuộc vượt quá chữ viết và việc chỉ hiểu được nó theo toàn bộ, ngài đã diễn tả cách triệt để.trong câu: “Chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống” (2 Cr 3,6). Thánh Phaolô khám phá ra rằng “Thần Khí tự do có một tên riêng, và do đó, sự tự do có một mức độ nội tại: ‘Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí Chúa, thì ở đó có tự do’ (2 Cr 3,17). Thần Khí tự do không chỉ là ý tưởng hoặc cái nhìn riêng của nhà chú giải. Thần Khí, chính là Chúa Kitô, và Chúa Kitô là Đức Chúa chỉ đường cho chúng ta”.[126] Chúng ta biết rằng ngay cả với thánh Augustinô, cuộc di chuyển này vừa mang kịch tính vừa có sức giải thoát; ngài đã tin vào Kinh Thánh, mà lúc đầu ngài thấy vừa rời rạc vừa thô thiển, nhưng nhờ tiến trình di chuyển mà ngài học được từ nơi thánh Ambrôsiô qua cách giải thích tiên trưng, toàn bộ Cựu Ước đã trở thành một con đường dẫn tới Chúa Giêsu Kitô. Đối với thánh Augustinô, việc vượt quá chữ viết đã làm cho chữ viết trở thành khả tín và giúp ngài sau cùng tìm được câu trả lời cho những nỗi lo lắng sâu xa của tâm hồn ngài, đang khao khát chân lý.[127]

Tính thống nhất nội tại của Kinh Thánh

39. Trong Truyền thống vĩ đại của Giáo Hội, trong cuộc vượt quá từ chữ viết sang tinh thần, chúng ta cũng học được cách nhận ra tính thống nhất của toàn bộ Sách Thánh, bởi vì chỉ có một Lời Thiên Chúa đang thúc bách cuộc sống ta bằng cách không ngừng mời gọi ta hoán cải.[128] Các lời lẽ của Hugues de Saint-Victor vẫn là một hướng dẫn chắc chắn cho chúng ta: “Tất cả Sách Thánh là một Quyển Sách duy nhất và Quyển Sách duy nhất đó là chính Chúa Kitô, nói về Chúa Kitô và được nên trọn trong Chúa Kitô”.[129] Dĩ nhiên, nếu chỉ nhìn theo phương diện lịch sử hay văn chương, Kinh Thánh không thể nào là một quyển sách duy nhất được, mà là một tuyển tập các bản văn văn chương, được soạn thảo trong hơn một ngàn năm, và cũng không dễ gì mà nhận ra từng quyển riêng lẻ như thuộc về một toàn bộ; trái lại, ta thấy có những căng thẳng giữa chúng với nhau. Điều này đã đúng cho trường hợp Kinh Thánh của Israel, mà Kitô hữu chúng ta gọi là Cựu Ước. Và điều này còn đúng hơn nữa, khi chúng ta, trong tư cách là Kitô hữu, chúng ta liên kết Tân Ước và các sách của Tân Ước, hầu như một thứ chìa khoá giải thích, với Kinh Thánh của Israel, mà coi bản này như một nẻo đường dẫn đến với Chúa Kitô. Nói chung, Tân Ước không sử dụng hạn từ “Sách Thánh” (x. Rm 4,3; 1 Pr 2,6) mà là “các Sách Thánh” (x. Mt 21,43; Ga 5,39; Rm 1,2, 2 Pr 3,16), nhưng “các sách” này vẫn được coi trong toàn bộ như là Lời duy nhất của Thiên Chúa đang được ngỏ với chúng ta.[130] Như thế rõ ràng là chính bản thân Chúa Kitô đã đưa lại tính thống nhất cho các “Sách Thánh” trong quan hệ với “Lời” duy nhất. Như thế, ta hiểu những gì được khẳng định tại số 12 của Hiến chế tín lý Dei Verbum”, khi nhắc đến tính thống nhất nội tại của toàn bộ Kinh Thánh như là tiêu chuẩn quyết định cho một việc giải thích đúng đắn trong đức tin.

Tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước

40. Trong viễn tượng duy nhất tính của Kinh Thánh trong Đức Kitô, các nhà thần học cũng như các vị Mục tử cần ý thức về các tương quan giữa Cựu và Tân ước. Trước tiên, rõ ràng Tân Ước nhận Cựu Ước là Lời Thiên Chúa, nên cũng công nhận thế giá của Sách Thánh Do-thái.[131] Tân Ước công nhận cách mặc nhiên khi dùng cùng một ngôn từ và thường ám chỉ đến nhiều đoạn văn của Sách Thánh ấy. Tân Ước công nhận cách minh nhiên khi trích dẫn nhiều đoạn từ Sách Thánh ấy để lập luận. Luận chứng dựa trên các các bản văn Cựu Ước có giá trị nhất định, vượt trên mọi lý luận thuần túy nhân loại. Trong Tin Mừng IV, Đức Giêsu đã xác nhận điều ấy khi tuyên bố “Lời Kinh thánh không thể bị hủy bỏ” (Ga 10,35), đặc biệt thánh Phaolô nhấn mạnh rằng Mạc khải trong Cựu ước tiếp tục có giá trị cho các tín hữu (x. Rm 15,4; 1 Cr 10,11).[132] Đàng khác, chúng ta quả quyết “Đức Giêsu Nadarét là một người Do-thái và Đất thánh là đất mẹ của Hội Thánh”.[133] Gốc rễ của Kitô giáo được tìm thấy trong Cựu Ứớc và Kitô giáo luôn luôn được nuôi dưỡng bởi gốc rễ này. Vì thế, giáo lý lành mạnh của Giáo Hội luôn phản đối mọi hình thái mới của thuyết Marcion bằng nhiều cách nhằm đặt Cựu Ước đối kháng với Tân Ước.[134]

Ngoài ra, chính Tân Ước xác quyết Tân Ước phù hợp với Cựu Ước và tuyên bố rằng trong Mầu nhiệm sự sống, sự chết và sống lại của Đức Kitô, Kinh Thánh của Dân tộc Do-thái đạt được sự hoàn tất hoàn hảo. Tuy nhiên, cần hiểu rằng khái niệm hoàn tất của Kinh Thánh thì phức tạp bởi mang ba chiều kích: một phương diện nền tảng là sự tiếp nối với Mạc khải Cựu Ước, một phương diện đứt đoạn và một phương diện hoàn tất và vượt quá. Mầu nhiệm Đức Kitô nằm trong thế tiếp nối về ý hướng với nền phụng tự hiến tế của Cựu Ước, nhưng được thực hiện cách rất khác biệt, tương ứng với nhiều sấm ngôn của các tiên tri và đạt mức hoàn hảo mà trước đây chưa từng có. Thực sự, Cựu Ước đầy những giằng co giữa phương diện định chế và phương diện tiên tri. Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô hoàn toàn phù hợp cách không ngờ với các sấm ngôn và với phương diện tiên báo của Kinh Thánh; ít ra Mầu nhiệm này cho thấy được những khía cạnh rõ ràng của sự gián đoạn với các định chế Cựu Ước.

41. Những nhận định trên biểu lộ tầm quan trọng không thể chối cãi của Cựu Ước đối với các Kitô hữu, đồng thời nêu bật tính độc đáo của việc đọc Kinh thánh mang tính Kitô học. Từ thời các Tông đồ và sau đó trong Truyền thống sống động, Giáo Hội luôn làm sáng tỏ tính duy nhất của chương trình của Thiên Chúa trong hai Giao ước, nhờ vào phương pháp kiểu mẫu song đối; phương pháp này không mang tính võ đoán nhưng luôn nằm ở bên trong các biến cố Sách Thánh tường thuật, và dĩ nhiên liên quan đến toàn bộ Kinh Thánh. Phương pháp kiểu mẫu song đối “biện phân trong các công trình của Thiên Chúa thời Giao ước cũ những hình ảnh tiên trưng về những gì Ngài đã hoàn thành khi đến thời viên mãn nơi bản thân của Người Con nhập thể của Ngài”.[135] Do đó, Kitô hữu phải đọc Cựu Ước dưới ánh sáng Đức Kitô chết và sống lại. Việc đọc Kinh Thánh như thế tỏ bày cho ta nội dung vô tận của Cựu Ước trong tương quan với Tân Ước, nhưng không được làm ta quên nó vẫn giữ giá trị Mạc khải riêng, như chính Chúa chúng ta đã tái khẳng định (x. Mc 12,29-31). Vì vậy, “Tân Ước đòi phải được đọc dưới ánh sáng Cựu Ước. Giáo lý Kitô giáo thời đầu đã thường xuyên nại vào Cựu Ước (x. 1 Cr 5,6-8; 1 Cr 10,1-11)”.[136] Vì lẽ đó, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng quả quyết rằng “hiểu Kinh Thánh theo kiểu Do-thái có thể giúp các Kitô hữu hiểu biết và học hỏi Kinh Thánh”.[137]

“Tân Ước được ẩn giấu trong Cựu Ước và Cựu Ước được tỏ bày trong Tân Ước”,[138] đó là điều mà thánh Augustinô, với sự khôn ngoan sâu sắc, đã diễn tả về đề tài này. Vì thế, điều quan trọng trong mục vụ cũng như trong môi trường nghiên cứu học tập, là cần nêu bật mối tương quan mật thiết của hai Giao ước, bằng cách nhắc lại với thánh Grêgôriô Cả rằng điều mà Cựu Ước hứa, thì Tân Ước cho thấy, điều mà Cựu Ước loan báo cách kín ẩn, thì Tân Ước công bố cách rõ ràng. Vì thế Cựu Ước là lời tiên tri về Tân Ước, còn Tân Ước chính là lời bình luận tuyệt vời của Cựu ước.[139]

Những trang “tăm tối” của Kinh Thánh

42. Trong bối cảnh tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước, Thượng Hội Đồng cũng đề cập đến vấn đề những trang Kinh Thánh tăm tối và khó hiểu, do nói về bạo lực và sự vô luân. Về vấn đề này, trước tiên cần lưu ý rằng Mạc khải Kinh Thánh cắm rễ sâu xa trong lịch sử. Kế hoạch của Thiên Chúa được biểu lộ tiệm tiến và thực hiện chầm chậm qua các giai đoạn nối tiếp nhau, dù gặp phải sự kháng cự của con người. Thiên Chúa đã chọn một dân riêng và nhẫn nại giáo dục dân ấy. Mạc Khải thích ứng với trình độ văn hóa và luân lý của các thời đại xa xưa và do đó tường thuật lại những sự kiện và những tục lệ, chẳng hạn những hành động gian lận, những can thiệp bạo động, việc hủy diệt các dân tộc, mà không hiển nhiên tố cáo sự vô luân. Điều này được lý giải bằng bối cảnh lịch sử nhưng có thể làm cho độc giả thời nay ngỡ ngàng, nhất là khi người ta quên nhiều lối xử sự “tăm tối” mà qua dòng lịch sử con người vẫn mắc phải, kể cả thời chúng ta. Trong Cựu Ước, các tiên tri đã từng nặng lời với mọi hình thức bất công và bạo lực, tập thể cũng như cá nhân, và đó là cách thức mà Thiên Chúa dùng như phương tiện giáo hóa Dân Ngài hầu chuẩn bị cho họ đón nhận Tin Mừng. Vì thế, hẳn sẽ là sai lầm nếu không coi các trang Kinh Thánh này đặt vấn đề cho chúng ta. Tốt nhất chúng ta cần ý thức rằng để hiểu những trang này, phải có hiểu biết chuyên môn nhờ học hỏi cách đọc bản văn trong bối cảnh lịch sử-văn chương và theo chiều hướng Kitô giáo, có “Tin mừng và Luật mới được hoàn tất trong mầu nhiệm Vượt Qua”[140] như chìa khóa tuyệt vời của chú giải. Tôi khuyến khích những nhà nghiên cứu và các Mục tử nỗ lực giúp các tín hữu tiếp cận những trang Kinh Thánh này nhờ đọc và khám phá ý nghĩa dưới ánh sáng của Mầu nhiệm Đức Kitô.

Kitô hữu và Do-thái đứng trước Kinh Thánh

43. Khi nhìn nhận mối tương quan mật thiết nối kết Cựu và Tân Ước, chúng ta nghĩ ngay đến mối liên hệ giữa Kitô hữu và Do-thái, một liên hệ không bao giờ được quên lãng. Với người Do-thái, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã từng tuyên bố: “Các bạn là những người anh em thân quý của chúng tôi trong đức tin của Abraham, tổ phụ chúng ta”.[141] Chắc chắn, lời tuyên bố trên không có nghĩa là không biết gì về những đứt đoạn với các định chế Cựu Ước mà Tân Ước đã xác định, và càng không có nghĩa là không biết gì về sự hoàn tất Kinh Thánh trong mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô, đã được nhận biết là Đấng Mêsia và là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự khác biệt sâu xa và tận căn ấy không hề bao hàm một sự thù nghịch đối với nhau. Ngược lại, gương thánh Phaolô (x. Rm 9-11) cho thấy rằng “một thái độ tôn trọng, quý mến và yêu thương đối với Dân tộc Do-thái là thái độ duy nhất thật sự Kitô giáo trong hoàn cảnh hiện nay, một hoàn cảnh hiểu là thành phần nhiệm mầu trong kế hoạch hoàn toàn tích cực của Thiên Chúa”.[142] Quả thật, khi đề cập đến người Do-thái, thánh Phaolô khẳng định rằng: “Theo ơn tuyển chọn, họ là những người được yêu thương, và đó là nhờ các tổ phụ. Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý” (Rm 11,28-29).

Hơn nữa, thánh Phaolô còn dùng hình ảnh xinh đẹp là cây ô-liu để mô tả mối tương quan rất gần gũi giữa Kitô hữu và Do-thái: Giáo Hội của Lương Dân như cành cây ô-liu dại, được tháp vào cây ô-liu tốt là Dân Giao Ước (x. Rm 11,17-24). Như thế, chúng ta rút được nguồn lương thực từ chính những nguồn cội thiêng liêng ấy. Chúng ta gặp gỡ nhau như anh em, những người anh em mà vào một vài thời điểm lịch sử đã có một quan hệ căng thẳng, nhưng giờ đây vững vàng dấn bước vào việc xây dựng những nhịp cầu nối, dựa trên nền tảng là tình bạn vững bền.[143] Cũng chính Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Chúng ta có nhiều điểm chung. Cùng nhau, chúng ta có thể góp phần rất nhiều mà xây dựng hòa bình, công lý, xây dựng một thế giới huynh đệ hơn và nhân bản hơn”.[144]

Tôi mong muốn khẳng định lại lần nữa rằng việc đối thoại với người Do-thái thật quý hóa đối với Giáo Hội. Tại bất cứ nơi nào thấy là thích hợp, rất nên kiến tạo những cơ hội để gặp gỡ và trao đồi, kể cả những cơ hội công khai, nhắm giúp đào sâu sự hiểu biết lẫn nhau, quý mến nhau và hợp tác, kể cả trong việc nghiên cứu Kinh Thánh.

Giải thích Kinh Thánh theo thuyết bảo thủ

44. Do đã quan tâm đến các khía cạnh khác nhau của đề tài giải thích Kinh Thánh, nay chúng tôi có thể đề cập đến vấn đề đã nhiều lần được đặt ra trong các tranh luận của Thượng Hội Đồng, đó là giải thích Kinh Thánh theo thuyết bảo thủ.[145] Về vấn đề này, Ủy Ban Kinh Thánh Giáo hoàng , trong văn kiện Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội, đã trình bày những chỉ dẫn quan trọng. Ở đây, tôi muốn lưu ý đặc biệt đến những cách đọc không tôn trọng bản tính đích thực của bản văn thánh, nên đã đưa ra những lối giải thích chủ quan và tùy tiện. Quả vậy, chủ thuyết “duy văn tự” được kiểu đọc bảo thủ đề cao trong thực tế là một phản bội cả đối với nghĩa văn tự lẫn nghĩa thiêng liêng, vì mở đường cho đủ kiểu lèo lái, chẳng hạn phổ biến những cách giải thích Kinh Thánh chống Giáo Hội. “Vấn đề căn bản đặt ra cho lối giải thích Kinh Thánh bảo thủ là: khi từ chối không đếm xỉa đến tính chất lịch sử của Mạc khải Kinh Thánh, nó làm cho mình không có khả năng chấp nhận trọn vẹn chân lý của chính việc Nhập Thể. Chủ trương bảo thủ tìm cách trốn tránh bất cứ sự gần gũi nào giữa cái thánh thiêng và cái phàm nhân trong những mối tương giao với Thiên Chúa (...) Vì lý do đó, chủ trương này có khuynh hướng xử lý bản văn Kinh Thánh như thể bản văn đã được Thánh Thần đọc chính tả từng chữ. Chủ trương này không thể nhận rằng Lời Thiên Chúa đã được công thức hóa trong một ngôn ngữ và cách diễn tả chịu ảnh hưởng của thời đại này, thời đại kia”.[146] Ngược lại, Kitô giáo nhận ra trong các lời chính Lời, chính Logos, đang chiếu tỏa Mầu nhiệm của Người xuyên qua tình trạng đa phức và thực tế của lịch sử nhân loại.[147] Câu trả lời đích thực cho một lối đọc bảo thủ là “cách đọc Kinh thánh trong niềm tin được thực hành từ thời Thượng Cổ trong Truyền thống của Giáo Hội; [cách đọc này] đi tìm chân lý cứu độ đưa lại sự sống cho mỗi tín hữu và cho toàn Giáo Hội. Cách đọc này nhìn nhận giá trị lịch sử của Truyền thống Kinh Thánh. Chính là do giá trị của Truyền thống này như là một chứng tá lịch sử mà cách đọc này muốn tái khám phá ra ý nghĩa sống động của Kinh Thánh là nhắm đến sự sống của các tín hữu hôm nay”,[148] tuy vẫn không bỏ qua vai trò trung gian nhân loại của bản văn linh hứng và các thể văn của bản văn.

Đối thoại giữa các Mục tử, các nhà thần học và các nhà chú giải

45. Việc giải thích đích thực trong đức tin đưa đến những hệ quả quan trọng trong lãnh vực hoạt động mục vụ của Giáo Hội. Về vấn đế này, các Nghị Phụ đã khuyến cáo phải có, chẳng hạn, một liên hệ chặt chẽ hơn giữa các Mục tử, các nhà chú giải và các nhà thần học. Các Hội đồng Giám mục rất nên khuyến khích kiểu gặp gỡ này “nhằm cổ võ một sự hiệp thông sâu sắc hơn tron việc phục vụ Lời Thiên Chúa”.[149] Một sự cộng tác như thế giúp mỗi người chu toàn nhiệm vụ của mình cách tốt đẹp hơn vì lợi ích của cả Giáo Hội. Quả thật, đối với các nhà nghiên cứu cũng vậy, dấn thân theo chiều hướng mục vụ có nghĩa là tiếp cận bản văn thánh trong tư cách là một sứ điệp Thiên Chúa truyền thông cho loài người nhằm cứu độ họ. Vì thế, như Hiến chế tín lý Dei Verbum đã tuyên bố, “các nhà chú giải Công Giáo và những nhà nghiên cứu thần học phải chuyên cần hiệp lực, cố gắng dùng những phương thế thích hợp mà khảo sát và trình bày Kinh Thánh, dưới sự trông nom của Huấn Quyền thánh; công việc này phải được thực hiện thế nào để có đa số tối đa những người phục vụ Lời Chúa có thể cung cấp hữu hiệu cho dân Thiên Chúa lương thực Kinh Thánh có sức soi sáng tâm trí, củng cố ý chí và thiêu đốt lòng người yêu mến Thiên Chúa”.[150]

Kinh Thánh và đại kết

46. Ý thức rằng Giáo Hội được xây dựng trên Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, Thượng Hội Đồng muốn nhấn mạnh đến đặc tính trung tâm của các nghiên cứu Kinh Thánh trong cuộc đối thoại đại kết, nhằm diễn tả trọn vẹn sự hợp nhất của tất cả những người tin vào Chúa Kitô.[151] Quả thật, chính trong Kinh Thánh, chúng ta gặp được lời cầu nguyện rất cảm động Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha để xin cho các môn đệ của Người được nên một, hầu thế gian có thể tin (x. Ga 17,21). Tất cả những điều này càng củng cố chúng ta trong xác tín rằng cùng lắng nghe và suy niệm Lời Chúa giúp chúng ta sống sự hiệp thông thật sự, cho dù chưa trọn vẹn;[152] “việc cùng nhau lắng nghe Kinh Thánh như thế thúc đẩy chúng ta đi tới đối thoại bác ái và làm tăng trưởng đối thoại chân lý”.[153] Thật vậy, cùng lắng nghe Lời Thiên Chúa với nhau, cùng thực hành Lectio divina, để cho mình ngỡ ngàng trước tính chất mới mẻ, không bao giờ già đi hoặc cạn kiệt, của Lời Thiên Chúa, vượt thắng tình trạng điếc lác khiến chúng ta không nghe được những lời không hòa hợp với các ý kiến hoặc thành kiến của chúng ta, lắng nghe và học hỏi Lời trong sự hiệp thông với các tín hữu thuộc mọi thời đại: tất cả những điều này làm nên một con đường phải rảo qua để đạt tới sự hợp nhất trong đức tin, như một lời đáp trả cho việc lắng nghe Lời Thiên Chúa.[154] Lời của Công Đồng Vatican II thật sự rõ ràng về điểm này: “Trong chính việc đối thoại [đại kết], Kinh Thánh là dụng cụ tuyệt hảo trong bàn tay toàn năng của Thiên Chúa để đạt tới sự hiệp nhất được Đấng Cứu Thế tỏ bày cho mọi người”.[155] Do đó, rất nên phát triển việc nghiên cứu, tranh luận và những cuộc cử hành đại kết về Lời Thiên Chúa, trong sự tôn trọng những luật lệ riêng và những truyền thống khác nhau.[156] Những cuộc cử hành này giúp ích cho công cuộc đại kết, và một khi được sống đúng ý nghĩa, chúng tạo nên những thời điểm đầy ắp lời cầu nguyện chân thật để xin Thiên Chúa cho mau đến ngày chúng ta vẫn khao khát, ngày mà chúng ta cùng có thể tiến tới cùng một bàn ăn và uống cùng một chén duy nhất. Tuy nhiên, dù cổ võ những thời điểm này là việc chính đáng và đáng khen, phải đề nghị thế nào để các tín hữu không coi đó như là những cách thay thế Thánh lễ vào những ngày lễ buộc.

Trong công việc học hỏi và cầu nguyện, chúng ta cũng thanh thản nhìn nhận có những khía cạnh còn cần phải được đào sâu và do đó chúng ta còn xa cách nhau, chẳng hạn trong Giáo Hội, phải hiểu thế nào về chủ thể có quyền giải thích và về vai trò quyết định của Huấn Quyền.[157]

Đàng khác, tôi muốn nhấn mạnh đến những gì các Nghị Phụ đã nói về tầm quan trọng đối với lãnh vực đại kết của các bản dịch Kinh Thánh trong các ngôn ngữ khác nhau. Quả thật, chúng ta biết rằng dịch một bản văn không phải là một công việc thuần túy máy móc, nhưng theo nghĩa nào đó, thuộc về công việc giải thích. Về vấn đề này, Đấng đáng kính Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Những ai còn nhớ là những cuộc tranh luận xung quanh Kinh Thánh đã gây ra những chia rẽ nặng nề thế nào, nhất là bên Phương Tây, đều có thể đánh giá cao bước tiến đầy ý nghĩa là những bản dịch làm chung ấy”.[158] Theo nghĩa này, cổ võ những bản dịch chung Kinh Thánh góp phần vào nỗ lực đại kết. Ở đây, tôi muốn cám ơn tất cả những ai đang đảm nhận trách nhiệm quan trọng này và khích lệ họ kiên trì theo đuổi công việc của họ.

Các hậu quả trên việc tổ chức các khoa thần học

47. Một hậu quả khác xuất phát từ một việc giải thích đúng đắn trong đức tin, đó là cần phải cho thấy những liên hệ của công việc này với việc đào tạo chú giải và thần học, đặc biệt với việc đào tạo các ứng viên cho chức linh mục. Phải làm sao cho việc học hỏi Kinh Thánh thật sự là linh hồn của thần học trong mức độ người ta nhìn nhận rằng Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa đang ngỏ với thế giới hôm nay, với Giáo Hội và với riêng từng người. Điều quan trọng là các tiêu chuẩn được nêu ra trong số 12 của Hiến chế tín lý Dei Verbum được thực sự quan tâm và được đào sâu. Phải tránh vun trồng quan niệm là có thể nghiên cứu cách khoa học, coi như trung lập, đối với Kinh Thánh. Vì thế, trong khi học các ngôn ngữ mà Kinh Thánh đã được viết và những phương pháp chú giải thích hợp, các sinh viên cũng cần phải có một đời sống thiêng liêng sâu sắc, đến nỗi hiểu được rằng chỉ có thể hiểu Kinh Thánh, nếu sống Kinh Thánh.

Trong viễn tượng ấy, tôi yêu cầu việc học hỏi Lời Thiên Chúa, đã được truyền đạt và viết ra, phải diễn ra một trong một tinh thần Giáo Hội sâu sắc. Vì mục đích ấy, trong đào tạo trường lớp, cần quan tâm đến những can thiệp của Huấn Quyền trên lãnh vực này; Huấn Quyền “không ở trên Lời Thiên Chúa nhưng là tôi tớ phục vụ Lời, vì chỉ giảng dạy điều đã được truyền lại, cũng như do mệnh lệnh của Thiên Chúa và nhờ ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Huấn Quyền kính mến lắng nghe, thành kính gìn giữ và trung thành trình bày Lời đó”.[159] Do đó, phải để ý làm cho công việc học hỏi diễn tiến với xác tín là “do ý định hết sức khôn ngoan của Thiên Chúa, Thánh Truyền, Thánh Kinh và Huấn Quyền của Giáo Hội được nối kết và liên đới với nhau đến nỗi một cái nào có thể đứng vững một mình không cần hai cái kia”.[160] Tôi ao ước rằng, theo lời dạy của Công Đồng Vatican II, việc học hỏi Kinh Thánh, được đọc trong sự hiệp thông với Giáo Hội phổ quát, phải thật sự là linh hồn của các khoa thần học.[161]

Các thánh và việc giải thích Kinh Thánh

48.Việc giải thích Kinh Thánh hẳn sẽ không đầy đủ nếu ta không đặt mình lắng nghe chính những người đã từng sống Lời Thiên Chúa, đó là các thánh.[162] Thật vậy, “viva lectio est vita bonorum” (việc đọc Lời Chúa sống động là đời sống của những người tốt lành).[163] Quả thế, những người có thể giải thích Kinh Thánh sâu sắc nhất là những người đã để cho Lời Thiên Chúa uốn nắn, qua việc lắng nghe, đọc và chuyên chăm suy niệm.

Chắc chắn không phải tình cờ mà các nền linh đạo lớn đã ghi đậm nét trên lịch sử Giáo Hội đều phát sinh nhờ quy chiếu minh nhiên về Kinh Thánh. Tôi nghĩ chẳng hạn đến thánh Antôn tu viện trưởng, được đánh động bởi lắng nghe các lời của Đức Kitô: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21).[164] Không kém đánh động là trường hợp thánh Basiliô Cả, vì trong tác phẩm Opera Moralia, ngài đã tự hỏi: “Điều gì là điểm thuộc riêng đức tin? Đó chính là sự chắc chắn tròn đầy và không hề nghi ngờ về sự thật của những Lời được Thiên Chúa linh hứng [...] Điều gì là điểm thuộc riêng của người tín hữu? Đó là sống phù hợp với chắc chắn tròn đầy vào những gì mà các lời Kinh Thánh diễn tả, không dám thêm hoặc bớt dù chỉ một lời”.[165] Thánh Biển-đức, trong Tu luật của người, đã quy chiếu về Kinh Thánh như “chuẩn mực hoàn toàn ngay thẳng cho đời sống con người”.[166] Thánh Phanxicô Assisi, như tác giả Tôma Xêlanô viết, “khi nghe dạy rằng các môn đệ Đức Kitô không được sắm vàng, bạc hay tiền đồng giắt lưng, khi đi đường không được mang theo bao bị, lương thực, gậy chống, cũng không mang giày dép, không có tới hai áo…, lập tức lòng thánh nhân hớn hở vui mừng trong Chúa Thánh Thần, ngài reo lên: “Đây là điều tôi mong mỏi, đây là điều tôi tìm kiếm, đây là điều tôi hết sức ước muốn thực hiện!”.[167] Thánh Clara đã lấy lại trọn vẹn cho mình kinh nghiệm của thánh Phanxicô: “Lối sống Hội Dòng các Chị Em Nghèo Khó là: Tuân giữ Phúc Âm thánh của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.[168] Thánh Đa Minh Gútman cũng thế, “ở mọi nơi, người đều tỏ ra là con người của Tin Mừng, trong lời nói cũng như việc làm”[169] và muốn rằng các anh em thuyết giáo của người đều phải như thế: “những con người của Tin Mừng”.[170] Thánh Têrêsa Giêsu, nữ tu Dòng Kín Cát-minh, trong các tác phẩm của người, thường xuyên nại tới các hình ảnh Kinh Thánh để giải thích kinh nghiệm thần bí của người; người nhắc lại rằng chính Chúa Giêsu tỏ bày cho người biết rằng “mọi sự dữ của thế gian đều phát xuất từ chỗ thiếu hiểu biết rõ ràng về các chân lý của Kinh Thánh”.[171] Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã khám phá ra Tình yêu như ơn gọi riêng của người khi nghiền ngẫm Kinh Thánh, đặc biệt các chương 12 và 13 của Thư 1 gửi tín hữu Côrintô;[172] cũng chính vị thánh này đã mô tả sự thu hút của Kinh Thánh: “Em chỉ việc liếc vào Tin Mừng, là lập tức em ngửi thấy hương thơm cuộc đời Chúa Giêsu và em biết em phải chạy về phía nào”.[173] Mỗi vị thánh giống như một tia sáng phát xuất từ Lời Thiên Chúa: chúng ta có thể nghĩ đến thánh Inhaxiô Lôiôla khi người đi tìm kiếm chân lý và phân định thiêng liêng; thánh Gioan Bốtcô với niềm say mê giáo dục giới trẻ; thánh Gioan Maria Vianney với ý thức về sự cao cả của chức linh mục như hồng ân và bổn phận; thánh Piô Pietrelcina như dụng cụ của lòng thương xót Thiên Chúa; thánh Giôsêmaria Étcriva trong hoạt động rao giảng về lời Thiên Chúa mời gọi mọi người nên thánh; chân phước Têrêsa Cancútta, nhà thừa sai của lòng bái ái Thiên Chúa đối với những kẻ bị bỏ rơi, và nghĩ tới cả các vị tử đạo dưới chế độ Đức quốc xã và cộng sản, được đại diện bởi thánh Bênêđita Thánh giá (Edith Stein), nữ tu Cát-minh và chân phước Alôi Stêpinác, Hồng y tổng giám mục Zagreb.

49. Như thế, sự thánh thiện trong tương quan với Lời Thiên Chúa cách nào đó thuộc về truyền thống tiên tri, tại đó Lời Thiên Chúa bố trí cuộc đời của vị tiên tri theo hướng phục vụ Người. Theo nghĩa này, sự thánh thiện trong Giáo Hội là một cách giải thích Kinh Thánh mà không ai có thể bỏ qua. Thánh Thần, Đấng đã linh hứng các tác giả thánh, cũng là Đấng dẫn đưa các thánh đến chỗ hiến tặng cuộc đời các ngài cho Tin Mừng. Khi cố gắng học lấy gương sống của các ngài, chúng ta đi trên nẻo đường chắc chắn để thực hiện được một cách giải thích Lời Thiên Chúa sống động và hiệu quả.

Từ mối liên hệ giữa Lời Thiên Chúa và sự thánh thiện, chúng ta đã có một chứng tá trực tiếp trong kỳ họp XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Đó là vào ngày 12-10, tại quảng trường thánh Phêrô, đã diễn ra lễ phong thánh cho bốn vị thánh mới: linh mục Gaêtanô Ericô, đấng sáng lập Hội Thừa sai Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria; Mẹ Maria Bênađa Buýtle, sinh tại Thụy-sĩ và truyền giáo tại Êquađo và Côlômbia; Nữ tu Anphonsina của Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, vị thánh đầu tiên sinh tại Ấn-độ; nữ giáo dân Nácxiađa Giêsu Máctigiô Môran. Bằng đời sống, các ngài đã làm chứng cho toàn thế giới và cho Giáo Hội thấy sự phong phú vĩnh hằng của Tin Mừng Đức Kitô. Chúng ta hãy cầu xin Chúa, nhờ sự cầu thay nguyện giúp của các vị thánh được phong trong thời gian Thượng Hội Đồng Giám Mục họp về Lời Chúa, ban cho đời sống chúng ta thành “mảnh đất tốt”, trên đó Đấng gieo giống thần linh có thể gieo Lời, hầu mang lại trong ta những hoa trái thánh thiện, “gấp ba mươi, sáu mươi và một trăm” (Mc 4,20).

 

 

 


[1] X. Đề nghị 1.

[2] X. Đại Hội Thường Lệ lần XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Instrumentum laboris, s.27.

[3] X. Đức Lêô XIII, Thông điệp Providentissimus Deus (18-11-1893): AAS (1893-94), 269-292; Đức Bênêđitô XV, Thông điệp Spiritus Paraclitus (15-9-1920): AAS 12 (1920), tr. 385-422; Đức Piô XII, Thông điệp Divino afflante Spiritu (30/9/1943): AAS 35 (1943), tr. 297-325.

[4] Đề nghị 2.

[5] Nt.

[6] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 2.

[7] Nt, s. 4.

[8] X. Đức Phaolô VI, Tông thư Summi Dei Verbum (4-11-1963): AAS 55 (1963), tr. 979-995; nt, Motu Proprio Sedula cura (27-6-1971): AAS 63 (1971), tr. 665-669; Đức Gioan-Phaolô II, Buổi tiếp kiến chung (1-5-1985) : l’Osservatore Romano bản tiếng Pháp, 2 và 3-5-1985, tr. 12; Diễn từ về việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (23-4-1993): AAS 86 (1994), tr. 232-242: La Documentation catholique (DC) số 2073, tr. 503; Đức Bênêđitô XVI, Buổi tiếp kiến tại Hội Nghị kỷ niệm 40 năm Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa (16-9-2005): AAS 97 (2005), tr. 957; Kinh Truyền tin (6-1-2005); Ủy Ban Kinh Thánh giáo hoàng, Kinh Thánh và Kitô học (1984): Ench. Vat. 9, số 1208-1339; Tính duy nhất vá đa dạng trong Giáo Hội (11-4-1988): Ench. Vat. 11, số 544-643; Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (15-4-1993): Ench. Vat.13, số 2846-3150; Dân Do-thái và Kinh Thánh Do-thái giáo trong Bộ Kinh Thánh Kitô giáo (24-5-2001): Ench. Vat. 20, số 733-1150; Kinh Thánh và luân lý. Các nguồn cội Kinh Thánh của lối hành xử Kitô hữu (11-5-2008), Città del Vaticano 2008.

[9] X. Đức Bênêđitô XVI, Diễn từ cho Giáo triều Rôma (22-12-2008): AAS 101 (2009) tr. 50; OR bản tiếng Pháp, 23-30-12-2008, tr. 3.

[10] X. Đề nghị 37.

[11] X. Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Dân Do-thái và Kinh Thánh Do-thái giáo trong Bộ Kinh Thánh Kitô giáo (24-5-2001): Ench. Vat. 20, s. 733-1150.

[12] X. Đức Bênêđitô XVI, Diễn từ cho Giáo triều Rôma (22-12-2008): AAS 101 (2009) tr. 50; l’Osservatore Romano bản tiếng Pháp (OR bản tiếng Pháp), 23 và 30-12-2008, tr. 4.

[13] X. Đức Bênêđitô XVI, Kinh truyền tin (4-1-2009): l’Osservatore Romano bản tiếng Pháp, 6-1-2009, tr. 7.

[14] X. Đại Hội Thường Lệ lần XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Relatio ante disceptationem, I : OR bản tiếng Pháp, 4-11-2008, tr. 9.

[15] X. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 2.

[16] Đức Bênêđitô XVI, Thông điệp Deus caritas est (25-12-2005), số 1: AAS 98 (2006), tr. 217-218.

[17] X. Đại Hội Thường Lệ lần XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Instrumentum laboris, số 9.

[18] Kinh Tin Kính của Công Đồng Nixê Côngtăngtinôpôli: DS 150.

[19] Thánh Bernarđô Clairvaux, Homelia super Missus est, IV, 11 : PL 183, 86 B.

[20] X. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 10.

[21] X. Đề nghị 3.

[22] X. Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên ngôn về tính duy nhất và phổ quát cứu độ của Đức Giêsu Kitô và của Giáo Hội Dominus Iesus (6-8-2000) số 13-15: AAS 92 (2000), tr. 754-756.

[23] X. In Hexaemeron, XX, 5: Opera Omnia, V, Quaracchi 1891, tr. 425-426; Breviloquium I, 8: Opera Omnia, V, Quaracchi 1891, tr. 216-217.

[24] Thánh Bônaventura, Itinerarium mentis in Deum, II, 12: Opera Omnia, V, Quaracchi, 1891, tr. 302-303; x. Commentarius in librum Ecclesiastes, Chương 1, câu 11; Quaestiones, II, 3, Quaracchi 1891, tr. 16.

[25] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, số 3; x. Công Đồng Chung Vatican I, Hiến chế tín lý về đức tin Công Giáo Dei Filius, ch. 2, De revelatione: DS 3004.

[26] X. Đề nghị 13.

[27] Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Đi tìm một nền luân lý phổ quát: một cái nhìn mới trên luật tự nhiên, s. 39.

[28] X. Tổng Luận Thần Học, Ia-IIae, q. 94, a. 2.                                                                                                                                   

[29] Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Kinh Thánh và luân lý. Các nguồn cội Kinh Thánh của lối hành xử Kitô hữu (11-5-2008), tr. 13, 32 và 109.

[30] Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Đi tìm một nền luân lý phổ quát : một cái nhìn mới trên luật tự nhiên, s. 102.

[31] X. ĐứcBênêđitô XVI, Bài suy niệm dịp cử hành Giờ Kinh Trưa khai mạc THĐGM (6-10-2008): AAS 100 (2008), 758-761.

[32] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Dei Verbum, s. 14.

[33] X. Đức Bênêđitô XVI, Thông điệp Deus caritas est (25-12-2005), s. 1: AAS 98 (2006), tr. 217-218.

[34]Ho Logos pachynetai (hoặc brachynetai)». X. Ôrigiênê, Péri Archon, I, 2, 8: Sources Chrétiennes (SC) 252, tr. 127- 129.

[35] X. ĐứcBênêđitô XVI, Bài Giảng lễ Giáng sinh (24-12-2006): AAS 99 (2007), q. 2, OR bản tiếng Pháp, 2-1- 2007, tr. 2.

[36]X. Đại Hội Thường Lệ lần XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Sứ điệp chung kết, II, 4-6.

[37]Thánh Maximô,La vie de Marie, s. 89: CSCO 479, tr. 77.

[38] X. ĐứcBênêđitô XVI, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum caritatis (22-2-2007), s. 9-10 : AAS 99 (2007), tr. 111-112.

[39] X. Đức Bênêđitô XVI, Yết kiến chung (15-4-2009): OR bản tiếng Pháp, 21-4-2009, tr. 2.

[40] X. Đức Bênêđitô XVI, Bài Giảng lễ Hiển Linh (6-1-2009): OR bản tiếng Pháp, 13-1-2009, tr. 6.

[41] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Dei Verbum, s. 4.

[42] Đề nghị4.

[43] X. Thánh Gioan Thánh Giá, Monte edu Carmel, II, 22.

[44]Đề nghị47.

[45] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, s. 67.

[46] X. Bộ Giáo lý Đức Tin, Sứ Điệp Fatima, (26-6-2000): Ench. Vat. 19, s. 974 1021.

[47] Adversus haereses, IV, 7, 4; SC 100, t. 465 ; V, 1, 3: SC 153, tr. 73; V, 28,4: SC 153, tr. 361.

[48] X. Đức Bênêđitô XVI, Tông huấn Thượng Hội Đồng Giám Mục Sacramentum caritatis (22-1-2007), s.12: AAS 99 (2007), tr. 113-­114.

[49] X Đề nghị5.

[50] Adversus haereses, Ill 24, 1: SC 34, tr. 401.

[51] Homeliae in Genesim, XXI, s. 1; PG 53, 175.

[52] Epistula 120, 10: CSEL 55, tr. 500-506.

[53] HomiliaeEzechielemI. VII. 17: CC 142, tr. 94.

[54] «Oculi ergo devotae animae sunt columbarum quia sensus eius per Spiritum sanctum sunt illuminati et edocti, spiritualia sapientes... Nunc quidem aperitur nimae talis sensus, ut intellegat Scripturas»: Richard de Saint-Victor, Explicatio in Cantica canticorum, 15: PL 196, 450 B và D.

[55] Sacramentum Serapionis, II (XX), Didascalia et Constitu­tions apostolorum, xb. F. X. FunkII, Paderborn 1906, tr. 161.

[56] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến Chế tín lý về Mạc Khải Dei Verbum, s. 7.

[57] Nt. s. 8.

[58] Nt.

[59] X. Đề nghị 3.

[60][60] X. Đại Hội Thường Lệ lần XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Sứ điệp chung kết, 5.

[61] Expositio Evangelii secundum Lucam, 6, 33: PL 15, 1677.

[62] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 13.

[63] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, s. 102; Cũng xem Rupert of Deutz, De operibus Spiritus Sancti, I, 6: SC 131, tr. 72-74.

[64] Enarrationes in Psalmos, 103, IV, 1: PL 37, 1378. Các phát biều tương tự với Ôrigiênê, In Ioannem V, 5-6: SC 120, tr. 380-384.

[65] X. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 21.

[66] Nt s. 9.

[67] X. Đề nghị 5 và 12.

[68] X. Công Đồng Chung VaticanII, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 12.

[69] X. Đề nghị 12.

[70] Công Đồng Chung VaticanII, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 11.

[71] Đề nghị 4.

[72] Prol: Opera Omnia V, Quaracchi 1891, tr. 201-202.

[73] X. Đức Bênêđitô XVI, Diễn văn cho thế giới Văn hóa tại Collège des Bernardins ở Paris (12-9-2008): AAS 100 (2008), tr. 721-730.

[74] X. Đề nghị 4.

[75] X. Đại Hội Thường Lệ lần XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Relatio post disceptationem, s. 12.

[76] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 5.

[77] Đề nghị 4.

[78] Ví dụ: Đnl 28,1-2.15,45; 32,1; trong số các ngôn sứi, xin xem: Gr 7,22-28; Is 2,8; 3,10; 6,3; 13,2; cho tới các vị cuối cùng: x. Dcr 3,8. Về thánh Phaolô, x. Rm 10,14-18; 1 Tx 2,13.

[79] Đề nghị 55.

[80] X. Đức Bênêđitô XVI, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (22-2-2007), 33: AAS 99 (2007), tr. 132-133.

[81] Nt, Thông điệp Deus caritas est (25-1222005), 41: AAS 98 (2006), tr. 251.

[82] Đề nghị 55.

[83] X. Expositio Evangelii secundum Lucam, 2, 19: PL 15, tr. 1559-1560.

[84] Breviloquium, Prol.: Opera Omnia, V, Quaracchi 1891, tr. 201-202.

[85] Tổng Luận Thần Học, Ia-IIae, q. 106, art. 2.

[86] Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (15-4-1993), III, A, 3: Ench. Vat. 13, s. 3035.

[87] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 12.

[88] Contra epistulam Manichaei quam vocant fundamenti, V, 6: PL 42,176.

[89] X. Đức Bênêđitô XVI, Yết kiến chung (14-11-2007): OR bản tiếng Pháp, 20-22-2007, tr. 12.

[90] Commentariorum in Isaiam libri, Prol.: PL 24,17.

[91] Epistula 52,7: CSEL 54, tr. 426.

[92] Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (15-4-1993), II, A, 2: Ench. Vat. 13, s. 2988.

[93] Nt, II, A, 2: Ench. Vat.13, s. 2991.

[94] Homiliae in Ezechielem I, VII, 8: CCL 142, 87 (PL 76, 843 D).

[95] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 24; X. Đức Lêô XIII, Thông điệp Providentissimus Deus (18-11-1893), Pars II, sub fine: AAS 26 (1893-94), tr. 269-292; Đức Bênêđitô XV, Thông điệp Spiritus Paraclitus (15-9-1920), Pars III: AAS 12 (1920), tr. 385-422.

[96] X. Đề nghị 26.

[97] X. Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (15-4-1993), A-B: Ench. Vat. 13, ss. 2846-3150.

[98] Đức Bênêđitô XVI, Can thiệp miệng tại phiên họp khoáng đại thứ XIV của Thượng Hội Đồng Giám Mục (14-10-2008); DC s. 2412, tr. 1015; x. Đề nghị 25.

[99] Nt, Diễn văn cho thế giới Văn Hoá tại Collège des Bernardins ở Paris (12-09-2008): AAS 100 (2008), tr. 721-730.

[100] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 10.

[101] X. Đức Gioan-PhaolôII, Diễn văn dịp cử hành kỷ niệm 100 năm thông điệp Providentissimus Deus và kỷ niệm 50 năm thông điệp Divino afflante Spiritu(23-4-1993): AAS 86 (1994), tr. 232-243.

[102] Nt, s. 4: AAS 86 (1994), tr. 235; DC s. 2073, tr. 504.

[103] Nt, s. 5: AAS 86 (1994), tr. 235. DC s. 2073, tr. 505.

[104] Nt, s. 5: AAS 86 (1994), tr. 236. DC s. 2073, tr. 505.

[105] Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (15-4-1993), III, C, 1: Ench. Vat. 13, s. 3065.

[106] S.12.

[107] Đức Bênêđitô XVI, Ngỏ lời với các tham dự viên phiên họp khoáng đại XIV của Thượng Hội Đồng Giám Mục (14-10-2008); DC s. 2412, tr. 1015; x. Đề nghị 25.

[108] X. Đề nghị 26.

[109] Đề nghị 27.

[110] Đức Bênêđitô XVI, Ngỏ lời với các tham dự viên phiên họp khoáng đại XIV của Thượng Hội Đồng Giám Mục (14-10-2008); DC s. 2412, tr. 1015-1016; x. Đề nghị 26.

[111] X. Nt.

[112] Nt.

[113] X. Đề nghị 27.

[114] Đức Bênêđitô XVI, Ngỏ lời với các tham dự viên phiên họp khoáng đại XIV của Thượng Hội Đồng Giám Mục (14-10-2008); DC s. 2412, tr. 1015-1016.

[115] Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Fides et Ratio (14/09/1998), 55: AAS 91 (1999), 49-50.

[116] X. Đức Bênêđitô XVI, Diễn văn gửi Đại Hội Giáo Hội toàn quốc lần thứ 4 tại Italia (19-10-2006): AAS 98 (2006), tr. 804-815; OR bản tiếng Pháp, 24-10-2006, tr. 3-4.

[117] X. Đề nghị 6.

[118] X. thánh Augustinô, De libero arbitrio, III, XXI, 59: PL 32, 1300; De Trinitate, II, I, 2: PL 42, 845.

[119] Bộ Giáo Dục Công Giáo, Huấn thị Inspectis dierum (10-11-1989), 26: AAS 82 (1990), tr. 618.

[120] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, s. 116.

[121] Tổng Luận Thần Học, I, q. 1, art. 10, ad 1.

[122] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, s. 118.

[123] Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (15-4-1993), II, A, 2: Ench. Vat. 13, s. 2987.

[124] Nt, II, B, 2: Ench. Vat. 13, s. 3003.

[125] Đức Bênêđitô XVI, Gặp gỡ với thế giới Văn Hoá tại Collège des Bernardins ở Paris (12-9-2008): AAS 100 (2008), tr. 726.

[126] Nt.

[127] X. Đức Bênêđitô XVI, Yết kiến chung (09-1-2008); OF bản tiếng Pháp 15-1-2008, tr. 12.

[128] X. Đề nghị 29.

[129] De arca Noe, 2, 8: PL 176, 642 C-D.

[130] Xem Đức Bênêđitô XVI, Gặp gỡ với thế giới Văn Hoá tại Collège des Bernardins ở Paris (12-9-2008): AAS 100 (2008), tr. 725.

[131] X. Đề nghị 10; Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Dân tộc Do-thái và Kinh Thánh của họ trong Bộ Kinh Thánh Kitô giáo (24-5-2001), s. 3-5: Ench. Vat. 20, ss. 748-755.

[132] X. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, s. 121-122.

[133] Đề nghị 52.

[134] X. Lời nói đầu cho Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng,Dân tộc Do-thái và Kinh Thánh của họ trong Bộ Kinh Thánh Kitô giáo (24-5-2001), s. 3-5: Ench. Vat. 20, ss. 799-801; x. Ôrigiênê, Các bài giảng về sách Dân số 9,4: SC 415, tr. 238-242.

[135] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, 128.

[136] Như trên, 129.

[137] Đề nghị 52.

[138] Questiones in Heptateuchum, 2, 73: PL 34, 623.

[139] Homiliae in Ezechielem, I, VI, 15: PL 76, 836 B.

[140] Đề nghị 29.

[141] Đức Gioan-Phaolô II, Sứ điệp gửi Đại Kinh sư Rôma (22-5-2004), DC s. 2316, tr. 553.

[142] Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng,Dân tộc Do-thái và Kinh Thánh của họ trong Bộ Kinh Thánh Kitô giáo (24-5-2001), s. 87: Ench. Vat. 20, s. 1150.

[143] X. Đức Bênêđitô XVI, Diễn văn từ biệt tại phi trường quốc tế Ben Gourion của Tel Aviv (15-5-2009): OR bản tiếng Pháp, 26-5-2009, tr. 13.

[144] Đức Gioan-Phaolô II, Diễn văn ngỏ với các đại kinh sư Israel (23-3-2000), DC s. 2224, tr. 372.

[145] X. Đề nghị 46 và 47.

[146] Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (15-4-1993), I, F; tr. 62-63: Ench. Vat. 13, s. 2974.

[147] X. Đức Bênêđitô XVI, Gặp gỡ với thế giới Văn hóa tại Collège des Bernardins ở Paris (12-9-2008): AAS 100 (2008), tr. 726.

[148] Đề nghị 46.

[149] Đề nghị 28.

[150] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 23.

[151] Tuy nhiên ta nhớ rằng về những gì liên hệ đến cách sách gọi là đệ nhị lục của Cựu Ước và ơn linh hứng của chúng, người Công Giáo và Chính Thống không có cùng một Thư Quy Kinh Thánh như người Anh Giáo và Tin Lành.

[152] X. Đại Hội Thường Lệ lần XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Relatio post disceptationem, s. 36.

[153] Đề nghị 36.

[154] X. Đức Bênêđitô XVI, Diễn văn gửi Cuộc họp Hội đồng thông thường lần IX của Ban Tổng Thư Ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục (25-01-2007): AAS 99 (2007), tr. 85-86.

[155] Công Đồng Chung Vatican II, Sắc lệnh về Hiệp Nhất Unitatis redintegratio, s. 21.

[156] X. Đề nghị 36.

[157] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 10.

[158] Thông điệp Ut unum sint (25-5-1995), s. 44: AAS 87 (1995), tr. 947.

[159] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 10.

[160] Như trên.

[161] X. Nt., s. 24.

[162] X. Đề nghị 22.

[163] Thánh Grêgôriô Cả, Moralia in Job XXIV, VIII, 16: PL 76, 295.

[164] X. Thánh Athanaxiô, Vita Antonii, 2,4: PL 73, 127.

[165] Moralia, Regula: LXXX, XXII, PG 31, 867.

[166] Tu luật, s. 73, 3: SC 182, tr. 673.

[167] Tôma Xêlanô, La vita prima di S. Francesco, 22,2-3.

[168] Luật, I, 1-2.

[169] B. Giordano da Sassonia, Libellus de principiis Ordinis Praedicatorum, 104: Monumenta Fratrum Praedicatorum Historica, Roma 1935, 16, tr. 75.

[170] Dòng Anh Em Thuyết Giáo, Hiến chương đầu tiên hoặc Consuetudines, II, XXXI.

[171] Tiểu sử 40, 1.

[172] X. Truyện một tâm hồn, Ms B, foglio recto.

[173] Như trên, Ms C, foglio 35 verso.